Saturday 26 May 2012

“Bài hát, tìm trong nỗi nhớ, từng ngày bình yên.”


Chuyện phiếm đọc vào tuần sau lễ Chúa Ba Ngôi năm B 27-5-2012

“Bài hát, tìm trong nỗi nhớ, từng ngày bình yên.”
“Bài hát, tìm trong ký ức, cuộc tình đầu tiên.”
(Thanh Tùng – Giọt Nắng Bên Thềm)

(1Ph 3: 18-19)
            Bài hát, viết không nên lời đã vội lãng quên”. Chao ôi! Bài hát nào mà lạ thế? “Bài hát, mang bao kỷ niệm những ngày đã qua”. Vâng. Thế mới là bài hát hay. Thật ra, với bần đạo, bài hát nào cũng nao nao một kỷ niệm. Kỷ niệm, là vì những bài như thế, vẫn được nhiều người liên tưởng đến chuyện của riêng mình, mà nhớ đến và ưa thích như bần đạo đây. Ôi chao! Nói thế, chắc bầu bạn hẳn sẽ cho rằng bần đạo thuộc loại “chảnh” hoặc ba phải, rất “huề vốn”? 

            Sự thật, thì bần đạo nay có trích dẫn bài hát ít nghe quen, ở trên, là do “chộp” được từ đêm “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney chốn bình yên, hôm ấy. Bình yên, đến độ khiến bần đạo liên tưởng đến tình huống xảy đến với nhà Đạo, ở nhiều nơi. Tình huống có chuyện “rồi đến rồi đi bao tháng năm”, khiến bày tôi bần đạo chưa kịp “tạ ơn người/tạ ơn đời”, đã thấy đuối. Đuối lý. Đuối tình, đành về với bài ca để ê a, hát mãi:  

“Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi.
Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi.
Giọt nắng bâng khuâng.
Giọt nắng rơi rơi bên thềm.
Bài hát bâng khuâng.
Bài hát mang bao kỷ niệm.
Những ngày đã qua.”
(Thanh Tùng – bđd)

Sở dĩ bần đạo cứ phải “tạ ơn người/tạ ơn đời” vì biết đời mình dù ngắn ngủi, vẫn mục kích nhiều “sự” ít thấy cả trong Đạo/lẫn ngoài đời, khiến mình coi đó như đặc sủng để ghi ơn. 

Đặc sủng, nay thấy giống tình huống được nghệ sĩ diễn tả ở câu thơ: 

“Lâu lắm rồi, anh không đến chơi. Cây sen đã lá bạc như vôi.
Sỏi đá rêu phong, sỏi đá chưa quên chân người.
Bài hát tìm trong nỗi nhớ, từng ngày bình yên.
Bài hát tìm trong ký ức, cuộc tình đầu tiên.
Trả lại cho tôi, trả lại cho anh. Trả về hư không giọt nắng bên thềm.”
(Thanh Tùng – bđd)

Hôm nay, “giọt nắng bên thềm” được trả về chốn hư không, để rồi: những chuyện xảy ra từ hồi trước, nóng bỏng như “giọt nắng bên thềm” lại đi vào chốn mông lung, lạnh lùng, chẳng ai nhớ. Không nhớ, phần vì quá lo cho cuộc sống ở đời có những chuyện khi xưa thì rất cần cho lòng đạo, nhưng nay lại đã đi vào dĩ vãng, cõi rất không. Thế nên, đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta cứ đi vào thực tại để thấy được trạng huống đang chợt đến với nhà Đạo, hầu suy tính cho tương lai/mai ngày, của thánh hội.

Một trong những chuyện từng khiến nhà Đạo mình quan ngại và thắc mắc nhiều, là: chuyện xưng thú tội lỗi mình vướng mắc với cộng đồng dân Chúa, và với nhau. Thắc mắc, thì: mỗi người một ý, một lập trường. Quan ngại, mà người người thường khắc khoải, lại cũng khác. Có người chỉ quan và ngại sơ sơ/lờ mờ vài ba nét rất thoáng, để rồi sẽ bỏ qua. Vì nay, có vài nhận định về người ở trời Tây đã bộc phát vào buổi hội bỏ túi ở Sydney, như sau:

“Nhiều lúc, tôi nghĩ: việc cốt yếu với người đi Đạo hôm nay, không chỉ tìm cách lánh xa dịp tội để được gọi là sốt sắng, đạo hạnh!”
*Tôi thì tôi nghĩ: dù ta có chấp nhận đưa cụm từ “mắc tội trọng” gán cho hành động này khác, vẫn không nặng đến độ dù chết chóc, cũng đâu có giết chết tình yêu ta có với Chúa, với mọi người trong cộng đoàn Hội thánh. Bởi, tội lỗi là gì đi nữa cũng đâu giết chết một ai…”
*Với tôi thì, có cố gắng đến toà giải tội cho nhiều, xem ra càng tạo thêm những tội mà mình không bao giờ vướng mắc… Tất cả, chỉ là danh sách tội phạm với lỗi phạm do cha/cố bày đặt thôi.
*Tôi có cảm giác, là xưng tội cũng giống như cái máy giặt cũ kỹ dùng để tẩy uế đồ dơ bẩn dính đầy những tội, thế thôi. Trong khi, tôi lại cần nhiều thứ hơn thế. Thí dụ như, cần tẩy uế đồ dơ theo kiểu “hấp tẩy nỉ sẹc” người xưa thường nói, đôi lúc cũng chỉ cần hong cho khô là xong, đâu cần gì đến máy giặt?
*Tôi chỉ cần để ý đến người mà tôi từng làm họ đau khổ, thôi. Chỉ muốn họ tha thứ cho việc tôi làm họ đau đớn chứ đâu muốn để các cha ở nhà thờ dính dự đâu. Tôi có làm cho cha hoặc hội thánh đau khổ đâu, mà mong mỏi họ tha cho tôi, chứ!
*Nói về Mùa Chay cần ăn năn xưng thú tội lỗi, thì tôi nghĩ: Đức Chúa Phục Sinh vẫn muốn tôi phải làm chuyện đổi thay cuộc đời sau khi tịnh tâm vào những ngày đó, chứ đâu bảo tôi phải lo sửa đổi tính tình/hạnh kiểm chỉ mỗi mùa chay này thôi đâu! 
*Nói cho cùng, nay được bao người chịu dẫn xác đến toà cáo giải để xưng thú các tội mình vướng mắc có dính hoặc không dính đến mấy cha và cố đâu? Những người khi xưa siêng năng xưng tội, nay bỏ đi đâu hết cả rồi? Sao không còn đến nhà thờ xưng thú tội lỗi nữa? Phải chăng, họ hết cần đến bí tích xá giải rồi?...” (trích phát biểu của anh chị em tham dự hội thảo tháng 5 năm 2012, ở Sydney)

            Tìm hiểu kỹ, bạn và tôi ta sẽ thấy giới trẻ ở trời Tây, nay nghĩ nhiều về chuyện xưng thú. Thấy rồi, ta hẳn cũng biết lý do còn nằm trong đầu họ. Nghe rồi, ta cũng có được kết luận rất chung chung, hoặc các nhận định vẫn nghe quen, như: dân con nhà Đạo ở trời Tây, nay không thấy hấp dẫn gì hoặc vẫn nghĩ là họ không có bổn phận phải đi nhà thờ/nhà thánh, nên chẳng cần gì chuyện xưng tội. Như thế, phải chăng là họ không còn cần đến Thiên Chúa hoặc cha cố những thứ tha, xoá bỏ tội?  

