Saturday 25 May 2013

“Buồn ơi! Thế nhân là thế,”.



Chuyện Phiếm đọc sau Lễ Mình Máu Chúa Năm C 23-6-2013

“Buồn ơi! Thế nhân là thế,”.
“Sao người yêu vẫn cứ say mê?
Buồn ơi! yêu đương là thế,
Sao tình ta mãi mãi đam mê.”
(Nguyễn Ánh 9 – Buồn Ơi Chào Mi!)

(Ga 20: 19-22)
            Chữ nghĩa người đời, làm sao diễn tả được hơn thế, về chuyện buồn? Văn thơ ở đời, đâu nào chuyển tải nổi tâm trạng của bạn hiền mình buồn tình, những hát thêm:

            “Buồn ơi! Ta xin chào mi.
            Khi người yêu, đã bỏ ta đi.
            Buồn ơi! Ta xin chào mi.
            Khi tình yêu, chắp cánh bay đi.”
            (Nguyễn Ánh 9 – bđd)

            Vâng. Thế đó, là tâm tình được người nghệ sĩ trẻ mang tên là Bằng Kiều, diễn tả ý/lời của ai đó, trong buổi nhạc hội mang chủ đề: tiếng hát Bằng Kiều ở Revesby, Sydney tối hôm 10/5/2013.
            Nghe Bằng Kiều hát bài “Buồn ơi, chào mi”, bần đạo đây chẳng thấy gì buồn tiếc nỗi niềm của “tình yêu đã chắp cánh bay đi”, nhưng chỉ thấy nghệ sĩ rất không buồn mà chỉ gào thét, mấy câu:

            “Người yêu… cho ta niềm đau,
Buồn hỡi!...cho ta quên mau.
Buồn ơi! Hãy đến với ta.
Để quên, chuyện tình xót xa.”
(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Thấy người nghệ sĩ cứ luôn ới gọi: “Buồn ơi! hãy đến với ta, để quên chuyện tình xót xa”, bần đạo cũng chẳng thấy gì buồn bằng nghe “Ông” cháu nội nứt mắt mới chỉ 5 tuổi đầu đã biết lân la gạn hỏi đôi câu tiếng Anh rất ý nghĩa, như sau:

“-Nội à!
-Gì thế cháu?
-Mẹ cháu bảo: Nội buồn bà cố vừa mới chết, đúng không nội?
-Đúng. Già rồi thì phải chết. Nhưng chết là về với Chúa/với Phật, đó cháu à!
-Thế, nội già chưa? Nội cũng sắp chết rồi phải không?
-Đúng đấy! Nội nay cũng già nhưng chưa được chết đâu, cháu ạ.”

Thế đó, thực tế của cuộc đời. Đời người và đời mình, vẫn có những chuyện buồn rất khá sợ. Sợ buồn. Sợ chết. Sợ mất hết niềm vui sống ở đời, rất con người.  
Thế nhưng, về tình buồn, mỗi người cảm nghiệm một cách. Có cách nhậm lẹ khi bị người tình hay người đời bỏ bê, ê chề, giống nghệ sĩ. Có trường hợp, con nguời mình lâu nay chìm đắm trong nỗi buồn mất mẹ, mất người thân, lại bị bồi thêm bằng những thông tin cũng khá buồn ở đâu đó, vãn cứ bảo:

“Tuần vừa qua, có tin chị Brenda Heist ở Mỹ từng biến mất, sau khi đưa con đến trường rồi thả xuống trước cổng trường tiểu học ở Pensylvania. Từ đó đến nay, sau 11 năm trời, mới xuất hiện. Mọi người đều tưởng chị bị bắt cóc làm con tin hay sao đó, như kỳ thật chị đã tự ý bỏ trốn biệt, sau khi bị cơ quan an sinh từ chối tài trợ tình trạng của người mẹ đơn chiếc.

Theo lời chị kể với ngành cảnh sát, thì: liền sau đó, buồn quá, chị mới ra công viên/bìa rừng ngồi khóc cho đỡ buồn, bất chợt gặp nhóm người leo núi rủ chị gia nhập cùng leo núi cho bớt buồn. Và trong một thoáng rất nhanh, chị đã theo họ, cố để bớt căng thẳng thần kinh, vì nhiều thứ xảy đến quá nhanh, cũng rất khó.” (x.Tamara Rajakariar, Brenda Heist case reveals increase in mothers who leave their children, MercatorNet 11/5/2013)

            Buồn là thế. Nhưng, người người sống ở đời đều có thể giống như ai đó, vẫn cứ bảo: “Buồn ơi! Chào mi.” Bởi, dù buồn đến thế nào đi nữa, thì người buồn cũng đâu nào muốn chào hỏi bất cứ ai. Ngược lại, chỉ thấy cộng thêm vào với nỗi buồn chồng chất khi nhận tiếp một tin tức:

“Dù thấy buồn, và có hơi sững sờ khi nghe tin đó, nhưng tôi định bụng sẽ bỏ qua một bên những tin tức đại loại như thế, và cứ coi đó chỉ là chuyện hãn hữu ít khi thấy. Thế nhưng, đọc bài viết của Peggy Drexler là Phó Giáo sư Tâm lý thuộc đại học Cornell, Hoa Kỳ đồng thời là tác giả của loạt bài mang tên “Our Fathers, Ourselves: Daughters, Fathers and the changing American Family, tạm dịch là “Người Cha của ta, và ta nữa, những người con gái và người Cha và Gia đình ở Mỹ đang đổi thay”, thì đây lại là khuynh hướng rất đáng báo động. Phó Giáo sư này, từng công nhận rằng: con số các bà mẹ đơn chiếc bỏ rơi con cái để đi hoang như thế, trước đây, cũng không nhiều. Nhưng, nay thì con số các bà mẹ như thế lại đã thoát ly gia đình đầy ràng buộc, và con số này đang gia tăng ở mức đáng kể. Nội ở Hoa Kỳ mà thôi, con số những người cha đơn côi lại đã tăng lên gấp ba lần kể từ năm 1982 cho đến 2011. Dù muốn dù không, nay cũng thấy nhiều nhóm hội/đoàn thể đã hỗ trợ các bà mẹ chọn bỏ rơi gia đình lại, bất kể con của mình còn nhỏ tuổi không thể sống không có mẹ.” (Xem Tamara Rajakariar, bđd)  

            Nếu bảo rằng: khi buồn bực, người nào cũng có thể và rất dễ làm bất cứ sự gì dù không thiết thực hoặc không phải phép. Trái lại, có nhiều vị tuy không buồn là mấy, nhưng vẫn có thể mang nặng trong đầu những suy tư buồn chán đến độ cứ ngâm nga những lời ca vô nghĩa hoặc thiếu thực tế, như:

            Nếu trên đường tình ta lẻ loi một mình
            Thì trên con đường đời ta có mi,
            Buồn ơi!”
            (Nguyễn Ánh 9 – bđd)

            Buồn là gì, mà sao anh/sao chị cứ ới gọi mãi lại còn ủ rũ người ra như thế? Buồn tình hay buồn đời, buồn chán người đời đâu có là thực thể hay thực tế cuộc đời đâu mà nhiều vị lại cứ tìm đến nói rồi níu và kéo! Níu và kéo, đến độ đôi khi còn dài dòng tâm sự như lời kể lể của một vị khác cũng từng nói:

“Trong mấy ngày qua, các tin tức giật gân về chuyện 3 nữ phụ nọ bị bắt cóc biệt tích đến mươi năm vào những năm 202, hay 2004 gì đó, ở Cleveland bang Ohio Hoa Kỳ, đã khiến một số người vội mừng vì đã kịp thời phát kẻ chủ mưu. Riêng tôi, tôi không thấy có gì để mừng về chuyện phát hiện kẻ chủ mưu đúng lúc đúng thời, mà chỉ thấy buồn và lo cho gia đình của nạn nhân phải sống thế nào khi vỡ chuyện.

Sở dĩ tôi buồn và lo, là vì: khi mất đi một lúc những 3 người thân thuộc, hẳn người trong gia đình, dù vững tâm đến mấy cũng không khỏi buồn rầu rồi tưởng tượng: làm sao chuyện ấy lại xảy đến với gia đình mình? Cảnh khó tưởng tượng hơn, khi cứ nghĩ về thân phận của người mất tích, chẳng biết bây giờ sống chết ra sao. Và từ đó, sẽ có cảm giác khá lạ kỳ khi cứ phải tiếp tục sống và sinh hoạt với bạn bè/người thân xa hoặc gần cả vào lúc sự việc vừa xảy đến.

Tôi càng không thể tưởng tượng nổi sự việc lại có thể buồn đến chết được khi thấy gia đình của nạn nhân vụ bắt cóc và cưỡng hiếp kể ở trên cứ phải tiếp tục sống trong chuỗi ngày dài những thê thảm. Trường hợp mẹ ruột của cô bé tên Berry đã phải chết ít năm sau đó vì truỵ tim mạch. Còn người cha của bé em tên là De Jesus lại đã phải cho rọi hình của con gái mình thật lớn để cứ chiều chiều nhìn vào đó mà gọi tên con, mau trở về. Cũng là chuyện buồn thế kỷ khi cuộc sống cứ thế tiếp diễn cách nhạt nhẽo bất kể ai đó có buồn bực hoặc chóng quên đi đến kết cục bằng việc phải trả một giá khá đắt.” (Xem Tamara Rajakariar, Cleveland Abduction Victims’ Lives Changed Forever, MercatorNet 08/5/2013)

            Bàn về chuyện buồn, mỗi người bàn mỗi cách, mỗi kiểu. Có kiểu và cách của người nghệ sĩ vẫn cứ hét và cứ gào mãi những câu như:

            “Buồn ơi! Thế nhân là thế…
            Sao người yêu, vẫn mãi say mê?
            Buồn ơi! Yêu đương là thế…
            Sao tình ta, cứ mãi đam mê?”
            (Nguyễn Ánh 9 – bđd)

“Thế nhân là thế”, tức như thể: “Vẫn mãi say mê”. Say mê đây, không hẳn chỉ mỗi chuyện “cứ mãi đam mê”, mà còn như người nghệ sĩ lại cứ hát thêm:

“Người yêu! Cho ta niềm đau…
Buồn hỡi! cho ta quên đau…
(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

            Bàn chuyện “buồn thế kỷ”, người sống ở đời lại có ý nghĩ rất khác biệt. Khác ở chỗ, theo nhà Phật thì “Tứ Diệu Đế” (Sinh, Lão, Bệnh, Tử) vẫn là thứ nhân sinh cũng khá buồn. Muốn thoát khỏi vòng nhân sinh “buồn” này, chỉ có cách là ta đi vào chốn “sắc sắc không không” rất diệt dục, và coi nhẹ cuộc sống như tơ hồng, rồi sẽ thấy. Thấy, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, tợ mây khói.
            Thế còn người nhà Đạo mình thì sao?
            Nhà Đạo mình, bàn chuyện vui nhiều hơn buồn. Bởi thế mới Kinh có Sách gọi là Tin Vui An Bình hoặc Tin (rất) Mừng. Vui là vui khi “có hai người, ý phục trắng ngời đã đứng bên họ, và nói:

“Các ông, người Galilê,
tại sao các ông cứ đứng đó nhìn trời?
Đức Giêsu đây,
Đấng vừa siêu thăng xa cách các ông,
Ngài sẽ đến cùng một thể như các ông thấy
Ngài đi về Trời.”
(Cv 1: 11-12)

Và, đấng bậc hiền từ còn nói rõ hơn khi ghi chép lời của Thầy mình:

“Thầy để lại bình an cho anh em,
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.
Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.
Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.28
Anh em đã nghe Thầy bảo:
"Thầy ra đi và đến cùng anh em".
Nếu anh em yêu mến Thầy,
thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha,
bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29
Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra,
để khi xảy ra, anh em tin.”
(Ga 14: 27-29)    

Thật ra thì, có buồn hay không buồn do có nhiều thứ vẫn đến với ta, vẫn là đời người. Đời người còn rất nhiều thứ để ta sống vui, chứ không buồn. Buồn sao được, khi bậc thánh hiền ở Tin Mừng, vẫn cứ nhắc nhở mọi người sống trong đời “hãy quẳng gánh lo (buồn) đi” mà vui sống, dù cuộc đời mình có đi vào ngay giữa đường hầm, đầy tăm tối.
Hãy cứ vui, bởi lẽ Chúa đã đến và Ngài đang ở gần cận những người khổ đau, sầu buồn, lẻ loi một mình. Chúa đến, như Ngài đã hứa, có Thần Khí Đấng Ủi An Chữa Lành hết mọi sự. Sự thật thì, Chúa đã đến không chỉ có mỗi ngày Hiện Xuống rất “Ngũ Tuần”, nhưng còn là mỗi ngày và mọi ngày. Ngày Chúa đến, Ngài vẫn muốn mỗi người và mọi người hãy tự mình vận dụng mọi khả năng từ trí tuệ đến quan năng xác thể cùng quyết tâm thực hiện mọi điều tốt đẹp khả dĩ chữa lành mọi trục trặc ngoài ý muốn.
Chúa Hiện Đến, bằng cách này hay cách khác, là để thêm ân huệ, quà tặng mà ta vẫn muốn và vẫn xin. Rất nhiều lúc, con người như ta chẳng cần xin xỏ hoặc cầu khấn, nhưng Ngài vẫn biết rõ nguyện ước của mỗi người và mọi người nên Ngài mới sai Thần Khí hiện đến vào và từ lễ Ngũ Tuần để con dân Ngài nhớ mà thực hiện những điều Ngài căn dặn. Có như thế, người người mới mong quẳng gánh lo buồn rười rượi, rất khó bỏ.
Và Chúa đến, để chữa lành mọi sầu buồn của con người như quà tặng “nhưng-không”. Quà tặng ấy là thời gian. Là, sự quên lãng, hoặc cả đến nỗi niềm hưng-phấn sống với những sự rất mới mẻ. Quà tặng Chúa gửi đến, như thể ân huệ chợt đến với những người có nhu cầu cần giải quyết, hệt như truyện kể để minh-hoạ ở bên dưới:    
              
“Truyện rằng:
Một cụ già đầu râu tóc bạc, đi không còn vững, nhưng tinh thần vui tươi, vui vẻ chấp nhận cuộc sống với những thiếu thốn tiền bạc và rắc rối trong gia đình. Người ta hỏi cụ:
- Làm sao cụ  có thể an vui như thế?
- Thưa, tôi suy nghĩ và nhìn đời bằng ba cái nhìn.
- Như thế nghĩa là gì?
- Thưa, tôi nhìn lên, nhìn xuống và nhìn ngang.
- Xin cụ giải nghĩa thêm.
- Vâng, trước hết, tôi nhìn lên trời và nhớ rằng công việc chính yếu của tôi là đạt tới Nước Trời. Trên đó cha tôi...đang chờ tôi. Tôi luôn sống thuận theo Ý Trời, Ý Cha tôi.

Rồi tôi nhìn xuống đất, nghĩ rằng tôi sẽ nằm trong đó sau khi chết, một chỗ thật bé nhỏ. Thánh vịnh nói: "3 tấc đất mới thật là nhà"

Sau cùng, tôi nhìn ngang, nhìn đến biết bao nhiêu người đàn ông, đàn bà, trẻ em bên cạnh tôi, trên khắp trái đất này có khi còn nghèo hơn tôi, cực khổ hơn tôi, bị oan ức hơn tôi, thiệt thòi hơn tôi: có người bị cùi, có người bị điên, có người bị bệnh Aids...Tôi còn hơn nhiều người. Tạ ơn Chúa và Mẹ  Maria, tôi còn sống đây, chưa phải vào Hỏa ngục.

Ba cái nhìn đó làm tôi sống hạnh phúc, vì tôi biết có Chúa yêu tôi, tôi không than vãn trách móc kêu ca ...như hồi tôi chưa vào đạo Chúa....

