Friday 30 August 2013

“Hãy ngước mặt nhìn đời, nhìn tha nhân ta buông tiếng cười,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 23 thuờng niên năm C 08-9-2013

“Hãy ngước mặt nhìn đời,
nhìn tha nhân ta buông tiếng cười,”
Ta không cần cuộc đời
Toàn những chê bai và ganh ghét,”
(Lê Hựu Hà – Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời)

(Mt 21: 18-22)
            Ngước mặt mà nhìn đời ư? Bạn và tôi, ta vẫn nhìn đấy chứ! Ta không cần cuộc đời sao? Cái này cần phải xét lại! Có những điều trong đời, nhất thứ là đời người đi Đạo, có nhiều điều ta cũng nên coi lại nhưng không cần xét lại. Coi lại để xem mình có thật sự, là: “toàn (những) chê bai và ganh ghét” không. Hay chỉ “nhìn tha nhân (rồi) buông tiếng cười”. Thôi thì, bạn hãy cùng tôi, cùng với thi nhân/nghệ sĩ, ta lại hát:

“Cười lên đi em ơi
Dù nước mắt rớt trên vành môi.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Cười lên đi, hỡi anh và hỡi tôi. Cười lên cho đời nó vui. Dù nước mắt rớt trên vành môi, vẫn cứ cười. Cười, rồi ta lại hát tiếp những câu hát vui và ngước mặt nhìn đời như nghệ sĩ vẫn ới gọi, rất như sau:

“Hãy ngước mặt nhìn đời!
 Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười.
Ta không cần cuộc đời,
Toàn những chê bai và ganh ghét.
Ta không cần cuộc đời,
Toàn những khoe khoang và thấp hèn.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Vâng. Hãy cứ cười vui và cứ nhìn đời, vì ta luôn cần đời. Dù, đời đôi khi cũng “toàn những khoe khoang và thấp hèn”. Cười vui, để cất giấu những giòng lệ rơi vào lúc nào đó, rồi đọc tiếp những truyện rất đáng kể, ở dưới:

“Truyện rằng:
Buổi sáng nọ, Thành Cát Tư Hãn và các thuộc hạ của ông đi săn. Thành Cát Tư Hãn mang theo trên cánh tay của ông con chim ưng mà ông yêu thích. Đến trưa không được gì cả, Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, và để khỏi phải cáu kỉnh với đám thuộc hạ, ông rời nhóm, cỡi ngựa đi một mình. Trong sức nóng của mùa Hè, ông khát nước nhưng mọi dòng suối đều khô cạn. Thế rồi, hết sức ngạc nhiên, ông nhìn thấy một dòng nước nhỏ chảy ra từ một tảng đá ngay trước mặt ông.
           
Ông lấy ra chiếc cốc bằng bạc ra hứng nước. Thật lâu nước mới chảy đầy cốc và, ngay khi ông đưa chiếc cốc lên môi thì con chim ưng bay lên và giật chiếc cốc rồi ném nó xuống đất.
           
Thành Cát Tư Hãn giận lắm, nhưng vì con chim ưng rất được ông yêu thích nên ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên, lau sạch bụi, và lại hứng nước. Khi nước chỉ mới được nửa cốc, con chim ưng lại lao đến tấn công làm đổ nước.
           
Lần nầy, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, vừa canh chừng dòng nước, vừa để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn, với một nhát kiếm, đâm thủng qua lồng ngực con chim.
           
Tuy nhiên, dòng nước kia cũng đã khô cạn; và Thành Cát Tư Hãn quyết định tìm một cái gì đó để uống, ông leo lên tảng đá để tìm nguồn suối khác.  Ông kinh ngạc khi thấy có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn độc nhất của miền đất này. Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi. Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, ôm theo xác của con chim ưng.
Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng, và trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ :

“Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó anh không thích, người đó vẫn cứ là bạn của anh”.

Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ :
“Bất cứ hành động nào được thực hiện trong sự giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại”.

Thế đó là truyện kể, không để “cười” mà để bạn và tôi, ta suy tư vào những phút rảnh rỗi. Thế vậy, là những giòng chữ, không để đọc mà thôi, nhưng còn để hát với ý/lời ở nhạc bản được nghệ sĩ trên vừa hát. Thế đấy, còn là lời nhắn của ai đó, vẫn cứ mượn câu ca và tiết nhạc làm nền để người nghe biết rằng: trong  đời người còn có những ca từ như vẫn thấy người viết nhạc, lại “ỏ ê”, như sau:

“Cười lên đi em ơi
Cười để giấu những dòng lệ rơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn đổi thay ta vang tiếng cười
Ta không thèm làm người
Thà làm chim trên rừng hoang vắng
Ta không thèm làm người
Thà làm mây bay khắp phương trời
(Lê Hựu Hà – bđd)

Một lần nữa, đi vào đời bần đạo là bầy tôi đây, cũng đã thấy những gì mà người xưa vẫn hay bảo: “Chí lớn gặp nhau”. Chí lớn đây, có thể chỉ là ý chí của người viết nhạc và của người vừa thoáng nghe nghệ sĩ hát, đã thấy vui. Vui trong gặp gỡ. Vui, trong cảm thông, sau nhiều người vẫn nghĩ về câu hát khác như sau:. 

