Thursday 14 May 2020

“Đoàn người tưng bừng về trong sương gió”




“Đoàn người tưng bừng về trong sương gió”
Hồn như đám mây trắng lững lờ
Giang hồ không bờ không bến
Đẹp như kiếp BôHêMiên”
(Lê Vỵ – Con Đường Vui)
(Rôma 12: 9-12)

“Con Đường Vui” nghe rất vui và rất đã do nhóm hợp ca của Hát Cho Nhau tập dượt để ra mắt với chủ đề “Jazzy Tiền Chiến”, để mọi người vẫn nhìn thấy ‘con đường vui’ dù đang đang có dịch Corona. Và phải chăng, đây cũng là là con dường đời ta đi tới? Hoặc, con đường nhỏ nghe nhiều dư âm, bao lời ca … yêu dấu? Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, những lời ca vui sung sướng vẫn được rao truyền “trên mái nhà” của mọi người, như Tin Mừng Lời Chúa còn đoan quyết mãi thôi. Lời đoan quyết, là đoan và quyết được rằng:

“Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành;
Hãy thương mến nhau với tình huynh đệ,
coi người khác trọng hơn mình;
nhiệt thành, không trễ nải;
lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.

Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng,
cứ kiên nhẫn gặp lúc gian truân,
và chuyên cần nguyện cầu…”
(Rôma 12: 9-12)

Lời nhủ khuyên “vui tươi” như thế vẫn là lời vàng ngọc mang nhiều âm vang thượng thừa như ca-từ còn hát tiếp:   

“Đoàn ta, vui bước trên đường mưa gió về
Còn nghe vang dư âm bao lời ca âu yếm
Đoàn ta tai lắng nghe hồn chinh chiến về
Đường xa, đi chưa quên bao thù xưa.

Ánh dương lên
Một đoàn thanh niên
Giục nhau đi từ khi nắng sớm
Lúc gió chiều về trong tiếng tiêu
Bóng ai còn in trên dường dài.

Đoàn người đi vượt rừng qua núi
Bước chân vui qua miền xa xôi
Kìa là đoàn người Việt Nam gieo thắm tươi.

Đoàn ta, vui bước trên đường mưa gió về
Còn nghe vang dư âm bao lời ca âu yếm
Đoàn ta tai lắng nghe hồn chinh chiến về
Đường xa, đi chưa quên bao thù xưa…”
(Lê Vỵ - bđd)


Quả là như thế. Đường đời, của mọi người đều thế cả. Tức có nghĩa: cũng “Giang hồ không bến, đẹp muôn kiếp” đấy thôi.    

Nhà Đạo mình, tuy không thấy kiếp “Bô-hê-miên” hoặc gì đó như mọi người dự tưởng, nhưng cũng là kiếp người đầy niềm vui như đấng bậc vị vọng từng xác quyết, ở bài sẻ chia bên dưới:

            “Sẻ và chia, là những san sẻ để chia cho nhau những lời rằng:
Tin Mừng của Chúa lâu nay dạy ta biết sống sao cho ra sống. Sống, giống như người đã được chữa lành rồi còn phục vụ. Sống, biết san sẻ mọi của cải vật chất cũng như tinh thần mình sẵn có, để rồi còn phục vụ hết mọi người. Bới, phục-vụ chính là niềm phúc hạnh, là tình thương yêu Chúa vẫn dạy mọi người thực hiện trong đời mình.

Sống phục vụ, là sống có ý-nghĩa. Sống có giờ nguyện cầu, suy tư và gần gũi Chú aqua mọi người. Sống như thế, mới có giờ để sẻ san mọi lời nói cũng như hành động với mọi người. Có sống như thế, người người mới có thể dựng xây, chữa lành và hòa gia3ihe61t muôn người. Sống như thế, là biết trăn trở, định hướng và chan hòa niềm vui nỗi buồn với người khác ở đây, nơi đó. Hết mọi thời.” (Đúc kết lời chia sẻ của các đấng bậc bấy lâu nay)
  
Cuối cùng thì, chia sẻ với nhau và cho nhau, là gửi đến và cho đi “niềm vui lớn” của mọi thời, như lời người kể câu truyện kể mang đầu đề “Mùa hè của cô bé mất gốc bên dưới:

Hà thắc mắc sao con trai Việt Nam thích ngụy trang tình cảm dưới lốt anh em làm gì.
Năm nay thời tiết thất thường, mới đầu hè trời đã trở nóng hầm hập suốt ngày. Grenoble nằm giữa những ngọn núi nên mùa đông cực lạnh và mùa hè thì phỏng da. Hà một mình vắt cái khăn tắm trên vai đi bộ đến hồ bơi. Tóc nó thắt thành hai bím làm khuôn mặt mười sáu nhìn như con nít Tây mười tuổi.

Vóc dáng trẻ thơ nhưng bạn bè ít ai biết Hà là đứa khổ tâm. Ba Hà vừa la mắng nó vì tội nói tiếng Việt sai be bét và lầm lì không chịu nói chuyện với bà nội. Hà không hiểu tại sao ba nó nổi giận khi nó trả lời: "Con vừa giặt tay cho bà xong". Ba cho nó là đồ mất gốc.

Hồ bơi đông nghịt người. Lớp đang vùng vẫy trong làn nước mát, lớp nằm xếp cá mòi trên bờ phơi nắng để có làn da nâu. Hà leo lên cầu nhún, nó dậm chân lấy đà cho cú rơi tự do vào lòng nước xanh lơ.

Lúc nghe tiếng "chủm", Hà mơ hồ mình vừa đè lên vật gì đó. Một anh chàng trồi lên ho sặc sụa. Hà biết mình suýt gây ra "án mạng" nên búng chân trườn xuống nước mất dạng. Nhưng đã trễ, nạn nhân chết hụt kịp nhìn thấy hai bím tóc màu đen nổi bật.

Sáng hôm sau Hà lại một mình vắt khăn trên vai đến hồ bơi. Bạn bè nó theo gia đình xuống miền Nam tắm biển hay du lịch nước ngoài hết cả. Con nhỏ Natalie đi Việt Nam. Nó hứa khi nào về sẽ đem cho cô bạn gốc Việt chưa một lần đặt chân lên dải đất này thật nhiều quà của xứ sở nhiệt đới.

