một chuyện tình cay đắng…
(Mạc Phong Linh – Chuyện Tình Lan và Điệp)
(2Cr 12: 3b-4)
Kể cho người nghe, mà sao chị cứ kể mỗi chuyện tình Lan và Điệp? Giảng cho người hiểu, mà sao anh cứ giảng và giải rất dài. Cũng rất dai. Chẳng ai hiểu? Chẳng kể gì người nghe có muốn nghe về “chuyện tình (rất) cay đắng”. “Lúc tuổi mộng mơ”, “đem viết thành bài ca”, ca về nhà Đạo?
Sống đời nhà Đạo, lại có những truyện kể về tình đời. Giống ở đời. Nghĩa là, tôi và bạn, lại cứ kể lể rồi còn giảng giải nhiều chuyện. Cả những chuyện, như đời “Lan và Điệp”, có những câu:
“Lan như bông hoa ngàn,
thương yêu vô vàn,
nguyện thề non nước,
sẽ không hề lìa tan.”
(Mạc Phong Linh – bde9d)
Sống Đạo giữa đời, người đi Đạo cũng từng sống, giống như thế. Tức, vẫn nhiều chuyện để kể. Cứ lễ mễ mà kể lể. Hết chuyện này chuyện khác. Kể, từ đầu đời đến cuối đời, vẫn không hết.
Trong chuyến ghé thăm đất miền Mễ Tây (rất căn) Cơ, bần đạo học được nhiều điều. Không phải để giảng Đạo, mà để kể về dân gian. Có vua quan cùng lãnh chúa. Rất bí nhiệm. Chuyện, của bậc vị vọng ở chốn trên cao chót vót, rất vua chúa. Chuyện vua quan lãnh chúa, không kể bằng miệng, suốt thế hệ này qua tthế hệ khác. Nhưng, bằng hoạ đồ khắc trên đá, mà bộ tộc giống giòng Maya, đã tô vẽ từ nhiều thế kỷ, mà không cần chữ viết. Khiến người người cứ cảm kích. Thán phục.
Điều mà nền văn minh Maya xứ miền rất Mễ chú trọng nhiều đến quyền của vua quan chốn cao tít mù tắp, rất uy lực, nay được một số đấng bấc ở thế kỷ 21, còn thực hiện.
Điều, mà nhà Đạo ở trên cao đang hiện thực, nay quên hết tình tiết xưa như nghệ sĩ từng viết:
“Chuông đổ chùa xa, chiều tan trường về,
Điệp cùng Lan chung bước.
Cuối nẻo đường đi, đôi bóng hẹn mùa thi
Lan khóc đợi người đi.”
(Mạc Phong Linh – bđd)
Nhà Đạo hôm nay, không còn thấy cảnh tình sánh bước giữa “Lan và Điệp”, dù hiu hắt. Mà, chỉ là cảnh “chia ly”, “khóc đợi người đi”, chẳng thi vị. Nhưng ê chề. Tham vọng nhiều, như người trong truyện kể dân gian rất phàm trần, lếu láo, như sau:
“Có một người đến nhà thờ xin Chúa cho 3 điều ước nguyện. Chúa thầm hỏi:
-Con nguyện và ước điều gì mà “căng” thế?
-Thưa Chúa, điều con nguyện ước chẳng có gì quá sức Ngài đâu! Con chỉ xin Chúa ban cho con 3 điều ước nguyện vỏn vẹn mỗi thế này: Điều một: Con ước mình được quyền “ăn trên ngồi chốc” giống các cha trong nhà thờ, hễ cứ phán bảo điều gì giáo dân nghe răm rắp thôi!
-Thế cũng được, Ta cho con ngay đây! Thế điều kế tiếp là những gì?
-Dạ thưa Chúa, điều kế tiếp con xin được giàu sang phú quí, chẳng làm gì, chỉ quát tháo doạ nạt đủ điều mà con chiên già trẻ lớn bé, vẫn cứ phục rồi dâng cúng
-Điều này không có gì khó, Ta sẽ ban cho con. Thế còn nguyện ước cuối?
-Điều cuối cùng, thì con muốn được mọi sự, cả những điều ước ở trên, lâu nay..
Chúa nhìn người đàn ông đang nài xin, mà tội nghiệp bảo:
-Con có thấy chân ta đang bị gì không?
-Dạ, chân của Chúa bị đóng đinh vào thập giá…
-Đúng! Chân ta mà không bị đóng đinh, thì Ta sẽ cho tất cả một đạp… Bọn con chỉ tham lam quyền bính với giàu sang thôi, chẳng được tích sự gì!...”
Truyện kể trên, chỉ là truyện tào lao, chẳng đáng cười. Bởi, Chúa nào lại làm thế. Có chăng, chỉ là phản ảnh của dân gian, dùng tiếu lâm nhạt để nói cạnh, nói xéo đấng vị vọng nhiều tham vọng. Lại hay lắm chuyện. Những chuyện không mang tính thiêng liêng, đạo đức gì hết.
Lắm chuyện hay không, thật ra cũng chả là chuyện có thật, ở nhà Đạo. Thời bây giờ. Thế nhưng, nhà Đạo hôm nay, cũng có một đôi “chuyện”, tức vấn đề làm người người cứ bứt rứt. Thao thức. Đến nản lòng. Tựa hồ vấn đề/truyện kể của đấng-bậc-không-còn-được-trọng-vọng nhưng vẫn muốn bày tỏ đôi sự thật thấy rất rõ, ở nhà Đạo, như sau:
“Tính đến nay, cũng đếm được 30 năm, kể từ ngày có những chuyện bê bối về xách nhiễu tình dục đối với con trẻ do một số linh mục vấp phạm. Nhưng vấn đề hôm nay hỏi rằng: lâu nay việc bứng tận gốc căn bệnh ung bướu loại này, đi tới đâu rồi? Ta học được gì, từ những bài học ấy?
Dù ngôn ngữ chọn lựa có xứng hợp hay không thuận lợi, vẫn có lời xin lỗi được đưa ra. Các thủ tục thực hiện nhằm giúp nhiều người hiểu được vấn đề, cũng đã có một số người tìm cách tự chữa lành. Và, nhiều dấu hiệu cho thấy vấn đề đã cải thiện cũng rất nhiều. Các vi phạm theo hình thức mới mẻ cũng đã suy giảm. Và, dù không phải là do có gia tăng lòng đạo đức, thì ít ra cũng vì một số người cũng đã biết sợ, bị bắt gặp.
Đàng khác, nhiều nạn nhân trên toàn quốc chưa cảm thấy thoải mái để kể lại chuyện riêng tư của mình và/hoặc chưa hài lòng về những giải pháp này khác hay không, nhiều nơi, nhiều nước vẫn chưa công khai phải đối phó với vấn đề. Cũng như, Hội thánh vẫn gặp nguy cơ bị cắt đứt, chia lìa đến nỗi chết xảy đến vào các thập niên tới.
Dù có thế, vấn đề chính vẫn còn mang tính đậm sâu hơn. Vẫn còn một số yếu tố thông thường khiến kẻ phạm pháp dễ tạo xách nhiễu. Và cũng có những vấn đề khác mang tính cách đặc biệt đối với cá nhân mỗi tội phạm. Giữa hai yếu tố ấy, hiện có những chuyện không lành mạnh đang xảy đến với một vài tổ chức hoặc xã hội mang tính riêng biệt khả dĩ khích lệ sự tăng trưởng một thứ văn hoá qua đó việc lạm dụng xách nhiễu càng có cơ xảy đến dễ dàng hơn. Hoặc cùng lắm, vẫn có thể làm ngơ trước vấn đề bằng cách đưa ra một đáp trả khá nghèo nàn.
Xách nhiễu lạm dụng chừng như dễ xảy đến khi cả ba yếu tố bao gồm một tâm lý không lành mạnh, những ý kiến bệnh hoạn và môi trường sống rất yếu kém cộng chung lại; đồng thời, việc đáp trả lại nghèo nàn khi những gì nằm trong nền văn hoá ấy lại khơi mào điều lợi cho người trong cuộc làm đối tượng cho lợi thế của cơ chế ấy.
Tôi nghĩ rằng, cho đến nay, sai lầm chính nơi đáp trả của Hội thánh đối vấn đề này là ở chỗ Hội thánh không chịu nhìn vào bất kỳ giáo huấn, lề luật, cung cách thực hiện hoặc động thái của chính mình trong chiều hướng đóng góp bất cứ thứ gì để sửa sai.
Hội thánh lại không thấy rằng có thể có những yếu tố trong “nền văn hoá của Đạo Công giáo” mình từng đóng góp vào việc xách nhiễu/lạm dụng hoặc đã đáp trả cách nghèo nàn đối với vấn đề xách nhiễu như thế. Tôi nghĩ có tất cả 7 yếu tố trong nền văn hoá Công giáo đã tạo nên xách nhiễu/lạm dụng và 5 yếu tố góp phần vào việc đáp trả khá nghèo nàn.
Bảy yếu tố góp phần vào hành vi xách nhiễu lạm dụng, phải kể đến, là:
1. Chỉ tôn thờ một Đức Chúa rất giận dữ, nay không còn tác dụng;
2. Nhiều yếu tố cho thấy hành vi xách nhiễu đều do nam nhân vướng mắc. Và, hầu như mọi chuyện lâu nay vẫn nằm trong tay người đàn ông, trong khi giới nữ ít quyền ăn nói;
3. Rất nhiều linh mục sống đời độc thân cách miễn cưỡng. Không ưa thích cũng chẳng vui lòng chọn lựa và không phải ai cũng cũng ở độc thân như thế. Thứ độc thân không ôm trọn tình yêu;
4. Thiếu trưởng thành về đạo đức, cứ tưởng rằng mọi tốt lành về mặt đạo đức chỉ nằm ở việc tuân phục một Đức Chúa mà họ nghĩ Ngài chuyên luận phạt,thôi. Thêm vào đó, là quan điểm chỉ biết vâng lời Hội thánh mà không biết tự mình nhận lãnh trách nhiệm;
5. Luôn có ý tưởng cho rằng nội việc nghĩ đến chuyện tình dục thôi, cũng đã là mắc tội trọng rồi. Và, đáng bị Chúa đời đời giáng phạt. Nói tóm lại, lúc nào cũng cho rằng đạo lý về dục tình đặt cơ sở trên luật tự nhiên hoặc trái với thiên nhiên, hơn là chú trọng đến những điều mà Tin Mừng của Chúa khuyên dạy;
6. Chủ nghĩa phò giáo sĩ hoặc đặc tính bí ẩn về chức linh mục
7. Cuộc sống linh mục và tu sĩ thiếu chuyên nghiệp thực thụ.
Năm yếu tố khiến hệ cấp giáo triều ứng đáp với sự việc cách nghèo nàn,là:
1. Chuyên ưa chuộng tính chính thống (tức: cho rằng niềm tin của mình là đúng) hơn là tạo thói quen công chính và trung thực (tức: phải có hành xử cho đúng). Bởi thế nên, mỗi khi nghe mọi người xầm xì về chuyện nên truyền chức cho nữ giới, là quyết thẳng tay lên án không thương xót. Ngược lại, hễ thấy linh mục xách nhiễu tình dục trẻ con lại dễ thứ tha;
2. Cho rằng Đức Giáo Tông là đấng bậc không thể nào sai lầm đuợc, dù việc ấy không thuộc phạm vi tín điều “vô ngộ”. Tức là: những gì dính dấp đến uy quyền của ngài, cũng đều “vô ngộ”;
3. Sự kiện Đức Gioan Phaolô II im hơi lặng tiếng của suốt hơn 25 năm về chuyện xách nhiễu tình dục trẻ em;
4. Văn hoá lặng thinh đã hằn sâu trong Giáo triều La Mã đến mức thâm căn;
5. Luôn ngăn chặn gạt ý hướng trung thực mỗi khi bàn luận về qui cách ứng đáp với cáo buộc về xách nhiễu tình dục.
Chính ra, Đức Giáo Tông cũng nên chủ động hướng dẫn giáo triều khai triển cách ngăn ngừa và đáp ứng các trường hợp như thế. Nhưng, ta cũng không nên chờ ngài có những quyết định như thế. Tôi thấy không có lý do gì khiến Hội Đồng Toàn Quốc Giáo Sĩ lại không chịu đưa vào nghị trình thảo luận hàng năm của mình để bàn về những gì liên quan đến hàng giáo sĩ, ra như thế.
Chẳng hạn, ta có thể nhìn vào cung cách xem ta có chủ trương giáo sĩ trị đang thể hiện trong cuộc sống của ta, trên toàn quốc hay không. Và, hãy nhìn vào cung cách hành xử để xem ta có thật sự thiếu ý thức chuyên nghiệp khi suy tư và hành xử, không.
Cũng nên nhìn vào cách ứng xử của hàng linh mục mình khi đất nước mình đang có những “phát giác kinh khủng”; nghĩa là, hãy tự hỏi xem mình có đứng về phe linh mục - phạm pháp hoặc cảm thông bước về phía nạn nhân bị xách nhiễu tình dục, là con trẻ? Các linh mục của mình có là thành viên theo phe của mình không, trong khi đó, các nạn nhân bị họ lạm dụng, giờ này ra sao? Ta có đến với các nạn nhân bị lạm dụng nhiều hơn với linh mục phạm pháp chứ? Hay, cả ta nữa, vẫn dễ dàng cho mình vô tội? Phải chăng ta ứng đáp chỉ đơn giản bằng cách mong cho vấn đề xách nhiễu tình dục/ấu dâm nơi hàng ngũ linh mục được xếp xó, để khỏi bận tâm, không? Các giám mục nhà mình có thành “địch thù” xử bất công với các linh mục mỗi khi đáp ứng trước những cáo buộc về xách nhiễu tình dục, nơi đàn em đệ tử mình?
Các câu hỏi của đấng bậc không-còn-là-chủ-quản nữa, có lẽ đẽ khiến tôi và bạn, lại nhớ đến ca từ của nghệ sĩ ngoài đời, rất hay hát:
“Bao nhiêu niềm vui cũng chôn vùi từ đây,
vùi chôn từ đây!...
Lỡ một cung đàn,
phải chăng tình đời là vòng giây oan trái?”
(Mạc Phong Linh – bđd)
Nghệ sĩ đời gặp chuyện ngang trái lại hỏi thế. Đấng bậc nhà Đạo, nhận định sự kiện “không phải”, ở trong Đạo, lại nghĩ khác. Khác, nhưng rất thực tiễn, như sau:
“Để hành xử của mình được lành mạnh, tưởng cũng nên đề cập đến những điểm gây bén nhạy, như hỏi rằng:
*Phải chăng hàng ngũ linh mục ở quanh ta đang sống cuộc đời độc thân mà không thích. Hoặc, không chứa đựng một tình yêu, mình đã chọn? Ta quan niệm thế nào về chuyện ấy? Hãy đưa vấn đề ra mà bàn thảo, cho nghiêm chỉnh.
*Ngày nay, ta có thực sự tin vào luân lý dục tình không? Phải chăng mỗi khi tưởng nghĩ đến chuyện tình dục, là mắc tội? Ta vẫn cho rằng mọi sa ngã về tình dục là trọng tội có thể dẫn đến nỗi chết, chứ? Ta vẫn coi động thái tự nhiên và phản thiên nhiên như nền tảng của đạo lý về tình dục chứ? Nếu không, ta tìm ra được nền tảng nào khác không?
*Ở giáo xứ, ta có thực sự lắng nghe tiếng nói của chị em giáo dân không? Các vị ấy có hoàn toàn đồng ý với câu đáp trả ta đưa ra không?
*Ta có còn quan niệm về Thiên Chúa chuyện giận dữ, trong đời mình không? Quan niệm như thế có còn ảnh hưởng lên ta không? Để ý lắng nghe cả trăm linh mục chia sẻ Lời Chúa vào ngày Chủ nhật, thông thường khi ra về ta mang theo ý nghĩ về Thiên Chúa như thế nào?
*Trong hành trình đời sống, ta đã bỏ đi ý tưởng về chuyện giáo hội dạy ta phải sống thế nào để làm hài lòng một Thiên Chúa chuyện luận phạt chưa?Trong cuộc sống, ta đạt mức độ trưởng thành về luân lý, đến cỡ nào?
*Ý hướng về luân lý đạo đức của ta là thế nào? Nhận thức của ta ra sao khi bị xã hội lên án, dẫu biết rằng ta là người vô tội? Ta đối đầu thế nào với thái độ của Hội thánh khi ứng đáp một cách nghèo nàn đối với các cáo buộc xách nhiễu tình dục, nói ở trên?
Những phát giác kinh khủng về xách nhiễu tình dục nơi hàng giáo sĩ lâu nay quả là một kinh nghiệm thương đau cho đội ngũ linh mục của ta. Nỗi lo ngại của tôi là nhiều người đã khoá sổ chỉ giữ cho mình những tư tưởng tiêu cực thôi. Và, xách nhiễu tình dục đã trở thành chuyện “khủng long chui tọt vào phòng”, mỗi khi các linh mục tụ tập.
Tôi khẩn thiết yêu cầu Hội Đồng Linh Mục Toàn Quốc hãy đóng vai trò đúng đắn để có được những trao đổi mang tính dựng xây về mọi khía cạnh của vấn đề này. Lâu nay, ta có quá đủ nỗi hãi sợ, chối bỏ, chạy trốn hoặc yếu kém rồi. Đã đến lúc, ta cần sống thực sự cởi mở, chính trực và xây dựng trong vấn đề này.” (x. Gm Geoffrey Robinson, The Elephant in the Room, rút từ The Swag 16/7/2011)
Như mọi lần, mỗi khi gặp các vấn đề gay góc xảy đến với người và với mình, chí ít là người mình ở nhà Đạo, bần đạo lại chạy đến với Lời của các thánh viết ở Tin Mừng. Hôm nay, bần đạo nhận được ân huệ “bắt gặp” một đoạn thơ có lời lẽ, xin san sẻ với bạn và với tôi, rất như sau:
“Đức Kitô, Người không nhu nhược đối với anh em đâu,
nhưng Người đầy uy quyền giữa anh em.
Thật vậy, Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn,
nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa.
Cả chúng tôi nữa, trong Đức Kitô,
chúng tôi cũng mang thân phận yếu hèn,
nhưng cùng với Người,
chúng tôi sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa
để xử sự với anh em.”
(2Cr 13: 3b-4)
Nhớ lời “thơ” của thánh nhân nhà Đạo, nay lại nhớ thơ lời của người đời, cũngnhư sau:
“Người ta nói yêu là ngốc, Bởi chữ tình là nguồn gốc chữ ngu ... Đôi khi con người ta cần dừng lại.. Dừng lại để rồi bước nhanh hơn.. .... Đôi khi con người ta cần buông tay.. Cần cho đi để rồi có nhiều hơn.. ... Đôi khi con người ta cần khóc.. Khóc thật lớn để rồi cười thật to.. ... Đôi khi con người ta cần một mình.. Một mình là để biết có nhau quan trọng như thế nào.”
Đã nhớ lời “thơ” Đạo cũng như đời rồi, nay lại tưởng nhớ chuyện của Lan và Điệp, cũng có những tình tiết như sau:
Nếu vì tình yêu,
Lan có tội gì đâu sao vướng vào sầu đau.
Nàng sống mà tim như đã chết
Riêng bóng cô đơn đôi môi xing phai tàn
Thương thay cho nàng
buồn xa nhân thế náu thân cửa Từ Bi.”
(Mạc Phong Linh – bđd)
Bần đạo thiết nghĩ: câu thơ trên, đâu chỉ áp dụng cho các vị nương náu cửa Phật hay nhà Đạo, đang “có vấn đề”, mà thôi. Nhưng, có lẽ, cũng áp dụng cho cả nạn nhân tội phạm xách nhiễu, hoặc sai lầm nhiều sơ xuất. Ở bất cứ nơi đâu. Thời nào. Như hôm nay.
Trần Ngọc Mười Hai
vẫn cứ thương và nhớ
hết tất cả.
Trong Đạo. Ngoài đời.
No comments:
Post a Comment