Saturday 18 September 2010

“Khi tình đã vội quên”,

tim lăn trên đường mòn. Trên giọt máu cuồng điên,

con chim đứng lặng câm. Khi về trong mùa đông,

tay rong rêu muộn màng. Thôi chờ những rạng đông..”

(Trịnh Công Sơn – Ru Ta Ngậm Ngùi)

(1Ph 4: 12)

Có những truyện kể, vẫn rất nhiều. Kể nhiều lần. Về nhiều người. Như, truyện của bé em rất ngây thơ. Không ỡm ờ. Thờ ơ. Một truyện Đạo. Như truyện có lời cầu, nhưng không xin, sau đây:

“Lần đầu, được mẹ dắt đi nhà thờ dự lễ cưới, có cô dâu chú rể trao nhau nụ hôn rất đầy tình. Có nhẫn cưới. Có nụ cười. Bé em chợt nhận thấy nhiều thứ, trông rất lạ. Bèn, kéo tay mẹ xuống, cuống cuồng hỏi:

-Mẹ ơi, sao cô dâu hôm nay mặc toàn mầu trắng không vậy, mẹ?

-Con à, mầu trắng là mầu thanh trong, hạnh phúc. Cô mặc như thế, vì hôm nay là ngày cô sung sướng nhất đời cô, đấy con?

Nghĩ một hồi, bé lại kéo tay mẹ, nhè nhẹ hỏi:

-Thế còn chú rể? Sao chú mặc toàn mầu đen không vậy? Chắc là chú không sung sướng như cô dâu, phải hông mẹ?

-!!!

Trắng hay đen, phải chăng đó có là mầu của những người từng nếm mùi hạnh phúc, rất tinh tuyền? Cái đó, còn tùy. Tùy người hỏi. Tùy người trả lời, cho đúng. Dù, “lời” có trả mà không “vốn”. Bảo rằng, mầu trắng là sắc mầu trinh trong/hạnh phúc, rất thích hợp với phụ nữ, có lẽ là chuyện cần bàn thêm. Nhưng nếu bảo, đen kịt là mầu của thời trang, lang bang nhiều thế hệ, thì xin bạn và tôi, ta cứ để đó. Hạ hồi ,rồi giải quyết.

Nay, có luận bàn về hạnh phúc/phúc hạnh, cũng nên thêm một truyện khác, kể rất vắn. Kể, là để tạo thư giãn vớicuộc đời; trước khi nhập đề tài khúc mắc. Rất sắc nét:

“Truyện rằng:

Có hai người bạn, vẫn thân mật, gần gũi để tâm sự. Dù chỉ một đôi câu rất vắn vỏi. Nhưng đủ nghĩa. Thấm thía. Thấy bạn thẫn thờ suy tư về phụ nữ, anh bèn hỏi:

-Này ông bạn. Ông có biết rằng: bà nhà tôi, là một thiên thần, rất tuyệt trần, không?

-Ấy! Bạn có phúc đấy. Phần tôi, ‘phân nửa’ của tôi, hiện vẫn sống. Chẳng giống ai!...

Có một nhận định khác, cũng rất ư là kể lể, về hạnh phúc. Phúc hạnh. Như sau:

“Có nữ phụ nọ, bỗng thấy mình nay đầy thần hứng, rất phấn chấn. Bèn thổ lộ:

-Tôi đây chưa “ngộ” được điều gì cho ra hồn. Nên chẳng dám bảo: là mình nay hạnh phúc. Bởi, hạnh phúc là cái gì đó chợt đến, rồi vội đi. Trong phút giây. Chỉ ít ngày. Nó đến với tôi, cũng rất nhiều. Kịp vào lúc tôi quyết định lập gia đình. Cho riêng tôi. Nhưng khi ấy, lại quá trễ!

Về hạnh phúc, rất nhiều lần, bần đạo từng hít thở những hơi dài, đầy buồng phổi. Hầu, dẫn nhập vào người, luồng khí lạ. Từ xa. Vẫn hít thở, những thông tin lạ, từ đâu đó. Rồi giữ nó, chừng dăm phút. Mới thở phào, nhẹ nhõm. Thở, để có được cung cách khác lạ, nhưng không kỳ. Chí ít, là khi bần đạo được nghe nghệ sĩ mình, lại hát tiếp:

”Có đường phố nào vui, cho ta qua một ngày

Có sợi tóc nào bay, trong trí nhớ nhỏ nhoi

Không còn, không còn ai,

ta trôi trong cuộc đời

Không chờ, không chờ ai!”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Nhận lãnh hạnh phúc, sao phải chờ! Chờ ai? Chờ gì? Phải chăng, chờ những điều sau đây?

”Xin chờ những rạng đông.

Đời sao im vắng

Như đồng lúa gặt xong

Như rừng núi bỏ hoang

Người về soi bóng mình.

Giữa tường trắng lặng câm.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Quả có thế. “Tường trắng lặng câm”. “Chờ những rạng đông”. Là, thứ hạnh phúc vẫn rất thật. Cứ lờ ngờ ở trước mắt. Đôi lúc còn như “đời im vắng”. Như, “rừng núi bỏ hoang”. Cứ luột khỏi tầm tay. Đầy níu kéo. Rất khéo léo. Với nhiều người, hạnh phúc vẫn là: còn đó những ước vọng, chưa tỏ rõ. Chưa đạt. Vì, một khi đạt được rồi, đã chắc gì phúc hạnh ấy là điều mình từng mong ước. Như ước vọng nhà Đạo từng có, trong đời.

Ước và vọng, là những ước rằng: thế hệ mình sống, chắc rồi mộng ước/khát vọng của mình cũng thành hiện thực. Rất không lâu. Không xa vời thực tế. Như vấn đề, mà bạn và tôi, ta sẽ bàn ở dưới, là: có nên cho phép phụ nữ làm linh mục? Như đề tài mà bần đạo vừa bắt chụp, ở đời thường.

Mộng, là như thế. Nhưng sao, trên thực tế những mộng và ước ấy, vẫn đâu thành hiện thực? Vẫn cứ thành đề tài của tranh cãi, ở truyền thông lòng thòng một chuyển tải đề tài rất nóng bỏng. Khiến ưu tư. Uẩn ức. Như người ở Úc, vẫn thắc mắc những điều sau đây:

“Vừa qua, toà thánh vừa gặp vài phản đối/vấn nạn tưởng chừng chưa thông. Chưa suốt. Chưa, là bởi: mới đây, có văn bản xuất xứ từ điện Vatican cho biết: việc tấn phong linh mục cho phụ nữ có khác nào chấp nhận tệ nạn ấu dâm, đang gây khó cho Hội thánh. Rất trăn trở. Sau đó, phát ngôn viên Toà thánh còn cho biết: bản văn trên không nhằm ví von những chuyện không thích hợp, hài hoà; chẳng ăn khớp gì với nhà Đạo. Ấu dâm, là tội phạm nghịch-chống với luân lý. Đạo đức. Tham gia tấn phong linh mục cho phụ nữ, là tội ác chống lại niềm tin Kitô giáo.

Nhận định của Hội thánh về việc “phong chức linh mục cho phụ nữ, cũng giống như tội ác chống lại niềm tin”, là điều ta cần suy nghĩ. Cho kỹ.

Lô-gích của Hội thánh về các điều gọi là “tội ác”, cũng rất rõ. Bất cứ cơ quan/tổ chức nào cũng kỳ vọng điều tốt đẹp, nơi thành viên mình. Ai vi phạm một trong các điều luật ghi ở nội qui của nhóm hội/tổ chức, đều bị trừng trị.

Với câu lạc bộ bóng đá, chẳng hạn, câu lạc bộ nào cũng kỳ vọng là: cầu thủ của đội mình phải ra sân tập luyện. Đều đặn. Nghiêm chỉnh. Ai đến trễ, hoặc đến trong tình trạng say xỉn, đều bị coi như cố ý chống lại những gì được mọi người trong câu lạc bộ kỳ vọng. Kỳ vọng, như một cầu thủ thực thụ. Cũng giống thế. Cầu thủ, là người được kỳ vọng phải tôn kính biểu tượng của câu lạc bộ nhà, khi mình gia nhập. Cầu thủ nào công khai đốt cờ xí, phá phách đồng phục câu lạc bộ, tự khắc sẽ bị coi là phạm luật. Tức: chống lại những kỳ vọng mà câu lạc bộ đặt lên vai của người ấy, với tư cách là hội viên chính thức của câu lạc bộ. Cầu thủ nào làm trái ý, tức: đã vi phạm luật. Đã, chống lại những gì câu lạc bộ chủ trương. Nói theo kiểu nhà Đạo, làm thế, tức đã vi phạm luật lệ, nội qui. Tức, chống lại niềm tin của người cùng chí hướng.

Luật Hội thánh, cũng có các phạm trù dựa trên nguyên tắc, rất tương tự. Các phạm trù nhằm phản ánh thời khắc mà Hội thánh khi xưa ban hành lề luật cho dân con Đạo mình. Còn ấu dâm, chỉ là chuyện có liên quan đến một số linh mục, thôi. Và, tham gia quyết định phong chức linh mục cho phụ nữ, lại là chuyện khác. Dù, cả hai việc lâu nay vẫn được coi như có liên quan đến cuộc sống của Hội thánh. Nếu xem đó là chuyện phải lẽ, thì việc này phải bị nghiêm cấm. Phải trừng trị.

Dầu sao đi nữa, bảo rằng: tham gia vào việc phong chức linh mục cho phụ nữ, mà gọi đó là tội phạm chống niềm tin Kitô giáo, thì việc này làm tôi chao đảo, khá nhiều. Mới đây, tôi đến dự buổi phong chức linh mục cho một chị phụ nữ nọ, chỗ thân quen. Chị bạn, tuy tin vào Đức Kitô, nhưng lại thuộc giáo hội khác. Nghi thức truyền chức linh mục ở đây, không khác là bao các buổi tấn phong linh mục ở Hội thánh mình. Nghĩa là, cũng nói đến trọng trách của Hội thánh trong việc tấn phong cho tân chức. Cũng nói đến trách nhiệm của tân chức, đối với Chúa. Với Giáo hội. Và, buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm. Trọng thể. Đầy những sắc mầu của nguyện cầu, như ở Giáo hội mình. Và, vị chủ trì hôm ấy, cũng nói đến bước khởi đầu của công vụ thừa tác đầy mầu mỡ. Có giáo dân hợp lực. Có tân chức quyết tâm. Tức, có niềm tin xuyên suốt. Từ dân con Đạo Chúa.

Thật ra, ta không thể bảo: tấn phong linh mục cho phụ nữ cùng Đạo Chúa nhưng khác giáo hội, buổi hội ấy, là một tội ác nghịch chống lại niềm tin. Cũng không thể quan niệm việc truyền chức linh mục cho phụ nữ thuộc giáo hội khác, là việc chống lại niềm tin vào Đức Chúa. Định nghĩa điều gì là: chống đối với niềm tin, phải là hành động đặt nền tảng nơi niềm tin vào Đức Kitô, mới đúng. Tức, phải là hành động phục vụ niềm tin của Hội thánh Chúa, và phải đích danh gây tác hại cho trật tự của cộng đoàn gồm các kẻ tin vào Đức Chúa. Cãi vã này, xem ra có vẻ như ta đang lý tưởng hoá vấn đề, không thực tế.

Chính xác hơn, nên coi việc truyền chức linh mục cho phụ nữ trong Hội thánh Công giáo, một cách tiên quyết như lỗi phạm phản chống một trật tự nào đó, đúng hơn là tội phạm chống lại niềm tin.

Nói như thế không có nghĩa, ta có ý định làm giảm suy ý nghĩa của sự việc. Trật tự, là những gì có liên quan đến niềm tin chung thủy vào Đức Kitô, trong khuôn khổ sự sống của Hội thánh. Tác vụ nào điều hành đúng qui cách, vẫn phải đặt trọng tâm vào trật tự của giáo hội. Truyền chức linh mục cho phụ nữ mà không có phép tắc của Hội thánh, chắc chắn sẽ đả kích nguyên tắc cho phép tác-vụ ấy được hiện thực. Và việc này, cũng đã vi phạm một trong những nguyên tắc tạo việc cho phép tấn phong linh mục, là chỉ dành riêng cho nam giới, thôi. Dĩ nhiên, nguyên tắc này đặt nền tảng vững chắc, trên hiểu biết rất rõ về niềm tin. Và, truyền chức như thế có nghĩa vị phạm trực tiếp luật lệ chống lại trật tự.

Việc ấy tựa hồ hành động của ai đó, quyết xâm phạm khu quân sự, chỉ để phản đối chiến tranh ở Apghanistan, chẳng hạn. Hoặc, nhóm người nào đó đang sửa soạn một nghi thức trong đó họ sẽ ăn vận đồng-phục của cảnh sát, nhằm để phản đối tính bạo tàn mà ngành này vẫn hành xử. Động thái xâm nhập khu quân sự, và ăn vận đồng phục, là chống lại một trật tự của xã hội. Việc như thế, bao hàm một đoan quyết về đạo đức/chức năng nhằm củng cố cho xã hội ấy. Tuy nhiên, những việc như thế không thể gọi nó là tội ác được, vì lý do đó.

Dầu sao đi nữa, hai ví dụ ở trên, đều diễn tả việc vi phạm trật tự, vẫn kéo theo sau một phán quyết mang tính ý-thức-hệ vốn dĩ hỗ trợ cho cung cách nhằm củng cố trật tự đã đặt ra. Hoạt động chống đối thường tạo đam mê. Hấp dẫn. Chúng thách thức nền tảng đạo đức của xã hội. Chính vì thế, mà việc đáp ứng lại hành động chống đối, thường thiếu cân xứng. Thách thức đích thực, phản chống lại trật tự nào đó, do những người không mang vũ khí dám bước vào vùng đất cấm chẳng hạn, thật ra rất nhỏ. Giá trị biểu trưng cho hành động ấy sẽ giải thích tính nghiêm trọng của hình phạt, ta áp đặt. Đề bạt.

Tương tự như thế, trường hợp phong chức linh mục không theo qui tắc, thường có nghĩa đi trệch đường lối quang minh/chính đại, hơn là đe doạ một nền trật tự nào đó, của Hội thánh. Bởi thế nên, theo nghĩa này, thì những việc tương tự như thế, thường đụng mạnh đến niềm tin. Đó là nghĩa cử tương tự như các hành xử của một ngôn sứ. Hội thánh hiểu rõ sức mạnh của hành xử ngoài mặt mang tính ngôn sứ. Tức, rất lý tưởng. Nhưng không thực tế. Kinh thánh dẫy đầy các trường hợp nêu trên. Bởi thế nên, hành xử này được các đấng bậc trong Hội thánh quan tâm, rất đặc biệt.

Điều khó, là hành xử của ngôn sứ nào càng tạo nhiều phản ứng đáp trả rất khắc nghiệt, thì quần chúng lại càng cảm thấy thích thú mà vấn nạn tính hợp pháp của truyền thống mà họ quan tâm. Chú ý. Nơi nào có nhiều bất đồng chính kiến, có khi cũng là điều tốt cho xã hội. Và giáo hội. Là điều tốt, cốt để ta không quá tập trung vào trừng phạt, cho bằng chỉ nên hoà giải. Hoà giải sao, để về lâu về dài, ta có được tình tự tươi vui, dễ sống. Và, mọi người sẽ theo đó mà tiến tới. Cuộc sống vui.” (x. Lm Andrew Hamilton sj, Eureka St, 05/8/2010)

Nghe bàn chuyện cao siêu. Huyền diệu. Bần đạo cứ ớ người ra. Chẳng biết ăn làm sao. Nói thế nào. Cho phải. Như mọi lần, bần đạo cứ vướng phải cái cố tật, là: lại nghêu ngao lời ca vừa hát dở. Bèn ca tiếp:

“Em về, hãy về đi, ta phiêu du một đờị

Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay

Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi,

Xin ngủ dưới vòm cây ..”.

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Hát rồi, như có luồng sáng thúc đẩy bần đạo lần mò về với Lời Chúa. Bất chợt, gặp được ý/lời đoạn thư của thánh nhân rất “đại thụ”, của nhà Đạo, có giòng chảy đầy nhủ khuyên, như sau:

“Được chia sẻ những đau khổ

của Đức Ki-tô bao nhiêu,

anh chị em hãy vui mừng bấy nhiêu,

để khi vinh quang Người tỏ hiện,

anh chị em cùng được vui mừng

hỷ hoan.”

(1 Ph 4: 13)

Rõ ràng, mọi chuyện dù có là khổ đau hay hoan hỷ, với thánh nhân, vẫn cứ là:

“Anh chị em thật có phúc,

bởi lẽ Thần Khí vinh hiển

và uy quyền,

là Thần Khí của Thiên Chúa,

ngự trên anh chị em.”

(1Ph 4: 15)

Rõ ràng, lời truyền dạy rất xưa, hay mới vừa rồi, vẫn là lời của Chúa. Hiểu theo nghĩa, tâm tư. Kinh nghiệm. Về cuộc sống. Mà, đã là chuyện của cuộc sống, tức sống Đạo với đời và giữa đời, cũng vẫn là chuyện của mọi người. Của nhà Đạo. Ở đời. Một đời có nhiều người. Nhiều ý. Nhiều mộng ước. Rất ưu tư.

Chính vì ưu tư, nên bần đạo vẫn cứ từ từ, mà suy cho kỹ. Và, nguyện cầu. Nguyện, trong lặng thinh. Cầu, qua ca hát. Hát nốt những ý/từ của nhạc bản trích ở trên. Như sau:

“Môi nào hãy còn thơm, cho ta phơi cuộc tình.

Tóc nào hãy còn xanh, cho ta chút hồn nhiên

Tim nào có bình yên, ta rêu rao đời mình

Xin người hãy gọi tên.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Vâng. Quả có thế. Xin người (cứ) gọi tên. Tên em, hay tên anh. Tên người. Bề gì cũng là tên. Là tuổi. Của những người không đặt nặng vấn đề giới tính. Với Chúa. Với đời. Ở mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ nguyện và cầu

biết đâu mai ngày

Hội thánh vẫn sáng suốt. Tuyệt vời.

Trong mọi việc.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com

No comments: