Saturday 26 July 2014

“Hỡi anh yêu xin anh đừng buồn,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 18 mùa Thường niên năm A 03-8-2014

“Hỡi anh yêu xin anh đừng buồn,”
Có đôi khi em hay giận hờn,
Để cho anh quên đi ngày dài
Với bao đêm suy-tư miệt mài.”
(Lê Hựu Hà – Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Đầu)

(1 Cor 5: 7-8)

            Vâng. Đúng thế. Tình yêu vào buổi đầu, tuy có ra sao, cũng vẫn là thứ tình dạt dào nhiều âu yếm, giống chiêm bao. Yêu lần đầu, là thứ tình cứ bảo nhau “đừng buồn”, dù “có đôi khi em hay giận hờn”, “anh quên ngày dài”, hoặc cả hai từng “suy-tư miệt mài”, đến quên chết.
            Vâng. Có lẽ đúng như vậy. Bởi, một khi đã yêu thương nhau, thì người kia hay bên nọ vẫn cứ hát các ý/lời đầy thơ, những là:

“Mắt môi đây xin anh đừng chờ
Chiếc hôn kia mong anh từng giờ
Ngón tay kia xin chớ hững hờ
Dắt em đi về trong đợi chờ.
Biết bao ngày đã qua, Biết bao chiều xót xa.
Ngồi đếm những giọt nắng, Rơi rụng trước mái hiên nhà.
Người sao chưa đến với ta, Tình sao chưa thấy ghé qua.
Dù con tim vẫn thiết tha, Mộng xưa cũng vơi theo tháng ngày.
(Lê Hựu Hà – bđd)

Vâng. Thi-ca và âm-nhạc ngoài đời vẫn có ý-tứ và lời-lẽ ra như thế, suốt một đời. Nhưng còn, thực-tế cuộc đời nay lại có vấn-đề nổi cộm được báo chí ở Úc từng cảnh-giác, rất như sau:

“Mới đây, tác giả của bài báo trên tờ The Telegraph có viết rằng: có vị trước đây là luật gia tên là Chris Sevier vừa đệ đơn xin một giấy chứng hôn-thú để ông có thể lầm thân với vi-tính có tên là Mac – book. Trong cố gắng biện-hộ cho vụ án của chính mình, ông Sevier giải-thích rằng ông đã thành người ghiền dâm-thư qua máy vi-tính của chính mình. Và, rất nhiều khi, ông đã thấy mình bắt đầu thích những màn làm tình trên vi-tính hơn ăn nằm với phụ nữ thực-thụ.

Nhật báo The Telegraph tường trình rằng: luật sư Sevier tìm cách lập nên vụ-việc để chống việc hợp-thức-hoá “hôn nhân giữa người đồng-tính luyến-ái”. Ông Sevier có nói trước toà rằng: “Nếu đúng là, ngày nay ta thực-sự có nguy-cơ đặt ra cho hôn-nhân theo truyền-thống nam nữ và con cái, thì các cặp phối ngẫu giữa nam-nam hoặc nữ-nữ và giữa con người và máy móc cũng đề ra một sự thể hệt như thế”. Và ông luật-sư này cứ thế biện-luận rằng: nếu ta quyết bảo vệ quyền-lợi cho đồng-đều, thì ắt hẳn sẽ không thiếu lý-do để hỗ-trợ cho đường-lối/chính-sách ngăn-ngừa hôn-nhân giữa các cặp phối-ngẫu giữa con người và máy móc đâu thua kém hôn-nhân đồng phái-tính...

Thêm vào trường hợp luật-sư Chris Sevier đưa ra về hôn-nhân giữa người và máy, các nhà khảo-sát/nghiên-cứu còn cho biết rằng các dâm-thư hoặc phim ảnh kích-dục cũng có thể gây nên quan-hệ yêu-đương với người khác làm cho chính con người ít hài lòng thoải mái, hơn trước đó. Ngoài chuyện thường xuyên xem dâm-thư và phim ảnh kích-dục có thể khiến cho tâm-não con người bị có vấn đề. Mọi người nay cũng không lấy làm lạ là mấy khi biết rằng: những người mê man xem dâm-thư và/hoặc phim ảnh kích-dâm như luật sư Chris Sevier lại cứ thích để máy móc kích-thích mình về chuyện dục-tình hơn đàn bà phụ nữ, cũng rất nhiều.

Nói gì thì nói, các khảo sát nghiên-cứu mới đây còn cho biết: mê dâm-thư hoặc phim ảnh kích-dục cũng giống như mê ma-túy hoặc chích choác, thôi. Tất cả những thứ này đều huỷ-diệt hôn nhân cùng một kiểu như ma-túy hoặc các thứ thuốc bất-hợp-pháp, vậy. Đó là một trong các khám-phá mới đây của hai nhà phẫu-thuật-gia thuộc Trung Tâm Khoa-học Y-tế trường Đại học Texas, Hoa Kỳ”. (x. Nicole M. King, Porn addiction is as serious as drug addiction, MercatorNet 25/6/2014)             
   
Người đời nói thì nói thế, còn nhà Đạo đôi lúc lại vẫn bảo ban nhiều điều theo cách-thế tinh-tế, nhè nhẹ rất như sau :

“Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng tố-giác những tư tế hư hỏng, thay vì trao bánh sự sống cho dân thánh của Chúa, thì lại cho những lương thực có thuốc độc!

Đức Thánh Cha đưa ra nhận định trên đây trong bài giảng thánh lễ lúc 7 giờ ngày 16-1-2014 tại nguyện đường nhà trọ thánh Matta ở Vatican: “Đoạn Kinh thánh này (1 Sam 4: 11) làm cho chúng ta suy nghĩ xem quan-hệ của chúng ta với Thiên Chúa, với Lời Chúa như thế nào: phải chăng đó chỉ là một quan-hệ hình-thức, hời hợt, một quan-hệ xa lạ? Lời Chúa có đi vào, có thay đổi tâm-hồn chúng ta hay không? Nhưng, tâm hồn lại khép kín đối với Lời Chúa. Điều này làm chúng ta nghĩ đến bao nhiêu thất bại trong Giáo hội, bao nhiêu chiến-bại chỉ vì họ không cảm thấy Chúa, không tìm thấy Chúa, không để cho Chúa tìm họ! Và rồi sau khi thảm-trạng xảy ra, người ta cầu nguyện: Lạy Chúa, làm sao điều ấy xảy ra được? Chúa đã làm cho chúng con bị các lân bang coi rẻ...Chúa biến chúng con thành sự nhạo cười của những dân quanh chúng con”.

