Monday 27 March 2017

“Giòng đời trôi, bao tháng năm qua rồi,”



Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần thứ 5 mùa chay năm A 02/4/2017

“Giòng đời trôi, bao tháng năm qua rồi,”
Chuyện buồn chuyện vui, cho tôi mãi mong chờ.
Lòng chờ mong không biết đến bao giờ được gặp Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Lòng chờ mong không biết đến bao giờ
được gặp Giêsu.”
(Nhạc: Maranatha – Lời: Lm Vũ Khởi Phụng DCCT – Mong Chờ Giêsu)

(Amos 4: 12 / Mt 8: 34)

Trên đây, là lời ca vãn có những yêu cầu kéo dài mãi đến vô cùng vô tận. Yêu cầu, là nỗi niềm mong mỏi “được gặp Giêsu”, đồng thời được gần cận mãi với tạo cho bạn bè/người thân, trong cuộc đời. Đó là trải-nghiệm có được khi nghe người anh em đồng môn đọc lời bạt do chính anh viết ở dĩa nhựa Chuyện Phiếm Đạo Đời số 8, trên “Sound Cloud”..

Và dưới đây, lại thêm một cảm-nhận chân-tình của người anh em khác cùng Dòng gửi đến bạn bè đồng song sau chuyến ra đi của thân mẫu, vừa xảy đến:

Quí anh chị rất mến thương,

Không có ngôn-từ nào có thể diễn tả đươc tấm lòng của gia đình trước nghĩa-cử thật yêu thương mà quí anh chị đã dành cho gia đình trong dịp tang lễ của mẹ vừa qua. Xin anh chị em nhận nơi đây lòng biết ơn thật sâu xa của bần đệ và gia quyến.

Lời cầu nguyện của anh chị em trong các Thánh lễ, nhất là những tâm tình chia sẻ trong giờ cầu nguyện tại nhà quàn đã nhắc cho bần đệ, các em và các cháu trong tang quyến được phép ngẩng đầu lên mà hãnh diện về mẹ. Và đây cũng là nguồn động-lực giúp gia đình từ từ vượt qua nỗi đau thương để đón nhận.

Xin anh chị em đã thương thì thương cho trót bằng cách là tiếp tục cầu nguyện với, cùng và cho linh hồn Anna.

Thân ái trong Chúa Cứu Thế.
(trích điện thư của Lm Mai Văn Thịnh, CSsR gửi anh em trong gia đình An-Phong qua anh Mai Tá lá thư đề ngày 04/3/2017)

“Vượt qua nỗi đau thương để đón-nhận..”, chính đó là ý-nghĩa và mục tiêu mà mọi người trong Đạo đều nhắm đến. Lời ca cảm-nhận hay câu vãn có yêu cầu, vẫn là những lời tụng ca đầy ý-nghĩa như còn thấy ở nhiều chỗ khác, có bài hát rất như sau:

“Giòng đời trôi theo nắng sớm mưa chiều.
Tìm gần tìm xa, nghe như vẫn tiêu điều.
Rồi ngày nao tôi sẽ yêu thương nhiều vì gặp Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Rồi ngày nao tôi sẽ yêu thương nhiều vì gặp Giêsu.
Cuộc trần ai đưa nát tan cho đời.
Người người biệt ly, bao sông núi chia lìa.
Rồi ngày nao từ bốn phương quay về gặp được Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Rồi ngày nao từ bốn phương quay về gặp được Giêsu.
Người ở đâu mang mác bốn phương trời.
ngàn trời mây, muôn hoa lá mong người.
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.”
(Nhạc: Maranatha – Lời: MONG CHỜ GIÊSU bđd) 

“Rồi ngày nao tôi sẽ yêu thương nhiều vì gặp Giêsu”, đó còn là mục-tiêu mà mọi người “cần vượt qua để đón nhận”. Đón và nhận, sự-kiện “gặp Giêsu” nơi những người đang sống quanh mình vào mọi lúc. Không chỉ vào lúc cùng ta quây quần bên người thân thuộc vừa quá vãng mà thôi, nhưng còn là và phải là mọi lúc, trong đời người.

Và, “ngày nao tôi sẽ yêu thương nhiều vì được gặp Giêsu.” Ôi! Đây chính là ý-nghĩa của cuộc sống vào dạo trước và cả vào thời mai hậu, như lời khẳng định của thần-học-gia tên tuổi là Edward Schillebeeckx từng nói đến như sau:

“Bản thân con người phàm-trần bao giờ cũng mang tính-chất sử-học, đưa vào lịch-sử để làm nên lịch-sử. Vì thế nên, hành trình mà con người còn rong ruổi lại chính là hành-trình được thiết-lập với Thiên-Chúa. Bởi lẽ, con người là tạo-vật do Thiên-Chúa thiết-dựng. Nhưng, có thể đó cũng là hành-trình không có Chúa đi cùng hoặc vào thời-điểm con người cứ mải kình-chống Thiên-Chúa nữa.

Con người là hữu-thể phàm-tục có chất sử luôn sống trong tương-quan với Thiên-Chúa vĩnh-cửu. Tương-quan đây, là hành-trình rong ruổi được thể-hiện giữa bản-thể con người với Thiên-Chúa vĩnh-cửu đã dấy lên vấn-đề cánh-chung-luận. Bởi lẽ, cuộc sống con người là sự sống phụ thuộc vào thứ gì có khởi-đầu và kết-đoạn hẳn-hoi.

Vậy nên hỏi rằng: con người có thể tồn-tại mãi không? Ta thấy những gì được thêm vào đây? Có chăng sự sống sau khi chết? Có chăng thiên-đàng dành cho những người làm điều tốt lành? Có chăng luyện-ngục là nơi chốn dành cho những người luôn làm việc gian-ác?

Vấn-đề này được lịch-sử đặt ra cho con người phàm-trần. Cánh-chung-luận là câu đáp trả của Đạo Chúa với những câu hỏi đại-loại như thế. Sự sống vĩnh-cửu không là thứ gì dính-liền với bản-chất của hữu-thể hạn hẹp và bất ngờ. Cả ở trường hợp bản-thể người có linh-hồn thiêng-liêng, ta cũng không thể nào bảo là: tính-chất thần-thiêng nơi linh-hồn con người lại là nền-tảng của sự sống sau khi chết…” (X. Lm Edward Schillebeeckx, I Am a Happy Theologian, SCM Press Ltd 1994, tr. 63)

Rõ ràng là, thần-học-gia Schillebeeckx những muốn chứng-tỏ trong cuốn “Tôi là nhà thần-học phúc-hạnh” vốn dĩ bảo rằng: sự sống và nỗi chết của con người vẫn cứ là trạng-huống của hữu-thể hạn-hẹp, chứ không là khúc/đoạn của không gian và thời, bao giờ hết.

Bản thể “người” luôn ưu-tư/quan-ngại về những hạn-chế của không-gian và thời-gian, nên mới sáng-tạo ra các phạm-trù đầy ấm-ức bằng các cụm-từ như: thiên đàng, luyện-ngục, trần-gian hoặc chốn vĩnh-hằng.

Thế nhưng, thực sự thì các phạm-trù đó có ý-nghĩa gì đáng để ta lưu-tâm, bàn-thảo hay không? Đáp trả bằng những quan-niệm vững chãi, lại xin mời bạn và mời tôi, ta tiếp-tục đi vào giòng chảy đầy phân-tích của thần-học-gia tên tuổi ở trên, đã xác định bằng những ý-tưởng sau đây:

“Thiên-đàng và hoả-ngục là những sự, những việc có thể xảy đến với con người. Tôi thường biện-bạch rằng: ta luôn có tính-chất rất đối-xứng giữa ý-niệm về thiên-đàng và quan-niệm về hoả-ngục: cả hai đều không thể đặt chung vào cùng lãnh-vực được. Giả như nền-tảng của sự sống sót là tương-quan sống động như thế với Thiên-Chúa, tôi vẫn tự hỏi xem những gì xảy đến khi tương-quan với Thiên-Chúa không sống-động cách nào hết, nghĩa là: khi người nào đó làm chuyện gian ác cố ý đến cùng tột.

Ta không thể biết được là có hay không những người làm điều gian-ác theo cung-cách nhất-định, bác-bỏ mọi ân-huệ Chúa tha thứ cho họ, nữa. Và, đây chỉ là giả-thuyết bảo rằng: nếu trên đời này lại có những người không có tương-quan thần-thánh với Thiên-Chúa, thì những người như thế sẽ không có nền-tảng về sự sống vĩnh-cửu.

Và, hoả-ngục là kết-đoạn cho những ai làm điều gian ác theo cung-cách nhất-định, thì cái chết thể xác và kết đoạn cuộc đời nơi họ sẽ là điều tuyệt-đối. Thành thử, từ một quan-điểm cánh-chung-luận, ta nói được là chỉ có thiên-đàng mà thôi.” (X. Lm Edward Schillebeeckx, I Am a Happy Theologian, SCM Press Ltd 1994, tr. 64)

Nếu thế thì, các phạm-trù ở trên được sáng-chế là để đề-nghị ta và mọi người hãy cùng nhau nghe lại khẳng-định làm nền nơi ca-từ đã trích có những lời vang vọng mãi:

“Giòng đời trôi, bao tháng năm qua rồi,”
Chuyện buồn chuyện vui, cho tôi mãi mong chờ.
Lòng chờ mong không biết đến bao giờ được gặp Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Lòng chờ mong không biết đến bao giờ
được gặp Giêsu.”
(Maranatha – Vũ Khởi Phụng DCCT - bđd) 

Nếu thế thì, trọng-tâm cuộc sống hay nỗi chết vẫn cứ là “đợi chờ để được gặp Giêsu”, một khẳng-định được tác-giả Marcus J. Borg lại cũng quả-quyết như sau:

“Tất cả mọi người chúng ta, trước đây đều đã gặp gỡ Đức Giêsu. Phần đông chúng ta gặp Ngài hồi còn thơ ấu. Điều này, hà tất là chuyện có thật, đối với những ai được nuôi dưỡng trong lòng Giáo-hội và nhất là những người lớn lên ở vùng trời có nền văn-hoá Tây phương. Ở đó, mọi người đều có cùng một ấn-tượng về Đức Giêsu, theo cách nào đó như ảnh-hình về Ngài tuy lu-mờ nhưng rất đặc-biệt.

Với nhiều người, ảnh-hình về Đức Giêsu mà họ có từ thời ấu-thơ, vẫn hoàn-hình cả vào lúc trưởng-thành. Với người khác, ảnh-hình này được giữ gìn bằng những xác-tín đậm-sâu, đôi khi còn nối-kết cả với lòng sủng-mộ tư-riêng đầm ấm và nhiều lúc còn kết chặt vào với lập-trường đầy học-thuyết cứng ngắc, nữa.

Một số người khác, cả ở bên trong lẫn bên ngoài Giáo-hội, thì ảnh-hình về Đức Giêsu thời ấu-thơ còn trở-thành vấn-đề, tạo nên nhiều bối rối/ phức-tạp và ngờ-vực, có khi lại dẫn đến tình-huống dửng-dưng đối với Giáo-hội hoặc chống-đối cái Giáo-hội của thời con trẻ mà họ từng sống.

Quả là, đối với nhiều tín-hữu Đạo Chúa, đặc-biệt là các thành-viên Giáo-hội chính-cống, có lúc xảy ra thời-kỳ trong đó ảnh-hình Đức Giêsu thời son trẻ không còn mang ý-nghĩa gì to tát cả. Và, rất nhiều người trong số đó, không cảm thấy cần thay thế nó. Với họ, gặp gỡ Đức Giêsu thêm một lần nữa lại sẽ như chỉ mới gặp Ngài lần đầu tiên, tức là lúc họ cảm thấy tràn-ngập ảnh-hình mới mẻ về Ngài.

Thật sự mà nói, ý-niệm nền-tảng sẵn có trong đầu nhiều người là sự nối kết mạnh mẽ giữa ảnh-hình Đức Giêsu và nét phác hoạ về đời sống tín-hữu Đạo Chúa thật rõ nét. Nối kết đây, là sự tương-giao giữa những điều mọi người người nghĩ về Đức Giêsu và những gì mọi người trong chúng ta suy-tư về cuộc sống phải có của người đi Đạo. Ảnh-hình ta có về Đức Giêsu vẫn luôn tạo ảnh-hưởng lên nhận-thức ta có về cuộc sống của người tín-hữu theo hai cách: một, là cung-cách tạo nên hình-dạng cuộc sống người tín-hữu Đạo Chúa; và cách kia, là quyết-tâm biến Đức Chúa trở-thành đạo-giáo đáng tin hoặc không đáng tin.

Xem như thế, thì người đi Đạo lâu nay nhiều ít vẫn cứ tin Đức Giêsu mà mình được gặp tựa như ảnh-hình mình duy-trì từ thời niên-thiếu. Dù ảnh-hình ấy có do Giáo-hội nhồi nhét vào đầu óc son trẻ của mình hay không.” (X. Marcus J. Borg, Meeting Jesus Again for the First Time, HarperCollins1994, tr. 1-2)

Lòng chờ mong không biết bao giờ được gặp Giêsu, lại là sự mong chờ được gặp Đức Giêsu của thời trưởng-thành. Ảnh-hình của một Đức Giêsu-thực vừa là người thực như ta, vừa là Đấng được toàn-thể Hội-thánh nâng-nhấc lên thành Ngôi Hai Thiên-Chúa.

Chờ mong một gặp gỡ như thế để làm gì? Phải chăng là để như lời hiền-nhân ngôn-sứ khi xưa trong Cựu Ước từng khuyên-bảo như sau:

“Hỡi Israel,
ngươi hãy chuẩn bị
đi gặp Thiên Chúa của ngươi.”
(Amos 4: 12)

Đó là người đời thời Cựu ước. Còn thời Tân Ước, sau khi chứng kiến Đức Giêsu làm việc lạ lùng, khi trừ tà, người trong làng lại cũng tụ-tập để gặp Ngài sau đó thì mời Ngài ra đi như Tin Mừng Mát-thêu còn nói rõ:

“Bấy giờ,
cả thành ra đón Đức Giêsu,
và khi gặp Ngài,
họ xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ.”
(Mt 8: 34)

Thành ra, cũng là chờ mong/mong chờ “được gặp Giêsu”, nhưng mỗi thời và mỗi người lại có ý khác nhau. Chờ và mong “được gặp Giêsu” như bài hát trên lại mang một ý-nghĩa khác hẳn:

“Rồi ngày nao tôi sẽ yêu thương nhiều vì gặp Giêsu.
Cuộc trần ai đưa nát tan cho đời.
Người người biệt ly, bao sông núi chia lìa.
Rồi ngày nao từ bốn phương quay về gặp được Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Rồi ngày nao từ bốn phương quay về gặp được Giêsu.
Người ở đâu mang mác bốn phương trời.
ngàn trời mây, muôn hoa lá mong người.
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.”
(Nhạc: Maranatha/Lời: Lm Vũ Khởi Phụng DCCT – bđd)

Có mong/có chờ rồi mới thấy. Có chờ và có đợi rồi sẽ hay. Duy, có điều là: khi gặp Ngài rồi, thì bản thân người chờ đợi cũng như người xục xạo kiếm tìm sẽ ra sao? Có mãn nguyện không? Người mãn-nguyện rồi, lại sẽ có quyết-tâm như thế nào? Phải chăng như lời lẽ người anh em vừa viết trong bức thư tâm-tình đầy tri-ân, vang vọng mãi rằng: “Những tâm tình chia sẻ trong giờ cầu nguyện tại nhà quàn đã nhắc cho bần đệ, các em và các cháu trong tang quyến được phép ngẩng đầu lên mà hãnh diện về mẹ.” (X. tâm-thư trích-dẫn ở trên)

Với mẹ ruột, mà người con còn hãnh-diện đến độ “sẽ ngẩng đầu lên” như thế. Thì, với Đức Giêsu được nâng-nhắc thành Thiên-Chúa Ngôi Hai, chắc người người sẽ còn ngẩng cao đầu ghi dấu ấn đến mãn đời, nữa mới phải.

Dấu ấn ấy. Cảm-nghiệm đây, còn là và sẽ là những cảm và nghiệm của đời người vẫn có niềm vui bất tận của những người đã và đang trên đường kiếm tìm hoặc từng mong chờ nay được gặp. Tâm tình ấy, nay hoà-đồng vào với tình-tiết của câu truyện kể đầy cảm-tính như dưới đây:

“Một chuyến tàu ngoài khơi gặp bão và bị đắm. Có hai người giạt đến một hoang đảo. Cả hai đã nhiều lần làm thuyền nhưng không lần nào thành công. Cuối cùng, họ đồng ý với nhau là cùng ngồi cầu nguyện. Mỗi người sẽ ở một nửa hòn đảo xem lời cầu nguyện của ai sẽ linh nghiệm.

Đầu tiên, người thứ nhất cầu nguyện có được thức ăn. Sáng hôm sau, người thứ nhất tìm thấy một cây có nhiều quả rất ngon nên anh ta không còn phải lo lắng đi tìm thức ăn nữa. Ở phần bên kia hòn đảo, đất vẫn khô cằn và người thứ hai không tìm được gì cả.

Hết một tuần, người thứ nhất cầu nguyện cho có bầu bạn. Chỉ sau một ngày, ở bên đảo của người thứ nhất có một chiếc tàu khác bị đắm và một người phụ nữ giạt vào. Hai người chuyện trò cho bớt cô đơn, còn ở phần bên kia hòn đảo, người thứ hai vẫn không có gì khác.

Liên tục những ngày sau đó, người thứ nhất cầu nguyện được căn nhà, quần áo ấm và nhiều thức ăn hơn. Phép mầu lại xảy ra. Những gì anh ta ước thường xuất hiện ngay vào buổi sáng ngày hôm sau. Tuy nhiên, vẫn không có gì khác xảy ra ở phần đảo của người đàn ông thứ hai.

Cuối cùng, người thứ nhất và người phụ nữ - nay đã là vợ anh ta- cầu nguyện có một chiếc tàu. Sáng hôm sau, một chiếc tàu lớn xuất hiện trên bãi biển. Người thứ nhất dẫn vợ mình lên tàu và quyết định bỏ người thứ hai ở lại trên đảo. Anh ta nghĩ rằng người kia không đáng được nhận bất kỳ thứ gì anh ta có được từ những lời cầu nguyện riêng của anh ta.

Khi chiếc tàu chuẩn bị rời bến, bỗng người thứ nhất nghe thấy có tiếng nói vang lên từ không trung: "Tại sao con lại bỏ bạn mình?" Người thứ nhất thản nhiên cao giọng: "Tất cả mọi thứ đều do tôi cầu nguyện mà có. Anh ta cầu nguyện nhưng chẳng được gì cả nên không xứng đáng để đi cùng với tôi."

"Con lầm rồi" – giọng nói vang lên  – "Từ đầu đến cuối, anh ta chỉ ước có một điều và Ta đã thực hiện cho anh ta điều ước ấy." Người thứ nhất rất ngạc nhiên: "Anh ta đã ước gì?"

“Anh ta đã ước rằng những lời cầu nguyện của con được biến thành sự thật!" (truyện do St sưu tầm)

Tâm tình của người chờ mong, nay được gặp Đấng mà mình mong ước, lại sẽ hằn in nơi ca-từ nhè nhẹ được nghe thêm một lần nữa làm kết-đoạn cho bài luận-phiếm về một “chờ mong/mong chờ được gặp Giêsu” rất hôm nay. Câu hát nhẹ ấy, cứ từ từ đi vào lòng người nghe với những lời lẽ gọn gàng như sau:

Rồi ngày nao từ bốn phương quay về gặp được Giêsu.
Người ở đâu mang mác bốn phương trời.
ngàn trời mây, muôn hoa lá mong người.
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.
Maranatha! Maranatha!
Và hằng đêm tôi vẫn khêu ngọn đèn đợi chờ Giêsu.”
(Nhạc: Maranatha/Lời: Lm Vũ Khởi Phụng DCCT – bđd)


Trần Ngọc Mười Hai
Với những tình-tự hằn in nơi tâm-khảm
Khi nghe bài
“Giòng đời trôi” với lời ca
Lã chã, êm ả, rất mong chờ
Được gặp Giêsu.

Saturday 18 March 2017

“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!”



Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần thứ 4 mùa Chay năm A 26/3/2017

“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!”
Như yêu giòng sông ngậm ánh trăng non,
mộng ước quanh năm
Yêu chàng, chàng chở tình về cho mắt em ngoan...
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu làn mây lờ lững trôi xuôi, ủ đóa hoa tươi
Yêu chàng, chàng thổi tình ngời cho tóc em bay.”
(Nhạc: Phạm Duy – Thơ: Nguyễn Tất Nhiên: Hãy Yêu Chàng)

(1Corinthô 4: 21/1Côrinthô 8: 21-24)

Hãy thử đưa ra giả thuyết này, là: ta thay túc-từ “chàng” ở câu trên bằng chữ: “nàng, hoặc “Ngài” hoặc “Người”, hẳn sẽ có một gợi hứng nhỏ gửi đến các bậc giảng thuyết ở nhà Đạo làm bài giảng, cũng rất nên.

Nên, là vì: lời khuyên nhủ “Hãy yêu chàng (hay yêu nàng), vẫn như “yêu giòng sông ngậm ánh trăng non, mộng ước quanh năm”; hoặc, yêu thứ gì khác tựa hồ lời hát ở bên dưới vẫn cất tiếng:

“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu luống mạ xanh mơn mởn, tuổi thơ mau lớn.
Yêu chàng, chàng hôn tình đầy cho ngực em căng.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu những giọt sương tươi mát, cỏ hoang thơm ngát. 
Yêu chàng, chàng kết tình vào hơi thở em nồng...
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu niềm hy-vọng mãi không thôi, trong trái tim vui.
Yêu chàng chàng thổi tình bùi cho ấm đôi tay.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu mặt trời lửa sáng hân hoan, sưởi nắng mơ màng
Yêu chàng, chàng bật đèn tình soi dáng em thon.”
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên - bđd)

Hãy cứ yêu chàng hay yêu nàng như thế, cho thật nhiều. Và, hãy yêu nhiều và yêu mãi đến thiên-thu. Yêu, như những người chưa từng yêu, chưa bao giờ biết yêu và như không còn nhiều năm tháng/ngày giờ để yêu như thế. Yêu thế, tức là vẫn cứ hát những ca-từ như sau:

Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu cánh gió, gió tung tăng hai vạt áo hường.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu mưa xuống.
Nước mưa tuôn, mát ngọn cỏ ngoan.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Hãy yêu chàng!
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên - bđd)

Với đời người, lại có những lời khuyên không xa-xôi, diệu vợi hoặc “lem lẻm”, nhưng toàn những yêu-thương, chân-chất, rất giống truyện kể để mào đầu bài phiếm, hôm nay:

“Truyện rằng:
Có 3 vị: một bác sĩ, một luật sư, một cậu bé và một cha xứ tình cờ đi cùng nhau trên một chiếc chuyên cơ riêng. Bất thình lình, động cơ máy bay gặp trục trặc. Mặc dù phi công đã cố gắng hết sức nhưng không thể sửa được. Máy bay bắt đầu rơi tự do khiến tất cả ai nấy đều hoảng loạn.

Cuối cùng, người phi công vơ vội một chiếc dù và hét lên "tất cả mọi người hãy nhảy xuống" trước khi lao ra khỏi chuyên cơ. Tuy nhiên, vấn đề là trên máy bay chỉ còn lại đúng 3 chiếc dù trong khi có tới 4 người đang gặp nạn.

Vị bác sĩ vội vàng xí một cái và nói: "Tôi là bác sĩ. Công việc của tôi là cứu người nên tôi phải sống" và nhảy ngay ra ngoài. Vị luật sư cũng nói: "Tôi là luật sư và luật sư là những người thông minh nhất trên thế giới nên tôi đáng được sống". Nói đoạn, ông này lập tức chiếm một chiếc dù và nhảy ra ngoài.

Lúc này trên máy bay chỉ còn lại đúng một chiếc dù. Chính vì vậy, cha xứ nhìn cậu bé và bảo:
-Con trai, cha đã sống đủ cuộc đời của mình. Con còn nhỏ và có cả cuộc đời rộng mở phía trước. Con hãy cầm chiếc dù cuối cùng và sống an bình nhé.
Cậu bé với thái độ rất bình tĩnh đưa lại chiếc dù cho cha xứ và nói:
-Cha không cần phải lo cho con. Người đàn ông thông minh nhất thế giới kia đã "hạ cánh" với chiếc ba lô của con rồi, cha ạ".

Truyện kể, đơn giản chỉ mỗi thế. Không oang-oang, hoành-tráng cũng chẳng lốp-xốp/lộp bộp như phần lớn các truyện được đấng bậc cha/cố giảng ở nhà thờ. Thế nhưng, người kể hôm nay lại minh-định bằng một bài học để đời, rút từ câu truyện kể ở trên, nói thế này: “Công việc không định nghĩa được con người bạn nhưng làm một người tốt thì luôn được mọi người ghi nhận và những nhiều điều tốt đẹp chắc chắn sẽ đến với bạn. "Khôn ngoan không lại với trời", vạn vật trên đời đều có nhân quả báo ứng.”

Bài học nhân/quả, kể cũng lạ. Nhưng, lạ nhất là ở chỗ: người kể truyện cứ muốn áp-dụng vào cuộc sống ở đời không cần phải khôn-ngoan, bởi có khôn ngoan cũng “không lại được với trời.”

Sống Đạo ở đời, cũng thế. Nhiều lúc, ta tưởng đó chỉ là những chuyện Đạo rất khô-khan/đạo-mạo hoặc chuyện mô-phạm chẳng liên-quan đến người đời, và cũng chẳng thích-hợp với sự sống có ý-nghĩa của cuộc đời, thôi. Cũng hệt như đề-tài được người trong Đạo bàn bạc, rất hôm nay.

Hôm nay, có những chuyện xảy ra ở trong Đạo/ngoài đời, lại là vấn-đề sống Đạo được đấng “lờ mờ” ở Sydney gợi ý bằng những lời hỏi/đáp rất như sau:

“Thưa cha.
Tôi quen một cô bạn từng làm mẹ của 4 người con nhỏ, trai gái đủ cả. Chị đã quyết-định triệt-sản vì không còn khả-năng chịu nổi sức ép của việc nuôi nấng, giáo-dục được nữa rồi. Chị nói: vẫn biết là Giáo-hội ta không chuẩn-thuận cho những hành-xử tựa hồ như thế, nhưng chị thấy trong hoàn-cảnh tư-riêng của mình, là làm sao để mọi người cảm thông với mình, là tốt chán. Câu hỏi tôi đặt ra hôm nay, là: có thể nào, ta dựa vào lương-tâm trong trắng để có lựa chọn nào đó giống thế, không?”

Câu hỏi đây, tuy không đơn-giản, nhưng rất dễ có câu trả lời khái-quát, đại-trà. Thế nhưng, câu trả lời của đấng bậc phụ-trách mục giải-đáp thắc-mắc trên tuần báo The Catholic Weekly ở Sydney, cũng đại-để như sau:

“Lâu nay, Giáo-hội ta vẫn dạy rằng: nhiều hành-xử, tự nó đã sai sót rồi, chính vì thế ta không nên theo đó mà làm, bất luận hoàn-cảnh mình sống có ra sao, tốt/xấu thế nào, cũng mặc. Tự thân, đây là việc của ác-thần/quỉ dữ mà thôi.

Danh-sách sự việc nói trên gồm các thứ như sau: giết người vô tội, phá thai, trộm cắp, hãm hiếp, ngoại tình, tra-tấn, đánh đòn thật dã man, vv… Vâng. Trực-tiếp triệt-sản, được thực-hiện như biện-pháp tránh sinh thêm con, cũng là hành-xử tắc trách, rất tệ lậu. Bởi, người thực-thi triệt-sản đã sử-dụng việc tránh thai cốt nhằm mục đích ấy. (X. Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo đoạn 2399, 2370).

Bảo rằng, đó là hành-động tự nó đã sai trái là vì đi ngược lại sự tốt lành của người phàm. Mà, những gì đi ngược lại sự tốt lành, đều không là hành-động tốt, bất kể lúc ấy người xử sự có nghĩ là mình đang làm điều tốt lành hay không. Việc này, làm hại cho người ra tay hành động và cũng gây ảnh-hưởng lên người khác. Có thể là, ngay khi ấy, người ra tay hành-động không am-tường sự thật, nên mới thế.       

Vai-trò của lương-tâm chức-năng diễn-giải ở sách Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo như “phán-quyết của lý-trí” qua đó bản thân con người am-tường phẩm-chất của hành-vi cụ thể sắp thực-hiện hoặc đã xảy ra rồi.” (X. GLHTCG đoạn 1778)

Lời lẽ thật quan-trọng. Và, vai-trò của lương-tâm là nhận ra được phẩm-chất đạo-đức ở trong đó. Mọi người đều hàm-ngụ nhiều ý-tưởng khi nghĩ rằng: mọi hành-xử đều có phẩm-chất ở bên trong. Nói thế có nghĩa bảo rằng: để xem chúng có phù-hợp với luật của Chúa không; và có làm lợi cho người nào khác không? Sách Giáo-lý Hội-thánh Công-giáo lại cũng viết: Nhờ vào phán-quyết của lương-tâm, con người mới nhận-chân/am-tường các điều-khoản trong luật của Chúa. (X. GLHTCG đoạn 1778)

Con người xưa nay đều nhận ra giáo-huấn Hội-thánh vốn dạy rằng: hành-vi nào đi ngược lại luật của Chúa, thì vai trò của lương-tâm sẽ áp-dụng phán-quyết cho mọi vụ/việc ngay tại chỗ. Và từ đó, quyết được rằng: dù có khó khăn, con người cũng không được phép hành-xử như thế.

Nhiều lúc, đương-sự thấy khó mà ra quyết-định cho phải lẽ. Sách Giáo lý Hội-thánh còn viết thêm: “Con người có lúc ở vào hoàn-cảnh ít chắc chắn để đưa ra được phán-quyết đúng-đắn. Và đôi lúc, cũng thấy khó để quyết-định điều gì cho phải lẽ. Nhưng, ai cũng phải nghiêm-túc nhận ra được điều phải/trái; và nhận rõ ý Chúa diễn-bày nơi luật thần thiêng của Ngài.” (X. GLHTCG đoạn 1787)

Khi hoàn-cảnh thúc-bách ai làm việc gì đó và người ấy biết rõ sự việc chống lại lề-luật của Chúa, thì tốt nhất hãy nhớ rằng: Thiên-Chúa đích-thực là người Cha đầy lòng thương mến chỉ muốn tạo điều tốt cho con cái, đem đến cho ta điều tốt lành như mệnh lệnh hoặc lời khuyên hầu giúp ta có được hạnh phúc ở đây, bây giờ, và sau này nữa.

Và, khi Giáo-hội là người Mẹ yêu-thương vẫn chuyển đến cho ta các lệnh-truyền ấy là để giúp ta dấn bước lên đường mang theo lời khuyên bảo của Mẹ hiền. Giả như đôi lúc Mẹ có dạy đôi điều vương-vấn sự xấu nằm bên trong mà đàn con không thực-hiện được, điều đó có nghĩa là bởi vì hành-động ấy sẽ tác-hại lên ta gây trở-ngại cho hành-trì ta tiến vào với hạnh-phúc đích-thực, mà thôi.

Có thể là, ngay khi ấy ta chưa hiểu nổi, nhưng dù sao đi nữa, ta vẫn phải tiến bước tuân theo lời dẫn-dụ của bậc Mẹ Cha. Việc này cũng giống như thể người mẹ nọ khuyên con mình đừng bao giờ nhận lời theo chân người lạ mặt hoặc theo-dõi chương-trình nào đó trên truyền-hình. Cho dù đám con trẻ không hiểu lý do tại sao phải làm thế, nếu chúng là những đứa trẻ mẫn-cảm, chúng sẽ nghe theo lời dẫn-dụ của mẹ mình.  
        
Về vấn-đề này, ta cũng nên nhớ rằng: Chúa không đòi ta phải làm những việc không thể làm được; và, Ngài luôn ban cho ta thêm ân-huệ để thực-thi những gì Ngài yêu cầu. Rất nhiều lần, ta nhận ra là mình đang đi ngược lại phán-quyết nhân-bản của chính mình và chống-cự lại những gì Ngài yêu-cầu ta thực-hiện, mọi việc đều có thể diễn-tiến một cách tốt đẹp hơn ta tưởng. Bởi lẽ, người đàn bà có thêm đứa con nữa thay vì biến cho mình thành vô-sinh hoặc thay vì tìm đến phá thai, tức: tìm đến kết-quả tốt nhất xảy đến cho bà.

Hãy học cách tin-tưởng vào Chúa và thực-hiện những gì Ngài yêu-cầu. Bằng cách đó, ta tránh được mọi thứ tội và như thế sẽ tăng-trưởng một cách lành-thánh và đạt được phúc hạnh.”  (X. Lm John Flader, The Church says it is wrong, but I felt it was the right thing to do, The Catholic Weekly Question Time 22/01/2017 tr. 16)

Rất đúng. Lương tâm, lâu nay vẫn là chức-năng tiềm-tàng trong con người. Thứ chức-năng vẫn luôn giùm giúp ta ứng-xử mọi tình-huống khó khăn, cần sáng-suốt. Đích-thị là lương-tâm chức-năng không bao giờ khuyên con người làm việc sằng bậy.

Nói cho cùng, lương-tâm có sẵn trong con người vẫn là chức-năng nội-tại giúp ta nói chung và giúp người mẹ có 4 con kể ở trên, có thể thực-hiện vai-trò làm mẹ cho tốt với 4 người con nhỏ, tức: làm điều ích lợi cho người khác. 

Cuối cùng thì, ta cũng nên nhớ lời bậc thánh-hiền từng khuyên-nhủ dân con mọi người, rằng:

Anh em không thể vừa uống chén của Chúa,
vừa uống chén của ma quỷ được;
anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa,
vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được.
Hay là ta muốn làm cho Chúa phải ghen tương?
Chẳng lẽ ta mạnh sức hơn Người?
"Được phép làm mọi sự"; nhưng không phải mọi sự đều có ích.
"Được phép làm mọi sự"; nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng.
Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác.”  
(1Côrinthô 8: 21-24)

Xem thế thì, sống đời hạnh-đạo chung đụng với mọi người, là phải “tìm ích-lợi cho người khác”. Có như thế, cuộc sống của mình và của người khác mới có ý nghĩa. Mới, sống cho ra hồn. Đó, còn là lời khuyên được người nghệ-sĩ diễn-bày ở câu hát được trích-dẫn, có ca-từ rằng:

“Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!”
Như yêu giòng sông ngậm ánh trăng non,
mộng ước quanh năm
Yêu chàng, chàng chở tình về cho mắt em ngoan...
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu làn mây lờ lững trôi xuôi, ủ đóa hoa tươi
Yêu chàng, chàng thổi tình ngời cho tóc em bay.”
(Nhạc: Phạm Duy/Thơ: Nguyễn Tất Nhiên – bđd)

Để minh-hoạ những điều nói ở trên, mời bạn/mời tôi, ta tìm về với vườn hoa truyển kể mà đi về một kết-luận rất nhanh gọn, như sau:

Tiểu bang Georgia nước Mỹ có một cụ bà làm nông sống 132 tuổi 91 ngày. Lúc cụ được 130 tuổi, có phóng viên hỏi bí quyết trường thọ của cụ là gì, cụ trả lời: Trước hết là sự hòa thuận trong gia đình.

Đại học Harvard có một khảo sát trên 268 người nam cũng phát hiện: Điều thật sự quan trọng trong cuộc sống một người chính là mối quan hệ với người khác, khuyết thiếu sự ủng hộ của xã hội, thì ảnh hưởng đến sức khỏe cũng tương đồng với hút thuốc và không vận động.
Một chuyên gia tâm lý học người Mỹ có một nghiên cứu “Quan hệ giữa tính cách và trái tim” trong 25 năm đã phát hiện: Người có lòng dạ hẹp hòi, nặng danh lợi, nặng thù hằn thì tỷ lệ tử vong lên đến 14%; còn người có lòng dạ rộng rãi, vui vẻ giúp người, tính cách hiền hòa thì tỷ lệ tử vong chỉ có 2.5%. Tỷ lệ bệnh tim thì người trước cao hơn người sau gấp 5 lần.

Khi phân tích nguyên nhân, ông nói: Quan hệ xã giao và thân thuộc không tốt, làm cho nội tâm một người đầy phẫn nộ, oán hận, bất mãn… sẽ khiến thần kinh giao cảm thường xuyên trong trạng thái kích thích, adrenalin và hoóc-môn stress sẽ bài tiết ra rất nhiều.

Nhà tâm lý học Maslow đã tổng kết nhu cầu của một người như sau, từ thấp đến cao, theo thứ tự: “nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã giao, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu được thể hiện”.

Ngoại trừ nhu cầu sinh lý, còn lại đều liên quan đến quan hệ xã giao và thân thuộc. “Nhu cầu” khi được thỏa mãn sẽ mang đến cảm giác vui vẻ thoải mái. Sự hòa thuận trong gia đình là bí quyết hàng đầu của trường thọ.
(truyện kể do St sưu-tầm)   


Đọc truyện rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ hiên-ngang hãnh-tiến bước về phía trước, mà hát thêm những lời ca làm kết-đoạn cho một phiếm-luận có lời rằng:

Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu luống mạ xanh mơn mởn, tuổi thơ mau lớn.
Yêu chàng, chàng hôn tình đầy cho ngực em căng.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu những giọt sương tươi mát, cỏ hoang thơm ngát. 
Yêu chàng, chàng kết tình vào hơi thở em nồng...
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu niềm hy-vọng mãi không thôi, trong trái tim vui.
Yêu chàng chàng thổi tình bùi cho ấm đôi tay.
Hãy yêu chàng! Hãy yêu chàng!
Như yêu mặt trời lửa sáng hân hoan, sưởi nắng mơ màng
Yêu chàng, chàng bật đèn tình soi dáng em thon.”
(Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên - bđd)

Cuối cùng thì, “Hãy yêu chàng” hay “yêu nàng”, tức người khác chứ không chỉ mỗi chính mình, lại là cứu cánh cuộc đời người ở mọi nơi và mọi thời. Và, lương-tâm/chức-năng là cơ-quan nội-tại giúp ta nhớ mãi điều ấy, suốt một đời.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những lời ca văng vẳng
mãi khuyến khích
một lập-trường sống
rất thân-tâm.