Sunday, 18 April 2010

“Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân”

Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ.”

(Ngô Thuỵ Miên – Em Còn Nhớ Mùa Xuân)

(Rm 6: 8)

Về chữ “nhớ”, đúng ngày người mình tiễn biệt Thầy Chí Ái, Thứ Năm Thánh 2010, bần đạo được dặn: chớ quên buổi an táng người anh em bên Phật. Tại nghĩa trang Botany, Sydney. Dự buổi an táng ở nghĩa trang. Người người thấy bi ai. Thổn thức. Từ biệt. Giã từ biền biệt, người chiến hữu ngoài Đạo, vẫn bất khuất. Nhân ái.. Độ lượng. Và, đặc trưng buổi hôm ấy, là câu hát rất nghe quen của thành viên tham dự, trước giờ “G”. Có chốn về. Rất gợi nhớ.

Gợi nhớ trên, thoạt nghe đã thấy đẹp. Đẹp như một giòng thơ. Có nhạc kèm. Rất chân chất. Những thi ca. Và, nhạc nền. Đến độ, người nghe nhạc bản thấy lòng mình, như thẫn thờ. Hít thở từng lời thơ. Ý nhạc. Rất thanh thoát, nhè nhẹ đi vào hồn người. Bình yên. Sâu sắc. Thoát tục.

Này hỡi bạn, và hỡi tôi. Nên chăng ta cứ đổi thay chỉ nét “x” ở từ “xuân”? Thử thay đổi, bằng những chấm phá đậm mầu. Viết chữ Hoa. Rất lớn. Thử xong, ta sẽ có ngay một liên tưởng, về Chúa Xuân. Tức, Đức Chúa của Mùa Xuân. Của, Tình Yêu. Xuân Bất Tận. Hằng hiện hữu. Bằng, tình tự. Ý tứ. Rất thơ văn. Khiến, từ văn nhân/thi sĩ cho chí người đặt nhạc, vẫn cứ liên tục nhân cách hoá, Thứ Tình rất Xuân. Có ở mọi nơi. Thứ Tình rất thánh. Của, những yêu thương. Nồng thắm. Nụ cười gần.

Gợi nhớ, để rồi hỡi bạn và tôi, ta nhận ra nơi đó, có Xuân Mùa người đời vẫn cứ hát:

“Nơi ấy bây giờ còn có mùa Xuân? Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần. Có mắt nai vàng ngời sáng tình xanh, Em có bao giờ thấu cho lòng anh”.

(Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Một lần nữa, ý tứ và tình tự của Mùa Xuân, là ý/tình cuộc đời, cũng rất “xanh”. Có dáng

nghiêng nghiêng nghiêng. Nụ cười gần. Có nai vàng. Ngời sáng, mắt tinh anh. Của anh. Của em. Nay cũng nhớ.

Không cần biết, anh hoặc em, có là bạn/là tôi, ta có gọi nhau. Coi nhau như người anh/người chị có Xuân không, thì Chúa Xuân muôn đời vẫn à Đấng có “nụ cười gần”. Có giọng hát trẻ. Như: “tiếng dương cầm”. Sáng, một tình xanh. Tinh anh. Mầu của biển. Của trời. Là, hy vọng ta đang có. Làm ta nhớ. Và thương. Thương nhớ Mùa Xuân. Mến Chúa Xuân.

Về nhớ. Về thương, lại cũng một lần từng nhắn nhủ ở lời ngỏ. Bên dưới:

“Em nhé, khi nào chợt nhớ mùa xuân,

Nhớ lá thư xanh, và chuyện tình hồng.

Nhớ nắng hanh vàng, nhuộm áo Hà Đông,

Anh ở nơi này, vẫn luôn chờ mong.”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Anh và em sống ở nơi này, vẫn luôn mong chờ Chúa Xuân như chờ mong điều tốt đẹp. Hệt như thế. Chờ và mong, như lời nhắn của đấng thánh thời giáo hội tiên khởi, lại cứ bảo:

“Con hãy nhớ rằng:

Đức Giêsu Kitô

từ trong kẻ chết

Người đã Phục Sinh.

