Tuesday 28 September 2010

”Mời người lên xe, về miền quá khứ

Mời người đem theo, toàn vẹn thương yêu.”

(Phạm Duy – Nghìn Trùng xa cách)

(Col 3: 12-13)

Khóc với cười, suốt một đời. Thế đó, là hành trình. Hành trình của sự sống. Sống, là luôn có hành và có trình. Di hành những nơi đâu? Trình bày và tự sự cùng ai? Với ai? Hỏi như thế, vẫn cứ là câu hỏi, để mà hỏi. Chứ, sự thật thì khi bạn và tôi, ta có đi vào với đời người, thì có ma nào buồn trả lời, trả vốn đâu. Chẳng trả gì cho câu hỏi tuy không khó ấy.

Hành trình của sự sống, nhiều lúc thấy cũng trớ trêu. Dị kỳ. Nghịch ngạo. Nghịch thường và ngược ngạo hệt như chuyện vừa mới xảy đến với bần đạo, vào ngày đi công tác với tư riêng ở trời Tây, đất Pháp. Gọi là đi Tây, nhưng bần đạo lại cứ chúi mũi vào với cuốn “Cuộc đời và lời dạy của các bậc thày miền Viễn xứ, bên trời Đông” của học giả Baird T Spalding.

Nghịch và ngạo, là thói quen vẫn có của đàn anh/đàn chị nay đi trước. Một lề thói rất quen quen, nhất thứ là khi có ai đó muốn tìm và hiểu Đạo lý vẫn cứ phải và cứ nên trở về với cội nguồn của Hội thánh là mẹ, xuất thân từ trời Tây. Chứ, ai đâu kiếm tìm “đường xưa lối cũ” của các cụ tận chốn tít mù. Lặng thinh. Im tiếng.

Chẳng thế mà, càng đi vào chốn lặng thinh im ắng, người người càng nhận ra điều mà nghệ sĩ họ Phạm từng diễn tả bằng ngôn từ, rất thi tứ:

“Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu

Sẽ có chẳng nhiều đớn đau

Nối gót người vào dĩ vãng nhiệm mầu

Có lũ kỷ niệm trước sau…”

(Phạm Duy – bđd)

Quá khứ. Mà, lại là “dĩ vãng nhiệm mầu”. Kỷ niệm. Mà, lại là “một lũ truớc sau”. Thì, chắc chắn, cũng chỉ gồm toàn ngững người từng di hành vào với quá khứ, rất nhạt mầu. Đâu có nhiều đớn đau. Âu sầu. Khổ não!

Ấy thế mà, người đời thường nghe thấy như có nỗi sầu vạn cổ, toàn những là:

“Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ

Rồi sẽ tan đi mịt mù

Vạt tóc nâu khô còn chút thơm tho

Thả gió bay đi mịt mù.”

(Phạm Duy – bđd)

Hành trình về miền viễn xứ, Đông hoặc Tây. Nam hay Bắc, sẽ không chỉ thấy “mịt mù”, để “thả gió bay đi”, mà thôi. Còn, hành trình về với nhà Đạo, vẫn có “chút thơm tho”. “Nằm ép trong thơ”. “Đợi chờ”. Ép, nơi thi ca/âm nhạc dạt dào một tìm kiếm. Kiếm và tìm cả hồn Thơ. Hồn người. Lênh láng máu. Và, hồn.

Hành trình nhà Đạo hôm nay, người đời đã và sẽ còn gặp Thầy Chí Thánh, nơi đấng bậc rất “thày”, ở nhiều nơi. Như học giả B Spalding từng gặp nơi khung trời mở ngỏ, ở xứ Ấn.

“Các bậc “thày” ở xứ Ấn vẫn chấp nhận rằng Phật là con đường dẫn đến sự rọi sáng, nhưng các vị ấy vẫn quả quyết rằng Đức Kitô đích thực LÀ sự Rọi sáng, hoặc chính sự thức tỉnh luôn soi dọi mà chúng ta kiếm tìm. Đức Kitô là chính Sự Sáng cho mỗi cá thể. Chính vì thế, Ngài là sự Sáng cho mỗi trẻ sinh ra ở thế trần.” (x. Baird T Spalding, Life and Teaching of the Maters of the Far East, DeVorss Publications Camarillo, California 1972 Vol. 1 p.7)

Hành trình nhà Đạo về với trời Đông, người đời còn bắt gặp rất nhiều thứ. Những thứ như sức sống mãnh liệt. Tuổi trẻ ưu việt. Nguồn ân sủng dồi dào cao siêu chìm trong im ắng. Để rồi sẽ lại nhịp nhàng. Siêu thoát. Bắt và gặp, là gặp như thế này:

“Êmilô nói: Đây là Đền Lặng Thinh”, là Chốn ngự trị của Quyền lực. Thinh lặng là Sức mạnh. Là, Quyền lực. Bởi, khi ta đạt chốn miền lặng thinh trong tâm hồn, là đạt đến chốn ngự trị của Quyền lực. Ở nơi đó, tất cả đều nên một. Một quyền lực - Đức Chúa. .. Quyền lực phát tán là ồn ào. Quyền lực tập trung là thinh lặng. Bằng vào tập trung (kéo về tâm), ta đem mọi sức lực của ta vào với tâm điểm của sức mạnh, khi đó ta gặp Đức Chúa trong lặng thinh. Ta kết hợp làm một trong Ngài và từ đó là một với mọi quyền uy thế lực. Đây là di sản dành để cho con người.(x. Baird Spalding, sđd t. 34)

Hành trình của nhà Đạo, có Chúa dạy bảo, còn là hành trình tìm Sự Sống, rất miên trường. Nơi nỗi chết. Như thánh sử từng ghi chép lại Lời Chúa, rất như sau:

Đức Giê-su liền phán:

"Chính Thầy là sự sống lại

và là sự sống.

Ai tin vào Thầy,

thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.”

(Yn 11: 25)

Các đấng bậc làm thày ở Phương Đông đã nhận ra được điều Thầy Chí Thánh nói, nên đã sống. Các vị ấy còn quan niệm “Chết là bước khởi đầu của sự sống” nữa. Sự sống ấy rất hiên ngang. Miên trưòng. Mãnh liệt. Cứ nhìn các bậc thày đạo sư ngồi thiền, người người cứ tưởng chừng như các ngài đã và đang lịm chết, trong cõi nào đó. Nhưng thật, các ngài đang sống rất mạnh. Rất bền. Trong nỗi niềm tưởng như không còn sống cho thân xác rất đoạ đày. Rày đã chết.

Tương quan sống/chết – chết/sống là tương quan rất sống động. Thực tiễn. Mà, chỉ những ai có kinh nghiệm về một hành trình đi vào cõi chết –tức vào khởi đầu của Sự Sống- mới nhận thấy. Và, đạo sư Phương Đông đã nhận ra điều ấy, trong cuộc sống. Của chính mình.

Có sự trùng hợp nào đó giữa nhà thơ và nhà Đạo, khi nghệ sĩ ngoài đời, lại vẫn hát:

“Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi

Còn gì đâu nữa mà giữ cho người...”

(Phạm Duy – bđd)

Quả có thế. Khi các vị thượng sư ngoài Đạo, hay con dân trong Đạo đã quyết định ra đi dần vào cõi chết để tìm đến sự sống miên trường, hãy cứ để sự việc diễn tiến như thế, như giòng nhạc đời còn diễn tả:

“Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời

Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui

Lời nói, lời cười

Chuyện ngắn chuyện dài

Trả hết cho người, cho người đi

Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi…”

(Phạm Duy – bđd)

Cứ trả đi. Trả hết cho người. Cả cho đời. Để rồi, mời bạn và mời tôi, ta đi vào cõi sáng. Dù đó có là bóng tối nhân gian cuộc đời. Một đời người. Có dối gian. Tranh chấp. Những ước vọng. Bởi, đã có một thời để sống, đủ rồi. Nay, hãy chọn thời để chết. Chết, cho tháng ngày mải sống đam mê. Ê chề. Nhiều nghiệt ngã. Vọng tưởng.

Hãy cứ tìm cõi sống-tưởng-chừng-như-đã-chết, ở đâu đó. Chốn tu trì. Thâm trầm. Thoát tục. Này đây, phương trời đời tu im ắng, chốn chiêm niệm. Là nơi, để bạn để tôi, ta cứ đầm mình trong cõi chết. Chết cho cõi lòng còn tham-sân-si, đầy mộng ước. Chết cho cuộc tình còn tiếc nuối. Chốn gian trần.

Đấy kìa Lời Vàng của Thầy Chí Thánh, vẫn hằng khuyên dân con trong Đạo, ngoài đời, còn tìm kiếm, rất sự sống:

“Còn anh, khi cầu nguyện,

hãy vào phòng, đóng cửa lại,

và cầu nguyện cùng Cha của anh,

Đấng hiện diện nơi kín đáo.

Và Cha của anh,

Đấng thấu suốt những gì kín đáo,

sẽ trả lại cho anh.”

(Mt 6: 6)

Nguyện cầu như Thầy dạy, còn là phương án đi vào sự chết. Chết rất lặng. Rất đầm mình. Trong tương quan nguyện cầu với Cha. Với Chúa. Là, đi vào sự lặng thinh. Bởi lặng thinh, không chỉ là tình đã thuận với cái chết. Chết cho mình. Cho Chúa. Nhưng, là đầm mình vào với cái chết của Đức Chúa, Đấng dạy ta chết đi cho chính mình, vì sự sống của con người. Để, các người con –là ảnh hình của Ngài- sẽ nên một với Ngài, trong cõi miên trường Sống Lại. Mãi mãi. Nơi tình thương.

Hành trình vào cõi chết, ở trời Tây hay phương Đông, không là tìm huỷ hoại chính mình, trong nỗi chết thể xác. Bởi như thế, vô hình chung, mình tự phá hủy Đền Thờ của Thánh Thần Chúa. Mà là, tìm đến những gì là thấp kém. Hiền hậu. Khiêm hạ.

Nói nôm na, thì hành trình về với trời Đông có nỗi chết, là hiểu, là biết và thực hiện điều mà thánh Phaolô tông đồ đã hơn một lần nhủ khuyên. Cảnh báo:

“Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa,

hiến thánh và yêu thương.

Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm,

nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.

Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau,

nếu trong anh em

người này có điều gì phải trách móc người kia.

Chúa đã tha thứ cho anh em,

thì anh em cũng vậy,

anh em phải tha thứ cho nhau.

(Côl 3: 12-13)

Chính đó là cung cách của người tìm cho mình sự chết đi cho chính mình, trong lặng câm. Thâm trầm. Nghiệt ngã. Một khi đã tạo được cung cách ấy rồi, người người sẽ chẳng bao giờ còn lo lắng cho mình sẽ phải làm gì cho xứng đáng. Sẽ không lo ăn làm sao, nói làm sao, trước những đòi hỏi táo bạo của Thầy Chí Thánh.

Hiểu được như thế, ta lại sẽ cùng người nghệ sĩ ở ngoài đời, tiếp tục hát:

“Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi

Còn gì đâu nữa mà giữ cho người...”

(Phạm Duy – bđd)

Còn gì đâu nữa mà giữ cả cho mình. Bởi lẽ, mình có là gì đâu trước tình yêu bao la của Đức Chúa. Có giữ chăng, chỉ nên giữ mỗi điều này, là niềm vui. Cho mình. Cho mọi người. Như truyện kể khá vui ở bên dưới, để cho vui.

“Truyện kể rằng,

Gia đình người Việt ở quê nhà, có thói quen coi mặt đặt tên cho con, rất cắc cớ. Ngay khi con cái chào đời, hễ đứa nào mặt buồn rười rượi, ông bà đặt cho cháu cái tên, rất buồn, là thằng Buồn. Hễ con bé trông vui vui, ông bà lại đặt tên cho cháu là Vui. Vui hay Buồn, cháu nào cũng gặp chuyện vui buồn tréo cẳng ngỗng, rất như sau. Cháu Buồn, gặp lúc lớn đến trường học, cứ bị bạn bè thầy cô gọi lại mà bảo: Buồn ơi chào mi. Rất nhiều khi.