“Yêu thương gì loài người
Ngoài những câu trau chuốt với đời
Ngoài những toan tính trong tiếng cười
Và những âm mưu dọn thành lời
Ta chỉ cần một người
Cùng với ta đợi chết mỗi ngày
Rồi hóa thân trong loài hoa dại
Để muôn đời không biết đớn đau.”
(Lê Hựu Hà –bđd)

Ấy thế nhưng, thấy vui rồi lại càng muốn kiếm tìm niềm vui khác, nơi chỗ khác. Những chỗ và những nơi, lại có ý/lời của cùng một nhạc bản, vẫn lập đi lập lại những khuyến khích, cũng đáng cười, như:

“Cười lên đi em ơi
Cười để giấu những dòng lệ rơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Chờ ngày xuôi tay xong kiếp người
Yêu thương gì cuộc đời
Toàn những chê bai và ganh ghét
Yêu thương gì cuộc đời
Toàn những phô trương và thấp hèn.”
            (Lê Hựu Hà – bđd)
Quả thật, đời người lâu nay vẫn có những ý/lời mà người thường hay dùng để nhắc nhở hoặc khuyên bảo nhau, hãy chọn động-thái sống rất đáng sống, như truyện kể về sự tái sinh của loài chim ưng, ở bên dưới:
Cuộc đời chim ưng kéo dài khoảng 70 năm. Nhưng để sống được quãng đời đó, nó phải trải qua một quyết định khó khăn.

Đến 40 năm tuổi, móng vuốt chim ưng dài ra, mềm đi, làm nó không còn bắt và quắp mồi được nữa. Mỏ dài và sắc của nó nay cùn đi, cong lại… Đôi cánh trở nên nặng nề với bộ lông mọc dài, làm nó vất vả khi bay lượn, bắt mồi. Lúc này, nó đứng trước hai sự lựa chọn.
- Một là cứ như vậy và chịu chết.
- Hai là: nó sẽ phải tự trải qua một giai đoạn thay đổi đau đớn kéo dài 150 ngày. Trong tiến trình đó, nó bay lên một đỉnh núi đá và gõ mỏ vào đá cho đến khi mỏ cũ gãy rời ra.
Chim ưng chờ cho mỏ mới mọc ra, rồi dùng mỏ bẻ gãy các móng vuốt cũ đã mòn. Khi có móng vuốt mới, nó nhổ các lông già trên mình đi. Và sau năm tháng, chim ưng lại bay lượn chào mừng cuộc tái sinh và sống thêm ba mươi năm nữa.

            Truyện kể thì như thế, nhưng lời bàn rất “Mao Tôn Cương”, thì như sau:

“Để tồn tại, chúng ta phải thay đổi chính mình. Đôi khi cần phải loại bỏ những ký ức, quá khứ, thói quen già cỗi. Chỉ khi nào chúng ta thoát khỏi gánh nặng của quá khứ, thì chúng ta mới sống hết mình trong hiện tại được. Việc này chắc chắn rất gian nan, phải sửa chính cái Ta đã bị huấn tập từ nhiều kiếp sống và đỏi hỏi chúng ta phải vượt lên chính mình.”

Xem thế thì, cuộc đời người cũng có rất nhiều thứ để ta suy và xét. Suy xét những sự kiện về chuyện tin tưởng lẫn nhau, hoặc tin vào người khác rất ý nghĩa, như lời bàn của đấng bậc thày dạy ở Sydney, như hôm nào:

Tin, là cung cách khác biệt để trở thành sự thể cho con người. Đó là hành động thực thi; là nghệ-thuật sống rất khác biệt. Là, sống khác với lối khôn ngoan/khéo léo của người đời. Niềm tin, khiến cho các tín-hữu có khả năng nhận hiệu lệnh nào khác hẳn để hiện hữu. Nó khiến cho chủ thể tự do có thể hiện-hữu ngõ hầu sống một cuộc sống đích-thực và nói lên những gì có ý nghĩa cho người khác biết.

Ta không thể khiến cho tính mỏng dòn/dễ vỡ của niềm tin thành chuyện dĩ vãng. Đó là tính chất độc đáo duy nhất của niềm tin. Điều này không có nghĩa bảo rằng: niềm tin là loại-hình kém cỏi có hoán-chuyển giữa tín-nhiệm và hiểu biết. Đó không là chọn lựa, nhưng nó mang tính “mỏng dòn” và chỉ đoan-chắc với chính nó, thôi. Nó không bao giờ bị “qua mặt” hoặc “lướt thắng”. Nó như thứ gì khác các kết cuộc của điều tra/truy tầm, hoặc ngẫm nghĩ.

Cũng tựa như “trò chơi”, trong đó có sai sót, lỡ hụt và cũng như thành-tựu, thắng cuộc sao đó, rất không ngờ. Khi ta không mấy chắc chắn về nhiều “sự việc” nào đó thì đó là lúc ta tin và biết rất chắc về Đấng Duy Nhất –dù được diễn tả như thế-  là để ta tin.

Trong cuộc sống có niềm tin, bao giờ cũng có những giây phút thăng trầm khi thì lên cao lúc lại xuống thấp. Tin, tiếp tục là niềm tin khi nó được thử nghiệm; và điều này xảy đến cũng rất thường. Tin liên tục và xuyên suốt rất hạnh phúc không là sự việc thông thường. Khi xảy đến, nó là quà tặng hơn cả chuyện tự nhiên, rất thường tình.

Tôi nghĩ, niềm tin vẫn xa rời tín hữu Đức Kitô khi họ thực sự trải qua thời khắc của các thảm kịch ở đời người. Chí ít, là vào lúc mọi người gọi đó là “thánh giá mới” Chúa gửi đến cho những người đã từng vác thập giá của chính mình hoặc của ai khác. Trong khoảnh khắc vác thập giá như thế, có thể: đó là thời khắc kéo dài mà người vác không cố gắng tìm ra giải đáp, mà chỉ biết vác mang nó, thôi. Như thế, tức là: tin vào “Đấng” nào đó vẫn có mặt ở đó, vào mọi lúc. Đó lại là những điều khiến cộng-đoàn kẻ tin vẫn cứ tin.         