"Mọi sự đời này sẽ qua đi, nhưng ai thi hành Ý Chúa sẽ tồn tại muôn đời”

Nói cho cùng, thì hỡi bạn và tôi, ta hãy nhớ cho rằng: dù ta có nhân-cách-hoá “nỗi buồn” cách mấy đi nữa, thì buồn vẫn hoàn buồn. Vẫn chẳng là nhân sinh hay nhân vị để ta cứ ới gọi hay bái chào, rồi kêu gào nhiều trách móc. Chi bằng, ta hãy cùng người nghệ sĩ khác, hát về cuộc đời người bằng những lời khá vui, sau đây:

Ðừng lau nước mắt,
đừng che tiếng khóc.
Dù nghe đắng cay trong lòng.
Buồn ta cứ khóc,
cần chi phải giấu.
Đời đau có ai thương mình.
Đời tuy nhớp nhúa.
Vẫn gượng cười nhìn ganh đua.
Và chẳng trách hay chê cười.”
(Lê Hựu Hà – Cuộc Đời)

Hát thế rồi, hỡi bạn và hỡi tôi, ta dù có buồn cũng hãy tìm về Lời Chúa để được ủi an, như sau:

“Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy,
thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.13
Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin,
thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.14
Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”
(Ga 14: 12-14)

            Vậy thì, chỉ còn một điều rất đáng xin, là: Xin Chúa cho tôi và cho bạn, sẽ mãi mãi tin lời Thầy, tự khắc sẽ hết buồn. Bởi lẽ, Lời Ngài là Tin Vui An Bình, rất ủi an.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn mang theo trong người
một quyết tâm tựa hồ thế, mỗi khi buồn.
Nhất thứ là khi cụ bà nhạc mẫu vừa qui tiên,
tròn trăm tuổi.
               

Saturday 18 May 2013

“Vì cớ làm sao u sầu hỏi không thèm nói?”.



Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau Lễ Chúa Ngôi Năm C 26-5-2013

“Vì cớ làm sao u sầu hỏi không thèm nói?”.
“Vì cớ làm sao anh về mà em chẳng vui?”
(Tuấn Lê – Hờn Anh Giận Anh)

(1 Phêrô 5-8-10)

            Cứ tượng tượng, câu hỏi này mà lại trao cho đôi bên phối nhẫu đều gọi nhau anh anh/em em ngọt sớt mà chẳng biết ai là anh ai là em, thật rất khó. Thật cũng khó, như Hội thánh của ta từng gặp phải khi cứ bị người đời cật vấn, trách móc, và bất ưng.
            Càng bất ưng hơn, khi đôi bên cả vợ lẫn chồng cả chồng lẫn vợ nghe thêm câu tiếp:

            “Anh đã dặn dò khi chưa cưới
Mai mốt vợ chồng nên duyên mới
chớ nên bao giờ cãi nhau anh Bảy chị Tám chê cười.”
(Tuấn Lê – bđd)

            Vâng. Chính thế. Bất ưng hoặc cố ưng nhưng không đặng lại vẫn là tình huống của Giáo hội Công giáo lâu nay vẫn gặp phải.  Càng bất ưng hơn nữa, khi thông tin thuộc loại điện tử hay điện toán cứ vọng về từ nhiều phía, chí ít là phía hoặc miền của báo nói về chuyện đạo ở ngoài đời, như sau:
“Hôm vừa rồi, Toà Thượng Thẩm Hoa Kỳ thoạt mở phiên luận tội lại đã nghe những lời biện luận của đôi bên nguyên-bị về đám cưới cùng phái tính. Những lời như thế, nay vút lên cao như chưa từng thấy trước đó. Mới hồi tháng Giêng năm nay, người dân ở Pháp đã thực hiện một cuộc tuần hành khổng lồ ngay tại Paris khiến thế giới kinh ngạc về cảm xúc diễn ra ở xứ sở bên ấy vẫn tranh luận về hôn nhân tự nhiên và giá trị của gia đình. Chí ít, kể từ ngày bầu cử tổng thống Pháp, nhiều người đã thấy hiện tượng xảy đến theo đó ứng cử viên F. Hollande có hứa hỗ trợ cho hôn nhân đồng phái tính, nếu ông đắc cử.

Ngay sau đó, thoạt khi có cuộc tuần hành phản đối kế hoạch của tân tổng thống muốn hợp-thức-hoá thể loại hôn nhân này, ông đã phải cải chính như sau: “Bản thân tôi không đồng ý với hôn nhân đồng phái-tính do bởi tôi là Kitô-hữu và tôi tin vào Kinh thánh khi Lời Chúa có đề cập đến hôn nhân là việc phối kết giữa một người nam và một người nữ, sống cho đến mãn đời.” (x. Sheila Liaugminas,The Trials of Marriage, MercatorNet 26/3/2013)

Lời của vị tổng thống tân cử người Pháp, ông F. Hollande làm tôi và bạn nhớ thêm câu:   

“Anh ơi! Anh ơi! Có yêu mới khổ vì yêu,
Có yêu mới thiệt thòi nhiều
Phòng loan thiếu chăn thừa chiếu.
Ðời trai trăm hướng,
phận gái một phương,
vắng em anh đừng đèo bòng này nọ nghe hông!”
(Tuấn Lê – bđd)

            Nghe câu: “Vắng em, anh đừng đèo bòng này nọ, nghe không”, hẳn bạn và tôi nay cũng thấy ngại cho các cặp phối ngẫu không theo hướng tự nhiên, cũng tựa hồ như những câu hỏi cũng đáng “ngại” của ai đó, ở trên báo:

“Con có một điều vẫn muốn gửi về toà soạn để hỏi cha, nhưng hơi ngại vì nhiều nỗi, đó là: những vị có khuynh hướng lôi cuốn/hấp dẫn cùng phái tính có được phép gia nhập chủng viện để trở thành linh-mục được không? Trường hợp, có vị nào đó đã sống nhiều năm ở chủng viện lại cho thấy mình cũng từng có hành xử lôi cuốn hấp dẫn bề trên của mình thì sao? Xin cha miễn thứ nếu câu hỏi của con có điều gì không phải phép.”

            Có phải phép hay không, thì cha cố nào mà lại thấy ngại ngần việc trả lời, cơ chứ!. Chí ít, là câu hỏi từ dân con đi đạo vẫn là con dân hiền từ, dễ bảo, chỉ muốn biết lập trường chính mạch của nhà Đạo về những gì mình chưa tỏ, có thế thôi. Và, khi đã có người hỏi, thì đấng bậc lành thánh trong Đạo, chẳng khi nào nỡ từ chối, hoặc bỏ qua. Thế nên, câu giải mã của đấng bậc, vẫn chính mạch như sau:

“Thật sự mà nói, thì: vấn đề này, lâu nay và nhất là các thập niên vừa qua, đã làm cho Hội thánh của ta nhức đầu không ít, nhất là khi có cáo buộc cho rằng hàng giáo sĩ của Hội thánh từng sách nhiễu tình dục không phải phép với trẻ bé vẫn lôi cuốn hấp dẫn cùng phái tính. Có lẽ, ta cũng nên nhớ rằng: con số các linh mục bị cáo buộc chuyện sách nhiễu tình dục, cũng rất ít, chỉ cỡ độ 5% tại Hoa Kỳ. Hơn nữa, thực chất của vấn đề không chỉ xảy ra với Hội thánh Công giáo mà thôi nhưng còn với nhiều giáo phái hoặc giáo hội khác nữa.

Năm 2005, trả lời vấn nạn về vấn đề này, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo là cơ quan giám sát công việc đào tạo chủng sinh, đã có chỉ thị về “Tiêu chuẩn được thiết lập để thẩm định về ơn gọi có liên quan đến những ai có chiều hướng về đồng tính để duyệt xét cho nhập chủng viện và đeo đuổi trở thành ứng viên nhận chức thánh.” Cũng vào ngày 31/8 cùng năm đó, Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã phê chuẩn chỉ thị này và cho phép phát hành và in ấn vào ngày 4/11/2005.

