Friday 7 December 2007

VÔ NGỘ – GIÁC NGỘ, THẢY ĐỀU RẤT “NGỘ”

( Lc 22, 32 – Lumen Gentium 25 )

Qua nhiều năm lao động ở nước ngoài, bần đạo có dịp chung đụng với một số đồng nghiệp thuộc đủ mọi thành phần ngôn ngữ, sắc tộc khác nhau. Cũng vì sự khác biệt này, mà bần đạo thu thập được nhiều kinh nghiệm về việc “sống Đạo giữa đời”, rất quý. Một trong các kinh nghiệm mà bần đạo có được, muốn chia sẻ với bạn đọc hôm nay, là: tâm tư/thái độ của một người vừa là đồng nghiệp vừa là đồng đạo, thuộc sắc tộc Phi-líp-pin ở Sydney.

Cũng là người Công Giáo chính cống như ai, nhưng đồng nghiệp của bần đạo lại có những ý nghĩ và phong cách rất vui và cũng rất “ngộ”. Mỗi lần phát biểu điều gì, anh đều sửa lại phong cách rất trịnh trọng, mà bảo: bạn này, những điều tôi sắp nói với bạn đây, hiển nhiên đều là “vô ngộ” cả đấy ! Với cụm từ “vô ngộ” anh dùng, ai cũng hiểu là anh không có ý xấc láo phạm thượng, nhưng chỉ muốn chứng minh rằng anh vốn nắm vững chân lý, rất đầy mình. Nắm vững chân lý giống như Đức Giáo Tông nhà mình. Rất Công Giáo. Rất Phi-líp-pi-nô.

Nghe anh nói, ai thấy cũng phát ghét. Nhưng, chẳng buồn phản đối, làm gì. Vì, ở xã hội với đủ mọi thứ tiện nghi đã sẵn, ai cũng có quyền ăn quyền nói, dù là nói sai, nói hụych tẹt. Tuy thế, vừa qua, một đấng bậc rất trịnh trọng ở Sydney cũng có phong cách rất ư là tự hào, khi ngài tuyên bố với báo chí, bảo rằng; hễ có dân biểu nào người gốc Công Giáo, mà bỏ phiếu ủng hộ cho công cuộc nghiên cứu “tế bào vô sinh” ở viện dưới tiểu bang New South Wales này, thì “bản quan” sẽ dứt phép thông công, ngay tức thì. Đại ý “đức ngài” ở Sydney muốn nhắn nhủ: nếu có vị dân biểu nào lại ung dung cho thông qua đạo luật “vô sinh” nói trên, thì khi đi lễ ở Sydney sẽ bị “đức ngài” không cho rước Mình Chúa… mỗi tuần.

Có lẽ vì lời doạ dẫm này mà, mới đây, tờ The Catholic Weekly ngày 1.7.2007, có trích đăng thắc mắc của độc giả trẻ gửi đến Linh Mục phụ trách mục hỏi đáp; thắc mắc về cái-gọi-là đặc tính “vô ngộ” của các đấng bậc cao nhất của Tòa Thánh Rô-ma. Câu hỏi ngắn và gọn như sau:

“Xin ngài giải thích cho biết điều mà xưa nay người ta vẫn gọi là “phán quyết từ Tông Tòa” của Đức Giáo Hoàng có nghĩa gì? Chúng ta có nên hiểu: đó là tuyên bố có tính cách bắt mọi người phải tin không? Phải chăng điều đó còn gọi là “vô ngộ”?

Và, câu trả lời của nhà báo Đạo, dĩ nhiên phải dựa trên sách vở rút từ kho tàng chân lý rất “giác ngộ” của Giáo Hội, như sau:

Cụm từ “Phán quyết từ Tông Tòa” là từ ngữ xuất xứ từ tiếng La-tinh: “Ex Cathedra”. Bên tiếng La- tinh, cụm từ này nghĩa đen được hiểu là: “lời tuyên bố phát xuất từ ghế ngồi”, hay còn gọi là từ ngai tòa của vị Giám Mục. Cũng do ý nghĩa của các từ này, ta có được danh tự “Nhà Thờ Chánh Tòa” (the Cathedral), tức là Nhà Thờ nơi có ngai của vị Giám Mục chủ quản Địa Phận trụ trì. “Phán quyết từ ngai toà” là giáo huấn của Hội Thánh được ban từ vị có quyền bính tối cao của Giáo Hội, tức Đức Giáo Hoàng.