Nói cho cùng, tiếc nhớ thói quen đạo đức khi xưa cũng như ý/từ nghệ sĩ nay diễn tả ở câu hát:     
“Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi
Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi…
Một sớm mai kia, chợt thấy hư vô trong đời
Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi. Chỉ là ... thế thôi.”
(Thanh Tùng – bđd)

            Về với nhà Đạo, cũng nên nghe thêm ý kiến của một đấng bậc có trách nhiệm duy trì bí tích “hoà giải” hay giải tội để có được ơn lành Chúa ban. Trước nhất, là: nhận định của Lm James O’Toole, đấng bậc từng có câu hỏi tương tự, nay đáp trả bằng lời tự sự như sau: 

“Nhìn vào những gì xảy ra ở thời trước và trong tương lai/mai ngày về bí tích giải tội, ta vẫn thấy: có nhiều người Công giáo ở độ tuổi trên bốn mươi, cũng tiếc nhớ cái thời mà mọi người đổ xô đến toà cáo giải, cứ thế đọc thuộc lòng những câu như: “Thưa cha, con là kẻ có tội, xin cha ban phúc lành cho con. Nay, cũng được… tuần kể từ lần con xưng tội trước đây. Đến nay, con xưng các tội con mắc phải như sau…” Và cứ thế, rồi cứ thế, người xưng thú lại sẽ kể ra một loạt những tội và tội, điều mà nhiều người nghĩ chắc cũng phải ghê gớm lắm, mới khiến bổn đạo ấy phải “xưng” cho hết. Xưng, để thấy người mình nhẹ nhõm, chẳng còn “vương vấn những lỗi cùng tội” như hôm nào. Và nay, thói quen ấy xem ra không còn tồn tại đối với phần đông người Mỹ nói chung, nhất là những người ở độ tuổi dưới bốn mươi. Còn, với giới trẻ ở độ tuổi dưới ba mươi, thì ý niệm về tội trọng/tội nhẹ, cần “xưng thú”, nay không còn nữa.” (x. Lm James O’Toole, Empty Confessionnals: Where have all the sinners gone, www.Commonwealmagazine.org 24/04/2004)

            Nhà Đạo nói thế, là muốn bảo: bí tích giải tội khi xưa là chuyện thường tình, ai cũng biết, vẫn cứ thực hiện đều đặn, không thắc mắc. Nhưng hôm nay, chỉ một số rất ít con dân nhà Đạo ở trời Tây, là biết việc ấy có tầm mức quan trọng, mà thôi. Khi xưa, vào các ngày thứ sáu/thứ bẩy, người người cứ gọi là nối đuôi dài thườn thượt trước cửa toà cáo giải để chờ nhau vào “phòng tối” mà thú lỗi với cha/với cố, hầu hôm sau mới được phép rước Chúa vào lòng. Thông thường, thì khi xưng tội, ai cũng phải làm công việc xét mình/tự kiểm trước đó, để xem mình có sai phạm lỗi gì trong cuộc sống? Nếu có, thì phạm lỗi như thế cộng lại là bao nhiêu lần? Rồi sau đó, mới từ từ bước vào “toà cáo giải” để xưng/để thú với ông cha/ông cố, hầu được lãnh phép lành xá giải sau khi được “đức ngài” ban cho cái-gọi-là “việc đền tội” hỡi ôi, vẫn rất nhẹ.

            Bình thường, khi nghe hối nhân xưng thú, đấng bậc “giải tội” vẫn hỏi vài câu cho chắc là hối nhân biết việc mình làm, tức có tội, rồi sau đó cũng chỉ khiển trách lấy lệ vài ba phút, xong đâu đấy mới quay người đọc một tràng tiếng Latinh và “bổ” cho hối nhân đôi ba “việc đền tội”, như đọc kinh này kinh nọ, hoặc làm việc thiện này khác, vv. Chuyện này tưởng chừng cũng dữ dằn, nhưng thực tế chỉ là những việc mà người xưng thú vẫn làm như trước đó. Tức, vẫn như cũ, chẳng có gì đổi thay, sau nhiều ngày khá bối rối. 

Nay, thủ tục hoá giải và xưng thú vẫn như cũ. Nhưng xem ra có phần giản dị hơn. Vắn gọn hơn. Cả hối nhân lẫn “đức thày” đều có thể thực thi công tác ngay ngoài trời, phòng hội hoặc ở đâu đó mà “đức ngài” nghĩ là thích hợp, thế cũng xong! 

Về lỗi phạm mình vướng mắc, cũng nên suy thêm đôi lời nhắn nhủ của thánh nhân như sau: 

“Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi –
Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương-
hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.
(1Ph 3: 18-20)

Vấn đề đặt ra hôm nay, là: câu hỏi của nhiều vị: mọi người nghĩ sao về chuyện xưng thú?
Ta có nên tiếp tục những chuyện như thế, để giữ Đạo không? 

Nhiều đấng bậc cũng đặt ra một số vấn nạn trong đó có nhiều câu đáng ta quan tâm. Những vấn nạn tương tự lời thơ mà nghệ sĩ ngoài Đạo lại vẫn hát:     

“Khi thấy buồn, anh cứ đến chơi
Chim vẫn hót, trong vườn đấy thôi.
Chỉ có trong tôi, ngày đã sang đêm lâu rồi.
Bài hát cho em, giờ đã hát cho mọi người
Để rồi lãng quên.”
(Thanh Tùng – bđd)

            Nhà Đạo mình, không lãng quên cũng chẳng thiếu sót, dù đó có là bài hát buồn/vui cũng mặc. Chẳng quên sót, dù người thân của mình không “đến chơi” hoặc chẳng còn viếng nhà thờ/nhà thánh như dạo trước. Có đấng bậc, nay lại đặt thành vấn đề, nên mới viết: 

“Về việc xưng tội và giải tội, chỉ mỗi đạo Công giáo là còn giữ. Và, coi đó như một đặc sủng tư riêng của Đạo. Thế nhưng, nhiều lúc việc sống đạo không đặt nặng vào chuyện xưng thú nữa, hãy coi đó là chuyện thời xưa, nay chẳng còn ai thiết tha, quan tâm. Từ đó, đem đến cho người Công giáo một khoảng trống, hố sâu chưa kịp lấp. Mùa Chay, là cơ hội thuận tiện, để ta khai thác chuyện “xưng thú tội lỗi” được mọi người vẫn từ lâu tuân thủ. Đó là hiện trạng đối với người Công giáo Mỹ, nói riêng.

Chẳng hạn, chỉ mỗi giáo phận Boston thôi, cũng đã có giai thoại ghi là: sau thế chiến thứ 2, có linh mục nọ được cha xứ bạn ở gần bên, kêu đến giúp “ngồi toà” từ 2 giờ trưa đến 6 giờ tối, chỉ 4 tiếng. Trong khi đó, chính ngài lại phải ngồi toà mãi đến 11 giờ khuya mới ngừng nghỉ. Đếm số người, thì cha bảo: nội chiều tháng 2 năm 1899 thôi, ngài nghe tội của 137 người tưởng đã nhiều, vẫn không bằng linh mục bạn ở New York đếm được 78 ngàn lượt người đến xưng, trong năm.” (x.Lm James O’Toole, bđd)

            Đó là nói về số luợng người xưng tội vào thời vàng son ở đất Mỹ. Còn, ở vùng khác thì như sau:
“Tại các xứ đạo miền Trung Tây và Cực Đông Hoa Kỳ, giáo dân ở đây thấy chuyện xưng tội nay không còn cần thiết nữa. Giữa thế kỷ thứ 20, số người xưng tội đều đặn đã giảm sút một cách đáng ngại đến độ khi hỏi đến, chẳng ai buồn đáp lại. Thập niên ‘50, số dân đi Đạo thuộc Nhà thờ Chánh toà Madeleine ở Salt Lake City, toàn giáo xứ đếm được có 3,200 giáo dân, nhưng số người thường xuyên xưng tội lại lên tới 2,500 người. Năm 1952, chỉ hai linh mục ngồi toà thôi cũng đạt 9,431 luợt người đến xưng tội một năm; tính bình quân, thì: mỗi tuần có đến 182 người xưng tội, rất đều.    
Nội trong năm 1965 và 1975, Trung Tâm Điều Tra Hoa Kỳ mở cuộc khảo sát đã phát hiện ra số người xưng tội giảm sút thấy rõ. Bình quân, mức giảm sút trong hai năm này đang từ 38% xuống còn 17% thôi. Trong khi đó, có người lại tuyên bố: họ chẳng hề xưng tội bao giờ đang từ 18% nay lên đến 38%. Năm 1977, một khảo sát khác của Trung Tâm còn cho thấy trong số 65% linh mục người Mỹ quả quyết là hàng tuần, các ngài vẫn cố gắng ngồi toà chờ giáo dân đến xưng tội, nhưng nay số người xưng thú giảm xuống chỉ còn 20 lần/một tuần so với thời trước, là cả trăm.
Giữa thập niên 80, Đại học Notre Dame ở Mỹ cũng thực hiện một điều tra/khảo sát xem giáo dân có năng đi lễ và xưng tội không, đã nhận được câu trả lời của hơn 26% người từng bảo: họ chẳng bao giờ đi xưng tội; và 35% người từng nói: mỗi năm xưng tội nhiều nhất chỉ một lần. Sự kiện này, đôi lúc cũng đòi giáo quyền nên có lời giải thích đích đáng, để mọi người biết mà nắm vững. Và, câu phản hồi từ các ngài là: tín hữu Công giáo nay dám tỏ bày bất mãn thấy rõ về chuyện xưng thú. Có người, còn nói thẳng: bọn tôi đi xưng tội nhiều lúc thấy các cha giải tội nhanh như cái máy, hệt như kiểu người ta bấm máy đếm số người đi xem triển lãm vậy. Rốt cục, thì ai cần linh hướng giúp mình sống lành thánh, nay không còn muốn đến toà cáo giải để hỏi han hoặc xưng tội nữa.” (x. Lm James O’Toole, bđd)  
            Dĩ nhiên, khảo sát hoặc thống kê dù chính xác cách mấy cũng không nói hết tình trạng “xưng thú” đang giảm sút với giáo hội Công giáo nước ngoài. Nhưng ở đây, tưởng cũng nên nghe thêm ý kiến của đấng bậc khác vẫn muốn bàn về lý do đưa đến hiện trạng như thế, đã cho biết:
“Thật ra, quyết tâm đòi bỏ chuyện xưng tội không thấy xuất hiện trong nghị trình bàn luận của các nghị phụ khi xưa đưa vào Công đồng Vatican II. Nhưng, trên thực tế, người Công giáo nay dám nói lên quan điểm của họ tức đã bỏ phiếu bằng chân, không còn hăng say đến toà cáo giải để xưng thú hoặc hỏi về chuyện linh hồn nữa. Việc này, khiến các nhà bình luận tôn giáo sửng sốt đến câm nín, chẳng muốn nói gì thêm. Nói cho cùng, việc giáo dân khi xưa siêng chăm xưng tội hàng tuần nay là chuyện hiếm có trong lịch sử hội thánh. Tựu trung, thì hình thức/chức năng của Bí tích Hoà giải cũng đã thay đổi khá nhiều, trong những năm gần đây.
Dĩ nhiên, chuyện thay đổi hình thức/chức năng của Bí tích này giảm sút đến độ, không chỉ mỗi chuyện xưng tội theo cách riêng tư, mà còn thay đổi cả hệ thống tin tưởng cũng như động thái của giáo dân xưa nay có quan niệm về tội và án chết, về nỗi sợ hoả ngục, về sự xấu hổ cũng như quyền chế ngự và hoá giải mọi lỗi lầm gọi là “tội” chỉ dành cho hàng giáo sĩ thôi, đó mới là vấn đề. Và, vấn đề là: phần đông người Công giáo, ai cũng nghĩ mình không thể chấp nhận/biện hộ hoặc coi đó như điều không thể trách cứ đặt nền tảng trên luân lý như chuyện mình tin Chúa tạo dựng trời đất trong 7 ngày, theo khoa học. Tóm lại, sự thật nay rõ ràng là: 7 phép bí tích hội thánh nay còn sáu phép thôi.” (x. Peter Steinfels, Examination of Conscience, viết trên trang blog tập thể giáo sĩ Mỹ ngày 06/04/2004)

            Viết trên “blog” hay mạng riêng của nhóm nào đó, là cách để nói lên sự thật mà nhiều người đều biết. Viết, để cảm thông hoặc lưu giữ làm tài liệu chứ không để bàn luận, cãi tranh. Bởi, có bàn luận cho lắm cũng chỉ làm tăng thêm tình trạng rẽ chia, buồn phiền. Chi bằng, ta cứ xem như tín hữu Công giáo nay tỏ bày thái độ của mình ra sao. Và, vấn đề còn nhiều ý kiến khác phát biểu như sau:

“Tôi là nhà tâm lý học lâu nay vốn dĩ hành nghề ở nhiều nơi, cũng có chút kinh nghiệm, đồng thời lại là người Công giáo chuyên chăm đi nhà thờ cũng khá đều. Vừa qua, có khách hàng nọ là người Công giáo đến tỏ bày cùng tôi, rằng: ông cũng quan ngại không ít, về thói quen nối mạng toàn cầu, để xem phim/xem hình kích dâm. Khi hỏi: lâu nay ông làm cách nào để kềm chế thói tật này? thì ông bảo: ông đã đi xưng tội nhiều lần; và mỗi lần đi như thế, ông vẫn yêu cầu linh mục xá giải giúp ông giải quyết cách sao đó cho chuyện ấy nó dứt điểm. Khi hỏi thêm: “Thế, linh mục ấy có giúp ông việc gì cụ thể không? thì ông trả lời: mấy ông cha ấy à, mấy ỗng chỉ bắt tôi đọc 7 kinh Lạy Cha, 7 kinh Kính mừng là xong. Làm thế, thì chỉ ra mỗi việc đền tội thôi làm sao giúp mọi người như tôi kềm chế thói quen khó trị, được chứ!
Đời thường, mọi sự trừng phạt dù nặng dù nhẹ có xứng hợp với lỗi tội mình phạm không, đều dấy lên một bất mãn nơi người thoạt nghe phán quyết, đề ra cho họ. Nhiều cuộc điều tra cho thấy: đối với con người, khi họ tin vào thứ công lý nào đó, thì nó vẫn là chuyện tự nhiên. Ai cũng muốn được tưởng thưởng khi có cố gắng, chỉnh sửa lỗi lầm mình sai phạm cũng như khi tội ác được trừng phạt đích đáng. Nhưng ở đây, đề ra việc “đền tội”, không có nghĩa là: mình đã trừng phạt được tội ác, như ở xã hội bên ngoài. Xá tội, không là chuyện ngẫu nhiên/bất ngờ để giúp mình đền tội. Bởi, sự thể có ra thế nào đi nữa, hẳn là: ta phải làm công việc ấy trước khi bước vào toà cáo giải, chứ không phải chỉ sau khi người xưng thú kể hết tội của mình cho linh mục nghe. Bí tích xá giải do hội thánh đề ra, cần hối nhân ăn năn/thú lỗi, tức công nhận rằng: ai cũng cần đến lòng xót thương Chúa ban cho mình hết. Bởi thế nên, mọi người đều luôn sẵn sàng đón nhận ơn lành ấy. Đền tội, là cốt diễn tả nỗi sầu buồn do mình phạm luật Chúa ban ra; và, cũng để cho mình có lòng cảm kích biết ơn tình Chúa thứ tha Ngài ban cho mình.
Thực thi bí tích xá giải, có thể để củng cố quyết tâm loại trừ mọi tật xấu hơn là kềm chế nó. Làm như thế, có thể khiến nhiều người nghĩ rằng: họ được khuyến khích coi việc xưng tội như phương tiện giúp họ giải toả cái cảm giác phạm luật cách dễ dáng; mà thực ra đó chỉ là cơ hội để ta làm hoà với Chúa, thôi. Một khi việc đền tội được thực hiện dễ dàng và máy móc như thế, thì việc xưng tội lại vẫn được các nhà tâm-lý-học coi đó như “kỹ năng trung hoà”, tức phương cách làm dịu lắng cảm xúc tiêu cực nhiều người vẫn có, sau khi vi phạm. Xưng tội đem đến cho ta lợi thế là dùng quyền bính thiêng liêng để thực hiện “kỹ năng trung hoà” giúp người vi phạm…”
“Nếu bí tích giải tội, là động thái giải hoà hoặc xá giải mọi lỗi phạm cách thiết thực, thì các vị xá giải cũng nên thực thi sao cho tốt. Và, hội thánh nên huấn luyện các vị ấy cách sao đó để các ngài làm tốt hơn xưa. Ở đây, tôi không đề nghị chỉnh sửa việc xưng tội như khoa tâm-lý trị-liệu, kiểu Công giáo. Nhưng, tôi nghĩ: khi đã thực hiện bí tích này cho đúng qui cách, ta phải làm sao củng cố quyết tâm chống trả cơn cám dỗ, hơn là làm việc gì đó cho nó yếu đi. Kịp đến khi có được cải tổ rộng rãi, thì hội thánh mới có thể yêu cầu hối-nhân tự kiểm xem mình có tuân giữ 10 điều răn Hội thánh không. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chỉ là thực hiện qui định vàng này: “hãy yêu thương người đồng loại như chính mình”, thôi.” (x. Thomas L. Kuhlman, The floating Sacrament: How We Confess Today Not a Reset Button, www.Commonwealmagazine.org 03/27/2012)

            Bàn chuyện nghiêm chỉnh/khô khan cũng đã dài, nay đề nghị bạn và tôi, ta về với lời ca vang âm nhạc để suy tư về người ngoài đời vẫn còn hát:

                        “Bài hát, tìm trong khói thuốc, từng giờ bình yên.
                        Bài hát, tìm trong mắt biếc, từng chiều hoàng hôn.
                        Còn lại trong tôi, còn lại trong em, chỉ là lung linh giọt nắng bên thềm…”
                        (Thanh Tùng – bđd)

            Giọt nắng hay giọt “lung linh bên thềm”, nay đã chìm “trong mắt biếc, từng chiều hoàng hôn”. Hoàng hôn, của thói quen mà Hội thánh vẫn có từ thời vàng son, thuở trước. Còn lại, là câu hát “chìm trong khói thuốc”, “từng giờ bình yên”. Giờ yên bình/hiền hoà của nhiều người, nay lại có ý kiến cũng khá lạ về hiện trạng sút giảm người xưng thú, như tâm sự của linh mục nọ ở bên dưới:

“Đôi khi, ta vẫn thấy là: các đấng bậc trong Đạo mình vẫn muốn biết: các bổn đạo lâu nay hay xưng tội biến đi đâu hết vậy? Có lẽ, ta cũng nên thay câu thắc mắc bằng những lời như: không biết tại sao khi xưa người người chịu khó đến toà cáo giải để làm gì? Câu trả lời theo tôi cũng nên mượn ý tưởng của ai đó trong phim “Chàng Luke có bàn tay lạnh” của Stuart Rosenberg mà bảo: Đạo mình lâu nay, chừng như vẫn thiếu thái độ thực sự muốn đối thoại. Theo tôi nghĩ, điều này cũng đúng. Bởi, lâu nay Hội thánh mình có chịu nghe ai đâu, có chịu trao đổi hoặc đối thoại với người nào đâu! Lâu nay, ta cứ trông chờ trên ra chỉ thị để giúp ta giải quyết hết mọi chuyện. Nhưng, lại quên rằng: các đấng bậc nhà mình cũng nên lấy ý kiến của dân thường ở dưới. Mà, dân thường ở đây là giáo dân mình chứ nào ai khác!...
Ngày nay, hầu hết mọi người Công giáo đều hiểu là: không ai muốn đề cập đến hành xử nào ít liên quan hoặc chẳng liên quan gì đến lỗi/tội theo nghĩa khách quan. Mọi người nay ít quan tâm đến hành vi riêng rẽ tuy nổi bật, nhưng chú ý nhiều vào thái độ hoặc loại hình xử sự. Dù, họ biết là họ không thể dửng dưng với chuyện vi phạm luật Hội thánh, nhưng lại không thấy có nhu cầu cấp bách đến toà cáo giải để xưng thú trước khi đi làm. Theo ý Lm Chinnici ở Mỹ thì người Công giáo nay đã nghĩ về tội và lỗi theo phạm trù được xã hội định ra như vi phạm luật lệ hoặc động thái có ý đồ nằm sau hành động của mỗi người. Với phần đông người đi Đạo, thì: phạm trù mắc tội trọng hay nhẹ không còn nằm trong đầu họ như một vấn đề quan yếu nữa rồi. Hệt như người con thứ trong chuyện “Người con đi hoang” ở Kinh thánh, anh đâu có liệt kê danh sách các hành động vi phạm luật Đạo, đâu. Anh chỉ buồn phiền vì đã hành xử không đúng phép. Điều đó không toàn hảo cho lắm, nhưng cũng là điểm khởi đầu đủ đánh động lòng người Cha vẫn yêu thương anh.
Vấn đề là làm sao thuyết phục và hấp dẫn 74% giáo dân nay ít đi xưng thú để bảo rằng đây là phép bí tích rất cần. Nghi thức giải tội có nói gì nhiều với giáo dân về chuyện giao hoà với Chúa không? Tôi nhớ Gm Michael Pfeifer chủ quản giáo phận San Angelo, Texas khi viết thư mục vụ năm 2006 ngài có hỏi: sao ta cứ phải đến với linh mục để xưng thú trong khi dư biết là Chúa đã tha cho ta trước đó rồi? Vị Giám mục này còn viết: “Các nhà giải tội đích thực là người tìm cách giúp giáo dân đạt sự bình an, yên ắng mà họ tìm kiếm từ các nhà tâm lý hoặc phân tâm học. Nay, các loại hình chữa lành này chẳng bao giờ xảy đến bằng việc xưng tội mất có vài phút hoặc một năm chỉ một hai lần thôi. Sự thể là, đa số giáo dân người Mỹ hiểu là: việc giao hoà với Chúa và với anh em đồng loại là điều cần hơn đòi hỏi phải đi gặp linh mục về chuyện thiêng liêng trong chớp nhoáng. Ai cũng đều nghĩ là loại chữa lành qua nghi thức hoà giải như hiện nay không thể hiện thực được…
Nói cho cùng, dù việc xưng thú có giảm nơi toà cáo giải, nhưng việc thứ tha cho nhau nay gia tăng cùng khắp. Gia tăng, ở điểm giáo dân nay nhận thức rõ lòng Chúa thương con dân Ngài vẫn gia tăng đều đặn. Bằng chứng là, giáo dân hôm nay tuy ít đi xưng tội như trước, nhưng vẫn rước Chúa vào lòng nhiều hơn xưa. Nhiều người và nhiều lần hơn xưa, cũng rất nhiều.
Cuối cùng, có thế nói: trong khi toà thánh và hàng Giáo phẩm tìm cách tạo nghi thức mới cho phụng vụ và khuyến khích con dân tham dự các buổi này, thì nay là lúc ta nên tập trung học hỏi gương lành của Chúa nhiều hơn truớc. Như bậc thày dày kinh nghiệm, Đức Giêsu vừa là Đấng hăng say giữ luật vừa là Đấng biết lắng nghe mọi người. Với Ngài, vấn đề nay cần đặt ra là: bí tích đích thực chính là giao hoà với mọi người chứ không chỉ với linh mục, thôi.” (x. Lm Raymond C. Mann, The Empty Box: Why Catholics Skip Confession, Commonwealmagazine.org 02/05/08)
                    
Xưng tội và hoá giải, lâu nay trở thành “Bí tích”, tức nhiệm tích bí hiểm khó lòng hiểu hết ý nghĩa cao siêu/nhiệm mầu Hội thánh chọn. Bần đạo đây, thấy khó mà trích dịch hoặc thêm thắt ý kiến riêng tư của mình hoặc của ai đó hoặc lập trường/tư tưởng của các đấng bậc ở trên cao, rất Đạo được. Chi bằng, ta cứ đi vào truyện kể về đời người có sự kiện xảy đến với người và với đời, như truyện tâm tình của một người, nhiều người hoặc mọi người đều nghĩ thế. Nghĩ về những điều tuy không là tội và nghiệp, nhưng vẫn cần nhiều người suy tư nghĩ ngợi, rất như sau:

     “Hai mươi năm trước đây, tôi lái xe tắc xi để kiếm sống. Một đêm có người gọi xe ở khu chung cư vào lúc 2 giờ 30 sáng. Tôi đến nơi, các dẫy nhà đều chìm lẫn trong bóng đêm ngoại trừ ánh sáng mù mờ từ khung của sổ kéo màn kín. Trong trường hợp này, các người lái xe thường nhấn còi một hay hai lần và chờ khoảng một phút, nếu không thấy động tĩnh gì là họ lái xe đi....
     Nhưng tôi cũng biết rất nhiều người nghèo không có xe cộ gì cả và tắc xi là phương tiện di chuyển duy nhất mà họ trông cậy trong những hoàn cảnh đặc biệt hay trong những giờ giấc bất thường.... Trừ khi linh cảm có gì nguy hiểm ngăn cản, tôi thường ra khỏi xe và đi đến tận cửa, tự nhủ biết đâu có người đang cần tôi giúp...
     Nghĩ như thế tôi bước tới gõ cửa.
“Xin chờ một chút “ giọng nói rõ ràng là của một người già nhưng vẫn có phần trong trẻo và tôi có thể nghe tiếng của các vật dụng dường như đang bị kéo đi trên sàn nhà... Vài phút sau, cửa mở, một bà cụ khoảng 80 tuổi đứng ngay trước mặt tôi. Cụ mặc chiếc áo đầm dài in hoa, đội cái mũ trắng xinh xắn với giải lụa gài chung quanh, trông giống y như một người nào đó từ cuốn phim của những năm 1940 chợt bước ra, với chiếc va ly vải bên cạnh. Sau lưng cụ, căn phòng chung cư trống trải như quanh năm không có ai cư ngụ, tất cả bàn ghế đều được phủ kín bằng những tấm trải giường.   
     Liếc nhìn qua vai cụ, không có bất kỳ vật dụng nào trên quầy trong bếp hay trên tường cả và sát chân tường trong góc phòng tôi có thể thấy mấy cái thùng giấy đầy những ly tách và khung ảnh sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.
     -Phiền ông mang giúp tôi cái va ly này ra xe..
     Tôi đem chiếc va ly cất ở thùng xe phía sau và quay trở lại giúp bà cụ. Cụ nắm cánh tay tôi và từng bước một, tôi dìu cụ xuống đường hướng về chiếc xe... Cụ luôn miệng nói cám ơn.... “Không có chi, thưa cụ“ tôi nói, “cháu coi những người lớn tuổi như là mẹ của cháu vậy... ” Cụ trả lời: “Ông tử tế lắm.... ”
     Sau khi giúp cụ yên ấm trên băng ghế sau, tội ngồi vào ghế lái và nổ máy xe. Cụ đưa cho tôi tờ giấy ghi địa chỉ nơi cụ muốn đến và hỏi tôi, rất nhỏ nhẹ:
     -Ông có thể chạy ngang qua dưới phố cho tôi một chút không...
     Liếc mắt vào tờ giấy ghì địa chỉ, tôi buột miệng:
     -Nếu lái xuống phố thì đường xa hơn và lâu hơn nhiều....
     -Cứ thong thả, ông à, không có gì vội vã cả, Tôi trên đường tới hospice (nhà dành cho những người sắp từ giã cuôc sống) thôi...
     Tôi ngước mắt nhìn, qua tấm gương chiếu hậu, đôi mắt cụ long lanh trong bóng tối.
     -Tôi không còn ai thân thích trên cõi đời này, và bác sĩ đã nói tôi cũng chẳng còn bao lâu nữa, hai hay ba tuần là nhiều....
     Với tay tắt cái máy ghi khoảng cách và tính tiền, tôi hỏi một cách lặng lẽ:
     -Thưa cụ muốn đi qua đường nào trước......
     Trong hơn hai giờ kế tiếp, chúng tôi hầu như đi lanh quanh qua từng con đường trong các khu phố. Cụ chỉ cho tôi toà nhà nhiều tầng mà một thời cụ đã làm người điều khiển thang máy. Tôi lái xe qua một khu phố với những căn nhà nhỏ đã cũ nhưng xinh xắn, cụ nói với tôi ngày trước khi mới lập gia đình cụ đã ở trong khu này, và chỉ cho tôi căn nhà loang loáng dưới ánh đèn đêm.... Nhìn ánh mắt lưu luyến của cụ, tôi như thấy một trời quá khứ thương yêu đằm thắm của đôi vợ chồng trẻ.
Cụ ra hiệu cho tôi ngừng xe trước nhà kho của cửa tiệm bán giường tủ, bàn ghế, nhẹ nhàng bảo tôi trước đây chỗ này là một vũ trường sang trọng và nổi tiếng, cụ đã từng hãnh diện đến đây khiêu vũ lần đầu khi là một thiếu nữ mười sáu tuổi... Trong giọng nói cụ tôi thấy thấp thoáng hình ảnh một thiếu nữ trẻ trung sáng ngời với bộ dạ phục xinh đẹp và nụ cười tươi tắn hân hoan..... Đôi khi, cụ bảo tôi đậu xe trước một toà nhà nào đó hay ở một góc phố khuất nẻo không tên.... và cụ im lặng thẫn thờ trong bóng tối như đắm chìm với cả một dĩ vãng xa xăm bao la và sâu thẳm....
Khi trời chập choạng trong ánh sáng đầu tiên của ban ngày, cụ nói với tôi khẽ khàng như hơi thở nhẹ:
     -Thôi, mình đi...
     Tôi lái xe trong im lặng đến khu nhà hospice. Đó là một dẫy nhà thấp, kín đáo, ngăn nắp và gọn  gàng. Tôi vừa ngừng xe là đã có hai người xuất hiện với chiếc xe lăn như là họ đã chờ đợi từ lâu rồi.  Tôi bước xuống mở thùng xe phía sau để lấy chiếc va ly nhỏ của cụ mang tới để ngay cửa chính, xong quay trở ra đã thấy cụ đã được đỡ ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn.
     -Bao nhiêu tiền vậy cháu?
     Cụ vừa hỏi vừa mở cái bóp nhỏ... “Cháu không lấy tiền bác đâu.. ” tôi trả lời.
     -Nhưng cháu phải kiếm sống chứ...
     -Đã có những khách hàng khác, thưa bác...
     Gần như không tính toán so đo, tôi cúi xuống ôm lấy bờ vai cụ. Đáp lại, cụ ôm tôi thật chặt:
     -Cám ơn cháu đã cho cụ già này khoảng thời gian thật quý giá và đầy ý nghĩa.
     Tôi xiết chặt tay cụ và quay bước đi trong ánh sáng mờ nhạt của một ngày mới đến. Sau lưng tôi có tiếng cửa đóng. Tôi cảm thấy như cả một cuộc đời vừa được khép lại phiá sau.
Tôi không có thêm người khách nào khác trong buổi sáng đó. Tôi chạy xe lanh quanh không có mục đích và dường như tôi cũng chẳng biết mình đi đâu nữa... Suốt cả ngày hầu như tôi không thể nói được với ai lời nào cả.... Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu cụ già gặp phải một người tài xế đang ở cuối buổi làm, nóng nẩy chỉ muốn chóng xong việc để còn về nhà... Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu tôi từ chối không nhận đón người khách là cụ hay tôi không bước xuống gõ cửa mà chỉ ngồi trên xe nhận kèn một lần rồi lái xe đi....
Tự nhiên nghiệm trong quãng đời trẻ trung ngắn ngủi của mình, dường như là tôi chưa làm được chuyện gì có ý nghĩa hơn là chuyện tôi đã làm trong buổi sáng hôm ấy.
Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng cuộc đời sẽ có những khúc quanh quan trọng, đánh dấu bằng những sự việc to lớn, dễ dàng ghi nhớ... Nhưng thật ra, đẹp nhất vẫn là những phút giây nhỏ bé bất ngờ nhưng có xúc cảm mãnh liệt khiến ta phải bàng hoàng đến tê dại cả tâm hồn...
Xin chia xẻ câu chuyện nhỏ này với các bạn, hy vọng vì thế cuộc đời chung quanh chúng ta sẽ ấm cúng và có ý nghĩa hơn.” (Vô Danh).
 
            Vô danh hay hữu danh, hễ cứ kể về cuộc sống có tâm tình/tự sự về những thiếu sót trong đời mình đều là chuyện bần đạo đây vẫn bắt mình phải suy tư/nghĩ ngợi trong mọi giai đoạn cuộc đời. Dù, đó không là chuyện 20 năm về trước của bác lái taxi, hoặc của riêng tôi/riêng bạn, mà chẳng ai muốn thổ lộ cho cha/cố hoặc thánh hội có những vị chỉ nên thánh do tên gọi mà thôi.  

            Nói cho cùng, thánh hội của ta nhất định là thánh, dù có nhiều thành viên trong đó chẳng sống lành và thánh đáng cho mọi người noi gương. Nên, hôm nay và mai ngày, đề nghị bạn/đề nghi tôi, ta cứ nguyện cầu cho mình, và cho thánh hội cần tự-thánh-hoá chính mình, nhiều hơn nữa. Để rồi, ta sẽ là mẫu gương cho động thái đại kết, trong tương lai mai ngày.
           
Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn còn nhiều trăn trở
trong tự kiểm.

Saturday 19 May 2012

“Ai bảo chăn trâu là khổ,”


Chuyện phiếm đọc trong tuần Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm B 27-5-2012

“Ai bảo chăn trâu là khổ,”
“Chăn trâu sướng lắm chứ!…”
(Phạm Duy – Em Bé Quê)
(1Th 1: 4-6)
            Nhắn và hỏi như thế, là hỏi những điều khiến em đây thấy khó mà trả lời, hoặc giả có đi nữa, thì chắc cũng chẳng được bao nhiêu! Hỏi và nhắn như vậy, là nhắn nhủ để rồi hát đôi lời ca về “quê ta” vốn mộc mạc, chân chất rất như sau:

“Em mới lên năm, lên mười
Nhưng em không yếu đuối.
Thầy mẹ yêu cũng vì trẻ thơ
Làm việc rất say sưa…
Em biết yêu thương đời trai
Đời hùng anh chiến sĩ
Ước mong sao em nhớn lên mau
Vươn sức mạnh cần lao.”
(Phạm Duy – bđd)

Phải thú thật –lại xưng thú những là lỗi gì nữa đây- Vâng, xin xưng thú rất thật rằng: lâu nay bần đạo cứ bàn chuyện đâu đâu những triết lý/thần học, lẩn quẩn ở đây đó nơi xứ Đạo, cũng khá bạo. Chuyện triết lý với thần học, nay có lẽ cũng nên tạm gác một bên các vấn đề khá gai góc để bạn và tôi, ta “phiếm” nhẹ ba chuyện thực tế dễ gần gũi, thân thương mọi người! Chuyện, là chuyện về “sự thể” và sự thế bảo rằng: mọi chuyện mà lịch sử từng xác chứng, là: nước nào chuyên về nghề nông cũng khó khá. Chẳng hạn như, nước ta thời xa xưa vẫn có câu “nhất sĩ  nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”, đến là hay. 

Tựu trung, thì mọi người vẫn thích bàn chuyện “chính trị sa-lông” cộng với bàn giấy rất “ngon ăn”, dễ nhậu hơn chuyện khô khan những là thần học. Ở Hy Lạp xứ người, bầu bạn khắp nơi lại chỉ bàn chuyện học hành ngành nghề như y khoa, hoá chất tạo dược hoặc kỹ sư chuyên ngành rất khó tin tức ở bên dưới:

“Mấy tuần qua, tin cho biết có vị dược sĩ nọ tự dưng đã cất công đến quốc hội, rồi chĩa súng vào đầu bấm cò tự sát cốt để phản đối chính phủ dám dùng biện pháp “thắt lưng buộc bụng” hầu cắt giảm trợ cấp dưỡng tuổi già kiếm rất khó. Thế nhưng cạnh đó, lại có tin cho biết nay rất nhiều bạn sinh viên lại cứ muốn giới trẻ phải biết thích nghi với tình trạng tiêu túng của nước mình, bèn chọn môn học nền tảng là phát triển nông nghiệp.
            Cụ thể ra, ở vùng gần thủ phủ Thessalonikê, số sinh viên ghi danh học nghề nông tại đại học Mỹ đã gia tăng gấp đôi so với số người nộp đơn năm ngoái. Thông thường, thì chỉ mỗi con cháu nhà nông mới chịu học môn này thôi. Nhưng, nay thì đám trẻ lại đổi ý đã biết lo cho dân nghèo được đủ ăn/đủ mặc nên mới theo học ngành nghề như thế. Trong số bạn trẻ học ngành này, có sinh viên năm thứ nhất là Thanos Bizbiroulas đã cho biết lý do tại sao em chọn môn học chán ngấy như thế: “Thật tình mà nói, thì nông nghiệp không phải là môn em chọn cho chương trình cử nhân 3 năm đâu. Nhưng, hiện tình đất nước đang có khó khăn về tài chánh/kinh tế, em nghĩ rằng lựa chọn của em không sai lầm. ”
Ngoài ra, có bạn cùng lớp là Vangelis Evangelou lại cũng cho biết: Hầu hết giới trẻ ở đây lâu nay cho rằng muốn cho vận nước có tương lai hơn, có lẽ ta nên học môn gì đó khả dĩ giúp mình ung dung ăn trên ngôi chốc một chút chứ. Nhưng, nay thì hầu hết bạn bè của em đều nghĩ điều đó không còn đúng nữa. Và các bạn về với nghề nông, cũng đúng thôi.” (x. Carolyn Moynihan, MercatorNet 16/4/2012)

Nếu nghệ sĩ họ Phạm nhà mình nghe được ý kiến này, hẳn ông sẽ vui lên mà hát tiếp:

“Em mới lên năm, lên mười
Nhưng em không yếu đuối.
Thầy mẹ yêu cũng vì trẻ thơ
Làm việc rất say sưa.
Em biết yêu thương đời trai
Đời hùng anh chiến sĩ.
Ước mong sao em lớn lên mau,
Vươn sức mạnh cần lao.”
(Phạm Duy – bđd)

Ước và mong cho em sớm “lớn lên mau”, hầu “đem sức mạnh cần lao” phục vụ đất nước và mọi người, ở chốn miền có tên gọi là Thessalonikê, nước Hy Lạp thì chắc đó cũng là ý kiến của Phaolô tông đồ khi thánh nhân viết lên những lời lẽ ưu tư, tự sự rất như sau:

“Hỡi anh em, là những người được Chúa yêu mến,
chúng tôi nhận biết anh em là những kẻ được chọn,
vì Tin Mừng chúng tôi loan báo,
không chỉ đến với anh em bằng lời nói mà thôi,
nhưng là đến một cách quyền năng
bằng Thánh Thần và sự dồi dào mọi thứ.
Vả lại, anh em biết: nơi anh em,
chúng tôi đã cư xử làm sao với anh em
và anh em đã noi gương bắt chước Chúa
đã chịu lấy Lời giữa bao nỗi gian truân,
trong sự hoan hỉ của Thánh Thần
khiến anh em trở nên mẫu mực cho mọi người
vùng Makêđônia và Akhaia.”
(1Th 1: 4-6)  

Thêm vào đó, có lẽ cũng nên đề cập đến lời bình của Giáo sư Nguyễn Thế Thuấn CSsR có nói:

“Thánh Phaolô ở Anthêna quá lo cho số phận của giáo hội ở Thessalônikê, nên đã sai Timôthê đi thăm xứ đạo ấy. Nhân dịp Timôthê từ Thessalônikê về, đem những tin khả dĩ làm yên lòng ngài, thánh Phaolô đã viết thư này cốt để thổ lộ tâm tình, đồng thời thanh minh về ít lời vu cáo của người chống đối (tức: những người Do thái trong thành). Tiếp đó, ngài thêm ít lời khuyên về đời sống tín hữu phải tuân theo nguyên tắc đã dạy. Giữa các lời khuyên có chen vào đó đoạn 4 câu 13 và đoạn 5 câu 11 bàn về số phận kẻ chết thời Chúa quang lâm, tức phần quan trọng nhất về đạo lý trong thư này.” (x. Kinh thánh, bản dịch của Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR 1976, tr.464) 

Nói cách khác, làm ngôn sứ cho mọi người là xả thân phục vụ không biết mệt. Chẳng cần biết nghề ấy nghiệp nọ có ăn khách không; hoặc, có là nghề “ngồi mát ăn bát vàng” không. Nhưng, chỉ cần xét xem nghề mình làm có thích hợp với thời buổi hôm nay, hoặc có giúp ích cho nhiều người hay không, mà thôi.
Nói theo kiểu nghệ sĩ họ Phạm trích dẫn ở trên, là nói bằng những câu hát rất rất ca đơn điệu:  

“Trâu hỡi trâu ơi đi cầy
Trâu ơi đi cấy nhé
Đồng ruộng kia, với đồi cỏ kia
Là của những dân quê
Em bé dân quê Việt Nam
Là mầm non tươi thắm
Sức mai sau xây đắp quê hương
Cho nước giầu mạnh hơn.
(Phạm Duy – bđd)

            Về với nhà Đạo, không phải để xem người mình đáp trả ra sao khi nghe lời gọi/mời từ Đức Chúa và có làm thế hay không. Bởi, lời mời/gọi ở nhà Đạo, là gọi và mời ta ra đi phục vụ dân Chúa, chẳng cần biết việc mình làm có đem lại lợi nhuận hay thu nhập được bao nhiêu; hoặc, công việc ấy có “thơm như múi mít” rất ngon lành, không. Nhưng, về đó để đề cao/nhấn mạnh chuyện biết cách phục vụ con người, bất kể người ấy là ai. Bất cần và cũng chẳng kể xem con người mình phục vụ có là “người con” tốt lành của Đạo Chúa đấy chứ? Về đó, để nắm rõ rằng người mà mình phục vụ vẫn cứ là người đói kém, tất bạt, nghèo hèn chẳng ai nhớ. 

Mới đây, trong một hội luận do viện Catherine de Sienne tổ chức ở Sydney, mà người điều khiển chương trình là Clara Georghegan đã nói về chủ đề “Ơn gọi là ơn được gọi và tặng quà đặc sủng” đã có nhận định khá rõ nét và đặc sắc, khi chị bảo:
           
            “Mỗi khi trong chúng ta có người nhận lãnh ơn thanh tẩy để gia nhập cộng đoàn Kitô-hữu thì khi đó, toàn thể cộng đoàn ta được Thánh Thần Chúa ban lời mời/gọi sống đời phục vụ cách nào đó, có Chúa. Khởi từ đó, ta không thấy có khó khăn xem đó có là ơn gọi/mời hay không, mà chỉ thấy khó khi mình cứ xem đó như lời mời/gọi cũng rất lạ kỳ. Phần đông nhiều người hiểu “ơn gọi” như lời mời tham gia thực hiện sứ vụ hoặc lối sống độc thân theo thiên chức linh mục/tu sĩ; hoặc cả chuyện chọn lựa đời sống gia đình nữa, vẫn là chọn lựa để phục vụ. Nay, cũng nên suy thêm việc Chúa mời và gọi ta theo cung cách khác, ngay vào lúc ta nhận lĩnh ơn thanh tẩy.
            Một khi nhóm/hội chúng ta càng có nhiều người suy nghĩ về lời mời nhận lãnh ơn thanh tẩy, thì càng có nhiều người tìm đến phục vụ theo tư cách linh mục, hoặc của người sống đời tu trì. Bởi, khi đã nhận lời mời/gọi lãnh nhận ơn thanh tẩy, ta được tặng quà đặc sủng rất khác biệt. Và, một khi ta được tặng quà đặc biệt/đặc sủng, là ta được mời và gọi theo cung cách thế nào đó cũng đặc biệt không kém. Và, khi được gọi/mời làm dân con bước theo chân Chúa, ta cũng được ban tặng kỹ năng chuyên biệt nào đó, rất khác thường. Và, quà đặc biệt đó có khả năng lôi cuốn mọi người đến với ta, và quà đó không còn dành để cho riêng ta nữa, mà cho người khác. Nói khác đi, thì tự thân, ta đâu chọn lựa quà đó, mà quà đó do Chúa gửi đến với ta, thôi.
            Nhận lĩnh ân huệ đặc sủng, tức là mình bắt đầu có khả năng tìm ra mấu chốt ở đâu đó rất chung quanh để sống đúng qui cách. Trước nhất, là mấu chốt dẫn đến sự sống có giáo huấn của Hội thánh. Tiếp đến, là mặc lấy tính cách duy nhất chỉ mình mới có tài năng đó. Chỉ mình mới có loại hình văn hoá hoặc kinh nghiệm tư riêng, thôi. Và cuối cùng, chỉ mỗi mình mình mới biết đâu là vấn đề và những gì là nhu cầu thiết thực của thời đại mình sống. Tất cả những gì mình nhận lĩnh hoặc lĩnh hội, đều ngang qua cuộc sống, qua kinh nghiệm hoặc việc làm và tình thương yêu cũng như khổ đau rất hiếm quý, đề rồi Thánh Thần Chúa sẽ đưa vào đó đặc sủng riêng tây Ngài phú ban cho riêng mình ta thôi.
            Thông thường, ta hay nói với giới trẻ rằng: họ có tự do chọn lựa để trở thành mẫu người mà họ từng mong ước trở thành, rồi cộng thêm vào đó có một chút siêng năng/cật lực, thì rồi ra họ cũng sẽ biến mộng ước thành hiện thực, rất dễ thôi. Dù là thế, với tôi, thì lời khuyên này xem ra có phần khiếm khuyết do ở điểm, là: quà tặng đặc sủng bao giờ cũng là quà Chúa ban tặng và ngay đến thành tựu ta đạt được, ngang qua việc phục vụ, cũng không phải để cho riêng ta, mà là cho hết mọi người, những người con của Chúa. Thành thử, vấn đề không phải là cứ siêng năng làm việc cho cật lực là xong đâu. Trái lại, tất cả đều là ân huệ Chúa ban, dù xấu dù tốt. Từ đó, ta nhận ra rằng: ta có chấp nhận quà tặng ấy hay không, nó vẫn là quà đặc sủng; và vẫn đến với ta để làm lợi cho người khác. Và, cũng bởi quà tặng ấy là quà đặc sủng, nên nó vẫn nối kết/ dính liền với mục đích khiến ta có mặt trên trái đất này. Đặc sủng, luôn là sự kiếm tìm hạnh phúc cho đời mình, đời người.” (x. Michael McVeigh, Our greatest happiness, our gifts lead us to our calling, Australian Catholics Easter 2012, tr. 10)

Nói như chuyên gia xã hội học ở trên, cũng là nói như người nghệ sĩ từng quả quyết “Chăn trâu sướng lắm chứ!” Nói như người nhà Đạo, còn là nói ở nhà thờ. Là, sống đúng lời mình vẫn nói và vẫn giảng giải ở khắp chốn. Giảng, về đặc sủng Chúa ban trực tiếp cho riêng mình. Chính đó là hạnh phúc. Hạnh phúc ấy, vẫn ý nhị hơn câu ca do nghệ sĩ già họ Phạm từng đặt ở bên dưới:

“Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu
Nằm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo
Em đánh vần thật mau.
Chiều vương tiếng diều
Trên bờ đê vắng (ứ ư ư) xa.
Đường về xóm nhà
Chữ i, chữ (ư ư ư) tờ.
Lùa trâu nhốt chuồng
Gánh nước nữa là (a à a) xong
Khoai lùi bếp nóng
Ngon hơn là (a à a) vàng.”
(Phạm Duy – bđd)
      
