Saturday 24 April 2010

“Em có yêu cuộc đời hôm nay”

Em có yêu cuộc tình giang tay

Em có yêu đồng ruộng không ai

Em có yêu tuổi trẻ sa lầy?...”

(Lê Hựu Hà – Lời Người Điên)

(Yn 8: 11)

Có đôi lúc, bầu bạn những muốn cùng bần đạo hát bài “Lời Người Điên”, như ở trên. Có hát thế, mới thấy rằng: lời ca đây, chắc không là lời của người khùng. Vì rất khôn. Và đây còn là lời nhắn hỏi người anh/người chị ở bờ đại dương, bên ấy. Hỏi rằng: anh nhớ chăng, đời người trẻ đã sa lầy?

Đời người, nay có những lời nhắn/hỏi của người đời, rằng: sa lầy chăng, đâu nào là tuổi trẻ. Lại chính là, nơi người lớn. Lớn xác. Lớn tuổi. Nhưng, không lớn về tinh thần. Như con Chúa.

Cứ nhắn hỏi, rồi lại hát. Vẫn cứ hát, rồi lại hỏi. Hỏi hát, hát và hỏi câu hóc búa, rất như sau:

“Em có yêu thành thị mênh mang, Em có yêu đại lộ thênh thang, Em có yêu biệt thự cao sang, Em có yêu loài người dối gian?”

(Lê Hựu Hà – Lời Người Điên, đã trích dẫn)

Cho dù điên, nhưng loài người nào đã dối gian. Ngay buổi đầu. Dối gian chăng, chỉ do thị thành. Đại lộ. Biệt thự cao sang. Cứ thênh thang, một tình thế. Tình, vẫn là thế. Nơi mình. Nơi người. Những người con, không còn yêu nhau nữa. Để rồi, như câu hát của người nhạc sĩ còn khá trẻ, đã biết hỏi:

“Em có yêu làm loài chim muông,

Tung cánh trong lồng vàng tô son,

Em có yêu một đời cô đơn,

Đang giết em lần mòn trong hồn?”

(Lê Hựu Hà – bđd)

Điều anh hỏi, có là: người đời đang giết người. Giết nhau. Trong tâm hồn. Đơn côi. Như câu:

“Em có nghe loài người chua cay,

Qua tiếng khen, nụ cười, xiết tay,

Em biết chăng những vòng thép gai,

Giam giữ ta mà nào có hay!”

(Lê Hựu Hà – bđd)

Những chua cay. Có ngay ở lời khen. Ở nụ cười. Bàn tay xiết. Có vòng gai, chuyên giam giữ. Có một thứ vẫn giữ giam, ai nào biết được. Giam và giữ, với đời điêu ngoa. Lọc lừa. Dối trá. Như, người nghệ sĩ, lại lên tiếng:

“Em như tôi không yêu cuộc đời,

lọc lừa điêu ngoa, dối trá.

Và đôi ta không yêu loài người,

Giả vờ yêu thương thiết tha.”

(Lê Hựu Hà – bđd)

Có những con người, và người con. Ở đời. Nay mặc lấy “thiên hình vạn dạng”, như tâm trạng của một số người. Trong đó, có vài người là độc giả của The Catholic Weekly, Sydney, sau đây:

“Xem ra, ngày nay, đề tài “Lạm dụng tình dục” nơi hàng giáo sĩ với chủ chăn, đang là đề tài xuất hiện cùng khắp trên các báo/đài ở trang đầu. Cột 1. Tại Châu Âu. Nước Úc. Và Hoa Kỳ. Phải chăng, nay là lúc Hội thánh ta nên đặt vấn đề: hãy thôi, không nên đòi hàng giáo sĩ của ta sống đời độc thân, nữa? Tôi thiển nghĩ, chừng như đây là một trong các duyên do, gây sóng gió. Cho Hội thánh?” (Lời hỏi của một người-không-biết-có-là-giáo-dân?)

Phản hồi một tâm trạng, về nhà Đạo, vẫn là mạch nguồn tư tưởng, của chàng trai “anh lờ em mờ” (tức Lm) thuộc nhóm “Công trình của Chúa” (Opus Dei), vốn giòng hào kiệt, tên nghe rất quen, tức ”Đức Thày” John Flader, đích thị là người trai xấp xỉ thất tuần của tờ The Catholic Weekly, vẫn đưa nhanh ý kiến lâu nay rất Đạo:

“Vẫn biết rằng: có nhiều người từng đưa ra quan điểm/lập trường, thật khác biệt. Trong số đó, có chức sắc nhà Đạo, rất nổi tiếng. Riêng cá nhân, tôi chỉ muốn nói lại một lần nữa, ý định tỏ bầy một cái nhìn rất kiên định, về vấn đề “lạm dụng tình dục”, mà hàng giáo sĩ nhiều nơi đang vướng mắc.

Dĩ nhiên, chuyện lạm dụng tình dục hay dục tình thời đương đại, không liên can gì đến đức thanh khiết, là chủ trương của Hội thánh, với giáo sĩ. Cũng chẳng làm suy yếu chút nào quan niệm nhân sinh/lập trường của Hội thánh, để đến nỗi ta phải tính chuyện tái xét hoặc huỷ bỏ, một thẩm định.

Nói như thế, tôi không có ý bảo rằng: mình cũng đừng nhận định một cách thiếu nghiên túc chuyện “lạm dụng tình dục”, hàng giáo sĩ. Kỳ thực, đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Là sự việc, gây tổn hại rất nhiều cho uy danh của Hội thánh. Nhưng, cũng nên tính đến giải pháp đúng đắn hầu ta có thể tiến tới, để không cần bãi bỏ tình trạng độc thân, nơi linh mục.

Thôi thì, ta thử đưa vấn đề này về với bối cảnh thời sự hôm nay. Xem sao.

Trước nhất, vấn đề “lạm dụng tình dục” với ấu nhi, không chỉ giới hạn trong nhóm giáo sĩ/linh mục, mà thôi. Trên thực tế, dù người ta vẫn cứ chăm chăm chú chú, nhắm vào đó. Thực tế ở đời, bao giờ mà chẳng có những chuyện lạm dụng như thế, ở mọi nơi. Mọi cung cách của người đời, như: bác sĩ, giáo chức, chính trị gia, nhân viên xã hội, nhà văn, nhà báo, vv..

Cứ sự thường, truyền thông/báo chí chỉ thích chĩa mũi dùi nhắm vào hàng giáo sĩ. Đặc biệt là, giới linh mục Công giáo. Kể từ khi, những chuyện như thế vẫn cứ xảy ra. Và chuyện xảy ra đến nay càng nổ bùng. Nhiều tai tiếng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, không chỉ giới hạn trong hàng ngũ giáo sĩ, thuộc Hội thánh Công giáo, thôi. Chuyện ấu dâm, lâu nay là chuyện thường ngày xảy đến với mọi tôn giáo. Mọi giáo phái. Chí ít, là số đông các tôn giáo, không cột buộc hàng kinh sĩ/giáo sĩ của họ phải sống độc thân như ta.

Tựa như thế, vấn đề “lạm dụng tình dục” nơi hàng giáo sĩ Công giáo, chỉ liên quan đến tỷ số rất nhỏ, ở linh mục. Các năm về trước, ở Hoa Kỳ, cũng chỉ có từ 0.4% đến 1.5% trong tổng số hàng giáo sĩ Công giáo, bị phát giác ra, là: đã có hành vi sai trái về dục tính, trong khoảng thời gian chừng 50 năm, về trước. Tức là, chỉ có 225 vị linh mục vi phạm, trong tổng số 46,000 vị, trên thế giới. Dù cho đây, là chuyện trầm kha đi nữa, cũng vẫn không là thói tật dễ lây lan, như báo chí thổi phồng.

