Monday 25 March 2019

“Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ Tư Mùa Chay năm C 31/03/2019

“Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng”
Từng đàn chim bay trong ánh hoàng hôn.
Chơi vơi hồn ai tới chốn xa xôi !
Khuất bóng Kim-Ô chiều tàn lâm ly mây trời bao la.”
(Lâm Tuyền – Khúc Nhạc Ly Hương)

(Công vụ 18: 19-21)    

Một bạn thân của bần đạo là độc giả thường xuyên mục “Chuyện Phiếm Đạo Đời” lại chuyên nghe nhạc “vàng” của người mình nên cứ bảo: Nhạc Việt mình nghe vẫn hay là do ca-từ đượm niều chất thơ, nên rất tuyệt. Áp-dụng nhận định này vào đầu đề nhạc bản trích ở trên, kể cũng đúng. Đúng rất nhiều, là ở chỗ nhạc Việt nghe rất hay vì nó có âm vận bình trắc trong thơ rồi.


Diễn rộng hơn, bần đạo đây thiết nghĩ ta cũng nên đưa vào nền-tảng niềm tin trong Đạo rất hùng hồn. Nhưng, trước khi đi vào chi-tiết, mời bạn mời tôi ta tiếp tục hát lên câu ca mà bảo rằng:


“Lòng buồn sâù ước, như lũ chim quyết tung trời mây ?
Bao nhiêu giông tố hề chi
Bao nhiêu mưa gió biệt ly
Thề quyết ra đi từ đây.

Mặc đời giông tố muốn phũ phàng
Dàn chim Âu cứ tiến mơ màng dưới chớp xanh
Biển gầm mênh mông không nơi ngừng cánh tránh gió táp
Gióng cười the thé với sóng gào!
Đời ta như cánh gió theo tàu đi bốn phương.

Rồi một hoàng hôn
Rồi một hoàng hôn ta sẽ hồi hương
Trở về quê xưa thêm bao tình thương
Bao con buồm xưa đến đón cố nhân
Với bóng thân yêu ngàn đời chờ mong

Mây trời bao la lòng càng thổn thức
Quên hêt bao mối hận mà đi
yêu đương say đắm mà chi
Xa xôi đem thú biệt ly
Sầu nhớ đau thương làm chi.”
(Lâm Tuyền – bđd)


Hát thế rồi, hẳn có người đọc lại sẽ bảo: Nhạc Việt mình buồn nhiều hơn vui, nhất thứ là khi ca/nghệ sĩ mình cứ đong đưa thân hình theo nhịp điệu và ý-từ của nhạc bản mà ca lên từng tiếng và từng tiếng.


Gì gì đi nữa, nay mời bạn và tôi, ta tiến thêm bước nữa đi vào vùng trời nhà Đạo có những ý-tưởng cũng lạnh/buồn đến chán chê mê mỏi như phát hiện của “Tòa Thánh La Mã” vừa cho biết như sau:


“Theo thống kê chính thức do Tòa thánh ghi nhận, thì tỷ lệ người Công giáo trên thế giới vẫn như trước, trong khi đó thì số lượng linh-mục đang trên đà sa sút lần đầu tiên trong thập niên vừa qua. Vẫn theo khám phá mới của Tòa Thánh, thì: cùng một lúc, con số các giám mục, thừa-tác-viên dân-dã và giáo-lý-viên cũng đang giảm sút rất nhiều. 


“Cuối năm 2017, số người Công giáo nói chung trên toàn thế giới vượt quá 1 tỷ 3 trăm triệu vẫn tiếp tục tạo 17.7% dân số thế-giới , theo như tư-liệu của Văn phòng Báo chí Tòa thánh vừa cho biết hôm 6/3/2019.


“Phát-biểu, dựa trên Thồng kê của Tòa Thánh xuất bản vào ngày 31/12/2017 vừa rồi. Văn phòng báo chí Tòa Thánh cũng loan-báo việc xuất bản niên-lãm 2019 của Giáo hội bao gồm một loạt các thông tin có từ các văn phòng cũng như địa-phận và dòng tu trên thế giới.


“Theo báo cáo này, thì tổng số người đi Đạo đã gia tang tại mỗi lục địa. Nhưng, trong khi dân số Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh đang gia tăng theo tỷ lệ của mỗi lục địa thì Châu Á lại cũng gia tăng số người Công giáo lên 1.5% trong khi dân số chỉ tăng có 1% thôi.


“Cuối năm 2017, phần đông người Công giáo trên thế-giới) gồm tổng cộng 48.5% dân số thế-giới) hầu hết sống tại Châu Mỹ, tiếp đó là Châu Âu với 21.8%, Châu Phi 17.8% Châu Á 11.1% và Châu Đại Dương 0.8%


“Con số các vị Giám mục trên thế giới tiếp tục gia tăng một cách đáng kể từ 5,133 vị vào năm 2012 lên 5,389 vị vào năm 2017. Lần đầu tiên kể từ năm 2010, tổng số linh-mục ở địa phận cũng như thuộc các dòng tu trên thế-giới sút giảm đáng kể từ 414,969 vào năm 2016 xuống còn 414,582 vào năm 2017.


“Việc tấn phong linh mục tại các địa-phận lại tiếp tục suy giảm chầm chậm từ 6,577 vào năm 2012 xuống còn 5,815 vào năm 2017. Con số các thày dòng trên thế giới cũng suy giảm từ 51,535 vào năm 2017 từ 52,625 tính vào năm 2016.


“Con số phụ nữ sống đời tu-trì ở dòng tu cũng có khuynh-hướng suy giảm khoảng 1.6% mỗi năm tính toàn bộ trên thế-giới kể từ khi niêm giám 2013 cho thấy như thế. Việc con số gia tăng nhè nhẹ ở châu Phi và châu Á không đủ để bù cho con số suy giảm ở châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương.


“Các nữ tu trong các dòng khác nhau đang từ con số hơn 792,000 chị vào năm 2001, nay giảm xuống chỉ còn hơn 648,910 chị vào cuối năm 2017. Con số các ứng-viên chịu chức linh mục  --cả ở các chủng viện ở địa phận lẫn dòng tu khác nhau cũng cho thấy có sự giảm sút trên thế giới-- đang từ 116,160 chủng sinh hoặc đệ-tử vào năm 2016 xuống còn 115,328 vào cuối 2017.


“Con số thừa tác-viên dân-dụng trên thế giới lại đã gia-tăng hơn 100 vị đến 355,800 và giáo-lý-viên cũng tăng đến 34,000 vị tháp nhập vào số 3,120 ngàn vị vào cuối năm 2017. Về số người chịu thanh tẩy lại có hơn 15.6 triệu người trên thế giới chịu thanh-tẩy vào năm 2017 và hơn 2.3 triệu đám cưới thuộc Giáo hội Công giáo trên thế giới trong những năm vừa qua.” (X. Carol Glatz, Priest numbers decline, The Catholic Weekly 17/3/2019 tr. 17)


Nói về Đạo, mà lại liệt kê toàn những số và số, hẳn cũng không chuẩn cho lắm. Hoặc, phải nói là: “chuẩn nhưng vẫn cần chỉnh” mới đúng. Nói cho cùng, là nói và bảo với nhau về những thứ và những sự rất thẳng thừng. Chí ít là, những thẳng nhưng không lừng khừng, mới được.


Hôm nay đây, khi bàn về con số người đi Đạo theo kiểu thường xuyên đến nhà thờ, hẳn là người thời hôm nay vẫn còn nghĩ như thế và hơn thế. Gọi là Đạo Nhà Thờ, tức thứ Đạo và đức có lễ lạy hoặc có lễ mà không lạy, như đấng thánh hiền từng làm thế, rất khi trước. Giống là giống thế này:


“Khi đến Êphêsô,
ông Phaolô từ biệt hai người kia.
Phần ông, ông vào hội đường
và thảo luận với người Do-thái.
Họ xin ông ở lại lâu hơn.
Ông không chịu.
Nhưng khi từ giã họ, ông nói:
"Để lần khác tôi sẽ trở lại với các ông, nếu Thiên Chúa muốn."
Rồi ông xuống tàu rời Êphêsô.”
(Cv 18: 19-21)  


Thế đấy, là chi tiết về thứ lịch-sử cứ lặp đi lặp lại về chuyện ra đi và ở lại rất “ngùi trông”. Bùi ngùi và trông mong mỗi buổi chiều và/hoặc sau khi sinh hoạt với nhau, bằng nhiều cách. Từ cách thức của “Tiệc Bẻ Bánh” lẫn cách “hội ngộ” không chính-thức, không mang tính bài bản, cũng chẳng rêu rao, rặt hình-thức.


Thế đấy, là tình-huống của một Đạo Chúa luôn chuyển đổi và vẫn tiến về phía trước mà không ngại đổi thay.


Thế đấy, cũng là lập-trường sống của nhiều tập-thể, nhóm hội hoặc đoàn-thể, ở đây đó. Thế đấy, còn là và sẽ là tình-huống ít thấy hoặc thấy cách nào đó còn diễn ra ở đây, bây giờ và mai hậu. 


Cuối cùng thì, thế đấy lại là tình-hình sống động hoặc sống mà không động ở nhiều nơi trong Nước Trời Hội thánh, rất trần gian. Để minh-họa tình hình hoặc cảnh-huống sống, tưởng cũng nên đi vào vùng trời truyện kể trong đó có những giòng chảy cũng sinh động như sau:


“Truyện rằng:

“Ngày xưa, có vị vua nọ nhận được món quà là hai con chim ưng rất đẹp. Chúng là hai con chim ưng thuộc loài đẹp nhất mà ông từng thấy. Ông đưa những con chim quý này cho người nuôi chim trong hoàng cung huấn luyện.


Một tháng trời trôi qua, và người nuôi chim báo tin cho nhà vua rằng, mặc dù một con chim ưng đã bay vút lên bầu trời một cách mạnh mẽ, nhưng con còn lại vẫn không di chuyển khỏi cành cây mà nó đã đậu.


Vị vua mời các chuyên gia dạy chim nổi tiếng khắp nơi trên đất nước để đến xem tình hình của con chim ưng này, nhưng không ai có thể làm nó bay.


Đức vua đem sự việc này bày tỏ với các quan viên trong cung điện của mình, nhưng tất cả đều bó tay, con chim chưa rời cành bay lên.


"Biết đâu một người thân thuộc với vùng quê, hiểu tập quán của loài chim này có thể giải quyết vấn đề?" - nhà vua nghĩ bụng.


Lập tức ông gọi quan cận thần của mình truyền lệnh: "Hãy đi mời một người nông dân". Vào buổi sáng, nhà vua rất phấn khích khi thấy con chim ưng bay cao trên khu vườn cung điện. Ông nói với quan cận thần: "Mời người đã làm ra phép lạ này đến đây".


Vị quan nhanh chóng mời người nông dân đến để diện kiến trước đức vua. Nhà vua hỏi ông ta: 

-Làm cách nào mà người làm con chim ưng bay được vậy?
-Thưa bệ hạ, tôi chỉ đơn giản là cắt cành cây nơi con chim đậu đi, người nông dân trả
 lời.


Và, lời bàn của người kể: 


“Tất cả chúng ta đều có thể "bay", bởi đó là tiềm năng đáng kinh ngạc của con người. Nhưng theo thời gian, chúng ta ngồi trên những "cành cây" của mình, rồi dính mắc vào những thứ thân thuộc mà quên mất bản năng của mình.


“Khả năng của con người vô tận, nhưng hầu hết chúng ta vẫn chưa thể hoàn toàn khai phá hết. Chúng ta thích những thứ quen thuộc, thoải mái mà không chịu di dời. Vì vậy phần lớn cuộc đời, chúng ta đã quên mất bản năng của mình.


“Hãy học cách phá bỏ những cành cây của sự sợ hãi mà chúng ta bám vào và giải thoát bản thân để có thể bay lên một cách huy hoàng.


“Trong kinh doanh, nếu bạn cứ đi theo lối mòn, không tự đổi mới, khám phá và thích nghi với sự phát triển, thì bạn sẽ không thể thành công.


“Câu chuyện về 2 công ty phát triển thị trường giày tại Châu Phi là một bài học nằm lòng cho những ai không chịu khám phá, thay đổi tư duy. Chuyện kể về việc 2 công ty sản xuất giày nọ cử 2 nhân viên của mình đến Châu Phi để tìm hiểu thị trường nơi đây.


“Anh nhân viên công ty A đến nơi, thấy dân chúng nơi đây hầu hết đi chân đất, anh lập tức quay về báo cho công ty rằng, nơi đây không thể bán được giày, vì người dân nơi đây không đi giày.


“Anh nhân viên công ty B cũng đặt chân đến Châu Phi, cũng nhìn thấy người dân nơi đây hầu hết không đi giày. Anh vui mừng lập tức báo về công ty, rằng đây là 1 thị trường tiềm năng, hầu hết người dân nơi đây đều không có giày để đi. Cuối cùng công ty B đã thành công, phát triển được thị trường mới tại Châu Phi.


“Vẫn luôn có ai đó tận dụng các cơ hội mà những người khác bỏ qua. Thật không may là khi bạn quyết định tận dụng cơ hội thì nó đã không còn ở đó nữa.


“Những quyết định nhỏ có thể thay đổi cả cuộc đời lớn. Nếu chúng ta chấp nhận cắt đi cành cây suy nghĩ cổ hủ, chịu khó vươn lên trời cao, đổi mới tư duy theo kịp sự phát triển của thời đại chắc chắn sẽ thành công.


"Nếu muốn thành công, bạn phải dấn thân vào những con đường mới, chứ không phải đi du lịch trên lối mòn của những thành công đã được thừa nhận" là câu nói nổi tiếng của vua dầu hỏa John D. Rockefeller. Những doanh nghiệp tiếp nhận và đổi mới theo xu thế, đáp ứng nhu cầu khách hàng ắt thắng.


Lại một ví dụ khác:


“Có người đã từng làm một thí nghiệm rất thú vị: đem 5 con ong và 5 con ruồi nhốt chung trong một chai thủy tinh, sau đó đặt ngang cái chai, hướng cho đáy chai quay về cửa sổ. Hiện tượng gì sẽ xảy ra?


“Bạn sẽ nhìn thấy, những con ong không ngừng hướng về phía đáy chai để tìm lối thoát ra, cứ thế cho đến khi kiệt sức hoặc đói mà chết; còn ruồi thì chỉ một lúc sau đã có thể xuyên qua đoạn cổ chai mà thoát thân. Thực tế, ong vì thích ánh sáng mà kiên trì hướng về phía đó nên bước vào đường chết. Ruồi thì chả để ý gì đến ánh sáng, chúng chỉ nghĩ cách nào để thoát thân nên bay tứ tung, kết quả là qua bao lần nhầm hướng sẽ có lúc phát hiện ra lối thoát, nhờ thế mà đạt được tự do và sự sống mới.