Luận về niềm tin cách hay nhất là bằng truyện kể. Truyện, kể về tính nhiệm-mầu, khó hiểu hoặc bí ẩn hệt như thể đoản khúc thi-ca, tức: thứ ngôn ngữ nào mà mình không sở hữu, nắm chắc. Tức: hoàn toàn không bị ép buộc phải theo, hoặc thấy mình thoải mái hơn với những gì đang xảy đến. Các truyện kể, còn đặc biệt hơn khi kể về Đức Kitô và về thập giá Ngài gánh vác, nhất là về sự việc Ngài Phục Sinh quang vinh, tức: những điều trở thành thứ gì đó có nghĩa đối với ta, cho ta. Đó, cũng là lý do khiến ta lại hỏi: làm sao những truyện kể như truyện thánh Tôma “cứng lòng tin” lại có tầm quan trọng đối với cuộc sống có đức tin được?

Ở động-tác “tin”, vẫn có thứ gì đó như thủ thuật “giả kim loại” từng làm người khác tin như thật, lại biến đổi lý tưởng “tin” khiến ta vượt kinh nghiệm có thể có với các trải nghiệm thực hữu. Thứ kinh nghiệm diễn bày những gì vượt trội diễn trình khả dĩ thực hiện được. Nó là tài sản của lòng tin để biến đổi lý tưởng, lý lẽ về Đức Chúa là Đấng Cao Cả thành lý tưởng đặc trưng cho tưởng tượng, như về chuyện Đất Chúa hứa ban cho dân con của Ngài.

Cũng là điều hay, để ta thấy: không có gì sai trái đối với niềm tin ta đang dành chỗ cho sự ngờ vực. Bởi, bao giờ ta cũng muốn cam đoan và khẳng định về đấng thánh như “Tôma cứng lòng tin” đang có bên trong ta mà hiểu rằng ta cũng biết: ai đó phải ngang qua giai đoạn đó và niềm tin vẫn còn đó, không đi đâu và cũng không mất mát ở đâu hết.”(xem Lm Kevin O’Shea, Tin, động tác phát tự con tim, www.giadinhanphong.blogspot.com 01.08.2013)

Tin đây, không chỉ để cùng nhau biện-luận hoặc viện lý lẽ này/khác với nhau và cho nhau. Nhưng, “tin” là sống đích thực những gì mình muốn sống cho đúng, cho hợp lẽ. Với mọi người. Và, “tin” là cứu cánh và là đích điểm để đạt tới, như lời đấng thánh hiền lành từng quả quyết ở Tin Mừng:

“Sáng sớm, khi trở vào thành, Người cảm thấy đói.
Trông thấy cây vả ở bên đường,
Người lại gần nhưng không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi.
Nên Người nói:
"Từ nay, không bao giờ mày có trái nữa!"
Cây vả chết khô ngay lập tức.
Thấy vậy, các môn đệ ngạc nhiên nói:
"Sao cây vả lại chết khô ngay lập tức như thế?"
Đức Giê-su trả lời:
"Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan,
thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả,
mà hơn nữa,
anh em có bảo núi này:
"Dời chỗ đi, nhào xuống biển!",
thì sự việc sẽ xảy ra như thế.
Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện,
thì anh em sẽ được."  
(Mt: 21: 18-22)

Quả là, những ai không tin vào Tin Mừng do các thánh loan truyền/phổ biến, có thể cũng sẽ cho đó là quá đáng? Nhưng, với những vị và những người lâu nay vẫn “tin” vào Lời của Chúa do đấng bậc thánh-hiền như Mát-thêu thánh-sử ghi chép, lại vẫn thấy đó là “sự thật”. Sự thật, theo nghĩa đúng như mục tiêu/mục đích của nỗi niềm ta vẫn tin.
Và, những ai vẫn tin vào “Tin Vui An Bình” do các thánh chuyển tải hoặc phổ biến từ thời mới có chữ viết, thì “tín-thư” về niềm tin sâu sắc vào Tin Vui An Bình, vẫn như thế. Như thế và như thể, chính đó là cứu cánh của cuộc đời vui. Bởi, cuộc đời của con người chỉ vui khi đã tin. Tin, không chỉ tín-nhiệm vào những điều mà đấng thánh hiền lành từng minh-xác. Mà, còn vui vì những chuyện đáng ta để tâm coi đó là chuyện thật, như câu truyện kể để minh-hoạ, ở dưới:

Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen.
Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu .
Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.

Chủ khách sạn cầm lấy tờ 100 Euro và chạy đi trả nợ cho anh hàng thit.
Anh hàng thịt cầm tờ 100 Euro, chạy đi trả cho ông nuôi lợn.
Ông nuôi lợn cầm tờ 100 Euro, chạy đi trả cho người bán thực phẩm và chất đốt.
Người bán thực phẩm và chất đốt cầm tờ 100 Euro, chạy đi trả cho cô cave - trong thời buổi khó khăn này thì ngay cả "dịch vụ" của cô cũng phải bán chịu.
Cô cave chạy đến khách sạn, mang theo tờ 100 Euro để trả cho ông chủ món nợ tiền phòng trong những lần tiếp khách thời gian qua.
Chủ khách sạn đặt tờ 100 Euro trở lại mặt quầy, y như ban đầu.

Đúng lúc đó, người du khách từ trên gác đi xuống, bảo rằng mình không ưng được phòng nào, sau đó lấy lại tờ 100 Euro và rời thị trấn.
Chẳng ai kiếm được đồng nào cả.
Thế nhưng, cả thị trấn giờ đã hết nợ nần và lạc quan nhìn về tương lai.”
(Trích dẫn thâu lượm từ mạng lưới toàn cầu)

            Thật ra thì, truyện kể ở trên có thể là truyện thật cũng có thể là hư cấu. Thật hay hư, cũng chỉ để minh hoạ và rút tỉa làm đoạn kết cho chuyện phiếm cũng rất “đời thường” ở đời. Kể rồi, nay xin mời bạn và mời tôi, ta cứ tiếp tục hát những lời vui của người nghệ sĩ nay đã ra người thiên cổ, nhưng vẫn vui hát suốt một đời, ở thế giới nào đó, rất “bên đó”, như sau:

Cười lên đi em ơi
Cười để giấu những dòng lệ rơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Chờ ngày xuôi tay xong kiếp người
Yêu thương gì cuộc đời
Toàn những chê bai và ganh ghét
Yêu thương gì cuộc đời
Toàn những phô trương và thấp hèn.”
            (Lê Hựu Hà – bđd)
            Vâng. Đúng thế. Hôm nay đây, bần đạo bầy tôi chả dám phô trương thứ gì hết. Vì có phô và có trương cũng chỉ là những cái “thấp” và “hèn” của riêng mình mà thôi. Không phô trương, mà chỉ dám cùng ai đó, ta cứ hát và cứu vui, như bao giờ.
            Trần Ngọc Mười Hai
            Chỉ dám nhắc nhở tôi
            Nhắc nhở mình
            Những điều, rất như thế.
           



      


               

Saturday 24 August 2013

“Ngàn xa bốn bề sao im vắng.”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 22 thuờng niên năm C 01-9-2013

“Ngàn xa bốn bề sao im vắng.”
Sông nước như say sưa khúc mơ màng.
Lưu luyến cho long khách giang hồ,
Qua bong mây trôi êm đềm ngày mơ.”
(Hoàng Giác – Bóng Ngày Qua)
(Rm 1: 10-12)

            Có một lần, bạn đạo trong đời cứ hỏi bầy tôi đây là bần đạo: sao bạn “phiếm” nhiều chuyện Đạo rất “lạo xạo”, mà có biết về cụ đạo họ và tên Vũ Sinh Hiên không? Nghe đâu cụ này từng có chuyến Mỹ du năm ấy rất nổi bật, vân vân và vân vân...”
            Vốn dĩ không ngại phiếm chuyện đạo cả chuyện đời của bạn đạo rất thân thương là người anh trên mình một lớp, sao dám chối từ! Vâng. Bạn hiền họ Vũ tên Hiên của bần đạo cũng từng bị cái mà bạn và tôi nay cứ hát lời muộn màng, im vắng quá chăng?
Bạn hiền tên “Hiên” của bần đạo, tuy không hát những lời “lăng nhăng” đến là thế, mà chỉ dám viết về cái gọi là “lấy vải thưa che mắt thánh” như sau:

“Cách đây 9 năm, nhân dịp một đoàn hợp xướng ở TP. Hồ Chí Minh được mời sang Thái Lan trình diễn do một nhạc trưởng người Nhật Bản tổ chức, gồm nhiều ban hợp xướng tại các nước Đông Nam Á. Tôi đề nghị ca trưởng cho phép tôi được có mặt trong thành-phần các ca viên xuất ngoại, 14 người với tôi là 15, bởi tôi vốn từng là thành viên của ban hợp xướng này từ trước năm 1975.

Chúng tôi nhờ một văn phòng dịch vụ lo thủ tục xin cấp phát hộ chiếu cho 15 người. Đến ngày hẹn, 06/11/2002, chúng tôi lên phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh Công An TP. Hồ Chí Minh để nhận hộ chiếu thì chỉ có 14 người được cấp, riêng tôi được nhân viên của phòng trả lời: “Ông cứ về rồi lãnh đạo sẽ trả lời sau.” Trong suốt 9 năm trời, không một cấp lãnh đạo nào trả lời trả vốn cho tôi. Những hứa hẹn hoặc những lệch lạc bằng miệng kiểu này để rồi... “Non arriver où” (không đi đến đâu) thì mọi người dân sống ở nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đều đã quen. Không ai trả lời nhưng có một mẩu tin nhắn gởi vào điện thoại di động của tôi: “Đừng lấy vải thưa che mắt thánh”. “Thánh” nào đây nhỉ? “Thánh” nào mà theo dõi tôi trên từng cây số vậy. “Thánh” nào mà săn sóc con dân trong nước kỹ càng đến thế, nhưng biên giới và hải đảo dần dần rơi vào tay kẻ lạ thì “Thánh” lại không biết...” (xem Vũ Sinh Hiên, Sau Một Chuyến Đi, viết tại Phú Nhuận tháng 10/2011)

            Hôm nay, lại có người cũng như tôi tức “bầy tôi đây là bần đạo” chứ không phải bạn, tức: các bạn đạo của tôi, vẫn âm thầm những hỏi và hát. Hỏi và hát, là hỏi: các “thánh” nhà mình có hay hát những câu như ở nhạc bản trên, rằng:

“Lòng ngậm ngùi buồn vắng cố hương
Tiếng đàn gió hòa tiếng mến thương
Thuyền đời còn nhiều lúc lênh đênh
Tình đời gần còn lúc có xa
Nhớ đâu hình bóng ngày qua.”
(Hoàng Giác – bđd)

            Có thể là, bạn hiền của tôi, nhà họ Vũ tên Hiên hoặc các bạn khác cũng hiền như Hương Nam, Vũ Nhuận và nhiều nữa, cũng từng hỏi và hát những điều như thế. Và như thế, tức: nhiều người, có lẽ cũng giống bầy tôi đây chứ nhưng không như “bạn đạo” đang đọc giòng suy-tư này, vẫn trải qua những ngày nhớ đến các “hình bóng ngày qua” trong đời bềnh bồng, tin tưởng vào chuyện đời thường.
            Bóng Ngày Qua”, lại vẫn nghe như: “Ngàn sao bốn bể sao im vắng”, thấy cũng ngán. Ngán ngẫm nhiều, khi nghệ sĩ cứ hát thêm những câu rất mến thương như sau;

            “Một bóng đang lạnh lùng đi
Chìm đắm trong đêm
Đi không bờ bến
Đôi mắt đăm đăm nhìn cõi hư vô
Tìm lại ngày xa ... vắng ... xa
Mờ xa khuất đồi xanh êm ấm
Xa thế nhân say mơ giấc điên cuồng
Không biết chăng một bóng trong sương
Ngơ ngác đang đi tìm một ngày qua.”
(Hoàng Giác – bđd)

Cũng một ngày, lòng những “ngậm ngùi vắng bóng cố hương”, “trong sương”, bần đạo bầy tôi vội đưa mắt liếc vào tuần báo The Catholic Weekly hôm 23/6/2013, bèn thấy đôi giòng chảy của đấng bậc thuộc giới chóp bu ở Tổng Giáo Phận Sydney, cũng có lời bàn về những “bóng hình qua” của cả một Giáo hội rất thánh, như sau:

“Con số những người đi đạo, đặc biệt là người Đạo Chúa và người đạo Hồi, đang trên đà gia tăng, trên thế giới. Có thể, những người theo chủ nghĩa thế-tục sẽ không thấy vui khi thấy thống kê ra như thế, nhưng hãy cứ tin rằng: vấn đề người đi Đạo ở Úc, lại đã khác và vẫn tạo nhiều kinh ngạc.

Kinh ngạc đầu, cho thấy con số người đi Đạo ở Úc đã gia tăng kể từ hai thống kê vào năm 2006 và 2011. Vào năm 2011, có đến 5,550,000 người Công giáo đi Đạo tại Úc, như thế là đã gia tăng đến 310,000 so với năm 2006 là năm cũng có gia tăng khoảng 125,000 người so với năm 2001, trước đó.

Lý do của sự gia tăng này là nhờ vào sinh suất và số người di cư từ nước khác đến Úc, dù cho khi đó, từ năm 2006 đến 2011, có đến 100,000 người bảo là mình không còn là Công giáo nữa.

Tổng dân số Úc châu tiếp tục gia tăng bất kể số người Công giáo ở đây đã tụt giảm từ 1.3% xuống 25.3% vào năm 2011. Nhưng người đạo Hồi ở Úc lại gia tăng đến mức đáng kinh ngạc, tức lên 70% trong vòng 10 năm từ 476,000 vào năm 2011. Nói chung, tỷ lệ phần trăm số người này tuy còn thấp ở mức 2.2% dân số, nhưng số dân theo đạo Hồi ở Úc thuộc nhóm sắc tộc có mức độ gia tăng nhanh nhất ở thế giới phương Tây. Họ đến từ các nước khác nhau như: Thổ Nhĩ Kỳ cho chí đảo quốc Fiji.

Nói tóm lại, không một ai từng đến nhà thờ Công giáo đặc biệt là các xứ đạo ở Sydney, lại kinh ngạc thấy rằng gần như một phần tư các người Công giáo như thế sinh tại nước ngoài và một phần sáu những người thuộc quá trình không nói tiếng Anh, đang ở Úc.

Chẳng có gì khiến ta ngạc nhiên khi thấy con số người trẻ Công giáo vẫn thường xuyên thờ phượng Chúa đã suy giảm cũng khá nhiều; thế nhưng, họ vẫn tỏ ra chính thống hơn vào năm 1996 ngoại trừ việc tin vào Chúa sống lại và một phần ba những người này còn tin việc Chúa xuống thế làm người.” (xem Hồng Y Goerges Pell Tổng Giám mục Sydney, Numbers up, percentage down, The Catholic Weekly 23/6/2013, tr. 8)      

 Đấng bậc vị vọng nói như thế, có giống người viết nhạc lại hát, như sau chăng?

“Lời nhủ thầm đàn đứt dây tơ
Áí làm chi cuộc sống trong mơ
Cuộc đời còn nhiều lúc khắt khe
Lòng người còn nhiều lúc sắt se
Quên đi hình bóng ngày qua.”
(Hoàng Giác – bđd)

            “Quên đi hình bóng ngày qua”, có thể là tâm trạng của ai đó trong Giáo hội, chứ tuyệt nhiên không thể và không là lập trường và động thái của nhà Đạo có các bạn hiền của mình. Bởi, bạn đạo mình vẫn cứ “tin” rằng “niềm tin” đi Đạo của bạn và của tôi, là bần đạo bầy tôi đây cũng từng tìm hiểu ý/lời của bậc thày giảng dạy đã có lời rất thẳng thắn rất nhắn nhủ, khi bần đạo tìm tới để hỏi han, lan man một tình tiết, rất như sau:

