Monday 26 November 2007

Vào nơi trống vắng

(Mt: 4: 1)

Về với giây phút lắng đọng nguyện cầu của Mùa Chay có sám hối, có đổi thay, hẳn là nhiều vị cũng đã nhận ra yếu tố “trống vắng – lặng im” được đề cập khá nhiều, trong Kinh thánh?

Ngay từ đầu, lúc khởi động cuộc rao giảng Nước Trời, đã thấy những nét chấm phá bàng bạc thật rõ nét nơi Tin Mừng:

*Với thánh Mát-thêu, ngay ở đoạn 3 câu 1, đây lời khẳng định:

Trong những ngày ấy

Yoan Tẩy Giả xuất thân

rao giảng trong sa mạc xứ Yuđê”

Tiếp đến, là đoạn 4 cũng câu đầu:

“Bấy giờ Đức Yêsu

được Thần Khí dẫn vào sa mạc”

*Với thánh Marcô, cũng thấy đôi điều được minh xác:

“Và ngay đó, Thần Khí xua Ngài vào sa mạc” (Mc 1: 12)

*Còn thánh Luca, ở đoạn 6 câu 12 đã thấy nói:

“Trong những ngày ấy,

Ngài ra núi cầu nguyện

Và Ngài thức suốt đêm..”

Giờ phút cuối, trước khi bước vào vườn Cây Dầu chấp nhận đi vào chốn miên trường về với Cha, Ngài cũng đã nhắn nhủ:

“Hãy cầu nguyện cho khỏi sa cơn thử thách”

(Lc 22: 39)

đời thường, cũng có đoản văn/đoạn viết rất nhè nhẹ đầy ý nghĩa của Tin Vui An Bình như đoạn trích dịch sau đây:

“Người mẹ trẻ đặt chân lên hẻm nhỏ cuộc đời, đã vội hỏi:

-Đường vào chốn vinh quang, hạnh phúc có dài lắm không?

-Có đấy. Sắp tới con đường còn gập ghềnh nhiều nỗi chông gai, hơn nữa. Và, con sẽ già dặn hơn, khi tới đích. Thế nhưng, điểm tới bao giờ cũng tốt cũng đẹp hơn khi khởi đầu. Rất nhiều.

Người mẹ trẻ thấy vui trong lòng, khi nghĩ rằng tương lai cuộc đời sẽ chẳng thể nào tốt đẹp, hơn hôm nay. Người Mẹ vẫn cứ vui chơi quanh quẩn cùng đàn con thơ ấu. Cho ăn. Cho uống. Cho chúng nô đùa, tắm rửa. Dạy chúng cách cột giày. Biết chạy xe. Và, nhắc chúng thăm chừng người thân, cùng mọi vật trong nhà. Làm bài tập thường xuyên. Xong việc, còn giúp chải răng, cầu nguyện rồi mới lên giường,đi ngủ.

Mặt trời chiếu sáng trên cả mẹ con. Và, người mẹ trẻ sung sướng kêu lên: tương lai chắc cũng chẳng vui hơn ngày hôm nay. Nhưng phút chốc, chiều tối đã kịp xuống dần. Rồi lại, phong ba bão tố như ùn ùn kéo đến. Che kín mảnh không gian nhỏ bé, hé ở trên đầu. Đường xá, lối đi giờ đây tràn ngập, những mầu đen. Bọn nhỏ run lên, vì hãi sợ. Người mẹ trẻ ấp ủ đàn con bằng đôi cánh trần, nhưng vẫn ấm. Đàn con nhỏ hoàn hồn, được mẹ thương yêu vỗ về, bèn nói nhỏ: Mẹ ơi! Bọn con chẳng còn sợ gì, vì có mẹ gần bên. Chẳng ai làm gì được con của mẹ.

Bầu trời lại ngập sáng. Mẹ con đưa nhau ra ngoài. Tìm chốn non cao vắng vẻ, cất bước đi lên. Đàn con thoăn thoắt phút chốc đã tới đỉnh đồi. Người mẹ trẻ lẽo đẽo đi sau. Chầm chậm, từng bước cứ thế bước dần lên ngọn đồi sừng sững. Lên đến nơi, người mẹ trẻ chỉ cho con thấy cảnh trời mây nước, thật trong sáng. Thật an lành. Mẹ dạy cho con ý nghĩa của sự vật. Dạy con, cách đoán biết thời tiết, lẫn lòng người. Và, mọi việc trên đời đang diễn tiến. Nhờ có mẹ, đàn con đủ sức đương đầu với thế giới đang đợi chờ, ở bên ngoài.

Ngày qua ngày, mẹ dạy cho con biết thế nào là thương người. Biết cảm thông, trông đợi việc xảy đến. Tốt xấu, vẫn là đời người. Dạy cho con biết thế nào hy vọng. Và, trên hết mọi sự, thế nào là yêu thương tha nhân, cùng khắp. Yêu vô điều kiện. Yêu không đắn đo.

Khi đàn con lên tới đỉnh đồi, chúng hỏi mẹ:

-Mẹ à, tụi con sẽ chẳng làm được gì, nếu không có mẹ ở bên.

Ngày lại ngày, thời gian cứ thế trôi. Hết tháng rồi lại đến năm. Cứ thế, tháng ngày biền biệt, vụt biến. Mẹ nay, ngày một yếu kém già hơn xưa. Thân mình Mẹ thun nhỏ lại. Lưng mẹ mới đó đã khọm còng. Và, đàn con vẫn ngày một cao lớn, khỏe mạnh. Khỏe và khôn hơn. Các con của mẹ đã vững vàng đi đứng. Chững chạc hơn trước rất nhiều. Không còn phải nhờ mẹ dắt đưa. Mẹ thì không thế. Đêm về, mẹ vẫn ngả lưng trên nền đất. Mắt ngước nhìn các vì sao, đổi ngôi liên tục. Sao vận đổi như năm tháng cuộc đời của mẹ. Bỗng, mẹ khẽ bảo:

- Này các con. Hôm nay, xem ra mẹ đã khá hơn nhiều. Hơn hẳn những ngày vào tuần trước. Và, các con nay cũng đã biết đuợc nhiều thứ. Các con sẽ truyền lại mọi hiểu biết của mình cho cháu chắt của mẹ. Và, khi lộ tẻ đường đời bắt đầu gập ghềnh khó đi, các con hãy cùng kề vai đỡ nâng nhau. Hãy cùng nhau mà tiến tới. Cũng tựa hồ như mẹ đã làm cho các con, lúc còn nhỏ.

Và vào ngày nọ, đàn con lại có dịp lên chốn non cao, nơi đồi vắng với mẹ hiền. Tất cả thấy đường lên đỉnh đồi vẫn ngập ánh vàng tươi, sáng chói. Cửa trời như vẫn rộng mở chờ đón đàn con của mẹ. Nhân đó, mẹ bảo các con:

-Nay, mẹ ở vào đoạn cuối của đường đời. Mẹ đã nhìn ra điểm tới cuộc đời mẹ sắp đến. Cũng không thua gì thuở ban đầu. Mẹ rất biết, mai ngày các con sẽ lại ra đi tiếp nối con đường của mẹ. Với niềm hào hùng đầy khí thế, các con sẽ xứng đáng là con yêu của mẹ. Hãy ngẩng cao đầu lên, mà tiến bước. Chắc chắn con cháu của mẹ rồi cũng đi lên, hiên ngang như mẹ đang dấn từng ngày.

Đàn con chợt đứng lại, nói với mẹ:

- Mẹ à, dù mẹ có về chốn nào đi nữa, mẹ vẫn quanh quẩn ở cùng chúng con, mà mẹ.

Và, nhè nhẹ như thế, người mẹ của đàn con thân thương nay đã ra đi…

Mẹ đã đi. Nhưng, đàn con vẫn đứng nhìn mẹ qua cửa vòng vàng óng ánh, nhiều vì sao. Cửa vòm từ từ khép lại. Bóng mẹ khuất dần phía bên trong. Đàn con nhìn một lúc, rồi vội nói:

-Thôi! Bọn mình dù không thấy mẹ, nhưng chắc chắn mẹ vẫn ở đâu đây, với chúng ta. Mẹ không ở trong ký ức. Nhưng, đang hiện diện khắp quanh ta. Và cả ở trong ta. Mẹ là tiếng lá reo vào buổi sáng, khi ta xuống phố. Mẹ là chất ngọt mùi thức ăn. Đến giờ này, con của mẹ vẫn nhận thấy mùi thơm kỳ lạ vương vất đâu đây. Mẹ là đoá hoa đẹp của chúng mình. Là mùi thơm còn đọng lại ở cánh tay, đang ấp ủ. Tay mẹ lạnh, như vẫn đặt lên vầng trán, lúc chúng mình đau.

Ơi mẹ! Mẹ là hơi ấm bình an của chúng con, ngày đông giá. Là tiếng mưa rơi nhè nhẹ, lúc sang thu. Mẹ là ngũ sắc óng ả, bến cầu vồng. Là suối nước tinh mơ tỉnh giấc nồng ngày con mừng sinh nhật. Mẹ ở bên, như nụ cười trìu mến, con vội nở. Giọt nước mắt hân hoan của mẹ, con biến nó thành vì sao lấp lánh. Cảm xúc của mẹ vẫn ở lại nơi con, trải dài đời thanh xuân con vẫn biết. Mẹ là nôi ấm con chào đời. Là căn hộ đầu đời, con yên thân. Mẹ là bản đồ dẫn đường con tiến bước. Là tình đầu sôi nổi, con tha hương. Mẹ, bạn hiền con trân trọng. Là tình thân thương, rối bời cơn giận dỗi.

Trái đất vẫn nhỏ nên con không xa rời mẹ. Dù có là thời gian. Dù là mảnh vụn của không gian. Dù là sự chết. Dù cơn đau ốm con không sờn lòng. Không! Dứt khoát cả trăm lần mẹ không xa rời con lâu như thế. Mẹ là tình yêu vĩnh cửu. Là cõi miên trường, của đời con.

*

Vâng. Đi vào nơi trống vắng. Hay, lên chốn non cao. Vẫn là lời mời gọi thân thương của Thầy Chí Thánh Nhân Hiền, vào Mùa Chay tịnh. Mời gọi này, Thầy vẫn gửi đến với đàn con yêu, mỗi ngày. Và mọi ngày.

Trần Ngọc Mười Hai

và tâm trạng

vừa mất đi người Thầy

và cũng là người anh em.

Em còn nhớ hay em đã quên

(Yn 13: 15)

Làm sao quên được, lời Thầy dặn dò mới đây thôi. Dặn dò như ngày nào ta nhớ đến Thầy. Nhớ đến cực hình Thầy gánh chịu. Nhớ Lễ Hội Vượt Qua, nhớ Chúa Phục Sinh để lại lời nhắn nhủ rất thân thương như:

“Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy,

mà còn rửa chân cho anh em,

thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.

Thầy đã nêu gương cho anh em,

để anh em cũng làm như Thầy

đã làm cho anh em. (Yn 13: 14-15)

Nếu để ý một chút, chắc đàn anh, đàn chị cũng sẽ đồng ý, nghĩ rằng: một trong các tập quán cố hữu mà giới trẻ ngày này đã để mất, hoặc chưa tạo được cho mình, đó là thói quen đọc sách. Sách gì cũng thế, huống chi là Sách Thánh.

Tuổi trẻ ngày nay –dĩ nhiên không phải là tất mọi người trẻ- thay vì đọc sách tu đức, hạnh các thánh, lại bỏ ra quá nhiều thì giờ để dán mắt vào màn ảnh nhỏ truyền hình, hoặc màn hình vi tính, điện toán… mà quên rằng báo chí, sách Đạo…, ngoài tính cách thông tin, giáo dục của nó, còn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày dài cuộc đời.

Khi đọc một đoạn sách, xem một bài báo, người đọc thường tỏ vẻ thích chí đến độ đôi khi cũng rung chân, rung đùi, tấm tắc khen hay. Thích chí, vì gặp được tri kỷ có ý tưởng hay-lạ, rất đồng ý. Và, người đồng ý, thưởng lãm ý tưởng hay và lạ kia đôi lúc chìm đắm trong niềm riêng suy tư ấy. Suy tư hoặc suy tưởng đến điều hay, ý lạ trong nhiều khoảnh khắc rất lâu, như muốn cho các tư tưởng sâu sắc kỳ lạ ấy lắng đọng trong tâm tư, tâm hồn mình.

Cách đây khá lâu, trong một bài báo đăng trên tuần san Time xuất bản ở Mỹ vào cuối thập niên ’90, có tựa đề: “Cái đạo của Hồ” (Hồ đây một thầy lang trẻ có tên gọi là David, người Trung Hoa sống ở Mỹ), có đoạn viết như sau:

“Hễ thấy các đồng nghiệp bất bình với nhau về một chuyện gì đó, hoặc mỗi lần có chuyện phật ý, David Hồ thường đem quan niệm của các triết gia Trung Hoa ra mà thuyết phục đối phương, cũng như tự thắng chính mình. Quan niệm cố hữu mà David Hồ thường dẫn chứng nhiều nhất chính là ý của Lão Tử, khi triết gia nói về chữ Nhu. Ông nói, nhu thắng cương là lẽ thường của trời đất, vậy” (Time, 30/12/1996)

Vấn đề gợi nhớ hôm nay, khi nghe lời Chúa ở trên, không phải để hỏi rằng: nhu thắng cương hay cương sẽ địch lại nhu. Cũng không để hỏi “ai thắng ai”, trên đường đời ngắn ngủi. Mà là, hỏi xem: tính khiêm nhu hay những điều Thầy Chí Thánh khuyên dạy: “Anh em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em”, có là đức khiêm tốn, khiêm nhu mà các nhà luân lý trong Đạo thường khuyên nhủ, không.

Ai có thói quen đi nhà thờ nghe giảng giải, hoặc thường đọc sách tu đức vv.. hẳn sẽ không quên rằng bao giờ các bậc thày dạy dỗ cũng khuyên đồ đệ ăn ở khiêm tốn, nhu mì và nhã nhặn với người trên/kẻ dưới. Khiêm tốn, nhu mì là trạng huống tâm linh cho thấy bản thân người được đề cập đến lúc nào cũng trong tư thế nhún nhường, dễ thương.

Nhún và nhường, không phải vì ngu si đần độn hay có mặc cảm tự ti mới làm thế. Nhưng, là biết mình ở thế “có thể hơn” người kia, người khác. Nhưng vẫn trầm lặng như vẫn thua kém người ấy, người kia. Vẫn cứ vui vẻ nghe khuyên răn hoặc phát biểu, cho vui vẻ cả làng. Thế mới dễ thương. Thế mới giải quyết được những hung hăng, xung khắc, tranh giành.

Tuy thế, nhún và nhường không có nghĩa dối trá, hoặc mạo nhận. Bởi, dối trá mạo nhận còn tệ hơn là kiêu căng, ngạo mạn (tức đối nghịch với khiêm tốn, nhu mì). Hành vi dối trá - mạo nhận chỉ thích hợp với tầng lớp xã hội đớn hèn, ở cấp thấp. Thứ xã hội chỉ thấy có nào những lừa đảo, hoặc bất tương kính. Xã hội nào chỉ gồm những người tìm cách dối trá, ám hại nhau thì xã hội ấy, không thể có an bình, hạnh phúc. Cũng thế, chẳng thể nào có được bầu khí thân thương, dễ chịu phải có.

Nói đến khiêm nhu, nhún và nhường lâu nay biết bao nhiêu sách vở, bài báo đã đề cập. Có triết gia Đông – Tây, các nhà tâm lý học kim – cổ thường đề cao đức tính dễ thương này. Đề cao và coi đó như chìa khóa dẫn đến mọi thành công trên đường đời.

Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng: nhu hay nhún chỉ là phương cách mà giai cấp thống trị đưa ra sử dụng hoặc khuyến dụ người khác thực thi là cốt để khuynh loát, đè đầu đám bề dưới cứng đầu, khó dạy. Họ chỉ muốn thu gom hết cả và thiên hạ thu về một mối, để rồi mặc tình thao túng. Mặc sức vẫy vùng, như chỗ không người. Nói tóm lại, đây chính là cách dụng nhân tài tình: lấy nhung lụa bọc lên gông cùm, sự dữ để dễ bề trừ khử và dồn nén các tay sừng sỏ.

Đó là khái niệm của người đời về tính khiêm nhu, nhún nhường. Giáo lý Kinh thánh của Đức Kitô nói gì về đức tính này?

Đứng từ tầm nhìn nào đó, nếu quan niệm Kinh thánh như vườn Địa đàng mà Đức Chúa trao ban cho con người, thì ta cũng nên tản bộ ở nơi đó để tìm ra hoa thơm cỏ lạ, lời hay ý đẹp. Và như thế, Khiêm nhu, nhún nhường sẽ là loài hoa không thiếu vắng trong nhà Cha, nhà Chúa qua cách thức diễn đạt khác nhau của các thánh sử.

Với thánh Mat-thêu, đó là khẳng định về đạo làm người:

“Kẻ lớn hơn trong các ngươi

sẽ là tôi tớ của các ngươi.

Kẻ nào tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống

Và kẻ nào tự hạ mình xuông sẽ được nhắc lên.”

(Mt 23: 12)

Xem như thế, hạ mình là bí kíp làm người cho ra người mà Đức Kitô dạy môn đệ của Ngài hãy nghe theo. Ngài chính là Người đầy những chất “người” và tình người nhất, mà mọi người nên học. Nên thụ giáo. Ngài còn là Đức Chúa Cứu Chuộc chúng ta, trong mọi tình huống.

Thật ra, không thể học đòi thụ giáo Đấng “Hiền lành và Khiêm nhượng trong lòng” mà lại bỏ đi đặc điểm “Khiêm nhu” căn bản của Ngài. Còn ai lớn hơn Ngài, trong tư cách và vị thế của Đấng Chủ Tể Càn Khôn. Đấng Uyên Bác thâm sâu, đầy sáng tạo? Ngài chính là Alpha và Omega của mọi việc. Tức là, Đầu Hết và Chót Hết. Thế mà, Ngài vẫn tự hạ mình đến tận đáy sâu của sự thấp hèn. Ngài tự hạ, để qua đó đàn con thân yêu của Ngài nhận ra chiều kích sâu thẳm nơi chân lý vĩnh hằng Ngài mạc khải cho mỗi người, và mọi người.

Ngài chính là Đấng “Chót hết” (Omega) mà Đức Maria đã tôn vinh hết lòng khi Mẹ được người chị họ Êlizabét ghé viếng, ủi an. Và, Mẹ từng cất lời ngợi khen Đức Chúa đầy Khiêm Hạ như sau:

“Người đã ra oai sức mạnh cánh tay Người,

làm cho tan tác lũ kiêu căng lòng trí,

hạ kẻ quyền năng khỏi ngôi báu

và suy tôn những kẻ khiêm nhượng.”

(Lc 1: 52)

Khiêm nhượng - hạ mình, vì Thầy vốn là “Đấng Hiền lành và Khiêm nhượng trong lòng” đã dạy mọi nguời con ăn ở nhún nhường, rất hạ mình (Ep 4: 2). Đó mới là điều căn bản, cốt thiết. Đồng thời có như thế, mọi nguời con mới mong được cất nhắc và có được hạnh phúc ở Nước Trời. Ở môi trường thân yêu mà mọi người đều sống thoải mái. Sống khiêm tốn, yêu thương nhau như các trẻ nhỏ vẫn cứ thương yêu, như chưa bao giờ biết hận thù, ghét ghen:

“Nếu các ngươi không hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ

các ngươi không vào được Nước Trời.

Vậy, phàm ai kể mình hèn hạ như trẻ nhỏ này,

thì người ấy là kẻ lớn trong Nước Trời.”

(Mt 18: 3-4/ Lc 18: 14)

Thánh Phaolô, trong thư gửi giáo đoàn Côlôsê, cũng đã nhắn nhủ:

“Vậy, theo tư cách là thánh được Thiên Chúa chọn và yêu mến anh em hãy mặc lấy lòng lân mẫn biết chạnh thương, đức nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ và đại lượng.” (Co 3: 12)

Rõ ràng, khiêm nhu được coi là nhân đức tối cần. Đức tính này nằm trong tư cách thánh thiêng của những người được Chúa bình chọn. Đặc tính này tương tự và theo ngay sau lòng nhân hậu, hiền từ và đại lượng. Khiêm nhu, như thế đâu có nghĩa dồn nén. Trái lại, có khiêm nhu từ tốn, mới được nâng cao, kính trọng. Có khiêm nhu, mới có cung cách hiền từ, nhân hậu.

*

Nói cho cùng, kiêu căng, ngạo mạn mà làm gì. Bởi, khi tất cả của cải, vật chất, tiếng tăm có là gì trước mặt Thiên Chúa. Và, trước mặt người đồng loại, nữa. Đằng khác, những gì ta có, đâu nào có phải do ta tài cán, do tính láu lỉnh hoặc công đầu của mình tạo ra, đâu. Nhưng, tất cả đều là ân huệ, từ Chúa. Do Chúa tặng ban. Vì, Ngài là Đấng Có. Có từ Đầu Hết cho đến Cuối hết. Mọi sự, ngay như toàn thể vũ trụ cũng ra nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa. Huống hồ, là bộ óc nhũn nhẽo, bé mọn không quan trọng của thụ tạo thấp hèn, mang tên “người”.

Và sau chót, chỉ một điều quan trọng, là: cần có cuộc sống an bình ở Nuớc Trời. Trong không gian/môi truờng mà ở nơi đó Thiên Chúa luôn gần gũi với những nguời nhỏ bé, hiền lành và khiêm hạ trong lòng. Nhu này mới đích thực là Nhu thắng Cương. Chứ không phải thứ nhu nhược, nhu hèn. Nhu thắng Cương là thứ nhu của thần sứ Nuớc Trời mang tên rất khiêm tốn “Lão Tử” từng sống ở xứ miền rất khiêm hạ, bên Trung quốc.

Và, câu hỏi cuối cùng được gửi đến tất cả chúng ta, để lòng tự hỏi lòng, là: mình đã “nhu” được tí nào chưa? Liệu có thắng bạo tính rất “cương” của những kẻ thường hay cương bạo, cương vô lý. Cương đến độ “tôi chẳng cần biết em là ai”. Cũng chẳng cần, đến lời khuyên rất “khiêm nhu, khiêm hạ” của Đức Chúa.

Hỏi là hỏi thế. Còn, câu trả lời vẫn dành để cho chính ta. Chính mình. Những người mình cận thân. Hoặc cận lân. Những người tuy gần mà xa. Tuy xa mà gần. Gần đến độ sẽ sống khiêm nhu, khiêm hạ. Rất hèn kém. Như lời khuyên dạy của Đấng Hiền lành và Khiêm Nhượng trong lòng. Mới đây thôi.

Trần Ngọc Muời Hai

Vẫn bạo miệng hỏi lòng mình

nhân dịp nghe lời khuyên dạy

của Thầy Chí Thánh,

Lễ Tiệc Ly.

CÓ PHẢI LÀ ANH NGOÀI LUỒNG

( Mt 28, 19 )

Mỗi lần nói đến hoạt động của những người anh em bên đạo Hồi, chừng như ta vẫn cho rằng họ thuộc thành phần cực đoan, giữ đạo và hành đạo đến độ cuồng tín. Chẳng lý gì đến người khác. Đạo khác. Vừa qua, trên trang báo dành cho giới trẻ đi Đạo ở Úc, có mục hỏi đáp gửi đến người anh em trong Đạo có tên là Gio-an về các hành động vẫn bị mang tiếng là “cực đoan” của một số người anh em ngoài luồng, thuộc giáo phái đạo Hồi. Xin ghi lại ở đây câu trả lời của một Linh Mục Công Giáo ở Úc, như sau (xin giữ kín tên tác giả như đã yêu cầu):

Anh Gio-an thân mến,

Đọc thư anh hỏi về các hành động “đầy bạo lực” của một số người anh em theo đạo Hồi, tôi cũng đoán ra được mức độ giận dữ của anh khi hay tin vụ đánh bom tự sát xảy ra ở khắp nơi. Quả thật, đây là một trong các hành vi đang gây căm phẫn không ít, không những đối với gia đình những người đã chết hoặc thương vong thôi, mà còn mang đến cho bạn bè, người thân đang sống tại những vùng có bom nổ những tình tự bất ưng, nữa.

Như anh có nói, nhiều người đổ trách nhiệm ấy cho các người anh em Hồi Giáo lâu nay vẫn bị mang tiếng là “cực đoan” về những hành động tương tự. Và, trong thư anh cũng nói đến chuyện này. Anh còn nhấn mạnh là anh không biết nhiều về những người theo đạo Hồi và muốn tìm hiểu xem đạo của các anh em này có tin vào điều gì an bình và tốt đẹp hay không. Để trả lời, tôi xin tóm tắt vài điểm chính yếu về đạo Hồi. Hy vọng là câu trả lời ngắn và gọn dưới đây chỉ mong làm sáng tỏ sự khác biệt giữa giáo lý căn bản của đạo Hồi và quan điểm của những người lâu nay muốn dùng Hồi Giáo để biện minh cho các hành động mà họ đang làm, thôi. Tuyệt nhiên, đây không phải là bài tham luận có tính cách nghiên cứu gì cả.

“Hồi Giáo” xuất xứ từ tiếng Ả Rập có nghĩa là “Quy phục”, tức trạng thái đặt mình theo ý định của Thiên Chúa. Người theo đạo Hồi là người chấp nhận việc “quy phục” và tìm cách sống cuộc đời theo thánh ý của Thiên Chúa.

Đành rằng, nhiều tôn giáo, trong đó có Thiên Chúa Giáo, vẫn dạy con người sống phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa. Nhưng, điều làm cho đạo Hồi khác với Đạo Chúa, là: người theo đạo này tin rằng thánh ý của Thiên Chúa được bộc lộ qua vị ngôn sứ của họ là Đức Mohammed, vị thánh từng sống ở Trung Đông cách nay 14 thế kỷ.

Đức Mohammed sinh trưởng tại Ả Rập, ở thành phố nay là thánh địa Mecca. Khi ông 40 tuổi, ông nhận được ơn lạ mà ông gọi là Mặc khải từ Thiên Chúa, Đấng cho ông thấy chân lý tỏ tường để ông truyền dạy cho tín đồ mình. Chi tiết về Mặc khải này được ghi lại thành kinh Koran, tức Sách Thánh của Hồi Giáo.

Theo nguyên ngữ Ả Rập, người theo đạo Hồi gọi Chúa của họ là Đức Allah. Sách Koran dạy rằng Đức Allah là Đấng toàn năng, toàn thiện và có lòng xót thương. Đức Allah coi sóc thân phận và duyên kiếp của tất cả mọi người trên thế giới. Sách còn dạy rằng: vào ngày tận thế, Đức Allah Rất Thánh sẽ đến thế gian phán xét con người. Ngài cho họ lên thiên đàng hoặc xuống hoả ngục còn tùy cách thức họ cư xử trong cuộc sống.

Trong chừng mực nào đó, có thể nói rằng: đạo Hồi dựa trên học thuyết của Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo, vào lúc đầu. Đức Mohammed đã kể lại những chuyện được viết trong sách Thánh của đạo Do Thái trong đó có dạy: chính Thiên Chúa cứu vớt những người công chính và trừng phạt các kẻ đồi bại, tội lỗi.

Cũng vậy, kinh Koran qui chiếu về các nhân vật chính đã ghi trong Phúc Âm của Thiên Chúa Giáo, trong đó có Đức Giê-su, Mẹ Ma-ri-a, tức Mẹ của Chúa. Kinh Koran còn nhắc tên Đức Giê-su đến 25 lần và tôn kính Đức Giê-su như vị ngôn sứ do Thiên Chúa gửi đến. Kinh Koran cũng để ra nguyên một chương sách kể về vai trò của Đức Ma-ri-a mà Sách này đặt tên Đức Mẹ là “Maryam”. Kinh Koran cũng lấy tên của Mẹ làm đầu đề cho nhiều chương trong trong sách đó.

Khi Đức Mohammed nói về Mặc Khải mà ông lĩnh hội, ông lại quay sang phía đối lập. Có nhiều người tin vào thông điệp ông chuyển tải, nhưng cũng có người chẳng tin gì hết, vào những điều ông nói. Nhằm so vai sát cánh với phía đối lập, ông Mohammed quyết định rời Mecca, dẫn dắt các đồ đệ của mình tới Medina. Ở đây, ông hình thành ra đạo Hồi. Và như thế, hành trình về Medina được người theo đạo Hồi tưởng nhớ, dùng đó làm ngày khởi đầu cho niên lịch của đạo mình.

Tám năm sau, khi định cư ở Medina, giáo chủ Mohammed và các đồ đệ của ông lại trở về Mecca, kiểm soát toàn bộ thành phố này. Khi ấy, ông Mohammed đã trở thành quốc trưởng, ở đây.

Dưới thời ông Mohammed lãnh đạo, nhiều người dân ở Mecca đã theo đạo và nhiều bộ tộc trên toàn cõi đất nuớc Ả Rập cũng đã đi theo. Từ đó, đạo Hồi trở thành một thế lực tôn giáo và chính trị rất quan trọng, ở Ả Rập. Sau đó, còn lan rộng sang nơi khác, sau khi Giáo chủ Mohammed băng hà.

Niềm tin tưởng và cách hành đạo chính của đạo Hồi có thể tóm tắt vào 5 trụ cột dưới đây:

1. Bản tuyên xưng đức tin dùng làm nền tảng cho đạo Hồi trong đó mọi người đạo hữu đều tuyên xưng, là: không có Thượng đế nào khác ngoài Đức Allah và Mohammed là tôi tớ cũng như sứ giả của Thượng đế.

2. Việc cầu nguyện. Mỗi ngày, người theo đạo Hồi vẫn cầu nguyện tất cả 5 lần: vào lúc trời mọc, giữa trưa, xế chiều, lúc mặt trời lặn và buổi chiều tối. Người theo đạo Hồi có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào trên địa cầu, miễn phải quay mặt về phía thánh địa Mecca. Đến ngày Thứ Sáu, mọi người phải cùng nhau đến cầu nguyện tại đền thờ Hồi Giáo.

3. Việc bố thí. Người theo đạo Hồi buộc phải chia sớt của cải cho người nghèo. Mọi người thường làm việc này theo hình thức đóng thuế mỗi năm.

4. Kiêng ăn, nhịn uống. Trong tháng chay tịnh Ramadan, người theo đạo Hồi phải kiêng ăn cữ uống trong suốt thời gian từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn.

5. Hành hương về với Mecca. Người theo đạo Hồi buộc phải hành hương về với thánh địa Mecca, ít nhất là một lần trong đời mình.

*

Không có điều khoản nào nói về về niềm tin và lối hành đạo khiến người theo đạo Hồi phải có thái độ hung hãn với người khác, tỉ như các đánh nổ bom tự sát hoặc khủng bố ở các nơi trên thế giới.

Thật ra, với kinh điển của đạo, Hồi Giáo lên án các hành động mang tính cách đầy bạo lực như thế và các nhà lãnh đạo Hồi Giáo ở các nơi trên thế giới (kể cả Anh và Úc) đều lên tiếng chống đối khủng bố. Đôi lúc, các nhóm khủng bố coi hành động của họ như một phần của cuộc thánh chiến chống lại những ai không cùng một niềm tin tưởng với họ. Và, họ coi việc đánh bom tự sát như cách thế minh định một phần của cuộc thánh chiến mà họ chủ trương. Tuy nhiên, các nhà kinh điển Hồi Giáo bác bỏ mọi cam kết như thế.

Các nhóm khủng bố biện luận rằng: hễ ai ôm bom tự sát cho chính nghĩa của Đạo Hồi, người ấy sẽ là thánh “tử vì đạo”, có nghĩa là họ chấp nhận chết cho niềm tin của mình trong cuộc thánh chiến này. Thật ra, giáo huấn đạo Hồi lên án việc đánh bom như thế và quy hành động ấy vào 2 tội trạng, sau đây:

1. Đạo Hồi ngăn cấm người ta tự sát

2. Đạo Hồi cấm không cho ai được giết hại kẻ vô tội.

Thành thử, người ôm bom tự sát đều mắc vào một trong hai tội trạng này. Hành động này không phải là hành vi tử vì đạo. Đúng hơn, đây là hành động tội ác nhân gấp đôi: tự giết mình và giết kẻ vô tội.

Tháng 7 năm 2005, quan điểm này được các nhà kinh điển Hồi Giáo bảo vệ tại nhiều nơi kể cả Mỹ và Canada. Các vị ấy đưa ra lời cam kết phản ứng lại vụ đánh bom ở nhiều nơi. Ở các nơi này, đã có luật chính thức chống bạo hành theo kiểu này.

Luật lệ ở đây, được trích dẫn từ kinh Koran và từ nhiều văn bản khác của Hồi Giáo. Các văn bản này đều có nói: Giết hại người khác nhắm vào thường dân vô tội là việc cấm đoán và những ai dùng bạo lực như thế không thể nào trở thành vị thánh “tử vì đạo” được. Trái lại, họ là “tội phạm”, mới đúng.

Có sự khác biệt lớn giữa giáo huấn đạo Hồi và việc bóp méo tinh thần của đạo này để biện minh cho các hành vi tội ác. Đạo Hồi chính mực phải được tôn kính. Bạo hành tội phạm nhất định phải bị lên án.

Về tôn kính đạo Hồi, tôi nghĩ ta nên kết luận bằng lời lẽ văn bản từ Công Đồng Vatican II. Tại Công Đồng, Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục Nghị Phụ đã tỏ lòng kính trọng những người anh em theo đạo Hồi, khi các ngài nói:

“Hội thánh rất kính trọng các anh em Hồi Giáo.” (trích tuyên ngôn về Hiệp thương giữa Giáo Hội và các đạo không phải là Ki-tô Giáo, câu 3.)

Điều đó có nghĩa là: không phải lúc nào người theo Đạo Chúa và đạo Hồi đều tỏ ra tôn kính lẫn nhau. Nhưng quả là có những thời kỳ hai đạo này vẫn cứ gây chiến với nhau. “Trong nhiều thế kỷ, đã có sự cãi vã, thù địch nổi lên giữa những người theo Đạo Chúa và đạo Hồi”. Tuy nhiên, dù lịch sử có rơi vào giai đoạn đáng buồn, Công đồng vẫn thúc giục mọi người hãy phấn đấu để hai bên thông cảm lẫn nhau và hiểu biết nhau hơn.

*

Cách nay 40 năm, tức vào năm 1965, Công đồng Vatican II đã nói đến điều này. Thông điệp của Công đồng vẫn còn tươi mát và cấp bách với thời đại, hơn bao giờ hết:

“Vì sự tốt đẹp cho mọi người, chúng ta hãy làm cho người theo đạo Chúa và anh em đạo Hồi hợp tác với nhau trong mọi việc hầu bảo vệ và cổ võ sự công bằng xã hội, giá trị đạo đức, tự do và bình an đến với hết mọi người.”

Đến đây, vấn đề cấp bách nên đặt thêm, là: chúng ta, những người tự cho là “trong luồng”, có thái độ cũng cực đoan và “ngoài luồng” không kém? Phải công nhận, là chúng ta cũng có thái độ rất cực đoan, ở đâu đó. Cực đoan trong tâm tưởng, hay qua ngôn ngữ, cử chỉ ngay cả với người trong Đạo của mình nữa.

Cho nên, đôi lúc cũng nên tự hỏi, xem mình có nhìn người khác, đạo khác thông thoáng và thích nghi hơn đối với chính đạo của mình, ở đây. Và bây giờ, hay không.

Trần Ngọc Mười Hai

chỉ muốn có giòng chảy suy tư nhân tháng Ramadan của đạo Hồi

Nhớ mà làm – làm mà nhớ

(2Cr 11: 23-25)

Đã từ lâu, bần đạo có thói quen cũng hơi kỳ, là: hay tò mò theo dõi mục giải đáp thắc mắc trên các báo Đạo. Cũng tựa như mục “Giải đáp” trên báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp do Lm Hồng Phúc phụ trách bao năm trời, từ hồi còn ở quê nhà. Nói kỳ, là bởi nhiều khi bần đạo chẳng có gì thắc mắc để cứ phải thưa cha với thưa cố, con không hiểu tại sao, vv và vv… nghe nó kỳ quá. Đi Đạo, Hành Đạo và giữ Đạo vẫn là chuyện thường ngày ở huyện, có gì phải thắc mắc, mà phải chình ình trên giấy. Ngộ nhỡ, ông cha nào thấy tên mình viết thư hỏi han, thấy cũng kỳ.

Ấy, cũng vì tò mò mà bần đạo gặp được những câu hỏi và trả lời đều rất “ngây thơ” vô tội, hoặc đã vô số tội mà còn ngây thơ. Thành ra, cứ để “cha” với “cố” phải bận tâm sưu tầm lục lọi sách vở mà xem lại, trả lời cho nó đúng bài bản.

Cụ thể là, hôm ấy câu hỏi là của một nữ giáo dân người Tây và người trả lời là Lm Brian Lucas, thuộc Tổng Giáo phận Sydney, Úc. Câu hỏi, đại để như thế này: “Thưa cha, có người hỏi con là có buộc phải đi lễ ngày Chủ nhật không? Ở miền quê, không có linh mục làm lễ, thì ta giải quyết làm sao?... “

Tôi nhớ, vị linh mục người Úc ấy có thói quen đi thẳng vào vấn đề và trả lời đại loại như thế này: “chiếu Giáo lý của Giáo hội Công giáo, theo điều khoản số 2177, 2178, 2179 2180, 2181, 2183 và 2185, thì: ta phải tuân giữ việc đi lễ các ngày Chúa Nhật như một luật buộc của Giáo hội Công giáo trên khắp hoàn cầu”. Rồi ngài linh mục phụ trách cũng không quên thêm thắt vài điều: nào là: theo giáo luật số 1247, thì các giáo dân phải tham dự thánh lễ theo nghi tiết Công giáo “, hoặc: phải đi lễ vào các ngày thánh tức Chúa nhật hoặc, các ngày lễ trọng. Có thể đi lễ Chúa nhật vào chiều hôm trước, tức thứ Bẩy sau 6, 7 giờ chiều… mới là đúng luật.”

Chao ôi! Vị linh-mục-rất-chức-năng hết trích dẫn các điều khoản này thuộc Giáo luật, vấn đề kia thuộc “Giáo lý” của Đạo. Để rồi, ngài kết thúc câu giải đáp bằng các cụm từ ‘cho đúng luật’. Nghĩa là, những luật và luật. Sống với xã hội ngoài đời, phải giữ đúng luật mới khỏi tranh cãi, chém giết. Còn trong Đạo, mới chỉ thắc mắc chứ có ai dám cãi tranh với các cụ nhà Đạo đâu, mà sợ có chết chóc với đấu tranh hoặc tránh đâu, cho khỏi .

Bần đạo còn nhớ, khi xưa hồi còn rất nhỏ đã nghe ông ngoại (vẫn có thói quen đi lễ nhà thờ hàng ngày từ 5giờ sáng), bảo rằng: các cháu mà không đi ‘nhà thờ’ ngày Chủ nhật, thì ma quỷ khéo cám dỗ nó lôi tuột xuống hỏa ngục đấy. Lúc ấy, thằng bé đã dám nói với ‘ông ngoại mình’ là các cô dì, chú bác trong nhà chẳng chịu đi lễ các ngày Chủ nhật, đâu thấy ai xuống hỏa ngục đâu. Và, thằng bé còn hỏi: hỏa ngục ở chỗ nào vậy, hả ông ngọai? Và, ông ngọai nói: thấy các cha bảo thế chứ có biết nó nằm ở nơi nào đâu, mà nói cho cháu biết.

Lớn lên, bạn bè bần đạo, nhân lúc mạn đàm ngày giỗ chạp, cũng đã kháo nhau rằng: đã đi dự lễ cưới, lễ mồ cử hành vào ngày thứ bẩy (trước 6. 7 giờ chiều) có buộc hôm sau phải đi lễ ngày Chúa nhật hay không? Nếu không, có mắc tội trọng như ‘ông ngọai’ bần đạo quả quyết không? Hỏi nhau mà không dám đưa lên mặt báo, sợ mấy ông cha trù ẻo. Đành, cứ lẳng lặng đi cả hai lễ, cho chắc ăn. Tuy nhiên, nhiều vị bảo: nghĩ lại cũng buồn cười. Chẳng biết có phải rượu nói hay không, mà sao câu hỏi nào cũng có chữ ‘phải’ hết. Bởi, đã nói đến ‘phải’ tức là đả động đến luật lệ rồi.

Bàn đến đây, bần đạo nhớ đến khung cảnh một buổi tinh mơ giờ lễ hôm ấy, cố giáo sư kinh thánh Lm NguyễnThếThuấn lúc ấy cứ thường xuyên khẳng định rằng thì là: Đạo của ta, dù có giáo lý giáo luật này nọ vẫn không phải là Đạo gò bó, bị ràng buộc bởi luật lệ… Nay, gặp lại chữ ‘phải’ trong những vấn đề có liên quan đến chuyện giữ Đạo, đến tham dự thánh lễ Chúa nhật, khiến bần đạo lại thêm vướng chân, bận tay với những câu hỏi khác dội về từ nơi đâu, xá tắp, như:

-phải chăng thánh lễ là việc ‘phải’ làm vào những ngày của Chúa, và các ngày nghỉ lễ?

-phải chăng vì chữ ‘phải’ trong Luật của Hội thánh mà giới trẻ ngày nay không còn ham thích đi lễ, nữa?

-thánh lễ ngày Chúa nhật có thành một thứ ‘cỏ vê’ (corvée) không đi không được? Và, đã lỡ đi rồi có được ra ngoài vừa tham gia vừa hút thuốc nói chuyện, được không? Hay đang dự lễ, nhưng đầu óc để tận đâu ..

-vậy thì, đâu là ý nghĩa tích cực của thánh lễ, nói chung?

-làm thế nào, để hấp dẫn được đám trẻ đi lễ thường xuyên hơn?

-và, có nên dọa nạt hoặc ra hình phạt này khác nếu bọn trẻ không chịu đi lễ nào hết?

*

Và, cứ thế hàng chục câu hỏi bạn bè có thể đưa ra, tùy thích. Nhưng phiếm luận ở đây, hôm nay chỉ để mạn đàm với nhau. Biết đâu, chắc cũng nảy ra một luận cứ nào đó khả dĩ làm mãn nguyện một số vị chức sắc trong giới lão làng nào đó, chăng?

Có lẽ ở đây, ta cũng chẳng nên định nghĩa hay định hình thánh lễ Misa, mà làm gì. Bởi, khi bắt đầu tìm hiểu Đạo Chúa trước khi chịu thanh tẩy, hẳn chúng ta ai cũng đã hơn một lần tìm hiểu và đã vỡ lẽ từ lâu. Có chăng, thì chỉ nên xem lại lời nhắn khi xưa, lúc mà Đức Chúa chấp nhận cuộc khổ nạn với quyết định lớn lao có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Lời nhắn nhủ bảo ban kia chính là khúc đoạn Tin Vui An Bình mà thánh sử gia Mat-thêu ghi lại, như sau:

“Đương lúc họ ăn

thì Đức Yêsu cầm lấy bánh và chúc tụng

rồi bẻ ra và ban cho họ.

Ngài nói: hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta.

Đọan, cầm lấy chén và tạ ơn,

Ngài ban cho họ mà rằng:

Hãy uống chén này hết thảy;

vì này là Máu Ta,

Máu giao ước đổ ra vì nhiều người

để nên ơn tha tội.

Ta bảo các ngươi: từ nay Ta sẽ không còn

uống đến hoa quả giống nho này nữa,

cho đến ngày ấy, ngày Ta sẽ uống thứ mới

với các ngươi trong Nước Cha Ta.”

(Mt 26: 26-29).

Còn nữa, thánh Phaolô cũng đã có thư gửi đến giáo đoàn Co-rin-thô, trong đó ngài xác nhận:

“Chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa

điều tôi truyền lại cho anh chị em là:

“Chúa Yêsu trong đêm Ngài bị nộp

Ngài đã cầm lấy bánh, và tạ ơn xong,

Ngài bẻ ra và nói:

Này là Mình Ta, vì các ngươi

hãy làm sự này mà nhớ đến Ta

Cũng vậy, về Chén, sau khi đã dùng bữa tối xong,

Ngài nói chén này là Giao ước mới trong Máu Ta,

các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống

mà nhớ đến Ta.” (1Cr 11: 23-25)

Tự thân, bần đệ chẳng dám đi sâu vào chi tiết, mà bàn luận. Đây là việc của các vị chú giải Kinh thánh. Bần đạo tài hèn sức yếu, chẳng dám múa mỏ trước chư vị tiền bối, rất giỏi nhiều bề, đề huề đàng nhân đức, với Đức tin. Chỉ xin mạo muội trích dẫn hai đoạn kể trên, để xin thưa rằng: bần đạo tìm đỏ cả con ngươi mà vẫn không tìm ra một ‘từ’ hay ‘ngữ’ nào chứng tỏ tính ‘bắt buộc’ trong đoạn trích, ở trên. Cũng không thấy cụm từ nào có chữ ‘phải’ nơi lời dặn của Thầy Chí Thánh, lẫn thánh Phaolô, rất thông thạo tín lý. Cũng chẳng thấy có từ ngữ nào nói đến thời gian hoặc không gian bắt buộc để cử hành tiệc thánh như Thầy Chí Thánh khuyên răn.

Xem như thế, khi đọc Kinh thánh, người đọc dễ nhận ra đây là lời khích lệ của Đấng Bậc Khả Kính, đáng Yêu. Cũng có thể, coi đây như lời trăn trối của Đấng hằng yêu ta đến giờ phút trước khi chết. Đây chính là lời lẽ đầy thân thương dặn dò lần cuối, trước khi Đức Chúa ra đi chấp nhận khổ ải để đem lại ơn cứu độ đến với muôn người.

Theo phong tục người Việt, trước khi về với ông bà tổ tiên, các bậc cha mẹ thường hay căn dặn (mà người đời gọi là lời trăn trối) con cháu: chúng con hãy nhớ yêu thương, nhường nhịn nhau. Nhớ thắp hương/nhang để tỏ lòng nhớ đến ông bà, cha mẹ vào những ngày giỗ chạp, kỵ … để rồi, nhân bữa tiệc lòng thương lòng mến của con cháu cùng tộc, ông bà sẽ chứng giám phù hộ cho.

Lời căn dặn, nhắc nhớ của Đức Kitô với các người con yêu thương của Ngài, cũng mang dáng dấp một lời trăn trối của Đấng sinh thành loài người dưới thế, như đàn cháu con. Khi còn sống, Đức Kitô hằng yêu cầu con cháu loài người thực hiện mộng ước chân phương, tức ý định của Ngài trong tinh thần vui vẻ, và tự nguyện. Phải chăng cũng trong ý nghĩ và tinh thần ấy mà chính Chúa từng nhắc nhở những ai có ý định tiến lên cử hành lễ tế toàn thiêu, thời Ai Cập hành hình Do Thái, là: trước khi làm việc này, hãy xem có ai làm phật lòng mình, thì hãy để của lễ ở đó, mà ra đi làm hòa với người “làm phật lòng mình” (chứ không phải mình làm mất lòng họ), rồi hãy về tiếp tục dâng của lễ. Dù, có là ngày Chúa nhật, hay lễ trọng, hoặc lễ buộc?

Nói như thế, thánh lễ (vào ngày nào cũng vậy), trước tiên mang hình thái của một bữa tiệc (nói nôm na ta gọi là bữa ăn) giữa anh em cùng nhà. Trong bữa tiệc đó, những người con, người cháu thực hiện ước muốn của đấng sinh thành, thể hiện nơi lời trăn trối, trước khi chia lìa. Và, một khi đã thực hiện được chúc thư tình thương của cha của mẹ mình rồi ,thì mọi người con/người cháu đều vui vẻ, tự nguyện tụ họp nhau lại hầu nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục cũng như lời dặn dò, giáo huấn của tiền nhân.

Khi cùng nhau đánh chén (vì cũng có rượu, có bánh), con cái trong gia đình có thêm tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Giúp nhau dàn trải tình thương yêu của bậc trên, mà nhận lấy cho riêng mình. Đương nhiên là, trong buổi tiệc thánh, trong bữa giỗ chạp, kỵ đâu có các màn say sưa, be bét những cãi vã, ganh đua, kèn cựa hoặc chửi bới nhau. Mà, chỉ là những giây phút linh thiêng, đầy tưởng nhớ. Nhớ lại, Cha Hiền Chí thánh, đã từng nói: ..”mỗi khi làm sự này, thì…” ta lại nhớ đến bậc trưởng thượng, sinh ra ta. Và như thế, hồi tưởng lại thời gian lâu nay, là con là cháu, ta đã được tình thương yêu của Cha ấp ủ, đùm bọc đến là thế nào.

Đành rằng, thánh lễ không chỉ mang mỗi ý nghĩa duy nhất là bữa tiệc (dù là tiệc ly hay tiệc hội ngộ), hoặc bữa giỗ chạp mà thôi, nhưng còn chứa đựng nhiều tính thánh thiêng, như: hiến tế, hiệp thông nguyện cầu, huấn dụ hoặc thể hiện tình yêu thương chan chứa, bày tỏ niềm tin sâu xa, cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, bày tỏ quyền được làm con, làm dân riêng của Đức Chúa, bày tỏ sức đoàn kết yêu thương của dân Ngài đã chọn…

Nhưng, dù mang ý nghĩa nào đi nữa, thánh lễ ngày nay không thể mang tính cách ‘cỏ vê’ được. Bởi, ‘cỏ vê’ dứt khoát là việc cưỡng bách rất khó chịu. Cũng tựa như thi hành hình phạt, luật lệ ở xã hội không có tình thương, đương nhiên cứng ngắc. Giỗ chạp, cúng kỵ cũng mang tính chất tế tự, hiệp thông, cầu khẩn… nhưng chắc chắn không có tính cách cưỡng ép bắt buộc theo kiểu ‘cỏ vê’, ‘huấn nhục’ ở quân trường. Hễ không thi hành, là sẽ có hình phạt nặng hơn, như ở trong Đạo thời buổi trước, sẽ: mắc tội trọng, vi phạm luật Hội thánh, khi chết chắc chắn sa xuống hỏa ngục, vân vân và vân vân, rất đáng sợ.

Nhiều người còn ví von thánh lễ như các cột mốc ngăn chặn người khùng/lãng trí bên vệ đường, ngay cạnh khúc quanh co nguy hiểm nơi đỉnh đèo, một thứ “garde-fou” giúp cảnh giác các bác tài đang mơ màng trên tay lái hoặc đang ỷ y, diệu vợi… Ví von như thế, có thông thoáng, nhiều phóng khoáng, nhưng hơi hạn hẹp. Nói cho ngay, tự bản chất, các cột mốc chỉ đường cho xe chạy, chẳng mảy may mang tính gò bó, bắt buộc không làm sẽ sa xuống hố thẳm vực sâu, hoặc rơi tọt xuống hỏa ngục.

Cuối cùng, ngay trong Giáo lý của Hội thánh, những chương đọan, điều khoản số 2181, 2183 (đã được Lm Brian Lucas trích dẫn ở trên) cũng đã chừa ra vài ngoại lệ, vì các lý do chính đáng, như: đau yếu, ốm o, trông nom con nhỏ, hoặc đã được vị chủ chăn miễn chuẩn trước đó (xem giáo luật số 1245). Hoặc ở nơi nào không có linh mục chăm sóc họ đạo để tổ chức được một thánh lễ, luật hội thánh còn đề nghị tổ chức những buổi gọi là ‘bẻ bánh Lời Chúa’, tức: một hình thức chia sẻ và suy niệm Kinh thánh thay cho thánh lễ.

Thành ra, thay vì nhận định rằng: ‘phải’ đi lễ ngày Chúa nhật, và ‘chỉ được đi lễ chiều’ hôm trước đó (tức ngày thứ Bẩy) nếu nội dung của thánh lễ là nội dung của lễ Chúa nhật hôm sau như một thói quen bắt buộc, một hình thái gò bó nào đó. Cũng nên quan niệm Thánh lễ sao cho nhẹ nhàng, vui vẻ và thích thú một chút. Có như thế, mới hấp dẫn được đám người chưa đến lúc hoặc chưa liên tưởng đến “ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre”..mà về nhà Cha, trên trời.

Bần đạo vẫn còn nhớ, vào thời điểm một chín sáu tám, khi ở Đà lạt năm đó có phong trào “Ca vào đời” do ban Hallêluyah của Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, đã thấy nhen nhúm đâu đó các nhu cầu cùng vấn nạn về chuyện: làm sao để thanh niên, thiếu niên nhà mình, thay vì tổ chức các ‘ban fa-mi’ (balle de famille, tức: nhảy nhót trong gia đình), sập xình, thì tham dự hết mình, dự phần vào thánh lễ. Lúc ấy, đã có nơi thành lập các ca đoàn có giàn nhạc đệm, có trống, có ghi-ta, có vĩ cầm hoặc kèn đồng…, như tại nhà thờ Dòng ở đường Kỳ Đồng, nhà nguyện Đắc Lộ thuộc Dòng Tên đường Yên Đổ, Sài gòn. Có nơi, dám tổ chức cả ‘thánh lễ nhập thể’, có chỗ mở các buổi ‘bẻ bánh Lời Chúa’ tại gia để chia sẻ Kinh thánh gọi là “veillée biblique” (tức Canh thức suy niệm thánh kinh), vv.

Cuối cùng, vấn đề đặt ra, là: làm thế nào để lôi kéo thế hệ trẻ mai sau, siêng chăm đi dự tiệc thánh (ở nhà Đạo), năng đi dự giỗ chạp (ở gia đình) với lòng phấn chấn hăng say, thay vì tính ngày tính giờ phải thế này, buộc thế kia, vì luật buộc phải thế. Đừng để làm sao, người trẻ hay cao niên tham dự thánh lễ vẫn còn vài thắc mắc: lễ này có buộc không? không đi có mắc tội trọng hay khinh khi lỗi phạm gì không? Làm sao, để mọi người đi nhà thờ cũng như khi dự lễ có được tâm trạng như đi gặp Người mình Yêu. Như đi “nhậu” (không phải theo nghĩa be bét, sáng say chiều xỉn), như dự tiệc Khilykhitô (tức: khi thì ly, khi thì tô), với các bạn thân thiết, hữu ích cùng thân yêu. Có thế, mới không còn vấn nạn quá nhiều về ‘cỏ vê’, ‘chà láng’, ‘huấn nhục’, cực hình như hồi còn trong quân trường đổ mồ hôi, sôi nước mắt.

Có như thế, ta sẽ hân hoan tiến bước, mỗi khi đến nhà thờ, nhà thánh mà hát bài:

“Con hân hoan bước lên bàn thánh Chúa,

Chúa là hoan lạc, tuổi thanh xuân con…”

Làm sao để, không chỉ toàn các “lão gia/nhân sinh thất thập’ mới hát được “Chúa là hoan lạc tuổi thanh xuân… con”. Bởi, tuổi thanh xuân giờ đây đang ngồi ở casino, mải nhảy nhót, đang vui say nhậu nhẹt chứ đâu có chịu, bước lên bàn thánh đâu mà “nhớ mà làm” và, càng làm càng nhớ. Nhớ Cha. Nhớ Chúa. Rất nhiều. Nhớ chiều thứ năm ‘Bữa Tiệc Ly’ có lời căn dặn: cứ thế mà làm. Rất thánh.

Trần Ngọc Mười Hai

đôi khi cũng thắc mắc đến độ rất nhớ

Tuesday 20 November 2007

ẤY LÀ KỂ CHUYỆN

( Mt 16, 19; 6, 14 )

*

Cũng giống nhiều người khi lập gia đình, bần đạo có đủ tứ thân phụ mẫu. Ba vị hôm nay đã mãn phần. Còn lại mỗi nhạc mẫu, vẫn tại vì. Nhạc mẫu của bần đạo năm nay ngoài 90. Nhưng cụ vẫn khỏe, dù trải qua hai lần giải phẫu lớn. Cụ rất tinh tường và thông suốt. Rất dễ tính, chứ không như phần đông các cụ mà bần đạo thường gặp ở nhà bạn bè.

Điểm đáng kính phục nơi nhạc mẫu của bần đạo, là: cụ rất thích đọc sách/báo. Mắt cụ bị cườm nặng, nhưng cụ vẫn cứ đọc. Đọc không thấy mệt. Và, chẳng biết chán. Ban ngày đọc chưa đủ, cụ tranh thủ đọc cả vào ban đêm. Và vì đọc nhiều, nên cụ có thói quen thích kể cho con cháu nghe, về đủ thứ trên đời. Điều khác dễ thương nơi cụ, là: hễ thấy chuyện kể nào xem ra không hấp dẫn người nghe, cụ bèn phán: “Ấy là kể chuyện !”

Vâng. “Ấy là kể chuyện” hay chỉ đọc truyện kể, đều là những việc nên làm. Nên, chẳng phải vì đó là đề nghị của các bậc sinh thành, lúc trọng tuổi. Nhưng, đấy chính là động tác trí tuệ mà nhiều người thường sử dụng, trong cuộc sống. Mọi người đều làm thế từ hồi còn tấm bé. Vào tuổi lớn khôn, và cả vào những ngày sắp ra đi về nhà Cha, nhất nhất đều… “Ấy là kể chuyện !”

Trong cuộc sống, trẻ bé nào cũng được mẹ nâng niu đưa vào giường ru cho em ngủ. Mẹ kể cho em nghe những câu truyện thần tiên rất hay. Và hấp dẫn. Hấp dẫn đến độ bé chìm vào giấc mơ thiên thần hồi nào, không biết. Lớn lên, miệt mài cuộc sống, người trọng tuổi lại được bầu bạn cũng như báo chí - truyền thông kể cho nghe những chuyện đời. Chuyện dài thế kỷ về người đời. Và đời người. Chợt gần đến lúc giã từ trần thế, các cụ còn được con cháu kể cho nghe những câu truyện đẹp. Truyện vui an bình về cuộc sống miên trường trong Sách Thánh, nơi kinh Phật…

Ấy là kể chuyện” hay đọc mỗi truyện kể, đều mang tính đa năng, rất thích. Có truyện nghe xong tưởng như là thật. Có truyện nghe đi nghe lại nhiều lần, vẫn cứ đinh ninh: chỉ là truyện kể.

Truyện dưới đây, do một vị cao niên kể về các sự việc “rất thật” của bà con anh em, hay chính mình trong cuộc sống thường tình, ở huyện:

Vào buổi tiệc vàng mừng 50 năm hôn phối của các cụ, con cháu nội ngoại quây quần bên nhau, rộn ràng dâng lời chúc tụng. Nào là: mừng Ông nội trường thọ ! Chúc Bà ngoại đắc phúc, đắc thọ, đắc nhân tâm. Bách niên giai lão v.v... Thôi thì, không biết bao nhiêu là từ ngữ thân thương, trang trọng. Bỗng chốc, trong đám con cháu có người trẻ muốn rút kinh nghiệm bằng câu hỏi nghe qua tưởng như xấc xược. Nhưng người trẻ chỉ muốn hỏi để áp dụng cho đời sống của chính mình:

- Thưa Ông/thưa Bà, sao Ông/Bà lại có thể sống chung với nhau lâu đến thế ? 50 năm gần gũi bên nhau Ông/Bà có bí quyết gì không ạ ?

Được hỏi, các cụ cũng chẳng ngại đáp lời. Cụ ông giành phần nói trước:

- Ấy, chung qui cũng do tự mình cả thôi, cháu ạ ! Nghĩa là, Ông đây lúc nào cũng quyết tâm học hỏi và cố gắng thực hành điều Chúa dạy trong Phúc Âm.

Chưa thỏa mãn, đám trẻ tiếp tục vấn kế:

- Thưa Ông, như thế nghĩa là thế nào ạ ?

Cụ Ông bèn nói tiếp:

- Thôi, để ông kể cho mà nghe. Này nhé, năm đầu khi mới lấy nhau, Ông quyết thực hiện lời Chúa dạy: hãy yêu người lân cận như yêu chính mình !…

Đám con cháu xem ra không mấy thuyết phục, lại hỏi tiếp:

- Thưa Ông, thế những năm sau đó thì sao ạ?

Cụ Ông đáp:

-Ấy… ba năm sau đó, ta cũng áp dụng lời Chúa, thôi. Ông nhớ, lời ấy như thế này: các con hãy yêu thương và thứ tha cho kẻ thù của mình!...

*

“Ấy là kể chuyện”, là như thế. Rất thật. Và cũng rất ư là không thật. Yêu thương tha thứ không phải chỉ nên làm trong suốt 50 năm gần gũi, bên nhau mà thôi. Tha thứ yêu thương hết mọi người, cả kẻ thù của mình, suốt cuộc đời nữa. Chuyện “tưởng như đùa” ở trên lại là chuyện rất thật. Sự Thật trăm phần trăm rút từ sách Sự Thật chứ không từ truyện kể, ở ngoài đời.

Vâng. Yêu thương tha thứ. Đó chẳng là bí kíp hay bí mật, gì hết. Cũng không mang tính nghệ thuật nào cả. Nhất là nghệ thuật sống bên nhau suốt 50 năm trời, ròng rã. 50 năm keo sơn gắn bó với nhau, đó là chân lý để đời. Chân lý có niềm tin rất vững vào Đức Chúa của sự thật, Đấng hằng nhắc và dạy ta biết tha thứ yêu thương. Đây không là bí kíp hay bí mật, nhưng là mệnh lệnh. Và, người Công Giáo chúng ta vẫn tuân lệnh ấy như triết lý sống động.

Vấn đề ở đây, hôm nay, là: trong 20 thế kỷ qua, Giáo Hội đã thương yêu tha thứ, đủ chưa? Làm sao Giáo Hội có thể tha thứ người khác được, trong khi chính mình chưa dám tự nhận là mình cũng có lỗi lầm trong yêu thương và tha thứ như bất cứ người phàm nào khác? Giáo Hội ta đã nhận lỗi và xin lỗi chưa ? Đã xin lỗi những người ở cấp thấp hoặc nạn nhân của chính mình, chưa?

Trả lời điểm này, cần nhiều bàn thảo lâu dài; nhưng vào những ngày đầu thiên niên kỷ, có hai sự kiện tiêu biểu liên quan đến hành động nhận lỗi và xin lỗi, từ phía Giáo Hội. Trước nhất, là việc Đức Hồng Y Edward Clancy, cựu Tổng Giám Mục Sydney đã chính thức xin lỗi thổ dân Aborigines Úc Châu về các hành động “không phải phép” mà Giáo Hội sở tại đã làm với người dân nghèo hèn ở Úc. Sự kiện khác xảy đến ngay sau đó, là việc Đức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô 2, lúc đương thời, ngài cũng đại diện cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo, đã công khai xin lỗi mọi người về các việc Giáo Hội đã làm đối với người Do Thái, và Giáo Hội bạn.

Quả là, khi xin lỗi như thế, hai đấng bậc chủ chăn ở cấp cao, không mảy may sợ mất đi quyền uy sức mạnh, nào hết. Thế nhưng, nhìn từ góc cạnh nào đó, cử chỉ xin lỗi có một không hai của các ngài cho thấy đã có biến chuyển lớn trong Giáo Hội. Kể từ nay, Hội Thánh Chúa ở Sydney và Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, sẽ tiếp tục đặt mình dưới sự soi sáng của Đấng mà toàn thể Hội Thánh, với tư cách là kẻ tin, vẫn tin tưởng và thờ lạy: Chúa Thánh Linh.

Đằng khác, với mặc khải:

“Này ngươi là Đá, và trên đá ấy Ta sẽ xây dựng Hội thánh của Ta, và quyền môn âm phủ sẽ không thể nào thắng nổi”. (Mt 16, 18)

Quyền uy vững mạnh như Đá Tảng được Chúa gầy dựng cũng đã một lần biết mình lầm lỡ. Rõ ràng, khi xưa “Đấng được gọi là Đá”, không đề cao cảnh giác đủ về tính cách “có thể lầm lỡ như người phàm”, đã được dặn dò như sau:

“Hết thảy các người sẽ vấp ngã vì Ta.”; để rồi, các ngài cứ khăng khăng: “cho đi mọi người đều sẽ vấp ngã vì Thầy, tôi sẽ không như thế bao giờ.”( Mt 26, 34 )

Và quả y như rằng, sau đó không lâu “Đá Tảng” Hội Thánh vẫn một mực chối biến: “Tôi không biết Người ấy.”(Mt 26:72) May thay, cuối cùng thì thánh nhân chực nhớ ra lời Thầy báo trước:

“và ra ngoài, ông khóc lóc rất thảm thiết.” (Mt 26: 75)

Nay, các “đá tảng” của Hội Thánh, từ năm 2000 nổi bật ấy, tuy không “khóc lóc thảm thiết’, nhưng các ngài cũng nhận là mình đã có lầm lỗi. Cũng đã xin lỗi nạn nhân đau khổ vì quyết định của các đấng bậc quyền uy, thuở trước. Và, cử chỉ của các ngài là một biến động lớn làm thức tỉnh con tim nhân loại.

Nêu ra đây hai sự kiện kể trên, bần đạo không có ý tạo dịp để chỉ trích bất cứ quyền uy rất thánh, nào hết. Chỉ gợi ý – hoặc bảo “ấy là kể chuyện” – để xác minh rằng: đức tính quan trọng mà kẻ có quyền có uy cần duy trì trong mọi tình huống, chính là: nhận lỗi đi đôi với tha thứ. Tha thứ không phải là hành động biểu tỏ uy lực của người nắm quyền vận mệnh nào đó. Nhưng, tha thứ chính là quyền uy sức mạnh. Là, chức năng ý nghĩa của quyền và uy ấy. Không tha thứ, thì chẳng thể nào thực hiện được quyền uy sức mạnh. Chẳng làm sao:

“tháo cởi – cầm buộc điều gì dưới đất.” (Mt 16: 19)

Tha thứ, không chỉ là ý nghĩa hoặc đặc điểm của quyền uy sức mạnh mà thôi, nhưng còn là mệnh lệnh. Tha thứ là đặc thù luôn sánh đôi với đặc tính thương yêu. Thương yêu người đồng lọai. Yêu thương cả kẻ thù mình nữa. Yêu không thôi, vẫn chưa trọn vẹn. Yêu và thương cần đính kèm hành động tha thứ rất chân tình, nữa. Tha thứ không miễn cưỡng. Tha thứ không bằng đầu môi chót lưỡi. Và, không tha thứ sẽ không chứng tỏ được là mình đã yêu và đã thương.

Vâng. Đấng phát hiệu lệnh “hãy yêu thương đồng loại như yêu chính mình” một lần nữa, đã khẳng định:

“Nếu các ngươi tha thứ cho người những điều họ sai lỗi,

thì Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, cũng sẽ tha thứ cho các ngươi.” (Mt 6: 14)

Và,

“Cũng vậy, Cha ta, Đấng ngự trên trời, sẽ xử với các ngươi, nếu các ngươi mỗi người không thật lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mc 11: 26; Mt 6: 14-15)

Ngõ hầu cùng nhau nói được “ấy là kể chuyện”, hôm nay xin gửi đến các bạn thêm một truyện kể khác. Truyện xảy ra hồi thế chiến thứ hai, do tác giả mang tên D.Z., viết như sau:

Ý Đại Lợi năm 1945.

Hồi cuộc chiến khốc liệt xảy ra vào năm đó, tôi vừa tròn 17. Vào ngày sinh của tôi, vẫn còn thấy đâu đó các cuộc chạm súng lẻ tẻ giữa binh sĩ Mỹ và Đức Quốc Xã, ở trong làng. Hôm ấy, là ngày cuộc chiến kết thúc ở Ý. Nhưng chúng tôi không hay biết gì hết.

Lúc ấy, có khoảng 10 tay lính Đức đang bố ráp nhà trại của chúng tôi. Lý do ? Là vì có nông dân nào đó đã cả gan bắn chết một người trong số họ. Để trả đũa, lính Đức bèn gom dân làng lại, tất cả có chừng 12 người, đem ra pháp trường bắn bỏ. Trong số các người này, có chị ruột của tôi. Họ bắt tất cả những người vô tội xếp hàng ngang, quay mặt vào tường. Và, họ chuẩn bị lên nòng. Nghe tin dữ, tôi chạy vội đến đề nghị viên chỉ huy hãy để tôi thay cho người chị yếu mềm và hẩm hiu kia. Quả thật, chị tôi đang có con nhỏ và chẳng bao giờ làm một việc tày trời như vậy. Và, họ bằng lòng cho tôi thay.

Không hiểu sao, lúc ấy thay vì úp mặt vào tường chờ lệnh, tôi lại ngẩng đầu lên quay mặt về hướng những người lính đang chờ hiệu lệnh. Tôi nhớ rõ từng nét mặt của các tay súng sắp giết người vô tội. Kìa, tất cả đều bơ phờ, mệt mỏi. Chừng như, họ đang đói và khát nước ghê lắm. Bọn họ toàn những thanh niên, tuổi còn rất trẻ. Cỡ chừng 16, 17 là cùng. Nhưng người nào người nấy đều biết cầm súng. Biết giết người. Tuy còn trẻ, họ nhất định sẽ theo lệnh, giết trọn 12 dân lành để trả thù cho một người trong họ, bị ám sát.

Thế rồi, vì quá bất ngờ, nên tôi không kịp cầu nguyện. Chỉ cố gắng nhớ được dăm ba tiếng Đức học lóm hồi còn ở trường nhỏ. Tôi đánh bạo lắp bắp vài câu với tên chỉ huy. Chỉ muốn biện bạch với anh rằng: chúng tôi không giết người Đức. Chúng tôi chẳng dính líu đến chiến tranh. Rất chán ghét cảnh giết chóc… Đang lúc vội vã và chao đảo, tôi chẳng biết tình hình rồi sẽ ra sao.

Bất chợt, tay chỉ huy ngạc nhiên khi thấy tên nhãi ranh như tôi, mà lại cả gan dám chống cự lính Đức Quốc Xã bằng ngôn ngữ ưu việt của chính họ. Suy nghĩ một hồi, tay này ra lệnh cho thuộc cấp rút khỏi hiện trường. Và, bỏ đi mất dạng.

Chiều đó, tiếng súng vẫn nổ rền, trong xóm. Sáng ra, vạn vật trở nên im ắng cách lạ thường. Tôi đã thấy nhiều xác chết nằm rải rác trong thôn làng: xác lính cùng với xác dân, nằm ngổn ngang khắp chốn. Bước vào, tôi chợt nhận thấy có nhiều lính Đức bị thương. Họ la liệt nằm quanh khu Nhà Thờ cổ. Một người trong họ nằm vất vưởng trên chiếc ba-lô rách mướp, đang lúi húi viết thư cho ai đó. Chừng như là vợ anh. Anh viết hồi lâu, nhưng vỏn vẹn chỉ mấy chữ:

“Em yêu dấu, có lẽ đây là lá thư cuối cùng anh viết cho em..”

Chỉ bấy nhiêu.

Viết xong, anh ký tên. Ghi rõ địa chỉ và nhờ tôi chuyển về quê cho anh. Tôi làm theo lời dặn, không đắn đo. Cũng chẳng thắc mắc. Tôi lựa lời an ủi anh trong vài phút. Sau đó, tôi tìm cách giúp đỡ vài người lính khác. Cố giúp đỡ được nhiều người càng tốt.

Về sau, tôi được tin về người lính nhờ tôi chuyển hộ thư cho vợ, đã sống sót. Thật có phúc. Nghe đâu, người ta đem anh về bệnh viện quân y, trên tỉnh. Nhưng, phải chịu ca mổ cưa mất một chân. Anh chấp nhận thân phận què quặt. Ít lâu sau, tôi nhận được một thư khác. Thư của người vợ lính mà tôi không biết tên. Trong thư, chị ngỏ lời cảm ơn tôi đã giúp chồng chị. Thật ra, tôi chẳng nhớ mình đã giúp được ai. Giúp những gì.

Hôm khác, tôi cũng được thư của một quả phụ người Đức, mà tôi chưa một lần quen biết. Bà hỏi tin về người con duy nhất của bà. Tôi biết rất ít về người con của bà. Chỉ biết, anh từng chiến đấu trong thôn làng nhỏ bé nơi tôi ở, thôi. Đành chịu, tôi chẳng tài nào nhớ nổi hiện anh lưu lạc ở nơi đâu. Chỉ mang máng nhớ, dường như có thấy bóng dáng của anh đâu đó, vào lúc chiến tranh vừa chấm dứt. Thế thôi.

Lúc ấy, anh cố lê gót chân gầy bước vào ngôi Nhà Thờ nhỏ, lặng thinh cầu nguyện. Anh thả hồn hiệp thông với ông cha xứ trong lời nguyện bằng tiếng La-tinh. Chỉ có thế. Chẳng tài nào nhớ được gì hơn. Cũng chẳng biết rõ chút gì về anh.

Cuối cùng, bà mẹ chiến binh ấy cũng tìm ra được mộ phần của người con xấu số. Nghe đâu bà là quả phụ giáo sư dạy sử, tại đại học Berlin. Ông bà độc nhất có mỗi anh là con trai.

Cứ thế, sau ngày cuộc chiến tàn lụn, tôi càng khám phá thêm được tình yêu của Chúa. Tôi nhận diện Ngài, qua những người mà trước đây tôi coi như kẻ thù của chúng tôi. Những người mà tôi đoán sẽ không đội trời chung. Tôi nghĩ về sự phi lý của chiến tranh mà tôi có dịp mục kích. Những điều xấu đã hằn in nơi đầu óc non trẻ của tôi, vào lúc ấy. Tôi đã chứng kiến những gương can đảm của người lính. Ở hai bên. Không phân biệt bạn hay thù.

Chiến tranh kết thúc, tôi có dịp gặp nhiều người trẻ. Và, tôi cùng với các thanh niên ấy tìm cách biến đổi các tiêu cực của cuộc đời thành những điều tích cực. Chúng tôi cố giúp những người trẻ đang chán hết mọi sự. Giúp họ tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Và, chúng tôi lập thành nhiều nhóm, giúp nhau duy trì lòng tin vào Chúa. Cũng giúp nhau đào sâu hơn niềm tin người Công Giáo. Chúng tôi mời nhiều diễn giả trên tỉnh, về mở cuộc hội thảo cho nhiều nhóm, nhiều người.

Một hôm, chúng tôi mời thành viên nhóm Focolare đến trình bầy về đời sống cộng đoàn. Và, sứ mạng Lấy Tình Thương Xóa bỏ Hận Thù. Mọi hoạt động đều nhằm cổ súy tình đoàn kết nạn nhân chiến cuộc. Chúng tôi nhấn mạnh đến sự bình an Chúa ban cho người chịu khổ đau. Cả những người còn hận thù, cay đắng nữa.

Nghe kể, tôi thấy như có gì đang chuyển động bên trong mình. Và, tôi khám phá ra rằng: tôi xác tín hơn về sự tha thứ. Xác tín rằng: tình thương yêu đồng loại bao gồm cả hành động tha thứ. Tha thứ không giới hạn. Tha thứ không mệt mỏi.

Ít lâu sau, tôi trở thành bạn thân, gần gũi diễn giả hôm trước. Hiện nay, tôi vẫn duy trì sức mạnh của sự tha thứ. Vì đấy là đặc thù của nhóm Focolare mà tôi là thành viên, rất thực. ( D.Z )

*

Vâng. Đấy là Thương yêu đùm bọc. Và cũng là thứ tha. Tình yêu ở đây không cao ngạo. Không đòi hỏi nhiều. Chỉ cần thứ tha. Cần, là để Thiên Chúa dễ làm việc nơi con người mình. Chúa làm trong yêu thương tha thứ.

“Ấy là chuyện kể” ở đây muốn thêm một điều: Tha thứ là bằng chứng của tình yêu đích thực. Tha thứ, là tin vào quyền uy sức mạnh của Thiên Chúa. Đấng hy sinh trọn vẹn đời Ngài để tha cho các kẻ đang quay lưng phản chống lời Ngài.

Trần Ngọc Mười Hai

cầu mong cho mình và mọi người luôn nói

“ấy là kể chuyện” để rồi, sẽ thứ tha