Saturday 23 February 2013

“Em đến bên đời, hoa vàng một đoá,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 3 Mùa Chay Năm C 27-02-2013

“Em đến bên đời, hoa vàng một đoá,”
“Một thoáng hương bay, bên trời phố hạ.
                                       “Nào có ai hay ta gặp tình cờ,
“Nhưng là cơn gió, em còn cứ mãi bay đi..”
(Trịnh Công Sơn – Hoa Vàng Mấy Độ)
(1P 1: 14/1Ti 4: 12-15)
Hoa vàng độ này, sao không thấy em đến bên đời, nhiều hưng phấn? Phải chăng em đã cao bay xa chạy về phương trời nào đó ? Hay, em lại đến chốn phồn hoa, “trời phố hạ”, rất vắng lạ?
Phố gì thì phố, đường gì thì đường, dù em có đến hoặc đã đi bọn tôi vẫn ngâm nga hát:

            “Em đến bên đời, hoa vàng rực rỡ,
            Nào dễ chóng phai, trong lòng nỗi nhớ.
            Ngày tháng trôi qua, cơn đau mịt mù.”
            (Trịnh Công Sơn – bđd)

“Hoa vàng rực rỡ”, “trong lòng nỗi nhớ, “tháng ngày trôi qua”, Ôi! Bần đạo đây lại cũng nhớ. Nhớ, không chỉ mỗi mình em, mà nhớ cả ngày tháng lang thang trên đất Phù Tang, rất Nhật Bản. Ngày vãn cảnh bên đó, có cả tình người rất hiếu khách. Hiếu đến độ, mỗi lần gặp nhau vào buổi sáng, người dân xứ Phù Tang Nhật Bản lại cứ gập mình bái chào, miệng lẩm bẩm: “Ô-hai-ô zai-ma”, tức “Chào bạn buổi sáng”, nghe thế bần đạo là bầy tôi đây rõ biết bản thân mình lâu nay rất bê bối, thua xa phần lịch sự. Cúi gập mình/chào hỏi của các bạn người Nhật, khiến bần đạo nhớ rất nhiều thứ. Cả những thứ xảy ra ở trong Đạo lẫn ngoài đời. Nhớ câu chuyện đời chẳng chút tiếu lâm nhau sau đây:

            “Em tôi học kiệt sức để có một suất du học.
            Thư đầu em viết:
-Ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh xa lắc nước mình…”
Cuối năm, thư em lại thấy viết:
-Mùa Đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…”
            Mùa Đông năm sau, em thêm vào:
-Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao, lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á để hỏi bạn coi có phải là người Việt không…”
Từ đó, thư em bỗng vắng dần…

            Thư em quả vắng dần, chẳng phải vì em lười biếng không muốn viết. Có thể, chỉ vì em tôi/em bạn, lâu nay thấy mình hơi khang khác. Khác, với tình tự người đi Đạo từng ghi thư hỏi đấng bậc giải đáp ưu tư ở Sydney qua câu hỏi sau đây:

“Giáo xứ con, hiện có một số thày tư/thày sáu chuyên lo đem Mình Thánh đến với các cụ các cụ bị bại liệt, để đón Chúa. Nhưng, con thấy nhiều lúc các vị ấy, tay thì cầm hộp đựng Mình Chúa, miệng lại cứ tía lia nói chuyện lào khào với bầu bạn ngay sau lễ, chứ chả vội gì để đến với các cụ/các cố bị liệt lào/đau yếu mà sẻ chia! Hôm nay, câu hỏi của con là thế này: các thừa tác viên hành xử như thế có đúng không? Làm thày tư/thày sáu thì phải làm cho đúng cách khi đem Mình Chúa đến với kẻ liệt chứ! Xin Cha chỉ giáo thêm để con biết mà hành xử, giả như sau này con có được đề bạt làm công việc quan trọng đến như thế?”

            Việc quý trọng, làm đúng qui cách nhà Đạo, mà lại đi hỏi đấng bậc chuyên trách mục hỏi đáp, thế cũng phải. Người đã hỏi, thì đức thày phán xử rất đúng sách, ta cứ thế mà nghe và học hỏi thôi. Vậy thì, dưới đây là câu đáp trả của bậc thày rất John Flader, như sau:

“Câu anh/chị hỏi vẫn tác động rất nhiều đến một số vị đang sinh hoạt ở nhà thờ, cả thừa-tác-viên Thánh Thể lẫn các vị chăm sóc cho người bệnh về y tế nữa. Thế nên, xin mạn phép đưa lên mục này để rộng đường dư luận, hầu mọi người trong cộng đồng dân Chúa còn biết mà xử trí.
Thật ra, cũng hẳng có qui luật thành văn nào ghi rõ qui tắc hướng dẫn bà con mình thực hiện những việc quan trọng như thế. Nhưng, tinh thần làm việc đến nơi đến chốn cũng giúp ta thực hiện công cuộc thừa tác do Hội thánh đưa ra. Đó, là những gì tôi muốn cùng anh/chị bàn thảo ở đây. Để tiện theo dõi, tôi sẽ mặc nhiên cho đây là trường hợp của một nữ thừa tác lo việc trao Mình Chúa cho giáo dân nọ bị đau yếu/bại liệt không đi nhà thờ được.
Trước nhất, cũng nên nhớ rằng: thừa-tác-viên Thánh Thể không chỉ làm mỗi việc là: đem mình Chúa đến với người bệnh/bại liệt, mà thôi đâu. Chị ấy đem chính Đức Kitô đến với người khác, cũng rất cần. Cần và quí, vì đây là công việc tốt lành dành riêng cho đấng bậc, nên ta phải thực hiện với tinh thần trách nhiệm và tôn kính.
Cứ tưởng tượng như các động tác của linh mục chủ tế trong thánh lễ. Sau khi truyền phép vào Bánh và Rượu trở thành Mình Máu Chúa, ngài bái quì để tỏ lòng cung kính phục chào Chúa chúng ta.
Để diễn tả động thái tôn kính này, mục “Chữ đỏ” bên tiếng La-tinh gọi là “Genuflexus adorat”, tức: bằng tất cả sự cung kính, ngài bái phục”. Điều này thật cũng phải, bởi lẽ chính Chúa đang hiện diện trên bàn thờ. Và, Tin Mừngh vẫn thường kể rằng chính môn đệ Chúa đã thường xuyên thờ lạy và bái phục Thày mình, vào mọi lúc. Chẳng hạn như, vào khoảnh khắc trước lúc Chúa về với Cha Ngài, thoạt nhìn thấy Ngài về Trời thì các thánh đều phục lạy Ngài (Mt 28: 17).
Tinh thần bái phục nơi linh mục chủ tế buổi lễ, cứ thế kéo dài đến phút cuối. Và, khi cộng đoàn dân Chúa tiến lên rước lễ, họ cũng làm cử chỉ cúi chào hoặc bái gối như xưa, trước khi đón rước Chúa vào lòng mình. Sau đó, mỗi người quay về bàn quỳ/chỗ ngồi và thầm thĩ tạ ơn Chúa đang ngự trị trong xác hồn mình và nhiều người còn ngồi lại để tiếp tục làm công việc cảm tạ nữa. Trong khoảnh khắc như thế, chắc chắn chẳng ai lại sẽ quay sang người bên cạnh mà nói chuyện ầm ỹ, hết. Nhưng, vẫn tập trung vào một mình Chúa, thôi.
Đó là ý nghĩa và tinh thần của việc thừa tác viên đem Mình Chúa trao cho người nào đó ngoài thánh lễ. Vào sau lễ, vị ấy lấy Mình Thánh Chúa từ bàn thờ rồi bỏ vào hộp đựng nho nhỏ rồi đi ngay đến nhà của các cụ biệt tật bệnh hay liệt lào. Thưà tác viên có thể mỉm cười hoặc chào hỏi bà con vừa hỏi chào mình, nhưng dứt khoát phải nói cho các vị ấy biết là mình đang mang Mình Chúa đi kẻ liệt, nên không thể kéo dài chuyện vãn với ai hết.
Trên xe, tốt nhất là thừa tác viên này nên tắt nhạc/đài và cũng chẳng nên chuyện vãn với ai trong xe, nhưng tốt nhất là thầm thĩ cầu nguyện hoặc lần chuỗi Mân Côi hoặc cùng với người tháp tùng cầu nguyện chung trong xe là hay nhất. Chuyện chính là nên tập trung quan hệ với Chúa là Đấng đang hiện diện đích thực trong xe. Bởi, nếu Chúa có mặt trong xe, thì dĩ nhiên người lái xe hoặc cùng đi sẽ nói chuyện với Ngài, thế mới phải.
Khi đến nhà của bệnh nhân hay kẻ liệt, người nhà nên chuẩn bị một bàn có phủ khăn trắng, có thánh giá, hai cây nến và một chén nhỏ để nước trong đó. Nếu ở bệnh viện, thì đừng nên thắp nến vì trái với luật nhà thương. Nhiều nhà thường dân thường hay thắp nến đặt trên bàn ăn và trang hoàng hoa, trái cho mục đích khác.
Thừa tác viên chào hỏi gia đình tại cửa và xúc tiến tủ tục trao Mình Chúa trong phòng người bệnh. Trên bàn, chị mở hộp đựng Mình Thánh ra, đặt Mình Chúa lên khăn thánh và đặt hộp nhỏ lên đó, bái quỳ cùng với mọi người có mặt trong phòng, mọi người cứ ở trong tư thế quì lạy, trong khi người bệnh vẫn nằm trên giường. Khi ấy, chị Thừa tác viên xúc tiến nghi thức Rước Lễ, trao Mình Chúa cho người bệnh/kẻ liệt và những ai chưa rước lễ ngày hôm đó muốn rước Chúa vào lòng cũng đều được. Cuối cùng, thừa tác viên nhặt hết vụn Mình Thánh Chúa và nhúng tay có dính Mình Thánh Chúa vào chén nước đã để sẵn. Bởi vụn Mình Chúa đang có trong chén nước, nên thừa tác viên yêu cầu người bệnh/kẻ liệt uống chén ấy hoặc chính mình uống hoặc đổ chén vào chậu cây kiểng hoặc bụi cây nào không ai đạp dẫn lên.
Sau đó, chỉ nên đọc đoạn kinh ngắn và để người bệnh thầm thĩ tiếp xúc và cảm tạ Chúa trước khi nói chuyện bình thường với mọi người. Đây là qui cách hành xử dành cho các giáo lý viên hoặc các vị thừa tác tham gia việc cảm kích biết ơn quà Thánh Thể Chúa ban.” (xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 27/01/2013.               

            Thật ra, có người lại cứ nghĩ: đem Mình Chúa đến kẻ liệt, là quý rồi; còn, qui cách thực hiện thế nếu theo được mục “chữ đỏ” phụng vụ, lại là điều tốt hơn. Nhưng, thực tế thì, điều quan trọng nhất là: nên có người làm công việc của thừa tác viên tức biết quan tâm đến người khác, dù người đó không phải hoặc vẫn không là người cận thân hoặc cận lân với mình, thế mới quý.
Tựu trung, như truyện kể ở dưới cho thấy: nay vẫn cần những người biết quan tâm đến nhau, phục vụ nhau ở xã hội bận rộn và “cá-nhân-chủ-nghĩa” hơn bao giờ:
  
Anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen. Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt, ông lại bán xe rồi hay sao mà lại đi tàu lên đây?
Anh cúi đầu trả lời lý nhí trong sự hổ thẹn: ừ thì bán rồi, vì cũng không có nhu cầu gì cho lắm. Chị sầm mặt xuống. Ông thì lúc nào cũng vậy, suốt đời không thể ngóc đầu lên được.. hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy?
Khó khăn lắm anh mới có thể nói với chị điều anh muốn nhờ cậy. Chị cũng khó khăn lắm mới có thể trả lời từ chối anh, nhưng mà… gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e rằng sẽ chẳng còn được bình yên.
Anh năn nỉ, nhưng thật sự là anh rất bối rối, con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được, anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi, chỉ nửa năm hay vài ba tháng cũng được, em là phụ nữ, em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian, để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh lại đón nó về.
Chị thở dài, ông lúc nào cũng mang xui xẻo đến cho tôi, thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã, có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau. Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi tiễn chị ra xe rồi thở dài, lùi lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.
Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Anh đi lao động xuất khẩu ở Đông Đức. Chị theo học Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Ngày bức tường Berlin sụp đổ, anh chạy sang phía Tây xin tị nạn. Chị tốt nghiệp Đại học và về làm giáo viên cấp 3 huyện Thái Thụy, Thái Bình. Họ vẫn liên lạc và chờ đợi nhau.
Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Đức. Vừa sang Đức, thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt. Đa số ai cũng có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán. Chỉ có anh là vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta. Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu, để có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang được đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời mới được. Nên không dám mạo hiểm ra làm ăn.
“Đồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng...”, đó là câu nói cửa miệng chị dành cho anh, sau khi anh và chị có bé Hương. Bé Hương sinh thiếu tháng, phải nuôi lồng kính đến hơn nửa năm mới được về nhà. Khi bác sĩ thông báo cho vợ chồng anh biết bé Hương bị thiểu năng bẩm sinh, giông tố bắt đầu thực sự nổi lên từ đó. Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn, thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.
Bé Hương được 3 tuổi, chị muốn ly dị với anh. Chị nói, ông buông tha cho tôi, sống với ông đời tôi coi như tàn. Anh đồng ý, vì anh biết chị nói đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ ràng buộc sẽ làm khổ chị.
Bé Hương 3 tuổi mà chưa biết nói. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên việc chăm sóc con bé hầu hết là do anh làm. Vì vậy mà con bé quấn quýt bố hơn mẹ. Biết vậy nên chị cũng rất yên tâm và nhẹ nhõm nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn. Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá. Chị sinh thêm một đứa con trai với người chồng mới. Thành phố Bremen là thành phố nhỏ. Người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp anh và nói với anh điều đó. Anh biết ý chị nên chuyển về Hamburg sinh sống.
Chị không phải là người vô tâm, nên thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng con cho anh. Trong những dịp năm mới hay Noel, chị cũng có quà riêng cho con bé, nhiều năm, nếu có thời gian, chị còn đến trực tiếp tặng quà cho con bé trước ngày lễ Giáng sinh nữa.
Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ. Tuy chị không biết cụ thể thế nào, nhưng chị biết dù con bé lớn lên trong tật nguyền hẩm hiu, nhưng anh rất thương nó. Chị cũng biết con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Anh cũng không phải vất vả vì nó nhiều. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân.
Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà.
Chồng chị đã đồng ý cho chị đón con bé về tạm sống với chị vài tháng, với điều kiện trong thời gian con bé về sống chung với vợ chồng chị, anh không được ghé thăm. Chị cũng muốn thế, vì chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh.
Vợ chồng chị đã mua nhà. Nhà rộng, nên con bé được ở riêng một phòng. Chị đã xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật ở gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về được.
Đi học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Đứa em trai cùng mẹ của nó, mẹ nó, và bố dượng nó rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.
Em trai nó học thêm piano, nên nhà mẹ nó có cái đàn piano rất đẹp để ở phòng khách. Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Nên từ đó nó không dám đụng đến nữa. Có hôm anh gọi điện thoại cho nó, nó nghèn nghẹn nói lõm bõm,.. đàn..đàn... klavia... con muốn... Anh thở dài và hát cho nó nghe.
Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho nó. Rồi thưa dần, thưa dần. Cho đến một ngày anh không gọi cho nó nữa. Sau một tuần đăng đẳng không nghe anh gọi điện thoại, con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó giở chứng.
Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Lần đó chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng chị nên chị không quan tâm.
Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì. Chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: “... Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo... sống với cha êm như làn mây trắng... nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con... với tháng năm nhanh tựa gió... ôi cha già đi cha biết không...”.
Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lồng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó hỏi, con sao vậy hả con yêu của mẹ. Nó ngước nhìn mẹ nó rất trìu mến rồi chìa cho mẹ nó một tờ giấy khổ A4 đã gần như nhàu nát.
Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa. Nó chìa 4 ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi, 4 tháng rồi hả. Nó gật đầu. Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà, rũ rượi thở dài. Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ. Đại ý là nó diễn đạt rằng:
-Bố lên ở trên Thiên Đường rồi, mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg, ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu, con về ở tạm đây là vì bố muốn thế, bố muốn mình ra đi được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con...”
Chị cũng ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói:
-con gái ngoan của mẹ, ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg...
Tôi nghe người ta kể lại chuyện đó khi đi dự một cuộc biểu diễn nghệ thuật của học sinh khuyết tật và khiếm thị. Khi thấy em gái đệm đàn piano cho dàn đồng ca, cứ khăng khăng đòi phải đàn và hát bài hát “Người Cha Yêu Dấu” bằng tiếng Việt trước, sau đó mới chịu đệm đàn cho dàn đồng ca tiếng Đức. Quá kinh ngạc nên tôi cứ gạn hỏi mãi người trong ban tổ chức. Cuối cùng họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện như vậy.

Nghe chuyện, không chỉ là nghe truyện kể về tình cha/tình mẹ hay tình của ai đó. Nghe chuyện, cũng chỉ để nghe những câu những chuyện mà ít người còn chịu lắng nghe. Lắng nghe chuyện đạo. Lắng nghe cả chuyện ở đời. Nghe những chuyện và những lời vàng ở đời, như sau:

            Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở,
để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em,
vì có lời Kinh Thánh chép:
Hãy sống lành thánh,
vì Ta là Đấng Thánh.”
(1P 1: 14)

Nghe chuyện như vậy, còn là nghe được cả lời thơ/ý nhạc vẫn bay bổng ở đâu đó, nơi đây, rất lững lờ:

            “Em đến nơi này, bao điều chưa nói.
            Lặng lẽ chia xa, sao lòng quá vội.
            Một cõi bao la, ta về ngậm ngùi
            Em cười đâu đó, trong lòng phố xá đông vui.”
            (Trịnh Công Sơn – bđd)

Nghe chuyện đời hay học chuyện đạo còn là nghe và học những vì mình tưởng chừng như đã quen quen. Nghe, trong tư thế sẽ dáp trả ngay tức khắc: “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”  Có thể nói, mà không là “nói mãi”, rằng thì là: người thời nay chỉ thích nghe những gì mình lắng chờ để nghe. Nhưng lại thích nói những gì mà người nghe chẳng thích mình cứ… nói đi nói lại hoài vẫn không chán.
Có thể bảo: nghe và nói, là hai chức năng của con người mà người con ở đời cứ dùng đi dùng lại mãi suốt một đời, chẳng thấy chán. Khi đã chán, là lúc mình bắt đầu “đi vào ngõ nhỏ” rất tối tăm. Cuối đường hầm.
Có thể bảo: nói và nghe, còn là sự thể gồm tóm sinh hoạt của con người, suốt cuộc đời. Một đời người mà chẳng có nói và có nghe, thì đâu còn là cuộc đời nữa. Bởi thế nên, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cũng cứ nghe thêm một ý/lời của người nghệ sĩ từng muốn nói và hát cho mọi người nghe, những lời rất nên nghe như sau:

            “Xin cho bốn mùa đất trời lặng gió,
            Đường trần em đi hoa vàng mấy độ,
            Những đường cỏ lá từng giọt sương thu
            Yêu em thật thà…”

Nói cho cùng, thì: những điều nên nói và nên nghe, chỉ mỗi thế. Mỗi thế là mỗi thế này:

            “Đường trần em đi hoa vàng mấy độ   
            những đường cỏ lá từng giọt sương thu…
yêu em thật thà…

            Trần Ngọc Mười Hai
            cứ cầu và vẫn mong
            người “em” đó chính là bạn, là tôi
            rất thật thà.


           
           

     

Monday 18 February 2013

Yêu Nhau Cho Nhau Nụ Cười



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 2 Mùa Chay Năm C 20-02-2013

“Yêu nhau cho nhau nụ cười
Thương nhau cho nhau cuộc đời
Mà đời đâu biết đợi
Để tình nhân kết đôi..”
(Vũ Thành An – Bài Không Tên số 3)
(1Cr 13: 1-4)
            Mỗi khi nghe lại bài hát này, hẳn nhiều bạn đạo cũng như bày tôi đây vẫn cứ thắc mắc, bảo rằng: làm sao “cho nhau nụ cười”, nếu không yêu. Và, làm sao cho nhau cuộc đời nếu không thương. Thương và yêu làm sao được nếu không chấp nhận rằng: cuộc đời người là chuỗi ngày đầy tha thứ. Tha cho nhau, về những đụng chạm, và vấp phạm. Tha cho thật nhiều, vì sẽ có nhiều lúc mình cũng muốn được tha thứ, lẫn thứ tha khi mọi sự đã quá đà.
            Trong chiều hướng để lòng mình lắng đọng với tư tưởng như thế, bầy tôi bần đạo lại bắt gặp đôi điều từ lời ca của nghệ sĩ từng hát tiếp, rất như sau:

“Yêu nhau cho nhau một lần
Thương nhau thương cho một lần
Một lần thôi vĩnh biệt
Một lần thôi mất nhau.
(Vũ Thành An – bđd)
 
            Chẳng cần hỏi: anh có còn nghĩ thế nữa không? Chẳng cần biết, chị vẫn ca và cứ hát những lời như vậy, đấy chứ? Hát, để quên sầu phải không? Bởi, hát ca hoặc viết lách, đặt nhạc, có thể là và vẫn là: đưa ra lời ngọc ngà ai cũng thích. Thích, đến độ cứ thế âm thầm hát theo sau cho bớt sầu.
Đó, còn là tình tự và tâm tư hơi buồn buồn cũng rất thương mà bần đạo nay còn thấy. Tình tự ấy, nay vẫn thấy ở vài nơi, trong đời, tựa hồ truyện kể nhẹ ở ngay dưới:

            “Truyện rằng:
            Chiều hôm ấy, đứa chạy đến hỏi mẹ:
-Mẹ ơi, sao chiều chiều bà nhà mình hay ra ngồi ngoài cửa thế hả mẹ? Bà lãng mạn quá phải không?
Thằng bé cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ về chân trời nào cũng chả rõ. Mẹ nó chẳng nói gì, chỉ ngồi im, lâu lâu lại ngẩng đầu lên nhìn bà. Mắt mẹ nó thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì sao lại như thế…
Sau đó, thằng bé mới biết ông nội nó khi xưa ra đi tác chiến quên ngày về. Nhưng, bà lại cứ bảo: ông “chưa” về, nên bà hay ra ngồi ngoài ngõ đợi ông. Thằng bé có lúc cũng dỗi bà, lại bảo rằng: bà không chơi với nó mà sao cứ ngồi đợi ông? Có lần giận quá, nó hét lên:
-Ông không về đâu. Ông chết rồi.
Hét lên rồi, nó bèn khóc lóc rất thảm thiết. Bà cứ ngồi vuốt mà nó nựng nịu, rồi cõng nó vào bên trong. Mãi sau này, khi bà mất, mẹ nó kể:
-Bà muốn đợi ông về, rồi dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành lạ xa, ông quên tuốt.
Thằng bé lặng im thẫn thờ. Mắt thả về chốn miên man, thấy nhớ bà mình vô hạn. Và chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, thằng bé lại cũng ngồi trước hiên nhà, đợi bà ngang qua, để chỉ lối cho bà, hồn khỏi lạc…” (truyện kể trích trên mạng, cũng khá buồn)

            Chuyện nhè nhẹ ở đời, vẫn là thế và có thể như thế. Là thế và như thế, là lời ca còn rất nhẹ, mà người nghệ sĩ viết lên vào những lúc cũng buồn tênh, như sau:

“Để rồi oán trách nhau
Tay buông lơi tình mềm
Chân không theo tình bền
Chẳng giữ được nhau
Cho môi khô nụ cười
Quên tiếng hát yêu người
Cho đôi mắt tủi hờn rơi
Để lệ cuốn mất câu thề.”
(Vũ Thành An – bđd)
    
Chuyện nhè nhẹ ở đời, thì như thế. Chuyện không nhẹ ở nhà Đạo lại cũng thế, nhưng hơi khác một chút. Khác, ở điểm: nhà Đạo mình không nói và cũng chẳng viết bằng thi ca hay âm nhạc, nhưng lại cứ thẳng thừng, về tình yêu, như sau:

“Đọc thư thánh Phaolô viết về lòng mến là trên hết, hôm nay vẫn còn thấy nhiều vị, cứ bất chấp mọi hiểm nguy, dám hứng chịu muôn vàn khốn khó thường thấy có ở dân gian, chốn đất trời thực tế, rất dễ nể. Cả vào lúc bị coi là ngu si cuồng nhiệt hoặc có tội với đất trời, các vị vẫn làm vì lòng thương yêu trìu mến, hết dân gian. “Yêu”, là cụm từ được mọi người sử dụng rộng rãi, nơi đất trời ngàn năm mây bay này. Ngay đến chuyện vật chất – nhân gian như: cửa nhà cơ ngơi, vui chơi lễ hội, đua đòi se sua hoặc thi đua sắm sửa, người người vẫn cứ bảo rằng mình yêu, mình thích. “Yêu”, là ngôn từ nay được sử dụng bừa bãi, không còn mang ý nghĩa sâu sắc của lòng thương yêu trìu mến, nơi tín hữu nhà Đạo.
Thánh Phaolô dẫn giải tỉ mỉ trong bài đọc hôm nay, để mọi người hiểu rằng: yêu thương trìu mến, trước nhất không là cảm xúc xuất thần rần rần như tiếng phèng la, kêu ra rả. Mà, thánh nhân thừa hiểu: lòng yêu thương trìu mến nơi tín hữu Đức Kitô là chuyện rất thực. Yêu thương đích thực phải là, và luôn là, trạng thái của tín hữu Đạo Chúa, dám bảo rằng mình rất yêu thương mọi người. Đồng thời, cũng chứng tỏ rằng mình yêu thương thực sự bằng hành động, chứ không  bằng môi miếng, bề ngoài.
Thánh Gio-an tông đồ cũng ghi rõ trong Tân Ước một quả quyết rất xác thực: “Nếu anh em bảo mình yêu thương trìu mến Thiên Chúa, mà lại ghét bỏ người hàng xóm, cận lân, thì chắc chắn anh em chưa thật lòng”. Quả thật, chúng ta có thể tỏ ra chính thực về lòng thương mến Chúa và người anh em đồng loại, bất cứ khi nào chúng ta muốn. Nhưng, nếu không chứng minh được điều mình nói bằng cuộc sống riêng tư, thì có khác nào tiếng chũm choẹ chập choeng, thanh la phèng phèng. 
Không thể nói chuyện lòng vòng quanh co, khi bàn về lòng yêu thương trìu mến nơi Đạo Chúa. Lòng thương yêu nơi tín hữu đi Đạo là: ở nơi nào cũng thế, tình yêu đích thực luôn bao gồm sự hy sinh, rất triệt để. Nhưng vấn đề, là: Làm sao có thể vừa yêu thương lại vừa hy sinh triệt để như thế được? Và, tại sao phải yêu như thế? Dễ hiểu thôi, yêu như thế là vì mọi người khác đã từng yêu ta. Mọi người yêu như tình yêu phải có của người tín hữu Đức Kitô. Tức, những người đã đối xử tử tế, nhân đạo và kiên nhẫn với ta. Yêu theo kiểu dị kỳ mới lạ, tức tự nguyện chứ không phải bất đắc dĩ, vì được dạy. Tình yêu được dạy bảo là phải yêu cả những người đã ngã quỵ trong đau thương sầu thảm. Yêu, như tình yêu của người tín hữu Đức Kitô là yêu thương rất mực. Yêu đến cùng. Yêu không chỉ một chiều, nhưng còn chỉ bảo, dẫn dắt nhau đi vào tình yêu của cộng đoàn, rất phổ cập. Đó mới là yêu thương đích thực. Yêu như Đức Kitô yêu Giáo hội. Yêu loài người.
Tình yêu đích thực là tình yêu cao cả, đầy thử thách được thể hiện khi người khác chứng tỏ đã yêu thương ta mạnh đủ để nói cho ta nghe những chuyện thật về con người của ta. Và đổi lại, ta cũng tỏ bày những chuyện thật về mình cho người khác biết. Đấy mới là yêu thương đích thực. Có yêu như thế, ta mới dám lao mình vào chốn không quen, rất tăm tối cận kề sự chết. Bởi, một khi đã đồng hành với những người anh em cùng tin vào Đức Kitô, ta duy trì được niềm hy vọng sâu xa, cả vào những giây phút khó khăn trong cuộc đời. Cả những lúc rất khó tỏ bày tình yêu thương của mình. Lòng yêu thương đích thực là yêu mến, có hy sinh. Ta vẫn thường gọi đó là thái độ yêu thương trìu mến của mọi kẻ tin Chúa, nơi nhà Đạo.
Đức Giê-su chẳng khi nào khẳng định rằng: yêu thương như thế là chuyện rất dễ làm. Nhưng luôn là việc cần làm. Còn cần hơn, nếu ta muốn đi cho hết đọan đường của hành trình sống rất tràn đầy. Đầy yêu thương. Đầy hạnh phúc. Và khi đã hạnh phúc trong yêu thương, ta sẽ thấy mình không còn đơn độc, lẻ bóng; nhưng có cả binh đoàn gồm những người anh em rất thân thương, đi bước trước.” (x. Lm Richard Leonard sj, Suy niệm Chúa nhật thứ Tư Mùa Thuờng Niên năm C, Bản Tin Giáo Xứ Fairfield Úc 03/02/2013)

Như vậy thì, lòng mến nói tín hữu đi Đạo phải gồm tóm cả thứ tha. Và, đấng bậc vị vọng ở nhà Đạo cũng nói về tình yêu, nhưng hơn khác. Khác hẳn nghệ sĩ ở đời vẫn cứ nói và cứ hát như sau:

            “Đêm sâu mái tóc em dài
Buông xuôi, xuôi theo dòng đời
Mà đời dài như tiếng kinh cầu
Còn sầu mang đến cho nhau.”
(Vũ Thành An – bđd)

            Người viết nhạc, khi xưa thường vẫn viết như thế. Như thế, tức là: có những giòng chảy sùng sục những nói rằng: “Đời dài như tiếng kinh cầu”, hoặc “Còn sầu mang đến cho nhau”,những là: “buông xuôi.” Tuy là thế, cũng có thể là những tháng ngày hôm nay, tác giả có viết về “đêm sâu” hay “đời dài”, thì với tư cách là “thày sáu vĩnh viễn” ở bên Mỹ, chắc chắn “thày sáu” nhà ta sẽ có lúc cũng trích dẫn lời vàng của thánh hiền, như sau:

                        “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người
và của các thiên thần đi nữa,
mà không có đức mến,
thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,
chũm choẹ chập choeng.
Giả như tôi được ơn nói tiên tri,
và được biết hết mọi điều bí nhiệm,
mọi lẽ cao siêu,
hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non,
mà không có đức mến,
thì tôi cũng chẳng là gì.
Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí,
hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt,
mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.”
(1 Cr 13: 1-3)   

            Về tình yêu, mà đấng thánh hiền gọi là “đức mến” hoặc “tình thương mến rất “agapè”, diễn tả như thế, cũng rất tuyệt. Và, về “lòng mến agapè” của thánh Phaolô, lại có đấng bậc viết thêm đôi giòng diễn giải rất như sau:

“Nhưng, ngang qua những người ở đây, thánh Phaolô lại khám phá ra một loại hình yêu thương rất khác biệt, mà ông chưa biết. Tức, loại hình mà thời đó, mọi người vẫn gọi là lòng mến/thân thương rất agapè. Hơn nữa, đó là loại hình mục vụ đích thực được thể-hiện với họ và cho họ.   
Thánh-nhân lại đã viết lên một thể loại ca vịnh dành cho những người có lòng mến/thân thương ở ngay giòng đầu trong thư gửi dân thành Côrinthô đoạn 13; và ông cũng gửi cho các thừa-tác-viên kể trên một thư khác, tức thư thứ hai Côrinthô đặc biệt là đoạn 5. Xem thế thì, cuộc sống đã trở thành tiến trình hoà giải không ngừng nghỉ, giữa những người chưa đạt ước nguyện, như vừa nói. Với Phaolô, là vị thánh từng khám phá ra rằng mình còn phải đi thêm một đoạn đường dài hơn nữa, mới “thành đạt” như dự kiến.” (x. Lm Kevin O’Shea CSsR, Paul: Writing to Achaia: 1 and 2 Corinthians, 2009 p. 65)
  
            Cuối cùng thì, nói gì thì nói, làm cho mọi người trong đời được vui và tươi, tức là: đã thực hiện được lời vàng nhắn nhủ của nhiều vị thánh hiền. Tựa hồ, lời đề nghị của bạn hiền mới vừa quen tuy chưa biết, như bên dưới:

            Việc cần làm cho đời sống thêm vui:
            -2 việc nên làm khi gặp phải điều không vui:
1. Hãy bình thường hóa nó một chút.
2. Hãy nhìn khía cạnh tích cực chứa ẩn, ở trong đó.
            -3 thứ cần phải quên:
1. Quên đi tuổi tác.
2. Quên đi quá khứ không vui.
3. Quên đi điều làm mình bực mình và sự oán giận.
            -4 thứ cần có:
1. Cần có được người hiểu và yêu mình chân thành.
2. Cần có người tri kỷ.
3. Cần có tư tưởng hướng thiện, lạc quan và thăng tiến.
4. Cần có được mái ấm gia đình.
            -5 thứ cần phải biết:

1. Biết ca hát, dù hát không hay. Vì khi gặp điều buồn, nếu bạn cố gắng hát
    nho nhỏ được một bài nào đó, bạn sẽ thấy nỗi buồn của bạn vơi đi rất nhiều.
2. Biết nhảy múa, dù múa không giỏi.
3. Biết nhìn ra được cái đẹp và cái tích cực trong cuộc sống.
4. Biết mỉm cười với cuộc đời, để cuộc đời mỉm cười lại với bạn.
5. Biết tha thiết và ân cần, rộng lượng và hào hiệp.
-6 thứ không được làm:
1. Không để quá đói rồi mới ăn.
2. Không để quá khát rồi mới uống.
3. Không để nhíp mắt lại rồi mới đi ngủ.
4. Không để quá mệt lả rồi mới chịu nghỉ.
5. Không để bệnh quá nặng rồi mới chạy chữa.
6. Không chờ đến lúc quá muộn, để rồi ngồi ân hận. (Sương Lam)

            Bần đạo phải thú thật với bạn đọc và bạn đạo ở ngay đây rằng: lâu nay viết nhiều và viết hăng quá, đến độ quên cả những điều mình từng viết, về “lòng mến rất agapè” của nhà Đạo. Thế nên, nay bèn mượn lời các đấng bậc ở đây đó để nhắn nhủ như trên cũng là chuyện “chẳng đặng đừng”.
            Thú thật thế rồi, nay bần đạo lại mượn ý/lời của truyện kể kiểu “Tiếu lâm chay hay mặn” để minh hoạ cho lời mình trích dẫn; để rồi, hẹn sẽ viết nhiều về lòng mến/tình yêu, nhiều hơn nữa. Truyện kể, là truyện nhè nhẹ như sau:

                        “Truyện bảo rằng:
                        Khi con chim còn sống, nó ăn kiến.
Khi chim chết, kiến ăn nó.
Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào,
Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này.
Bạn có thế đầy quyền lực ngày hôm nay,
Nhưng đừng quên rằng,
Thời gian còn nhiều quyền lực hơn bạn.
Một cây có thể làm được hàng triệu que diêm,
Nhưng một que diêm cũng có thể thiêu hủy được hàng triệu cây.
Hãy là người tốt và làm những điều tốt.
Thử nghĩ mà xem,
Thượng Đế cấu tạo cơ thể con người một cách rất hợp lý,
Nhưng sao chúng ta lại không sử dụng nó theo đúng ý của Ngài:

1.Ngài đặt hai mắt chúng ta ở đằng trước, vì Ngài muốn chúng ta luôn hướng tới phía trước, chứ không phải để chúng ta cứ ngoái nhìn về những sự việc ở phía sau.
2-Ngài đặt hai tai chúng ta ở hai bên là để chúng ta nghe từ hai phía, cả lời khen lẫn tiếng chê, chứ không phải để chúng ta chỉ nghe từ một phía hoặc chỉ để nghe những lời tâng bốc êm tai.
3-Ngài tạo cho chúng ta chỉ một cái miệng và một cái lưỡi mềm mại, vì Ngài muốn chúng ta nói ít nghe nhiều và chỉ nói những lời khôn ngoan, chứ không phải để chúng ta nói nhiều hơn nghe và nói những lời sâu hiểm làm tổn thương người khác.
4-Ngài đặt bộ não chúng ta trong một hộp sọ vững chãi, vì Ngài muốn chúng ta nên tích lũy tri thức, những thứ chẳng ai có thể lấy đi, chứ không phải chỉ chăm lo tích lũy những của cải bên ngoài, những thứ dễ dàng bị mất mát.
5-Ngài đặt trái tim chúng ta nằm trong lồng ngực, vì Ngài muốn những tình cảm yêu thương giữa những con người phải được xuất phát và lưu giữ tận nơi sâu thẳm trong cõi lòng, chứ không phải ở một nơi hời hợt bên ngoài.
                       
            Thật ra thì, người kể nói nhiều về cung cách tạo dựng của Thượng Đế, rồi “đấng bậc” hiền lành lại lái sang Tình yêu, tình cảm giữa con người với con người. Tình gì thì tình, yêu gì thì yêu vẫn là Tình rất yêu; là lòng mến của mỗi người và mọi người trong đời. Vấn đề là diễn tả lòng mến hay Tình yêu ấy theo phong cách hoặc tư thế nào còn tuỳ mỗi người và mọi người.
            Tựu trung thì, hỡi bạn và tôi, ta hãy cứ duy trì Tình yêu/lòng mến cho đậm đặc, sâu sắc và bền bỉ đến muôn đời. Với mọi. Thế đó là lời tâm tình của bầy tôi, rất bần đạo, hôm nay.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn muốn tâm tình
với bạn đạo và bạn đọc
bằng tình thân của tất cả các bạn,
trong ngoài nhà Đạo, là như thế.