Saturday 27 August 2016

“Lìa nhau cho tim bốc cháy,”



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 23 mùa thường niên năm C 04/9/2016

“Lìa nhau cho tim bốc cháy,”
Thù sâu lan khắp ư lan khắp địa cầu.
Lìa nhau cho nhau giá buốt,
Tình thương chôn dưới chôn dưới hận sầu
Lìa nhau đem theo đói khát nhục nhằn,
Lìa nhau cho giấc dài trở trăn.”
(Nguyễn Đức Quang – Lìa Nhau)

(Lc 12: 32/ 12: 50)

Còn nhớ, có lần bầu bạn trong nhóm sinh-hoạt văn-học/nghệ-thuật thuộc loại “bỏ túi” ở Sydney, Úc Châu có nói với bần-đạo bầy tôi đây, rằng: “Chừng như nhạc Việt mình ít có giai-điệu ồn-ào, vui-tươi/nhộn-nhịp như nhạc của người nước ngoài, đấy chứ?” Có lẽ vì nơi quê-hương ta xảy ra quá nhiều chiến-tranh và chia-cắt khiến người mình mới “lìa nhau” ra như thế!  

Nghe hỏi, bỉ-nhân đây bèn lục-lạo các bài mình từng trích-dẫn khi viết “phiếm” mới thấy rằng: nhận-định trên đây rất ư là thực-tế. Nó đúng thực và tinh-tế như nhận-xét của người xưa thời thực-dân từng minh-chứng bằng những ca-từ lặp đi lặp lại đến buồn đau với những cụm-từ “lìa nhau” và “lìa nhau” như câu hát tiếp:

Lìa nhau cho gian nan.
Lìa nhau cho bẽ bàng.
Lìa nhau cho gian dối lan tràn.
Lìa nhau cho non nước bước phiêu lưu.

Lìa nhau cho nhau luống đất,
ngày nay không lúa,
không lúa không mầu.
Triều sông dâng theo uất ức,
tràn lan trôi khắp, trôi khắp quê sầu.

Lìa nhau đem theo tiếng nói ngọt ngào.
Lìa nhau cho chút lòng làm cao.
Đàn trâu đi bơ vơ, bên nhà xiêu nước mắt mờ.
Lìa nhau cho kiếp sống xác xơ.
(Nguyễn Đức Quang – bđd)

Áp-dụng vào sinh-hoạt phụng-vụ nhà Đạo, nhiều lúc và lắm khi câu nhận-định trên xem ra cũng tương-tự.

Chẳng nói giấu gì bạn đọc hoặc các bạn không thích đọc mà chỉ thích hát hoặc nghe câu ca/tiếng hát xưa/cũ thời ông bành-tổ của bần-đạo vẫn được nghe hoài và hát mãi những lời cầu sau thánh-lễ rất Misa mừng kính Đức Maria, như:

Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn.
Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn.
Vì đời con gieo rắc biết bao đau thương.
Và tràn lan gai góc vướng trên con đường.

Ơ, Mẹ rất nhân từ,
Mẹ quên sao được hôm xưa.
Lời Mẹ hứa khi ở trên núi kia.
Lúc mà Chúa sinh thì,
Mẹ đứng âu sầu lặng yên.
Là Mẹ chúng con,
Mẹ xin lĩnh quyền.”
(Nguyễn Khắc Xuyên – Lạy Mẹ Xin Yên Ủi)

Câu hát trên đây, lại đã đưa dẫn bần-đạo đi vào một rừng sách gồm các cuốn có những giòng tư-tưởng/nhận-định khá “lìa nhau” như sau:

“Thật cũng lạ, là: có những tuyên-ngôn cho rằng bất cứ văn-bản viết bằng chữ nào trong lịch-sử gồm lập-trường hoặc từ-vựng đều chứa đựng “Lời của Chúa” hết. Khẳng-định như thế, tức bảo rằng Thiên-Chúa cũng rất giống con người là ở chỗ: Ngài cũng có khả-năng nói bằng lời cho một dân-tộc nào đó rất cá-biệt bằng thứ ngôn-ngữ mà dân-tộc ấy hiểu được và từ đó hiểu rằng Thiên-Chúa cũng đầu-tư vào các chi-tiết vụn-vặt của đời sống phàm-trần một cách thân-thương, mật-thiết rất đặc-biệt.

Quả thật rất rõ là: tuyên-ngôn ấy lâu nay vẫn được thế-giới Tây-Phương luôn coi đó là Thánh Kinh của Đạo Chúa. Trong khi đó, các đạo-giáo khác cũng làm như thế, thì Đạo Chúa lại chẳng bao giờ coi các “tuyên-ngôn” của bạn đạo mình một cách nghiêm chỉnh hết. Nói khác đi, thì bất cứ tuyên-ngôn tương-tự xuất từ cội-nguồn ngoài Kitô-giáo rõ-ràng đều bị coi là phi-lý. Không cần phải đi đâu xa mới nhận ra được điều này mỗi lần tín-hữu Đạo Chúa tụ-tập nhau ở nhà thờ để cử-hành Tiệc lễ người nghe đều thấy câu “Đó là Lời Chúa” trước khi người đọc sách kết-thúc một đoạn trích ở Kinh Sách.

Quả thật, khi tuyên-xưng lời kết một bài đọc trong Tiệc Thánh-thể bằng các cụm-từ như thế, người nghe đọc lại sẽ hoan-hỉ thưa: “Tạ ơn Chúa”, rất rõ rệt.

Ở một số Giáo-hội có cơ-cấu ít kiên-cố hoặc tập-trung nhấn mạnh về Phúc Âm hơn, thì người đọc Tin Mừng Tân-Ước lại sẽ kết-thúc bằng một tuyên-ngôn khác, như vẫn bảo: “Xin Đức-Chúa Trời ban thêm ơn lành cho việc đọc Lời của Ngài ở nơi đây.”

Khi người đọc câu tuyên-ngôn này bằng tiếng Anh, người đọc bao giờ cũng dùng đại-từ giống “đực” để chỉ Đức Chúa Trời. Như thế có nghĩa: Thiên-Chúa là nam-nhân. Điều này không gây cho các Hội-thánh bất cứ một quan-ngại chút nào hết. Nhưng, riêng bản thân tôi, lại thấy đó là chuyện dị kỳ, khó chấp-nhận…” (X. Tgm John Shelby Spong, A claim that cannot endure, Exposing the Bible’s Texts of Hate to Reveal the God of Love, Harper Collins Publishers 2005 tr. 15-16)

Nhận-định của Tổng-giám-mục Anh-giáo John Shelby Spong trích-dẫn ở trên, có lẽ đối với một số tín-hữu khác đạo hoặc khác giáo-phái thấy đó là lý-do gây nên sự “chia lìa” giữa những người cùng thờ GiaVê Thiên-Chúa.

Bần-đạo bầy tôi đây thật sự không lấy đó làm điều, bèn tự-nhủ: hay ta thử nghe thêm ít câu hát hoặc đọc lại vài truyện kể nào đó may ra cũng thấy được lằn sáng cuối đường hầm thay cho việc ngồi đó cứ nghĩ đến chia rẽ với “Lìa nhau” cũng được đấy. Nghĩ vậy, nên bần-đạo lại mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm đôi câu khác trong nhạc bản “Lìa nhau” ở trên, như bên dưới rồi hãy xem:

“Lìa nhau mây đen lớp lớp,
về đây che khuất, che khuất mẹ hiền
Mẹ buồn nhìn đời khốn khó,
đàn con gieo thêm lắm, thêm lắm ưu phiền.
 
Mẹ khuyên khuyên con tiếng nấc nghẹn ngào:
à ơi con hỡi đừng lìa nhau.
Đạn bay trên non cao,
hay đạn tuôn về xóm nghèo
Lìa nhau cho non nước tiêu điều.”
(Nguyễn Đức Quang – bđd) 

Đã “lìa nhau mây đen lớp lớp” thế rồi, thì còn gì nữa mà khuyên với nhủ mấy đứa con “tiếng nấc nghẹn ngào”? “Lìa nhau cho non nước tiêu-điều”, rày như tác-giả là Tổng Giám Mục John S. Spong  lại nói lên đôi điều khá sầu buồn nhận thấy ở Kinh Sách, như sau:

“Vốn xác-tín rằng Đạo Chúa có cơ-chế tổ-chức đã và đang đòi-hỏi sức-mạnh/quyền-uy cho Giáo-phái của mình mà phần lớn các đòi hỏi ấy lạ bén rễ sâu nơi tuyên-ngôn Kinh thánh bảo rằng tiếng/giọng và Lời của Chúa không còn được ai nghe thấy tận bên trong Sách thánh nữa.

Chính vì thế, nay tôi mời gọi mọi người hãy cùng nhau leo lên đỉnh núi để từ đó ta có thể xem xét/ngắm nhìn cơn gió đầy uy-lực cực-kỳ, coi xem các trận động đất và lửa ngọn tàn-phá không chỉ mỗi thần-tượng tín-điều bắt buộc mọi người phải tin, nhưng cả đến Kinh thánh, Giáo-hội, nhất nhất vẫn có thói-quen che-đậy không cho ta thấy được những gì thật sự là Thực-chất của Thiên-Chúa.

Và khi mọi sự đã bị tàn-phá đến vỡ toang rồi, thì hy-vọng của tôi sẽ là: cả chúng ta nữa lúc đó cũng sẵn sàng để vẫn còn nghe được tiếng/giọng nhỏ-nhẹ của sự lặng-thinh vốn dĩ khuyến-khích ta trở về với lời gọi mời mà theo tôi, đó là bản-chất của những gì có nghĩa trở-nên đồ-đệ của Đức Giêsu. Và rồi, ta có bổn-phận dựng-xây một thế-giới trong đó mỗi người và mọi người đều có thể sống đầy-đặn hơn, yêu-thương một cách phung-phí hơn nữa và trở thành con người mà Thiên-Chúa muốn mỗi người trở nên như thế.

Bằng lời gọi mời này, ta sẽ phản-đối tất cả những gì làm cho cuộc sống của bất cứ ai cũng không bị suy-giảm, giản-lược dù có khác-biệt về giòng giống, sắc-tộc, bộ-lạc, giới-tính hoặc hướng-chiều về phái-tính khác hoặc ngay đến đạo-giáo nữa.” (Xem thêm Tgm John Shelby Spong, A Claim that Cannot Endure, sđd tr. 25-26)

Xét lập-trường và nguyên-nhân gây nên việc “Lìa nhau” theo ý đấng bậc ở trên xong, nay ta lại mời nhau đi vào vườn thượng-uyển có những hoa thơm/cỏ lạ đầy những Lời Vàng Ngọc của bậc thánh-hiền khi xưa từng nhất-quyết:

“Anh em tưởng rằng
Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao?
Thầy bảo cho anh em biết:
không phải thế đâu,
nhưng là đem sự chia rẽ.
Vì từ nay,
năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau,
ba chống lại hai, hai chống lại ba.”
(Lc 12: 51-52)

Sống hài-hoà/bình-an hay đầy những cảnh “Lìa nhau” như thế, đó là tiền-đề và phản-đề của một biện-chứng bàn về cuộc sống thực ở đời của nhà Đạo. Đấng Thánh-hiền nói thế là để cảnh-giác người đọc và nghe Lời Ngài. Để rồi, tác-giả Tin Mừng lại ta dẫn về tổng-đề rất “có hậu” như sau:

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé,
đừng sợ!
vì Cha anh em
đã vui lòng ban Nước của Ngài
cho anh em.”
(Lc 12: 32)

Vâng. “Nước” của Ngài đã được ban cho ta như thế rồi. Còn gì đâu nữa mà âu sầu, sợ sệt! Vâng. Nghe những Lời chắc-nịch của Ngài thế rồi, nay ta cứ tiếp-tục mời nhau dấn bước vào vùng trời đầy truyện kể để tìm cho ra câu nói hoặc cốt truyện ý-nhị dù truyện kể có hơi cường-điệu hoặc nhàm-chán như một triết-thuyết, vẫn không ngại.

Vậy thì, ta cứ đi thẳng vào truyện kể nói về sự thật ở đời cũng rất “Lìa nhau”, như sau:

“Truyện kể, là về người lính nọ, cuối cùng ra cũng đã trở về với gia-đình sau nhiều trận-chiến ác-liệt ở Việt Nam, vào thời ấy, như sau:

Từ San Francisco, anh con trai gọi điện cho cha mẹ mình, rằng:
-Ba mẹ ơi, con đã về lại quê nhà rồi, nhưng con có một chuyện muốn xin với ba mẹ. Con có người bạn đang trong cảnh ngặt-nghèo nên muốn đưa anh ấy về nhà cùng sống với con.
-Chắc chắn rồi, hỡi con trai yêu quý, cha mẹ anh vui vẻ nói: Ba mẹ rất muốn gặp bạn của con”.
-Nhưng có điều con muốn nói trước với ba mẹ là: bạn con bị thương khá nặng trong chiến tranh. Anh ta hơi đãng trí và chỉ còn mỗi cánh tay và một chân thôi. Anh không có nơi nào để về sống, và con muốn anh ấy đến sống với gia đình ta, ba mẹ nghĩ sao?
-Ấy chết! Ba mẹ xin lỗi con, con trai yêu quí của Ba mẹ… Có lẽ ta có thể giúp anh ấy tìm nơi nào khác để sinh sống cũng được vậy!
-Không đâu, ba mẹ à, con muốn anh ấy đến ở chung với gia đình mình cơ.
-Con à! Con có biết là con đang yêu cầu ba mẹ làm một điều quá sức hay không? Đem về nhà mình người bạn tàn tật như vậy sẽ là gánh nặng khủng khiếp cho ba mẹ đấy. Ba mẹ còn có cuộc sống riêng-tư của mình nữa chứ, ba mẹ không thể để điều ấy làm ảnh hưởng tới cuộc sống riêng của gia-đình ta. Ba nghĩ: con hãy về nhà và quên anh bạn của con đi. Anh ấy rồi cũng sẽ tìm ra cách tự lo-liệu cho cuộc sống của mình đấy thôi

Lúc ấy, người con bèn gác điện thoại, không nói gì nữa. Cha mẹ anh không nghe thấy gì từ đầu giây bên kia nữa. Song, ít ngày sau, họ đột-nhiên nhận được cú điện-thoại từ đồn cảnh sát San Francisco gọi về bảo cho biết: Con trai ông bà đã qua đời sau khi bị ngã từ ban-công trên cao-ốc xuống đất, cảnh sát đã thông-báo cho ông bà như vậy. Cảnh sát San Francisco quyết được rằng đây chắc chắn là một vụ tự-vẫn có suy-tính.

Cha mẹ người lính trẻ, trong cơn đau-đớn tột bực, đã vội bay tới San Francisco và ông bà được dẫn tới nhà xác thành-phố để nhận-diện thi-thể của người con trai. Họ nhận-diện đúng là anh ta, người con trai yêu quý của hai ông bà. Nhưng đột nhiên, hai ông bà kinh-hãi không thốt nên lời, khi nhận thấy điều mà trước đó họ không hề hay biết, đó là: con họ chỉ còn duy-nhất có một tay và một chân thôi.”

Thế rồi, những giọt nước mắt đau thương/ân-hận đã bắt đầu tuôn, nhưng tất cả đều đã quá muộn. Cha con gia-đình này, nay đã “lìa nhau” không được sống chung với nhau nữa, dù có muốn.” (Truyện kể lan nhanh qua điện-thư vi-tính rất thường ở thời này)    

Truyện kể chỉ có thế. Không nhàm và cũng chẳng chán, vẫn như chuyện thường ngày ở huyện, mà lại là huyện Tây Phương rất cực-lạc. Nhưng người kể hôm nay lại đã gửi đến người nghe, một cảm-nhận như sau:

Bạn đừng bao giờ đối xử phân-biệt/kỳ-thị với người khác. Bởi, bạn sẽ không biết được người thực sự bị tổn-thương đây là ai hết. Hãy cứ bao-dung/độ-lượng với mọi người và nghiêm-khắc với chính mình! Nếu mọi người trong ta đều có thể để lòng bao-dung/nhân-ái với người lạ giống như người thân của mình, thì thế giới này rồi đây sẽ tốt đẹp dường bao.”

Bởi, với lòng từ-bi/bao-dung, ta có đủ sức để mài/dũa bất cứ hòn đá vô-tri vô-giác nào đi nữa thành viên ngọc quí lung-linh chiếu sáng. Ta cũng sẽ đủ sức biến những việc khó-khăn thành dễ-dàng; đủ sức biến người tầm-thường hay khuyết-tật thành vĩ-nhân, cũng không khó.” (Bạch Mỹ sưu-tầm)

Truyện kể gọn nhẹ là như thế. Thi-ca âm-nhạc ở đâu cũng như vậy. Cũng có câu ca hoặc điệu hát thoạt nghe có vẻ âu-sầu/buồn-bã, nhưng hễ nghe hoài, nghe kỹ sẽ không còn thấy nhàm thấy chán như ai đó đã cất lên giai-điệu đầy hưng-phấn, quyết-tâm như sau:

“Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên.
ca ngợi quê hương của chúng ta.
bằng niềm tin chứa chan trong tim,
người thanh niên.

Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên.
Cuộc đời đang dang tay đón ta.
Bằng yêu thương ta đi xóa tan,  
mọi căm hờn.

Đừng ngồi yên, nghe tiếng khóc quanh mình
đừng ngồi yên, trên nhung gấm vô-tình hỡi bạn thân!
đừng vùi lương tri dưới gót chân.
đừng nhìn tha-nhân
đang kêu gào chống ngục tù xin công bằng, đòi cơm áo.

Đừng đùa vui khi đói khát vẫn còn.
đừng đùa vui khi áp-bức vẫn còn, nhân-loại ơi!
Đừng làm quê hương thêm tả tơi.
Đừng khoe-khoang trên những xác người
đã ngã gục chết cho đời được thêm vui.

“Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên!
Ngợi ca quê hương của chúng ta.
Bằng niềm tin chứa chan trong tim,  
người thanh niên.

Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên.
Cuộc đời đang giang tay đón ta.
Bằng yêu thương ta đi xóa tan mọi căm hờn.
(Lê Hựu Hà – Bài Ca Tuổi Trẻ)

Đúng thế. Dẫu có ra sao, cũng đừng sợ! Sợ gì mà không hát lại những câu ca buồn-bã rất “lìa nhau” hoặc chia-lìa như sau:

“Lìa nhau cho nhau luống đất,
ngày nay không lúa,
không lúa không mầu.
Triều sông dâng theo uất ức,
tràn lan trôi khắp, trôi khắp quê sầu.

Lìa nhau đem theo tiếng nói ngọt ngào.
Lìa nhau cho chút lòng làm cao.
Đàn trâu đi bơ vơ, bên nhà xiêu nước mắt mờ.
Lìa nhau cho kiếp sống xác xơ.
(Nguyễn Đức Quang – bđd)

Vâng. Thế đó là niềm vui có gọi mời “Đừng sợ bạn ơi!” gặp thấy trong mọi nỗi buồn cuộc đời, dù rất chán. Và, dù có “Lìa nhau cho tim bốc cháy những ‘thù sâu lan khắp địa cầu”. Cả vào khi ta hát những câu “Lìa nhau đem theo tiếng nói ngọt-ngào”, “chút lòng làm cao”, “nước mắt mờ”, “xác xơ”, một kiếp sống rất ơ-hờ, thờ-ơ, rất đáng chán!

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc thấy đời mình
Cũng khá nhàm và hơi chán
nhưng không sợ.
Vẫn đầu cao mắt sáng
Nhìn về phía trước có tương-lai mầu hồng
đầy sức sống,
Rất miên-trường.

Saturday 20 August 2016

“Chiều buông trên giòng sông Cửu Long”



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 22 mùa thường niên năm C 14/8/2016

“Chiều buông trên giòng sông Cửu Long”
Như một cơn ước mong, ơi chiều.
Về đâu ơi hàng cây gỗ rong,
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều.
(Phạm Duy – Chiều Về Trên Sông)
(1 Côrinthô 1: 17-18)

Chiều về đâu không về, sao cứ về trên sông, đến như thế? Nhất thứ là sông Cửu Long những chín con rồng có “ước mong”, có “gỗ rong” “nghiêng mình trên sóng sông (rất) yêu-kiều”.

Buồn đâu không buồn, sao lại “bỗng dưng theo đò ngang quá giang thương chiều” một nỗi buồn, tựa hồ như ca-từ còn hát tiếp ở bên dưới:

“Buồn tôi không vì sao bỗng dưng
Theo đò ngang quá giang thương chiều
Bởi vì thương nhiều nên nhớ (ơ) tình yêu
Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ

Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ
Có khi vui lững lờ
Có khi tuôn sầu u
Bởi vì chiều buồn chiều về giòng sông
Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán
Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn
Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo
Chiều buông trên giòng sông cuốn mau
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều.”
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Chiều buồn rất ư là như thế. Thế, có nghĩa: nếu cứ “giang” theo lời ca tiếng hát của nghệ-sĩ, văn-học, thì chắc người đọc và người nghe sẽ cứ thế mà hát mãi những câu ca “bọt bèo”, “mến yêu” như người hát cứ ca hoài ca mãi đến như sau: 

“Về đây bọt bèo muôn khắp nơi.
Vui buồn cho có đôi không nhiều.
Ngày mai sông về quê mến yêu.
Cho trùng dương cũng theo hương chiều.
Bể sầu không nhiều nhưng cũng (ư) đủ yêu..
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Hôm nay, nhờ nghe đi nghe lại bài “Chiều Về Trên Sông” của nhạc sĩ họ Phạm tên Duy mà bầy tôi đây bèn nảy ra ý-định viết về những chuyện buồn xóm nhỏ đọc ở đâu đó, như một cảm-nghiệm ta truyền cho nhau, như sau:  

“Truyện là truyện kể về ông bố dượng như thế này:
Ông ấy đã hơn 50 tuổi, lấy mẹ tôi cũng vì muốn tìm người bầu bạn lúc tuổi già. Ông không có điểm gì nội trội ngoài khả năng nấu ăn và tấm lòng chân thật, nhưng khi tiếp xúc với ông, tôi mới thật sự hiểu ra hai chữ “người nhà”.
Sau khi bố tôi mất được ba năm, ông ấy đã đến nhà tôi. So với người cha của tôi, ông ấy tầm thường đến nỗi chẳng có ưu điểm gì đáng để nói đến. Nhưng mà, người mẹ ngoài 50 tuổi cần có một người bầu bạn, mà yêu cầu của người già đã ngoài 50 tuổi đối với một nửa kia rất nhiều khi chỉ cần phẩm cách tốt là được rồi.
Về mặt này ông ấy có đủ điều kiện, bởi ông là người tốt nổi tiếng gần xa, là người thật thà chất phác. Cái hôm gặp gỡ lần đầu tiên với mẹ tôi, ông rất bối rối. Bởi vì ông biết rất rõ rằng mọi phương diện của mình đều không có ưu thế: nhà thì chật hẹp, tiền lương thì ít, chẳng qua chỉ là một công nhân phổ thông nghỉ hưu, hơn nữa nhà của cậu con trai vừa mới kết hôn cũng cần đến sự giúp đỡ của ông.
Nói thật lòng, mẹ tôi cũng chỉ là vì nể mặt người mai mối nên mới quyết định đến gặp ông ấy. Và cuối cùng mẹ đã sinh ra thiện cảm đối với ông bởi tài nghệ nấu nướng của ông.
Sau khi gặp mặt, ông ấy nói: “Bà Lý này, tôi biết điều kiện của bà rất tốt, không thiếu gì cả, thật tôi không có gì đáng để gửi tặng bà. Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng hãy thử quen nhau xem sao, chiều nay bà hãy ở lại nhà tôi dùng bữa cơm đạm bạc nhé!”.
Tấm lòng chân thành của ông khiến mẹ tôi không nỡ từ chối, và bà đã ở lại. Ông không để bà động đến một tay, đã làm một bát canh với bốn loại rau, đặc biệt là món bí ngô nấu thịt, mẹ tôi đã ăn ngon đến không nỡ đặt đũa xuống.
Trước khi đi, ông đã nói với mẹ tôi rằng: “Sau này nếu như muốn ăn nữa, thì hãy đến đây. Nhà tôi tuy không khá giả lắm, nhưng chiêu đãi món bí ngô thì không tốn công phí sức chút nào”. Về sau, mẹ tôi lần lượt gặp mấy người lão niên khác nữa, nhưng mà, tuy điều kiện của mỗi người đều tốt hơn ông ấy, nhưng cuối cùng mẹ tôi vẫn chọn ông.
Lý do thật ra cũng được xem là ích kỷ, bà ấy đã phục vụ và chăm sóc ba tôi hơn nửa đời người rồi, lần này bà muốn một lần làm đối tượng được người ta chăm sóc lại. Cứ như vậy, ông ấy và mẹ tôi đã đến với nhau… Người ngoài hay là người nhà?
Hôm đó, ông ấy, mẹ tôi, thêm tôi nữa, còn có gia đình ba người của con trai ông cùng dùng một bữa cơm với nhau. Tôi đặc biệt sắp xếp bữa cơm này trong một khách sạn năm sao sang trọng, trên bề mặt thì thấy là vì để bày tỏ sự coi trọng đối với ông, thật ra là muốn thông qua đó mà thể hiện vai vế của mình.
Khi rời khỏi khách sạn, ông nhẹ nhàng nói với tôi: “Từ nay chúng ta đã là người nhà với nhau rồi, là hai bố con đấy! Sau này nếu con muốn mời bố ăn cơm thì chỉ việc đi đến những quán ăn bên đường là được rồi, ở đó bố sẽ ăn được thoải mái hơn, lòng không bị đau và cũng không thấy tiếc tiền”.
Chính biểu lộ tình cảm chân thành của ông đã làm tổn thương cái tâm hư vinh giả dối của tôi, khiến tôi cảm thấy đấu trí với một người thật thà, giống như một người lớn lấy kẹo để dụ dỗ một đứa con nít vậy, thật là vô sỉ chẳng còn gì để nói nữa.
Ông ấy đã chăm lo cho mẹ tôi rất tốt, bà ấy mỗi lần gặp tôi đều bảo cần phải giảm cân, đó là một giọng điệu hạnh phúc. Ông ấy nấu ăn thật sự rất ngon. Một lần nọ, khi cùng ăn cơm với mọi người, tôi không nhịn được nói với vợ rằng: “Lần sau khi chú Đường làm cơm, em hãy ở bên cạnh mà học hỏi một chút”.Trong sắc mặt của vợ vốn không hề có phần muốn học, trái lại còn có mấy phần tức giận.
Ông vội vàng đứng ra giải vây, ông nói: “Một đời này của bố đều không làm được gì tốt cả, chỉ có chút tài nghệ làm được mấy món ăn, các con đều là những người làm chuyện đại sự, tuyệt đối đừng có học theo ta, nếu như muốn ăn, thì hãy đến đây, đến bất cứ lúc nào cũng được. Làm cơm này, sợ nhất là cơm mình làm không có người ăn”.
Hôm đó khi chúng tôi đi về, ông ấy đã gói rất nhiều đồ do chính tay ông làm bảo chúng tôi mang về, vừa cầm lấy tay tôi vừa nói: “Đừng có khen cơm của bố nấu ngon nữa, nói thật lòng, hễ có người nói đến ưu điểm này thì bố thấy ngại lắm. Một người đàn ông chỉ biết nấu ăn, còn những phương diện khác thì lại không làm được trò trống gì cả, đây đâu thể nói là ưu điểm được”.
Trên đường về nhà, tôi đã kể lại cho vợ nghe những lời này của ông. Cô ấy nói: “Người như ông ta, trời sinh là số phải phục vụ người ta, trời sinh chính là bằng lòng cúi đầu đến sát mặt đất. Mẹ chúng ta có phúc khí, già rồi còn làm một hoàng thái hậu”.
Tôi vừa lái xe, vừa dùng mắt liếc nhìn vợ, cảm nhận sự khinh thường của vợ đối với ông ấy, trong lòng lại không biện giải gì cho ông. Rốt cuộc, ông trước sau vẫn là một người ngoài mà. Xấu hổ. Hôm tôi dọn sang nhà mới, ông ấy và mẹ tôi đã đến nung đáy nồi (một tập tục khi dọn nhà) cho chúng tôi. Ông đã làm theo tập tục nung đáy nồi một cách cẩn thận kỹ càng đâu vào đấy. Nhưng mà, đợi đến lúc ăn cơm, ông lại không xuất hiện trên ghế dành cho bề trên, tìm khắp nơi đều không thấy ông ấy, gọi điện thoại cho ông, cũng là ở trong tình trạng khóa máy.
Dường như đã tính toán kỹ thời gian, khi khách khứa đi hết cả, ông đã quay trở lại, cẩn thận dọn dẹp đống bát đĩa bừa bộn đó, đem những đồ ăn còn thừa lại đựng trong hộp cơm mà ông đã chuẩn bị sẵn, để đem về nhà ăn.
Mẹ không mong ông làm như vậy, cảm thấy tủi thân cho ông, ông nhỏ tiếng nói thầm với bà rằng:
-Buổi tối anh sẽ nấu cơm mới cho em, những cái này anh sẽ tự ăn hết.
Mẹ nói:
-Làm gì mà ngày nào cũng phải ăn cơm thừa rau thừa như vậy chứ? Anh có biết rằng em thấy anh làm như vậy, trong lòng rất khó chịu hay không?
Ông ấy đã an ủi mẹ tôi rằng:
-Em tuyệt đối đừng có thấy khó chịu, để anh nhìn thấy lãng phí như vậy, trong lòng anh mới không dễ chịu. Tiền của Thụ Tán (tên của tôi) đều rất vất vả mà đánh đổi lấy, chúng ta không giúp con nó được gì cả, vậy thì hãy gắng sức tiết kiệm thay cho nó.
Lời của ông khiến cho mẹ tôi day dứt, sau đó bà ấy quyết định nói với tôi. Nghe thấy mẹ nói thay cho ông ấy trong điện thoại, lúc đó cảm giác trong lòng tôi rất phức tạp, đồng thời cũng vì phần phức tạp này của mình mà cảm thấy rất xấu hổ.
Dần dần, thiện cảm đối với ông ấy mỗi lúc một nhiều hơn. Có những lúc, thậm chí có phần ỷ lại, ông ấy vẫn luôn âm thầm làm rất nhiều chuyện cho chúng tôi, thay ống nước bị hư trong nhà, mỗi ngày đưa cháu đến nhà trẻ và rước cháu về nhà, khi mẹ nằm viện ông ấy đã không ngủ không nghỉ mà chăm sóc bà, mãi đến sau khi xuất viện mới nói với chúng tôi.
Chỉ là không ngờ rằng có một ngày, ông cũng ngã bệnh, hơn nữa bệnh còn nghiêm trọng đến thế. Trên đường ông ấy đưa con của tôi đến nhà trẻ đã đột nhiên ngã xuống - bệnh tai biến mạch máu não, bán thân bất toại mà nằm trên giường.
Tôi, còn có con trai của ông ấy, ban đầu đều rất tích cực đối với việc trị liệu của ông, chúng tôi mong ông mau chóng khỏe lại, vẫn có thể chịu mệt nhọc vất vả mà phục vụ cho chúng tôi giống như trước đây. Nhưng mà, ông đã không bao giờ đứng dậy được nữa. Trước đây ông chỉ biết mỉm cười, không ngờ giờ đây đã biến thành yếu ớt như vậy, lúc nào cũng chảy nước mắt.
Mẹ chăm sóc cho ông, ông khóc; chúng tôi đẩy xe lăn dẫn ông đi chơi vùng ngoại ô, ông khóc; nhiều lần nằm viện, nhìn thấy tiền bị tiêu đi như nước, ông khóc. Cuối cùng có một ngày, ông đã dùng con dao cạo râu ra sức cắt cổ tay của mình. Cấp cứu trong suốt 5 giờ đồng hồ, ông mới giằng co từ trong cõi chết trở về, rất mệt mỏi, cũng rất tuyệt vọng.
Điều thật sự không ngờ rằng, người đầu tiên bỏ ông ấy đi lại chính là con trai của ông. Con trai của ông rất ít khi đến thăm ông, sau này còn không chịu ló mặt ra một lần. Mỗi lần gọi điện thoại anh ta đều nói rằng mình đã đi công tác, trở về sẽ ghé thăm ông.
Điều khiến tôi không ngờ hơn nữa, mẹ tôi vào lúc này cũng nói rằng bà muốn chia tay với ông. Hai người vốn dĩ cũng chưa có chính thức, chỉ là chuyện vỗ mạnh một cái mỗi người mỗi ngả. Mẹ nói với tôi rằng: “Mẹ đã già rồi, không lo nổi cho ông ấy nữa. Mẹ không giúp được gì cho con cả, nhưng cũng không thể lượm một người cha tàn phế về, làm liên lụy con được”.
Đây chính là hiện thực tàn nhẫn. Tôi không muốn để mẹ tôi làm người ác, thế là tôi đành phải nhẫn tâm đóng vai kẻ ác, quyết định tự mình đến nói ra chuyện chia tay này. Tôi nói với ông, người vốn đang nằm trong bệnh viện rằng:
-Chú Đường, mẹ con bệnh rồi.
Nước mắt của ông lại tuôn trào ra như mưa, tôi gắng sức nói ra những lời tàn nhẫn:
-Chú biết đấy, mẹ con cũng đã có tuổi rồi. Những ngày này, bà ấy đối với chú như thế nào, chú cũng đã thấy rồi. Chú tiếp tục chảy nước mắt gật đầu. Tôi lại nói tiếp:
-Chú Đường, chúng con còn phải đi làm nữa, mẹ con sức khỏe lại không được tốt. Chú xem như vậy có được không, sau khi xuất viện, chú hãy về nhà của chú, con sẽ thuê một người đến săn sóc cho chú. Đương nhiên, tiền sẽ do con trả, con cũng sẽ thường xuyên đến thăm chú. Khi nói đến đây, chú không khóc nữa. Chú gật đầu liên hồi, nói một cách cảm kích:
-Nếu được như vậy thì tốt quá, nếu được như vậy thật đúng là tốt quá. Không cần người giúp đỡ, thật sự không cần…
Tôi bước ra đến khuôn viên của bệnh viện lại chảy nước mắt, không rõ đó là cảm giác nhẹ nhõm sau khi được giải thoát, hay là trong lòng có nỗi day dứt không nói thành lời. Tôi đã mời một người giúp việc cho ông ấy, trả trước chi phí trong một năm. Sau đó, tôi lại đến nhà ông ấy, thuê công nhân tu sửa lại nhà của ông một chút, tôi đã cố gắng làm đến trọn nhân trọn nghĩa. Không phải vì ông, chỉ vì an ủi nỗi bất an trong lòng. Cái ngày ông ấy xuất viện trở về nhà, tôi không có đi, mà là bảo tài xế trong đơn vị đến đón ông.
Sau khi tài xế trở về đã nói với tôi rằng:
-Chú Đường nhờ tôi nói tiếng cảm ơn với anh, còn bảo rằng ngay cả con trai ruột của chú, cũng không làm được như vậy.
Những lời này, đã an ủi tôi ít nhiều, khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm phần nào, nhưng loại an ủi này vốn không có duy trì được bao lâu. Ngày xuân lạnh buốt. Ngày tết không có ông ấy ở nhà, chúng tôi thấy có chút buồn tẻ, không còn có một người bằng lòng vùi đầu vào trong nhà bếp, làm đủ các loại món ăn cho chúng tôi.
Chúng tôi ngồi ăn cơm tất niên trong khách sạn năm sao, nhưng lại không cảm nhận được cái hương vị nồng ấm của ngày tết nữa. Con trai trên đường về nhà nói:
-Con muốn ăn món cá chép do ông nội làm.
Vợ tôi nháy mắt ra hiệu cho con trai đừng có nói nữa, nhưng mà, con trai trái lại quậy càng dữ dội hơn:
-Tại sao mọi người lại không để cho ông nội về nhà đón tết, mọi người thật đúng là xấu xa mà!.
Vợ tôi tức giận giáng cho con trai một cái bạt tai thật mạnh. Nhưng cái bạt tai đó giống như là đang đánh vào mặt vậy, khắp mặt sưng lên đau đớn. Một câu nói của con trai, khiến cho điều chúng tôi tự thấy an ủi đều đã sụp đổ tan tành.
Tôi từ trong kính chiếu hậu, nhìn thấy đôi mắt của mẹ cũng đang đỏ hoe. Không nghĩ cũng hiểu, đó là ngày 30 tết buồn tẻ biết mấy. Tôi thấy rất nhớ năm ngoái, cái năm mà ông ấy vẫn còn ở nhà chúng tôi, một gia đình ấm cúng hạnh phúc, luôn được xây dựng trong sự phó xuất lặng lẽ của một người.
Không biết giờ này, chú Đường đang đón tết với ai? Liệu có nhớ đến chúng tôi chăng? Liệu có vì sự vô tâm của chúng tôi mà trong lòng cảm thấy tủi thân?
Về nhà. Sau khi tiếng trống đầu xuân vang lên, tôi lái xe đi đến chỗ của chú Đường. Ông ấy bước những bước chân tập tễnh ra mở cửa cho tôi, nhìn thấy tôi, miệng đang nở nụ cười, trong mắt lại đẫm lệ.
Đi vào ngôi nhà lạnh lẽo của ông, nước mắt của tôi cũng không thể ngăn lại được nữa. Tôi cầm điện thoại lên gọi cho con trai của ông ấy, sau khi mắng chửi cho anh ta một trận, bắt đầu gói sủi cảo cho ông.
Người giúp việc đã về nhà đón tết rồi, trên đầu giường đã chuẩn bị sẵn điểm tâm đủ cho ông ấy dùng đến ngày 15, trong lòng tôi cũng thầm trách mẹ. Những chiếc sủi cảo nóng hổi cuối cùng đã khiến trong nhà ông ấy có được một chút không khí ấm cúng của ngày tết. Chúng tôi cứ ăn một miếng sủi cảo, nước mắt của cả lại lã chã tuôn rơi.Buổi sáng tinh mơ của ngày mùng một, tôi lảo đảo rời khỏi căn nhà của ông, tôi đã uống rượu, đậu xe ngay dưới lầu của nhà ông ấy, một mình đi trên con đường lạnh tanh, trong lòng đầy rẫy thê lương. Điện thoại reo lên, là vợ gọi đến:
-Anh ở đâu vậy hả?
Tôi phát hỏa lần nữa:
-Tôi đang ở trong nhà của một ông lão cô độc, nghe rõ chưa hả? Chúng ta là loại người gì vậy hả?
Khi ông ấy có thể đi lại được, chúng ta lợi dụng người ta; bây giờ ông không cử động được nữa, chúng ta lại gửi trả về. Lương tâm của chúng ta phải chăng đã bị chó ăn mất rồi, vậy mà còn đòi học theo người ta nói nhân nghĩa đạo đức, tôi khinh!
Ở trên đường cái, tôi mắng chửi bản thân mình thật tệ hại, mắng đủ rồi, mắng mệt rồi, tôi không chút do dự mà chạy trở lại, cõng ông ấy trên lưng rồi đi ra bên ngoài. Ông giãy giụa, hỏi tôi:
-Con làm vậy là sao?.
Tôi lấy giọng điệu chắc nịch mà nói với ông rằng:
-Về nhà.
Ông nội mà, chính là để chúng ta yêu thương
Ông ấy đã trở về. Người cảm thấy vui nhất là con trai tôi. Nó vừa ôm vừa hôn ông, luôn miệng đòi ăn món cá chép, đòi ăn món bánh quai chèo, muốn làm thẻ siêu nhân.
Vợ lôi tôi vào trong phòng, hỏi tôi:
-Anh điên rồi sao? Ngay đến cả con trai ông ta còn không lo cho ông ta, anh dẫn ông ta về nhà làm gì vậy?
Tôi không còn nổi nóng nữa, ôn hòa nhã nhặn nói với cô ấy:
-Con trai ông ấy làm chuyện không đúng, đó là chuyện của anh ta, không nên lấy đó làm cái cớ để chúng ta bỏ rơi ông ấy. Anh không yêu cầu em phải xem ông ấy như bố chồng của mình, nhưng mà, nếu như em yêu anh, nếu như em biết nghĩ cho anh, thì hãy xem ông ấy như người nhà, bởi trong lòng của anh, ông ấy chính là người nhà, chính là người thân, bỏ rơi ông ấy thì rất dễ dàng, nhưng không giấu được nỗi day dứt trong tâm. Anh muốn tâm mình được thanh thản một chút, chỉ đơn giản vậy thôi.
Cùng một lời này, khi nói với mẹ, bà nước mắt như mưa, nắm chặt lấy tay tôi nói rằng: Con trai à, mẹ thật không ngờ con lại có tình có nghĩa như vậy.
Tôi nói: Mẹ, mẹ yên tâm đi. Nói hơi khó nghe một chút, cho dù sau này có một ngày, mẹ mà đi trước chú ấy, con cũng sẽ phụng dưỡng chú ấy đến cuối đời, với thu nhập của con hiện giờ, nuôi chú ấy nào là chuyện khó gì? Thêm một người thân, thì có gì không tốt chứ?
Một lúc sau, con trai tôi đi vào xin tôi: Bố ơi, đừng có gửi ông nội về nữa. Sau này, con sẽ chăm sóc ông ấy. Sau này bố già rồi, con cũng chăm sóc bố mà!
Tôi ôm con trai vào trong lòng, trống ngực đập thình thịch, thật may là vẫn chưa quá muộn, còn may chưa để lại một ý nghĩ bất hiếu trong lòng của con.
“Ông nội mà, chính là để cho chúng ta yêu thương, sao lại gửi đi được nữa!”. Tôi mở miệng nói đùa với con trai, để củng cố niềm tin vững chắc cho nó…
Đọc xong, bạn có lĩnh ngộ được đạo lý giản dị trong đó hay không? Thật ra cha mẹ vốn đòi hỏi không nhiều, chỉ là một lời chào hỏi: “Cha, mẹ hôm nay có khỏe không?”, chỉ cần mua một ít thức ăn khuya, nấu một bữa tối đơn giản, trước khi ngủ đắp chăn cho họ, trời lạnh thêm áo ấm, đeo găng tay giúp họ, chỉ những cử chỉ rất nhỏ thôi cũng sẽ khiến họ thấy ấm áp vui vẻ rất lâu.
Có những lúc, tôi thường hay nghĩ: “Tôi mong con cái của tôi sau này sẽ đối xử với tôi thế nào đây?”. Tôi tin rằng, đời người là một vòng tuần hoàn; bây giờ bạn đối đãi với cha mẹ như thế nào, sau này con cái của bạn cũng sẽ đối xử với bạn như vậy.
Bạn thân mến, trên đời này ân tình khó trả nhất chính là ân tình của cha mẹ, mong chúng ta đều có thể lấy tâm hiếu thuận mà chăm sóc cho cha mẹ, lấy tâm cảm ân mà hiếu thuận với cha mẹ!
Sinh mệnh không đòi hỏi chúng ta phải trở thành người tốt nhất, mà chỉ đòi hỏi chúng ta cố gắng hết sức mà thôi! Cây muôn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn tận hiếu nhưng song thân không còn nữa. Chuyện khó chờ đợi nhất trên đời này, chính là hiếu kính cha mẹ, đừng đợi đến khi mất đi rồi mới hối tiếc rằng bản thân ngày trước không biết trân quý…” (Tiểu Thiện chuyển dịch từ Cmoney.tw)

Vâng. Phiếm luận đường dài bao giờ cũng gồm đầy những truyện kể để kể cho nhau nghe. Không cần biết, nhà Đạo mình có thích nghe đọc truyện ấy hay không. Kể truyện ở đây, là để hợp giọng với Đức Phanxicô hôm ấy đã có lời khích-lệ giới trẻ ở Krakow, Ba lan nhân dịp Đại Hội Trẻ ở đây, rằng:

“Hôm ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kể cho giới trẻ biết rằng các em được mời gọi không phải để trở thành những củ khoai nằm dài nơi ghế nệm ở phòng khách, sống cuộc sống nhàm chán/tẻ nhạt mà là để lại dấu vết tinh-hoa của mình với lịch-sử và không để ai khác định-đoạt tương-lai của chính mình.

Tựa hồ trận đấu túc-ầu, cuộc sống “chỉ đưa người chơi bóng vào với lối chơi chủ-động chứ không phải ngả dài trên dãy ghế thưởng-thức, thật êm ấm”. Thế-giới hôm nay đòi hỏi các em đây giữ vững vai-trò chủ-đạo trong lịch-sử, bởi lẽ cuộc sống bao giờ cũng rất đẹp khi ta chọn sống cuộc sống của ta một cách trọn-vẹn và chọn để lại dấu-tích của mình ở trong đó…”

Nói thế rồi, Đức Giáo Hoàng còn mời gọi mọi người có mặt ngày hôm đó, hãy nắm chặt tay nhau  mà nguyện-cầu trong thinh-lặng, trao về cho Thiên-Chúa cuộc phấn-đấu nội-tâm của chính mình, một phấn-đấu mà mỗi người trong ta vẫn mang nặng trong tâm can của chính mình. Đức Giáo-Hoàng còn cảnh-giác các bạn trẻ thuộc nhóm hành-hương hôm ấy là đừng để mình rơi vào cảnh bại-liệt rút từ sự lẫn-lộn giữa mối phúc-hạnh với “ghế nệm êm-ả”.

Bởi như ngài nói: ghế nệm vẫn luôn hứa-hẹn sự êm-ả, thoải-mái và an-toàn trong khi nó chỉ là hình-thức âm-thầm của bại-liệt khiến cho các người trẻ, nam cũng như nữ, cứ trở-thành những người “đờ-đẫn”, đến chóng mặt…

Đức Giáo-hoàng đã khích-lệ đám người hành-hương nhớ rằng mình không được gọi mời để sống “tẻ-nhạt” với đời và trong đời, nhưng để lại dấu-tích độc-đáo trong cuộc đời. Bởi, khi ta chọn lối sống êm-ả và thoải-mái, là ta sẽ phải trả giá rất cao là mất đi sự tự-do dành cho mình.

Thay vào đó, ta được mời gọi dấn bước vào con đường đầy tính “khùng-điên” của Thiên-Chúa là đường hối-thúc mọi tín-hữu Đức Ki-tô thực-hiện việc từ-bi/bác-ái bằng cả thân-xác và thần-tính của chính mình. Thiên-Chúa muốn tất cả mọi người chúng ta thấy được rằng: cùng với ta, thế-giới này phải trở nên khác-biệt. Bởi, nếu ta không cống-hiến những gì tốt/đẹp nhất của chính mình, thì thế-giới này sẽ chẳng bao giờ trở nên khác-biệt hết.

Và, Đức Phanxicô lại cũng kêu mời những người đã trưởng-thành hãy dạy-dỗ cho thế-hệ trẻ biết cách “sống có khác-biệt trong tương-quan đối-thoại, biết trải-nghiệm cuộc sống đa văn-hoá, đừng trở-thành mối đe-doạ cho ai hết nhưng là cơ-hội để mọi người vươn lên.

Vì thế nên, người trẻ hôm nay sẽ là những người lên án chúng ta nếu ta chọn-lựa cuộc sống như bức tường/thành cứng-ngắc, thứ cuộc sống đầy hận-thù, một cuộc sống chiến-tranh, rất lạnh nhạt. Hãy có can-đảm mà bảo với chúng tôi rằng: xây nhiều cầu nối bao giờ cũng dễ hơn xây tường thành kiên-cố.” (X. Junno Arocho Estevez, Francis Urges Youth: Follow the ‘Path of Craziness’ of our God, The Catholic Weekly 07/8/2016, tr. 28)

Còn nhớ, thánh Phao-lô tông-đồ cũng từng gọi công cuộc giảng-rao tình thương-yêu của Thiên-Chúa như sự điên rồ đối với những người đang hư-đốn, như sau:

“Quả vậy,
Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa,
nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng,
và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo,
để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu.
Thật thế,
lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ
đối với những kẻ đang trên đà hư mất,
nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ,
thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.”
(1 Côrinthô 1: 17-18)

Điều nghịch-lý/nghịch-thường ở cuộc sống hôm nay, là: rất nhiều người cứ trùm chăn êm ả ngả dài trên ghế dựa phòng khách, chứ không hăng-say lao mình vào công-cuộc giảng-rao như ngây như dại theo kiểu bậc thánh-hiền của Đức Chúa.

Thế nên, các đấng bậc nhà Đạo lại vẫn luôn kêu gọi hết mọi người già/trẻ, lớn/bé gái/trai hãy hăng say sống cuộc sống rất điên rồ trong rao-giảng tình-thương-yêu của Thiên Chúa với con người.

Hăng-say/rồ-dại như mô-tả của bậc thánh-hiền chốn nhà Đạo, còn là ảnh/hình về một động-thái phải có trong cuộc sống thường-nhật của mỗi người và mọi người. Hăng-say/rồ-dại, còn là mục-tiêu ta nhắm tới mỗi khi làm việc gì đó cho thế-giời cuộc-đời đang hăng-say/rồ-dại với những chuyện viển-vông, không tưởng chẳng mang lợi ích cho ai hết.

Hăng-say/rồ-dại còn là và phải là thái-độ sống rất “Tri-Thiên-Mệnh” như đề-nghị của một đấng bậc khác Đạo, khác văn-minh, văn-hoá ở trời Đông, là Đức Đạt Lai Lạt Ma, như sau:

“Khi trong tay anh nắm chặt vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có được mỗi thứ ấy, vật ấy mà thôi. Nhưng, nếu anh chịu buông nó xuống, thì anh mới có cơ-hội chọn-lựa những thứ khác. Thế nên, Tri-Thiên-Mệnh là:
Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc
Sức mạnh của đàn bà là phẩn nộ
Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí. 
Sức mạnh của vua chúa là quyền uy
Sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo. 
Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa. 
Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát. 
Sức mạnh của sa môn là nhẫn nhục .”
Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ.

Ra đời hai tay trắng. 
Lìa đời trắng hai tay. 
Sao mãi nhặt cho đầy. 
Túi đời như mây bay.”

Thành thật đối diện với mâu thuẫn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình. Sự khác biệt giữa con người là do mức tiến hóa khác nhau qua các kiếp sống. Có khi nào ta thù ghét một kẻ kém ta đâu? Suy luận rằng: “vạn vật đồng nhất”, ta sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác, vì họ không hiểu biết, không ý thức hành động của mình, vả lại họ và ta nào có khác nhau đâu.
Khi ta hiểu rằng: “nhất bổn tám vạn thù”, ta nhìn vạn vật như chính mình, từ loài người qua loài thú, thảo mộc, kim thạch, và ý thức rằng mọi vật đều có sự sống, đều có Thượng đế ngự ở trong,  ta sẽ cởi bỏ thành kiến, mở rộng lòng thươngđến muôn loài”.
Là con Phật, nếu không nói được những gì Phật nói, hãy im lặng như chánh pháp, đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác. Nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức, đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân”.
Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh.
Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác. Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. 
Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.” (Đức Đạt Lai Lạt Ma phát-biểu trong một bài pháp ngắn, nhưng thâm sâu)

Ngắn, nhưng thâm-sâu, còn là ý-lực của bài hát ta đã trích. Nay, lại sẽ mời bạn và mời tôi, ta sẽ hát thêm và hát mãi lời bài hát “Chiều Về Trên Sông”, có nỗi buồn như sau:

“Chiều buông trên giòng sông Cửu Long”
Như một cơn ước mong, ơi chiều.
Về đâu ơi hàng cây gỗ rong,
Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều.
Buồn tôi không vì sao bỗng dưng.
Theo đò ngang quá giang thương chiều.

Bởi vì thương nhiều nên nhớ (ơ) tình yêu.
Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ.
Bởi vì đời còn nhiều khi thành thơ.
Có khi vui lững lờ.
Có khi tuôn sầu u.
Bởi vì chiều buồn chiều về giòng sông.
Bởi vì tình đời nào chỉ thù oán.

Hãy cất tiếng ca cho đời thêm (ý) buồn.
Hãy cất tiếng ca cho lòng thôi khô héo.
Chiều buông trên giòng sông cuốn mau.
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều.”
(Phạm Duy – bđd)

Buồn, nhưng vẫn “thương đời thương lẫn nhau trong chiều”. Thế đó là lời kết đẹp, xin được gửi đến bạn, đến tôi và mọi người, ở trong đời.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn suy nghĩ rất lung
về lời kêu gọi của Đức Giáo Tông hay ai đó
rất an-toàn, cụ-thể, đầy thương mến.