Chẳng cần biết, vàng có ngon ăn hay không. Nhưng, “chăn trâu” hay phục vụ người khác theo đặc sủng mình nhận được, vẫn là thứ gì đó ta cần trân trọng. Trân quý và tôn trọng, để rồi sẽ thấy đời mình là những chuỗi ngày dài hạnh phúc chứ chẳng phải là “khổ ải” hoặc hoặc “sao đó” như nhiều người thường nghĩ. Bởi, về quà tặng đặc sủng vẫn ban khi ta được gọi/mời gia nhập cộng đoàn tín hữu Đức Kitô, lại có nhận định của đấng bậc khác từng có kinh nghiệm từng trải về cuộc sống hợp lẽ đạo, như sau:

“Hội thánh Chúa, ngay từ lúc ta ưu tư về tội lỗi và ơn cứu độ, thực ra vẫn chỉ là hạnh phúc có được do bởi “tương quan” ta có với người khác. Khác đạo, khác chính kiến, khác cả tông ty giòng họ, vẫn là chìa khoá đưa ta đến với hạnh phúc của cuộc đời. Có tương quan, là có hiện hữu. Chứ tuyệt nhiên, hiện hữu không phải do ta thủ đắc, kềm chế hoặc kiểm soát được nhiều thứ, nhiều người. Hạnh phúc ấy, cũng chẳng do ta tin vào Thuợng Đế luôn ban phát điều lành hoặc do chinh phục được ai đó, thứ gì đó. Mà, không gian thánh thiêng ở nơi thọ tạo là chốn miền ở giữa. Giữa tương quan. Giữa nỗi niềm hiệp thông ta vẫn có với nhau. Với mọi người” (x. Robin R. Meyers, Saving Jesus from The Church, HarperOne 2009, tr. 203-204)

Thật ra thì, tương quan có với nhau, và với mọi người chỉ quan trọng và đáng trân trọng, khi tương quan ấy là tương quan trong phục vụ lẫn nhau, đem lại lợi ích cho người khác, chứ không phải cho chính mình. Chính đó là lời mời/gọi làm con dân Chúa dù có ở chức năng nào, hoặc mang danh xưng nào, đi nữa. 

Lời gọi/ mời dẫn đến quà tặng đặc sủng, còn là kết quả từ mối tương quan ta vẫn có với nhau qua tư cách người đồng đạo, đồng thời hoặc đồng hành trong chung sống. Quà tăng đặc sủng ta có, vẫn là hạnh phúc tức kết quả của tình thương yêu phục vụ khi chung sống với người khác. Phục vụ người khác hầu đem lại hạnh phúc cho chính họ chứ không phải cho mình. Để xác chứng điều này, đấng bậc giảng dạy ở trên từng rút kinh nghiệm trong dạy và giảng, còn nói thêm:

“Ngay như niềm tin cũng là mối tương quan ta vẫn có. Và, kinh thánh không thể trở thành khách-quan nếu xoá bỏ tương quan này. Thông thường ta hay nói đến “trận chiến/phấn đấu để kinh thánh được mọi người biết đến” trong khi kinh thánh lại là “trao đổi/chuyện trò”. Thứ chuyện trò/trao đổi ta nghe được từ khoảng cách rất xa, nay phiên dịch (và do đó đã bội phản) từ ngôn ngữ người nước ngoài và lâu nay được nói lên từ những người mà ta không hề tưởng tượng họ có thể nghĩ chính ta là người sẽ được nghe/được biết về công cuộc chuyện trò/trao đổi giữa Thiên Chúa và loài người.
Cũng nên nhớ rằng, không một chữ nào trong kinh thánh được viết là để viết cho ta, người thời nay, đọc ngõ hầu chiến đấu cho Kinh thánh được phổ cập. Bởi, ta chỉ chiến đấu hoặc thi đấu để chiếm đoạt điều gì đó, chứ nào để chiếm đoạt cuộc chuyện trò/trao đổi, bao giờ. Bởi thế nên, nếu ai đó coi Kinh thánh như một chiến cụ để đấu tranh giành điều gì đó, hẳn là họ sẽ biến cuộc chuyện trò/trao đổi giữa Thiên Chúa và loài người thành vật thể để chiếm lĩnh. Nếu thế thì, mối tương quan giữa Thiên Chúa và người phàm sẽ không vẹn toàn nữa.                              
Thế nên, Đạo đích thật chính là tương quan, chứ không phải là sự đúng đắn do mình giành phần thắng. Thế cho nên, nhu cầu trong-sáng-hoá bản-chất của tương quan/trò chuyện giữa Thiên Chúa và loài người làm cho nó thành chính thực, có khả năng đổi thay cuộc sống, hầu chống lại sự không thật và đối đầu với sự chết. “ (x, Robin R. Meyers, bđd)

            Nói như học giả hoặc bậc thày dạy là nói rất nhiều, nhưng người nghe và đọc, hiểu được bao nhiêu, cũng không rõ. Nói như đấng bậc nhà Đạo còn là nói để thông truyền một kiến thức đích thực và đúng đắn ngõ hầu từ đó ta quyết sống theo gương mẫu mình học được. Nói về tương quan ta có với người đời trong hạnh phúc, sướng vui, có thể là nói như người nghệ sĩ ở đâu đó, hát câu sau đây:

“Kìa trăng sáng ngời
Đêm rằm Trung, Trung (ứ ư ư) Thu.
Đời vui trống ròn
Tiếng ca lẫy (ý y y) lừng
Từ ngõ ngách làng
Đèn đuốc rước triền miên
Bao người đóng góp
Vui chung một (ư ừ ư) miền.”
(Phạm Duy – bđd)

Nói như người đời, cho dễ hiểu, về hạnh phúc/sướng vui trong tương quan với mọi người, còn là nói và kể những câu truyện cổ tích rất hợp thời mà người đời vẫn nhớ đến, như một minh hoạ cho vấn đề mình đặt ra, như sau:

“Sống trên đời, bao giờ cũng chỉ có hai chuyện để lo và phải lo thôi:
Hoặc mình khỏe mạnh hoặc đau yếu. Nếu khỏe mạnh, thì chẳng có gì đến phải lo lắng hết
Nếu đau yếu, thì có hai điều phải lo lắng:
Hoặc mình sẽ được bình phục hoặc sẽ chết. Nếu bình phục, thì chẳng có gì phải lo lắng hết.
Nếu rồi ra ta cũng chết, thì sẽ có hai điều phải lo lắng.
Hoặc lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục. Nếu lên thiên đàng, thì chẳng có gì phải lo.
Nếu xuống địa ngục, thì sẽ bận tíu tít lên mà bắt tay từ biệt bạn bè cũ/mới, và như thế làm gì còn thì giờ đâu nữa để mà lo với lắng.
            Bởi thế nên, chuyện gì khiến bạn và mình phải lo lắng đến như thế, nhỉ???”

            Đó là câu nhắn của người kể truyện. Cũng có thể là sự thật trong đời mà người kể từng có kinh nghiệm sống qua, khi lo lắng đến hạnh phúc/sướng vui trong đời. Nói cho cùng, cuộc đời chừng như lúc nào cũng tràn đầy mọi sướng vui, hạnh phúc. Đó là điều ta nên nhận thức mà nắm bắt, chẳng cần hỏi ai. Chẳng cần nghiên cứu nhiều cho bận tâm và mất sức. Phải thế không bạn? Phải thế không tôi, hỡi mọi người!

            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn cứ tự bảo mình những điều như thế
để sống vui, suốt một đời.
Rồi hát vang những lời như sau:

“Vàng lên cánh đồng
Khi trời vươn ánh (ứ ư ư) dương
Trẻ thơ nhớn dậy
Giữ quê, giữ (ứ ư ư) vườn
Đời vui thái bình, cây lúa sớm trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức, trâu ăn đầy (y ỳ y) đồng….”
            (Phạm Duy – bđd)