Nhìn vấn đề, trong tầm mức “gần nhà”, ta nhận ra được như báo cáo của tiểu bang Victoria, Úc cho biết: có đến 400 thầy thuốc được khám phá ra là: đã có hành vi sai phạm về tình dục, chỉ trong 5 năm về trước, thôi. Điều này cho thấy: có 13% trong tổng số các bác sĩ trên toàn quốc, đã vi phạm. Thực chất, đó mới là vấn đề.

Quan trọng hơn, chứng cứ này còn cho thấy: đa số những người từng là thủ phạm của tình trạng “lạm dụng tình dục” với trẻ em, là những người đã lập gia đình; hoặc từng lạm dụng dục tình với thành viên gia đình mình.

Kinh nghiệm 40 năm đời linh mục, tôi cũng từng gặp gỡ và quen biết rất nhiều người, hàng chục người cho biết: họ từng bị lạm dụng tình dục rất nhiều lần, khi còn nhỏ tuổi. Đa số nạn nhân đều là những kẻ bị người trong cùng gia đình, đã làm hỗn. Trong số các người trẻ ấy, không em nào bị các đại diện của Hội thánh Công giáo, dù nam hay nữ, từng làm hỗn. Như thế.

Nặng hơn nữa, hiện đang thấy gia tăng con số những người có cảm giác là mình được kêu mời hãy nên làm đám cưới. Nhưng, lại chẳng muốn như thế. Bao giờ. Vì nhiều nguyên do. Có người lại cũng chẳng muốn bộc lộ chuyện riêng tư/dục tình của mình cách tự nhiên; vì thế nên, chẳng ai biết các động thái vô luân như đang được báo chí phổ biến đưa chuyện lạm dụng ở hàng giáo sĩ với trẻ thơ, như lúc này.

Lạm dục tình dục trẻ thơ, chẳng dính gì đến tình trạng độc thân, hết. Đúng hơn, phải nói là: chuyện này nói lên tình trạng tâm tư xáo trộn nơi con người. Nó xảy đến với người độc thân, lẫn người không độc thân, ngang bằng nhau.

Sống đời độc thân, là món quà cao quý Thiên Chúa tặng Hội thánh. Bằng vào chọn lựa sống một thân một mình, không chung sống với người phối ngẫu, hàng giáo sĩ và các phẩm trật khác, đã bằng lòng đi vào cuộc sống, có con tim không bị phân rẽ, làm nhiều ngăn. Tức, đi vào tương quan hôn phối giữa Đức Kitô và Hội thánh. Điều này khiến ta phong phú hơn, có tình thương yêu của Thiên Chúa hơn. Chúa thương yêu loài người. Từ đó, Ngài hỗ trợ các vị nào quyết sống độc thân để thực hiện mục vụ cho hiệu quả.

Có điều quan trọng, và hiện thời chuyện này đang được xem xét cách thận trọng, là: làm sao hỗ trợ ứng viên muốn sống đời linh mục, quyết hiến trọn cuộc sống của mình để chứng tỏ là mình được Chúa trao tặng quà độc thân, hay không. Nói thế, có nghĩa là: họ có nhân vị quân bằng. Chín chắn. Về cảm xúc. Biết kềm chế tình dục, của chính mình. Và, nhất là: có đời sống tâm linh mạnh. Rất vững chãi.

Cộng thêm vào nền đào tạo vững chãi, xuyên suốt ở chủng viện, hoặc nơi nhà đào tạo, sẽ giúp các vị rất nhiều điều. Hơn là: lúc nào cũng canh cánh phải lo giải quyết tình trạng suy giảm mức độ và con số các vụ lạm dụng, trong tương lai.

Cùng lúc, ta phải cảm tạ Chúa về tính thuỷ chung mà phần đông các linh mục đã và đang thực hiện. Tức, những vị ấy đang sống đời linh mục độc thân, rất kết quả. Sung túc. Mãn nguyện. Và, điều cần hơn, là: ta nên nguyện cầu cho tất cả các linh mục và vị nào đang sống đời độc thân, vì công cuộc tông đồ/mục vụ. Nguyện và cầu, để họ có được lòng thuỷ chung, trong quyết tâm mà chính họ từng đặt tâm huyết của mình, vào đó.” (x John Flader, The Catholic Weekly 18/4/2010, tr. 13)

Ý kiến rất mạch lạc. Và, bài bản. Là như thế. Tức, ý kiến của người trong cuộc. Của Hội thánh, có chủ trương sống đời độc thân. Xuyên suốt. Hài lòng. Thế còn, ý kiến người ở ngoài, thì sao? Ở ngoài, tức: ngoài Đạo. Ngoài cuộc. Hoặc, ngoài luồng. Vẫn sống ở đời. Phải chăng là những người, từng hát những câu:

“ Em như tôi, không yêu cuộc đời,

lọc lừa, điêu ngoa, dối trá.

Và đôi ta, không yêu loài người,

Giả vờ yêu thương thiết tha…”

(Lê Hựu Hà – bđd)

Nói như thế, không có nghĩa bảo rằng: người trong cuộc, vẫn cứ một mình, mình sống. Rất chính chuyên. Không tuyệt vọng. Phàn nàn. Cũng chẳng bon chen. Như lời trần (rất) tình của một người mang tên Frank O’Shea, cũng ở Úc, như sau:

“Trong chuyến viếng thăm rất nhanh về Ái Nhĩ Lan, quê hương của ai đó, tôi có cái nhìn rất gần với thái độ của người địa phương, về các báo cáo vụ việc Murphy và Ryan. Về tình trạng lạm dụng trẻ em. Nói chung, phản ứng phổ cập ở nơi đây, là: sự phẫn nộ đối với hàng ngũ lãnh đạo của Hội thánh. Ở điạ phương. Về tính lắt léo. Thêu dệt. Và, tình trạng hoang mang của nhiều người.

Với những người thuộc thế hệ cao niên/trọng tuổi trong đó có tôi, thì những phát giác động trời như thế, chẳng mảy may đi vào cốt lõi của niềm tin, đi Đạo. Hoặc, vào thói quen sống Đạo của những người như họ. Có hai sự kiện riêng rẽ, là: tôi đã tháp tùng một người bà con trong gia tộc, dự Tiệc thánh vào buổi sáng, ngày trong tuần. Có đi, mới thấy rằng: sân để xe ở nhà thờ chỉ đầy một phần ba, như tôi dự đoán 30 năm về trước. Có điều là, thay vì đi xe hơi, ngày nay người ta đi lễ nhà thờ, lại dùng xe đạp.

Điều khác nữa, là: ờ bàn quỳ phía trước, không thấy giới trẻ, ngồi ở đó. Họ đi đâu, tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết rằng, chừng như họ nay lạc lõng, xa rời nhà thờ nhà thánh, với giáo đường. Thế thôi.” (x. Frank O’Shea, Empathy for Irish priests, Eureka Street 17/3/2020)

Phải chăng, luồng nhà Đạo, vẫn có những người cứ “bình chân như vại”. Vì, bình chân như thế, nên cứ nghĩ: chuyện xảy đến, khác nào điều Chúa từng nhắc nhở, về một sơ hở, thời sau hết. Thầy nhắc, bằng một thể văn rất “Khải huyền”, như sau:

“Đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra,

nhưng chưa phải là tận cùng.

Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia,

nước này chống nước nọ.

Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi.

Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn.”

(Mt 24: 6-8)

Dĩ nhiên, “khởi đầu một đau thương”, nơi nhà Đạo, sẽ tiến về một kết cuộc, rất khác. Nhiều năm về trước, thoạt khi có chuyện “trời long đất lở”, ghê gớm hơn. Ngay trong cuộc. Sự thể sẽ khác nhiều, nếu bạn và tôi, ta dám hát như “người-ở-ngoài”, rất nghệ sĩ. Nhưng, lại có tâm tình rất gần người đi Đạo. Như hồi nào:

“Em hãy yêu mọi người nơi đây,

Như đã yêu cuộc đời chua cay.

Em hãy yêu, dĩ vãng không phai,

Như đã yêu bạn bè quê gầy…”

(Lê Hựu Hà – bđd)

Quê rất gầy, như hôm nay, là quê miền người đồng Đạo. Đồng thuyền. Có sóng vỗ dồn dập. Có tiếng nổ, nhưng không do đạn đồng. Súng ống. Ở đâu đâu. Gì đi nữa, hỡi bạn và tôi, ta hãy cùng người nghệ sĩ trên, cứ hát tiếp:

“Em hãy yêu, người không yêu em.

Em hãy chia, tình yêu trong tim.

Em hãy cho, một người không quen,

Một phút hay một ngày, để tin.”

(Lê Hựu Hà – bđd)

Quả là thế, vấn đề của “một ngày để tin” sẽ chỉ là những “chũm choẹ chập cheng”. Hoặc: “thanh la phèng phèng”. Những lình xình, chuyện “đau cồn, ở cữ”. Cũng cứ là: “mây tím không gian” kéo ngợp ngàn, bầu trời thánh. Hoặc nhiều lắm, vẫn còn có người dám đương đầu, đứng lên mà phân biện. Như sau:

“Nói chung, cứ um sùm mà ém nhẹm sự thật, cũng chẳng đi đến đâu. Chẳng giải quyết được gì. Tự thân, tôi không muốn bênh vực Đức Giáo Chủ như người có trọng trách hỗ trợ ngài theo tư cách của tín hữu Đạo Chúa. Sở dĩ, tôi biện hộ cho ngài, vì thấy rằng ngài hoàn toàn vô tội, đối với cáo trạng mà người ta gán ghép cho ngài. Và, truyền thông/báo chí lại cứ hùa với chúng dân cứ nhoi lên khuynh loát vụ việc.

Mới đây ở Hoa Kỳ, đã nổi lên 3 vụ do Richard Dawkins và phe nhóm của ông cầm đầu. Nhóm này, đưa ra ba vụ quyết cho rằng: chiếu theo luật quốc tế, phải bắt giam Đức Giáo Chủ. Vì, ba vụ việc rõ ràng trong đó có vụ Murphy ở Wisconsin, Teta & Trupia ở Arizona, và Kiesle ở Cali. Cả ba, đều chung một mẫu số: lạm dụng tình dục, xảy đến hồi thập niên 1970. Phía cảnh sát đã được thông báo. Và họ đã hành động. Vị linh mục trong cuộc cũng đã bị Giám mục chủ quản treo chức thánh. Ngay khi đó, có người còn yêu cầu Thánh bộ Truyền Bá Đức Tin do Đức Hồng Y Ratzinger chủ trì, hãy bãi chức các vị đó, cho hồi tục. Và, sự thể là: ít lâu sau, các linh mục ấy, đã thực sự hồi tục. Ngoại trừ Lm Murphy, đã qua đời khi toà đang xét xử.

Treo chức thánh và cho hồi tục, là hai việc hoàn toàn riêng biệt. Việc thứ nhất, do Giám mục chủ quản thực hiện. Có hiệu lực, tức thời. Việc cho hồi tục, là tiến trình kéo dài, có liên quan đến Toà thánh La Mã. Treo chức thánh, nghĩa là: linh mục ấy, không còn chức năng: làm lễ, ngồi toà, hoặc hành xử như một tuyên uý, vv. Nói tóm, hành xử này là việc Giám mục chủ quản đối xử với linh mục trong cuộc, nhằm ngăn ngừa vị này có quan hệ tiếp với con trẻ. Ở vào trường hợp sôi sùng sục như thế, nếu Giám mục chủ quản không thành công trong việc bãi chức linh mục của người trong cuộc, ngay lập tức, thì vị Giám mục ấy hành động rất sai trái. Nhưng, vị Giám mục chủ quản không làm được điều này, cũng đâu dính dự gì đến Đức Hồng Y Ratzinger, là đấng bậc ở trên được yêu cầu xuất lệnh cho hồi tục, linh mục trong cuộc.

Vào thời điểm, mà Toà thánh thụ lý các sự vụ hồi tục, đâu đả động gì chuyện gì có liên quan đến việc bao che, giấu diếm, hay thông đồng? Toà thánh chỉ nói: cho hồi tục, là một tiến trình phức tạp, cần phải điều tra cho kỹ. Rất dài ngày. Dầu gì đi nữa, hành động khả dĩ ngăn chặn được tình trạng lạm dụng trẻ em, không phải là việc cho hồi tục, người trong cuộc, mà là việc Giám mục phải kịp thời ngưng chức, vị linh mục trong cuộc ấy. Chẳng có gì chứng minh là: thời gian kéo dài tiến trình cho hồi tục lại đính kết với cơ hội để cho linh mục người trong cuộc, cứ tiếp tục lạm dụng tình dục. Với trường hợp của Lm Kiesle, đa số các vụ lạm dụng tình dục xảy đến vào lúc ông ta đã bị cho hồi tục. Tức, vào thời điểm mà vị Giám mục của ông, không còn quyền kiểm soát được ông nữa.” (x. Jack Valero, Message to the lynch mob, Mercatornet.com 16.04.2010)

Là người ngoài. Ngoài vụ. Ngoài lạm dụng. Hoặc, ở trong. Trong cuộc diện. Hội (rất) thánh, hẳn bạn và tôi, ta thấy cũng hạn hẹp, để có ý kiến. Bởi ý đây, là kiến thức về pháp luật. Ở đời. Trong Đạo. Liên quan đến các đấng bậc vị vọng, mang trọng trách. Có khác chăng, là phản ứng của thành viên, sống trong đời. Một đời, có con người đang phấn đấu để sống đúng luật. Như Thầy từng bảo: “Ai vô tội, hãy ném đá người này trước”(Yn 8:6). Và, “Chị về đi. Tôi cũng không xử tội chị đâu. Đi đi! Và từ nay, đừng phạm luật nữa.”(Yn 8: 11)

Với đời thường. Với người ngoài Đạo, ngoài luồng, có lẽ ta cũng nên hát tiếp, những câu sau:

Tôi ước mơ một ngày yên vui

Ta dắt nhau về nơi xa xôi

Tôi sẽ ca những bài ca vui

Chỉ có em và tình yêu người.”

(Lê Hựu hà – bđd)

Một phút của người nghệ sĩ, rất khác một cuộc đời, của ai đó. Là, bé em. Giáo sĩ. Phẩm trật. Khác cả những người trong đời, chỉ biết đến doanh thương. Tiền bạc. Niềm vui sướng, rất trần tục. Như truyện kể ở dưới, để cho vui:

“Nhiều dân tộc, cứ quan niệm việc nguyện cầu là thì thầm nói chuyện với Đức Chúa.

Có doanh thương nọ, cũng thờ Chúa, nhưng không cùng một ràn chiên rất Công giáo. Nên, việc nguyện cầu cũng hơi khác. Anh tìm đến “bức tường than khóc”, ở Giêrusalem mà cầu nguyện. Như sau:

-Dạ, Chúa có ở đó không?

-Có Ta đây.

-Cho con thưa chuyện với Chúa, một chút nhé!

-Con cứ nói.

-Chúa ơi, sao mấy ông nhà Đạo bên giáo hội đó cứ lôi thôi ba chuyện trời ơi, quá chừng vậy?

-Đó có là ưu tư đích thực của con không?

-Dạ không. Nhưng, ưu tư của con hôm nay, là: mấy vị ấy làm con mất nhiều mối ngon ăn, lắm Chúa ơi.

-Nay, con thưa với Ta chuyện gì vậy?

-Dạ, con thấy mấy người ấy vẫn cứ nói: “thời gian là của Ngài”. Trong khi đó, bọn con thì vẫn bảo: thời gian là tiền bạc. Thế, với Ngài, một triệu năm là bao lâu?

-Chỉ một giây.

-Còn một triệu đô, với Chúa là bao lăm?

-Chỉ một xu.

-Có thể nào, Chúa cho con chỉ một xu để đền bù cho các bạn bên ấy, đang bị kiện?

-Con chờ Ta một giây nhé.

Thời gian. Tiền bạc. hay dục tính/dục tình. Cũng chỉ thế. Cũng trăm năm cuộc đời người. Nhưng trăm năm mà cứ quanh quẩn, kiện với tụng. Hẳn cũng nhiều âu lo. Chi bằng, ta cứ quẳng gánh lo đi. Mà ca hát. Hát rằng:

“Tôi sẽ yêu người không yêu tôi,

Tôi sẽ chia tình yêu trong tôi.

Tôi sẽ đem cuộc đời lên ngôi

Một phút thôi, dù một phút thôi.”

(Lê Hựu hà – bđd)

Thiển nghĩ, nếu bạn và nếu tôi, ta sẽ cùng với hết mọi người trong Đạo, hoặc ngoài luồng, hát những câu như thế, hẳn là cuộc đời sẽ không còn mấy ưu tư, như đời người. Trong huyện. Ngoài làng. Huyện Công giáo. Làng vô ưu. Ở đời người.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn còn vài ưu tư cũng nho nhỏ.

Nhưng chẳng yếm thế.

Như hồi nào.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com ;

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com .

Sunday 18 April 2010

“Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân”

Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ.”

(Ngô Thuỵ Miên – Em Còn Nhớ Mùa Xuân)

(Rm 6: 8)

Về chữ “nhớ”, đúng ngày người mình tiễn biệt Thầy Chí Ái, Thứ Năm Thánh 2010, bần đạo được dặn: chớ quên buổi an táng người anh em bên Phật. Tại nghĩa trang Botany, Sydney. Dự buổi an táng ở nghĩa trang. Người người thấy bi ai. Thổn thức. Từ biệt. Giã từ biền biệt, người chiến hữu ngoài Đạo, vẫn bất khuất. Nhân ái.. Độ lượng. Và, đặc trưng buổi hôm ấy, là câu hát rất nghe quen của thành viên tham dự, trước giờ “G”. Có chốn về. Rất gợi nhớ.

Gợi nhớ trên, thoạt nghe đã thấy đẹp. Đẹp như một giòng thơ. Có nhạc kèm. Rất chân chất. Những thi ca. Và, nhạc nền. Đến độ, người nghe nhạc bản thấy lòng mình, như thẫn thờ. Hít thở từng lời thơ. Ý nhạc. Rất thanh thoát, nhè nhẹ đi vào hồn người. Bình yên. Sâu sắc. Thoát tục.

Này hỡi bạn, và hỡi tôi. Nên chăng ta cứ đổi thay chỉ nét “x” ở từ “xuân”? Thử thay đổi, bằng những chấm phá đậm mầu. Viết chữ Hoa. Rất lớn. Thử xong, ta sẽ có ngay một liên tưởng, về Chúa Xuân. Tức, Đức Chúa của Mùa Xuân. Của, Tình Yêu. Xuân Bất Tận. Hằng hiện hữu. Bằng, tình tự. Ý tứ. Rất thơ văn. Khiến, từ văn nhân/thi sĩ cho chí người đặt nhạc, vẫn cứ liên tục nhân cách hoá, Thứ Tình rất Xuân. Có ở mọi nơi. Thứ Tình rất thánh. Của, những yêu thương. Nồng thắm. Nụ cười gần.

Gợi nhớ, để rồi hỡi bạn và tôi, ta nhận ra nơi đó, có Xuân Mùa người đời vẫn cứ hát:

“Nơi ấy bây giờ còn có mùa Xuân? Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần. Có mắt nai vàng ngời sáng tình xanh, Em có bao giờ thấu cho lòng anh”.

(Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Một lần nữa, ý tứ và tình tự của Mùa Xuân, là ý/tình cuộc đời, cũng rất “xanh”. Có dáng

nghiêng nghiêng nghiêng. Nụ cười gần. Có nai vàng. Ngời sáng, mắt tinh anh. Của anh. Của em. Nay cũng nhớ.

Không cần biết, anh hoặc em, có là bạn/là tôi, ta có gọi nhau. Coi nhau như người anh/người chị có Xuân không, thì Chúa Xuân muôn đời vẫn à Đấng có “nụ cười gần”. Có giọng hát trẻ. Như: “tiếng dương cầm”. Sáng, một tình xanh. Tinh anh. Mầu của biển. Của trời. Là, hy vọng ta đang có. Làm ta nhớ. Và thương. Thương nhớ Mùa Xuân. Mến Chúa Xuân.

Về nhớ. Về thương, lại cũng một lần từng nhắn nhủ ở lời ngỏ. Bên dưới:

“Em nhé, khi nào chợt nhớ mùa xuân,

Nhớ lá thư xanh, và chuyện tình hồng.

Nhớ nắng hanh vàng, nhuộm áo Hà Đông,

Anh ở nơi này, vẫn luôn chờ mong.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Anh và em sống ở nơi này, vẫn luôn mong chờ Chúa Xuân như chờ mong điều tốt đẹp. Hệt như thế. Chờ và mong, như lời nhắn của đấng thánh thời giáo hội tiên khởi, lại cứ bảo:

“Con hãy nhớ rằng:

Đức Giêsu Kitô

từ trong kẻ chết

Người đã Phục Sinh.

Chúa (ư) là ơn cứu độ chúng ta

Nguồn Vinh Quang muôn đời của ta, (à)!”

(Nhạc Hoàng Kim – lời thư thánh Phaolô gửi Timôtê 2: 8-11)

Nay nhớ Lời, hẳn người người vẫn nhớ nhiều, về sự sống. Nhớ cả nỗi chết. Sự sống lại. Cứ xảy đến với mọi người. Ở mọi nơi.

Nơi cuộc đời. Con người. Luôn có những gợi nhớ. Nhắn nhủ. Rất dễ thương. Ngoan cường. Quả quyết. Nhắn và nhủ, là Lời thân thương. Thuở trước. Rất trìu mến. Dặn dò. Điều sau đây:

“Thật! Thầy bảo thật anh em:

tôi tớ không hơn chủ nhà,

kẻ được sai đi, không hơn người sai đi.

Anh em đã biết điều đó,

nếu anh em thực hành,

thì thật phúc cho anh em!

(Ga 13: 16-18)

Gợi nhớ và nhắn nhủ, không chỉ như thế. Nhớ, là nhớ Lời Thương Yêu. Có nhắn và có nhủ. Nhắn và nhủ là lời nhắn, Thầy có thêm cả một quan niệm sống. Rất đúng đắn. Quan niệm ấy. Nhận định này. Là, những nhắn nhủ. Mọi thời. Như sau:

“Ứng nghiệm lời Kinh Thánh:

Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh

lại giơ gót đạp con.

Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này,

trước khi sự việc xảy ra,

để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.”

(Ga 13: 19-20)

Vào buổi ấy, Hội thánh cũng có kẻ “giơ gót đạp con”. Những chống Chúa. Rồi, phản thần. Hôm nay, đồ đệ Chúa lại cũng gặp những kẻ/những vị từng hưởng “lộc thánh” từ đàn dân con của Đức Chúa, nay lại đã “giơ gót đạp” Hội (của các) thánh, bằng nhiều cách. Cung cách, mà người thời nay, hay gọi bằng ngôn từ rất nghe quen, như: “đâm sau lưng chiến sĩ”. Tức, một hành động chống đối, ra mặt. Chống lại bạn bè người cùng bàn, ăn chung bánh. Vẫn lân la. Hưởng lộc. Từ nơi nhà Đạo. Từ, dân của Chúa.

Hôm nay, vào vườn nhà của Chúa để hưởng lộc thánh, qua câu ca/điệu nhạc, mà bạn bè vẫn đang tin hoặc không còn cậy vào Lời của Chúa, nữa. Qua ý/tình trong sáng. Tuyệt diệu. Của hồn Thơ, rất yêu kiều. Diễm lệ. Chợt thấy lòng mình về lại với “tình Xanh”. Bàng bạc. Lạc lõng rất nhiều vần. Nhiều điệu. Vần điệu, của thơ văn lạc lõng. Vẫn đó đây rải rác một đôi gai. Nơi hoa loài, ở đời thường. Còn lộ diện ngay nơi ấy. Nơi, hiển lộ nhiều phản kháng. Khích bác. Khuất tất. Dù cho họ có đứng trước vẻ đẹp của hoa mầu đủ loại. Được Chúa tạo ra. Gai ở hoa. Nhọn hoắt trong đời. Nay gây nhiều tai hoạ. Khiến người thưởng lãm thấy lúng túng. Ngại ngùng. Bức bách.

Chẳng thế mà, nghệ sĩ nhà ta, lại cũng viết:

“Trời Sàigòn chiều hôm nay

còn nhiều mây bay.

Nhiều đau thương

bi hận tràn đầy…”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Vườn hoa Đạo, nay không còn là “khung trời Sàigòn” đầy bi hận. Nhiều mây bay. Như vẫn thấy. Thấy, những chông gai. Nho nhỏ. Nhọn hoắt. Nhức nhối. Thấy, gai nhọn vẫn châm chích hoa vườn nhà Đạo. Tạo rối rắm. Gai rối, thường thấy đó kể từ ngày có cơn hấp hối và nỗi chết của Thầy Chí Thánh. Suốt nhiều thời.

Gần đây nhất, ở thời hiện tại lại có những tên những tuổi rất nổi cộm, như Richard Dawkins với một “The God Delusion”. Một Christopher Hitchens, với “God is not Great”. Cả Sam Harris nữa, với “The End of Faith”. Toàn những gai nhọn chích rất đau, xảy đến từ ngày Đức Chúa chấp nhận cuộc khổ hình. Có nỗi chết. Rất nhiệm mầu. Rất cứu độ.

Gai nhọn hôm nay, rày đã gặp từ các văn nhân/thi sĩ gốc vô thần. Phản chống Chúa. Nhưng, người chống đối hôm nay, không thông minh. Cũng chẳng thuyết phục được nhiều người. Như, nhóm rối bời thời Trung Cổ, nhiều năm trước. Họ đúng là những người ăn-không-ngồi-rồi-tìm-giết-Chúa,. Bằng viết sách cho bè nhóm thuộc đám chống kình. Chẳng muốn tin. Vẫn chỉ thích ngồi nhìn thiên hạ múa may quay cuồng, rồi loan tin thổi phồng, hơn là kiếm tìm sự thật. Rất nghiêm chỉnh. Thế nên, gai nhọn châm chích vẫn khích bác người chân phương. Yếu bóng vía. Vốn hãi kinh, nên thiếu tự tin. Thiếu cả phương cách thích hợp để phản bác. Phương pháp cứu niềm tin, đang bị thử thách.

Thử thách trước gai nhọn châm chích nhà Đạo, nay không gồm gươm đao. Súng ống. Với hành hình. Mà là thách thức những điều đáng tin. Tin có Chúa hiện diện. Với người. Với mình. Không bằng sách vở. Nhưng, qua kinh nghiệm lịch sử. Lịch sử có ghi chép. Lịch sử người Do Thái, có chứng cớ rành rành. Rất đáng tin. Sử sách nói về Đức Giêsu thành Nadarét. Đấng đã chết cho cả kẻ tin lẫn người không phục. Rất “tình xanh”.

Sử gia thời buổi trước, như Josephus của Do thái, như Tacitus của La Mã, là những người từng viết sử nghiêm túc. Đã ghi chép về hành động gian ác /bạo tàn của Nêrô, tay hoàng đế chỉ thích vui say nhảy múa, trước thành La mã bị đốt cháy. Để rồi, cứ đổ vấy cho người có Đạo, làm thủ phạm.

Ngay đến các sử gia La Mã như Seutonius cũng không quên chi chép về Đức Kitô Giêsu, Đấng đã hành trình qua Tibêriát được cả ngàn người theo chân. Khâm phục. Cho chí kẻ thù ngoài Đạo, vẫn đều rất tin. Đều công nhận Đức Kitô đích thực hiện diện. Với đời. Và trong đời.

Thêm vào đó, còn có tổng trấn Pliny thuộc Tiểu Á cũng nói đến Đức Kitô Giêsu. Và, những người Đạo Chúa. Sống hiền lành. Độ lượng. Rất dễ thương. Thêm vào đó, còn các chứng từ của Phúc Âm. Tức, những lời tâm phúc từ các kẻ theo bước chân mềm của Ngài. Vẫn rong ruổi đường trường, mà truyền bá. Và từ đó, những người nghe biết đều thấu hiểu Lời Ngài. Đều, tìm cách học hỏi thêm. Tất cả, đều xác chứng Đức Chúa, đã có thực. Không có gì phải ngờ vực.

Người người nay cứ tưởng: hễ con người càng khám phá được nhiều thứ trong quá khứ. Cả vật lý. Sức khoẻ. Và khoa học/kỹ thuật. Sẽ, bớt dần chuyện đã tin. Không như Richard Dawkins từng nhận định, các bản chỉ Ryland bằng giấy Papyrus bờ sông Nile, Ai Cập đã bao gồm nhiều chương đoạn nhắc đến Phúc Âm thánh Gioan, của thời trước. Và, các nhà kinh điển nghiêm túc cũng đã công nhận Lời Chúa trong Phúc Âm, ngay từ niên biểu 100, sau công nguyên. Xem thế thì, những người từng có mặt thời của Chúa, lúc còn sống, vẫn từng làm nhân chứng, xác nhận điều họ minh xác.

Quả thật, không nhà chú giải nào lại đã nghi ngờ việc Chúa hiện hữu nữa. Bởi, Ngài đã từng tuyên bố chính Ngài là Đấng Mêsia bằng xương bằng thịt. Và, ai biết Ngài cũng đều đã tin. Tin rằng, Ngài thực là Con Thiên Chúa.

Trên thực tế, không ai buộc ta phải tin hết mọi chuyện. Nhưng, lý trí bảo cho ta biết: ít ra, ta cũng nên tự hỏi: tại sao những kẻ tin vào Ngài, lại dám chấp nhận cả cái chết. Chết vì Đạo. Chết vì lý tưởng chưa được minh xác. Nhưng ít ra, họ cũng nhận thức được các lý lẽ, rất xác đáng. Nên mới tin. Điều cần nhớ, là: những người từng biết và từng tin Đức Giêsu. Đều đã sống với Ngài. Thấy Ngài chết đi. Và, sống lại. Tất cả đều chấp nhận ra đi vào cõi chết. Vui vẻ. Mãn nguyện.

Cuối cùng thì, có những người thông minh sống trên đời. Với cuộc sống, rất bình thường. Như đám dân chài. Như, người trước đây từng bách hại, các kẻ tin. Hoặc, ngay đến phường giá áo túi cơm. Bọn điếm đàng. Quân thu thuế. Nhất nhất, đều cùng chung một niềm, rất vững tin. Họ là những người không cười mỉa vào niềm tin, của người khác, như những kẻ chống Chúa. Phản thầy. Ở đây, chẳng có gì chứng minh rằng kẻ tin Chúa là những người ngu si, dốt nát. Thiếu hiểu biết. Ngược lại, họ cũng khôn ngoan. Sáng suốt. Vẫn say mê tin Chúa. Chứ không tin vào lời khoác lác có triết thuyết trừu tượng. Không tưởng. Của, giới vô thần. Phản Chúa. Phản thầy. Không đáng ta quan tâm.

Cuối cùng và sau hết, cũng nên diễn tả điều này, bằng lời thơ/ý nhạc của người ngoài, có lời hát:

“Những thành phố em sẽ đi qua,

Đây Ba lê, đây Luân đôn, đây Vienna.

Nhưng có đâu bằng Sàigòn hôm qua

Nhưng có đâu bằng Sàigòn mai sau

Em có mơ ngày hát câu hồi hương?”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Nay thêm một lời nhủ: nếu ta thử thay tên thành phố mình đã đi qua, bằng niềm tin mình vẫn có. Hẳn rằng, người người sẽ “hát câu hồi hương”. Hồi hương hay hồi hướng, vẫn là về với niềm tin, ta còn giữ. Về với tình thương ta trải dàn. Với mọi người. Thế cũng đủ. Bởi, tin là gì nếu không phải là yêu thương. Giùm giúp. Giúp, cả những người tin vào Đấng Ở Trên, lẫn vô thần. Phản Chúa.

Tin, là biết hát lời ca tuyệt đẹp mà nghệ sĩ trên từng nhắn nhủ, khi còn trẻ:

“Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân” Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ

Nhớ tiếng dương cầm, giọng hát trẻ thơ,

Có thấy bơ vơ, ngày tháng đợi chờ…”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Tin, là nhìn thẳng vào đời, có những người từng bảo cho mình biết. Từng kể cho mình nghe. Nghe, những truyện kể. Lễ mễ. Dông dài. Đầy ý nghĩa. Như sau:

“Truyện rằng:

Cô gái nọ, từng bị người mình yêu, bỏ đi về. Thấy buồn, cô ra ghế đá công viên, ngồi khóc lóc. Thảm thiết. Bỗng, có nhà hiền triết đến gần bên. Nhè nhẹ hỏi:

-Sao thế? Sao lại ngồi khóc một mình, khổ thế?

-Em chẳng hiểu tại sao người em yêu, sau một hồi cãi vã. Đã khích bác. Rồi bỏ đi.

-Cô thật khờ. Có gì đâu mà buồn với giận. Lại còn khóc!

-Sao không? Người em yêu, phản chống lại ý em. Rồi bỏ đi. Bác đã chê em khờ. Lại còn chỉ trích. Xin giải thích lý do vì cớ gì, lại như thế?.

-Này nhé. Bảo cô khờ, vì đời người chẳng có gì để ta cứ phải kéo dài cơn buồn giận, lẫn âu lo. Thực tình, thì kẻ buồn nhất phải là người ấy chứ nào là cô. Mất mát đây, chỉ là mất trong phút chốc. Mới chỉ mất đi, người không yêu mình. Còn người kia, có khích bác cô, bỏ đi, cũng vẫn mất đi một người hằng yêu mến hắn ta. Cô nhận ra điều ấy chứ?

Nghe giải thích, cô gái không trả lời, cứ lẳng lặng mà đi. Đi về nhà. Không còn bị dằn vặt bởi sự thể là: có những người đã không yêu không thích mình thì thôi, sao còn châm chích. Với khích bác?

Thời gian trôi qua, nỗi buồn người con gái cũng dịu bớt. Nhưng người kia, tức nhân vật chính trong vụ đả kích. Khích bác. Cả nhân sinh quan/lối sống của người khác. Làm như thế, càng khiến mình sống xa cách. Vò võ. Đơn độc. Tiếc một điều, là đã mất tình thương yêu. Quí mến. Từ những người, yêu quý mình.

Mất tình thương, là mất mát lớn không tái tạo được. Để, cuối cùng, người ấy nay cũng nhận ra rằng: điều quý giá trên đời, chẳng là chân lý/ý niệm, mình vẫn giữ. Rất khư khư. Những thứ ấy, cứ từ từ sẽ biến dạng. Với thời gian. Còn lại, một điều quan trọng là: biết nắm giữ hạnh phúc. Mình đang có. Hạnh phúc ấy, là tình yêu. Là, tin rằng: Tình Yêu, mới là tất cả. Và, tình yêu chỉ có được, nếu mình biết tin vào hạnh phúc. Vào Tình Yêu đích thực. Vẫn hiện diện. Trên đời. Chí ít, là tin rằng: Đấng Có, là Đức Chúa luôn thương yêu hết mọi người. Chính đó là Niềm Tin. Chính đó là Tình Yêu. Chứ không phải sự nổi tiếng. Chống đối. Cãi cọ. Suốt mọi đời.

Truyện ở trên, hay hơn cả triết thuyết. Về cuộc sống. Bởi, sống ở đời, mà không có Tình Yêu. Hoặc, không tin vào Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, Đấng đang hiện diện với ta. Trong ta. Thì, cuộc đời cũng vô nghĩa. Người sống trong đời, mà lại không có niềm-tin-yêu, chẳng khác nào như đang chết. Nhưng vẫn thở. Thậm chí, có khi cũng không tin là mình đang hít đang thở, một Tình Yêu.

Trần Ngọc Mười Hai

cầu cho Tình yêu ở mãi với mình và với người

để mãi mãi sẽ còn tin.

Tin Thiên Chúa là Tình Yêu.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com.

Sunday 11 April 2010

“Đường em có đi, hằng đêm bước qua “

nở những đoá thơ, ôi dị kỳ

(Phạm Duy – Đường em đi)

(Mt 28: 18-20)

Đường em đi, sao cứ nở những thơ/hoa. Dị kỳ. Kể cũng lạ. Lạ hơn nữa, hoa/thơ ở đây lại chỉ nở về đêm. Rất êm đềm. Có,”Em” bước qua.

Hẳn là, ban ngày/ban mặt nào đâu thấy những là “bước từng bước chân”. Rất âm thầm. Đầy nhịp sống. Có thơ, và có nhạc. Để, người em/người chị của chúng ta cứ thế, mà bước qua. Có cả anh/cả bạn sẽ cùng tôi đồng hành, ta tiến bước. Bước, hằng ngày. Đi, hằng đêm. Bước và đi, để nói lên rằng: đường tôi đang đi/đường bạn đang bước cũng rộ cũng nở, những hoa/thơ. Và nhạc, rất mến thương. Tình yêu đương. Ôi, da diết.

Đường bạn và đường tôi đi hôm nay, đầy Lời của Chúa. Êm đềm. Mật thiết. Rất như sau:

”Vậy, các ngươi hãy đi

mà thâu nạp muôn dân,

thanh tẩy họ

nhân Danh Cha, Con và Thánh thần,

dạy họ giữ hết mọi điều

Ta truyền cho các ngươi.”

(Mt 28: 18-20)

Con dân nhà Đạo, nay cứ bước và cứ đi, mà sống Đạo. Đi, để “thâu nạp” dân con mọi người. Đi, để nói với người chưa biết Chúa. Biết Mẹ. Điều Ngài dạy, như lời nghệ sĩ khi xưa hát:

“Đường êm có khi, chờ em bước qua,

là nghiêng giấc mơ.

Ước thề.”

(Phạm Duy-bđd)

Đường “em” đi, không là giấc mơ. Có ước thề. Đôi lúc vẫn là:

“Đường, dìu ngang bao ngõ đắng cay,

dừng chân phút giây. Xong chia lià.

Dường, dài thêm bao nỗi éo le,

dài thêm nắng mưa. Thêm ề chề.”

(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Đúng thế. Ngõ đắng cay, bên đường. Là như thế. Đường ta đi theo Chúa, cũng rất đắng và rất cay, tợ như thế. Nhiều lúc đã đắng cay, rồi cũng éo le. Ê chề. Vì “dài thêm nắng mưa”. Vì, rụng rơi. Vướng mây tóc ngà. Nhiều thứ. Những thứ, những điều khiến tôi và bạn cứ khựng lại. Và khó đi. Bởi, vẫn cứ nắng/mưa. Lưa thưa, ba khúc mắc. Giữa đường. Lắm khi còn điểm vài ba chuyện ly kỳ. Đầy thắc mắc. Như truyện kể, ở ngay dưới:

“Truyện rằng:

Một hôm một người đàn ông trông thấy một lão bà đang ở bên chiếc xe bị ‘nạn’, bên đường. Trời sẩm tối, anh vẫn thấy bà như cần được giúp đỡ. Vì thế, anh tấp xe vào lề đậu phía trước xe của bà, rồi bước xuống. Chiếc xe cũ của anh vẫn để nổ máy khi anh đến gần trước mặt bà. Anh mỉm cười đến gần, nhưng bà lão tỏ vẻ lo âu.

Người đàn ông nhận ra là cụ bà vẫn còn vẻ sợ hãi, đứng cạnh chiếc xe, giữa trời lạnh. Anh muốn trấn áp nỗi lo sợ của cụ bà, nên mới nói:

-Thưa bà, tôi đến đây là để giúp bà mà thôi. Bà nên vào bên trong ngồi cho ấm. Luôn tiện, tôi tự giới thiệu tôi tên Bryan Anderson.”

Thật ra, xe của cụ bà chỉ bị mỗi chuyện là một bánh bị xẹp. Nhưng với bà, nó cũng đủ gây phiền não rồi. Bryan bèn bò xuống dưới gầm xe tìm chỗ để con đội. Sơ ý, cũng bị trầy da ở bàn tay. Chẳng bao lâu, anh đã thay xong bánh xe cho cụ bà. Nhưng tay anh bị dơ và có hơi đau rát.

Khi anh siết ốc bánh xe, cụ bà quay kính xe xuống và bắt đầu kể cho anh biết là: bà vừa từ St. Louis đến. Và chỉ mới đi được có một đoạn đường. Bà không biết cách nào để cám ơn anh cho đủ, về việc anh đã dừng lại và giúp đỡ. Bryan chỉ mỉm cười khi hoàn tất động tác cuối là đóng nắp thùng xe của bà. Cụ bà thắc mắc không biết phải đền dáp công ơn của anh là bao nhiêu. Bryan nói: đây không phải là nghề của anh. Và, anh chỉ muốn giúp những người cần được giúp. Và, có Chúa biết là rất nhiều người từng ra tay giúp đỡ anh, trong thời gian qua. Anh vẫn sống như thế, cả đời mình. Và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm chuyện nhận tiền của ai, khi giúp đỡ.

Anh nói với cụ: nếu bà thật sự muốn trả ơn cho anh thì lần khác khi bà biết ai cần được giúp đỡ thì bà cứ ra tay giùm giúp và lúc ấy “hãy nghĩ đến tôi!”

Anh chờ cho cụ bà nổ máy xe đi, mới bắt đầu về nhà. Hôm ấy, trời ảm đạm và đổ lạnh. Nhưng anh lại thấy thoải mái khi về nhà.

Cụ bà chạy được vài dặm, thấy có tiệm ăn, cụ bèn ghé lại để tìm cái gì ăn cho đỡ lạnh, trước khi về. Nhà hàng mà cụ ghé, trông không được thanh lịch cho lắm. Bên ngoài, là hai cột bơm xăng rất cũ. Cảnh vật thật xa lạ, đối với cụ. Chị hầu bàn bước đến chỗ bà ngồi, đưa cho bà một khăn sạch để bà lau tóc ướt. Chị mỉm cười vui vẻ với bà dù phải đứng suốt ngày, để tiếp khách. Cụ bà để ý thấy chị hầu bàn này có thai chừng như khá lớn nhưng không thấy chị tỏ lộ căng thẳng hoặc đớn đau.

Bà cụ thắc mắc tự hỏi: tại sao khi cho, dù có ít, người ta vẫn cho cả những người lạ mặt từ nơi xa lạ đến. Không cần biết. Nghĩ rồi, cụ chợt nhớ đến anh Bryan lúc nãy.

Ăn xong, cụ bà trả tiền bằng tờ giấy một trăm đô. Chị hầu bàn mau mắn đi lấy tiền thối. Nhưng cụ bà đã cố ý bước nhanh ra khỏi cửa. Lúc chị hầu bàn trở lại thì bà cụ đã đi mất. Chị thắc mắc không biết là giờ này cụ đi đâu. Nhìn lại trên bàn, chị để ý thấy dòng chữ viết trên chiếc khăn giấy lau miệng, có giòng chữ viết:

“Cô không nợ tôi gì cả. Tôi cũng ở tình cảnh như cô thôi. Có ai đó, đã giúp tôi giống như tôi đang giúp cô. Muốn trả ơn, tôi đề nghị: Ðừng để chuỗi tình yêu thương này kết thúc nơi cô.”

Bên dưới tấm khăn giấy lau miệng bà cụ còn lót tặng thêm bốn tờ giấy 100. Tối hôm đó, đi làm về chị hầu bàn vẫn suy nghĩ nhiều về số tiền lớn và những gì bà cụ nọ đã để lại. Làm thế nào cụ biết là chị và chồng chị đang cần số tiền ấy? Bởi, tình hình của chị sẽ khó khăn, khi sanh con vào tháng tới….

Chị biết chồng mình đang rất lo, nên đã thầm thì rót vào tai anh:

- ‘Mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi, anh ạ. Em thương anh lắm, hỡi Bryan Anderson.’

Con đường tình “em” đi. “Mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả thôi”. Nếu “em” và tôi, ta xây dựng tình. Cho đẹp. Cho mọi người. Ở mọi nơi. Đừng dựng xây cuộc sống, cho riêng mình. Như người nghệ sĩ khi xưa vẫn hát:

“Đường em cứ đi, tình ta cứ xây,

Chờ em thoát thai, quay đường về.

Đường quanh khúc co, nhịp chân trói vo,

đường duyên ấm vui, đường mơ…”

(Phạm Duy – bđd)

Đường, “em” đi. Hãy cứ đi. Dù, đường đó có là đường trần. Chờ thoát thai. Hay, đường dài. Về muôn lối. Đường nhà Đạo cũng thế. Có “em” đi. Cũng đi, như hành trình kiếm tìm dựng xây một tình thương. Thương tình. Rất đùm bọc. Dọc đường đời, có “em” và tôi, ta gặp rất nhiều người. Nhiều khuôn mặt rất lừng danh. Nổi tiếng. Hạnh phúc. Những hạnh và phúc Chúa gửi, rất thân thương. Vẫn thấy có, trong/ngoài nhà Đạo. Ở Nước Trời. Nhiều lo lắng. Gặp, không chỉ mỗi diện mạo/khuôn mặt, thôi. Nhưng, còn gặp tình tự thân thương. Đậm nét. Rất sâu sắc.

Đây, người nhà Đạo có danh/có phận. Say sưa. Hưng phấn. Vẫn cứ sống, đời mục tử/chủ chăn, nhiều đắn đo. Suy nghĩ. Nghĩ và suy, tuy không lạ, cũng cũng dễ:

“Tôi đến học, những bốn trường do các linh mục, tu sĩ và giáo dân hợp tác dạy dỗ ở vùng Riverview, chịu ảnh hưởng đặc biệt từ các bậc thầy, ở đây. Tất cả, đã tạo niềm phấn khởi nơi tôi, ngay từ lúc còn trẻ. Và các vị đã hiến trọn đời mình cho Chúa. Cho dân Ngài. Các linh mục/tu sĩ nam nữ đều có đời sống chuyên tu. Hạnh phúc. Đây là niềm khích lệ lớn - hữu hiệu nhất khiến ơn gọi làm con Chúa, nên khởi sắc. Sau khi gia nhập Dòng thánh Đa Minh đạt chức linh mục, và giám mục, tôi vẫn ra đi tìm gặp các tu sĩ/giáo dân, ở rất gần.

Suốt thời gian nhiều thập niên, mọi người trong cộng đồng dân Chúa vẫn trải qua nhiều tháng ngày cam go. Vất vả. Có suy sụp trong ơn gọi. Cũng tục hoá, nhiều địa hạt. Có sách-nhiễu tình dục, rất buồn đau. Trong hành trình phục vụ, tôi vẫn gặp nhiều giáo dân. Linh mục. Tu sĩ. Và cả Giám mục. Đã xả thân, dâng đời mình cho Chúa. Và, dân Ngài. Nên, hạnh phúc!” (x. Sharyn McCowen, “Formed as a teacher, preacher and pastor”, bài phỏng vấn Gm Anthony Fisher, Parramatta, NSW, The Catholic Weekly 07/03/10 tr. 2)

Lời nhà Đạo, nhẹ là thế. Lời người thường, ở đời. Sẽ ra sao? Rất đa dạng. Mỗi người một ý. Ý sâu sắc. Đậm đặc. Một kiếm tìm. Tìm tình yêu. Hạnh phúc. Như lời trích dẫn của người mang tên Hồng Quang, ở trên mạng. Như sau:

Hạnh phúc là chân lý tối thượng của cuộc sống. Là cái, mà mọi người trong thâm tâm, dù ý thức hay vô thức, vẫn cứ tìm. Và nhân loại vẫn tìm mãi từ nhiều năm. Nhiều thế hệ. Những kiếp người. Vẫn ngẩn người ra mà ngạc nhiên. Đột nhiên, có một ngày người người sẽ hỏi: “Này ông/bạn! Hạnh phúc chứ?”

Hôm nay, câu hỏi nghe hơi lạ. Bởi, cuộc sống không cho phép ta tra vấn kiểu như thế. Hạnh phúc là gì, mà sao ta cứ phải viết hàng đống sách, chuyên về nó. Cứ giảng và thuyết mãi, về nó? Cứ lên đường tìm nó rồi lại hỏi những câu nói khá lẩm cẩm?” (x. Hồng Quang, Câu Chuyện Phụ Nữ: Lời thì thào của hạnh phúc, Calitoday.com 08.03.2010)

Thế đó, là ý nghĩ. Của dân thường. Ở huyện. Cũng nên thêm vào đây, lời người nghệ sĩ họ Từ, từng phát hiện về đời người. Kha khá buồn, như sau:

“…Trong đời sống, nỗi buồn bao giờ cũng dai dẳng hơn niềm vui. Sau niềm vui, nỗi buồn thường đọng lại… Mỗi người trong ta, ai cũng trải qua những dòng thời gian mang nhiều nỗi truân chuyên. Mỗi người đều có nỗi buồn riêng, nhưng tựu chung nỗi buồn của con người trong đời sống, lại quá nhiều.” (x. NS Từ Công Phụng: Như mọi người, tôi cũng có trái tim mẫn cảm 28/2/10)

Vui buồn. Hạnh phúc. Khổ đau. Đó, là hình ảnh một đời người. Hình và ảnh, về đời mình. Vẫn cung cách kiếm tìm hạnh phúc. Rất bận tâm. Theo ngôn từ nhà Đạo, hạnh phúc đồng nghĩa và hành trình kiếm tìm tình yêu. Có niềm tin, Chúa hiện diện. Nói các khác, kiếm tìm - gặp gỡ Chúa, là giáp mặt với Tình Yêu. Hạnh phúc. Tình yêu ấy. Hạnh phúc ấy, vẫn đến với con người. Trong đời. Chí ít, ở Nước Trời. Nơi trần thế.

Cuối cùng, vấn đề còn tùy chọn lựa. Của mỗi người. Tùy, cung cách mọi người tìm kiếm. Tìm Tình yêu. Kiếm Chúa Trời. Bởi, chính Chúa là Tình Yêu. Tình Ngài vẫn tồn tại. Cứ kéo dài. Khác chăng, chỉ vì mình chưa gặp. Hoặc chưa tìm. Có thế thôi.

Hạnh Phúc. Tình Yêu. Mỗi người tìm một cách. Mỗi người nhìn mỗi kiểu. Có kiểu, của người đời. Rất sành sõi. Có kiểu của nhà Đạo, khá độc đáo. Đạo hạnh. Hạnh đạo, như lời đấng bậc từng trải vẫn đoan chắc một khẳng định. Rất như sau:

“Người ta nói: Ngày nay Chúa Thánh Thần hoạt động nơi giáo dân hơn giáo sĩ. Không biết có đúng không. Nhưng có hiện tượng như thế. Trong xã hội, người ta lấy dân làm gốc. Trong Đạo vào lúc này, giáo dân được ơn Chúa soi sáng thúc đẩy hơn giáo sĩ. Ngoài Bắc, thấy cha xứ thiếu tư cách, giáo dân kiện lên Bề Trên, tẩy chay cha. Không đi lễ. Hoặc, nhắm mắt nói: ‘Cha có tội mặc kệ cha, mình chỉ tin Chúa’. Thái độ thụ động, chịu đựng thành thói quen trong chế độ, cả trong miền Nam. Ở miền Nam, họ đánh linh mục, đuổi linh mục như ở Hoàng Mai, Xóm Mới, Tân Sa Châu. Giáo quyền đóng cửa nhà thờ, giáo dân đành thiệt phận.

Một định giá xem ra có vẻ ngạo mạn, là: giáo dân tốt hơn linh mục. Linh mục hơn Giám mục. Điều đó, có thể chứng minh trong việc phong thánh. Giới nào vững vàng nhất. Ở trong tù, thường là thế này: giáo dân hơn tu sĩ. Tu sĩ hơn linh mục. Trong những vấn đề khó khăn: giáo dân vững vàng, linh mục nhẹ nhàng, Giám mục im tiếng, hoặc xuê xoa.” (x. Hồi ký Đức Cố Giám Mục Lê Đắc Trọng, Hiện tình tôn giáo sau năm 1975 www.catholic.org.tw/vntaiwan 28/2/10)

Đấng bậc vị vọng nói nhiều. Làm nhiều. Đó, là về các thánh. Trong Đạo. Nhưng, khi tìm/gặp Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu, nhiều vị đã và đang là thánh, nhưng vẫn chưa được phong. Chưa được thần quyền/giáo quyền vinh thăng thành hiển thánh. Trong giáo hội. Đó, là điều ta nên suy/nên hỏi: nếu từng gặp Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu. Là, Hạnh Phúc. Sao ta không thành thánh, được nhỉ? Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, Ngài luôn cảm hoá người được yêu. Đương yêu. Ngài không để mọi người luột mất Tình Yêu/Hạnh Phúc, Ngài ban phát. Có chăng, chỉ vì người ấy/người kia muốn ngược lại. Thế thôi.

Nói theo kiểu nghệ sĩ người đời/ở ngoài đời, là nói và hát, như thế này:

“Ngàn sao sáng xa,

nhìn Em thướt tha,

rụng rơi vướng mây, tóc ngà.

Đường thơm bóng gầy,

nhạc run lá bay,

hàng cây thiết tha, đắm say.”

(Phạm Duy – bđd)

Một khi đã gặp Tình-Yêu/Hạnh Phúc rồi, thì đương nhiên là “Em” và tôi, sẽ “thướt tha”. “Ngàn sao sáng xa”. Và khi đó, hàng cây/vũ trụ sẽ “thiết tha”. “Đắm say”. Như đã từng say Em/say tôi. Người con Chúa. Ở đây. Bây giờ. Vậy thì, hỡi “Em” và hỡi tôi, ta mạnh dạn lên mà ca và hát. Hát những lời cảm tạ. Cảm ơn đời. Cảm ơn người. Vì đời, vì người giúp ta tìm gặp Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu. Hạnh Phúc. Rất suốt đời.

Trần Ngọc Mười Hai

chừng như vẫn cứ tìm

mà không biết răng mình đã gặp.

Tình Yêu. Và, Hạnh Phúc.

Rất trong đời.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com