Tuesday 24 September 2019

“Thiên Thai chốn đây hoa xuân” “chưa gặp bướm trần gian.


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 26 thường niên năm C 29/9/2019

“Thiên Thai chốn đây hoa xuân”
“chưa gặp bướm trần gian.
“Có một mùa đào dòng ngày tháng
chưa tàn qua một lần.”
(Phạm Duy/Văn Cao – Tiếng Sáo Thiên Thai)

(1 Cor 1: 10-11)

Ví thử như hôm nay, bạn và tôi ta nghe được từ đâu đó câu hát tương tự, thì hỏi rằng: ta sẽ xử thế ra sao? Nhận lời ngay hay vẫn lắc đầu nguầy-nguậy bảo: “Em chả! Em chả!”? Thật ra, thì bạn và tôi, ta chả bao giờ dám có ý nghĩ thẳng-thừng như thế?

Thôi thì, ta hãy nghe thêm câu hát tiếp cho trọn vẹn, rồi sẽ tính:

“Thiên tiên! chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn
Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
đây đó nỗi lòng mong nhớ.

Này khúc bồng lai,
là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi.
Đàn xui ai quên đời dương thế.
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên

Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần.
Gió hắt trầm tiếng ca,
tiếng phách ròn lắng xa.
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta.
Đào Nguyên trước,
Lưu Nguyễn quên trần hoàn.
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm.

Nhớ quê chiều nào xa khơi,
chắc không đường về Tiên nữ ơi.
Đào Nguyên trước,
Lưu Nguyễn khi trở về.
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao.
Những khi chiều tà trăng lên.
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.
(Phạm Duy/Văn Cao – Tiếng Sáo Thiên Thai)


Vâng, hôm nay. Những ai thực-hiện công cuộc “tông đồ mục vụ” thoạt loáng thoáng nghe những câu hát hoặc câu nói tương-tự có dám nhảy vào tình-huống đầy văn-nghệ tính rồi bàn-bạc không?

Những ngày gần đây nếu chịu khó đọc báo Đạo ở Sydney-ngàn-năm-mây-bay này, hẳn bạn và tôi ắt nhận ra được tình-huống khá lạ kỳ ở nhà Đạo về khả năng có sự rạn nứt trong Giáo hội đến nỗi Đức Phanxicô phải có lời chấn chỉnh trên báo Đạo như đã rõ.

Thế nhưng, trước khi đi vào thực-tế nhà Đạo, thiết tưởng ta cũng nên về với Lời bàn của Đấng Thánh Hiền ở thư Côrinthô như sau:


            “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
tôi khuyên tất cả anh chị em
hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói,
và đừng để có sự chia rẽ giữa anh chị em,
nhưng hãy sống hoà thuận,
một lòng một ý với nhau.
Thật vậy, thưa anh chị em,
người nhà chị Chơlôe có cho tôi hay tin
về chuyện bè phái giữa anh chị em.”
(Thư 1 Côrinthô 1: 10-11)


Qua nhận định của người xưa, nay ta cũng nên ghi lại đôi ba ý/lời từ đấng bậc chủ quản chốn cao tít, vốn dĩ bảo:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô vừa tiết-lộ cho giới truyền-thông biết là ngài hy vọng và nguyện cầu cho Giáo hội Công giáo không phải sống trải nghiệm một rạn nứt rẽ chia. Tuy nhiên, sự tự-do của con người có nghĩa là: mọi người luôn luôn có và sẽ có “chọn lựa” về rẽ chia.

Cha sẽ cầu nguyện sao cho không bao giờ có sự rạn nứt rẽ chia trong Giáo hội và Cha cũng không hãi sợ. Rạn-nứt/rẽ chia từng xảy đến rất nhiều lần trong lịch sử của Hội thánh. Có điều là, mọi người đều có chung một chuyện là sở-hữu những sự việc như thế tập-trung lên ý-thức-hệ thoạt khi họ bắt đầu đọc về chủ-trương giáo-lý/tín điều của Hội thánh ngang qua nhãn-giới của sự ngừng trệ.

Rạn nứt/rẽ chia bắt đầu từ lúc “có một ý-thức-hệ nào đó, vẫn rất đúng, nhưng thẩm thấu ngang qua giáo-lý/tín-điều để rồi trở-thành “giáo-điều” với hai ngoặc kép trích-dẫn, ít ra trong một thời-gian.

Lấy ví-dụ về ý-thức-hệ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại kể đến các đấng bậc từng bảo rằng: “Đức Giáo Hoàng của mình quá nghiêng về phe/phái Cộng sản” là bởi vì những gì ngài chỉ trích về việc thả lỏng chủ-nghĩa tài-phiệt và về ảnh hưởng cách tiêu-cực trên đám người nghèo khổ. Chuyện xã-hội tôi muốn nói cũng y hệt như những điều mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị từng nói. Cũng y hệt một chuyện. Tôi chỉ cóp nhặt từ ngài mà thôi.

Ngài còn nói: khi ý-thức-hệ thay chỗ cho giáo-điều, sẽ có nguy-hiểm là có sự rạn nứt trong cộng-đồng tín-hữu Đức Kitô. Đức Phanxicô đã có lần nói chuyện với một nhóm tín-hữu Công-giáo sống ở Hoa Kỳ rằng họ không phải là những người từng chỉ-trích ngài –mà cả những vị có chân trong Giáo-triều Rôma nữa cũng từng làm thế-  nhưng ngài vẫn tìm cách học hỏi nhiều điều từ các lời chỉ-trích để tìm đường đối-thoại với người chỉ-trích nào cởi mở.

Đức Phanxicô lại cũng cho biết: “Chỉ-trích/xét đoán luôn giúp-đỡ rất nhiều người, Khi có ai bị chỉ-trích điều gì, thì việc trước tiên cần làm là phải suy-nghĩ, hỏi rằng: “Điều đó có thật hay không, thật đến cỡ nào? Có hiệu-lực không?

Ngài nói tiếp: “Đôi lúc, bạn cũng tỏ ra giận dữ về chuyện đó, nhưng bao giờ cũng có cái lợi rút tỉa từ việc lắng nghe xem người ta chỉ-trích những gì. Trong một lần trả lời các ký giả phỏng vấn ngài trên chuyến bay trở về nhà, thường hay bị đứt đoạn do máy bay chuyển động, Đức Phanxicô từng trả lời phần lớn vấn-nạn về các vấn-đề nêu ra hôm 4 đến 10 tháng Chín 2019 sau chuyến tham quan các nước Mozambique, Madagascar và Mauritius.

Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô được yêu cầu ứng-đáp đầy đủ về lời phẩm-bình không chính-thức do ngài đưa ra trên chuyến bay đến Mozambiqe hôm 4/9/2019 khi ngài bảo: “Thật là vinh-dự khi được người Mỹ tấn-công tôi.”

Nhà văn Pháp Nicolas Seneze có tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một phó bản cuốn “Làm sao Hoa kỳ lại cứ muốn thay Giáo-Hoàng” (dịch tiếng Pháp từ câu khẳng-định: “Comment l’Amérique veut changer de pape” trong khi tiếng Anh lại dịch là “How America wanted to change popes.)

Chính-đề do tác giả Seneze đặt ra là một nhóm những người Mỹ khá giả ở Hoa Kỳ đã dự-phần vào nỗ-lực có phối hợp để tung ra những nghi-ngại về triều-đại giáo-hoàng hiện giờ.

Đức Phanxicô còn nói trên chuyến bay trở về Vatican, thêm một điều là: “Cuộc chỉ-trích nói đây không đến từ Hoa kỳ, cho bằng mỗi nơi một ít, trong đó có cả Giáo-triều La Mã nữa, nhưng ít ra họ là những người làm chuyện này lại có can-đảm chường mặt ra với chúng dân để nói rõ.

Điều không thể chấp-nhận được, là khi có người “ngoài mặt thì tươi cười đến độ giơ cả hàm răng trắng ngà của mình cho mọi người xem” và sau đó là danh sách dài đằng đẵng gồm các lời chỉ-trích ‘phía sau lưng’.

Chỉ-trích là việc lành mạnh với điều kiện nó phải cởi mở và khi người đưa ra lời chỉ-trích vẫn muốn lắng nghe người khác lý-luận và trao-đổi. Và Đức Giáo Hoàng bảo: Đó mới là chỉ-trích đích-thực.” (X. Cindy Wooden, “Pope doesn’t fear schism”, The Catholic Weekly 01/9/2019 tr. 19)


Trích dẫn lời nhủ khuyên của đấng bậc chốn cao tít ở trên xong rồi, nay mời bạn và tôi, ta đi vào vùng trời truyện kể để thư-giãn với câu truyện này khác trước tiên là truyện gần với cuộc đời mình hơn, như sau:

 Cũng như các bà vợ khác ở hải ngoại, vợ tui kỳ này làm biếng quá.  Đi làm về là nằm trên giường xem phim bộ, chẳng chịu nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa gì ráo.  Tôi có la, bả ấp úng trả lời:

- Em thấy mệt quá, chẳng làm gì được cả.  Nằm nhưng không ngủ được nên mới bật máy xem phim, chứ không cố ý xem phim.

Coi vợ tui chơi chữ ghê, xem mà không xem, bả biện hộ kiểu này ai nghe cho được.
Tui định bụng hôm nay về mà bếp núc lạnh tanh, sẽ đập tan cái TV ra cho biết mặt.  Về nhà, quả nhiên cơm canh không có, đứa con nhỏ hoảng hốt:
- Ba ơi, anh Hai đưa má vào bệnh viện rồi, má bị xỉu phải cấp cứu.

Tui vội vã vào nhà thương.  Người ta đã chẩn bệnh xong.  Vợ tui có lẽ bị ung thư xương.  Hèn chi mấy tuần nay bị đau nhức, than thở mà tui nghĩ bả giả bộ nên không thèm nghe, cũng chẳng đưa đi bác sĩ.

Bệnh ung thư phát mạnh quá, sau vài tuần, bác sĩ cho biết vợ không còn ở với tui được bao lâu nữa.  Ung thư ngực thì cắt ngực, ung thư xương không biết cắt ở đâu! Phổi vợ tui cũng có vấn đề, vì bao năm qua phải hít thở khói thuốc lá tui hút. Tui không dám nói với vợ tui đã nghĩ xấu và giận bả không chịu nấu cơm, dọn dẹp. 

Cô vợ đầu ấp tay gối bao nhiều năm mà bả đau đớn, bịnh nặng tui cũng không biết.  Vậy mà bả vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền, chỉ khi về mới nằm liệt ra thôi.  Tui hối hận quá chừng, trốn vào nhà vệ sinh của bệnh viện khóc rấm rứt. Thằng Tây đen nhìn tui ái ngại, hỏi tui có OK không. Tui không biết than thở cùng ai, nên dù tiếng Anh dở ẹt, cũng sổ một tràng.  Nó có vẻ thông cảm nhưng chỉ phán được một tiếng “sorry” rồi đi ra.

Tui trở vào phòng thăm vợ.  Mới mấy tuần mà bả ốm nhom xanh lè, tay chân dây nhợ, kim chích chằng chịt.  Bả thì thầm:
- Ở đây buồn và ồn quá, em muốn về nhà.  Em sẽ nấu món giả cày mà anh thích đó.

Tui vỗ về:

-Em ráng lo nghỉ ngơi, đừng bận tâm.

Tui ráng nấu mấy món ngon đem vào nhà thương, nhưng vợ không ăn được nữa.  Tui lại khóc.  Lạ ghê, trước giờ tui rất oai phong, la mắng vợ con mỗi ngày, uy quyền lắm mà bây giờ mít ướt quá sức…

Lời bàn của người kể:

“Bạn hãy dành thời gian cho những người xung quanh mình – cho dù chỉ là để làm một việc nhỏ nhoi! “ 

Và một nhận-định khác của người biết chuyện:

“Cuộc sống con người trải dài như giấc điệp, có người đắm chìm vào chốn buồn rầu mãi không dứt, lại có người tỉnh-táo, xót xa cho những sầu mộng chóng qua của kiếp người. Rốt cục thì, đời người chỉ như giấc chiêm bao, thoáng vụt trong đống tro  tàn thôi.”
 
Nhận định hoặc tuyên-bố ra sao đi nữa, thiết tưởng ta cũng nên kể thêm nhiều truyện kể hơn nữa cốt để lưu-giữ trong đầu cái quyết-tâm âm thầm, chẳng hay biết. Quyết-tâm, là tâm-trạng mình quyết với mình bằng nhiều truyện kể tuy hơi khác một chút, sau đây:


“Truyện kể rằng, năm đó Michael Jordan 13 tuổi, cả gia đình cậu vẫn sống trong khu ổ chuột tồi tàn ở Brooklyn. Gia đình Michael Jordan có 4 anh chị em trong khi đồng lương eo hẹp của cha thường không đủ để chi trả cho sinh hoạt đầy tổn phí của gia đình.


Một hôm, cha của Michael Jordan đưa cho cậu chiếc áo cũ rồi hỏi:

-Con nghĩ chiếc áo này đáng giá bao nhiêu tiền?”
-Khoảng 1 đô la”, cậu bé trả lời.
-Con có thể bán nó với giá 2 đô la không? cha cậu bé vừa hỏi vừa dùng ánh mắt như cầu khẩn nhìn cậu bé.
-Chỉ có kẻ ngốc mới mua chiếc áo này, cậu bé trả lời.


Người cha lại nhìn con với ánh mắt đầy khích lệ:
-Sao con không thử xem? Con biết đấy, gia đình mình đang gặp khó khăn…
Sau khi nghe cha mình nói vậy, cậu bé gật đầu đồng ý:
-Con sẽ thử xem, nhưng con không chắc có thể bán được.


Cậu bé đem chiếc áo đi giặt rất cẩn thận, vì không có bàn là để ủi áo, cậu dùng bàn chải để giặt chiếc áo, sau đó để chiếc áo lên một miếng gỗ phẳng trong bóng râm phơi khô. Sáng hôm sau, cậu bé đem chiếc áo đến một ga tàu điện đông người qua lại. Sau 6 tiếng đồng hồ chào hàng, cuối cùng cậu bé cũng bán được chiếc áo với giá 2 đô la.


Cậu vội vàng cầm số tiền bán được chạy một mạch về nhà đưa cho cha. Những ngày sau đó, cậu đều đi tìm quần áo cũ ở đống đồ bỏ đi trong thành phố mang về nhà giặt sạch đem bán. Cứ liên tục như vậy hơn chục ngày, một hôm cha cậu bé lại đưa cho cậu một chiếc áo cũ khác rồi bảo: 


-Con có thể bán chiếc áo này với giá 20 đô la không?
-Làm sao có thể được như thế chứ hả ba? Một chiếc áo cũ làm gì có giá cao như vậy được, cùng lắm cũng chỉ đáng giá 2 đô thôi.
-Sao con không thử nghĩ xem, nhất định sẽ có cách, cha cậu bé khích lệ.


Cuối cùng cậu bé nghĩ ra một ý tưởng. Cậu nhờ người anh họ vẽ cho cậu một con vịt Donald và chú Mickey đáng yêu lên áo. Sau đó, cậu chọn một trường học, nơi đó có nhiều thiếu gia con nhà giàu theo học, cậu đứng ở cổng trường chào mời người mua.


Một lúc sau, có một người quản gia đến mua giùm chiếc áo cho vị thiếu gia mình. Vị thiếu gia đó đã vô cùng thích thú khi có được chiếc áo liền tặng “bo” thêm cho cậu 5 đô la, tổng cộng cậu bán được chiếc áo 25 đô. Đây là số tiền khá lớn đối với gia đình cậu. Số tiền này có thể tương-ứng với gần một tháng lương của cha cậu vào độ ấy.


Vừa về nhà, cha cậu lại đưa cho cậu một chiếc áo khác rồi nói: 

-Con có thể bán chiếc áo này với giá 200 đô được không? cha cậu nhìn cậu bằng ánh mắt đầy tin tưởng. Lúc này, cậu bé không do dự chút nào, cậu đón nhận chiếc áo bằng cả hai tay rồi bắt đầu suy nghĩ…


2 tháng sau, cuối cùng thì cơ hội bằng vàng cũng đã đến. Hôm đó, nữ diễn viên chính của bộ phim đang nổi tiếng “Những Thiên Thần của Charlie” là cô Farrah Fawcett đến thành phố của cậu bé để quảng bá phần tiếp theo của bộ phim.


Sau buổi họp với ký giả kết thúc, cậu bé chen chân lên phía trước, chạy đến bên cạnh nữ diễn viên Farrah Fawcett đưa chiếc áo cũ kia ra rồi xin cô ký tên lên đó. Farrah Fawcett thấy vậy bèn ngẩn người ra một lúc, nhưng vẫn vui vẻ tươi cười ký tên của mình lên chiếc áo đó, có ai lại nỡ từ chối lời yêu cầu của cậu bé dễ thương với ánh mắt hồn nhiên trong sáng như vậy được!


Sau khi nhận được chữ ký của nghệ sĩ nổi tiếng là Farrah Fawcett, cậu bé liền hỏi cô 
ta:

-Thưa cô, Cháu có thể bán chiếc áo này được không ạ?
-Đương nhiên là được quá đi chứ lị, đây là áo của cháu, cháu có thể bán nó nếu
 muốn.

Cậu bé đứng trên bục gạch hô to lời rao bán:

-Đây là chiếc áo do nữ diễn viên xinh đẹp Farrah Fawcett đích thân ký tên, chỉ mất 200 đô thôi quí vị vừa được áo vừa có chữ ký của nghệ sĩ nổi danh.


Cuộc đấu giá diễn ra trong phút chốc, cuối cùng chiếc áo cũn bán được với số tiền không thể tưởng-tượng nổi: $1,200 đô! Vừa về đến nhà, cha cậu bé bỗng dàn dụa nước mắt ôm lấy cậu vào lòng rồi hôn lên trán cậu mà nói: 


-Con thực sự rất giỏi…


Tối hôm đó, cậu bé Jordan nằm ngủ cạnh cha mình. Cha cậu hỏi: 


-Này con, nhân việc bán 3 chiếc áo vừa qua, con học được điều gì không?
-Dạ con hiểu ý của cha rồi, cha đã khích lệ con làm việc đó, cậu bé cảm động nhìn cha rồi nói tiếp: 

-Miễn là chúng ta chịu động não một chút, rồi thì mọi chuyện cũng đều có cách. Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường.

Cha cậu bé gật đầu đồng ý, nhưng được một lúc ông lại lắc đầu bảo: 


-Con nói đúng đấy! Nhưng đó không phải là ý định ban đầu của cha… Cha chỉ muốn nói với con một điều rằng chiếc áo cũ chỉ đáng giá 1 đô thôi nhưng vẫn có cách để tăng giá trị, cớ sao ta lại bi quan với cuộc sống này như thế được? Nhà ta tuy có nghèo đôi chút, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể làm tăng giá trị bản thân mình. Con thấy ngay đến 1 chiếc áo cũ cũng có thể làm nên điều kỳ diệu cơ mà.


Lời bàn của ai đó, chừng như là người kể:


“Nhờ có bài học từ người cha đưa ra, từ đó trở đi Michael Jordan luôn sống cuộc đời tràn đầy niềm tin và hy vọng, dù thực tế có đen tối đến đâu đi nữa. 20 năm sau, cậu bé Jordan bán áo cũ năm xưa đã trở thành tỷ phú giàu có, làm chủ tịch hội đồng quản trị có cổ đông lớn nhất của tập đoàn Charlotte Hornets. 


Đó chính là huyền thoại bóng rổ Michael Jordan, vận động viên thể-thao vĩ-đại nhất thế-kỷ thứ 20 do tạp chí ESPN bình chọn vào năm 1999.


“Miễn là chúng ta chịu động não một chút, rồi thì mọi chuyện cũng đều có cách. Bất cứ nơi nào có ý chí/lý-tưởng, hẳn là nơi đó có con đường giải quyết rất thích-hợp”. (Lời bàn rút từ mạng vi tính do St sưu tầm).



“Miễn là chúng ta chịu động não một chút, rồi thì mọi chuyện cũng đều có cách”. Thế đó, là lời lẽ của người kể hôm nay. Cũng từ đó, bần đạo bầy tôi đây dám sử-dụng nhận-định ấy làm kết-đoạn cho chuyện Phiếm khá “vô bổ” hôm nay mà chẳng đưa ra được bài học nào lý-tưởng, để còn xúi giục bầu bạn các nơi tiếp tục phiếm “loạn” vào những ngày sắp tới.


Thôi thì, hỡi bạn và tôi ơi, ta cứ thế đàm-đạo và luận-bàn về đề tài nào có chất-liệu, vừa bàn vừa hát ca những lời rằng: 



Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần.
Gió hắt trầm tiếng ca, tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta
Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi, chắc không đường về
Tiên nữ ơi.
Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên.
(Phạm Duy/Văn Cao – Tiếng Sáo Thiên Thai



            Trần Ngọc Mười Hai
cũng cả gan đưa ra nhiều luận bàn.
Nhưng chưa bao giờ dám đặt bút
Với dấu chấm hết.  


Friday 20 September 2019

“Qua bao con đường, qua bao phố phường lê mòn gót chân”


Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 25 thường niên năm C 22/9/2019

“Qua bao con đường,
qua bao phố phường lê mòn gót chân”
“Chim muông bên rừng chờ mình về đón mừng
Môi khô em tròn đợi từng giọt sữa non
Dừng bên suối rồi rừng trưa nắng ngừng trôi
Ðường dài đón ta cho ta giòng nước tươi thêm tình yêu
Ngọt bùi sẽ đem cho em ngày tháng đi qua cuộc đời.”
(Lê Uyên & Phương – Uống Nước Bên Bờ Suối)

(Công vụ 6 : 3)

           Uống nước bên bờ suối, phải chăng mọi người đều đến đó mà tìm uống? Nếu đúng thế, thì còn gì ngọt ngào/tươi mát bằng! “Chim muông bên rừng chờ mình về đón mừng”, ư? Còn gì thích thú  thi-vị đến thế! Ngọt ngào/tươi mát và thi vị, còn là giòng chảy thi-ca của người nghệ-sĩ sống trong cảnh-huống có suối, có mương, có luôn nguồn nước mát tại Đà Lạt. Sống trên đồi cao, đôi nghệ-mới tình-tự ra như thế và nhị vị còn ca thêm đôi lời tình-tứ như sau: 

“Như con nai hiền,
vui đôi chân mềm
trên từng gót êm đềm.
Em buông lơi tóc,
nhón trên giòng nước trinh đầy.

Ðôi chân suông ấy
đã theo ngày tháng cuốn theo thời gian.
Xa xôi nơi ấy
để cho tình cũ
chết trong buồn hiu.

“Ngày nào đã xa
ngày nào có đôi ta.
Ðường dài đó em
xin em đừng tiếc
vui chơi ngày xanh.

Một ngày sẽ qua
ôm theo cuộc sống
nên thơ tràn đầy.

Em yêu em yêu,
Em yêu em yêu.
Uống cho tình ta,
uống cho đời tươi hoài.
Ngày mai còn đấy,
tình yêu còn thấy.

(Đường quen còn thấy,
tình yêu còn đấy)
Ðời ngất trong ta.

Em yêu em yêu,
Em yêu em yêu.
Uống cho ngày xanh,
uống cho đời trong lành.

Ngày mai còn đó,
tình yêu còn có.
Ðời đã cho ta
đời sẽ cho ta.”
(Lê Uyên & Phương – bđd)


Tình yêu ấy, đời đã cho ta và cũng sẽ cho nhiều hơn thế, suốt một đời. Một đời, có đủ mọi tình-tự như người nhà Đạo mình từng quả quyết trong bài hỏi/đáp không thiếu tình-tự đầy trọng trách, vẫn hỏi han, rằng:

“Thưa Cha,

Mấy năm gần đây, giới làm luật ở Úc đã thông qua điều mà người thường ở huyện gọi là “hôn nhân đồng tính” cũng như chuyện “trợ tử” và/hoặc “phá thai” thảy đều suôi rót … Xem thế thì, các chính-trị-gia người Công giáo công-tâm có được phép bầu phiếu cho qua đạo-luật tương-tự thế không? Xin Cha cho biết để con còn lo tính công việc đời, bên ngoài đạo.”

Vâng. Có được phép bầu bán cho bộ luật nổi đình đám ấy không? Đó là những điều khiến cha/cố mình phải để tâm/lưu ý mà bàn-luận đến nơi đến chốn, qua đáp-án dài đằng đẵng tải lên mạng như sau:

“Vâng. Vấn-nạn mà anh/chị đưa ra ở đây, đã trở thành chuyện quan-trọng, trong thời gian vừa qua. Hội thánh Chúa cũng đã nhiều lần nêu lên vấn đề ấy.

Riêng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị ngài cũng từng đề-cập đến chuyện này trong Tông thư Tin Mừng Đời Sống ban hành năm 1995 và Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng đề cập đến một số vấn-đề có liên-quan đến việc người Công Giáo tham gia cuộc sống Chính-trị ban-hành vào năm 2002 bao gồm các tiêu-chuẩn hướng-dẫn.

Ghi chú của Thánh bộ về chuyện này cũng đã định-vị vấn-đề đặt ra coi như để hướng-dẫn các nhà chính-trị có quyết-tâm trong cái-gọi-là Văn-hóa Chủ-thuyết Tương đối bằng các nhận-định chắc-nịch sau đây:

Văn-hóa của Chủ-thuyết Tương-đối vốn cấm-vận những chuyện đồi-trụy và hóa-giải các lý lẽ cũng như nguyên-tắc về luân-lý tự-nhiên. Thêm vào đó, không là chuyện bất thường khi ta nghe biết một số lập-trường/quan-điểm của chúng-dân ở huyện từng công-khai phát-biểu rằng chủ-thuyết đa-nguyên trong xử thế vẫn là điều kiện ắt và đủ cho nền dân-chủ.

Từ đó đưa đến kết cục, là: dân thường ở huyện có khả-năng đòi-hỏi quyền tự-do trọn vẹn về các chọn-lựa luân-lý và các nhà làm luật lại cũng duy-trì lập trường của họ quyết bảo rằng: họ vẫn tôn-trọng thứ tự-do chọn-lựa này bằng cách ban-hành thứ luật lệ vốn dĩ bỏ qua các nguyên-tắc về luân thường đạo lý nhường chỗ cho các khuynh hướng tạm-bợ về văn-hóa - đạo đức, như thể mọi người đều có quyền thẩm-định cuộc sống có giá-trị đồng đều.” (Sđd đoạn 2)                    

Các nhà làm luật gốc Công giáo không thể coi thường các nguyên-tắc của luật tự-nhiên khi bầu phiếu cho các vấn-đề luân lý/đạo-đức như những điều anh/chị vừa kể.

Ở xã hội dân-chủ, mọi người đều có tự-do, dân-chủ kể cả người Công-giáo nói chung, nhưng tất cả đều bị ràng-buộc vào nguyên-tắc của luật tự-nhiên do Giáo hội dạy như vẫn bảo: “Nền dân-chủ đích-thực phải đặt nền-tảng trên cơ-sở luật-pháp không nhân-nhượng vốn củng-cố sự sống con người trong xã-hội.” (Sđd đoạn 3)     

Bản Ghi chú Học thuyết nòi trên còn quả quyết thêm: “Trong khi nền dân-ch diễn-tả một cách hay nhất việc người dân tham-gia trực-tiếp vào mọi chọn lựa, nó chỉ thành-toàn một khi hiểu đúng bản-chất con người mà thôi.

Việc người Công giáo can-dự vào cuộc sống chính-trị không được phép nhượng bộ các nguyên-lý này, bởi nếu họ làm khác đi thì sự việc người Đạo Chúa sống làm chứng-tá niềm tin của mình trong thế giới ngoài đời cũng như sự đoàn kết và tính xiết chặt bên nhau trong con người của kẻ tin sẽ không có cớ tồn-tại.” (Sđd đoạn 3).

Thành thử, “Người Công giáo, trong hoàn-cảnh khó-khăn này, đều có quyền và bổn-phận nhắc mọi người trong xã-hội hiểu biết cách sâu sát hơn cuộc sống con người và khiến mọi người nhớ đến trách-nhiệm của mình về chuyện này.

Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị tiếp tục nhắc nhở những ai dính-líu một cách trực tiếp vào việc tạo luật về bổn phận lớn lao của họ họ phải biết cách chống đối bất cứ khoản luật nào tấn-công sự sống con người. Đối với họ cũng như với mọi người Công giáo, không ai được phép thăng-tiến các đạo-luật ấy và cũng không được bỏ phiếu hỗ-trợ cho việc thiết-lập các luật-lệ tương-tự. Và không gì rõ ràng hơn thế.(X. Tông thư Tin Mừng & Đời Sống đoạn 73)

Thời gian gần đây, quả thật phấn kích khi thấy các dân biểu cùng nghị sĩ, giáo dân Công giáo và các vị thuộc tôn giáo bạn đã đứng lên tranh đấu bảo vệ sự sống con người qua lá phiếu chống lại việc hợp-pháp-hóa phá thai và trợ tử.

Cùng lúc ấy, cũng nghe nói rằng nhiều vị khác trong quốc hội đã sử-dụng quá trình-lịch của mình để ngăn chặn không cho đạo luật trên cắm chặng sâu hơn khi tuyên bố bảo rằng họ muốn áp-đặt tầm nhìn tư riêng của mình vào cộng đồng rộng lớn hơn.

Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị cũng đã nhận xét bảo rằng: “Trong trường hợp này, quyền căn-bản không chuyển-nhượng của sự sống đang bị đặt vấn-đề hoặc chối bỏ qua việc quốc hội đã và đang đầu phiếu hoặc dựa vào một thành-phần nào đó của dân chúng mà thôi, dù nhóm đó thuộc đại đa số. Đây là kết cục đáng buồn của chủ thuyết duy-tương-đối không bị chống báng nhưng đang ngự trị.

Những người ‘theo lẽ phải’, nay không còn được như thế bởi chuyện ấy không còn đặt nền-tảng vào phẩm giá bất tương xâm của con người, nhưng lại tùy lòng muốn của phe phái nào có nhiều phiếu bầu. Theo cách này, thì nền dân-chủ trở nên trái-nghịch với nguyên tắc của chính nó, đã chuyển dịch một cách hữu-hiệu mọi hình-thái của chế-độ độc tài chuyên-trị. (X. Tông thư Tin Mừng & Đời Sống đoạn 20)

Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị còn nói thêm:

“Thật ra thì, những gì ta có ở đây hôm nay, chỉ là bức tranh biếm họa bi thảm của cái-gọi-là ‘tính hợp-pháp’ thôi; lý-tưởng của dân-chủ chỉ có nghĩa đúng đắn, đích thự ckhi nó nhận ra và bảo vệ phẩm-giá của tất cả mọi người đang bị phản-bội từ nền-tảng: ‘làm sao ta có thể nói về phẩm giá của tất cả mọi bản-thể người khi việc giết chết con người yếu ớt và vô tội nhất đang được phép?

Nhân danh thứ công lý nào mà việc kỳ-thị bất công nhất lại đang được thực-thi đây? Một số cá-thể đang cương quyết bảo vệ trong khi đó, nhiều người khác lại vẫn chối bỏ phẩm-giá ấy?” (X. Đức Gioan Phaolô trong bài phát-biểu ngày 18/12/1987).

Một khi điều này xảy đến, thì tiến-trình dẫn đến phá vỡ sự việc con người cùng nhau hiện hữu và tình trạng phân-hủy chính Sự sống của con người đã khởi sự rồi.” (Sđd đoạn 20) (X. Lm John Flader, A politician’s responsibility, The Catholic Weekly 01/9/2019 tr.19)                  
                    
Nói đi thì lại nói lại, nếu ta cứ nghe theo đấng bậc Đạo là những vị chỉ căn-cứ vào nguyên-tắc chứ không theo kinh-nghiệm sống, thật khó nói. Nói cho ngay, là nói và nghĩ theo tư-duy của những vị chủ-trương “sống trước đã, triết lý sau” vẫn là chuyện đời người, đầy tính người.

Chuyện đời người, bao giờ cũng mang dáng-dấp một trải-nghiệm khó luận bàn, nhưng cần sống. Sống cho sâu/cho sát với lương-tâm chức-năng, đó là vấn đề ta cần quan-tâm hơn cả.

Điều, đáng để ta quan-tâm có giống với điều được các đấng bậc nhà mình luận-bàn ở trên hay không? Xin dành cho bạn đọc ở đây toàn quyền phán-quyết, hết mọi việc. Trước khi phán và quyết những việc tương-tự, xin quay về với lời ca/tiếng hát ở trên cho nhẹ lòng người hỏi và người nghe, những ca rằng:

            “Qua bao con đường,
qua bao phố phường lê mòn gót chân.
Chim muông bên rừng,
chờ mình về đón mừng.

Môi khô em tròn
đợi từng giọt sữa non.
Dừng bên suối,
rồi rừng trưa nắng ngừng trôi.

Ðường dài đón ta,
cho ta giòng nước tươi thêm tình yêu.
Ngọt bùi sẽ đem cho em,
ngày tháng đi qua cuộc đời.”
            (Lê Uyên & Phương – bđd)

“Ngọt bùi đem cho em, ngày tháng qua đi cuộc đời”, lại cũng là nhận định không chỉ xuất-hiện từ mỗi mình anh nhưng cũng là của tôi, của bạn và của mọi người như câu truyện kể còn minh-họa nhiều điều sáng giá rất như sau:

Người phụ nữ hỏi cậu bé:
-Bé bán mớ rau này giá bao nhiêu?
Cậu bé trả lời:
-3.000 đồng/một bó, thưa bà.
Người phụ nữ liền nói:
-6 bó 12.000 đồng, không bán tôi mua chỗ khác.
Cậu bé nói:
-Bà Cứ mua với cái giá mà bà muốn. Có thể đây là khởi đầu tốt, bởi từ sáng tới giờ con vẫn chưa bán được bó nào.
Người phụ nữ lấy những bó rau và rời đi, lòng thầm đắc thắng.

Bà ta ngồi trên chiếc ô tô ưa thích của mình, tới một nhà hàng sang trọng để dùng bữa với bạn bè. Ở đó, bà và người bạn gọi bất cứ món ăn nào họ thích.

Sau đó, bà ra quầy thanh toán. Hóa đơn trị giá 1.950.000 đồng trả tới 2 triệu và còn dặn người chủ nhà hàng không cần thối lại.

Tình huống này xem ra khá quen thuộc với người chủ cửa hàng, nhưng thật quá nhẫn tâm với cậu bé nghèo khổ kia.

Vấn đề mấu chốt ở đây là: Tại sao chúng ta cứ phải tỏ ra quyền lực với những người nghèo khó? Và tại sao chúng ta luôn hào phóng với những người thậm chí không cần đến sự hào phóng của chúng ta?

Có lần tôi đọc được ở đâu đó một câu chuyện:

“Bố tôi có thói quen mua những thứ đồ nho nhỏ với giá cao từ những người nghèo khó, mặc dù ông không hề cần đến. Thỉnh thoảng ông thậm chí còn trả thêm tiền cho họ. Tôi bắt đầu để tâm đến hành động này và hỏi bố tại sao lại làm như vậy? Bố tôi bèn nói: “Đó là quỹ từ thiện được bao bọc bởi phẩm giá, con yêu ạ.” (trích truyện kể ở trên mạng vẫn tồn đọng từ nhiều năm tháng trong cuộc đời mọi người)


Truyện kể trên, có lẽ cũng được bạn và tôi dùng làm đoạn kết cho bài “Phiếm” cũng không dài. Ngày hôm nay. Và, trước khi chấm dứt bài “phiếm không dài” này, tưởng cũng nên vào Vườn Hoa Lời Đấng Thánh Hiền, tìm gặp những đoạn văn nói lên công tác và trách nhiệm của đấng bậc rao giảng Lời Chúa làm kết-luận bài “Phiếm, rất không dài” như sau: 

           
“Anh em hãy tìm trong cộng đoàn
7 người được tiếng tốt,
đầy Thần Khí và khôn ngoan,
rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó
có trách nhiệm.
(Công vụ 6 : 3)


Trần Ngọc Mười Hai
Và những câu chuyện
được phiếm hoài,
phiếm mãi cứ lai rai
không muốn dứt.