Saturday 19 March 2011

“Ơn Em, thơ dại từ trời”

Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi.

(Từ Công Phụng/Du Tử Lê – Giữ Đời Cho Nhau)

(Rm 8: 20-22/Ga 9: 2)

Em”, mà cũng thơ cũng dại nữa sao? Nói cho cùng, thân “Em” dù có rơi rớt từ trời cao; hoặc, theo ai xuống biển, để “vớt đời” nạn nhân sóng thần, động đất đi nữa, thì bạn Đạo bọn tôi vẫn xin múa hát chỉ đôi lời:

“Ơn Em, dáng mỏng mưa vời,

Theo ta lên núi, về đồi yêu thương.

Tạ ơn em. Tạ ơn em.”

(Từ Công Phụng/Du Tử Lê – bđd)

Theo ta lên núi”, “về đồi yêu thương”, cũng chỉ để ta thông cảm, sẻ san và xót thương thân phận của hàng chục ngàn người nạn nhân của tai ương ở Nhật, gần đây nhất. Xót thương, để rồi sẽ cảm kích biết ơn sự sống quý giá ta nhận lĩnh từ Thiên Chúa. Tạ ơn Em. Tạ ơn anh. Tạ ơn các người anh/người chị có Chúa hiện diện ở trong lòng. Tạ ơn Hội thánh nhưng không oán trách về những sự việc xảy đến với ta, dù sẽ ra tồi tệ thế nào đi nữa, vẫn là ân huệ trời ban. Không oán thán, là bởi em và tôi dù có cho đó là ân huệ hay không, thì sự việc vẫn xảy đến theo cung cách nào đó, rất khó tránh. Khó, như đấng bậc vị vọng ở Sydney đã nhận định:

“Thêm một lần nữa, chúng ta lại đối đầu với những bí ẩn của khổ đau, rất người. Tin Chúa hay không, hẳn ai cũng bị thôi thúc hãy dừng lại đôi phút để mà suy tư. Suy rằng: ta chẳng thể nào trả lời được câu hỏi: tại sao có khổ đau? Tai ương/sầu buồn sao vẫn có ở trên đời? Sao chết chóc hoặc khổ đau, vẫn dính liền với con người?

Christchurch, là tên gọi rất đẹp của thành phố mang ý nghĩa rất Hội thánh. Tuy nhiên, tên đẹp hoặc ý nghĩa hay cách mấy cũng không thể bảo vệ cho thành phố ấy thoát khỏi cơn điạ chấn những hai lần, trong sáu tháng.

Thời Chúa sống, tháp Siloa ở phía Nam bức tường thành Giêrusalem đẹp và hiển thánh là thế, nhưng vẫn sụp vẫn đổ, giết chết những 18 thường dân vô tội. Chính Chúa từng quả quyết với những người theo chân nghe Ngài giảng giải, rằng: nạn nhân tai ương, họ nào có tội tình gì để cứ phải lãnh chịu hậu quả thảm khốc đến như vậy. Họ đâu nào xấu xa tội lỗi như bao kẻ khác, mà sao vẫn gặp rủi ro, sầu khổ đến độ chết bẹp dí dưới lớp gạch vụn từ tháp canh tường thành, nay đổ sụp!.

Người thời nay, thật cắc cớ nếu cứ bảo: giữa tội lỗi và khổ đau luôn có nối kết, rất chặt. Dù, có một số trường hợp, các hành vi tệ nạn như: rượu chè, chích choác, sống thác loạn, lạm dụng, vẫn bị coi như đã nối kết với sự xấu, thật khó tránh. Dù có thế, thường dân vô tội hoặc cả những người có niềm tin vững chắc, vẫn không tránh được khổ đau, âu sầu xảy đến với họ, rất thường nhật.

Kinh thánh chẳng khi nào bàn luận về việc Chúa là Đấng tốt lành rất mực, nhưng Ngài lại không bác bỏ chuyện khổ đau/sự dữ vẫn xảy đến rất thông thường trong cuộc sống. Ngài gọi đó, là dịp để ta biết mà yêu thương giùm giúp người bị nạn. Đó còn là dịp, để ta cắt nghĩa cho mọi người hiểu rằng: theo cách thức rất bí nhiệm và bằng niềm tin yêu rất mực, thì khổ đau/sầu buồn vẫn là cơ hội để ta có được ơn lành cứu độ Chúa tặng ban. Chính vì thế, mà thập giá Đức Kitô là biểu tượng được nhiều người biết đến và trân trọng hơn.

Người vô thần vẫn có thái độ khác với người theo Đạo cách nghiêm chỉnh. Với người vô thần, thiên tai/sầu khổ khi nào cũng là cớ là dịp để họ chối bỏ việc Chúa hiện hữu, có thật. Nhưng kỳ thực, ai cố tình kiếm tìm sự an nhàn tự tại, vẫn có cách và có lý để tránh né những người đang gặp khó khăn, đau khổ. Làm như thế, những người này cũng đâu củng cố gì thêm được niềm xác tín cũng như tình bác ái mình có. Ai đang sống đời chật vật ở đây, nơi xứ này hoặc trước giờ vẫn quen sống nghèo khổ/khốn khó, thường ít tỏ vẻ ngạc nhiên ưu tư trước những tai ương của trời đất hoặc tai hoạ do con người đem đến. Có gặp tai ương sầu khổ mấy đi nữa, họ vẫn nghĩ đến người khác. Vẫn nhanh chóng tìm ra phương cách để giúp đỡ người bị nạn hơn là ngồi đó mà lý thuyết suông. Thế nên, đây là lúc ta cần đoàn kết giúp đỡ nhau. Và, cảm tạ Chúa. Cảm tạ, vì lâu nay vẫn có nhiều người còn làm chuyện giùm giúp đỡ đần nhau, đến bây giờ.” (x. ĐHY George Pell, New Zealand quake: time for all to unite and help, The Catholic Weekly 06.03.2011, t. 4)

Nhận định của đấng bậc trích dẫn ở trên, lâu nay là như thế. Vẫn chính xác. Mạch lạc. Và, nhuần nhuyễn. Thời Giáo hội tiên khởi, nhiều đấng bậc không trả lời được lý do tại sao có thiên tai/sầu khổ bằng lời lẽ thông thường cho dễ hiểu, nhưng vẫn nhất tâm như các thánh lâu nay quả quyết:

“Tôi quyết rằng

những đau khổ đời này không đáng là gì

so với vinh quang hòng tỏ hiện trên ta.”

(Rm 8: 18)

Với lời lẽ chính thức thoả đáng, Giáo hội lại đã đưa ra khẳng định rất chuẩn mực như sau:

“Bằng sự khôn ngoan tử tế rất vô cùng, Thiên Chúa đã tác tạo thế giới theo cung cách một hành trình đi đến kết cục rất toàn hảo. Theo kế hoạch của Chúa, hành trình này trở thành diễn tiến lịch sử bao gồm các sự kiện liên can đến các hữu thể được sinh ra và tiếp tục hiện hữu. Trong khi đó, một số hữu thể khác lại cứ biến thái, mất dần. Diễn tiến lịch sử, là sự diễn lộ ra bên ngoài những yêu tố xảy đến với con người, song song với sự toàn thiện vẫn là bất toàn. Lịch sử diễn tiến cả hai mặt. Vừa là sức mạnh hủy diệt, vừa là uy lực dựng xây, theo cung cách tự nhiên trong trời đất.” (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo #310)

Thêm vào đó, Hội thánh còn quả quyết:

“Ta tin chắc Thiên Chúa là Chúa tể vũ trụ lịch sử. Đường lối Ngài định đoạt, theo lẽ thường, loài người khó lòng mà nhận biết. Chỉ vào lúc cuộc đời con người đạt đến giai đoạn kết thúc, khi mọi điều họ nhận thức nay chấm dứt, phải đối diện với Ngài, thì khi ấy, con người mới hiểu mới biết cách tường tận, đường lối Chúa dẫn đưa thụ tạo của Ngài trải qua trạng thái khổ đau/âu sầu/tội lỗi, để rồi thụ tạo ấy mới đạt chốn ngơi nghỉ ngày Sabát, khi Chúa kết thúc công cuộc tạo dựng trời đất, rất vũ trụ.” (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo #314)

Mỗi bản thể là thành phần vũ trụ được tạo dựng, dù có là thần thánh hay người trần xác thịt cũng đều trải qua tiến trình ấy. Vị nào đầy kinh nghiệm từng trải, sẽ có tiếng nói khiến mọi người đều lắng nghe. Là, thi nhân ở đời, người nghệ sĩ cũng lắng nghe, nhưng nghe rồi họ lại hát:

“Ơn em ngực ngải môi trầm

Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan.

Ơn em hơi thoảng chỗ nằm

Giấu quanh giấu quẩn nỗi buồn một nơi.

Tạ ơn em. Tạ ơn em.

(Từ Công Phụng/Du Tử Lê – bđd)

Có là “Ngực ngải môi trầm”, hoặc “cỏ mặn trăm lần lá ngoan, là “hơi thoảng”, vẫn cứ buồn khiến em phải giấu quanh giấu quẩn, ở nơi nào đó có trong đầu, hay trong tim, vẫn là những kinh nghiệm “đau cồn ở cữ”, mà nhiều đấng bậc từng trải, nay giải thích:

“Theo nghĩa rộng, “khổ đau/âu sầu” có nghĩa là mất đi những gì ta yêu thích. Cả đến những gì mình yêu mình thích theo nghĩa như: ngồi vụt dậy khỏi chiếc giường mình đang ngủ cũng là khổ đau. Mất đi sự yên hàn của giấc ngủ đẹp vừa qua đêm, để rồi phải giáp mặt với những sự lạ trong ngày, cũng lại là đau khổ. Khổ đau/âu sầu là những gì mình nhận lĩnh, từ đâu đó. Thế nhưng, hỏi rằng có ai, dù nhận thức thấu đáo cách mấy, dám bảo rằng: mất mát như thế mới xứng hợp với mình, không?..

Tóm lại, theo phần đông các câu truyện nhiều người kể, thì khổ đau/âu sầu là con lộ để ta tăng trưởng như tư cách của bản thể người. Mục đích, để ta thắng lướt mọi thử thách vẫn đề ra…

Khổ đau/âu sầu, chết chóc nếu ta chấp nhận nó như một thử thách, nó sẽ cứu ta ra khỏi cảm giác không đúng lắm về động thái vô dụng, vô tích sự, đáng đổ bỏ của bản thể con người. Theo nghĩa đó, thì kinh nghiệm khổ đau vẫn chuyện cần thiết. Ai dám hân hoan đắc chí cho rằng sức khoẻ mình vẫn tốt, nếu không là người từng mặc bệnh trầm kha? Ai là người biết trân trọng sự sống nếu không phải những người có kinh nghiệm thoát chết trong đường tơ kẽ tóc? Ai dám bảo mình là người rất cảm kích/biết ơn nếu không nhận ra rằng hạnh phúc chẳng là gì cả, chỉ là chuyện chóng qua, rất nhất thời?

Chính vì vậy, hãy xử như ông Gióp từng reo lên trong Cựu Ước, rằng: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?" (x.William j. O’Malley, Forgiving God, America, the National Catholic Weekly 22/9/2008)

Giống như thi nhân ngoài đời, đâu có là người cảm nhận hạnh phúc, suốt nhiều năm. Nhưng thi nhân ấy, nghệ sĩ nọ vẫn chấp nhận âu sầu, buồn da diết. Buồn, đến độ tuôn ra từng âm tiết lạnh lùng, nhưng lại cảm hoá được nhiều người. Để rồi người người cũng ca cũng hát lời thơ hay, từ những ngày:

”Ơn em tình những mù lòa

Như con sâu nhỏ bò qua giấc mùi.

Ơn em hồn sớm ngậm ngùi

Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.

Tạ ơn em. Tạ ơn em.”

(Từ Công Phụng/Du Tử Lê – bđd)

Con sâu nhỏ, bò qua giấc mùi”, “hồn sớm ngậm ngùi”, vẫn là tình tự “giữ lại đời”, “cho nhau”, cả kiếp sau. Kiếp sau hay kiếp trước, là duyên là kiếp của tình người từng biết đến khổ đau, âu sầu, nhiều chết chóc. Điều đó, có thể ai cũng kinh nghiệm từng trải. Nhưng, vẫn muốn tìm nguyên do của nó, ngõ hầu đổ tội hoặc giận dỗi, cách vô lối. Tuy nhiên, có những vị không giận dữ vì khổ đâu, âu sầu, bức bách. Các vị ấy, vẫn cảm kích biết ơn và kiếm tìm người đồng cảnh ngộ để san sẻ. Trong số đó, phải kể đến đấng bậc vị vọng ở Melbourne với những tâm tình rất trung thực như sau:

“Cơn địa chấn và sóng thần mới đây ở Nhật, đã dấy lên nhiều tâm tình cảm thông, thương xót. Vì xót thương, nên nhiều vị lại đã trở về với câu hỏi, có từ ngàn xưa: sao ta cứ đau cứ khổ đến thế?” Đây là câu hỏi từng làm điên đầu nhiều vị thánh đã từ lâu. Lâu cả ngàn năm. Lâu, nhiều thiên niên kỷ. Đến độ, có người còn nghĩ: Thượng Đế là Đấng Nhân lành và Hiền Từ vô cùng, đồng ý thế, nhưng sao Ngài cứ để đau khổ/sự dữ xảy đến với con người?”

Trước nhất, ta phải công nhận một điều, rằng: chẳng ai tài giỏi để có thể trả lời được câu hỏi ấy, chí ít là khi chính mình hoặc những người đang giáp mặt với khổ đau/âu sầu. Nếu có ai cho rằng mình có thể đưa ra câu trả lời, thật đích xác, cũng nên gọi họ là người nói láo, hoặc khùng điên. Hoặc, chỉ là người chưa bao giờ biết đến khổ đau là gì hết.

Thứ đến, phải công nhận rằng: tin vào Chúa có nghĩa là mình tin rằng Ngài có cung cách hành xử thật bí hiểm. Còn nhớ, có lần tác giả cuốn sách mang tựa đề “Nói về Chúa”, là thày tư tế Daniel Polish từng bảo: “Tôi không tin vào Thiên Chúa mà ý định hoặc động lực của Ngài rõ như ban ngày, đối với tôi. Với tư cách là kẻ có lòng tin, tôi vẫn thấy mình nên nghi ngờ những người đưa ra nhận xét rõ ràng đến như thế.”

Thành thật mà nói, bản thân tôi nay không còn dựa vào các lý lẽ rút từ Sách thánh để giải thích lý do của khổ đau, như: Đau khổ là hình phạt Chúa gửi. Là, cung cách để ta giữ mình được thanh sạch. Là phương cách giúp ta tham gia cuộc sống của Đức Giêsu… Là, thành phần cuộc sống trong thế giới bất toàn, của con người vv…và vv...

Trong Tin Mừng thánh Gioan, chính Đức Giêsu từng phản bác ý nghĩ cho rằng mù loà là kết quả của tội lỗi, như sau:

“Các môn đệ hỏi Người:

"Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù,

anh ta hay cha mẹ anh ta?"

Đức Giê-su trả lời:

"Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội.

Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa

được tỏ hiện nơi anh.”

(Ga 9: 2-4)

Với tôi, điều giúp mình cảm thông với nỗi khổ mình chịu là tin rằng Chúa luôn đồng hành với mình trong đau khổ. Vẫn có nhiều điều còn “bí hiểm” khiến tôi không hiểu được như các vấn đề đặt ra trong sách Gióp ở Cựu Ước, nhưng tự thân, tôi vẫn đặt mình trong tương quan với Chúa. Vẫn cố gắng, dù đôi lúc cũng thất bại, cố gắng ủy lạo bệnh nhân, uỷ lạo chính minh đang đau đớn vì bệnh tật để nói được rằng: chính Đức Giêsu cũng từng giáp mặt với khổ đau, trong đời Ngài. Ngài sẽ cùng ta nguyện cầu để cùng đồng hành với ta qua cơn đau.

Một điều rất rõ, là khi đã chấp nhận để Chúa đồng hành với ta, qua cơn đau như thế, tôi nhận ra được hy vọng đang loé sáng trong tôi, khiến tôi có thể chấp nhận thực tại của đau khổ. Và đó là con đường để tôi gặp gỡ Chúa. Đây không là lý do cũng chẳng là giải thích của khổ đau, nhưng đôi lúc vẫn có thể là thành phần trong kinh nghiệm chịu đau chịu khổ, tôi từng trải.

So với những đau khổ mà người ở Nhật đang gánh chịu, khổ đau tôi từng chịu chỉ là một phần rất nhỏ so với kinh nghiệm đau thương của họ. Hơn nữa, đau khổ của tôi không giống khổ đau của anh hoặc chị đang cam chịu. Tôi chỉ muốn nói một điều, là cũng như mọi kẻ tin khác cần tìm ra con đường để đến với Chúa, thì thị kiến về khổ đau bao giơ cũng là kinh nghiệm riêng tư, mật thiết nhất.” (x.Lm James Martin sj, Why Do We Suffer?, The Jesuit Guide to (Almost) Everything, 13/3/2011)

Bàn về kinh nghiệm khổ đau với bệnh tật, là người ai mà chẳng có một lần cảm nhận như thế. Nhưng kinh nghiệm của người nhà Đạo, tức các vị có quan hệ gần gũi với Chúa nhất, vẫn đa dạng. Mỗi người mỗi cách. Thường thấy nhất, là cách thức của một số tu sĩ có phản ứng nhanh nhẹn, dễ nói như:

“Các kẻ tin vào Chúa, đều tỏ ra nghi ngờ về các câu trả lời quá dễ, đối với vấn đề khổ đau. Mẹ tôi có lần kể cho tôi nghe về vị nữ tu trọng tuổi nọ sống trong làng hưu dưỡng cùng với bà ngoại của tôi nay đã 90. Một hôm bề trên của vị nữ tu này đến làng thăm kẻ liệt, thì được vị nữ tu trọng tuổi than vãn về cơn đau lưng kéo dài tưởng như không dứt. Vị bề trên bèn khuyên: “Mỗi khi đau, chị hãy nghĩ về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trên thập tự.” Nữ tu nọ bèn đáp trả: “Dạ thưa Bề trên, Chúa chỉ ở trên thập giá có ba tiếng thôi, còn con đây suốt ngày này qua tháng nọ, thế mới chết…”

Về câu trả lời quá dễ ấy, Lm Richard Leonard dòng Tên có viết về kinh nghiệm thương đau ngài phải chịu cuốn sách mang đầu đề “Chúa ở nơi chết tiệt nào thế?” Trong sách, tác giả kể về các khổ đau mà gia đình ngài phải chịu. Bố của ngài chết vì nhồi máu cơ tim năm 36 tuổi, để lại người mẹ đơn chiếc chăm lo cho 3 người con.

Tảng sáng ngày sinh nhật thứ 25 của linh mục, Bề trên của ngài gọi dậy để nghe điện thoại mẹ gọi. Mẹ cho biết chị ruột của ngài là Tracey, một nữ y tá làm việc cho cộng đồng người Thổ dân, đã bị tai nạn xe cộ, rất khốc liệt. Kịp đến khi thăm được chị bằng chuyến bay tốc hành, thì Tracey đã toàn thân bất toại, đành chịu liệt. Trong cơn đau đến nổi quạu, mẹ ruột của linh mục kêu lên “Chúa đang ở cái xó chết tiệt nào vậy?” Không như câu trả lời quá dễ dàng của vị nữ tu kia, linh mục Richard Leonard sj chỉ biết mếu máo trả lời: “Mẹ à, con nghĩ Chúa của mình cũng đang bấn lên, không kém. Như Thiên Chúa của Isaya từng làu bàu không ít, như Đức Giêsu từng khóc rống bên cạnh mộ phần của người bạn thân, con nghĩ Thiên Chúa không đứng bên ngoài mọi khổ đau của gia đình mình, đâu mẹ. Nhưng, Ngài là người bạn đồng hành vẫn ấp ủ ta trong cánh tay Ngài, để sẻ san nỗi đau buồn thống khổ của mẹ con mình, trong lúc này.”

Ngoài ý tưởng về sự khổ đau vốn dĩ giúp ta mở lòng mình để có kinh nghiệm thực tế về Chúa, tôi nghĩ đây là nhận thức thần học khá sâu sắc có thể giúp ích được nhiều người đang trong cơn đau, đó là hình ảnh về Thiên Chúa từng chịu đau chịu khổ, Đấng luôn sẻ san nỗi sầu buồn, Thiên Chúa hiểu rõ và cảm thông với con người hơn ai hết.

Trả lời cho câu hỏi về nguyên nhân gây đau khổ, có câu trả lời thích hợp với người hỏi, có câu làm cho người đang đau khổ thấy lạnh lùng hoặc xúc phạm hơn. Nhưng tựu trung, mỗi người khi đau đớn, phải biết tìm ra phương án nào khả dĩ giúp mình giáp mặt đương đầu với cơn đau hoặc mất mát luôn có Chúa. Bởi, đau khổ vẫn là một “bí nhiệm” đối với nhiều tín hữu, nhưng tuyệt nhiên không là thứ gì ta có thể bỏ sót hoặc lãng quên, nhưng là thứ gì ta cần chú tâm đến bằng cả con tim lẫn thần tính.” (x. Lm James Martin sj, bđd)

Nói gì thì nói, diễn tả nét cùng cực rất đích thực của khổ đau như hai linh mục James Martin sj và Richard Leonard sj không là những gì bất kính tỏ ra với Chúa. Đúng hơn, nên hiểu đây là phản ứng rất bình thường của con người khi rơi vào cảnh khổ đau giống như trên. Tất cả chỉ để nói lên rằng: Chúa đâu sao không đến giúp, con chịu hết nổi rồi, Chúa ơi!

Bằng vào kinh nghiệm bản thân lúc nào cũng thấy đau khổ/khổ đau ở quanh quất, hẳn rằng ai cũng đồng ý mà bảo: khổ đau là sự thật rất thực, luôn đồng hành canh cánh với sinh vật sống. Chí ít, là con người. Làm người, không ai thoát khỏi khổ đau, sầu buồn, mất mát. Đó, là qui luật của sự sống.

Là sinh vật sống, hữu thể nào cũng phải chấp nhận qui luật ấy. Thế nên, thay vì bác bỏ đau khổ, Đức Giêsu đã vui lòng chấp nhận khổ đau, sầu buồn cho đến chết. Ngài chấp nhận, vì biết rằng Ngài luôn có Cha ở cạnh để cảm thông và san sẻ.

Nói cho cùng, cũng nên hiểu khổ đau, sầu buồn, mất mát là quà tặng Chúa đính kèm với sự sống, ngay từ đầu. Quà tặng, đâu phải lúc nào cũng trơn tru, tốt đẹp, bền vững mãi. Tốt hay xấu, khổ đau hay hạnh phúc vẫn là quà. Còn lại, là thái độ của mỗi người khi gặp phải qui luật đau thương ấy mà thôi.

Để minh hoạ cho triết lý sống này, cũng nên về với truyện kể nhè nhẹ, dễ nghe sau đây:

“Hôm ấy, một ngày không đẹp trời cho lắm, chú bé tinh tinh (đười ươi) cắc cớ, hỏi mẹ:

-Mẹ ơi, có thể nào mẹ dạy cho con biết: mẹ con mình trông to lớn, mạnh khoẻ hơn bất cứ loài khỉ/vượn nào khác, mà sao tướng tá vẫn dị hợm và không tránh khỏi các cơn đau như mây chiều lạnh giá, thế hả?

Tinh tinh mẹ hiền nhìn con một hồi, rồi cười bảo:

-Tốt hơn, con hãy cảm tạ Thượng đế đã cho mình được như thế. Trông vậy, mà mẹ con mình vẫn còn hơn chán vạn loài thú khác, đó nghe con. Kìa con xem, to lớn như loài voi, loài người thế mà có loài nào thoát được hình hài quái dị, lại bị đau bị khổ đến chết được cơ chứ. Bằng lòng đi con. Mình có muốn hơn loài khác cũng chẳng được đâu, con à…”

Đúng thế. Bằng lòng đi bạn, bằng lòng đi tôi. Ta cứ vui vẻ bằng lòng, rồi sẽ hát lời ca trên rằng:

“Ơn em, thơ dại từ trời

Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi.

Ơn em, dáng mỏng mưa vời,

Theo ta lên núi, về đồi yêu thương.

Tạ ơn em. Tạ ơn em.”

(Từ Công Phụng/Du Tử Lê – bđd)

Tắt một lời, tất cả đều là Ơn “Em” từ Trời, cũng rất thơ nhưng không dại. Vì thế nên, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ tạ ơn đời. Tạ ơn Người. Mãi khôn nguôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ tạ ơn Em.

Tạ ơn hết mọi người

Suốt một đời.

Saturday 12 March 2011

“Kể từ em, đem cô đơn mọc lên phố vắng”

Khi em mang nụ cười khỏi đời. Từng chiều rơi nghe như cõi lòng mình tê tái Ngỡ như đời còn gọi tên nhau” (Từ Công Phụng – Tuổi Xa Người) (Ga 12: 32) Đặt đầu đề cho nhạc bản mình vừa viết, mà tác giả lại gọi là “Tuổi Xa Người”, có quá đáng không? Bởi, tuổi người đâu có là linh hồn mà bảo xa với gần. Hoặc, tác giả đây muốn nói đến tình huống “cô đơn”, “tê tái”, một cõi lòng. Rồi lại bảo: “phố vắng”, “nụ cười”, “từng chiều rơi”, vv và vv.. Nếu là nhà Đạo, hẳn tác giả sẽ gán ghép tư tưởng ấy vào buổi nguyện cầu ngày Chay thánh, rất lễ tro? Thế nhưng, ngay sau đó, tác giả lại đã hát: “Ngày đó khi một lần, một lần tiếng hát Đồng lõa đưa em vào vùng trời lấp lánh Bằng những cánh sao trời đầy đôi mắt ngước trìu mến. Em, em xa dần ngàn đời hoang vắng tôi đi về buồn chưng kẽ tóc bước chân này còn trọn kiếp hoang vu.” (Từ Công Phụng – bđd) À thì ra, tiếng em ca hát, nhiều lắm cũng chỉ là: “đồng loã đưa em vào vùng trời lấp lánh”, với “cánh sao trời đầy đôi mắt ngước trìu mến.” Để rồi, em “xa dần ngàn đời hoang vắng”, và “bước chân này còn trọn kiếp hoang vu…” Ôi thôi là lời lẽ, những âm nhạc. Ấy đấy, là ý tưởng với hồn thơ. Mấy ngày nay, bần đạo cũng đi vào chốn “ngàn đời hoang vắng” có suy tư về những kiêng khem/tự kiểm, của mùa Chay. Gọi suy tư, là nói về những tư lự, rất suy và cũng nghĩ. Suy tư hay suy nghĩ về trạng huống chay kiêng, một tình tự cũng bôn ba, vương vấn, vẫn là tâm tư người nhà Đạo, như bầy tôi đây, lúc này. May thay, nhờ ơn Trên soi sáng, bần đạo nhặt nhạnh được đoạn chú giải của bậc thày đàn anh đã từng viết về động thái đúng đắn cần có vào chay mùa, như sau: “Ngày nay phụng vụ Mùa Chay cũng không ngừng loan báo Tin Mừng. “Mầu nhiệm Vượt Qua”, “hình ảnh Con Chúa Phục Sinh” (lời nguyện làm phép tro). “Trên núi thánh, bày tỏ vinh quang Ngài (…) Ngài đã cho các môn đệ hiểu rằng phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang Phục Sinh” (Tiền tụng Chúa Nhật II Mùa Chay) “dịp thanh tẩy tâm hồn và hân hoan đón mừng các mầu nhiệm Vượt Qua” (Tiền tụng Mùa Chay I); “Sức mạnh của thập giá chứng tỏ rằng thế gian đã bị lên án và quyền lực của Đấng bị đóng đinh nay được sáng ngời” (Tiền tụng Thương Khó I). “Đã gần tới những ngày Đức Kitô chịu khổ hình để cứu độ và sống lại vinh quang…” (Tiền tụng Thương khó II). Mùa Chay, hay lúc nào khác trong năm, thì Phụng vụ vẫn là xum họp quanh Chúa Kitô đã sống lại, “không còn chết nữa” (Rm 6: 4): người tín hữu không bao giờ còn phải ”đi tìm Đấng Sống giữa những người chết” (Lc 24: 5). Cách thức Vượt Qua, Vọng Phục Sinh mới cốt cách, tinh thần của cả Mùa Chay. (x. Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, Cơ Sở Hy Vọng 2002, tr. 156)” Hiểu được tinh thần của Mùa Chay theo chiều hướng ấy, hẳn bạn và tôi, ta sẽ hát: “Một chiều êm tay đan tay dìu nhau trên lối Đưa em đi nhè nhẹ vào đời. Bằng vòng tay tôi nâng niu mùa thu thức giấc Đưa em vào ngày tháng vỗ về” (Từ Công Phụng – bđd) Vỗ về nhiều ngày tháng, hỡi bạn và tôi, ta hãy cứ “tay đan tay” dìu nhau mà đi. Đi vào đời, để thấy rằng đời mình/đời người, ai cũng gặp được ở đâu đó, những ý tưởng/ý hướng rất “trí lớn gặp nhau”, như sau: “Mùa Chay là thời gian dài đằng đẵng để mọi người chuẩn bị cho lễ hội lớn lao nhất trong năm Phụng vụ: Lễ hội Phục Sinh rất quang vinh của Đức Chúa. Lễ Hội Phục Sinh, đến lượt mình, chấm dứt Tam Nhật Vượt Qua, trong đó Hội thánh cử hành tưởng nhớ nỗi niềm khổ đau đến chết của Đức Kitô, để mang đến cho loài người, ơn cứu độ. Vào mùa chiêm niệm rất Chay, hôm nay, ta tháp tùng Chúa qua đoạn đường khổ ải để cùng Ngài Sống Lại. Có làm thế, ta mới sống thực lời Ngài gọi mời ở Tin Mừng: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16: 24) Mùa Chay, là thời gian để ta quan tâm tự hỏi: mình nên làm gì hơn thêm? hơn là tự nhủ “hãy nên từ bỏ những gì”. Nếu ta sống thực những điều như thế cho thật tốt, thì có lẽ cũng chẳng cần chờ đến Phục Sinh mới hưởng được niềm vui Chúa tặng ban. Hiểu mùa Chay theo ý nghĩa đích thực là như thế, thì rồi đối với ta, mỗi ngày trong đời sẽ là Lễ Hội Phục Sinh kéo dài để ta càng gần gũi Đức Kitô hơn qua việc từ bỏ chính mình, bằng những nguyện cầu và động thái mến thương người đồng loại.” (x. Lm John Flader, The Catholic Weekly 28/2/2011, tr. 10) “Tay đan tay, đi vào đời”, để rồi sẽ lại gặp giòng chảy khác, cũng ưu tư không kém về ý nghĩa của chay kiêng/nguyện cầu, rất như sau: “Trong những ngày qua, tôi thường nghe những câu đại loại như: mùa chay này, ta nên từ bỏ hay hy sinh điều gì đây? Hoặc: ta sẽ làm gì để Mùa Chay này mang nhiều ý nghĩa? Người thì quyết tâm bỏ thuốc lá. Kẻ thì cố gắng bỏ uống bia. Người khác có ý định bỏ ăn đồ ngọt, vv. Nói chung, những ý ngay lành nói trên và những ước muốn hy sinh tương tự, cũng đều tốt. Tuy nhiên, các lực sĩ hay nhà thể thao không chỉ thực hiện những điều ấy trong mùa chay, thôi. Họ tập luyện và từ bỏ những gì cấm kỵ trong suốt đời mình. Vậy, ta phải làm gì cho xứng với yêu cầu của Mùa Chay?... Thay vì đi tìm lời đáp cho câu hỏi: ta nên hy sinh/từ bỏ điều gì trong mùa Chay này, tôi nghĩ đến điều tích cực hơn, là: tự vấn xem mình sẽ làm thêm điều gì. Nói đến việc chúng ta cần từ bỏ điều gì, vẫn có thể hiểu ngầm là ta có quyền trên điều đó. Rồi vì hy sinh, nên ta mới từ bỏ nó… Nhưng thật ra, ta có quyền gì đâu? Những gì ta có, đều do Trên ban. Trong các trình thuật kể về việc Chúa Giêsu tìm ẩn dật trong hoang địa, sa mạc không thấy nói đến việc Chúa từ bỏ. Tất cả những gì Chúa làm, là Ngài làm cho Thiên Chúa, Cha Ngài. Và từ đó, mối quan hệ giữa Ngài và Cha càng mật thiết hơn. Cả Hai như một vậy. Từ bỏ thói hư tật xấu, là những việc làm đáng cổ võ, khích lệ. Nhưng, như thế vẫn chưa đủ. Vì, như nhành nho, chúng không chỉ bị tỉa mà còn phải đơm hoa kết trái nữa. Và, chỉ có ở trong Tình yêu và sự cộng tác của Thiên Chúa thì hoa trái mới sinh ra và tồn tại mãi.” (x. Lm Giuse Mai Văn Thịnh, CSsR, Chay Mùa Đã Đến, www.giadinhanphong.blogspot.com 10/3/2011) Nói thế, là nói khác người nghệ sĩ cũng từng đi. Nghệ sĩ đi, không nhất thiết phải “tay đan tay” đi vào cuộc tình có những điều cần thêm hay bớt. Mà là: đi vào cuộc tình có thi ca/âm nhạc, lời chưa vui: “Một mình đi, lang thang trong mùa đông rét mướt nghe bơ vơ hồn mình, lạc loài Buồn dậy lên, trên dung nhan gầy xanh của tuổi trên tháng ngày hằn vết đời mình. “Trời mùa Đông, hong khô đi niềm tin sỏi đá trên đôi tay này mình còn gì. Và giòng sông, trôi đi vô tình mang tất cả cuộc đời này, của người hay tôi.” (Từ Công Phụng – bđd) Ở giòng sông cuộc đời, vào trời Đông, tuy “hong khô niềm tin sỏi đá”, nhưng đâu nào đã vô tình “trôi đi”, “mang tất cả, của người hay tôi”, được. Bởi, cả khi Ngài sắp sửa ra đi, Chúa vẫn quả quyết rằng: “Và Ta, một khi Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta.” (Ga 12: 32) Xem thế thì, khi được “giương cao khỏi đất” rất Chay kiêng, là lôi kéo cuốn hút mọi người về lại với Ngài. Về với Tình yêu thương, như Chúa nói. “Giương cao khỏi đất”, để hiểu rõ hơn ý nghĩa của chay kiêng/nguyện cầu, rất đợi “Giờ”. Đợi “Giờ”, là ý nghĩa khác nữa của Chay kiêng rất thánh thiêng như nhận định của bậc thày đàn anh, từng bày tỏ: “Mùa Chay là mùa Vọng Phục Sinh. Mùa đợi “Giờ”. Không lạ gì ngày Thứ Sáu Thánh, ngay sau khi công bố tường thuật thương khó, Hội thánh tôn vinh thập giá và với lòng tin cậy hứng khởi, lạc quan tràn trề. Hội thánh dâng lời cầu nguyện cho từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, cho khắp bàn dân thiên hạ, không trừ một ai. Ngay trên thập giá hạt giống đang sai hoa lắm quả và Chúa Kitô đang kéo mọi người lại với Ngài.” (x. Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, Cơ Sở Hy Vọng 2002, tr. 171) Đợi “Giờ” đây, là đợi chờ “Giờ” cứu độ từ Chúa, rất Phục Sinh. Nếu Chúa không Phục Sinh, thì cũng chẳng ai cần đợi đến thế. Chẳng có gì, để phải chờ như vậy. Đợi “Giờ” đây, là đợi chờ để có được một biến đổi. Biến đổi, từ tro bụi thành tình huống có sự sống mới. Sự sống đã phục hồi nhờ vào lửa Phục Sinh của Chúa. Biến đổi, từ trạng thái vỡ đổ/tàn lụi, thành tình huống biết dựng xây. Bồi đắp. Từ trạng thái nô lệ đoạ đày sang tình huống có tự do con cái Chúa. Từ suy sụp/gãy đổ sang hoà giải/đỡ nâng. Từ tình trạng chết chóc cảnh huống sinh động. Sinh động, có lửa cháy bừng bừng sức sống, Chúa đỡ nâng. Độ dài mùa Chay kiêng là một biến đổi rất kéo dài. Dài, những 40 ngày. 40 ngày, của đại hồng thủy. Của, lưu lạc nơi sa mạc. Của, thời gian dân Do thái cầu mong Môsê tiếp xúc với Giavê Thiên Chúa để rồi Ngài sẽ đỡ nâng. 40 ngày dài, khiến ngôn sứ Êlya cứ phải lang thang đây đó. 40 ngày dài/năm tháng, là thời gian chính Giôna đã loan báo việc Ninivê bị hủy diệt. 40 ngày dài, là thời gian Chúa chấp nhận thử thách/cám dỗ nơi sa mạc. Và, 40 ngày dài, là thời gian để mọi người thay đổi chính con người mình, tận thâm căn. Biến đổi, để tái sinh. Sống lại. Biến đổi thành người mới, Chúa ở cùng. Và, dù gì nữa, 40 ngày Chay kiêng biến đổi, sẽ không làm mọi người khô khan, chán nản. Sơ cứng. Nhưng vẫn kiên trì đủ như lời ca của nghệ sĩ từng hát: ““Ngày đó khi một lần, một lần tiếng hát Đồng lõa đưa em vào vùng trời lấp lánh Bằng những cánh sao trời đầy đôi mắt ngước trìu mến…” (Từ Công Phụng – bđd) Cuối cùng thì, 40 ngày chay kiêng/biến đổi là tháng ngày đưa ta về với “cánh sao trời”. Với, “đôi mắt ngước trìu mến” của mẹ hiền, là Đức Kitô. Tháng ngày ấy, phút giây này, vẫn cứ là buổi chay kiêng rất tâm tịnh; ở đó, có ánh sáng vui tươi nhè nhẹ như truyện kể, để thư giãn, rất như sau: “Alexander là vị vua vĩ đại. Trên đường khải hoàn sau khi chinh phạt nhiều nước, ông ngã bệnh. Thời khắc ấy, những vùng ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, thanh gươm sắc bén và giàu sang không còn mang ý nghĩa gì với ông nữa. Ông nhận ra rằng: cái chết sắp sửa đến; và ông sẽ không về kịp với mảnh đất quê hương mình. Ông bảo các sĩ quan dưới trướng rằng: -Ta sắp sửa rời bỏ thế gian này. Ta có ba nguyện ước. Các ngươi phải thực hiện những gì ta bảo. Các vị tướng tuân lệnh trong nước mắt dầm dề. -Nguyện ước đầu tiên của ta, là: hãy bảo thầy thuốc mang hòm rỗng của ta về một mình. Sau khi cố hít thở một hơi, Alexander lại nói tiếp: -Ước nguyện thứ hai của ta, là: hãy rải vàng bạc châu báu trong kho của ta suốt dọc đường đến tận nấm mồ của ta khi các ngươi mang quan tài ta ra nghĩa địa”. Sau khi quấn mình trong áo khoác và nghỉ ngơi một lúc, ông nói tiếp: -Nguyện ước cuối cùng của ta, là: hãy đặt 2 bàn tay ta ra ngoài cỗ quan tài. Mọi người quanh ông đều tò mò, nhưng không ai dám hỏi lý do tại sao thế. Vị cận tướng của Alexander hôn đôi bàn tay ông rồi hỏi: -Tâu đức Vua, hạ thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng xin Ngài có thể cho hạ thần biết tại sao Ngài lại muốn bề tôi làm như vậy? Sau khi gắng thở một hơi dài, Alexander trả lời: -Ta muốn mọi người hiểu được ba bài học mà ta học được. Nguyện ước thứ nhất cốt để thầy thuốc đưa cỗ quan tài về một mình, là cho người ta nhận ra rằng các thầy thuốc không thể nào thực sự chữa bệnh cho con người được. Chí ít, là khi con người đối diện với cái chết, thầy thuốc đều bất lực. Ta hy vọng mọi người sẽ học ra được bài học này, là: biết trân quý sự sống của chính họ. Nguyện ước thứ hai của ta, là để nhắn mọi người rằng: không nên bắt chước ta theo đuổi giấc mộng làm giàu. Nếu ta bỏ cả một đời chạy theo sự giàu sang phú quý, ta sẽ lãng phí hầu hết thời gian quý báu của chính con người. Nguyện ước thứ ba của ta, là để người đời hiểu rằng: ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng và ta sẽ rời thế gian này cũng với hai bàn tay trắng, mà thôi. Nói xong ông nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng, ra đi rất thanh thản.” Thế ấy, là kinh nghiệm của vua quan/lãnh chúa, về cuộc đời có nỗi chết. Thế ấy, là lời bàn rất “Mao Tôn Cương” của người kể để nói về những tháng ngày ròng rã khổ đau. Âu sầu. Buồn bã. Những tháng ngày dài của cuộc sống, rất đời thường. Những 40 ngày đêm chuyên chăm nguyện cầu. Những ngày tháng có cuộc sống rất bức bách. Luôn tự vấn về những hành xử của chính mình, suốt cuộc sống, dưới ánh sáng của Phục Sinh, quang vinh. Cuối cùng thì, sống đời người cho có nghĩa, sẽ làm bạn làm tôi biết hy vọng vào những ngày vui. Vui, như Phục sinh mới. Vui, vì đã tìm ra cứu cánh cuộc đời, dù vẫn còn chìm đắm trong thương đau. Phiền muộn. Bởi, đau thương/phiền muộn rồi cũng sẽ qua đi. Sẽ, chẳng bao giờ kéo dài mãi, đến thiên thu. Bởi, Đức Chúa đã khẳng định với những kẻ quyết đi vào trầm lặng, rất Chay kiêng, rằng: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, sẽ giữ được sự sống đời đời.” (Ga 12: 25) Bởi thế nên, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ nên hy vọng và tin vào lời Chúa hứa. Hãy cứ thực hiện Lời Ngài, mỗi ngày trong đời. Cứ sống niềm vui Phục Sinh, giữa Mùa Chay kiêng, để rồi, tự khắc sẽ thụ hưởng tương lai mai ngày, rất ngời sáng. Trần Ngọc Mười Hai Tự thấy nên nhắc nhở mình nhắc nhở người, về lời hứa của Chúa. Như Ngài từng dặn dò bấy lâu nay.

Saturday 5 March 2011

“Năm xưa, khi tôi bước chân ra đi,”

Đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi. Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi, Đừng nói tiếng phân ly. (Hoàng Quý – Cô Láng Giềng) (1Cr 6: 19) Lại nói thêm một lần nữa, “Em” đây vẫn không là “Em” của tôi, khi em nói: “Em sẽ chờ”. Và tôi đây, cũng chẳng là đấng bầy “tôi” hôm nay, đâu đấy nhé! Bởi giờ đây, hôm nay, “tôi” đây cũng đã khác nhiều. Khác, là bởi vì: bây giờ tôi đã biết. Biết rằng: “Tan mơ, trời xuân đôi môi thắm. Đôi mắt nhung đen màu hạt huyền. Làn tóc mây chiều cùng gió ngàn, dâng sóng. Tan vỡ cuộc tình duyên.” (Hoàng Quý – bđd) Một lần nữa, lại thêm câu nói: đôi mắt của tôi đây, vẫn cứ “nhung đen mầu hạt huyền”, thật rất đúng. Thật hơn nữa, cả vào lúc: “tan mơ, trời xuân đôi môi thắm”. Cả vào khi “tan vỡ cuộc tình duyên.” Tình của tôi. Của em. Của mọi người, rày có vỡ tan/tan vỡ vì toàn thân tôi/thân em, nay cũng khác. Khác xưa, rất nhiều. Khác, cả một nỗi: người người vẫn nhìn tôi/nhìn em suốt nhiều hồi, cũng đâu nhận ra. Bởi, tôi và em, nay xem ra thế nào ấy. Bởi, toàn thân em/thân tôi bây giờ cứ lủng lẳng những khoen vàng vòng xanh trắng. Có “vân cẩu” vần vũ, với trăng sao. Bởi, mình tôi/mình em và mình người trẻ bây giờ, những đeo mang đủ mọi hình thù, khiến người nghệ sĩ khi xưa lại hát thêm: “Hôm nay, trời xuân bao tuơi thắm, Dừng gót, phiêu linh về thăm nhà. Chân bước, trên đường đầy hoa đào rơi. Tôi đã, hình dung nét ai đang cười.” (Hoàng Quý – bđd) Nét ai đang cười. Người có cười, đâu phải vì họ muốn hân hoan, chào đón một ai đó. Dù người đó, có là em. Mọi người cười, có thể vì vẫn nghĩ: tôi và em, nay như thể từ hành tinh nọ chợt bay đến. Mọi người cười, có thể vì hôm nay, vẫn nghe hát: “Cô láng giềng ơi! Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi. Chân bước xa xa dần, miền quê. Ai biết cho bao giờ, tôi về...” (Hoàng Quý – bđd) Vâng. “Nét ai đang cười” mà tôi “hình dung (được)”, có thể là nét của em. Của, cô láng giềng ngày xưa ấy, cũng rất quen. Có thể là, của cộng đoàn buổi xa xưa thời tôi sống, nay mỗi người mỗi vẻ, vẫn cứ nhìn tôi/nhìn em bằng dáng vẻ xót xa. Cách biệt. Dị kỳ. Dị và kỳ, đến độ bạn bè gặp lại ai cũng hỏi. Cũng đưa ra một nhận định, như bạn Đạo nọ đã thẳng thắn phát biểu một cách công khai, như sau: “Mấy năm gần đây, tôi thấy nhiều người lạ cũng như quen, dám cả gan vi phạm chốn “đền Chúa Thánh Thần”, rất trân trọng. Điều tôi muốn nói, là: ý chừng thiên hạ nay chẳng còn coi truyền thống đạo đức ra trò trống gì hết. Cái gì mà: trên mình họ, cứ “tòong teng” đủ mọi thứ. Nhìn thật kỹ, lại thấy có người còn vẽ đủ mọi hình thù xanh/đỏ, coi rất chướng. Vẽ thế rồi, lại còn phô trương khu vực kín đáo của thân mình có hình thù kỳ dị cho mọi người coi, thế có chết không. Hỏi ra mới biết, đó là nét “xâm mình” mà họ cho là tuyệt phẩm nghệ thuật, ở trên người. Thú thật, bản tôi cứ phải kêu lên: nghệ thuật đâu không biết, riêng tôi vẫn nghĩ là: các vị này vô hình chung đã đụng chạm vào truyền thống đạo đức nhân vị, của con người. Mà, một khi đụng chạm như thế, trước sau gì cũng sẽ bị Trời Phật quở mắng/trách phạt, cho coi. Vậy, ai có con có cháu vẫn đua đòi theo kiểu Tây/kiểu Mỹ, hãy coi chừng kẻo chúng sẽ xa rời lẽ Đạo.” (Phát biểu của một chị đạo đức rất Vêrônica trong buổi họp bàn chuyện nhân gian, sau giờ kinh tối lần hạt chung) Là buổi họp mặt góp ý sau kinh tối, nên các vị nói ở đây có nhiều thứ để kể cho nhau nghe. Có vị nọ, có dáng dấp rất trí thức, đã xin mọi người quay về giòng lịch sử xưa cũ để xem xét những chuyện dễ có khunh hướng chạm vào truyền thống đạo đức của Đạo mình, ngõ hầu mọi người được yên tâm. Vị ấy bảo rằng: “Tập tục vẽ hình trên thân thể, người xưa gọi là “xâm mình”, có từ thời cổ sử. Tôi nhớ, vào năm 1991 người dân ở nước Ý và Áo Quốc gì đó đã tìm ra một xác đông lạnh nằm trên núi tuyết có lịch sử lâu đời đến 3,300 năm trước Công nguyên. Trên thân xác người này, các nhà khảo cổ tìm thấy những hình xâm vân cẩu, rất lạ kỳ. Ở giữa hình, có cây thập tự với 6 đường cắt ngang. Có đường, dài tới 15cm. Nhiều nhà khảo cổ khác cũng đã tìm ra ở Ai Cập, một số xác ướp có niên đại lên tới cả 2000 năm trước công nguyên, nữa. Ngay ở Ai Cập vào thời cổ sử, người ta cũng tìm ra xác của những người bị giam giữ có khắc tên của vị thần hoặc chữ Pha-ra-ô mà họ sùng bái. Người Do thái cũng có một số tập tục liên quan đến chuyện sùng bái phụng thờ ngẫu thần của ngoại giáo. Cũng có tập tục rất lạ, không theo tập tục hoặc đạo đức của Do thái giáo. Vào thời Môsê, luật Do thái ngăn cấm chuyện vẽ hình lên thân xác con người nữa. Bản tôi có người bạn theo Tin Lành, một hôm, trong lúc đề cập đến chuyện này, anh ta nói với tôi là anh đọc sách Lêvi thấy có đoạn viết như sau: “Ngươi không được phép để những dấu cắt trên da thịt người chết hoặc có hình vẽ khó coi, trên thân xác của ngươi. Ta là Giavê Thiên Chúa nói với người điều đó.” (x. Lv 19: 28) Chả là, câu chuyện bàn về những điều lạ trong thói quen giữ Đạo ngày hôm nay, nên bà con trong cuộc xem ra thấy quá hấp dẫn, bèn góp giọng cho vui, như sau: “Theo tôi, con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Bởi thế, nên không ai được phép vẽ hình gì, dù chỉ một thánh giá nhỏ trên thân xác của mình hết. Nói cách khác, không chỉ mỗi hồn người được Chúa tạo dựng giống hình ảnh của Ngài thôi, mà cả thân xác mình nữa. Nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì bọn mình lại càng phải tôn kính hình ảnh lành thánh ấy nữa chứ!” Nghe chuyện, một nữ lưu ra chiều am hiểu nhiều truyện được viết trong Kinh thánh, đã tham gia ý kiến, như sau: “Đọc Sách thánh, tôi nhớ một đoạn trong đó thánh Phaolô viết cho bổn đạo của ngài rằng: Anh em có biết rằng thân xác của anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự, hay không? Và anh em có được thân xác này, là do ân huệ Chúa ban không? Nếu vậy, anh em phải làm sáng danh Chúa bằng thân xác rất đáng kính trọng của mình chứ!” Tham dự buổi đọc kinh tối hôm ấy, bần đạo chẳng dám đưa ra ý kiến nào hết, sợ mọi người cho rằng mình chẳng biết gì mà cũng thưa thốt, bởi thế nên hôm ấy thắng bé cứ là “dựa cột mà nghe”, thôi. Hẹn rằng, khi về nhà sẽ nghiên cứu thêm cho rõ, rồi sẽ hạ hồi tính lại. Nay nghiên cứu tuy chưa kỹ, bần đạo cũng đã biết, rằng: ở một số nước, tục lệ cắt da/xỏ thịt trên tai hoặc trên môi; hoặc tục vẽ lên thân người mình, là cách làm cho thân xác mình đẹp hơn lên. Có thể là, với nền văn hoá khác, những thứ ấy là để nói lên chức vụ/địa vị của người xâm/xỏ trong xã hội nhỏ của mình, mà thôi. Đằng khác, nhiều nơi cũng có y hệt một tập tục giống như thế. Họ làm thế, là cốt ý chống đối chuyện gì đó vẫn có, trong phong tục/tập quán của dân tộc. Nhiều nơi, nhiều bộ tộc, vẫn giữ tục lệ cắt da/xỏ thịt, để chứng tỏ cho mọi người biết lòng can đảm của họ. Hoặc, người ấy chỉ muốn thề nguyền sẽ tuân thủ điều gì đó, trước mặt thần linh mà họ sùng bái. Có người làm vậy, là do tật bạo dâm/khổ dâm, thôi. Nói cách khác, đó cũng chỉ là thói tục rất khác người, và khác đời, ít khi thấy. Có người còn duy trì phong tục/tập quán của bộ tộc, cứ thích vẽ lên người những hình thù quái đản, ghê rợn như hình quỷ hình ma, đầu lâu thần chết, hoặc cả đến hình thù Satan quỷ dữ, nữa. Nhất nhất, chỉ để chứng tỏ rằng họ không chịu thuần phục Thượng Đế hoặc vị thần dân tộc, mà bộ tộc cứ muốn du nhập vào xã hội. Nhiều tập tục của Tây phương còn tiến bộ đến độ xâm/xỏ nhiều nơi trên mặt trên mũi, trên mí mắt/miệng lưỡi, thậm chí cả những nơi thầm kín trên thân xác mình nữa. Có người lại cho đó là cung cách để phô bày nét độc đáo, mới lạ của mình. Họ muốn những gì thật khác người, dù hình thù ấy có dị hợm lạ kỳ đi nữa, cũng chẳng sao! Có vị lại muốn tỏ ra là mình có tự do. Vẫn làm chủ thân xác mình. Như muốn bảo với mọi người rằng: tôi muốn làm gì thì tôi làm. Làm, trên thân tôi chứ có xâm phạm thân mình của ai khác đâu mà sao cứ thắc mắc. Ai không thích, xin đi chỗ khác chơi, nhờ bạn tí! Đành rằng, mỗi người mỗi ý. Nhưng nói cho cùng, cũng nên quan tâm đến sức khoẻ của mình và của người chứ nhỉ! Có loại xâm/xỏ trên mặt/mũi hoặc bộ phận nào khác trên thân xác, dễ gây nguy hiểm cho sức khoẻ. Đâu phải cứ xâm/xỏ cho thoả thích, để rồi khi nào chán sẽ bôi bỏ, cũng dễ thôi. Có trường hợp, chủ nhân muốn bôi bỏ hình thù xâm/xỏ đã chết dí trên thân mình, lúc đó có không thích nữa, cũng quá trễ. Bởi có bôi bỏ cách nào đi nữa, cũng sẽ để lại vết sẹo hoặc phản ứng phụ, rất khó coi. Thật ra thì vấn đề này, cho đến nay, không thấy sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo nhắc nhở gì đến chuyện ấy. Tuy nhiên, truyền thống trong Đạo, cũng tuỳ trường hợp, hoặc hoàn cảnh riêng biệt mà giải quyết. Thành thử, cuối cùng vấn đề vẫn là: chuyện mình làm, dù chỉ ảnh hưởng lên thân xác của riêng mình thôi, cũng liên quan đến người khác, trong nhóm hội cộng đoàn mình chung sống. Để vấn đề không trở nên bi quan, phức tạp cũng nên đi vào truyện kể nhè nhẹ, sau đây: “Truyện rằng: Đệ tử nọ, một hôm cảm thấy đau khổ vì cha mẹ, bạn bè cứ chỉ trích/khích bác những chuyện anh lỡ lầm vẽ vài hình trên thân xác của anh, lại coi đó như chuyện tày trời. Đổ sụp. Anh rất khổ, đến độ anh không bỏ được nỗi oán hờn, thù ghét cả bạn bè, lẫn người thân. Anh bèn tìm đến vị linh hướng lâu nay là người hiểu biết nhiều sự, vẫn giúp anh giải quyết chuyện riêng tư, theo cung cách dễ dàng. Nhẹ nhàng. Có tịnh tâm, suy nghĩ. Anh hỏi vị linh hướng một câu cũng nhẹ nhàng không kém: -Thế, thày khuyên con phải làm gì bây giờ? Rũ bỏ nỗi ghen ghét, oán thù chăng? Bậc thày linh hướng đáp: -Anh hãy ngồi xuống mà tịnh tâm, và tha thứ cho những người ấy. Ít hôm sau, đệ tử khổ đau tâm can, trở lại vấn kế một lần nữa. Anh thưa với thày: -Dạ thưa thày, con đã thứ tha hết mọi người rồi. Kể như xong. Nghe vậy, vị linh hướng lại nói tiếp: -Như thế vẫn chưa xong đâu. Anh hãy về mà tịnh tâm. Mở lòng mình ra mà yêu thương hết mọi người. Cả những người đả kích/khích bác anh nữa. -Thưa thày. Tha thứ thôi, đã là chuyện khó. Nay con phải thương yêu họ nữa sao? Thôi được, cứ để con cố gắng. Tuần lễ sau, người đệ tử lại đến với bậc thày để vấn kế. Hôm ấy, anh tươi tỉnh khoe với thày mình là anh đã làm được việc thương yêu những người đối xử không phải phép với anh. Vị thày nghe vậy, bèn gật gù bảo: -Như thế rất tốt. Giờ thì, anh hãy về cố gắng mà tịnh tâm, tri ân họ. Bởi, nếu họ không làm thế, thì anh đâu có cơ hội tiến bước trên con đường tâm linh với tâm tịnh. Lần sau đó, người đệ tử trở lại với thày mình, lòng những tin rằng: lần này mình học được nhiều điều từ vị linh hướng rất biết điều, nên đã biết ơn mọi người, cả đến bạn bè người thân hoặc kẻ thù không ưa thích mình, và anh học được bài học tha thứ, lẫn yêu thương. Bậc thày linh hướng nghe anh kể, bỗng cười nhẹ nói: -Vậy, anh hãy về mà tịnh tâm hơn nữa. Bởi, những người từng trách móc, chê bai hay ghét anh vì những việc anh làm, là họ đóng đúng vai trò của họ chứ có lầm lỗi gì đâu mà anh phải tha với thứ…” Thôi thì, tha thứ hay bỏ qua những chỉ trích của mọi người về việc mình hành xử khi lầm lỡ hoặc xâm/xỏ có cố ý hay không, cũng cứ nên về với tâm tình của người nghệ sĩ trên mà ngâm nga ba câu cuối, để rồi sẽ nhớ đến mình, đến người. Dù, người đó là cô/là cậu láng giềng này khác, vẫn cứ hát: “Cô láng giềng ơi! Thôi thế không còn nhớ đến tôi. Đến phút êm đềm ngày xưa kia. Khi còn ngây thơ. Cô láng giềng ơi! Tuy cách xa phương trời tôi không hề, Quên bóng ai bên bờ đường quê. Đôi mắt đăm đăm tìm phương về.” (Hoàng Quý – bđd) Hát rồi, này bạn hãy cùng tôi, ta trở về với vị linh hướng/hướng linh hồn nào khác trong nhà Đạo, cũng nhẹ nhàng, trầm tĩnh, rất thiết tha, khi thánh nhân nói: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” (1 Cr 6: 19-20) Vậy thì, một lần nữa, hỡi tôi và hỡi bạn, ta cứ bình tâm mà suy nghĩ về những lời của thánh nhân hôm trước, để rồi sẽ nhẹ nhàng nghe theo lời khuyên của các đấng bậc linh hướng rất chí thân, và cũng rất hiền. Để rồi, mọi người sẽ đối xử với nhau cũng nhẹ nhàng tình thân như xưa. Dù, người này người nọ, có làm những chuyện khó coi, như xâm/xỏ. Rất lạ kỳ. Dị hợm. Dù gì đi nữa. Tình thân thương của người anh/người chị trong cộng đoàn Nước Trời, ở trần thế, vẫn quan trọng hơn việc vẽ voi những hình thù dị hợm, của riêng ai. Nhận định như thế xong, bần đạo lại sẽ mời bạn mời tôi, ta hãy hát câu ca ý nhị của nghệ sĩ trên, hát rằng: “Cô láng giềng ơi! Tuy cách xa phương trời, tôi không hề. Quên bóng ai bên bờ đường quê. Đôi mắt đăm đăm chờ tôi về…” (Hoàng Quý – bđd) Đúng thế. Hãy chờ tôi về. Dù, tôi mang hình thù thế nào đi nữa. Vẫn nhớ rằng: “Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi. Đừng nói đến phân ly.” (Hoàng Quý – bđd) Phân ly hay chia cách, vẫn không là ý hướng của người anh/người chị chúng ta, nơi nhà Đạo. Trần Ngọc Mười Hai Vẫn xin mọi người đừng nói tiếng phân ly, cả vào khi tôi, khi bạn đã lỡ lầm làm những chuyện xấu xa, lạ kỳ. Rất dị hợm.