Chúa (ư) là ơn cứu độ chúng ta

Nguồn Vinh Quang muôn đời của ta, (à)!”

(Nhạc Hoàng Kim – lời thư thánh Phaolô gửi Timôtê 2: 8-11)

Nay nhớ Lời, hẳn người người vẫn nhớ nhiều, về sự sống. Nhớ cả nỗi chết. Sự sống lại. Cứ xảy đến với mọi người. Ở mọi nơi.

Nơi cuộc đời. Con người. Luôn có những gợi nhớ. Nhắn nhủ. Rất dễ thương. Ngoan cường. Quả quyết. Nhắn và nhủ, là Lời thân thương. Thuở trước. Rất trìu mến. Dặn dò. Điều sau đây:

“Thật! Thầy bảo thật anh em:

tôi tớ không hơn chủ nhà,

kẻ được sai đi, không hơn người sai đi.

Anh em đã biết điều đó,

nếu anh em thực hành,

thì thật phúc cho anh em!

(Ga 13: 16-18)

Gợi nhớ và nhắn nhủ, không chỉ như thế. Nhớ, là nhớ Lời Thương Yêu. Có nhắn và có nhủ. Nhắn và nhủ là lời nhắn, Thầy có thêm cả một quan niệm sống. Rất đúng đắn. Quan niệm ấy. Nhận định này. Là, những nhắn nhủ. Mọi thời. Như sau:

“Ứng nghiệm lời Kinh Thánh:

Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh

lại giơ gót đạp con.

Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này,

trước khi sự việc xảy ra,

để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.”

(Ga 13: 19-20)

Vào buổi ấy, Hội thánh cũng có kẻ “giơ gót đạp con”. Những chống Chúa. Rồi, phản thần. Hôm nay, đồ đệ Chúa lại cũng gặp những kẻ/những vị từng hưởng “lộc thánh” từ đàn dân con của Đức Chúa, nay lại đã “giơ gót đạp” Hội (của các) thánh, bằng nhiều cách. Cung cách, mà người thời nay, hay gọi bằng ngôn từ rất nghe quen, như: “đâm sau lưng chiến sĩ”. Tức, một hành động chống đối, ra mặt. Chống lại bạn bè người cùng bàn, ăn chung bánh. Vẫn lân la. Hưởng lộc. Từ nơi nhà Đạo. Từ, dân của Chúa.

Hôm nay, vào vườn nhà của Chúa để hưởng lộc thánh, qua câu ca/điệu nhạc, mà bạn bè vẫn đang tin hoặc không còn cậy vào Lời của Chúa, nữa. Qua ý/tình trong sáng. Tuyệt diệu. Của hồn Thơ, rất yêu kiều. Diễm lệ. Chợt thấy lòng mình về lại với “tình Xanh”. Bàng bạc. Lạc lõng rất nhiều vần. Nhiều điệu. Vần điệu, của thơ văn lạc lõng. Vẫn đó đây rải rác một đôi gai. Nơi hoa loài, ở đời thường. Còn lộ diện ngay nơi ấy. Nơi, hiển lộ nhiều phản kháng. Khích bác. Khuất tất. Dù cho họ có đứng trước vẻ đẹp của hoa mầu đủ loại. Được Chúa tạo ra. Gai ở hoa. Nhọn hoắt trong đời. Nay gây nhiều tai hoạ. Khiến người thưởng lãm thấy lúng túng. Ngại ngùng. Bức bách.

Chẳng thế mà, nghệ sĩ nhà ta, lại cũng viết:

“Trời Sàigòn chiều hôm nay

còn nhiều mây bay.

Nhiều đau thương

bi hận tràn đầy…”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Vườn hoa Đạo, nay không còn là “khung trời Sàigòn” đầy bi hận. Nhiều mây bay. Như vẫn thấy. Thấy, những chông gai. Nho nhỏ. Nhọn hoắt. Nhức nhối. Thấy, gai nhọn vẫn châm chích hoa vườn nhà Đạo. Tạo rối rắm. Gai rối, thường thấy đó kể từ ngày có cơn hấp hối và nỗi chết của Thầy Chí Thánh. Suốt nhiều thời.

Gần đây nhất, ở thời hiện tại lại có những tên những tuổi rất nổi cộm, như Richard Dawkins với một “The God Delusion”. Một Christopher Hitchens, với “God is not Great”. Cả Sam Harris nữa, với “The End of Faith”. Toàn những gai nhọn chích rất đau, xảy đến từ ngày Đức Chúa chấp nhận cuộc khổ hình. Có nỗi chết. Rất nhiệm mầu. Rất cứu độ.

Gai nhọn hôm nay, rày đã gặp từ các văn nhân/thi sĩ gốc vô thần. Phản chống Chúa. Nhưng, người chống đối hôm nay, không thông minh. Cũng chẳng thuyết phục được nhiều người. Như, nhóm rối bời thời Trung Cổ, nhiều năm trước. Họ đúng là những người ăn-không-ngồi-rồi-tìm-giết-Chúa,. Bằng viết sách cho bè nhóm thuộc đám chống kình. Chẳng muốn tin. Vẫn chỉ thích ngồi nhìn thiên hạ múa may quay cuồng, rồi loan tin thổi phồng, hơn là kiếm tìm sự thật. Rất nghiêm chỉnh. Thế nên, gai nhọn châm chích vẫn khích bác người chân phương. Yếu bóng vía. Vốn hãi kinh, nên thiếu tự tin. Thiếu cả phương cách thích hợp để phản bác. Phương pháp cứu niềm tin, đang bị thử thách.

Thử thách trước gai nhọn châm chích nhà Đạo, nay không gồm gươm đao. Súng ống. Với hành hình. Mà là thách thức những điều đáng tin. Tin có Chúa hiện diện. Với người. Với mình. Không bằng sách vở. Nhưng, qua kinh nghiệm lịch sử. Lịch sử có ghi chép. Lịch sử người Do Thái, có chứng cớ rành rành. Rất đáng tin. Sử sách nói về Đức Giêsu thành Nadarét. Đấng đã chết cho cả kẻ tin lẫn người không phục. Rất “tình xanh”.

Sử gia thời buổi trước, như Josephus của Do thái, như Tacitus của La Mã, là những người từng viết sử nghiêm túc. Đã ghi chép về hành động gian ác /bạo tàn của Nêrô, tay hoàng đế chỉ thích vui say nhảy múa, trước thành La mã bị đốt cháy. Để rồi, cứ đổ vấy cho người có Đạo, làm thủ phạm.

Ngay đến các sử gia La Mã như Seutonius cũng không quên chi chép về Đức Kitô Giêsu, Đấng đã hành trình qua Tibêriát được cả ngàn người theo chân. Khâm phục. Cho chí kẻ thù ngoài Đạo, vẫn đều rất tin. Đều công nhận Đức Kitô đích thực hiện diện. Với đời. Và trong đời.

Thêm vào đó, còn có tổng trấn Pliny thuộc Tiểu Á cũng nói đến Đức Kitô Giêsu. Và, những người Đạo Chúa. Sống hiền lành. Độ lượng. Rất dễ thương. Thêm vào đó, còn các chứng từ của Phúc Âm. Tức, những lời tâm phúc từ các kẻ theo bước chân mềm của Ngài. Vẫn rong ruổi đường trường, mà truyền bá. Và từ đó, những người nghe biết đều thấu hiểu Lời Ngài. Đều, tìm cách học hỏi thêm. Tất cả, đều xác chứng Đức Chúa, đã có thực. Không có gì phải ngờ vực.

Người người nay cứ tưởng: hễ con người càng khám phá được nhiều thứ trong quá khứ. Cả vật lý. Sức khoẻ. Và khoa học/kỹ thuật. Sẽ, bớt dần chuyện đã tin. Không như Richard Dawkins từng nhận định, các bản chỉ Ryland bằng giấy Papyrus bờ sông Nile, Ai Cập đã bao gồm nhiều chương đoạn nhắc đến Phúc Âm thánh Gioan, của thời trước. Và, các nhà kinh điển nghiêm túc cũng đã công nhận Lời Chúa trong Phúc Âm, ngay từ niên biểu 100, sau công nguyên. Xem thế thì, những người từng có mặt thời của Chúa, lúc còn sống, vẫn từng làm nhân chứng, xác nhận điều họ minh xác.

Quả thật, không nhà chú giải nào lại đã nghi ngờ việc Chúa hiện hữu nữa. Bởi, Ngài đã từng tuyên bố chính Ngài là Đấng Mêsia bằng xương bằng thịt. Và, ai biết Ngài cũng đều đã tin. Tin rằng, Ngài thực là Con Thiên Chúa.

Trên thực tế, không ai buộc ta phải tin hết mọi chuyện. Nhưng, lý trí bảo cho ta biết: ít ra, ta cũng nên tự hỏi: tại sao những kẻ tin vào Ngài, lại dám chấp nhận cả cái chết. Chết vì Đạo. Chết vì lý tưởng chưa được minh xác. Nhưng ít ra, họ cũng nhận thức được các lý lẽ, rất xác đáng. Nên mới tin. Điều cần nhớ, là: những người từng biết và từng tin Đức Giêsu. Đều đã sống với Ngài. Thấy Ngài chết đi. Và, sống lại. Tất cả đều chấp nhận ra đi vào cõi chết. Vui vẻ. Mãn nguyện.

Cuối cùng thì, có những người thông minh sống trên đời. Với cuộc sống, rất bình thường. Như đám dân chài. Như, người trước đây từng bách hại, các kẻ tin. Hoặc, ngay đến phường giá áo túi cơm. Bọn điếm đàng. Quân thu thuế. Nhất nhất, đều cùng chung một niềm, rất vững tin. Họ là những người không cười mỉa vào niềm tin, của người khác, như những kẻ chống Chúa. Phản thầy. Ở đây, chẳng có gì chứng minh rằng kẻ tin Chúa là những người ngu si, dốt nát. Thiếu hiểu biết. Ngược lại, họ cũng khôn ngoan. Sáng suốt. Vẫn say mê tin Chúa. Chứ không tin vào lời khoác lác có triết thuyết trừu tượng. Không tưởng. Của, giới vô thần. Phản Chúa. Phản thầy. Không đáng ta quan tâm.

Cuối cùng và sau hết, cũng nên diễn tả điều này, bằng lời thơ/ý nhạc của người ngoài, có lời hát:

“Những thành phố em sẽ đi qua,

Đây Ba lê, đây Luân đôn, đây Vienna.

Nhưng có đâu bằng Sàigòn hôm qua

Nhưng có đâu bằng Sàigòn mai sau

Em có mơ ngày hát câu hồi hương?”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Nay thêm một lời nhủ: nếu ta thử thay tên thành phố mình đã đi qua, bằng niềm tin mình vẫn có. Hẳn rằng, người người sẽ “hát câu hồi hương”. Hồi hương hay hồi hướng, vẫn là về với niềm tin, ta còn giữ. Về với tình thương ta trải dàn. Với mọi người. Thế cũng đủ. Bởi, tin là gì nếu không phải là yêu thương. Giùm giúp. Giúp, cả những người tin vào Đấng Ở Trên, lẫn vô thần. Phản Chúa.

