Saturday 29 September 2012

“Gió, đưa đến hồn tôi,”



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 27 thương niên năm B 07.10.2012

“Gió, đưa đến hồn tôi,”
“Nhạc chiều, từ viễn khơi,
“hoà theo tiếng hát xa vời,
“nương cánh mây trời, đem đến muôn lời ước nguyền.”
(Nhạc: Enrico Toselli – Lời Việt: Thục Vũ – Nhạc Chiều)
(Cv 8: 9-11)
            “Nhạc chiều từ viễn khơi”, là giòng nhạc có “tiếng hát xa vời”, rồi cứ thế “nương cánh mây trời”, “đem đến muôn lời ước nguyền”. Uớc nguyện hôm nay, là những nguyện và ước rất êm đềm, một tình huống. Ước nguyện lâu rày, còn là nguyện ước có những chiều êm ả của trời đất, rất dễ chịu.
Nhạc chiều viễn khơi, không chỉ là giòng nhạc trổi vào buổi ru hồn tôi, có những tình tiết như:

“Thiết tha giữa rừng thu,
Nhạc chiều là tiếng ru hồn tôi,
trong giấc mơ vàng theo gió trăng ngàn,
đem đến bên nàng tiếng đàn.
Lòng lâng lâng theo cung đàn
chiều vào tơ duyên theo tiếng hát mỹ miều.”
(Enrico Toselli/Thục Vũ – bđd)

            Nhạc buổi chiều, có tình tự êm ả cả nhà quây quần bên nhau trong bầu khí ấm cúng có âm thanh/lời ca vang êm đềm, mỗi buổi chiều. Nhạc êm êm, bầu khí thân thương có gia đình cùng thưởng ngoạn. Thưởng thức cảnh sống vui thần tiên trong đời, được học giả nọ ở Mỹ, lại cho biết:

“Một số các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã cho biết: hiện có bằng chứng cho thấy có nối kết chặt chẽ giữa niềm vui sống của con cái ở tuổi “teen” với gia đình của em, khi cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn thưởng thức bữa tối, rất êm đềm.      
Nhiều học giả còn coi chuyện ăn tối với gia đình ở tại nhà đã biến bữa ăn này trở thành một thứ “phép mầu thần thông” khả dĩ cứu vãn được tình trạng căng thẳng/trầm thống mà các người cha, người mẹ ở nhà bớt đi một thắc mắc. Nay, phép mầu “thần thông” lại làm cho bậc cha mẹ bớt đi cảm giác phạm lỗi, rất tội.
Tác giả Ann Meier thuộc đại học Minnesota và Kelly Musick thuộc tổ chức Connel vừa phân tích dữ kiện thu thập được từ hơn 18 ngàn bạn trẻ bậc trung học trên toàn nước Mỹ, có nhận định sau đây:

“Qua khảo sát, chúng tôi nhận ra một điều, là: gia đình nào tạo điều kiện để mọi người trong nhà cùng ăn cơm chung với nhau, đó là yếu tố cho thấy gia đình ấy đã đạt niềm vui sống với con cái hầu tránh căng thẳng và giúp cho con mình lánh xa được cố tật nghiện ngập như: bia/rượu, ma tuý và/hoặc tình trạng thiếu niên phạm pháp.
“Phân tách dữ kiện thâu lượm được, chúng tôi thấy là các buổi ăn tối chung với bố mẹ ở nhà đã đánh động mạnh lên đầu óc con trẻ; để rồi, sau này khi khôn lớn, con cái có được cuộc sống chất lượng, quan hệ tốt với mọi tầng lớp xã hội.”

“Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Mỹ cũng không loại trừ khả năng cho rằng ăn tối chung với gia đình sẽ gây ấn tượng lên con trẻ, mãi về sau. Đồng thời, các vị lại khẳng định rằng: cha mẹ nào mải miết với công việc làm ăn, cũng nên để giờ ra mà ở với con cái; có như thế, mới học hỏi được điều thiết yếu trong cuộc sống thường nhật, vốn rất cần.” (xem Carolyn Moynihan, Family Dinners Don’t Work Magic, MercatorNet 3/7/2012)

Thật ra thì, “phép thần thông nhiệm màu” không hiện ra ở sự kiện chung vui ăn tối với gia đình, cho bằng vào yếu tố thời gian mà cả nhà bỏ ra để gần gũi nhau. Đó là sự thật rất mực quan trọng trong quan hệ bình thường, ở đời. Nói chữ quan trọng, là bởi: cả khi người người bị cú sét ái tình đi nữa, họ cũng thấy được đâu là “phép thần thông biến hoá” trong trời đất.
Nhưng có điều, là: phép thần thông biến hoá ấy, không tồn tại mãi riêng lẻ chỉ một người mà thôi. Nhưng, lại rải đều với mọi người. Thế nên, vấn đề là: khi nhận phép mầu thần thông biến hoá để thành tình nhân hay vợ chồng, sau đó rồi sẽ ra sao? Ra sao, là ra thế nào khi gặp phải sự thật trần trụi nơi cuộc sống quá bận rộn lại bon chen, chèn lọc, cạy cục. Ra thế nào, khi chỉ vì lý do nào đó, mình và người không còn nhận được ân lộc Bề Trên ban, để rồi khi đó hỏi rằng mình có còn tin vào sức mạnh của phép mầu thần thông biến hoá, nữa không?
Nhiều cặp tình nhân hay chồng vợ vẫn cứ vui vẻ chấp nhận mọi tình huống, cả đến tình huống căng thẳng, trầm thống xảy ra với mình, để rồi coi mọi sự như “phép thần thông” nhận từ trên. Ngược lại, nhiều cặp và nhiều người vẫn trông đợi vào “phép thần thông biến hoá” của ai đó, mà tự thân chẳng có cố gắng nào hết.
Nói cách khác, họ vẫn cầu và vẫn xin để có được “phép mầu” đến với mình. Bởi thế nên, mới chăm chỉ “cầu kinh”. Bởi vậy, đấng bậc vị vọng thời xưa cũ mới đặt ra cái-gọi-là “kinh cầu”, như: cầu hồn, cầu chữ, cầu đủ thứ đến thiên thu. Nói chữ “thiên thu”, là vì nhiều cụ và nhiều vị lâu nay cứ chạy theo các diễn biến thời thượng để tìm ra ơn đặc sủng gửi đến cho riêng mình qua kinh cầu này khác, để rồi cứ tưởng rằng phép mầu ấy/”sự lạ” này nó sẽ xảy đến dài dài, không đứt đoạn.
Nói cho cùng, phép mầu thần thông trông giống phép lạ, phép nào cũng cao cả, khiến người đi Đạo luôn thất thần mà kiếm tìm và chạy đến. Thế nhưng, ở đây, nghệ sĩ ngoài đạo nhận ra được điều lạ kỳ, gọi được là phép mầu thần thông, ở thi ca/âm nhạc có những câu:

“Người hỡi cánh chim bay lưng trời
mang muôn ý thơ về khơi.
Nhạc thiêng trong ngàn lá…
(Enrico Tocelli/Thục Vũ – bđd)

            Nghệ sĩ nhà ta thường gọi: “Nhạc thiêng trong ngàn lá…” mà, người đời lại cứ tưởng đó là tiếng lạ được gió mang theo ân huệ lạ thường, mình vẫn mong.
            Thông thường, người đời cứ là hay tìm của lạ, như chuyện lạ kỳ ít thấy. Để rồi, coi đó là “phép mầu” lạ lùng, gửi đến cho mình. Ai chưa được, hoặc chưa có nhưng vẫn muốn nhận, nên cứ xin. Xin ráo riết, liên lỉ để được dấu lạ, ít ai có. Và, thế là người đi Đạo lại hành xử như người đời xưa, đến độ thánh nhân còn ghi nhớ:
             
            “Trong thành ấy, có một người tên là Si-môn,
vốn dùng phù phép làm cho dân Samari kinh ngạc.
Ông ta xưng mình là một nhân vật quan trọng,
và mọi người từ nhỏ đến lớn đều chú ý đến ông.
Họ nói: "Ông này là Quyền năng của Thiên Chúa,
Quyền năng được gọi là "Vĩ đại"."
Họ chú ý đến ông,
vì từ khá lâu
ông đã dùng phù phép làm cho họ kinh ngạc.”
(Cv 8: 9-11)

            Do bởi tính phàm trần còn rớt lại, nên dân con nhà Đạo thời nay lại có những hành xử chẳng khác nào người xưa ở điểm này, là: cứ kiếm tìm sự lạ, chuyện lạ, tức “phép mầu thần thông” dành cho mình, nên cứ chạy theo đủ loại phong trào/sự thể . Đủ mọi dấu chỉ cho thấy ở đây/nơi đó có “phép mầu” chữa lành đủ mọi bệnh, mà không ngờ rằng bậc hiền nhân trong Đạo, từng cảnh giác.
            Vừa qua, bần đạo bắt gặp được tư tưởng rất chính đạo của đấng bậc chuyên viết suy niệm trong tờ “Bản tin Giáo xứ” ở họ đạo lẻ, nơi lộ tẻ, như đoạn sau đây:

“Người đời nay hay đi tìm dấu chỉ thời đại về phép mầu lạ lùng ở đâu đó, nào đã biết rằng: dấu chỉ rất “phép mầu” về lòng tin-yêu. Tin vào sức bổ dưỡng có từ Bên Trên. Tin vào tình thương yêu đặt để nơi mọi người, ở khắp chốn. Từ cơ quan, công xưởng cho chí gia đình/chòm xóm. Tinh ý hơn, ta sẽ nhận ra tính trung thực nơi lòng thuỷ chung vào tính chất “chết đi cho tính “lăng xăng tìm chuyện lạ, và phép lạ ở đâu đó” chứ không giết chết chính mình. Ở đây nữa, ta được dặn dò chỉ nên thực hiện vế trước, tức chết đi cho tính tình không phải lẽ. Chứ đừng bị lôi cuốn vào vế sau, là “tự giết chính mình” bằng các hành xử không phải phép, dù hấp dẫn. Chết đi cho chính mình, là: dẹp bỏ bản ngã mang tính phù thuỷ/dễ tin, cần cải thiện. Chức không phải là chết cho thân xác bằng các hình thức này khác. Cũng chẳng là: chết đi cho cuộc đời, cùng với mọi người sống cho phải Đạo.
Trong cuốn sách do mình viết với lời tựa: “Các nhân đức cần thiết để tín hữu của ta có được cuộc sống bình thường, không phù phép”, tác giả James Keenan đã khẳng rằng: ‘Thuỷ chung với Chúa, là lằn ranh đậm nét nơi cuộc sống của tín hữu Đức Kitô. Tác giả còn biện luận là: Giáo hội ta bỏ ra quá nhiều giờ để giảng giải về sự bất trung của con người khi chạy theo phép mầu cùng sự lạ xảy ra đây đó. Nhưng lại có ít thời gian để nói về chuyện củng cố lòng chung thuỷ, sống đúng Đạo.’
Ông còn nói: đời người, ai cũng có hai mục tiêu nhắm vào lòng đạo, đó là: sự chung thuỷ và lòng công chính. Chung thuỷ với Cha, với Chúa. Thuỷ chung với mọi người. Đó là những gì tóm gọn đều Chúa từng làm để cứu độ mọi người. Và, cũng là điều mà Ngài hằng kêu gọi dân con đồ đệ ở Phúc Âm đừng tìm “dấu lạ/phép lạ” ở đâu khác. Có lẽ, vì ta quá dễ dàng tin người khác nói, quên đi những điều Chúa dạy để cứ cho rằng chung thuỷ với bầu bạn là vấn đề đạo đức, khó hoàn thành.
Một khi ta thấy đuợc tình bằng hữu là phép lạ Chúa ban cho, lại là chìa khoá gỡ mở cuộc sống đạo đức, thì khi ấy ta sẽ thấy rằng sống đời đạo đức không còn là chạy theo tin đồn ở đây ở đó về phép lạ, sự lạ mà chỉ là chuyện tương tác với người khác, trong cuộc sống thường nhật. James Keenan lại cũng viết: “Để đạt tới đó, có lẽ ta cần gọi nhau cho thật nhiều. Thư từ cho thường xuyên. Nấu nướng cho nhau ăn nhiều hơn. Tản bộ dài và lâu hơn. Hoặc, nán lại ở với nhau lâu hơn để gần gũi bạn bè. Và có lẽ, ta cũng nên cởi bỏ những thói tật của chính mình. Những tật và những thói như: chỉ biết cân đong đo đếm điều người khác đã làm hoặc không làm như mình. Bỏ cả thói quen không tốt lành như chạy theo tìm kiếm việc lạ, sự lạ, đến rối bời…”
Tóm lại, chung thuỷ với Chúa vẫn hiện diện nơi người đồng loại, là biết đáp ứng lời gọi mời đặt tình thuỷ chung/bằng hữu vào trọng tâm của cuộc sống rất đạo đức, chứ không phải những chuyện bề ngoài, thoáng qua, non trẻ. Biết sống đích thực như lời Chúa dạy: đừng tìm kiếm các dấu chỉ hoặc sự lạ ở đâu khác. Vì sự lạ lớn nhất chưa từng thấy trong đời, là: Chúa đã chết đi để rồi Ngài sống lại cho ta, cho bản tính vớ vẩn hoặc non trẻ ở nơi ta.” (x. Lm Richard Leonard sj, Suy Niệm Chúa Nhật thứ XXI thường niên năm B, Bản tin Giáo xứ Fairfield Sydney 26/8/2012)

            Trích dẫn lời của đấng bậc ở Úc rồi, bần đạo thấy chưa thoả, vẫn còn muốn kể lại nhận định của một bạn hiền nọ người Úc có chồng Việt tên Nguyễn Văn Hiển sống ở Baulkham Hills Sydney đã thành thật trả lời sau khi bần đạo chia buồn cùng chị, rằng: “Cho đến bây giờ tôi vẫn học được nhiều điều từ ông chồng người Việt của tôi, đó anh.” Chị nói thêm: “Một trong những điều chị học được là đức tính thân thiện, thuỷ chung cả với bạn bè chứ không chỉ với vợ mình mà thôi.”
            Câu nói của bạn hiền người Úc cón có nghĩa: thuỷ chung tình bạn với bầu bạn và với Chúa không chỉ có nghĩa trong hành xử thường xuyên ca tụng, ngợi khen bạn hiền mình, dù khác sắc tộc. Nhưng còn ở tính chân phương thuỷ chung với bạn hiền. Chứ, không còn muốn tìm của lạ, sự lạ hoặc phép lạ nào khác. Dù sự lạ ấy, phép mầu này có mang danh từ rất mỹ miều, hoặc huê dạng cách mấy cũng mặc.
            Để minh hoạ cho những điều vừa nói ở trên, đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta quá bộ đi vào “gia trang” có những truyện kể nhè nhẹ, nhưng tâm đắc. Tâm rất đắc, ở cả những điều lâu nay mình nghe quen quen, cũng rất thường, như sau:

            Truyện rằng:
Có anh chồng được vợ dặn nhiều lần về một bí quyết sống hạnh phúc trong đời là đừng nên tìm kiếm phép mầu rất lạ, chuyện lạ hay của lạ, thế mà vẫn cứ quên. Hôm ấy, để thử lại trí nhớ của đức ông chồng, người vợ bỗng dưng chạy đến bên chồng rồi hỏi:  
-Anh, anh thấy cái Phương kia có xinh xinh đến lạ kỳ không ?
- À, nhìn kỹ anh thấy cô ấy cũng xinh xinh..
- Hả, bộ anh muốn chết hay sao mà dám khen nó xinh đẹp trước mặt em. Có tình ý gì với nó thì đi yêu nó luôn đi.
            Hôm khác, cô vợ lại thủ thỉ vào tại chồng, hỏi:
- Anh, hôm nay anh có thấy cái Phương xinh không ?
- Không, anh thấy cô ấy cũng bình thường, thôi.
- Này! Anh đừng có mà dối lòng, nó xinh như thế mà lại chê ỏng chê eo à? Sao không dám thừa nhận là anh cũng thích nó, nói huỵch toẹt đi cho rồi còn úp mở gì nữa hả ?
            Hôm khác, để xem chồng mình có còn nhớ lời vợ dặn đừng tìm của lạ nữa hay không, cô lại hỏi:
- Anh à, anh thấy cái Phương dạo này vẫn xinh đấy chứ nhỉ?
- À, nhìn cũng xinh xắn đấy nhưng với anh, thì em là người tuyệt vời nhất.
- Uả, sao tự dưng nay lại nịnh vợ đến thế nhỉ? Hãy khai mau đi, anh vừa mới làm điều gì có lỗi với vợ rồi phải không?
Theo cái đà hôm trước, nay cô vợ lại giả vờ õng ẹo hỏi đức ông chồng mình câu nghe rất quen:
- Kìa anh, hôm nay anh thấy cái Phương xinh đẹp thế nào?
-...
- Anh, anh có thấy cái Phương xinh đẹp mặn mà không ?
-...
- Ô sao không trả lời? Trả lời mau lên không em đập chết tươi ngay bây giờ!…

Thêm một truyện kể khác:

Mấy ngày sau khi đọc xong quyển "Làm thế nào để trở thành người Đàn Ông trong gia đình", lão nọ chạy vào trong bếp chỉ tay vào mặt vợ hét lên :
- Bắt đầu từ giờ phút này tôi là chủ trong gia đình này, lời nói của tôi là mệnh lệnh bà chỉ có quyền nghe chứ không có quyền cãi. Sau ngày dài làm việc mệt mỏi bà phải sửa soạn cho tôi một bữa cơm thật thịnh soạn. Xong rồi bà đi đổ cho tôi một bồn nước ấm để tôi thoải mái trong khi bà rửa chén. Khi xong bà phải lau người và tẩm quất cho tôi cho đến khi tôi ngủ, bà nghe rõ chưa? Bà biết, sáng mai ai sẽ là người tắm rửa, thay quần áo và chải tóc cho tôi rồi chứ?
Không ngửng đầu lên bà vợ trả lời :
-          Biết rồi! Người đó là thằng cha chuyên môn tẩm liệm xác chết ở nhà xác đô thành, chứ gì?...”
Người kể hôm nay, tóm lại một triết lý rất để đời rằng: Muốn sống cho êm đẹp cuộc đời, hãy nhớ một nguyên tắc sống, là: Điều gì vợ nói, đều rất đúng. Kể cả chuyện: đừng bao giờ tìm cách chạy theo người khác, đua đòi tìm của lạ. Có ngày không bêu đầu sứt trán, cũng rối bời.” (Trích truyện kể ê hề trên mạng)

            Nói cho cùng, thì: phép mầu trong Đạo, không nằm ở những gì mới lạ xảy đến với mình và cho bạn bè mình, cũng rất ít. Nhưng đúng hơn, “phép mầu thần thông” trong Đạo vẫn là và phải là hành xử dám chấp nhận cái chết cho mình hiện rõ nơi những sự, những việc hoặc những người bình thường dù quá cũ, thấy rất quen. Phép mầu/sự lạ xảy đến với mình, còn là: hãy trỗi dậy cùng với Chúa ngay vào lúc thấy đời mình cũng rất chán. Chán, những gì xưa cũ/cổ lỗ, đến ngán ngẫm. Có thế, mới là người đi Đạo, giữ Đạo đích thực của Đức Chúa rất Kitô.
            Quyết thế rồi, hỡi bạn và tôi, ta hãy cùng người nghệ sĩ, hát theo lời ca văng vẳng ở đâu đó:

                        “Lòng lâng lâng theo cung đàn chiều
                        Vào tơ duyên tiếng hát mỹ miều.
                        Người hỡi! cánh chim bay lưng trời mang muôn ý thơ về khơi,
                        Nhạc thiêng trong ngàn lá
                        Êm êm xuôi theo lời ca
                        Đẹp màu không gian,
                        Đẹp muôn phím tơ vàng
                        Đẹp như ánh trăng soi lầu ngà
                        Theo tiếng Thu về trong chiều tà…”
                        (Enrico Toselli/Thục Vũ – )

            Tiếng Thu ấy, tơ vàng này vẫn là những lời nhủ khuyên của Đấng Thánh Hiền gửi bạn/gửi tôi từ buổi đó. Rất nhiệm mầu, thần thông, cần gì kiếm tìm ở đâu khác.

            Trần Ngọc Mười Hai
            vẫn nhủ lòng mình
những điều như thế khi nghe tin bạn
cứ chạy theo phép mầu sự lạ,
cũng rất lạ.

Saturday 22 September 2012

“Mặt Trời đen quá đen, đen như đời ta!”



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 26 thương niên năm B 30.09.2012

“Mặt Trời đen quá đen, đen như đời ta!”
“Đời hằng mong thoát đi, đi khung trời xa.”
(Nguyễn Trung Cang – Mặt Trời Đen)
(Mt 6: 14-15)
            Có một thời, chừng như hồi đó là thập niên 50 hay 60 thì phải, bần đạo kịp thấy lòng mình rộn lên những ca từ như “Mặt Trời Đen quá đen” do Trung Cang viết. Ca từ này, trùng hợp với ý/lời ở nhạc bản  Noir, c’est noir!” của Johnny Halliday, rất cùng thời. Ca từ nhạc trẻ, khi đó diễn tả mặt trời đượm mầu đen, như đời mình. Gọi đó là lời tiên tri hoặc sấm hay không, bần đạo thật chẳng dám. Chỉ dám nhớ mỗi điều là: ca sĩ thời ấy cứ thích hát các nhạc bản có nhịp điệu kích động. Còn, ý/từ có ra sao cũng chẳng cần bàn.
            Hôm nay, ngồi buồn xét lại lời ca hôm nào, bần đạo đây thấy có cái gì đó nó khiến mình cứ phải suy phải nghĩ cũng rất lung. “Lung” đây, dĩ nhiên chẳng thể nào lung lạc niềm tin hay niềm gì đó cho cam. Mà, chỉ thấy hôm đó sao các tác giả lại cứ muốn người nghe nhắc nhở cảm thông với chuyện đời mình, thế thôi. Cảm thông chuyện đời, nay người người lại vẫn bảo: dù ta sống ở thời nào đi nữa, hãy cứ hy vọng vào sự thứ tha, vì Đấng-Thánh-Hiền-Bậc-Trên từng khẳng định: “Dậy mà đi, niềm tin đã cứu con!”
            Hôm nay đây, nhân lúc dừng lại chỉ dăm ba phút phù du, bần đạo lại mời bạn và mời tôi, ta suy nghĩ đôi điều về niềm tin có sám hối, thứ tha, có cả ân lộc cho thấy đời mình không chỉ gồm tóm mỗi chuyện như bên dưới:

            “Cuộc đời như chó hoang, lang thang về đêm.
            Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm.
            Mặt trời không muốn sáng, soi cho ta thấy
            nắng lên trong đêm dài, cho đời ta ấm áp.”
            (Nguyễn Trung Cang – bđd)

            Thật ra thì, đời mình hoặc đời người dù có như “chó hoang, lang thang về đêm”. Hoặc, như “Mặt trời không muốn sáng” để “soi cho ta thấy”, có “nắng lên trong đêm dài cho đời ấm áp” đi nữa, thì hỡi bạn và tôi, ta vẫn thấy lòng rất ấm nhờ lời vàng Chúa dạy còn đó vẫn y nguyên:

            Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta,
thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.
Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta,
thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”   
            (Mt 6: 14-15)

            Xem thế thì, đời mình và đời người chỉ thấy ấm lòng/ấm dạ khi đã và đang tha thứ hoặc nhận ơn thứ tha từ người khác. Nhưng, trước khi để lòng dạ mình được ấm áp hơn với những xác quyết từ bậc thày uyên bác, tưởng cũng nên tạt ngang qua đôi ba truyện kể để thư giãn, rồi sẽ tính. Tính, cả những chuyện hoặc “sự thể” được kể ra đây như thế này:

“Sáng hôm ấy, một ngày đẹp trời hơi bị hiếm, tôi bèn tranh thủ ra phòng mạch sớm hơn thường lệ. Mới tám rưỡi, đã thấy bệnh nhân đứng tuổi nọ ngồi đó chờ tôi xem lại vết mổ để cắt chỉ. Xem ra, ông có hơi vội vì còn phải đi đâu đó có cuộc hẹn. Tò mò không ít, tôi bèn hỏi ông một đôi câu xem ông có vấn đề gì không mà cứ nhấp nha nhấp nhỏm như thế, ai dè ông liền trút bầu tâm sự kể cho tôi nghe hệt như với người nhà. Nghe xong tôi lại hỏi:
-Bộ, ông có cái hẹn nào khác hay sao mà vội thế?
-Hẹn hò gì đâu, bác sĩ. Tuổi này mà hẹn hò với ai nữa cơ chứ.
-Thế sao tôi thấy ông có vẻ nóng ruột lắm thì phải?
-Dạ, không phải thế đâu. Chả là, lâu nay tôi hạ quyết tâm giữ đúng hẹn dù có chuyện không cần đúng giờ.
-Thế thì lần này ông có hẹn gặp ai thế?
-Là bà xã của tôi thôi.
-Tuổi này đi gặp vợ mà cũng phải đúng giờ sao?
-Đúng vậy. Bởi, khi xưa tôi từng thất hẹn nhiều lần với bà ấy, thế nên hôm nay tôi có lời thề là sẽ không bao giờ lỡ hẹn với người tình của mình đến suốt đời.
-Sao gọi là người tình của mình, lãng mạn quá nhỉ?
-Ấy! Chuyện chẳng có gì là lãng mạn đâu bác sĩ, nó cũng chỉ thế này: Hồi đó lần đầu tiên gặp người vợ sắp cưới, tôi trễ tầu cũng khá lâu, vì lúc ấy tôi đinh ninh mình có hẹn với một người khác, nên đã quên khuất đi mất. Khổ nỗi là người vợ sắp cưới của tôi biết cái tật hay nịnh đầm của tôi, nên mới tính cho tôi đi tầu suốt cho tiện bề sổ sách. Kỳ đó, tôi phải năn nỉ đến gẫy lưỡi mới êm. Cũng vì nể mặt bà con chòm xóm, nên bà ấy tuyên bố chỉ tha cho tôi lần ấy thôi. Sau này, có lỡ mà tái phạm, thì tôi chỉ còn mỗi nước đi chầu Diêm vương là xong ngay, chứ bà ấy sẽ không tha. Bởi thế nên, mới vội vã…
-À ra thế. Vậy, bây giờ tôi giúp bác giữ trọn lời thề năm xưa nhé. Xong! Bây giờ bác có thể “ra đi” gặp bã được rồi đấy. Nhưng hãy nhớ lời vợ dặn, đừng có đào hoa nữa, đấy nhe ông!.”

Người kể hôm nay từng nói với mọi người rằng: truyện kể hôm nay thật ra chẳng có gì gọi là “rách việc” hết. Có kể ra đây, cũng để coi đó như một  dẫn nhập cho đề tài hơi khô cứng và chậm tiêu, thôi. Minh định rồi, người kể nay đã cùng tôi, mời bạn đọc lẫn bạn nghe qua CD, cứ tha hồ mà “lướt sóng” với chuyện phiếm, để gọi là “mua việc” cho tiện việc.
Mua việc, là mua vào mình những chuyện lình xình rất “rách việc”. Mua việc, là “buôn chuyện” Đạo, xục xạo chuyện đời những là thứ tha/tha thứ cả đến lỗi phạm rất tày trời. Và, mua việc là mua vào mình những chuyện mà người người ở chốn nợ đời ít bàn ra tán vào, cho thông thoáng. Bàn, chuyện đạo/đời có lỗi phạm khơi khơi, cần sám hối với ăn năn. Mua việc, là mua chuyện “bực mình” không tên tuổi để rồi cứ tự hỏi: không biết có nên tha thứ nữa hay không. Và, mua chuyện còn là mặc vào mình những chuyện lỉnh kỉnh mà người đời thường hay né tránh.    
Vậy thì, hỡi bạn và tôi, ta không ngại ngùng thì cứ mua việc cho rộng đường dư luận rất lai rai, dài dài, để nói: từ ngàn xưa, ở đất miền Do thái xa xôi/diệu vợi có các vị “lão làng”/“già làng” từng bàn nhiều những chuyện tha thứ đến 77 lần 7 như Tin Mừng thánh Mátthêu từng ghi như sau:

“Thưa Ngài, nếu anh em tôi có lỗi với tôi,      
tôi phải tha đến mấy lần? đến 7 lần phải không?    
Đức Giêsu nói với ông: ‘Ta không nói: đến 7 lần mà đến 77 lần 7..”
(Mt 18: 21-22)

Ngôn ngữ thời nay, người người sử dụng cụm từ “tha thứ” khác thời xưa, cũng rất nhiều. Người thời nay khi nghe thế, sẽ bảo: “Ấy! Bạn đừng bận tâm mấy chuyện ấy!” Người Công giáo phương Tây, cũng vậy, mỗi khi nghe ai nói lời xin lỗi, lại cứ bảo: “Thôi! Ta hãy quên chuyện ấy đi!” hoặc: “Hãy bỏ qua giùm tôi đi, hỡi bạn hiền!.” Hoặc: “Đề nghị bà con mình ra ngoài kiếm cái gì làm vài ngụm, cho quên đời!” Có trường hợp, bạn nói: Hãy quên tay đó đi. Hắn “dởm” chết được, hơi đâu mà bận tâm, cho mệt!”
Người đời sử dụng nhiều từ ngữ rất “thứ tha”, nhưng có lúc lại vẫn vi phạm sơ xuất/lỗi lầm đến độ khó mà nhận được thứ tha trở ngược lại. Bởi, mọi chuyện đâu phải cứ “đâm sau lưng chiến sĩ” rồi xin lỗi sao?   
Tha thứ, là một trong các đề tài được nói nhiều ở Tân Ước. Hội thánh thường hay trích dẫn các chương/đoạn nói đến yêu cầu này rải rác trong Tin Mừng như thánh Mát-thêu nói trong kinh Lạy Cha, và lời hỏi/đáp giữa Chúa và tông đồ của Ngài; hoặc, Tin Mừng thánh Luca có truyện “người con đi hoang” phá tán tài sản gia đình là thế, mà khi trở về vẫn được thứ tha, và còn được Cha nhân từ thết đãi tiệc rượu như người trọng vọng, vv…
Với người đi Đạo sống ở đời thường, không phải chuyện gì cũng đều có thể tha thứ một cách rất dễ dàng được. Bởi, khi thứ tha, người người đều lồng vào đó một động thái độc đáo/riêng biệt chỉ một mình mới có. Độc đáo, là bởi trong đó có tác dụng ngay ở đây, bây giờ, để đối xử cách riêng tư với người bị đụng chạm. Cung cách xử sự riêng tư, có dính đến giao dịch, trao đổi về đạo đức/chức năng, một động tác liên quan đến hai người: một tha thứ và một nhận sự tha thứ.
Người tha thứ, nhận trách nhiệm về sự xấu sẽ xảy đến. Không coi đó là xấu xa nữa. Người tha thứ có kinh nghiệm từng trải, đã biết tôn trọng cả người bị đụng chạm, không còn muốn gây thương tích cho đối tác của mình nữa. Có kinh nghiệm từng trải ở đây, là hiểu biết những tai hại xảy đến cho cả hai bên. Nên, mới cương quyết đổi thay. Mới mở đường cho mình lập lại khuôn khổ để có được sự thứ tha.
Trong khi đó, người nhận ơn thứ tha, quyết không trả thù hoặc có ý giáng trả mọi tai hại về vật chất cũng như tinh thần. Quyết từ nay không còn gây oan nghiệt/giận hờn cho bất cứ ai. Nhưng, nhất quyết đổi thay mọi thái độ dù hành xử của mình hay của ai khác không thể tha thứ được.
Đọc Tin Mừng, hẳn người đọc cũng thấy có khác biệt giữa ơn tha thứ Chúa ban và sự thứ tha từ người phàm. Chúa thứ tha, Ngài không kể số lần hoặc không gian/thời gian được dùng đến để tha thứ. Và ơn thứ tha Ngài ban ra, vẫn mang tính chất cao cả, không có gì để tranh luận hơn/thua. Tha thứ từ nơi con người, thường là có tha đấy nhưng với điều kiện này khác. Điều kiện ấy, được diễn tả qua câu ví: “bánh ít đi, bánh qui lại” hoặc, tha đấy nhưng từ nay thì đừng hòng ta nhìn mặt, đừng hòng được ta chơi với nữa . Tức, tha đấy nhưng không hẳn là tha vô điều kiện và/hoặc có hạn chế.
Và khác biệt rõ nét giữa thứ tha của ta với tha thứ từ Chúa, vẫn là câu Chúa nói: “Hãy trỗi dậy mà đi, niềm tin của con đã cứu con.” Nói cách khác, Chúa thứ tha cả khi con người cố chấp/biếng nhác hoặc tán tận lương tâm. Nói cho cùng, thứ tha của Chúa là sự tha thứ không câu nệ. Chẳng bao giờ Ngài trách cứ hoặc đe doạ trừng phạt bất cứ ai, dù người đó sơ xuất thật quá quắt.
Về tha thứ Chúa đòi, nay ta quay về với ca-từ vừa trích dẫn, sẽ thấy khác. Khác, ở chỗ:

Nụ cười ta đánh rơi mất khi còn thơ
Chỉ còn hiu hắt trên đôi môi hững hờ
Từng niềm tin vỡ tan bước xa mông mơ
Mặt trời đen vẫn xua bóng đen nhởn nhơ
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Cũng may là, nghệ sĩ ở trên còn vớt vát đôi câu về “mặt trời đen” những hờn oán, rất như sau:

“Nụ cười chưa tan biến sao như nước mắt
Thấm lên đôi vai gầy ôi buồn đau biết mấy
Chuyện buồn mong quên hết ta mong quên hết
Vứt đi bao u sầu, mong tìm nơi nương náu.”
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Đúng thế. Hãy “vứt đi bao u sầu”, và “Chuyện buồn, ta mong quên hết”. Quên hết, để chỉ nghĩ đến niềm vui nhà Đạo mình vẫn quan niệm và nhắn nhủ.
Nhận định của nghệ sĩ về đời người có “Nụ cười chưa tan biến, sao như nước mắt thấm lên đôi vai gầy, ôi buồn đau biết mấy.“ Thế đó, là khác biệt giữa nhận định của nghệ sĩ ngoài đời với người đi Đạo. Tuy nhiên, khác biệt tha thứ giữa người đi Đạo và Đạo của Chúa vẫn thứ tha Ngài không đòi phải sám hối.
Khác biệt này, có tác giả từng viết ra lời nhận định nghe hơi lạ, nhưng rất thấm, như:

“Thánh Tôma Akinô từng nghĩ rằng tha thứ kiểu con người thực hiện không đòi phải sám hối, nhưng đó không là sự thứ tha của Thiên Chúa. Thiên Chúa, khi tha thứ, Ngài luôn tạo ra sự thể và hy vọng là người mắc lỗi sẽ sám hối. Thế nhưng, có học trò thuộc trường phái Tô-mít lại suy nghĩ theo cách khác. Vị ấy tên là M. Leblanc từng viết trong “Revue Thomiste” đăng vào năm 2010, tr. 595-614, đã có nhận xét như sau:
Lòng Chúa xót thương –tiếng La-tinh là: “Misericordia” một cụm từ được ghép từ hai chữ “Miser” (nỗi thống khổ) và “Cordia” (tâm can con người) chung làm một. Cụm từ này, nói lên điều cốt tuỷ là: tâm can con người luôn thấu hiểu/cảm thông sự thống khổ của người khác. Lòng xót thương, đến với những ai đau khổ, sầu buồn vì thiếu tiền thiếu của hoặc có sai trái do lỗi lầm mình mắc phạm. Xót thương cả những người đau ốm, yếu ớt hoặc thấy thua sút về mọi mặt, có giới hạn về mọi thứ khiến mình ra khốn khổ.
Thành thử, đó là lý do làm cho tâm can con người thấy xót thương cho những người rơi vào hoàn cảnh khốn đốn, nghèo khổ. Không thể có lòng xót thương nếu không định ra được sự thống khổ ở ai đó. Người có lòng xót thương là nhìn vào những ai đang khốn khổ khi nhìn lại chính mình. Làm như thế, người có lòng thương xót sẽ biết mình cùng một phận với người nghèo đói/khổ sở. Thấy mình đồng cảm với sự khốn khổ của người kia. Nếu bảo rằng thương xót là hành xử của tình yêu, thì người có lòng xót thương sẽ yêu đương người cùng khổ như thành phần của chính con người mình. Để chứng minh là mình có lòng thương xót, trước tiên mình phải cảm nghiệm chính mình cũng khốn khổ, có cùng một khổ ải như người khác. Với người khác.
Lòng xót thương, diễn tả tâm trạng của tâm can bao hàm cả tính xót xa lẫn thân phận khốn khổ cùng gộp chung ở một vị trí. Nơi tâm can con người đã thấy hiện diện cả tấm lòng xót xa hết mọi người. Tình thương xót tóm gọn cả sự sầu khổ của người khác rồi dùng đó làm của riêng mình, ngang qua tình thương yêu-kết hiệp với người mình đau xót. Người có lòng xót xa xem bạn bè như chính mình. Những gì làm bạn bè khổ sở cũng là yếu tố khổ sở riêng tư của chính mình. Tức, cả người xót dạ và cả người được thương vẫn cảm nghiệm cùng một tình tự hệt như thế. Cũng bị đụng chạm vì nó như cái gì đó thật rất xấu nằm ở trong. Nói cách khác, người có lòng dạ xót xa nỗi khốn khổ cả với người chịu khổ đau. Người già lẫn kẻ khốn khó đều thấy rõ nỗi khổ ngay bên trong người khác để rồi sẽ nói: tôi cũng thế. Người đau yếu, hãi hùng cũng khổ như nhau. Sự Xót xa dường như đòi phải nên khốn khó với người đau khổ ngay trong cơn khổ ải của họ. Ở đây nữa, Thiên Chúa là Đấng xót xa cả người khốn khổ theo cung cách đó và chỉ mỗi cách đó, thôi.
Bằng vào tình thương yêu-kết hiệp, người người coi bạn bè cũng như mình, quyết lấy đi mọi đau khổ của người khác làm của mình. Chính vì lý do này, mà cụm từ cảm thông/san sớt xuất từ tiếng La tinh “con-dolere” (cùng chịu khổ đau). Ở đây nữa, còn có nghĩa san sớt và cảm thông nỗi sầu của nhau, nữa.
Vấn đề hỏi rằng: Chúa có làm như thế không? Ngài thực hiện cá chuyện ấy chứ? Phải chăng Chúa từng làm hoặc vẫn coi con người như thành phẩm của chính Ngài? Nếu vậy, thì Chúa cũng mủi lòng cùng đau với nỗi đau của ta và cũng xót xa hết mọi người đấy chứ?
Có thể nói Chúa hành xử thay cho ta, nên Ngài chuyển thông chính Đức Chúa Cha đến với ta qua các nỗi khổ của ta. Thiên Chúa là Sự Tốt Lành Tiên Quyết tạo hiệu quả cất lấy đi hoặc làm vơi nhẹ nỗi khó khăn của ta. Tuy nhiên, việc đó dù có bảo bọc tính mủi lòng thánh thiêng thế nào đi nữa, việc ấy cũng không cho thấy cội nguồn của các hành động mà Ngài làm cho mọi người. Nếu hiểu thế, khác nào bảo Thiên Chúa chẳng có lòng đam mê/cảm xúc nào hết. Thiên Chúa là người chỉnh sử mọi khó khăn của ta chứ không là người cùng đồng cảm cho ta và với ta.
Nhìn cung cách hiệp nhất, sẽ thấy Chúa và ta cùng tham gia tiến trình yêu thương-kết hiệp dễ mủi lòng. Cung cách ấy, lòng cảm động xót xa người khác như chính mình. Điều đó dễ thấy nơi tình cảm thương yêu của mẹ hiền với đàn con: chính đó là tình thương yêu-kết hiệp thể hiện nơi món quà người mẹ tặng cho con. Bởi quà tặng, tức bản thân con cái là thực chất sống động do cha mẹ chuyển tặng. Cũng như câu truyện diễn tả Chúa tạo dựng người nữ ở sách Khởi Nguyên nói lên sự việc người phàm ban tặng thực chất đời mình để người khác (ở đây là con cái) được hiện hữu qua tạo dựng và như thế, người nữ là người nhận quà thương yêu/kết hiệp Chúa ban tặng từ nam nhân đầu đời thể hiện nơi nhân vật Ađam. Cũng một hình ảnh tương tư nơi hoa trái lủng lẳng trên cây nhưng chưa rớt xuống, vẫn là thành phần của chính cây. Hình ảnh này dù chỉ mang tính chất thể, nhưng tình trạng này cũng xảy đến bằng động tác thương yêu-hiệp nhất, rất xót xa/mủi lòng.” (xem Lm Kevin O’Shea CSsR, I Beg Your Pardon: A Study of What Forgiveness Means Giáo án giảng dạy tại Đại Học Công Giáo Úc, Sydney 26/5/2012 tr. 45-46)

            Nói về tình thương yêu-kết hiệp theo ngôn ngữ thần học, là nói và diễn giải rất như thế. Còn, nói về cuộc đời theo kiểu nghệ sĩ ngoài đời, lại nói bằng lời ca, đôi lúc có cả tiếng khóc thét, cũng tối đen như:

Sao ta vẫn thấy mặt trời đen như mực!
Mặt trời đen, đen như đêm ma quái Ah ha ha ha ha..
Sao ta vẫn thấy mặt trời đen như mực!
Mặt trời đen, đen như đêm ma quái Ah ha ha ha ha…”
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Nói về mặt trời dù “đen như mực” giống đời người, đâu có nghĩa là nghệ sĩ mình cứ thế “ăn thua đủ” để rồi tả tình/tả cảnh bằng những câu ca đầy than vãn và oán thán cả một đời. Oán và thán, cả đấng thánh hiền từng tạo dựng cuộc đời người, cho mình! Nói về cuộc đời rất không đen như mặt trời, là tiếp tục nói như đấng bậc ở trời Tây vẫn cứ bảo:

“Nhìn sự việc đầy thương yêu –dù khổ đau/đen tối vẫn còn đó- là tự hỏi: giữa Đấng Tạo Hoá và tạo vật có tương quan nào đó xem ra không được ổn. Tuy là thế, sự thật vẫn là sự thật, tức: vẫn luôn có tình thương yêu đậm sâu rất thánh thiêng quyết kết hiệp Đấng Tạo Hoá với tạo vật, còn vững mạnh hơn cả cách biệt về bản thể giữa Tạo Hoá và tạo vật ở đời.
Nếu ai đó lại tìm cách áp đặt sự cách biệt này vào với Tạo hoá và con người, thì chắc chắn người đó đã có vấn đề, Bởi, Thiên Chúa không thể tham gia kết hiệp vào thứ gì đó trong con người của ta mà lại không mang tính thánh thiêng của Thiên Chúa. Đúng hơn phải nói: Thiên Chúa thương ta như cái gì đó xuất tự chính mình Ngài. Điều này có nghĩa là: ngay trong ta, đã có sự tốt lành ở bên trong khiến cho Thiên Chúa thương yêu ta đến độ muốn cho ta được kết hiệp với Ngài không thể có giới hạn hoặc nhược điểm. Thiên Chúa chuyển đạt sự hiện hữu thánh thiêng của Ngài cho ta vì mục đích kết hiệp đó. Và khi Thiên Chúa thông chuyển chính mình Ngài cho ta, thì việc đó đến từ sự tốt lành của Thiên Chúa, mà ta gọi là tạo dựng. Và, khi Thiên Chúa thuyên chuyển chính mình Ngài cho một thực thể mang trong mình một nhược điểm hoặc hạn định hoặc cả đến sự xấu, mà lại đến từ lòng xót xa thương yêu của Ngài, thì ta gọi đó là gì đây?Có thể đó là tầm kích (thường thì đó là tầm kích dè dặt, không đúng cách) về tạo dựng. Và, có lẽ ta phải dùng ngôn từ nào khác để cắt nghĩa hiện tượng này, mới đúng…
Sự việc này không giống như tình thương yêu xót xa kiểu con người, nhưng còn hơn thế nữa. Như thế thì, đó không phải là tương quan mang đầy bản thể giữa tạo vật và Đấng Tạo Hoá. Chính ra phải hơn thế nữa. Thiên Chúa thương yêu ta như là chính mình Ngài, và việc này vẫn tồn tại dù sự thân thiện giữa ta với Chúa bị cắt đứt. Trên thực tế, thì căn bản là sự thể ấy sẽ được tái thiết lập vào sau lúc đứt đoạn, và ta gọi đó là sự thứ tha.
Ở đây nữa, ngôn ngữ vẫn mang tầm vóc rất hạn chế, lờ mờ một ẩn dụ. Thứ ẩn dụ khó lòng mà chỉnh sửa nếu không có ngôn ngữ cực mạnh của mặc khải mà người nhà Đạo gọi là Khải huyền.” (x. Lm Kevin O’Shea, bđd ở trên)

            Nói cho cùng và còn muốn nói thêm về tha thứ, thì cũng chỉ bảo rằng: ở sự thứ tha thần thánh Chúa tặng ban, vẫn là sự toàn vẹn khác với việc ta mong đợi về sự vẹn toàn ở trong ta và nơi Chúa. Chính vì thế, nên ta thấy khó mà hiểu nổi làm sao lại có được sự thứ tha rất vẹn toàn khi con người của ta luôn là bất toàn.
            Điều này chỉ có thể hiểu được bằng chuyện ví von/so sánh như bầu khí cởi mở và/hoặc tính cách tích cực thấy có ở sự tha thứ mang tính rất hạn chế nơi ta, mà thôi. Hạn chế, cả trong sự việc ta nhận là mình có cố gắng để thứ tha, nhưng chưa hoàn toàn. Bởi thế, cũng nên tìm thêm ngôn từ nào diễn đạt rõ nghĩa hơn và mạnh mẽ hơn về thứ tha hoặc tha thứ.
            Trong khi chờ đợi để có được ngôn từ như thế, tưởng cũng nên về với truyện kể để suy tư và thư giãn, cho đẹp cuộc đời. Truyện để kể là những “sự” như sau:

Trong một tiệm ăn, ông khách gọi bồi bàn mang cho ông ly café, nhà hàng mang tới một ly café trong đó có một con ruồi nhặng đang vẫy vùng, tìm đường thoát.
Qua sự kiện này, thông thường phản ứng của khách thế nào?
Khách Nhật: lễ độ trả tiền, không đụng tới ly café, kín đáo ra về.
Khách Ăng Lê: lạnh lùng chỉ cho chủ tiệm con ruồi trong ly.
Khách Pháp: phàn nàn, cau có vì ly café làm ông mất vui, phí phạm cả một ngày trong 3 tháng hè thường niên.
Khách Mỹ: gọi điện cho luật sư riêng, ra lệnh làm thủ tục kiện tụng, đòi 2 triệu dollars bồi thường thiệt hại tinh thần.
Khách Đức: đề nghị chủ tiệm thi hành kỷ luật với nhân viên có lỗi.
Khách Ý: mọi chuyện ổn thoả, nếu tiệm không tính tiền café và bữa ăn.
Khách Ả Rập: rút ngân phiếu mua tiệm ăn rồi đóng cửa, sa thải hết nhân viên.
Khách Thụy Điển: cảnh cáo chủ tiệm không tôn trọng sinh mạng và hạnh phúc của sinh vật.
Khách Mễ: gạt con ruồi, rồi uống hết ly café.
Khách Tầu: tu ly café ừng ực rồi nhậu con ruồi ngon lành, hỏi chủ tiệm có cách nào dụ thêm ruồi vào nhà bếp.
Khách Do Thái: dụ bán con ruồi cho người Tầu, bán ly café cho người Mễ, kiện chủ tiệm và nghiệp đoàn tiệm ăn về tội kỳ thị Do thái. Chính phủ Do thái tố cáo Hồi giáo đã sáng chế võ khí khủng bố mới bằng ruồi nhằm tiêu diệt Do Thái, ra lệnh cho quân đội nhẩy dù, đổ bộ, chiếm toàn vùng Gaza và một phần lãnh thổ Ai Cập dọc biên giới Palestine. Vận động Do thái tố cáo chính phủ Mỹ làm tay sai cho Hồi giáo, bán đứng Do Thái. Tổng thống Mỹ chính thức cáo lỗi và Thượng Viện biểu quyết tăng gấp ba viện trợ quân sư, kinh tế của Mỹ cho Do Thái.” (truyện cười trên mạng, vừa gửi đến)

Người kể truyện hôm nay lại bàn luận bằng sự việc kéo theo hành xử cần phổ biến: đó là sự tha thứ. Tha cho người đầu bếp pha cà-phê đã sơ ý để ruồi nhặng lọt vào ly. Truyện kể chẳng có gì là ly kỳ, hồi hộp hoặc đưa ra bài học nào hết. Nhưng người kể lại cứ kéo theo triết lý của nhà Đạo sống ở đời là phải biết tận dụng mọi tình huống để hiện thực một thứ tha, dù người phạm lỗi chẳng mảy may tỏ dấu gì là sám hối hết.
Không những thế, người kể hôm nay lại còn đề nghị người đọc chuyện phiếm qui về điển tích trích dẫn từ lời vàng của Chân Phước Têrêxa thành Calcutta như sau:

“Ngày nay, có quá nhiều đau khổ trong các gia đình trên toàn thế giới. Bởi thế nên, cầu nguyện cho mọi người trên thế giới là việc cũng quan trọng như tha thứ. Người ta hỏi tôi phải khuyên bảo thế nào cho đôi vợ chồng đang gặp khó khăn nghĩa là chung đụng sống với nhau nhiều năm mà không có tha thứ cho nhau, thì tôi luôn luôn trả lời: 'Hãy cầu nguyện và tha thứ'. Hãy làm thế cho các thanh thiếu niên từ các mái nhà đầy hung bạo: 'Hãy cầu nguyện và tha thứ' cho các người mẹ cô độc không được gia đình hỗ trợ: 'Hãy luôn cầu nguyện và tha thứ' và lúc nào cũng thầm thì với Chúa, rằng: 'Lạy Chúa, con yêu Chúa. Lạy Chúa, con hối lỗi thật rồi. Lạy Chúa, con tin Chúa. Lạy Chúa, con tín thác mọi sự thuộc về con cho Chúa. Xin Chúa giúp con yêu thương và tha thứ cho nhau như Chúa vẫn yêu thương tha thứ cho chúng con.” (Trích: Triết lý tuyệt vời và lối sống đơn giản của Mẹ Têrêxa Calcutta phổ biến trên mạng)

Nói cho cùng, suy tư cầu nguyện kiểu của Chân Phước Têrêxa thành Calcutta có là cung cách để ta bàn về cuộc đời mà người nghệ sĩ cứ tưởng và cứ hát rằng:

Cuộc đời như chó hoang, lang thang về đêm.
            Cuộc tình không mấy khi nghe câu dịu êm…”
            (Nguyễn Trung Cang – bđd)

            Lời cuối hôm nay, còn là lời nhắn ngược với nghệ sĩ hôm trước rằng: cuộc đời người và cuộc tình vẫn còn đó những “câu dịu êm” đấy chứ. Dịu êm đây, là tha thứ dù anh có nhận xét rất bi đát. Đời người, vẫn còn đó yêu thương-kết hiệp, nếu bạn và tôi ta vẫn chịu ra ngoài mà chào đón hết mọi người, trong tương quan tốt của con người.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Chả bao giờ dám bảo rằng
            cuộc đời người rất đen đủi,
            dù có chán.