Chỉ thị của Thánh bộ còn nói rõ: Trong hoàn cảnh hiện tại, Hội thánh không thấy nhu cầu cấp bách để chấp nhận những vị có khuynh hướng bám rễ sâu chuyện đồng-tính luyến-ái được phép gia nhập chủng-viện để thành linh mục. Thánh Bộ tiếp tục bảo rằng: ứng viên nào gia nhập công cuộc thừa tác có chức thánh, được thẩm định và xét duyệt qua bí tích, phải trưởng thành. Có trưởng thành mới giúp các vị xử sự cho đúng đắn với cả nam-nhân lẫn nữ-giới, ngõ hầu phát triển đặc tính của người cha tinh-thần đối với cộng đoàn Giáo-hội vốn tin mình.” (x. điều 1 Chỉ thị đào tạo chủng sinh)

Hơn nữa, căn cứ vào sự thể đã xác chứng, ta nói được rằng: không chỉ mỗi hành xử mà cả đến khuynh hướng bám rễ sâu về đồng-tính luyến-ái là động thái hỗn loạn. Chỉ thị của Thánh Bộ Giáo dục Công giáo còn cho biết: có 3 loại nam-nhân không thể nhập chủng viện hoặc trở thành thừa-tác-viên có chức thánh, là: các vị từng sống và hành động theo kiểu cách đồng tính luyến ái, hoặc các vị từng biểu-lộ cho thấy họ có hướng về đồng-tính luyến-ái hoặc hỗ trợ cái-gọi-là “văn hoá đồng tính.” Thật sự thì, những người như thế sẽ tự thấy khó xử hoặc khó ở trong môi trường vốn can ngăn họ có quan hệ đúng đắn với cả nam lẫn nữ. Trong trường hợp nào đi nữa, ta cũng không thể bỏ qua mà không thấy những hậu quả tiêu cực phát xuất từ việc phong chức thánh cho những vị từng bám rễ sâu trong hành xử đồng tính luyến ái.” (Điều 2 Chỉ thị Đào tạo Chủng sinh).

Với những ai có khuynh hướng đồng tính luyến ái chỉ mang tính cách giai đoạn mà thôi, ví dụ như tình trạng của thiếu niên chưa qua thời, thì Chỉ thị của Thánh Bộ trên cũng có nói: “Các khuynh hướng như thế phải được lướt thắng ít nhất là ba năm trước khi ứng viên được tấn phong lên bậc phó tế.” (x. Điều 2 Chỉ thị). Thông thường thì, hầu hết các Chủng viện chỉ phong chức phó tế cho các ứng viên bậc linh mục vào năm thứ năm hoặc thứ sáu mà thôi. Kịp khi ấy, các vị nào tuy lúc trước cũng có hướng chiều đồng tính luyến-ái nhưng không bám rễ sâu được phép gia nhập chủng viện. Dù sao thì, tất cả đều phải lướt vượt tình trạng này ít nhất là ba năm trước khi trở thành phó tế.

Còn, đối với các chủng sinh nào vẫn trải nghiệm chuyện có khuynh hướng đồng tính luyến ái trong ba năm cuối cùng trong chương trình đào tạo lên chức thánh, thì Chỉ thị của Thánh Bộ có đề cập chuyện giới chức có trách nhiệm đào tạo như Giám đốc tinh thần phải giúp cho vị ấy biết phân định rõ là mình không thích hợp với chức linh mục. Chỉ thị trên có nói: “Nếu ứng viên nào thực hành việc đồng tính luyến-ái hoặc cho thấy mình đã bám rễ sâu trong chiều hướng đồng tính như thế, thì vị linh-hướng cũng như cha giải tội có bổn phận phải khuyến cáo/can ngăn người ấy theo tiếng nói lương tâm để không tiếp tục được chịu chức.” (Điều 3 Chỉ thị) Còn nữa, Chỉ thị trên còn thêm: “Là người vô lương tâm nếu ứng viên nào dám che đậy chiều hướng đồng tính luyến ái của mình với mục đích tiến tới chức thánh, bất chấp mọi sự, thì động thái dối trá không thích hợp với tinh thần tôn trọng sự thật, trung thực và cởi mở là đặc tính của người tin tưởng rằng mình được kêu gọi phục vụ Chúa Kitô và Hội thánh của Ngài bằng công cuộc thừa-tác bằng thiên chức linh mục.” (x. điều 3 ở Chỉ thị)

Những năm sau này, do có nhiều đòi hỏi làm sáng tỏ về việc có buộc phải áp dụng tinh thần của Chỉ thị, vào tháng 5 năm 2008, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Bổ Trưởng Ngoại giao, có phát hành văn thư của các giám mục trên thế giới được sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Biển Đức thứ 16, trong đó nhấn mạnh rằng: qui định ghi ở Chỉ thị ban hành năm 2005 có hiệu lực đối với toàn thể các nhà đào tạo linh mục. Qui định này có hiệu lực cho cả Giáo hội Đông Phương, Bộ Truyền Bá Phúc Âm và các Viện tu Đời Tận Hiến cũng như Hội dòng có cuộc sống tông đồ, mục vụ.” Nói cách khác, đây là qui định áp dụng cho tất cả mọi chủng viện cũng như các nhà đào tạo trên thế giới.                        

Cuối cùng thì, điều cần thiết đối với ta, là: cầu nguyện cho tất cả mọi đấng bậc biết đường mà áp dụng qui định đặt ra cho mình. Có làm thế, mới hy vọng giảm thiểu sự việc giáo sĩ sách nhiễu tình dục.” (xem Lm John Flader, Candidates with same-sex attraction, The Catholic Weekly 17/2/2013, tr. 10) 

Hôm nay đây, khi viết lên đề tài này, bần đạo cũng suy nghĩ rất “lung”, nhưng không dám để lộ quan điểm/lập trường nào dù riêng tư, thời thượng, chẳng độc đáo. Bần đạo/bầy tôi đây chỉ muốn phổ biến các thông tin trong Đạo/ngoài đời để mọi người có dịp suy tư, cảm kích cho riêng mình, mà thôi. Thế nên, giòng chảy hôm nay bao gồm hầu hết những trích dẫn rất tư riêng, biệt lập. Trích và dẫn, trước nhất bằng truyện kể để minh-hoạ những điều mình muốn nói như bên dưới:

“Khi tất cả mọi chuyện đau buồn đổ lên đầu bạn, hãy mỉm cười để đón nhận nó, vì chỉ có thế, bạn mới có thêm dũng khí để bước tiếp con đường đời mình đã chọn… Khi có chuyện thật vui đến với bạn, hãy mỉm cười để đón nhận nó, ngõ hầu niềm vui sướng, hạnh phúc được nhân đôi, và mọi người có thể vui với niềm vui của bạn…

Khi ai đó rời xa đời bạn, hãy mỉm cười để chia tay họ, vì dù đó có là kết thúc vui hay buồn, thì nó cũng kết thúc. Và ngay sau nó, là khởi đầu mới cho cả đôi bên. Hãy cứ mỉm cười để chúc cho khởi đầu mình thực hiện được tươi sáng và vui vẻ…

Khi ai đó đến với đời bạn, hãy mỉm cười chào đón họ, và chúc cho tình cảm giữa hai người sẽ thật tốt, để họ không bao giờ phải nói lời chia tay với bạn như những người trước đó'...

Khi bạn đánh mất niềm tin vào người nào, hãy cứ mỉm cười chấp nhận. Ai cũng là con người, có lúc sai lầm, vấp ngã. Hãy mỉm cười để biết rằng mình đã hiểu họ thêm…

Khi bạn thấy quá mệt mỏi vì cuộc sống, hãy mỉm cười để cảm nhận tình yêu mới sẽ đến với mình. Bạn sẽ không thể đón nhận tình yêu cuộc sống khi trong lòng ngập tràn những thù hận, đớn đau. Và nụ cười sẽ xoá bỏ tất cả…

Khi bạn chợt nghĩ về tương lai mù mịt ở phía trước, và không biết đời mình sẽ đi về đâu, hãy mỉm cười để có được một phút hy vọng. Mỉm cười để nhận ra rằng ta có cả một ngày hôm nay để chuẩn bị thật tốt cho ngày mai. Hãy sống thật tốt, thật hạnh phúc, vì chẳng ai dám chắc rằng mình còn có ngày mai…

Khi bài vở làm bạn chán ngấy, cũng cứ mỉm cười giúp mình thư giãn đôi chút. Vì chẳng phải ai cũng là thiên tài cả. Và nụ cười sẽ không phải là món quà xa xỉ để thư giãn…

Khi tình yêu không đến với bạn, cũng cứ mỉm cười để chào từ biệt nó. Bởi, đơn giản là tình yêu đó chưa chọn bạn để ở lại mà thôi. Và dù cho người bạn yêu không đáp lại tình cảm của bạn, thì bạn cũng hãy mỉm cười vì biết rằng trong trái tim bạn đã có nó rồi…

Khi trái tim bạn tràn đầy nước mắt, và mỗi bước chân mình rỉ máu vì gai nhọn, cũng hãy mỉm cười để mình có thêm dũng khí, mà vững bước trên con đường đời ở phía trước. Và ít ra, thì mỉm cười sẽ là chỗ dựa cho người khác, khi họ lâm vào hoàn cảnh như bạn. Hãy cứ mỉm cười để không ai phải buồn khổ giống như ta.