“Ta thấy đó. Tin là thứ gì đó rất tự-do. Thứ tự do thoát khỏi những gì là chính ta. Chính đó là đáp ứng. Ứng đáp, từ chính ta. Chính vì ta đã đáp-ứng lại ai đó, người mà ta chưa từng gặp gỡ, vào lúc trước. Đó, chính là động-tác dính dự; tức: chính ta chọn được ràng buộc chính mình vào một người nào, để rồi ta cho nó đi vào với đối kháng; và, ta biết là mình đã tin vào người đó rồi. Ta không chỉ tin-tưởng vào những gì ta nghe biết mà thôi, nhưng còn tin vào người đó. Ta đặt mình trong tay người đó, tức: người đó biết rõ mọi sự, hơn cả ta. Và, ta tin vào Chúa, tức: do bởi ta đã gặp Ngài. Ngài là Đấng ta được gặp. Nơi Ngài, ta có khả-năng để tin theo. Ta tin vào Đức Giêsu và vào Hội thánh của Ngài. Ta cũng tin vào dân con được Chúa tin-tưởng. Và thông thường, ta làm việc đó mà không biết rõ chi tiết hoặc chưa từng làm sáng tỏ câu chuyện mình muốn nói, thật ra là có ý nghĩa. Ta không cần đến những chuyện như thế. Ta đã có mặt ở đó. Và, ta tin. Thế là đủ.
Niềm tin, thật ra là quyết định của ta. Là, chọn lựa do ta tự-do tạo ra và nhất quyết can dự.
Khi sự việc đến với ta, ta lại không tìm được Chúa. Mà, chính Chúa đã tìm ta. Sau đó, ta mới lại khám phá ra: đó chính là Ngài. Và, Ngài tiếp tục là Đức Chúa. Tiếp tục là Đấng ban cho ta quà niềm-tin. Ta không thể xác chứng điều đó cho bất cứ ai. Nhưng, đến lượt mình, ta lại có thể kể cho ai khác biết được chuyện đó và làm chứng cho mọi người, rằng: như thế là Chúa, bởi tự thân, ta chẳng biết cách làm như thế. Và từ đó, ta biết ơn Chúa và tri ân những người từng làm nhân chứng cho ta. Bởi, cùng đồng hành với họ, ta trở thành kẻ tin, cũng rất vững.
Ngày nay, người ta nói nhiều về nhu cầu đòi Giáo hội phải canh-cải việc ‘rao truyền Đạo Chúa’. Điều này có nghĩa: Giáo hội cần yêu cầu những người trong Đạo phải quyết tâm tin. Phải thật sự có niềm tin đích-thực. Tin, như thể mình chưa bao giờ tin được như thế. Có thể là: trước đây, những người như thế cũng từng đồng hành mang theo sự tin tưởng, rất tương tự. Nhưng, xem ra như thể: mình đã chẳng tin vào những chuyện ra như thế? Giáo hội, cũng có nhiều người từng lĩnh-nhận bí-tích thanh-tẩy, cũng đi lễ và rước Chúa vào lòng cũng như từng nghe giảng giải các sự việc này khác, nhưng chưa từng ngồi lại mà nhìn vào chính mình, để tìm xem những gì đã và đang thực sự xảy đến bên trong con người mình. Chúa vẫn hiện diện với mình ở trong đó. Và, Ngài trao ban cho mỗi người và mọi người quà tặng niềm-tin. Mọi kẻ tin đều xác chứng được điều đó, cho chính họ. Nhưng chừng như họ chưa từng có lập trường tư riêng tạo cho mình, để rồi khi niềm-tin sờ chạm chính con người mình, thì mình mới đáp ứng theo cung cách riêng tư và thực sự. Tất cả mọi người, ai cũng cần gặp lại người-chứng là những người sờ chạm vào người mình, để rồi dẫn đưa mọi người đi vào mà đáp ứng với niềm-tin trung-thực hơn là chính mình từng ban phát cho người khác. Và, điều này ta gọi là “cải-tân rao truyền Lời Chúa”.
Chúa lúc nào cũng sẵn sàng có mặt với ta một khi ta chuẩn bị cho chu đáo. Chúa thực sự hiện diện ở trong đó, nơi ta; nên, mọi biến đổi đều ở nơi ta, và trong ta.
Đến với niềm tin là quy-trình luôn thăng-tiến trong mọi quan hệ. Quan-hệ giữa Chúa và ta, cũng như giữa ta và người khác. Đó là: sự thể đã và đang hiện hữu, rất đích thực. (xem Lm Kevin O’Shea CSsR, “Tin, Động-tác phát tự con tim”, giáo án giảng dạy tại Đại Học Công Giáo Strathfield Sydney 25/5/2013) 

            Vâng. Đúng như đấng bậc thày dạy của bần đạo nói ở trên: Ngày nay, người ta nói nhiều về nhu cầu đòi Giáo hội phải canh cải việc ‘rao truyền Đạo Chúa’. Canh cải, không chỉ từ bên trên bằng cách đặt ra “Năm Thánh Đức Tin”, mà thôi. Canh cải, không chỉ cứ bảo mãi, rằng: “Đừng lấy vải thưa(mà) che mắt thánh.” Bởi, nếu quan niệm các thánh chính là mọi dân con đi Đạo và sống Đạo mà thánh Phaolô từng gọi thế, thì mắt thánh đây nhiều như “mắt khóm” ở quê làng trồng trọt. Canh cải việc truyền Đạo, còn là cải canh cả tâm tư/tâm-tưởng, lẫn linh đạo. Như nhận định của ai đó, trên báo chí, rất như sau:

“Năm 2007, các nhà khảo sát nghiên cứu xuất từ Đại Học Công giáo và Đại học Monash ở Úc có đưa ra một báo cáo về linh-đạo của thế hệ Y, so với niềm tin đi Đạo của những vị thuộc thế trước đó.
Điều thú vị gặp được ở bản báo cáo này, là: họ nhận thấy rằng niềm tin tưởng của thế hệ trẻ thay đổi chỉ chút ít so với các thế hệ trước đó, tức: vẫn nhấn mạnh lên tầm ảnh hưởng có từ niềm tin của bậc cha mẹ lưu truyền cho con cái.
Một khám phá khác nữa, là: thế hệ Y so với các thế hệ trước đó, đánh giá cao lên quan hệ gần gũi với bè bạn và lên cuộc sống vui tươi, hấp dẫn. Trong khi giới trẻ ao ước một thế giới an hoà, chính đáng và lành mạnh, thì chuyện tôn giáo và linh đạo thông thường vẫn không được coi là quan trọng.
Nói chung thì, bản kháo sát thách thức các trường Công giáo hãy thử dấy lên và dẫn truyền nơi người trẻ một đánh giá cao hơn nữa truyền thống linh đạo nơi Hội thánh.” (xem Molly Hancock, Spirituallity Among Young People, Australian Catholics Winter 2013 tr. 13)

            Không cần biết các bạn “trẻ người non dạ” nói ở đây có thuộc về thế hệ Y hoặc Z hay không. Chỉ cần biết, bạn trẻ cũng như bạn già chúng ta, vẫn cứ kiếm tìm niềm tin “xuyên suốt” những tháng ngày rày nung náu. Nung và náu, vẫn quyết tâm sống một cuộc sống có tình thương yêu đích thực trong thế giới phàm trần vẫn đang thiếu tình thương yêu chuyền cho nhau.
            Sống quyết tâm có tin và yêu trong thế giới phàm trần, còn là sống như người anh người chị đi trước, cũng từng sống thân thương, mẫu mực như truyện kể ở bên dưới:

“Cha Giuse Bùi Văn Nho, cha sở họ Jeanne d’Arc Ngã Sáu Chợ Lớn thuật truyện như sau:
Một đêm thanh vắng, mọi người đang an giấc, thành phố ngủ yên, bỗng chuông điện thoại reo vang. Tôi cầm ông nghe.
-Đây, bệnh viện Hồng Bàng, xin mời cha đến, có sư bà muốn xưng tội. Tôi ngạc nhiên đáp:
-Sư bà thì làm sao xưng tội được! Nếu bà muốn theo đạo, thì phải dạy giáo lý cần thiết cho bà rồi rửa tội ngay cho bà đi.
-Thưa cha, bà sư này là người Công giáo, xin mời cha đến ngay, bà đang trong tình trạng nguy hiểm vì thổ huyết quá nhiều.
Bà phước coi bệnh viện xác nhận với tôi như thế, trong điện thoại. Tôi chạy ngay đến bệnh viện, thấy sư bà nằm liệt giường, không nói được, nên tôi hỏi vắn tắt để biết bà có là người Công giáo không thôi.
-Tên thánh bổn mạng của bà là gì?
-Maria Anna.

Câu trả lời của sư bà đủ để tôi ban các phép sau hết vì không thể hỏi thêm được nữa. Tôi giúp bà thống hối tội lỗi, rồi ban phép giải tội và các phép cho bà. Ra khỏi trại, tôi dặn bà phước: Tình trạng bà quá nặng, tôi phải ban các phép sau hết cho bà. Nếu mai mốt sư bà tỉnh lại, dì phải cho tôi hay để tôi bổ khuyết cho bà. Qua bốn hôm, bà phước cho tôi hay, sư bà tỉnh lại, tồi liền đến và trước khi xưng tội, tôi bảo sư bà cho biết lý lịch. Thì bà kể: 

“Thưa cha, quê con ở Cái Nhum, Chợ Lách, thuộc giáo xứ cha P. Thắng. Con bấy giờ là trưởng hội hát trong xứ và là đoàn viên của đoàn Con Đức Mẹ. Khi lên 20 tuổi, có một thanh niên ở Sàigòn quen biết con, xin cưới. Hai gia đình đồng ý và đã làm lễ hỏi. Đến ngày hẹn cưới, vị hôn phu con xin hoãn lại ba tháng để thi lấy bằng thành chung. Anh về Sàigòn và dặn con an tâm chờ đợi. Ba tháng, bốn tháng rồi một năm rưỡi qua đi mà bặt vô âm tín. Con buồn rầu xấu hổ, nhất quyết lên Sàigòn tìm kiếm, mặc dầu cha mẹ và cha sở can ngăn không cho. Ăn cắp ít tiền của cha mẹ, con trốn lên Sàigòn bơ vơ như gà lạc mẹ, tìm được nhà một chị bạn đồng hương để trọ, ngày nào cũng đi dò la tin tức mà không gặp tông tích người xưa. Một hôm, con đi dự thánh lễ tại nhà thờ Huyện Sĩ, tình cờ trông thấy vị hôn-phu của con mà anh ta không trông thấy con. Lễ xong, con đi theo dõi về tận nhà anh ta, mới biết anh ta có vợ và một con. Con bủn rủn tay chân, tâm hồn hồi hộp xao xuyến như muốn té xỉu. Rồi con buồn bã đi lang thang không biết xử trí thế nào? Về nhà thì xấu hổ với chị em bạn, lại sợ cha sở và cha mẹ quở mắng.

Sống lây lất ở Sàigòn được bốn tháng, tiền hết, thất nghiệp, thất tình, con vào Chợ Lớn tìm việc, bị mưa lớn, con liền trú mưa tại một ngôi chùa. Mưa kéo dài mãi tới tối, con đành ở lại chùa ngủ đêm. Sáng hôm sau, không biết vì sao mà cứ nấn ná ở lại không muốn ra đi. Nhà sư trụ trì chùa, thương hại cho con ăn cơm bốn năm ngày liền. Một hôm nhà sư đề nghị với con muốn tu chùa, sẽ giới thiệu ra Huế, vì thấy con sắc sảo, thông minh, lại tiếng hát hay (vì trong mấy ngày buồn, con thường hát nho nhỏ cho khuây). Bỗng nhiên con đồng ý và nhà sư đã biên giấy giới thiệu và cho con cả tiền lộ phí nữa.

Ra Huế tu được 20 năm, đã được giấy chứng chỉ của Đức Bảo Đại, nhận là bậc chân tu, con được lệnh vô Sàigòn lập chùa cho sư nữ vì trong Nam chưa có. Nhưng vì vào đây được ít lâu, con bị bệnh lao phải nằm nhà thương sáu tháng rồi. Mỗi lần con thấy cha vào thăm bệnh, đi qua giường con, con muốn nói mà không mở miệng nói ra lời, chỉ cúi đầu chào. Hôm qua con bị thổ huyết, mới đánh bạo nói thật với bà phước, nhờ bà rước cha đến...”
   
Bà sư sống thêm hai tuần nữa rồi qua đời khi đã hoàn toàn trở về với Chúa. Bà vừa tắt thở, có sự rắc rối xảy ra: một nhà sư đến trách tôi đã cướp mất sư bà của họ. Thiếu chi người khác sao cha không dụ dỗ theo đạo mà cha lại dụ dỗ người của chúng tôi? Tôi giải thích mấy, ông cũng không bằng lòng, nhất là khi nói sư bà trước là người Công giáo, ông càng thắc mắc hơn, không tin. Sau cùng, tôi để bên chùa tự do làm lễ an táng theo nghi lễ Phật giáo. Sư ông vui vẻ đồng ý. Nhưng hai giờ sau, nhà sư lại đổi ý trái ngược lại và nói như sau: “Chúng tôi xin nhường sự an táng bà này cho bên Công giáo.” Tôi ngạc nhiên vì sự thay đổi mau chóng đó, thì được nhà sư giải thích: “Trong khi chúng tôi thay đổi xiêm áo cho bà, đã nhận ra trong bóp của bà một lá thư nói rõ quê quán, tên thật và tên cha mẹ, và xin tin cho cha mẹ hay là đã chịu các Bí tích cuối cùng trước khi chết. Bà còn thêm: Tôi muốn được chôn cất theo nghi lễ Công giáo. Vì thế, chúng tôi xin nhường lại cho bên Công giáo và chỉ tiễn chân bà tới huyệt.” Đám tang có rất đông sư đi đưa và chỉ có tôi là linh mục. Sau khi tôi nghe nhà sư nói, tôi chạy đến bệnh viện nhờ bà phước lo liệu mọi việc theo nghi lễ Công giáo, thì bà phước trao cho tôi cái bóp của bà, tôi liền xem xét thì thấy ở một ngăn có một mẫu ảnh thay áo Đức Bà Núi Carmêlô. Tôi tin chắc, nhờ ảnh này, bà sư đã được ơn trở lại.” (x. Lm Bùi Văn Nho: Những trang sử đẫm mồ hôi của họ Chợ Lớn Việt Nam, tr. 94-100)

Được ơn trở lại”, theo lời kể và lập trường của cha sở họ Ngã Sáu Chợ Lớn, là ơn “vẫn cứ tin” vào và tin rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Dân con mọi người có ở nơi đây, chốn nào hoặc đạo khác, vẫn cứ thế được ơn. Dù có trải qua 20 năm lưu lạc kiếm tìm gặp gỡ Chúa nơi người ngoài luồng, ngoài Đạo. Thế đó, là lập trường tư tưởng của ai đó đó, rất giống bà sư. Thế đó, còn là ý tưởng nhỏ để bạn và tôi ta cứ trở về với lời của Đấng Thánh Hiền Lành từng xác quyết:

“Thật vậy, tôi rất ước ao được gặp anh em,
để chia sẻ với anh em phần nào ân huệ của Thánh Thần,
nhờ đó anh em vững mạnh,
nghĩa là để chúng ta cùng khích lệ nhau,
bởi vì cả anh em lẫn tôi,
chúng ta đều chung một niềm tin.”
(Rm 1: 10-12)

Thế nghĩa là, dù ta có ở đâu đi nữa, chân trời hay góc biển, trong luồng hay ngoài luồng ơn thánh sủng tràn đầy Đạo của Chúa, thì Chúa vẫn tìm đến ta để tuôn đổ mọi hồng ân, mà gìn giữ ta cứ thế mà sống khích lệ nhau. Gìn giữ và sẻ san cho nhau “phần nào ân huệ của Thánh Thần.” Thế đó mới là điều cần thiết ở trong đời. Một đời đi Đạo và sống Đạo.
Quyết thế rồi, nay cứ mạnh dạn ca lên câu cuối nhạc bản ở trên mà rằng:

“Mờ xa khuất đồi xanh êm ấm
Xa thế nhân say mơ giấc điên cuồng
Không biết chăng một bóng trong sương
Ngơ ngác đang đi tìm một ngày qua.”
(Hoàng Giác – bđd)

Như thế nghĩa là: dù bóng người anh người chị có đi xa khuất mờ, thì đàn em chúng ta, cũng đừng vì thế mà “ngơ ngác đang đi tìm một ngày qua.” Bởi, tất cả là ân huệ. Ân huệ trên ban vẫn giữ gìn ta trong Tình Yêu của Đức Chúa, vẫn cứ gần.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những quyết tâm
Vẫn cứ ân cần với bầu gần xa
Trong ngoài luồng.