Saturday 27 August 2011

“Thời gian nào, trôi bềnh bồng trên phận người”

“Thời gian nào, trôi bềnh bồng trên phận người” Biệt ly nào không buồn phiền trên dấu môi…”

(Vũ Đức Sao Biển – Thu Hát Cho Người”)

(Mt 18: 3)

Là Thu, đã hát cho Người, mà sao anh vẫn cứ bảo:“Thời gian nào, trôi bồng bềnh trên phận người.”? Để rồi, lại còn viết: “Biệt ly nào không buồn phiền, trên dấu môi!” Phải chăng, nói như thế, tức bảo rằng: đời người, nào có vui?

Bần đạo đây, không đủ tư cách để trả lời những câu hỏi mang ý nghĩ ly kỳ như thế. Chỉ dám vin vào lời lẽ của tác giả viết nhạc buồn bằng cách trích dẫn một chuyện vãn văn nghệ với phóng viên tuần báo “Sinh viên” như sau:

“Âm nhạc là thú chơi, quà tặng của cuộc sống dành cho con người. Tình khúc của tôi không ồn ào, sôi động, nó là bức thông điệp của một người gửi đến đám đông những suy tưởng về cuộc sống, tình yêu và sự xa biệt", nhạc sĩ của "Điệu buồn phương Nam""Thu, hát cho người" tâm sự…

-"Thu, hát cho người" của ông đã gây xúc động cho người nghe bởi sự biệt ly, cô đơn và lẻ loi trong chờ đợi, ông viết bài này trong hoàn cảnh nào?

-Tôi viết năm 1968, khi 20 tuổi, với một tình yêu trong sáng và những cảm xúc yêu thương rất thuần khiết. Nhưng rồi cũng chỉ là một tình yêu đơn phương, vô vọng và chia xa...

- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, tất cả các bài hát của ông đều mang tâm trạng buồn?

- Quả thật tôi viết không có bài nào vui. Cả trăm ca khúc là cả trăm nỗi buồn, mỗi bài một vẻ. Có khi tôi cũng thử viết một vài ca khúc sôi động, nhưng rồi cảm thấy gượng ép quá, không viết nữa. Bây giờ nghiệm lại, tôi chỉ có thể viết theo những lắng đọng từ trong tim dẫn dắt và bật ra thành lời ca, nốt nhạc, thế thôi.

- Ngoài sáng tác, ông còn viết báo. Hai việc đó, một đòi hỏi sự tỉnh táo, khách quan, một cần sự bay bổng, lãng mạn. Tại sao chúng dung hòa được trong ông? - Viết báo và sáng tác có phương tiện, cách thức thể hiện khác nhau nhưng đích đến vẫn là một: lòng yêu thương con người, nên cũng không có gì mâu thuẫn cả. Đi làm báo, tiếp xúc với những số phận con người, lòng tôi lúc nào cũng tràn ngập cảm xúc khó tả. Đêm về, nằm nghĩ lại, nhiều khi trăn trở ấy lại tạo mạch cảm hứng cho tôi viết ca khúc…

-Điều ông luôn tìm kiếm để vươn tới trong suốt cả cuộc đời mình là gì?

-Tình yêu. Đó là thứ quý giá nhất trong cuộc sống. Chính tình yêu thương con người đã chắp cánh cho tâm hồn và cả nghị lực sống của tôi, cho tôi cảm xúc thăng hoa trong sáng tác... và tôi là người lữ hành đam mê tình yêu... (x. music.vietvoice.net/song_details.php?lang=vietnamese&ID=430)

Vâng, lập trường của tác giả “nhạc buồn” họ Vũ Đức tên gọi Sao Biển là như thế. Thế nhưng, “như thế” không có nghĩa là tất cả những người viết nhạc nào khác, đều như vậy. Tức là, toàn viết những giòng nhạc buồn chứ không vui. Dù đời người quả thật vẫn vui, chứ không buồn. Và, tiếp theo đó, là lý do của những “Thu hát cho người” hoặc “Điệu buồn (rất) phương Nam”, của ông:

“Thời trung học, cứ mỗi lần đi học ở trường Tiểu La, tôi vẫn có thói quen hay uống café tại một quán rất quen thuộc tên là Café Thu. Quán giản dị với những chiếc bàn đã cũ kỹ theo năm tháng. Ngày ấy, ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam), ai cũng biết quán này, chủ nhân là một người đàn bà trên 30 tuổi, nhưng còn rất đẹp và sâu lắng. Một điều đặc biệt, café ở đây rất ngon, nhạc hay và buồn như chính chủ nhân của nó. Lúc bấy giờ, thứ “nhạc vàng” này, người ta thường hay cấm nên mỗi khi nghe xong, tôi nuốt từng lời, về nhà chép lại và tập với cây đàn guitar cũ. Chính vì thế, tội thuộc rất nhiều nhạc của các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thuỵ Miên,… Trong lúc rỗi, tôi cũng thường nói chuyện với chủ quán, những lúc như vậy, đôi mắt cô Thu thừơng đượm buồn, xa xăm, nhớ về một dĩ vãng không xa lắm…” (Trích cảm nghiệm của tác giả Sao Biển qua điện thư buồn của bạn hiền, gần đây)

Gợi nhớ điệu buồn nghệ sĩ viết, thì như thế. Thế còn, hồi ức vui của tôi và của bạn, sẽ ra sao?

Ra sao hay ra răng, bần đạo đây rày chẳng biết. Chỉ biết mỗi một điều, là: xung quanh hồi ức về Đạo của riêng mình, vẫn thấy rất nhiều điều lạ và vui hơn nỗi buồn trăm năm, của nhà thơ. Buồn sao được, khi bần đạo mới ở độ tuổi “hai năm rõ mười”, vào cái tuổi rất ư là phá phách/nghịch ngợm, đến phát sợ. Không chỉ phá, còn là la cà ngoài đường chòm xóm những bay nhảy, cùng chạy rong đã bị -ấy chết, nói “được” thì đúng hơn- Vâng! Bần đạo được mẫu thân gọi lại mà nhủ bảo nhiều điều rất vui và chí tình mà đến bây giờ, hơn 50 năm sau nhìn lại, bần đạo vẫn còn nhớ như in trong hộp não vừa bé lại vừa tệ, hơn ai hết. Mẫu thân bần đạo, là cụ bà chân chất xuất thân từ đất Hà Nam - Phủ Lý, rất quê nhà. Cụ sống nhiều năm ở chốn thị thành, vốn dĩ thiếu niềm vui nhà Đạo, nên mới gọi bảo:

“Con à. Nhà mình thì đông đúc, giòng họ lại sung túc nhiều, thế mà chẳng được một ai chịu làm việc trong nhà Chúa để được vui đuợc sướng, ở chốn này. Hay là, con thử tìm đến hỏi cha xứ họ mình hỏi xem ngài có bằng lòng cho con theo học để đời con được sướng vui không con nhé…”

Hồi ức của bần đạo tuy không sắc và thanh tao như người nghệ sĩ nhắc ghi ở trên. Duy, có một điều khiến bần đạo nắm chắc rất rõ là: ý của mẫu thân bần đạo khi ấy chỉ muốn cho bầy con sống sung sướng với cha với Chúa, chứ chẳng mong cho buồn con khổ như bất cứ ai trên đời, chí ít là người nghệ sĩ. Mẫu thân bần đạo, vốn xuất thân từ chốn quê mùa chân chất, rất đạo hạnh, nên nghĩ thế. Cụ vẫn tưởng rằng sống Đạo ở đời bao giờ cũng vui, cũng sướng hơn người đời chỉ ca với hát hết những bài “Thu hát cho người”, rồi lại đến “Điệu Buồn Phương Nam”, nên mới thế.

Hôm nay nghe lại lời ca sầu phát ra từ loa phóng thanh của ai đó, bên hang xóm, bần đạo thấy như văng vẳng một lời trần (rất) tình, biết đâu trong giọng buồn ấy, mình lại tìm ra lời ca vui ở câu cuối. Câu hát rằng:

“Giòng sông nào, đưa người tình đi biền biệt?

Mùa thu nào, đưa người về thăm bến xưa?

Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ,

Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ…”

(Vũ Đức Sao Biển – bđd)

Nhớ người vô bờ, ở “đồi sim” không là chỉ nhớ mỗi lời buồn của người đời, mà thôi. Dù, người đó có là mẹ đẻ ra mình, hay của người cha ở bốn phương tám hướng, phía chân trời bể dâu, vẫn là nhớ. Nhớ, là bởi bậc mẹ cha ở đời hay trong Đạo, vẫn là các đấng các bậc có những lời thơ để đời, mong ta ghi và nhớ, rất như sau:

“Trong bài nói chuyện với người trẻ ở Madrid sau Đại Hội Giới Trẻ một ngày, Đức Bênêđíchtô 16 kêu gọi giới trẻ hãy đem theo những gì mình học được từ Đại hội Madrid về nhà mà san sẻ cho cộng đồng. San sẻ niềm vui đức tin mình học được: “Anh em đừng giữ Chúa cho riêng mình. Hãy san sẻ với người khác, niềm vui ấy” (www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/08/110822_pope_closed_wyd.shtml?pri...)

Lời Đức Giáo Tông nói lên hôm ấy đã khiến nhiều người nhớ đến Lời Chúa từng phán bảo:

“Thầy bảo thật anh em:

nếu anh em không hoán cải nên như trẻ bé,

anh em sẽ chẳng vào được Nước Trời.”

(Mt 18: 3)

Người trẻ bé mọn ở đây, là người còn nghèo và cũng rất hèn, bị bỏ rơi hoặc quên lãng ở xó chợ, ngoài xã hội. Những người ấy, vẫn dẫy đầy nơi đất trời, ở mọi nơi. Nhưng hỏi rằng, trời kia đất ấy có nhớ họ không, đó mới là vấn đề. Và, vấn đề nay còn nhạy cảm như lời đấng bậc chủ quản ở trời Tây đất Mẹ cũng đề cập đến Đại Hội Giới Trẻ ở Madrid 2011 hôm vừa qua, cùng với những lời trần rất chí tình cũng giản đơn, chân chất, thành thật như sau:

“Trong lúc Hội thánh Công giáo tìm cách giúp đỡ người trần đến được Nước Trời, thì rất thường là Hội thánh hay đối xử với thành viên trẻ của mình như thể họ đến từ một hành tinh nào đó, khá xa xôi. Ý tưởng đối xử với người trẻ như người từ hành tinh mới xuất hiện, là của một viên chức cao cấp trong Giáo triều La Mã, đã nói thế trong cuộc phỏng vấn bên lề Đại Hội Madrid hôm 16/8/11.

Phát biểu với phóng viên Đại Hội, Tổng Giám Mục Joseph W. Tobin, Tổng Thư Ký Thánh Bộ Tu Sĩ và các Tu Hội Sống Đời Mục Vụ, có nói: “Người trẻ hôm nay có thể tìm thấy chính mình ngay trong lòng Hội thánh; nhưng cho đến nay, họ vẫn trong tư thế sống bên lề Hội thánh do bởi một số chuyện như: rất nhiều vị không nói cùng một thứ ngôn ngữ như họ, nên đã đối xử với họ như với người từ hành tinh khác chợt đến.”

Với người trẻ Công giáo, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vẫn là lễ hội qua đó họ có thời gian, không gian và tình bằng hữu thân thưong cần có, để có thể suy tư về đường lối mà Chúa muốn họ sống niềm tin tươi mát ngay trong Hội thánh, cũng như giữa lòng đời. Thêm vào đó, có sự kiện cho thấy người trẻ hôm nay đang sẻ san kinh nghiệm tư riêng của mình với cả trăm ngàn bạn trẻ khác đến từ khắp nơi, trên thế giới. Đại Hội nay đem đến cho họ một dịp may hiếm có để họ có thể tham gia vào nghi thức phụng vụ, cùng nguyện cầu trong lặng thinh cũng như tìm hiểu thêm huấn giáo của Đạo, dành cho mình.

Với những ý tưởng như thế, đấng bậc chủ quản trên còn nói thêm: “Trong khung cảnh như thế này, người trẻ hôm nay còn có cơ hội gặp gỡ bầu bạn đang dấn thân vào cuộc đối thoại mà tất cả chúng ta cần có với Đấng Tác Tạo nên mình, bằng cách hỏi Ngài: “Chúa muốn con làm gì?”

Tổng Giám Mục Tobin còn cho biết: cuộc hội ngộ dành cho giới trẻ rất cần thiết cho những ai suy nghĩ về những đáp trả lời gọi mời đi vào cuộc sống chuyên tu giáo sĩ hoặc đời tu trì, và cho cả những vị từng dấn thân vào hành trình có lời tuyên hứa hoặc đã được tấn phong. Nói về những việc chính yếu sau Đại Hội có tầm vóc quốc tế này, Tổng Giám Mục cũng nói đến việc Hội thánh cần làm sau ngày Đại Hội, là: bám riết và hỗ trợ giới trẻ một khi Đại Hội bế mạc. Tổng Giám Mục Tobin công nhận: “Đây là thách thức không nhỏ đính kèm với kinh nghiệm mang nhiều cảm tính đã diễn ra. Nếu đây là điểm chuẩn cho mọi công tác về sau, thì cũng khó mà tái tạo được nó. Hãy hỏi các cặp vợ chồng trẻ mới cưới để xem họ cảm nghiệm thế nào trong đời mình, khi phải giáp mặt thực trạng cuộc sống cụ thể, như: phải giải quyết cả thau nồi niêu bát dĩa ngập đến đầu từ lâu, chưa kịp rửa. Hãy cứ hỏi những cặp vợ chồng có con còn nhỏ đang đau yếu hoặc những cặp vừa lấy nhau xong đã mất việc. Hỏi, để biết rằng niềm vui ngày mới cưới nào đã kéo dài, mãi thiên thu.

Dĩ nhiên, yêu đương là một nghệ thuật ở đời. Nhưng đó vẫn là nghệ thuật đòi hỏi nhiều kỷ luật và thao tác, đôi lúc cũng dẫn đến thất bại. Nhưng, bất cứ ai đương yêu cũng đều biết mình có cả một đời để sống và làm cho đúng hết mọi việc. Đấng bậc tu trì nào từng tiếp xúc với bất kỳ người trẻ ở đâu, cũng đều coi đó như phút chốc của mời gọi. Mời và gọi, là bởi giới trẻ bao giờ cũng kiếm tìm một giải pháp thoả đáng cho đời mình, xem mình có thích hợp với khuôn khổ đời tu hay không. Bởi thế nên, đấng bậc tu trì cũng cần để tai mà lắng nghe tâm tư của người trẻ. Biết rõ lai lịch họ và gọi mời họ thử xem đời sống tập thể với tu trì có thích hợp với điều mình kiếm tìm không.

Là đấng bậc chuyên đặc trách về Đời Tu, nên Tổng Giámmục Tobin cũng để ý nói: “Người trẻ không muốn các đấng bậc tu trì đánh giá thấp hoặc coi nhẹ đòi hỏi của Tin Mừng mình nghe biết. Thông thường, người trẻ chỉ dấn thân tham gia đời sống tu trì cộng đoàn mỗi khi được yêu cầu, mời gọi thôi. Và Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là cung cách yêu cầu họ sống đáp trẻ lời mời gọi ấy.“

Ngay tại các nước bị lung lay sau những vụ tai tiếng do một số giáo sĩ mắc phải lầm lỡ/sơ xuất qua phong cách xách nhiễu tình dục, nay vẫn thấy có ơn gọi giáo sĩ và đời tu: “Bản thân tôi, tôi nhìn sự việc bằng ánh mắt lạc quan ngay cả vào ngày đen tối xảy đến vụ 9 tháng 11 ở Hoa Kỳ. Khi ấy, tôi thấy nhiều người tìm cách tháo chạy khỏi hai toà nhà chọc trời đang bị hun cháy, thì cùng lúc ấy vẫn thấy có những người trẻ vẫn chạy về phía khói đen mù mịt có lửa bốc thiêu rụi cả con người lẫn vật dụng. Trong số những người ấy, tôi thấy có cả lính cứu hoả, cảnh sát cũng như nhân viên cứu trợ, đầy đủ cả. Ngay trong lòng Hội thánh cũng thế. Dù một số vị đang bị tai tiếng làm lung lay, suy sụp thì nỗi niềm giận dữ, nghiêm khắc vẫn rực sáng và có nhiều người trẻ vẫn cứ chạy về phía đó. Nhìn kỹ mới thấy, cái lôgích rất rồ dại của cuộc sống là chấp nhận có mất mát trong đời mình, có thế mới cứu vãn được chính nó.” (x. Cindy Wooden, “Church must not treat the young as aliens”, The Catholic Weekly 21/8/2011, tr. 23)

Về với chuyện buồn vui đời người, là về với nghệ sĩ vui cứ viết lên ca từ buồn, sau đây:

“Ta vẫn chờ em, dưới gốc sim già đó, Để hái dâng người, một đóa đẫm tương tư, Đêm nguyệt cầm, ta gọi em trong gió. Sáng linh lan, hồn ta khóc bao giờ.

Ta vẫn chờ em, trên bao la đồi nương, Trong mênh mông chiều sương, Giữa thu vàng bên đồi sim, trái chín Một mình ta, ngồi khóc tuổi thơ bay.”

(Vũ Đức Sao Biển – bđd)

Nói cho cùng, thì buồn vui đời người đâu nằm ở nơi lời nói, hoặc câu ca. Nhưng vẫn cứ là và có thể là ý tưởng/lập trường sống, có chọn lựa. Chọn mừng vui hay buồn chán, cả một đời, vẫn còn đó âm hưởng của lời ca, không vui lắm:

“Thời gian nào, trôi bềnh bồng trên phận người, Biệt ly nào, không muộn phiền trên dấu môi. Mùa vàng lên, biêng biếc bóng chiều rơi, Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người.

Thu hát cho người.

Thu hát cho người, người yêu ơi! “

(Vũ Đức Sao Biển – bđd)

Tắt một lời, hãy nói và hát như nghệ sĩ ngoài đời, ở đời thường, dù có viết bài ca những là “Thu hát cho người”, thế nào đi nữa, cuối cùng vẫn cùng ông công nhận rằng: “Tình yêu. Đó là thứ quý giá nhất trong cuộc sống. Chính tình yêu thương con người đã chắp cánh cho tâm hồn và cả nghị lực sống của tôi, cho tôi cảm xúc thăng hoa trong sáng tác. Và, tôi là người lữ hành đam mê tình yêu...”

Nếu vậy thì, xin mời bạn và mời tôi, mời cả các vị trong ngoài nhà Đạo, ta hãy dấn thân vào giòng đời, mà giữ Đạo. Cứ thế mà sống Đạo, vẫn rất đạo. Dấn thân, để rồi sẽ luôn nghe theo lời dặn dò của Đức Chúa từng ở Tin Mừng, với mọi người, rằng:

“Nếu anh em không hoán cải

trở nên như người trẻ/bé nhỏ,

anh em sẽ chẳng vào được Nước Trời đâu.”

(Mt 18: 3)

Người trẻ nhỏ bé mọn vừa qua đã đặt chân đến thủ phủ Madrid ở Tây Ban Nha hoặc ở đây, nơi này vẫn là bạn, là tôi, đang sống giữa cuộc đời có cả điều buồn lẫn chuyện vui. Nhưng còn gì vui hơn, khi người người nay áp dụng lời dạy của Thầy Chí Ái, mà sống thực đời mình, cùng mọi người.

Sống rất vui, bên cạnh những người buồn. Sống tinh thần trẻ, cả trong lòng Giáo hội nay đã già. Già, nơi thân xác. Đầu óc. Nhưng không già, trong quyết tâm đổi mới với Lời Chúa, ở quanh ta.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn nhớ nhiều

những điều Thầy từng dạy,

rất như trên.

Saturday 20 August 2011

“Đường đi đã tới! Lòng dân đã nối!”

“Người tạm dừng bước chân vui, người ơi!”

(Phạm Duy – Con Đường Cái Quan)

(Mt 28: 19-20/Ga 14: 5-14)

Đã lâu lắm, bần đạo mới lại có dịp -nói đúng hơn, mới có thì giờ- mở băng/dĩa ra nghe lại bản trường ca “Con Đường Cái Quan”, của Phạm Duy.

Về bản trường ca này, bạn trẻ Anthony Trần đã có đôi lời giới thiệu tác giả và trích đoạn trường ca “Con Đường Cái Quan” trong buổi trình tấu nhạc thính phòng “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney hôm 4/6/11 như sau:

“Theo em thì, “Con Đường Cái Quan” là bản trường ca đắc ý nhất của nhạc sĩ Phạm Duy, trong đó ông đưa ra ý tưởng về “Tình Mẹ Việt Nam” như một giòng sông bắt nguồn từ miến Bắc, chảy chầm chậm ngang qua vùng đồi núi nhấp nhô miền Thượng du chập chùng, để rồi đến tận miền Trung, dạt dào chảy về sông Cửu Long và ào ạt tuôn ra biển, mang theo tình tự của Con Đường Cái Quan nay đã tới! Lòng dân đã nối...”

Nói về “Con Đường Cái Quan”, không chỉ là nói và hát về những con đường đất nước “Nối liền lòng dân”, thôi. Nhưng, còn nói và hát về “Con Đường” của dân tộc. Nên, nghệ sĩ họ Phạm đã mời bạn và mời tôi, ta “dừng chân đứng lại”, để nghe người em “xin than đôi lời!” “Đi đâu vội (thế) mấy anh ơi!”

Hát về “Con Đường Cái Quan”, không chỉ là hát và nói về đường đời của mọi người. Ở quê mẹ. Mọi thời. Mà, người ấy/thời ấy vẫn luôn thấy những lời, nghe như sau:

“Người mơ ước tới,

Đường tan ranh giới.

Để người được mãi

Đi trong một duyên tình dài!”

(Phạm Duy – bđd)

Về “Duyên tình dài”, với “Đường Cái Quan”, vẫn là thế. Vậy mà trước đó, bần đạo lại những tưởng: văn chương/ngôn ngữ người đời vẫn nói lên tình tự của đời người. Một đời, có ước mơ của người con đất nước những mong được đi trên “Đường (rất) Cái Quan”, để mà tới. Và, sẽ thấy “đường tan ranh giới”, người người “được mãi đi (và đi mãi) trong một duyên tình dài!” Nay, ngồi nghĩ lại ca từ tràn đầy thi tứ ấy, rày đã hỏi: phải thế không em? Thật thế không anh? Hay, đó chỉ là văn chương thời cổ, vẫn hồi nào? Xưa cổ một thời, như lời người nghệ sĩ rày kết đoạn bài thơ:

“Con đường thế giới xa xôi,

Trong lòng dân chúng nơi nơi!”

(Phạm Duy – bđd)

Với người đời, thì “con đường” thế giới có xa xôi, vẫn ở “trong lòng dân chúng nơi nơi”. Thế còn, con đường nhà Đạo có hằn in như thế không?

Như mọi lần, mỗi khi gặp phải câu hỏi “hơi” gay go, bần đạo lại chọn tư thế cũng rất dễ để rồi sẽ bảo:”Hỏi, tức đã trả lời”, rồi. Nay, sau chuyến công du đường dài xuyên qua gần phân nửa địa cầu, từ Sydney đến xứ Mễ-si-tình...(rất nhiều) cô, rồi bay về đất miền U-ét-A, rất ư là Hoa kỳ, bần đạo đã bắt đầu thấy ngại ngần, rất lần thần. Nên, cứ lửng lơ con cá (rất) vàng, đang bơi lội. Chứ, không còn bạo miệng nói nhanh và nói mạnh như ngày nào nữa. Chí ít, là khi gặp phải lời quả quyết cũng khá “căng” của ai đó, cứ bảo:“Không ăn cắp, không phải người Mễ, không đi trễ cũng chẳng phải ...người Dziệc mình!” để rồi dám tỏ bày sự bất đồng nho nhỏ, để bác bỏ.

Bác và bỏ, là vì bần đạo nay nhận ra rằng: điều này không còn đúng với tình hình thực tế rất chung chung, ở nhiều nơi trên thế giới. Với thời buổi, nơi nào cũng có kẻ cắp ê hề, mà chẳng gặp bà già. Chỗ nào, cũng tràn đầy những người cứ luôn muộn màng, trễ nải cả giờ lễ. Thành thử, bần đạo nay dám mạnh miệng hỏi người/hỏi mình rằng: nên chăng nói lên điều nghịch chống, khi bàn và hát “Con Đường Cái (rất) Quan”, toàn nhà Chúa?

Các “Đường Cái (rất) Quan (lại)” ở nhà Chúa, vẫn thấy khó để có thể hát mãi ca từ được nghệ sĩ già họ Phạm viết ở đoạn cuối, hát rằng: “Đường đi đã tới!”, “Lòng dân đã nối!” Tức, một khi đã quyết dấn bước, thì “Đường Cái Quan (lại)” nhà Đạo mình, có đi hoài và đi mãi, cũng chẳng tới. Và, lòng người đi Đạo, có nối hoài và nối mãi, cũng khó mà “đạt” được điều mình ước nguyện.

Một trong những điều mà dân con nhà Đạo vẫn cứ ước và nguyện, là: có dư và có đủ mọi đấng bậc chức sắc, hoặc đức thày, ngõ hầu người người có thể tiếp tục phục vụ thánh hội rất kết hợp của Đức Chúa, trong tinh thần hiền hoà. Bình yên. Bình bình và yên vui, theo tinh thần noi theo lời Thầy khuyên nhủ ở đoạn cuối Tin Mừng theo thánh Mát-thêu:

“Vậy anh em hãy đi

và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,

(Mt 28: 19)

Lời nhủ khuyên “Anh em hãy đi” được trích ở đây, là bước thăng trầm hãnh tiến trên “Đường” đời cũng rất Đạo, quyết qui tụ muôn dân trong họ ngòai làng, thành đồ đệ. Tức, thành những Kitô khác, rất Nước Trời. “Anh em hãy đi và làm”, là đi mà thực hiện ý định của Cha để dân con nhà Đạo mình ở khắp nơi sẽ trở thành đồ đệ thứ thiệt, như Ngài muốn.

Kể cũng lạ! Hôm trước ngày chịu nạn, Thầy cứ bảo: “Ai có tai để nghe, hãy nghe!” Thật ra, tai thì ai mà chẳng có. Nhưng, “có tai để nghe” lại thấy rất ít. Rất ít và cũng hiếm, cả những người có được bộ phận “để nghe, hãy nghe”, rất như thế. Trong khi đó, miệng để nói, lại thấy rất nhiều. Và rồi, sau ngày Thầy sống lại về với Cha, Thầy còn nhủ: “Anh em hãy đi và làm...” Kể cũng vui! Ai mà chả có chân để đi. Nhưng, có chân thật đấy, mà sao người người vẫn sử dụng nó chỉ để đi chơi. Dạo phố. Hoặc, đi rất mạnh bạo vào chốn chết người. Nơi, có những thú vui xác phàm, rất tầm thường. Vật chất. Thế nên, đã mấy ai trong đời những “đi và làm”, cốt để bàn dân thiên hạ thành đồ đệ Chúa, rất hăng say?

Kể cũng hay! Người thời nay, vẫn cứ đi. Nhưng, họ có đi nơi này/chốn khác, cũng chỉ để giúp mình trở thành “Giáo hoàng tự phát”, có quyền sinh quyền sát lên hết mọi người, ở trong làng hoặc dưới huyện. Nào đã mấy ai rất muốn “đi và làm” cho mọi người thành đồ đệ Chúa. Hăng say. Mọi ngày. Hầu, trở thành Đấng đầy tớ của tớ đầy của Chúa. Thực là thế.

Lại, nhìn vào thực tế nhà Đạo, hẳn người người cũng đều thấy đã có tín hiệu không mấy lạc quan về tình trạng dân con muốn thực thi lời trăn trối của Thầy bằng hành xử, rất quyết tâm. Hành xử, không như lời nghệ sĩ họ Phạm từng khẳng định điểm tới của “Con Đường (rất) Cái Quan” bằng ca từ được hát đi hát lại, nhiều lần:

“Đường đi đã tới! Lòng dân đã nối.

Người tạm dừng bước chân vui, người ơi!

Đường đi đã tới! Lòng dân đã nối.

Người tạm dừng bước chân vui, người ơi!”

(Phạm Duy – bđd)

Quả là thế. Một khi đã dấn bước lên đường để “đi và làm” cho người người trở thành đồ đệ Chúa, thì lúc ấy mọi người đều thấy “đường (hãy đi và làm) đã tới”, “lòng dân đã nối!”. Nối kết, một phấn khởi. Và, người người “tạm dừng bước chân vui”, không biết mỏi. Và, sẽ mãi tươi vui, với “Đường” nhà Đạo, đích thực là Đường Chúa định.

Còn nhớ, về “Con Đường” thực tế ở nhà Đạo, bạn bè thân quen trong giới đấng bậc ở Úc, có lần từng lên tiếng:

“Đường là phương tiện giao thông để ta đến với nhau. Nếu không có “Con đường” thì không ai đến được với ai. Hoặc, nếu con đường nào cũng bị hư hỏng, tắc nghẽn thì việc đến với nhau có thể cũng sẽ gặp gian truân, trắc trở. Tuy nhiên “Con Đường” càng thênh thang rộng mở, thì cạm bẫy càng nhiều. Bạn không tin cứ nhấn hết chân ga trên những con đường siêu tốc, sẽ thấy ngay hiệu quả!

Dĩ nhiên, nói đến “Con đường” thì không phải chỉ là những con đường bằng đất, tráng nhựa, hay xi măng, bê tông cốt sắt. Cũng không chỉ là những con đường ở mặt đất, trên sông biển, hoặc nơi vòm trời, mà phải kể đến những con đường quan trọng hơn như: đường tình, đường thiêng liêng. Và, như anh chị em biết, trên con đường tình ta đi, anh chị và các bạn cũng cần vượt qua mọi gian nan trở ngại để đến với nhau. Và, ta thường nghe: "Yêu nhau, mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua". Trái lại, khi “con đường tình ta đi” bị cách trở, đó là lúc đôi tình nhân lại sẽ ủi an nhau bằng ca từ: ‘tình chỉ đẹp khi còn dở dang’, thôi.

Đường đời có những chỗ quẹo, khúc quanh rất bất ngờ mà ít ai trong chúng ta lại mong nó xẩy đến. Đó có thể là những thất bại trong công chuyện làm ăn. Con cái tự nhiên nổi chứng: đứa này hư hỏng, đứa kia nghiện ngập, đứa khác bỏ học, v.v.. khiến mình phải đối diện với thực tế những phản bội hay lừa dối người thân. Hoặc, người thân của mình lạị mắc phải các chứng bịnh hiểm nghèo, Hoặc, gặp khó khăn trắc trở đủ loại dù chỉ xẩy ra trong thời gian rất ngắn, nhưng mức tàn phá của nó lại rất dễ sợ. Nó làm ta mất đi niềm tin; và ở vào tình huống tương tự, ta lại phải tìm phương thế khác nhanh gọn để giải quyết: như tìm quên lãng trong men rượu, hoặc, quay về với cờ bạc, ma tuý còn tệ hại hơn thú vui thân xác để giải sầu và trốn chạy mọi khó khăn. Để rồi, cuối cùng tất cả mọi phương thức theo “con đường” tắt đó, đều dẫn họ đến ngõ cụt; và để lại một hậu quả có sức tàn phá đậm sâu, lâu dài lên cuộc sống của ta. (x.Lm Mai Văn Thịnh,CSsR Chúa là Đường cho ai? DIA số 74 ngày 01/06/2011 www.giadinhanphong.com)

Lại nhớ, vào những năm sau 1975, bần đạo được xem cuốn phim mang tên “sám hối” của xã hội chủ nghĩa, trong đó có đoạn chiếu một cụ bà đứng giữa ngã ba đường hỏi người qua lại rằng: “con đường cụ đang đứng, có dẫn đến nhà thờ không?” Và khi cụ nhận được câu trả lời là “Không!”, cụ bèn nói: “Đường mà không dẫn đến “nhà thờ”, thì để làm gì? Và bần đạo cũng nhớ lời phẩm bình của cố Gs Nguyễn Ngọc Lan lúc ấy cũng có lời phê, rằng: “Cả cuốn phim mang tên “Sám hối”, có mỗi câu này là giá trị nhất!”. Cũng nên hiểu chữ “nhà thờ” đây không chỉ theo nghĩa đen, mà còn là cung cách sống đạo. Là, trở thành Kitô-khác.

Nay nghĩ lại, bần đạo thấy rất đúng. Sự thực ở đời thường, mọi sự có là “Con Đường Cái Quan” hay “Con Đường (Bố) Cái (Đại) Quan” đi nữa, mà không dẫn về với Nước Trời/Nhà của Chúa, cũng chỉ là con đường một mai sẽ tuột dốc, không “phanh”. Tức, không bố thắng. Chẳng còn cần thiết cho ai hết. Nói gì đến “lòng dân đã nối” kết, yên vui, người ơi!.

Và ở đây, một lần nữa, lại xin dẫn thêm lời bàn cuối của người anh em đấng bậc nhà mình, rất như sau:

Chúng ta đươc mời gọi cùng đi con đường của Chúa. Đó là bài học Chúa dạy. Ngài là Đường. Là, Sự Thật. Và, là Sự Sống. Ngài là Con Đường Duy Nhất dẫn ta về nhà Cha. Ai muốn đến với Cha phải qua Ngài. Trước thách đố quyết liệt của Tin Mừng như thế, Thánh Philiphê cũng không hơn gì Tôma, dù đã ở với Đức Giêsu, nhưng các thánh vẫn không nhìn ra Chúa là Con Đường Sư Sống dẫn ta vào Cuộc Sống viên mãn của Thiên Chúa. Bởi, như Tin Mừng thánh Gioan vẫn nói: “Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha. (Ga 14: 5-14) (x. Lm Mai Văn Thinh CSsR, bđd)

Cuối cùng là như thế. Sự thật là như vậy. Những cái thế vậy, của cuộc đời. Đời thực tế rất thật, Như mọi sự thật trong đời. Của mọi người.

Để minh hoạ cho khám phá khá xưa này, cũng nên về với truyện kể sau đây:

“Ngày nọ, có gia đình bác nông dân kia gồm hai vợ chồng và một con trai, quyết định cùng nhau lên đường về quê thăm dân cho biết sự tình. Họ thuê một chú lừa con để đi đường, cho tiện.

Thoạt vừa đến ngôi làng đầu tiên, đã thấy dân làng bàn tán rất xôn xao:

-Coi kìa! Nhìn gia đình thiếu văn hoá kia, họ để đứa trai trẻ là thế ngồi chễm chệ trên lưng lừa. Trong khi bố mẹ thì già mà cứ là còm cõi kéo lừa nặng. Nghe lời đàm tiếu khó nghe, người vợ bèn nói với chồng mình:

-Tốt hơn, không nên để thiên hạ đàm tiếu về con trai yêu dấu của mình, e rằng con mình sẽ mang tiếng suốt đời.

Thế là, người chồng đỡ con xuống, rồi chính mình ngồi lên lưng lừa cho đỡ miệng tiếng. Kịp đến làng thứ hai, lại nghe thiên hạ dị nghị:

-Kìa xem! Cái tay dẫn lừa bần tiện kia. Ai đời, lại cứ để vợ con mình è cổ kéo lừa cho mình sung sướng, ngồi chễm trệ ngang nhiên như thế chứ!

Nghe vậy, toàn gia quyết định để người vợ ngồi lên lừa đi một quãng khá dài, còn hai cha con chịu khó kéo lừa đi thăm làng khác. Đến nơi, lại nghe thiên hạ phẩm bình:

-Thật tội! Đám này chắc suốt cả ngày làm việc cặm cụi đến quên cả thở nên mới phải cuốc bộ để cho vợ ngồi không, sung sướng! Đúng là kiếp đàn ông tối ngày ở đợ, cũng rất hèn. Sao mà họ lại có thể chịu nổi người đàn bà biếng nhác, đến là thế.

Cuối cùng, họ quyết định cả ba đều ngồi trên lưng lừa, tiếp tục đi. Đến làng kế cận, lại thấy người trong làng cứ thế bàn tán:

-Trông kìa! Đám người này chắc thuộc loại biếng nhác tệ hơn cả loài thú. Không chừng, chú lừa con này sẽ gãy xương, chỉ vì họ…

Sau hết, cả ba quyết định xuống lừa, cùng đi chung với loài thú, cho đỡ bị nói. Tới làng khác, cũng lại nghe:

-Bà con cô bác lại đây mà xem, đám người ngu si đần độn này, có lừa mà không biết hưởng, cứ là phải cuốc bộ để lừa vinh thân!…

Và, cả nhà đều nghĩ: sao mình làm gì cũng bị người đời chê bai bình phẩm đến thế. Bộ, họ không có việc gì để làm hay sao thế? Sao cứ suốt ngày ngồi bình phẩm lẫn chê bai người khác, không vậy?.”

Nghe hỏi, hẳn bạn và tôi, ta cũng thấy ở đâu đó một lời bàn. Từ người kể. Để rồi, nghĩ lại, mới thấy triết lý dấn bước lên đường vào đời, dù có đi trên “Con đường cái quan” hay “đường đời đi Đạo” hay chăng nữa, cũng chẳng làm sao tránh khỏi thói đời miệng tiếng, rất thị phi.

Tựu trung thì, sống ở đời, dù đi theo con đường nào đi nữa, chỉ nên theo lập trường mình đã chọn. Cứ hành xử theo lương tâm chỉ dẫn. Hoặc cứ cảm nhận thỏai mái, theo ý mình. Cũng như vậy, ta nên nhường đường, nhịn lối cho người khác được đi. Giúp họ “đi tới” bằng những chọn lựa, chứ không chỉ theo đúng con đường mình đã lỡ chọn.

Bởi, “đường đời” ta đi, cuộc đời ta sống, luôn là bi kịch không cho phép ta lập lại một điều gì. Dù đó có là sơ hở nhỏ. Thế nên, hãy cứ hát cười. Cứ, yêu thương và cứ sống sao cho trọn mọi thời khắc cuộc đời. Sống từng công đoạn của “đường đời”. Dù, đường ấy có là “con đường cái quan”, hay chỉ là đê làng bé nhỏ. Cũng thế.

Và hạnh phúc trên đường đời đi Đạo, của bạn và của tôi, cũng tuỳ vào chọn lựa của mỗi người. Có thế thôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Nay học được nhiều điều

từ “Con Đường Cái Quan”.

Của đời mình.

Saturday 13 August 2011

“Sợi buồn, con nhện giăng mau,”

“Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây…”

(Phạm Duy – Ngậm ngùi)

(2P 3: 17-18)

Kể ra thì, âu cũng là chuyện tréo cẳng ngỗng, khi anh cứ là hát khúc ai ca, rất “ngậm ngùi”, mà lại bảo: “Em ơi hãy ngủ!… Anh hầu quạt đây!” Cứ như thể, người anh chỉ hầu quạt …để cho em ngủ. Ngủ vùi. Ngủ như chết. Hoặc chết và ngủ cũng như nhau. Ôi! Thế đó, là ngôn từ người đời. Ấy! Đấy cũng là ý tứ nhà Đạo, vốn dĩ đạo mình?

Chốn đạo hạnh, xưa nay người vẫn bảo: hãy đến Na-Uy mà xem, chốn miền đạo đức, không oan ức. Vẫn sống vui. Sống mạnh. Sống vững chắc, trong tình huống rất Nước Trời. Thế nhưng, sau ngày “N” tháng 7 năm hai nghìn mười một cũng rất lẻ, thì sao đây? Xã hội Na-Uy nay thế nào? Sau những ngày “N” đen tối có đến bảy chục mạng con người đã ngủ mà không yên, vì không có “anh hầu quạt đây”. Nên đã phải ngủ vùi, rất tức tưởi. Trọn nhiều kiếp.

Quả là sau biến cố ngày “N” đen tối ấy, chàng trai Na Uy Anders Breivik đã ru những 70 người em ngây thơ ngoan và dại bằng những viên đạn thật bắn vào. Ru em bằng phát súng cũng lạ lùng, không cần biết người em trẻ vô tội có còn vương vấn những lời buồn chăng:

“Ngủ đi em! Ngủ đi em!

Ngủ đi, mộng vẫn bình thường.

À ơi có tiếng thuỳ dương mấy bờ…”

(Phạm Duy – bde9d)

Thuỳ dương hôm nào, ở đảo nhỏ bên Na-Uy, đâu còn cảnh anh vừa bắn vừa hát:

“Cây dài, bóng xế ngẩn ngơ.

Hồn em đã chính mấy mùa buồn đau.

Tay anh, em hãy tựa đầu

Cho anh nghe nặng (ư ứ) trái sầu rụng rơi.”

(Phạm Duy – bđd)

Quả là trái sầu, thật khủng khiếp! Trái sầu rơi rụng khắp chốn Na Uy, không êm đềm, thần tiên nữa. Và từ đó, có người em rất vô tư, vô tội nay vẫn hỏi và vẫn nói, như sau:

“Có thể bảo rằng: ở vào bối cảnh có hơi khác, Na Uy là một trong các nước ở Bắc Âu vẫn cứ được khen là vẫn có cuộc sống đặt nặng lên an sinh xã hội và thân thiện như gia đình, rất vượt bực. Thế nhưng, chừng như thảm trạng vừa xảy ra ở Na Uy đã cho mọi người thấy có một thứ gì đó mà nền an sinh/phúc lợi của xã hội cũng như chủ trương thân thiện cởi mở như gia đình, không còn đảm bảo tạo được niềm tin nơi mọi người nữa rồi.

Không còn mang tính chân-thiện-mỹ rất xác thực nữa, cũng đã đành. Và lại không bảo đảm được cả chuyện cung cấp cho người nhập cư và định cư có được một đời sống an ninh, an toàn và lành mạnh đủ thuyết phục ngay đến người sinh trưởng và lớn lên ở đây nữa.

Cây viết lão làng thuộc địa hạt giáo dục của tờ Luân Đôn Điện Báo là bà Katharine Birbalsingh cũng đã thử thời vận làm một nghiên cứu khảo sát bỏ túi thuộc loại “thăm dân cho biết sự tình” đã phát hiện ra rằng cảnh tình đổ vỡ của gia đình Breivik và nhất là do sự thiếu vắng khuôn mặt của người cha trong giáo dục người con từ lúc anh lên 1, đã tạo nên tâm tính bạo động kiểu ở trên.

Tuy nhiên, một số các nhà bình luận thời sự đã tấn công tác giả Katharine cho rằng tác giả đã đổ cho trách nhiệm dạy dỗ của người cha ở nội vụ này, là không đúng. Thoạt nhìn, nhiều người cứ nghĩ rằng tác giả Katharine Birbalsingh chừng như đang bào chữa cho tội sát nhân của Breivik. Thật ra, ký giả Katharine Birbalsingh không có ý như thế, mà bà chỉ muốn kéo người đọc chú ý đến sự kiện là: với xã hội hiện thời, yếu tố đổ vỡ và thiếu trách nhiệm trong các gia đình có cha mẹ gãy đổ, đã lôi kéo các phạm nhân như người trai trẻ Breivik đi vào với thế giới cuồng điên, kỳ thị đầy bạo động, cả trên mạng lưới trực tuyến nữa.

Quả thật, người trẻ Breivik tuy đã 32 tuổi đời nhưng đã sống và lớn lên trong một đất nước mà chỉ số hôn nhân đang tụt giảm trầm trọng. Trong khi đó, chỉ số ly dị và nam nữ sống chung đụng cùng giường mà chẳng cần nghĩ đến hôn phối, vẫn gia tăng. Báo cáo của khối Các Nước Có Nền Kinh Tế Đã Phát Triển Cao cho thấy mức sống lành mạnh của các gia đình ở Na Uy được coi là tốt nhất thế giới, nếu ta nhìn vào tình trạng giải quyết giúp những người nghèo đói và qui cách tuyển dụng nữ giới có công ăn việc làm đàng hoàng, đều thấy rõ.

Thế nhưng, nếu xét về con số các trẻ em sinh ra từ các cặp nam nữ sống chung đụng cùng giường mà không cần hôn phối, hoặc môn đăng hộ đối, vẫn đứng hàng đầu ở các nước đã phát triển. Thống kê cho biết: chỉ nội niên biểu 2007 thôi. Nuớc này đã có hơn 50% số trẻ bé được sinh ra từ người cha người mẹ sống với nhau mà không có quyết tâm lập gia đình, cho đàng hoàng.

Xem như thế, thì nội chuyện cùng chung một lập trường như các nước tân tiến khác, không có nghĩa là các gia đình hoặc cặp nam nữ này lại không có con cái xấu xa. Bê tha. Tệ nạn. Nội mỗi yếu tố căn cứ vào gia đình gãy đổ làm gương mù gương xấu cho con trẻ, mà thôi, không có nghĩa là các trẻ này sẽ lớn lên trong tình huống điên cuồng với tội phạm. Thế nhưng giờ đây, đất nước của giải Nobel đang làm tốt công tác phản ánh mọi yếu tố khả dĩ đưa đến thảm trạng vừa qua ở Oslo. Và, người Na Uy cũng đang tự hỏi xem mình có thực sự đang làm điều tốt đẹp cho con em của chính mình, hay không?”(x. Carolyn Moynihan, MercatorNet 27.07.2011)

Về những chuyện rất ư là “Ngậm ngùi” , kiểu “hồn em đã chín”, hoặc “mấy mùa buồn đau”, đâu phải ai cũng cùng một lập trường như tác giả ở trên. Hoặc, cùng lập trường/quan điểm nhưng điểm quan trọng trong bàn hỏi, đâu na ná giống ở trên.

Ở trên hay ở trong bối cảnh của thảm hoạ vừa xảy ra, vẫn có những tư tưởng lập trường, cũng rất khác. Khác, như các phản hồi/phản ảnh đối viết xuống trên giấy trắng mực đen như sau:

“Chuyện ở đây nữa, vẫn còn đó sự tự do về đạo đức, của mỗi người. Mỗi chiều hướng, đều được công nhận hoặc chối bỏ, đó là chuyện tự nhiên như cây cỏ. Vẫn có rất nhiều người từng có kinh nghiệm thương đau do chính cha mẹ mình hoặc người khác gây ra; nhưng kinh nghiệm ấy vẫn có thể phát triển cách tích cực ở một số người khác. Nói về chuyện con em nào bị cha mẹ mình đối xử tàn tệ, khi thành người lớn lại cũng sẽ đối xử với người khác không kém phần tồi tệ, là nói không bao giờ cùng. Và, cũng chưa chắc gì đúng. Tôi có gặp một ông bố từng đối xử rất tốt với cả ba đứa con của ông. Tôi hỏi ông: làm sao ông có thể đối xử tốt với con cái đến là thế, thì ông bảo: ngay hồi mới lên 13, chính ông đã bị ông già mình đối xử tàn tệ như loài thú. Kể từ đó, ông quyết tâm sẽ không làm thế với chính con của mình. Và, cho đến nay, ông ta vẫn còn giữ được quyết tâm ấy.

Qua việc này, tôi thấy: thái độ và động thái của bậc cha mẹ là điều rất hệ trọng, nhưng đối với tôi, có sử dụng sự tự do của mình theo hướng tích cực, mới là điều hệ trọng hơn.” (x. phản hồi của Marijo Zivkovic, cũng cùng bài.

Quả y như rằng, mỗi người mỗi ý. Cả đến những ý tứ của những người trong/ngoài cuộc. Trong hoặc ngoài ngành sư phạm, rất giáo dục. Thế nhưng, “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”, hay không cũng chẳng phải là vấn đề ở đây. Vấn đề, là ở chỗ: “có nuôi con, mới biết lòng cha mẹ”, như các cụ nhà ta thường nói thế. Và lòng cha mẹ ở đây, phải chăng là lòng của một vị khác cũng đã có ý kiến rất phản hồi sau đây:

“Thật cũng dễ để ta có thể đứng từ góc cạnh từ bên kia thế giới mà đưa ra ý kiến liên quan đến vụ việc Anders Breivik thảm sát vào với hệ thống phúc lợi của đất miền xứ Scăng-đi-na-vi. Về cả chuyện ly dị và/hoặc chung sống không hôn thú có liên quan đến chỉ số tăng giảm về bạo động, ở Na Uy. Nghĩ cho cùng, tôi thấy nhiều người cũng hơi bị ngây thơ khi đề cập đến mấy vấn đề này. Bởi, ngay ở các nước có truyền thống Kitô giáo ở đó có rất nhiều gia đình vẫn còn đủ cha đủ mẹ, thế mà họ vẫn có quan niệm phân biệt “chúng mình với chúng nó”. Vẫn cứ sử dụng ngôn ngữ cực kỳ bạo động theo kiểu chính trị, để rồi lại cưu mang ảnh hình của một quốc gia rất nghiêm ngặt về chủng tộc; rồi còn chống đối xã hội nào chủ trương đa văn hoá, nữa. Và, cả những người từng tạo đất sỏi thật tốt, thật màu mở để dưỡng nuôi một thứ đầu óc méo mó, vặn vẹo như công dân Anders Breivikk. Nếu bạn thử biên dịch các tư tưởng như trên đây sang ngôn ngữ của những người cực đoan về tôn giáo hay chính trị đi, sẽ thông cảm cho một đất nước đang hứng chịu sự sầu buồn, mấy hôm nay…” (x. ý kiến một di dân đặt chân đến Na Uy www.dn.se/kultur-noje/debatt-essa/anne-hol...)

Quả là, “bá nhân bá tánh”. Dù, tánh ấy có “bá vơ thiên hạ”, không đem về một mối. Hoặc, tánh ấy khí ấy, có là tánh khí của một dân tộc từng trải và có nhiều năm văn hiến, với văn minh. Tánh khí của người ngoài với nhiều niên văn hiến, phải chăng là tánh và khí của “phản hồi nhân” sau đây?

“Phải công nhận rằng gia đình có ảnh hưởng rất lớn lên sự phát triển của mỗi cá nhân, con người. Nhưng, mỗi người lại tự đan kết LƯƠNG TÂM của chính mình. Tốt hay xấu, đều có ảnh hưởng lên chính mình. Tôi vẫn tự hỏi làm sao lương tâm của người thanh niên tên Breivik có bị ảnh hưởng (chứ không phải định đoạt) do điều kiện sống gia đình của anh không? Và, có phần nào do nền văn minh/văn hoá của Na Uy hay không nữa? Có một điều tôi biết rất chắc, là: hễ ai có lương tâm xấu xa hoặc dữ dằn, hoặc mất nó đi thì cũng giống như chiếc xe ôtô đang bị tay lái dầu và bố thắng không hoạt động cho đúng được nữa. Chiếc xe hoặc những con người bị như thế, chỉ làm hại người khác hơn giúp được ai.” (x. phản hồi của một người mang tên Arthur, trong bài viết)

Còn nhớ, có lần rất nhiều vị thường trích dẫn câu nói để đời rằng: “Gia đình là nền tảng của xã hội”. Câu nói này, nay có nên đảo lại rằng: “xã hội có ra sao thì gia đình mình mới nên như thế”? Hỏi gì thì hỏi. Quan niệm sao thì cứ quan và cứ niệm. Vẫn nên để tai lắng nghe tiếng nói của người xưa, thường rất quí.

Vế nhận định, lại có ý kiến của người ngoài cuộc, nhưng rất gần, từng phản hồi như sau:

“Vâng. Tôi hoàn toàn đồng thuận với tư tưởng làm nền của bài viết. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng: thật rất dễ cho xã hội mà người dân chỉ biết trả tiền thuế đóng góp vào hệ thống phúc lợi rồi thôi. Cứ việc nhắm mắt bưng tai, bỏ ngoài chuyện về những người đang chịu đau chịu khổ, vì cho rằng dù gì đi nữa, thì đã có hệ thống phúc lợi của xã hội cũng quan tâm đến họ, rồi. Thế nhưng, mỗi khi có chuyện xấu mà thời nay người ta có thói quen gọi là “sự cố”, thì lại hay đổ lỗi cho người khác. Cho, những người không phải là mình, hoặc không do thái độ “mũ ni che tai” của mình, cơ quan, chính phủ mình. Tôi đề nghị những người như thế nên đọc quan điểm được viết ở http://stockholmkicuties.wordpress.com/2011/07... (x. ý kiến của K. Cuties, cũng trên bài vừa trích ở trên)

Và, thêm một phản hồi khác, không tệ nhưng vẫn thế. Nghĩa là, vẫn nói lên cung cách nào đó rất tư riêng, trân quý:

“Tôi nghĩ, lập trường của người viết ở trên rất có lý, khi bà ta muốn gợi sự chú ý về một đóng góp khá tiêu cực từ “gia đình gãy đổ” của Breivi, như nữ tác giả chuyên bênh vực cho phong trào phụ nữ đòi quyền sống như Birbalsingh trong Luân Đôn Điện Báo được trích dẫn ở trên. Tuy nhiên, bà ta lại đưa ra những lời lẽ khá căm tức về người cha của phạm nhân mà lại không chịu kiểm chứng hoặc đã xác minh. Người cha nào và gia đình nào mà lại không thấy đây là một việc làm có chủ trương làm hạ phẩm giá được viết theo cung cách đầy công kích từ cây viết nữ chuyên chủ trương đòi nhiều quyền lợi cho nữ giới.” (x. www.fathersandfamilies.org/?p=17932)

Người xưa hay hôm nay vẫn kinh qua nhiều kinh nghiệm thương đau, ngậm ngùi, có rất nhiều “sợi buồn con nhện giăng mau”, mà không hát, cũng không ru. Không hay hát dù một lời ru: “Em ơi hãy ngủ! Anh hầu quạt đây!” Hoặc, có hát đấy, nhưng không ru cho ngủ, bằng lời ca hay viên đạn, để rồi quạt. Bởi, cứ ru và cứ quạt như thế, tự khắc sẽ thấy “ngậm ngùi”. Thương đau. “Xếp đôi (những) là rầu”. Cả một đời.

Nhận định thì như thế. Luận phiếm vẫn như vậy. Để rồi ra, ta sẽ hát thêm câu cuối, để suy nghĩ:

“Cây dài, bóng xế ngẩn ngơ.

Hồn em đà chín, mấy mùa buồn đau.

Tay anh, em hãy tựa đầu.

Cho anh nghe nặng, trái sầu rụng rơi!”

(Phạm Duy – bđd)

Hát gì thì hát. Suy nghĩ gì thì cứ suy và nghĩ. Hãy cứ nghĩ và suy, rồi hát lên những lời lẽ đầy nhủ khuyên của đấng bậc nhân hiền và lành thánh, từng căn dặn:

“Anh em thân mến,

biết trước như thế, anh em hãy coi chừng

kẻo bị những kẻ phạm pháp và lầm lạc lôi cuốn,

mà không còn đứng vững nữa chăng.

Nhưng anh em hãy lớn lên trong ân sủng

và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô

là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta.

Xin kính dâng Người vinh quang,

bây giờ và cho đến muôn đời. A-men.”

(2P 3: 17-18)

Amen hay không, lần này bần đạo xin thưa rằng: mỗi khi bàn định chuyện nghiêm trang, nghiêm chỉnh, và nghiêm túc, bần đạo vẫn tìm đến truyện kể để minh hoạ, hoặc thư giãn cho bớt phiền và muộn. Truyện kể hôm nay, không dễ nể, chỉ chớp nhoáng nỗi niềm buồn/vui rất thoáng qua. Xong rồi thôi. Truyện là để kể, như thế này:

“Trên chuyến bay đường dài, qua hai nước, viên phi công trưởng đã xem xét tình hình của chiếc máy đang bay rất ổn thoả, bắt đầu nói vài lời thông báo, ngay trên loa rằng:

-Thưa quý khách. Đây, phi công trưởng đang nói chuyện cùng quí khách đây. Chào mừng quí khách đáp chuyến bay hôm nay với phi hành đoàn. Thời tiết hôm nay rất tốt… Nên, chúng ta sẽ có một chuyến bay rất êm đềm. Thoải mái. Xin quí khách cứ ngồi uống mà thoải mái, thư giãn. Vui hưởng… Ấy chết! Không được! Chết tôi rồi, cô ơi!...

Sau vài giây im lặng. Rất hết hồn. Viên phi công trưởng lại tiếp tục nói trên loa:

-Thưa quí khách, tôi thành thật có lỗi nếu tôi đã lỡ làm quí kháchg lên ruột, vì sợ. Chả là, đang lúc tôi nói ở đây, có tiếp viên mang cho tôi ly cà phê cho tỉnh ngủ, nhưng loay hoay thế nào, cô lại để rớt ụp lên người tôi. Quí vị có thấy phía đằng trước quần của tôi mà có ướt thì cũng hiểu được lý do tại sao…

Ngay khi đó, có hành khách tự nhiên gào lên:

-Thấy cái quái gì đâu mà thấy. Cụ có giỏi thì tụt xuống phía dưới này mà xem thấy phía sau quần của tôi đây này…”

Truyện kể ở đây không mang tính giáo dục, cũng chẳng là phiếm luận chuyện Đạo hay phiếm loạn chuyện đời gì cho cam. Có phiếm, có kể, cũng chỉ để bạn để tôi, ta có vài phút mà suy tư về động thái hoặc trạng thái của người, và của mình. Khi xảy ra sự cố, rất kỹ thuật. Ở nhiều nơi.

Sự cố xảy đến ở đâu. Nơi nào. Vẫn xin bạn và xin tôi, ta cứ bình tĩnh mà luận và phiếm. Giống mọi hôm. Luận và phiếm, như có Chúa ở cạnh để giùm giúp, đỡ đần. Khi ta cần đến Ngài.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn trân trọng lập trường

những luận và phiếm

của mỗi người

trong đó có bạn mới thân

gần Hồ Lãng Bạc.

Saturday 6 August 2011

“Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp,”

một chuyện tình cay đắng…

(Mạc Phong Linh – Chuyện Tình Lan và Điệp)

(2Cr 12: 3b-4)

Kể cho người nghe, mà sao chị cứ kể mỗi chuyện tình Lan và Điệp? Giảng cho người hiểu, mà sao anh cứ giảng và giải rất dài. Cũng rất dai. Chẳng ai hiểu? Chẳng kể gì người nghe có muốn nghe về “chuyện tình (rất) cay đắng”. “Lúc tuổi mộng mơ”, “đem viết thành bài ca”, ca về nhà Đạo?

Sống đời nhà Đạo, lại có những truyện kể về tình đời. Giống ở đời. Nghĩa là, tôi và bạn, lại cứ kể lể rồi còn giảng giải nhiều chuyện. Cả những chuyện, như đời “Lan và Điệp”, có những câu:

“Lan như bông hoa ngàn,

thương yêu vô vàn,

nguyện thề non nước,

sẽ không hề lìa tan.”

(Mạc Phong Linh – bde9d)

Sống Đạo giữa đời, người đi Đạo cũng từng sống, giống như thế. Tức, vẫn nhiều chuyện để kể. Cứ lễ mễ mà kể lể. Hết chuyện này chuyện khác. Kể, từ đầu đời đến cuối đời, vẫn không hết.

Trong chuyến ghé thăm đất miền Mễ Tây (rất căn) Cơ, bần đạo học được nhiều điều. Không phải để giảng Đạo, mà để kể về dân gian. Có vua quan cùng lãnh chúa. Rất bí nhiệm. Chuyện, của bậc vị vọng ở chốn trên cao chót vót, rất vua chúa. Chuyện vua quan lãnh chúa, không kể bằng miệng, suốt thế hệ này qua tthế hệ khác. Nhưng, bằng hoạ đồ khắc trên đá, mà bộ tộc giống giòng Maya, đã tô vẽ từ nhiều thế kỷ, mà không cần chữ viết. Khiến người người cứ cảm kích. Thán phục.

Điều mà nền văn minh Maya xứ miền rất Mễ chú trọng nhiều đến quyền của vua quan chốn cao tít mù tắp, rất uy lực, nay được một số đấng bấc ở thế kỷ 21, còn thực hiện.

Điều, mà nhà Đạo ở trên cao đang hiện thực, nay quên hết tình tiết xưa như nghệ sĩ từng viết:

“Chuông đổ chùa xa, chiều tan trường về,

Điệp cùng Lan chung bước.

Cuối nẻo đường đi, đôi bóng hẹn mùa thi

Lan khóc đợi người đi.”

(Mạc Phong Linh – bđd)

Nhà Đạo hôm nay, không còn thấy cảnh tình sánh bước giữa “Lan và Điệp”, dù hiu hắt. Mà, chỉ là cảnh “chia ly”, “khóc đợi người đi”, chẳng thi vị. Nhưng ê chề. Tham vọng nhiều, như người trong truyện kể dân gian rất phàm trần, lếu láo, như sau:

“Có một người đến nhà thờ xin Chúa cho 3 điều ước nguyện. Chúa thầm hỏi:

-Con nguyện và ước điều gì mà “căng” thế?

-Thưa Chúa, điều con nguyện ước chẳng có gì quá sức Ngài đâu! Con chỉ xin Chúa ban cho con 3 điều ước nguyện vỏn vẹn mỗi thế này: Điều một: Con ước mình được quyền “ăn trên ngồi chốc” giống các cha trong nhà thờ, hễ cứ phán bảo điều gì giáo dân nghe răm rắp thôi!

-Thế cũng được, Ta cho con ngay đây! Thế điều kế tiếp là những gì?

-Dạ thưa Chúa, điều kế tiếp con xin được giàu sang phú quí, chẳng làm gì, chỉ quát tháo doạ nạt đủ điều mà con chiên già trẻ lớn bé, vẫn cứ phục rồi dâng cúng

-Điều này không có gì khó, Ta sẽ ban cho con. Thế còn nguyện ước cuối?

-Điều cuối cùng, thì con muốn được mọi sự, cả những điều ước ở trên, lâu nay..

Chúa nhìn người đàn ông đang nài xin, mà tội nghiệp bảo:

-Con có thấy chân ta đang bị gì không?

-Dạ, chân của Chúa bị đóng đinh vào thập giá…

-Đúng! Chân ta mà không bị đóng đinh, thì Ta sẽ cho tất cả một đạp… Bọn con chỉ tham lam quyền bính với giàu sang thôi, chẳng được tích sự gì!...”

Truyện kể trên, chỉ là truyện tào lao, chẳng đáng cười. Bởi, Chúa nào lại làm thế. Có chăng, chỉ là phản ảnh của dân gian, dùng tiếu lâm nhạt để nói cạnh, nói xéo đấng vị vọng nhiều tham vọng. Lại hay lắm chuyện. Những chuyện không mang tính thiêng liêng, đạo đức gì hết.

Lắm chuyện hay không, thật ra cũng chả là chuyện có thật, ở nhà Đạo. Thời bây giờ. Thế nhưng, nhà Đạo hôm nay, cũng có một đôi “chuyện”, tức vấn đề làm người người cứ bứt rứt. Thao thức. Đến nản lòng. Tựa hồ vấn đề/truyện kể của đấng-bậc-không-còn-được-trọng-vọng nhưng vẫn muốn bày tỏ đôi sự thật thấy rất rõ, ở nhà Đạo, như sau:

“Tính đến nay, cũng đếm được 30 năm, kể từ ngày có những chuyện bê bối về xách nhiễu tình dục đối với con trẻ do một số linh mục vấp phạm. Nhưng vấn đề hôm nay hỏi rằng: lâu nay việc bứng tận gốc căn bệnh ung bướu loại này, đi tới đâu rồi? Ta học được gì, từ những bài học ấy?

Dù ngôn ngữ chọn lựa có xứng hợp hay không thuận lợi, vẫn có lời xin lỗi được đưa ra. Các thủ tục thực hiện nhằm giúp nhiều người hiểu được vấn đề, cũng đã có một số người tìm cách tự chữa lành. Và, nhiều dấu hiệu cho thấy vấn đề đã cải thiện cũng rất nhiều. Các vi phạm theo hình thức mới mẻ cũng đã suy giảm. Và, dù không phải là do có gia tăng lòng đạo đức, thì ít ra cũng vì một số người cũng đã biết sợ, bị bắt gặp.

Đàng khác, nhiều nạn nhân trên toàn quốc chưa cảm thấy thoải mái để kể lại chuyện riêng tư của mình và/hoặc chưa hài lòng về những giải pháp này khác hay không, nhiều nơi, nhiều nước vẫn chưa công khai phải đối phó với vấn đề. Cũng như, Hội thánh vẫn gặp nguy cơ bị cắt đứt, chia lìa đến nỗi chết xảy đến vào các thập niên tới.

Dù có thế, vấn đề chính vẫn còn mang tính đậm sâu hơn. Vẫn còn một số yếu tố thông thường khiến kẻ phạm pháp dễ tạo xách nhiễu. Và cũng có những vấn đề khác mang tính cách đặc biệt đối với cá nhân mỗi tội phạm. Giữa hai yếu tố ấy, hiện có những chuyện không lành mạnh đang xảy đến với một vài tổ chức hoặc xã hội mang tính riêng biệt khả dĩ khích lệ sự tăng trưởng một thứ văn hoá qua đó việc lạm dụng xách nhiễu càng có cơ xảy đến dễ dàng hơn. Hoặc cùng lắm, vẫn có thể làm ngơ trước vấn đề bằng cách đưa ra một đáp trả khá nghèo nàn.

Xách nhiễu lạm dụng chừng như dễ xảy đến khi cả ba yếu tố bao gồm một tâm lý không lành mạnh, những ý kiến bệnh hoạn và môi trường sống rất yếu kém cộng chung lại; đồng thời, việc đáp trả lại nghèo nàn khi những gì nằm trong nền văn hoá ấy lại khơi mào điều lợi cho người trong cuộc làm đối tượng cho lợi thế của cơ chế ấy.

Tôi nghĩ rằng, cho đến nay, sai lầm chính nơi đáp trả của Hội thánh đối vấn đề này là ở chỗ Hội thánh không chịu nhìn vào bất kỳ giáo huấn, lề luật, cung cách thực hiện hoặc động thái của chính mình trong chiều hướng đóng góp bất cứ thứ gì để sửa sai.

Hội thánh lại không thấy rằng có thể có những yếu tố trong “nền văn hoá của Đạo Công giáo” mình từng đóng góp vào việc xách nhiễu/lạm dụng hoặc đã đáp trả cách nghèo nàn đối với vấn đề xách nhiễu như thế. Tôi nghĩ có tất cả 7 yếu tố trong nền văn hoá Công giáo đã tạo nên xách nhiễu/lạm dụng và 5 yếu tố góp phần vào việc đáp trả khá nghèo nàn.

Bảy yếu tố góp phần vào hành vi xách nhiễu lạm dụng, phải kể đến, là:

1. Chỉ tôn thờ một Đức Chúa rất giận dữ, nay không còn tác dụng;

2. Nhiều yếu tố cho thấy hành vi xách nhiễu đều do nam nhân vướng mắc. Và, hầu như mọi chuyện lâu nay vẫn nằm trong tay người đàn ông, trong khi giới nữ ít quyền ăn nói;

3. Rất nhiều linh mục sống đời độc thân cách miễn cưỡng. Không ưa thích cũng chẳng vui lòng chọn lựa và không phải ai cũng cũng ở độc thân như thế. Thứ độc thân không ôm trọn tình yêu;

4. Thiếu trưởng thành về đạo đức, cứ tưởng rằng mọi tốt lành về mặt đạo đức chỉ nằm ở việc tuân phục một Đức Chúa mà họ nghĩ Ngài chuyên luận phạt,thôi. Thêm vào đó, là quan điểm chỉ biết vâng lời Hội thánh mà không biết tự mình nhận lãnh trách nhiệm;

5. Luôn có ý tưởng cho rằng nội việc nghĩ đến chuyện tình dục thôi, cũng đã là mắc tội trọng rồi. Và, đáng bị Chúa đời đời giáng phạt. Nói tóm lại, lúc nào cũng cho rằng đạo lý về dục tình đặt cơ sở trên luật tự nhiên hoặc trái với thiên nhiên, hơn là chú trọng đến những điều mà Tin Mừng của Chúa khuyên dạy;

6. Chủ nghĩa phò giáo sĩ hoặc đặc tính bí ẩn về chức linh mục

7. Cuộc sống linh mục và tu sĩ thiếu chuyên nghiệp thực thụ.

Năm yếu tố khiến hệ cấp giáo triều ứng đáp với sự việc cách nghèo nàn,là:

1. Chuyên ưa chuộng tính chính thống (tức: cho rằng niềm tin của mình là đúng) hơn là tạo thói quen công chính và trung thực (tức: phải có hành xử cho đúng). Bởi thế nên, mỗi khi nghe mọi người xầm xì về chuyện nên truyền chức cho nữ giới, là quyết thẳng tay lên án không thương xót. Ngược lại, hễ thấy linh mục xách nhiễu tình dục trẻ con lại dễ thứ tha;

2. Cho rằng Đức Giáo Tông là đấng bậc không thể nào sai lầm đuợc, dù việc ấy không thuộc phạm vi tín điều “vô ngộ”. Tức là: những gì dính dấp đến uy quyền của ngài, cũng đều “vô ngộ”;

3. Sự kiện Đức Gioan Phaolô II im hơi lặng tiếng của suốt hơn 25 năm về chuyện xách nhiễu tình dục trẻ em;

4. Văn hoá lặng thinh đã hằn sâu trong Giáo triều La Mã đến mức thâm căn;

5. Luôn ngăn chặn gạt ý hướng trung thực mỗi khi bàn luận về qui cách ứng đáp với cáo buộc về xách nhiễu tình dục.

Chính ra, Đức Giáo Tông cũng nên chủ động hướng dẫn giáo triều khai triển cách ngăn ngừa và đáp ứng các trường hợp như thế. Nhưng, ta cũng không nên chờ ngài có những quyết định như thế. Tôi thấy không có lý do gì khiến Hội Đồng Toàn Quốc Giáo Sĩ lại không chịu đưa vào nghị trình thảo luận hàng năm của mình để bàn về những gì liên quan đến hàng giáo sĩ, ra như thế.

Chẳng hạn, ta có thể nhìn vào cung cách xem ta có chủ trương giáo sĩ trị đang thể hiện trong cuộc sống của ta, trên toàn quốc hay không. Và, hãy nhìn vào cung cách hành xử để xem ta có thật sự thiếu ý thức chuyên nghiệp khi suy tư và hành xử, không.

Cũng nên nhìn vào cách ứng xử của hàng linh mục mình khi đất nước mình đang có những “phát giác kinh khủng”; nghĩa là, hãy tự hỏi xem mình có đứng về phe linh mục - phạm pháp hoặc cảm thông bước về phía nạn nhân bị xách nhiễu tình dục, là con trẻ? Các linh mục của mình có là thành viên theo phe của mình không, trong khi đó, các nạn nhân bị họ lạm dụng, giờ này ra sao? Ta có đến với các nạn nhân bị lạm dụng nhiều hơn với linh mục phạm pháp chứ? Hay, cả ta nữa, vẫn dễ dàng cho mình vô tội? Phải chăng ta ứng đáp chỉ đơn giản bằng cách mong cho vấn đề xách nhiễu tình dục/ấu dâm nơi hàng ngũ linh mục được xếp xó, để khỏi bận tâm, không? Các giám mục nhà mình có thành “địch thù” xử bất công với các linh mục mỗi khi đáp ứng trước những cáo buộc về xách nhiễu tình dục, nơi đàn em đệ tử mình?

Các câu hỏi của đấng bậc không-còn-là-chủ-quản nữa, có lẽ đẽ khiến tôi và bạn, lại nhớ đến ca từ của nghệ sĩ ngoài đời, rất hay hát:

“Bao nhiêu niềm vui cũng chôn vùi từ đây,

vùi chôn từ đây!...

Lỡ một cung đàn,

phải chăng tình đời là vòng giây oan trái?”

(Mạc Phong Linh – bđd)

Nghệ sĩ đời gặp chuyện ngang trái lại hỏi thế. Đấng bậc nhà Đạo, nhận định sự kiện “không phải”, ở trong Đạo, lại nghĩ khác. Khác, nhưng rất thực tiễn, như sau:

“Để hành xử của mình được lành mạnh, tưởng cũng nên đề cập đến những điểm gây bén nhạy, như hỏi rằng:

*Phải chăng hàng ngũ linh mục ở quanh ta đang sống cuộc đời độc thân mà không thích. Hoặc, không chứa đựng một tình yêu, mình đã chọn? Ta quan niệm thế nào về chuyện ấy? Hãy đưa vấn đề ra mà bàn thảo, cho nghiêm chỉnh.

*Ngày nay, ta có thực sự tin vào luân lý dục tình không? Phải chăng mỗi khi tưởng nghĩ đến chuyện tình dục, là mắc tội? Ta vẫn cho rằng mọi sa ngã về tình dục là trọng tội có thể dẫn đến nỗi chết, chứ? Ta vẫn coi động thái tự nhiên và phản thiên nhiên như nền tảng của đạo lý về tình dục chứ? Nếu không, ta tìm ra được nền tảng nào khác không?

*Ở giáo xứ, ta có thực sự lắng nghe tiếng nói của chị em giáo dân không? Các vị ấy có hoàn toàn đồng ý với câu đáp trả ta đưa ra không?

*Ta có còn quan niệm về Thiên Chúa chuyện giận dữ, trong đời mình không? Quan niệm như thế có còn ảnh hưởng lên ta không? Để ý lắng nghe cả trăm linh mục chia sẻ Lời Chúa vào ngày Chủ nhật, thông thường khi ra về ta mang theo ý nghĩ về Thiên Chúa như thế nào?

*Trong hành trình đời sống, ta đã bỏ đi ý tưởng về chuyện giáo hội dạy ta phải sống thế nào để làm hài lòng một Thiên Chúa chuyện luận phạt chưa?Trong cuộc sống, ta đạt mức độ trưởng thành về luân lý, đến cỡ nào?

*Ý hướng về luân lý đạo đức của ta là thế nào? Nhận thức của ta ra sao khi bị xã hội lên án, dẫu biết rằng ta là người vô tội? Ta đối đầu thế nào với thái độ của Hội thánh khi ứng đáp một cách nghèo nàn đối với các cáo buộc xách nhiễu tình dục, nói ở trên?

Những phát giác kinh khủng về xách nhiễu tình dục nơi hàng giáo sĩ lâu nay quả là một kinh nghiệm thương đau cho đội ngũ linh mục của ta. Nỗi lo ngại của tôi là nhiều người đã khoá sổ chỉ giữ cho mình những tư tưởng tiêu cực thôi. Và, xách nhiễu tình dục đã trở thành chuyện “khủng long chui tọt vào phòng”, mỗi khi các linh mục tụ tập.

Tôi khẩn thiết yêu cầu Hội Đồng Linh Mục Toàn Quốc hãy đóng vai trò đúng đắn để có được những trao đổi mang tính dựng xây về mọi khía cạnh của vấn đề này. Lâu nay, ta có quá đủ nỗi hãi sợ, chối bỏ, chạy trốn hoặc yếu kém rồi. Đã đến lúc, ta cần sống thực sự cởi mở, chính trực và xây dựng trong vấn đề này.” (x. Gm Geoffrey Robinson, The Elephant in the Room, rút từ The Swag 16/7/2011)

Như mọi lần, mỗi khi gặp các vấn đề gay góc xảy đến với người và với mình, chí ít là người mình ở nhà Đạo, bần đạo lại chạy đến với Lời của các thánh viết ở Tin Mừng. Hôm nay, bần đạo nhận được ân huệ “bắt gặp” một đoạn thơ có lời lẽ, xin san sẻ với bạn và với tôi, rất như sau:

“Đức Kitô, Người không nhu nhược đối với anh em đâu,

nhưng Người đầy uy quyền giữa anh em.

Thật vậy, Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn,

nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa.

Cả chúng tôi nữa, trong Đức Kitô,

chúng tôi cũng mang thân phận yếu hèn,

nhưng cùng với Người,

chúng tôi sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa

để xử sự với anh em.”

(2Cr 13: 3b-4)

Nhớ lời “thơ” của thánh nhân nhà Đạo, nay lại nhớ thơ lời của người đời, cũngnhư sau:

“Người ta nói yêu là ngốc, Bởi chữ tình là nguồn gốc chữ ngu ... Đôi khi con người ta cần dừng lại.. Dừng lại để rồi bước nhanh hơn.. .... Đôi khi con người ta cần buông tay.. Cần cho đi để rồi có nhiều hơn.. ... Đôi khi con người ta cần khóc.. Khóc thật lớn để rồi cười thật to.. ... Đôi khi con người ta cần một mình.. Một mình là để biết có nhau quan trọng như thế nào.”

Đã nhớ lời “thơ” Đạo cũng như đời rồi, nay lại tưởng nhớ chuyện của Lan và Điệp, cũng có những tình tiết như sau:

Nếu vì tình yêu,

Lan có tội gì đâu sao vướng vào sầu đau.

Nàng sống mà tim như đã chết

Riêng bóng cô đơn đôi môi xing phai tàn

Thương thay cho nàng

buồn xa nhân thế náu thân cửa Từ Bi.”

(Mạc Phong Linh – bđd)

Bần đạo thiết nghĩ: câu thơ trên, đâu chỉ áp dụng cho các vị nương náu cửa Phật hay nhà Đạo, đang “có vấn đề”, mà thôi. Nhưng, có lẽ, cũng áp dụng cho cả nạn nhân tội phạm xách nhiễu, hoặc sai lầm nhiều sơ xuất. Ở bất cứ nơi đâu. Thời nào. Như hôm nay.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ thương và nhớ

hết tất cả.

Trong Đạo. Ngoài đời.