“Thử nghiệm này chẳng qua cũng chỉ là một câu chuyện để tôi và bạn nghe qua cho biết. Trên thực tế cho thấy một doanh nghiệp luôn có khả năng gặp các thử thách đến từ nhiều hướng, từ sản phẩm, từ thị trường, từ khách hàng, từ đối thủ, và thậm chí từ đối tác...mà không thể lường trước được. Trước những thách thức đó, những "con ong" trong doanh nghiệp lúc nào cũng có thể đụng phải "bức tường thủy tinh" không cách nào giải thích được, làm thế nào? Chỉ có cố gắng sáng tạo, mới có thể chuyển biến tình hình, đạt kết quả tốt.


“Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó tốt hơn.” (Nguồn: Trí thức Trẻ)


“Có thế mất cái gì đó”, mất đi cái kinh nghiệm hay chẳng có kinh-nghiệm gì, vẫn là những thứ và những sự vẫn xảy ra ở đời thường. Ở con người. 



Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ sống và cứ mong
cho mọi chuyện trong đời và ở đời
khiến mọi người luôn toại-nguyện.   
Như truyện kể.

Monday 18 March 2019

“Cứ yêu xin đừng mơ ước gì”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ ba mùa Chay năm C 24/3/2019

“Cứ yêu xin đừng mơ ước gì”
“Dù xa nhau mãi
Vẫn yêu nhau hoài,
tình không hề phai.”
(Nhạc ngoại quốc – Lời Việt: Khúc Lan & Julie: Ngàn Năm Vẫn Đợi)

(Phillíphê 4: 6-9)

Phải chăng đây là tin nhắn của người đương yêu vẫn cứ yêu đương, như thời nào? Phải chăng đây còn là lời nhủ gửi đến hết mọi người, từ Nước Trời Hội thánh chốn trần gian?

Nói thế, kể ra cũng hơi đụng chạm. Đụng và chạm, cả với đấng bậc trong Đạo/ngoài đời ở Sydney, là vùng trời có nhiều chuyện để bàn, giống như “phiếm”. Và chuyện phiếm hôm nay, gồm nhiều lời lẽ tóm gọn ở câu truyện kể, sau đây:

“Truyện rằng:
Cặp vợ chồng nọ mới vừa kết hôn, đã sống rất nghèo trong lán trại nhỏ. Một ngày nọ, người chồng nói với vợ:
-Em yêu, anh sẽ rời ngôi nhà này… Anh phải đến một nơi rất xa tìm công ăn việc làm, rồi còn phải cật lực chăm chỉ mới trở về mang cho em một cuộc sống đầy đủ mà em xứng đáng hưởng. Anh không biết vợ chồng mình sẽ biệt ly bao lâu, vì vậy anh chỉ đòi hỏi em một điều thôi là: Hãy đợi anh. Khi anh không còn ở đây, em hãy giữ tấm lòng son bảo toàn thủy chung, bởi anh cũng sẽ xử như vậy với em.”

Sau đó, người chồng ra đi. Ngày lại ngày trôi nhanh, anh đi được quãng đường rất xa, cho đến khi gặp một lão nông phu bên đường. Lão ông đang tìm người phò tá cho mình. Chàng trai trẻ tiến đến gần bên ông tỏ ý muốn trở thành người hầu cận phụ giúp ông hằng ngày. Ông lão nhận lời. Sau đó, họ đồng lòng thảo luận với nhau. Người trẻ nói:
-Hãy để tôi làm việc chừng nào tôi còn có thể, và khi tôi nhận thấy đã đến lúc phải trở về cố hương, xin hãy để tôi đi. Tôi không muốn nhận một đồng lương nào trong lúc này – ngài vui lòng giữ lại giúp tôi cho đến ngày tôi rời đi. Vào ngày ấy, xin hãy đưa lại cho tôi toàn bộ số tiền ấy.

Họ cùng đồng ý với thỏa thuận này. Thế là người chồng làm việc trong nông trại của ông lão suốt 20 năm – không có ngày lễ, và cũng không có ngày nghỉ ngơi. Thấm thoắt 20 năm trôi qua, anh đến gặp ông chủ của mình và nói:
-Thưa ngài, đã đến lúc tôi cần trở về quê nhà, xin ngài hãy cho lại tôi số tiền tôi được hưởng trong những năm qua. Ông chủ trả lời:
-Tốt lắm! Cuối cùng, ta đã thỏa thuận với anh và ta sẽ giữ lời. Tuy nhiên, trước khi anh đi, ta muốn anh hãy cân nhắc điều này: Hoặc ta sẽ trả lại anh tất cả số tiền và để anh đi; hoặc ta sẽ cho anh 3 lời khuyên và để anh đi. Nếu anh chọn túi tiền, ta sẽ không cho anh 3 lời khuyên ấy; và ngược lại, nếu anh chọn lời khuyên, ta cũng sẽ không đưa tiền cho anh. Bây giờ, hỡi chàng trai trẻ, hãy về phòng suy nghĩ trước khi cho ta biết quyết định của anh”.

Sau hai ngày suy nghĩ, người trẻ quay lại nói với ông chủ:
-Thưa ngài, tôi muốn nhận 3 lời khuyên của ngài.
-Đừng quên là, nếu ta cho anh 3 lời khuyên ta sẽ không đưa tiền cho anh. Anh có điều gì băn khoăn không?
-Thưa ngài, tôi muốn nhận 3 lời khuyên…
Sau đó, ông chủ nói với anh:
-Một là: Đừng bao giờ lựa chọn đường tắt trong cuộc đời. Những con đường nóng vội có thể tiềm ẩn mối hiểm họa khôn lường! Hai là: Đừng bao giờ tỏ ra quá hiếu kỳ, bởi cái giá trả cho tính hiếu kỳ có thể quá đắt…Ba là: Đừng bao giờ quyết định trong cơn giận dữ hoặc trong lúc tuyệt vọng, bởi mọi quyết định mù quáng sẽ khiến anh hối hận muộn màng.

Tiếp đó, ông chủ đưa cho anh ba chiếc bánh mì rồi nói:
-Đây là 3 chiếc bánh mì dành cho anh: Hai chiếc để lên đường, còn chiếc cuối để anh thưởng thức với vợ khi trở về.

Tạm biệt ông lão, người đàn ông lên đường trở về nhà. Con đường 20 năm cách trở trải dài trước mắt. Anh hồi hộp mong chờ giây phút đoàn tụ với người vợ ở quê nhà.

Ngay ngày đầu tiên, anh gặp một hành khách trên đường. Người lạ mặt nói:
-Này chàng trai trẻ, anh đi đâu thế?
-Tôi đi đến một nơi rất xa, cách đây 20 ngày đường, nếu tôi tiếp tục đi về hướng này, thì...
Người lạ mặt nói:
-Ồ, anh bạn trẻ, đường sẽ rất dài và xa vời vợi! Tôi biết có một ngã rẽ giúp anh sớm trở về nhà.
Anh hăm hở bước theo con đường mới này. Nhưng sau đó, chợt nhớ lại lời khuyên ban đầu của ông lão, anh bèn trở lại con đường cũ lúc đầu tiên. Nhiều ngày sau, anh mới nhận ra rằng đoạn đường tắt hôm trước có nhiều tên đạo tặc mai phục.

Nhiều tháng ngày trôi qua, anh may mắn tìm thấy căn nhà nghỉ ở ven đường. Anh dừng chân dùng bữa tối rồi đánh một giấc dài…Đến nửa đêm, anh chợt thức giấc vì thấy có tiếng la hét thất kinh bên ngoài phòng trọ. Anh tung chăn dự định mở cửa xem điều gì xảy ra thế. Bất giác, anh nhớ lại lời khuyên thứ hai bèn nén nỗi tò mò và quay trở về giường ngủ.

Sáng hôm sau, khi dùng điểm tâm, chủ trọ hỏi liệu anh có nghe thấy tiếng la hét thất thanh đêm qua không? Anh đáp lại là: có. Ông bèn hỏi tiếp:
-Thế anh không tò mò ra xem chuyện gì xảy đến hay sao?
-Không, tôi không làm thế.
-Thật may cho anh. Anh là người khách trọ đầu tiên được sống sót mà rời khỏi nơi đây. Trong làng chúng tôi có một con quỷ. Cứ về đêm, nó thường la hét inh ỏi hầu gây chú ý. Bất cứ ai nghe tiếng hét mà chạy tới xem đều rơi vào nanh vuốt của nó…”

Anh tiếp tục hành trình của mình. Càng gần cố hương, anh càng hồi hộp và vui sướng. Ngày lại ngày, đêm này tiếp đêm nọ, đôi chân anh mỏi rã rời. Cuối cùng anh cũng thấy được ánh lửa bập bùng trong túp lều quen thuộc. Bầu trời đã tối lắm rồi, mà mái nhà của anh vẫn còn dài ở phía trước. Qua khe cửa, anh thấy bóng người vợ hiền mà anh thương yêu tha thiết. Nhưng kìa, sao nàng không ở một mình mà lại xuất hiện một gã đàn ông nào đó thế? Nàng vuốt tóc y ta, xem ra hai người rất có tình ý với nhau lắm.

Hình ảnh trước mắt khiến tim anh vỡ vụn đến cay đắng. Lòng anh sục sôi nỗi tức giận và tủi nhục. Anh chỉ muốn chạy ngay tới đó để trút giận. Nhưng rồi anh cũng cố hít một hơi thật sâu lấy bình tĩnh và nhớ lại lời khuyên thứ ba của lão ông nọ.

Anh dừng chân và quyết định ngủ lại ở bên ngoài. Nằm trên thảm cỏ giữa núi đồi trùng điệp ngắm nhìn sao trời trùng điệp, anh tự nhủ long mình hãy cố chờ cho đến sáng hôm sau. Thoạt lúc  bình minh vừa ló rạng lại cũng là lúc anh hoàn toàn lấy lại bình tĩnh, bèn nói nhỏ với lòng mình:
-Ta sẽ không làm điều gì hại đến vợ ta và người tình của nàng. Ta sẽ trở lại bên ông chủ và yêu cầu ông chấp nhận cho ta làm việc thêm ít thời gian nữa. Nhưng trước khi lên đường, ta muốn gặp nàng để nói rằng ta vẫn một lòng chung thủy với nàng…”
Anh ngập ngừng gõ cửa… Khi vợ anh mở cửa, cô òa lên vì hạnh phúc và ôm chầm lấy anh. Anh nhỏ nhẹ nói với vợ:
-Anh luôn một lòng một dạ với em, nhưng sao em lại phản bội niềm tin ấy?
Lời anh kết tội đã làm cho trái tim cô vợ thắt lại, cô bèn nói:
-Làm sao em có thể phản bội anh được cơ chứ? Em không bao giờ làm điều gì trái với lương tâm mình. Em đã kiên nhẫn đợi chờ anh suốt 20 năm …đến bây giờ
-Vậy thì người đàn ông bên cạnh em đêm qua là ai thế?
Đến lúc này, cô mới mỉm cười bèn nói nhỏ:
-Đó là con trai của chúng ta đấy anh ạ! Khi anh vừa rời đi, em mới phát hiện là mình mang thai. Đến nay, con của chúng mình cũng đã 20 tuổi rồi”.

Những lời nói vừa thốt khỏi miệng cô vợ, đã như giòng suối mát lành cuốn trôi nỗi buồn lắng đọng trong lòng anh. Anh xin cô tha thứ, rồi bước vào phòng gặp người con trai mà anh chưa một lần thấy mặt. Sau đó, cả gia đình đoàn tụ trong bữa điểm tâm ban sáng do vợ anh chuẩn bị. Anh lấy  chiếc bánh mì cuối cùng còn lại rồi đặt lên bàn.

Khi cắt bánh mì làm ba phần đều nhau, anh bất ngờ khi nhìn thấy toàn bộ số tiền lương của 20 năm qua được giữ kín trong đó. Số tiền không chỉ là 20 năm mà còn vượt xa gấp nhiều lần…

Câu truyện kể ở đây cho thấy Đấng Bề Trên cũng xử sự như ông chủ trong chuyện. Khi yêu cầu ta hiến dâng hết mọi sự cho Ngài, Ngài cũng dành tặng ta nhiều điều hơn ta làm. Ngài muốn con cái của Ngài có được trí huệ sáng suốt và mọi phúc lành xứng hợp…” (Theo Khỏe và đẹp)

Truyện kể ở trên, khác nào cổ tích thời đương đại. Cũng một ý tứ, nhưng lời lẽ có hơi vụng về, cách khác thường. Khác nhiều, vì trong đó đính kèm ý-nghĩa của đạo giáo có niềm tin vào Đấng Ở Trên soi sáng. Niềm tin đây, khác nào ý-tứ ở ca-từ được đượm thắm trong nhạc bản vừa trích dẫn có giòng chảy như sau: 

“Bên nhau ta say đắm ôi hạnh phúc đôi mình
Em nghe trong tim ngất ngây tình ta âu yếm
Tưởng tình trong như giấc mơ ta không hề biết
Con tim nhân gian sẽ không bao giờ bền lâu
Thôi đành tình em trao anh
Tình như thông xanh
Ngàn năm vẫn đợi
Người em yêu hỡi...muôn đời.. khó quên
Vì yêu em hãy đón em trong vòng tay
Cứ yêu xin đừng mơ ước gì
Dù xa nhau mãi
Vẫn yêu nhau hoài, tình không hề phai

Anh yêu ơi thế thôi trời đã an bài
Ta yêu nhau phải đâu vì ai xui khiến
Rồi ngày mai sau có em vui hay buồn tủi
Em xinh em tươi chỉ cho riêng em mà thôi
Anh xa rồi dù không bên anh
Mình em cô đơn em vẫn gắng cười
Đừng lo lắng thêm u sầu
Hỡi anh! Vì yêu em xin giữ em trong vòng tay
Cứ yêu xin đừng mơ ước gì
Giọt lệ em đã khóc cho bao ngày
Người ơi đừng quên
Người yêu ơi hãy xiết em trong vòng tay
Cứ yêu xin đừng mơ ước gì
Dù xa nhau mãi vẫn yêu nhau hoài
Tình không hề phai …”
(Nhạc Ngoại quốc - bđd)
Nói cho cùng, có kể truyện dài/ngắn hoặc hát hò vui chơi, nhiều lúc ta chỉ muốn nói lên một điều mà bậc thánh hiền từng khuyên bảo:
Anh em đừng lo lắng gì cả.
Trong mọi hoàn cảnh,
anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn,
mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa
những điều anh em thỉnh nguyện.
Và bình an của Chúa,
bình an vượt lên trên mọi hiểu biết,
sẽ giữ cho lòng trí anh em
được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.”
(Phillíphê 4: 6-9)

“Đừng lo lắng gì cả”, còn là và cứ là lời dặn của đấng bậc vị vọng ở chốn chóp bu từng lên tiếng trong chuyến bay từ Panama trở về La Mã hôm 27/1/2019 như sau:

“Nhiều vị rất đỗi ngạc nhiên khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với nhà báo trên chuyến bay trở về nhà từ Panama hôm 27/01/2019 rằng: ngài không nghĩ là hàng giáo sĩ trong Hội thánh, theo truyền thống La Mã, lại có thể chọn cuộc sống độc thân hay có gia đình tùy ý mình.

