Sunday 28 June 2009

“Trầm trầm êm êm thánh thót”

Nhịp nhàng khoan thai thắm thiết Nhạc lòng đưa câu luyến tiếc Người ơi còn nhớ?..

(Văn Phụng – Tiếng Dương Cầm)

(Rm 10: 15-16)

Với nghệ sĩ hôm xưa, câu hỏi đời thường vẫn đặt, có là: anh nhớ chăng anh, người nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng xứ Ba Lan? Chopin, là tên người. Với nhà Đạo hôm nay, câu hỏi thường đời vẫn hỏi có lẽ là: anh nhớ chăng anh, bổn phận Chúa nhắc nhở, còn là: hãy học hỏi về niềm tin? Tin, là yêu Chúa, đó môn học.

Thú thật với bạn và với tôi, những người đang đọc và viết những giòng này, thì bình thường, người đời thích đọc hơn thích học. Chí ít, là đọc những truyện cười rất vắn. Chẳng chết ai. Như câu truyện văn vắn ở bên dưới:

“Vào lúc cơm lành canh ngọt, hai vợ chồng ngồi nói chuyện đời, với nhau. Chồng hỏi:

-Khi anh nổi giận, la mắng dữ dội, mà sao chẳng bao giờ thấy em có phản ứng gì hết? Em có bí kíp kềm chế cơn nóng giận, hay thế ư?

-Có gì đâu anh. Em chỉ làm mỗi việc, chùi rửa kỳ cọ là xong ngay, hết giận!

-Ngộ nhỉ! Làm mỗi việc chùi rửa kỳ cọ thôi cũng nén cơn tức giận được cơ à?

-Đúng thế. Em cọ rửa bằng bàn chải đánh răng của anh, có vậy thôi!...

Thật chẳng biết, quyết hạ cơn giận bằng những việc làm như thế, có là bí kíp ở đời thường không. Nhất thứ, là bí kíp của thứ tha. Bỏ dồn nén. Bớt tức giận. Hoặc, học hỏi nơi người đồng Đạo, phương cách áp dụng những gì được khuyên dạy, để còn tin?

Thông thường, nhiều người cứ tưởng: muốn trau dồi niềm tin yêu trong Đạo, chỉ cần dõi theo lời răn dạy của các đấng vị vọng, ở nơi cao. Cao ngất, tựa lời dạy ngày thứ Tư ở quảng trường thánh Phêrô, Rôma. Chứ đâu hiểu rằng hiện giờ, tại các trường trung/tiểu học công lập, ở phương Tây, cũng vẫn thấy các buổi dạy về niềm tin, cho con trẻ.

Đó mới chỉ là một trong nhiều phương cách, rất dễ làm. Trang trọng. Nghiêm chỉnh. Không thua chuyện nguyện cầu, ở tại nhà. Tham dự nghi lễ. Hoặc, ngồi lại mà nói chuyện với con cái, cả vào lúc các cháu còn nằm nôi. Dỗ dạy bằng ảnh hình, ở trong nhà. Bằng, gương sáng ba/mẹ sống, vẫn đối xử với nhau, hiền hoà. Khiêm hạ. Tóm lại, kiểu nào cũng để thuận theo lời dạy, của các thánh.

Như thánh Phaolô từng có lời khuyên, như sau:

“Phàm ai tin vào Người, sẽ không phải hổ thẹn…

Làm sao tin Đấng mà ta không hề nghe biết?

Làm sao nghe biết, nếu không có người giảng rao?

Làm sao rao giảng, nếu không có người được sai đi?..”

(Rm 10: 11-16)

Cũng thế. Tựa như câu hát ở đầu đề, làm sao trả lời câu hỏi “người ơi còn nhớ?” nếu ta không nghe và hát tiếp:

“Chopin ngày xưa vì ai dệt nên câu nhạc lâm ly

cho đời, say trong tiếng tơ,

cho tình, dâng muôn ý thơ…” (Văn Phụng – bđd)

Chopin ngày xưa, hay câu nhạc hôm nay, có ai hay biết mà nhớ được. Nếu không có người chỉ bảo, dỗ dạy. Chí ít, là ở trường lớp, có thơ và nhạc. Hệt như thế, niềm tin hôm nay, cũng nên điều nghiên, dỗ dạy, cả ở tại nhà hay ngay trường lớp. Không nhất thiết phải ở nhà thờ. Bởi, nhà thờ bây giờ, nào có còn nhiều đám “trẻ người non dạ” ham thích mà lui tới!

Xưa kia, tại trường lớp các em đến, còn được học đôi bài sách bổn, giáo lý, sách phần. Nay, một chữ cũng không. Nay không biết ở trường/nhà Việt Nam, quê hương mình, có còn thế nữa không? Thành thử, cũng nên đặt vấn đề, để tìm hiểu.

Tìm và hiểu, để rồi cùng tiếng dương cầm người nghệ sĩ nổi danh xưa, ta thơ thới:

“Tiếng dương cầm còn vang thiết tha

riêng mình ta đây với ta

chìm đắm trong một giấc mơ…” (Văn Phụng – bđd)

Tiếng thơ xưa. Giấc mơ nay. Phải chăng tất cả đều là bận tâm của nhà trường?

Một số trường ở nước ngoài, khi xưa vẫn có thói quen cho trẻ nhỏ đọc hoặc hát kinh, trước buổi học. Đọc/hát kinh, không có nghĩa chỉ ê a ba câu kinh kệ, do các vị thừa sai khi xưa để lại, bằng thuật ngữ ít người hiểu. Mà là, đọc các ý/đoạn Tin Mừng, qua đó thày/cô vẫn thêm thắt bằng lời giải thích về bí tích. Với lẽ Đạo. Bằng câu hỏi/giải đáp, rất đời thường. Tựu trung, cốt để các em vẫn cứ êm ả mà gói mình trong tình thương yêu của Đạo Chúa.

Ngoài trường lớp, các em cũng có thể học hỏi chung cùng với cha/mẹ bằng cách theo chân các ngài bước vào chốn vắng, rất nguyện cầu. Ở nơi đó, không chỉ có đọc kinh, linh tinh chuyện nghi lễ, tế tự. Mà, bằng lời ca tiếng nhạc. Bằng cả vào thời khắc ba/mẹ gặp gỡ cộng đoàn chuyên chăm, sau nghi thức. Những nói cười. Chào hỏi.

Bằng vào những thứ ấy, để rồi các em quen dần với tập quán tiếp cận môi trường lành thánh, những tin yêu. Để rồi, từ đó, các em sẽ dần quen với đường lối giải thích mang tính chuyên môn, có chủ đề. Đẹp hơn nữa, là khi bạn trẻ, dù mới lớn, nhưng đã có đôi chút kinh nghiệm chuyện trò không theo hình thức khô cứng. Bắt buộc. Nhưng, dám nói chuyện với người lớn. Không chỉ là chuyện “chó cắn xe/xe cán chó”, ở bên đường. Ngỗ nghịch. Trẻ con. Nhưng quan trọng hơn, vẫn là: biết nghe. Nghe, cả những chuyện tưởng rằng rất khô, và rất khó.

Nói chuyện bàn thảo/thắc mắc, còn là phương cách học hỏi rất hữu hiệu. Kết quả. Hữu hiệu ở chỗ, các em nay biết mình thuộc cùng cộng đoàn niềm tin. Chung nơi ở. Ở nơi, có người để mình tỏ bày niềm tâm sự. Và hiểu biết về niềm tin, qua Kinh Sách. Bởi, qua chuyện trò nhè nhẹ, các bạn có thêm nhiều viễn ảnh. Thêm sâu sắc về nhiều điều. Những điều thiết yếu. Tốt đẹp. Rồi từ đó, các bạn sẽ dàn trải mọi tương quan hiểu biết và tin-yêu với bạn bè cùng nhóm. Cùng sở. Suốt cuộc đời.

Kịp khi nên người trưởng thành, các bạn sẽ còn học nhiều hơn. Bằng sách vở. Suy tư. Nghiềm ngẫm. Làm thế, dân con Đạo Chúa sẽ thẩm định được mọi vấn đề trong đời. Chín chắn. Chững chạc. Dù rằng vấn đế ấy, quan niệm nọ, có được biện bạch/tranh luận ở đâu đó. Dù ở trường ốc/cơ sở, hoặc báo/đài. Có làm thế, các bạn mới bị đánh động. Quan tâm nhiều đến tư tưởng/bài vở của các bậc vị vọng, ở trên cao. Cao, như tầm cỡ Giám Mục, Hồng Y, Đức Cha rất thánh, là Giáo Hoàng.

Học về niềm tin, không chỉ học bằng mắt. Bằng tai. Nhưng, bằng kinh nghiệm sống. Các vị cao tuổi, hẳn còn nhớ những buổi giảng. Hoặc, tuần Đại Phước. Hành hương. Tĩnh tâm. Những kinh nghiệm hiếm quý ấy, ít khi gặp. Nhất nhất đều bổ ích. Bổ, cho người học. Có ích, cho cả các vị giảng. Nhiều vị còn bày cho nhau kinh nghiệm từng trải về những bách hại ở đâu đó. Trực tiếp hay gián tiếp. Các ngài sống sót được, là nhờ cùng nhau hỗ trợ. Và kinh qua mọi nguy nan hiểm nghèo bằng việc sẻ san kinh nghiệm. Nguyện cầu. Hiệp thông.

Trả lời câu hỏi ở trên:“người ơi còn nhớ?”, chắc bạn và tôi, ta rồi cũng có kinh nghiệm để hồi đáp. Kinh nghiệm, như chuyện hành hương/hành trình đi Jerash, Nêbô, Madaba về đất miền những đá và sỏi xứ Gio-đan. Kinh nghiệm, bầu bạn có lần cho biết: nhìn những gạch vụn nát đổ, ta nhớ nhiều về các giai thoại được kể, ở Cựu Ước. Với bạn, với anh thì hành hương miền sỏi đá còn là kinh nghiệm học hỏi về niềm tin, rất giá trị.

Nghe đến đây, chắc bạn và tôi, ta sẽ cho rằng kinh nghiệm của bạn bè ở ngoài nước, không chỉ đáng giá hoặc quý giá, thôi. Nhưng, còn đắt giá, nữa. Bởi, chúng tôi đây, cơm cháo gạo tiền còn chẳng đủ, nói gì hành hương, với hương hành, một nhập thế? Thế nhưng, giả như người vừa hồi đáp lại là đạo hữu tin vào Đấng Allah quyền thế, vẫn cứ được yêu cầu: ới hỡi bạn mình, hãy nên tìm đến Mecca, một lần trong đời, để tỏ bày niềm tin, nơi đấng thánh. Thế còn người mình, thì sao?. Thế thì, mình nghĩ sao?

Nói cho cùng, nghĩ sao thì cứ nghĩ, hãy như nghệ sĩ năm xưa, ưa đàn hát:

“Nhớ đêm nào tình xuân ngất ngây

mưa phùn rơi rơi ướt vai

đi mãi tìm ai yêu đàn…” (Văn Phụng – bđd)

Có lẽ, nghệ sĩ Văn Phụng dám để “mưa phùn rơi rơi ướt vai”, rồi cứ đi mãi “tìm ai yêu đàn.” Rất trữ tình. Lãng mạn. Ngất ngây. Thế, nhưng tác giả “Tiếng Dương Cầm có biết rằng: nhiều lần, bọn tôi là những người tin yêu Đức Chúa, Đấng từng đặt chiên con lên vai, chỉ để đi tìm chỉ một chiên nhỏ lạc đàn, thì mưa phùn có “rơi rơi ướt vai”, nào sá gì. Đức Chúa còn chấp nhận chịu đòn, rồi chết nhục, chỉ vì bọn này, rày vẫn cứng tin?

Thành thử, cứng tin hay mềm tin, có lẽ đã đến lúc, tôi cũng như bạn, ta suy tư về phương cách: không chỉ học về niềm tin, cho riêng mình. Mà còn, tìm cách chuyển đạt niềm tin ấy, cho mọi người. Chuyển, không chỉ bằng phương pháp dạy dỗ, giáo dục. Hoặc, giảng giải. Cho ai. Chuyển, là đạt đến, bằng cách chứng tỏ và nói lên niềm tin ấy, cho nhiều người. Và, mọi người.

Chứng tỏ bằng cách nào, đó là vấn đề. Vấn đề là, bạn và tôi, ta có thể theo phương sách của các thánh, ở trên. Hoặc theo phương pháp tư riêng. Ít thấy. Nhưng dễ làm. Ở đây nữa, tôi và bạn, chắc rằng mình cũng đừng dài giòng kể lể, về chuyện mình. Tốt hơn, hãy kể bằng cuộc sống. Nói, bằng lập trường. Bằng, gương sáng cuộc đời. Nụ cười thân thương. Hiếm quý. Ta gửi đến với muôn người. Mọi người. Bởi, những người có niềm tin vào Đấng dạy ta tin, mới có được hạnh phúc. Có hạnh phúc, rồi sẽ biết cười.

Vậy thì, hỡi bạn và tôi, ta hãy cười. Cười, là đã tin. Tin rồi, vẫn cứ cười. Cười như nhiều người. Cười như mọi người. Với mọi người. Cười, để chứng tỏ: mình đang tin và rất yêu. Cười, như người người ở truyện kể ngay bên dưới:

“Ngày đầu học Cao Đẳng, vị phụ giảng tự giới thiệu mình trước nhất, rồi sau đó yêu cầu học viên tìm đến với nhau mà chào hỏi. Chí ít, là những bạn bè, mình chưa quen. Tôi sắp đứng dậy, thì chợt thấy có bàn tay của ai đó đặt nhẹ lên vai. Quay lại, bèn thấy cụ bà khá cao niên, gửi đến cho tôi nụ cười rất tự hào, rồi vội nói:

-Chào bạn trẻ đẹp trai, cao ráo. Tên goa là Hồng. Năm nay, goa mới có 87 cái xuân nồng. Có thể nào bạn cho goa áp má hôn hoà bình, được hông?

-Dạ được. Sao tuổi này, mà bác còn đến lớp để làm gì?

-Để tìm chồng. Chỉ muốn tìm người nào giàu, tốt mã một chút sinh con đẻ cháu cho vui cửa vui nhà, một chút có được không?

-Thật thế không, thưa đồng môn?

-Nói chơi vậy thôi chứ, chả giấu gì bạn, đã từ lâu, goa chỉ ao ước đến trường để học, dù chỉ một lần trong đời. Nay được phép, là mãn nguyện!

Thế là, sau đó, hôm nào tôi cũng tháp tùng cụ đi dọc hành lang khu học vụ, nói chuyện với cụ, không biết mệt. Tôi học hỏi nơi cụ, rất nhiều điều. Đặc biệt là cụ ăn vận rất lịch lãm. Sang trọng. Chẳng mấy chốc, đến cuối học kỳ, bạn bè liền ngỏ ý mời cụ phát biểu cảm tưởng về đường lối giáo dục của trường, tổ chức nơi sân vận động. Cụ nhận lời ngay. Cụ sửa soạn thật kỹ, chăm chút ghi vào 5 tấm bìa tóm lược, vì quá hồi hộp phải nói trước đám đông. Nhưng có 5 tấm bìa, cụ lại để rơi mất 3. Cuối cùng, cụ cũng lên khán đài, cầm chặt máy vi âm, phát biểu:

-Trước hết tôi xin lỗi mọi người. Vì hồi hộp, nên tôi bỏ đâu mất mấy tấm bìa ghi chú, nay có thế nào xin nói như thế.

Mọi người cười ồ, nhưng cụ bà cứ tiếp tục:

-Ta ngừng chơi bóng không phải vì tuổi ta xế bóng, về già. Nhưng, ta già là vì ngưng chơi bóng. Trong đời, có 4 điều giúp ta trẻ mãi: +hãy lo mà tận hưởng giây phút hiện tại, +quẳng gánh lo đi, rồi sẽ thành công. +Mỗi ngày trong đời, hãy cố mà cười và nhìn mọi chuyện trong chiều hướng tươi vui. +Phải biết mộng và mơ. Vì một khi đã hết mơ và hết mộng, ta chỉ còn nước chờ chết.

Trên đời, hiện có quá nhiều người đang sống nhưng dường như đã chết. Nhưng, không họ biết mình đã chết từ lâu.

Trong đời, có 2 chuyện khác nhau một trời một vực, là: chóng già và chóng lớn. Nếu bạn mới có 19 cái xuân xanh, mà suốt ngày chỉ biết nằm dài, chẳng làm nên tích sự gì. Thì bạn cũng sẽ bước qua tuổi 20, thật mau chóng. Như tôi đây, nay đã 87, chỉ cần nằm dài một năm thôi, cũng sẽ bước qua tuổi 88, rất dễ. Chóng già, là việc chẳng cần tài ba. Năng khiếu. Nhưng, muốn chóng lớn, phải biết nắm bắt cơ hội. Không nuối tiếc thời gian, hoặc bất cứ thứ gì. Ở tuổi già, ta không chỉ hối hận về những điều mình đã làm. Nhưng tiếc rằng, mình đã không làm được nhiều điều, cho đích đáng. Thế nên, trong đời, hãy tìm cơ hội để học và hỏi. Dù học chỉ rất ít.

Phát biểu của cụ bà tên Hồng cứ tiếp tục trong khí thế khích lệ người người nên học và nên hỏi. Đủ thứ điều..

Truyện kể trên, hao hao giống bài phát biểu vào lễ mãn khoá niên học. Nhưng điểm son trong truyện, là câu cuối. Lúc nào, ta cũng nên học. Học, mọi lúc. Hỏi, mọi tuổi. Chí ít, là những điều cần cho sự sống. Rất tâm linh.

Lời cuối hôm nay, bần đạo xin góp ý một điều, người xưa vẫn nói “học thày không tày học bạn”, quả rất đúng. Nhất thứ: chuyện học và hỏi ấy, là chuyện Đạo. Tức, những chuyện cốt thiết nhất cho mọi người. Ở nhà Đạo. Nhưng, học gì thì học, hãy như người nghệ sĩ vẫn cứ hát:

“Trầm trầm…êm êm…thánh thót..”

Nhịp nhàng khoan thai, thắm thiết..” (Văn Phụng – bđd)

Có như thế, chuyện mình học và hỏi, mới khắc sâu trong tâm khảm. Cả cuộc đời.

Trần Ngọc Muời Hai

Vẫn muốn học và học.

Học mãi

Suốt cuộc đời.

Sunday 21 June 2009

“Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng”

Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng (Nguyên Sa & Ngô Thuỵ Miên – Áo lụa Hà Đông)

(Kn 1: 28)

Vẫn biết rằng, màu áo anh yêu chỉ là “áo lụa vàng”. Áo lụa, mà bạn và tôi vẫn yêu, không chỉ là mầu áo, ấy vô cùng. Bởi, nếu chỉ yêu mầu áo ấy thôi, thì tôi và bạn, ta sẽ còn thấy nhiều điều quái gở khác, như lời thơ vớ vẩn của tác giả “Vanh dô” (tức Vô danh nào đó) vẫn cứ nhại:

“Nắng Sài gòn, anh đi mà chợt mát!

bởi vì em mặc áo mỏng làm sao!

Anh ngắm em, mà thấy ấm cả đầu,

Mắt của anh chỉ còn mỗi hai tròng…trắng.” (Thơ nhại của tác giả Ẩn danh)

Nay đã biết, tình yêu không chỉ tình tự đối với bề dày/sắc mầu, của quần áo. Nhưng, còn phải là tình thân thương, với bạn với cả kẻ thù. Nói kẻ thù, sao người người cứ hay nói về người vô thần/quỷ đỏ, làm hại ta. Sao không nghĩ, người đó chính là mình. Bản thân. Cái “tôi”, mình muốn đánh bóng?

Nói cho đúng, cũng chẳng là đánh bóng hoặc dầy mỏng, về cái tôi mà người nghệ sĩ hát:

“Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung,

bay vội vã vào trong hồn mở cửa…” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Hồn mở cửa, để đón nhận hạnh phúc do mình tạo ra. Hoặc, do người tạo cho mình. Hồn mở cửa, còn để cảm nhận rằng: hạnh phúc/sướng vui vẫn là mục tiêu cuối cùng của đời người. Mục tiêu ấy, vẫn ẩn chứa trong các sự việc vụn vặt trong đời người, mình tìm lấy. Nhất định là như thế. Chắc chắn, là như vậy. Nhưng với bé em còn ngây thơ/thơ ấu, không như thế. Mục tiêu hạnh phúc nhắm đến với bé em, có thể là như ý định của em bé, trong mẩu truyện hài ngắn ở bên dưới:

“Sau gần cả tiếng cùng mẹ ngồi im, nghe giảng lễ, bé Âu Minh Định, nhất quyết nói với mẹ:

-Mẹ ơi! Con quyết rồi, mẹ ạ.

-Con quyết cái gì mà xem ra quan trọng thế?

-Con quyết định là: mai này khi khôn lớn, con sẽ đi tu làm cha giảng, để cho sướng!

-Nghe được đó con. Nhưng, điều gì làm con có quyết định nhanh như thế?

-Dễ hiểu lắm mẹ. Nghĩa là, con cũng sẽ đi lễ thường xuyên ngày Chúa nhật, mẹ khỏi cần giục. Nhưng, làm cha giảng lễ vẫn sướng hơn. Tha hồ đứng ở bục cao trên đó mà la hét, nói thật to. Chẳng ai dám phản đối. Chứ, tuần nào cũng ngồi ở dưới này nghe giảng hoài mà chẳng được đưa ra ý kiến phản hồi gì, chán thấy mồ…

Đành rằng, với bé em hoặc với các em không còn bé, hạnh phúc có thể là như thế. Cũng có thể là khác thế. Khác, với những gì người lớn minh định. Tuy nhiên, không thể vì thế mà các người lớn như bạn và tôi, ta mang trong đầu những quan niệm hoặc ý định, như bàn dân thiên hạ, lâu rày từng thắc mắc:

“Nhiều lúc, tôi nghe biết có nhiều cặp vợ chồng chỉ muốn sướng một mình, chẳng muốn có con, chi cho mệt. Quyết định này làm tôi thấy rất khó chịu. Vì theo tôi, mục tiêu căn bản của hôn nhân, là chuyện sinh con đẻ cái, chứ! Đằng này, ai lại có quyết định trắng trợn như thế! Câu hỏi của tôi hôm nay là thế này: lấy vợ lấy chồng mà định bụng như thế có thành hiệu lực không? Nếu thế thì, đối với những người đã cao tuổi mới tính chuyện lập gia đình, thì sao? Chắc, những người ở tuổi lục thập hay thất thập, có lấy nhau thì cũng chỉ để cho có bạn, chứ sao mà sinh với đẻ gì nữa?

Hỏi, hay không hỏi. Trả lời hay không trả lời, vẫn là tỏ thái độ về chuyện “nên hay không nên” để cho con trẻ hiện hữu trong cuộc sống lứa đôi, hạnh phúc? Nói cách khác, hạnh phúc có còn là hạnh phúc không khi mình chẳng hề muốn có con trẻ ở với mình. Hoặc đi xa hơn, sự chọn lựa của các cặp phối ngẫu có lập trường như thế, có đi ngược lại lời của Chúa?

“Bọn độc ác sát hại trẻ thơ,

bày tiệc uống máu ăn thịt người,

(Kn 12: 5)

Hoặc:

“Thầy bảo thật anh em:

nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ,

thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

(Mt 18: 3)

Dầu gì đi nữa, bạn và tôi, ta hãy cứ nghe giải đáp của một đấng bậc:

“Kế hoạch của Thiên Chúa đối với hai người nam nữ khi lấy nhau là để sinh con đẻ cái nhằm tiếp tục giống giòng, cho nhân loại. Thoạt vào lúc, Thiên Chúa tạo dựng người đầu tiên trong nhân loại, Ngài đã phán:”Thiên Chúa chúc lành cho chúng, và Thiên Chúa phán bảo chúng: Hãy sinh sôi nảy nở và hãy nên dẫy đầy trên đất.” (Kn 1: 28).

Thiên Chúa chúc lành..” là Lời nói đầy ý nghĩa. Từ chương đầu của Kinh Sách cho đến hầu hết các chương đoạn trong Thánh Kinh, việc thụ thai và sinh con luôn được coi là việc được Chúa chúc lành. Thiên Chúa muốn dân con của Người sinh sôi nảy nở, nuôi con cho nhiều, không chỉ ở cuộc đời này, mà cả ở cõi miên trường.

Để đạt mục đích này, Thiên Chúa ban cho cả loài người, nam cũng như nữ, sức quyến rũ lẫn nhau, để cả hai người đưa nhau vào với tương quan kéo dài, suốt cuộc đời. Trong đời người, họ diễn tả tình yêu lẫn cho nhau, bằng những cử chỉ tự nhiên; đem cho nhau cuộc sống mới. Làm như thế, Thiên Chúa định ra kế hoạch cho hôn nhân và sinh sản, đem đến cho bản chất con người.

Phải chăng, nhận thức được kế hoạch này, mà nhà thơ kia, vẫn hát:

“Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết,

Trời chợt mưa, chợt nắng , chẳng gì đâu

Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau?

Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại…” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Không bảo gì nhau, phải chăng là: không muốn có con, sao anh/sao em chẳng thấy nói! …Để bây giờ… thôi được rồi, hãy nghe thêm lời minh định ở bên dưới:

“Công Đồng Chung Vatican II, cũng có nhắc: “Hôn nhân và tình yêu đôi lứa, tự bản chất, được kêu gọi để con người cùng dấn bước hợp tác vào việc đồng công kiến tạo loài người. Và, giáo dục con cái. Quả thật, con cái, chính là quà tặng tuyệt vời ta đóng góp vào niềm vui của cha mẹ.” (Hiến Chế “Vui Mừng Và Hy Vọng, #50)

Hôn nhân được kêu mời về với việc đồng công kiến tạo loài người, và giáo dục con cái. Để rồi, nếu cặp phối ngẫu nào, ngay từ đầu, không muốn có con, thì hôn nhân ấy kể như vô hiệu lực. Điều này, được ghi rõ trong giáo luật: Nếu như, bên nào hoặc cả hai phiá phối ngẫu, bằng vào hành động nhất quyết sẽ làm như thế, loại bỏ chính hôn nhân ra ngoài hoặc yếu tố nào thiết yêu hoặc tài sản nào cần thiết, thì phía ấy/bên ấy tự đem đến cho mình tính cách bất hiệu lực.” (Gl 1101 #2).

Thái độ mở lòng mình ra với sự sống, với ý định mong muốn có con do Chúa tặng ban, là yếu tố thiết yếu của hôn nhân. Thánh Âu-Tinh cũng từng nói: một trong ba việc, tức yêu tố thiết yếu của hôn nhân có thể kể ra đây, là: sự tốt lành phải có con cái.

Chính vì lý do này, vào lúc trước khi làm đám cưới, cả hai người phối ngẫu vẫn được Giáo hội gạn hỏi , và còn được hỏi một lần nữa, vào lúc trước khi trao đổi sự đồng ý, vào lễ cưới, rằng: “Anh chị có ý định chấp nhận có con cái yêu thương được Chúa phú ban và giáo dục chúng theo luật của Đức Kitô và Hội thánh không?” Khi ấy, cả hai người phải trả lời “có” cho câu hỏi này; bằng không, Hội thánh sẽ không thể cho phép hôn nhân ấy thành hiệu lực.

Việc đồng công kiến tạo loài người và giáo dục con cái là mục tiêu rất quan trọng của hôn nhân thể theo kế hoạch của Thiên Chúa. Không chỉ mục tiêu của hôn nhân như thế mới cần thiết. Tình yêu hỗ tương và sự hỗ trợ thân thương đôi bên, vẫn là chuyện quan trọng.

Đoạn trích từ Hiến Chế Công Đồng “Nỗi Hy Vọng và Vui Mừng” còn nói thêm: “Hôn nhân không chỉ mang tính cách đồng công tạo dựng con trẻ thôi; nhưng, bản chất của hôn nhân là điều không thể tách biệt hai người phối ngẫu nữa. Và, yêu cầu tốt lành có con cái còn để chứng tỏ điều cần thiết là có tình yêu giữa hai người. Tình yêu ấy phải triển nở và trở nên chín chắn nữa. Ở trường hợp hai người nhất quyết không muốn có con, thì hôn nhân vẫn mang tính cách tổng thể của sự thông hiệp sự sống. Chính điều này tạo nên giá trị và tính cách không thể tách rời của hôn nhân.” (“Hy Vọng Và Vui Mừng” #50)

Trường hợp vì lý do nào đó, hai người phối ngẫu mở lòng đón nhận chuyện có con, nhưng không có khả năng sinh đẻ, thì hôn nhân ấy vẫn có hiệu lực. Và, vẫn làm Chúa vui lòng. Đây là trường hợp đối với các người trẻ thấy rằng mình không làm cách nào sinh con và với những người cao tuổi mới lấy nhau. Thông thường, thì trường hợp sau gặp nhiều nơi các ông/bà goá vợ goá chồng nào đó muốn rằng thời gian cuối cuộc đời mình, có tương quan yêu thương và có trách nhiệm với người phối ngẫu mới. Hội thánh vẫn chúc lành cho hôn nhân của các vị và đón chào các vị ấy vào với cộng đoàn tình thương của Giáo hội.” (Lm John Flader, The Catholic Weekly 24/02/2008)

Thông cảm biết mấy khi ta thấy, người anh hoặc em trong yêu thương vẫn hát rằng:

“Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?

Giữ hộ anh, mầu áo lụa Hà Đông

Anh vẫn yêu mầu áo ấy vô cùng…” (Ngô Huỵ Miên – bđd)

Một lần nữa, mầu áo “vô cùng” ấy, anh và em đều thấy, chính là tình thương yêu thể hiện nơi con cái. Nói cho cùng, thương yêu nhau mà không giữ được mầu áo “có con” của thứ tình yêu đích thực, thì anh và em có đi đâu chăng nữa, dù là nắng Cali hay nắng Sàigòn, vẫn chẳng thấy “chợt mát” như hồi nào. Bởi lẽ, như nhà văn/thơ nào đó từng nói: “Yêu, chẳng phải là cứ nhìn nhau mãi, mà là cùng nhau nhìn về một phía.” Phía ấy,luôn hiển hiện sắc mầu yêu đương của “Áo Lụa hà Đông” hay lụa Mumbai, chính là con cái. Ý nghĩa đích thực của tình yêu, giữa hai người.

Để minh hoạ những sự việc ở trên, mời bạn mời tôi, ta nghe thử câu truyện kể rất ngắn, về “mầu áo ấy vô cùng” của con cái, như sau:

“Năm 1939, cha con gia đình nọ, đã trở thành hai nhà sưu tầm nghệ thuật, rất trứ danh. Chẳng bao lâu, thế chiến thứ hai bùng nổ, người con đăng ký tác chiến theo quân thiện nguyện vùng xa, không còn liên lạc. Ít năm sau, có tin người con bỏ mình nơi trận địa, sau khi liều thân cứu mạng một đồng đội, trong lâm nạn. Chiến tranh chấm dứt, ngày mà đồng đội nay về làng tìm gặp cha của người đã cứu mình, được biết cụ là nhà sưu tầm nghệ thuật có tiếng, trong vùng. Gặp cụ, đồng đội của người con thưa: “Dạ thưạ, có lẽ cụ chẳng biết con là ai, đâu. Con là người bạn có mặt bên cạnh, lúc con trai cụ lìa trần. Hôm nay, con đến để xác nhận rằng: trong giờ phút nguy nan, anh chẳng hề kêu rên đau đớn, hoặc tỏ nỗi buồn phiền. Con được biết cụ và anh rất yêu thích nghệ thuật, nên hôm nay con đến biếu cụ một kỷ vật không to lớn là bao, nhưng tạm nói lên tấm lòng cảm kích của con với anh ấy. Xin cụ nhận lời, cho.”

Nói rồi, anh trao cho ông cụ bức chân dung người con trai, vị cứu tinh của anh. Bức tranh không mang tính nghệ thuật. Rất giản đơn. Chỉ vài nét chấm phá, nhè nhẹ. Nhưng, đã làm ông cụ cảm động, nấc lên thành tiếng. Và, người bạn nói tiếp:”Đây là tất cả những gì con có thể làm được cho con của cụ. Anh là người quả cảm, đã hy sinh cứu mạng con.”

Ít lâu sau, ông cụ nhớ con quá, từ trần. Không còn sưu tầm tranh nghệ thuật nữa. Vào buổi đấu giá hôm sau ngày cụ mất, các nhà đầu tư nghệ thuật đến từ khắp nơi, trên thế giới. Và, kỷ vật đầu tiên được đem đấu giá, chính là bức chân dung con trai nhà sưu tầm. Người đấu ra giá vỏn vẹn chỉ $200… rồi $100… cũng chẳng thấy ai giơ tay, mua đấu. Mọi người tìm đến buổi đấu hôm nay, chỉ để mua tranh của Rembrandt, mà thôi. Lúc ấy, ở cuối hành lang, có người dáng dấp quê mùa tỉnh lẻ, lên tiếng: “Tôi sẽ lấy bức chân dung này. Đây là một bức tranh rất quý, dù không phải của họa sĩ nổi danh. Nhưng tôi chỉ còn đúng 10 đô, xin cho tôi thiếu chịu được không?” Ban đấu giá hội ý xong, đồng thuận bán cho người đấu vừa lên tiếng. Về sau, được biết ông là thợ làm vườn cho cha con nhà sưu tầm. Mang tranh về xem, mới vỡ lẽ bên trong có cài di chúc, nói: “Ai mua bức chân dung này, sẽ được thừa tự toàn bộ cơ sở, và tài sản nghệ thuật của chúng tôi, để trong đó.”

Thành ra, nói gì thì nói, trong cõi “trời mơ”, đầy nghệ thuật, vẫn luôn cần đến người con đóng góp và hợp tác, về mọi chuyện. Tình cha con/con và cha ở đây sẽ không thể có được nếu như bậc cha mẹ, các cặp phối ngẫu cứ lấy nhau mà chẳng muốn có sự hiện hữu của con cái.

Con cái, chính là quà tặng của Đức Chúa. Là, kết quả của Tình yêu. Là, ý nghĩa của cuộc đời. Thiển nghĩ, cuộc đời này chỉ gồm toàn những cặp phối ngẫu đơn độc theo ý muốn, thì cũng chán. Chán hay không chán, đó vẫn là vấn đề đặt ra cho mọi người. Hôm nay. Ở mọi nơi. Chí ít là cộng đồng dân Chúa, vẫn được nghe bảo, rằng:

“Hãy để các con trẻ,

lại với Thầy,

vì Nước trời là của chúng.

Nước Trời hôm nay, tưởng vẫn cần đến con trẻ. Và, những cặp phối ngẫu có tinh thần của trẻ con.

Trần Ngọc Mười Hai

thường mong được hát

bài áo lụa “tình yêu”

với nhiều người.