Còn cháu Vui, mắc phải bệnh quái ác, trời không cho sống giai sống khoẻ. Khiến bố mẹ đau xót, cứ tức tưởi mà khóc, mà la, những câu than vãn rất đứt ruột:

-Ối giời ơi. Vui ơi là Vui… sao con tên Vui mà chẳng làm bố mẹ vui. Ấy Vui ơi là Vui.

Vui buồn cuộc đời nhiều lúc cũng trớ trêu. Nghịch ngạo. Rất nên phiếm. Tuy nhiên, hôm nay phiếm đã dài. Bần đạo những muốn nhường lời cho người nghệ sĩ hát lời cuối, rất nên thơ. Như lời thơ rất nhạc:

“Trả hết cho người, cho người đi

Trả hết cho ai cả những chua cay

Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi

Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người

Trả nốt đôi môi gượng cười

Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi

Còn lời trăn trối gửi đến cho người...

Nghìn trùng xa cách người cuối chân trời

Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người.

(Phạm duy - bđd)

Quả là thế. Có trả cho người, cũng đừng trả những chua cay. Chia tay. Rất lặng lẽ. Trái lại, hãy cứ gửi đến cho người, ở cuối chân trời lời cầu chúc rất hạnh phúc. Sướng vui. Một cuộc đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Nghĩ về đời người

nhiều lúc vẫn thấy vui.

Vui với người.

Với mình.

Để mọi người được vui.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Saturday 18 September 2010

“Khi tình đã vội quên”,

tim lăn trên đường mòn. Trên giọt máu cuồng điên,

con chim đứng lặng câm. Khi về trong mùa đông,

tay rong rêu muộn màng. Thôi chờ những rạng đông..”

(Trịnh Công Sơn – Ru Ta Ngậm Ngùi)

(1Ph 4: 12)

Có những truyện kể, vẫn rất nhiều. Kể nhiều lần. Về nhiều người. Như, truyện của bé em rất ngây thơ. Không ỡm ờ. Thờ ơ. Một truyện Đạo. Như truyện có lời cầu, nhưng không xin, sau đây:

“Lần đầu, được mẹ dắt đi nhà thờ dự lễ cưới, có cô dâu chú rể trao nhau nụ hôn rất đầy tình. Có nhẫn cưới. Có nụ cười. Bé em chợt nhận thấy nhiều thứ, trông rất lạ. Bèn, kéo tay mẹ xuống, cuống cuồng hỏi:

-Mẹ ơi, sao cô dâu hôm nay mặc toàn mầu trắng không vậy, mẹ?

-Con à, mầu trắng là mầu thanh trong, hạnh phúc. Cô mặc như thế, vì hôm nay là ngày cô sung sướng nhất đời cô, đấy con?

Nghĩ một hồi, bé lại kéo tay mẹ, nhè nhẹ hỏi:

-Thế còn chú rể? Sao chú mặc toàn mầu đen không vậy? Chắc là chú không sung sướng như cô dâu, phải hông mẹ?

-!!!

Trắng hay đen, phải chăng đó có là mầu của những người từng nếm mùi hạnh phúc, rất tinh tuyền? Cái đó, còn tùy. Tùy người hỏi. Tùy người trả lời, cho đúng. Dù, “lời” có trả mà không “vốn”. Bảo rằng, mầu trắng là sắc mầu trinh trong/hạnh phúc, rất thích hợp với phụ nữ, có lẽ là chuyện cần bàn thêm. Nhưng nếu bảo, đen kịt là mầu của thời trang, lang bang nhiều thế hệ, thì xin bạn và tôi, ta cứ để đó. Hạ hồi ,rồi giải quyết.

Nay, có luận bàn về hạnh phúc/phúc hạnh, cũng nên thêm một truyện khác, kể rất vắn. Kể, là để tạo thư giãn vớicuộc đời; trước khi nhập đề tài khúc mắc. Rất sắc nét:

“Truyện rằng:

Có hai người bạn, vẫn thân mật, gần gũi để tâm sự. Dù chỉ một đôi câu rất vắn vỏi. Nhưng đủ nghĩa. Thấm thía. Thấy bạn thẫn thờ suy tư về phụ nữ, anh bèn hỏi:

-Này ông bạn. Ông có biết rằng: bà nhà tôi, là một thiên thần, rất tuyệt trần, không?

-Ấy! Bạn có phúc đấy. Phần tôi, ‘phân nửa’ của tôi, hiện vẫn sống. Chẳng giống ai!...

Có một nhận định khác, cũng rất ư là kể lể, về hạnh phúc. Phúc hạnh. Như sau:

“Có nữ phụ nọ, bỗng thấy mình nay đầy thần hứng, rất phấn chấn. Bèn thổ lộ:

-Tôi đây chưa “ngộ” được điều gì cho ra hồn. Nên chẳng dám bảo: là mình nay hạnh phúc. Bởi, hạnh phúc là cái gì đó chợt đến, rồi vội đi. Trong phút giây. Chỉ ít ngày. Nó đến với tôi, cũng rất nhiều. Kịp vào lúc tôi quyết định lập gia đình. Cho riêng tôi. Nhưng khi ấy, lại quá trễ!

Về hạnh phúc, rất nhiều lần, bần đạo từng hít thở những hơi dài, đầy buồng phổi. Hầu, dẫn nhập vào người, luồng khí lạ. Từ xa. Vẫn hít thở, những thông tin lạ, từ đâu đó. Rồi giữ nó, chừng dăm phút. Mới thở phào, nhẹ nhõm. Thở, để có được cung cách khác lạ, nhưng không kỳ. Chí ít, là khi bần đạo được nghe nghệ sĩ mình, lại hát tiếp:

”Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày

Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi

Không còn, không còn ai,

ta trôi trong cuộc đời

Không chờ, không chờ ai!”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Nhận lãnh hạnh phúc, sao phải chờ! Chờ ai? Chờ gì? Phải chăng, chờ những điều sau đây?