Đề cập đến những gương mù, những xì căn đan trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Chúng ta có xấu hổ không? Có bao nhiêu gương mù mà tôi không muốn nêu riêng rẽ ở đây, nhưng tất cả chúng ta đều biết và chúng ta biết chúng ở đâu. Nhưng xì căng đan mà một số người đã bắt phải trả bao nhiêu tiền... Thật là một ô nhục cho Giáo Hội. Chúng ta xấu hổ vì những xì căng đan, những chiến-bại của các linh mục, giám mục, giáo dân? Lời Chúa trong những xì căng đan ấy thật là hiếm hoi! Họ không có quan hệ với Thiên Chúa! Họ có một địa vị trong Giáo Hội, một địa vị quyền lực, và thoải mái. Nhưng Lời Chúa thì họ không có. Họ biện minh: ‘Nhưng tôi có huy chương mà! Tôi có mang thánh giá mà!.. Đúng vậy, cũng như những người Israel xưa kia mang hòm bia Giao ước vậy! Nhưng, họ không có quan hệ sinh động với Thiên Chúa và Lời Chúa’.

Đức Thánh Cha nói: “Tôi nghĩ đến Lời Chúa Giêsu nói về những kẻ gây gương mù gương xấu... và nơi đây xì căng đan đã xảy ra: tất cả sự sa đoạ của dân Chúa, cho đến sự yếu nhược, sự hư hỏng của các tư tế”, (x. G. Trần Đức Anh O.P, Đức Thánh Cha tố giác những tư tế hư hỏng, www.Vietcatholic.com 17/01/2014)

Vâng. Nói như đấng bậc tối cao nhà Đạo, là nói lời khuyên bảo dân con mình hãy về với Lời Chúa từng nhủ khuyên, ban bảo để rồi vẫn mang nặng thứ tình yêu thương trong trắng, không xì căng đan, hoặc tì vết.
Vâng. Nói lời yêu đương như nghệ sĩ ngoài đời, là còn nói bằng câu ca rất như là:          

“Hãy cho em môi hôn nồng nàn,
Lỡ mai sau duyên ta muộn màng,
Sẽ không ai cho ta vội vàng.
Mới yêu đây nay nhưng sao phũ phàng,
Hãy yêu như chưa yêu lần nào,
Hãy cho nhau môi hôn ngọt ngào.
Hãy đưa em về nơi cuối trời,
Giấc mơ yêu cùng anh trọn đời.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Vâng. Vấn-đề là: đã có tình-yêu trong trắng tức “Hãy yêu như chưa yêu lần nào” , và rồi: “Hãy đưa em về nơi cuối trời!”, để rồi ở nơi đó, anh và em sẽ có “Giấc mơ yêu cùng anh trọn đời” cứ yêu nhau, cách trong trắng. Ở nơi đó, sẽ chẳng có “xì căng đan” nào khiến anh và em đến phải “xấu hổ” với Lời Chúa, với mọi người.   
Vâng. Cũng một chiều-hướng đó, đấng thánh hiền nhà Đạo cũng từng dặn dò bảo ban những người anh người chị trong thánh Hội Nước Trời vào thời đó, rất như sau:

Anh em hãy loại bỏ men cũ
để trở thành bột mới,
vì anh em là bánh không men.
Quả vậy,
Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua
của chúng ta.
Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ,
là lòng gian tà và độc ác,
nhưng hãy lấy bánh không men,
là lòng tinh tuyền và chân thật,
mà ăn mừng đại lễ.”
(1 Cor 5: 7-8)

Lòng tinh tuyền, không chỉ là “men” trong bột cũng rất mới, mà thôi, nhưng còn là ý-nghĩa cuộc sống của hết mọi người, chí ít là dân con của Đức Chúa.
Lòng tinh tuyền, lại cũng là lòng chân-thành của dân con nhà Đạo trong ứng-xử với mỗi người và mọi người. Ứng-xử ấy, vẫn là lòng-thành chân-chất Chúa từng tỏ-bày với con người từ thuở tạo-dựng cho đến hôm nay và mãi mãi suốt mọi thời.
Ứng-xử tử-tế với người trong Đạo hay “ngoài luồng” vẫn là lối ứng và xử của các đấng bậc trong Đạo diễn-giải thêm như sau:

“Thực tế đời người, ta thấy Chúa “ứng xử” tử tế với mọi sự, mọi người. Ngài ứng xử tử tế cả với đất đá, bông hoa, thú vật cùng loài người. Mỗi động tác, đều thể hiện trạng huống xuất từ một nguồn duy nhất. Ứng xử tử tế, là quan hệ với Bản Thể Chúa theo cung cách thi đua/khác biệt, có khi còn đối kháng. Nhưng mỗi loài và mọi loài, đều đáp ứng thích-hợp với quà-tặng Chúa ban, hầu trở thành “vũ trụ” hợp nhất mang ý nghĩa rất chung tình.     
    
Ứng xử gây kinh ngạc ở trời mới/đất mới, là ứng xử tử tế giữa hai bản thể tuy riêng rẽ/khác biệt, nhưng lại vẫn chọn sống chung và sống cùng cả triệu năm. Chọn cách sống, nếu không sống chung sống cùng, sẽ không thể sống tốt đẹp. Chọn cách sống ứng xử,hỗ tương khá lạ kỳ, là công việc Chúa vẫn làm với dân gian người phàm, mãi đến hôm nay...

...Các lý lẽ khiến có sự gãy đổ, thoái thác và thu hồi sự hỗ tương nam nữ trong hôn nhân không được chấp nhận ở Kinh Sách. Đó là vi phạm kết hợp hài hoà rất nền tảng. Là, phá vỡ giao-ước có từ thuở đầu. Cũng thế, giả như ta phá bỏ/huỷ hoại bí mật và thực trạng phối kết nam nữ do Chúa lập như luật Torah nói “cho phép ly dị”, và họ có làm thế cũng chỉ như một trong các thể-lệ được Chúa cho phép, chứ chẳng vì họ muốn làm. Dĩ nhiên, việc này tạo nỗi buồn sâu sắc trong lòng Chúa. Và, việc này có xảy đến cũng do con tim của nam-nhân và nữ-phụ đã chai đá, cứng cỏi. Sự cứng cỏi, do tâm can/tự sự vẫn muốn thoải mái hơn là chấp nhận quà của Chúa, tức mãi mãi sống chung cùng nhau, vui bên nhau.

Những lý do khiến truyền thống Giáo Hội qui trách nhiệm lên những người không có khả năng tiếp tục cuộc sống lý tưởng. Truyền thống Giáo Hội không ngần ngại gọi tình cảnh rẽ chia là “tội” hoặc “lỗi” mang tính khách quan. Bởi, tội lỗi vẫn là cách ly. Ân lộc mới nối kết. Chính vì lý do này, mà truyền thống Giáo Hội nói hôn nhân là ân lộc. Là, bí tích thánh thiêng, huyền nhiệm, vinh hiển.

Quan-hệ nam-nữ trong hôn-nhân đã chứng tỏ Thiên-Chúa đích-thực là sự kết hợp hài-hoà. Đó là mạc khải về sự kết-hợp nơi Chúa Ba Ngôi. Chính sự kết-hợp thánh-thiêng này nói lên điều Chúa muốn nói, là: Thiên-Chúa thực-tình phối-kết với nhân loại mà không muốn cách chia, phân rẽ. Hôn nhân đích thực là dấu hiệu của bí nhiệm này. Chính nhờ vào ánh sáng của phối kết, con người hiểu được thể nào là “nhập thể” và thế nào là “biến hình”. Nhờ đó, cũng hiểu được chính mình.

Sẽ không quá đáng nếu nghĩ rằng: chính sự tháp-nhập vào với nhau để nên một, xứng-hợp với ý-tưởng “thành trẻ bé”. Điều đó nói lên rằng: có thấy bất-xứng mới không hãi-sợ chuyện gần-gũi người kia/người khác và khám phá ra rằng sự sống đích thực nằm ở sự việc này.

Thánh Phaolô yểm-trợ cho ý-tưởng này và ngài còn tiến xa hơn thần-học Do-thái về vấn đề đó. Thánh-nhân thấy rõ sự kết-hợp hỗ-tương nơi hôn-nhân là gia-nhập/hiệp thông với đối-tác cả vào sự thể mà ta thường gọi là sự mỏng dòn/dễ vỡ nhưng lại mang tính Phục-sinh nơi người phối ngẫu phiá bên kia. Nam-nhân và nữ-phụ, cả hai đều sợ chết, nhưng mỗi người nam-nữ phiá bên kia mới bảo đảm mình không sợ chết, mà chỉ bắt đầu trỗi dậy, nên yên-tâm. Thánh Phaolô thấy nơi người phiá bên kia không như người khác, mà như là thành-phần của Thân mình Chúa sống lại.         

Thật phức-tạp khi nhận ra rằng: thái-độ của thánh Phaolô về thân xác, dục tình, thịt da nơi người nam và nữ “phía bên kia” không tiếp-tục đi sâu và trọn-vẹn vào sự Đạo đang diễn-tiến. Họ bao gộp sự tự-do và cảm-thông hỗ-tương mà ngày nay ít người phổ-biến. Riêng các sử-gia lại nghĩ: từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 5, Hội thánh đã từ từ lấy lại từ người La Mã và văn-hoá ngoại-giáo thái-độ “phải lẽ” với thân xác, gia-đình, hôn-nhân, cùng trinh-tiết và cả việc tiết-giảm dục-tình nữa. Điều này, khác với động-cơ thúc đẩy và cung-cách thực-hiện vẫn có do trường-phái kiểu thánh Phaolô mang tới.

Có lẽ, Kitô-hữu thời tiên-khởi không giống cộng-đoàn Phaolô, tức không có tự-do đủ để vui-hưởng cuộc sống như thánh-nhân dạy. Có lẽ đây là lý-do khiến họ tiến tới khuynh-hướng khắc-kỷ, tức nghiêng về đạo-giáo Đông phương; và từ đó, kéo theo chuyện các Kitô-hữu nay thành người ghét bỏ xác thịt, dục tính và tình dục; và coi thường người khác phái “phía bên kia”. Nhà thần học luân lý nào đặt nặng tính lịch sử vào đạo-giáo sẽ làm rõ nghĩa vấn đề này hơn.

Thánh Phaolô chú-tâm nhiều về việc hai người nam-nữ san-sẻ sự mỏng-dòn trước sự chết và sống lại, nên đã lạc-lõng cách nào đó. Lạc-lõng, cả trong thần-học Đạo Chúa, mãi sau này. Thần-học ấy, quyết nhấn mạnh rằng: cá-nhân con người vẫn làm được điều tốt đẹp cho mình nếu biết tự mình giúp mình. Qua nhận-thức sự mỏng-dòn, họ thường tự cho mình là người chín-chắn, trưởng-thành, chẳng cần lo. Nhưng lại không hiểu rằng chính mình cũng mỏng-dòn với người khác và mọi người”. (x. Lm Kevin O’Shea CSsR, Lời Chúa Sẻ San năm B, nxb Hồng Đức 2014 tr.217-218)  

Quả là, trong quan-hệ giữa hai người và nhiều người, luôn có sự mỏng-dòn rất đáng sợ. Nếu không cẩn-trọng, hẳn mọi đối-tác trong quan-hệ này, sẽ rơi vào tình-huống khó-khăn, rất khó tránh. Tình-huống tương-tự nơi đấng-bậc phạm-pháp được dẫn ở trên, mà không có sự chỉnh-sửa, sẽ còn gây tai-hại đến nhiều người, nhiều thời ở nhà Đạo nữa.
Sự thể ở nhà Đạo lúc này đây, bây giờ, vẫn là tình-huống cần được chỉnh-sửa. Chỉnh-sửa không chỉ bằng việc trang-trải hoặc thanh-toán bằng tiền bạc là xong; nhưng chắc chắn phải nhờ vào quyết-tâm của người trong cuộc cũng như thành-phần dân Chúa, muốn hỗ-trợ.
Thành thử ra, vấn-đề đặt ra cho ta, không thể như thái độ của quan-chức chỉ mỗi “cưỡi ngựa xem hoa”, xong rồi rồi thôi. Nhưng còn là nhận-thức trước đã, sau đến sẽ tra tay hành-động cho đúng cách, mới thành-công.
Nhận định thế rồi, tưởng cũng nên đi vào với thế-giới văn-chương truyện kể để tìm ra cho mình và cho người một bài học để đời, rất vui tươi:

“Truyện rằng:
Một hôm, Tô Đông Pha đến chơi chùa, cùng ngồi thiền với nhà sư, trong khi ngối thiền thấy an-lạc xuất-hiện. Xả thiền xong, Tô Đông Pha rất vui vẻ hỏi nhà sư:
-Ngài thấy tôi ngồi thiền như thế giống cái gì?
-Trông ngài giống như Đức Phật...
Tô Đông Pha nghe thế vui lắm. Thiền sư hỏi lại:
-Thế ngài thấy tôi ngồi thiền giống cái gì?
Tô Đông Pha đáp:
-Trông ngài ngồi thiền giống một đống phân bò.
Thiền-sư nghe thế cũng hứng-chí lắm. Tô Đông Pha cười suốt dọc đường về, nghĩ bụng hôm nay ta đã thắng lão hoà-thượng đó một phen rồi. Bị ta nói là đống phân bò mà không bẻ lại được câu nào cả. Tô Đông Pha về khoe với em gái là Tô tiểu muội:
-Hôm nay anh đã qua mặt được lão sư già đó rồi.
Tô tiểu muội hỏi chuyện gì, thì Tô Đông Pha hào-hứng kể lại. Tô tiểu-muội cười ồ lên, Tô Đông Pha càng hào-hứng. Hỏi mãi, Tô tiểu-muội mới nói:
-Muội cười là cười huynh đó, huynh lại thua lão hoà-thượng ấy rồi.
Tô Đông Pha ngạc-nhiên hỏi thế nào, thì Tô tiểu-muội đáp:
-Tâm của lão hoà-thượng là tâm Phật, nên thấy huynh cũng giống như Phật. Còn tâm của huynh thì toàn phân-bò, nên huynh thấy hoà-thương như đống phân bò thôi. Tâm của huynh như thế làm sao mà bằng được tâm của lão hoà-thượng được cơ chứ!”

Đọc truyện kể ở trên, chắc hẳn bạn cũng như tôi, ta đâu thấy có gì nối kết với vấn-đề mình đang bàn. Rất đúng. Thế nhưng, ở đây, người kể lại cứ muốn diễn-giải thêm đôi chút để câu truyện có lý-chứng nói về tình-huống rất không phải ở nhà Đạo hoặc ngoài đời. Tình-huống con người xử-sự có đúng và phải Đạo hay không cũng tuỳ tâm tùy tánh của mỗi người.
Quả là, có tâm Phật hoặc tâm-can con của Chúa, mới ứng-xử tốt với tha-nhân mọi người ở đời. Chí ít là người đối-tác ở đời phía bên kia, rất phái-tính.
Giả như bạn và tôi, ta vẫn thấy không mấy thuyết-phục với lý-chứng do người kể vừa đưa ra, thì đây xin mời bạn và mời tôi, ta lại xem thêm một truyện “tưởng-như-đùa” hoặc “chuyện phiếm” khác, rất như sau:

“Nhân-viên nọ, tới sở làm trong tình-huống hai tai bị băng bó. Ông Trưởng sở của anh ấy thấy vậy, bèn dò hỏi xem chuyện gì vừa xảy ra, hôm qua. Anh trả lời:
-Chả là: hôm qua, đang lúc tôi ủi chiếc ao sơ mi trắng nõn, thì chuông điện-thoạt bất chợt reo lên. Tôi vội chụp lấy bàn ủi điện ấy lên thay vì ống nói điện-thoại rồi áp vào tai mà trả lời.
Ông trưởng-sở bèn có ý-kiến phản-hồi rằng:
-Rồi xong! Điều này giải-thích được về một bên tai bị phỏng. Thế, còn tai bên kia, thì tại sao?
-Đó là do bởi cái thằng ngu bên kia lại gọi một lần nữa, thế mới chết!”

Thật ra thì cũng chẳng chết thằng Tây nào hết ráo trọi. Bởi lẽ, cả nhân-viên ở sở làm cũng như ngài Tô Đông Pha của ta, đâu biết rằng cuộc đời mình vẫn có những thứ và những sự rất tréo cẳng ngỗng! Bởi không thận-trọng và khôn-khéo thì rồi ra ai cũng có thể là nạn-nhân hoặc phạm-nhân của bất cứ sự việc nào trên đời, cả.
Nhận-định thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta kết-thúc chuyện phiếm hôm nay bằng lời ca trên do người viết nay thành người thiên-cổ, ra như vẫn còn khốn-khó với ca-từ rằng:   

Biết bao ngày đã qua,
Biết bao chiều xót xa.
Ngồi đếm những giọt nắng,
Rơi rụng trước mái hiên nhà.
Người sao chưa thấy ghé qua.
Dù con tim vẫn thiết tha,
Mộng xưa cũng vơi theo tháng ngày.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Thật đúng thế. Giấc mộng lớn/giấc mộng nhỏ, của con người, nay cứ “vơi theo tháng ngày” đã qua, “dù con tim vẫn thiết tha” vào “biết bao chiều xót” , giống như người “ngồi đếm những giọt nắng, rơi rụng trước mái hiên nhà”. Nhà, của tôi và của người vẫn còn đó trên đời.

Trần Ngọc Mười Hai
Rất muốn cảm thông
với mỗi người và mọi người   
ra như thế.



Friday 18 July 2014

“Muốn một lần tạ ơn với đời,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 17 mùa Thường niên năm A 27-7-2014

Muốn một lần tạ ơn với đời,”
Chút mặn nồng cho tôi
Có những lần nằm nghe tiếng cười
Nhưng chỉ là mơ thôi
 (Trịnh Công Sơn – Như Một Lời Chia Tay)
            (Lc 6: 21)

            “Nằm nghe tiếng cười” rất nhiều lần, mà nghệ sĩ mình lại bảo, đó: “chỉ là mơ thôi”, sao? Chao ôi, phải chăng đấy là thi-ca và âm-nhạc? Hay, ngày nay người mình “có những lần nằm nghe tiếng cười”, lại cứ nghĩ: đó chỉ là mơ/là mộng và còn phán: đó như một lời chia tay.” Rồi cứ thế, nghệ sĩ mình, lại hát tiếp những “lời chia tay” cũng rất buồn, như sau:

“Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui
Đường quen lối từng sớm chiều mong
Bàn chân xưa qua đây ngại ngần
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn
Có nụ hồng ngày xưa rớt lại
Bên cạnh đời tôi đây
Có chút tình thoảng như gió vội
Tôi chợt nhìn ra tôi.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Hôm nay, bần đạo đây cũng có nằm và có nghe thấy “tiếng cười”; nhưng không là “lời chia tay” và chẳng là “hẹn hò từ nay khép lại, khép lại từng đêm vui”, nhưng “chợt nhìn ra (những) tôi” và tôi. Chính tôi và tôi, là những người vẫn biết cười và/hoặc chỉ những cười là cười. Bởi, cười là “bản tính của người mình” như học giả Nguyễn Văn Vĩnh vẫn cứ bảo: gì cũng cười!
Cười, còn là và vẫn là: điểm son và là sự sống rất tin-yêu của nhà Đạo mình, nữa đấy bạn ạ! Không tin ư? Thế thì, mời bạn và mời tôi, ta quay về với đấng bậc vị-vọng trong Đạo từng quả quyết, qua suy-niệm và sẻ san Lời Chúa ngày hôm ấy, rất “thường niên” Chúa nhật 16 năm A như sau:

            Nghe kể về dụ-ngôn Chúa nhật hôm nay, người người được khích-lệ sống tích-cực điều Chúa dạy. Sống tích-cực, kèm theo nụ cười hạnh-đạo, bởi nơi Lời Chúa nói, vẫn có âm-nhạc được diễn-tả theo điệu kể của thánh Mát-thêu. Đó, còn là cung-cách rất riêng-tây của thánh-nhân khi sử-dụng dụ-ngôn do vị tiền-nhiệm kể, để mọi người thấy được Đức Giêsu đích-thực là người Do-thái đã biết vui tươi, mỉm cười, rất dễ chịu.
            Về cung-cách biết mỉm cười trong cuộc sống, cũng nên tìm hiểu xem thế nào là cười mỉm, vui tươi trong sống đời thường-tình, bằng các định-nghĩa ở bên dưới:
            -Cười, để học biết chấp-nhận tầm-kích ân-huệ của cuộc sống khó có thể kiểm soát;
            -Cười, là ý-nghĩa thần-học của việc mất đi mọi hiểu-biết chính con người mình;
            -Cười, là ngày sống có dấu-chỉ của sự đồng-thuận cuối cùng và mãi mãi với thực tại;
-Diễu cợt, là điều để ta cười vào đó, cho bõ kiếp sống này; chỉ những ai làm thế mới là người không áp-đặt mọi thứ vào chính con người mình;
            -Cười, là để sống thân-thiện với mọi thứ;
            -Cười là niềm cảm-thông huyền-nhiệm với mỗi thứ và mọi thứ trong đời;
            -Đứng trước những người biết cười như thế, ai cũng có dịp để đổi thay để ăn nói;
            -Chỉ những ai đã yêu và từng biết yêu mới cảm-thông được như thế;
            -Cười, khiến cho con người trở thành người đáng yêu;
            -Cười, là cung-cách của những người không lo-lắng nhiều về phẩm-cách của mình;
-Cười, là cách gom mọi sự và mọi người vào với nhau để sẽ không mất nhau trong đời;
-Cười, đôi khi khiến ta có nguy-cơ bị người đời coi là hời-hợt, sống ngoài mặt; nhưng  
 cười, ít ra cũng làm bớt đi những gì tầm-thường, vào mỗi ngày;
            -Cười trong đời sống hằng ngày là các cảnh-báo để mình sống tốt trong thực-tế ở đời;
-Cười, giúp ta hướng về tương-lai bằng lòng chấp-nhận có uy-lực về mọi mặt, qua đó người được cứu sẽ nói lời Amen với tất cả những gì mình từng làm;
            -Cười, là thành-phần của nghệ-thuật góp mặt với mọi sự;
-Biết cười thực-sự và cười rộn-rã là lối sống khiến người người lướt vượt được khó-khăn và là loại-hình sống cuốn trôi nước mắt và đem những chuyện vui vào con người, dù đang cay đắng, nóng giận.
-Cười phản-ánh rằng con người không còn nghi ngờ những gì mang tính trẻ con hoặc thuộc về con trẻ nữa.” (xem Lm Karl Rahner, The Content of Faith, Crossroad 1994, tr. 148-153)

            Vâng. Với nhà Đạo rất chính-tông, chính-cống thì như thế. Với người đời, tiếng cười hay nụ cười được diễn-nghĩa và diễn-tả tùy mỗi tác-giả, rất như sau:

-Với Sách Châm Ngôn Đoạn 15 có câu: “Lòng mừng vui làm hân hoan nét mặt,”
-Với Herbert Samuel thì: “Thế-giới này như thể chiếc gương, nhăn mặt với nó, nó sẽ 
  nhăn lại với mình; cười với nó, nó sẽ cười lại với mình thôi”.
-Vô-danh:“Cười, là hào-quang chiếu sáng qua cửa sổ tâm-hồn cho biết mình đang ở nhà.”
-Vô danh:“Cười, là hệ thống chiếu sáng diện mạo và là hệ-thống nghe ngóng của con tim.”
-Tác-giả Les Gibbin: “Không sử-dụng nụ cười, bạn chỉ như người có cả triệu đô gửi ngân-hàng nhưng lại không có sổ chi-phiếu.”
-Fran A. Clark: “Hầu hết mọi nụ cười đều do nụ cười nào khác dấy lên.”
-Vô danh: “Khi bạn cười với ai đó, thì 90% người ấy sẽ mỉm cười đáp-lễ bạn và ngày hôm ấy ít nhất có đến hai người đều vui-tươi, chói sáng”.
-Vô-danh: “Thế-giới nay có cả trăm ngôn-ngữ khác nhau, nhưng duy chỉ có mỗi nụ cười là nói đủ hết bấy nhiêu thứ tiếng”.
-Với David Hare, thì: “Cười, là ngôn-ngữ của yêu-đương, hài-hoà”.    
-Vô-danh: “Không ai cần nụ cười cho bằng những người chẳng cho ai thứ gì”.
-Mark Twain: “Vết nhăn trên mặt là dấu hiệu nụ cười đã trụ ở đó, rất lâu”.
-Joseph Addison:“Hoa-trái cần ánh sáng thế nào, thì con người cần nụ cười cũng như thế”.
-Dough Horton:“Cười, là thuốc trị-liệu hết mọi bệnh mà không phải trả đến một xu”.
-Với Mẹ Têrêxa Calcutta, thì: “Hãy cười nhiều với nhau và cho nhau! Cười với vợ, với chồng và con cái mà không cần biết người đó là ai. Nội sự việc ấy thôi cũng giúp người và giúp mình tăng-trưởng trong tình yêu lan rộng dần”.
-Wilbur D. Nesbit: “Thứ làm cho con người tiến xa nhất và cho cuộc sống của mọi người đáng sống, vừa ít tốn kém lại làm lợi cho nhiều người nhất, chính là: nụ cười. Nó đầy thần-khí nhưng lại không là thần-linh. Nó nhào-trộn mọi sự tốt-lành của con người. Nó đáng giá cả triệu đô, nhưng lại không mất tiền mua, nhưng vẫn đáng giá”.
-Santosh Kalwar: “Hôm qua tôi đã cười, hôm nay tôi đang cười và ngày mai, tôi cũng sẽ cười nhiều hơn nữa, đơn giản, chỉ vì cuộc sống quá ngắn để ta khóc về mọi thứ”.
            -Charles Chaplin: “Bạn sẽ thấy giá trị thực của cuộc sống, nếu cứ cười”.  
-Freida Martinez: “Nụ cười nở trên môi, sẽ không bao giờ lịm tắt. Tôi đang cùng nó đứng đây chờ bạn đến ở bên cạnh chúng tôi đấy”. 
            -Bei Maejor: “Bạn sẽ không bao giờ nuối tiếc những gì làm mình mỉm cười”. 
 -Vô danh: “Hãy dùng nụ cười của mình để thay đổi thế giới, chứ đừng để thế giới thay đổi nụ cười của mình”.
            -Vô danh: “Nụ cười có thể làm bừng sáng một ngày đen tối nhất. 
-Nylle: “Mỗi người trong ta đều có vết thương lòng, một số người giấu nó trong đôi mắt, người khác lại giấu nó trong nụ cười”.  
            -Vô danh: “Nụ cười, là khoảng cách ngắn nhất giữa hai tâm hồn”. 
-Maya Angelou: “Nếu bạn có duy nhất chỉ một nụ cười hãy dành nụ cười đó cho người mình yêu thương”.  
   
            Vâng. Quả nhiên là như thế. Quả thật là như vậy. Cứ cười nhiều, bất kể nụ cười đó có là cười điệu, cười tiền, cười trừ hoặc vô duyên cũng cứ cười, nhé anh. Nhiều danh-y trên đời từng quả-quyết: cười là liều thuốc bổ không tốn đến một xu. Vậy thì, mời bạn và mời tôi: ta hãy cười. Cười hoài cười mãi, rất khôn nguôi!
            Vâng. Ai cũng quyết tâm làm như thế. Nhưng, chữ “nhưng” đây thật vô lối, nhưng lại rất giá-trị, là hỏi rằng: tại sao người nhà Đạo ít cười, không chịu cười nhiều hoặc để mất nụ cười tươi-tắn, cũng đã lâu?
            Để trả lời câu hỏi khá “hóc búa” này, lại cũng mời bạn và mời tôi, ta đi vào vườn “thượng-uyển” có giòng chảy tư-tưởng của đấng bậc, rất nhiều vị, để minh-chứng hoặc xác-minh một khẳng-định rất hợp lẽ. Nhưng –(lại chữ “nhưng” cũng hơi kỳ)- là: trước khi tìm đến câu trả lời thật thoả đáng, thiết tưởng ta cũng nên xem thử Kinh Sách từng nói gì về “nụ cười” rất cần-thiết cho nhà Đạo, qua lời khuyên. Lùng tìm cho lung, chỉ thấy mỗi đôi giòng:

            “Phúc cho anh em
            là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
            vì anh em sẽ được vui cười.”
            (Lc 6: 21)    

Nghe thế, chắc hẳn người nghe những tưởng rằng: nụ cười rộn rã chỉ mỗi đến sau khi nhà Đạo mình đã khóc ròng, nhiều ngày. Sự thật thì, không phải thế. Bởi, đời người có khổ đau nhiều như thánh Gióp ở Cựu-ước, vẫn diễn-tả:

Nếu con nói:
con sẽ quên đi lời than thở,
đổi nét mặt mà hớn hở vui tươi.”
(Gióp 9: 27)

Hoặc, đoạn khác:

“Họ chẳng dám tin,
dù tôi có mỉm cười với họ,
nét mặt tôi thay đổi thế nào,
họ chẳng bỏ qua.”
(Gióp 29: 24)

Vâng. Đạo mình, vẫn chỉ như thế. Như thế, tức bảo rằng: trong nỗi buồn cuộc đời dài, người đời cũng sẽ thấy đời mình kết thúc bằng niềm vui tươi, rất muốn cười.
Vâng. Người nhà Đạo mọi thời, vẫn cứ cầu và cứ xin rất nhiều thứ, nhưng lại chẳng bao giờ nguyện và ngắm để mình nhớ mãi việc cần-thiết nhất với người nhà Đạo, là “cho đi”. Cho, những gì mình đã có nhưng người khác vẫn chưa có. Cho, là không nghĩ đến riêng mình mà nhớ nguời khác dù điều cần thiết đó có là niềm vui nho nhỏ, trong đời mình.
Nói theo kiểu nhà Đạo, thì: “cho đi” là bí-kíp sống giúp mọi người vui-tươi, sống tốt-lành/hạnh-đạo trong đời người đi Đạo rất Kitô thôi. Nói theo kiểu người đời rất buồn rười rượi, chắc cũng chỉ nói bằng lời ca/tiếng hát, rất như sau:
  
“Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần
Tình như đá hoài nỗi chờ mong
Tình vu vơ cho ta muộn phiền
Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Tưởng chỉ là cơn say
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay...”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Giả như nghệ-sĩ ngoài đời cứ say sưa hát nhạc đời, rồi còn gọi đó là cơn say “đoá hoa vàng mỏng manh cuối trời” những muốn cười, suốt một đời, thì: chắc hẳn đời nghệ-sĩ sẽ rất vui, không còn tả oán/vãn than, điều gì nữa.
Giả như người đi Đạo lại cũng mê-say sống đời hạnh-đạo mà “cho đi” rất nhiều điều, chẳng kiếm tìm lợi-lộc gì cho riêng mình, thì đời người và đời mình cũng sẽ khác?
Giả như người ngoài Đạo, vẫn cứ hỏi: người Đạo Chúa cứ mê-say sống đời tìm-kiếm vui-tươi hạnh-phúc, thì sao nhà Đạo mình lại ôm-ấp truyện buồn thập-giá, đấu-tranh, khắc-kỷ, khổ-hạnh và tử-đạo như thế, há nào Đạo Chúa cũng buồn phiền, ít vui tươi?
Và, giả như có người nào đó muốn tìm-hiểu chuyện đời đi Đạo với đấng bậc vị-vọng chuyên suy-tư rao-giảng toàn những chuyện buồn-sầu, chán-ngán hoặc cấm-kỵ, thì nhà Đạo mình nghĩ sao về mục-tiêu của Đạo? Và, trả lời làm sao, khi có người vẫn cứ vấn-nạn về cuộc sống và lời dạy của “Đức Giêsu lịch-sử” bằng đôi giòng vắn gọn, mà thôi không?
Bần đạo bày tôi, thấy mình không có tư-cách trả lời cho vấn-nạn nói trên, như thế, bèn vời đến đấng bậc thày dạy Kinh thánh/thần-học, có được câu trả lời, như sau:

“Theo tôi, mình nên kể về: Đức Giêsu là Đấng từng sống ở đất miền bị ngoại-bang chiếm đóng rất nhiều năm. Ngài sống chung đụng với giới nông-gia lao-động tới mức chỉ đủ sống và Ngài cũng thuộc vào thành-phần dân lành bị ức-hiếp ngày càng tệ. Xứ sở Ngài sống, là thế-giới có qui-chế không công-bằng và chẳng đồng đều. Với thế-giới như thế, Ngài đề ra lối sống thực-thụ mang thị-kiến thật rất khác.

Ngài mời mọi người hãy cùng Ngài chung sống cuộc đời như thế trong cộng-đoàn tự-do có  biết chữa-lành và sẻ-san cho nhau mọi của ăn/thức uống, ngang đồng và giống hệt nhau. Cộng-đoàn Ngài đề-xướng, có quyền-lợi ngang bằng nhau trước mặt Thiên-Chúa cũng như mọi người. Với đám con trẻ cùng nam phụ lão ấu, những người bị phong cùi cả những người cùng-cực, sầu-khổ vì nhiều thứ, Ngài vẫn mời họ cùng một kiểu: hãy đến ngồi cùng bàn ăn uống với Ngài, để được cứu-chữa và lĩnh-nhận những gì mình từng đem cho người khác. Cộng-đoàn Ngài thiết-lập, cũng tương-tự như Vương Quốc Nước Trời của Thiên-Chúa. Và, toàn dân gian cùng thế-giới cũng đều thế. Giả như Chúa, chứ không phải vua quan người phàm, đều trực-tiếp chịu trách-nhiệm. Đó, chính là ý Thiên-Chúa muốn thực-hiện ở dưới đất cũng như nơi Vương Quốc của Ngài.

Vương-quốc của Ngài được định-hình rất đúng cách, nên thế-gian phàm-trần mới là vấn-đề. Chính vì thế, Đức Giêsu không chỉ nói đến mỗi Vương Quốc, nhưng là thực-tại từng-trải cho mọi người. Ngài cắm chặng thị-kiến Vương Quốc vào đất miền của xã-hội do Ngài thiết-lập. Chính vì thế, thiên-hạ mới coi Ngài là nhân-vật lập ra cuộc cách-mạng không theo nghĩa quân-đội nhưng là xã-hội. Và, Ngài đã chết vì thị-kiến Vương Quốc ấy. Dù Ngài thách-thức rất mực sự sắp-xếp thông-thường về thế giới Ngài thiết-dựng cũng đã làm Ngài bị bắt giam bất cứ khi nào. Chỉ mỗi biểu-tượng Ngài đưa ra về việc phá-hủy đền thờ thôi, cũng đủ tạo cớ cho người Do-thái và quan quân La Mã đã xúi-giục dân-quân mọi người chống lại Ngài. Thật cũng khó tưởng tượng trường-hợp một nông-gia không tên tuổi như Đức Giêsu lại bị chà đạp đến nát bẹp ở đền Giêrusalem dưới thời Caipha và Philatô trị vì.