Đức Giáo Hoàng còn nói: “Riêng phần tôi, tôi tin rằng sống đời độc thân là một trong các ân-huệ Chúa ban cho Giáo hội ta. Kế đến, tôi không đồng ý với những ai có lập trường coi việc sống đời độc thân chỉ như một chọn lựa…

Tuy nhiên, trước đó và đặc biệt là trước khi đi vào vấn đề đời độc-thân linh mục, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thuật lại cho báo giới nghe lại câu nói của Đức Phaolô Đệ Lục vừa nảy ra trong đầu ngài mà bảo rằng: “Tôi thà cho đứt sự sống của mình hơn thay đổi luật lệ về cuộc sống độc thân linh mục.”

Ý tôi muốn nói: độc thân linh mục theo mình chọn không là con đường dẫn mọi người tiến về phía trước đâu. Đức Giáo Hoàng còn nói thêm: Nói thế phải chăng tôi là người có lập trường khép kín không? Có thể là như thế, nhưng tôi đây lại cảm thấy như thể mình đang đứng trước mặt Chúa mà xin Ngài ra qyết định này cho bằng được.”

Tuy vậy, rõ ràng là Đức Giáo Hoàng Phanxicô có phát biểu bảo rằng: “Rồi ra cũng có khả năng nào đó khiến ta phong chức linh mục cho nam-nhân ở các vùng sâu vùng xa trong hoàn cảnh ít có cơ hội dự thánh lễ do thiếu linh mục. Nhưng, cả vào trường hợp như thế, ta vẫn cần nghiên-cứu tìm hiểu sự việc nhiều hơn nữa. Nhận-định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khiến một số người từng ngờ vực cho rằng ngài là người muốn buông bỏ kỷ-luật về đời sống độc thân linh mục và cả những người vẫn cứ hy vọng rằng ngài sẽ làm thế, đã gây thất vọng ở nhiều nơi.

Cả hai nhóm người nói ở trên đều trông đợi rồi ra Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng sẽ đặt vấn đề này lại khi ngài triệu tập Hội nghị Giám mục Thượng đỉnh sắp tới ở Amazône xa xôi ở nơi đó có rất ít cộng-đoàn tín hữu tập trung đi lễ hoặc tham-dự các Bí tích khác vào cuối tuần.

Một số giám mục ở nhiều nơi thường nêu vấn đề phong chức linh mục cho các nam-nhân có hạnh kiểm tốt trong các cuộc họp vừa kể, các vị giám mục nói trên hy vọng rằng Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới sẽ nêu vấn đề này một lúc nào đó thuận-tiện hơn như Hội Nghị Giám mục Thượng đỉnh bàn về Tiệc Thánh tổ chức hồi 2005, đã có nghị phụ từng đưa vấn đề này đệ đạt lên Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 là Đấng bậc chủ quản coi việc thiếu linh mục là nguyên dó tạo niềm đau cho Giáo hội. Nhưng lúc đó, Đức Giáo Hoàng lại thêm một câu bảo rằng: “Trong bối cảnh ấy, các nghị phụ từng khẳng-định rằng: điều quan trọng ở chỗ đây là quà tặng khó lường về đời sống độc thân linh-mục trong Hội thánh La Mã.”

Một số tham-dự-viên Hội nghị Thượng đỉnh đã ám chỉ vấn đề nêu trên, nhưng cuối cùng cũng có nhiều nhóm khác lại bàn lui về khả-năng này bằng một đề nghị: ta không nên đề cập chuyện này nhiều không tiện. Thay vào đó, các nghị phụ kêu gọi mọi đấng bậc trong Hội thánh hãy bảo trợ nhiều hơn cho ơn gọi linh-mục.

Riêng hai thuật-ngữ “phong chức cho nam-nhân có đời sống đạo-đức” và “linh mục có vợ” không thấy xuất hiện trong tài-liệu chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh vùng Amazône dự trù tổ chức vào tháng 10 năm 2019. Nhưng, bản văn nói ở đây lại cũng khuyên rằng: “Cũng nên cân nhắc chuyện Dân con Chúa có cơ hội dự Tiệc Thánh Thể một cách tốt lành và thường xuyên hơn; bởi đó là trọng tâm cuộc sống của mọi tín-hữu Đức Kitô”, nên mới đòi các Giám mục phải đưa ra các đề-nghị trên hầu “hầu đáp-ứng nhu-cầu” vừa kể.

Trong văn bản này, các nghị-phụ còn nhấn mạnh rằng: các vị trọng tuổi được tấn phong phải là bậc thông thái trổi vượt khác hẳn hàng giáo sĩ địa phận. Giải thích lập trường này trên báo “Us Catholic Magazine” số tháng 3 năm 2010, Đức Giám mục Lobinger có nói, rằng: “Hai hình-thái linh-mục nói ở đây sẽ thực-thi vai trò khác nhau.

“Các bậc cao niên có nhiệm vụ hướng-dẫn cộng đoàn sống Đạo và thực-hiện các phép bí-tích trong cộng đoàn mình sống, trong khi đó linh-mục địa-phận là linh-hướng cho bậc cao niên trong các cộng đoàn biết tự chăm lo chính mình. Bởi thế nên, các linh-mục nói ở đây sẽ phục-vụ toàn-thể địa phận trong khi đó, bậc cao niên lại chỉ phục vụ cộng-đoàn mà các ngài được tấn-phong.”

Đức Phanxicô còn nói với báo giới là ngài thấy đề-nghị của Đức Giám mục Lobinger để cho linh-mục địa-phận và bậc cao niên được tấn-phong làm linh mục có thể thực-thi công tác khác nhau. Và, khi giải thích cho mọi người hiểu ý của các giám mục nói đây, Đức Phanxicô cũng cho báo chí biết thêm là ngài sẽ không nói nhiều chuyện này, là vì ngài không suy tư nhiều về việc ấy, và ngài cầu nguyện chưa đủ cho chuyện như thế, để nhường chỗ cho các nhà thần-học nghiên cứu thêm.”

Đức Giám mục Lobinger còn nói với báo CNS rằng: ngài xác tín thấy là một phần của việc suy tư, cầu nguyện và nghiên-cứu sẽ là chuyện phải lẽ khi Hội nghị Thượng đỉnh vùng Amazône được tổ-chức và ngài cũng nhấn mạnh rằng: Đức Phanxicô là “vị Giáo Hoàng đang lèo lái Giáo hội theo hướng ấy”.

Một điều thấy rõ hơn nữa, là: các nghị-phụ nói trên sẽ không bao giờ bàn thảo về chuyện ta có nên thiết lập đời sống linh mục độc thân tự chọn không. Trong cuốn sách do ngài viết và phát hành vào năm 2003 mang tựa-đề là “Linh Mục Cho Mai Ngày”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có nói: giả như ngài buộc phải thiết-lập việc này một cách thận trọng, thì việc tấn-phong linh-mục cho bậc cao niên sẽ gia tăng lòng cảm kích biết ơn các linh mục địa phận từng hiến dâng nhiều thứ hầu phục vụ Chúa và Giáo hội.” (X. Cindy Wooden, Married clergy not likely, Pope surprises some with his thinking on married priests, The Catholic Weekly ngày 10/02/2019 tr. 27)

Nói cho cùng, có bàn đi hoặc nói lại nhiều lần về vấn đề nóng bỏng ấy, hẳn là người bàn bạc sẽ bị bốc cháy cách nào đó, cả trong tâm tưởng lẫn bên ngoài mình. Bởi, chuyện linh mục có vợ hoặc cho bậc cao niên có vợ được phép làm linh mục là chuyện thời thượng của mọi thời. Không riêng gì với người đi Đạo ở đây đó, chí ít là ở quê nhà.

Thế nên, lại đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta nên bàn chuyện thiết-thực xảy ra trong cộng đoàn mình, chứ đừng nhìn về phía láng giềng, dù đó có là chòm xóm người Tây hay người mình đi nữa, cũng chẳng nên. Nghĩ thế rồi, nay ta cũng nên đi vào vùng trời truyện vui để tìm ra câu chuyện nào đó mà kể cho vui đời theo cách “phiếm-luận” lai rai, dài dài. Rất hôm nay.

Và truyện hôm nay, đâu đuôi nó thế này:

“Trong cuộc phỏng vấn về nghệ thuật quản lý, phóng viên hỏi một vì giám đốc:
– Ông có thể vui lòng chia sẻ bí quyết nào khiến cho 100% nhân viên của công ty ông luôn đi làm đúng giờ không ạ?
Vị giám đốc mỉm cười đáp:
– Tôi xin đính chính lại một chút, nhân viên công ty tôi không chỉ đến đúng giờ, thậm chí có khi còn đến sớm hơn hẳn một giờ nữa đấy!
Phóng viên trầm trồ:
– Một thành công thật đáng ngưỡng mộ! Bí quyết gì vậy thưa ngài?
Vị giám đốc chậm rãi:
– Thật ra cũng chẳng phải bí quyết gì to tát đâu. Chả là công ty tôi có tất cả 50 chỗ để xe. Trong số đó thì 49 chỗ là miễn phí, 1 chỗ còn lại tính phí gấp 30 lần phí bình thường cho người đến công ty cuối cùng. (Truyện kể tìm trên mạng vi tính)

Cũng chẳng phải bí quyết gì to tát đâu!” là câu nói có thể áp-dụng ở nhiều chỗ. Chí ít là Chuyện Phiếm Đạo đời vẫn kể truyện đời nhiều hơn truyện Đạo, giống như trên.


Trần Ngọc Mười Hai
Và những giờ phút
thấy chẳng có bí quyết gì to tát
cả trong chuyện Đạo.