Saturday 29 June 2013

“Anh yêu em anh yêu em như rừng yêu thú dữ"



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 14 mùa Thường Niên Năm C 07-7-2013

Anh yêu em anh yêu em như rừng yêu thú dữ""
Anh yêu em, anh yêu em như tình cây với gió
Anh yêu em, anh yêu em không còn chi nói nữa
Biết nói gì đã yêu rồi, biết nói gì em ơi.
(Phạm Duy -  Anh yêu em vào cõi chết)


(Ga 17: 17-19)
            “Yêu em như rừng yêu thú dữ!” Chao ôi! là lời hát. Những lời ca/câu hát khiến bần đạo mỗi lần nghe đi nghe lại mãi, vẫn thấy hay. Thấy hay đây, không do tiết điệu của nhạc bản, hoặc vì ý/lời người nghệ sĩ hát mãi những lời: “Anh yêu em, như tình cây với gió”,và: “Anh yêu em, anh yêu em không còn chi nói nữa”. Ối chà, là tuyên ngôn/tuyên bố cũng rất “loạn”, khiến thiên hạ lại cứ hiểu rằng: đến như rừng cây khô khan là thế, mà cũng biết yêu, huống hồ là con người.
            Con người, mới chỉ yêu có ít năm/ít tháng không dài ngày, lại đã có lời tuyên bố với tuyên xưng rất ư là “chảnh”, như anh chồng nọ ở truyện kể nhạt như nước ốc, rất bên dưới:

            Em yêu ơi,
Khi anh thất nghiệp, em đã ở bên anh.
Khi nhà anh cháy, em cũng đã ở bên cạnh anh.
Khi anh bị đụng xe, cũng đã có em ở ngay bên.
Bây giờ anh đang bệnh, em lại cũng ở cạnh anh.
Em biết anh đang nghĩ gì không? ...  
-Ở gần bên em, anh thật xui hết biết.
Từ nay xin em đừng tìm anh nữa, nhe em!                           
Anh phải công nhận một điều: em chính là người dẫn dắt anh đến với tôn giáo. 
Anh chưa bao giờ tin có địa ngục cho đến khi anh gặp em.
Trong bóng tối dày đặc, trông em như thiên thần.
Em yêu ơi! Em có biết vì sao khi hôn em anh lại nhắm tịt mắt không?
-Vì anh không dám nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng.
Anh luôn mong có được người phụ nữ để thương yêu, chăm sóc; thế nhưng, sau khi gặp em, anh đã đổi ý.
-Anh say sưa, nghiện ngập, cờ bạc; anh xử tệ với em, thậm chí còn chọc ghẹo phụ nữ khác trước mặt em nữa, nhưng em vẫn lì lợm, chẳng bỏ anh.
Anh làm đủ mọi cách, thế mà em vẫn không rời xa anh ... một bước.
Trên bàn làm việc của anh, lúc nào cũng có tấm ảnh của em để trên đó,
để mỗi khi nhìn vào ảnh, anh lại có thêm động lực rồi tự nhủ: ‘vấn đề nan giải như thế mà mình còn giải quyết được, huống chi việc này...’
Trước khi gặp em, anh thấy đời mình thật tẻ nhạt.
Gặp em rồi, anh mới biết Thiên đường chỉ là ảo tưởng.
Đã từ lâu, kể từ lúc gặp em, thời gian của anh không tính bằng Xuân, Hạ, Thu, Đông
bốn mùa nữa, mà chỉ có hai mùa ‘mưa/nắng’ thất thường thôi!
Hai đứa mình đều có trên hai chục năm sống vui, sống mạnh cho đến khi mình lấy nhau,
lúc ấy anh mới thấy được điều mà đạo-lý nhà Phật vẫn bảo: “Đời là bể khổ!” thật rất đúng.”
(trích truyện kể trên mạng, cũng rất nhiều).

                Chẳng cần biết, giáo phái nào của nhà Phật lại có quan niệm về cuộc đời như anh chồng chuyên tố khổ vợ mình đến như thế. Bởi, dù có quan niệm đời là thế nào đi nữa, nhà Phật của ta và của người vẫn quan niệm “từ bi hỷ xả” đầy đủ cả, tựa hồ lời ca người nghệ sĩ cứ hát tiếp:

            Anh vẫn biết, anh vẫn biết yêu em là tuyệt vọng,
Mà vì sao, mà vì sao anh vẫn cứ yêu em.
Con giun con nằm uốn khúc giữa đêm trường,
Rồi giun chết, chết tương tư vì sao sang”.
“Anh đã biết, anh đã biết yêu em là tủi nhục,
Mà vì sao, mà vì sao anh yêu mãi không thôi.
Anh yêu em bằng nước mắt đứng lưng trời,
Bằng tia máu ứa trong tim dầu khô héo.”
(Phạm Duy – bđd)

Thế nghĩa là, vẫn có khác biệt về nhân sinh quan/lập trường của người viết nhạc với người kể truyện khá nhạt nhẽo, ít gắn bó. Kể ra thì, làm gì có chuyện gắn bó giữa người đời với đời người. Ngay như người nhà Đạo, cũng thấy xảy ra nhiều tình-huống cứ tưởng mọi chuyện đều xuôi trót, ngọt ngào với mọi phía và mọi người, trong Đạo.
Nơi Đạo Chúa, có nhà báo/nhà văn nọ đã phát giác ra đôi ba chi tiết đã nằm sâu nơi bản tính rất đặc thù của Đức Giáo Chủ tân-cử theo kiểu “Bạn có biết?” như sau:

“Bạn có biết?
Nhiều vị cứ tưởng rằng mình biết nhiều bí mật về Đức “Thánh” Cha Phanxicô người Argentina, chưa từng bật mí? Có thể, vị ấy lại cứ nghĩ rằng: ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên sống ở Nam Bán Cầu nay được bầu. Hoặc, ngài là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên nhậm chức thánh ở cấp cao mà luật dòng chưa kịp ban phép chăng? Thế nên, dưới đây là những “phát giác kinh khủng” về tính chất rất “thánh” của vị Giám Mục thành La Mã đã đắc cử Giáo Hoàng vào đầu năm 2013, như sau:
1.     Ngài là cổ-động-viên môn bóng đá, cũng rất khá.
Là một trong năm người con trong gia đình, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio thường chơi bóng rổ từ hồi nhỏ. Nhưng, ngài lại cho biết môn thể thao mà ngài thích nhất, lại là: bóng đá! Ngài có thói quen cùng với gia đình đi xem các trận đấu có đội bóng mà cả nhà đều ưa thích, đó là đội San Lorenzo.
2.     Ngài còn có tài múa nhảy rất hay trên sàn gỗ nữa.
Thánh Thần Chúa tạo hứng cho Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô về nhiều địa hạt. Cả đến địa hạt âm-nhạc theo phong thái rất La-tinh. Chính vì thế, mà người nghe sẽ không lấy làm lạ, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố rằng điệu nhảy mà ngài thích nhất, vẫn là điệu “Tango”. Có lần ngài nói với nhà báo, rằng: “Đó là những thứ đến từ bên trong.”
3.     Ngài cũng từng có bạn gái, cũng như ai. Chàng trai Jorge Bergoglio khi xưa rất thích đi nhảy vào các ngày cuối tuần; và anh từng hẹn hò với một bạn nữ trong nhóm mà anh thường nhảy cặp. Chuyện này xảy đến, dĩ nhiên, chỉ vào lúc trước khi chàng trai ta khám phá ra ơn gọi sống đời tu trì, ở Dòng thánh.
4.     Ngài cũng rất ư là cứng cỏi.
Hồi còn trẻ, trang thanh niên Jorge Bergoglio từng mất đi một lá phổi vì bị nhiễm trùng. Không chỉ thế, hồi còn mài đũng quần ở đại học, người sinh viên trẻ này cũng từng kiếm thêm tiền để trang trải học phí bằng nghề “bảo vệ” tại câu lạc bộ về đêm. Hãy tưởng tượng một thanh niên cường tráng dễ tính như nam thanh Jorge Bergoglio vẫn cương quyết nặng tay với anh/chị nào đã quá chén, lại còn tính chuyện quậy phá, bằng cách ban ơn huệ cho vị ấy về ngủ sớm.              
5.     Ngài biết con đường mình chọn lựa là phòng thí nghiệm.
Với văn bằng Cao học về môn Hoá, tốt nghiệp tại Đại Học Đường Buenos Aires, Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô chắc chắn sẽ không có khó khăn gì khi phải hoá-giải mọi xung đột giữa tôn giáo và khoa học.
6.     Quyết tự nấu ăn cho mình.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô thích tự nấu nướng dọn bữa cho riêng mình hơn là tùy thuộc vào đầu bếp, cốt sao phù hợp với lối sống giản đơn mà ngài luôn thực hiện cả vào thời kỳ làm Tổng Giám Mục thành Buenos Aires, Argentina. Thức ăn đơn giản ngài chọn cho mình, là: cây trái, thịt gà bỏ da và rau cỏ, thỉnh thoảng cũng chỉ dặm thêm một tách rượu nhẹ, thế thôi.
7.     Ngài dùng phương tiện di chuyển như người thường ở huyện.
Ở Buenos Aires, Đức Phanxicô thích di chuyển bằng phương tiện công cộng hơn là ngồi xe có tài xế lái. Không biết rồi ra, với vai trò chủ chăn ở cấp cao bên La Mã, ngài có tiếp tục thực-hiện ý thích này nữa không, đó mới là vấn đề, Để cho chắc, bà con nào ở Rôma lâu nay từng có thói quen đi xe lửa hoặc xe buýt hãy để ý xem có khi mình ngồi cạnh vị Giáo chủ Công giáo, cũng nên.
8.     Thói quen cuốc bộ.
Một trong các thay đổi đầu tiên của Đức đương kim Giáo Hoàng ở giáo triều Rôma là ngài đã cử hành Lễ Rửa Chân hôm Thứ Năm Tuần Thánh tại Trung Tâm Cải Huấn thiếu nhi phạm pháp ở Rôma, năm 2013. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban phép lành và hôn chân cho một số người tù còn rất trẻ, ở đây, trong số đó có cả các nam thanh nữ tú và người Hồi giáo nữa.” (Xem Michael McVeigh & Rob Morris sj, Eight eye-opening facts about Pope Francis, Australian Catholics, Winter 2013, tr. 21)

Nói về đặc trưng rất “thánh” như danh xưng Đức “Thánh” Cha, hoặc Đức Cha rất “thánh” của thành La Mã, là nói về đức tính hiền lành/thánh thiện của đấng bậc trưởng thượng của nhà Đạo; chí ít, là đấng bậc ở chốn cao tít, rất “Giáo hoàng”. Hễ được bầu làm Giáo Hoàng, thì đương nhiên trở thành đấng “thánh” rất Đức Cha giáo phận La Mã, là điều rất chắc chắn.
Chả thế mà, khi còn sống, ngài đã được các cộng-sự-viên và con dân trong Đạo gọi là Đức cha, rất thánh. Kịp đến khi, về với Chúa, ngài cũng sẽ được các đấng bậc kế vị phong chân phước, rồi hiển thánh như trường hợp Đức Gioan 23, Gioan Phaolô đệ Nhị, rất cụ thể.
Thế nhưng, để được Ủy Ban Phụng Vụ Hội thánh đưa tên mình vào kinh cầu các thánh hoặc Lời Nguyện Thánh Thể, lại không là chuyện dễ. Dễ hay không, thường thì đó cũng là một trong các thắc mắc/gạn hỏi của một số giáo dân ở miền sâu/miền xa ít có cơ hội tiếp cận với giáo luật hoặc mục “Chữ đỏ” của Phụng vụ, nên ít biết. Chẳng thế mà, có bạn đọc nọ là giáo dân hạng thứ cũng vội có câu “gạn hỏi” gửi đức thày nhà Đạo ở Sydney như sau:

“Thưa cha, con không có ý tỏ ra thiếu lễ phép hoặc không tôn trọng các đấng bậc trong Hội thánh. Nhưng, mỗi khi đi lễ con lại cứ hay nghe vị chủ tế đọc Lời Nguyện Thánh Thể có kể một lô tên các vị thánh mà riêng con cũng như một số bạn mà con quen, chẳng biết các thánh ấy là ai, nam hay nữ? Có liên quan gì đến lòng tin của mọi người đi đạo hay không mà sao Giáo hội mình cứ phải nhắc đến tên các ngài nhiều lần như thế? (Thêm một câu hỏi của giáo dân nọ không ghi danh tánh).

            Ghi hay không ghi danh tánh, hễ cứ hỏi những gì về giáo lý, giáo luật và giáo điều, là y như rằng đấng bậc nhà Đạo ở Sydney sẽ phấn khởi, hồ hởi và xởi lởi mà trả lời, không trả vốn, rất như sau:

“Ngay từ đầu, ta cũng nên nhớ, rằng: Lời Nguyện Thánh Thể đầu tiên trong thánh lễ Misa khi xưa được biết đến qua “Bộ lễ La Mã”, đã có từ thời rất cổ và rất xưa. Sau đó, mới đi vào thực tế như bây giờ, đó là: nhờ có bàn tay dẫn dắt của Đức thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (590-604) góp sức vào. Thế nên, tên của các thánh được liệt kê trong lời nguyện này, đều đã có từ nhiều thế kỷ trước và thật cũng dễ hiểu là hôm nay, ta biết rất ít về sử hạnh của các vị như thế....

Lý do khiến ta gọi tên các thánh ra như thế, cũng giản đơn. Bởi, thánh lễ được cử hành là để hiệp thông với toàn thể Hội thánh khắp vũ trụ, tức: Giáo hội đang còn phấn đấu ở thế trần, Giáo hội chịu khổ đau ở chốn luyện hình và Giáo hội khải hoàn trên thiên quốc. Thế nên, thánh lễ đuợc nối liền với phụng vụ liên lỉ đến vĩnh cửu do các thiên thần và các thánh đưa ra; chí ít là khi ta cùng cất tiếng hoan ca cùng toàn thể Giáo hội mà rằng: “Thánh! Thánh! Thánh!” (Is 6: 3)

Thành thử ra, cũng là chuyện tự nhiên khi ta kể tên một số các vị thánh như thế là để các ngài can thiệp cầu bàu cho ta ở dưới thế trần này và vinh thăng lời cầu của ta lên cùng Chúa rất Ba Ngôi. Kinh Tiền Tụng đầu tiên ngợi ca các thánh, cũng giải thích lối tư-duy như thế trong lời cầu dâng lên Chúa Cha, qua đó vị chủ tế có thưa: “Ngõ hầu Cha được tôn vinh cùng các thánh và khi Cha tác thành công lao của các ngài, thì Cha cũng thánh-hoá chính quà tặng của Cha nữa...”

Và, do bởi Giáo hội ta không thể kể tên tất cả các thánh nam nữ cho hết được, nên Lời Nguyện Thánh Thể chỉ nhắc tên một số vị mà thôi. Tuy nhiên, trong Lời Nguyện này, cũng có hai danh sách các thánh được nêu tên; một, vào lúc trước và danh sách thứ hai, vào sau khi truyền phép. Danh sách đầu, có tên Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa và thánh cả Giuse, kể trong Lời Nguyện này là do đề nghị của Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 thực hiện vào năm 1962. Sau đó, có tên của thánh Phêrô, Phaolô và 12 thánh Tông đồ.

Tiếp đó, là tên của 12 vị khác: 3 vị đầu được nhắc đến là 3 vị kế nhiệm thánh Phêrô trong ngôi vị Giáo Hàng, tức thánh Linô thành Tuscanô (67-76); sau đó, là thánh Irênê do thánh Phaolô đề bạt; tiếp theo, là thánh Clêtô còn gọi là Anaclêtô (76-88), là người La Mã. Và, thánh Clêmentê đệ Nhất (88-97) mà theo sử gia Tertôliô là đấng được thánh Phêrô tấn phong. Thánh Clêmêntê là thánh tử đạo và là người cũng viết thư cho cộng đoàn Côrinthô.

Trong số 12 vị thánh có tên trong danh sách này, thì 5 vị là Giáo Hoàng, còn lại 7 vị kia là các thánh tử đạo. Đặc biệt có thánh Cyprianô là một trong các thánh Tổ Phụ của Giáo hội và một vị giám mục thuộc Bắc Phi là thánh tử đạo ở Carthagiô năm 258...” (Xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly ngày 05/8/2012 tr. 18)

            Quả như lời đức thày thuộc giống giòng mô phạm, thì đa số các bậc vị vọng ở cấp chóp bu Hội thánh đều đã thành thánh-nhân cả lúc còn sống, cũng như sau khi chết. Xem thế thì, vai trò của Đức ‘Thánh’ Cha đương nhiên phải là Đức Cha rất thánh mới được bầu làm Giám mục thành La Mã được. Vấn đề còn lại, là: các ngài có sống thánh thiện vào những ngày tháng cuối đời mình hay không, mà thôi.
            Chính đó, là những điều được đấng thánh hiền nhà đạo mình vẫn quả quyết:

            Xin Cha lấy sự thật mà thánh-hiến họ.
Lời Cha là sự thật.
Như Cha đã sai con đến thế gian,
thì con cũng sai họ đến thế gian.
Vì họ, con xin thánh-hiến chính mình con,
để nhờ sự thật, họ cũng được thánh-hiến.”          
            (Ga 17: 17-19)    

Còn nhớ: có lần Tin Mừng viết: Đức Kitô từng răn dạy đồ đệ cũng như mọi đấng bậc dấn bước theo chân Ngài là: hãy sống như muối cho đời, như men trong bột và như ánh sáng đặt trên giá đèn để mọi người được soi dọi.” Nói cách khác, là nói và hiểu rằng ở cương vị nào đi nữa, là đấng bậc cao/thấp hay chỉ là giáo dân bình thường, thì đó vẫn là tiêu-lệnh để người người sẵn sàng nhận bài sai ra đi rao báo Tin Vui An Bình đến với mọi người. Chí ít, là người ở ngoài, và cả những người ở vùng sâu/vùng xa chưa bao giờ nghe biết đến Tin Vui, rất bình an như thế.
Nói tóm lại. Ơn gọi làm đấng thánh hiền-hoà, là như thế. Là, trở nên người được sai đi mở rộng Vương Quốc Nước Trời, ở trần gian. Được gọi làm đồ đệ Chúa, ngõ hầu rao truyền Tin Vui/Tin Mừng, là: phải từ bỏ chính mình, qua động-thái chấp nhận con người mình như vẫn thế, để khuyến khích lòng tự tin. Bởi, một khi đã tự tin rồi, thì mình mới tự khẳng định khả năng và tài cáng, ngõ hầu tìm ra phương-cách thích hợp với chính mình, mà thực hiện điều mình quyết tâm như Thày ủy thác.
Để minh-hoạ cho điều mà mọi người nhận chân ra được mục tiêu mình nhắm đến, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cùng nghe truyện kể ở dưới, rất giản dị như sau: 

"Sống với nhau như thế nào để thành bậc thánh nhân hiền lành?
Tôi hỏi đất: đất sống với nhau thế nào?
Đất trả lời: chúng tôi làm nền móng cho nhau
Tôi hỏi nước: nước sống với nhau thế nào?
Nước trả lời: chúng tôi hoà lẫn vào nhau
Tôi hỏi gió: gió sống với nhau thế nào?
Gió trả lời: chúng tôi nâng cánh cho nhau
Tôi hỏi mây: mây sống với nhau thế nào?
Mây trả lời: chúng tôi tan biến vào nhau
Tôi hỏi cỏ: cỏ sống với nhau thế nào?
Cỏ trả lời: chúng tôi hoà quyện và réo rắt bên nhau
Tôi hỏi cây: cây sống với nhau thế nào?
Cây trả lời: chúng tôi che chở và leo quấn cho nhau
Tôi hỏi người: người sống với nhau thế nào?
Không ai trả lời
Không ai trả lời
Không ai nói gì cả
Vì người còn đang bận giận hờn và chà đạp lên nhau
Vì người còn chôn chặt nụ cười và không cùng chia sẻ
Vì người còn nghi kị và mưu chước lẫn nhau
Vì người còn nặng nỗi thương đau
Vì người còn quên cách yêu nhau
Vì người còn chưa biết được rằng sự sống vốn rất mau... tàn lụi...
Bốn yếu tố cần thiết để sống hiền lành thánh thiện, có hạnh phúc:
Từ, Bi, Hỷ, Xả.

            Trong bốn yếu tố cần thiết cho cuộc đời, yếu tố nào cũng quan trọng, hết. Tuy nhiên, quan trọng hay không vẫn cứ thực hiện cho vui cho mừng, đúng chữ “Hỷ” như người nghệ sĩ, lại sẽ hát những lời rất ý nhị, sau đây:

Anh yêu em anh yêu em như rừng yêu thú dữ
Anh yêu em, anh yêu em như tình cây với gió
Anh yêu em, anh yêu em không còn chi nói nữa
Biết nói gì đã yêu rồi, biết nói gì em ơi
Em đã sống, em đã sống như côn trùng khờ dại
tìm lửa thiêu, tìm lửa thiêu em đốt cháy cơn vui
Em đưa em vào sâu kín cánh tay người
Vòng tay trói tấm thân em vào oan trái
Em đã sống, em đã sống trong ân tình kẻ lạ
để mình anh, để mình anh trong thương nhớ không nguôi
Em bay đi bằng cánh bướm giữa đêm dài
bằng hương ngát cánh hoa thơm rồi nhạt phai.”
(Phạm Duy – bđd)

Là nghệ sĩ, phàm-nhân hay đấng bậc rất vị vọng ở đỉnh cao hệ-cấp Giáo hội, là những người tìm thực-hiện phẩm-cách rất lành và cũng thánh của con người. Bởi, sống đúng Đạo Chúa hay đạo làm người đều là các bậc thánh như Phaolô thánh-nhân từng tuyên dương ở thư gửi các giáo-đoàn rất thánh ở mọi phía. 
Bởi thế nên, có nghe bạn đạo mình gọi Đức Giáo Chủ ở chóp bu là Đức “thánh” Cha, cũng đừng lạ. Lạ làm gì, vì có một lúc nào đó, mình cũng được thánh-nhân hiền lành, gọi là “thánh” nữa cơ mà! Thế thì, hỡi các “thánh” ở đây và ở đó, ta cứ hát hò, rao truyền Tin Vui An Lành và cũng rất “thánh” được Chúa ủy thác khi xưa và bây giờ. Làm thế, xã hội ta cũng sẽ là xã-hội được thánh-hoá hay “thánh” quá, cũng rất hay.

Trần Ngọc Mười Hai
Chả dám nhận mình là thánh
Nhưng vẫn cứ tìm đấng thánh
trong ngoài nhà Đạo,
mà theo chân.



               

                Trần Ngọc Mười Hai
           

Saturday 15 June 2013

“A ha! Đêm nay ai cũng cho em là xinh nhất đây… a…á…à…đẹp xinh”







Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ Mười Hai mùa Thường Niên Năm C 23-6-2013

“A ha! Đêm nay ai cũng cho em
là xinh nhất đây… a…á…à…đẹp xinh”
A ha! Trong đêm khiêu vũ em như
vừng sao xa khơi… à… a…á… sáng ngời!
(Nhạc Pháp: La Plus Belle Pour Aller Danser – Lời Việt: Phạm Duy)
(Mt 4: 1-2)
            Có một lần, bần đạo đọc được ở trên báo, mà là báo đạo rất đàng hoàng, một câu chuyện tiếu lâm nhạt và cũng nhẽo như sau:

“Hôm ấy, vị linh mục nọ được mời đến nhà của giáo dân xyz làm phép nhà và ăn mừng tân gia. Vì là nghi thức không trọng thể và cũng chẳng mang tính chuyên nghiệp của vị thượng tế, nên vị linh mục được mời chỉ mặc thường phục có cổ trắng báo rõ mình là đấng bậc vị vọng, thế thôi. Nhưng, chuyện đeo cổ áo giáo sĩ, đã làm bé em của nhà chủ rất “lấy làm lạ”, cứ là ngắm nhìn suốt, không chán. Kịp nhận ra được điều đó, linh mục nhà mình bèn hỏi nhỏ bé:
-Cha có gì lạ trên người đâu mà sao cháu bé cứ ngó cứ nhìn trâng trâng thế?    
-Cháu đâu có nhìn trâng tráo đâu. Thấy cha đeo cái gì mầu trăng trắng nơi cổ, nên mới nhìn.
-Thế cháu có biết cha đang đeo cái gì đây không?
-Dạ biết. Đó là cái để dụ những người mê cha cứ đeo bám cha là chết liền không kịp ngáp!” (xem The Catholic Weekly ngày 05/5/13 tr.5)

            Gọi là tiếu lâm nhạt, cũng có lý. Nhưng không nhạt bằng những truyện kể ở quận/huyện nhà Đạo mà có lần bần đạo đây gặp ông cha chánh xứ nọ ở Sydney, cũng cất tiếng hỏi nhỏ: “Dạ thưa, có bao giờ ‘cha’ thấy chán ngấy công việc hàng ngày hay hàng tuần cứ là làm lễ và làm lễ không?”  Hỏi, thì hỏi thế chứ có cha/cố nào dám trả lời là chán với ngán cơ chứ? Bởi, nếu có vị nào thấy ngán ngẫm chuyện thường ngày ở huyện, há đã bỏ mọi sự để kiếm việc khác, nghề khác cụng đặng!
Gọi đoạn trích ở trên là tiếu lâm chay hay truyện kể nhạt như nước ốc, cũng không đúng. Đúng hơn, có lẽ ta nên gọi đó là thắc mắc ‘cỏn con’ từ các trẻ mới lớn, chứ đằng này lớp tuổi già đầu tóc dính đầy những “tuyết” thì có gì lạ đâu chứ! Còn lại, là cung cách diễn tả của bé em về sự lôi cuốn/hấp dẫn từ đấng bậc nhà Đạo hệt ý/lời của bài hát có đoạn viết:

“A ha! Đêm nay em muốn nghe những lời ân ái…a à…êm êm.
A ha! Em nghe anh nói yêu em dài lâu nhé anh ơi! ..à..a..á.. Lâu dài!
Em mong cho chiếc áo,
Áo tươi mầu em đã chọn kỹ
Một chiếc áo rực rỡ, em vừa thêu.
Em mong cho chiếc áo đó
cũng như là mớ tóc mềm rũ
Được mơn trớn…(ư) dưới tay người.”
(Nhạc Pháp: La Plus Belle Pour Aller Danser – bđd)

            Ngôn ngữ mới của tuổi trẻ hôm nay, khi đề cao chiếc cổ áo của ai đó hoặc chức thánh của hàng giáo sĩ đạo mạo, có áo mão/cân đai, viền dài nơi cổ hay sao đó, vẫn là lời chúc tụng/ngợi khen các đấng làm việc cho nhà thờ không ngừng nghỉ. Thế nhưng, có đấng-bậc-làm-việc-cho-nhà-thờ/nhà thánh hăng say không ít, và chẳng biết chán ngán như người ở ngoài, đó mới là quan-niệm vững chắc như đinh đóng cột, mà thôi.
Tuy thế, công việc nhà Đạo của đấng bậc có chức thánh hăng say không ngừng nghỉ, đã là điều khiến nhiều người lấy làm lạ, bèn lân la hỏi:

“Thưa cha. Con là bổn đạo mới vừa trở lại Đạo, nên không thuộc và không hiểu những gì ghi trong sách lễ Rôma mà con đem theo mỗi khi đi lễ, để theo dõi. Đôi khi, con vẫn thắc mắc không biết làm sao lại có lễ kính nhớ thánh này/thánh nọ ghi trong sách ấy để làm gì. Và thêm nữa: có lễ khác lại được ghi như thể: Chúa Nhật Thứ 8 mùa Thường niên Năm 1 là sao con không hiểu. Sao đã là mùa tức mỗi năm chỉ có vài vụ, lại thêm chữ thường niên, tức quanh năm suốt tháng để làm gì và có ý gì? Xin cha bố thí cho một giảng giải, sẽ biết ơn cha mãi.”

            Lại thêm câu hỏi mang tính nghiệp-vụ, dễ cho đấng bậc vẫn ngồi đó chờ người hỏi để điều nghiên, kiếm tìm câu giải đáp cho phải phép. Giải và đáp, rất lễ phép như mọi lần, sau đây:

Cảm ơn anh/chị đã có câu hỏi rất ích lợi không chỉ cho anh/chị thôi, mà còn cho nhiều người khác trong Đạo. Vâng. Quả vậy, đây là điều tốt lành để mọi người hiểu được lịch Hội thánh ta lập ra là để mọi người biết mà sống đời phụng vụ cho vẹn toàn. Lịch Hội thánh đặt căn bản trên 5 mùa cả thảy: Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay, Phục Sinh và Mùa thường niên.

Lịch Hội thánh bắt đầu bằng Mùa Vọng là để vọng về với Giáng Sinh. Phải nói, đây là mùa Hy vọng chờ đợi hai việc: thứ nhất, là việc Chúa giáng hạ đi vào lịch sử; và thứ hai, là: Chúa đến lại trong lai thời. Mùa Vọng khởi sự từ Chúa Nhật Thứ Tư trước Giáng Sinh; như thế có 4 Chúa nhật trong Mùa này. Thời gian Mùa này thường thay đổi tùy số ngày trong tuần nào có lễ Giáng Sinh, nhất là vào năm nào lễ này rơi đúng vào ngày Chúa nhật. Trong Mùa này, áo chủ tế mặc cũng như mọi thứ trang hoàng đều mang mầu tía hoặc tím đậm, tức sắc mầu của sám hối, ăn năn, đền tội.

Mùa Giáng Sinh bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp và kết thúc vào lễ Chúa Thanh Tẩy. Đây là mùa lễ vui bởi thế nên, sắc mầu phụng vụ Mùa này phải là mầu trắng. Ở Mùa này, ta mừng kính lễ quan trọng tương tự như Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa thường vẫn rơi vào ngày mồng Một tháng Giêng, rồi đến Lễ Thánh Gia và Hiển Linh qua đó ta cử hành việc các đạo sĩ phương Đông đến bái lạy Hài nhi Đức Chúa. Khi xưa, Lễ Hiển Linh rơi vào mồng 6 tháng Giêng là ngày mừng Chúa chịu Thanh Tẩy vẫn được mừng vào Chúa Nhật tiếp theo sau.

Ngay sau lễ Giáng Sinh, những ngày đầu ta gọi là Mùa bình thường trong năm, bên tiếng La-tinh là: “tempus per annum”, tức: thời gian kéo dài nhiều tháng. Cũng có thể, lịch sách ở đâu đó dịch cụm từ này thành “Mùa Thường Niên”. Dịch như thế, có lẽ không làm vừa lòng một số người đọc, bởi lẽ: chẳng có thời gian nào thờ phụng Chúa lại gọi là thường niên, thường nhật hết. Trong thời gian này, các bài đọc ở thánh lễ thường nói về các sự kiện Chúa Kitô từng trải trong đời hoạt động của Ngài. Mùa lễ này bao gồm 34 tuần, xen vào đó có các tuần Mùa Chay và lễ Phục Sinh. Thế nên, khi anh/chị đọc sách lễ Rôma thấy có chữ “Tuần thứ 8 Mùa Thuờng Niên” hoặc “Tuần thứ 8 trong năm” có nghĩa như thế. Thông thường, các Bản Tin Giáo Xứ phát hành vào Thánh lễ Chúa Nhật sẽ cho anh/chị biết là mình đang ở tuần nào trong lịch Phụng vụ; có như thế, ta mới tìm ra được ngày lễ kính trong sách. Mùa này, áo lễ vị chủ tế mặc, sẽ là mầu xanh lục, tức sắc mầu của đời thường vươn mạnh trong muôn ngàn cỏ cây. Mùa này cũng như mọi lúc, Hội thánh làm lễ kính các thánh cũng như mừng Chúa và Đức Mẹ cùng các thiên thần, suốt cả năm. Vào lễ kính các thánh, chủ tế sẽ mặc áo mầu đỏ, tức sắc mầu được dùng để kính các thánh tông đồ và tử vì đạo, các thánh khác sẽ dùng mầu trắng.

Sau một ít tuần thường niên, sẽ đến Mùa Chay, tức mùa chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh. Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và sau đó có 6 tuần trọn thêm vào thời gian giữa Lễ Tro và Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay. Không tính các ngày Chúa nhật hàng tuần kỷ niệm niềm vui Phục Sinh, Mùa Chay gồm 40 ngày là để kỷ niệm thời gian dài những 40 ngày Chúa ăn chay nguyện cầu ở sa-mạc, trước khi Ngài khởi sự hoạt động công khai với công chúng (x. Mt 4: 1-2). Chay mùa kiêng khem, là thời gian để mọi người lo mà hối cải, vì thế nên: sắc mầu được dùng vào mùa này đều tia tiá hoặc tím đậm. Vào Mùa này, các bài đọc tập trung vào rửa tội, hối cải và đền tội.

Còn, mùa Phục Sinh bắt đầu bằng Lễ Vọng nửa đêm thứ Bảy, tức đêm trước ngày Chúa Sống Lại, sau đó sẽ kéo dài 7 tuần và kết thúc vào Chúa nhật Lễ Hiện Xuống, tức vào hội lễ Thánh Thần Chúa ngự xuống với các tông đồ. Phục sinh, là Lễ hội quan trọng nhất trong năm để ta mừng kính Chúa sống lại hầu cứu chuộc con người. Thế nên, diễn tả niềm vui này, Hội thánh dùng mầu trắng là có nghĩa nhất.

Sau Chúa nhật Hiện Xuống, sẽ tiếp tục mùa thường niên cho đến Chúa nhật đầu Mùa Vọng cho chu kỳ phụng vụ năm tiếp theo sau. Chúa nhật cuối Mùa Thường Niên, là lễ Đức Kitô Vua Vũ Trụ.

Cũng nên biết: các bài đọc trong thánh lễ sẽ thay đổi từng năm, theo tiếp chu kỳ 3 năm cho các lễ Chúa nhật và chu kỳ 2 năm cho ngày thường trong tuần. Vào các Chúa nhật như thế, có 3 bài đọc chính trong đó kể cả bài Tin Mừng. Ba bài này sẽ được thay đổi vào mỗi năm trong 3 năm của chu kỳ mà Hội thánh có thói quen gọi là Năm A, năm B và năm C. Muốn biết là ta đang cử hành phụng vụ năm nào trong chu kỳ phụng vụ, cần nhớ rõ là: chu kỳ phụng vụ bắt đầu vào năm đầu sau Công nguyên ta gọi là năm A, cứ như thế: các năm sau được chia cho 3 sẽ là năm C.

Chu kỳ gồm các lễ trong tuần gọi là năm 1 và năm 2, chia như thế là tùy con số chẵn/lẻ của năm đó. Bài đọc 1 trong thánh lễ cũng thay đổi mỗi năm là theo kế hoạch này. Tuy nhiên, bài Tin Mừng vẫn giữ như thế mỗi năm. Chúa nhật bắt đầu Mùa Thường Niên, Hội thánh dùng Tin Mừng theo thánh Máccô là Tin Mừng ngắn nhất và được viết trước tiên. Khi Tin Mừng thánh Máccô kết thúc, Hội thánh lại sẽ cho đọc các đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu và Luca vốn dĩ không thấy trong Tin Mừng thánh Máccô; sau đó, đến Tin Mừng thánh Luca. Tin Mừng thánh Gioan đặc biệt được dùng vào mùa Phục Sinh.” (xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 02/6/2013 tr. 10)

            Kể rành rọt như thế, làm sao người hỏi và người đọc sai sót được. Kể lể dài dòng, cũng như thể xem phim dài nhiều tập xem khúc cuối đã quên khúc đầu, là chuyện dễ gặp và dễ thấy nơi các vị không đi lễ đều đặn mỗi tuần. Thế nhưng, mục đích mà đấng bậc nêu ra hôm nay không để nhắc nhở những chuyện như thế.
Như thế, tức như thể kể rằng: bạn đạo của ta ở trời Tây cũng như quê nhà, vẫn đều nắm vững ý nghĩa và lý do tại sao Hội thánh lại tổ chức phụng vụ lễ lạy có lớp lang, đàng hoàng. Phải công nhận đây là công việc của các thày dòng khắc kỷ thời Trung Cổ hay trước đó, vẫn có thói quen dữ thánh lễ hằng ngày. Có khi mỗi ngày dự lễ và phụ giúp cha chủ tế đến 3, 4 lễ cũng không chừng. Và khi ấy, các lễ đều sử dụng tiếng La-tinh, nên cũng khó. Đó, cũng là kinh nghiệm của bần đạo và bạn đạo nào từng kinh qua (chứ không “kinh” quá), suốt nhiều năm trong Dòng thánh, rất bình thường mà không phài là thường niên, hoặc quanh năm.
Nói đi thì lại nói lại, phụng vụ thời nào cũng đều chú trọng vào chất lượng chứ không phải số lượng thánh lễ hoặc bài đọc mình cử hành, trong các vụ, các mùa, rất quanh năm. Nói lại thì lại nói một cách nôm na rằng: ngày hôm nay, mà đề cập đến vấn đề này, chỉ để ta rà soát chuyện lịch sử nhà Đạo trong quá khứ hoặc quá trình phụng thờ Chúa Chí Thánh, mà thôi.
Nói như thế, ra như thể chỉ muốn nói theo kiểu “con nhà có đạo”, vẫn rất đạo và rất đức, tức đức độ. Cứ, nếu nói theo kiểu nghệ sĩ ở đời, lại sẽ nói như người viết nhạc hôm đó, có câu như:

“A ha! Khi đêm buông xuống
em hay thường mơ ước xa xôi…a…à…á.. Em mơ,
A ha! Em mơ em sẽ mong lụa là…
Em xinh em tươi nhất, ôi nơi trần gian
Cho em khiêu vũ trong đêm thần tiên…”
(Nhạc Pháp: La Plus Belle Pour Aller Danser – bđd)
                                        
Hôm nay, trong đời đi đạo, dù là Đạo Chúa hay đạo làm người lại cũng có đấng bậc vị vọng của nhà Đạo, thích ứng thích hợp với cuộc sống ở ngoài đời, lại cứ quan niệm một cách nhè nhẹ, thanh thoát hơi khang khác, như:

“Ngày của Chúa, nhiều vị thường diễn tả việc dự Tiệc thánh như thói quen nguyện cầu, dâng tiến. Tệ hơn, có người lại coi việc cử hành Tiệc như màn độc diễn của vị chủ tế trên bàn thờ. Giáo dân  tham dự chỉ với tính cách người dự khán, thôi. Nghĩa là, chỉ đến rồi đi. Đi xem lễ. Đến nhà thờ. Nhất nhất, để thực hiện tổng cộng những sáu điều Hội thánh khuyên răn. Không đi không đến e sẽ mắc tội. Và, là tội trọng.
           
Vốn mang trong người phong thái ấy, nhiều người vẫn hay đến trễ, về sớm. Chỉ đứng xa hoặc loanh quanh ở ngoài, hút thuốc nói chuyện hoặc liên tưởng chuyện làm ăn nào khác. Tuyệt nhiên, không mang dáng dấp tích cực, hợp tác nơi bàn tiệc. Tiệc Thánh, trước tiên và nhất thiết phải là động thái tích cực của cả cộng đoàn. Bởi, tự bản chất, ý nghĩa của Tiệc là như thế. Chí ít, ta tham dự Tiệc là để thật sự ăn Mình Chúa, và uống Máu Chúa, như đã dạy. Nói cho cùng, tham dự Tiệc không là chuyện đơn độc riêng lẻ, nhưng là việc của cả cộng đoàn. Cộng đoàn tình thương. Dự tiệc lòng Mến. Dự rất đông. Rất tích cực.
           
Dự Tiệc ngày của Chúa, ta cùng nhau đến vì Thân Mình Ngài. Cùng đến, như những người thân yêu chung tình, cùng ăn cùng uống. Cùng chung sức sống. Đến để bày tỏ lòng biết ơn chân thành, đối với Ngài. Đến, vì “Thánh Thể” thật sự mang ý nghĩa một cảm tạ. Ta đến, không phải vì sợ phạm vào điều khuyên thứ ba Hội thánh luôn răn giữ. Ta đến, không vì sợ tội. Không vì sợ vi phạm giới răn Hội Thánh Chúa, khuyên giữ. Ta đến, cũng chẳng phải là giữ chỉ để giữ. Giữ vì sợ mắc tội. Giữ, nhưng không mảy may thuyết phục. Thành thử, có người cứ đến trễ và về sớm. Rồi, cũng chẳng thấy cần phải lưu lại đôi phút để hàn huyên, chia sẻ những tâm tình người đồng Đạo.
           
Đến dự Tiệc thánh, tuyệt nhiên không là đi “xem lễ” như ta lầm gọi. Bởi, đi xem là xem vị chủ tế độc diễn màn dâng tiến một mình, trên bục cao. Ngược lại, đến dự Tiệc Thánh là việc tham gia vào việc chung. Tham dự và gia nhập tiệc vui rất chung. Ăn chung uống chung, cũng một Mình Máu Rất Thánh của Chúa. Ăn và uống chung, rất công khai. Đầy hưng phấn. Như Chúa từng bày tỏ: “Bằng vào việc này, mọi người sẽ biết các anh là môn đệ của Thầy, anh em hãy thương yêu nhau” (Yn 13: 35). Và,: “Xin cho chúng nên một để thế gian biết Cha đã gửi Con đến” (Yn 17: 21-23)
           
Đến dự Tiệc, mà mang tâm trạng đơn độc lặng thinh, là chưa hiểu ý nghĩa của sự đồng tâm cộng lực,chung lòng mến. Đến dự Tiệc, là cùng mang tâm tưởng thâm sâu đượm tình mật thiết của cộng đoàn kẻ tin. Tiệc Thánh, không là thời điểm ta tác tạo nên cộng đoàn, mà thôi. Nhưng, là thời gian giúp ta cử hành mừng kính đặc điểm cùng nhau chung phần vui hưởng của cộng đoàn. Thật đáng tiếc: hơn bốn thập niên thời hậu Công Đồng đã trôi qua, mà nhiều vị vẫn còn nhấn mạnh đến yếu tố tu đức cá thể. Chỉ nhắm mục đích tìm sự “rỗi linh hồn”, riêng mình ta thôi.
           
Vì thế, người dự Tiệc ngày Chúa nhật vẫn cứ hành xử như khách lạ, vừa đến thăm. Khách đến, thiếu vắng cả nụ cười, tối thiểu. Thiếu tình thương. Thiếu hợp tác, đùm bọc. Cả khi, lời “chúc bình an, tay nắm tay” trao cho nhau, cũng chỉ là động tác lấy lệ. Chỉ như phản xạ tự nhiên, rất quen làm. Khác hẳn tâm tình người dự tiệc mừng ngày sinh, rất thân thương. Nói rộng hơn, dự Tiệc Thánh không chỉ đến để nhận bánh thánh hiệp thông, rất giản đơn. Mà, để chia sớt và cùng sẻ san một Bánh Thánh là Mình Ngài. Cùng uống chén Máu cứu độ của chính Ngài. Mình và Máu Đức Chúa đã Phục sinh. Mình Thánh Chúa ta lãnh nhận, không chỉ riêng Mình Đức Kitô thôi, nhưng còn là thân mình của cả cộng đoàn, vẫn được coi như chi thể thân thương đã tháp nhập vào Thân Mình Đức Kitô, đang hiện hữu. (x. Lm Richard Leonard sj, Suy Niệm Lễ Mình Máu Chúa năm C, Bản Tin Gx Fairfield, 02/6/13)

Hôm nay, trong cuộc sống thực tế ở đời, lại cũng có lập trường tuy không cứng ngắc, dài dòng về số lượng của công việc mình làm nhưng là là ý/lời đáng để đời, cần nhớ như truyện kể để thư giãn, rất như sau:  

“Truyện rằng:
Tại một trang trại ở miền núi xa xôi, miền Đông bang Kentucky, có một ông cụ sống với người cháu của mình. Mỗi buổi sáng, ông cụ đều dậy rất sớm để đọc sách. Có những cuốn sách ông đã đọc nhiều lần, đến mức cuốn sách sờn cũ, nhưng lúc nào ông đọc cũng say mê và chưa một buổi sáng nào ông quên đọc sách. Cậu cháu trai cũng bắt chước ông, cũng cố gắng mỗi ngày đều ngồi đọc sách. Rồi một ngày, cậu hỏi ông:
-       Ông ơi, cháu cũng thử đọc sách như ông, nhưng cháu không hiểu gì cả. Hoặc là có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại là cháu quên ngay. Thế thì đọc sách có gì tốt đâu mà ông đọc thường xuyên thế ạ…
-       Ông cụ lúc đó đang đổ than vào lò, quay lại nhìn cháu và chỉ nói:
-       Cháu hãy đem cái giỏ đựng than này ra sông và mang về cho ông một giỏ nước nhé!
Cậu bé liền làm theo lời ông, dù rằng tất cả nước đã chảy ra hết khỏi giỏ trước khi cậu bé quay về đến nhà. Nhìn thấy cái giỏ, ông cụ cười và nói:
-       Nước chảy hết mất rồi! Có lẽ lần sau cháu sẽ phải đi nhanh hơn nữa!
Rồi ông bảo cháu quay lại sông lấy một giỏ nước. Lần này cậu bé cố chạy nhanh hơn, nhưng lại một lần nữa, khi cậu về đến nhà thì cái giỏ đã trống rỗng. Thở không ra hơi, cậu nói với ông rằng “đựng nước vào cái giỏ là điều không thể”, rồi đi lấy một chiếc xô để múc nước. Nhưng ông cụ ngăn lại:
-       Ông không muốn lấy một xô nước. Ông muốn lấy một giỏ nước cơ mà! Cháu có thể làm được đấy, chỉ có điều cháu chưa cố hết sức thôi!
Rồi ông lại bảo cháu ra sông lấy nước. Vào lúc này, cậu bé đã biết rằng không thể đựng nước vào giỏ được, nhưng cậu muốn cho ông thấy rằng dù cậu chạy nhanh đến đâu, nước cũng sẽ chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu về đến nhà. Thế là cậu bé lại lấy nước, lại chạy nhanh hết sức, và khi về đến chỗ ông, cái giỏ lại trống rỗng.
-       Ông xem này. Cậu bé hụt hơi nói – Thật là vô ích!
-       Cháu lại nghĩ nó là vô ích ư?Cháu thử nhìn cái giỏ xem!
Cậu bé nhìn vào cái giỏ, và lần đầu tiên, cậu bé nhận ra rằng cái giỏ trông khác hẳn ban đầu. Nó không còn là cái giỏ than đen bẩn nữa, mà đã được nước rửa sạch sẽ.
-       Cháu của ông ơi, đó là những gì diễn ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy. “ (Truyện kể nhận từ điện thư vi tính rất mới)

Nói gì thì nói, kể gì thì kể, cũng nên kể đến lời của bậc thánh hiền vẫn căn dặn người dân trong Đạo/ngoài đời, những lời như sau:

Cho nên,
thưa anh em,
khi họp nhau để dùng bữa,
anh em hãy đợi nhau.
Ai đói, thì ăn ở nhà,
kẻo anh em đến họp mà hoá ra để bị kết án.
(1 Cor 11: 33-34)

Nói cho cùng, họp mặt để dự tiệc Lòng Mến rất Thánh Thể, hay để nguyện cầu Chúa ghé thăm, cũng chỉ nên họp sao cho niềm vui lan tràn, thật thư giãn. Chứ đừng coi đó như bổn phận, hoặc việc đền tội, hay sao đó, thật cũng khó.
Thế đó, là lời cuối được các bạn đạo nhắn nhủ gửi gắm bà con/anh em trong họ ngoài làng, rất thánh hội. Hôm nay. Thời buổi này.

Trần Ngọc Mười Hai
Chỉ biết tuân theo lời vàng ngọc
của chư thánh
chứ không dám
có ý/lời nghịch ngạo
cũng khó nghe.