Khi một ngày mới trờ đến với đời bạn, hãy mỉm cười để cảm tạ đời đã cho mình thêm một ngày để yêu thương, và có thêm thời gian để nói với những người mà  bạn yêu quý rằng bạn dành cho họ nhiều tình cảm biết chừng nào…

Khi bạn gặp một vấn đề thật khó giải, hãy mỉm cười để giữ cho tinh thần mình được bình an, trầm tĩnh. Có như thế, vấn đề sẽ dễ dàng hơn trước rất nhiều…

Khi người nào đó đang buồn và muốn tâm sự với bạn, hãy mỉm cười với họ để họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Những người không thể cười là những người cần nụ cười hơn bao giờ hết.”

Lại có nhiều trích dẫn để thư giãn sau những phút căng thẳng với giòng tư tưởng về tu đức hoặc thần học. Những trích và dẫn chỉ để mua vui bằng vài nụ cười mỉm, cho đời bớt nặng hoặc sầu đau dù chỉ là “hư cấu”, như sau:

“Hôm ấy, Đức Chúa BLời quá bộ đi thăm chốn luyện hình ở lòng đất để xem lâu nay đám lãnh đạo ở đó hành xử ra sao với người đồng-tính luyến-ái lại cứ đòi ở với nhau như vợ chồng. Đến khu vực nung nấu người chết trong vạc dầu sôi bỏng, có đề tên quốc gia vốn có chủ trương tự do đồng tính luyến ái. Lạ thay, Đức Chúa BLời thấy nồi nào cũng đều đậy vung kín, duy mỗi vạc dầu đề tên nước “Đại Cồ Việt” là không có vung và nắp gì hết. Thấy vậy, Đức Chúa BLời bèn hỏi lãnh đạo: tại sao thế? thì được bảo: Đối với các dân nước ở khắp nơi thì nồi nào cũng phải đậy vung/nắp hết, vì nếu không, thì người ở đó sẽ công kênh nhau lên mà thoát khỏi vạc dầu ngay. Còn đám dân Đại Cồ Việt này thì khỏi cần, bởi vì hễ có tên nào tìm cách ngoi lên miệng vung, là bị đám ở dưới kéo xuống ngay, đậy làm gì cho mất công.”

            Truyện kể mang tính “hư cấu” trên rất không thật, chỉ cốt để thư giãn, thôi. Thật sự thì, trên trời dưới biển này làm gì có nơi nào gọi là “chốn luyện hình” đâu mà kể. Dù có đi chăng nữa, thì Đức Chúa đời nào lại kỳ thị những người hành xử khác với tự nhiên! Nói cho cùng, có là truyện kể hay luận phiếm đạo đời, thì hỡi bạn và hỡi tôi, ta cũng đừng đòi hỏi tính rất thực mà làm gì để rồi sẽ ưu tư/ái ngại, chẳng cười vui với đời. Đời người, dù gì đi nữa, vẫn còn nhiều chuyện vui để ta suy, như suy và nghĩ lời đấng thánh hiền ghi ở dưới:

            “Anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa,
để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định.
Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.
Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức,
vì ma quỷ, thù địch của anh em,
như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.
Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự,
vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian
đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.”
(1 Phêrô 5-8-10)
 
Suy rồi, hãy cùng tôi cùng bạn, ta lại sẽ hát những câu ca không mang tình tự của người lính chiến mà chỉ là thứ tình người rất thông thường, như sau:

“Anh đi lâu lâu mới về,
Yêu thương cho nhau dài nhé,
mười lăm ngày phép đi vèo buồn nhớ mang theo,
yêu nhau mới hay hờn dỗi,
dỗi nhau gia vị cuộc đời,
bà con cô bác có chê hay cười đành chịu vậy thôi.”
(Tuấn Le – bđd)

            Cô bác sẽ không cười vì anh, vì chị hoặc vì anh và các vị “đồng-tính” đã có hành xử rất khác người và/hoặc trái tự nhiên, và cũng sẽ không còn cười thêm nữa khi các anh/chị cùng các vị “đồng-tính luyến ái” vẫn cứ vui sống. Chí ít, là sống theo lời khuyên của đấng thánh hiền, ra như thế.        

            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn muốn suy tư
về những người anh hoặc chị sống khác người,
nhưng vẫn thuận nghe theo Chúa.

Saturday 11 May 2013

“Tôi yêu em, buổi đầu tiên biết yêu”..



Chuyện Phiếm đọc trong tuần lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm C 19-5-2013

“Tôi yêu em, buổi đầu tiên biết yêu”..
Tôi ngu ngơ, ôm ấp bao mộng mơ ...
Nhưng hôm nay, bao mộng mơ vỡ tan,
Con tim như phế tích hoang tàn”

(Lê Hựu Hà – Nỗi Đau Người Để Lại)

(Kn 3: 16-19)
            Có thể nói mà không sợ sai lầm, rằng: đâu chỉ mình tôi và bạn, ta có mỗi “Con tim như phế tích, hoang tàn”, mà hầu như tất cả mọi người xưa nay cũng đâu chắc gì mình “ôm ấp bao mộng mơ” theo kiểu nghệ sĩ từng làm thơ hoặc viết nhạc để hát ca rộn ràng lên như thế.
            Rộn ràng, với nghệ sĩ, không chỉ là “mộng vỡ tan”, nhưng còn là lời tả oán, khi ta hát:    

Em ra đi, bỏ rơi tôi trong lạnh lùng,
Không phân vân..thương tiếc hay bâng khuâng ...
Lúc trái tim chưa học hết tiềng yêu ...
Lúc trái tim chưa thuộc hết vần yêu ...”
Cuộc đời đôi lúc trớ trêu, người không yêu sao ta vẫn yêu?
Tình cho đi không ai lấy lại bao giờ ...
Người vừa tặng ta khổ đau, tình tặng ta thêm bao nỗi sầu
Giờ còn chi khi ta mất trong đời nhau?...”
(Lê Hựu Hà – bđd)

            Thật ra thì, khổ đau, âu sầu hoặc nỗi chết, đâu phải do mọi người hoặc chính mình đem đến cho ai hết. Và câu hát “Giờ còn chi, khi ta mất trong đời nhau?” vẫn có thể là câu hỏi trong đời, rất muôn thuở. Bởi, chính tôi hay bạn, ta vẫn thường hỏi chỉ một câu như thế, nhưng nào nhận được lời đáp trả, ở đâu đó?
            Lại cũng có những câu hỏi không lời đáp giống như thế, dù bạn và tôi, ta có nói theo kiểu sẻ san trong thánh lễ tưởng niệm tại nhà thờ họ lẻ ở đất Úc tối hôm 26/4/13 như sau:

“Thật ra, đứng ở đây, tôi không có tư cách để giảng giải hoặc chia sẻ Lời Chúa như thày sáu hay thày cả, mà chỉ là “thày chạy” tức cũng là thày dòng vào một dạo, nhưng lại chạy khỏi Dòng tu, để đi vào giòng đời tìm kiếm Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu nơi lòng người, nhất là những người khác niềm tin với tôi. Minh định thế rồi, nay xin mạn phép được sẻ san đôi ba cảm nghiệm của người con Chúa từng đi vào đời sống với người đời, nhất là với người thân trong gia đình “nhà hiếu” không cùng niềm tin tôn giáo với mình.

Vì là cảm nghiệm, nên việc sẻ san đây chỉ mang tính tư riêng/cục bộ, thôi. Và cũng vì là cảm nghiệm về sống Đạo giữa đời với bà con thân thuộc không cùng Đạo Chúa, nên những điều nói ra hôm nay dứt khoát không mang tính thần học hoặc tu đức gì hết, chỉ là lời kể lể có chút “phiếm Đạo”, thế nên nếu có gì hơi quá hoặc tư riêng sao đó, xin quý vị niệm tình tha thứ.

