Monday 28 April 2008

“Thôi nhé nghe em, mình xa nhau từ đây..”

“thôi nhé nghe em, mình xa nhau mãi mãi

em về cuối chân mây, tôi một mình ở lại

ân tình này, tôi nhận hết đắng cay” (Nguyễn Ánh 9)

(Hiến Chế Công Đồng “Hội Thánh Trong Thế Giới Hiện Đại” đ.16)

Lời lẽ trên, ca sĩ Thế Sơn từng hát trên băng dĩa, vẫn rất mới. Nhạc bản này, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng viết trước 1975, còn nghe quen. Lời ca và ý nhạc của người viết, nghe qua như có giọng buồn rười rượi, day dứt. Khó diễn tả. Buồn và day dứt, vẫn là tâm trạng của các cặp tình nhân hơn một lần thề non hẹn biển, cuối cùng vẫn chia tay.

Chia tay hay ở lại, có lẽ là vấn đề bức xúc của mọi thời đại. Buổi xa xưa. Hay thời rất mới, lúc nào chẳng có những chuyện buồn vui của nhiều mái ấm. Kể cả những mái rất ấm như truyện vui Ngày Tạ Ơn ở Hoa Kỳ:

Hôm ấy, cặp vợ chồng cao niên chờ mãi không thấy con cái đứa nào gọi về nhắn nhủ hỏi han, thấy cũng chán. Các cụ bèn nghĩ cách gọi người con đang làm việc ở Nữu Ước, nói:

-Ba không muốn phá đám ngày vui của các con. Nhưng ba báo cho con một tin quan trọng trong đời, là: ba má đã quyết định chia tay nhau, sau 45 năm ăn đời ở kiếp với nhau.

Anh con trai nghe thế, vội gào thét ở bên kia đầu giây điện thoại:

-Trời đất! Ba nói gì con nghe không rõ? Ba má cũng biết nói chữ ly thân/ly dị sao?

-Ba má không thể nhìn mặt nhau thêm ngày nào nữa. Ba chán cái bản mặt của má mày. Không muốn nói chuyện với nhau nữa. Thôi, con gọi em con ở Cali, báo cho nó biết chuyện này…

Và ông cúp máy, cái rụp.

Cuống lên, anh con trai gọi ngay cho em mình. Cô em nghe chuyện, bèn trả lời:

-Chuyện lạ hà! Chắc ông bô bà via lại bắt chước bạn già mình mất rồi. Thôi để em lo.

Cô gọi cho người cha của mình và gào ngay trên máy:

-Ba má KHÔNG được làm gì hết, nghen. Chờ tụi con về rồi giải quyết, ba nghe kịp chưa? Con sẽ gọi cho anh Hai và hai đứa con sẽ về tới nhà, nội nhật sáng mai. Con nhắc lại: từ giờ đến sáng mai, Ba Má không được làm gì hết. BA NGHE CON NÓI GÌ KHÔNG? Nói xong, cô gác mạnh chiếc máy. Rất bực.

Và, ông cụ lẳng lặng gác máy, mỉm cười rồi nói với người vợ già:

-Thế là chúng sẽ về dự Lễ Tạ Ơn với bọn mình. Kỳ này, khỏi kêu gào năn nỉ, cũng chẳng phải trả tiền vé cho chúng nó.

Chuyện ở trên, xem ra có vẻ khôi hài. Nhưng, chắc chỉ khôi hài với những cặp giả vờ ly dị, thôi. Trong đời thường, nhiều vợ chồng chẳng bao giờ thấy khôi hài khi nghe hai chữ “ly dị”, phát ra từ ai đó.

Và, vấn đề đặt ra hôm nay, là: Hội thánh ngày nay có buồn/vui chăng khi nghe con cái nhà Đạo cứ hay đem chuyện ly dị của họ ra mà bàn, mà hỏi, không?

Câu trả lời, tưởng cũng nên qui về tập sách do Hội Đồng Giám Mục Úc phát hành, hồi đầu năm. Tập sách này, có thừa những lời hỏi-đáp gọn gàng và đầy đủ, như sau:

Có sự nối kết nào không giữa Hôn Nhân và Tiệc Thánh Thể?

Khi rước Mình Thánh Chúa, người Công Giáo chúng ta vẫn thưa “Amen”, là để tỏ ý tin tưởng rằng mình đang nhận đón Mình Đức Kitô vào người. Amen, lời diễn tả một đồng thuận rằng mình nay thuộc Thân Mình Chúa. Và, còn là lời cam kết trung thành phục vụ Thánh Thể Ngài bằng cả hành vi và ngôn ngữ. Hôn Nhân và Thánh Thể có liên hệ đặc biệt, coi như “Bí Tích của Mình Thánh Chúa”.

Trong hai bí tích, ta có kinh nghiệm sống tình yêu “lứa đôi” mà Đức Kitô trao tặng Hội thánh; và qua đó, Ngài trao ban chính mình trong yêu thương. Đổi lại, ai rước Mình Chúa vào lòng, là trao tặng chính mình cho Chúa. Cũng một trật như thế, khi hai người đồng ý sống đời ở kiếp với nhau tức là chấp thuận tặng chính mình trao cho nhau.

Hôn nhân là nhiệm tích nối kết vợ chồng (và họ hàng đôi bên) với nhau. Việc Nối kết giúp họ lĩnh nhận ân sủng hầu duy trì khế ước cùng nhau sống đời thuỷ chung. Và, Thánh Thể hợp nhất món quà quý giá ấy và củng cố tình vợ chồng để họ ăn ở với nhau theo tiếng gọi của Thiên Chúa.

Ly dị có làm cho người phối ngẫu tách rời Bí tích Thánh Thể không?

Câu trả lời dĩ nhiên là: không. Ly dị, tự bản chất, không tách rời hoặc cấm cản người phối ngẫu được phép rước Mình Thánh Chúa vào lòng. Trong trường hợp nào cũng thế, rước Chúa là quyền của mỗi người tuỳ lòng thành và thiện ý của họ. Tuỳ họ, có sống theo lời dạy của Chúa và sẻ san sứ vụ tông đồ của Hội thánh không, thôi. Điều này có nghĩa: ai ly thân/ly dị -hoặc người Công giáo độc thân- vẫn được kêu gọi kềm chế hành động gần gũi dục tình và chu toàn trọng trách của người giáo dân hoặc bậc cha mẹ có ý thức trách nhiệm. Ai không làm thế, Bí tích Hoà giải (gọi là Giải tội) vẫn đem đến cho họ ơn tha thứ của Chúa, kèm theo đó là lợi ích thiêng liêng qua việc rước Chúa vào lòng.

Ai đã ly dị hoặc tiến thêm bước nữa có được phép rước Chúa không?

