Saturday 31 December 2011

“Những con mắt trần gian, xin nguôi vết nhục nhằn,”

Chuyện Phiếm đọc vào lễ HIển Linh năm B 08/01/2012
 
“Những con mắt trần gian, xin nguôi vết nhục nhằn,”
Những con mắt muộn phiền, xin cấy lại niềm tin.”
(Trịnh Công Sơn – Những Con Mắt Trần Gian)
(Mt 5: 28)
            “Mắt trần gian”, có thấy được nỗi “nhục nhằn”, “muộn phiền” hay không, cũng vẫn là mắt thịt của người trần. Nhưng, sao người cứ bảo và cứ hát: “Xin cấy lại niềm tin”? Còn như, nếu đó là mắt linh thiêng không muộn phiền, thì cũng xin những gì? Phải chăng là tình yêu? Vâng, nói thế cũng đúng. Bởi, đã tin rồi thì chắc cũng yêu thôi! Bởi, nếu không yêu, làm sao tin? Có như thế, mới gọi là niềm tin/yêu, không bến bờ.
            Hôm nay đây, cũng bằng vào niềm tin/yêu ấy, ta lại sẽ phiếm thêm ít chuyện Đạo/đời, để cho vui. Phiếm gì đây? Phiếm chuyện Đạo? Hay, phiếm chuyện đời, có tin và có yêu? Hoặc, chỉ phiếm mỗi chuyện tình có chút đạo. Hoặc,phiếm chuyện Đạo có chữ tình? Tình đây, tràn đầy ý nghĩa như bài chia sẻ ở nhà thờ, vẫn cứ phiếm. Phiếm, là phiếm chuyện đời. Nói về tình đời, ở nhiều nơi. Như: tình chồng/vợ có ý tưởng cũng khá lạ như điện thư viết bên dưới:

“Gửi ông,
Tôi nhận được thiệp mời của ông cách đây 2 phút. Thế là tôi sắp mất vài trăm, còn ông sắp mất cả cuộc đời! Giờ này tôi có khuyên hay nhủ chắc cũng chẳng nhằm nhò gì, bởi khi ông trao nhẫn cưới cho vợ ông cũng có nghĩa là vợ ông đã xỏ nhẫn cưới vào... mũi ông thôi! Đấy! mình luôn thua cuộc từ khi trọng tài thổi còi bắt đầu hiệp đấu là thế đấy. Chỗ bạn bè, tôi muốn nhắn nhủ để ông chuẩn bị tinh thần mà hiểu hai cụm từ tuy khác âm nhưng đồng nghĩa, đó là: "lấy vợ" và "đi tù".

Mụ vợ tôi (thư này dành riêng cho ông nên tôi gọi như vậy, nếu mụ ấy mà biết tôi nói thế thì thì tôi đây sẽ từ án treo chuyển vào lán trại, từ 6 tháng tù chuyển sang chung thân, từ chung thân đến tử hình... mong ông giữ mồm, giữ miệng giùm cho), để mụ vợ ông và các mụ vợ trên đời tuy không cùng cha, cùng mẹ nhưng vẫn giống nhau bởi giòng máu chiếm hữu lúc nào cũng chảy rần rật ngay trong bụng. Mụ ấy đổ đồng tình yêu và sự chiếm hữu chung làm một. Thân xác này, mụ chiếm hữu đã đành, nhưng cái khoảng thời gian bé tí tẹo tèo teo vênh ra vào giữa giờ ăn trưa cũng bị mụ kiểm soát rất chặt chẽ. Giờ trưa nghỉ ngơi có tí chút, Yahoo Messenger đã vàng khè, thi thoảng mụ lại xì-pam cho một cái. Không thấy tôi, thì mụ gọi điện thoại, gọi điện ở bàn, rồi lại gọi di động không được thì mụ sẽ gọi cho đồng nghiệp. Ông có tin không, chứ 8 năm nay, chưa bao giờ tôi thoát khỏi tầm mắt “rất trần gian” của mụ hết. Mụ gọi đó là tình yêu, quan tâm và lo lắng.. đấy!.

Mỗi lần thông báo với mụ là tôi đi công tác, tôi phải lấy hết sức bình sinh, mở miệng như người có lỗi rất nặng và y như rằng mặt mụ dài ra như cái bơm. Mụ buồn rầu, vì không có chồng ở nhà trong 2,3 ngày. Còn tôi thì, như mở cờ trong bụng vì không “bị” yêu thương, với quan tâm/lo lắng ít là trong 48 tiếng. Mụ thuê “ô-sin” để trông con, còn mụ thì rảnh rang để... trông chừng tôi. Năm thì mười hoạ, mụ mới cấp cho tôi cái "quota" được đi bù khú với lũ bạn... 10 năm không gặp. Mà lũ bạn đó là ai, ở đâu, làm gì, điện thoại bi nhiêu chân số... mụ đều lưu giữ trong bộ nhớ rất phi thường mà nhiều khi tôi nghĩ người trần gian chẳng mấy ai được như thế.  Và, suốt buổi nhậu hiếm hoi ấy, mụ cứ réo rắt gọi đi gọi lại gọi tái gọi hồi cái tên cúng cơm của tôi. Nghe ồn, thì mụ cứ hỏi: "Sao ồn thế? Có phải là mấy ông nhậu xong rồi là rậm rật đi karaokê bàn tay vàng không?" Lặng thinh không nghe tiếng, thì mụ dán chặt lỗ tai vào máy, rồi rít lên: "Sao yên tĩnh thế? Có phải là: ăn no rửng mỡ rồi mò vào nhà nghỉ, để ngủ với con nào không?" Nếu đêm đó, tôi mà về muộn thì quả là “bi hài kịch mở màn, bi hài kịch thêm “xen” (scène) ngay. Biết mình có lỗi, nên tôi rón rén bước vào nhà, vén màn lên bèn thất kinh khi thấy mụ tóc tai cứ là dựng đứng, mắt thâm quầng, ngồi nhìn trừng trừng lên trần nhà (sau này tôi mới biết mụ quả là cao tay ấn, mụ vẫn ngủ, ngáy ngon lành, nhưng khi nghe tiếng kẹt cửa, mụ ngồi phắt dậy, xõa cho tóc tai dựng ngược, quệt tí phấn màu đen xì vào quanh mắt, rồi ngồi chờ chồng như thể mụ chờ tôi từ kiếp trước đến kiếp sau!) 

Dù, có mệt rã rời vì bia rượu, tôi vẫn cố trả bài cho đủ vì đó là phép thử của mụ. Vậy mà sáng hôm sau, chưa kịp hồi sức, đã nghe tiếng mụ sang sảng, xoong nồi cứ lẻng xẻng, mụ quát chó, chửi mèo, đánh con cứ là chí chóe rộn cả lên... Và tôi, cố lết tấm thân bèo nhèo - 8 năm trước, tôi còn lịch lãm, hào hoa nhất lớp (ông biết mà) – rồi dắt xe ra khỏi cửa, đứa lớn ngồi sau, đứa bé ngồi trước (thế mà vẫn thò tay cấu với nhéo), khăn bịt mặt, nón trùm đầu, sữa nước với cặp sách... ôi thôi hệt như dân tị nạn. Than ôi, làm người đã khổ, làm chồng còn khổ hơn gấp bội! Đôi khi (nhất là khi tôi nộp cho mụ một cục tiền), mụ cũng nới tay chút đỉnh cho tôi được "thở", nhưng cũng chỉ "thở hắt", chứ nhất quyết không được "thở dài". Về nhà, nếu tắt điện thoại thì mụ tra vặn: "Sợ em nào gọi hay sao mà tắt máy thế?" Nhưng hễ có điện thoại gọi đến là tôi cứ giật mình thon thót. Không nghe cũng chết, mà nghe thì con người tôi mất hết cả văn minh, lịch sự. Tôi phải nói thật to vào máy, càng ông ổng càng tốt, càng thô bạo (mày, tao, chí tớ) càng tốt, đi lại thật hoành tráng, cứ vung chân, vung tay cho mạnh dù có khi ở đầu dây bên kia chỉ hỏi mỗi câu: tài liệu để đâu vậy? Nếu tôi nói nhỏ thì mụ sẽ cho là mình có vấn đề, mụ sẽ khảo, sẽ tra hỏi cả đêm cho ra nhẽ ... vì sao lại nói nhỏ thế?

Thực ra mụ (và các mụ) lo lắng cũng bằng thừa, thân thủ phi phàm như các mụ thì tôi (và chúng ta) là vỏ quýt chứ có là vỏ dừa thì mụ đâm cũng vẫn thủng. Ông biết, khi về nhà bộ mặt của lũ chúng ta phải thế nào các mụ mới hài lòng không? Câu hỏi không bao giờ có đáp án, bởi: Nếu ông cáu gắt: Mụ cho là ông đã có bồ, nay về ruồng rẫy vợ con. Nếu ông vui vẻ, thì Mụ cho là ông có bồ rồi nên mới phởn phơ, hứng chí. Ông chu đáo: thì Mụ cho là vì ông đã có bồ nên mới thấy lương tâm cắn rứt, hối hận.

Nói chung, trong “con mắt trần gian” thì toàn thể các mụ vợ tự cho mình là Sơ-lốc Hôm, hết. Làm kiểu gì ông cũng "phải" có bồ. Mụ xấu đi, cũng bảo tại chồng. Già cũng bảo tại chồng (thời gian mụ dành để quản thúc đâu có chịu vào sa-lông làm đẹp bao giờ). Tuần rồi, xem chung kết thi hoa hậu, tôi toàn nhìn... ngón chân cái, thi thoảng mới dám liếc trộm mấy em. Triết lý cơm/phở luôn đóng đinh trong đầu mụ, mà mụ đâu có biết là cơm có thể ăn nguội hoặc chiên, chứ phở có ai ăn nguội hoặc chiên đâu bao giờ. Cơm, dù không ngon nhưng ngày nào người ta cũng có thể ăn được hết. Chứ, còn phở thì ai nào dám xơi triền miên được! Nói chung, lấy vợ là đi tù, đó là chân lý rất mực (dù ông vẫn một lòng yêu thương vị quản giáo).

Ông cứ chuẩn bị tinh thần đi, cái gia đình lý tưởng mà ông mơ ước xưa nay rồi cũng sẽ trở thành cái cối xay một chức năng, xay hết mọi ước mơ trai trẻ thành món sinh tố bèo nhèo. Hôm nay, tôi có hẳn 1 tiếng đồng hồ tự do, dĩ nhiên tôi phải nói dối mụ, phải huy động bạn đồng nghiệp, phải lạy lục mấy em lễ tân để lỡ ra mụ có kiểm tra cũng còn đỡ. Nhưng tôi mất hết 25 phút để viết thư cho ông rồi đấy, chỉ còn 35 phút phù du nữa thôi, tôi phải đi lai rai làm cốc bia đấu láo với bạn bè trước khi... chui về lồng. Giờ này năm sau, nếu ông quá bức xúc, cứ đến tôi, tôi sẽ chỉ cho ông cách khởi nghĩa mà không bị dìm vào bể máu. Thôi, tôi đi đây. Không, nói đúng ra: tôi bắt đầu khởi nghĩa đây. Cũng phải chọn quán bia nào gần gần, vì còn cái đồng hồ công tơ mét nữa chứ...

Chào ông,
Me xừ Sợ Vợ, là tôi đây.   

           
Thơ về cuộc tình, dù có là tình chồng/vợ, vẫn cứ tin/yêu, như hồi chưa cưới hoặc mới cưới. Tình, như lá thư hoặc bài thơ/văn vần cũng rất thơ mà bầu bạn ghi lại ở trên, còn là thứ tình của người đã có quá nhiều kinh nghiệm nơi tình trường hoặc chồng/vợ. Tình, của người đàn ông dám ký tên bên dưới: “Me xừ Sợ Vợ, là tôi đây”, nhưng chưa chắc đã rất sợ. Bởi nếu sợ, thì làm gì dám viết thư hoặc làm thơ văn vẫn rất vần. Tình, của tình nhân, sẽ là và phải là câu thơ có ý nhạc, cũng rất thơ như sau:
                       
“Những con mắt tình nhân
Nuôi ta biết nồng nàn
Những con mắt thù hận
Cho ta đời lạnh câm.
Những mắt biếc cỏ non
Xanh cây trái địa đàn
Những con mắt bạc tình
Cháy tan ngày thần tiên.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

            Thật ra thì, những “con mắt tình nhân”, hay các tình tự của lũ “ông-chồng-dày-kinh-nghiệm về tình chồng/ vợ ở trên, chưa có gì là đáng sợ hoặc phát khiếp. Bởi, đó là thứ tình nằm trong bẩy mối “rất tội” mà người đời gọi là “thất tình” gồm: hỷ, nộ, ái, ố, ai, hoan, lạc, cũng chẳng sợ. Cứ hiền lành nhũn nhặn như con chi chi, là xong ngay. 
Chỉ sợ, mỗi tình ý hoặc ý/tình mới thoáng qua nơi tâm tưởng thôi, cũng đã thành tội rồi. Thành vấn đề. Và, là chủ đề, để ta bàn và cứ phiếm, như thư hỏi đáp giữa “cha/con” ở bên dưới:

            “Thưa cha,
Con có đôi câu hỏi về mấy chuyện tình tự như tư tưởng không lành mạnh, nơi con người mà nhiều người gọi đó là: ý tưởng không thanh khiết. Mắc phải điều ấy là có tội hay không có tội? Tội trọng hay tội nhẹ? Xưng tội ấy thế nào? Có cần kể hết chi tiết không?

            Gửi câu hỏi về những tội và lỗi mà lại gửi cho cha/cố cứ lố nhố tên tuổi rất như trên, thì thoạt nghe người người tưởng đó là thắc mắc ở thời ban sơ, rất “xưa rồi Diễm”. Thời, mà nhiều cụ vẫn rất sợ. Sợ tội. Sợ lỗi. Sợ đủ thứ chuyện, cứ năng lui tới toà cáo giải để xả cho hết. Sợ, là sợ khi mình chết đi sẽ bị ác thần/sự dữ đem vào chốn lửa lào mà đền đáp, cũng rất “tội”. 
Vậy thì, mời bạn mời tôi, ta xem thử đấng bậc ở Sydney giải mã thế nào về thắc mắc của đàn con luôn bối rối. Thử xem đức thày mình trả lời trên giấy trắng mực đen có rõ mồn một như thời trước, không? Dù thời ấy, hôm nay chỉ thấy mỗi ghi ngày tháng vào cuối niên biểu 2011, như bên dưới:

“Có thể nói: đây là một trong những câu hỏi rất thường nghe từ nhiều vị, ở nhiều nơi. Vậy, ta cũng nên quay trở lại vấn đề, mà cứu xét cho rành mạch hầu bớt lo.
Trước nhất, ta định nghĩa thế nào về những ý tưởng không lành mạnh? Phải chăng đó là những tư tưởng nghiêng về một hành xử hoặc tình trạng của tâm hồn qua đó có người lại biến nó thành hành động, thì việc đó tất nhiên trở thành tội chống đức khiết tịnh.
            Những ý tưởng nghịch chống đức khiết tịnh, là ý tưởng như của người trai trẻ nọ liên tưởng đến việc mình sẽ lên giường hành lạc với người con gái nào đó không là vợ mình, như thế là có tội. Còn, nếu đó là ý tưởng đó là của người có gia đình nghĩ mình sẽ lên giường hưởng thú gối chăn với vợ mình, thì không cò tội. Nhưng, nếu đó là ý tưởng của người đàn ông đã có vợ nhưng lại nghĩ chuyện hưởng lạc với người đàn bà nào khác không là vợ mình, thì đó là ý tưởng đen tối, không lành sạch.   
            Truy tầm căn nguyên của những ý tưởng không lành sạch, mọi người đều biết phân biệt các giai đoạn khác nhau để nhờ đó có thể giúp mình định ra tính luân lý đạo đức của nó.
            Giai đoạn đầu, tư tưởng chỉ xuất hiện như một tưởng tượng không do mình lục tìm. Cứ sự thhường thì khi tư tưởng ấy đã có trong đầu mình tức là mình đã lỗi phạm. Tư tưởng ở giai đoạn này không là chuyện tự ý hay cố tình, mà chỉ mới xuất hiện trong đầu, thôi. Và, như thế chưa thành tội. Chỉ thành tội, khi nào người ấy có trong đầu tư tưởng xấu rồi đồng thuận biến chúng thành hành động mà thôi. Nhưng, có thể cũng có những tội trước đây đã xảy ra nay lại dẫn vào ý tưởng vẩn đục này. Chẳng hạn như, khi người nào xem phim dâm ô tục tĩu chiếu trên truyền hình vào đêm trước hoặc lén nhìn những hình ảnh khiêu dâm trên mạng, thì tự nó dẫn người xem/nhìn vào tình huống dễ mắc tội mà không cần có lý do chính đáng, nên từ đó dễ có cơ mắc phạm. Theo nghĩa này, thì người nào cũng đều có trách nhiệm tùy chừng mực về tư tưởng vẩn đục có trong đầu, dù tư tưởng đó tự nó vẫn chưa thành tội.
            Giai đoạn hai, là khi ai đó biết rõ mình đang có những tư tưởng vẩn đục và chính vào lúc dịp tội chợt đến với họ, và bởi họ không nhất quyết xua nó đi nhưng lại dễ dàng đồng tình/thuận thảo với tư tưởng vẩn đục ấy. Nếu người ấy chạy theo các tư tuởng như thế rồi vui lòng để chúng yên vị trong đầu mình, thì hiển nhiên mình đã mắc tội. Còn, hỏi rằng ấy là tội trọng hay tội nhẹ, thì câu trả lời sẽ là: đặt giả thiết là người đang có tư tưởng xấu lại thích thú với nó, rồi tưởng tượng thêm chi tiết và quyết biến chúng thành hành động đen tối, kéo dài nhiều lúc, rồi cứ viển vông mơ màng bằng những tưởng tượng, có khi còn diễn đạt bằng những kinh nghiệm hưởng lạc với thân xác, thì đó là tội trọng. Khi xưa, Chúa ám chỉ đến trường hợp này, nên mới dạy: “Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.(Mt 5: 28) Thật ra, nếu chỉ nhìn người phụ nữ nào đó thôi, cũng chưa hẳn là tội, nhưng chính những tư tưởng đầy dục vọng có trong đầu và những ham muốn xác thịt sẽ cấu thành tội. Và, rõ ràng lời Chúa nói về sự thể “trong lòng mình đã ngoại tình”, như thế đã là tội trọng rồi.
            Tuy nhiên, giả như người nào đó thoáng chú ý đến tư tưởng vẩn đục bất chợt đến trong đầu mình, nhưng kịp nhận ra là nó đồi bại, bèn tống khứ vứt bỏ đi, thì không có tội. Trong tình huống như thế, cũng nên nghĩ về sự thống khổ Chúa chịu khi bị quân canh hành hình hoặc nghĩ rằng Ngài chịu nhục trên thập giá là để giúp ta xa lánh dịp xấu xa khả dĩ gây xúc phạm đến Ngài bằng những lạc thú đen tối đầy tính xác thịt. Bởi thế, ta cũng nên cầu xin Đức Mẹ là Đấng tinh tuyền mọi đàng, đến giúp sức cho ta để ta có được ơn huệ cần thiết mà vứt bỏ chước cám dỗ đang xảy đến.
            Bao giờ cũng vậy, điều quan trọng là mỗi người phải tìm cách lánh xa giòng tưởng tượng chuyên lôi kéo mình vào với ý tưởng vẩn đục bằng cách nghĩ về những gì thực sự giúp mình sống tốt lành, thì không mắc tội. Tỉ như, nghĩ về công việc tốt lành của ai đó, về những ngày nghỉ mát sắp ra đi, về kế hoạch lờn/nhỏ cho cuối tuần, giúp gia đình, vv…
            Nếu quả thực, ta đã tìm cách trút bỏ tư tưởng vẩn đục đi, thì mình sẽ lớn mạnh trong ơn thánh và sẽ được bổ sức để chiến đấu lúc về sau. Mọi người đều bị thử thách nếu xứng đáng tốt lành thì Chúa sẽ trọng thưởng mình vì tính trung hậu của họ. Nhưng, giả như ai đó đôi lúc thấy mình yếu sức nên đã đầu hàng thì cũng là mắc tội, nhưng là tội nhẹ, chứ không phải tội trọng.
            Và, người mắc tư tưởng vẩn đục, phải xưng thú thế nào? Không nên xưng thú là “con có tư tưởng vẩn đục”, bởi tư tưởng thì tự nó đâu thành tội, nên người có tư tưởng xấu ấy phải cho biết mình có thuận theo chúng không, và thuận theo chúng trong chừng mực nào. Và, giả như tư tưởng vẩn năng lui tới với những người nào đó trong quan hệ đặc biệt, tỉ như: tư tưởng vẩn đục đối với một thành viên nào đó trong gia đình. Hoặc đối với người tận hiến cho Chúa quyết sống đời độc thân, hoặc với người cùng giới tính, hoặc với người nào khác không phải là người phối ngẫu của mình, vv… thì khi xưng tội cũng phải nói rõ những hoàn cảnh nghiêm trọng như thế.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 16/10/2011, question time, tr. 10)

            Rõ ràng là, hỏi vễ những lỗi với tội mà lại hỏi đấng bậc nhà Đạo chuyên về luân lý với luật Đạo, thì câu trả lời đương nhiên phải như thế. Như thế, tức ở đấng bậc nào cũng phải giữ đức khiết tịnh, cả no8i thân xác lẫn trong tư tưởng. Nếu cứ hỏi mãi những tội là tội, thì rồi cũng có ngày người hỏi sẽ dấn bước theo đấng bậc chuyên tu, để lánh tội.
            Người đời ở bên ngoài, luôn “sống trước đã, triết lý sau”. Sống trước đã, đâu có nghĩa là sống bê bối, rồi bê tha, cẩu thả. Nhưng là sống rất thanh. An lành. Đạm bạc. Sống hết mình, nhưng không lình xình, chẳng gây tai hại đến một ai. Chẳng hại mình, nhưng cứ vui. Kẻo rồi, như người nghệ sĩ ở trên, đã quá nửa đời rồi, mà vẫn rong chơi, cứ vẫn hát những điều như:

“Ngày ra đi với gió
Ta nghe tình đổi mùa
Rừng Đông rơi chiếc lá
Ta cười với âm u
Trên quê hương còn lại
Ta đi qua nửa đời
Chưa thấy được ngày vui
Đường trần rồi khăn gói
Mai kia chào cuộc đời
Nghìn trùng con gió bay
Những con mắt cuồng thắm
Xin tươi sáng một lần
Cho con mắt người tình
Ấm như lời hỏi han ...”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

            “Sống trước đã, triết lý sau”, chưa hẳn là sống như nghệ sĩ rất bi quan. Mà là sống có tình có nghĩa, như truyện kể ở bên dưới, để còn sống hân hoan như mọi người ở trong truyện, từng kể rằng:

“Có một chàng trai đã gấp 1,000 con hạc giấy tặng người anh yêu. Mặc dù lúc đó anh chỉ là một nhân viên quèn trong một công ty, tương lai chẳng có gì sáng lạng nhưng họ vẫn luôn hạnh phúc bên nhau. Rồi cho đến một hôm người yêu của anh nói rằng nàng sẽ đi Paris , sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại anh nữa .Nàng rất lấy làm tiếc về điều này và an ủi chàng rằng rồi nỗi đau của chàng cũng sẽ trở thành dĩ vãng .Hãy để cho nó ngủ yêntrong ký ức của mỗi người.
Chàng trai đồng ý nhưng trái tim tan nát .Anh lao vào làm việc quên cả ngày đêm , cuối cùng anh đã thành lập được công ty của riêng mình .Nó không chỉ giúp anh vươn đến những điều mà trước đây vì thiếu nó mà người yêu đã bỏ anh ,nó còn giúp anh xua đuổi khỏi tâm trí mình một điều gì đó của những tháng ngày xưa cũ.
Một ngày mưa tầm tã ,trong lúc lái xe, chàng trai tình cờ thấy một đôi vợ chồng già cùng che chung một chiếc ô đi trên hè phố. Chiếc ô không đủ sức che cho họ giữa trời mưa gió .Chàng trai nhận ngay ra đó là cha mẹ của cô gái ngày xưa .Tình cảm trước đây anh dành cho họ dường như sống lại.
Anh chạy xe cạnh đôi vợ chồng già với mong muốn họ nhận ra anh.Anh muốn họ thấy rằng anh bây giờ không còn như xưa, rằng anh bây giờ có thể tự mình tạo dựng một công ty riêng ,đã có thể ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng . Vâng , chính anh , chính người mà trước đây con gái họ chối từ đã làm được điều đó.
Đôi vợ chồng già cứ lầm lũi bước chậm rãi về phía nghĩa trang. Vội vàng , anh bước ra khỏi xe và đuổi theo họ . Và anh đã gặp lại người yêu xưa của mình , vẫn nụ cười dịu dàng ,đằm thắm nàng từng đem đến cho anh, đang dịu dàng nhìn anh từ bức chân dung trên bia mộ.
Cạnh cô là món quà của anh ,những con hạc giấy ngày nào , đến lúc này anh mới biết một sự thật: Nàng đã không hề đi Paris .Nàng đã mắc phải căn bịnh ung thư và không thể qua khỏi. Nàng đã luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ làm được nhiều việc , anh sẽ còn tiến rất xa trên bước đường công danh.Và nàng không muốn là vật cản bước chân anh đến tương lai của mình. Nàng mong ước cha mẹ sẽ đặt những con hạc giấy lên mộ nàng , để một ngày nào đó khi số phận đưa anh đến gặp nàng một lần nữa,anh có thể đem chúng về bầu bạn. Chàng trai bật lên thành tiếng khóc!

Truyện kể, chỉ như thế. Nhưng người kể, nay áp dụng truyện vào với vấn đề cụ thể của tình bạn trong trắng, rất ở đời. Với cuộc sống. Vẫn nói rằng:“Chúng ta cũng như chàng trai kia, chỉ nhận ra giá trị lớn lao về sự có mặt của một người mà cuộc đời ban tặng cho cuộc sống của ta khi sáng mai thức dậy, người ấy không còn ở bên ta nữa. Có thể họ chẳng yêu ta như cách ta mong đợi ở nơi họ; nhưng điều này không có nghĩa là họ không dâng hiến tình yêu của họ cho ta, bằng tất cả những gì họ có.”
Có người kể, lại áp dụng truyện kể để ăn khớp với đề “Những con mắt muộn phiền, xin cấy lại niềm tin” nơi con người. Như đã nói ở trên, một khi đã tin, tức là mình đã yêu. Và, một khi đã yêu, tức là mình sẽ mãi mãi yêu .Những gì là vẩn đục trong tâm trí mình có thể sẽ ra đi, nhưng những gì trong tim bạn sẽ mãi mãi cứ ở lại. Và, khi đã tin và yêu rồi, đâu còn lo gì tội với lỗi. Lỗi và tội, chỉ là những gì nghịch chống lại tình yêu. Sống theo cung cách không còn nghe theo Chúa tể của Tình Yêu từng dạy khuyên ta sống rất yêu đương, không tì vết hoặc kình chống tình yêu đích thật ta vẫn biểu tỏ. 
Tắt một lời, sống yêu đương tích cực, rất tình thực. Sống không sợ sệt. Chẳng lo lắng bối rối, bồi hồi điều chi. Chỉ lo mỗi chuyện là mình tự hỏi mình đã thực hiện điều Chúa dạy yêu thương chưa. Lo rằng, ngày nào đó Chúa mỗi hỏi như Đức Vua kia ở trình thuật thánh Mát-thêu từng ghi chép:

            “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc,
            Hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi.
            Ngay từ thuở tạo thiên lập địa.
            Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn.
            Ta khát, các ngươi đã cho uống;
            Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;
            Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc;
            Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng;
            Ta ngồi tù, các ngươi đã hỏi hanh.”
            (Mt 25: 34-36)

            Phải chăng, đó mới là bí kíp của cuộc sống. Phải chăng, đó chính là nguyên tắc để ta sống rất tươi vui. Nồng thắm. Rất an nhàn tự tại.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Cứ luôn tự nhủ hỏi xem
            Mình học được bí kíp
của yêu thương chưa.     

                      
           
           
                







Saturday 24 December 2011

“Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn”

Chuyện Phiếm đọc vào Lễ Mẹ là Mẹ Thiên Chúa 01/01/2012

“Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn”
“Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm”
“Trên mùa lá xanh,
“ngón tay em gầy nên mãi ru thêm ngàn năm ”
 (Trịnh Công Sơn – Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng)
(Mt 6: 5)
            Một lần nọ, có một bạn gọi điện về hỏi bần đạo: sao truyện phiếm của anh lúc nào cũng thấy trích cả thơ lẫn nhạc ngoài đời, như lời ru? Ru cho lắm, người đọc đi vào chốn ngủ vùi, rồi “thăng” cho mà xem. Nghe bảo thế, bần đạo đây chả dám thốt lên lời mà “thanh minh thanh nga” về đường lối vẫn rất phiếm. Khi về nhà, lục lọi bộ nhớ khá cũ kỹ để trả lời/trả vốn, bần đạo lại gặp được câu hát ru của nghệ sĩ họ Trịnh cứ văng vẳng bên tai:

                                    “Thôi ngủ đi em,
                                    mưa ru em ngủ,
                                    tay em kết nụ nuôi trọn một đời, nuôi một đời người.
                                    Mùa Xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi.”
                                    (Trịnh Công Sơn – bđd)

            Có ru hay không, thì người em mình đâu nào đi vào chốn dễ ngủ. Ngủ vùi, ngủ gục hoặc vẫn cứ “trắng con mắt đen”, nên người em mình đâu nào muốn nói chỉ một lời ru, như nghệ sĩ cứ hát:

                                    “Còn lời ru mãi,
                                    Vang vọng một trời.
                                    Mùa xanh lá vội, ru em miệt mài.
                                    Còn lời ru mãi, còn lời ru hoài,
Ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

            Hồi thập niên ’60, bần đạo nghe đài thấy có vị cứ hát đi hát lại mãi một lời ca rất dễ ru hồn người vào chốn ngủ vùi với ngủ gục ở nhà thờ mà nhiều đấng thánh rất ít thấy. Gật gù đồng ý ở nhà thờ, đâu có là động thái những ngủ vùi hay ngủ gục. Có gật gù đồng ý tí chút, cũng chỉ là động thái ngủ gà ngủ gật ít phút giây đến khi đức thày chấm dứt bài chia sẻ, sẽ tỉnh ngay thôi. Nói thế nghĩa là: dân con nhà Đạo ngồi nghe dức thày giảng giải dù rất hứng, vẫn thấy cái gì đó rất không ổn, nên mới như vậy.
            Sống Đạo chốn chợ đời, cũng có điệu ru cho dễ ngủ ở bài chia sẻ tuy không khô, nhưng sao đầu óc người nghe vẫn cứ “đi đâu lang thang cho đời mỏi mệt”. Vì mỏi mệt, nên kịp khi tỉnh giấc điệp có lời ru nhẹ, đã thấy khác. Khác nhiều nên biết sợ, bèn thư về đức thày ở Sydney nhờ giải đáp nỗi thắc mắc xem như thế có là lỗi/tội gì không?
            Hỏi, là hỏi thế chứ đức thày nhà mình quyết nhận lời mà giảng giải những điều từng nói rất nhiều nhưng chưa thông. Vì người hỏi vẫn chưa thông, nên hôm nay đức thày lập lại những điều mình vẫn nói và nói chứ không ru, cho dù đó có là ru ngủ hay “ru em từng ngón xuân nồng” bằng những lời như sau:

“Câu hỏi của anh/chị, là một trong những thắc mắc mà nhiều người còn để trong đầu, dù từng có rất nhiều đấng bậc trả lời khá xuyên suốt. Theo tôi nghĩ, thì vấn đề anh/chị đặt ra rất dễ trở thành cố tật mà nhiều vị nay vuớng mắc. Gọi là cố tật, hay thói quen cứ bối rối về những lo ra, chia trí rất khó nghĩ. Lo ra, là thành phần có sẵn nơi bản chất con người. Gọi là lo ra hay chia trí, chỉ là những xao lãng/đãng trí như động thái dẫn vào tưởng tượng mang cho ta ý tưởng hoặc hình ảnh khác những gì ta đang tập trung, tìm kiếm.

