Friday 28 September 2018

“Nếu, nếu một ngày không có em”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần 26 Thường niên năm B 30-9-2018

“Nếu, nếu một ngày không có em”
Thì niềm cô đơn dài như năm tháng
Như mùa thu chết như lá thu rơi.”
(Khánh Băng – Nếu Một Ngày)

(1Côrinthô 13: 3-8)

Cứ coi là thế đi. Một ngày mà không có Em hoặc có Anh, thì ngày ấy sẽ chẳng là gì hết. Huống hồ, là tình yêu. Một ngày như thế, há nào như “mùa thu chết” hoặc cũng chỉ như ”lá thu rơi, thôi. Lá thu rơi ngày ấy, như tác giả nhạc bản “nếu một ngày” lại diễn tả thêm chữ “nếu” đầy tiếc nuối, mà rằng:

“Nếu, nếu ngày ấy mình đừng quen nhau
Thì ngày nay có đâu buồn đau
Những khi mình xa nhau có đâu buồn đau

Nhớ, nhớ một chiều em đến thăm
Ngoài trời mưa trời mưa không dứt
Con đường trơn ướt em đến thăm tôi
Nhớ, nhớ ngày ấy mình cầm tay nhau
Nhìn hạt mưa ướt mi
Ngày sau sẽ không còn mưa rơi, sẽ không còn mưa rơi

Thôi kỷ niệm ấy xin trả cho người
Vì ngày mai tôi sẽ xa rời kỷ niệm, đành xa rời mãi.
Trên, trên con đường sóng gió ra đi.
Vì làm trai tôi đành lỗi hẹn.
Những niềm tin sẽ không xa rời, sẽ không xa rời.

Nếu, nếu một ngày không có tôi.
Thì người yêu ơi đừng quên tôi nhé.
Xin đừng giận dỗi, xin hiểu cho tôi.
Nếu, nếu ngày ấy mình đừng yêu nhau
Thì ngày nay có đâu buồn đau
Những khi mình xa nhau có đâu buồn đau.”
(Khánh Băng – bđd)

“Có đâu buồn đau”, lại cũng giống như trường-hợp của đấng bậc vị vọng nọ ở trời Tây, rất Nam Mỹ, từng thổ lộ về chuyện riêng tư của “ngài”, rằng:

Ngài linh mục người Brazil, Lm Antoine Teixeira đã có thư gửi Đức Phanxicô những lời sau đây:

15 Tháng Chín, 2018

Kính gửi Đức Giáo hoàng Phanxicô,
Quả thật, ngài có lỗi!

Đức Thánh cha có lỗi vì là một con người và không phải là một thiên thần! Đức Thánh Cha có lỗi vì khiêm tốn chấp nhận rằng mình đã sai lầm và cầu xin sự tha thứ cho chính mình và cho cả chúng con nữa. Trong khi điều này đối với nhiều người lại không thể chấp nhận được.

Đức Thánh Cha có lỗi bởi vì ngài không muốn làm một vị thẩm phán, một con người của luật lệ, nhưng là một mẫu gương và nhân chứng của lòng thương xót.

Đức Thánh Cha có lỗi vì đã từ bỏ truyền thống sống trong cung điện và chọn cuộc sống như những người bình thường.

Đức Thánh Cha có lỗi vì đã khước từ sự xa hoa của [Vương cung Thánh đường] Thánh Gioan Latêranô và ưa thích viếng thăm sự nghèo khổ nơi những nhà tù, trại trẻ mồ côi, bệnh viện, vv.

Đức Thánh Cha thật có lỗi! Đức Thánh cha ngừng hôn những đôi chân thơm tho của các vị hồng y, nhưng lại hôn bàn chân “bẩn thỉu” của những phạm nhân, phụ nữ, bệnh nhân, những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, và những người “khác biệt”!

Đức Thánh Cha đáng bị lên án vì đã mở cửa đón nhận những người tị nạn, và bởi trước những vấn đề đau buồn cần được giải đáp, ngài chỉ trả lời một cách đơn giản: “Tôi là ai mà dám phán xét?”

Đức Thánh Cha đáng bị đày đọa vì thừa nhận sự yếu đuối của mình bằng cách xin chúng con cầu nguyện cho ngài, trong khi nhiều người yêu cầu Đức Thánh Cha phải giáo điều, bất khoan dung, và quan liêu.

Kính thưa Đức Thánh Cha, ngài bị quy kết cho thật nhiều thứ tội, như “những phường phản bội,” “hạng bị dứt phép thông công,” và “kẻ lai căng,” những người nhờ Đức Thánh Cha đã tái khám phá khuôn mặt xinh đẹp của Chúa Kitô đầy dịu dàng và thương xót.

Đức Thánh Cha có lỗi vì đã chỉ ra bản chất thực của sự việc và không ngừng nhắc nhở các giám mục rằng họ không phải là những mục tử ở sân bay, nhưng phải mang lấy “mùi chiên của họ.”

Đức Thánh Cha có lỗi vì đã xé toạc những trang sử bất khoan dung và thứ luân lý khô khan, tàn nhẫn, và ban tặng chúng con vẻ đẹp của lòng từ bi, nhân hậu và sự chân thành.
Đức Thánh Cha có lỗi vì đã mở mắt chúng con, những người [tự cho mình] thông minh và lý lẽ, nhất là con mắt của trái tim.

Đức Thánh Cha có lỗi vì muốn mang lấy thập giá của Giáo Hội thay vì mua vui cho những ánh mắt, bàng quan trước những nỗi đau và nước mắt của nhân loại thời đại chúng ta.

Đức Thánh Cha có lỗi vì không chịu đựng những tội ác ghê tởm nhân danh Thiên Chúa và những người rao giảng về Chúa nhưng lại sống đối địch với Ngài.

Đức Thánh Cha có lỗi vì do lòng thương xót, dám tìm kiếm sự thật và công lý, thay vì thinh lặng, giấu giếm, giảm thiểu hoặc bỏ qua.

Đức Thánh Cha có lỗi vì không muốn một Giáo Hội của đặc quyền, lợi ích, và vinh quang, và dạy cho chúng con sức mạnh của việc phục vụ, sự giàu có của việc rửa chân, và sự vĩ đại của tinh thần đơn sơ.

Đức Giáo hoàng Phanxicô, hãy để người ta đổ lỗi cho ngài những “tội ác” này. Đức Thánh Cha biết rằng bên cạnh ngài là vô số những anh chị em nam nữ không phải là thiên thần như ngài, nhưng là những người yếu đuối, những tội nhân, những người hy vọng Chúa Kitô gìn giữ chúng ta và cho chúng ta.

Đức Thánh Cha nên nhớ rằng có một làn sóng rất lớn của những tâm hồn luôn cầu nguyện cho Ngài mọi giây phút; vì Đức Thánh Cha, họ sẵn sàng mạo hiểm cả mạng sống mình. Họ bước theo Đức Thánh Cha như đoàn chiên tin tưởng vào mục tử của họ.

Chính Đức Kitô đã ủy thác nơi Đức Thánh Cha sứ mệnh chèo lái “con thuyền” Hội Thánh. Ngài sẽ ban thêm sức mạnh cho Đức Thánh Cha theo đuổi con đường “tội lỗi” này, con đường đã được thực hiện thật tốt trên thế giới và trong Giáo Hội.

Kính thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn ngài đã trở nên “tội lỗi” để làm cho Hội Thánh nên xinh đẹp như mong ước của Chúa Giêsu.” (Lm. GB. Cao Xuân Hưng, Gp. Vinh biên dịch từ bản tiếng Anh, Nguồn: http://www.cbcplaiko.org/2018/09/13/from-a-priest-in-brazil-to-the-pope/)

Chuyện đời thường hoặc riêng tư nhà Đạo của một linh mục, cũng na ná hơi bị giống chuyện của người ngoài, ở đời thường. Nói na ná, là bởi nó chỉ giống đôi chút khía cạnh nào đó, rất nho nhỏ. Na ná, như câu truyện kể cũng rất nhẹ như bên dưới:

“Truyện rằng:

Anh nọ có lần được dịp nói khoác:
–Tôi được thấy có nhiều cái lạ lắm, nhưng lạ nhất là có một chiếc thuyền, dài không lấy gì mà đo cho xiết, có người thuở hai mươi tuổi đứng ở đằng mũi bắt đầu đi ra đằng lái, đi đến giữa cột buồm thì đã già, râu tóc bạc phơ, cứ thế đi, đến chết vẫn chưa tới lái. Trong làng cũng có một anh nói khoác nổi tiếng, nghe vậy liền kể ngay một câu chuyện:

–Như thế đã lấy gì làm lạ! Tôi đi rừng thấy có một cây cao ghê gớm. Có một con chim đậu trên cành cây ấy, đánh rơi một hạt đa. Hạt đa rơi xuống lưng chừng gặp mưa, gặp bụi rồi nảy mầm, đâm rễ thành cây đa. Cây đa lớn lên, sinh hoa, kết quả, hạt đa ở cây đa đó lại rơi vãi ra, đâm chồi, nẩy lộc thành nhiều cây đa con, đa con cũng như cây đa mẹ lớn lên, sinh hoa kết quả, lại nẩy ra hàng đàn cây đa cháu. Cứ thế mãi cho đến khi rơi tới đất thì đã bảy đời tất cả.
Anh đi xa về, nghe thế gân cổ lên cãi:

–Làm gì có cây cao thế! Chả ai tin được.
Anh kia cười ranh mãnh:
–Ấy không có cây cao như thế thì lấy đâu ra gỗ mà đóng chiếc thuyền của anh? (Truyện kể rút từ điện thư vi tính, mới đây thôi.)

Truyện vui vi tính, thật ra, nhiều lúc cũng chẳng ăn nhập đề tài được bàn luận hoặc kể lể. Thế nhưng, đã gọi là truyện kể để minh-họa đề tài mình đang nói hoặc sắp nói, thì “giữa hai hàng chữ” vẫn có ý-tưởng sao đó, có thể xảy ra ngay ở đây vào một lúc, giống thế thôi. Thật ra thì, có kể truyện vui, cũng chỉ cốt để đề tài triết-lý/thần-học được dễ chịu khi người kể cứ bỏ thì giờ ra mà tìm kiếm.

Thế đó, còn là tâm-trạng của bần đạo bầy tôi đây, hôm nay, những muốn đề-cập đến một thứ phiếm luận đạo đời, rất khô khan, thôi. Kể rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta trở về với  ca-từ nhạc-bản làm nền ở trên mà đi vào đoạn kết, cho bớt phiền. Ca-từ lại cứ hát những lời rằng:

Nếu, nếu một ngày không có tôi
Thì người yêu ơi đừng quên tôi nhé
Xin đừng giận dỗi, xin hiểu cho tôi

Nếu, nếu ngày ấy mình đừng yêu nhau
Thì ngày nay có đâu buồn đau
Những khi mình xa nhau có đâu buồn đau.”
(Khánh Băng – bđd)

“Một ngày, không có tôi”, và cả những người anh, người chị ở thế-trần này, lại sẽ giống như tình-huống rất đạo/đời, mà thôi. Tình-huống những một ngày như thế ấy, còn là và vẫn là những tình và huống rất căn-cơ như lời lẽ bậc thánh hiền từng thổ-lộ hôm trước, nay ta nghe lại mà rằng:

“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp ra mà bố thí,
hay nộp cả thân xác mình để chịu thiêu đốt,
mà không có tình mến thương,
thì cũng chẳng ích lợi gì cho tôi.
Thương yêu, mến mộ luôn nhẫn nhục, hiền hậu,
không ghen tương,
không vênh vang,
không tự đắc,
không làm điều bất chính,
không tìm tư lợi,
không nóng giận,
không nuôi hận thù,
không mừng khi thấy sự gian ác,
nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Thương yêu, mến mộ tha thứ tất cả,
tin tưởng tất cả,
hy vọng tất cả,
chịu đựng tất cả.
Thương yêu, mến mộ như thế
không bao giờ lại mất đi.”
(1Côrinthô 13: 3-8)

“Không thể mất được”, đó là lời quả quyết như “đinh đóng cột”. Thứ quả quyết mà cả tôi lẫn bạn, cũng như mọi người vẫn cứ đưa ra cho mọi người biết, để còn tin. Và, khi đã tin rồi, sẽ không còn gì để thắc mắc nữa.

Thế đó, là lời thề của tôi và của bạn, của hất mọi người trong tương-quan đằm thắm rất yêu thương. Như thói thường cuộc đời người, xưa nay vẫn hoàn thế.

Thế đó, còn là ước hẹn của muôn người. Trên đường đời.

Trần Ngọc Mười Hai  
Và những ước hẹn
Có tự bao giờ
Và bây giờ.




Wednesday 19 September 2018

“Sao anh ngồi lặng lẽ để lòng em tái tê"


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 25 thường niên năm B ngày 25-9-2018

“Sao anh ngồi lặng lẽ để lòng em tái tê"
“Hãy trả lời em đi nghĩ gì mà đợi chờ
“Nhiều lần chung ước mơ
“Bên nhau ta cùng hứa
“Quên đi chuyện năm xưa.”
(Lam Phương - Thao Thức Vì Em)

(1 Thessalônikê 5: 6-10)

Vâng. Có “chung ước mơ” “bên nhau ta hẹn ước” đến thế, thì “anh (mới) ngồi lặng lẽ” để “lòng em tái tê”, rồi “đợi chờ” “cùng hứa”. Hứa, những chuyện năm xưa luôn “Thao thức vì Em.”  Và cứ thao thức mãi, nên anh lại hát thêm những lời ê a, rên la như bên dưới:

“Anh ơi suốt đêm thao thức vì anh.
Vì lời giã từ lúc anh ra về.
Rằng mai đây anh lại đến.
Ước nguyện trọn một đời.
Là mình luôn luôn có đôi.

Anh ơi nhớ thương thương nhớ cả đêm.
Làm sao quên được phút giây êm đềm.
Chờ mong sao cho trời sáng.
Đúng giờ mình hẹn hò.
Là đời quên hết sầu lo.”
Lam Phương – bđd)

Là, nghệ sĩ chuyên viết các nhạc bản theo nhịp “Rumba”, “Bolero” nên mới hát những lời ỉ ôi, khăn gói quả mướp đến quên mệt. Thế đó, là tình người nghệ sĩ, ở đời. Còn, người nhà Đạo thì sao?

Nhà Đạo ấy à? Thì, cũng ê a những là hứa hẹn, rồi ước mơ/đợi chờ, vv và vv... Nhưng, đợi và chờ như thế, để được gì? Phải chăng, được những hứa hẹn, ước mơ khiến người dân đi Đạo cứ là mơ ước, ước mơ những chuyện ơ hờ, cả thế hệ?

Bản thân bần đạo bầy tôi đây, vốn dĩ là giáo-dân hạng thứ, cũng chẳng biết trả lời/trả vốn sao cho phải lẽ. Nên, cứ là lắng tai nghe đấng bậc vị vọng đâu đó ở bên Anh có lời trần thuật về tình cảnh Giáo hội Công giáo ngày nay, như sau:

“Giám Mục Anh: Có một cuộc khủng hoảng gồm ba lãnh vực đang diễn ra trong Giáo Hội:


Đgm Philip Egan, vị Giám Mục thứ tám của Giáo phận Portsmouth, miền Nam nước Anh, đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng để yêu cầu ngài triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường hầu giải quyết cuộc khủng-hoảng lạm-dụng tình-dục đang làm điêu-đứng Giáo Hội.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho National Catholic Register hôm 10 tháng 9, vị Giám Mục Anh, năm nay 65 tuổi, nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng tai tiếng lạm dụng tính dục đang diễn ra trong Giáo Hội không chỉ bao gồm hai lãnh vực là những tội lỗi và tội ác chống lại giới trẻ bởi các thành viên trong hàng giáo sĩ; và việc xử lý sai và che đậy bởi hàng giáo phẩm.

Thực ra, cuộc khủng hoảng hiện nay còn có một chiều kích thứ ba là những tội lỗi liên quan đến giới đồng tính trong hàng giáo sĩ.

Đức Giám mục nói:

“Giáo Hội thuộc về Chúa Kitô. Giáo Hội là thánh thiện, mặc dù, như chúng ta có thể thấy, Giáo Hội được tạo thành từ những con người tội lỗi như bạn và tôi. Giáo Hội tồn tại để kêu gọi những người tội lỗi và giúp họ trở nên thánh thiện.

Có một cuộc khủng hoảng bao gồm ba lãnh vực ở đây: thứ nhất, là những tội lỗi và tội ác chống lại giới trẻ bởi các thành viên trong giáo sĩ; thứ hai, các nhóm đồng tính tập trung quanh Tổng Gm McCarrick, nhưng cũng có mặt ở các miền khác trong Giáo Hội; và kế đến, thứ ba, là việc xử lý sai và che đậy bởi hàng giáo phẩm ngay cả ở các tầng lớp cao nhất.”

ĐGm Egan cảnh cáo rằng những vấn đề này sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đến chứng tá của Giáo Hội trước thế giới và sứ vụ mà Chúa đã ủy thác cho Giáo Hội Ngài. Ngài nói:

“Chúng ta biết rằng tất cả những vấn đề này ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong xã hội hiện đại, và chúng ta biết rằng ở nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như ở đây ở Vương quốc Anh này, đã có những quy ước phòng ngừa rất mạnh mẽ được thực hiện trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, những vụ tai tiếng vẫn ảnh hưởng đến chính tính chất bí tích của Giáo Hội và gây thiệt hại cho sứ mệnh truyền giáo của chúng ta. Tất nhiên, chúng ta cũng phải nhớ rằng việc truyền giáo luôn luôn là hai chiều, như hít vào và thở ra.

Chúng ta không thể trao ra những gì chúng ta chưa có. Trong chập chùng những vụ tai tiếng này, không dễ dàng để đưa ra các chứng tá đức tin.”

Ngài nói tiếp:

“Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta có thể làm là cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần, cầu khấn sự cầu bầu của Đức Maria, là Mẹ của Giáo Hội, để chúng ta có thể lớn lên trong sự thánh thiện, để chúng ta có thể làm sâu sắc thêm đức tin của chúng ta, tăng gấp đôi lòng nhiệt thành cầu nguyện, sự hăng say học hỏi Kinh Thánh, lòng yêu mến Chúa Giêsu ngự trong Thánh Thể, và những nỗ lực của chúng ta để sống trong thực tế những gì chúng ta tuyên xưng.

“Bức thư thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đã được gửi đến Đức Thánh Cha vào ngày 22 tháng Tám, và được công bố trên trang web của Giáo phận Portsmouth. ĐGm Egan nói rằng đề xuất của ngài nảy sinh bởi những vụ tai tiếng tình dục gần đây ở Mỹ, đặc biệt là sau khi báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố, cũng như các trường hợp khác ở Ái Nhĩ Lan, Chí Lợi và Úc.

“Lạm dụng tình dục bởi hàng giáo sĩ dường như là một hiện tượng hoàn vũ trong Giáo Hội,” Đức Giám mục Egan viết trong thư gởi cho Đức Giáo Hoàng. “Là một người Công Giáo và là một Giám mục, những điều được phơi bày này làm tôi đau buồn và cảm thấy nhục nhã.”

ĐGm Egan nói rằng, bên cạnh những cảm giác này, ngài cảm thấy bị thôi thúc phải đưa ra một “gợi ý mang tính xây dựng” hơn và xin Đức Giáo Hoàng cân nhắc việc triệu tập một Thượng Hội Đồng Giám Mục về đời sống và công việc mục vụ của hàng giáo sĩ. (X. giesu.net 11/9/2018 Đặng Tự Do chuyển ngữ)

Trước tình hình sục sôi trong Giáo hội như thế, có đấng bậc thày dạy thuộc trường/lớp Đại học Anh quốc lại có những nhận-định khá thực tế như sau:

“Thinh lặng, là thành-phần sống còn của những gì bị mất đi trong lịch sử, một dụng cụ cần-thiết để giúp ta tạo nghĩa cho những chuyện đã được viết và là bằng cớ nhãn-tiền về những gì ta sở hữu…

Thinh lặng, là phần chính của xác thể trong đó các lớp xương làm nền cho chứng cứ tích-cực của lịch sử được mặc áo quần để che đậy…

Nói gì đi nữa, thinh lặng lại vẫn là sở-hữu riêng của niềm tin Kitô-giáo. Do-thái-giáo, một trong hai thể-loại chính của Đạo Chúa, đã khởi sự chuyện trò sống động về lặng thinh. Các thể-loại lặng thinh khác hội-nhập vào với niềm tin Do-thái-giáo và Kitô-giáo từ các nơi thuận tình khác như nền văn-hóa Hy-Lạp đã cung-cấp gốc-nguồn cho Ki-tô-giáo và tạo-lập từ một trung khu nào đó còn xa hơn…” (X. Diarmaid MacCulloch, Silence: A Christian History, Penguin Book 2013 tr 2-5)
   
Tắt một lời, trong cuộc sống Giáo hội ở khắp nơi, kể ra không hết các tình-huống ồn-ào, sôi sục khiến dân con Đạo Chúa khó lòng mà giữ thinh lặng để còn sống. Sống có suy-tư, trầm-mặc và quyết-tâm như nhiều đấng bậc từng hành-xử trong quá-khứ đầy sinh động.

Sống quyết-tâm trong thinh lặng đôi lúc, lại cũng giống như nghệ-sĩ nhà vẫn diễn tả sự thể bằng các ca-từ nhạc như đã hát những câu sau:

“Anh biết hay chăng
Thương anh nhớ anh tất cả là anh
Còn gì đẹp bằng lúc ta sum vầy
Cầu mong sao duyên đẹp đôi
Ước nguyện cả cuộc đời
Là được mãi mãi gần nhau.”
(Lam Phương - Thao Thức Vì Em)

Thao-thức vì Em hay vì Anh, có khi chỉ vì cứ thấy Anh hoặc Em gặp phải những tình-huống khó khăn như thế, mà thương thôi. Thương đây, không mang tính thương hại, hoặc thương rồi làm hại; hoặc thương cho lắm chỉ có hại cho người “bị” thương mà thôi.

Thao thức vì Em, còn là và sẽ là cứ thế mà thức rồi lao xao theo giòng đời “chảy xiết” như giòng nước nổi trôi, suốt một đời. Là, đời người có nhiều năm tháng cứ kéo dài nhiều ngày đến sốt ruột, thôi.

Thao thức vì Em, hoặc vì Đức Chúa Bậc Thày mình, còn như Đấng Thánh Hiền từng căn dặn hết mọi người, rằng:

“Vậy chúng ta đừng ngủ mê
như những người khác,
nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ.
Ai ngủ, thì ngủ ban đêm;
ai say sưa, thì say sưa ban đêm.
Nhưng chúng ta,
chúng ta thuộc về ban ngày,
nên hãy sống tiết độ,
mặc áo giáp là đức tin và đức mến,
đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ. 
Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ,
nhưng được hưởng ơn cứu độ,
nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
Đấng đã chết vì chúng ta,
để dầu thức hay ngủ,
chúng ta cũng sống với Ngài.”
(1 Thessalônikê 5: 6-10)

Trong tâm tình Thao thức vì Em hay vì Anh, tưởng cũng nên kết thúc câu chuyện luận phiếm cứ lai rai, kéo dài thời gian của người đọc, đến phát mệt. Thôi thì, cũng xin ban bố cho bần đạo bầy tôi rất lôi thôi ở đây một ân-huệ “để đời” rồi thôi, mà hát rằng:

“Anh ơi suốt đêm thao thức vì anh.
Vì lời giã từ lúc anh ra về.
Rằng mai đây anh lại đến.
Ước nguyện trọn một đời.
Là mình luôn luôn có đôi.

Anh ơi nhớ thương thương nhớ cả đêm.
Làm sao quên được phút giây êm đềm.
Chờ mong sao cho trời sáng.
Đúng giờ mình hẹn hò.
Là đời quên hết sầu lo.”
(Lam Phương – bđd)

Cuối cùng thì, “Là đời quên hết sầu lo”, đó mới là chuyện quan-trọng với nhiều người, ở trong đời. Quan-trọng như vấn đề được người kể nói đến trong câu truyện ở bên dưới:

“Truyện rằng:

“Đời là một chuyến đi không biết điểm đến. Rất ít ai đến được điểm mình dự định. Thông thường ta bắt đầu cuộc hành trình với một ‎‎ý niệm đích điểm trong đầu, chỉ để nhận ra rất sớm là cuộc đời có rất nhiều chỗ rẽ bất ngờ, và sau một lúc thì ta chẳng chắc là đời ta rồi sẽ về đâu. Nhưng như vậy thì đời mới vui. Đọc truyện mà biết được đoạn cuối ngay từ khi khởi đầu thì cụt hứng rồi. Nhưng như vậy có nghĩa là đường đời không phải là đường thẳng, mà là đường quanh co ngoằn nghèo, cứ như đường rừng. Đôi khi đi cả chục cây số rồi mới khám phá ra là mình chỉ lại đến ngay điểm khởi hành.

Đường đời thật là thế. Nếu quan sát trẻ em và người già thì ta thấy rất giống nhau—cả hai cùng rất yếu về thể xác và cùng nhiều tình cảm hơn lý luận. Và ta bắt đầu từ bụi đất, sẽ trở về cùng bụi đất. Điểm cuối cũng là điểm khởi hành.

Khái niệm đường vòng này rất ích lợi trong kế hoạch sống của chúng ta. Nếu ta biết đời không phải là đường thẳng và ta có thể vòng lại điểm đã qua, thì tốt hơn là trên mỗi bước đi, ta nên ném ra vài hạt trái cây ngũ cốc bên đường, hy vọng là dọc đường sẽ mọc nhiều cây trái, để lúc nào đó ta vòng lại thì có thể đã có sẵn trái ngon chờ đợi! Đi đến đâu gieo hạt giống đến đó, tức là sống hôm nay mà trồng cho ngày mai đó, các bạn ạ.

Dĩ nhiên là không phải hạt nào cũng lên cây tốt. Nhiều hạt sẽ bị chim ăn, nhiều hạt sẽ chết đi, nhưng sẽ có một ít hạt nầy mầm sinh cây. Và những cây này, biết đâu lại sinh hoa trái và chim chóc sẽ mang hạt của chúng gieo rắc hàng bao nhiêu dặm xa khắp nơi. Cuộc đời biến hóa vô lường, làm sao ta có thể đoán hết hậu quả của chỉ một hạt nẩy mầm, huống chi là khi ta gieo nhiều hạt mỗi ngày.

Cho nên nếu sống khôn ngoan, thì ta gieo hạt trên mỗi bước đi.
Nhưng các hạt đó là những gì?
Thưa, chúng ta có thể chia các hạt ta có sẵn trong túi ra thành vài nhóm.

1. Những nụ cười, những lời cảm ơn, và những lời nói hiền dịu.

2. Tiền tài: Nếu có thể cho ai một tí tiền, thì cho. Nếu có thể cho ai mượn một tí tiền, thì cho mượn. Nếu có thể giúp ai đở đói một ngày, thì giúp.

3. Công việc: Nếu có thể mách bảo ai một cơ hội làm ăn thì mách bảo. Nếu có thể chỉ ai có một được một công việc thì chỉ. Nếu có thể dạy ai một cách kiếm tiền thì dạy.

4. Kiến thức: Nếu có thể dạy ai đó biết đọc, biết làm toán, thì dạy. Nếu có tài năng gì đó có thể chia sẻ lại với mọi người thì chia sẻ. Nếu có kỹ năng sống nào đó có thể dạy lại cho mọi người thì dạy.

5. Đạo đức và triết l‎ý sống: Nếu ta đã có kinh nghiệm sống biết thế nào là đạo đức, thế nào là thiếu đạo đức, thế nào là tốt cho cuộc sống, thế nào là có hại, con đường nào sẽ đưa đến khổ đau, con đường nào sẽ đưa đến an lạc, thì hãy chia sẻ lại với anh chị em, nhất là những người ít kinh nghiệm sống hơn.

6. Cách tự sống vững trên hai chân: Có lẽ điều tốt nhất ta có thể trao tặng một người là kiến thức và kinh nghiệm giúp cho người đó có thể tự sống, tự xoay sở, dù là họ có lọt vào bất kỳ tình huống khó khăn nào. Đây là giúp cho họ kỹ năng sống cũng như tự tin để sống mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Phần cốt cán của nó là tư duy tích cực.

Tất cả những điều này mỗi chúng ta đều đã có sẵn trong túi không ít thì nhiều. Chẳng tốn kém tiền bạc hay công lao chỉ để lấy ra vài hạt trong túi ném ra bên lề đường mình đang đi.
Và tất cả các hạt này đều chỉ nằm trong một gia đình thực vật lớn, gọi là “tình yêu.”

Nếu mỗi người chúng ta đều gieo hạt dọc đường thì sẽ có hai chuyện xảy ra. Thứ nhất, riêng cá nhân ta, một lúc nào đó ta sẽ hưởng được trái ngọt của hạt giống ta gieo hôm nay. Bắt buộc là như vậy. Càng gieo nhiều và càng sống lâu, xác suất được hưởng của ta càng tăng rất cao. Thứ hai, khi nhiều người gieo dọc đường, thì ai đi đâu, dọc đường nào, cũng đều có trái ngon chờ mình trên cây.

Chúc các bạn một ngày vui. Hạt nào bạn gieo hôm nay?

Mến,
Trần Đình Hoành” (X. Thanh Trúc, trích Gieo Hạt Từng Ngày, bài của Thích Phước Tịnh)  

Trần Ngọc Mười Hai
Có những lúc chỉ muốn lặng thinh
Như tình đã thuận
Nhưng không tài nào
Đạt kết quả khả quan
Chút nào hết.