“Phán quyết từ ngai toà” được Công Đồng Vatican I áp dụng vào năm 1870, lúc Công Đồng quyết xác định tính chất “vô ngộ” ( không sai lầm ) của Đức Giáo Hoàng. Công Đồng thời đó đã khẳng định: “Vì thế nên, khi quyết một lòng gắn chặt với truyền thống được phú ban ngay từ đầu của Giáo Hội, chúng tôi ban huấn lệnh và chỉ thị rằng: sẽ trở thành tín điều mặc khải mang tính thánh thiêng, điều mà Đức Giáo Tông ở Rô-ma, khi ngài ngồi ở vị trí trên ngai toà mà phán ra điều gì, thì có nghĩa là ngài đã sử dụng thiên chức của vị Chủ Chăn và là Thầy Dạy để giáo huấn mọi Ki-tô hữu.

Những điều được ngài xác quyết, do quyền bính tối cao của Thánh Tông đồ được Chúa ủy thác, đã trở thành tín điều cho lòng tin hoặc lòng đạo; và Giáo Hội trên khắp địa cầu đều phải tuân giữ. Đức Giáo Tông, nhờ có sự phù trợ của Thiên Chúa, khi đã khẳng định điều gì, thì điều ấy đều mang tính “vô ngộ” được Chúa hứa ban cho ngài qua Thánh Phê-rô; và với lời hứa này, Chúa Cứu Thế muốn rằng Giáo Hội của Chúa phải được ban quyền xác-định tín-điều cho lòng tin và lòng đạo đức; chính vì thế, mọi xác định của Đức Giáo Tông ở Rô-ma sẽ không thể lay chuyển và chẳng cần đến sự đồng thuận của Giáo Hội.” (Hiến chế Đức Tin – Mục Tử Suốt Đời, chương 4, đoạn 11).

Công Đồng Vatican II cũng đã trích dẫn đoạn này và đưa vào Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 25.

Nói tóm lại, để cho tuyên phán của Đức Giáo Hoàng thành “phán quyết từ ngai toà”, cần có ba đặc thù rõ rệt. Trước nhất, phán quyết ấy phải mang tính toàn cầu. Nghĩa là, do Đức Giáo Hoàng, với cương vị là Chủ Chăn Tối Cao và là Thầy Dạy của toàn thể Giáo Hội, chứ không chỉ một phần của Hội Thánh đưa ra. Thứ đến, điều ngài phán phải thuộc về niềm tin hoặc lòng đạo. Tức, thuộc lĩnh vực mà qua đó Giáo Hội có thẩm quyền ban dạy. Và chót hết, điều được Giáo Hội phán quyết phải mang tính định đoạt. Tức, được phán quyết bằng đường lối dứt khoát; có nghĩa là, được ban ra bằng các từ ngữ mà khi nghe phán quyết này, mọi kẻ tin trong Giáo Hội đều chấp nhận sẽ tuân giữ, không có luật trừ.

Mỗi khi Đức Giáo Hoàng ban huấn từ theo cách này, thì giáo huấn của ngài được coi là “vô ngộ”. Có nghĩa là, những điều ngài xác quyết như thế, không mang tính sai trái; bởi lẽ phán quyết ấy được sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần. Nói theo ngôn ngữ của Công Đồng Vatican II, thì: “Chính vì lý do ấy, mà xác định của ngài (tức của Đức Giáo Hoàng ) đều được nói rất đúng, tự bản chất, không thể lay chuyển và cũng chẳng cần có sự đồng thuận của Giáo Hội, bao lâu phán quyết được lập ra có sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần như Chúa đã hứa ban cho Đức Giáo Hoàng trong cương vị của đấng kế vị Thánh Phê-rô.” (xem Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 25 ).

Nói khác đi, mọi tuyên ngôn mang tính “phán quyết từ ngai toà” của Đức Giáo Hoàng đều trở nên “vô ngộ”. Thế nhưng, không phải là mọi phán quyết như thế, đều có liên quan đến tín điều, tức là: tuyên bố có tính cách chính thức về một sự thật mà mọi người trong Giáo Hội phải tuân giữ. Hơn 150 năm qua, chỉ có hai tín điều mới đã được các Đức Giáo Hoàng phán quyết, đó là: tín điều “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, do Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 9 xác quyết vào năm 1854, và tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời” được Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 12 quyết định vào năm 1950.

Tuy nhiên, trong thời gian dài này, đã có nhiều giáo huấn được hiểu đó là các “phán quyết từ ngai toà” nhưng không dính đến tín lý. Tỉ như: việc tấn phong các Thánh nam nữ được coi như tuyên ngôn “vô ngộ”; tức, các Thánh được tấn phong chắc chắn đang ngự trên Nước Trời và đang là đối tượng cho toàn thể Giáo Hội kính nhớ.

