Saturday 31 May 2014

“Buồn rơi giữa đêm mù lẻ loi,



Chuyện Phiếm đọc trong tuần Thánh Thần Hiện Xuống Năm A 08-6-2014

“Buồn rơi giữa đêm mù lẻ loi,"

sao người còn đi hoài đi mãi.
Cho tôi hoang vắng trong đêm dài, buồn rơi lẻ loi.
Nỗi muộn phiền trên vùng tóc rối, khi trời còn đi vào đêm tối.
Xin thương yêu sưởi ấm đôi môi.”
(Từ Công Phụng - Đêm Không Cùng)

 

(Rm 14: 9-13)

            Buồn, mà lại rơi giữa đêm mù lẻ loi, như “hát sĩ” cất lên lời trong buổi nhạc “Hát Cho Nhau Nghe” hôm 15.3.2014 với chủ đề “Đêm Vắn Tình Dài!” Như thế là quá buồn! Buồn, cả vào đêm vô cùng thánh thót, trong ngày lễ thánh rất yên vui! Thực-tế đời người có đêm buồn nào ra như thế? Có hôm nào, bầu bạn buồn đến như thế, không?

            Hỏi ở đây, tức: đã trả lời một chút rồi. Trả một lời, như câu hát buồn và lẻ loi như sau:

 

            “Buồn rơi trên tâm hồn lẻ loi, thương hình hài con người nhỏ bé

Nghe bơ vơ tiếng ru ai về, ngủ đi người yêu

Thôi nụ cười đêm đừng chợ tắt cho một loài hoa đừng héo hắt

Cho tôi vẫn vô cùng một mình.”

(Từ Công Phụng - bđd)

 

 

            “Buồn rơi trên tâm hồn lẻ loi”, có lẽ và có thể cũng là nỗi buồn của ai đó, trong nhà Đạo từng viết đôi hàng trên báo điện, nay nhắn nhủ:

 

“Có lẽ, có những điều mà tôi đây, một nữ giáo dân lâu nay vẫn sống đạo bình thường nhưng vẫn tự hỏi: điều gì làm cho bọn trẻ ở đây đó, tự tìm đến cho mình một niềm tin vừa bắt gặp hay vẫn chỉ bực-bõ khi thấy cha mẹ mình chỉ tin vào những chuyện hình-thức hoặc bề ngoài gì đâu không à? Thật ra thì, có nhiều yếu-tố khả dĩ rất đánh động tâm-lý của trẻ em cũng rất nhiều, như: tánh tình lúc nắng lúc mưa, tâm trạng ở trường học, tâm-tình cùng bạn bè chòm xóm và/hoặc nỗi niềm quan-tâm đến đạo-giáo?    

 

Hỏi thì hỏi thế chứ, mới đây bản thân tôi vừa được đọc một bài viết do vị Giáo sư đồng thời là nhà nghiên-cứu giáo-dục có tên là Vern L. Bengston có cho biết, là: những yếu-tố gây ảnh-hưởng khá nhiều lên niềm tin của con trẻ, rất mạnh mẽ mà ta có thể kể ra, chỉ vài điều thôi, cũng đủ để bà con suy-tư/xem xét thử thực/hư ra sao:

 

Thứ nhất, là: gương đẹp/gương xấu từ người lớn: điều này ai cũng biết. Nhưng, nó vẫn cần để nhắc nhở hết mọi người. Cha mẹ nào biết sống thực niềm tin của mình, thì con em họ sẽ cảm-kích tin vào những gì mình tặng ban cho chúng. Tận phần thâm sâu, con trẻ ra như “nói một đằng làm một nẻo” chẳng lý gì niềm tin do cha mẹ tặng. Trong khi đó, cha  mẹ chúng lại vẫn giữ nguyên niềm xác-tín như thế khi nuôi dạy chúng.

 

Thứ hai, là: quan-hệ tốt giữa cha mẹ và con cái: Cha mẹ có làm gương tốt cách mấy đi nữa, mà con cái lại không gần gũi thì chúng cũng chẳng bắt chước được những tính tốt của mẹ cha, khi tin tưởng và giữ Đạo. Quan-hệ trên có tốt, thì cả hai bên mới duy-trì được niềm tin cần có. Không tạo được như thế, thì con cái thấy những gì cha mẹ dạy chúng chỉ như một mớ những điều luật và lệ, thôi.

 

Kế đến, là: điều hay đẹp học được từ người cha, cách riêng: Thật sự thì đây mới là điểm son trong quá-trình học đòi/bắt chước những tốt đẹp, từ cuộc sống. Điều hay và đẹp từ người cha vẫn quan-trọng hơn thói quen tốt học được từ mẹ hiền, về chuyện đạo. Ở đây, ta vẫn thấy là: trong nhiều đạo-giáo, thần-linh hoặc Thiên-Chúa luôn mang hình-ảnh và cái đẹp từ người Cha Nhân Hiền. Con cái nào lại không gần gũi với người cha của mình, nếu không sẽ thấy thiếu sót khi muốn có quan-hệ tốt với Thần-linh Thánh Ái trong Đạo mình.

 

Một điều quan-trọng không kém nữa, là: Đừng bao giờ bó buộc hoặc thúc ép con cái mình về chuyện tin tưởng. Điều này ai cũng thấy rõ, là: cha mẹ nào càng bó buộc con em mình đi nhà thờ dự lễ lạy hoặc quá gắt gao với con cháu, chẳng chóng thì chày, đến tuổi trưởng-thành rồi, tự nhiên chúng sẽ tự mình bỏ bê nhà thờ cách dễ dàng và nhanh chóng. Với cha mẹ, cần nhất phải tạo bầu khí sao đó có thể khích-lệ con em mình sống niềm tin, nhưng đừng bao giờ ép buộc chúng.

 

Và cuối cùng, là: biết sống hạnh-phúc với niềm tin của chính mình. Bởi, không có động-lực nào có thể thuyết-phục con cái mình bằng việc: cứ để chúng thấy được rằng cha mẹ chúng thực sự sống niềm tin của các vị ấy. Và, có làm thế, cha mẹ cũng như con cái mới vui hưởng cuộc sống an vui, nhiều ý-nghĩa” (x. Tamara Rajakariar, Passing on your faith to your kids, MercatorNet 12/2/2014).

 

Thật ra, nói nguyên-tắc, cũng không khó. Nhưng, nói về cảm nghiệm mình từng sống niềm tin của riêng mình, mới thật không dễ. Dễ hay không, tưởng cũng nên lướt qua một đoạn đường để nhìn vào kinh-nghiệm từng trải của một số độc-giả vẫn không ngại lên tiếng.

Nhưng, trước khi làm thế, đề nghị bạn và tôi, ta lại nghe câu nghệ sĩ từng hát mãi:

 

“Tìm nhau từng đêm mông lung nên không cùng

Và đêm xanh xao nên đêm gầy

Đêm bơ vơ như cuộc đời chúng mình

Và em, và tôi, và đôi môi dậy tiếng hát là chứng tích một cuộc tình

Trên giòng sông vỗ cánh bay đi

Và em, và tôi, và đôi môi dậy tiếng hát là chứng tích một cuộc tình

Trên giòng sông vỗ cánh bay đi

(Từ Công Phụng – bđd)

 

Trong giòng đời rộn rã, lại cũng có rất nhiều người, nhiều vị cũng từng đặt vấn đề về niềm tin, thẳng như thế. Trong số những vị có ý-kiến phản-hồi với người viết bài này, lại đếm được vài ba vị, rất như sau:

 

Trước nhất, là ý-kiến của vị nữ-lưu không cho biết địa chỉ, nhưng vẫn đề tên như sau:

 

“Có thể nói rằng: cùng với 4 phần 5 những người từng chối bỏ niềm tin của mình, tôi mong rằng mọi sự diễn tiến, cũng khác biệt. Gia đình nào có con cái vẫn còn tiếp tục làm thế trong một hai thế hệ, đều nắm chắc rằng con cháu họ cũng từng tham-gia vào công-tác thiện-nguyện trên căn bản rất đều đặn. Những người này đều am tường rằng: hiểu/biết niềm tin thôi cũng chưa đủ, dù có đi nhà thờ dự lễ lạy, học giáo-lý như thời của thế hệ trước, cũng chưa ăn thua gì. Khi xưa, bọn tôi vẫn từng tập sống niềm tin, từng tham-gia ban hát này khác, nhưng chẳng bao giờ đặt nặng chuyện giúp người đói bụng có của ăn, xung-phong làm thiện-nguyện ở viện dưỡng-lão, hoặc bệnh-viện hoặc làm một vài việc gì đó tỏ bày tình-thương với người khác. Đó mới là chuyện quan-trọng và cần-thiết đối với người Công-giáo. Và tôi nhớ tôi vẫn là bà mẹ rất qui-củ và nguyên-tắc, vì là người Công-giáo, vào thời nào cũng thế thôi” (ý kiến của Anniem).

 

Và, ý-kiến của một người tên John:

 

“Tôi từng biết, là: bọn trẻ thời nay có còn tiếp tục đi nhà thờ nữa hay không khi chúng lớn khôn, điều này còn tùy thuộc nhiều vào việc cha của chúng có đi nhà thờ nhiều hơn mẹ của chúng không? Đối với tôi, xem như chuyện này nghe có vẻ hơi chõi một chút. Có vị nào chủ-trương như thế không, xin lên tiếng cho bà con biết”.

 

Và ý-kiến của một trai nam nhi tên là Shaun Braun như sau:

 

“Để có ý-kiến phản-hồi với bạn nào đó vừa mới hỏi, tôi không nghĩ là mình nên chất đầy nhà thờ bằng số người trẻ, nhiều tóc trên đầu, vẫn tham dự đủ mọi nghi-thức rất Đạo. Tôi vẫn ủng-hộ mạnh-mẽ việc hội-nhập niềm tin đi Đạo vào với nền văn-hoá nói chung, đặc biệt là văn-hoá phương Tây trong đó Kitô-giáo là cột-trụ trọng-yếu, rất vững chãi,. Cả đến chuyện hội-nhập niềm tin vào cuộc sống, cũng thế. Điều tôi muốn đề-nghị với các bạn là: văn-hoá có nền-tảng gia-đình vẫn được tôn-giáo nhẹ nhàng đưa niềm tin len lỏi vào cuộc sống để rồi tự nó lớn mạnh cách tự-nhiên. Thêm vào đó, là phần đóng góp của giáo-dục cách rõ rệt.

 

Nói cách khác, con trẻ phải lớn lên trong môi-trường qua đó, niềm tin là thành-phần tự-nhiên, chứ không phải là một bộ môn thêm vào. Văn-hoá gia-đình có niềm tin thẩm-nhập cũng giúp con trẻ thu thập được các giá-trị đạo-đức theo cách nào đó khiến chúng thấy được là các giá-trị này phải là thành-phần lý-lịch riêng của chúng, hơn những gì mà giới truyền-thông hoặc cộng-đồng nhóm-hội/đoàn-thể từng mong muốn.

 

Việc hội-nhập niềm tin vào với nền văn-hoá đương nhiên cần thiết để đặt con trẻ mình vào những gì tốt đẹp nhất từng được suy-nghĩ và nói đến, như tác giả Matthew Arnold có tỏ bày trong văn-chương và khoa-học, vv. Con trẻ phải được đặt mình đưa vào với mọi sự tốt lành/hạnh-đạo cùng các yếu tố như: Chân Thiện Mỹ dưới bất cứ hình-thức nào có thể được, dĩ nhiên, kể cả âm-nhạc và nghệ-thuật cổ-điển. Lý-tưởng ra, thì khi tăng-trưởng để trở-thành người lớn, chúng có thể đóng góp vào việc phong-phú-hoá nền văn-minh nhân-loại và giúp chữa lành những rạn-nứt giữa niềm-tin và văn-hoá từng dẫn đưa mọi người vào tính-chất nghèo-nàn của đời sống mang danh là hiện-đại” (ý-kiến của một người tên Shaun Braun).

 

 

Nối tiếp ý-kiến của độc-giả ở trên, chi bằng ta đi vào vườn hoa truyện kể để sẽ nói lên cùng một ý-tưởng về những gì được hiến tặng từ trên. Truyện kể rằng:

Cậu bé sinh ra không có vành tai như bao người khác. Nhìn vào gương, trông rất là kỳ dị.Trước khi đi học, cuộc sống của cậu bé trong gia đình vẫn rất ổn, vì cha mẹ yêu thương cậu hết mực và ai cũng muốn mọi việc sẽ bình thường xảy đến với cậu. Nhưng, từ khi bắt đầu biết đến bạn bè và trường lớp thì cậu bé đã biết thế nào là bị trêu chọc, cô lập, mặc cảm. Một hôm, cậu bé chạy từ trường về, úp mặt vào đùi mẹ mà khóc nức nở. Trông cậu thật thảm thương. Cậu tự nói cho mẹ biết tấn bị kich của cậu với chúng bạn:
- Chúng nó bảo con là...quái vật

Mẹ hiền xoa đầu an ủi cậu và bằng giọng ngẹn ngào, bà nói với cậu:
- Con à! Dù có thế nào, thì con vẫn là con ngoan của mẹ. Cứ mặc kệ bọn chúng nói gì thì con vẫn sống tốt đẹp mà. Hãy tìm những điều đặc biệt của bản thân mình để xoá đi mọi khiếm khuyết, nếu có.

Cậu bé ngước mặt lên nhìn vào đôi mắt ngân ngấn lệ của mẹ và dường như hiểu ra được điều gì đó. Từ đó cậu bỏ ngoài tai những trò đùa của đám bạn và tiếp tục hoà nhập với cuộc sống mới. Mẹ cậu bắt đầu dạy cậu cách chơi piano, học những nối nhạc cơ bản để giúp cậu quên đi những cay đắng vấp phải trong cuộc sống khi hoà mình vào âm nhạc.

Dù không có vành tai nhưng cậu vẫn được tạo hoá ưu ái cho một gương mặt hoàn mỹ, thân hình cao lớn cùng trí óc nhanh nhạy. Rồi trong những giờ học nhạc cụ, cậu nhận thấy mình cảm âm rất tốt và yêu thích chúng. Giáo viên và các bạn quý mến cậu hơn. Khi lên lớp, đáng lẽ ra cậu sẽ được bầu làm lớp trưởng nếu như cậu không kỳ dị về đôi vành tai.

Cậu sẽ được đại diện lớp tham gia vào buổi hoà nhạc của trường nếu cậu giống như bao người khác. Mọi người sợ cậu sẽ làm khán giả giật mình, hoảng hốt khi cậu xuất hiện, họ sẽ chẳng nghe nhạc được khi mắt họ thấy khó chịu.Điều đặc biệt mà cậu yêu thích là chơi nhạc và biểu diễn cho mọi người nghe, còn bây giờ chỉ có riêng cha mẹ cậu lắng nghe cậu chơi đàn. Mọi thứ bắt đầu làm cậu chán nản, cậu cứ lẩn quẩn ở nhà với niềm đam mê âm nhạc ấy.
- Con không thể hoà nhập với mọi người mẹ ạ, con vẫn luôn bị xem là một loài nào đó khác với họ.

Người mẹ trách nhẹ khi thấy cậu buồn, nhưng tim bà cũng đau xót chẳng khác cậu. Bà thương con biết bao! Bà sẽ tìm mọi cách để biến cậu thành một người có đôi tai bình thường như mọi người để cậu tiếp tục ước mơ của mình.
- Chẳng lẻ không còn cách nào khác để giúp con của chúng tôi sao? Người cha hỏi vị bác sĩ gia đình. Bác sĩ nói:
- Tôi tin rằng tôi có thể giải-phẫu ghép vành tai cho cháu nhưng phải có người hiến tai cho cậu ấy.

Họ tìm đủ khắp mọi nơi, đưa đủ mọi tin nhắn, nhưng không một ai chịu hiến tặng hay bán vành tai vào thời điểm đó, riêng cậu trong lòng khấp khỏi hy vọng. Hai năm trôi qua mà không có kết quả gì tốt đẹp. Cha cậu bèn gọi cậu ra khỏi phòng ngoài rồi bảo:
- Con chuẩn bị đến bệnh viện để giải-phẫu. Bố mẹ đã tìm được người hiến tặng tai cho con rồi. Nhưng người ta buộc mình phải giữ bí mật.

Sau ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, cậu mừng rỡ nhìn mình trong gương rồi ôm chầm lấy ba mẹ và mừng vui, hạnh phúc. Cuộc sống mới của cậu đã chính thức bắt đầu. Mọi người đồng ý cho cậu tham-gia ban nhạc của thành phố rồi ít lâu sau, cậu lên được vị trí của nhạc trưởng. Niềm vui mà cậu bị cướp mất từ lúc sinh ra bỗng dưng xuất hiện, cậu muốn tìm đến người đã hiến tặng cậu đôi tai, để cảm ơn, báo đáp nhưng ba mẹ cậu không biết người đó là ai, cả đến bác sĩ cũng không biết.
- Con cần biết Con cần biết ai đã cho con quá nhiều như thế? Nếu không con sẽ không thể đền đáp đủ công ơn của người ấy.
- Cha không nghĩ con có thể đền đáp được công ơn của người ấy đâu...Nhưng chưa biết được đâu con ạ.

Bước tiến mạnh trong sự nghiệp của cậu được mọi người công nhận. Tài năng của cậu không bị lãng quên như khi trước. Rồi cậu cũng lấy vợ sinh con. Có điều may, là: con trai của cậu không bị khuyết vành tai như cậu. Nếu nó giống cậu trước đây thì cậu không biết phải làm sao nữa? Liệu có một người giống như thế xuất hiện lại ban tặng món quà quý đó cho con cậu không? Nhiều năm trôi qua, bí mật sau kín đó vẫn không hé mở.

Có điều thay đổi làm cậu buồn phiền một chút, đó là mẹ của cậu. Dường như bà ít khi nghe cậu chơi nhạc như trước, mỗi khi cậu vui vẻ mời bà nghe cậu chơi đàn thì dường như bà ít quan-tâm đến tiếng đàn của cậu! Cậu nói chuyện gì với mẹ thì cũng phải nhắc đi nhắc lại hai ba lần bà mới chú ý. Có một nhà báo hỏi cậu về năng khiếu âm nhạc của cậu được thừa hưởng từ ai, thì cậu không dám nói là từ mẹ dù trước kia, bà là người chỉ cho cậu những nốt nhạc đầu đời.

Rồi cái ngày cậu mong mỏi cũng đến, bí mật về người đã hiến tặng cậu đôi tai cuối cùng sẽ xuất đầu lộ diện. Buổi chiều hôm ấy, cậu cảm thấy nỗi buồn mất mát lớn nhất trong đời mình, khi cậu đứng cạnh người cha bên chiếc quan tài mẹ cậu. Cậu thấy ông nhẹ nhàng đưa tay từ từ khẽ nâng mái tóc nâu đỏ của mẹ cậu lên: Bà đã không có tai gì hết.
- Mẹ con nói rằng bà rất vui nếu để tóc dài. Mẹ con để tóc như vậy rất đẹp đúng không?  Người cha thì thầm:  
-Mẹ biết con sẽ không bao giờ chấp nhận để bác sĩ giải-phẫu khi người hiến tặng đôi tai cho con lại là bà.

Cậu lặng nhìn gương mặt người mẹ đáng yêu của mình cho thật kỹ để khắc ghi vào tâm khảm hình ảnh của tình thương-yêu, khó kiếm được. Cha cậu nói đúng, nét đẹp thật sự của con người không nằm ở bề ngoài nhưng ngay trong trái tim họ. Điều đáng giá đích-thực không ở những gì ta có thể nhìn thấy mà là những điều vô hình. Tình yêu thật sự không nằm ở những gì được thể hiện mà ta đươc biết, nhưng ở những điều làm được mà không ai biết. Món quà mẹ tặng cho cậu có lẽ chỉ có tình yêu thương mới tạo được. Cậu đã viết riêng một bản nhạc dành cho mẹ để mỗi ngày lại đến đàn trước bài-vị của bà trên bàn thờ...”

Truyện kể hơi dài, nhưng vẫn thế. Không thêm thắt, lý-sự dông dài. Và, người kể hôm nay vẫn muốn có lời bàn bảo rằng: cũng như thế, rất nhiều điều tốt đẹp trong đời người là do mẹ hiền hiến tặng cho con. Mẹ ban cho con của mẹ không chỉ sự sống, nét đẹp riêng của mẹ thôi, nhưng cả đến niềm-tin vô bờ bến đến từ Trên. Niềm tin ấy, sẽ làm cho con của mẹ nhớ mãi rằng: mọi cái hay/đẹp của gia-đình đều đến từ Trên cho mẹ cho con, và mọi người. Là con cái trong gia-đình, mỗi khi con trân trọng tình thương của mẹ, là con công-nhận mình có được niềm-tin như một thừa-kế từ cả người cha lẫn mẹ vẫn ưu-ái tặng không cho con.  
Nghe kể thế rồi, tưởng cũng nên về lại với lời vang đấng thánh-hiền thường vẫn bảo:

“Mỗi người được Thiên Chúa
ban cho đặc sủng riêng,
kẻ thế này,
người thế khác...”
(1Cor 7: 7)

Và sau đó, ở tình huống khác, câu chuyện cũng khác, nhưng thánh Phaolô lại cũng bảo:

“Ngoài ra,
như Chúa đã định cho mỗi người làm sao,
như Thiên Chúa đã kêu gọi mỗi người thế nào,
thì cứ sống như vậy:
đó là điều tôi truyền dạy
trong mỗi Hội Thánh.”
(1 Cor 7: 17)

Sống có niềm tin như đấng thánh-hiền từng bảo ban, thiết tưởng ta cứ hiên ngang vùng đứng mà hát những lời thơ mà người nghệ sĩ, còn muốn hát:

“Niềm vui như mây trời còn trôi, trôi miệt mài trên giòng sông trắng

Trên hai vai tuổi xuân đã vang

Còn đâu niềm vui, trên nụ cười ru người đã tắt

Xin một lần diễm huyền mái tóc, đi vào đời cho ấm đôi môi

Buồn rơi trong đêm dài lẻ loi, buồn rơi trên tâm hồn lẻ loi

Buồn rơi trên tâm hồn lẻ loi, trên tay người lẻ loi, trên tâm hồn lẻ loi.”

(Từ Công Phụng – bđd)

 

Hát như người nghệ sĩ ở đời, như thế tức vẫn còn niềm vui sống, vẫn cứ hát. Còn hát là còn vui và rất vui. Dù, cuộc đời có gặp nhiều nỗi truân chuyên, trái khoáy hay gì gì đi nữa, vẫn cứ hát và cứ vui, với mọi người, trong đời.

 

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn muốn mình và bạn bè

Cứ vui mãi trong cuộc đời

Vẫn rất vui.

Monday 26 May 2014

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,”



Chuyện Phiếm đọc sau Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên Năm A 01-6-2014

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,”
“khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa.”

       (Trịnh-Lâm-Ngân - Xuân Này Con Không Về)

 

(Lc 24: 32)  

 

            Xuân về rồi, mà sao bạn và tôi cứ hát những gì mà buồn đến thế? Buồn rũ rượi, cả vào khi tôi và bạn không kịp lắng nghe câu hỏi của ai đó vừa đưa ra, nên nghệ-sĩ nhà ta lại cứ hát tiếp những chi-tiết, rất như sau:

“Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào.”
(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Hôm nay đây, mãi ở tận xứ sở này, chốn miền cùng tận mạn Nam bán cầu, lầu xầu nhiều suy nghĩ. Có những nghĩ suy về nhiều thứ trong đó có cả những thứ và những điều khiến tôi và bạn, ta cứ miên-man thả hồn theo giòng chảy của bạn hiền ở đâu đó, tuy chưa quen nhưng đã biết. Biết rằng: trên đời này còn có những người đã suy và đã nghĩ về những chuyện như sau:

“Họ mới bảo nhau:
"Dọc đường, khi Người nói chuyện
và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta,
lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?"
           
(Lc 24: 32)

Bừng cháy thế nào được, khi bạn bè gặp lúc xuân về, lại cứ nhắn với mẹ hiền rằng:

“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong
anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe phố phường.”
(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Trong đời thường, bạn và tôi hẳn cũng sẽ gặp những bạn hiền, sẽ không hát những câu buồn phiền “như cơm bữa” giống thế nữa. Mà, lại cứ tìm đến những lời người nhận-định khác vững tin như sau:

“Suy và niệm, có lẽ sẽ giúp ta đạt tình-trạng kết-hiệp với Chúa, cho tốt hơn. Tựa hồ như đọc các sánh vở lành mạnh có ghi lại những câu nói khiến mình niệm suy, cũng rất lợi. Lợi lộc, ít nhất ở chỗ: nó khiến tâm can ta bừng cháy lên với những tư-tưởng hạnh-đạo, rất phấn chấn.

Tại Tu viện không tường rào ở John Main, tôi đọc được cuốn sách nói về chuyện để mất đi tính vị-kỷ và thấy mình đang ở trong lòng bàn tay kết-hiệp với Chúa, để trở nên một với Chúa và nên một với tất cả mọi người anh em. Rồi cứ như thế, cũng sẽ mất đi cái cảm-giác chia cách những người anh em. Tuy nhiên, có người lại suy-nghĩ ngược-ngạo là: gần gũi với anh em nhiều quá, rồi dần dà sẽ xa rời Chúa, vì không còn thì giờ để nguyện-cầu, gần gũi Chúa hơn.

Làm sao Chúa có thể thương yêu tôi cách đặc biệt được trong khi Chúa có hàng tỷ người để Ngài thương xót? Là thành viên của gia đình đông con, hẳn ai cũng biết thật khó lòng thương yêu cách đặc biệt, chỉ một người. Và trong mọi trường-hợp, bao giờ cũng thế, thương yêu riêng biệt cá nhân nào thôi, cũng đã không phải rồi. Có người lại còn nói: Chúa chỉ có thể đếm tới số 1 chứ làm sao đếm được con số 7, 8 tỷ người? Và, câu trả lời, phải thế này: khi ta có cảm giác là Chúa yêu mình, là ta kết-hiệp mật thiết với Chúa và với mọi người. Có như thế, ta mới hiểu thế nào là tình Chúa yêu thương chúng ta qua và trong tất cả mọi người, bởi ta chỉ là một tế-bào bé nhỏ trong thân mình lớn lao của Chúa. Ngài thương yêu tất cả chúng ta, còn vì ta thuộc vào mọi cơ-phận trong thân mình Ngài hệt như ta yêu quí mọi phần trong thân xác của ta chứ không chỉ từng bộ phận một, mà thôi” (xem Susie Hii, Burning Desire, The Majellan số tháng Tư-Sáu 2014, tr. 24-26).     

             Lời xác-chứng của tác-giả ở trên có khi càng làm ta thêm xác-tín về tình thương-yêu ta cần có với người anh em, chị em của ta; dù đôi khi mình chẳng bao giờ thấy được người ấy. Xem như thế, thì bí-kíp và ý-nghĩa của tình thương yêu người cận thân và cận lân, đều như thế.  
            Đó là, lý-chứng của tình thương yêu người đồng-loại ở nhà Đạo. Ở đời thường, cũng có những lý-chứng giống hệt thế, nhưng được diễn-tả một cách thơ mộng, như lời ca ở nhạc bản ta thường vẫn nghe vào độ xuân về:

“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm.
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai...”
(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Mẹ chờ em trông”, và “bạn bè thương mong”, lại là tâm-tư người nghệ sĩ vẫn thường hát. Tâm-tư ấy, tình thương này, còn dàn trải cả nhiều nơi, nhiều chốn, rất chân phương, thời thượng mà người viết còn diễn ta-tả thêm là:

“Vấn-đề là làm sao ta kết-hiệp được với Thiên-Chúa? Hay nhất, vẫn là qua suy-tư và chiêm-ngắm, tức con đường dễ đi và cũng rất quen trong nhiều loại đường dẫn ta đi về nhiều hướng để đến với Chúa, như con người ở địa-cầu này từng khá-phá. Đường và lối thân quen nhất, được tác-giả John Main giới thiệu và đề-nghị vẫn là để ra chừng 20 hoặc 30 phút mỗi ngày hai lần như thế và sử-dụng các câu kinh, lời ngắm như để ta không bị lo ra chia-trí với những thực-tế của đời thường, rất cuốn hút.

Kết-hiệp với Chúa có thể thực-hiện ngang qua việc kiểm-soát hơi thở trong lúc ta tâm-niệm và nguyện cầu. Hít thở, là cung-cách mà cơ-thể của ta thường bị ý-chí của ta kiểm-soát chặt chẽ, dù ta có muốn thế hay không. Ta quan sát hơi thở qua từng cái hít vào và thở ra như thể ngắm nhìn giòng chảy ở sông ngòi vẫn thường thế.

Kết-hiệp với Chúa như thế rồi, ta còn khuyến-khích người khác tham gia cùng với ta làm cuộc hành hương vào tận tâm can của mỗi người và mọi người. Đó là khoảng cách xa xôi nhất ta có thể làm được. Xa xôi, còn hơn cả khoảng cách từ đầu chạy về tim, là khoảng cách dài nhất trong cuộc đời mà ít người nghĩ tới. Bởi, khi nghĩ chỉ là động tác suy-tư có ở trong đầu chứ chưa đến điểm tới ở tâm can tuy rất gần về không gian nhưng lại xa về thời gian, nên cứ xa mù tắp. Xa hơn nữa, còn là đi từ cái “tôi” của mỗi người mà mọi người đều đeo bám để sống sót và sống còn, để rồi mới trải dàn ra bên ngoài không giới-hạn, tức sự tự-do của Thần Khí. Cái khoảng cách rất ghê gớm từ nỗi hãi sợ và sở hữu để đi tới bình-an, yêu thương và vui vẻ. Chính đó, là ý-nghĩa thâm-căn của vấn-đề “bừng cháy trong tâm can”, với mọi người, trong kết-hiệp” (xem Susie Hii, Burning Desire, The Majellan Family, số tháng Tư-Sáu 2014, tr. 24-26).

Xem thế thì, suy-tư nguyện cầu kết hiệp với Chúa, và với người khác, là sự việc rất cần-thiết cho mọi người, ở đời vào lúc này. Chí ít, là thời buổi có quá nhiều thứ hấp-dẫn hơn những việc buồn-chán như thế, sau cách mạng truyền-hình và vi-tính, rất hiện-đại.
Suy-tư nguyện cầu có kết-hiệp, cũng tựa như nhu-cầu đọc sách và/hoặc nghiên-cứu những thứ khô khan/nhàm chán, như thần học.
Còn nhớ về câu chuyện-trò ngắn-ngủi được trao-đổi giữa Đức Phanxicô và chủng-sinh nọ thuộc Dòng Tên ở Rôma, khi Đức Giáo Hoàng hỏi ông thày dòng trẻ này đang tập-trung vào việc gì hơn cả, thì thày trẻ trả lời: là mình đang học thần-học căn bản, Đức Phanixô liền cười đùa và bảo rằng: “Tôi nghĩ trên đời này không có thứ gì còn nhàm và chán hơn cái môn khô khan này!” (x.Matthew Boudway, phỏng vấn Đức Hồng Y Walter Kasper hôm 7/5/2014 ở Rôma).
Đức Giáo Hoàng nói bông đùa cho vui thì nói thế, chứ vị đại diện cho ngài đã trả lời câu hỏi của cùng một phóng viên về nền thần-học thực-hành/thực-tiễn, lại vẫn bảo:

“Tôi không thấy có sự mâu-thuẫn nào giữa nền thần học tín-lý –là thứ tôi đã từng học biết- và thần học mục-vụ hết. Thần-học mà lại không có tầm-kích mục-vụ sẽ trở thành thần-học trừu-tượng. Thời của tôi, đó là điều quan-trọng rất cần-thiết mỗi khi tôi đi thăm các giáo-xứ, nhà thương hoặc các nơi như thế. Và khi tôi phụ-trách việc bang giao-giữa Công giáo và Thế Giới Thứ Ba, tôi có đi thăm rất nhiều khu ổ chuột ở Châu Phi, Châu Mỹ La-tinh và châu Á và đối với tôi, các kinh-nghiệm ấy đều rất cần, là bởi Lời của Chúa không phải chỉ là tín-lý/tín-điều. Nhưng, còn là lời ngỏ với chúng dân. Công-việc thừa-sai/mục-vụ mà không có căn bản tín-lý vững-chắc thì không thể nào xảy ra. Bởi, thần-học ấy sẽ chuyên-quyền/độc-đoán, và chỉ là cung-cách hành-xử của người có bản-chất tốt lành, thôi. Thế nên, nền thần-học tín-lý và thần học mục-vụ lại tương-tác với nhau. Cả hai đều cần đến nhau và giúp nhau” (xem Matthew Boudway, bđd).    

Nói khác đi, suy-tư nguyện cầu, bao giờ cũng cần có cơ-sở để kết-hiệp/hiệp-thông trong thương-yêu. Kết hiệp mà không yêu-thương chỉ là kết-hiệp giả hiệu. Cũng thế, suy-tư mà không có căn-bản, cũng chẳng là việc nguyện-cầu, kết-hiệp với ai hết. Chí ít, là với Chúa, với ta với cả bạn bè thân-quen trong Nước Trời là Hội-thánh.
Để minh-hoạ việc này, không gì bằng ta cứ trở lại với Lời Vàng, làm bằng chứng, như trình-thuật ở Tin Mừng thánh Luca, từng nói đến:

“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy,
quay trở lại Giê-ru-sa-lem,
gặp Nhóm Mười Một
và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.
Những người này bảo hai ông:
"Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn."
Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường
và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.”
(Lc 24: 32-34)

Kết hiệp, là như thế. Suy-tư là như vậy. Như thế, tức là cốt lõi của Đạo Chúa nằm nơi sự thể người người đều suy-tư nguyện-cầu, có kết hiệp. Suy-tư nguyện cầu cùng với nhau, tức: có Chúa ở cùng. Và cũng là sinh-hoạt hành-xử để thực-hiện điều Chúa truyền-dạy cho mỗi dân con đồ-đệ khi Ngài về cùng Cha, để rồi lại sẽ gửi Thần Khí Chúa đến với dân con mọi người mà kết-hiệp hài-hoà rất suy-tư và nguyện cầu.
Kết-hiệp với nhau, trong nguyện cầu, là kết và hiệp trong vui tươi hoà hoãn suốt mọi thời, như truyện kể để minh-hoạ, minh-chứng và xác-thực điều cần-thiết rất như sau:

Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai 6 tuổi ra ngoài, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen. Thằng bé 6 tuổi chưa bao giờ gặp qua người da đen, trong lòng rất là sợ hãi, bèn hỏi mẹ:
-Người này có phải là người xấu không mẹ? Tại sao người đen thui vậy?”
Tài xế người da đen nghe thấy trong lòng rất lấy làm khó chịu.
Lúc này, người phụ nữ liền nói với con trai:
-Chú tài xế này không phải người xấu, ông ta là một người tốt con à!
Con trai nhíu mày trầm tư một hồi lại hỏi tiếp:
-Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy chú có phải đã làm điều gì xấu xa, cho nên Thượng Đế mới trừng phạt chú?
Người da đen ấy nghe xong, mắt ngấn lệ, ông ta rất muốn biết người phụ nữ da
trắng ấy sẽ trả lời thế nào.
Người mẹ nói:
-Ông ta là một người rất là tốt, cũng không làm điều gì xấu xa. Vườn hoa của
chúng ta có màu hồng, màu trắng, màu vàng … có phải không?
-Vâng! Đúng ạ!
-Vậy hạt của hoa có phải đều là màu đen không?
Đứa bé nghĩ ngợi một lúc:
-Đúng thế mẹ ạ! Toàn là màu đen hết.
-Hạt giống màu đen cho nở ra những đóa hoa đầy màu sắc và thơm ngát, tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, đúng thế không?
-Vâng!
Con trai đột nhiên ngộ ra và nói:
-Vậy là chú tài xế ấy không phải là người xấu rồi ! Cám ơn chú tài xế, chú đã tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, con muốn cầu nguyện cho chú ấy.
Đứa bé thơ ngây đang ngồi cầu nguyện, người tài xế da đen giờ nước mắt đã lăn dài trên má, lòng nghĩ:
-Vì những người da đen bị xem thường không ngoi đầu lên nỗi, hôm nay, người phụ nữ da trắng này đã dùng lời lẽ ôn hòa dạy con trai mình, hóa giải nỗi ám ảnh về mình trong lòng con, đã vì mình cầu nguyện và chúc phúc, thật sự phải cảm ơn bà ta rất nhiều!
Lúc này, xe đã đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông ta nói:
-Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ cũng cùng một câu hỏi ấy, mẹ nói vì chúng tôi là
người da đen, phải chịu thua kém. Nếu khi xưa mẹ tôi đổi thành câu trả lời của
bà, hôm nay tôi nhất định sẽ có một thành-tựu khác. (trích truyện kể ê hề ở trên mạng)

            Da trắng hay da đen. Có cầu-nguyện hay không nguyện cầu, cho nhau. Vẫn là chuyện thường ngày xảy ra ở huyện dân đen, ngoài phố chợ. Huống chi là ở nhà Đạo chốn phố-phường sầm-uất rất bận rộn.
            Cầu-nguyện ê-a tà tà đầy kinh kệ, hoặc nguyện-cầu chốn im ắng đầy kết hiệp, lại là hành-xử riêng-tư của mỗi người, và mọi người. Cũng như thế, lân-la kết-hiệp với thi-ca/âm nhạc cũng là con đường tắt để ta kết-hiệp với Chúa và với người phàm, vẫn là động-thái tư riêng như tôi như bạn, vẫn cứ bảo. Quyết thế rồi, xin bạn và tôi, ta cứ thế mà cùng người nghệ sĩ, lên tiếng hát nốt ý/lời của câu kết, rằng:

“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm.
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai...”
(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Hát thế rồi, ta cứ thế hiên ngang đi vào nguyện-cầu, cùng Chúa, với anh em.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn nhắn mình
và nhắn người
rất như thế.