Tin, là biết hát lời ca tuyệt đẹp mà nghệ sĩ trên từng nhắn nhủ, khi còn trẻ:

“Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân” Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ

Nhớ tiếng dương cầm, giọng hát trẻ thơ,

Có thấy bơ vơ, ngày tháng đợi chờ…”

(Ngô Thụy Miên – bđd)

Tin, là nhìn thẳng vào đời, có những người từng bảo cho mình biết. Từng kể cho mình nghe. Nghe, những truyện kể. Lễ mễ. Dông dài. Đầy ý nghĩa. Như sau:

“Truyện rằng:

Cô gái nọ, từng bị người mình yêu, bỏ đi về. Thấy buồn, cô ra ghế đá công viên, ngồi khóc lóc. Thảm thiết. Bỗng, có nhà hiền triết đến gần bên. Nhè nhẹ hỏi:

-Sao thế? Sao lại ngồi khóc một mình, khổ thế?

-Em chẳng hiểu tại sao người em yêu, sau một hồi cãi vã. Đã khích bác. Rồi bỏ đi.

-Cô thật khờ. Có gì đâu mà buồn với giận. Lại còn khóc!

-Sao không? Người em yêu, phản chống lại ý em. Rồi bỏ đi. Bác đã chê em khờ. Lại còn chỉ trích. Xin giải thích lý do vì cớ gì, lại như thế?.

-Này nhé. Bảo cô khờ, vì đời người chẳng có gì để ta cứ phải kéo dài cơn buồn giận, lẫn âu lo. Thực tình, thì kẻ buồn nhất phải là người ấy chứ nào là cô. Mất mát đây, chỉ là mất trong phút chốc. Mới chỉ mất đi, người không yêu mình. Còn người kia, có khích bác cô, bỏ đi, cũng vẫn mất đi một người hằng yêu mến hắn ta. Cô nhận ra điều ấy chứ?

Nghe giải thích, cô gái không trả lời, cứ lẳng lặng mà đi. Đi về nhà. Không còn bị dằn vặt bởi sự thể là: có những người đã không yêu không thích mình thì thôi, sao còn châm chích. Với khích bác?

Thời gian trôi qua, nỗi buồn người con gái cũng dịu bớt. Nhưng người kia, tức nhân vật chính trong vụ đả kích. Khích bác. Cả nhân sinh quan/lối sống của người khác. Làm như thế, càng khiến mình sống xa cách. Vò võ. Đơn độc. Tiếc một điều, là đã mất tình thương yêu. Quí mến. Từ những người, yêu quý mình.

Mất tình thương, là mất mát lớn không tái tạo được. Để, cuối cùng, người ấy nay cũng nhận ra rằng: điều quý giá trên đời, chẳng là chân lý/ý niệm, mình vẫn giữ. Rất khư khư. Những thứ ấy, cứ từ từ sẽ biến dạng. Với thời gian. Còn lại, một điều quan trọng là: biết nắm giữ hạnh phúc. Mình đang có. Hạnh phúc ấy, là tình yêu. Là, tin rằng: Tình Yêu, mới là tất cả. Và, tình yêu chỉ có được, nếu mình biết tin vào hạnh phúc. Vào Tình Yêu đích thực. Vẫn hiện diện. Trên đời. Chí ít, là tin rằng: Đấng Có, là Đức Chúa luôn thương yêu hết mọi người. Chính đó là Niềm Tin. Chính đó là Tình Yêu. Chứ không phải sự nổi tiếng. Chống đối. Cãi cọ. Suốt mọi đời.

Truyện ở trên, hay hơn cả triết thuyết. Về cuộc sống. Bởi, sống ở đời, mà không có Tình Yêu. Hoặc, không tin vào Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, Đấng đang hiện diện với ta. Trong ta. Thì, cuộc đời cũng vô nghĩa. Người sống trong đời, mà lại không có niềm-tin-yêu, chẳng khác nào như đang chết. Nhưng vẫn thở. Thậm chí, có khi cũng không tin là mình đang hít đang thở, một Tình Yêu.

Trần Ngọc Mười Hai

cầu cho Tình yêu ở mãi với mình và với người

để mãi mãi sẽ còn tin.

Tin Thiên Chúa là Tình Yêu.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com.

No comments: