Friday 30 November 2012

“Giòng mực xanh còn đấy”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ hai Mùa Vọng Năm C 06.12.2012 

Giòng mực xanh còn đấy”
hứa cho nhiều dù bao lời nói,
để phai tàn, thành mây thành khói.
Cũng xem như không mà thôi.”
(Y Vân - Ảo ảnh)
(Rm 8: 35)
Thôi chết rồi! Làm sao lâu nay cô em lại cứ hát những câu như vầy: “Những ân tình em đong bằng nước mắt”? Ân tình mà vậy sao? Hay, cô em còn muốn bảo:

            “Khóc cho đầy hai chữ Tình Yêu.
            Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo,
            Đã thay màu ân ái từ lâu...”
            (Y Vân – bđd)

Rất không sai! Nói như thế, cũng có thể là bạn vẫn tin vào điều mà bần đạo vừa nói chứ? Thật ra thì, bần đạo có nói những gì hôm nay, cũng chỉ hát theo và hát nhại lời ca của bạn đạo đã từng hát trong buổi “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney, mới đây thôi. Hát theo và hát nhại, để rồi sẽ cứ hát mãi những lời như thế để còn nhớ. Nhớ và thương, những điều được dặn dò thời buổi trước, rất như sau:
           
“Kìa! Phồn hoa còn đó,
            Những con đường, buồn vui lộng gió.
            Những ân tình, chìm trong lòng phố,
            Cũng theo hư không mà đi.”
            (Y Vân – bđd)

Ôi chao, là lời lẽ. Có “những con đường”, “buồn vui lộng gió”, “cũng theo hư không mà đi...” Ối chà là lời ca, lời ca và tiếng hát cũng chỉ “hư không” sao? Cả Tình Yêu hai chữ, cũng chỉ để khóc cho đầy cho vơi thôi ư? Sao thế? Sao không về với lời lẽ của bạn bè cũng nói. Nói những lời chân thật vào “Buổi sáng, mới thức dậy”, như sau:

Mỗi buổi sáng khi em mở mắt thức dậy, em đều nhìn ngay ra cửa số, thấy ánh sáng, thấy mặt trời, em mừng lắm chị à. Em tạ ơn Chúa đã cho em sống thêm một ngày nữa!»
Em và tôi không có nhiều kỷ niệm riêng với nhau, ngoài những gặp gỡ tại giáo xứ và trong các sinh hoạt với ban giáo lý viên. Em khá bảnh trai, gương mặt tròn trịa, thông minh, lúc nào cũng sáng ngời nhờ nụ cười đôn hậu. Tuy vóc dáng nhỏ thó, giọng nói của em rất là to khoẻ. Cách đây hai năm, lớp giáo lý do em phụ trách ở ngay trước phòng học của lớp tôi. Qua cánh cửa đóng kín, tôi và các học trò vẫn còn nghe giọng nói của em sang sảng vọng vào lớp chúng tôi. Thuở ấy, vợ chồng em thuộc vào các giáo lý viên ‘kỳ cựu’, còn tôi thì rất là ngơ ngác trong công tác này. Nhưng bao giờ vợ chồng em cũng khiêm nhường, thân ái trong lời ăn tiếng nói với tôi. Tuy bề ngoài trầm tĩnh, hiền lành, em lại rất là kiên quyết trong các ý kiến của mình khi bàn thảo với nhau về các vấn đề chung của ban Giáo Lý.
Cách đây hai năm, em lâm vào căn bệnh hiểm nghèo, căn bệnh của thời đại ngày nay: ung thư. Sức khoẻ của em giảm dần. Mặc dầu vậy, lúc nào tự đi đứng được, em đều đến giáo xứ tham dự thánh lễ. Tôi vẫn hay đến gặp chào em, nhưng không bao giờ tôi dám hỏi đến bệnh trạng của em nhiều hơn những điều tôi đã biết. Cuối tháng tám vừa qua, được vợ em báo tin em vừa qua một cuộc giải phẫu nặng nề, và dự đoán của bác sĩ về sự sống còn của em không được khả quan, tôi nhất định phải đến gặp em. Lúc đó, tôi chưa hiểu được điều gì đã thúc dục tôi mạnh mẽ như thế, vì trong tình trạng của em, việc thăm viếng chỉ nên dành cho gia đình và bạn bè rất thân để tránh cho em mệt mỏi thêm. Tôi thật cám ơn vợ của em đã nhận lời tôi yêu cầu. Vì cuộc gặp gỡ đó là một trong những sự kiện đã ghi dấu rất quan trọng trong cuộc đời tôi.
Ngay từ lúc đứng ở cửa phòng để chờ một người bạn đang chào em ra về, tôi đã rất ngỡ ngàng khi thoáng thấy vóc dáng của em. Em ốm và tiều tụy như một đứa trẻ lên mười ! Gương mặt em không còn một thớ thịt nào cả, hai má em thóp lại, em ngồi xếp bằng nơi cuối giường, với một vòng băng trắng dày quấn chung quanh đầu để che vết mỗ. Tim tôi thót lại đau nhói và chân tôi như bị chôn tại chỗ mấy giây đồng hồ. Khi đến hôn chào em, dù cố gắng kiềm chế, nước mắt tôi cứ dần dần tuôn ra…Tôi kéo ghế ngồi xuống, rồi tự nhiên nắm lấy tay em. Hai bàn tay chúng tôi không rời nhau cho đến lúc tôi ra về. Thỉnh thoảng trong câu chuyện, em lại xiết nhẹ tay tôi. Tôi cảm nhận được qua kinh nghiệm, nắm tay một người trong lúc họ đang chao đảo, cô đơn, lo sợ, là cần thiết và quý báu hơn muôn ngàn ngôn từ hoa mỹ mà tình trạng của họ lúc đó không thể nào tiếp nhận được. Có lẽ tôi may mắn, hôm đó em vẫn còn nói chuyện được nhiều mà không bị hụt hơi. Câu mở đầu của em như một yêu cầu, hay đúng hơn là một nài xin: «Chị đừng buồn, đừng khóc, mà phải vui với gia đình em!» Có lẽ em đã thấy quá nhiều nước mắt chảy ra vì thương tâm trước hoàn cảnh của em, nhưng chắc ít ai có thể xuyên suốt được, trong một lần tiếp xúc ngắn ngũi với em, Đức-Tin mãnh liệt nơi em trong những giờ phút cuối cùng ở thế gian. Trong từng hơi thở đứt quãng, em miên man chia sẻ với tôi những gì vụt qua tim qua óc, như thể em đã đoán được rằng em sẽ không còn có dịp để trao đổi với tôi lần nữa:
"... Chúa đã cho chúng em cơ hội để chuẩn bị tất cả mọi sự... Chị đến thăm em là vì thương em, là Chúa đến thăm em… Em cảm tạ Chúa đã cho em có ngày này, để em được mọi người đến thăm, bày tỏ tình yêu của Chúa….Em chảy nước mắt đây, không phải vì em buồn đâu, mà vì em vui mừng chị à !" ..."Mỗi buổi sáng khi em mở mắt thức dậy, em đều nhìn ngay ra cửa số, thấy ánh sáng,thấy mặt trời, em mừng lắm chị à. Em tạ ơn Chúa đã cho em sống thêm một ngày nữa ! "... "Mình cứ đi tìm cái gì tốt đẹp cho mình, nhưng cái Chúa cho đôi khi là như thế này đây. Chính vì em ốm yếu, xấu xí, tàn tạ, nên Chúa mới đến với em. Chính vì em hơi tàn sức cạn, Chúa mới là sức mạnh của em, như thánh Phaolô nói : « Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh"…"Chị có thời gian và điều kiện thì nên trở lại với lớp giáo lý. Các em cần mình dẫn dắt đến gần Chúa hơn. Và chính mình cũng sẽ có cơ hội đến gần Chúa… Có những người dạy giáo lý vì cho là mình có nhiều kiến thức, mình hay, mình giỏi. Hỏng, hỏng hết !...Đừng bao giờ nói chữ 'dạy '. Chúa làm việc qua mình. Mình chỉ là công cụ của Chúa."... "Cuối cùng lại cuộc đời này còn gì ? Kiến thức, tài ba, sắc đẹp, sức khoẻ? Chỉ còn lại tình thương mà thôi !" …" Cầu nguyện cho em, để em đừng bao giờ xa Chúa, vì mệt mỏi, quên sít, vì sợ hãi, vì những lý do nào đó mà chính em cũng không hiểu được. Em không nói chuyện đạo đức đâu chị à, giờ phút này không còn là lúc để em nói lung tung..."
Tôi vừa nghe em nói, vừa như bị em lôi cuốn vào trong ánh mắt nhìn của em. Một ánh mắt sáng long lanh, tràn đầy yêu thương và khẩn khoản. Ánh mắt đối với tôi sao quen thuộc như thế? Tôi đã thoáng gặp cái nhìn đó nhiều lần lắm, ở đâu ? lúc nào? Thấy em đã thấm mệt, tôi bảo em ngã lưng nằm nghỉ một chút, nhưng em không chịu, em sợ nằm rồi em sẽ không bao giờ còn ngồi dậy được. Thấy mình đã ở khá lâu với em, tôi xin phép ra về, và hẹn lần sau đến sẽ trò chuyện với em nhiều hơn. Em ngắt lời tôi : « Chị không cần thăm em lần sau đâu ! Đường đi xa xôi quá ! Chị ở nhà, nhớ đến em và cầu nguyện cho em đủ rồi ! » Tôi đứng dậy cúi hôn lên trán em. Ánh mắt chúng tôi chạm vào nhau, không biết là bao lâu, nhưng đối với tôi lúc đó thời gian như dừng lại, và không gian không còn là căn phòng bệnh viện buồn tẻ nữa. Tôi thấy mình bị nhấc bổng lên thật cao, lên đến một ngọn đồi hoang sơ, chỉ có nắng và cát. Trên đỉnh đồi, từ cây thập giá cũ xưa mà thời gian đã làm rạn nứt từng thớ gỗ, có một ánh mắt nhìn tôi, nhìn nhân loại bao la...Ánh mắt chứa đựng sâu thẳm lời gọi mời thống hối, tha thứ, yêu thương. Vòng băng trắng chung quanh đầu em, giờ phút ấy giống như vòng mão gai của hơn 2000 năm trước. Không phải là máu, nhưng trên trán em cũng đang rịn ra những giọt mồ hôi từ đớn đau thể xác vì thuốc men nhiều quá làm cho em thường thấy nóng bức khó chịu trong người. Em ơi! Em bảo rằng tôi đến thăm em là Chúa Giêsu đang đến thăm em. Còn tôi khi đối diện với em, tôi đã được sống cảm nghiệm thế nào là gặp gỡ Đấng Cứu Thế nơi người anh em bé nhỏ, đau khổ mà mình tiếp cận gần gũi mỗi ngày. Tôi chợt ao ước, nếu có phép lạ cho em mạnh khoẻ lại như xưa, tôi sẽ mời em tham dự một khóa ba ngày với Phong Trào Cursillo. Chắc chắn là em sẽ tâm đắc ngay với linh đạo của Phong Trào, vì em đã sống hoán cải từng ngày, vì sức mạnh giúp em chấp nhận Thánh Ý Chúa trong cơn thử thách và chuẩn bị tinh thần cho vợ con trong giây phút biệt ly sắp tới, sức mạnh đó đã bén rễ từ Niềm Tin ở Đức Kitô. Em là một nhân chứng sống động cho yêu thương và cậy trông trong cuộc đời rất bình thường của một giáo dân, một người chồng, một người cha.
Hai tuần sau đó, em đã khép mắt lại vĩnh viễn, sau nửa thế kỷ đời người trên chặng đường lữ hành trần thế. Thời tiết đã thay đổi biết bao nhiêu lần. Qua hết những ngày hè nắng ấm. Nối tiếp theo những trận mưa rào. Lá vàng bắt đầu rơi rụng. Và hơi lạnh cuối năm đang bàng bạc chung quanh… Mỗi sáng thức giấc, tôi đều nhìn ra bầu trời bên ngoài. Dù là nắng hay mưa, trời mù sương hay sáng tỏ, tôi đều cùng em dâng ngày bằng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa. Em đã ra đi thêm một ngày, tôi sống được thêm một ngày. Và như thế là chúng ta lại có chung với nhau một ngày nữa phải không em ? Một ngày của Tin-Cậy-Mến./.
Nhớ về H. - Tháng các linh hồn 11.2012
K7”
Nhiều lúc bần đạo ngồi cắn bút tìm đề tài để góp giọng với bạn đạo suy tư về những trăn trở riêng tư vẫn tự hỏi: Nói về “Đức Tin” có nên nói nhiều về niềm tin theo sách vở? Tự hỏi rồi, mới vỡ lẽ: Tin, còn là những gì nói về Tình Yêu của Thiên Chúa trong đời mình, qua cảm nghiệm của bà con, bạn bè trong sống thực.
Nhất trí như thế rồi, nay bần đạo lại xin quay về với nhạc bản “Ảo ảnh” trích ở trên để hội ra đôi tâm tình mà suy nghĩ, rất như sau:

Yêu cho biết sao đêm dài
Cho quen với nồng cay.
Yêu cho thấy bao lâu đài
Chỉ còn vài trang giấy.”
(Y Vân – bđd)

À thì ra. Trong cuộc sống thực tế, cả nghệ sĩ lẫn người bình thường đều có được cảm nghiệm thực tế về chữ “Yêu”. Yêu, với nghệ sĩ, là “Yêu, cho biết sao đêm dài”. Còn với người bình thường, lại vẫn nghĩ: Chúa đã cho chúng em cơ hội để chuẩn bị tất cả mọi sự... Chị đến thăm em là vì thương em, là Chúa đến thăm em… Em cảm tạ Chúa đã cho em có ngày này, để em được mọi người đến thăm, bày tỏ tình yêu của Chúa….”
À thì ra, “Cho quen với nồng cay”, hoặc “Em chảy nước mắt đây, không phải vì buồn, mà vì em vui mừng đó chị à!" đều là định nghĩa của “Tình Yêu”, ở con người. À thì ra. Quan niệm của nhị vị ở trên nghe rất giống lời lẽ bậc thánh hiền trong Đạo, vẫn từng bảo:     

“Ai có thể tách chúng ta
ra khỏi tình yêu của Đức Kitô?
Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách,
hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”
(Rm 8: 35)

            À thì ra. Cả đến cái chết cũng không thể tách rời người con đáng yêu của Chúa, ra khỏi “Tình Yêu của Đức Kitô”. Với người có Đạo, Tình Yêu con người, còn có nghĩa là “Niềm Tin”. Tin rằng, Tình Chúa yêu thương con người, Ngài có thể làm được mọi chuyện cho con người. Điều này, thánh sử Máccô có nói trong một đoạn khác ở Tin Mừng như sau:

            “Người hỏi:"Anh muốn tôi làm gì cho anh?"
Anh mù đáp:"Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."
Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!"
(Mc 10: 51-52)  

À ra thế. Yêu là Tin và Tin, tức là Yêu. Vì Yêu cũng nhiều, nên anh mù Batimê trong truyện kể mới dám đến gần Chúa, chẳng sợ mọi người cản ngăn, dị nghị vì mình thuộc giới mù loà, hèn kém mà lại ngỏ lời xin Chúa cho “nhìn” thấy bằng con mắt của niềm Tin. Và cũng vì yêu rất nhiều, nên Đức Chúa chẳng nề hà, ngần ngại luật Torah hay lệ làng xứ Giêrikhô, Do thái quyết ra tay.
Cũng hệt như thế, người đi Đạo hôm nay đâu hãi sợ khổ đau, nỗi chết đang ở cận bên, vẫn cứ Tin và cứ Yêu, như người bệnh trong truyện kể ở trên, từng minh chứng. Cũng hệt như thế, Giáo-lý-viên “K7” ở đoạn trích dẫn trên cũng đâu nào quản ngại tình huống khó khăn, nghẹn ngào với học trò giáo lý, cũng cao cả trong công tác làm chứng cho Chúa, trong đời mình.
Cũng như thế, người nghệ sĩ đã diễn tả thứ Tình Yêu và niềm tin tưởng vào nỗi vui ở cuộc đời bằng lời lẽ của riêng ông, như sau:

“Kìa phồn hoa còn đó,
Những con đường buồn vui lộng gió
Những ân tình chìm trong lòng phố
Cũng theo hư không mà đi”
(Y Vân – bđd)

            Cũng như vậy, bằng cách này hay cách khác, người người trong đời vẫn chứng tỏ bằng cuộc sống của riêng mình, ý nghĩa của chính sự sống mình đang trải nghiệm, cốt nói lên một điều, rằng: Tình Yêu chính là tin vào điều gì đó rất cao cả, ở đời người.
            Trong đời người, giữ cho đời mình sáng rực một niềm tin vào Tình Yêu của Thiên Chúa và của người đời, thường rất khó. Khó, như câu chuyện đối đáp giữa đại sư nọ và học trò nhỏ ở bên dưới. Truyện kể, dù chỉ nói về thị phi/đàm tiếu của người đời khiến người nghe khó lòng tạo tình yêu lẫn niềm tin nơi người đời, như sau:

                        “Có một thanh niên từ ngàn dặm xa xôi tìm đến đại sư Thích Tế để thưa rằng:
-Con là một thư sinh luôn biết Tam cương - Ngũ thường..từ xưa đến nay không bao giờ biết nói những lời vu khống bịa đặt, không gây ra chuyện thị phi, nhưng không hiểu vì sao luôn có người dùng lời ác độc chửi bới con, dùng lời bịa đặt dơ bẩn hủy nhục con. Đến hôm nay, con thật sự không chịu nổi nữa,nên con muốn vào chùa cạo tóc làm tăng để xa lánh chốn bụi hồng,xin Đại sư hãy thâu nhận đệ tử!
Đại sư Thích Tế yên lặng nghe chàng trai nói xong, bèn mỉm cười bảo rằng:
-Thí chủ hà tất vội vã, đợi bần đạo vào trong sân nhặt một chiếc lá sạch,thí chủ sẽ có thể biết được tương lai của mình và mình nên sẽ làm gì. Đại sư dẫn chàng trai đến bên một con suối nhỏ gần chùa, tiện tay hái một lá trên cây xuống và bảo một chú tiểu đi lấy giùm một cái thùng và một cái gáo múc nước. Chú tiểu vội vàng mang thùng gỗ và chiếc gáo hồ lô đến trao cho Đại sư. Đại sư kẹp lấy chiếc lá sạch trong tay và bảo chàng trai:
-Thí chủ không gây ra chuyện thị phi, xa rời bụi trần, cũng giống như chiếc lá sạch trong tay bần đạo vậy. Vừa nói, Đại sư vừa đặt chiếc lá vào trong thùng, xong chỉ vào thùng, nói:
-Nhưng hôm nay thí chủ không may gặp phải những lời chửi bới, hủy nhục vây hãm vào trong giếng sâu khổ đau trần thế,có phải giống như chiếc lá sạch bị bỏ vào trong tận đáy thùng này hay không?
                        Chàng trai thở dài gật đầu thưa:
-Thưa vâng, con chính là chiếc lá dưới đáy thùng.
Đại sư đặt thùng nước lên trên một tảng đá bên cạnh bờ suối, khom người múc một gáo nước dưới suối lên, nói:
-Đây là một câu chửi bới dành cho thí chủ, với ý đồ muốn nhấn chìm thí chủ. Vừa nói, Đại sư vừa dội gáo nước lên trên chiếc lá trong thùng, chiếc lá chao động mạnh, sau đó lặng lẽ nổi lại lên mặt nước. Đại sư khom lưng múc thêm một gáo nước kế tiếp, bảo rằng:
-Đây là câu chửi bới độc ác của loại người thô lỗ thấp hèn dành cho thí chủ, vẫn với một mưu đồ là muốn nhấn chìm thí chủ như trước, vậy thí chủ hãy nhìn xem lần này chiếc lá sẽ như thế nào?
                        Theo cách đã làm, Đại sư dội gáo nước lên chiếc lá, nhưng chiếc lá chỉ lắc lư và lại nổi lên trên mặt nước như cũ. Chàng trai hết nhìn nước trong thùng, rồi lại nhìn chiếc lá nổi bềnh bồng, thưa với Đại sư:
-Chiếc lá không hề bị tổn hại, chỉ là nước trong thùng sâu, chiếc lá theo mực nước mà nổi lên, cách miệng thùng càng lúc càng gần. Đại sư Thích Tế nghe xong, mỉm cười gật đầu, lại múc thêm một gáo dội lên chiếc lá, bảo chàng trai rằng:
-Lời nói bịa đặt hay xỉ mạ thấp hèn không có cách nào đánh chìm được một chiếc lá sạch. Chiếc lá sạch bị chao động bởi những lời nói vu khống, hủy báng dội lên thân nó, nhưng nó không những không bị chìm xuống dưới đáy, ngược lại tùy theo mức gia tăng của nước (những lời nói vô bổ, tùy tiện và thô lỗ), khiến nó càng nổi lên cao, từng bước từng bước xa rời đáy thẳm. Đại sư vừa nói, vừa tiếp tục đổ nước vào thùng, thoáng chốc nước đầy, chiếc lá rốt cuộc đã nổi lên trên ngang mặt thùng. Chiếc lá rực rỡ, giống như một chiếc thuyền lá nhỏ, nhẹ nhàng nhấp nhô, lắc lư theo dòng nước. Đại sư Thích Tế ngắm nhìn chiếc lá cảm thán rằng:
-Nếu lại có thêm những lời vu khống thô lậu, hủy báng thấp hèn, thì càng tuyệt. Chàng thanh niên nghe xong, không hiểu thâm ý, bèn thưa với Đại sư rằng:
-Vì sao Ngài lại nói như thế ?
Đại sư cười, múc thêm hai gáo nước, dội lên chiếc lá trong thùng, nước trong thùng tràn ra bốn phía, lôi theo chiếc lá xuống tới dòng suối, chiếc lá nhập dòng ung dung trôi đi.
Đại sư bảo chàng trai:
-Những lời bịa đặt, vu khống, xỉ mạ thấp hèn bỉ ổi rốt cuộc sẽ giúp cho chiếc lá thoát được vòng kiềm tỏa, hướng đến sông dài, biển lớn và những phương trời cao rộng thênh thang. Chàng thanh niên hốt nhiên tỏ ngộ, vui mừng khấu tạ Đại sư:
-Thưa Đại sư, con đã hiểu rõ rồi, một chiếc lá sạch sẽ không bao giờ bị nhấn chìm xuống đáy nước. Những lời nói vu khống bịa đặt, hủy báng sỉ nhục chỉ có thể giúp gội rửa một tâm hồn vốn đã trong sạch, lại càng trong sạch thêm mà thôi.
Đại sư Thích Tế mỉm cười hoan hỷ.” (truyện do Hiếu Kỳ kể, để trên mạng)

            Truyện kể trên, mang dáng dấp một cổ tích ở bên Tàu, có danh xưng tên tuổi rất nhà Phật. Nếu bạn/nếu tôi, ta có chút gì đó dị ứng với tích cổ hoặc nhà Phật, thì xin cứ tự tiện đổi họ và tên sao cho thích hợp với “đời thường”, ở trong đời. Bởi, đời thường ở đời cũng dẫy đầy những sự kiện rất “cổ tích” như nhà Phật, ở khắp nơi.
            Cuối cùng, truyện gì thì truyện cũng chỉ nói lên một điều, như lời ca câu hát trong nhạc bản, rất như sau:

                        “Những neo thuyền yêu đương thường dễ đứt.
                        Khiến bao chiều trên bến tịch liêu.
                        Vắng con tàu, sân ga thường héo hắt,
                        Thiếu em lòng anh thấy quạnh hiu…”
                        (Y Vân – bđd)

            Nếu bần đạo gặp được bạn đạo nhạc sĩ trích ở trên, thì bần đạo lại sẽ xin được phép đề nghị thay đổi dăm ba ý và lời của bản hát, thì bần đạo sẽ run lên mà hát tiếp rằng:

                        “Những ân tình em đong bằng nước mắt,
                        Khóc cho đầy hai chữ “Tình Yêu”…
                        (Đức tin này), em xem tựa tấm áo,
                        Sẽ không thay mầu ân ái từ lâu…” (Nhái ý/lời của người viết nhạc…)

            Hát thế xong, bần đạo thấy nhẹ hẳn người. Bởi, cũng hy vọng rằng bạn đạo ở nhiều nơi sẽ hiểu cho lòng bần đạo. Hiểu được rồi, lại xin bà con ta cùng hát tiếp:

                        “Xưa đêm vắng đưa nhau về,
                        Nay đơn bóng đường khuya.
                        Khi vui thấy trăng không mờ,
                        Lòng buồn nên trăng úa…”
                        (Y Vân – bđd)

            Vậy thì, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ thế mà giữ vững, những Tin và Yêu, suốt đời mình.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn gửi một tin nhắn
mà chẳng biết gửi cho ai,
và gửi vào lúc nào đây, xin cho biết.
                         

 

Monday 26 November 2012

“Ngàn tiếng tơ ngàn ý thơ ”



Chuyện phiếm đọc trong tuần Thứ Nhất Mùa Vọng năm C 2.12.2012

“Ngàn tiếng tơ ngàn ý thơ ”
“Hoà gió xa tình thiết tha
giờ đây trăng say mơ tràn lan khắp nơi…”
(Vũ Thành – Gửi Áng Mây Hàng)
(1Tm 4: 1-3)
            Lời nhắn gửi, hôm nay vẫn cứ vậy, như “Áng Mây”. Gửi, là gửi đến mọi người, ở mọi nơi. Gửi, một lời nhắn đến “Mây Hàng”, có tiếng tơ. Ngàn ý thơ. Rất mơ. Gửi mọi người, ở mọi thời. Rất mọi nơi.
            Một lần nữa, lời nhắn ấy, hôm nay bần đạo nhận được từ nhóm nguời xa lạ, không quen nhưng vẫn nhận. Số là, vừa rồi trong lúc bần đạo đi thông và dịch cho bạn đạo/bạn đời mới từ Việt Nam sang chân ướt chân ráo, ngỡ ngàng với tiếng Anh tiếng Em kiểu Úc Đại Lợi, lại nhặt được “lời nhắn” của anh em giáo hội Tin Lành bên ấy, rất như sau:

“Nhiều bậc giảng viên hôm nay lại từ chối không nói về các khiếm khuyết với ngã gục nơi con người. Nhiều người ở một số nơi, nay không còn được nhắn rằng; họ là kẻ tội lỗi đầy mình trước mặt Đức Chúa Trời rất hiển thánh. Khi xưa, các tổ phụ của ta có thói quen không ngừng nhấn mạnh điều này để người nghe còn biết mà hối cải. 
Trong số các bậc thày giảng như thế, có Đấng rời trường lớp đã lâu, nay vẫn giảng to lại rõ hơn bao giờ. Ngài không là đấng bậc thầy giảng tầm thường, vì thế giới này là xứ sở của Ngài. Và Ngài đi đó đây ở cõi địa cầu có bầu trời sáng chói hiển vinh để nói với mọi người bằng ngôn ngữ riêng mỗi sắc tộc. Ngài thường thăm viếng kẻ nghèo/người hèn, và kêu gọi người giàu hãy cho đi. Ngài giảng rao cho người của hội thánh cũng như các kẻ bất đồng với thánh hội. Ngài giảng cho cả và thế giới mọi dân nước, thuộc mọi đạo hoặc không ở trong đạo nào hết. Giảng điều gì, Ngài cũng tập trung nhấn mạnh vào bản chất của lời dạy vẫn giống nhau… Lời giảng ấy tóm gọn một điều như sau: dù bạn là kẻ tội lỗi gớm ghiếc, cũng đừng thất vọng. Hãy cứ tin. Tin vào Ngài, sẽ sống. Không có gì phải sợ. Dù, cái chết gần kề. Dù, có người đe doạ, khích bác. Bởi quà Ngài ban cho mọi người là sự sống vĩnh hằng, qua Đức Giêsu Christ Chúa chúng ta, như thánh Phaolô nói trong thư gửi tín đồ La Mã khi xưa. Như, thánh John còn ghi ở Tin Mừng Lời Chúa nói ở đoạn 5 câu 24, như sau: “Quả thật, quả thật! Tôi bảo các ông những ngươi nghe Tôi và Tin vào Đấng đã sai Tôi, thì sẽ có sự sống đời đời và khỏi đến toà phán xét, nhưng ngang qua sự chết mà vào sự sống.”
Đúng thế. Niềm tin sẽ cứu vớt ta khỏi chết để sống muôn đời….” (trích dịch từ C. A. Coates, Gospel Publication, PO Box 432 Hastings, New Zealand).

            Là dân con Đạo Chúa, dù Tin Lành hay Công giáo, những dân con của Đấng từng giảng rao cho mọi người chứ không chỉ mỗi người Do thái, nên vấn đề là: người nghe khi ấy và bây giờ hiện đang tin vào ai? Tin gì? Tin thế nào? Có đưa niềm tin vào sự sống những điều mình nghe biết không?
Trước khi trả lời cho câu hỏi trên, tưởng cũng nên mời bạn/mời tôi, ta nghe thêm truyện kể, để cho dễ. Dễ hiểu. Dễ nghe. Và dễ tin, hầu làm theo lời dạy của Đấng từng khuyên dạy những điều để ta tin. Truyện, là truyện được kể rất dễ, như sau:

                        “Vợ chồng nọ đã gần đất xa trời rồi mà vẫn dẫn nhau ra toà, xin ly dị.
                        Quan toà thấy thế bèn hỏi:
                        -Hai ông bà nay già rồi, sao không sống với nhau cho có bạn mà còn ly dị?
                        Bà vợ trả lời:
-Thưa toà. Tôi không thể sống với ông ấy được thêm một ngày, vì có lần ông ấy dám nói với tôi rằng: tôi giống như con khỉ già. Toà nghe ông ấy nói có hỗn xược không? Có đáng để tôi ly dị không?
Quan toà cố nhịn cười, rồi hỏi:
-Thế câu chuyện xảy ra bao lâu rồi?
-Thưa, hơn 20 năm qua.
Quan toà lấy làm lạ bèn hỏi tiếp:
-Hơn 20 năm, mà sao bây giờ mới đưa nhau ra toà?
-Thưa. Khi còn ở Việt Nam tối ngày tôi chỉ lo bếp núc, không được đi đây đó. Ra nước ngoài, tôi được cháu nội dẫn đi xem sở thú, mới biết mặt con khỉ già nó như thế nào? Đấy tòa coi!
Quan toà, vẫn chưa tin, bèn cứ hỏi:
-Thế bà có tin chuyện ông ấy nói, là đúng sự thật trăm phần trăm không?
-Dạ không?
-Nếu không tin, sao lại sợ? Sợ mà làm cái con khỉ gió đó? Ai có tuổi cũng đều như thế hết! Tin hay không tin, cũng thế thôi...”

            Vâng. Tin hay không, vẫn thành chuyện. Chuyện, mà quan toà dẫn giải đây, không để lãi bà phía “bên đương” cố thuyết phục để “các quan” tin bà chỉ tố cáo đòi ly dị là chuyện thật, rất nên tin. Thôi thì, tin hay không chuyện trời đất này toàn những khỉ là khỉ hoặc chỉ đám “khỉ/vượn” như bần đạo đây, lại cũng hãy cùng nhau ta hát đôi câu để thư giãn, trước khi bàn tiếp chuyện đứng đắn, đáng tin như sau:

                        “Hồn ngất ngây, nhạc đắm say
                        Tình cố hương, chợt vấn vương
Niềm thương nơi tâm tư chợt vương phím loan u hoài…”
(Vũ Thành – bđd)

            Nói kiểu nhà đạo, thì “hồn ngất ngây, nhạc đắm say” hay không, cũng tuỳ mình có tin hay không cuộc đời này. Có tin không, vào lời người từng nói và diễn tả tư tưởng của mình, của người về mọi chuyện.
            Hôm nay đây, ở xứ miền ngoài nước rất “miệt dưới” Úc châu này, lại có bạn đạo thắc mắc nhiều về chuyện tin hay không những chuyện đại loại như: tại sao Hội thánh cứ lập ra những là “Năm thánh rất Đức tin” mà chẳng ai lưu tâm gì ý nghĩa cũng như quyết tâm thực hiện niềm tin ấy cho phải phép. Thắc mắc rồi, lại đi thỉnh ý đấng bậc để thêm “phản cảm” như sau:

“Đọc Tông thư Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 viết có tựa để “Cánh Cửa Lòng Tin”, qua đó ngài loan báo thành lập “Năm thánh đức tin cho năm 2012, tôi định ra được 3 lãnh vực để biết chắc rằng Đức Thánh Cha muốn toàn thể Giáo hội ta lớn mạnh trong năm này. Tức là: càng hiểu thấu đáo về niềm tin, sống đức tin tràn đầy và quyết tâm san sẻ đức tin với người khác cho sâu cho rộng.
Ở đầu thư, Đức Giáo Hoàng khích lệ mọi người học hỏi Giáo lý Hội thánh Công giáo cho sâu sắc. Ngài có nói: “Năm thánh Đức tin, bà con ta phải có cố gắng khám phá ra lần nữa và nghiên cứu học hỏi nội dung nền tảng đức tin ta lãnh hội ra tổng hợp hệ thống Giáo lý Hội thánh Công giáo.” trích Tông thư Cánh Cửa Lòng Tin, đoạn 11)
Về chuyện này, có nhiều cách để ta đi vào hiện thực. Đơn giản hơn cả, chỉ cần quyết tâm mỗi ngày đọc ít đoạn sách Giáo lý, coi đó như đọc sách tu đức. Giáo lý Hội thánh Công giáo, là bản tóm tắt tuyệt vời về giáo huấn của Hội thánh, nên ta phải làm quen với ngôn từ cùng nội dung của sách.
Cũng thế, ta có thể lập thành nhóm để nghiên cứu Giáo lý hoặc bản tóm tắt của Sách, một cách đều đặn. Việc này có thể thực hiện tại nhà hoặc ở giáo xứ. Để đạt được mục tiêu, các nhóm này khác đều có thể tập trung vào 4 chủ đề nhằm quảng diễn Giáo lý do một số Trung tâm Giáo dục Tráng niên Công giáo của địa phận thành lập, như ở Sydney. Các chủ đề, xoay quanh Kinh Tin Kính, các phép Bí tích, đời sống luân lý/đạo đức trong Đức Kitô và việc nguyện cầu của tín hữu.
Năm thánh Đức tin còn tập trung vào việc sống thực niềm tin cách trọn vẹn, như ta có thể phấn đấu mà thực thi cách đều đặn việc nguyện cầu bằng suy gẫm, lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh sáng tối, Kinh Truyền tin, chuỗi Lòng Chúa Xót thương, vv.. Thêm vào đó, ta còn cải thiện kinh cầu nguyện cho có chất lượng. Theo cách này, ta chuyện vãn với Chúa và tỏ lòng mến yêu Ngài, thì niềm tin của ta sẽ tăng trưởng và như thế, sẽ tạo ảnh hưởng tốt đẹp hơn cho cuộc sống của ta.
Cũng thế, ta có thể luyện tập niềm tin của ta bằng cách liên tục nguyện cầu cho các ý chỉ của mình, đặc biệt là cầu cho mình thành công đạt ý nguyện về sức khoẻ, tương quan với mọi người, cầu cho hôn nhân và công ăn việc làm ta quyết chí… Chúa muốn ta làm thế khi Ngài phán dạy: “Hãy xin, thì sẽ mở. Hãy tìm sẽ thấy.” (Mt 7: 7)
Quan trọng hơn, ta có thể củng cố niềm tin bằng việc tham dự thánh lễ thường xuyên hơn. Rước Chúa đều đặn hơn. Và, tham gia chầu Thánh Thể cho sốt sắng. Và trong năm này, cũng nên cố gắng san sẻ niềm tin . San sẻ giá trị đạo đức và lý tưởng của ta với mọi người. Cách riêng, có đem về Hội thánh ít là một người để họ cũng tin như ta.
Như Đức Giáo Hoàng Bêneđíchtô 16 có nói: “Đức tin của ta sẽ lớn mạnh, nếu ta biết sống mà cảm nghiệm tình yêu ta nhận lãnh và cả khi ta san sẻ với mọi người kinh nghiệm về ân huệ và niềm vui.” (xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 21/10/12 tr. 10)

            Những điều được đấng bậc vị vọng ở Sydney diễn giải cùng đề nghị như kiểu trên, chừng như bạn đọc và cả những bạn không đọc nhưng vẫn được nghe bài chia sẻ, đều thấy quen. Quen và biết, như vẫn nhớ lời đấng bậc từng giảng và dạy ở các bài chia sẻ ngày của Chúa. Vấn đề còn lại là hỏi rằng: người mình lâu nay vẫn thực hiện thói quen tốt lành 4 điều tiên quyết ở trên, rất đều đặn, như thế có được gọi là đức tin của mình được củng cố chứ?
            Trường hợp có vị vẫn làm những việc nói ở trên, cách thường xuyên, có được gọi là Vững tin không? Tin ở đây, có nên kèm thêm chứ yêu thương, san sẻ, giùm giúp chứ? Hoặc, những tin và tin, chỉ là bo bo lo cho mỗi mình mình, để được vỗ béo linh hồn cho được rỗi hầu mau chóng về cõi thiên đường rất vinh hạnh?:
            Đi vào thực tế, lại có lời hỏi: các giáo phận ở khắp nơi, có nơi nào tổ chức được các Trung tâm Giáo dục Tráng niên Công giáo, như ở Sydney chăng? Trả lời cách thực tiễn, có lẽ cũng đừng nên tìm xem Trung tâm này khác có kế hoạch ra sao để giúp giáo dân trong địa phận củng cố đức tin của mình chăng? Ở đây, bần đạo lại cũng xin mời bạn mời tôi, ta tìm hiểu thêm hoạt động của Trung tâm Giáo dục Tráng niên Công giáo như ở Sydney, xem sao:

“Ngày 11/10/2012, Đức Bênêđíchtô 16 có ra một Tông thư với nhan đề là “Cánh Cửa Lòng Tin” trong đó ngài thông báo sẽ định ra một Năm Thánh Đức Tin bắt đầu từ 11/10/12 để kỷ niệm 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Vatican 2 và 20 năm ngày phát hành cuốn Giáo lý Hội thánh Công giáo. Chủ đích của ngài đặt ra Năm Thánh là muốn nhắm đến và thôi thúc Giáo hội đi vào thời điểm có suy tư lặng lẽ và khám phá thêm lần nữa niềm tin đi Đạo, của chúng ta.
Khi loan báo như thế, Đức Giáo Hoáng lại đã kêu mời mỗi người và mọi người Công giáo cứ khám phá thêm nội dung nềm tin mình tuyên hứa với các việc cử hành mừng kính rất long trọng, cũng như nguyện cầu và sống thực. Ngài kêu mời tất cả mọi người hãy tự mình thực hiện những việc như thế suốt năm thánh này.
Việc như thế, rất cần thiết để sống cho năng động và mở rộng niềm tin Công giáo qua việc giảng rao Tin Mừng theo cung cách thật rất mới. Giảng rao Tin Mừng là công tác mà mọi người Công giáo, kể cả giáo dân nên đảm trách chứ không chỉ mỗi Giám mục hoặc hàng giáo sĩ thôi.
Cũng theo chiều hướng đó, nay là cơ hội thuận tiện để ta ghi danh một hay nhiều đề tài do Trung Tâm Giáo dục Tráng Niên Công Giáo đề ra. Đây là một bộ phận chuyên hoạt động mục vụ do Tổng giáo phận Sydney đảm trách. Dựa trên căn bản nằm ở sách Giáo lý Hội thánh Công giáo và đi sâu vào Sách thánh cũng như Thánh truyền, Trung tâm sẽ trang bị cho người tham gia học hỏi các thiết bị để sống niềm tin, rồi sẽ san sẻ và đào sâu tương quan với Chúa.
Đề tài học hỏi, có thể do người tham gia chọn hoặc như một chứng chỉ của Trung tâm chuyên mục về Giáo dục đức tin, công cuộc thừa tác giới trẻ, khai tâm học Đạo căn bản và cao đẳng hoặc các chứng chỉ có tầm vóc cao hơn, như chuyên về Kinh thánh hoặc đời sống Kitô-hữu. Mọi địa hạt niềm tin đều đề cập đến, kể các Kinh thánh, Lịch sử Đạo, đời sống tín hữu, Thần học, triết lý, Tu đức và Rao giảng Tin Mừng.
Ngoài chương trình giảng dạy như thế, Trung Tâm này còn được hỗ trợ cả một thư viện đầy những sách và CDs, DVDs. Ngoài ra, nhà sách Mustard Seed Bookshop cũng ở ngay bên cạnh. Nên, người tham gia sẽ có đủ điều kiện để tham khảo…” (xem Year of Faith: Opportunity to Rediscover Content of Faith, The Catholic Weekly 22/10/2012, tr. 9)

            Cho đến bây giờ, chắc bạn và tôi,  ta cứ ngỡ rằng hệ cấp thần quyền đang quan ngại nhiều về tình trạng lơ là/lơi lỏng về niềm tin của giáo dân mình. Cuối cùng thì, vấn đề bức thiết nhất cho mọi người trong Đạo không chỉ là củng cố niềm tin về mặt tri thức thôi. Nhưng, còn là thể hiện ra sao để chứng tỏ mình đã tin và đang còn tin vào Chúa sống lại vì yêu thương mọi người. Chứ, không chỉ những người từng dấn bước đi theo Ngài , mà thôi.
            Nói tóm lại, có lẽ cũng nên đi vào thực tế có những truyện kể để bạn và tôi, ta cứ nhớ mãi mà trở về với đời sống tin-yêu cũng rất thực, để hỗ trợ. Quyết thế rồi, ta lại hiên ngang vào vườn thơ/nhạc đầy truyện kể, để thư giãn, rằng:

Một buổi chiều trong công viên, có một chàng trai đang chăm chú vẽ một trái tim. Trên khung giấy trắng dần dần hiện ra một trái tim thật đẹp, thật hoàn hảo khiến mọi người đứng xem đều trầm trồ khen ngợi.                          
Bỗng một ông lão đi đến. Ông trầm tư ngắm nghía bức tranh của chàng trai một hồi lâu, rồi lặng lẽ mượn bút vẽ một hình thoạt nhìn rất lạ, nhìn thật kỹ mới nhận ra đó là hình một trái tim...
Chàng trai ngạc nhiên nhìn trái tim ông lão vừa vẽ, nó bị chắp vá chằng chịt, nhưng rõ ràng vẫn là một trái tim. Trên trái tim ấy, có chỗ như bị khuyết lõm, có chỗ như bị cắt đi và được ghép nối bởi những mảnh khác nhau. Mọi người bắt đầu bàn tán và tỏ ý không hiểu ý nghĩa hình vẽ trái tim của ông lão.
Chàng trai thắc mắc:
- Cụ ơi! Cháu không hiểu vì sao cụ lại vẽ trái tim như vậy? Làm sao trái tim lại mang nhiều vết sẹo và ráp nối như thế?                 
Ông cụ mỉm cười rồi nói:
- Đúng! Trái tim của ta có thể không hoàn hảo, nhưng nó là một trái tim thực sự. Đấy chỉ là do trái tim này đã có thời gian sống và trải nghiệm nhiều hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những dấu vết này! Tuy có nhiều thương tích nhưng tôi luôn tự hào về nó. Cậu biết không, khi tôi trao một mảnh tim của tôi cho một người thân, cha mẹ, anh chị, bạn bè và cả những người tình cờ mà tôi gặp được... thì ngược lại, họ cũng trao cho tôi một mảnh tim của họ để đắp vào chỗ trống ấy. Những mảnh tim này không hoàn toàn giống nhau: phần trái tim mà cha mẹ cho tôi bao giờ cũng lớn hơn phần tôi trao lại; con gái tôi dành cho tôi phần trái tim trong trẻo nhất; bạn đời tôi tặng cho tôi phần trái tim đẹp nhất và chung thủy nhất... Những mảnh tim ấy đã ghép vào nhau và tạo thành những vết chắp vá của trái tim tôi. Chính điều này luôn nhắc trái tim tôi nhớ về những người mà tôi yêu dấu, những tình yêu mà tôi đã được chia sẻ trong đời...
Ông lão nói tiếp:
- Còn những vết lõm này là phần trái tim tôi trao đi mà chưa được nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu trao đi mà chẳng cần đến sự đền đáp. Dù những khoảng trống này nhiều lúc làm tôi đau đớn, nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi có động lực để khao khát được sống, và có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chàng trai ạ, nhờ những mảnh chắp vá này mà trái tim của tôi có sức sống mãnh liệt, trưởng thành và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn, sâu sắc hơn đấy.
Đám đông im lặng, còn chàng trai không giấu được nỗi xúc động đang trào dâng trong lòng. Anh tự hào cầm bút cắt đi một mảnh trong trái tim hoàn hảo của mình và đắp vào một phần khuyết của trái tim ông lão. Đáp lại, ông lão cũng tặng anh một mảnh trái tim ông.
Giờ đây, trái tim của chàng trai đã có một vết sẹo. Tuy không còn hoàn hảo nữa, nhưng chàng trai cảm thấy trái tim mình đầy sức sống hơn bao giờ hết. Anh nhận ra sức mạnh và vẻ đẹp của trái tim không phải ở chỗ nó được giữ kỹ để không có một vết tích, tổn thương nào của cuộc đời – mà trái lại, càng hòa nhập và biết chia sẻ, dám yêu, dám sống và sẵn sàng cho đi, trái tim của con người càng trở nên nhạy cảm, sâu sắc và đập mạnh mẽ hơn.
“Đôi lúc trái tim cũng cần phải biết buồn đau, biết khóc để cảm nhận được giá trị của sự yêu thương; và biết cho đi để cảm nhận niềm vui, hạnh phúc của sự chia sẻ...” (theo The Real Heart)

            Trái tim còn biết “buồn đau, khóc lóc để cảm nhận giá trị của yêu thương. Đó cũng là cung cách để bạn và tôi, ta cũng cảm nhận về niềm tin rất thương yêu. Cảm nhận ấy, cũng là ý tưởng mà bậc thánh hiền từng nhắn và gửi hết mọi người qua đoề đệ mình là Timôthê, như sau:

                        “Thần khí phán rõ ràng:
vào những thời cuối cùng,
một số người sẽ bỏ đức tin
mà theo những thần khí lừa dối
và những giáo huấn của ma quỷ;
đó là vì trò giả hình của những tên nói dối
mà lương tâm như bị thích dấu sắt nung.”
(1Tim 4: 1-3)

            Lời nhắn gửi, hôm nay càng súc tích, gẫy gọn khi Hội thánh toàn cầu đang mừng kính. Mừng và mừng Năm thánh rất sốt sắng. Kính và mừng, là kính mừng Chúa rất uy nghiêm cao cả, lòng người vẫn tin và vẫn nhớ. Thế đó, là tâm tình và ý tưởng cần nhắn gửi để suy tư.
            Nhắn và gửi rồi, ta lại cứ hát ca những tâm tình đầy ý tứ, ý nhị, như hôm trước:

Ngàn tiếng tơ ngàn ý thơ ”
Hoà gió xa tình thiết tha
giờ đây trăng say mơ
tràn lan khắp nơi…”

Tràn khắp nơi, là tràn những tình tự rất tin và cũng yêu như bao giờ.


Trần Ngọc Mười Hai
Nhắn và gửi không phải cho người,
mà cho mình, tức bạn và tôi
ở Giáo hội.