Thêm vào với các cuộc phong Thánh, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô 2 cũng đưa ra một số “phán quyết từ ngai toà”. Trong số này, có thể kể ra đây, như: tuyên ngôn ngài lập năm 1994 có nói: “Giáo Hội không có thẩm quyền tấn phong Linh Mục cho các phụ nữ”. Khi ngài tuyên bố như thế, có hàm ngụ là: không có gì nghi ngờ, rằng: Đức Giáo Hoàng, lúc ấy, xử dụng vai trò giáo huấn qua tư cách của Vị Chủ Chăn Tối Cao theo đường lối dứt khoát. Với những lý do nhằm đảm bảo rằng: mọi nghi vấn phải được cất gỡ như vấn đề có tầm quan trọng rất lớn, vấn đề gắn liền với thực chất thánh thiêng của chính Giáo Hội.

Với sứ vụ thừa tác như một sư huynh (xem Lc 22: 32), tôi tuyên xưng rằng: Giáo Hội không có thẩm quyền gì về bất cứ khía cạnh nào để phong chức Linh Mục cho phụ nữ; và đó là phán đoán dứt khoát phải được mọi tín hữu trong Giáo Hội tuân giữ.”

(Tông thư Phong chức Linh Mục, đoạn 4)

Một năm sau, nhằm làm sáng tỏ là: phán quyết này thực sự mang tính “vô ngộ”, Thánh Bộ Đức Tin có tuyên bố trong một văn bản hồi đáp do Đức Hồng Y Ratzinger ký và được Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ Nhị phê chuẩn, trong đó ghi rõ: “Giáo huấn này đòi hỏi phải có sự đồng thuận dứt khoát; bởi lẽ, giáo huấn được thiết lập trên Lời của Chúa có ghi trên giấy, đã được tuân thủ cũng như áp dụng ngay từ đầu theo truyền thống của Giáo Hội; điều này được thiết lập một cách “vô ngộ” do vị Chánh Thẩm Bậc Thầy của mọi người trên hoàn vũ đưa ra.

( xem Văn kiện Công Đồng Vatican II, Hiến chế Niềm Tin Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân 25, 2)” (Hồi đáp thắc mắc của truyền thông SCDF, 28.10.1995).

*

Đọc lời giải đáp trên đây, người đọc và chính bần đệ cũng thấy là: các bậc vị vọng đều có quyền và có phép để “phán quyết từ ngai toà” của mình. Nhưng, vấn đề là: ở đời thường, những gì không do Vị Chủ Chăn Tối Cao tuyên phán và không liên quan đến niềm tin và lòng đạo, để buộc Giáo Dân phải tin hay không, đó là chuyện khác.

Lâu nay, ta vẫn được dạy rằng: niềm tin và lòng Đạo là quà tặng nhưng-không của Đức Chúa. Thế thì, với tư cách nào mà các vị ở “lưng chừng và ở trên”, dù là chủ quản cả Giáo Phận hay Tổng Giáo Phận đi nữa, lại muốn tước đi món quà nhưng-không quý báu ấy từ con dân thấp bé của nhà Đạo, như vậy? Dù gì đi nữa, ai nỡ lòng nào tước đi món quà và quyền lợi cao và quý, là: đón rước Mình Máu Chúa Rất Thánh vào lòng của mọi kẻ đã và sẽ còn tin vào quyền năng của Chúa.

Là bề trên, bề dưới hay bề ngang hàng, hay con dân nhà Đạo cùng tầm cỡ, chỉ khuyến cáo để sửa sai, thì còn được. Chứ ai lại doạ nạt những bề ngang khác, như thời kỳ còn máy chém “guillotine”, vào thời hơi cổ cổ. Cũng may là, vị chủ quản Tổng Giáo Phận Úc này, mới chỉ ngồi ở bàn giấy để “phán” và “phán” với truyền hình, nhà báo, chứ chưa lên “ngai toà” mà xác quyết, nếu không chắc còn đáng sợ và khủng khiếp hơn.

Nghe những dọa và nạt cỡ trên, bần đạo nhớ lại chuyện hồi xa xưa: có vị chủ quản một họ đạo lẻ đã bắt chước các Đấng Bậc Bề Cao, cũng doạ và cũng nạt dân con thấp bé “không biết gì”, rằng thì là: “...Nếu con không làm việc cha bảo, thì con không nên đến Nhà Thờ này mà đi lễ làm gì. Và, cha sẽ chúc dữ cho con và gia đình con đó…”

Lời phiếm (chứ không phải... lời phán) cuối cùng của luận bàn hôm nay, là: xin cho con biết lắng Lời Ngài dạy con thương mến. Chứ không phải, là: xin cho con biết cách những đe và nẹt, để phải…chạy dài khỏi Nhà Thờ Nhà Thánh, khỏi phải thương mến. Bất cứ ai. Phải chăng, đây cũng là chuyện “vô ngộ” nhưng rất “ngộ”?

Trần Ngọc Mười Hai

rất nhiều lúc như trẻ lại

cũng biết sợ,

nhưng không sợ

những doạ và nạt

No comments: