Thursday 31 December 2015

“Chiều nay có mùa thu đi về”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau lễ Hiển Linh Năm C 03/01/2016

“Chiều nay có mùa thu đi về”
Buồn vương mây ngàn giăng khắp lối
Mùa thu bơ vơ đến bên trời
Ru tóc em suối nguồn
Gọi hồn hong gió thu buồn.
(Từ Công Phụng – Mùa Thu Mây Ngàn)

(Rm 2: 1-2)

            Lại một lần nữa, bần đạo xin thú thật với bạn bè người thân rằng thì là: đề-tài “mùa thu” từng là nguồn-hứng cho cả người viết nhạc lẫn bần đạo bầy tôi đây. Thu, bao giờ cũng “vương mây ngàn”, “bơ vơ đến bên trời” và “gọi hồn hong gió thu buồn.”
            Lại nữa, cứ nói đến thu, nghệ sĩ nhà mình sẽ còn hát điệu buồn những là xa nhau, như sau:

“Ngày mai chúng mình xa nhau rồi
Cầm tay em nhìn sao không nói
Chiều nay mưa bay khắp phố nhỏ
Mưa ướt đôi vai mềm
Bùn lầy lấm gót chân em.”
(Từ Công Phụng – bđd)

Vâng. Thơ nhạc thì như thế. Thế còn, truyện kể thì ra sao?
Vâng. Một câu hỏi “hóc búa” như thế có ma nào dám trả lời. Thôi thì, thay vì trả lời trả cả vốn, nay mời bạn và mời tôi, ta nghe thử truyện kể nhè nhẹ như một trò chơi, một trò chơi quá tuyệt vời, rất sau đây:

“Năm ấy, con gái lớn của tôi, Tina được 9 tuổi. Một hôm, tôi chở con gái về thăm bà nội. Tôi nhớ rằng, giai-đoạn ấy tôi đi đến quyết định rằng việc mở tài khoản tình cảm giữa cha con chúng tôi là hết sức quan-trọng. Thế là, trước chuyến đi ấy, tôi cứ băn-khoăn mãi với ý-nghĩa; “Mình có thể làm gì trong vòng 30 phút để ký gửi vào tài-khoản tình-cảm của con gái?”

Bạn biết không, để làm được điều này, cần phải có một chút can đảm. Một đứa trẻ 9 tuổi chắc-chắn đã hình-thành nhận-định của riêng mình về những hành-vi mà nó trông-đợi ở người khác. Tôi không phải là người hay nói chuyện trong lúc lái xe.

Thỉnh-thoảng, tôi cũng có nhận-xét này nọ về cảnh-vật hai bên đường, nhưng thường thì tôi chỉ im-lặng điều-khiển “vô-lăng”. Vì thế, quả là tôi phải hoay hoay một lúc mới nghĩ ra cách và tôi ngỏ ý với con gái về một trò chơi giữa hai cha con.

Khi chúng tôi vừa lái xe ra khỏ nhà, tôi bèn hỏi: “Này con gái, sao bố con mình không cùng tham-gia một trò chơi nhỉ? Điều chúng ta cần làm rất đơn-giản, chỉ cần nói: “Bố ơi, con rất vui bởi vì…” hoặc: “Bố thích điều con làm bởi vì…” Từ “Bởi vì” rất quan-trọng, nó trả lời câu hỏi tại sao người khác yêu mến chúng ta. Đồng ý chứ? Bố bắt đầu trước nhé?”

Tôi là người bắt đầu trước. Tôi nói một điều gì đó về con gái. Cô bé ngẫm nghĩ một chút rồi bắt đầu nói một cái gì đó về tôi. Nhưng, sau ba bốn câu như vậy, tôi bắt đầu “cạn vốn” không nghĩ ra được điều gì để nói. Quả là một sự thật gây sốc đối với tôi. Tôi yêu con gái mình là thế, vậy mà tôi khó có thể nhớ ra việc làm hoặc nét tính-cách nào ở nó làm tôi yêu thích. Tôi chau mày cố tìm ra một cái gì để nói. Tina làm điều này dễ dàng hơn.

Sau khoảng năm, sáu câu trôi chảy, nó bắt đầu ngập-ngừng, với giọng nói ngắt quãng. Tôi chắc rằng nó đang cân nhắc mọi chuyện về bố nó, ôn lại những gì mà tôi đã nói hoặc đã làm. Nó biết ơn những việc tôi làm, những buổi đi dạo trong công-viên với tôi, những buổi tập bóng rổ ngoài sân và cái cách mà tôi đánh thức con bé dậy vào mỗi buổi sáng. Nó có thể nhìn thấy tất cả những điều tốt đẹp ấy trong tôi.

Tôi thì phải loay hoay để nghĩ ra những điều cần nói. Và, khi tôi phóng chiếu tầm mắt nhìn lại những sự việc xung quanh cô con gái bé nhỏ của mình, quan-sát lại những điều mà nó thường làm trong gia-đình, tôi bắt đầu thấy một điều khác. Tôi thấy cảnh nó ôm hôn cha mẹ, nhớ lại những câu nói hồn-nhiên của nó và cả những lời cảm ơn nữa. Tôi biết rằng Tina học giỏi ở trường và cung-cách của nó rất lễ-độ. Tôi bảo con rằng: tôi thích nhất là khi Tina đi học về và lao đến ôm cha mẹ.

Khi cha con tôi bắt đầu đi sâu vào chi-tiết và xem xét lại mọi chuyện thì chúng tôi không thể dừng được nữa. Chuyến đi chỉ kéo dài nửa tiếng mà chúng tôi đã nói được 22 hoặc 23 điều; đến đây, thì tôi phải ngừng lại vì không thể nghĩ ra được thêm một điều nào nữa.

Thú thật, tôi có cảm-giác lẫn-lộn trong trò chơi này. Một mặt tôi rất vui, nhưng không tránh khỏi cảm-giác thất-vọng. Điều đáng mừng là Tina có thể biết nhiều điều về bố nó như thế (nó vẫn muốn tiếp-tục cuộc chơi), tôi thất vọng vì thấy mình không thể tìm ra những điều gì đẹp đẽ tốt-lành trong con bé nữa. Nhưng, dù sao điều quan-trọng nhất vẫn là, suốt dọc đường hai cha con có cơ-hội chuyện-trò rôm-rả. Tôi nghĩ trò chơi mở đầu cho cách nói chuyện mà trước đây chưa bao giờ tôi trao-đổi với con.

Khi chúng tôi đến nơi, Tina nhảy ngay xuống xe, chạy như bay vào nhà và đó là lúc mà trái tim tôi như muốn vỡ oà ra vì cảm-động. Vừa chạy nó vừa la lên: “Bà nội ơi, nội ơi. Bố biết bao nhiêu điều tốt về cháu. Cháu không biết là bố biết nhiều điều tốt về cháu đến thế.” (Trích sách “Sống Mạnh Mẽ” do Stephen R. Covery biên-soạn, Trần Đăng Khoa – Uông Xuân Vy dịch)


            Lại cũng xin thú thật với bạn đọc và bạn nghe đọc trên “sách nói” về nhiều thứ, cả chuyện phiếm lẫn truyện kể nhẹ-nhàng, rất giản-đơn.
Thú thật, là vừa xưng thú vừa nói thật những điều mà mình ít khi để ý đến. Thú thật, là thật tình tình xưng thú về kiến-thức rất hạn hẹp của mình. Thú rất thật, là: càng viết nhiều càng thấy mình chẳng biết gì nhiều, cả những điều căn-bản mà người đọc hoặc người nghe đọc truyện kể lại biết nhiều hơn người viết.
Thú thật thêm nữa, là bần đạo đây, tiếng là viết và lách những 10 cuốn chuyện phiếm trong thời gian gần 10 năm nói khoác, không có sách, mà thật ra chỉ là trích và dịch những tư-tưởng của người khác, kể cả và nhất là người nhà Đạo rất “im hơi lặng tiếng”. Thú thật, cũng rất thật như người kể truyện ở trên đôi khi cũng “thú thật” những sự thật ít khi dám xưng thú.
Và hôm nay, bần đạo đây lại cũng xin phép với bạn đọc và bạn nghe sách báo đọc bằng tai/miệng rằng: chỉ dám xin bầu bè miễn thứ cho cái tội biết quá ít, nhưng lại dịch quá nhiều. Thôi thì, đã xin phép thế rồi, nay bần đạo bèn đánh bạo ngẩng đầu nhìn về đằng trước tìm xem có đề tài gì để trích và để dịch hầu cống-hiến bạn đọc và bạn nghe đọc, hầu giết thì giờ để cho vui.     
Thế thì, mời bạn và mời tôi ta đi thẳng vào bài báo xuất-hiện trên tờ The Cathokic Weekly ở Sydney hôm 20/12/2015 có đầu đề bảo rằng: “Theo toà-thánh Vaticăng, thì: Người Công-giáo không nên tìm cách khiến người Do-thái-giáo trở lại đạo”.

Đi thẳng vào bài báo, là đi vào phần tìm-hiểu rất như sau:

“Tài-liệu vừa mới phát-hành của Toà-thánh Vaticăng dạy rằng: Người Công giáo chúng ta không nên bắt-buộc người theo Do-thái-giáo phải về với Đạo mình, cho nhất-quán. Đây, là sứ-điệp của Uỷ-ban Giáo-Hoàng về Tương-quan Đạo-giáo đối với người theo Do-thái-giáo đã được Toà thánh làm sáng-tỏ qua sứ-điệp của Công-đồng Vaticăng 2 trong một tài-liệu có tên là “Nostra Aetate”. Tài-liệu mới, của Toà thánh được phổ-biến, để mừng kỷ-niệm 50 năm ngày kết-thúc Công đồng Vaticăng 2 này…

Tài-liệu, nay nhấn mạnh điểm này, là: niềm tin của người Đạo Chúa có gốc-gác từ Do-thái-giáo, từng xác-nhận rằng Thiên-Chúa lần đầu tiên mặc-khải về chính Ngài, là dành cho người theo Do-thái-giáo. Và tài-liệu đây cũng nói: “Chính vì thế, Hội-thánh buộc phải quan-niệm việc giảng rao Tin Mừng là dành cho người theo Do-thái-giáo, tức: những người chỉ tin vào một Thiên-Chúa độc-nhất theo cung-cách khác với điều mà những người thuộc tín-ngưỡng khác, và những người thuộc thế-giới khác với ta, từng quan-niệm.”

Tài-liệu, còn nói thêm: dù người Do-thái-giáo không tin Đức Kitô là Đấng Cứu-chuộc toàn vũ-trụ, họ vẫn có phần trong việc cứu-rỗi nhân-trần, do quà-tặng và lời mời gọi của Thiên-Chúa là lời mời không thể thu-hồi lại được. Thế nên, làm sao điều như thế lại nằm ở huyền-nhiệm vô-phương dò-thấu trong kế-hoạch cứu-rỗi của Thiên-Chúa, được.

Bằng lời lẽ cụ-thể, điều này có nghĩa là: Hội-thánh Công-giáo không hành-xử cũng chẳng hỗ-trợ bất cứ sứ-vụ đặc biệt theo bất cứ cơ-chế nào trực chỉ về phía những người theo Do-thái-giáo, nào hết.

Tài-liệu, nay khuyến-khích người Đạo Chúa hãy biết “làm chứng-nhân cho niềm tin của họ trong Đức Giêsu Kitô đối với người Do-thái-giáo, nhưng theo cách ‘khiêm-hạ và bằng thái-độ nhạy-cảm’ biết chắc chắn rằng người theo Do-thái-giáo lại cũng là chứng-nhân cho Lời của Thiên-Chúa.

Tài-liệu nói ở đây, lại cũng dạy rằng: người Công-giáo chúng ta sẽ hiểu được ý-nghĩa của Lò Thiêu Sự Sống là thế nào với người Do và phải đấu-tranh chống bất cứ dấu hiệu của thành-kiến chống lại người Do-thái-giáo. Người đi Đạo Chúa không bao giờ đu7o5c phép tỏ ra mình là người chuyên bài bác người Do-thái, đặc-biệt vì Đạo Chúa bắt nguồn từ Do-thái-giáo…(X. The Catholic Weekly 20/12/15 tr. 27 trích tin/bài từ CATHOLICCULTURE.ORG)       

            Trích và dịch như thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào vườn hoa âm-nhạc có những ca-từ đầy tình-tự đọng lắng tâm-tư của người cùng một cảm-nghiệm những hát rằng:

“Thu nay mây ngàn còn giăng mãi bên trời,
Mùa thu lưu luyến bóng dáng anh đi.
Đêm nay bên thềm cầm tay em khẽ nói:
Ngày mai anh đi rồi,
Anh có buồn gì không?

Buồn không hỡi người đã đi rồi.
Tìm đâu những ngày vui êm ấm?
Người đi theo năm tháng không cùng,
Thương mắt em hay buồn,
Nhìn mùa thu chết bên song.
(Từ Công Phụng – bđd)

Kể ra thì, bạn và tôi có hát những câu ca da-diết đến là như: “Buồn không, hỡi người đã đi rồi?” “Tìm đâu những ngày vui êm ấm?” cũng là để dẫn đưa nhau vào với giòng chảy suy-tư đầy tư-lự, vẫn nhủ rằng: đời mình/đời người vẫn đầy ắp nhiều suy-tư về Đạo và về đời, như lời kể của cô-giáo ở trường tiểu-học nọ có bé nọ tên “Nho” lại cứ muốn thuật lại từng chữ cho mẹ mình nghe, hay như phim Hàn-quốc sau đây:

Chú bé 9 tuổi tên Nho được mẹ hiền gặn hỏi xem bé học được những gì ở nhà trường, môn giáo lý. Nghe mẹ hỏi, bé tíu tít nói vội vàng:

-Mẹ, cô ở trường có kể cho tụi con nghe rất nhiều chuyện Chúa làm. Sao con thấy chuyện nào cũng đẹp như phim tập, đó mẹ. Cô bảo thế này: Chúa cứu dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ của lính Ai Cập chuyên hà-hiếp dân lành Do Thái. Chúa cứu họ bằng cách cho ông MôSê, xuất hiện ngay sau lưng địch, mà địch không hay.

Kế đó, ông Môsê đem dân Do Thái tới Biển Đỏ an toàn xa lộ, không ai bị đói. Thế rồi, ông lại truyền cho các kỹ sư bắc một cây cầu thiệt to, cao ơi là cao, đặt ngay phía trên đỉnh đầu của mọi người. Và rồi, dân Do Thái ai cũng qua được cầu, mà không bị gì hết. Kế đến, ông dùng di-động gọi về cho tổng hành dinh, kêu máy bay yểm trợ.

Thế là, họ gửi máy bay đến um sùm trời đất, bắn phá tơi bời. Và, cầu bị sập ngay lập tức. Làm chết đám lính Ai Cập. Bọn lính chết sạch, không ai kịp trăn trối với vợ con. Trong khi đó, dân Do Thái cứ ung dung sống an nhàn, thảnh thơi. Mẹ thấy có khủng khiếp không!

Bà mẹ ngắt lời:
-Này con, con kể có đúng như cô con dạy không đó?
-Con nói thiệt đấy. Đúng rồi đó, mẹ. Con chỉ thêm có chút xíu cho nó giống phim Hàn Quốc, thôi. Chứ, kể dài như cô ở trường, mẹ nghe chỉ có nước ngủ gục, chứ ai mà tin những điều cô kể!…

Lời chú bé thuật lại, nghe cũng giống như lời “cụ đạo” nào đó đứng bục cứ đem các truyện tiếu lâm chay/mặn ra mà xào xáo tuy không giống như lời chú bé tên Nho nói ở trên, nhưng cũng là lời kể khá là “hư cấu” ở đâu đó, rất Do-thái-giáo (?).
Quá đáng chăng, nếu cứ gán tội cho người theo Do-thái-giáo những “hư cấu” và/hoặc xấu xa rất không thật? Hư-cấu chăng, hay chỉ là hư-hao, hư-hại một uy-tín mà lâu nay ta cứ gán bừa cho người đồng Đạo tôn-thờ cùng một Chúa Trời, ở cõi này? Hư hay không hư, người Do-thái cũng đâu phải thế. Không tin, cứ mời bạn/mời tôi ta vào lại vường hoa Lời vang bậc thánh-hiền có những đoạn quả-quyết rất chắc nịch như sau:

Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa
mà bạn xét đoán,
thì bạn cũng không thể tự bào chữa được.
Vì khi bạn xét đoán người khác,
mà bạn cũng làm như họ,
thì bạn tự kết án chính mình rồi.”
(Rm 2: 1-2)

Dẫn-chứng ở đây, đôi điều này, không phải để bảo nhau: ta đừng xét-đoán hoặc phê bình người nào khác, dù người ấy có là Công-giáo, Tin-Lành hay Do-thái-giáo. Mà là, hãy nhìn lại xem Đạo mình, người mình đặt nặng cuộc sống của chính mình vào điều gì, mà thôi.
Dẫn-chứng hay không chứng-thực vào làm chứng gì đi nữa, cũng chỉ để tôi và bạn, ta mời nhau đi vào một hành-trình sống đạo trong đó có những đòi hỏi khá gắt gao của cả một đạo-giáo chung đụng với mọi người ở thế-trần. Đòi hỏi ấy không gì ngoài chuyện thương yêu và tha thứ.
Để minh-hoạ cho đòi hỏi cốt-lõi của Đạo Chúa hay đạo từ-bi làm người, cũng nên mời nhau đi vào vùng trời truyện kể để dẫn chứng cho điều mình cần suy-tư thực-hiện trong cuộc sống rất đời thường. Truyện kể bao giờ cũng nhè nhẹ đi vào tâm-can của mỗi người và mọi, như sau:

Một hôm, một cậu học sinh 14 tuổi đang trên đường trở về nhà sau giờ tan học thì nhìn thấy bên trong hiệu sách ven đường có một cuốn sách mà cậu rất yêu thích nhưng trên người cậu lại không mang đủ tiền để mua cuốn sách đó. Thế là, cậu liều đem cuốn sách giấu vào trong ngực, không ngờ bị ông chủ hiệu sách bắt gặp.

Ông chủ bực tức đưa ngay cậu bé vào trong một căn phòng kín. Sau đó, gọi mấy nhân viên bảo vệ tới và xét hỏi. Cậu bé sợ hãi, nước mắt giàn rụa chảy đầy khuôn mặt. Một lát sau, họ hỏi cậu bé số điện thoại của gia đình, bố mẹ và gọi điện tới thông báo cho gia đình.

Chỉ ít phút sau, cha của cậu bé chạy tới. Cậu cúi đầu im lặng và chờ đợi sự trách phạt từ cha.

“Tôi nghĩ, đây nhất định là một sự hiểu lầm!” Người cha nói: “Bởi vì tôi rất hiểu con trai mình. Cháu là một cậu bé hiểu chuyện. Nhất định đây là cuốn sách mà cháu rất yêu thích, nhưng lại không mang đủ tiền để mua nó cho nên mới làm như vậy. Ông xem như thế này có được không nhé, tôi sẽ trả số tiền gấp 3 lần để mua cuốn sách kia và chuyện này coi như xong!”

Sau đó, người cha lấy ra đủ số tiền trả cho chủ hiệu sách. Cậu bé sợ hãi và lấm lét nhìn cha, người cha cũng nhìn con trai nhưng trong ánh mắt ấy không hề có sự trách mắng mà chỉ có chan chứa yêu thương…

Hai cha con cậu bé rời khỏi hiệu sách, người cha dừng bước rồi nâng khuôn mặt đầy xấu hổ và cảm động của con trai lên rồi nói: “Con trai! Cả đời này con nhất định sẽ phạm phải không nhiều thì ít lỗi lầm. Hãy tiếp thu rồi quên nó đi! Đừng để nó lưu lại bóng mờ trong lòng con, hãy cố gắng học tập và sống chỉ cần lần sau đừng phạm lại tội lỗi ấy nữa thì con vẫn là một người con khiến cha mẹ kiêu hãnh, tự hào!”

Nói xong lời này, người cha liền đặt cuốn sách vào tay con trai. Cậu bé không nhịn được liền oà khóc và sà vào lòng cha. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh, đừng đánh mắng khi trẻ phạm lỗi. Bởi vì như vậy sẽ dễ dàng gây ra cho trẻ một tâm lý oán hận. Nếu có thể dùng nhiều hơn một chút tha thứ và giảm đi một chút trách mắng thì đó chính là cách xử sự của bậc cha mẹ có trí tuệ.” (Theo NTDTV / ĐKN - Mai Trà biên dịch)

            Phiếm-luận hôm nay và mai ngày, bao giờ cũng là thời-khắc để bạn và để tôi, ta thư-giãn lắng đọng lòng mình vào với những giây phút kể lể cho nhau đôi ba ý-tưởng làm nền cho cuộc sống rất thường-tình, ở đời.
            Phiếm và luận, lúc nào và bao giờ cũng chỉ gồm những kể và kể. Kể cho nhiều, cho hay đó mới là mục-tiêu và là cung-cách để tôi và bạn, ta cùng nhau khuyến-khích mọi người đi vào cuộc sống tuy ồn-ào, náo-động, nhưng rất vui. Vui với người và với mình, suốt mọi ngày trong đời. Ở chợ đời.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn cứ kể hoài kể mãi
            Câu chuyện phiếm rất Đạo
            ở trong đời.
            Với mọi người.



     

Saturday 26 December 2015

“Chiều mưa không có em”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần lễ Thánh Gia năm C 27/12/2015

“Chiều mưa không có em
Bờ đá công viên âm thầm
Chiều mưa không có em
Giăng mắc mây không buồn trôi.”
(Trường Sa – Mùa Thu Trong Mưa)

(Êphêsô 6: 1-3)

Bàn về Đấng-Bậc-là-Mẹ của các Bậc và các Đấng, mà lại sử-dụng ca-từ ở nhạc-bản “Mùa Thu Trong Mưa” đến như thế, thì thật là không phải. Đúng hơn, phải nói là: không mấy thích-hợp.
Thế nhưng, hỡi bạn và tôi, ta cứ nghe thêm vài câu nữa, để xem sao. Và sau đó, sẽ bàn-luận kỹ hơn thêm. Vâng. Câu hát, ta nghe thêm là thế này:

“Gọi mùa thu lãng quên
Vào tiếng mưa rơi êm đềm
Trời còn mưa ướt thêm
Cho dài ngày tháng không tên.

Chiều mưa không có em
Đường phố quên chưa lên đèn
Chiều mưa không có em
Biết lấy ai chia hờn tủi.

Trời mùa thu lắm mây
Còn bước em đi quên về
Vòng tay ôm lẻ loi
Cho mình còn mãi thương nhau.
(Trường Sa – bđd)

Còn nhớ: có lần bạn vàng cùng lớp ở trường Dòng từng viết sách/báo với bút hiệu là Hoài-Mỹ lại đã đề-nghị bần đạo đây tham-gia đóng góp bài viết cho nội-san cựu tu-sinh Dòng Chúa Cứu Thế đang sinh sống ở Nam California, Hoa Kỳ, với chủ-đề mà khi thầm đọc nghe ra hơi bị lẫn-lộn và chộn rộn. Chủ-đề “Mẹ mùa Xuân” hay “Mẹ Mùa Xuân”, câu nào đúng và cũng hay?
Lại có trường-hợp: bà bầu chương-trình nhạc thính-phòng “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney, Úc đề-nghị mỗi năm nên có chủ-đề: “Xuân bốn mùa” nghe đến tức cười.
Nói gì thì nói, hễ nói đến Mẹ (chứ không phải người Cha hoặc Chúa) “là” Mùa Xuân, bần-đạo thấy cũng lạ. Bèn, góp giọng bằng đôi ba ý ngắn, để tham-gia mà bàn luận. Tham-gia hay tham-dự chuyện gì, thì: cũng hãy từ từ để bần-đạo kịp suy cho kỹ kẻo lỡ mồm lỡ miệng buột thành tiếng không hay không đẹp, cũng bất tiện.
Nhưng trước khi tham-gia/tham-dự, tưởng cũng nên nghe hết bài ca lạ-kỳ ở trên mà rằng:

“Chậm lặng người đi
Qua trên đường phố rét mướt.
Dấu chân chưa tìm về,
Chút kỷ niệm ngày đầu,
Để từng mùa thu đến,
Ra đi không mang tin,
Nỡ quên đi đành sao.

Kể từ em vắng xa,
Ngày tháng bơ vơ tên mình.
Mùa thu mưa vẫn rơi,
Không bước chân em tìm đến.

Chuyện ngày xưa biết sao,
Mỏi cánh chim bay phương nào.
Còn ngày xuân ấm êm,
Cho mình gọi tiếng yêu em.”
(Trường Sa – bđd)
  
Về “bà mẹ” ở nhiều nơi, mà văn-chương thi-tứ lẫn nhạc Việt gọi bằng tiếng “Em” lại vẫn là nữ-phụ ở đời, không phải bà xã cũng là bà nhà, cụ già hoặc bà nào khác ở nước ngoài được “bốc thơm” như bài viết của bạn đạo nọ, ở Hoa kỳ ký tên là Cao Bá Tuấn, rất như sau:

Đàn ông Việt dạo này bị xuống giá quá thể. Cứ lên Internet là thấy nhan nhản các chị em kêu lấy chồng Tây sướng, rồi chỉ có chồng Tây mới xứng với phụ nữ Việt. 
Là một người sinh sống ở cả Việt Nam và Mỹ một thời gian dài, tôi cảm thấy hình như các chị em Việt đang quá nâng tầm bản thân thì phải. Các chị em nghĩ chồng Tây dễ lấy thế sao? Thực tế, phụ nữ Việt so với phụ nữ Tây còn thua nhiều điểm lắm. 
Thứ nhất, so về ngoại hình. Công bằng mà nói, tôi thấy từ cái dáng đến khuôn mặt đều thua bét. Mắt một mí, mũi tẹt sao so được với mắt to, mũi cao. Người Việt ta phụ nữ có dáng nhỏ thó, ngực nhỏ, nhìn làm sao cuốn hút và hấp dẫn như các phụ nữ Tây nảy nở?
Thứ hai, về tính cách, tôi càng có thể kể ra cả rổ những thứ chị em ta thua xa chị em Tây. 
Phụ nữ Việt vẫn vỗ ngực tự hào là họ đảm đang, hiền dịu, giàu đức hy sinh. Chuyện này chỉ đúng với đời các bà, các mẹ ngày xưa mà thôi. Còn chị em bây giờ vụng về thấy ớn, đã thế còn hay kêu ca, đòi hỏi. 
Có sang Tây, mới biết phụ nữ Tây đảm-đang gấp ngàn lần phụ-nữ Việt. Người nước ngoài sống tự lập, nên việc nhà họ rất rành, nấu ăn ngon khủng-khiếp. Mà, món ăn Tây lằng nhằng/rắc rối, công phu lắm chứ không đơn-giản như đồ ăn Việt mình, cứ là xào xáo, đổ mắm đổ nước vào là xong. Nhiều cô còn làm bánh mì, bánh ngọt nhoay nhoáy nữa đấy. 
Phụ nữ Tây không có chuyện vừa làm vừa kêu ca như chị em Việt mình đâu. Tôi có vài người bạn Việt đã lấy vợ, nghe các cậu than thở về người vợ cũng thấy phát ớn. Lúc nào các cậu cũng bị vợ lấy lý do làm việc nhà hầu hạ chồng con ra để làm cao, hoặc cật vấn. Phụ nữ Tây không như vậy. Họ rất vui, khi nấu nướng cho người mình yêu thương. Đã kêu ca, thì họ không làm. 
Họ không bao giờ quản chuyện tiền nong của chồng, như chị em Việt nam hay làm. Chỉ cần góp đủ sinh-hoạt-phí và lo được cho con cái, là ổn. Còn thì, tiền ai nấy giữ, muốn làm gì thì làm. Đâu có khổ sở như đàn ông Việt, tiền thì mình làm ra thế mà lại cứ phải giấu-diếm như là tiền đi ăn cắp, cứ phải lận quỹ đen quỹ đỏ ở khắp mọi nơi. 
Riêng về điểm này, tôi thấy phụ nữ Việt rất vô lý. Họ không tôn trọng tối thiểu đối với chồng. Nên nhớ, vợ chỉ là  bạn đời chứ không phải là mẹ, mà o ép/quản thúc chồng cách trắng trợn đâu đấy. Nhiều chị vợ, còn điên khùng tới mức tịch-thu hết lương/tiền của chồng rồi hàng ngày phát chẩn cho chồng như kiểu mẹ phát tiền quà sáng cho con, trước khi đi học. Tôi thấy thật “dấm dớ” hết sức nhẽ mình. 
Về đức hy sinh, tôi thấy phụ nữ Tây đầy những người biết hy sinh còn hơn phụ nữ Việt nhiều lắm. Bạn bè Tây của tôi, có mẹ ở nhà lo nội trợ rất nhiều, hy-sinh toàn-bộ sự-nghiệp cho chồng con. Mà, cái quý nhất là: họ không cho đó là sự hy sinh. Họ vẫn cứ tự nguyện và coi công việc ở nhà chăm sóc cho con cái, gia đình, là công việc hết sức cao cả. 
Các bà mẹ Tây lại rất giỏi. Một nách 3, 4 con vẫn có thể nuôi con khôn lớn, đẹp đẽ, giỏi giang, không một lời than thở kêu ca như các bà mẹ Việt. Chứ như, mấy bà mẹ trẻ người Việt ấy hả? Nuôi con mình mà cứ làm như đang đi trả nợ, kêu-rêu ầm ĩ, rồi gắn cho mình một hình-tượng vĩ đại, hoành-tráng. 
Mà, tôi lại ghét nhất cái kiểu phụ nữ Việt cứ lấy cái cớ sinh con vất-vả, sinh con đau đớn ra mà hành-hạ và đòi-hỏi đàn ông chúng mình. Cứ làm như đứa con ấy, là con của bọn đàn ông chứ không phải là con của các chị. Đẻ con ra, được làm mẹ thì phải lấy đó làm hạnh-phúc thiêng-liêng, chứ! Sao lại dùng đứa con đứt ruột mình đẻ ra làm lý-do để uy-hiếp chồng mình thế, nhỉ? 
Phụ nữ Tây lại cũng đáng yêu hơn phụ nữ Việt. Họ vui vẻ, thân-thiện, xởi lởi, cư xử thật lòng. Chứ, phụ nữ Việt mình cáo già lắm đấy bà con! Bên ngoài thì tươi cười như hoa, nhưng trong lòng thì tính toán ghê lắm. 
Phụ nữ Việt luôn nghi ngờ, đề phòng tất cả mọi người xung quanh, đặc biệt là đối với chồng và gia đình chồng. Một điểm nữa là phụ nữ Tây không biết nói khích, nói xéo như phụ nữ Việt mình đâu. Có gì không vừa lòng, thì họ bảo thẳng, bàn-bạc tìm cách giải-quyết sao cho hợp tình hợp lý mà họ gọi là “fair play”. Đâu giống như chị em phụ nữ ở đây, nếu không được như ý là y như rằng: sẽ đá thúng đụng nia, sưng xỉa cả ngày. Nhìn cảnh ấy, tôi thấy mình ớn lắm rồi. 
Đi chơi với phụ nữ người nước ngoài, sướng một cái là: họ rất hiểu chuyện. Không hiểu người Việt mình lấy đâu ra quan-niệm là: đàn ông phải lo kinh-tế, đàn ông đi đâu cũng phải thanh-trả tiền bạc dù chỉ là bạn bè/đồng nghiệp bình thường. Nếu không trả, sẽ bị qui vào dạng ki bo, thậm chí còn bị bảo là “anh nà, tính-khí đàn bà”. 
Vô hình chung, gánh nặng tiền bạc đặt lên vai đàn ông rất nhiều. Nhưng chị em Tây phương lại không như vậy. Họ san sẻ tiền bạc, một cách bình đẳng. Phụ nữ bên Tây, bên Mỹ không có thói quen đào mỏ, ỷ lại như phụ nữ Việt Nam. 
Mặt thứ ba, mà tôi muốn nói tới là: khía-cạnh tế nhị. Đó là chuyện rất khó nói. Phụ nữ Việt còn nhiều quan-niệm cổ-hủ về “tính-dục” và không giỏi-giang bằng phụ nữ nước ngoài. Mặt khác, họ cũng hay lười tập thể-dục nên sức-khỏe thường rất yếu, thiếu chủ động chuyện phòng the… 
Nhiều chị em Việt khen đàn ông Tây thông-thoáng, không quan-tâm nhiều về chuyện trinh tiết. Tuy ói thì thế, chứ: người nước ngoài rất coi trọng sự chung-thủy trong tình yêu. Với họ, sự đồng-điệu về tinh-thần rất quan-trọng. Người yêu phải là tri-kỷ của họ, mới được. 
Phụ nữ Việt lại không thế. Cái mà người Việt trân-trọng lại là sự thủy-chung về thể xác. Chứ, tinh thần thì lại hay phản-bội. Biểu hiện, là họ thường đứng núi này trông núi nọ, so sánh người đàn ông của mình với người khác. Điều này, tôi đánh giá là tệ hơn nhiều so với chuyện ngoại-tình về thể xác. 
Chuyện yêu-thương phụ nữ Việt cũng rất mệt. Một là yêu mà không được đụng đến người mình yêu, tức: yêu chay! Tình-yêu khác nào tình bạn. Còn, nếu lỡ đụng-chạm vào họ rồi, thì họ sẽ bắt đàn ông chịu trách nhiệm, biến chuyện tình yêu trở nên nặng nề, thành gông cùm trói chân, trói tay rất nhàm chán. 
Tôi thích cách yêu của phụ nữ phương Tây. Họ thoải mái, thậm chí có thể sống chung với người yêu. Thật ra, họ không hề buông thả chút nào, mà rất cẩn thận. Họ muốn xem xét mọi khía cạnh xem có phù hợp không đã, rồi mới tiến đến hôn nhân, tức: một đại sự suốt cả đời, mới dám ký vào bản cam kết ràng buộc nhau về pháp luật. 
Nói tóm lại, cảm nhận của tôi là: phụ nữ Tây tốt hơn phụ nữ Việt nhiều. (theo Cao Bá Tuấn trên mạng)

Trích-dẫn đoạn viết dài giòng này, bần-đạo thấy tác-giả bài viết cũng rất gan dạ. Riêng bản thân bần đạo đây cũng chẳng dám nhi nhô đôi lời bàn, nào hết.
Thật ra thì, bần đạo bầy tôi đây, nhân dịp này, dám mời bạn đạo/bạn đường ở đây đó, ta cứ vào cuộc suy-tư lai rai dài dài mà nhiều người gọi đó là “Chuyện phiếm Đạo/đời” hay sao đó, cho rõ nghĩa. Phiếm chuyện Đạo, hôm nay/mai ngày, là: phiếm về chuyện Mẹ (chứ không phải là Cha hoặc đức thánh cha) đâu mà làm gì. Phiếm chuyện Đạo, là tản mạn và phiếm như thế này:

“Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng: chứng-cứ về việc sùng-kính Đức Maria xuất tự lối phụng-thờ mẫu-thần của dân ngoại qua đó, người mẹ được thờ kính nhiều hơn là con của bà. Điều này tạo cho những người tìm-hiểu việc sung-bái Đức Maria, có được mấu-chốt giải-quyết mối bí-ẩn/huyền-nhiệm của Babylon, hôm nay.

Đạo Chúa rất thật, từng dạy cho ta biết rằng Giêsu Đức Chúa (và chỉ mình Ngài mà thôi, chính là con đường, là sự thật và là sự sống. Chỉ mình Ngài mới có khả-năng tha thứ mọi lỗi tội. Rằng: chỉ mình Ngài, hơn hẳn mọi thụ-tạo trên trần-thế này, mới là Đấng sống một cuộc sống không bị tì-vết do lỗi/tội tạo ra và chỉ mình Ngài mà thôi, mới là Đấng được tôn-sùng, thờ-kính, chứ không phải Mẹ Ngài.

Thế nhưng, Đạo Công giáo La Mã, bằng vào bằng chứng cho thấy Đạo của Chúa từng chịu ảnh-hưởng nhiều về chuyện này trong quá-trình phát-triển rộng khắp theo nhiều cách, đã xiển-dương tôn-sùng cả Đức Mẹ nữa.  

Bất cứ ai, có cơ-hội hoặc điều-kiện đi khắp năm châu, bốn bể sẽ nhận ra rằng tại bất cứ nhà thờ hoặc nguyện-đường lớn nhỏ trên thế-giới đều thấy có ảnh-tượng Đức Maria được đặt ở vị-trí rát nổi bật để mọi người được thấy mà chiêm-ngưỡng, hoặc thờ lạy. Khi lần chuỗi hạt Mân Côi, bà con đi Đạo thường vẫn đọc kinh Kính Mừng Maria lặp đi lặp lại đến 9, 10 lần nhiều hơn cả kinh Lạy Cha, là kinh được Đức Chúa truyền-dạy ta hãy đọc.

Người Công-giáo được dạy rằng: lý-do khiến ta nguyện cầu/cầu xin Đức Maria nói rằng Mẹ có thể chuyển-trao/cầu bàu ý-nguyện của ta lên Con của Mẹ, là Giêsu Đức Chúa, do bởi Mẹ là Mẹ của Ngài, chắc chắn là Ngài sẽ đáp-ứng lời cầu của theo yêu-sách của Mẹ, vì Mẹ. Điều này, lại đi ngược lại ý của Kinh thánh. Đúng là ý kiến này thường được nhắc nhiều trong các bài viết hoặc kinh-kệ do người đi Đạo tạo ra…

Một ví-dụ dễ thấy nhất, là: thánh Anphong đệ Ligôri, Đấng sáng-lập Dòng Chúa Cứu Thế, đã từng viết nhiều lần trong sách của thánh-nhân, vẫn bảo rằng: kinh-nguyện ta đọc, muốn được hiệu-lực, thì hay nhất nên hướng về Đức Mẹ hơn Đức Kitô…

Thánh Anphong Ligôri có nói: tội-nhân nào đi thẳng đến Chúa nguyện cầu Ngài thứ-tha mọi lỗi tội của mình, có khi gặp lúc Chúa đang giận dữ sao đó, nên sẽ thất-bại. Còn, nếu biết chạy đến cùng Đức Nữ Trinh Maria, thì Mẹ sẽ chỉ cần chìa “vú” cho con mình là Đức Giêsu bú, thì cơn giận của Ngài sẽ giảm hạ rất nhanh.” Lý-luận này, lại khác hẳn lời đối đáp được ghi chép ở Tin Mừng thánh Luca đoạn 11 câu 27, khi ấy người nữ-phụ được chữa lành, đã cất tiếng thưa với Ngài rằng: “Phúc cho lòng dạ cưu mang Ông, và vú ông đã bú.” Nhưng Ngài nói: “Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên-Chúa và noi giữ.”

Mặt khác, các ý-tưởng về vú mớm, cũng không xa lạ gì đối với dân ngoại tôn thờ Mẫu-thần dân ngoại. Nhiều hình-ảnh về việc tôn-thờ như thế đã được khai-quật cho thấy “vú mớm” của Mẫu-thần này to lớn hơn thân-thể của bà. Trường hợp nữ-thần Diana, là rõ rệt hơn khi chứng-tỏ tính “mắn đẻ” của bà, người xưa đã vẽ và tạc tuợng bà có cả trăm vú…

Lâu nay, nhiều người Công giáo trên khắp thế-giới, vẫn hằng đọc kinh Kính mừng, lần chuỗi Mân Côi, đọc kinh truyền tin và kinh cầu Đức Nữ Trinh Maria còn nhiều hơn kinh nào khác. Có vị làm thử con tính cộng trừ nhân chia, mới thấy là: mỗi giây đồng hồ, Đức Mẹ sẽ phải nghe người dân đi Đạo cầu xin Mẹ giúp đỡ đến 46,296 lần. Xem như thế, thì: không ai ngoài Thiên-Chúa lại có thể làm được như thế. Tuy nhiên, mọi người Công-giáo đều tin rằng Đức Mẹ nghe đủ các kinh như thế. Chính vì vậy, mọi người cần phải tuyên-dương đưa Mẹ lên ngang hàng với bậc thần-thánh, dù việc đó có hợp với Kinh thánh hay không!”          (X. Ralph Woodrow, Mary Worship, Babylon Mystery Religion Evangelistic Association Inc, 1996, tr. 13-tt),

Bàn luận nhiều sự việc như thế cũng chẳng để làm gì. Cũng chẳng làm Đức Maria bớt đi niềm sùng-kính rất mẫu thân. Có lẽ, cũng chỉ nên và chỉ cần kể cho nhau nghe những câu chuyện na ná giống như “phiếm” để cho vui, là hay nhất. Vui rồi, sẽ nhớ hoài và nhớ mãi mọi sự thể trong đời người và đời mình, như truyện kể để mọi người vui, như sau:

Hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt.  Anh chồng ra điều kiện: “Chúng ta mỗi người bước đi 10 bước về 2 hướng khác nhau.  Nếu đi trong 10 bước mà cả hai quay đầu lại thì không có chuyện gì. Còn sau 10 bước không ai quay đầu lại, thì coi như đường ai nấy đi.  Sau này có gặp lại nhau chúng ta vẫn coi nhau là bạn bè nhé !” 

 Anh chồng bước 9 bước, đến bước cuối cùng thì quay đầu lại và sững sờ khi thấy người vợ đi theo sát ngay sau lưng mình.  Người vợ điềm tĩnh nói:  “Chỉ cần anh quay lại, em sẽ luôn ở phía sau anh!”  Anh chồng nghẹn ngào nấc không thành tiếng, ôm choàng vợ vào lòng rưng rưng.  Còn người vợ lén quẳng viên gạch giấu sau lưng xuống đất, nghĩ thầm trong bụng:“Chỉ cần ông bước thêm 1 bước nữa, thì viên gạch của bà sẽ lên đầu ông rồi” 
(QD. Chuyển Tiếp). 

Bàn cho nhiều, phiếm cho căng, chi bằng ta đi thẳng vào khu vườn thượng-uyển của Đấng bậc thánh-nhân hiền-loành, có những lời lẽ rất khuyên-nhủ như sau:

“Kẻ làm con, hãy vâng-phục cha mẹ (trong Chúa),
vì đó là điều phải.
Hãy thảo-kính cha mẹ ngươi.
Lệnh-truyền ấy là giới răn thứ nhất có kèm thêm lời hứa:
Ngõ hầu ngươi được phúc
và hưởng thọ trên đất.”
            (Êphêsô 6: 1-3)

            Thành ra, cứ thảo-kính cả mẹ lẫn cha, đều là điều đáng hưởng phúc. Bởi lẽ, có làm mẹ làm cha mới biết thế nào là thứ tình người của cha của mẹ, rất trong đời.
            Cha, thì đôi khi cũng bận-bịu, quên-lãng phận làm cha của mình. Nhưng, mẹ thì chẳng bao giờ quên được những tháng ngày mang nặng đẻ đau, rất mẫu tử.
            Bởi thế nên, có thảo và có kính mẹ hiền mình, mới biết thế nào là tình mẫu-tử, là: những thứ được “nhân-cách-hoá” thành thần-tượng rất Mẹ hiền. Mẹ hiền ở đây, cũng có thể là Mẹ Maria ở Đạo Chúa rất nhân và rất hiền như người Mẹ. Nhưng cũng có thể: Mẹ vẫn là “Tình Mẫu-tử” rất thánh-thiêng đã trở-thành thần thành tượng cho mọi người cứ theo đấy mà phụng-dưỡng, tôn-sùng như và hơn Đức Chúa, hơn thần và thánh của mọi đạo.
Thành gì đi nữa, tưởng cũng nên tôn và sùng tình Mẫu Tử của mọi người, mọi loài còn hơn cả thần và tượng, chốn dân-gian một đời người có các bậc làm Mẹ vẫn cứ được tôn-dương hoài, thánh Đấng thánh, như Đức Maria, Mẹ của ta.
Trong tâm-tình cảm-mến Mẹ ta và mẹ người cũng rất thánh, rất hiền tưởng cũng nên hiên ngang hát nhạc đời có những câu sau đây:

“Kể từ em vắng xa,
Ngày tháng bơ vơ tên mình.
Mùa thu mưa vẫn rơi,
Không bước chân em tìm đến.

Chuyện ngày xưa biết sao,
Mỏi cánh chim bay phương nào.
Còn ngày xuân ấm êm,
Cho mình gọi tiếng yêu em.
(Trường Sa – bđd)   

“Cho mình gọi tiếng yêu em” hay yêu Mẹ, tôn-sùng Mẹ rất thánh trong Đạo, vẫn là lập-trường và quyết-tâm của người đi Đạo và giữ Đạo. Chí ít, là Đạo Chúa vẫn một lòng thờ kính Đức Maria, người mẹ hiền của các bà mẹ trên thế-giới; huống chi là Mẹ Việt Nam.
Xác-tín thế rồi, cũng nên kêu gọi bạn và tôi, ta cứ thư-thả và hiên-ngang hát hò những giai-điệu của tình yêu, cả những “yêu Em” hay “yêu Mẹ” rất Maria, như thế này:

“Chiều mưa không có em”
Bờ đá công viên âm thầm
Chiều mưa không có em
Giăng mắc mây không buồn trôi.
Gọi mùa thu lãng quên
Vào tiếng mưa rơi êm đềm
Trời còn mưa ướt thêm
Cho dài ngày tháng không tên.

Chiều mưa không có em
Đường phố quên chưa lên đèn
Chiều mưa không có em
Biết lấy ai chia hờn tủi.

Trời mùa thu lắm mây
Còn bước em đi quên về
Vòng tay ôm lẻ loi
Cho mình còn mãi thương nhau.
(Trường Sa – bđd)

Hát thì hát thế, vẫn đừng quên câu cùng những nhủ rằng: “Vòng tay ôm lẻ loi cho mình còn mãi thương nhau.” Vâng. Chính thế. Mãi thương Em, thương Mẹ và thương nhau. Đó chính là mục-tiêu của cuộc sống, với mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai
Cũng đã, đang và sẽ hát trong lòng 
            những lời như thế.
Suốt đời mình.