Trừ phi Toà án Giáo hội tuyên bố là họ được tự do tái giá, người ly dị được hiểu là họ vẫn bị ràng buộc bởi hôn nhân có trước. Nếu hai vợ chồng -hoặc ít nhất là một trong hai người phối ngẫu đã ly dị nhưng chưa được giải toả để tái giá- mà lại tiến tới hôn nhân, thì cả hai đều không được phép rước Chúa. Hôn nhân mới thành lập theo bậc đời, được coi là xung khắc với khế ước hiện hành của bí tích. Và, từ đó, cũng kéo theo xung khắc với ý nghĩa huyền nhiệm của Bí tích Thánh Thể, nữa.

Giáo huấn Hội thánh dạy rằng: ai lập hôn thú ngoài Giáo hội, không được phép rước Chúa. Điều này, không có nghĩa đó là phán xét về một lầm lỡ cá nhân hoặc tội lỗi đầy tràn. Đó là quyết đoán về hành vi cần phải có đối với giáo huấn của Hội thánh và về tình trạng sống sao cho phù hợp với ý nghĩa của Thánh Thể, tức Bí tích hiệp thông cùng sống với Hội thánh. Hiểu được ý nghĩa của Hôn nhân và Thánh Thể dành cho đời sống người tín hữu, Hội thánh vẫn kiên trì tuân thủ giáo luật, không chấp nhận cho phép rước Chúa, những ai ly dị hoặc tái giá kết hôn không có phép chuẩn của Giáo hội.

Về việc này, người phối ngẫu có thể theo “lương tâm” mà xử sự được không?

Đối với người Công giáo, lương tâm bao gồm cả việc tìm cách am tường vấn đề có ánh sáng chỉ đường là giáo huấn của Hội thánh. Thêm vào đó, hôn nhân không là chuyện riêng tư cá nhân. Hôn nhân có ý nghĩa đối với cả hai, xã hội nới rộng và -ở hoàn cảnh của người Công giáo- đối với cộng đoàn Giáo hội, nữa. Chính vì thế, không bên nào, kể cả Giáo hội, có khả năng phán đoán lỗi phạm cá nhân hoặc sự vô tội của người khác. Thật là sai, nếu có ai nghĩ rằng hôn nhân và việc tham dự Tiệc Thánh Thể của họ chỉ là vấn đề “riêng tư”, và họ có quyền tự mình kiểm soát chuyện của mình.

Người tái giá đã được phép chuẩn có bị chối từ không cho dự Tiệc Thánh không?

Như nói ở trên, phán quyết của Toà án Giáo hội là cơ quan có thẩm quyền chuẩn chước để người ly dị có được tái giá nữa hay không. Và cũng thế, nếu tái giá bước nữa có được rước Chúa vào lòng, không. Đó là vấn đề.

Có nhiều trường hợp hai người phối ngẫu đều từ chối không chịu ra toà hôn nhân của Giáo hội hoặc cũng có làm, nhưng không thành, lại tin rằng họ có lý do chính đáng không thể xa nhau hoặc tự kềm chế chuyện gần gũi tính dục được, những cặp như thế, có lẽ đang sống trong tình trạng có xung đột nội tâm hoặc lương tâm mình đang trong tình trạng bối rối vì giáo huấn của Hội thánh đã nói rõ một phần, và phần khác, họ vẫn uớc ao được rước Chúa vào lòng. Trong trường hợp đó, vị linh mục hoặc cố vấn linh hồn nên giáp mặt giúp giải quyết cảnh rối rắm hơn là để họ ngang nhiên làm bừa.

Vai trò của linh mục trong việc giải quyết các nố lương tâm ở lĩnh vực này ra sao?

Dù linh mục không thể quyết định về các nố lương tâm giùm cho người khác; cũng không thể áp đặt quả quyết gây xung đột với quyết định của Hội thánh, nhưng vẫn có thể giúp hai vợ chồng hiểu rõ giáo huấn của Hội thánh. Hội thánh, thay vì đưa ra điều lý tưởng xa vời hoặc chỉ hoàn thành một cách chầm chậm, vẫn có cái nhìn về cuộc sống chu toàn trách nhiệm. Bởi thế nên, Hội thánh mới đưa ra giải pháp tự thân, có dụng đích rất mực, để giúp đôi bên cố gắng thích ứng với cuộc sống của mình.

Linh mục đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ mục vụ và hướng dẫn các cặp phối ngẫu đã ly dị và tái giá. Tuy nhiên, cũng nên nhấn mạnh rằng: lương tâm con người là “cốt lõi của phần sâu kín thánh thiêng”, mà trước mặt Chúa, người ấy lãnh trách nhiệm về các quyết định có tính luân lý của mình (x. Hiến chế Hội thánh trong thế giới hiện đại). Thành thử, không linh mục nào dám nhận trách nhiệm giùm người phối ngẫu, để ra quyết định mang tính luân lý, trong địa hạt này. Và, Hội thánh có thể giúp đỡ cách hay nhất là làm cho mỗi người sống thích ứng lương tâm của họ; sống phù hợp với chân lý. Chỉ lương tâm của người có kinh nghiệm sống và hiểu biết rõ các nguyên tắc khôn ngoan/thận trọng, mới có thể hướng dẫn để đối diện với trường hợp mang tính xúc cảm và khó khăn đó.

Linh mục hoặc cố vấn giáo luật cũng có thể giúp mọi người đưa ra quyết định có ý thức trách nhiệm: thứ nhất, bằng cách lắng tai nghe hầu am tường tình cảnh riêng tư của đương sự về mặt luân lý, cho họ. Thứ đến, qua việc giúp cho đương sự làm sáng tỏ tình cảnh của mình và phản ảnh những vấn đề có liên quan, đang gặp trắc trở. Cuối hết, bằng vào việc đảm bảo rằng:họ am tường tín lý cũng như qui tắc tựa như giáo huấn của Hội thánh về tính khả phân ly của hôn nhân;và về tương quan giữa Hôn nhân và Thánh Thể.

Mục tiêu đối thoại với linh mục hoặc cố vấn linh hồn là để người phối ngẫu thẩm định cho chính mình đâu là “bước kế tiếp”, dù đó không phải là bước cuối, cũng phải dấn thân để rồi mình mới có thể hoà hợp với tương quan mật thiết với Chúa và Hội thánh.

Làm cách nào để người ly dị và tái giá vẫn san sẻ đời sống của Hội thánh?

Giải đáp mục vụ của Hội thánh dành cho những người đã ly dị và tiến tới trong hôn nhân lần nữa, không buộc phải dẫn đến việc chối từ quyền được phép rước Chúa. Chính Đức Gio-an Phao-lô Đệ Nhị khi trước, có viết: “Người đã ly dị và tiến thêm bước nữa, không nên tự coi mình như “đã tách rời Hội thánh, bởi vì họ vẫn là người đã được thanh tẩy, nên họ có thể, và thật ra phải được, san sẻ cuộc sống Hội Thánh, mới đúng”. Chẳng một hoàn cảnh nào của con người, lại ra ngoài ân sủng của Thiên Chúa. Và, sự lành thánh luôn nằm trong cảnh tình cụ thể của đời sống mỗi người trong chúng ta. Nhiều trường hợp, phán quyết của toà án Giáo Hội còn hỗ trợ cho hôn nhân bất thường này nọ trở thành hiệu lực, nữa là đằng khác.