Tụi bạn Tây rất yêu mến Hà vì nó sống động, học giỏi và thích thể thao. Tụi nó đặc biệt kết cái tên ngộ nghĩnh của Hà. Tên nó nghĩa là dòng sông nhưng khi phát âm theo tiếng Pháp tụi Tây không đọc chữ "H". Nhỏ Natalie nói: "Mỗi lần tao gọi mày từ xa, người ta tưởng ai đánh tao đau lắm vì cứ là kéo dài "A! A! A!". Bản thân Hà mỗi khi có kẻ nào la "A!", theo phản xạ nó quay lại vì tưởng có người gọi.

Đi học vui như thế nhưng về đến nhà Hà là một người ít nói, lơ đãng và ngơ ngác. Ba nó không biết tiếng Pháp ngoài mấy câu chào xã giao. Mẹ nó thì biết đếm để xài tiền nhưng khi coi truyền hình thì chỉ đoán già đoán non. Lúc Hà còn nhỏ, mỗi lần cần làm giấy tờ ba mẹ nó phải chạy vạy nhờ những bác Việt Kiều có học. Mấy năm nay đến phiên Hà phải giúp lại những người Việt sống không hòa nhập được vào xã hội bên này.

Tuy ngầm hãnh diện về tiếng Pháp của Hà nhưng ba mẹ nó luôn hổ thẹn về tiếng Việt của nó. Tình hình trở nên căng thẳng khi bà nội từ Việt Nam sang sáu tháng nay. Bà thủ thỉ đủ chuyện với Hà mà nó cứ lặng yên vô cảm khiến bà giận, bệnh tim tái phát. Hà thấy ngột ngạt nên tìm tối đa các lý do để được ở bên ngoài.

Nước mát làm cho Hà dễ chịu, nó lại vừa bị ba la tội lầm lì và không thân thiện với bà nội. Hà bơi hùng hục mấy vòng hồ mới dừng lại nghỉ

"Cô bơi giỏi quá". Một giọng nói vang lên sau lưng làm Hà giật mình. Anh chàng người Châu Á, chất giọng còn lơ lớ của người không sinh ra ở đây. Không hiểu sao Hà lại không thích những ai mắt đen, da vàng, mũi tẹt như nó. Natalie gọi đó là một mặc cảm trong tiềm thức, khó giải thích được. Hà lịch sự nói "cảm ơn" rồi búng chân lao vút đi.

Nhưng hôm sau rồi hôm sau nữa, suốt một tuần lễ, ngày nào đi bơi nó cũng bị gã trai Châu Á bám theo lân la làm quen. Nó dừng lại ở mức độ chào hỏi rồi vội vàng lặn mất tăm xuống lòng hồ sâu. Anh chàng đó bơi không siêu nên nên hay đứng xớ rớ chỗ nước cạn cùng đám trẻ con lau nhau. Anh ta phô thân hình không được cường tráng của người ít vật động. Hà cười thầm: "Đến đây để tắm chứ bơi cái gì!".

Bà nội thèm trái cây Việt Nam nên sai Hà ra siêu thị đầu phố mua ít loại. Bà dặn: "Nếu sầu riêng không quá mắc mua cho nội một trái". Hà nhăn mặt như đã nghe cái mùi khó chịu đó. Lần nào bà nội ăn nó cũng trốn vào toilette. Mỗi lần như vậy ba nó lại bực mình và gia đình lại xào xáo. Hà công nhận đó là một mùi đặc biệt, người thì thấy thơm lừng, kẻ bịt mũi buồn nôn. Còn frômage camembert Hà thích lại làm cả nhà nó lợm giọng chê là mùi... xác chết. Ba nó cấm tiệt không cho tha về nhà bất kỳ loại frômage nào trừ "con bò cười".

Hà thấy mình luôn bị chèn ép. Hà đến quầy trái cây nhiệt đới, sầu riêng đang khuyến mãi nhưng chắc chỉ nên mua thanh long thôi...
- Chào cô!

Hà ngơ ngác nhìn một anh chàng tóc đen trông quen quen. Nó đưa tay đẩy gọng kính suy nghĩ.

- Cô không nhớ tôi sao? Anh thanh niên nhỏ nhẹ:
- Ngày nào ở hồ bơi chúng ta cũng gặp nhau.
- À! Hà la lên ngạc nhiên. Thì ra là anh mấy bữa trước anh không mặc quần áo nên hôm nay nhìn khác quá!

Mấy người mua hàng đang đứng trong bán kính mười mét đều quay nhìn tò mò kẻ "mấy bữa trước không mặc quần áo gì". Hà biết mình "hố", anh chàng đỏ mặt lúng búng không nên lời. Hà vơ vội vài trái thanh long rồi nhanh chân chuồn ra quầy thu ngân. Giá đang ở hồ bơi nó đã tàng hình vào làn nước. Lần này anh chàng có vẻ quyết tâm làm quen nên đón đường nó trước cửa siêu thị.
- Cô người gốc nước nào vậy?
- Anh hỏi chi?
- Cùng là người Châu Á, tôi hy vọng chúng ta đồng hương. Tôi đến từ Việt Nam từ mùa thu năm ngoái để du học...
- Tôi quốc tịch Pháp, nhưng ba mẹ tôi người Việt!

Hà thấy rõ nét mặt vui mừng của anh sinh viên. Anh ta gần như đã nhảy lên vì không thất vọng. Trông anh thành thật đến tội nghiệp.
- Chúng ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt nhé! - Vừa đề nghị anh liền thực hiện ngay
- Anh thèm nói tiếng mẹ đẻ quá!

Hà vẫn dùng tiếng Pháp, đối với nó đây mới là tiếng mẹ đẻ, nó cho anh sinh viên biết mình sinh ra ở đây nên không có khả năng trao đổi với anh bằng tiếng Việt nhưng nếu anh muốn nó sẽ giới thiệu... bà nội nó cho anh.
- Được! Nhà gần đây không? - Vẫn nói tiếng Việt với Hà, anh sinh viên hồ hởi - Anh tên Hải. Em tên gì? Có tên Việt không?

Hà dẫn Hải về giao phó cho bà nội. Hai người nhớ tiếng Việt cùng nhau nói không hết chuyện. Mẹ Hà đi làm phụ bếp ở nhà hàng về đem theo mấy món đồ xào ế bà chủ cho.

Anh Hải được mời ở lại ăn cơm. Anh ăn cật lực làm Hà nấu thêm cơm cho ba nó khuya đi làm ca về. Bà nội hài lòng nghe anh kể từ tám tháng nay chỉ lo học bù đầu làm luận án thạc sĩ nên không có thời giờ để giao tiếp với ai. Thèm món ăn Việt Nam, nhớ tiếng Việt và muốn tìm Việt kiều làm quen nhưng chưa có dịp.

Đến mười giờ, ba Hà đi làm về mà Hải vẫn chưa chịu từ giã. Mới nhìn qua mà ba Hà có cảm tình với anh sinh viên cao học ngay. Ba nói có một đề nghị làm Hà rụng rời:
- Ngay ngày mai cháu đến dạy tiếng Việt cho con nhỏ này. Cháu vừa biết tiếng Pháp vừa rành tiếng Việt dạy nó sẽ dễ. Sẵn ký túc xá hè đóng cửa để sửa chữa cháu cứ đến nhà bác ở, khỏi thuê chỗ khác làm gì mắc công!

Buổi học đầu tiên làm Hà lo sợ. Không phải nó ngán ông thầy từ trên trời rơi xuống mà sợ ba nó làm to chuyện nếu nó học không tốt.
- Em phải chịu khó nói tiếng Việt - anh Hải mào đầu. Anh biết em hiểu hết nhưng ngại nói vì sợ sai.

Hà bực bội đưa tay sửa gọng kính. Và như thói quen, những lúc thế này tự dưng nó... buồn tiểu. Hà đứng dậy dợm bước.
- Em đi đâu?
- Tôi muốn đi toilette - Hà cương quyết nói bằng tiếng Pháp.
- Nói tiếng Việt xem nào! Nếu không tôi không cho đi.
- Con muốn đi đái!

Ông thầy bật cười ngặt nghẽo làm Hà ngơ ngác nhưng nhịn không nổi. Nó vụt chạy đi. Lúc trở vào phòng học vẫn thấy thầy ôm bụng cười khùng khục.
- Tại sao anh cười! Hà khó chịu hỏi bằng tiếng Pháp, lần nào tôi nói tiếng Việt cũng có người cười hoặc tức giận.
- Sao em lại xưng "con" với anh? Lại còn nói "đi đái", nghe không hợp với một cô bé đeo kính cận sáng láng.

Bà nội ở phòng bên nghe ồn ào bèn sang giải quyết. Thầy vỡ lẽ, thì ra Hà chỉ hay gặp người Việt lớn tuổi nên có thói quen xưng "con", với tụi trẻ đồng trang lứa nó dùng tiếng Pháp nói chuyện với nhau cho nhanh. Còn từ "đi đái", quả thật hồi bé thỉnh thoảng ba vẫn gọi nó dậy "đi đái" mà!

Thầy biết dạy thế này gay go rất nhiều lần làm gia sư ở Việt Nam. Phải đổi phương pháp, không nên nóng vội, tốt nhất nên thân thiệt với họ trò "mất gốc" đã.

Thế là anh nói tiếng Pháp với Hà, đề nghị nó hãy tâm sự về mình để hai người thông hiểu nhau phần nào. Biết nó cũng thật sự muốn giỏi tiếng Việt để làm vui lòng cả nhà nhưng ba nó tánh cộc cằn chỉ thích lớn tiếng mỗi khi nó nói sai, anh Hải tội nghiệp cầm tay nó an ủi. Anh nói mình thông cảm cho hoàn cảnh những đứa trẻ bị hai nền văn hóa xâu xé như Hà.

Anh sẽ hết lòng giúp nó, miễn nó coi anh như một người bạn tốt. Những ngày hôm sau tình hình khả quan hơn, học trò đã chịu mở miệng nói chút chút. Nghe Hà ngọng nghịu, giọng lơ lớ, mặt hồi hộp sợ sai thầy vừa nén cười vừa cay mắt. Nhưng khi hai anh em vừa ra khỏi nhà để đến hồ bơi Hà trở nên tự tin và nói tiếng Pháp không cần xin phép. Anh Hải có vẻ thất vọng, thì ra học trò sợ phụ huynh hơn là thầy. Hà cười, hù dọa anh bằng tiếng Việt "ba rọi" của mình:

- "Toa" mà nói lại với ba con, con sẽ đè "toa" xuống đáy hồ đến lúc có những hột nước đi lên cho "toa" chết luôn!
- Em chứ không phải con, bong bóng nổi lên chứ không phải hột nước đi lên! Gọi bằng "anh" chứ không được "toa"...
Học trò không thèm nghe, nó đã búng chân lao vút đi trong làn nước mát để thầy đứng xớ rớ chỗ cạn với đám con nít ồn ào.

Thấy lố bịch với cô em Việt kiều, anh chàng lần lần vịn thành hồ tiến ra chỗ sâu. Một lực kéo bất ngờ làm hai "ống sậy" của gia sư nhấc bổng lên. Uống lưng bụng nước chàng sinh viên dở thể thao được Hà kéo vào.
- Em định ám sát tôi để khỏi phải học tiếng Việt nữa phải không? - Nạn nhân tức giận ho sặc sụa - Lần đầu tiên gặp em đã từ trên cầu phi thân đè tôi xuống đáy cầu một lần rồi.

Ngày mai ba Hà lái xe đưa anh Hải ra phi trường Lyon. Anh hứa vài năm sau lại sang để làm luận án tiến sĩ. Khi đó chắc Hà đã nói tiếng Việt rất giỏi và không cần gia sư nữa. Hà biết anh nói thế để khuyến khích chứ nó còn trật nhiều lắm. Mới hồi hôm qua thôi khi bà nội kể chuyện những tên tội phạm mua chuộc cảnh sát, nó thắc mắc: "Sao tụi nó phải mua con chuột của cảnh sát làm gì?"

Ba Hà dạo này bớt cục tính, ông nghe lời anh Hải chịu khó học tiếng Pháp. Bởi thật bất công khi trách con gái mất gốc trong khi bản thân mình không hòa nhập được vào xã hội mới sau gần hai năm sinh sống.

Đang ăn tiệc tiễn anh Hải về Việt Nam, mẹ Hà làm bể cái chén gây tiếng động trong nhà bếp, nó vào phòng ăn kể với cả nhà: "Cái chén té từ trên bàn xuống" làm thầy xấu hổ đỏ mặt.

Anh kéo nó ra sân sau trao một món quà nhỏ. Con gấu mập ú ôm trái tim đỏ thật dễ thương.
- Đây là tim của anh, tấm lòng của một người anh dành cho đứa em mình - Anh Hải lí nhí.

Hà thắc mắc sao con trai Việt Nam thích ngụy trang tình cảm dưới lốt anh em làm gì...
- Nhớ đừng có phát âm sai chữ tim thành...
- Biết rồi - Hà đỏ mặt nhớ lần nó kể bà nội bị bệnh "đau chim" làm anh Hải há hốc nhìn nó kinh ngạc. Sau khi cả hai hiểu ra, bật cười đau bụng, đến phiên bà nổi giận hai ngày.
- Sáng mai em đi học lại, con Natalie phone nói đem từ Việt Nam qua cho em một cái nón lá...

Đêm trở lạnh, những cơn gió mùa thu đã đến đem những chiếc lá vàng đầu tiên lìa cành. Hà nói giọng nuối tiếc một câu tiếng Việt văn chương đến mức làm thầy phải giật mình: "Mùa hè đáng nhớ đã trôi qua...".


Thế đó còn là tình-tự của những người sống trong đời, vẫn rất nhiều. Nhà Đạo ở khắp nơi, lại cũng không thiếu những người buồn nhiều hơn vui mỗi khi tiến bước lên đường, như ca-từ còn kể tiếp ở bên dưới:   

“Nào cùng lên đường lòng không vương vấn
Giờ đây khi xuân ấm chan hoà,
Lòng người tưng bừng vui đón
Mùa xanh thắm tươi huy hoàng.

Nắng trong vườn, nhảy đùa vờn hoa
Này du dương đàn chim đua hót
Gió qua cành còn vương khúc ca
Đâu đây niềm hân hoan tràn đầy
Đời quanh ta nồng nàn hương ý
Chúng ta hoà linh hồn thanh khí

Dùng tài làm cho muôn đời vui sướng hơn!
Nghệ sĩ! xuân mới đem đời tươi sáng về
Này nghe tương lai reo vang lời thơ ma tuý.
Nghệ sĩ! hăng hái vung niềm tin bốn bề
Cầm tay vui say sưa ta cùng ca...
(Lê Vỵ - bđd)

“Cầm tay vui say sưa ta cùng ca...” có thể và cũng sẽ là câu ca suốt một đời người của bạn, của tôi và của tất cả mọi người trong đó có ta.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Mong sẽ cùng với mỗi người và mọi người
mang niềm vui đến với muôn người.

Friday 1 May 2020

“Làm sao mà quên được”



Chuyện Phiếm CN 3 Phục Sinh năm A 
Làm sao mà quên được
Ðời qua bút như xem
Dăm ba hạnh phúc ngắn
Sao quên được mà quên
.”
(Pham duy - Làm sao mà quên được)
(Lc 14: 25-33)

Đúng thế. Có những điều hoặc việc một khi đã xảy đến, thật khó quên. Quên sao được cuộc đời “qua bút như xem”, và/hoặc  “dăm ba hạnh phúc ngắn, cũng dễ chịu.  Càn khó quên hơn, những tình tự được nghệ sĩ kể ở bên dưới:

Một căn nhà nho nhỏ
Một em gái ngây thơ
Xinh tươi và bỡ ngỡ
Như bông hoa đầu mùa
.cs from: http://www.lyricenter.com ]
Người hay cười e thẹn
Miệng như trái mơ ngon
Ðôi môi màu sắc pháo
Thơm như là quê hương
Mái tóc em nhẹ nhàng
Như làn sương thu sớm
Trong khu rừng êm ái
Chưa thoát cơn ngủ vùi
Tiếng nói em êm đềm
Êm như mùa thu đến
Vốn lá bay chập chờn
Trong khung trời thật bình yên
Làm sao mà quên được
Người em gái năm xưa
Sao quên được đôi mắt
Như ngôi sao trên trời
.”
(Phạm Duy – bđd)

Chuyện khó quên hơn, là lời lẽ được ghi ở Tin Mừng, như bên dưới:

Đọc Tin Mừng thánh Luca, người đọc thấy có đoạn 14 câu 25 đến 33 diễn-tả cũng ka1 rõ, những điều ghi trên bằng lời lẽ sau đây:

“Hôm ấy, có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ:
"Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Ở đường thường, người người đều có trí nhớ rất tốt. Dù rằng, trong cuộc đời, nhiều người vẫn thường bảo: trí nhớ là cái trí rất hay quên. Ở nhà thơ, còn đó một nhận định:

Trong mọi lúc hãy giữ lòng cao thượng”, 
“không tỵ hiềm, không giận dữ ghen tuông. 
Xoá hận-thù bằng mọi dấu yêu thương, 
Mỗi kinh-nghiệm là một thày dậy dỗ.” 
(Dẫn từ thơ Nguyên Đỗ) 

“Giận dữ, ghen tương cùng tỵ hiềm xót xa”, nhất nhất đều là những đau thương đuối ngã trên đường đời. Con đường lâu nay vẫn thắm đượm nhiều kinh nghiệm cần lướt thắng.

Thế đó, là quan niệm sống của người đời, ở ngoài đời. Trong Đạo, cũng thế. Cũng có nhiều nhân-sinh-quan/lập trường khá kiên-định giúp người đi Đạo và giữ Đạo đeo đuổi cuộc sống có ý-nghĩa, như nhận định khá rõ nét của đấng bậc nhà Đạo, như sau:

Lướt thắng, là chuyện cần làm, vào mọi lúc. Lướt, bằng yêu thương. Thắng, bằng tha thứ, cùng giữ lòng cao thượng như Chúa dạy, suốt hôm nay. Lời Chúa dạy hôm nay, thoạt nghe ta tưởng như đó là nghịch lý, rất khó nghe. Nghịch lý và khó nghe, là bởi nếu không thận trọng ta những tưởng Chúa dạy phải giận hờn ghét ghen. Ghét vợ ghét con, ghét cha mẹ ghét cả người thân ta cứ tưởng là có ghét như thế, mới được gần gũi với Chúa. Với Cha. 

Không. Không phải thế. Trình thuật hôm nay, thánh sử Luca muốn diễn bày quyết tâm của  các đồ đệ theo Chúa. Thánh sử diễn tả bằng những lời lẽ rất triệt để. Điều, thánh nhân muốn nói, là: khi đã dấn bước theo chân Chúa, con dân nhà Đạo cũng nên dứt khoát tư tưởng, cho trọn tình trọn nghĩa. Trọn tâm can. Trọn tình vẹn nghĩa, tức chấp nhận lối cảm nghiệm rất sâu sắc về cuộc đời. Cảm nghiệm để rồi, đem thái độ sống ấy vào chính con đường mòn ta đi, trong cuộc đời.

Đọc Tin Mừng thánh Luca với đầu óc hoàn toàn cởi mở, không theo theo nghĩa đen. Không thành kiến rất tối, người đọc hẳn sẽ nhận ra rằng thánh Luca không có ý bảo: hãy ghét hết mọi người. Hoặc, ghét bỏ chính mình. Ngược lại, thánh sử kêu gọi người người hãy yêu thương giùm giúp lẫn nhau. Yêu thương giùm giúp mà chẳng cần tìm hiểu hoặc cứu xét xem người ấy là ai. Người ấy có đáng yêu không. Cũng chẳng cần xét xem người ấy có là họ hàng người thân, không. 

Những gì Đức Kitô căn dặn nơi trình thuật, đã đưa ta về lại với xác tín ta vẫn có từ trước. Đặc biệt hơn cả, là: dụ ngôn kể về người Sa-ma-ri tốt bụng, mới đề cập hồi tuần trước. Điều này còn ghi rõ nơi lời nguyện cầu “Lạy Cha”, Chúa vẫn khuyên. 

Xem như thế, đã là đồ đệ theo chân Chúa, hết thảy đều phải tâm niệm câu nói nằm lòng “tứ hải giai huynh đệ”. Tức, anh em bốn bể đều người nhà. Con cái muôn phương đều một Cha. Người Cha yêu thương. Cha trên trời. Đó là điều Đức Chúa dạy tất cả các người con dưới thế: hãy yêu thương nhau như con một nhà.

Trình thuật Lời của Chúa, thường nhấn mạnh đến nền tảng của Đạo: tương quan với Chúa. Tương quan – hiệp thông với Chúa, phải được dẫn chứng bằng đường lối ta cư xử với các người anh, người chị cùng một Cha. Đường lối cư xử, tức cách xử sự của những người con cùng Cha trên trời, không tùy vào hệ thống quân giai rắc rối, như ở đời. Cũng chẳng tách bách họ hàng như gia tộc. Tương quan và hiệp thông với Chúa, không thể cân đong đo đếm bằng những danh xưng/chức tước, tiền bạc của cải, hoặc tôn giáo, nghề nghiệp, hoặc giai cấp xã hội. Tương quan với Chúa, là tâm tình thân thương trìu mến được diễn bày với người dưng khác họ, ở đâu xa.  

Trình thuật, xưa nay vẫn bàn về tương quan ta đang có giữa những người anh em đồng hội đồng thuyền, sống gần gũi với ta. Trong tương quan đối xử, điều quan trọng không nằm ở chỗ: người này người kia đánh giá thế nào về ta. Nhưng, bằng vào mức độ ta quan tâm chăm sóc mọi người đến thế nào. Quan tâm chăm sóc ấy còn được gọi là lòng yêu thương xót xa thể hiện bằng cử chỉ và tâm tình khi ta tiếp xúc với những người dưng khác họ, mà thôi.

Ai tìm sự bình an hài hoà nơi thái độ quan tâm chăm sóc những người ngoài luồng, ngoài Đạo, thì người ấy sẽ cảm nghiệm được điều mà thánh Phao-lô khẳng định trong thư gửi cộng đoàn tín hữu Do thái: 

“Nơi mà anh chị em phải đến, đó chính là núi Sion. Là chốn thành đô của Thiên Chúa cùng với toàn thể Hội thánh ở nơi đó mỗi người là “trưởng tử” và là công dân của Nước Trời.”

Trình thuật xưa nay lại cũng nhấn mạnh thêm điều này: chúng ta đương nhiên là đã yêu thương người thân thuộc cùng giòng họ. Không cần nói cũng biết. Nhưng, điều hệ trọng Chúa ân cần dặn dò, là: nếu ta chỉ yêu thương đùm bọc người thân yêu ruột thịt mà thôi, như thế hoàn toàn không trọn nghĩa, vẫn chưa đủ. 

Giả như, ta chỉ thỏa mãn ước nguyện của người thân yêu/ruột thịt mà thôi, chẳng đoái hoài đến nhu cầu và thân phận của người dưng khác họ nào khác, tức là ta đã bất công với gia đình rộng lớn gồm những người con cùng Cha trên trời. Nếu không nhận ra người anh người chị trong gia đình lớn như người thân thuộc, ta không thể nào trở thành đồ đệ của Thầy Chí Thánh. Bởi, như thánh sử Luca ghi rõ:“Mỗi lần các ông từ chối không chăm sóc những người anh chị em của Ta, tức là các ông từ chối chính Ta.” 

Nếu chỉ yêu thương đùm bọc mỗi giòng họ người thân của mình, thôi. Đó là thứ “ghét bỏ” mà Đức Giêsu không muốn con cái và đồ đệ Ngài thực hiện. Nói tóm lại, là người theo Chúa đích thật, ta phải nhận ra sao bản của Thầy Chí Thánh nơi tất cả những người anh người chị thân thương hoặc chỉ người dưng khác họ, không hơn không kém. 

Yêu thương đùm bọc Đức Giêsu nói đến, còn được thánh Phaolô bổ túc bằng thư tâm tình xin anh Philêmôn nhận người dưng khác họ là nô lệ Ônêximô làm người anh em thân thuộc: 

“Tôi xin anh cho đứa con sinh ra trong cảnh xiềng xích,
xin gửi về anh
để xin anh đón nhận
như người ruột thịt.” 
(Plm 1: 10-14). 

Tình yêu thương mà thánh nhân đề cập là tha thứ cho những gì nô lệ Ônêximô đã làm. Nay người nô lệ ấy đã trở thành anh em cùng nhà. Nhà của tín hữu Đức Kitô Nhân Hiền. Ở nơi đó, mọi người coi nhau như anh em ruột thịt.

Cuối cùng, cởi bỏ mọi hình thức thân cận, ruột thịt là để ta có được tự do mà theo đuổi sự thật. Sự thật về lòng yêu thương đùm bọc luôn thăng hóa. Và, khi đã thăng hóa trong yêu thương như thế, mọi người theo chân Chúa sẽ tự tạo cho mình niềm phấn khởi sẵn sàng lập một hành trình. Hành trình luôn “có lòng cao thương; không tỵ hiềm, không giận dữ ghen tuông”. Nhưng, xóa bỏ hận thù bằng mọi dấu yêu thương. (X. Lm Richard Leonard sj, Suy tư Tin Mừng các ngày Chúa Nhật)

Với người thường ở đời, lướt thắng mọi cản ngăn không là điều khó làm, nếu người người gia tăng và chú tâm vào việc tập luyện thường ngày. Chỉ cần biết thương yêu, ôm ấp người cần được yêu, như nhận định của nhà thơ/người viết Lê Hữu qua bài viết mang tên Ai cũng cần một vòng tay ôm như bên dưới:
  
Genny gửi đi giòng text cuối cho Dick, bạn trai và cũng là đồng nghiệp của cô ở sở cảnh sát Dallas, khi bước đến gần căn apartment của cô ở lầu 3. Lúc ấy khoảng gần 10 giờ đêm. Cô về muộn hơn mọi ngày sau ca trực kéo dài suốt 14 tiếng. Một ngày đầu tuần khá mệt mỏi và nhức đầu vì những chuyện lỉnh kỉnh chẳng đâu vào đâu. Cô cần nghỉ ngơi để lấy lại sức.

Khi vừa tra chìa khóa vào ổ khóa cửa phòng, Genny cảm thấy có điều gì bất thường. Cô luôn cẩn thận khóa cửa, tắt đèn mỗi khi rời nhà. Cửa dường như không khóa, cô xoay nhẹ tay nắm cửa, cánh cửa mở he hé. Genny khẽ giật mình, đặt tay lên báng súng như một phản xạ tự nhiên. Ánh đèn vàng từ bên trong hắt ra. Genny suy nghĩ thật nhanh. Ngoài Dick ra, không ai biết chỗ ở của cô. Kẻ nào đã đột nhập vào phòng cô?... Genny rút súng, lùi lại một bước, tay giơ cao khẩu súng ngắn, chân đạp mạnh vào cánh cửa. 

-Đứng yên tại chỗ. Giơ tay lên! Genny hét lớn.
Cửa mở toang. Cô trông thấy một gã đàn ông ngồi dựa lưng trên ghế sofa, hai chân duỗi thẳng, tay cầm vật gì đó. 
“Bỏ ngay cái đó xuống. Giơ hai tay lên!” Genny nắm chặt khẩu súng bằng cả hai tay, mũi súng chĩa thẳng về phía kẻ lạ mặt.

Trước mắt cô là gã đàn ông da màu lạ hoắc. Gã mặc quần short, tay cầm vật gì lấp lánh cô không nhìn thấy rõ. Gã chồm người dậy, nhìn chòng chọc vào cô. 
“Giơ hai tay lên! Bỏ cái đó xuống ngay, nếu không tôi bắn.” Genny quát lên và lùi lại một chút, hai tay vẫn nắm chặt khẩu súng.

Gã đàn ông đứng bật dậy, dáng cao lớn, khệnh khạng. 
“Hey! Hey! Hey!” Gã trợn mắt, xăm xăm bước về phía cô…
“Đoàng! Đoàng!” Genny nổ liền hai phát. Gã bật ngửa ra sau, nằm ngay đơ, đầu gối lên thành ghế sofa.

Suốt những năm hành nghề cảnh sát, Genny vẫn được đồng nghiệp thán phục về tài thiện xạ, đã bắn thì không trật vào đâu được. Cô từ từ bước qua cửa, men sát theo vách tường rồi lọt hẳn vào phòng trong lúc hai tay vẫn không rời khẩu súng, hai mắt vẫn chăm chăm nhìn xuống thân hình bất động dưới chân sofa. Gã da màu nằm im không nhúc nhích, máu loang trước ngực.

Genny đảo mắt một vòng, nhìn quanh. Và, chỉ trong một vài giây, trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn phòng khách, cô nhận ra điều gì khác thường… Cô lắc lắc đầu mấy cái cho thật tỉnh táo. Genny bỗng lạnh sống lưng. Cô thấy chóng mặt, rồi khẩu súng trong tay rớt xuống lúc nào cô không hay.

Đây không phải là căn apartment của cô. Cô đã vào nhầm phòng. 
Genny vội quỳ xuống bên người đàn ông. Gã nằm ngửa, hai mắt mở lớn, trợn trừng. Bàn tay phải mở ra cho thấy vật trong tay gã là chiếc muỗng nhôm. Một ly kem ăn dở và hộp kem mở nắp ở trên chiếc bàn thấp cạnh sofa. Máu vẫn loang trên sàn nhà…

Genny ngồi bật dậy, hoảng hốt... Cô đã làm gì vậy?! Cô đã giết người. Rồi Genny lại quỳ xuống, đặt tay lên ngực gã. Cô nhớ tới những thao tác CPR từng ứng dụng. Vô ích, viên đạn trúng ngay tim. Dưới chân cô đã là một xác chết. Cô nhìn lại bàn tay mình. Máu. Genny cố trấn tĩnh, gọi số 911 trước khi gieo mình xuống chiếc sofa mà người đàn ông đã ngồi trước đó ít phút. 

Tiếng Tivi góc phòng phát đi bản tin về vụ cướp ở đâu đó. Genny nghe tiếng lao xao và tiếng chân người từ ngoài hành lang…

Phiên tòa bước sang ngày thứ 5, dự trù sẽ đưa ra phán quyết chung thẩm. Genny trông hốc hác, hai mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Cô phải trả lời nhiều câu hỏi từ công tố viện. Trả lời câu hỏi đầu tiên, Genny nói cô không biết gì về Bruce, người hàng xóm đã thiệt mạng vì hai phát súng nghiệt ngã của cô đêm ấy. Người thanh niên da màu chết bất ngờ, không hiểu được vì sao mình phải chết.

Bruce ở lầu số 3, trong căn phòng ngay bên dưới phòng của Genny ở lầu 4. Anh là nhân viên kế toán của một công ty tài chánh. Bruce kém cô ba tuổi, là một thanh niên hiền lành và tốt bụng, hay giúp đỡ người khác. Ngoài công việc ở sở, anh là thành viên của Hội đồng Mục vụ Giáo xứ tại một nhà thờ ở địa phương trong nhiều năm.

Công tố viên muốn cô diễn lại trình tự mọi chuyện xảy ra vào hôm ấy và phóng ra liên tiếp những câu hỏi như không để cô có thì giờ đắn đo suy nghĩ. 

-Chuyện gì làm cô không tỉnh táo hôm ấy? 
-Tôi không rõ. Có thể tôi đã làm việc quá sức. Tôi đã làm đến hơn 14 tiếng thay cho người bạn trong sở nghỉ bệnh.” 
-Còn gì nữa?
-Tôi về muộn, khá mệt mỏi sau một ngày dài làm việc. Từ lúc xuống xe ở parking, tôi vừa đi vừa text message với người bạn cùng sở nên không nhận ra mình đang ở lầu 3 chứ không phải lầu 4.”

-Mỗi phòng đều có tấm biển ghi số phòng gắn trên cửa, cô không nhìn số phòng?”
-Không, Genny lắc đầu, phòng tôi ở dãy bên tay phải, cạnh phòng cuối cùng của hành lang. Rất dễ nhận biết, tôi cứ đi thẳng tới đó.

-Khi mở cửa phòng, cô không nhận ra đấy không phải là phòng mình?
-Không, Genny lắc đầu, Đèn không đủ sáng. Cách bài trí nơi phòng khách khá giống với phòng tôi. Bộ sofa cũng gần như cùng một kiểu, một màu.”
-Cô nghĩ gì và phản ứng thế nào vào lúc ấy?”
-Một kẻ lạ nào đó đột nhập phòng mình. Tôi rút súng ra. Tôi cần phản ứng thật nhanh, nghề nghiệp dạy tôi như vậy.

Công tố viên không hỏi tiếp. Phòng xử chìm trong im lặng vài phút. 
-Cô nghĩ gì trong đầu khi nổ súng vào người đó? 
-Tôi sợ, Genny trả lời, giọng run run. Tôi yêu cầu anh ta đứng yên và giơ tay lên đến mấy lần, nhưng anh ta bỗng hét lớn: ‘Hey, hey, hey! như bị kích động và sấn về phía tôi. Tôi nghĩ anh ta sẽ giết mình. Tôi không còn cách nào. Bắn chậm thì chết, Genny khóc nức lên…

Nhiều tiếng lào xào… Bà thẩm phán Tammie nhìn Genny chăm chú, khẽ gật gù.
-Tôi ngu ngốc quá!… Genny nói trong tiếng nấc. Tôi muốn được trừng phạt. 
-Cô nói tiếp đi, rồi sao nữa? Mọi người vẫn đang nghe cô. Thẩm phán Tammie lên tiếng.
-Tôi thấy mình thật xấu xí, đáng kinh tởm. Genny nói nhỏ, cúi gầm mặt. Tôi thù ghét tôi mỗi ngày. Tôi biết mình sẽ không bao giờ tìm được một ngày bình yên trong suốt phần đời còn lại. 
Genny sẽ nhận bản án chung thẩm hôm nay. Việc xét xử và nghị án có khuynh hướng bất lợi cho cô trong bối cảnh khá căng thẳng do những đợt biểu tình phản đối tình trạng bạo hành của cảnh sát đối với người da màu gần đây vẫn chưa lắng xuống. Công tố viện có vẻ muốn cáo buộc tội sát nhân cho cô hơn là ngộ sát để làm dịu bớt những làn sóng phẫn nộ. Trong suốt phiên xử Genny tránh cái nhìn từ phía những người thân của Bruce. Cô tin là họ căm ghét cô và chỉ muốn cô phải chịu bản án nặng nhất. 

Công tố viện đề nghị bản án 28 năm tù giam, bằng con số tuổi của Bruce vào ngày sinh nhật của anh ta trong tháng này nếu như anh còn sống. Genny đã lấy đi những năm tuổi đẹp nhất của anh ta và cô phải trả lại đúng số năm ấy. 

Sau nhiều giờ nghị án của bồi thẩm đoàn, Genny sau cùng nhận phán quyết chung thẩm là 10 năm tù giam và có thể xin được ân xá sau 5 năm ngồi tù. Những nguời thân trong gia đình nạn nhân được phép lên tiếng. Alice, mẹ của Bruce, chỉ sụt sùi kể lể, không nói được gì nhiều. Beck, ông bố, lắc lắc đầu tỏ dấu không muốn lên tiếng.

Mọi người hướng về Ben, em trai của Bruce, người nói những lời sau cùng. Chàng trai 18 tuổi, mặc bộ vest đen chỉnh tề, đeo kính trắng, khuôn mặt có nét từa tựa ông anh cậu.
-Tôi không ghét chị, cho dù chị đã làm chúng tôi phải xa lìa Bruce, Ben cất tiếng sau ít giây im lặng. Cậu đưa mắt về phía Genny, nói chậm rãi: Tôi thực lòng mong muốn những điều tốt lành cho chị. Tôi cũng không muốn chị phải vào tù một ngày nào. Và tôi tin là Bruce, anh tôi, cũng muốn như vậy. Tôi hiểu Bruce hơn ai hết. Anh ấy rất mau quên và dễ tha thứ, anh ấy không muốn chị phải vào tù đâu. Anh ấy chẳng oán ghét ai bao giờ, và cũng chẳng muốn làm ai buồn khổ. Những gì tôi nói ra đây là những điều tôi học được từ Bruce. Giá như anh ấy có ở đây thì anh ấy cũng sẽ nói giống như tôi vậy. Việc đã rồi, chị đâu có muốn như thế, phải không? Chẳng ai muốn như thế cả.

Ben ngừng lại. Phòng xử không một tiếng động. Mọi người im lặng, chờ nghe cậu nói tiếp. Ben nhìn thật lâu vào đôi mắt Genny đỏ hoe.
-Anh ấy chắc chắn tha thứ cho chị. Chị cũng cần tha thứ cho chị.” Ngừng một chút, Ben nói tiếp, “Nếu chị không làm được vậy, chị hãy tìm đến với Chúa. Một khi chị biết lỗi và hối lỗi thì Chúa sẽ tha thứ cho chị. Phần tôi…, tôi cũng tha thứ cho chị.”

Ben lại ngừng một chút, rồi cậu hướng cái nhìn về bà thẩm phán Tammie.
-Liệu tôi có thể dành cho chị ấy một cái ôm không?
Không có tiếng trả lời. 
-Tôi có được phép ôm chị ấy không? Ben hỏi lại lần nữa, giọng khẩn khoản:
-Tôi được phép chứ? Xin cho tôi…
-Được. Bà thẩm phán nói, sau ít giây bối rối. 

Ben rời bàn, bước xuống. Phía bên kia, Genny đưa mắt nhìn viên cảnh sát bên cạnh cô. Anh ta đứng lặng yên, không nói năng gì. Cô bước ra khỏi hàng ghế tiến về phía Ben. Khi tới gần Ben, cô dang rộng cánh tay, lao vào ôm chầm lấy cậu. Hai cánh tay cô quấn chặt cổ cậu.
Mọi người nghe rõ tiếng khóc nức lên của hai người. Ben ôm lấy tấm lưng Genny, hai bàn tay cậu xòe rộng xoa xoa, vỗ dọc lưng cô. 
-Em tha thứ cho tôi? Genny thì thầm.
-Tôi không nghe lầm chứ? Tôi muốn được nghe lại một lần nữa. Xin làm ơn…
-Tôi tha thứ cho chị, Ben khẽ nói: Bruce muốn tôi làm việc đó. Anh ấy và tôi tha thứ cho chị.
Genny áp mặt vào ngực Ben. Cô buông lỏng đôi tay, rồi cô lại ôm chặt lấy Ben lần nữa.
-Thế còn những người khác trong gia đình em?
-Tôi không rõ, tôi tin mọi người rồi sẽ tha thứ cho chị. Ngừng một chút, Ben nói:
-Tin tôi đi, khi tìm đến với Chúa, chị sẽ được bình an thôi. Hãy can đảm lên, chị hứa với tôi đi.
-Tôi hứa, tôi hứa…, Genny nghẹn lời. Khuôn mặt cô đầm đìa nước mắt. 
-Peace be with you! Ben thì thầm lời cuối trong lúc chậm rãi buông cô ra. 
Không một ai trong phòng nghe được họ nói gì. Viên cảnh sát dìu Genny về lại chỗ ngồi.
Ben quay nhìn Genny trong một thoáng trước khi rời phòng xử.
Ted, luật sư biện hộ cho Genny, chìa tay bắt tay bố của Ben khi hai người cùng bước ra ngoài hành lang. 
-Cậu bé này tốt hơn chúng ta rất nhiều, bản thân tôi phải học nhiều ở cậu. Chỉ có chiếc ôm ấy mới chữa lành được những vết thương.”
-Đúng thế! Beck khẽ gật gật đầu.
Rồi ông quay nhìn con trai mình đứng phía sau, đưa ngón tay cái lên. Hai bố con cùng bước xuống những bậc thang cấp của tòa án. 
-Vậy là xong. Beck siết chặt vai cậu, nói:
-Bố cám ơn con. Bố yêu con, Ben. Bây giờ Bố cảm thấy nhẹ nhõm. Tạ ơn Chúa, giờ đây Bố Mẹ vẫn có con bên cạnh. Tất cả rồi sẽ qua đi. Chúng ta cần phải sống. Mọi người cần phải sống. Chúng ta không để bất cứ thứ gì đè nặng trái tim mình.
Ben im lặng, cậu cũng nghĩ như bố.
-Mỗi người một phần số, Beck nói tiếp. Chúng ta không làm khác đi được, nhưng chúng ta có thể làm nhẹ bớt phần nào những gánh nặng. Ai cũng cần một vòng tay ôm.
Ben vẫn im lặng. Cậu hít sâu và thở ra một hơi dài. Cậu cũng cảm thấy nhẹ nhõm như Bố.
Chiều xuống dần. Hai bố con sánh đôi bên nhau. Beck lại bóp nhẹ mấy cái vào vai Ben. Và ông choàng hẳn tay qua vai cậu, rồi khoác vai cậu bước đi thân mật như hai người bạn. 
-Bố nói đúng, Ben thầm nghĩ. Ai cũng cần một vòng tay ôm.” (Lê Hữu phỏng theo bản tin trên báo The Dallas Morning News, ngày 2/10/2019)

Để minh-họa cho câu chuyện vừa bàn, tưởng cũng nên quay về với truyện kể để dễ nhớ.  

– Vợ tôi.(Tryện kể rút từ điện thư gửi về mới đây thôi).

Điện thư gửi về cũng mới đây hay lúc nào cũng thế. Lúc nào cũng nghe như mới. Bởi thế nên, người người vẫn thích nghe truyện kể, dù truyện ấy vui/buồn hoặc gây nhiều suy nghĩ, vẫn là chuyện cần nghe và cần nghĩ suy, không ngừng nghỉ.

Thế đó, là đôi giòng chảy cũng hơi dài, chỉ cố nói lên với người đọc rằng: Có những sự việc hoặc truyển kể, khiến nhiều người bảo: “Làm sao mà quên được”. Nói rằng, bạn và tôi, ta có thể đóng máy mà nghỉ ngơi, rồi thôi.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Có những truyện kể hoặc sự việc xảy đến với mình
“làm sao mà quên được” hỡi Trời!