”Xin chờ những rạng đông.

Đời sao im vắng

Như đồng lúa gặt xong

Như rừng núi bỏ hoang

Người về soi bóng mình.

Giữa tường trắng lặng câm.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Quả có thế. “Tường trắng lặng câm”. “Chờ những rạng đông”. Là, thứ hạnh phúc vẫn rất thật. Cứ lờ ngờ ở trước mắt. Đôi lúc còn như “đời im vắng”. Như, “rừng núi bỏ hoang”. Cứ luột khỏi tầm tay. Đầy níu kéo. Rất khéo léo. Với nhiều người, hạnh phúc vẫn là: còn đó những ước vọng, chưa tỏ rõ. Chưa đạt. Vì, một khi đạt được rồi, đã chắc gì phúc hạnh ấy là điều mình từng mong ước. Như ước vọng nhà Đạo từng có, trong đời.

Ước và vọng, là những ước rằng: thế hệ mình sống, chắc rồi mộng ước/khát vọng của mình cũng thành hiện thực. Rất không lâu. Không xa vời thực tế. Như vấn đề, mà bạn và tôi, ta sẽ bàn ở dưới, là: có nên cho phép phụ nữ làm linh mục? Như đề tài mà bần đạo vừa bắt chụp, ở đời thường.

Mộng, là như thế. Nhưng sao, trên thực tế những mộng và ước ấy, vẫn đâu thành hiện thực? Vẫn cứ thành đề tài của tranh cãi, ở truyền thông lòng thòng một chuyển tải đề tài rất nóng bỏng. Khiến ưu tư. Uẩn ức. Như người ở Úc, vẫn thắc mắc những điều sau đây:

“Vừa qua, toà thánh vừa gặp vài phản đối/vấn nạn tưởng chừng chưa thông. Chưa suốt. Chưa, là bởi: mới đây, có văn bản xuất xứ từ điện Vatican cho biết: việc tấn phong linh mục cho phụ nữ có khác nào chấp nhận tệ nạn ấu dâm, đang gây khó cho Hội thánh. Rất trăn trở. Sau đó, phát ngôn viên Toà thánh còn cho biết: bản văn trên không nhằm ví von những chuyện không thích hợp, hài hoà; chẳng ăn khớp gì với nhà Đạo. Ấu dâm, là tội phạm nghịch-chống với luân lý. Đạo đức. Tham gia tấn phong linh mục cho phụ nữ, là tội ác chống lại niềm tin Kitô giáo.

Nhận định của Hội thánh về việc “phong chức linh mục cho phụ nữ, cũng giống như tội ác chống lại niềm tin”, là điều ta cần suy nghĩ. Cho kỹ.

Lô-gích của Hội thánh về các điều gọi là “tội ác”, cũng rất rõ. Bất cứ cơ quan/tổ chức nào cũng kỳ vọng điều tốt đẹp, nơi thành viên mình. Ai vi phạm một trong các điều luật ghi ở nội qui của nhóm hội/tổ chức, đều bị trừng trị.

Với câu lạc bộ bóng đá, chẳng hạn, câu lạc bộ nào cũng kỳ vọng là: cầu thủ của đội mình phải ra sân tập luyện. Đều đặn. Nghiêm chỉnh. Ai đến trễ, hoặc đến trong tình trạng say xỉn, đều bị coi như cố ý chống lại những gì được mọi người trong câu lạc bộ kỳ vọng. Kỳ vọng, như một cầu thủ thực thụ. Cũng giống thế. Cầu thủ, là người được kỳ vọng phải tôn kính biểu tượng của câu lạc bộ nhà, khi mình gia nhập. Cầu thủ nào công khai đốt cờ xí, phá phách đồng phục câu lạc bộ, tự khắc sẽ bị coi là phạm luật. Tức: chống lại những kỳ vọng mà câu lạc bộ đặt lên vai của người ấy, với tư cách là hội viên chính thức của câu lạc bộ. Cầu thủ nào làm trái ý, tức: đã vi phạm luật. Đã, chống lại những gì câu lạc bộ chủ trương. Nói theo kiểu nhà Đạo, làm thế, tức đã vi phạm luật lệ, nội qui. Tức, chống lại niềm tin của người cùng chí hướng.

Luật Hội thánh, cũng có các phạm trù dựa trên nguyên tắc, rất tương tự. Các phạm trù nhằm phản ánh thời khắc mà Hội thánh khi xưa ban hành lề luật cho dân con Đạo mình. Còn ấu dâm, chỉ là chuyện có liên quan đến một số linh mục, thôi. Và, tham gia quyết định phong chức linh mục cho phụ nữ, lại là chuyện khác. Dù, cả hai việc lâu nay vẫn được coi như có liên quan đến cuộc sống của Hội thánh. Nếu xem đó là chuyện phải lẽ, thì việc này phải bị nghiêm cấm. Phải trừng trị.

Dầu sao đi nữa, bảo rằng: tham gia vào việc phong chức linh mục cho phụ nữ, mà gọi đó là tội phạm chống niềm tin Kitô giáo, thì việc này làm tôi chao đảo, khá nhiều. Mới đây, tôi đến dự buổi phong chức linh mục cho một chị phụ nữ nọ, chỗ thân quen. Chị bạn, tuy tin vào Đức Kitô, nhưng lại thuộc giáo hội khác. Nghi thức truyền chức linh mục ở đây, không khác là bao các buổi tấn phong linh mục ở Hội thánh mình. Nghĩa là, cũng nói đến trọng trách của Hội thánh trong việc tấn phong cho tân chức. Cũng nói đến trách nhiệm của tân chức, đối với Chúa. Với Giáo hội. Và, buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm. Trọng thể. Đầy những sắc mầu của nguyện cầu, như ở Giáo hội mình. Và, vị chủ trì hôm ấy, cũng nói đến bước khởi đầu của công vụ thừa tác đầy mầu mỡ. Có giáo dân hợp lực. Có tân chức quyết tâm. Tức, có niềm tin xuyên suốt. Từ dân con Đạo Chúa.

Thật ra, ta không thể bảo: tấn phong linh mục cho phụ nữ cùng Đạo Chúa nhưng khác giáo hội, buổi hội ấy, là một tội ác nghịch chống lại niềm tin. Cũng không thể quan niệm việc truyền chức linh mục cho phụ nữ thuộc giáo hội khác, là việc chống lại niềm tin vào Đức Chúa. Định nghĩa điều gì là: chống đối với niềm tin, phải là hành động đặt nền tảng nơi niềm tin vào Đức Kitô, mới đúng. Tức, phải là hành động phục vụ niềm tin của Hội thánh Chúa, và phải đích danh gây tác hại cho trật tự của cộng đoàn gồm các kẻ tin vào Đức Chúa. Cãi vã này, xem ra có vẻ như ta đang lý tưởng hoá vấn đề, không thực tế.

Chính xác hơn, nên coi việc truyền chức linh mục cho phụ nữ trong Hội thánh Công giáo, một cách tiên quyết như lỗi phạm phản chống một trật tự nào đó, đúng hơn là tội phạm chống lại niềm tin.

Nói như thế không có nghĩa, ta có ý định làm giảm suy ý nghĩa của sự việc. Trật tự, là những gì có liên quan đến niềm tin chung thủy vào Đức Kitô, trong khuôn khổ sự sống của Hội thánh. Tác vụ nào điều hành đúng qui cách, vẫn phải đặt trọng tâm vào trật tự của giáo hội. Truyền chức linh mục cho phụ nữ mà không có phép tắc của Hội thánh, chắc chắn sẽ đả kích nguyên tắc cho phép tác-vụ ấy được hiện thực. Và việc này, cũng đã vi phạm một trong những nguyên tắc tạo việc cho phép tấn phong linh mục, là chỉ dành riêng cho nam giới, thôi. Dĩ nhiên, nguyên tắc này đặt nền tảng vững chắc, trên hiểu biết rất rõ về niềm tin. Và, truyền chức như thế có nghĩa vị phạm trực tiếp luật lệ chống lại trật tự.

Việc ấy tựa hồ hành động của ai đó, quyết xâm phạm khu quân sự, chỉ để phản đối chiến tranh ở Apghanistan, chẳng hạn. Hoặc, nhóm người nào đó đang sửa soạn một nghi thức trong đó họ sẽ ăn vận đồng-phục của cảnh sát, nhằm để phản đối tính bạo tàn mà ngành này vẫn hành xử. Động thái xâm nhập khu quân sự, và ăn vận đồng phục, là chống lại một trật tự của xã hội. Việc như thế, bao hàm một đoan quyết về đạo đức/chức năng nhằm củng cố cho xã hội ấy. Tuy nhiên, những việc như thế không thể gọi nó là tội ác được, vì lý do đó.

Dầu sao đi nữa, hai ví dụ ở trên, đều diễn tả việc vi phạm trật tự, vẫn kéo theo sau một phán quyết mang tính ý-thức-hệ vốn dĩ hỗ trợ cho cung cách nhằm củng cố trật tự đã đặt ra. Hoạt động chống đối thường tạo đam mê. Hấp dẫn. Chúng thách thức nền tảng đạo đức của xã hội. Chính vì thế, mà việc đáp ứng lại hành động chống đối, thường thiếu cân xứng. Thách thức đích thực, phản chống lại trật tự nào đó, do những người không mang vũ khí dám bước vào vùng đất cấm chẳng hạn, thật ra rất nhỏ. Giá trị biểu trưng cho hành động ấy sẽ giải thích tính nghiêm trọng của hình phạt, ta áp đặt. Đề bạt.

Tương tự như thế, trường hợp phong chức linh mục không theo qui tắc, thường có nghĩa đi trệch đường lối quang minh/chính đại, hơn là đe doạ một nền trật tự nào đó, của Hội thánh. Bởi thế nên, theo nghĩa này, thì những việc tương tự như thế, thường đụng mạnh đến niềm tin. Đó là nghĩa cử tương tự như các hành xử của một ngôn sứ. Hội thánh hiểu rõ sức mạnh của hành xử ngoài mặt mang tính ngôn sứ. Tức, rất lý tưởng. Nhưng không thực tế. Kinh thánh dẫy đầy các trường hợp nêu trên. Bởi thế nên, hành xử này được các đấng bậc trong Hội thánh quan tâm, rất đặc biệt.

Điều khó, là hành xử của ngôn sứ nào càng tạo nhiều phản ứng đáp trả rất khắc nghiệt, thì quần chúng lại càng cảm thấy thích thú mà vấn nạn tính hợp pháp của truyền thống mà họ quan tâm. Chú ý. Nơi nào có nhiều bất đồng chính kiến, có khi cũng là điều tốt cho xã hội. Và giáo hội. Là điều tốt, cốt để ta không quá tập trung vào trừng phạt, cho bằng chỉ nên hoà giải. Hoà giải sao, để về lâu về dài, ta có được tình tự tươi vui, dễ sống. Và, mọi người sẽ theo đó mà tiến tới. Cuộc sống vui.” (x. Lm Andrew Hamilton sj, Eureka St, 05/8/2010)

Nghe bàn chuyện cao siêu. Huyền diệu. Bần đạo cứ ớ người ra. Chẳng biết ăn làm sao. Nói thế nào. Cho phải. Như mọi lần, bần đạo cứ vướng phải cái cố tật, là: lại nghêu ngao lời ca vừa hát dở. Bèn ca tiếp:

“Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đờị

Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay

Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi,

Xin ngủ dưới vòm cây ..”.

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Hát rồi, như có luồng sáng thúc đẩy bần đạo lần mò về với Lời Chúa. Bất chợt, gặp được ý/lời đoạn thư của thánh nhân rất “đại thụ”, của nhà Đạo, có giòng chảy đầy nhủ khuyên, như sau:

“Được chia sẻ những đau khổ

của Đức Ki-tô bao nhiêu,

anh chị em hãy vui mừng bấy nhiêu,

để khi vinh quang Người tỏ hiện,

anh chị em cùng được vui mừng

hỷ hoan.”

(1 Ph 4: 13)

Rõ ràng, mọi chuyện dù có là khổ đau hay hoan hỷ, với thánh nhân, vẫn cứ là:

“Anh chị em thật có phúc,

bởi lẽ Thần Khí vinh hiển

và uy quyền,

là Thần Khí của Thiên Chúa,

ngự trên anh chị em.”

(1Ph 4: 15)

Rõ ràng, lời truyền dạy rất xưa, hay mới vừa rồi, vẫn là lời của Chúa. Hiểu theo nghĩa, tâm tư. Kinh nghiệm. Về cuộc sống. Mà, đã là chuyện của cuộc sống, tức sống Đạo với đời và giữa đời, cũng vẫn là chuyện của mọi người. Của nhà Đạo. Ở đời. Một đời có nhiều người. Nhiều ý. Nhiều mộng ước. Rất ưu tư.

Chính vì ưu tư, nên bần đạo vẫn cứ từ từ, mà suy cho kỹ. Và, nguyện cầu. Nguyện, trong lặng thinh. Cầu, qua ca hát. Hát nốt những ý/từ của nhạc bản trích ở trên. Như sau:

“Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình.

Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên

Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình

Xin người hãy gọi tên.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Vâng. Quả có thế. Xin người (cứ) gọi tên. Tên em, hay tên anh. Tên người. Bề gì cũng là tên. Là tuổi. Của những người không đặt nặng vấn đề giới tính. Với Chúa. Với đời. Ở mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ nguyện và cầu

biết đâu mai ngày

Hội thánh vẫn sáng suốt. Tuyệt vời.

Trong mọi việc.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday 11 September 2010

“Buồn ơi trong đêm thâu,”

Ôm ấp giùm ta nhé Người em thương mưa ngâu Hay khóc sầu nhân thế…”

(Trịnh Công Sơn – Ướt Mi)

(Yn 12: 24-25)

Mỗi khi đi vào vùng trời những phiếm, là đã phiếm về lòng Đạo, giữa đời. Hoặc, phiếm về nhạc đời có Đạo. Đạo làm người. Làm, con dân Đức Chúa. Bần đạo lại nhớ đến nhạc phụ của mình. Nhạc phụ bần đạo, tuy chả khi nào chịu phiếm, dù chuyện đời. Hoặc lời thơ. Ý nhạc. Nhưng cụ rất thích nhạc đời có nghĩa đạo. Tuy, không theo Chúa. Đặc biệt, cụ thích nhất giọng ca của Thanh Thúy.

Có một lần, bần đạo mon men đến gần nhạc phụ để hỏi lý do làm sao cụ lại thích giọng ca “liêu trai”, như thế. Thì, cụ tủm tỉm cười, rồi bảo: “Đấy anh xem. Tìm đâu ra trên cái cõi đời này, ai mà có được giọng ca thiên phú, đến là thế.”

Nhạc phụ của bần đạo không nói rõ giọng Thanh Thúy đặc biệt ở điểm nào. Nhưng suy cho cùng, bần đạo thấy nhạc phụ mình rất có lý. Bởi, giọng đặc biệt trời cho không giống ai, thì đời này chỉ đếm được vài ba giọng, như của Edith Piaf, nước Pháp; Céline Dionne, của Canada, Joan Sutherland của Úc, vv.. thế thôi.

Về người ca sĩ tên Thanh Thúy, bần đạo lại bắt gặp vài nhận định từ các bạn viết và lách ở các nơi, như lời phát biểu của nhà thơ kiêm nhà giáo là Nguyên Sa Trần Bích Lan, có lần nói:

“Thanh Thuý là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ…” (x. Ngọc Lan, Chuyện trò trên mạng, điện báo Người Việt 04/08/2010)

Ngoài ra, phóng viên Ngọc Lan cũng thêm vào đó một nhận định:

“Tôi không diễn tả được giọng ca Thanh Thúy là như thế nào, chỉ biết rằng nghe Thanh Thúy hát, mình bỗng có một cảm giác da diết và khắc khoải đến lạ lùng. Và chỉ có Thanh Thúy mới hát được như vậy.

Giọng hát Thanh Thuý luôn mang đến cho người nghe một cảm giác vừa bồng bềnh, phiêu lãng, vưa du dương, chất ngất những nỗi niềm, những tái tê, nên nhắc đến Thanh Thúy, người nghe lại liên tưởng đến “tiếng hát liêu trai”, hay “tiếng hát khói sương”, tùy theo cảm nhận của mỗi người. Nhắc đến Thanh Thúy, người ái mộ không chỉ nhắc đến giọng hát, nhắc đến những bài ca khiến người nghe phải thổn thức, mà nhắc đến Thanh Thúy, người ta còn phải nhắc đến một thái độ nghiêm túc, chừng mực đối với hôn nhân, đối với cuộc đời.” (x. Ngọc Lan, Ca sĩ Thanh Thúy, nửa thế kỷ ca hát, Người Việt 04/08/2010).

Còn đây, là chính bộc bạch của nghệ-sĩ-có-giọng-hát-vượt-thời-gian, như sau:

“Tôi nghĩ ông trời cho tôi một giọng hát, và cho tôi thêm điều tốt may mắn là gặp toàn những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Tôi luôn nghĩ mọi chuyện là do Trời sắp đặt. Cuộc đời không ai không trải qua những sóng gió. Nhưng phải luôn nghĩ đó là cuộc đời. Mình nghĩ mình hạnh phúc thì sẽ hạnh phúc. Tôi sinh ra đã thiếu thốn tình cha. Mẹ lại mất sớm. Nên gia đình, với tôi là tất cả. Tôi quan niệm ông Trời đã cho mình điều gì thì mình hãy chấp nhận, ngay khi có cả những gợn sóng bùng lên.” (Thanh Thúy, Chuyện trò trên mạng, bđd)

Nhận ra giọng ca hay định dạng cuộc đời, nhiều người cũng nhận định, tựa như thế. Giống như đời. Thế còn, nhà Đạo vốn thành thạo, với quả quyết của thánh nhân, trong Kinh Sách, thì sao?

Còn nhớ, Phaolô thánh nhân từng tâm tình với người bạn đồng hành cùng là đệ tử mang tên Timôtê, như sau:

“Hãy tránh những đam mê tuổi trẻ;

hãy theo đuổi công chính,

lòng tin,

lòng mến,

bình an,

làm một với những ai kêu cầu Chúa

với lòng trong sạch.”

(2 Ti 3: 22-23)

Về đời người. Hạnh phúc/sướng vui hay “buồn đêm thâu”, rất khổ não. Đâu nào do giọng ca “liêu trai”/buồn bã, nó vận vào người. Cũng chẳng vì ông Trời vẫn quan phòng, hoặc tiền định, đâu vì thế. Có đâu vì, lời ca bay bướm hoặc rất buồn. Rất lê thê. Não nề. Như lới hát, ở bên dưới:

“Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về

Nghe não nề…

Mưa kéo dàu lê thê những đêm khuya,

Lạnh ướt mi

Ai còn buồn khi lá rớt trong một cuối đông.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Cho đi là mưa bão có kéo dài cả cuộc đời, nhiều ê chề. Ướt. Đến, lê thê đi nữa. Hoặc dù cuộc đời mình, thật ra vẫn cứ là:

“Ngoài hiên mưa rơi rơi,

buồn dâng lên đôi môi

buồn đau hoen ướt mi ai rồi

buồn đi trong đêm khuya

buồn rơi theo đêm mưa..”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Mưa có rơi. Đời có buồn. Rất “ướt mi”. Hoặc, vẫn cứ là khi “rớt trong một cuối đông”, cuộc đời đi nữa, thì đời người vẫn cứ hiện rõ ở đâu đó, niềm vui như Lời Thầy hằng biểu tỏ:

“Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất,

Ai ghét sự sống mình nơi thế gian này,

thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời.”

(Yn 12: 25)

Tất cả là như thế. Những vui/buồn, một đời. Đều vẫn vậy. Vấn đề là, mình có bắt gặp và hiểu biết Lời Hằng Sống. Chúa vẫn nói. Thế thôi. Thật sự, thì điều mà các thân nhân ở ngoài đời hay trong Đạo vẫn quả quyết về ý định của Đức Chúa, rất rõ rệt. Nhưng, người đời xem ra chưa nhật biết rõ.

Chưa nhận rõ, nhiều khi chỉ vì người đời vẫn căn cứ vào những mộng tưởng, hoặc ảo giác. Mộng và ảo, chỉ vật vờ nằm ở nỗi vu vơ. Lờ mờ. Chưa hiện rõ. Người đời, vẫn cứ mộng tưởng. Nên, thấy mình còn quá nhỏ, trong nhận định về hạnh phúc/sướng vui, của đời người. Thế nên, người người cần nhận định. Học hỏi. Được hướng dẫn. Cho phải phép. Học về những nghịch thường trong cuộc đời, tỉ như: muốn tường tận Sự Thật, phải khiêm hạ. Chấp nhận mọi yếu kém, rất thiếu sót. Của chính mình.

Người người chỉ nắm bắt được Sự Thật hiển nhiên về cuộc đời, và người đời, nếu biết nhận ra Thiên Chúa là Tất Cả. Cả, về Quyền Uy. Sức mạnh. Bản Chất. Và, khi người đời nhận chân ra Sự Thật về Bản Chất của Đức Chúa. Và, đưa Ngài vào cuộc sống, rất hiện thực. Thì khi ấy, mới tiếp cận được với Ngài. Mới ăn uống, hít thở. Thực hiện những điều cao quý, trước mặt Ngài.

Có lẽ, lý do mà người người chưa đạt hạnh phúc, là bởi chưa học biết và thực hiện những điều cao cả trong công trình của Đức Chúa. Chưa biết rằng, Quyền Uy Sức Mạnh của Thiên Chúa, là để cho con người sử dụng. Trong yêu thương. Nhận lãnh. Nói tóm lại, chưa thực hiện được chữ YÊU. Trong cuộc đời. Thì, có làm gì đi nữa, vẫn như thế. Vẫn hát lên, những câu rên, như ở dưới:

“Còn mưa trong đêm nay,

Lòng em buồn biết mấy

Trời sao chưa thôi mưa

Ôi mắt người em ấy

Từ đây thôi mờ,

Nước mắt buồn mi em ngây thơ…”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Thôi mưa. Thôi mờ. Nước mắt buồn. Đâu phải vì “Trời sao chưa thôi mưa”. Cho bằng, lòng người vẫn cứ rên thưa. Buồn mi em. Ngây thơ. Nếu bạn và tôi, ta chưa gặp được hạnh phúc/phúc hạnh, chẳng vì “ông Trời vẫn sắp đặt”! Cho bằng, vì mải nghe mải tìm hạnh phúc ở đâu đó. Chứ, không tìm Đức Chúa của những phúc hạnh/hạnh phúc ở phần sâu thẳm, của chính mình. Ở những nối kết với Đức Chúa. Ngang qua Cha, Con và Thánh Linh.

Và Ba Ngôi Đức Chúa, vẫn nối kết với con người để thể hiện mỗi ước vọng của mọi người. Uớc vọng về một quan hệ đằm thắm. Rất kết thân. Với Chúa. Với mọi người. Chính đó mới là mục đích. Là, ý nghĩa của mọi sướng vui. Phúc hạnh. Trong đời.

Nhận ra được nỗi sướng vui. Phúc hạnh. Là, nhận lãnh những chuyện rất nho nhỏ, ở đời thường. Có nối kết. Như, nhận định của người viết có tên là Ngô Phan Lưu với truyện kể, ở bên dưới. Rất minh hoạ. Về “tờ lịch gỡ mỗi ngày”, sau đây:

“Nhà tôi treo một “bloc” lịch to nơi phòng khách. Mỗi sáng thức dậy. Tôi gỡ một quăng bỏ đi. Khi ló tờ mới, tôi xem kỹ câu danh ngôn nếu cò, và coi đấy như lời dạy buổi đầu ngày, của các bậc tiền bối. Không biết ai sao, chứ riêng tôi thấy tâm đắc việc này lắm.

