Monday 17 December 2007

“Nhẹ nhàng như gió thì thầm.”

(Lc 2: 52)

“Còn Mẹ Ngài

thì giữ kỹ hết các điều trong lòng”

Có một lần, một người anh rất chững chạc trong Đạo, “nhẹ nhàng như gió thì thầm” đến gần bần đệ, vỗ nhẹ lên vai bảo nhỏ: “Này bạn, đã gọi là chuyện phiếm thì thường là những chuyện tầm phào, ở đời, sao lại đem Lời Chúa vào những chuyện như thế?” Lúc ấy, bần đệ chẳng biết nói gì. Chỉ há hốc miệng, những muốn moi óc tìm cho ra đoạn trích dẫn Kinh Sách rất Thánh có nói về “Lời” đã khiêm hạ tìm chốn tầm thường mà nương náu, giáng hạ.

Mãi về sau, bần đệ mới nhớ ra lời Kinh ấy; bèn lập đi lập lại cho dễ nhớ. Từ đó, cứ nhớ mãi câu này:

“Và, Lời đã thành xác phàm

lưu trú nơi chúng tôi,

và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Ngài,

vinh quang như của Con một tự nơi Cha,

tràn đầy ơn nghĩa và sự thật.”

(Yn 1: 14)

Vâng “Lời” của Đức Chúa là “Lời” Cao sang thần Thánh, nay thành xác phàm ở với phàm nhân tục tử rất tội lỗi. Tệ bạc. Thế nhưng, “Lời” đã hòa mình đi vào đời. Một đời có nhiều chuyện để kể. Kể cả những truyện rất phiếm. Những chuyện để phiếm. “Phiếm Đạo vào đời”. Hay còn gọi là “chuyện phiếm Đạo-đời”.

Chẳng thế mà, người phàm vẫn mãi không hiểu tại sao “Lời” lại mặc xác phàm. Tại sao Đạo lại phải vào đời? Tại sao Đạo “nên” vào đời? Thôi thì, ta cứ phiếm hoài phiếm mãi, ắt rồi sẽ hiểu. Hiểu rồi sẽ nhớ. Sự việc trên, làm bần đệ nhớ lại câu chuyện về cũng một chuyện Giáng hạ, mà người kia vẫn thấy khó hiểu. Không thể hiểu.

Truyện ấy thế này:

Đêm ấy, một đêm đầy trăng sao. Tiết đông lành lạnh, có một người đến từ hành tinh lạ, buồn tình làm thử chuyến du hành xuyên vũ trụ. Bay ngang hành tinh nhỏ có tên Địa Cầu, người hành tinh thấy như có điều kỳ lạ: đâu đâu cũng thấy lấp lánh đầy khắp những vì sao bằng giấy. Rất nhiều mầu. Đã thế, cạnh các vì sao nhỏ lung linh mầu sắc ấy, là các biển hiệu mang thông điệp vui tươi, những nào “Merry Christmas”, “Happy New Year”.

Sẵn tính xục xạo, muốn tìm hiểu, người hành tinh nọ vội đáp nhẹ xuống vùng phía Nam của lục địa thứ sáu mang tên là “Vùng Miệt Dưới”. Vừa ghé chân, gã nảy ra ý định “ngộ nghĩnh” mở một phóng sự bỏ túi, xem dân chúng ở hành tinh địa cầu này có trò gì mà vui nhộn thế. Chợt thấy một bé xinh xinh đang ngồi mân mê món đồ chơi bằng nhựa, xem ra có vẻ thích thú lắm. Người hành tinh bỗng tạt vào hỏi bé em về ý nghĩa các từ ngữ vừa gặp. Tại sao lại hết Merry rồi lại Happy… như thế?

Em bé thấy có người đến chơi với mình, thích quá trả lời ngay: “Sắp tới đây, nhà em mừng lễ to lắm! Thể nào cũng có hang đá. Có cây thông nè. Có Ông già tuyết nè. Ông già này râu tóc bạc phơ, suốt ngày chỉ mặc áo đỏ viền trắng…lúc nào trên vai cũng nặng trĩu những quà là quà. Năm nào, bé cũng được Ông cho nhiều thứ, có cả kẹo Sô-cô-la nữa. Chuyến này, bé sẽ ăn thật nhiều kẹo. Chẳng còn sợ ai la mắng. Vì Ông Già Tuyết còn lớn hơn cả bố mẹ nữa, mà.”

Người hành tinh tiếp tục hành trình, đến hỏi một người lớn con hơn, chừng như đang bận rộn với công việc kiếm cơm, chạy gạo hằng ngày. Thì vị ấy đáp: “Giáng sinh ấy à? Ối giời! Lễ này lớn lắm đó. Cả người bên Đạo lẫn ngoài đời cũng đều ăn mừng hết đó. Lễ lớn như thế, nên già trẻ lớn bé ai cũng được nghỉ. Nên ai cũng thích. Trẻ thì được quà. Lớn được nghỉ ngơi. Nghỉ học. nghỉ làm. Chẳng ai phạt. Chẳng người nào bị đánh thuế vì mình nghỉ. Thôi thì, cũng phải có những ngày như thế để bà con có thì giờ mà chưng diện, sắm sửa chứ. Này! Vào ngày lễ ấy, đàn ông tha hồ ăn nhậu, nhảy nhót. Đàn bà thì đua nhau mà tiêu pha, may sắm…”

Hỏi một cụ bà đang trên đường từ nhà thờ về, thì cụ cho biết: “ Ấy chết! Ngày lễ cực trọng như thế, mà đằng ấy lại không biết gì à? Bộ, ở trên cung trăng mới xuống hay sao, mà “ngố” thế? Thôi, để lão bà nói cho mà nghe: Cứ vào chập tối đêm hăm tư tháng chạp là ta bắt đầu có lễ đêm, rồi. Lần nào, trước khi bắt đầu lễ, cũng có cha ngồi toà cáo giải. Cũng có đọc kinh… đến giờ lễ lại có người đàn kẻ thì hát. Thôi thì, vui nhộn không có chỗ nào kể xiết. Vui lắm! À mà này, bác thử đi hỏi ông cha xem lão nói có đúng không. Đây già rồi, nói bác bỏ lỗi, đôi khi lão thấy mình chả ra làm sao cả.

Xem ra vẫn chưa mãn nguyện với các câu trả lời ở trên. Nhưng, người hành tinh cũng chẳng dám đến gặp ông cha ông cố, nào cả. Tội gì mà đến, không chừng mấy ỗng lại lôi đầu vào bắt làm việc đền tội, thì lôi thôi lắm. Vậy là, gã ta giã từ bà lão, rón rén đến gần lớp học cạnh đó. Ghé mắt nhìn xem, thì thấy lố nhố đến chục bọn nhóc loai choai tuổi dậy thì, đang làm gì có vẻ suy tư lắm. Thì ra, đứa nào đứa nấy cứ lúi húi viết viết, rồi lại xoá xoá, như đang sáng tác một tổ khúc trữ tình nào đó vậy. Phóng cặp mắt thiên thần để nhìn, gã hành tinh thấy một cô bé hí hoáy thả hồn mình trên giấy, những giòng chảy như sau:

“Christmas, Giáng Sinh, Nhập Thể… Thì, cũng như câu chuyện trang lứa của chúng em. Trọn đời, em hướng lòng mình tất cả cho “người ấy”. Chúng em thật lòng chỉ muốn ở cạnh nhau suốt ngày. Suốt đêm. Không khi nào rời. Em vẫn nhớ cái ngày Thứ Bẩy đầu tiên ấy, hôm đi chơi với chàng. Tụi em nói chuyện với nhau hằng giờ , mà sao không thấy mệt mỏi. Nếu ngồi đếm, tổng cộng có đến mười bốn tiếng đồng hồ. Nghĩa là từ mười giờ sáng hôm ấy mãi đến lúc chàng sửa soạn ra về, thì trời cũng bắt đầu choạng vạng. Ôi! Thời gian trôi rất nhanh. Thật ra, thì bọn em vẫn chưa lấy làm đủ. Cũng mới chỉ: điểm tâm, ăn trưa nhè nhẹ, đi bộ qua bìa rừng; rồi ăn tối, thả bộ dọc bãi biển. Mườ bốn tiếng mà tưởng chừng như mới có hai giờ phù du, ngắn ngủi. Khi bạn chớm yêu, thời gian như ngừng trôi. Chẳng thế mà, có người cứ hỏi tại sao Thiên đường lại vĩnh cửu. Thiên đường là đây. Khởi điểm của cuộc tình … kéo dài.”

Ấy kìa, ngay gần bên là một chàng trai khác, tuổi tác tuy không lớn hơn là bao. Mà sao, ý tứ, chữ nghĩa lại như ông cụ đạo. Lén nhìn thoáng chốc bài “thâu hoạch” của chàng, người hành tinh đọc thấy có điều gì hơi khó hiểu. Anh chàng viết:

“Giáng Sinh. Phục Sinh. Hai đại lễ, cùng một chữ Sinh. Hai sự kiện, nhưng thật ra chỉ là một. Một ý nghĩa “Sinh”. Sinh, là sống. Dù cho, có xuống thế mà sống. Hay, chết đi để rồi lại sống. Vẫn, sống dai. Sống mạnh mẽ hơn trước. Và, khi đã sống lại rồi, thì Người mới vực được cuộc sống của người khác. Vực dậy những người sống không ra sống. Sống mà như đang chết. Tức là, sống dở. Và chết dở.

“Giáng sinh, có ý nghĩa gì với tôi không, ư?

Có chứ! Với tôi, Giáng Sinh, mà không có Phục Sinh, thì tuy cả hai mang cùng chữ “Sinh” -tức là sống- vẫn cứ là một thất bại. Bởi, Giáng Sinh chỉ là khởi đầu của một cuộc Sống. Phục Sinh kia, mới hoàn tất cuộc Sống ấy. Hoàn tất cái gì? Điều gì? Hoàn tất là hoàn thành và hoàn thiện Ý định Trên Cao được báo trước, từ lâu. Ý định Cứu Rỗi. Ngang qua Phục Sinh.

Đúng thế. Ý Định đã có từ lâu. Từ lúc Saul nhường ngôi cho Đavít. Bởi lẽ, Ý Định Cứu Rỗi chỉ dành để cho giòng tộc Đavít, một giòng giống “được chọn” mà thôi.

Đọc tới đó, người hành tinh bất chợt rùng mình. Thấy lạnh ở phía sau. Bèn, lẳng lặng rút về nơi thinh vắng. Suy nghĩ một hồi, gã bèn nhủ thầm: Quái! Một Hành tinh nhỏ như trái đất này, mà lại có đứa bé có tư tưởng chẳng bé xíu chút nào cả! Tại sao Giáng Sinh lại chỉ có nghĩa là Khởi đầu cho

một cuộc Sống? Tại sao ngôi sao Xẹt kia lại chỉ xẹt cho tinh cầu nhỏ bé thế này, thôi?

Tại sao lại là Đavít? Tại sao chỉ là Israel, dân tộc quá nhỏ? Tại sao lại là Địa cầu?

Tại sao một hành tinh nhỏ như thế này, mà lại có đủ cả? Có Giáng Sinh. Rồi lại có cả Phục Sinh?

Thôi chết rồi! Bọn nó có lý. Bởi, đã có “Lời” bảo rằng: “Hãy trở nên bé nhỏ; vì Nước Trời là của chúng.”

Và, người hành tinh cứ vừa đi vừa lẩm bẩm, những chữ: Tình Yêu. Nhập Thể. Giáng Sinh. Phục Sinh. Nhỏ bé. Được chọn…Nhập thể là Giáng Sinh. Giáng Sinh phải nối kết với Phục Sinh. Giáng Sinh – Phục Sinh, hai sự thể, nhưng một Nhiệm Tích. Một Ý Định. Ý Định Cứu Rỗi. Ý Định mang cùng một chữ SINH.

Nghe kể, dù chỉ là chuyện kể về một hành tinh, bần đệ thấy có điều gì đó, rất phiếm. Phiếm là phiếm Đạo vào đời. Cũng là Đạo trong đời. Một đời có đạo. Và, có phiếm. Phiếm nhẹ nhàng, như lời thơ trong nhạc bản “Gọi Người Yêu Dấu”:

Người yêu dấu ơi, sao lòng se sắt đầy vơi?

Người yêu dấu ơi, thu về tìm vẫn đơn côi.

Người yêu dấu ơi, khi ngàn sao đêm lấp lánh.

Tâm hồn bâng khuâng, nhớ ngày vui đã qua nhanh.

(Vũ Đức Nghiêm)

Ngày vui qua rất nhanh. Nhưng vẫn nhớ. Nhớ rằng, Ngài đã Giáng hạ. Và, đã Phục Sinh. Giáng Sinh và Phục Sinh để con dân khắp chốn, được vui và được nhớ. Vui, vào ngày Ngài Giáng Hạ. Nhớ, điều Ngài trăn trối, hãy cứ vui. Và, cứ phiếm. Phiếm cho mình. Phiếm cho đời. Phiếm rất vui.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc cứ nghĩ, mình chỉ có thể phiếm

những phiếm và phiếm

đã thấy vui.

Tuesday 11 December 2007

Một thời để phiếm, những Đạo và đời

(Mt 28: 19)

“Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân,

Thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh thần”

Phải nói ngay, rằng: văn chương ngôn ngữ người mình, thật tuyệt vời. Này nhé, rõ ràng “đi ra” khác với “đi vào” là thế; mà sao áp dụng vào cuộc đời, mọi người đều hiểu hai động từ ấy, giống như nhau. Theo nghĩa cuộc đời trần tục, “ra” hay “vào” đều nói lên cùng một ý nghĩa. Là những ý và nghĩa của một hành trình. Hành trình sống. Suốt đời người.

Để minh xác điều này, bạn và ta thử nghe đây lời ca, mọi người thường hát:

“Đêm đông,

lạnh lẽo Chúa sinh ra đời.”

(Hùng Lân – Đêm đông)

Hoặc:

“Ngày ấy,

Chúa cất tiếng gọi khắp nơi.

Ngày ấy đến với Chúa

đi vào đời…

(Thành Tâm–Sĩ Tín _ Vào đời)

Đồng ý, “ra” hay “vào”, tuy có khác trong diễn tả, nhưng đều mang ý nghĩa của một thái độ. Một nhân sinh quan, cùng sống với người. Cùng ở lại với đời. Và, với Đạo làm người. Ở đời. Như một hành trình. Lành thánh. Hành trình lành thánh của Đạo vào đời, vẫn là đề tài luận phiếm. Rất đời thường. Nhưng mang tính chất, rất Đạo.

Đạo vào đời, là chuyện mà ai ai cũng có thể bàn luận, nói đến mà bần đạo gọi là phiếm. Phiếm khắp nơi. Phiếm mọi thời. Phiếm là phiếm như thế đấy. Nhưng cứ nhìn vào thực tế hôm nay, hẳn người người đều thấy tuổi trẻ ngày nay ít phiếm hơn tuổi gần kề bụi đất. Tuổi lập cập đi về với Cha. Với Chúa. Phiếm về Đạo đời là những chuyện sống đạo đời thường ở huyện.

Nhất thứ, là khi hăng say luận phiếm, ta vẫn thường nhận được giòng chảy điện thư “i-meo” đại loại như sau:

“Bọn tớ vừa đi Bà Quẹo tiễn chân một đồng nghiệp, mới 57 tuổi đã ra đi về chốn vĩnh hằng. Thấy bạn đi, mình lại nghĩ nhiều về cuộc đời của chính mình. Về miền vĩnh cửu. Về ý nghĩa cuộc đời. Đời này và đời sau… Mình có đứa em thỉnh thoảng gửi sách về sự sống, sự chết ..cho mình đọc. Lâu lâu, anh em hai đứa còn điện thọai cho nhau bàn chuyện đời. Chuyện về lòng tin. Tin về sự hiệp thông, trong đạo. Có dịp, mình sẽ có thư dài về chuyện này.”

Nghe chuyện trên, bạn và ta chắc không khỏi nghĩ đến thân phận mình, mỏng dòn nên nhiều lúc cũng hết muốn phiếm. Nhưng có lúc lại càng cảm thấy nên Phiếm thật nhiều, Phiếm hết mình. Cho hết ý. Phiếm với tư cách người đang suy tư nhiều về Đạo. Đem Đạo vào đời khi mà ta còn chưa đi xa khỏi cuộc đời. Phiếm với tư cách người đang suy tư nhiều về Đạo. Phiếm về những người đang rời bỏ cuộc đời thường để vào sâu trong Đạo. Như nhóm đạo hữu Đức Kitô được gọi là The Mormons. Những người luôn sẵn sàng trong tư thế phiếm Đạo với người đời.

Trên đường phố, nơi chỗ đông người ta thường thấy họ đi từng cặp hai người, cùng phái tính. Đi để gặp gỡ hết người này đến người kia giữa thanh thiên bạch nhật. Họ kêu gọi mọi người hãy dừng chân đứng lại, để họ có đôi lời trò chuyện và nói về Tin Mừng. Đó là những người theo giáo phái Mormon, mà có lẽ ít người biết rõ chủ đích của họ.

Còn nhớ, đã có lần, để giải đáp những thắc mắc có liên quan đến những người thuộc giáo phái Mormon, đấng bậc vị vọng ở Úc là Lm Brian Lucas, đã có những giòng chảy về sử liệu của người thuộc giáo phái Mormon, như sau:

“Những người Mormons, trước kia gọi là Giáo Hội Vào Những Ngày Cuối, đã lập thành giáo phái cho riêng mình vào năm 1830 tại Fayette, bang New York. Giáo phái này do sáng lập viên có tên là Joseph Smith đi tiên phong cho mình là ngôn sứ kinh điển, trụ trì ở Bắc Mỹ. Joseph Smith quả quyết là: năm 1827 ông tìm được bộ sách quan trọng của phái Mormon, viết bằng mẫu tự Ai Cập, nét vàng, hình chân rết. Rất quý.

Theo nhãn giới của Joseph Smith, chỉ những người được ơn đặc biệt mới được mặc khải là người da đỏ ở Bắc Mỹ, chính là hậu duệ của người Do Thái xưa, từng đặt chân đến Bắc Mỹ, ngang qua eo biển Bering. Các vị chân truyền của giáo phái, cho rằng: sau ngày thăng thiên về Trời, Đức Kitô đã hiện đến với vị sáng lập ra giáo phái căn dặn ông phải thiết lập nên Hội thánh riêng của Ngài, ở vùng Tân Thế Giới.

Năm 1844, sau khi Joseph Smith bị mưu sát, một trong những người theo chân ông, là Brigham Young đứng ra nhận lãnh trách nhiệm làm thủ lĩnh giáo phái này. Vị thủ lãnh lúc ấy đưa các thành viên trong giáo hội về sống tại thung lũng Salt Lake, nay là bang Utah. Ở đây, ông lập một khu vực theo lệnh của thần quyền có bộ máy hành chánh nghiêm nhặt và hiệu lực. Năm 1850, thủ lãnh Young được chỉ định làm Toàn quyền phần đất Utah. Khi đó, ông dám thách thức đối lại áp lực của Liên Bang đòi bác bỏ thực thi chế độ đa thê.

Bản thân thủ lãnh Young có đến 27 người vợ và 56 người con. Nhưng đến năm 1890, giáo hội bài bác tập tục này, thể theo đòi hỏi của Quốc hội liên quan đến đề nghị biến Utah trở thành tiểu bang. Chủ thuyết của Giáo phái Mormon duy trì một vài tín lý không được Kitô hữu ngòai Giáo phái thừa nhận. Chẳng hạn như chuyện giáo phái này bảo rằng: Đức Chúa Cha trước đây là người như chúng ta, về sau tiến hóa trở thành Đức Chúa và hiện mang trong mình thân xác bằng xương bằng thịt như người thường.

Giáo phái Mormon tin rằng, Đức Giê-su là người anh cả trong gia đình nhân loại biến thể trong tiến trình Thiên-Chúa-hóa và được Cha tạo dựng cùng lúc với Đấng Thánh Thần, có mẹ trên trời và được thụ thai theo thể lý từ Cha và một người mẹ dưới đất mà ra. Chủ thuyết của phái Mormon còn nói: có nhiều thần linh, nhiều Chúa và con người có thể trở nên thần nam và nữ trên Thiên quốc. Giáo phái Mormon có chủ trương rất nghiêm nhặt về mặt dục tính đạo đức, gia đình đông đúc và tôn trọng quyền bính. Phái này cấm ngặt việc sử dụng rượu, cà phê, trà và thuốc hút.

Theo tầm nhìn của Giáo hội Công giáo, thì Giáo hội Đức Kitô của Các Thánh Vào Ngày Sau Hết không được thừa nhận như Kitô giáo “chính thuần”. Dù ta cần quan niệm có sự quan tâm và tôn kính cách đặc biệt những ai duy trì niềm tin có xác tín, trên bình diện tín lý, thì cách biệt giữa người phái Mormons và Công giáo chính tông quả thật lớn lao. Thật khó có cơ hội để đối thoại. Trên bình diện xã hội và luân lý vẫn có nhiều hy vọng cho một hợp tác hữu ích.

Nói cho cùng, xét về tín lý và luân lý/đạo đức học thực tế, thì như thế. Nhưng xét khía cạnh hăng say truyền đạo, hoặc phiếm Đạo dài dài không biết mệt, đôi lúc phải công nhận rằng các người anh em ngoài luồng ấy, chịu luận phiếm không thua ai. Phiếm rất dài. Và rất nhuyễn. Chẳng cần biết người đối-diện có cùng một “băng tần” với mình hay không.

Bà con nào ở Úc, từng kinh nghiệm tiếp xúc các chàng trai tuổi chừng mười chín, đôi mươi phiếm rất “cừ”. Và, một khi họ chịu phiếm Đạo với bạn, hãy nắm chắc là bạn sẽ chào thua. Đề tài, dù là Cựu Ước hay Tân Ước, bạn cũng ngả nón mà chào thua. Thậm chí, muốn rút dù đánh tháo, cũng đành phải thú thật với họ là: bọn tôi thuộc sắc tộc tối ngày chỉ “Khi-li-khi-tô” ăn nhậu; và, món nhậu toàn là tiết canh vịt, cháo huyết, vv … thì lúc ấy bạn mới được “cảm tạ” ơn Chúa, hẹn ngày khác sẽ gặp lại.

Xem như thế, thì có:

“Đi vào miền băng giá

Đi hoài và đi mãi

Giắc reo tiếng cười vui…”

(Thành Tâm/ Sĩ Tín – Vào đời)

thì vẫn là chuyện nên làm. Nên, là bởi Đức Chúa đâu cần mình “đi ra” hay “đi vào” miền nào, mà chỉ muốn con dân của Ngài, cứ “đi hoài và đi mãi”. Đi vào chốn chợ đời. Ở đó, vẫn còn nhiều kẻ nghèo hèn, tất bạt ngay ở chốn thị thành chen lẫn giữa Đạo và đời.

Và như thế, “vào đời’ là “vào” để mà tì, hiểu, bàn luận và phiếm. Phiếm về chuyện Đạo. Hoặc, những chuyện đời. Cả Đạo vào đời. Phiềm hoài, phiếm mãi. Phiếm cho đến lúc không còn hơi để Đạo thấm vào đời và ta được gần gũi và sống Đạo trong đời thường ở huyện.

Trần Ngọc Mười Hai

Có những lúc rất muốn phiếm

cho dù không còn nhiều sức như xưa.

Friday 7 December 2007

Thiên đàng hỏa ngục ba bốn bên

(Mt 1: 15, 4: 17)

Trong sống đạo hằng ngày, nhiều lúc cũng nên ra khỏi xóm giáo của mình một đôi lần, mà đến với xứ đạo khác xem các đấng bậc, người anh người chị của mình đang sống đạo và hành đạo ra sao.

Với ý nghĩ đơn thuần ấy, bần đạo đã làm một cuộc “đạo du” bỏ túi, mon men đến các kệ sách nhà thờ nọ vùng ngoại ô Sydney, mà tìm hiểu. Vừa đặt chân đến, cũng đã thấy nhiều chuyện “hỡi ôi!” cứ xảy ra ở vùng đất mệnh danh là văn minh Tây Phương “miệt dưới” này. Sự thể là, hôm ấy một đẹp trời, bần đạo nhặt được tờ “Bản tin Giáo xứ”, liếc qua một vòng với cái nhìn thám tử xem trên trang giấy trắng vàng khổ nhỏ có gì lạ. Bèn nghe văng vẳng đâu đây bài hát trẻ khi xưa:

Thiên đàng/hoả ngục hai bên,

Ai khôn thì dại, ai dại thì sang…

...Linh hồn phải giữ linh hồn,

Đến khi gần chết được lên Thiên đàng…

Tình thật, bần đạo chẳng dại mà lạm bàn về bài hát vu vơ của đàn trẻ làm chi cho thêm ...bận lòng tướng quân. Chỉ xin có một thoáng nhận định về điều mà các đấng bậc nhà xứ vẫn cứ ghi trên giấy trắng mực đen nhà thờ, với đoạn văn câu hát: “đến khi gần chết được lên thiên đàng”.

Ghi lại bài hát của đám trẻ ở nhà, là các cụ vẫn thuộc nằm lòng và vẫn dựa vào lập trường của người xưa. Lập trường, có những nhận định rất ư là thiếu khoa học. Chọc giận cả niềm tin yêu thần thánh, bên Đạo.

Mải tìm cho ra một khẳng định thông suốt về Nước (còn gọi là Thiên Đàng, hoặc Nước Trời ở trần gian), từ các vị là bậc thầy thông thái, bần đạo bắt gặp một đoạn văn được giáo sư Nguyễn Thế Thuấn viết hồi thập niên ’60, như sau:

”Chúng ta tưởng là biết Tin Mừng, biết Phúc âm lắm, vì chúng ta cũng nhớ ít nhiều mẩu truyện, ít lời của Chúa. Các bài Tin mừng đọc trong thánh lễ, nhưng chúng ta không nghĩ ngợi gì cả, dường như không có vấn đề hay thắc mắc. Và nói đến thắc mắc, chúng ta nghĩ là đã phạm đến đức tin rồi. Có thắc mắc thì chúng ta đã sẵn có những lời giải rồi.

Người tín hữu thường hay vịn vào các cha (phải thành thật thú nhận: hàng giáo sĩ nhiều khi ỷ lại vào một vốn học vấn quá nghèo nàn, và cũng không bao giờ đặt vấn đề lại. Giải thích nhiều khi chỉ là giải thích thiêng liêng vu vơ nào đó, hay trả lời cho những khó khăn đâu đâu ấy) mà các cha nhiều khi giải đáp là cốt để gỡ mặt, và cũng vội giật đi ngay vì sợ nguy hại đến lòng đơn thật của con chiên.

Chúng ta không còn dồn việc khảo sát vào điều cốt yếu. Những cái bắt chúng ta dừng lại nhiều khi chỉ là những chi tiết nhỏ về văn chương hay lịch sử. Có khi mánh lới hơn, chúng ta tìm nơi Tin Mừng những gì để viện lý cho ước nguyện, lập trường, hay kiểu đạo đức của riêng ta.” (NTThuấn, Sách thánh và Mặc khải cứu rỗi, tr. 96)

Quả là, tính đơn sơ thành thật của đám con chiên hiền lành ở huyện vẫn bị lung lay, dễ nguy hại. Mối nguy này, không do chính họ – (thật là tội nghiệp nếu ta lại quy lỗi cho các tín hữu ngây thơ ít biết đến nghiệp và tội), mà do các đấng bậc vị vọng trong Giáo hội quanh năm suốt tháng cứ rót nhỏ vào tai các thần dân: những là, thiên đàng và hoả ngục hai, ba, bốn bên…

Rõ ràng, sứ vụ rao giảng của Giê-su Đức Chúa là “Nước Trời”. Chứ đâu có là hoả hay địa ngục nào đâu. Ngục thất trần gian nào mà có lửa để luyện trui những tội và tội. Đức Chúa của ta đâu có mặc khải những chuyện tiêu cực, khiến ta cứ hết lo lắng rồi lại bối rối. Ngài có bao giờ nói đến Thiên Đàng theo nghĩa không gian, nơi chốn. Cũng tội. Ngài vẫn chỉ rao giảng về “Nước” mà thôi . “Nước” của Ngài chẳng bao giờ định vị ở đàng Thiên hoặc đàng Trời theo nghĩa không gian ba bốn chiều, đâu.

Kìa, ngay từ đầu, ở Tin Mừng Matthêu 1:15, 4:17, Ngài đã chẳng bảo: “Thời buổi đã mãn và Nước thì đã gần bên. Hãy lo hối cải và tin vào Tin Mừng” là gì.

Tin Mừng là tin rất hồ hởi để ta mừng vui về “Nước” mà Ngài từng bôn ba rao truyền. Từ sứ vụ Galilê (Mt 4:23, Lc 4:43), cho đến việc chọn lựa đồ đệ để rồi sai đi tiếp bước chân mềm tông đồ Hội thánh (Mt 10:7, Lc 10: 9-11, Mc 6:12). Rồi, đến phút giây cực hình mình chịu nhận, Ngài vẫn kiên trì loan báo về Nước (Mt 24:14). Cả khi sống lại thật, Ngài đã hiện ra với các đồ đệ thân thương và cũng lại nói về Nước (Cv 1, 3)

Tóm lại, suốt đời giáp mặt với loài người, Đức Giê-su chỉ nói và loan truyền duy nhất có một điều: là Vương Quốc của Ngài, mà thôi.

Sở dĩ các “đấng bậc” cứ đem cảm tính người đời vào lời rao giảng về Nước, là vì các cụ vẫn còn lẫn lộn về đặc thù không gian và thời gian. “Nước” của Chúa đây, không có các tưởng tượng về nơi chốn cũng như thời điểm, để diễn ra.

Là đấng bậc vị vọng, mà hiểu theo nghĩa môn đệ theo bước chân mòn hành giáo của Đức Kitô, lẽ đáng ra các cụ phải tiếp nối công cuộc rao giảng về “Nước”, mới đúng. Ngược lại, các cụ chỉ thích nói về lửa (hoả ngục) và đất (địa ngục) thôi. Nói về lửa và đất thì dễ và sướng hơn. Vì mọi người nghe, sẽ hiểu và sợ. Có người vẫn rất ư là sợ, khi nghĩ rằng: hễ đã phạm tội dù tội nhẹ cũng sẽ bị trừng phạt. Bị tống vào lòng đất, ở nơi đó sẽ chịu cảnh lửa đốt, rất nóng bỏng. Và, lâu ngày chày tháng, chiên con dễ bảo của các đấng bậc rồi ra cũng suốt đời sống trong lo âu, sợ sệt. Sợ tội. Sợ hoả ngục. Và, sợ luôn “cha” nữa.

Mới đây, dù đã hơn 40 năm sau Công đồng Vatican II, vẫn có người (một thành viên ca đoàn nọ) chạy đến hỏi han bạn bè chỗ thân quen, rằng: mình vừa bị cảm cúm, nên không biết bỏ đi lễ Chúa nhật hai tuần liền, như thế có mắc tội không? Có phải đi xưng tội lỗi gì không? Nếu mình không xưng tội như các cha vẫn khuyên, thì một mai khi qua đời rồi, chắc phải xuống hoả ngục thì chết….

Ở đây, có lẽ cũng chẳng nên bàn bạc dài giòng thêm về lý do gây nên sợ sệt, rất vẩn vơ. Bởi, có thể nguyên do không phải vì các đấng bậc nhà mình. Nhưng, rõ ràng là các cụ nhà ta vẫn không tạo được thói quen thường xuyên, là: chỉ rao giảng những điều tích cực về Nước Chúa. Nước Trời mà Chúa hằng bảo ban.

Điều tích cực cần rao và giảng nhất, chính là: Nước Chúa đã gần kề. Và, “Nước” của Ngài không mang tính không gian, như lơ lửng ở 9 tầng mây trắng cứ tung tăng, vần vũ; hoặc, ở vườn Ê-đen đất nước Châu Phi thưở nào. Và, động từ “đến” ở thì tương lai “sẽ” vẫn không mang ý nghĩa thời gian, nào hết. Có quan niệm “Nước” của Đức Chúa cho đúng thần học của Đạo, ta mới cảm nhận được ý nghĩa của trạng huống an bình. Nơi đó, chỉ có tình yêu và hạnh phúc, thôi.

Vẫn hơn một lần Đức Chúa từng quả quyết: nơi nào có tình yêu thương và hạnh phúc, tức ở đó chắc chắn có Ngài hiện diện. Bởi thế nên, khi rao giảng cho người ở trong cũng như ở ngoài Do Thái, Đức Kitô vẫn hàm ngụ một trạng thái rất hài hoà, với mọi người. Một trạng huống vốn chìm vào quên lãng, đã từ lâu. Chìm đến độ, dân con nhà Đạo thời tiên khởi gọi là “địa đàng thời ban sơ”.

Với cảm nhận như thế, người đi Đạo và hành Đạo hẳn đều đã hiểu, rằng “Nước” của Thiên Chúa đã và đang xảy đến với các vị lành thánh, rất công chính. Những vị này, chỉ biết có thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Biết dắt dìu nhau thực hiện lời dạy chính yếu của Ngài.

Cũng trong chương sách bàn về Lời rao giảng của Đức Kitô, cố giáo sư Nguyễn Thế Thuấn đã hơn một lần khẳng định:

“Điều Chúa Yêsu chủ trương thì rõ: Việc làm và lời giảng của Chúa Yêsu phải được coi như chứng chỉ của Nước Thiên Chúa khai mạc và nhìn nhận sự hiện diện của Nước Thiên Chúa đó không phải nơi dấu lạ trên trời dưới đất, nhưng là chính ở nơi con người của Chúa Yêsu và trong công việc của Ngài. Đừng tìm viển vông đâu khác.

Lời rao giảng về Nước Trời sẽ đến có cái đặc sắc này là: sự người ta ngóng đợi nơi tương lai tận thế, thì hiện bây giờ Chúa Yêsu đã thực hiện. Như thế nghĩa là, phải bỏ ngoài những thắc mắc về cách thức và khi nào Nước Thiên Chúa đến, mà dồn cả chú ý vào sứ giả hiện tại của Thiên Chúa” (NTThuấn, sđd tr. 120)

Quả thật, đây là lời nhắn nhủ chí lý cách đây những 40 năm. Hơn thế nữa, đến cả trăm năm. Hai ngàn năm, không phai nhạt. Nhưng, người nghe và kẻ phẩm bình Lời Chúa vẫn không nhận ra điều tích cực ấy. Không nhận ra và không san sẻ những tích cực, liên quan đến “Nước” của Thiên Chúa, không phải vì mọi người có ý đồ tăm tối hoặc chậm hiểu. Đúng hơn, là vì quên lãng hoặc cuốn hút vào với thực tế của đời thường.

Cuốn hút là chuyện đương nhiên dễ xảy đến. Chí ít, là vào thời buổi có quá nhiều thứ hấp dẫn. Quá nhiều chuyện để làm. Hơn là ngồi suy niệm về “Nước” hoặc về Chúa. Về Mẹ.

Để biện minh cho điều vừa nói, dưới đây là một truyện kể nhặt được từ điện thư do bầu bạn gửi đến từ xứ người. Truyện đây, tuy không đề cập đến “Nước” của Thiên Chúa; hay đến thiên đàng hỏa ngục ba bốn bên, gì hết. Nhưng, hy vọng cũng nói lên được phần nào cái gọi là “không thể” và “có thể”, như tiêu cực và tích cực. Chuyện kể về một người tên Tom:

“Tuổi về chiều không có nhiều việc để làm. Tom bèn nghĩ ra một cách làm tính cho khuây khỏa vơi đi những ngày sầu đắng còn lại. Thử làm một màn tính toán gồm bốn phép cộng trừ nhân chia, ông bạn già chợt nhớ là đời người chỉ vỏn vẹn khoảng 75 niên là cùng. Dĩ nhiên có người sống dai hơn. Và, cũng có người chết yểu. Nhưng, hãy tạm dừng ở đây và lấy con số 75 là trung bình quân tuổi thọ đời người. Nay, hãy thử kiểm lại xem có đúng thế không nếu ta nhân 75 niên cho 52 tuần, ta sẽ có con số 3900 ngày Thứ Bẩy mà thường tình mỗi người sống trên đời này đều phải có trong suốt cuộc đời mình.

Điều đáng buồn là ít có người cùng có một ý nghĩa như Tom. Phải chờ đến lúc đã 55 tuổi đầu bạc răng long hoặc gần đến ngày hưu già hư non mới chợt khám phá ra rằng mình bỏ phí biết bao nhiêu ngày giờ mà không biết. Chí ít, là các ngày Thứ Bẩy. Những 2860 cái Thứ Bẩy tuyệt vời mà ta không biết tận hưởng. Ai nấy vẫn cứ hùng hục lao động và lao động. Lạo động để kiếm sống. Lao động để có gạo ăn. Hoặc, lao động là vinh quang hay chết tiệt. Để rồi cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Với Tom, phải mất 55 niên anh mới hiểu được chuyện đơn giản như thế. Đến nay, thì đã muộn. Nhưng muộn cũng không sao. Muộn còn hơn không. Nghĩ thế, Tom bèn làm con tính rất nhanh rằng thì là: nếu anh có thể sống đến năm 75 tuổi, anh sẽ còn khoảng 1000 ngày Thứ Bẩy an hưởng tuổi ... cao niên.

Nghĩ xong, anh bèn có quyết định, chạy vội ra hàng quán bán đồ chơi con nít và mua về đủ số bi mà bọn nhỏ vẫn chơi, mang về để một chỗ. Anh đi hết 5, 7 tiệm mới mua đủ số 1000 bi. Anh rửa sạch và đựng vào bao cất một chỗ nơi bàn đọc sách. Từ bữa đó, mỗi ngày Tom lấy ra một hòn bi, vứt bỏ sau vườn hoặc ném vào khoảng không cho khuất mắt.

Ngày qua ngày, Tom ngắm bọc đựng bi thấy nó cứ cạn dần. Anh lại nghĩ phải tập trung làm việc gì quan trọng cho đời mình. Trên đời này, chẳng có gì hay hơn là canh chừng thời gian còn lại cứ thế cạn dần. Để rồi đặt ưu tiên cho công việc hằng ngày. Và, chuyện gì phải đến đã đến. Vào ngày Tom thấy viên bi cuối cùng còn sót trong bọc, anh đưa người bạn đời đi phố ăn sáng và thư giãn đôi chút ở công viên. Nơi đây có sông có nước, có hoa lá cành đủ cả. Tom trộm nghĩ, nếu anh tiếp tục được làm cái việc bỏ bớt hòn bi cuối cùng vào quãng vắng không gian ngày Thứ Bẩy tới, thì có lẽ Trời sẽ cho phép anh có thêm thời gian nữa để có cử chỉ đẹp với người bạn đời anh quên lãng những 75 năm, thì hẳn đời sẽ đẹp lắm.

Chuyện kể chỉ có thế. Nhưng người kể là Tom vẫn muốn nhắn nhủ với người đọc rằng: bạn đừng lo những chuyện “đến khi gần chết có được lên thiên đàng không” hoặc có xuống hỏa ngục chăng. Bao lâu mình còn sống, hãy nghĩ đến những người gần gũi nhất –có thể là vợ hay chồng mình. Có thể, là bạn bè người thân nào đó- hãy làm điều gì tốt đẹp cho họ và cho mọi người. Để, tất cả sẽ đều thấy vui. Sẽ đều hạnh phúc.

Đó mới là thiên đàng. Đó chính là Nước Trời. Nước của Thiên Chúa. Vương quốc chỉ gồm toàn chuyện vui. Những hạnh phúc. Nước của Ngài đang ở nơi đây. Nơi trần gian này. Chứ có đâu xa. Chẳng cần gì địa đàng. Cũng chẳng sợ hỏa ngục hay lửa luyện hình. Chí ít, là chốn địa ngục hỏa lò, ở bên kia.

Và, Thiên đàng/hỏa ngục không phải là hai bên. Thiên đàng và Nước Trời vẫn là một. Một bên. Ở bên ấy, luôn có Đức Chúa sống cùng ta. Ở nơi ấy, ta có toàn chuyện vui. Rất hạnh phúc.

Trần Ngọc Mười Hai

với những bất bình về một suy niệm về chuyện không đâu.

Biết làm sao định nghĩa được tình yêu

(Lc 20: 34)

Kể ra, thật cũng khó mà định nghĩa được tình yêu, cho nó phải. Khó là bởi, “khi đã yêu, thì cho rất nhiều”. Cho cả con tim. Cho hết bạc tiền. Cho trọn chữ nghĩa. Có định nghĩa được hay chăng, chỉ khi đương sự đã bị những gì mà người trẻ gọi là “bò đá”, hoặc:“đi Tây”. Bò hay bồ, thì cũng vậy. Cũng như nhau.

Thế, hạnh phúc thì sao? Có định nghĩa được không? Trả lời câu hỏi này, cũng không khó cho lắm. Bởi, một khi bước vào cuộc đời, ai mà chẳng hơn một lần cảm nghiệm được cái-gọi-là-hạnh-phúc ấy. Và, khi cảm nghiệm được nỗi niềm sung sướng của cuộc đời rồi, thế nào cũng diễn tả được điều nọ. Chuyện ấy. Chẳng thế mà, nhiều vị danh nhân khoa bảng đã làm công việc không-ăn-lương này.

Dưới đây, là một vài trích dẫn rất cỏn con, về hạnh phúc:

*”Hạnh phúc là cộng thêm và nhân lên khi ta đem chia nó cho người khác.” (A.Nielson)

*”Hạnh phúc như nụ hôn, muốn thưởng thức phải san sẻ cho người khác”(Bernard Melzer)

*”Không phải sự giàu sang tạo nên hạnh phúc, mà là tĩnh lặng và việc làm.”(T. Jefferson)

*”Hạnh phúc ta gặp là trên đuờng đi chứ không phải ở cuối con đường ấy.” (Sol Gordon)

*”Hạnh phúc giữ trong tay chỉ là hạt, hạnh phúc mang san sẻ mới trổ hoa.” (E Hemingway)

*”Cứ một phút hờn giận,buồn phiền làm ta mất đi 60 giây hạnh phúc.” (Ralph W Emerson)

*”Nếu rượt đuổi hạnh phúc, ta không bao giờ gặp được chính nó.” (W. Wolfe)

*”Dù hạnh phúc đôi khi ở bên cạnh, cũng đừng bao giờ quên hẳn nó.” (Jacques Prévert)

Ấy, nói “định nghĩa hạnh phúc” cũng chỉ là nói thế. Chứ thật ra, hạnh phúc khó mà diễn tả được, bằng ngôn ngữ. Hoặc chữ viết. Mà, chỉ có thể cảm nhận qua cuộc sống. Với tâm tình. Cuộc sống và tâm tình, ta đặt tên cho nó là hạnh phúc theo quan niệm của các nhân sĩ đọc ở trên, còn biểu hiện rõ nét hơn, nơi cuộc sống lứa đôi. Cuộc sống, có những giây những phút ta cảm thấy là mình thích thú; hoặc sung sướng, chứ không thể lột tả cho hết được những điều thích thú, những nỗi niềm sung sướng ấy.

Có nhiều trường hợp, cuộc sống lứa đôi được coi là rất “hạnh phúc” kia, không thể kéo dài suốt một đời, như ta tưởng. Nhưng cũng giống như tình yêu, hạnh phúc vẫn có những giai đoạn thăng trầm, đầy trở ngại.

Thăng trầm và trở ngại của hạnh phúc lứa đôi trong cuộc sống nhà Đạo, vẫn là những kinh nghiệm mà nhiều người từng trải. Từng trải với nhiều kinh nghiệm, nhưng không phải là ai cũng có thể giải quyết êm đẹp. Hợp lẽ đạo.

Vừa qua, trên tờ The Catholic Weekly ở Sydney, một độc giả giấu tên, có thư về tuần báo xin được vấn kế/vấn nạn đấng bậc rất khả kính là Lm John Flader, như sau:

“Tôi có người bạn thân là Công Giáo. Khoảng 15 năm về trước, chị kết hôn với một tín đồ theo giáo phái Thệ Phản. Sùng đạo cũng không kém. Và suốt bao năm trời, chị không mấy sốt sắng trong việc thực thi niềm tin của mình, cho lắm. Nay, chị quay về với nhà thờ, muốn hăng say trở lại với các sinh hoạt như khi trước.Chị muốn điều chỉnh hôn nhân của vợ chồng chị, sao cho thích hợp, để chị có thể tham dự thánh lễ và rước Chúa như mọi người. Xin cho biết, có cách nào giúp chị làm việc ấy mà không bắt buộc chị quay về làm lại nghi thức hôn phối. Hoặc, phải đến với linh mục. Và, phải có ít là hai người làm chứng. Nhiêu khê quá. Hơn nữa, chồng chị thuộc vào loại cứng đầu. Anh không chịu tổ chức đám cưới lần nữa. Anh nói đã lấy nhau thật tình, sao cứ phải làm đám cưới một lần nữa cho mất công. Xin giải đáp giúp chị. Rất biết ơn.

Đã hỏi, mà lại hỏi ông cha hay ông cố, thì dù cố có là cố đạo hay cố vấn về luật Đạo đi nữa, thì cả cố lẫn cha sẽ phải lục lọi, và phán những luật và luật. Lê thê lắm. Tức, những gì các “cố” đã phán, đều sẽ đụng tới chữ “phải”, hết. Chữ nghĩa ngày nay không đơn giản, nhất là mỗi lần có ai đó muốn lập hành trình tìm kiếm những hạnh, và phúc. Rất tưng bừng.

Và, câu trả lời được diễn tả như sau:

Trước hết, như trong thư chị có nói là bạn chị muốn điều chỉnh hôn phối cách sao đó, ngõ hầu có thể rước Chúa khi đi nhà thờ dự lễ. Đây là điều rất hệ trọng. Bởi lẽ, hôn nhân của chị ta trong giáo hội Thệ Phản, không được Giáo hội Công giáo công nhận. Xem như thế, có thể nói được là chị ấy đang ở trong tình trạng “rối” (tức phạm luật) với một người mà chị đã kết hôn một cách không thành. Và vì thế, chị không đuợc phép rước lễ, mà ngôn từ bây giờ gọi là: Hiệp thông với Chúa.

Điều quan trọng cũng nên biết, là: nếu người nào Công giáo mà muốn kết hôn với người không-Công giáo tại nhà thờ không thuộc đạo Công giáo, vẫn được làm chuyện ấy, nếu có phép của vị Giám mục sở tại.

Lấy ví dụ: nếu người Công giáo kia là con trai hay con gái của một thừa tác viên trong Đạo cứ nằng nặc đòi phải cử hành lễ hôn phối, thì Giáo hội Công giáo thường vẫn cho phép những việc như thế.

Nếu đã được phép, thì hôn lễ được Hội thánh Công giáo công nhận là thành.

Khi đã nói đến điều chỉnh hay hợp thức hóa hôn nhân là ta có ý nói một việc gì đó đã được thực hiện; và, hôn nhân của đôi vợ chồng ấy, được coi là đã thành theo nhãn quan của Hội thánh. Thật ra, có hai phương cách để thực hiện việc này:

Một, được đơn giản coi như việc “hợp thức hóa” để thành hiệu lực. Việc này, đòi hỏi đôi vợ chồng phải trao cho nhau sự đồng thuận một lần nữa, trước mặt vị linh mục và có hai người làm chứng. Nói cách khác, cặp này sẽ làm đám cưới lại, và lần này trong phạm vi khuôn khổ của Hội thánh.

Đôi vợ chồng ấy, có thể chọn làm đám cưới công khai như một buổi cử hành đám cưới đúng nghĩa; có nhiều quan khách đến dự; coi như phương cách diễn tả niềm vui của hai người được kết thành hôn phối, dưới nhãn quan của Chúa và cộng đồng giáo hội.

Hoặc giả, hai người cũng có thể chọn cử hành trong vòng thân mật kín đáo hơn, chỉ cần có linh mục và hai người làm chứng, và có thể có một nhóm bạn bè thôi, cũng được. Theo cách nào đi nữa, lúc ấy đám cưới của hai người, mới được coi là thành, kể từ ngày cử hành đám cưới mới đây, thôi.

Cách thứ hai, để điều chỉnh hôn nhân được biết dưới cụm từ “Có hiệu lực hồi tố”, và việc này không đòi phải có sự đồng thuận trao cho nhau.

Làm cách này, hai người chỉ việc đến với vị Linh mục của mình, xin “hiệu lực hóa” hôn nhân. Khi đến, nên mang theo giấy tờ cần thiết -như: chứng thư hôn phối của đám cưới gốc, giấy rửa tội của hai người, vv..- và Linh mục sẽ chuyển giấy tờ này lên Đức Giám mục địa phận. Và lúc ấy, Đức Giám mục mới ban hành quyết định; hiệu lực hóa hôn nhân.

Làm như thế, hôn nhân của hai người này, mới được coi là có hiệu lực theo luật của Hội thánh, kể từ ngày đầu tiên đã làm đám cưới chưa có phép hợp thức.

Về hiệu lực hồi tố, hai vợ chồng dĩ nhiên vẫn tiếp tục đồng ý kết hôn với nhau, mặc dù họ không cần phải bày tỏ công khai sự đồng thuận này.Hình thức hiệu lực hóa hôn nhân như thế, có thể được cho phép ngay cả khi một bên không-là-Công-giáo, không am tường chuyện ấy. Đặc biệt nên khuyến khích làm như thế, chí ít là khi một trong hai người từ chối không trao cho nhau sự đồng thuận, vào buổi cử hành hôn lễ.

Về trường hợp chị nêu ra ở trên, là cuộc hôn nhân giữa người Công Giáo và người kia không-Công giáo, muốn cho “hôn nhân đa tôn giáo” thành hiệu lực, cũng phải có phép đặc biệt mới được. Trong trường hợp này, một số điều kiện cần được áp dụng. Phải đảm bảo là: không có gì nguy hiểm cho niềm tin của người theo Đạo Công giáo. Bởi, với tư cách Công giáo, ta hứa dùng quyền của người chồng hoặc vợ, chấp nhận sẽ rửa tội và giáo dục con cái theo nghi thức Công giáo. Và, người phối ngẫu nào không theo đạo Công giáo, đều phải am tường các bổn phận mà người Công giáo noi theo.

Vẫn biết, với hôn nhân đầu, đôi vợ chồng hoàn toàn có tự do tiến tới hôn nhân. Điều này có nghĩa, là: không người nào ở cả hai bên, đã từng tiến hành một đám cưới nào, trước đó.

Giả như, một trong hai người khi trước đã có kết hôn với nguời khác rồi, sau đó ly dị, thì người ấy cần có giấy quyết định hủy bỏ hôn nhân cũ, dành cho đám cưới trước. Giấy này do tòa án giáo luật cung cấp. Có như thế, đám cưới của hai người này mới thành. Mới có hiệu lực.

Kết hôn với người bên ngoài Đạo, có hiệu lực không? đó vẫn là thắc mắc của nhiều người. Của thời đại. Vấn đề, là vấn đề đối với giáo luật. Với đời sống xứng hợp với Đạo giáo. Cứ hỏi nhau về luật, dù luật đời hay Đạo, là phải trả lời như thế. Nhưng trên thực tế, ta có nên uyển chuyển và thông thoáng về vấn đề này không?

Trở về với chủ đề buổi phiếm hôm nay, có lẽ bạn cũng như bần đạo sẽ thấy khó hơn khi đặt thêm câu hỏi: biết làm sao định nghĩa được tình yêu …giữa những người nhà Đạo? Nhưng, có khó hơn chăng nếu có ai đó hỏi rằng: còn hạnh phúc giữa các người đi Đạo, thì sao?

Có lẽ, nên mượn ý của nhân sĩ nào đó có tên là Ziggy để trả lời, như sau: “Bạn có thể phàn nàn rằng:hoa hồng đẹp thật, nhưng lại có gai; hoặc bạn cứ thế mà hân hoan, vì trên cành gai kia sao lại có những bông hồng tuyệt đẹp như thế nhỉ?”.

Hoặc, cũng nên chọn định nghĩa của văn hào Victor Hugo về Hạnh phúc cuộc đời, dù đời ấy có là đời độc thân; hoặc, lấy vợ lấy chồng dù người phối ngẫu phía bên kia có là người đi Đạo hoặc không, vẫn cứ nói: “Hạnh phúc tuyệt đỉnh của cuộc đời là xác tín rằng ta được yêu thương”.

Trần Ngọc Mười Hai

chẳng thích định nghĩa nào cho bằng sống trước đã,

định nghĩa sau.

Đi đi mà kể lại

(Mt 28: 10)

Mỗi độ Phục Sinh về, dân con nhà Đạo chúng ta đều nghe Tin Mừng kể việc Chúa Sống Lại đã hiện ra với nhiều vị, trong đó có các tông đồ và các phụ nữ kề cận với Chúa. Khi thì, Chúa hiện đến với hai môn đệ rất ưu tư phiền muộn, trên đoạn đường đi Emmaus (Lc 24: 13-35; Mc 16: 12). Lúc thì, Ngài ở với các thánh tông đồ tại nơi sinh sống của các ngài, có cửa đóng then cài cẩn thận (Yn 20: 1-9; Mc 6: 14-18). Lần khác, Chúa lại hiện ra với các thánh ở cạnh bờ hồ (Yn 21: 1-14).

Nhưng, Tin Mừng Nhất Lãm đều nói Chúa đã hiện ra trước nhất với các vị nữ lưu, trước cả các nam nhân rất thánh được Ngài yêu mến nhất. Và, tên tuổi các vị nữ lưu được Chúa hiện đến mà các thánh sử ghi lại, là: Maria người Magđala và “một Maria khác” (Mt 28: 1).

Vấn đề, một số người lâu nay đặt ra, là: “Maria khác” là Maria nào? Phải đó là Đức Maria, Mẹ của Chúa, không? Mẹ vốn Đồng Công Cứu Chuộc loài người, được thiên sứ đầu tiên loan báo tin vui có Chúa Hạ sinh nơi cung lòng của Mẹ, trước nhất. Thế sao, khi Con của Mẹ Sống Lại, lúc ấy Mẹ ở đâu? Hội thánh có lời chỉ dẫn nào về thắc mắc này, không?

Vừa qua, có một thắc mắc giống như trên lại được một nữ lưu khác người Úc hỏi lại và gửi về tuần báo “The Catholic Weekly” của Tổng Giáo Phận Sydney, hôm 15/4/07. Linh mục phụ trách mục giải đáp kỳ này, là: Lm John Flader, có ý kiến tóm lược như sau:

Nhân buổi triều yết Thư Tư ngày 21/5/1997, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ Nhị có nói: như thể là: khi sống lại, Đức Giê-Su có hiện ra với Đức Maria, Mẹ Ngài, nhưng chi tiết không thấy ghi trong sách thánh. Đức Giáo Hoàng quay về với câu hỏi: tại sao Tin Mừng không đề cập gì đến chuyện này. Đức Giáo Hoàng nói:

“Tin Mừng có nói sau khi sống lại, Chúa đã hiện nhiều lần khác nhau; nhưng, không thấy nói Chúa có hiện ra với Mẹ Ngài hay không. Việc lặng im như thế, không đưa ta đi đến kết luận, nói rằng: khi sống lại, Chúa không có hiện ra với Đức Mẹ. Mà đúng hơn, việc im lặng là để ta có cơ hội để tìm hiểu lý do tại sao các thánh sử lại không chọn lựa như thế, là: ghi lại sự việc ấy trong trình thuật?

Đức Giáo Hoàng tiếp:

“Việc các thánh im tiếng không đề cập gì đến những sự việc như thế có thể được quy ra rằng: những gì ta cần biết để hiểu ơn cứu độ, đã được giao cho các “nhân chứng được Chúa chọn” (x Cv 10: 41), tức các thánh Tông đồ, là những vị dám nói lên các chứng từ về Chúa Phục Sinh “với quyền năng lớn lao” (x Cv 4: 33).

Nhưng trước khi hiện ra với các nhân chứng này, Chúa Giê-su Phục Sinh cũng đã hiện ra với một số người khác có lòng tin, vì các vị này có vai trò phải thực hiện trong Giáo hội: “Hãy đi mà báo tin cho anh em ta là họ phải đi Galilê, và họ sẽ được thấy Ta ở đó.” (x Mt 28: 10).

Nếu các tác giả Tân Ước chẳng đả động gì đến việc Đức Mẹ đã gặp mặt Con của Mẹ sau ngày Phục Sinh, thì điều đó có thể khiến ta hiểu rằng: các bằng chứng về sự sống lại như thế sẽ bị các kẻ chối bỏ Phục Sinh của Chúa coi đó như chứng cớ có thiên kiến. Và từ đó, bảo rằng sự kiện Phục sinh không đáng tin.”

Đức Giáo Hoàng còn nhắc nhở:

Tin mừng không nói đến các lần Chúa hiện ra với nhiều người, ghi ở một đoạn khác trong Sách Thánh. Chẳng hạn như, lần Chúa hiện ra với “hơn 500 anh em cùng một lúc” (x 1Cr 15: 6).

Từ đó, Đức Thánh Cha đi đến kết luận:

“Đây là dấu chỉ rõ ràng cho thấy có những lần khác Chúa hiện ra mà không được ghi lại. Dù sự việc ấy được gộp chung với nhiều sự kiện khác, đã diễn ra.”

Và cuối cùng, Đức Thánh Cha còn dạy:

“Làm sao Đức Mẹ là người luôn có mặt trong các buổi hội họp của các tông đồ (x Cv 1: 14), mà lại bị gạt ra không được kể vào số những người được diện kiến Con của Mẹ khi Ngài Sống lại từ cõi chết? Sao có thể như thế được? Đúng ra, nếu nghĩ rằng Đức Mẹ có thể là người đầu tiên đã có mặt khi Chúa hiện đến sau ngày sống lại, thì: có thể là, việc Đức Mẹ không cùng đi với các phụ nữ đến mộ của Chúa vào buổi sớm đã chứng tỏ cho thấy Mẹ đã gặp được Chúa rồi, cũng không chừng.

Các ám chỉ như thế, xác định qua sự kiện: nhân chứng đầu tiên thấy tận mắt Chúa sống lại, theo như thánh ý của Chúa, là các phụ nữ luôn tỏ lòng tin đến cùng; cho nên, các vị ấy mới ở lại đứng dưới chân thập giá. Và, Chúa Phục Sinh là sự thật rõ ràng đã ủy thác cho người phụ nữ có tên là Maria Magđala, có trọng trách chạy về báo tin vui cho các tông đồ (x Yn 20: 17-18).

Cũng có thể là, sự kiện này cho phép ta nghĩ rằng: Chúa đã tỏ mình cho Đức Mẹ, vốn là người trung tín nhất trong số các người theo chân Chúa. Và, Mẹ vẫn là người duy trì lòng tin không nhạt phai cả khi Mẹ chịu thử thách, nữa.”

Và, để trả lời câu hỏi: có ai trong số các nhà viết sử của Hội thánh nói về việc Chúa gặp Đức Mẹ sau ngày Ngài sống lại không, thì Đức Thánh Cha đã nói:

“Có tác giả viết lịch sử thánh vào thế kỷ thứ V, là Sedulius đã duy trì khẳng định rằng: Khi Chúa phục sinh trong vinh quang, Ngài đã tỏ mình cho Mẹ Ngài, trước nhất. Bởi, Mẹ là Người đầu hết được thiên sứ loan tin vui đi vào vi thế giới, thì Mẹ càng được kêu mời loan tin vui Phục sinh của Con Mình để Mẹ trở nên người loan báo ngày quang lâm của Chúa, mai ngày nữa.“ (x Sedulius, Paschale Carmen, 5, 357-364, CSEL 10, 140f)

Trích dẫn lời khẳng định của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phaolô Đệ Nhị về vấn đề trên, nếu chưa đủ để thuyết phục mọi người, thì đây một dẫn chứng khác.

Đã từ lâu, trong dân gian, đã có nhiều nhóm người vẫn tin rằng Chúa đã gặp Mẹ Ngài sau ngày Phục sinh. Bởi thế nên, có nhiều nơi vẫn còn giữ tập tục biểu tỏ lòng tin tưởng ấy. Như: ở Phi-líp-pin, dân chúng có thói quen tổ chức các buổi mà người địa phương gọi là tục lệ Salubong. Vào sáng sớm ngày Chúa Sống lại, người ta lập kiệu rước hai tượng lớn, tượng Chúa Sống Lại đến gặp tượng Mẹ Sầu Bi, có phủ khăn che đầu. Sau khi hai tượng gặp nhau rồi, thánh lễ chính sáng ngày Chúa Phục Sinh, mới bắt đầu. Nghi thức này được Niên Giám Tòa Thánh La Mã ghi lại như một khẳng định về sự kiện đoàn tụ đã thật sự xảy ra. Và, cũng để nói lên ý nghĩa Mẹ đã tham gia trọn vẹn vào nhiệm tích sống lại của Chúa (x sđd, số 149).

Một lần nữa, trong khi Hội thánh không có văn bản công khai nói rõ về cuộc gặp gỡ giữa Đức Mẹ và Chúa Giê-su sau ngày sống lại, nhưng Đức Giáo Hoàng vẫn quả quyết trong buổi triều ấy nói trên, rằng: đó là khả năng ít nhất cũng đã xảy ra. Đức Giáo Hoàng nói thêm:

“Vốn đã dừng chân đứng lại trên đồi Calvariô vào Thứ Sáu Tuần Thánh (x Yn 19: 25) và có mặt ở lầu trên nơi cộng đoàn tiên khởi trú ngụ, vào ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (x Cv 1: 14), có thể là Đức Trinh Nữ Maria là nhân chứng đặc biệt được ưu đãi chứng kiến việc Đức Kitô Phục sinh quang vinh. Như thế, đã hoàn thành công việc Mẹ tham gia vào các khoảnh khắc thiết yếu của mầu nhiệm Vượt Qua.”

Trở lại thắc mắc nêu trên, cũng nên có nhận xét, rằng: tuy lời lẽ của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị ngày hôm ấy không mang tính “vô ngộ”, bắt mọi người phải tin như là sự thật; nhưng, vài năm tới đây, nếu ngài được phong thánh, thì các quyết đoán của thánh nhân Gio-an Phaolô Đệ Nhị cũng sẽ được coi như xác chứng cho vấn nạn đặt ra.

Vả lại, cứ sự thường, có người mẹ nào lại làm ngơ trước sự kiện to lớn liên quan đến Con của mình, như thế được. Chí ít, đó lại là sự kiện có một không hai trong lịch sử Đạo Chúa. Lịch sử của Ơn Cứu Độ, nhưng không. Cuối cùng ra, vấn đề quan trọng đáng hỏi, không phải là: Chúa có hiện ra với Đức Mẹ, hay không? Mà, là: nhận thông điệp Chúa ủy thác, các phụ nữ được Chúa hiện ra, có thực thi lệnh truyền “Đi đi mà kể lại…” hay không?

Ở đây nữa, hỏi tức là đã trả lời rồi.

Và, câu trả lời đã sáng như ban ngày. Nhất thứ, lại có ánh sáng Phục sinh của Chúa phụ vào, thì: Ôi! Tuyệt vời, việc Chúa làm!

Trần Ngọc Mười Hai

chỉ dám chuyển tải câu trả lời

cho một vấn nạn, thôi.