Những chuyện không ngờ như thế vẫn xảy ra vào cuối đời của bậc nông-dân chân-chính người Do-thái là Đức Giêsu vẫn không là đoạn-kết của mọi sự. Những người từng có kinh-nghiệm về quyền-uy của Thiên-Chúa qua cuộc sống với Đức Giêsu, vẫn tiếp tục trải-nghiệm như thế cả sau khi Ngài chết đi, nữa. Nay thì, quyền-uy ấy không bị giới-hạn bởi thời-gian và không-gian, nhưng vẫn được áp-dụng ở bất cứ nơi đâu với những người nhận ra Thiên Chúa sống-động nơi Đức Giêsu. Đó, là lý-do cho thấy: tại sao sử-gia ngoài đời khôn-khéo và trung-lập như Josephus lại đã chép sử vào cuối thế-kỷ thứ nhất, rằng: “Những người từng đến với Ngài đã yêu thương Ngài ngay từ đầu, vẫn không từ-bỏ tâm tình yêu thương Ngài và dân con của Ngài mãi đến hôm nay, không biến dạng”. (x. Richard G. Watts & John Dominic Crossan, Who is Jesus, w.w.w.wjkbooks.com)

Phối hợp đời đi Đạo vui tươi/cười nhiều với cuộc sống của Đức Giêsu lịch-sử, không là chuyện dễ làm. Không dễ, là bởi hai vấn-đề lâu nay chưa được các đấng bậc “bật đèn xanh“ cho phép, nên cũng khó. Khó hơn cả, là chuyện thuyết-phục mọi người trong/ngoài nhà Đạo vẫn vui tươi sống đời đạo-hạnh cách tươi vui/hấp-dẫn, vẫn là chuyện cần-thiết, rất nên làm.  
Rất nên làm, không có nghĩa có thể làm được và được làm ngay trong lúc này. Tất cả vẫn phải chờ mình có quyết-tâm chọn lựa cuộc sống giống như thế, hay không. Chọn và lựa, rồi sau đó sẽ cộng thêm vào mình sức mạnh của Thần-khí vẫn yểm-trợ mỗi người và mọi người, trong đời. Nghĩ thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ hiên-ngang đứng dậy mà hát lời tâm-huyết, những ca rằng:

Cười lên đi em ơi!
Dù nước mắt rớt trên vành môi.
Hãy ngước mặt nhìn đời.
Nhìn tha-nhân ta buông tiếng cười.
Ta không cần cuộc đời.
Toàn những chê bai và ganh ghét.
Ta không cần cuộc đời.
Toàn những khoe khoang và thấp hèn.

Cười lên đi em ơi!
Cười để giấu những dòng lệ rơi.
Hãy ngước mặt nhìn đời.
Nhìn đổi thay ta vang tiếng cười.
Ta không thèm làm người.
Thà làm chim trên rừng hoang vắng.
Ta không thèm làm người.
Thà làm mây bay khắp phương trời.”
(Lê Hựu Hà – Cười Lên Đi Em Ơi)

Vâng. Hỡi bạn và hỡi tôi, dù ta không là người “Em” của nghệ-sĩ, hãy cứ cười. Cười, không phải để “che giấu những giọt lệ rơi”, dù không có. Nhưng, là tỏ cho mọi người thấy: mình “không cần cuộc đời, toàn những chê-bai và ganh ghét”, mà chỉ cần nụ cười trong mọi buổi vui. Vui, với mọi người, dù phút chốc có nụ cười góp giọng, trong chuyện đời nhiều lúc cũng đáng cười và rất vui. Vui, như truyện kể ở bên dưới, như sau:

“Hai vợ chồng Giám đốc nọ đang kể với nhau về đủ thứ chuyện trên đời, vui buồn lẫn lộn, bỗng dưng có tiếng chuông điện-thoại reo trên bàn giấy của Giám đốc. Ông bèn chậm rãi lấy tư-thế của một vị Giám đốc, dõng dạc hỏi:
-Ai đó, Giám đốc nghe đây.
Đầu giây bên kia, có tiếng rất trong lại lanh lảnh, hỏi nhỏ chỉ mỗi câu:
-Anh yêu của em đó hả?
Giám-đốc nhà ta thoáng chốc thấy tâm can mình rối bời, nhưng đã tự-chủ mà hỏi lại:         
-Alô! Ai đó? Danh-sách khen thưởng công-nhân-viên hả? Có rồi đây!
-Sao anh cứ đùa với em hoài mãi thế, Anh còn thương em nữa không, em hỏi thiệt đó?
-Thứ nhất: Nguyễn Hoài Thương, nhé!
-Em đến với Anh ngay bây giờ được không?
-Thứ hai: Lê Văn Kẹt.
-Hay là, Anh qua đây với em lập tức có được hôông?
-Thứ ba, là: Đỗ Thị Bận.
-Thế thì, khi nào Anh mới đến được với em cứ nói đi!
-Thứ tư: Mai Tấn Tới.
-Thế cũng được, mấy giờ Anh tới được hả Anh?
-Cuối cùng, là: Nguyễn Văn Mười Hai.
Tay này, khi xưa là Giám-đốc hãng nước hoa Thanh-Hương, làm ăn lỗ lã nay về làm với hãng mình đấy. Được cái, hắn cũng chịu khó chịu cực.
Nói đến đó, ông Giám-Đốc quay sang người vợ hiền vừa cười vừa nói: Nhân viên văn-phòng, lúc này làm việc bê bối quá, căn dặn đủ điều là thế mà bọn họ cứ ngồi đùa giỡn nói nói cười cười, suốt cả ngày. Bận như thế mà còn cười được, kể cũng lạ, Anh đành chịu!”

Thế đấy! Quan-niệm của quan-chức ở cấp cao vẫn cứ bảo như thế. Như thế, tức như thể khi đã bận rộn, thì dù có siên năng làm việc hoặc vui chơi/ca hát, cũng cấm cười.
Thế mới biết, trong cuộc đời bận rộn suốt quanh năm, nhiều người dù có muốn cũng chẳng dám cười. Chí ít, là người đi Đạo và giữ Đạo ở nhà thờ.

Trần Ngọc Mười Hai      
Vẫn chủ-trương
đi Đạo phải thoải-mái, vui tươi
Vẫn cứ cười.
Thế mới vui.