Thành thử, khi hôn nhân mới trở hiệu lực, nhiều người đã trải qua đau khổ thật tình; bởi, ở hoàn cảnh ly dị, hoặc tái giá, họ đều thấy không thoải mái mà bước lên rước Chúa vào lòng. Những người ý thức được rằng: hoàn cảnh của họ, trong hiện tại, đang bị cấm rước Chúa vào lòng, không thích đáng để rước Chúa, có thế được hiểu là để chứng tỏ họ trung thành quả cảm nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi hoàn cảnh riêng của mình.

Giáo Hội nhận rằng là cộng đoàn chung sống, ta cũng nên tỏ ra nhạy bén với tình cảnh của những người đã ly thân, ly dị hoặc tiến thêm bước nữa. Nên kiếm cách mà hỗ trợ và nâng đỡ họ theo cách nào thích hợp. Và, nhiều trường hợp, họ cũng lĩnh hội được nhiều bài học quý giá, từ đó. Rất thường, hoàn cảnh của những người bị đổ vỡ trong tương quan vợ chồng, đều chứng tỏ lòng quả cảm và quyết tâm của họ đối với người khác trong cộng đồng dân Chúa.

Chúng ta cũng khích lệ những người anh em này hãy bền đỗ trong nguyện cầu, sám hối và tình thương của Chúa và yêu người đồng loại, để họ có thể đến dự Thánh lễ và các buổi chầu Thánh Thể, đồng thời tham gia sinh hoạt với cộng đồng giáo xứ của họ.

Hội Đồng Giám Mục chúng tôi cũng khuyến khích các vị chủ chăn và giáo dân hãy nâng đỡ mục vụ những người ly dị, và khích lệ họ nên tham gia vào đời sống của Hội thánh trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Hội thánh bảo đảm với họ về tình yêu thương liên tục của Đức Kitô. Bảo đảm rằng, Chúa vẫn mong hiệp thông đậm sâu với mọi người như họ.”

Quả thật, cảnh tình người phối ngẫu nam/nữ, vẫn là chuyện dễ bàn hơn đi vào hiện thực. Triết lý dông dài, vẫn dễ hơn sống từng trải. Có nên chăng, một cái nhìn thông thoáng về vấn đề này. Vì, nói gì thì nói, ly thân/ly dị hay tái giá, đâu có nghĩa mình đang trong tình trạng phạm pháp. Nhất thứ, đó lại không là những pháp và luật của đời thường. Mà, chỉ là đời sống thân thương của cộng đoàn dân Chúa.

Cộng đoàn dân con Đức Chúa, vẫn sống bằng tình thương yêu, đùm bọc. Bất kể người anh hay người chị ấy có vấn đề, hay không. Bất kể, người anh người chị, người em của mình có là giáo dân hạng thứ, hay có chức có quyền. Bất kể, anh/chị hay em ấy có quá trình sống trong tăm tối từ một cộng đoàn khác nay chuyển đến, không. Năm châu bốn biển, tất cả chung một nhà. Nhất thứ, là nhà Đạo của Đức Chúa. Là, Hội thánh, hoặc còn gọi là Nước Trời ở trần gian. Rất thân. Và rất đáng thương.

Trần Ngọc Mười hai

vẫn ao ước được đón tiếp

anh chị người thân

đi vào vòng tay ôm

thân thương của Hội thánh.

Sunday 20 April 2008

“Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình”

(Lc 15: 11-32)

Phải thú thật, là: trong quá khứ, bần đạo cũng từng bị mang tiếng là một trong những tay quậy phá, khá ngỗ nghịch ở trường lớp, thời trung học. Cũng quậy và rất phá các bé em hiền lành thánh thiện, cùng độ tuổi. Quậy và phá, vì đang vào tuổi ngứa ngáy tay chân, chứ không có ý xấu. Quậy ít ngày. Phá ít tháng rồi thôi. Đến khi có cái làm mình bận tâm, là thôi ngay.

Những điều khiến đám học trò trung học như bần đạo, bận tâm và thích thú nhất bấy giờ là mải mê tìm đọc các truyện của tuổi mới lớn khá “quậy”, những là: “Chương Còm”, “Bồn Lừa”… của tác giả Vũ Mộng Long, một nhà văn/thày giáo lấy bút hiệu: Duyên Anh.

Bẵng đi một thời, bần đạo có dò hỏi về tình cảnh của ông “thầy quậy” này để xem ông ấy bây giờ ra sao. Được biết, ông cũng đi cải tạo một thời gian. Sau khi được thả, đã định cư ở nước ngoài. Rồi, lang bạt bên đất Mỹ, gặp nạn và qua đời vào tuổi “chưa già”. Nhắc tên ông hôm nay, là vì bần đạo chợt nghe lại bài ca nổi tiếng do ca sĩ Elvis Phương hát, trong đó có đoạn từng ấn tượng nơi đầu óc của người học trò nhỏ, lúc bấy giờ, như:

“Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình

Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình

Ân tình mở cửa ra với mình

Ngựa hoang bỗng thấy mơ

Để quên những vết thù”

(Vết thù trên lưng ngựa hoang – Ngọc Chánh & Phạm Duy)

Chuyện ngựa hoang và vết thù trên lưng, đánh động rất nhiều người, trong đó có bần đạo. Đánh động, chẳng phải vì thấy nhân vật trong truyện na ná giống như thân phận bọt bèo của chính mình. Nhưng, vì trong mọi tình huống cuộc đời, ta có ngang tàng hoặc “điên cuồng” cách mấy cũng có lúc “muốn về tắm sông nhẫn nhục”. Và rồi, cũng có lúc ta thấy “thảm cỏ tình yêu dưới chân mình”.

Thảm cỏ tình yêu, thật ra, ở đâu mà chẳng có. Đâu phải chỉ có dưới chân bạn. Chân tôi, mà thôi đâu. Và, thảm cỏ tình yêu đâu chỉ dành để cho nai hoang hoặc ngựa thuần. Mà, cho tất cả mọi loài. Từ thú dễ thương cho đến “con” người. Cả chim chóc, lẫn rắn rít sâu bọ… Loài nào cũng cần đến thảm cỏ tình yêu, rất xanh mướt. Rất ân tình.

Và, thảm cỏ tình yêu, được ban cho mọi loài, từ dạo trước. Có lẽ, duy chỉ có “con” người là “loài” ít để tâm. Ít cần mà thưởng ngoạn. Mà, cảm kích. Và, thảm cỏ tình yêu vẫn trải ra cho hết mọi người. Chí ít, là đám quậy phá hoang tàng, như trong trình thuật truyện kể về “người con hoang”. Người con ở đó, có là “con” người hoang tàng quậy phá, cũng biết thưa và biết nghĩ. Thưa là thưa thế này:

“Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.

Và người cha đã chia của cải cho hai con.

(Lc 15: 12)

Là “con” người rất hoang như ngựa, nhưng anh chỉ “quậy’ ở mức độ “xin cha chia phần được hưởng”, chứ không “phá” tán tài sản của người anh. Và, trình thuật ghi tiếp:

Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa.

Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.”

(Lc 15: 13)

Ở đây nữa, dụ ngôn ghi rõ các cụm từ “đi phương xa”, “phung phí tài sản của mình”, chứ không phá làng phá xóm, hoặc cướp giựt tài sản của ai. Tuy nhiên, vấn đề là người có một thời hoang đàng, quậy phá như người con thứ, đã biết thưa và biết xin, rồi nay còn biết hồi tâm và biết nghĩ:

“Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ ……

Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người:

"Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,

chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.

Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.

Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.”

(Lc 15: 17-20)

Và, vấn đề đặt ra hôm nay, là điểm: đã biết thưa/xin, biết hồi tâm và biết nghĩ…tức, có quyết định hồi hướng trở về. Và, một khi đã hồi tâm/hồi hướng trở về, ắt sẽ lại thấy được “thảm cỏ tình yêu dưới chân mình”.

Thời xưa, trình thuật diễn tả “thảm cỏ tình yêu” cho những “con” và “loài” đi hoang nay trở về như sau:

"Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu,

xỏ nhẫn vào ngón tay,

xỏ dép vào chân cậu,

rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt

để chúng ta mở tiệc ăn mừng!”

(Lc 15: 22-23)

Sở dĩ nhà văn/nhà thơ bảo: “thảm cỏ tình yêu” vẫn “ở dưới chân mình”, và thánh sử ghi lại tấm lòng của người Cha, vẫn trải thảm tình thương, bởi:

“Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại,

đã mất mà nay lại tìm thấy.”

(Lc 15: 24)

“Ân tình mở cửa ra với mình” nơi đời thường ở huyện, cả một đời. Thời bây giờ. Chính đó, là thái độ của nhân vật được kể trong bài ca: “để quên những vết thù”. Hoặc, của “người cha” trong trình thuật, tức “Người Cha” trong Vương Quốc Nước Trời. Hoặc, đích thị là “cộng đoàn thân thương Hội thánh”, chốn gian trần.

Bỏ qua một bên, thái độ rất “không phải’ của người anh rất “quyền huynh thế phụ” ở trình thuật. Rất đạo mạo. Rất mô phạm. Nhưng thiếu “cỏ thảm tình yêu”. Thiếu cả lịch sự. Lịch sự tối thiểu, trong đối xử với người em, với cộng đoàn chung sống. Thiếu đến độ, từ chối khá nhiều thứ:

“Người anh cả liền nổi giận

và không chịu vào nhà”

(Lc 15: 28)

Thái độ ấy, khác nào cảnh tình nơi môi trường mà “ngựa hoang”, đã ghi nhận:

Ngựa phi như điên cuồng

giữa cánh đồng dưới cơn giông

vì trên lưng cong oằn

những vết roi vẫn in hằn.”

Mặc dù thế:

“Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục

Giòng sông mơ màng mát trong thơm ngọt

Ngựa hoang quân thù oán căm

Từ nơi tối tăm về miền tươi sáng”

(Ngọc Chánh – Phạm Duy: Vết thù trên lưng ngựa hoang)

Và cảnh tình trên, phù hợp với đoạn tiếp nơi trình thuật người “con” hoang, rất “kết hậu”:

Nhưng người cha nói với anh ta:

"Con à, lúc nào con cũng ở với cha,

tất cả những gì của cha đều là của con.

Nhưng chúng ta phải ăn mừng,

phải vui vẻ,

vì em con đây đã chết mà nay lại sống,

đã mất mà nay lại tìm thấy."

(Lc 15: 31-32)

Nghiệm sinh truyện kể về thái độ của những đứa “con” đi hoang, dù là người hay ngựa, thiết tưởng cũng nên liên tưởng đến một nhân vật từng hoang đãng, rất quậy. Quậy trong âm thầm, và bất bạo lực. Trước khi trở thành “thánh nhân”, ngoài Đạo, sau đây. Như thánh Phê-rô thưỏ trước, thánh-nhân-ngoài-Đạo Mahatma Ghandi, cũng đã biết tìm về “thảm cỏ tình yêu” để có những lời “xin thưa” chân tình với Đức Chúa, như sau:

Lạy Chúa…

Xin giúp con dám nói lên sự thật trước kẻ mạnh,

Và đừng nói dối để hòng được kẻ yếu tán thưởng.

Nếu Chúa cho con tiền bạc,

Xin đừng cất đi hạnh phúc của con.

Nếu Chúa cho con sức mạnh,

Xin đừng để con mất đi khả năng lý luận.

Nếu Chúa cho con thành công,

Xin đừng tước mất đức khiêm nhu nơi con.

Nếu Chúa cho con đức khiêm nhu,

Xin đừng lấy lòng tự trọng của con.

Xin cho con nhận biết khía cạnh khác của mọi sự việc.

Và xin đừng để con kết tội kẻ đối nghịch với con là phản bội vì họ không chia sẻ quan điểm của con.

Xin dạy con yêu thương kẻ khác như yêu thương chính bản thân mình

Và dạy con phán đoán chính bản thân mình như phán đoán kẻ khác

Xin đừng để con say men chiến thắng khi đạt thành công.

Và cũng đừng để con nản lòng khi thất bại.

Nhưng hãy dạy con nhớ rằng thất bại là thử thách dẫn đến thành công.

Xin hãy dạy con biết lòng khoan dung là sức mạnh ở mức độ cao nhất

Và ý muốn trả thù là biểu hiện đầu của sự yếu đuối.

Nếu Chúa không cho con của cải,

Xin hãy ban cho con lòng trông cậy.

Và nếu Chúa không ban cho con thành công,

Xin hãy ban cho con ý chí mạnh mẽ để vượt thắng thất bại.

Nếu Chúa không ban cho con sức khoẻ,

Xin hãy cho con ân sủng Đức Tin.

Nếu con đã làm ai tổn thương,

Xin ban cho con sức mạnh để xin lỗi họ.

Và nếu có ai làm con tổn thương,

Xin ban cho con lòng độ lượng và sức mạnh để tha thứ cho họ.

Lạy Chúa, nếu con có quên Ngài…

Thì lạy Ngài xin đừng quên con. (Mahatma Ghandi)

Lời cuối, bần đạo muốn thêm, là: nơi phần sâu thẳm bên trong của những ngựa/người con hoang, chắc chắn vẫn có cái gì đó không hoang. Rất đàng hoàng, mà mình không nhìn ra, đó thôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cảm thông

cho người và cho mình

có chứng hoang nhưng không tàng.

Monday 14 April 2008

“Anh đi về dấu giáo đường, cho cuộc tình bay cao”

(Lc 9: 6)

Nhập bàn chuyện phiếm hôm nay, bần đạo xin kể cho bạn, là người đang đọc những giòng chảy suy tư này, câu truyện có liên quan đến bản thân và nhiều người như sau. Hôm ấy, chỉ vỏn vẹn còn đúng 3 ngày là bần đạo sẽ chấm dứt công việc lâu nay mình vẫn làm. Làm cho chính phủ. Cho người khác.

Vào giây phút đang lâng lâng thèm ngủ và nghỉ, một đồng nghiệp từ lầu dưới điện lên hỏi:

-Này bạn hiền, trước khi bạn ra đi lên đường hồi hưu, bạn muốn thứ gì để bọn này mua tặng?

Nghe hỏi thế, bần đạo đã thấy vui, nhưng cũng kịp nén cho lòng mình trùng xuống, rồi trả lời:

-Tớ nay có đủ mọi thứ, chỉ thiếu mỗi nụ cười, và lời tạ từ thân thương của các bồ thôi. Đừng mua gì cho tớ hết. Coi chừng làm um xùm quá, tớ sẽ “biến mất” cho coi, hỡi cô bé, người đồng nghiệp.

Quả thật lúc ấy, bần đạo chẳng muốn gì, chỉ muốn bắt chước nghêu ngao như ban The Beatles, vẫn thường hát, dạo nào: Này bạn hỡi, hãy nói lời chào mừng, đừng nói tạ từ làm chi.. (“Hello, hello! Just say hello, don’t say good-bye”…)

Quả là như thế. Một khi bạn đã quyết chí về hưu. Quyết rời và bỏ công việc lâu nay mình làm lụng, dứt khoát không còn bận tâm nuôi phần thể xác nữa, thì hẳn sẽ giống như bần đạo, chỉ muốn ”về dấu giáo đường, cho cuộc tình bay cao mà lòng vẫn xôn xao”, mà thôi. Cuộc tình ấy, hẳn là bạn và tôi đã hơn một lần bắt gặp khi nghe lời nhắn nhủ thân thương dạo nào, nhưng vẫn quên. Quên, vì cứ mải miết những làm và lụng. Quên, vì sợ vẫn mãi làm thinh.

Nay, vào những ngày cuối trước khi ra về “với giáo đường”, bần đệ lại nhớ đến lời dặn dò hôm trước, từ cuộc tình dâng cao:

“Các anh hãy ra đi,

rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng

và chữa bệnh khắp nơi.” (Lc 9: 6).

Và nhất là, lời dặn dò như thế này:

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới

là anh em hãy yêu thương nhau;

như Thầy đã yêu thương anh em.

Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy

ở điểm này:

là anh em có lòng yêu thương nhau."

(Ga 13: 34-35)

Xem như thế, “ra đi” loan báo Tin Vui An Bình, là tỏ cho mọi người biết chúng mình yêu thương nhau. Thế nhưng, trong quá trình sống đời cộng đoàn, dù là cộng đoàn đi làm hay cộng đoàn tình thương đi Đạo, vẫn thấy xảy ra các vấn đề chung đụng và va chạm. Chí ít, là cộng đoàn gia đình, tình thân, cũng thế.

Có những lúc, bạn và tôi, thấy mình bị tổn thương, vì những lời lẽ có tính xúc phạm. Những trò “chọc quê” xuất phát từ người trong cuộc. Thật ra, cộng đoàn nào, mà chẳng có những tình huống đụng trận, cãi tranh như thế.

Và, có nhiều cách đáp trả. Có thể là, đáp ứng và trả lời, rất đàng hoàng. Cũng có thể, là những đáp lại bằng cử chỉ trả đũa, rất khó coi. Cụm từ “phản ứng”, “trả đũa” thường đưa ra một động tác phản ứng, phản xạ không suy tính. Cũng chẳng mang tính lựa chọn hay quyết định, hoặc suy nghĩ đắn đo nào hết.

Thật ra, cũng có lúc ta tìm đến một chọn lựa nào đó để hành xử. Nhất thứ, là khi người khác cứ tìm cách, hoặc “chọc quê”, hoặc làm phiền “người công chính”, rất công minh và chính trực, như bạn và tôi. Nhưng, ta có thể nhận biết rằng mình có quyền chọn lựa về cách hành xử với một người, hay mọi người. Đó là điều hệ trọng.

Trong kinh thánh, ở sách Châm Ngôn, có đoạn nói về chuyện này, đại ý như:

Câu đáp dịu dàng khiến cơn giận tiêu tan,

lời nói khiêu khích làm nổi cơn thịnh nộ.”

(CN 15: 1)

Và, tiếp đó lại có:

“Lời xoa dịu tựa cây ban sự sống,

lời nham hiểm làm tan nát tâm can.

(CN 15: 4)

Và, cũng còn nhiều chương đoạn trong kinh thánh đề nghị bạn và tôi, ta hãy cẩn trọng với lời lẽ xuất ra từ miệng lưỡi. Nói chung, là những đề nghị hãy cẩn thận về những điều mình phát ngôn. Ví dụ như:

“Người nói năng dè dặt là người hiểu biết,

kẻ giữ được điềm tĩnh là kẻ khôn ngoan.”

(CN 17: 27)

Đôi lúc ta thấy, có khi người đồng hương, đồng cảnh trong cộng đoàn mình chung sống, đã đối xử với ta, với nhau theo cách thức mà mình chẳng bao giờ tưởng tượng là họ có thể làm như vậy với bạn bè được. Nhất thứ, họ lại là con dân nhà Đạo.

Nói sao cho cùng, vì đồng nghiệp hay đồng hội/đồng thuyền cùng cộng đoàn, vẫn có thể là người tốt/xấu mình từng gặp gỡ và chung sống. Họ là những người có đủ hỷ nộ ái ố, tính tình dồn nén trong cá nhân riêng lẻ. Gặp cảnh này, ta hãy tích cực mà cho rằng người đó, vị đó đang “tung chưởng” bộc phát cho ra những dồn nén lâu ngày bị o ép, chỉ chờ dịp thuận mà đẩy ra thôi.

Quả thật, lý do làm nền cho mọi tình trạng bất ưng này, cũng chỉ vì ta thiếu tôn trọng lẫn nhau. Hoặc, quên nhận thức, rằng: ai cũng có quyền được người khác tôn kính đồng đều. Vì, ai cũng có tự do như nhau. Có thể là, nhiều lúc người ấy, vị ấy không là người xấu hoàn toàn. Họ cũng vẫn là đồng Đạo, đồng hương hay đồng hành rất tốt, thật thân. Nhưng, vào lúc nào đó, riêng họ cũng có những vấn đề thuộc diện bản thân, đang bộc phát.

Còn nhớ, đã có lần thánh Phao-lô từng thôi thúc mọi người trong cộng đoàn dân Chúa hãy đối xử với nhau cho có tình, như sau:

“Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi,

làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau,

như Đức Ki-tô Giê-su đòi hỏi.

Nhờ đó, anh em sẽ có thể

hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa,

là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô,

Chúa chúng ta.

(Rm 15: 5-6)

Và thánh nhân còn nói: vào những trường hợp ta bị “chạm nọc” như thế, cũng đừng nên phản ứng bằng những trả đũa, đối đầu. Nhưng, hãy đối lại tử tế. Làm như vậy, ta sẽ lướt thắng vượt qua sự dữ/ác độc hiện hình thấy rõ:

“Lòng bác ái không được giả hình giả bộ.

Anh em hãy gớm ghét điều dữ,

tha thiết với điều lành…” (Rm 12: 9)

Hoặc:

“Đừng để cho sự ác thắng được mình,

nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.”

(Rm 12: 21)

Xem như thế, kỹ năng ta học được từ các bậc vĩ nhân lành thánh, sẽ giúp mình giải quyết được các căng thẳng,phiền phức trong quá trình chung sống với người “dưng khác họ, chẳng lọ thời kia…”

Cũng coí ý kiến là: chớ nên đánh gục bỏ đi những cảm giác bất ưng, khó chịu trong chung sống, nhưng nhất quyết cảm nhận và thay vào đó, chọn lựa cách đáp trả sao cho có tình, hợp lý. Thứ lý lẽ của tình thương yêu, như người nhà. Giả như, mình nhất quyết chọn lựa giải pháp tích cực trong chung đụng sống vui với mọi người, ta sẽ có khả năng đương đầu giáp mặt với tình huống khó khăn bằng cách thức hoà hoãn, xây dựng hơn. Xây dựng tình người. Xây dựng tình mình.

Để xây dựng tình mình cho thư giãn, cũng nên tìm về truyện kể nhẹ nhàng, như bên dưới:

“Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé rất khó tính, lại hay tinh nghịch, gây khó chịu với hết mọi người. Người cha của cậu thấy thế bèn giúp cậu giải quyết cho êm thắm bằng cách trao cho cậu một túi đinh nhọn và dặn: cứ mỗi lần con mất kiên nhẫn, hay tranh cãi, làm mất lòng người khác, hãy đem túi đinh này đóng một cái vào hàng rào nhà mình.

Ngày đầu, cậu đóng mất 37 cái. Làm cho hàng rào trông giống như một bàn chông đầy những đinh… là đinh. Tuần lễ sau, cậu đã biết tự kềm chế, nên số đinh đóng vào hàng rào mỗi ngày mỗi bớt dần. Sau đó, cậu ta khám phá ra rằng: tự kềm chế cơn nóng giận, còn dễ hơn là đóng đinh.

Cuối cùng, một ngày kia, cậu không cần phải đóng bất cứ đinh nào vào hàng rào nữa cả. Và, thế là cậu đi gặp ông bố để thưa: hôm nay con chẳng còn phải đóng một đinh nào, nữa hết. Ông bố thấy thế, bèn bảo: cứ ngày nào con tự chủ được và không để mất tính kiên nhẫn của con, thì hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào.

Ngày lại ngày, cuối cùng thì cậu bé đã có thể nói với ông bố: là cậu đã nhổ hết các đinh đã đóng khỏi hàng rào rồi.Ông bố lại dẫn cậu ra ngoài hàng rào, rồi bảo:

-Này con. Con nay hành xử rất tốt. Nhưng hãy nhìn vào các lỗ đinh nơi hàng rào mà xem. Hàng rào này sẽ không bao giờ giữ được dáng vẻ lành lặn như hồi trước. Khi cãi vã bất bình hoặc nói xấu nói hành bất cứ ai, tức là con đã để lại nơi người ấy vết hằn in dấu, như đã đóng đinh vào người của họ vậy.

Tựa như thế, con có thể đâm một nhát dao vào một người nào đó, xong rồi hối hận và xin lỗi người ấy, thì đã trễ. Các vết dao đâm đã để lại hằn in những sẹo. Và, các vết sẹo sẽ nằm lại đó mãi mãi, không bao giờ biến mất. Con có xin lỗi đến bao nhiêu lần, thì vết sẹo kia vẫn cứ nằm đó, không tẩy xoá được bao giờ. Vết thương lòng, do lời nói của mình tạo ra, cũng hằn in nơi nạn nhân bị xúc phạm. Thành thử, hãy biến kẻ thù của mình thành bạn. Để như thế, con sẽ không gây thương tích nơi một ai.

Đồng Đạo hay người đồng hành vẫn là những viên ngọc quý báu. Là, bạn bè thân thương trên hành trình cuộc đời con vui sống. Bởi lẽ, bạn bè luôn khích lệ con hằng ngày. Bạn bè đích thực, là người sẵn sàng lắng nghe con tâm sự, mỗi khi con cần đến họ. Bạn bè là người luôn chạy đến giúp con, khi con ngỏ lời cần họ giúp đỡ. Bởi thế, hãy cho bạn mình biết là con yêu thương họ biết chừng nào.

Câu truyện ghi trên, hay như một bài giảng huấn. Giảng trên bục nhà thờ, hay giảng ở ghế nhà trường, trong gia đình, đều quý giá như một bài thơ trữ tình. Thơ về tình bạn. Giảng về tình người. Không có thơ, tình người chẳng bao giờ thi vị. Không có giảng và giải, chẳng bao giờ biết thực hư.

Về thực hư của những căng thẳng, hận thù trong chung sống, cũng có qui luật của nó. Nói đúng hơn, đó là những tư vấn, những lời khuyên, hay như một giảng giải. Giống truyện kể ở trên. Đến đây, bạn và tôi, ta có thể tự hỏi là mình đã đóng bao nhiêu đinh hoặc để lại bao nhiêu vết sẹo lên người bạn đồng hành, đồng Đạo mình rồi?

Và, ta đã biến được bao nhiêu kẻ thù thành người bạn chí thân, và chí thiết?

Câu trả lời đang ở cuối đường hầm, của sự sống. Đường của hy vọng, rất mầu xanh.

Trần Ngọc Mười Hai

cũng đã thử nghiệm và có nhiều tư vấn

nhưng vẫn chưa đi tới cuối đường hầm.

Monday 7 April 2008

“Anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con”

(1Pr 1: 3-4)

Anh chỉ về với mẹ mong con! Đó là một khẳng định, ở đời. Của một người. Người, từng nói với người yêu về một cuộc tình, của mình. Tình quê hương. Tình của người mình nơi nhà Đạo, cũng có một khẳng định khác, về cuộc tình cao cả. Tình thân thương cứu rỗi, toàn nhân loại. Vẫn không chết và vẫn cứ mong con. Khẳng định linh đạo ấy, vẫn râm ran trên thực tế.

Vào hôm tụ tập ngày cuối tháng 3 ở Sydney bạn bè thân quen cũng đã râm ran mừng vui lập lại một khẳng định khác, về những “Đạo vào đời”. Mừng vui ấy không ngoài một khẳng định nòng cốt: Chúa sống lại thật rồi. Hãy vui lên! Hãy cứ Ha-lê-lu-ya, mà vui hát. Cứ ca lên, mà mỉm cười. Cười với nhân gian. Cười, trong cuộc sống thực tế.

Cứ cười và vẫn cứ vui lên, vì chính thánh Phao-lô đã hơn một lần quả quyết:

“Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy,

thì lòng tin của anh em thật hão huyền,

và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi

của anh em”.

(1Cr 15: 17)

Chắc hẳn, khi quả quyết những lời đanh thép như thế, thánh nhân cũng không đi xa khỏi khẳng định, nói ở trên: Ngài vẫn không chết đâu em. Đâu anh. Ngài chỉ về với Đấng mong đợi Ngài.

Vấn đề mà nhiều người đặt ra, là: Chúa cứu chuộc loài người, chuyện này đương nhiên là có thật. Chẳng có gì để bàn cãi. Thế nhưng, Ngài cứu con người bằng cái chết khổ nhục, hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, hay bằng Phục Sinh, đêm thứ Bẩy?

Đúng là chuyện này chẳng có gì để cãi, và không bàn. Nhưng, hãy thử có cái nhìn vào các văn bản chính thức của Hội thánh. Xem sao.

Chắc chắn đây không là lần đầu, ta nghe được những thắc mắc như thế. Và, câu trả lời giản đơn trước hết, vẫn là: Đúng! Chúa sống lại, trỗi dậy từ cái chết đầy khổ nhục, vẫn là chuyện cần thiết để cứu rỗi nhân loại. Cái chết, chỉ là khởi đầu. Phục Sinh, mới hoàn tất.

Bây giờ, mời bạn và tôi, ta thử bước vào vườn hoa lấp lánh, để có một chút những chú thích và giảng giải của các bậc thầy, về kinh thánh:

Ơn cứu độ, là cứu ta khỏi tội nguyên thuỷ. Công trình này dính dự cả cái chết cho tội lỗi và trỗi dậy với cuộc sống mới. Việc trỗi dậy với cuộc sống mới, Sách thánh so sánh gọi đó là “vừa mới tái sinh”. Thánh Phê-rô, trong thư thứ nhất gửi đến “những người được Thiên Chúa kén chọn’, thánh nhân có viết việc ấy đến với ta, là nhờ Chúa sống lại:

“Chúc tụng Thiên Chúa

là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô,

Chúa chúng ta! Do lượng hải hà,

Người cho chúng ta được tái sinh

để nhận lãnh niềm hy vọng sống động,

nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại,

để được hưởng gia tài không thể hư hoại,

không thể vẩn đục và tàn phai.

Gia tài này dành ở trên trời cho anh em.”

(1Pr 1: 3-4)

Quả là, bằng vào sự chết, Chúa đã tiêu diệt tội lỗi. Nhưng nhờ vào Phục Sinh, Ngài mang đến cho ta cuộc sống hoàn toàn đổi mới. Rõ ràng là, khi tham dự tiệc thánh của Lòng Mến, bạn và tôi vẫn cất cao lời tuyên bố, rất đáng tin, như:

“Con tuyên xưng: Chúa đã chết đi.

Con tuyên xưng: Ngài đã sống lại

Trong vinh quang, mai Ngài lại đến,

Đón chúng con … lên trời về với Chúa Cha.”

Và, đây cũng là ý nghĩa của điều mà thánh Phao-lô hằng xác tín. Khi xác tín, thánh nhân còn chuyển tải đến với cho ta, cũng một niềm tin như:

“và nếu ngươi tin trong lòng ngươi

Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết,

thì ngươi sẽ được cứu.”

(1Cr 15: 17)

Thánh Âu-tinh, cũng có cùng một nguồn mạch như thế, khi ngài quả quyết: không những chỉ có sự sống lại của Đức Kitô mới xác nhận được tính chất thánh thiêng của Ngài, nhưng chính nhờ Ngài sống lại, ta mới được cứu:

“Chúa chết, không mang lợi ích gì đến cho ta

trừ phi Ngài có trỗi dậy từ cõi chết.”

(xem Chia sẻ số 246: lời thánh Phao-lô 38, c 1154)

Rõ hơn, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo lại đã hơn một lần nhận định:

“Mầu nhiệm Vượt Qua có hai khía cạnh: bằng vào cái chết của Ngài, Đức Kitô giải phóng con người khỏi mọi tội lỗi; nhờ vào phục sinh, Ngài mở ra cho chúng ta con đường đi đến sự sống mới. Sự sống mới này, trên tất cả mọi sự, minh xác một điều: là đưa chúng ta vào lại với ân sủng của Thiên Chúa. Chính qua việc Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết nhờ vào Cha Ngài, mà chúng ta có thể bước vào cuộc sống đầy mới mẻ.” (GLHTCG đ 654).

Xem như thế, Giáo Lý Hội thánh Chúa, bao hàm hai việc: vinh quang chiến thắng sự chết do tội lỗi con người tạo nên và sự tháp nhập mới vào ân sủng của Đức Chúa (x. Rm 6: 4)

Trên bình diện cá nhân, chính ngang qua Bí tích Thanh Tẩy, ta đến để chia sẻ sự sống mới mà Đức Kitô đã toàn thắng, vì chúng ta. Nói một cách đầy hình tượng, thì: bằng vào phép Thanh Tẩy, ta được bước vào mộ phần với Đức Kitô để rồi trỗi dậy với Ngài, đi vào cuộc sống mới mẻ gồm đầy ân sủng. Và, thánh Phao-lô diễn tả động tác Tẩy Rửa một cách sinh động:

“Vì được dìm vào trong cái chết của Người,

chúng ta đã cùng được mai táng với Người.

Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết

nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha,

thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.”

(Rm 6: 4)

Còn một khía cạnh khác: Phục Sinh không chỉ đả động đến lý chứng hoặc sự thánh hoá linh hồn, giải phóng ta khỏi tội lỗi, thôi; nhưng, còn cứu chuộc thân xác ta nữa (Rm 8: 23). Cứu chuộc hay cứu rỗi bằng việc sống lại vào ngày sau hết.

Điều quan trọng ta nên biết, là: Đức Kitô kết hợp với ta như vị thủ lĩnh cả nhân loại. Đây là mấu chốt quan trọng của sự thật nói trên. Ngài đã tự biến mình làm một với ta khi Ngài mặc lấy thân phận làm người. Sống kiếp người. Sống như người phàm. Ngài là A-đam mới lôi kéo ta khỏi thân phận đắm mình trong tội lỗi của A-đam cũ, để ta được cùng với Ngài trỗi dậy, nhờ Phục Sinh mà thành một “Kitô khác”.

Chính trong ý nghĩa này, mà thánh Phao-lô lại viết thêm:

“Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người, nhờ kết hợp với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống. (1Cr 15: 20-22)

Theo ngôn ngữ của Giáo Lý Hội Thánh, ta nói được là:

“Đức Kitô, vị trưởng tử

trong số những người từ cõi chết sống lại

(Co 1: 18),

đây chính là nguyên lý để ta được sống lại, và cũng nhờ vào sống lại của Ngài, linh hồn ta mới được chỉnh đốn (Rm 6: 4). Và, một ngày kia, trong cuộc sống rất mới, Ngài sẽ tự tháp nhập làm thành phần trong thân xác của ta (Rm 8: 11)” (x.GLHTCG đoạn 658).

Nói tóm lại, “Phục sinh là trọng tâm ơn cứu độ. Chính nhờ Phục sinh và cái chết của Đức Kitô đã tạo nên nhiệm tích duy nhất, đích thực để cứu rỗi con người.” (F. Ocariz, Mầu Nhiệm Đức Kitô, Four Courts Press 1994, tr. 242).

Trên đây, là lý lẽ và tư tưởng của đấng bậc thân quen, mà bạn và tôi vẫn thường nhắc đến mỗi khi có thắc mắc về giáo lý và giáo luật. Cũng vẫn là vị linh mục nổi tiếng nơi mục “hỏi và đáp”, báo Tuần Công Giáo ở Sydney, số đăng ngày 23/3/2008, mới đây.

Trả lời thắc mắc rất ngắn gọn có bằng ấy, mà “đức thầy” đã phải dựa vào nào là lý chứng của rất nhiều vị thánh, lẫn tiền nhân. Nếu không, chắc cũng sẽ bị coi là “nói trại” hoặc “nói dại” để rồi chẳng ai còn muốn nghe. Thế đó, là nỗi khổ của những người muốn viết về chuyện Đạo. Đạo vào đời, là như thế.

Tuy nhiên, khổ hình và khổ ải này không kéo dài, vì Chúa đã Phục Sinh. Phục Sinh, Ngài đem đến cho đàn con yêu dấu, những niềm riêng. Rất vui. Riêng và vui, còn gọi là niềm vui riêng đã phục sinh như truyện kể ở bên dưới. Truyện kể có sự sống và sự chết, rất giả tưởng, như sau:

“Cụ bà 91 tuổi vừa mãn phần, sau những chuỗi ngày dài sống đàng hoàng, lành thánh. Khi về hưởng nhan thánh Chúa, cụ hỏi Đức Giêsu đôi điều vốn làm cụ bận tâm, rất nhiều năm. Cụ hỏi: vậy chứ tại sao bảo rằng: con người sinh ra đều bình quyền, cả nam lẫn nữ, thế tại sao họ cư xử với nhau tệ bạc, đến như thế?

Đức Chúa trả lời:

-Mỗi khi có người đi vào cuộc sống đời ta, đều có đôi điều để ta học hỏi. Chỉ ngang qua những bài học ấy, mà con người mới biết thêm được thế nào là cuộc đời. Thế nào là con người. Thế nào là tương quan mật thiết với Cha.

Thấy cụ xem ra chưa cảm thấy thuyết phục, Đức Chúa giải thích thêm:

-Khi có người nói dối con, chuyện ấy cũng vẫn dạy con điều này, là: mọi sự đều không giống như nó có hình dáng bên ngoài,mà sự thật là vẫn có nhiều thứ ẩn dấu tận bên dưới. Hãy nhìn phía sau khuôn mặt mọi người mang đeo, để biết được những thứ nằm tận đáy lòng họ. Hãy cởi bỏ mặt nạ của con đi, để mọi người thấy được diện mạo đích thực của con.

Khi có người lấy đi bất cứ thứ gì của con, điều đó cũng dạy con rằng: mọi sự không vĩnh viễn tồn tại. Hãy cứ trân trọng những gì con đang có. Bởi, con biết sẽ đến một ngày con mất nó. Chớ bao giờ nghĩ rằng, bạn bè người thân, đều là quà tặng nhưng-không, bởi ngày hôm nay, hay khoảnh khắc con đang sống, đang có đó là đảm bảo duy nhất là lúc con có được.

Khi gặp nỗi buồn đau sầu khổ, hãy nhớ rằng: mọi đau sầu buồn chán, đều cho thấy bản chất con người của con rất mỏng dòn. Hãy chăm sóc bảo vệ thân xác của mình, vì có thế con mới biết rõ về quà tặng con nhận được.

Khi có ai chế riễu nhạo cười, hãy nhớ rằng đây cũng là bài học, rằng trên đời chẳng có bao người giống nhau như hai giọt nước. Khi gặp gỡ hoặc giáp mặt người khác biệt, con cũng đừng phán đoán qua hình hài và hành động khác biệt của họ, trong xử thế. Thay vào đó, chỉ nên nhìn vào nội dung của họ chất chứa bên trong.

Khi có người xé nát tim con, điều này cũng dạy cho con là yêu người chưa hẳn là sẽ được nhận tình yêu đáp trả, từ nơi họ. Tuy thế, cũng đừng lạnh nhạt làm ngơ với tình yêu vì khi con gặp đúng người mình mong đợi, thì niềm vui mà người ấy đem đến sẽ bù đắp ngàn lần những đau buồn của thời đã qua.

Và khi có người có ác cảm với con, điều ấy dạy con rằng mọi người ai cũng có thể phạm lỗi. Khi con sai sót, điều tốt đẹp nhất con có thể làm chính là thứ tha người đã xúc phạm con một cách thật lòng, không giả dối. Tha thứ cho kẻ làm mình đau buồn, chính là điều khó và là kinh nghiệm không phải dễ làm trong đời của con. Nhưng, đó cũng có thể là việc quả cảm mà con người có thể thực hiện được.

Khi người yêu tỏ ra bất trung, điều đó dạy rằng: chống trả lại cơn cám dỗ vẫn là thách thức lớn đối với con người. Hãy đề cao cảnh giác và làm hết sức để chống trả lại những cơn cám dỗ. Làm thế, con sẽ nhận được phần thưởng lớn hơn cả vui thú chóng qua, vẫn lôi cuốn.

Khi có người lừa đảo con, là muốn dạy con rằng tham lam, ham hố là căn nguyên của mọi ác độc/sự xấu. Hãy khao khát biến ước mơ thành hiện thực, bất kể là nó có thể ở quá cao tầm tay với. Chớ có bất cứ mặc cảm nào về những kết cuộc, và chớ để mình dễ bị ám ảnh về những gì dẫn con vào thói tật xấu xa, ác ý.

Khi bị người nhạo báng, con cũng đừng lấy đó làm điều, bởi không ai trên đời là hoàn thiện. Hãy chấp nhận người khác vì cái tốt của họ, và quên đi những sai sót họ lầm lỡ. Đừng từ bỏ hoặc chèn ép ai chỉ vì những sơ xuất mà họ không thể kềm chế được.

Nghe được lời khuyên dạy của Đức Chúa, cụ bà bèn hỏi thêm: vậy thì có bài học tốt nào xuất từ con người? Chúa bèn nói: chính khả năng yêu thương mà con người có được là quà tặng lớn nhất được ban cho. Tại nơi thâm căn tận gốc rễ, mỗi hành vi chân thiện và thương yêu, nhất nhất đều dạy ta một bài học.

Và, bài học lớn nhất Chúa từng dạy con người, là: Ngài chấp nhận nỗi chết để rồi sẽ vực dậy cho mọi người sống lại với Ngài. Sống trong yêu đương Phục Sinh, như A-đam mới. Như một “Kitô khác” đã đổi mới. Đã phục sinh, chính con người mình.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn luôn coi mọi việc

như bài học hiếm có

ở trong đời.