            Là dân thường ngoài đời, chắc bạn và tôi, ta sẽ cứ là hay chạy đến với thi ca/âm nhạc mà hát và hò, để có bạn đạo nào đó lại sẽ cho rằng mình vẫn cứ lo ra, sa đà nhiều chia trí. Thật ra thì, có đãng trí lo ra hay không, cũng chỉ để thư giãn đôi phút mỗi khi nghe bài chia sẻ nào cao siêu, nhiệm màu nên mới chán. Thế nên, có bạn đạo lại phút chốc quay về với lời ca như bài ru ở dưới, hát rằng:   

                        Ru mãi ngàn năm, từng phiến môi mềm,
                        Bàn tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm.
                        Cho vừa nhớ nhung, có em dỗi hờn
nên mãi ru thêm ngàn năm.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

            Sợ có dỗi hờn ở đâu đó, nay bần đạo đây xin quay về với lời đáp của đức thày ở nhà Đạo rất Sydney lại phán tiếp:

“Càng lo ra/chia trí nhiều, ta càng bận rộn rất không ít. Bận đến độ, ta ít đi vào chuyện vãn với Chúa trong nguyện cầu hơn là khấu láo chuyện vãn huyên thuyên không dứt với bạn cùng sở hoặc với những giải khuây, ngay khi ngủ.

Việc trước tiên ta có thể làm được để ngăn chặn, là tự ra biện pháp kỷ luật cho những chuyện tưởng tượng đi ra ngoài mục tiêu cầu nguyện. Nếu cứ để nó chạy rông như ở chỗ không người mỗi khi ta làm việc hay nghỉ ngơi hoặc chuyện vãn với người nào, thì chuyện dễ thấy nhất là ta sẽ khó mà kiểm soát được nó trong lúc cầu nguyện. Chuyện này có nghĩa là, ta phải nỗ lực mà tập trung tư tuởng vào những gì mình đang làm mà quên đi những điều làm ta đãng trí. Một khi ta quên nó đi, thì chắc chắn nó sẽ bỏ đi, không quấy rầy nữa.

Ngược lại, nếu ta cứ để đầu óc đi đây đi đó mà lo ra chia trí mỗi khi nó xuất hiện, thì chẳng chóng thì chày ta sẽ mất đi hiệu năng/ý chí, lãng phí nghị lực và đầu óc sẽ bị sói mòn hoặc tản mác đi nơi khác. Chính vì thế, ta nên học cách tập trung đầu óc vào những điều mình đang làm và quên đi mọi đãng trí, với lo ra.

Kỷ luật tâm thần ta đạt được theo cách này sẽ giúp ta nhiều thứ, cả việc tập trung mà nguyện cầu nữa. Nói đến lo ra đãng trí khi cầu nguyện, là bao gồm nhiều hình thức cầu nguyện, trong đó có cả chuyện suy tư tụng niệm, lần chuỗi hạt Mân Côi, dự Tiệc Thánh Thể, hoặc đọc các bài sách thánh, lẫn tu đức…

Điều cần nhớ, là: lo ra và đãng trí tự nó không là tội. Mà là, thành phần của tình trạng sống nơi con người, tức hoa trái của óc tưởng tuợng. Chúng có thể làm cho ta bị phân hoá như dịch tễ như thể đàn nhặng cứ bay loanh quanh bên mình, vào mọi lúc. Thế nhưng, một khi ta không tình nguyện định cư nơi đó, thì cũng chẳng sao, cũng chẳng là tội. Cả khi đầu óc ta bị lôi kéo ra khỏi công việc mình đang làm, dù trong phút chốc có định cư nơi chia trí, nếu không ý thức hoặc tình nguyện, cũng chẳng là tội.

Nhưng nếu ta cứ để cho những chuyện lo ra/đãng trí nán lại dù trong chốc lát rồi chủ tâm mở cửa tâm hồn cho nó ngự trị, như đang lúc lần chuỗi Mân Côi mà lại tạt ngang chia trí, thì việc này thường dẫn đến tình trạng bất hoàn chỉnh, để vụt mất lòng mình yêu Chúa nhất thời, chứ chưa thành tội.

Những chuyện như thế, không cần thiết phải tỏ bày cho cha giải tội mà xưng thú. Bởi đó vẫn là tình trạng bình thường trong cuộc sống. Chỉ khi nào ta thích chí quyết ở lại với vụ việc lo ra rất thiện nguyện suốt thời gian dài, nghiêm chỉnh trong đời mình, như thời khắc sau khi rước Chúa vào lòng, thì đó có thể là tội. Cho nên, cách hay nhất để chống chọi lại lo ra chia trí là quên nó đi mà nhất mực tập trung vào chuyện nguyện cầu đang đang thực hiện mới được. Nếu nó cứ dai dẳng không dứt như thường thấy ở nhiều trường hợp, thì Chúa lòng lành biết là ta có cố gắng tập trung hướng về Ngài, thì Ngài vẫn vui lòng.

Thêm nữa, nếu đãng trí lo ra cứ kéo dài không dứt lại khiến ta nói điều buồn phiền đến Chúa, hậu quả của việc đầu óc mình lang thang đây đó một cách không có chủ đích khi cầu nguyện hoặc vào giờ lễ, thì hành xử này vẫn làm Chúa vui lòng. Thế có nghĩa là, lo ra chia trí vẫn có thể là cách thức để nên thánh. Bởi, nó đốc thúc ta dốc toàn lực ra mà chiến đấu trong cuộc sống thiêng liêng. Và, nội cái cố gắng của ta thôi, cũng sẽ làm Chúa vui lòng rồi.

Nếu chuyện chia trí xâm nhập lúc ta suy niệm nguyện cầu bắt ta cứ phải quan tâm đến những vụ việc quan trọng như đang có khó khăn trong việc giảng hoà với người nhà, thì cũng nên chuyển đề tài của kinh nguyện và cầu Chúa soi sáng để ta có thể giải quyết vấn đề đó, trong thành tựu. Thay vào đó, cũng có thể trao sự việc để Chúa lo và xin Ngài ban thêm cho mình nhiều ân huệ để giải quyết vấn đề, vào khi khác.

Những khi cầu nguyện theo hình thức khác như lần chuỗi hạt Mân Côi hoặc dự thánh lễ, cũng đừng nên lái đầu óc hoặc tư tưởng vào chuyện lo ra chia trí hoặc cứ tự hỏi sao mình hay lo ra đến như thế, rồi tự chuốc lấy phiền toái hoặc càm ràm, chẳng tới đâu. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo có đoạn viết:  Ngõ hầu đánh gục mọi chia trí/lo ra để mình không bị rơi vào bẫy cạm của nó. Cần nhất là hãy quay trở về với tâm can của mình, bởi lo ra chia trí chứng tỏ cho ta thấy rõ mình thường dính bén vào chuyện gì. Và, nếu biết khiêm nhu tự hạ trước mặt Chúa để ta tỉnh thức mà đặt tình thương yêu trọn vẹn vào nơi Ngài sẽ giúp ta dân trọn tâm can mình cho Chúa để Ngài thánh hoá biến nó trở nên tinh sạch. Nơi nào có sự phấn đấu mãnh liệt, nơi đó sẽ buộc ta phải có chọn lựa chỉ làm tôi vị chủ nào đáng để ta phục vụ, thôi.” (x. GLHTCG đoạn #2729)

            Với đức thày nhà Đạo rất chuyên nghiệp về chuyện đạo hạnh, ra như thế. Ra như thế, tức rất như là cung cách chính mạch của đấng bậc, ở trên cao. Còn, với dân thường ở huyện dưới, thì ra như thế cũng chưa hẳn là rất dễ để thi hành. Nói cách khác, với dân thường ở huyện nhà Đạo, thì chuyện đãng trí với lo ra nhiều lúc cũng không đơn giản như những chuyện ta bàn luận. 
            Đơn giản chuyện ở đời, là những chuyện người đời ở huyện dưới thường hay nói theo cung cách thơ văn, nhiều thực tế. Thực tế, như phương châm để đời, mà nhiều người còn nhớ đến. Nhớ, như vẫn tuởng và vẫn nhớ câu vè/câu thơ rất hạp vận mà người xưa thường nghe thấy, như:”Hãy nói cho tôi biết anh đọc sách nào, tôi sẽ cho anh/chị biết anh/chị là người thế nào”, tức là ai. Và rồi, từ lập trường đó, có người lại đổi thành câu tương tự:“Hãy cho tôi biết anh/chị thường hay lân la với loại thơ văn/âm nhạc nào, tôi sẽ bảo: anh/chị là ai, là người nào.”
            Là ai hay lai rai người nào, đâu nào liên can đến những lo ra và chia trí? Rất đúng thế, nhưng nếu bạn và tôi, ta áp dụng phuơng châm trên vào lối giữ đạo hoặc sinh hoạt ở nhà Đạo theo cung cách rất đời mà không Đạo, ta cũng sẽ chia trí với lo ra, thật không ít.
            Về lo ra và chia trí khi sinh hoạt trong lễ lạy ở nhà Đạo, bần đạo lại nhớ đến cung cách mà người thường ở huyện nhà Đạo nay thấy có nhiều nghi thức phụng vụ dù ở nhà thờ, vẫn mang tính rất đời, chứ không Đạo. Rất đời, là ở điểm: sinh hoạt tuy mang tính tế tự, tiệc thánh nhưng lại rất nặng phần trình diễn hơn là nguyện cầu trong lặng thinh, êm ả. Dù có lẽ và có thể, việc trình diễn ấy rõ ràng chỉ vụ hình thức chứ nào nâng lòng ta lên với Chúa. 
            Nói rõ hơn, thì nói như thế này: dù sinh hoạt tế lễ hay tiệc thánh mà sao nhiều người/nhiều vị cứ chủ trương “vụ hình thức” nhiều hơn nguyện cầu trong im ắng. Lặng thinh. Nói rõ hơn, là bảo rằng: nguyện cầu tập thể trong tiệc thánh không chỉ mỗi việc: kiệu rước linh đình, hay hoạt náo thánh kinh, ca và hát có trống có kèn lớn hơn lời ca và ý tứ, vv. Nguyện và cầu qua nghi thức phụng vụ, thật ra là cùng nguyện và cầu cho nhau không mang tính phô trương, đánh bóng, mà chỉ cốt nâng lòng mình về chốn suy tư, tụng niệm có Chúa, có anh em. Nói rõ hơn, là nói và bảo rằng phụng vụ thánh là phụng sự trong phục vụ có đấng thánh tập trung chung vui, nhưng không để trình diễn. Và, nói rõ hơn là hỏi rằng, khi cử hành phụng vụ, ta có phụng sự và phục vụ thánh hội trong nguyện cầu giùm giúp nâng lòng nhau lên với Chúa. Hay chỉ để phô trương chất giọng hoặc tài năng hiếm có, để người người trầm trồ, thích thú.
            Nói rõ hơn, là nói nhỏ, và nói ít, nhưng người nghe nói lại hiểu nhiều để ta kiểm định lại cung cách thực hiện phụng vụ Đạo Chúa, sau Công Đồng Vatican 2, hay không? Nói nhỏ và nói ít, để rồi ta tự suy đi và nghĩ lại xem đó có là vấn đề để vấn nạn cộng đoàn nhỏ của ta, ở đây. Bây giờ? Nói nhỏ và nói ít, nhưng hiểu nhiều để mỗi người ra soát lại xem cung cách ta phụng sự và phục vụ có gì là hình thức. Bề ngoài, chỉ để khoa trương, trình diễn rất kỳ khú?
            Nói ít nhưng hiểu nhiều, là nói theo cung cách của truyện kể, rất như sau:

                                    “Truyện rằng:
Thời buổi này, người trẻ và giới trẻ nói với nhau không bằng ngôn ngữ của người thường, theo cách thức thông thường của thường dân ở huyện làng như khi trước. Nhưng truyền thông/đối thoại giữa người trẻ hôm nay, lại đã ra như thế vầy. Như chàng và nàng, thay vì nói to nói nhỏ, lại chỉ gửi cho nhau những thông điệp/lời nhắn rất vắn tắt rằng:
-Anh yêu của em ơi. Anh đang làm gì đó? Nếu đang ngủ, thì xin anh gửi cho em toàn bộ giấc mộng đẹp của anh đi.Anh yêu ơi. Nếu anh đang cười, thì anh hãy gửi đến cho em nụ cười nhẹ, rất mỉm chi được hay không?Anh yêu ơi, nếu anh đang khóc thì anh cứ gửi cho em những giọt nước mắt ngà, để em cũng cùng khóc với anh, cho vui…
-Ấy ấy. Anh chẳng khóc, chẳng cười, cũng chẳng ngủ gà ngủ gật gì đâu. Chả là, anh đang ở nhà thờ cầu kinh. Thế, em có muốn anh gửi qua di động cho em cả chuỗi hạt Mân Côi những 5 sự thương, hay sự mừng. Thôi đừng gửi lời nhắn cho anh nữa làm gì, để anh còn tập trung suy nghĩ về năm sự vui, nhé em!”

            Năm sự Vui, sự Thương hay sự Mừng, cũng đều là ngắm đều đọc rất nhiều kinh. Người trẻ ở trên dù đang đọc những kinh rất “Kính Mừng” nhưng nào đã chắc gì là mình đang nguyện cầu, cùng Chúa. Và, với Chúa. Bởi, nguyện và cầu, đâu phải chỉ có nhắn hoặc có ngắm rất nhiều sự, như: Vui, Thương, Mừng, Sáng. Nguyện cầu khá đích thực là nguyện và cầu như thánh nhân hiền lành ở nhà Đạo từng nhắn nhủ. Như sau:

“Còn anh, khi cầu nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại,
và cầu nguyện cùng Cha của anh,
Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Và Cha của anh,
Đấng thấu suốt những gì kín đáo,
sẽ trả lại cho anh.”
(Mt 6: 5) 

            Như thế thì, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ nghe đấng thánh hiền nhà Đạo chỉ dẫn lẫn khuyên nhủ. Để, có được cung cách tập trung suy tư, nguyện cầu không sao lãng. Đãng trí. Như vẫn nhất mực làm đẹp lòng Chúa. Đẹp lòng, hết mọi người.              

            Trần Ngọc Mười Hai
            xin đuợc nhủ mình và nhủ người
những lời khuyên của thánh nhân
rất hôm trước.

Saturday 17 December 2011

“Và có tiếng ca âm vang"


“Và có tiếng ca âm vang,
“Muôn thiên thần hò reo, hân hoan câu bình an.”
(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – Quê Huơng Thượng Đế)

(Rm 12: 18)

            Có “tiếng ca vang.” Hát “câu bình an”. Phải chăng đó là tinh thần của ngày Giáng Hạ “có mấy anh dân nghèo tới nghiêng nhìn trẻ thơ”? Hỏi đây, gồm cả câu trả lời gói gọn ở trong đó chứ?

            Vừa rồi, bần đạo được hân hạnh dự buổi “Hát cho nhau” rất bỏ túi có chủ đề “Thương Hoài Ngàn Năm” ở Sydney hôm tháng 11/2011. Ở buổi này, nhiều hát sĩ đua nhau đăng ký hát bài “Quê Hương Thượng Đế” của các linh mục Thành Tâm, Sĩ Tín, Khởi Phụng, cùng sáng tác. Nhạc bản này, là nhạc Giáng Sinh, nhưng sao nhiều vị lại thích nghe và thích hát đến thế? Tìm về nguyên do, bần đạo nhặt nhạnh được đôi ba ý/lời tâm đắc, rất như sau:

-Có bạn quả quyết với bần đạo: “Thú thật với bác: Cháu chỉ thích nhạc của Thành Tâm thôi. Vì nhạc của ông Cha này: lời thì rất Đạo, tiết tấu và nhịp điệu lại na ná giống nhạc đời, rất hay…”:
-Một bạn khác, những bảo: “Đấy bác coi! Có loại nhạc đạo nào một lúc qui tụ 3 ông cha  sáng tác mà lại là cha Dòng Chúa Cứu …Chuộc nổi tiếng mới là điều tuyệt diệu!”
-Một thính giả khá trọng tuổi đến thưởng thức buổi nhạc hôm ấy, có nói: “Tôi thì tôi thấy nhạc của Thành Tâm có cái gì đó nó bắt mình cứ nghe đi rồi nghe lại mà không biết chán. Nghe chán, xong rồi còn ngâm nga hát tiếp đoạn nào ăn ý nhất. Nhạc có hay, mới  được thế chứ…!”

Nghe phản hồi, bần đạo bèn vào “Google” thử đánh chữ “Quê Hương Thượng Đế” để xem sao, thì bắt gặp giòng chữ mô tả loại nhạc ấy như sau: Thể loại: Nhạc trữ tình, chất lượng! Đây là loại nhạc trẻ “hip hop”, Rock. Ca đoàn nhà thờ, thì gọi đó là thánh ca và coi giòng nhạc của tác giả này như giòng chảy mượt  mà, nhè nhẹ tuy nhiều lúc cũng hơi “giựt”. Nghe vậy, bần đạo bèn vào “youtube” nghe thử nhạc bản ấy, đã thấy ca từ như sau:
   
                        “Nửa đêm chốn hoang vu, Chúa ra đời
Đồi khô đá chơ vơ trời băng giá
Nhân gian, có tin vui phận bèo chốn quê nghèo:
Hãy đi tìm xem trẻ thơ…”
(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – bđd)

            Nghe, là nghe như thế chứ nhìn thì nhìn ra sao? Thấy những gì? 

            Bần đạo, quả là chả bao giờ có được kinh nghiệm của bậc trưởng thượng thuộc trung tâm nghe nhìn thành thị, nhưng cũng lượm lặt được đôi ba chuyện về Giáng Sinh, nay gom lại để “phiếm”. Nay có yêu cầu, nên mời bạn và mời tôi, ta nghe qua vào ngày lễ lớn.

            Thật ra thì, gọi là lượm lặt đôi ba ý tưởng ở đây đó, cũng chỉ là những “chuyện nhỏ” rất vụn vặt, để rồi bạn và tôi bỏ chút thì giờ mà thưởng lãm. Thưởng lãm, là thưởng thức một cách lịch lãm ý/lời chuyện Giáng sinh ở đời nhiều tình tiết. Nhiều tình tiết, cũng chan chứa tâm tình như vẫn được các bậc vị vọng ghi vào bộ nhớ để rồi vào một ngày đẹp trời nào đó có bổn đạo hỏi đến là “phán” ngay thôi.

            Đấng bậc ở Sydney từng “phán” rất nhiều nhưng chả biết được bao nhiêu người, đặc biệt là người nhà Đạo giống giòng A-na-mít, biết đến. Thành thử, bần đạo nay xin làm chân thư ký, quảng diễn với quảng bá, vài ba ý. Trước hết, là ý của một người sống ở Sydney, đã từng hỏi:
           
“Dạo trước con có xem một cuốn phim nói về cuộc đời Chúa Cứu Thế, trong đó nữ tài tử thủ vai Đức Mẹ khi sinh ra Chúa, bà lại diễn tả cơn đau cồn chuyển cữ, thấy cũng lạ. Lâu nay, con vẫn được dạy: Đức Mẹ là thánh nữ đồng trinh, đâu nào biết đến đau đẻ bao giờ! Về chuyện này, Hội thánh mình có khuyên dạy điều gì chăng? Xin cho biết.”

            Hễ có người kêu vời “xin cho biết”, là cha cố nhà mình bèn phán ngay lập tức. Không chậm trễ. Bởi thế nên, độc giả ở Úc và các vị nào còn thắc mắc chuyện Đức Mẹ “Đồng Trinh” sạch sẽ, hẳn cũng nên nghe những khẳng định của đấng bậc học giả xuất thân từ phân khoa Thần học của Havard, như sau:

“Theo Truyền thống Giáo hội, thì: Đức Maria là Thánh Nữ Đồng Trinh rất vẹn tuyền. Vẹn tuyền, là: trước khi Mẹ sanh Chúa Hài Đồng, đang lúc sanh hạ và cả sau khi sanh nữa,  Mẹ vẫn Đồng Trinh tinh tuyền. Vì thế nên, Mẹ chẳng thể nào biết đau đẻ bao giờ hết, cả khi Mẹ sanh ra Chúa, cũng thế.

Và hơn nữa, Đức Mẹ Đồng Trinh Sạch Sẽ, là tín điều mà mọi người chúng ta đều phải tin. Ngay như Công Đồng Đại Kết Công-Stăng-Ti-Nô-Pô-Li nhóm vào năm 553 đã tặng Mẹ tước hiệu rất đúng là “Trọn Đời Đồng Trinh”. Tước hiệu ấy đã được Công Đồng Latêranô lặp lại lần nữa vào năm 649 và sau này chính Đức Giáo Hoàng Phaolô IV cũng nói đến hồi năm 1555. Trong quá khứ, điều này cũng được nhiều thánh Tổ phụ Hội thánh xác nhận và giáo huấn, trong đó có: thánh Ambrôsiô, thánh Giêrônimô, thánh Âu Tinh, thánh Êpiphanô, thánh Basil và nhiều thánh cả khác…

Lời tuyên xưng Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh khi sanh đẻ, có nghĩa là: sự toàn vẹn cơ thể của Mẹ không bị sụp đổ cả khi Mẹ sanh ra Chúa Cứu Thế. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từng nói rõ điểm này. Khi trích thuật lời ghi trong Hiến Chế rất Giáo điều mang tựa đề “Ánh Sáng Muôn Dân” rút từ bản văn chính thức của Công Đồng Vatican II, trong đó nói: “Niềm tin sâu sắc về tính đồng trinh của Mẹ đã đưa dẫn Hội thánh tuyên tín về sự đồng trinh đích thực và muôn đời của Mẹ, cả khi Mẹ sanh ra Con Chúa làm người. Quả thế, việc Chúa Giáng sinh ‘ vẫn không làm giảm đi tính đồng trinh trọn vẹn của Mẹ nhưng đã thánh hoá bản chất ấy.”  (x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân đoạn 57, sách GLHTCG đoạn 499)

Mẹ vốn đồng trinh vẹn tuyền khi sanh Chúa, điều đó chứng tỏ Mẹ không biết đến đớn đau/sầu buồn gì hết. Việc này, sách Khởi Nguyên cũng đề cập đến sự khác biệt nơi bản chất của “Eva Mới”, chân Mẹ đạp đầu con rắn mà Eva khi xưa từng được Giavê Thiên Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi." (STK 3: 16)   

Sự trái nghịch giữa hai người nữ lớn lao đến độ không thể quan niệm rằng Eva mới là Mẹ Maria lại phải đớn đau khi sanh Chúa. Sách Phần La Mã, còn gọi là Giáo Lý Công Đồng Tri-đen-ti-nô cũng minh định lời Giavê nói với Eva: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.” (STK 3: 16). Và Đức Maria được miễn chuẩn khỏi luật này vì, có như thế Mẹ mới bảo tồn tính đồng trinh trọn vẹn không tì vết nên mới sanh ra Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, như ta đã biết, Mẹ không hề từng trải kinh nghiệm đớn đau nào hết.” (Sách Phần La Mã đoạn #50)                    

Vào thế kỷ thứ IX, tác giả thần học là Haymo Halberstadt (năm 853) nói rất rõ, rằng: “Chính vì khi Mẹ cưu mang Con của Mẹ không vương vấn khoái lạc nào, nên khi sanh ra Chúa, Mẹ cũng chẳng thấy đớn đau chút nào.” (x. Chú Giải Sách Khải Huyền 3, #12; câu 117)

Dĩ nhiên ta bàn về sự hạ sinh rất lạ kỳ, vào lúc thánh sử đầy dẫy những chuyện lạ, cả ở Cựu Ước cũng như Tân Ước, mãi đến nay. Hệt như ta không có can đảm bảo rằng Sách thánh nói rõ việc này; nhưng tối thiểu cũng nên hiểu là Mẹ sanh ra Chúa mà chẳng hề biết đớn đau. Đặc biệt, Truyền thống Giáo hội luôn dạy ta biết rằng: Mẹ luôn là Đức Nữ Đồng Trinh rất vẹn tuyền, cả khi Mẹ sanh ra Chúa. Và, Hội thánh đã xác quyết chuyện này qua giáo huấn của thánh hội.

Các thánh Giáo phụ trong Hội thánh từng cắt nghĩa cho ta hiểu mầu nhiệm thánh thiêng này bằng cách dùng các ví dụ cụ thể như ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua lớp kính pha-lê trong suốt mà chẳng gây nên mảnh vỡ nào hết. Như, việc Chúa trỗi dậy khỏi mộ vắng bịt rất kín khó mà thoát khỏi nơi đó; về sau, Chúa lại đã hiện đến với môn đồ khi mọi cửa ngõ đều đóng kín, vv. Và, cuối thế kỷ thứ II, tác giả Tertulianô đã tóm tắt mọi chuyện như sau: “Đối với Mẹ là Đấng sanh ra Chúa Hài Đồng theo kiểu khác thường và mới mẻ thì Chúa phải được sanh ra cùng một kiểu mới mẻ như thế.” (x. Đức Kitô mặc lấy xác thịt loài người đoạn #17). Nói tóm lại, ta có thể gặp rất nhiều bản văn giống như thế trong Truyền Thống Hội thánh, thời tiên khởi.

Các thánh Giáo Phụ còn thấy nơi hình ảnh Chúa Giêsu sanh ra từ cung lòng Mẹ Đồng Trinh qua lời tiên tri Edêkiel khi nói về cửa Đền thờ (Êz 44: 2) và nơi bài ca Salômôn: Này em gái của anh, người yêu anh sắp cưới, em là khu vườn cấm, là dòng suối canh phòng nghiêm mật, là giếng nước niêm phong.” (Dc 4: 12)

Nói tóm lại, Truyền thống Giáo hội vẫn nhất mực công nhận Mẹ không hề đau đớn khi sanh Chúa.” (x.Lm John Flader, Question Time, Connorcourt, 2008 tr. 13-14)

            Nói theo đấng bậc ở Sydney, là nói theo cung cách rất bài bản, chính mạch. Kiểu, của Hội thánh. Nói, là nói rất công nhiên. Chắc nịch. Không sai chạy. Nhưng, vấn đề là: nói như thế vẫn như thể người của Giáo hội thời tiên tổ, chẳng mấy hấp dẫn người thời đại. Chỉ thuyết phục người đi Đạo có lòng Đạo, mà thôi. 

            Nói về Chúa Giáng sinh cho người thời đại. Hoặc, nói với giới trẻ ngày nay, chắc cũng nên nói sao cho mượt mà, êm ả như giòng nhạc trích ở trên. Nói ở trên đây, không là nói bằng lời cho bằng ý nhạc. Nói như thế, thì người nghe mãi thấy thấm vào người rất nhiều điều, như sau:

                                    “Một đêm Chúa sinh ra, bên rìa làng,
                                    Cỏ rơm giấu cơn gầy ngăn cơn gió.
Đêm khuya, giữa canh thâu, rạng ngời giữa đêm dài.
Ánh sao bình an đã lâu …”
(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – bđd)
   

            Nói về Chúa sinh ra, đâu chỉ tà tà nói những điều mà các thánh Giáo phụ từng nói rất chuẩn về tính đồng trinh vẹn tuyền của Đức Mẹ. Nói về Giáng sinh cho người trẻ hôm nay, có lẽ nên nói về niềm vui xum vầy, ngày lễ hội. Về, tinh thần thương yêu giùm giúp “mấy anh dân nghèo nghiêng nhìn trẻ Thơ…” rất nên thơ. Nhiều nhạc tính. 

            Và, nói về Giáng sinh hôm nay, còn là nói về truyện kể cũng rất vui, êm, nhè nhẹ như câu truyện ở bên dưới:   
        
“Một hôm, người sinh viên trẻ nọ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "Người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học trò.

Trên đường đi, hai người bắt gặp đôi giày cũ nằm ở giữa đường.Thầy trò đoán chừng đôi giày này là của nông dân nghèo nào đó đang làm việc ở cánh đồng gần đó, có lẽ ông đang chuẩn bị kết thúc một ngày quần quật của mình.

Người sinh viên quay sang nói với giáo sư: "Thầy à, hay ta thử trêu ghẹo người nông dân một chút, chắc sẽ vui. Nghĩa là: em sẽ giấu đôi giày của ông ta rồi thầy và em ta cùng trốn đằng sau bụi cây kia xem thái độ ông ta ra sao khi không thấy đôi giày của mình."

Vị giáo sư nghe vậy bèn cản ngăn: "Khoan đã, anh bạn ạ, ta đừng bao giờ đem người nghèo ra mà trêu chọc mua vui cho bản thân mình. Bởi, em vốn là sinh viên con nhà khá giả, có thể tìm cho mình niềm vui nào khác lớn hơn nhiều qua nông dân này. Em hãy thử đặt đồng tiền cắc vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem ông phản ứng ra sao."

Người sinh viên làm theo lời thầy chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn sau bụi cây gần đó.
Chẳng mấy chốc, người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi để giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì thấy có vật gì cưng cứng bên trong, ông cúi xem đó là vật gì và thấy một đồng tiền. Nét kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông chăm chú nhìn đồng tiền cắc ở trong giày, lật qua lật lại hai mặt của đồng tiền rồi ngắm thật kỹ. Sau đó, ông đảo mắt nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy một ai. Bấy giờ ông bỏ đồng tiền cắc vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Nỗi ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông thấy đồng tiền cắc thứ hai bên trong chiếc giày khác. Cảm xúc tràn ngập lòng mình, người nông dân quì xuống, ngước mắt lên trời và đọc lớn tiếng lời cảm tạ chân thành của mình lên Thượng Đế. Ông bày tỏ sự cảm tạ bàn tay vô hình hào phóng đã đúng lúc đem mòn quà giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn do người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn.

Anh sinh viên lặng người vì xúc động, nước mắt giàn giụa chảy. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em thấy vui hơn lúc em có ý định em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên đáp: "Thưa thầy, đã dạy cho em một bài học đích đáng em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa đích thật của câu nói mà trước đây em không tài nào hiểu nổi: "Cho đi tốt hơn nhận vào!"

            Truyện kể trên vẫn lao xao, gọn nhẹ, nhưng đầy ý nghĩa, nhân ngày lễ hội. Lễ hội, của những ân tình dành cho dân nghèo. Cho người thiếu thốn về nhiều cách hơn là chỉ vật chất. Truyện kể vào ngày lễ hội, phải là truyện vui rất nhộn, đầy ý nghĩa. Ý nghĩa ấy, đâu cần lý luận, biện giải. Chỉ cần vui. Vui, không vì ngoài cảnh những ồn ào, náo động. Nhưng, vui vì thấy được vào ngày của Chúa, rất Giáng sinh, bao giờ người người cũng nhận nhiều đặc sủng, từ Đức Chúa.

            Đặc sủng Chúa ban, ngày lễ hội, vẫn được thánh nhân hiền lành, từng khẳng định ở nhiều thư, như sau:
     
“Chúng ta có những đặc sủng khác nhau,
tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người.
Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin.
Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ.
Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo.
Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn.
Ai phân phát, thì phải chân thành.
Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm.
Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.”
(Rm 12: 6-8)

            Đặc sủng hôm nay, phải chăng gọi được là “Quê Hương Thượng Đế”. Quê hương hôm nay, không chỉ là “chùm khế ngọt”, hoặc con đê hiền từ, anh từng bước vội. Quê hương Thượng đế hôm nay, vẫn là và phải là niềm vui bất tận có Chúa Giáng Hạ làm người, để ta vui. Vui vì được cứu. Vui, vì được vào chốn Nước Trời, rất nhân ái, êm đềm. Giùm giúp.

            Vui, như như ý lời nhạc bản của nhóm bộ ba linh mục Dòng, lâu nay vẫn hát. Hát rất mạnh. Hát rất vui. Hát, những câu ca chừng như là:

“Và có mấy anh dân nghèo,
tới nghiêng nhìn trẻ thơ trong khăn đặt trên máng.
Và, có tiếng ca âm vang,
muôn thiên thần hò reo,
hân hoan câu bình an.”
(Thành Tâm/Sĩ Tín/Khởi Phụng – bđd)

            Tiếng vang. Muôn thiên thần, hoà vang. Ngay ở đây. Bây giờ.

                        Trần Ngọc Mười Hai
                        Nay đã nhận ra rằng
                        Quê Hượng Thượng Đế
                        không chỉ là bài ca an hoà
                        ngày lễ hội rất Giáng sinh.
                        Những phải là lời ca ta vẫn hát
                        hết mọi ngày. Trong đời.