            Cảm nghiệm của tôi, là một người rể trong hiếu-quyến hôm nay, là thế này:
Xưa nay, mỗi lần có bạn bè/người thân nào đó ra đi về miền vĩnh hằng có Chúa có cha, có cả Phật hiền, chừng như các cụ nhà ta đều bảo rằng: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Câu này, mang rất nhiều ý nghĩa, cũng còn tuỳ trường hợp và hoàn cảnh của mỗi người; nhưng với riêng tôi, thì “nghĩa tận” bao hàm 3 cung cách, đó là: tận trung, tận hiếu và tận tình.

Tận trung, thì đối với dân con sống dưới chế độ dân chủ, ở ngoài đời, là trung thành với vua, quan, lãnh chúa. Còn với Đạo Chúa của tôi, thì tận trung lại có nghĩa trung tín với Chúa với Cha trên trời, bằng cung cách tin, yêu & phục vụ người đồng loại của mình.

Tận hiếu, thì dĩ nhiên: người Việt mình ai cũng vì có cha/có mẹ để vinh danh và tỏ lòng hiếu thảo đến tận cùng đời mình. Nhưng với riêng tôi, trong trường hợp sống và hành xử hiếu đễ với thân sinh ra mình, thì quyết tâm của tôi, là: muốn trung thành và yêu thương vợ hiền, thì phải có hiếu với vợ (ấy chết) với bố mẹ vợ mình nữa! Nói thế, là bởi: ngay từ ngày “chạm ngõ” và cưới hỏi người mình yêu, tôi đã trải qua đợt sát hạch khá gay go. Thoạt vào lúc các cụ nhận thấy tôi tuổi Mùi và nhạc mẫu của tôi lại tuổi Mão, như khoa Tử vi Đẩu số có nói: đó là tam hợp. Nói nôm na, thì: vì thấy tôi tuổi con dê hiền lành chất phác, lại từ Dòng Chúa Cứu Thế chui ra, nên nhạc mẫu của tôi bèn tự nhủ: Ừ! Anh chàng này làm rể nhà mình được đấy. Tôi cho điểm A, tức: Đạt!

Còn, Tận Tình, tức: tận tâm đến cùng với cuộc tình, dù tình đó có là tình vợ/chồng, tình con rể với mẹ vợ, hoặc tình Chúa, tình người, hoặc tận tình với nguời của Chúa, và với nhau. Và, tối hôm nay, vì là buổi tâm tình đặc biệt về một trong “tứ thân phụ mẫu” cuối cùng của tôi, ở đây tôi xin nhấn mạnh đến chữ “tận tình” giữa tôi và mẹ vợ.

Hẳn bạn bè/người thân hoặc độc giả xa gần đọc và nghe “Chuyện Phiếm Đạo Đời” còn nhớ là cách đây khaỏng 6 năm, tôi đã khởi đầu sự nghiệp viết và lách bằng một bài “luận phiếm” có đầu đề lấy từ câu nói của cụ bà nhà tôi thường hay dùng, đó là câu: “Ấy Là Kể Chuyện!” Bài này kể về nhiều thứ, nhiều chuyện: chuyện yêu thương, tha thứ, chuyện tình người đối xử với nhau cho phải Đạo. Thế thì, trong bài có kể một chuyện khá ý nghĩa về các hành xử của con người, trong đời, chuyện tình người rất “tận tình”, đó là câu chuyện xảy ra hồi thế chiến thứ 2 gần chấm dứt khi đó có anh lính Đức nọ quyết gom dân làng ở Pháp còn sống ra bức tường làng để xử bắn, bất kể người đó có là đàn bà hay con trẻ. Kịp khi ấy, có thiếu niên nọ vội dùng dăm ba tiếng Đức học được ở trường, lại đã đứng ra xin anh đội trưởng cho mình chết thay người chị có con nhỏ, phải chăm sóc. Và cuối truyện lại có đoạn: chính tác giả có mặt trong truyện đã đứng ra xin bà con tha chết cho người đội trưởng này khi cuộc chiến đã kết thúc. Tóm tắt, thì: ý chính của câu chuyện phiếm đầu tay hôm ấy, chỉ muốn nói: trong chuỗi ngày dài sống Đạo giữa đời với người cùng Đạo, cùng chánh kiến hoặc khác đạo/khác cuộc tình, thì dù sao đi nữa, mình vẫn nên “tận tình”, tức đi đến cùng bằng tình thương yêu hết mọi người như yêu chính mình. Và, khi đã tỏ bày tình yêu thương đến tận cùng rồi, thì cũng đừng quên thứ tha cho cả người mình yêu hoặc những người chẳng yêu mình đi nữa.

Về triết lý sống Đạo làm người, tôi không chỉ học được từ trường Dòng hoặc từ Đạo Chúa mà thôi, nhưng còn từ cụ bà nhạc mẫu của tôi nữa. Bằng chứng là: trong chuỗi ngày trải dài đời mình, thì: sau khi mất đi người mẹ ruột vào năm 1978, tôi lại được nhạc mẫu từng kể cho nghe chuyện đời người và người đời, cụ còn kể cả về Đạo làm người và làm con Chúa/con Phật. Những chuyện mà cụ cứ gọi bằng ngôn từ rất nôm na, như: “Ấy Là Kể Chuyện!”, thôi.

Đó là chuyện đầu đời và suốt cuộc đời, tôi được hân hạnh gặp, sống và nghe cụ bà nhạc mẫu kể chuyện suốt. Còn, đây là chuyện cuối đời của cụ: chiều hôm trước ngày cụ ra đi, theo thường lệ, chúng tôi vào thăm cụ ở viện, tôi chào cụ nhưng không thấy cụ tỏ bày điều gì. Thấy lạ, nhà tôi sợ rằng cụ bị bệnh lẫn nặng không nhớ được cả chàng rể hiền mà cụ vẫn thương mến, bèn hỏi: “Bà biết ai không?”, thì được cụ trả lời: “Thì, Chú Tá chứ ai!”, chỉ mỗi thế. Vâng. Nhưng, trong cái “chỉ mỗi thế” này, tôi nghe như cụ muốn nói thêm điều gì đó với riêng tôi, mà vì hơi tàn sức cạn, cụ chỉ nói được có thế.

Sáng hôm sau, tức cách đây đúng một tuần lễ, gần 9 giờ sáng, tôi đang chuẩn bị cho một buổi sáng thường lệ trong tuần, thì nhận được cú điện thoại do nhà tôi gọi gấp bằng một giọng mếu máo,khóc oà: “Bố ơi! Bà mất rồi!…”

Được hung tín, tôi vội lấy taxi trực chỉ phòng bệnh của cụ thì được biết: cụ đã ra đi vế chốn “Tây Phương cực lạc” chừng mươi phút. Hiện diện bên cụ lúc đó, chỉ có mình tôi là người đầu tiên chạy đến khi cụ qui tiên thôi! Tôi nhìn thẳng vào diện mạo của cụ để xem cụ có tỏ bày điều gì qua sắc mặt hoặc cung cách nào đó hay không, mới nhận ra rằng: cụ đi rất an nhàn/thanh thản như thể muốn nói lời cuối với riêng tôi, rằng:”Rõ Thật Hết Truyện! 
           
Vâng! “Rõ Thật Hết Truyện” để nói. Hết cả những chuyện để bảo: “Ấy là Kể Chuyện!.” Và, cuối cùng thì, sau cả 100 năm cuộc đời toàn những nghe và kể đủ thứ chuyện trên đời rồi, thì nay nhạc mẫu của tôi ra như muốn bảo với con cháu và bạn bè người thân trong/ngoài Đạo, rằng: “Rõ Thật Hết Chuyện!”. Hết, cả chuyện đời người và người đời. Nhưng vẫn còn một chuyện để ta có thể nhắn bảo với nhau, rằng: “Nghĩa tử là nghĩa tận!” Chữ tận ở đây, không là tận thế, hoặc tận cùng của sự sống, mà là tận tụy hết mình vì Tình thương yêu mọi người.

Vậy thì, tối nay, tôi lại xin phép được chuyển trao thông điệp của cụ bà nhạc mẫu của tôi và cũng là người Mẹ thứ hai của tôi, đến bạn bè/người thân xa gần, trong đó có những người mà nhạc mẫu của tôi cũng rất thân và gần cận, lời nhắn nhủ cuối hết, đó là: “Rõ thật hết chuyện!” Hết cả chuyện đời lẫn chuyện người. Nhưng vẫn còn đó chuyện tình người và tình Chúa/Phật trong tôi và trong quý vị mãi thiên thu, nhiều kiếp. Quý vị và tôi đang quyết tâm sống trọn kiếp người của dân con Đức Chúa hay Phật tử thần thành hay Đạo nào đó, thì cũng xin nhớ cho rằng: “Nghĩa tử là nghĩa tận”, có nghĩa là: tận trung, tận hiếutận tình với hết mọi người, trong yêu thương. Thiện tai! Thiện tai! Thiện thiện tai! Amen” (Tâm tình san sẻ của người con rể mang tên Trần Ngọc Tá, trong thánh lễ tưởng niệm nhạc mẫu của anh tối 26/4/13 ở Úc.)

            San sẻ tâm tình về một mất mát, cũng hệt như sẻ san tình tự về cuộc đời có khổ đau, sầu buồn đầy những giòng nhạc vẫn được hát:

Khi yêu em, tôi nguyện yêu suốt đời ...
Nhưng riêng em, yêu giông như trò chơi ...
Che cơn đau, tôi lặng thing mỉm cười ...
Mai xa nhau, tôi vẫn yêu người ...
Bao năm qua, xót xa đã quen nhiều rồi
Hôm nay yêu, mai nói câu chia phôi
Nước mắt kia vỗ về khuyên hãy cười ...
Để nỗi đau yên lòng thấy mình vui ...”
(Lê Hựu Hà – bđd)

            San sẻ về tình người đi Đạo, vào lúc có mất mát, khổ đau, sầu buồn lại sẽ là và vẫn là những sẻ và san của đấng bậc vị vọng chuyên trách việc Giải mã thắc mắc trong sống đời Đạo ở đời, rất như sau:

“Tôi có người bạn, nay được bác sĩ cho biết sẽ phải ngồi xe lăn đến mãn đời. Chị rất ít di chuyển đây đó vì thấy khó khăn trong vận động và cả đến chuyện nói năng nữa. Chị là người Công giáo, nhưng vẫn thấy khó chấp nhận tình trạng đau khổ đang xảy đến với mình. Theo cha, tôi phải giúp chị như thế nào? Làm gì để cho chị bớt khổ? Câu hỏi của một giáo dân ngoan đạo, nhưng không biết nhiều).

            Hỏi chuyện đạo với đấng bậc trong đạo, là chuyện thường ngày ở huyện, không gì khó. Nhưng, hỏi về chuyện chấp nhận khổ đau với tư cách là giáo dân buôn nhiều hơn vui, gửi đấng bậc vui nhiều hơn buồn, thật cũng khó. Tuy là thế, đấng bậc nhà Đạo mình chẳng quản ngại khó khăn để san sẻ tâm tình với tư cách là đấng bậc, thật cũng khó, như sau:

“Một trong những việc, mà theo tôi, cũng rất khó cho người cùng Đạo thấy được giá trị của những đớn đau sầu buồn, họ vẫn cam lòng chịu đựng. Tôi cảm tạ Chúa đã soi dọi ánh sáng của niềm tin người Công giáo lên thực tại của cuộc sống đã và vẫn ảnh hưởng lên mọi người trong chúng ta. Nói cho cùng, thì khổ đau và nỗi chết đều là hậu quả của tội nguyên tổ, chính vì thế nên, tất cả chúng ta đều trải nghiệm chuyện ấy cách này hay cách khác. Nhớ lại sự việc xảy đến theo sau hành động của người đầu tiên phạm tội, là: Ađam phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được của ăn, thức uống, và Evà, người bạn đồng hành với ông trong cuộc sống cũng phải cưu mang sanh con đẻ cái cách đau đớn và cả hai người đầu đời đều phải trải nghiệm nỗi chết, giống mọi người. (x. Khởi nguyên 3: 16-19)

Về đớn đau/sầu khổ, ta có thể chia ra làm hai thể loại chính, đó là: đau khổ thể xác và đau khổ đạo đức. Về thể xác, mọi người đều phải trải qua mọi nỗi đớn đau như: tật bệnh, đau nhức, mệt mỏi, tật nguyền, đói khát, trúng lạnh hoặc cảm sốt vv..Buồn đau đạo đức được cảm nghiệm trong trí óc và tâm can nhiều hơn, như: Nỗi đau mất mát người thân, khổ ải của ai đó rất gần gũi với mình, gia đình gẫy đổ, ưu tư tiền bạc, tài chánh xảy đến với kế hoạch mình dự tính, niểm cô đơn lẻ bóng, ân hận về những sai sót, bị người khác xử ép, vv..

Theo cung cách nào đó, thì khổ đau sầu buồn sẽ luôn là bí mật mà ta không thể hiểu tường tận, chí ít là khi nỗi khổ đau ấy về con trẻ hoặc người tốt lành, hạnh ngộ. Thế nhưng, một phần của lời đáp cho bí nhiệm này khác là do từ một người vô tội sống trên địa cầu thực tiễn, của Đấng cũng đã trải nghiệm những tháng ngày khổ đau đến cực độ, đó là Đức Giêsu Kitô. Vào lúc hấp hối trên thập giá, Đức Giêsu cũng đã kêu lên: “Lạy Thiên Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa tôi! Vì sao Người lại bỏ tôi? (Mc 15: 34; Tv 22:1) lại cũng là lời lẽ nói lên tâm trạng hoang mang, bối rối của nhiều người suốt nhiều thời.

Tuy nhiên, ngang qua nỗi thống khổ, cái chết và Phục Sinh của Ngài, Đức Giêsu đã cứu độ trần gian khỏi tội nguyên tổ và tái tạo chúng ta đưa vào tình thân thương bằng hữu thánh thiêng và theo cách nào đó, Ngài đã cứu độ chính sự đau khổ, và Ngài đem lại cho khổ đau ấy một ý nghĩa và giá trị mới. Chính vì thế mà Ngài từng chúc phúc cho những người chịu đau khổ bằng quả quyết: Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an…,
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.”(Mt 5: 5, 1012) Lại cũng có những phương cách trong đó khổ đau đích thực là ân huệ.

Trước hết, nó củng cố sức mạnh của cá tính. Chúng ta đều biết rằng những ai lướt thắng được nghịch cảnh trong đời rồi cứ thế tiếp tục hoàn tất nhiều sự việc tốt đẹp. Khổ đau họ gặp phải sẽ góp phần lớn lao để kiến tạo bản sắc tư riêng của mình.

Thứ đến, khổ đau giúp cho người đau khổ cảm thông với những ai đang sầu buồn, tang tóc, khổ sở. Chỉ khi nào ta có kinh qua và trải nghiệm những giai đoạn đớn đau trong đời mình, thì lúc đó ta mới cảm kích những gì người khác đã kinh qua, trải nghiệm và đem đến cho họ lòng xót thương đích thực, Cụm từ “Lòng xót thương”, cuối cùng ra, cũng mang ý nghĩa rất từng chữ, là: “cùng đau khổ với người ấy.”

Thứ ba nữa, là: việc chịu đựng khổ đau giúp ta chỉnh sửa mọi sơ hở, lỗi lầm, tội vạ. Chúng ta ai cũng phạm tội và trước khi đi vào chốn thiên cung, thiên quốc, ta đều phải chỉnh sửa sao đó các lỗi phạm như thế, ở đây lúc này hay ở chốn luyện hình. Đau khổ là một trong nhiều phương cách hay nhất đẻ ta làm việc ấy, miễn là ta chấp nhận nó từ Thiên Chúa, cách yêu thương. Làm như thế, sẽ rút ngắn thời gian ở chốn luyện hình hoặc vứt bỏ nó đi, có như thế thì đau khổ trở thành “Chốn luyện hình của ta nơi dương thế.”

Thứ tư nữa, là: đau khổ kết nối ta vào với Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chịu khổ vì ta trên thập giá, Ngài mời gọi ta làm như thế khi Ngài phán bảo: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16: 24) Ngay như thánh Phaolô cũng từng xác chứng việc thánh-nhân kết nối với Chúa ngang qua đau khổ, khi thánh-nhân bảo: Tôi đã cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá.”(Gal 2; 19)

Thứ năm nữa, là: ta có thể dâng hiến mọi khổ đau cho người khác được hạnh phúc. Khi ta chấp nhận như thế để dâng hiến cho ai đó đã quay đầu lại niềm tin, hoặc cho người đau yếu, tật bệnh, cho cả những người đang tìm việc để kiếm sống, thì ta hẳn biết là lời cầu của ta sẽ được đoái nhậm bởi lẽ việc ấy được nối kết với sự hy sinh của ta trong đau khổ. Điều này đem lại cho chính khổ đau mục đích mới mẻ.                  

Cuối cùng, khổ đau đem lại lợi ích cho những ai đang trông nom chăm sóc người đau khổ. Sự tử tế, kiên nhẫn và lòng đại độ mà họ chứng tỏ cho người đó cũng được dâng lên chính Chúa, như thánh Mát-thêu từng viết: Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25: 35-36). Bằng vào việc dâng lên Chúa tình thương yêu ngang qua người đang đau khổ, người chăm sóc sẽ lớn lên trong sự thánh-hoá, nên xứng đáng với phần thưởng vĩnh cửu.

Vì những lý do nêu trên, đau khổ như Chúa nói, thực sự là mối phúc thật. Đây chính là kho báu Chúa gửi, thế nên đừng phung phí nó.” (x. Lm John Flader, The Value of Suffering, The Catholic Weekly, 28/4/2013, tr. 10)       

San sẻ ý nghĩa khổ đau, sầu buồn từ đấng bậc mô phạm, đạo mạo rất kinh điển thì cũng đừng quên tâm tình sẻ san của các nghệ sĩ qua giòng nhạc vẫn được hát, những lời rằng:

“Cuộc đời đôi lúc trớ trêu, người không yêu sao ta vẫn yêu?
Tình cho đi không ai lấy lại bao giờ ...
Người vừa tặng ta khổ đau, tình tặng ta thêm bao nỗi sầu
Giờ còn chi khi ta mất trong đời nhau...
Cuộc đời đôi lúc trớ trêu, người không yêu sao ta vẫn yêu?
Tình cho đi không ai lấy lại bao giờ ...
Người vừa tặng ta khổ đau, tình tặng ta thêm bao nỗi sầu
Giờ còn chi khi ta mất trong đời nhau...”
(Lê Hựu Hà – bđd)

San sẻ ý nghĩa và tâm tình về ý nghĩa và sự thật của cuộc sống theo cung cách khác nhau giữa người nhà Đạo và nghệ sĩ ngoài đời, là như thế. Như thế là như thể lời sẻ và san của các nghệ sĩ và/hoặc cụ “đạo” từng hiểu biết hoặc trải nghiệm về khổ đau/sầu buồn trong đời, còn là thế. Thế nhưng, lại có vị cũng diễn tả thực chất cuộc đời cũng hơi “sầu buồn” nhưng theo cung cách rất khác, như sau:

“Tôi quen gia đình nhà White khi mới vào đại học. Họ hoàn toàn khác gia đình tôi, mặc dù vậy ở bên họ, lúc nào tôi cũng cảm thấy hết sức thoải mái. Jane White với tôi thoạt tiên là bạn trong trường, rồi kế tới cả gia đình đón tiếp tôi - một người ngoài - như thể đón một người em họ mới tìm ra.

Ở nhà tôi, mỗi khi có chuyện gì không hay xảy ra, luôn luôn nhất thiết là phải tìm cho ra thủ phạm để trách mắng.“Cái này là ai làm đây?”. Mẹ tôi sẽ hét lên như thế trong nhà bếp hỗn độn như bãi chiến trường. “Đó là tại con đó, Katharine!”. Cha tôi sẽ đay nghiến mỗi khi con mèo biến mất hoặc cái máy giặt không làm việc.

Ngay từ khi còn nhỏ, anh chị em chúng tôi vẫn hay nói với nhau là trong nhà mình còn một người nữa là ông Trách Mắng.

Mỗi tối ngồi vào bàn nhớ dọn cả cho ông ấy một phần ăn! Nhưng gia đình nhà White lại không bao giờ quan tâm đến ai vừa gây ra việc gì, họ chỉ thu dọn những mảnh vỡ và tiếp tục sống vui vẻ. Tôi chỉ thực sự hiểu hết nét đẹp của nếp sống này vào mùa hè mà Jane qua đời.

Ông bà White có sáu người con, ba trai, ba gái. Vào tháng bảy, ba người con gái nhà White và tôi quyết định làm một chuyến đi từ Florida đến New York. Hai cô lớn nhất, Sarah và Jane đều là sinh viên. Người nhỏ nhất, Amy, thì vừa mới có được bằng lái xe. Tự hào vì điều đó, cô rất mong đến chuyến đi để được thực tập.

Hai cô chị chia nhau lái suốt chặng đầu của chuyến đi, đến một khu thưa dân cư họ mới cho Amy lái. Thế rồi cô bé đột nhiên đi lạc vào đường ngược chiều, đã vậy mà Amy vẫn tiếp tục cho xe chạy băng băng không dừng lại. Một chiếc xe tải đã không kịp dừng lại nên lao thẳng vào xe chúng tôi. Jane chết ngay tại chỗ.

Khi ông bà White đến bệnh viện, họ thấy hai cô con gái còn sống sót của mình nằm chung một phòng. Đầu Sarah thì quấn băng còn chân Amy thì bó nạng. Hai ông bà ôm lấy chúng tôi khóc buồn vui lẫn lộn khi gặp lại các con. Họ lau nước mắt cho các con và thậm chí còn trêu Amy khi thấy cô bé học sử dụng nạng.

Với cả hai cô con gái, đặc biệt là với Amy, họ nói đi nói lại: “Bố mẹ mừng biết bao khi thấy con còn sống.”Tôi vô cùng kinh ngạc, không có kết tội, không có trách mắng ở đây.

Về sau, tôi hỏi ông bà sao lại không có một lời kết tội nào đối với việc Amy đã đi vào đường cấm. Bà White bảo: “Jane đã mất rồi và chúng tôi thương nhớ nó kinh khủng, nhưng nói hay làm gì thì có mang Jane về được đâu. Trong khi đó Amy còn cả một cuộc đời trước mặt. Làm sao nó có thể sống một cuộc đời hạnh phúc nếu cứ cảm thấy rằng chúng tôi oán trách nó vì nó đã gây ra cái chết của chị gái?”

Họ nói đúng, Amy tốt nghiệp đại học và lấy chồng vài năm sau đó. Cô trở thành mẹ của hai bé gái, và bé lớn nhất tên là Jane.

Tôi đã học được từ gia đình White một điều thực sự quan trọng trong cuộc sống: Trách mắng quả thật không cần thiết, đôi khi đó còn là một việc hoàn toàn vô ích.” (Không rõ tác giả)
    
Cuối cùng thì, có diễn giải, cảm kích hoặc sẻ san tâm tình về cuộc sống khá “sầu buồn” hay không, cuộc đời người vẫn là thế. Là thế, tức là nó vẫn diễn tiến đúng chức năng thành phần của chính nó. Ngõ hầu đối đầu với nó theo cung cách rất đúng cách, chi bằng ta cứ trở về với Lời dạy của Bậc thánh hiền từng căn dặn, rằng:

“Hỡi anh em là những kẻ được Chúa yêu mến,
chúng tôi phải luôn luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em,
vì Thiên Chúa đã chọn anh em ngay từ lúc khởi đầu,
để cứu độ anh em nhờ Thần Khí thánh hoá và nhờ lòng tin vào chân lý.
Chính vì thế mà Người đã dùng Tin Mừng chúng tôi loan báo mà kêu gọi anh em,
để anh em được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.
Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững
và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em bằng lời nói hay bằng thư từ.
Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta,
Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta,
niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp,
xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh,
để làm và nói tất cả những gì tốt lành.”
(2Thes 2:13-17)

                Đàng rằng, đoạn trích ở trên không có ý ám chỉ rằng: thánh Phaolô đề cập đến tính thiết yếu và “phúc hạnh” của khổ đau/sầu buồn nơi đời người. Nhưng, thánh-nhân cũng như đấng bậc hiền lành sống ở đời, cũng có những nhận định sâu sắc và thực tiễn để giúp mình/giúp người sống trọn vẹn kiếp người. Kiếp sống, của những người vui hưởng trọn vẹn đạo làm người. Đạo trong đời.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn luôn tự nhủ
            cuộc đời con người có những điều
            chính mình vẫn chưa hiểu hết
            và sống trọn, sống cho hết
                đạo làm người, rất “nghĩa” tận.