Saturday 27 December 2014

Một người ngồi bên kia sông



Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau lễ HIển Linh năm B 04/1/2015

“Một người ngồi bên kia sông”,
“im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây
trông hoa trôi theo nước chảy phương nào.”
(Phạm Duy – Hẹn Hò)
            (Titô 2: 1-8)
            Hát chữ “Hẹn hò” theo kiểu nhạc sĩ Phạm Duy, lại là và vẫn là hát những lời ca và ý nhạc rất nổi cộm. Hát thế rồi, mà lại cộng thêm tiếng “mưa rơi” ướt át, như để kể lể đôi điều ở bên dưới:

            “Trời thì mưa rơi,
mưa rơi không ngưng suối tuôn niềm đau.
Người thì hẹn nhau sang song,
mong cho chóng tạnh mùa Ngâu.
Cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau
cách một biển sâu.
Hẹn hò tàn thu sang xuân bên nhau
biết thuở ban đầu.
Dù tình không nguôi,
đôi ta xin cho hứa vui về sau.
Trời còn làm cho mưa rơi mưa rơi
cách biệt dài lâu...(Phạm Duy – bđd)

Hát chữ “cuộc đời làm cho đôi bên yêu nhau” theo kiểu “mưa Ngâu” còn là hát và nói lời yêu đương, giận hờn, như truyện kể khác có ngay bên dưới:

Giật mình thức giấc. Cảm thấy khát khô ở cổ, tôi lồm cồm ngồi dậy mở tủ lạnh nốc một hơi. Nước lạnh làm tôi tỉnh người. Nhìn đồng hồ đã hơn bốn giờ sáng. Tôi đến bên máy vi-tính bật máy lên. Mở chương-trình Nhật Ký định nhập vào những việc mình đã làm hoặc những suy-nghĩ về một ngày đã qua. Nhưng chương-trình lại bật lên thông-báo nhấp nháy màu đỏ chói: "Tuần sau là đến ngày đầu tiên quen Lan". Tôi chỉnh chương-trình để xem lại cái ngày đầu-tiên đó và mỉm cười khi thấy lúc đó mình trẻ con hết sức. Tôi quyết-định sẽ lục tung hết Internet để tìm ra một cái thiệp độc-chiêu gửi nàng. Cuối cùng tôi cũng mãn-nguyện với một cái thiệp nhiều ý-nghĩa. Tôi kéo ngăn tủ ra để lấy cái đĩa CD hình mình để ghép vào thiệp, nhưng chợt nhìn thấy trong đó có một gói quà xinh xắn. Biết là của Lan tôi hồi-hộp mở gói quà. Bên trên là một tấm thiệp to, còn bên dưới là một chiếc đồng hồ để bàn rất dễ thương và một cái nút áo. Hơi ngạc nhiên khi nhìn cái nút áo, tôi vội mở thiệp ra xem.
 
 "Anh thân mến ! 

Thế là chúng mình quen nhau đã ba năm rồi. Trong ba năm qua em rất vui vì đã quen được anh. Em đã học được rất nhiều điều từ anh. Anh là người rất giỏi, làm được rất nhiều việc lại sống rất tốt với mọi người. Anh sống hết sức chan-hoà không câu nệ giàu nghèo, chức vị. Anh hết lòng với mọi người và được rất nhiều anh em bè bạn mến-yêu, kính-nể. Tối nay, cũng như bao ngày em đến nhà anh, đã chín giờ tối mà anh vẫn chưa về. Khi đến nhà anh, em nhìn thấy mẹ đang khâu lại chiếc áo bị bỏng thuốc lá của anh. Nhìn mẹ chợt em nhớ đến anh, rồi nhớ đến những gì em đã thấy ở nhà anh. Em xin phép được tặng cho anh cái đồng hồ với lời nhắn : "Thời gian luôn trôi đi lạnh lùng. Có những thứ ngày mai làm được, nhưng có những thứ ngày mai không thể nào làm được" và một cái nút áo với lời nhắn chân tình: "Đôi khi người ta biết được rất nhiều điều nhưng lại không biết một điều đơn giản, là áo mình đang mặc có bao nhiêu cái nút!. Anh đã sống vì mọi người nhưng trong mọi người lại thiếu một người quan trọng nhất. Anh hãy xem tờ giấy bên dưới. Chúc Anh luôn vui vẻ và thành đạt". 
 
Tôi cầm đồng hồ và cái nút lên, bên dưới có một tờ giấy xếp làm tư nằm ngay ngắn, tôi mở ra xem và thấy ngẩn ngơ với những dòng chữ dưới đây: Em thấy anh rủ bạn về nhà cùng vui vẻ, làm xả láng mấy thùng bia, anh em bàn tán chuyện đời, chuyện cơ-quan, chuyện nhà xếp, chuyện quan-trường, đủ thứ chuyện nhậu hoài bàn không hết. Em thấy mẹ anh cặm cụi dọn dẹp lại thức ăn dư, lom khom nhặt từng vỏ lon xếp lại, sáng mai ra chợ đổi lấy chục chanh pha nước, cho thằng con tỉnh rượu mỗi khi say. Em thấy anh sáng ra sạp gom gần hết báo, đọc ngấu-nghiến từng bài từng mục. Ngẫm chuyện đời, chuyện quan-liêu, chuyện cửa quyền, chuyện Mỹ, chuyện Iran, chuyện Sadam, chuyện SEA Games... Em thấy mẹ cẩn-thận sắp từng tờ báo, lựa riêng ra những phần quảng cáo rồi ngập-ngừng hỏi cái này cân ký bán được hông con? Em thấy anh chơi hết lòng với bạn, chẳng bỏ về dù là tăng bốn hay tăng ba... Em thấy mẹ cứ trằn-trọc ra vô mãi, đã gần hai giờ rồi mà phòng nó vắng tanh. Không biết có chuyện gì không hay? Em thấy anh sau một ngày làm mệt mỏi, về nhà bật máy lạnh, bật quạt, ngã lưng nằm thẳng chân, chẳng muộn phiền. Em thấy mẹ ra hiên nằm những ngày trời nóng, rồi lẩm bẩm xem điện tháng này có quá định-mức chưa. Em thấy anh ghiền chơi máy điện-toán, đồ điện-tử, cứ hì hục nâng-cấp CPU lên năm lên sáu lần... Em thấy mẹ rất ghiền xem cải lương, cứ chậm nước mắt, cứ cười vui thoải mái khi xem hoài cái tivi cà giật, cái Tivi từ lúc anh còn tắm mưa ngoài đường.  Em thấy anh là chuyên-viên vi-tính, viết phần mềm để quản-lý công-ty, làm network viễn-liên để đấu mạng cho các hãng thầu khét tiếng, xem công nợ, lãi lỗ, bấm một phát là có ngay. Thế mà chẳng thể nào tính đúng được tình-thương của người mẹ. Em thấy mẹ chẳng cần vi-tính, vẫn âm thầm lập-trình cá, cơm, rau, nước. Biết chị Hai cái áo ủi không ngay, còn anh nữa đôi giày cả tuần chưa chịu đánh! Em thấy anh làm chuyện lớn mà quên đi những chuyện nhỏ xung quanh. Em thấy mẹ suốt đời vụn vặt mà dạy con mình những bài học lớn lao... 

 Có bao giờ các bạn nghĩ rằng mình đã thật sự quan-tâm đến ai đó chưa?
 Có bao giờ các bạn đã quan-tâm đến những chuyện dù chỉ là nhỏ nhặt?
 Có bao giờ các bạn tự đặt mình vào hoàn-cảnh của người khác?

Hy-vọng qua câu chuyện này tôi và các bạn có thể tìm lại được những bài học về sự quan-tâm mà các bạn đã lỡ đánh mất. Hãy dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho những người mẹ, người cha, những người luôn ở bên các bạn, luôn hướng sự quan-tâm về phía các bạn mà không cần đòi hỏi điều đó từ các bạn! 

Mẹ - là dòng suối ngọt ngào, là nải chuối buồng cau, là tiếng hát đêm thâu...
Một tình-yêu không biên-giới và không đòi-hỏi người trả ơn.
Thọ (Trích truyện do bạn bè gửi vào ngày 28/11/2014)

Có thể là, cuộc đời người gồm những điều được nói và hát suốt nhiều thế-kỷ. Hát và nói, còn để tỏ tình cho nhau, bằng những lời như sau:

“Nước vẫn trôi mau,
mắt vẫn hoen sầu.
Đành để hồn theo nước trôi không màu.
Số kiếp hay sao
không cho bắc cầu
thì xin sông nước sẽ cho gần nhau?
Một người bèn ra ven sông.
buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu
trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu
Cuộc tình thương đau
êm êm trôi theo nước xuôi về đâu
Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau”.
(Phạm Duy – bđd)

Hát hò, thì như thế. Chuyện trò, lại không vậy. Không như vậy, cả đến những lời chuyện trò ở nhà Đạo, có đấng bậc ở trên cao tít lại đã từng phán những ý-tứ và ý-từ mạnh bạo, khác thường, như bao giờ. Và, ý-từ cùng ý-tứ của lời phán bảo ở dưới đây cũng nên coi như lời phán bảo vào ngày hôm nay tuy có mạnh và có bạo như thời trước hay không, vẫn là điều để bạn và tôi nhận xét. Nhưng trước hết, ta cứ nghe ý-kiến của ngài xem sao đã. Những ý-tưởng vẫn bào rằng:

“Rõ ràng là, khi đáp-trả những lời bình-phẩm về việc tuyển-dụng và ban giáo-huấn cho một số phong-trào giáo-dân người Công-giáo, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có nói rằng: các phong-trào như thế là để tôn-trọng sự tự-do của các thành-viên trẻ tuổi và để ta không còn khai-thác điểm yếu của họ về kinh-nghiệm trong trưởng-thành.

Đức Giáo-hoàng cũng kêu gọi các phong-trào này hãy tránh rơi vào tình-trạng ganh-đua, đối-đầu và đâm lưng nhau, nhưng ngược lại hãy hợp-tác cho lợi-ích chung cũng như tôn-trọng thẩm-quyền của các giám-mục cai-quản giáo-phận.

Đức Phanixô đã đưa ra lời kêu gọi này vào ngày 22/11/2014 nhân có buổi gặp gỡ giữa các thành viên Quốc hội của các nước thuộc Thế giới Thứ Ba có các Phong trào và Đoàn-thể mới trong Giáo-hội như thế.

Đức Giáo Hoàng nói: “Là người chịu trách-nhiệm về các khó-khăn trong gia-đình cũng như về thể-chế giáo-dục trên thế-giới, ta đều biết: giới trẻ hôm nay đang “trải-nghiệm khó khăn về căn-tính, nên thấy khó lòng khi buộc phải chọn lựa điều gì. Kết cuộc là, họ cứ để cho mọi sự định đoạt đời họ và để mất đi sự tự-chủ khi buộc phải có quyết-định quan-trọng cho đời mình. Vì thế nên, ta cần phải chống lại mọi chước cám-dỗ cứ làm muốn ta tước-đoạt sự tự-do của người khác, và buộc họ theo ý mình mà không cho phép họ có cơ-hội được trưởng-thành, hoặc lớn mạnh. Mọi tiến-triển về luân-lý cũng như linh-đạo vẫn kiểm-soát và khuynh-loát tính thiếu trưởng-thành của người trẻ và mọi thành công nơi họ chỉ có tính bề ngoài dễ đưa đến thất-bại.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh sự kiện là: các phong-trảo này khác cũng nên hợp-tác với nhau và với các đấng chủ-quản Giáo-hội ở địa-phương mình. Ngài tiếp lời căn dặn: “Giả như thế giới này đầy tràn những rẽ chia, kình chống và đâu nhau sau lưng, không cần biết nguyên do tại đâu, thì thử hỏi làm sao chúng ta có thể rao giảng Tin Mừng cho họ được?”Các phong-trào và ban/ngành cộng-đoàn được kêu mời hợp tác nỗ-lực để lo cho những người tật nguyền tâm thần trên thế-giới chỉ muốn đặt nặng chuyện tiêu-pha hưởng-thụ quên cả Chúa Mẹ cùng các giá-trị thiết-yếu cho cuộc sống.”

Đức Giáo Hoàng còn thêm: “Sự hiệp-thông đích-thật không thể tồn tại trong phong-trào này khác hoặc trong cộng-đoàn được, trừ phi họ biết hội-nhập vào với cộng-đồng rộng lớn là mẹ thánh Giáo hội có hệ-cấp trên dưới, rõ ràng.“ (xem Francis Rocca, trong bài viết có tựa đề là  Francis cautions new movements, trên báo The Catholic Weekly, 30/11/2014 tr. 5)

Xem thế thì, chân-lý mọi thời vẫn là: ta hãy hiệp-thông tương-quan với nhau trong cộng-đồng rộng lớn tức Giáo hội. Có tương-quan hiệp-thông như thế, mới thấy rằng: mình và mọi người vẫn là Thân Mình của Đức Kitô, thôi.
Về hiệp-thông tương-quan, bần đạo đây cũng đã trải-nghiệm một tình-huống khá mới mẻ, là: vừa qua bần đạo có anh bạn mới quen ở Sydney, tên anh là Nguyễn Văn Tạ từng là cựu tu-sinh Dòng thánh Vinh Sơn Đệ Phaolô và là cựu học-viên Giáo-Hoàng Học-viện ở Đà-Lạt trước 75. Anh đọc bài phiếm nọ có trích-dẫn câu nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng tuyên bố: Đức Giêsu không phải là người Công giáo…  
Để hỗ-trợ cho lời vàng-ngọc của vị chủ chăn toàn-thể Giáo-hội Công-giáo, anh đẽ chìa cho bần đạo thấy cuống “The Catholic Church của Lm Hans Kũng, trong đó có chương/đoạn bắt đầu bằng câu hỏi: “Đức Giêsu khi xưa có là người Công-giáo?” Và, tác-giả đã từng viết:

“Nhiều người Công-giáo lại vẫn có lập-trường phù-hợp với truyền-thống chuyên giữ “ lề phải”, lại cứ hiểu ngầm Ngài là như thế! Giáo-hội Công-giáo lâu nay vẫn luôn đặt nền tảng trên những gì mà ngay nay, nhiều người vẫn suy như thế; và Giáo-hội Công-giáo lâu này vẫn cứ bảo và có khuynh-hướng cho rằng: trên nguyên-tắc, Đức Giêsu thật ra cũng phải như thế mới được.

Thế nhưng, phải chăng Giáo hội đây lại đã thành-công rực rỡ và vững-mạnh hơn các Giáo-hội khác cũng có lý để dựa dẫm vào Đức Giêsu Kitô, chứ? Hoặc giả, chính Giáo hội đầy phẩm-trật này cũng tự-hào dựa vào ai đó là người có thể quay ngược trở lại sự việc này? Theo kinh nghiệm, ta có thể nào tưởng-tượng ra rằng Đức GIêsu thành Nazarét có mặt ở thánh lễ do Đức Giáo Hoàng chủ-trì tại Quảng Trường thánh Phêrô, ở Rôma chứ? Và, hoặc giả, những người có mặt ở nơi đó dám sử-dụng ngôn-từ của nhà văn người Nga là Dostoevsky khi viết cuốn Quan-toà Dị-giáo, có nói: “Sao ngài lại đến quấy rầy bọn tôi thế?”

Ở trường-hợp nào đi nữa, mọi người cũng đừng quên rằng: mọi nguồn cung-cấp thông-tin và tường-trình đều phải thuần-nhất. Bởi, ngang qua Lời và Hành-xử của Ngài, Đức Giêsu là người Nazarét đã dính-dự vào cuộc xung-đột nguy-hiểm với quyền-bính nắm giữ trật-tự vào thời Ngài. Xung-đột không phải với dân-chúng mà là với giới-chức có thẩm-quyền về Đạo, với hệ-cấp quản-trị đã trao-nộp Ngài cho nhà cầm-quyền thực-dân người La Mã và như thế dẫn đưa Ngài vào chỗ chết…
Chính Đức GIêsu là Đấng từng “toả sáng” tinh-thần và đường-lối sống của Ngài theo nghĩa tốt-đẹp nhất của ngôn-từ. Điều nay ăn khớp với “chúng-dân” (tiếng Hy-Lạp gọi là “demos)” của những người từng được tư-do (chứ không là thể-chế gò bó, chế-ngự, dù ta có gọi đó là Toà Dị-giáo hay gì đi nữa; và trên nguyên-tắc vẫn phải đồng đều về quyền-hành (chứ không là Giáo-hội mang đặc-trưng/đặc-thù của giai-cấp , chủng-tộc hoặc vai-vế) của những người anh và người chị (chứ không phải đoàn-lũ nam-nhân chỉ muốn tôn-sùng có một người. Đây là Kitô-hữu tiên-khởi có tự-do, công bằng/đồng đều và bằng-hữu, chứ không phải là cộng-đoàn tiên-khởi ngay lúc đó đã có cơ cấu phẩm-trật gồm các tông-đồ làm trụ-cột và có thánh Phêrô là đá tảng của ai đó, chứ?” (xem Hans Kũng, The Beginning of the Catholic Church, Phoenix Press London 2002, tr. 15-16)    

Có tự-hào để bảo: Đức Giêsu là Công Giáo chứ Ngài không thuộc Do-thái-giáo hoặc Tin Lành/Thệ Phản chăng, cũng chỉ để đưa dẫn Ngài vào với phe/phái của mình ở đâu đó, mà thôi. Nào có gì chắc chắn để chứng-minh rằng: khi xưa Ngài cũng thực-thi các điều-luật của Đạo mình.
Nói thế, là để hỏi rằng: Chúa và tôi có cùng một lối sống, cùng một đường-hướng tư-duy, sinh-hoạt phụng-vụ hoặc lễ-lạy giống như người nhà Đạo, rất hôm nay?
Nói như thế, là để bảo: người thời nay có chăng lập-trường sống những bon chen, nổ dòn lộp độp nhiều diễn-xuất?
Nói đến thế, là cốt để tôi và bạn ta cùng nhau kiểm-điểm xem lâu nay mình quan-niệm thế nào về niềm tin, thương yêu và hy vọng, là cốt cán của mọi ràng buộc trong Đạo, mà thôi.
Nói những thế, còn muốn nói nhiều về tư-thế cũng như quyết-tâm của mỗi người và mọi người trong tin-yêu.
Nói thế nào đi nữa, cũng cứ thử nghe người đời không nói nhiều, nhưng lại cứ hát, nhưng ca-từ cũng đầy ý-tứ và ý-từ như sau:      

Một người bèn ra ven sông.
buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu
trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu
Cuộc tình thương đau
êm êm trôi theo nước xuôi về đâu
Hẹn hò gặp nhau thiên thu cho phong phú đời người sau”.
(Phạm Duy – bđd)

Hát như thế, là người đời những muốn kể về tâm-trạng của chính mình, khi đã có những “hẹn hò” có tâm-tư và tâm-tình của người ở đời rất chóng chán. Chán rất nhiều, khi đã hẹn hò là thế, mà sao người cùng hẹn lại cứ thờ ơ, ơ hờ nhiều năm tháng!
Hát đến như vậy, còn để bảo cho nhau và với nhau rằng: đời người vẫn có những tháng ngày khiến con người quên cả lời hẹn hò, nhiều khúc mắc. Khúc mắc như nhiều chuyện từng xảy đến với muôn người, ở đới.
Nói cho cùng, có là Công Giáo, Chính Thống hoặc Tin Lành/Thệ Phản đi nữa, cũng nên nghe đấng thánh hiền lành từng nhắc nhở rằng:

“Phần anh, hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh.2
Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực,
vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại.3
Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh,
không nói xấu,
không rượu chè say sưa,
nhưng biết dạy bảo điều lành.
Như vậy, họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con,5
biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng,
để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm.
(Titô 2: 1-8)

Nói cho cùng, dù bạn/dù tôi, ta có theo giáo-phái nào đi nữa, thì cuối cùng cũng đều qui về một mối, một lònglà: niềm tin vào Đức Kitô là Đấng Cứu-Chuộc mọi người, không chỉ mỗi Công-giáo mà thôi.
Nói cho cùng, có tự-hào là người Đạo nào đi nữa, cũng hãy tự-hào rằng: lâu nay mình vẫn hằng phổ-biến triết-thuyết của Tin Mừng luôn bảo rằng: Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu. Và, một khi ta đã trở nên một với Ngài rồi, thì không có lý gì để ta hay ai đó lại cứ tự cho chỉ một mình mới có chính-nghĩa khi tin tưởng vào Thiên-Chúc và thánh hội của Ngài.
Nói cho cùng, là nói và hỏi rằng: thánh Hội của Chúa có chủ-trương và có quyết-tâm thực-hiện chủ trương ấy trong yêu thương giùm giúp hết mọi người hay không? Hoặc, vẫn cứ như người khi xưa được Ngài gọi là nhóm hội vẫn tự cao, tự đại cho rằng: nhóm của mình/đạo mình mới nắm vững, thực-hiện luật lệ, rất chính-qui?
Nói cho cùng, còn là nói ít, nhưng làm nhiều. Làm như Tin Mừng dạy, nhưng lặng-thinh, im ắng, rất ẩn-dật.   
Nói cho cùng, còn nói bằng truyện kể rất nhè nhẹ để minh-hoạ cho những gì mình từng có kinh-nghiệm để đời về cuộc sống ở đời.

“Truyện rằng:
Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược Khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa của thành phố New York để trở về nhà.

Tất cả các anh chị em của cô đều hẹn là sẽ về nhà đúng 7 giờ để đoàn tụ trong buổi cơm chiều thân mật cùng cha mẹ, theo truyền thống của gia đình họ. Bỗng Wendy để ý đến một cặp nam nữ đang đứng cách cô vài bước, họ đang ra dấu bằng tay để truyện trò với nhau.

Wendy hiểu được "tiếng nói" ra dấu bằng tay, vì trong những năm đầu đại học cô đã tình nguyện làm việc trong trường tiểu học dành cho người khuyết tật, nên cô đã học được cách ra dấu tay, để trò truyện với những người câm điếc.

Vốn tính chịu khó học hỏi, Wendy đã khá thông thạo "tiếng nói" này. Nhìn vào cách ra dấu của hai người khuyết tật ở trạm xe, Wendy đã “nghe lóm” được câu chuyện của hai người.  Thì ra, cô gái câm hỏi thăm đường đến một nơi nào đó, nhưng chàng thanh niên câm thì “trả lời” là anh không biết nơi chốn đó. Wendy rất thông thạo đường xá trong khu vực này, nên cô mạnh dạn đứng ra chỉ dẫn cho cô gái.  Dĩ nhiên cả ba đều dùng cách ra dấu bằng tay, để “nói” trong câu chuyện của họ.

Khi xe lửa đến trạm, thì Wendy và hai người bạn mới quen đã kịp thời trao đổi địa chỉ e-mail cho nhau.  Những ngày sau đó, ba người tiếp tục trò truyện dùng tin nhắn của điện thoại cầm tay, rồi dần dà họ trở thành bạn thần giao cách cảm với nhau.

Chàng trai tên là Jack và cô gái tên là Debbie.  Jack cho biết anh đang làm việc cho một hãng xuất nhập cảng, và ở cách nhà Wendy không xa. Từ những tin nhắn điện thoại, e-mail thăm hỏi xã giao lúc đầu, cả hai dần dần tiến đến chỗ trở thành bạn thân lúc nào không hay.  Đôi khi Jack đến trường đón và mời cô đi ăn. Cả hai thích khung cảnh êm đềm trong công viên, nên thường yên lặng đi bên nhau trong những giờ phút nghỉ ngơi.

Tuy phải ra dấu để trò truyện nhưng Wendy không cảm thấy bất tiện, mà cô lại có dịp trau dồi “tiếng nói bằng tay”, để nghệ thuật ra dấu của cô càng lúc càng tinh xảo hơn. Đến mùa thu năm đó thì hai người đã thân thiết như một cặp tình nhân. Wendy đã quên hẳn Jack là một người khuyết tật, cho nên lần đầu tiên khi Jack ra dấu “I Love You”, thì Wendy đã nhẹ nhàng ngả đầu vào vai anh.

Sau những giờ học, thỉnh thoảng Wendy cũng vào "phòng trò truyện" (chatroom) đấu láo với bạn bè. Mỗi khi Wendy đặt câu hỏi, “Bạn có thể có tình yêu với một người câm điếc hay không?”, thì hình như không có bạn bè nào của cô có được câu trả lời dứt khoát.  Điều này đã khiến cho Wendy bị dày vò không ít.

Vào dịp lễ Tạ Ơn năm đó, Jack tặng cho Wendy một bó hoa hồng kèm theo câu ra dấu, “Wendy có chịu làm bạn gái của mình không?” Wendy vừa vui mừng vừa kinh ngạc, nhưng tiếp theo đó là những sự mâu thuẫn khổ sở trong tâm. Wendy biết rõ là cô sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của những người thân.

Quả nhiên, cha mẹ cô khi biết rõ sự việc đã dùng đủ mọi phương thức để mong lôi kéo đứa con gái “lầm đường lạc lối” trở về.  Thôi thì hết chú bác, cô dì, lại đến các anh chị em, bạn học, được cha mẹ cô vận động tới để thuyết phục cô. Đứng trước áp lực này, Wendy chỉ có thể phân trần với gia đình về nhân cách cao cả của Jack. Cô cho mọi người biết là thái độ lạc quan cùng đầu óc thực tế và tích cực của anh đã khiến cô cảm thấy gần gũi anh hơn là với những bạn trai mà cô đã từng quen biết trước đây.

Gia đình sau khi nghe cô giải bày đã không còn quá khắt khe phê bình nữa.  Mọi người dự định là sẽ gặp mặt Jack trước rồi mới có thể đánh giá cuộc tình của hai người. Cả nhà đồng ý là sẽ gặp mặt Jack vào trưa ngày 25 tháng 12, sau khi mọi người đã hưởng được một đêm Giáng sinh bình yên cho tâm tư lắng đọng.   Wendy đã có quyết định trong đầu là nếu như cha mẹ và anh chị của cô có những cử chỉ cùng hành động khinh miệt Jack, thì cô và Jack sẽ đi đến nhà thờ để xin ơn và sự chúc lành của Thiên Chúa.

Trên đường dẫn Jack đến nhà, tâm trạng hồi hộp của Wendy đã không thoát khỏi cặp mắt quan sát của Jack.  Chàng mỉm cười ra dấu cho nàng:
- Wendy yên tâm, bảo đảm với em là cha mẹ em sẽ hài lòng. Anh cho họ biết là anh sẽ thương yêu em, chăm sóc em suốt đời.

Đó là lần đầu tiên trong đời, cô sinh viên Trường Dược rơi những giọt lệ cảm động.  Vừa vào đến nhà, Wendy nắm tay Jack đi đến trước mặt cha mẹ.  Nàng nói:
- Thưa ba mẹ, đây là Jack, bạn trai mà con thường nhắc đến.
Câu nói của nàng vừa thốt ra, thì tất cả những hộp kẹo bánh, hoa tươi trên tay Jack tức thời lộp độp rơi xuống đất.  Chàng nhào tới ôm nàng trong vòng tay khỏe mạnh của chàng.Một điều mà Wendy không thể ngờ được, là nàng bỗng nghe một giọng nói thảng thốt phát ra từ miệng của Jack:
-Trời đất, em biết nói à?
Đó cũng chính là câu mà Wendy muốn hỏi Jack.
Mọi người ngoài cuộc đều ngẩn ngơ ngạc nhiên, trong khi hai người trong cuộc thì ôm nhau cười, nói, la, hét, nhảy nhót như điên dại. Thì ra Jack cứ ngỡ Wendy là một cô gái câm, thế mà anh vẫn sinh lòng quyến luyến, mà còn muốn tiếp tục đi đến hôn nhân. Wendy cũng tự hào có quyết định sáng suốt, vì đã chọn được người tình trong mộng tuyệt vời nhất thế gian.

Và người kể truyện, lại cũng tóm kết ý-nghĩa của truyện kể bằng những lời như sau: “Thượng Đế của chúng ta đang ngự ở trên cao, hình như cũng đang che miệng cười cho trò đùa mà ngài đã đạo diễn suốt một năm qua…Dành cho những ai yêu, nhưng chưa dám thổ lộ cùng người mình yêu."

Có trích-dẫn và/hoặc giải-thích lời trích và dẫn của mình thế nào đi nữa, cuối cùng cũng chỉ để tóm gọn mỗi điều này: Hãy cứ chứng-tỏ tình-thương mình có với người khác đi đã, từ đó người kia/người nọ sẽ biết mình là ai, và Thày mình là Đấng nào.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những nhận-định
Cùng cương-quyết hiếm có
Suốt đời mình,
giống ở trên.

Saturday 20 December 2014

Rồi đây, mây trên đồi vắng



Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau lễ Thánh Gia năm B 28-12-2014

“Rồi đây, mây trên đồi vắng,”
Lang thang tìm phiến đá xưa rêu mòn
Rồi đây, mưa ru ngàn lá
Mây bay mờ xoá, rừng thông lắng buồn.”
(Phạm Mạnh Cương -
-Mắt Lệ Cho Người Tình)

(Kh 7: 3/2 Cor 2: 14-16)

Mây trên đồi vắng, mà lại thấy “mắt lệ cho người tình”, ôi thôi điều này chỉ thấy có ở thi-ca, âm-nhạc, mà thôi. Mắt lệ cho người tình, có khi cũng hơi khác như các đấng bậc ở nhà Đạo cũng từng nói. Thế nhưng, người nghệ sĩ ở ngoài đời, lại vẫn nói bằng câu ca/tiếng hát rất tình như sau:

“Tình anh, như thông đầu núi
Trăng thanh chìm suối, tháng năm vời vợi
Tình em, như sương chiều xuống
Mênh mông đồi núi, mờ trong bóng đêm.

Biệt ly, hôn nhau lần cuối
Trông nhau lần cuối, giá băng tơ trời
Bài hát chia phôi ban đầu
Vắng tiếng kinh chiều cầu cho tình ái.

Biệt ly, hôn nhau lần nữa
Xa nhau lần nữa, nói sao cho vừa
Chỉ thấy ánh mắt u hoài
Nuối tiếc ân tình, trọn đời khó phai.”
(Phạm Mạnh Cương – bđd)

Nơi nhà Đạo, các đấng bậc có nói nhưng không hát và cũng chẳng ngâm, nên các ngài vẫn nói hoài nói mãi những tiếng/giọng như sau:

Khi nghe trong Bài Đọc Thứ Nhất tiếng của vị Thiên Thần kêu vang vang cho 4 Thiên Thần được ban cho quyền hủy-hoại cả đất liền lẫn biển khơi rằng: "Đừng hủy-hoại đất-đai, biển-khơi hay cây-cối" (Khải Huyền 7:3), thì chúng ta nhớ đến câu nói không phải ở Sách Khải Huyền mà ở trong lòng của mọi người: con người có khả năng làm điều ấy hơn thiên thần nữa kìa. Chúng ta có thể tàn phá Trái Đất này còn giỏi hơn các Thiên Thần

Đó, thực sự là những gì chúng ta đang làm. Đó, là những gì chúng ta đang thực-hiện, ở chỗ chúng ta đang hủy-hoại thiên-nhiên tạo-vật, chúng ta đang tàn-phá sự sống, chúng ta đang tàn-phá các nền văn-hóa, chúng ta đang tàn-phá các thứ giá-trị, chúng ta đang tiêu-diệt niềm hy-vọng.

Chúng ta cần đến sức mạnh của Chúa biết bao, để chúng ta được niêm-ấn bởi tình-yêu của Ngài và quyền-năng của Ngài trong việc ngưng lại cuộc đua hủy-diệt điên-cuồng này!

Việc hủy-diệt những gì Ngài đã ban cho chúng ta, những gì tuyệt-vời nhất Ngài đã làm cho chúng ta, để chúng ta canh-tác, duy-trì, sinh lợi... Khi tôi ở trong hậu-cung-thánh nhìn thấy các bức tranh vẽ 71 năm trước (vẽ cảnh dội bom hồi Thế Chiến Thứ II ở miền San Lorenzo là nơi nghĩa-trang này tọa-lạc), tôi nghĩ rằng:

"Đó thật trầm trọng, thật đau thương. Nhưng vẫn không thể nào sánh với những gì đang xẩy ra hiện nay. Con người chiếm-hữu hết mọi sự, tin mình là chúa tể, tin rằng mình là vua chúa.

Rồi chiến-tranh, các cuộc chiến-tranh tiếp-tục bùng nổ, thật sự không phải là để giúp gieo-vãi hạt giống sự sống mà là hủy-hoại. Nó là một thứ kỹ-nghệ hủy-diệt. Nó cũng là một guồng máy của sự sống để rồi không chỉnh-sửa được sự vật thì loại-bỏ chúng đi, ở chỗ chúng ta đang loại-bỏ trẻ em, chúng ta đang loại-bỏ người già, giới trẻ bị loại-bỏ bởi chẳng có công ăn việc làm... 

Cuộc tàn-phá này là hậu-quả của một thứ văn-hóa phế-thải. Chúng ta loại bỏ con người.”
(X. Lời Giảng Lễ Các Thánh Nam Nữ của ĐGH Phanxicô 1/11/2014 ở Nghĩa Trang Verano Rôma)

Nghe thế rồi, mời bạn và mời tôi, ta nghe tiếp lời ca do nghệ sĩ hát thêm, như sau:

“Rồi đây, anh như ngàn gió
Phiêu du từ đó biết đâu hẹn hò.
Rồi đây, em phương trời cũ,
Quê hương tình ái còn vương mắt lệ.

Tình yêu mong manh là thế,
Xa xôi là thế xót xa tình buồn.
Tình yêu thương đau từ đấy,
Dư âm còn đấy lệ trong mắt ai.”
(Phạm Mạnh Cương – bđd)

Và đây, khi nghe câu hát: “Anh như ngàn gió, phiêu du từ đó”, nên anh và tôi hoặc ai đó, lại sẽ phiêu du vào đất miền thần-học, có những vấn-đề thời-sự cần suy-tư như sau:

“Mọi đổi thay trong văn-hoá/xã hội ở thời này là vấn-đề lớn, rất khó giải. Vấn-đề ở chỗ: rất nhiều người, hôm nay lại cho rằng: mình có niềm tin đích-thật và cũng có người nghĩ rằng: mình chẳng có theo “đạo” nào hết. Những người này chỉ muốn bảo: chẳng tôn-giáo nào ta được biết lại tỏ-bày kinh-nghiệm về niềm tin sâu-sắc của chính mình, cách phù-hợp.

Thế nên, trong thống-kê dân-số gửi đến nhà cứ 5 năm một lần, khi được hỏi bạn theo tôn-giáo nào, thì nhiều câu trả-lời lại đề: không gì hết. Điều này không có nghĩa là: họ không có niềm tin. Điều này cũng có nghĩa: phương-cách cổ xưa để diễn-tả và rao-truyền niềm tin nay không còn như xưa nữa.

Điều này thực sự nói về niềm tin và tôn-giáo và mối giây liên-hệ của hai thứ. Tin là nhận-thức rằng mọi hữu-thể đều hiện-hữu. Với người có niềm tin, thì việc này nói về quan-hệ riêng-tư giữa con người và Thiên-Chúa.

Và, đó là kinh-nghiệm. Tôn-giáo là tập-hợp các truyền-thống, tin-tưởng, huyền-nhiệm, nghi-thức, đạo-đức/chức-năng, vv. Từng nói lên ký-ức tập-thể của niềm tin sống động kéo dài mãi như thế. Tôn-giáo và niềm tin không cùng một thứ. Tôn-giáo là việc tỏ-bày kinh-nghiệm ngày càng sâu sắc và phong-phú hơn bất cứ sự bày-tỏ nào cũng thế. Tôn-giáo là một tỏ-bày và là bày-tỏ niềm tin. Cả hai thứ đi chung với nhau và thường thì trộn-lẫn vào nhau.

Khi niềm tin lên cao tại một số nơi hoặc ở một số nền văn-hoá, niềm tin ấy mặc lấy văn-hoá theo nghĩa những sự-thể rất đạo-giáo đang diễn ra ở nơi đó. Niềm tin ấy mang dáng dấp hình-hài của những thứ và những sự xảy ra tại nơi đó. Niềm tin ấy còn mặc lấy thứ ngôn-ngữ địa-phương.

Và, thời-gian trôi mau, niềm tin lại sẽ biến môi trường này trở-thành của chính mình. Nó trở thành chiếc xe chuyên-chở mọi kết quả đạt được đem đến nhiều nơi khác. Và đi như thế, tôn-giáo cũng mang theo niềm tin với mình, nữa. Chìa khoá chính cho tương-quan giữa niềm tin và tôn-giáo là nắm bắt được rằng: niềm tin là kinh-nghiệm, còn tôn-giáo là việc bày-tỏ kinh-nghiệm ấy ra ngoài.

Niềm tin mà không có tôn-giáo cưu-mang và tỏ-bày, sẽ thiếu nhiều hỗ-trợ, giùm giúp. Tôn-giáo mà lại không có niềm tin sâu-sắc đích-thực ở bên trong, lại sẽ chết dần trong nguồn nước…

Có hai vấn-đề ở đây: Niềm tin như kinh-nghiệm nội-tâm mà không có sự tỏ-bày nhờ vào tôn-giáo sẽ đi đến kết-cuộc như một thứ tôn-thờ chủ-nghĩa Narcisse. Và, tôn-giáo mà không niềm tin sâu-sắc nội-tại, thì cũng sẽ chìm đắm biến mất trong các tín-ngưỡng chính-trị đang vượt trội ở nền văn-hoá địa-phương, sở tại.

Vậy thì, Hội-thánh/Giáo-hội thực sự cống-hiến những gì? Câu trả lời sẽ là việc sẻ-san trong đối-thoại chuyện-trò về kinh-nghiệm tin-tưởng. Một san-sẻ được tôn-giáo giúp đỡ bằng việc tiếp-nhận và thông-cảm.

Bằng vào ý-nghĩa của sự-thể mong-mang đầy tính người như thế, Thiên-Chúa yêu-thích đi vào nền văn-hoá có niềm tin tôn-giáo và có thể, Ngài cũng khởi-sự cuộc chuyện trò/trao-đổi với mức độ cũng rất mới.”
(xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Lời Chúa Sẻ San Chúa nhật Cung hiến Đền thờ Latêranô năm A 9/11/2014)

Xem như thế, thì: niềm tin, tôn-giáo và văn-hoá luôn tháp-tùng, gộp chung trong cuộc sống vui tươi đằm thắm rất chất-lượng. Thế đó là thần học đi Đạo và ở trong Đạo. Thần-Học về kinh-nghiệm có niềm tin tôn-giáo đầy chất văn-hoá về Thiên-Chúa-Là-Tình-Yêu ở ngoài đời lại cũng  khác. Khác, theo cung-cách thực-tiễn và thựa-hành như sau:

Ở một đất nước giàu có của Châu Âu, có một cô ca sĩ rất nổi tiếng. Tuy mới chỉ 30 tuổi nhưng danh tiếng cô đã vang dội khắp nơi, hơn nữa cô có một người chồng như ý và một gia đình hạnh phúc mỹ mãn. Một lần, sau khi tổ chức thành công một đêm diễn, cô ca sĩ cùng chồng và con trai bị đám đông người hâm hộ cuồng nhiệt bao quanh. Mọi người tranh nhau chuyện trò với cô. Những lời lẽ tán tụng khen ngợi tràn ngập cả sân khấu.

Có người khen cô tuổi nhỏ chí lớn, vừa tốt nghiệp đại học đã bước chân vào nhà hát tầm cỡ quốc gia và trở thành nữ ca sĩ trụ cột của nhà hát. Có người tán tụng rằng mới có 25 tuổi mà cô đã được lựa chọn là một trong 10 nữ ca sĩ có giọng háy opera xuất sắc nhất thế giới. Có người lại ngưỡng mộ cô có người chồng tuyệt vời, một cậu con trai kháu khỉnh, dễ thương.

Trong khi mọi người thi nhau bàn luận, cô ca sĩ này chỉ im lặng lắng nghe, không thể hiện thái độ gì. Khi mọi người nói xong cô chậm rãi nói: “Trước tiên, tôi cảm ơn những lời ngợi khen của mọi người dành cho tôi và những người trong gia đình tôi.

Tôi hy vọng có thể chia sẻ niềm vui này với mọi người. Nhưng các bạn chỉ nhìn thấy một số mặt trong cuộc sống của tôi còn một số mặt khác, các bạn vẫn chưa nhìn thấy. Cậu con trai của tôi mà mọi người khen là bé kháu khỉnh, đáng yêu, thật bất hạnh, nó là 1 đứa trẻ bị câm. Ngoài ra, nó còn có một người chị tâm thần và thường xuyên bị nhốt ở nhà."

Mọi người đều ngơ ngác, sửng sốt nhìn nhau, dường như rất khó chấp nhận một sự thật như thế. Lúc này, cô ca sĩ mới điềm tĩnh nói với mọi người: “Tất cả những chuyện này nói lên điều gì? Có lẽ chúng nói lên một triết lý, đó là, Thượng đế rất công bằng, ngài không cho ai quá nhiều thứ bao giờ.”

Thượng đế rất công bằng, ngài không cho ai quá ít, cũng không cho ai quá nhiều. Vì thế, đừng nên chỉ nhìn thấy hoặc ngưỡng mộ những thứ người khác có, mà nên nghĩ và trân trọng những thứ bạn đang có, cho dù đó không phải là những vinh quang tột đỉnh.

Vậy nên, nếu ai hỏi bạn “Bạn có hạnh phúc không?” Bạn hãy trả lời rằng : ”Mình hạnh phúc. Hạnh phúc theo cách mình sống và những gì mình đang có trên đời này".
(sưu-tầm và trích dẫn truyện kể của một người ký tên là ST trên mạng vi-tính, rất phổ-biến)

Suy-tư về kinh-nghiệm sống trong cuộc đổi đời ngày hôm nay, có thể là như thế. Như thế, cũng nói lên đôi điều về sự-kiện thực-tế chưa có giải-đáp cho thế hệ của kẻ tin ở đầu thế-kỷ 21 hiện giờ.
Cuộc đổi-đời thế-kỷ, nay lại được đấng bậc ở trên cao có nhận-dịnh rất đặc-thù nhân buổi họp mặt của thành-viên trong Bộ Dòng Tu hôm 27/11/2014, hôm ấy Đức Phanxicô có nói:

“Đi từ đề tài “Rượu mới trong các bầu mới”, Đức Thánh Cha khẳng-định rằng:
Chúng ta đừng sợ từ-bỏ các bầu rượu cũ, nghĩa là cần đổi mới những thói quen và cơ-cấu trong đời sống Giáo Hội, cũng như trong đời sống thánh-hiến, mà chúng ta nhận thấy không còn tương-ứng với những gì Thiên-Chúa yêu-cầu chúng ta ngày nay, để mở rộng Nước Chúa trong trần-thế: đó là những cơ-cấu mang lại cho chúng ta một sự bảo-vệ giả-tạo và ảnh-hưởng tiêu-cực tới năng-động bác-ái: đó là những tập-quán làm cho chúng ta xa lìa đoàn chiên mà chúng ta được sai đến và ngăn-cản không cho chúng ta nghe tiếng của những người đang chờ đợi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến những nhược-điểm có thể gặp thấy trong đời thánh-hiến ngày nay, như: sự kháng-cự của một số thành-phần chống lại sự thay-đổi, sự suy-giảm sức thu-hút, nhiều người bỏ tu, sự mong manh của một số hành-trình đào-tạo, những cơ-cực vất-vả vì thi-hành các công tác và thừa-tác-vụ làm thương-tổn đời sống thiêng-liêng, sự khó hội-nhập vào các môi-trường và thế-hệ khác, sự thiếu quân-bình trong thực-thi quyền-bính và sử-dụng của cải…”
(xem G. Trần Đức Anh, op dịch tin Vatican 27/11/2014, đăng trên www.chuacuuthe.com trang chính ngày 27/11/2014) 

Cảm-thông với lời nhận-định của đấng chủ-quản Hội-thánh một cách rộng và đem vào đời, còn là cảm-thông rằng: thời nào, cũng có đổi-thay. Đổi và thay, cả trong niềm tin, văn-hoá và tôn-giáo. Thay và đổi, không có nghĩa ta đi dần vào sự chết hoặc vào cái-gọi-là “văn-hoá của sự chết”. Đổi-thay/thay-đổi là lý-lẽ cuộc sống rất năng-động. Có như thế, cuộc sống của mọi người mới đứng vững và khá hơn lên.  
Vẫn cứ mong, mọi thay và đổi sẽ theo hướng tích cực, rất tốt đẹp, hơn bao giờ. Trong chiều-hướng đó, cũng nên đi vào vườn hoa Lời Chúa, có những nhủ khuyên như sau:

Tạ ơn Thiên Chúa,
Đấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Kitô,
tạ ơn Người là Đấng đã dùng chúng tôi
mà làm cho sự nhận biết Đức Kitô,
như hương thơm, lan toả khắp nơi.
Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa,
toả ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất.
Đối với những người bị hư mất,
chúng tôi là mùi tử khí đưa đến tử vong;
nhưng đối với những người được cứu độ,
chúng tôi lại là hương sự sống đưa đến sự sống.“
(2 Cor 2: 14-16)

Trong chiều hướng nhận-định về cuộc đời có đổi thay như thế, cũng lại mời bạn và mời tôi, ta cứ thế hiên-ngang cất bước và hát lên rằng:

Rồi đây, anh như ngàn gió
Phiêu du từ đó biết đâu hẹn hò.
Rồi đây, em phương trời cũ,
Quê hương tình ái còn vương mắt lệ.
Tình yêu mong manh là thế,
Xa xôi là thế xót xa tình buồn.
Tình yêu thương đau từ đấy,
Dư âm còn đấy lệ trong mắt ai.”
(Phạm Mạnh Cương – bđd)

Hát thế rồi, ta bồi thêm cho bài viết bằng một đoạn truyện kể ngăn ngắn để minh-hoạ cho những chuyện được đề-cập, hôm nay:

“Trong Dòng khắc-kỷ/khổ-tu nọ, các thày sống ở đây luôn luôn phải tịnh-khẩu để cầu nguyện trong thinh-lặng. Duy, chỉ được phát-biểu khi được phép, chí ít là không bao giờ được yêu-cầu có được điều gì để trau-dồi bản thân.

Trong bữa cơm thân-mật hôm ấy, một thày Dòng thấy trong tô cháo mình ăn có con chuột nhắt chết phỏng từ hồi nào. Gặp sự thể như thế, hỏi rằng thày phải làm gì bây giờ? Than-phiền ư? Đổ đi hay tiếc rẻ nuốt vào bụng, sau một ngày mệt nhừ vì lao-động công-ích. Bất chợt, thày Dòng ấy bèn ngồi im, nhắm tịt mắt và suy-nghĩ một hồi.

May quá, thày tìm ra được giải-đáp để có được bát cháo khác mà không lỗi luật Dòng. Thày bèn giơ tay xin phép nói, thấy thế Bề Trên hỏi:

-Thày A…, thày có điều gì muốn nói, thế?
-Dạ thưa Bề Trên, các thày ngồi quanh bàn con đây đều thiếu con chuột chết trong bát cháo…”
(tiếu-lâm chay/mặn kể  trên mạng…)

Thế đó, là văn-hoá thời xưa cũ. Thế đó, còn là tinh-thần tu-trì tu-đúc rất văn-minh, của một thời. Thời đại ít thấy đổi-thay nhưng mọi người vẫn sống văn-minh, văn-hoá sống cả kinh-nghiệm niềm tin tôn-giáo rất tốt đạo, đẹp đời. Ở muôn nơi.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn nhớ ngày xưa cũ
Có văn hoá, văn minh
Của niềm tin tôn-giáo
Rất thời-thượng.