Ví như, sáng Thứ Hai tuần trước, ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, thấy tờ mới có câu của Tuerenne, như sau: “Tôi có ý kiến muốn tặng bạn: đó là, mỗi khi bạn muốn nói, hãy làm thinh.”

Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ…và thấy có lý, hay lắm. Qua hay đi chứ! Lời khuyên răn này rất xác đáng. Đúc kết cả một kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của lòng dạ con người. Và, ngày hôm đó, tôi cẩn ngôn hơn! Tôi chỉ thực hành có nửa câu nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi! Còn thực hành nguyên câu, dĩ nhiên là không nổi!

Đến sáng Thứ Ba, ngủ dậy, tôi lại gỡ lịch gặp câu nói của Swift: “Nổi giận là tự gánh giùm tội lỗi, của người khác!”

Chí lý! Dại gì mà nổi giận cơ chứ! Quả nhiên, các câu ấy tác động nơi từng sâu thẳm tâm hồn, ngày hôm đó, gặp nhiều bực mình, mà tôi đâu có thèm giận. Ngu gì gánh lỗi kẻ khác! Lại phải cám ơn cái ông Swift hay bà Swift gì đó nữa!

Rạng đông ngày Thứ Tư, lại ló tờ lịch ghi câu của Montesquieu: “Phải khóc con nguời lúc sinh ra, chứ đâu phải lúc chết”. Chết rồi, có phải làm gì nữa đâu mà cực với nhọc! Thế thì cũng chả nên khóc lóc mà làm chi! Cái chết đột nhiên giảm bộ mặt khủng khiếp trong tâm tưởng tôi, nói chí tình cũng phải có chút ít tác dụng của Montesquieu mới ra thế! Và, ngày hôm đó tôi nghị lực hơn. Yêu đời hơn. Lại cảm thấy mình cứng cáp lên!

Sang ngày Thứ Năm, tờ lịch hiện lên câu ngạn ngữ của Ba Tư: “Lưỡi dài thu ngắn đời sống!” Nói lắm, chỉ được cái “ngu to”, chỉ được cái “rước hoạ vào thân”! Còn nhớ trong ngày ấy, lúc nhậu cùng bạn bè, vậy mà tôi cũng ráng tịnh khẩu! Cứ sợ sa vào cái “vạ mồm”!

Đến ngày Thứ Sáu, tờ lịch lấp lánh câu danh ngôn khkác, thật cao siêu của Villier de l’Isle Adam: “Người nhục mạ bạn, họ chỉ nhục mạ ý nghĩ của họ có về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!” Câu này trong tầng sâu là đúng, nhưng thực hiện quả là thiên nan vạn nan! Lên hàng thánh mới xài đuợc! Tâm đắc lắm nhưng cứ cất yên đấy! Công lực chưa đủ, chơ thời gian nữa hẵng hay!

Sáng ngày Thứ Bbẩy, lại ló câu của Cervantès: “Ăn to thì di chúc nhỏ”. Úi cha! Cũng có lý quá! Tôi coi tiếp luôn ngày Chủ nhật xem sao… Đó là của G.Herbert: “Ai cũng có một thằng điên trong ống tay áo.” Trời đất!

Người kể ở trên tuy quan niệm rằng “thằng điên trong tay áo, là chính mình. Rớt từ ống tay. Rồi bèn cảm ơn tờ lịch gỡ mỗi ngày. Đâu cần phải đi thư viện…” Nhưng bần đạo lại nghĩ khác. Chẳng ai điên, ở trong đời. Hoạ chăng, là chưa nghĩ tới. Chưa nghĩ và chưa gặp, cả những gì là hạnh phúc. Sướng vui. Thăm thẳm một cuộc đời.

Gặp, như thấy được luồng sáng quắc, mà tác giả khác là Thomas Merton, một tu sĩ thuộc dòng khắc kỷ, từng khẳng định, ở tờ lịch nào đó, rất như sau: “Ở trung tâm mỗi hữu thể của chúng ta, vẫn có vùng ánh sáng thần khiết. Một vùng mà tội lỗi. Ảo tưởng. Và gì nữa, vẫn không thể xâm phạm được.”

Nếu bắt gặp, cho dù là tờ lịch có giòng chữ, của ai đó. Hay gặp, chính Triết Nhân của đời người, hẳn là ta sẽ không còn những lời lê thê, như câu hát ở trên đó. Rất “ướt mi”, như sau:

“Ngoài hiên mưa rơi rơi

Lòng ai như chơi vơi

Người ơi, nước mắt hoen mi rồi

Đừng khóc trong đêm mưa,

Đừng than trong câu…”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Đúng thế. Đừng có mà than như câu ca. Là đà, nhiều nuối tiếc. Hãy như tác giả Jean-Paul Ribes, có lời bạt cho sách “Đức Đạt Lai Lạt ma nói về Chúa Jésus”, nay xin trích:

“Thật vậy nếu phải đồng hành (cả một đời) đi tìm Thần Khí, thì cả việc đọc lẫn việc chú giải các bản văn, như chúng ta biết, sẽ không đủ.

Dấu ấn của Tinh thần nằm ở nội tâm, trong chiều sâu thinh lặng của mỗi người. Người ta chỉ có thể đạt đến bằng sư trầm tư. Chiêm niệm.” (x. Le Dalai Lama parle de Jésus, Vĩnh An dịch Thiện Tri Thức 2003, tr.9)

Phải chăng “Dấu Ấn của Tinh Thần, nằm ở nội tâm”, mới đúng là niềm phúc hạnh. Sung sướng cho con người. Ở đời thường. Hỏi rồi, hãy tự tìm câu giải. Hết thắc mắc.

Trần Ngọc Mười Hai

Tuy vẫn còn thắc mắc.

Nhưng đã tỏ con ngươi.

Con của Chúa.

Con của người.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )