Saturday 27 March 2010

“Những đồi sim, những đồi sim,

đồi tím hoa sim,” Tím cả chiều hoang biền biệt”

(Phạm Duy/Hữu Loan – Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà)

(Ga 16: 20)

Nếu viết nhạc, để nói về mầu tím hoa sim, thì giòng nhạc phải được viết, rất như trên. Tức, như giòng chảy của Phạm Duy. Nếu làm thơ, mà lại nói về tình yêu chung thuỷ với người vợ, vừa mới cưới. Thì, lời thơ nên làm, phải như lời người thi sĩ, rất Hữu Loan. Thơ hay nhạc, về đồi tím “rất hoa sim”, đều mang mác nét trữ tình. Tim tím. Nhè nhẹ. Biền biệt. Như sau:

“Những đồi sim, những đồi hoa sim

Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.

Mầu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt.

Và chiều tím có chiều hoang biếc

Chiều tim tím thêm mầu da diết..”

(Hữu Loan – Mầu Tím Hoa Sim)

Thơ với nhạc ở trên, vẫn có câu: “Chiều hành quân, qua những đồi sim”. Hoặc, “áo anh, em viền tà. Nhớ người yêu mầu tím. Nhớ người yêu mầu sim”. Bần đạo, chưa một lần biết đến hành quân, hoặc nhớ người yêu “sim tím”, hồi thời chiến. Vì, chưa từng là lính chiến. Cũng không là “người trai khói lửa”, gì hết cả. Nên, xin ghi lại đôi giòng mang mác. Thi ca. Rất nhạc Việt. Để, nói lên cái “tim tím/tâm thiêng”, mà nhà thơ Nguyễn Hữu Loan, từng tự sự:

“Làm thơ phải có cái tâm thật thiêng liêng, thì thơ mới hay. Thơ hay, thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình/có tâm, thì chả ra gì! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó, tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó, tôi khóc như vậy, họ cho là khóc cái tình cảm riêng…

Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc?

Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày…” (x. Tác giả Màu tím hoa sim đã ra đi, http://sn110w.snt110.mail.live.com, 21.03.2010)

Điều hay. Lẽ phải. Và lòng quả cảm, của thơ văn/nghệ sĩ lâu nay, vẫn là: dám khóc cho Tình Yêu. Dám bỏ hết. Cả đảng, lẫn cơ quan. Cả chức vụ, lẫn công ăn việc làm. Rất địa vị. Để giữ lại, chỉ mỗi cái “tâm thật thiêng liêng”, của Tình Yêu, thôi. Tình ấy, có thể là tình chồng/vợ. Có thể, chỉ là cảm/là tình mang mác. Dù, khóc lóc. Cơ hàn. Tủi hổ. Vẫn cứ yêu. Cứ nhớ.

Với nhà Đạo, thơ văn/nhạc tình đều có cả. Nhưng hỏi rằng, đã mấy người dám khóc. Dám bỏ tất cả, cho “Tình Yêu”. Chí ít, là yêu người. Yêu Đấng Bậc, mà mình chẳng bao giờ thấy. Cũng chẳng nghe. Thế mới biết, về Tình Yêu, luôn có sự trùng hợp/ăn ý giữa Lời Chúa, với lời thơ/tiết nhạc. Rất như sau:

“Thật, Thầy bảo thật anh em:

anh em sẽ khóc lóc

và than van,

còn thế gian sẽ vui mừng.

Anh em sẽ lo buồn,

nhưng nỗi buồn của anh em

sẽ trở thành niềm vui.”

(Ga 16: 20)

Xem như thế, trong mọi trường hợp, người khóc lóc/vãn than lại chính là mình. Còn lại, kẻ vui cười sởi lởi, vẫn là thế gian. Người ngoài. Vẫn cười đùa. Bình chân như vại. Thoải mái. Nếu cười người nhiều, thì hãy nhớ câu của thế gian: “Cười người hôm trước, hôm sau người cười”.

Quả là, Lời Thầy có nói:

“Nỗi buồn của anh em,

sẽ trở thành niềm vui.”

(Ga 16: 20)

Xem như thế, thì khóc lóc/vãn than chỉ là giai đoạn. Ban đầu. Chỉ âu sầu/buồn thảm, một đêm đen. Rất chóng vánh. Mau quên. Dễ sao nhãng. Còn lại, là chuyện lâu dài. Là, niềm an vui. Hạnh phúc. Vô tận. Là, chân lý ngàn đời. Của cuộc sống. Con người.

Trong cõi “tim tím” của tình yêu những thơ và nhạc, lại có bóng hình nho nhỏ. Biền biệt. Da diết. Của người con gái/phái nữ rất yêu đương. Và, đương yêu. Người con gái/phái nữ, thường vẫn yêu cả khi còn sống, lẫn lúc chết. Tình “tim tím”, “biền biệt chiều hôm” kia, cả nhà thơ lẫn nhạc sĩ, chỉ phơn phớt. Nói thoáng qua. Những là:

“Nhưng không chết người trai chiến sĩ

mà chết người gái nhỏ miền xuối.”

(Phạm Duy – bđd)

Hoặc:

“Từ chiến khu xa, nhớ về ái ngại

Lấy chồng thời chiến binh

Mấy người đi trở lại,

Lỡ người mình không về,

thì thương người vợ chờ,

bé bỏng chiều quê…”

(Hữu Loan, bđd)

Thực tế, đã diễn ra như lời tự sự của tác giả. Rất nhè nhẹ. Như sau:

“Cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi. Theo tôi suốt cả cuộc đời.” (x. Tác giả Mầu Tín Hoa Sim, bđd)

Chất thơ và tâm thiêng nhè nhẹ, còn nằm trong “ánh mắt nhìn thẳng” ấy. Nhưng tình thơ da diết và nỗi yêu “biền biệt”, nằm ở chữ. Vẫn cứ là:

“Đặc biệt, em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo. Em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn. Lúc thì vài quả ớt đỏ au. Lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn. Những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt…” (x. Tác giả Mầu Tím Hoa Sim, bđd)

Thì ra, yêu đương không cần gì để nói. Khi đương yêu, “bạn tình nhỏ” của mọi người, vẫn cứ quan tâm/săn sóc người yêu, rất từng tí. Chỉ là “quả ớt đỏ”. “Trái chanh mọng nước”. Vẫn bằng cử chỉ nhè nhẹ. Dễ mến. Đáng yêu. Đáng yêu hơn, còn ở điểm: “người yêu bé bỏng” cứ lặng yên thương yêu, chăm sóc chung quanh nhà. Bên bờ ao. Cạnh giếng. Chăm sóc miên triền. Chẳng ngủ trưa. Vì ngủ nghỉ, là hạnh phúc rất “quý phái” chỉ dành cho người mình yêu. Mà thôi.

Với nhà Đạo, một tình tiết rất đáng yêu của “thành viên nhỏ”, trong cộng đoàn thời trước. Cũng nhè nhẹ. Rất đáng yêu. Đáng quý. Ở cộng đoàn. Thành viên nhỏ cộng đoàn, không làm nhiều. Nhưng, kết quả lại không thiếu. Vẫn nhè nhẹ. Thân thương. Ít người biết. Việc ít biết, là việc của “Chị Nuôi” mà thời xưa nhà Đạo có thói quen gọi là “Cô Sáu”. Cô chuyên giùm giúp Hội thánh. Rất thầm lặng. Chẳng bon chen. Đòi tiền. Đòi chức tước. Hoặc, công lênh. Gì hết.

Vừa qua, có độc giả của tuần báo Công Giáo ở Sydney bắc thang lên hỏi “đức thày” nhà Đạo, về vai trò “Cô Sáu” thời Hội thánh tiên khởi. Khi trước. Rất như sau:

“Bẵng đi nhiều năm, tôi được nghe nhiều học giả trong Đạo có nhắc đến vai trò của “Cô Sáu”, thời tiên khởi. Mới đây, tôi lại được một người bạn chỉ cho thấy rằng thì là: theo luật định do Công Đồng Can-Xê-Đô-Ni-a đưa ra, có một số qui định về việc tấn phong các Cô Sáu. Câu hỏi của tôi là: nếu ngày xưa, Hội thánh tiên khởi đã có Cô Sáu, thì bây giờ tại sao không? (Lại một người hỏi han nhưng không ký)

Hỏi mà không ký, vẫn có thể việc của một giáo dân hạng thứ. Rất phụ nữ. Cũng có thể, là chính tác giả, người giải mã. Chỉ muốn nêu vấn đề, chứ đâu muốn nêu tên. Nêu hay không nêu, người giải vấn đề lần này, vẫn là “đức thầy” của Tổng Giáo Phận Sydney, là người “anh lờ em mờ” (Lm) rất John Flader, như sau:

“Câu trả lời ngắn gọn của tôi, là KHÔNG. Vào thời Giáo Hội sơ khai cũng có “nữ phó tế” thật đấy, nhưng các chị không là phó tế theo nghĩa có đủ quyền của chức thánh, rất đúng luật. Các chị vẫn là giáo dân, như mọi người.

Ở đây, chúng ta nên nhớ: tiếng Hy Lạp diakonos là từ ngữ rất thông dụng để chỉ định người phụ giúp hoặc giúp việc, mà thôi. Từ này, không nhất thiết nói về đấng bậc vị vọng đã lĩnh nhận chức thánh, nói rất rõ.

Thánh Phaolô cũng đề cập đến vai trò của “nữ tá viên” trong thư gửi giáo đoàn La Mã, khi ngài nói: “Tôi xin giới thiệu với anh em, chị Phê-bê, người chị em của chúng tôi, là ‘nữ tá viên’ Hội Thánh Ken-khơ-rê. Mong anh em tiếp đón chị trong Chúa cách xứng đáng, như dân thánh đối xử với nhau. Chị có việc gì cần đến anh em, xin anh em giúp đỡ, vì chính chị cũng đã bảo trợ cho nhiều người, kể cả tôi nữa.” (Rm 16: 1-2)

Cụm từ “Nữ tá viên” thời đó chỉ có nghĩa như một nữ phụ giùm giúp, theo nghĩa rộng. Thế thôi.

Từ thế kỷ thứ III trở đi, ở nhiều nơi bên phương Đông, các nữ tá viên được chính thức lập ra hoặc thiết dựng là để phụ giúp, có vai trò tựa như công việc của của một người nữ chuyên hướng dẫn, phụ giúp trong nghi thức rửa tội, viếng kẻ liệt. Các chị là nữ giới, nên được chỉ định công việc tắm cho người bệnh, trao ban Mình Thánh Chúa, cho các vị này, cho tiện hơn.

Vì lẽ đó, các chị thành một nhóm có cơ cấu/tổ chức trong Hội thánh, như phẩm trật của các bà goá. Ở một vài nơi, các chị gia nhập phẩm trật này bằng nghi thức có các đấng bậc đặt tay lên đầu mình.

Nữ tá viên như thế, tuyệt nhiên không lĩnh nhận chức thánh nào hết. Và, hoàn toàn khác với chức linh mục và phó tế theo nghĩa tuyệt đối, như đã nói rõ trong Hiến Chế Tông Đồ, ban hành khoảng năm 400, Công Nguyên: “Nữ tá viên, không chúc lành, cũng chẳng thực hiện bất cứ thứ gì thuộc chức năng linh mục hoặc phó tế, mà chỉ làm công việc đóng cửa/mở cửa, và giúp các linh mục trong việc rửa tội cho phụ nữ, vì tính cách đoan trang. Tiện lợi. Tế nhị.” (Hiến Chế Tông Đồ #VIII, câu 28)

Trường hợp rửa tội cho phụ nữ, vị linh mục xức dầu lên đầu hoặc lên trán người nữ nhận lãnh bí tích, trong khi đó, nữ tá viên vì lý do tinh tế thích hợp, thực hiện tiếp các động tác bôi/xức thêm sau.

Chức vụ, vai trò và ý nghĩa của công việc một nữ tá viên được sắp xếp tuỳ địa phương. Với Hội thánh Ai cập, Giáo hội Ma-Rô-Ni-Ta và Slava, không thấy có chức vụ này. Suốt năm thế kỷ đầu, Giáo Hội La Tinh cũng không thấy xuất hiện các nữ tá viên như thế.

Vai trò và chức vụ của nữ tá viên khác biệt nhau tuỳ thành phần của Hội Thánh. Khác biệt thấy rõ nhất là ở chỗ: không liên quan đến việc thi hành bí tích, vì thần học và khuôn phép của bí tích đều mang tính phổ cập, trong Hội thánh. Khắp thế giới.

Điều này, nói rõ trong Điều luật số 15 do Công Đồng Ca-Xê-Đô-Ni-a ban hành năm 451, như sau: “Phụ nữ nào dưới 40 tuổi không được tấn phong làm nữ tá viên. Và chức vụ này, chỉ được ấn định một cách kín đáo. Giả như, sau khi được tấn phong và thực hiện chức vụ này một thời gian, mà các chị lại coi thường ân sủng của Chúa, đi lập gia đình, thì những người như thế phải bị tuyệt thông, cùng chồng mình.”

Rõ ràng là, tuổi tác ấn định cho các chị, khác với nam nhân khi phong phó tế, cộng thêm đòi hỏi sống đời độc thân, nữ tá viên không thuộc các phẩm trật có chức thánh. Đúng hơn, phải nói: các chị thuộc nhóm phụ nữ trưởng thành có trọng trách giúp đỡ Hội thánh, bằng nhiều cách.

Con số nữ tá viên như thế, suy giảm từ từ với thời gian, ở Phương Đông cũng như Tây Phương. Để rồi, cuối cùng biến dạng hoàn toàn vào thế kỷ thứ XI. (Xem Lm Peter Joseph, Apologetics and Catholic Doctrine, Baronius Press 2009, tr. 594-95)

Xem như thế, có thể nói cách chính xác rằng: Hội thánh thời tiên khởi, không thấy có vai trò và chức vụ của nữ tá viên. Bảo rằng, các chị có quyền như những vị có chức thánh, là một nhận định không có nền tảng.

Chính vì xảy ra có ngộ nhận về vấn đề này, nên Đức Thánh Cha đã ra chỉ thị vào ngày 17/9/2001, trong đó nói: “Toà thánh được báo cáo cho biết: một số nước đang có chương trình thiết lập, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, tấn phong chức phó tế cho phụ nữ. Vì có nhiều người trông mong việc ấy xảy đến, lại không có nền tảng tín lý vững chắc, nên có thể kéo theo một số ngộ nhận, về mục vụ. Vì lẽ ấy, thẩm quyền Hội thánh không thấy có gì là khả thi trong việc tấn phong chức vụ đó, nên nay quyết định rằng: đây không phải là một việc hợp lý/hợp pháp để tháp đặt sáng kiến cho rằng, theo cách thức nào đó, sẽ có việc sửa soạn thuận cho ứng viên nữ được phép lĩnh nhận chức thánh, với tư cách phó tế.” (x. John Flader, The Catholic Weekly, 28/3/2010, tr.10)

Lại một giải đáp, rất chính mạch. Chẳng có gì, để bạn và tôi, ta bỏ giờ ra mà tranh với cãi. Hãy cứ lẳng lặng, mà yêu thương. Yêu, trong nghe/nhìn. Thương, rồi sẽ thấy. Yêu thương trong cuộc đời, ở bên ngoài, còn có những chuyện/những sự việc rất đáng nghe. Cũng nên đọc. Nghe và nhìn, cho đời mình thêm hưng phấn. Nhìn và nghe, rồi cứ mỉm cười. Một mình. Cười rồi mỉm, như chuyện bên lề bài chuyện phiếm. Rất như sau:

“Chồng nói với vợ:

-Em thường mang bức hình của anh theo trong mình, khi đi làm hả? Tại sao thế?

-Ừ thì, khi nào có vấn đề, dù khó cách mấy, chỉ nhìn vào hình của anh là vấn đề ấy, biến mất ngay.

-Thấy chưa? Em có thấy rằng anh tuyệt vời với em đến thế nào, không?

-Có chứ. Mỗi lần nhìn hình, em đều tự nhủ: Còn vấn đề nào lớn hơn vấn đề này, chứ?”

Vấn đề tâm sự hay tự sự của nhà thơ Hữu Loan, còn mang một ý thơ nữa. Rất thông thoáng. Ý nhị. Tuyệt vời. Tuyệt, như lời chàng trai cửu tuần họ Nguyễn, tên gọi rất ư là Hữu Loan, sau đây:

“Một tuần sau đó, chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn; bảo rằng: yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt, là hơn cả… Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết!”

Chẳng cần biện luận, ai cũng hiểu. Lời văn của nhà thơ, còn là chứng từ cho thần học Tình Yêu, ở đời. Sâu sắc. Yêu đương. Đâu cần nhiều. Yêu đương, nào cần đến áo quần đẹp. Nhẫn cưới. Tiệc tùng. Cùng lễ lạy? Điều cốt thiết, nằm ở “cái tâm”. Ở “tình bền chặt, là hơn cả.”

Cũng giống thế, người nhà Đạo vẫn nói thương Chúa. Yêu Hội thánh, là nghĩa gì? Đâu là chứng cứ? Câu hỏi, đơn giản là thế. Nào mấy ai sẵn sàng có câu trả lời!

Bần đạo không có được lòng quả cảm như nhà thơ, lẫn nhạc sĩ. Ở đời. Nay, chỉ dám đưa ra vài ý tưởng nho nhỏ, để ta phiếm. Cùng kiếm. Và cùng tìm. Sẽ, thấy câu giải đáp. Cũng nhanh thôi.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn kiếm tìm mà chưa thấy.

Trong khi ấy, giải đáp đã thấy có

ở Thánh Kinh.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Monday 22 March 2010

Nơi em về ngày vui không em

Nơi em về trời xanh không em

Ta nghe từng giọt lệ

Rớt xuống thành hồ nước long lanh.

(Trịnh Công Sơn - Như Cánh Vạc Bay)

(2Th 3: 1)

Nếu có hỏi, nơi đi/chốn về của người em, mà lại hỏi kiểu đó, thì e rằng người em mình sẽ cho cả ông anh lẫn anh ông đi Tây, chín tầng mây. Cho được việc. Đi Tây, là: thướt tha những “đi tướt”/rớt đài về chốn miền đầy lả lướt. Ở trời cao. Cứ nghêu ngao ba câu hát. Trong lành. Lanh chanh. Đỏng đảnh.

“Đi Tây” đây, còn là lao xao vài ba câu hát, nơi khu làng tỉnh lẻ rất Nước Trời. Ở miệt dưới. Rất Sydney. Lao xao, ngày đầu năm chưa vui, đã thấy rầu. Đúng hơn, phải nói: vui buồn lẫn lộn. Vui, vì được tổ chức thánh lễ Tân niên vào Chủ nhật. Rầu, vì đầu năm/đầu tháng “đức thày” vừa xin Chúa xá tội xong, đã phiền lòng vì ban phụng vụ chọn không đúng bài đọc. Nên, “người” cứ giảng và dạy về “chay lòng”, “kiêng thịt”. Có phạt xác, ngày Lễ Tro. Phạt xác, theo đức thày, vì xác phàm mình quá tội lỗi. Và, con dân xứ đạo được nghe đức thày dạy về luật với lệ; mà chẳng nói về Lời Chúa. Phúc Âm.

Thôi thì, bạn và tôi, bà con mình hãy để lại đằng sau, chuyện phạt hay không phạt “Đền thờ của Chúa Thánh Thần”, mùa Chay kiêng. Chỉ xin hầu chuyện bà con/bầu bạn, ba câu chuyện về tâm tịnh, mà đón chào Lời Chúa. Như người nghệ sĩ viết về giòng suối “đón từng bàn chân em”, như sau:

“Suối đón từng bàn chân em qua,

Lá hát từ bàn tay thơm tho,

Lá khô, vì đợi chờ

cũng như đời, người mãi âm u.” (TCS – bđd)

Chẳng cần biết, có phải “đời người mãi âm u” là vì “bàn chân em qua”, hay em đến. Lá có khô vì đợi chờ. Chờ ngày vui. Người trông ngóng hay không. Nhưng, thật ra, lá có khô hay ướt chắc cũng chẳng vì cuộc đời của người cứ âm u. “Đi tướt”. Mà, có lẽ do người người cứ nhìn đời và nhìn trời, từ một góc độ rất khác biệt. Khác, như một nhận định hơi khang khác, từ vua/quan ở truyện kể, bên dưới:

“Có vua nọ, quyết treo giải cho hoạ sĩ nào vẽ tranh đẹp, về bình yên. Tâm tịnh. Nghe chiếu chỉ vua ra, nhiều vị hoạ sĩ quyết ra tay cố vẽ cho được bức tranh đẹp. Vua ngắm kỹ, chỉ thích mỗi hai bức. Tuy có thích, nhưng vua chỉ chọn bức nào tuyệt kỹ nhất, thôi.

Một trong hai bức tranh vua chọn, là bức nói về nước hồ êm ả. Có mặt hồ, tuyệt cảnh. Có núi non chót vót. Có, trời xanh. Mây trắng. Bềnh bồng. Rất lững lờ. Người chiêm ngắm đều thấy tranh “yên bình”, quả thật tuyệt.

Tranh thứ hai, có núi có rừng trùng điệp. Cả đá tảng. Chơ vơ. Ở trên đó, là bầu trời đầy giận dữ. Đã đổ mưa. Rất sấm sét. Ồn ào. Náo động, cả một cõi. Ngay cạnh vách núi, là giòng thác cuồn cuộn, bọt trắng xoá. Chẳng bình an. Cũng không thanh cao. Chút nào.

Vua ngắm tranh yên bình rất lâu. Bỗng, thấy ngay sau giòng thác chảy, có bụi cây nhỏ mọc từ khe nứt, của đất đá. Ở nơi đó, giữa giòng thác giận dữ trút nước, có con chim mẹ thản nhiên đậu trên cành, cạnh bên tổ. Bên cạnh đó, có chim con bầu đàn tíu tít, về với mẹ. Cảnh bình yên. Tâm rất tịnh.

Vua tuyên bố: “Ta chọn bức này. Rất bình và cũng yên. Bình và yên, đâu chỉ mỗi chốn vắng, không ồn. Nhiều giận dữ. Yên và bình, nằm ngay cảnh đầy phong ba/giận dữ ấy. Bình yên/thanh tịnh, chỉ hiện diện nơi trái tim mình. Đó, mới là ý nghĩa đích thực, của bình yên.”

Nếu vua kia, là nhà giảng thuyết rất đức độ, hẳn vua còn sẽ bảo: thế đó, là chay lòng. Tịnh tâm. Của Chay mùa. Có Đức Chúa. Thế đó, là bình yên. Rất thanh và rất tịnh. Trong tranh. Bình yên cuộc đời, còn hơn thế. Và, đây cũng là câu hỏi, mà nhiều người từng hỏi. Và, từng nói. Vào buổi lễ thanh cao. Có chay lòng. Tâm tịnh. Nhiều vị bảo: bình yên/tâm tịnh, là trạng thái về với Thơ. Rất yên. Và cũng rất tịnh. Chính đó là Lời Chúa. Chính đó, như đã có người từng gạn hỏi, ở bên dưới:

“Tôi lớn lên, ở khung trời thanh tịnh/bình yên trong một gia đình Công giáo toàn tòng. Lúc nào trong nhà cũng Kinh. Cũng Sách. Nhưng chẳng thấy ai lần giở trước đèn. Để đọc. Nay, tôi thấy rất nhiều người, Công giáo cùng Chính thống, biết bỏ giờ ra, mà suy và đọc. Đọc và suy, xong còn tìm hiểu. Rất thích thú. Nay, xin ngài giải thích sao có chuyện đó, vừa xảy ra, hôm nay? (Lại thêm một người gạn hỏi, nhưng không ký tên).

Hỏi, mà không ký. Tức, cũng chẳng quyết điều gì. Nhưng, vẫn được “đức thầy” họ Flader tên gọi là John, rất Sydney, như sau:

“Tôi đây kinh nghiệm cũng rất từng trải, từ một gia đình Công giáo, lúc nào cũng có Thánh kinh để trong nhà. Luôn mở ngỏ. Sách rất to. Đặt nơi cung kính, để người trong nhà có thể chiêm ngưỡng. Suy tư. Tôi nhớ không lầm, thì chính tôi cũng chưa một lần để mắt đến. Và, chẳng có ai trong gia đình, theo tôi biết, đã sờ chạm và đọc nững gì viết trong đó. Bởi, sự thể là Sách quá to. Không di chuyển được. nên chẳng khuyến khích ai cầm lên mà đọc hết.

Nhiều Sách thánh. để trong nhà, là cốt để mọi người nhớ đến ngày mình rửa tội, thêm sức, cùng rước lễ lần đầu, có ghi rõ trong đó. Chừng như, đó là mục đích tiên khởi, của người đặt Sách.

Sách thánh ghi Lời Chúa, thường đặt để ở vị trí trang trọng trong nhà, còn mang ý nghĩa xác nhận một kiểm tra căn cước. Nhận rằng: nhà này là Công giáo. Tựa như theo thánh giá gỗ hoặc ảnh Lòng thương Xót Chúa, ảnh Mẹ. chứ đâu phải để cho mình đọc và suy ngắm. Chuyện ấy đâu đã cần. Đặt như thế, là để nhắc mình, nhắc khách viếng, chúng tôi là người Công giáo, chánh gốc. Có Phúc Âm. Đàng hoàng.

Điều vừa kể, xem ra có hơi hài hước. Nói như người đời, là: chuyện tưởng như đùa. Nhưng có thật. Một sự thật, mà nhiều người Công giáo vẫn có kinh nghiệm từng trải, nhiều thế kỷ.

Quả là, thái độ này bắt nguồn từ các nhà Cải cách người Thệ Phản, hồi thế kỷ thứ 16. Từ bỏ Giáo hội –nhiều khi các vị này nghĩ Giáo hội Công giáo La Mã có sai sót, thối nát. Và nhiều trường hợp, nói cũng đúng- nên mới bỏ cả truyền thống vốn có từ ngàn xưa. Các vị bèn về với Thánh Kinh, để biết và hiểu điều Chúa muốn, với con người.

Đây là nguyên tắc mà tiếng Latinh gọi là “sola scriptura”, tức: chỉ có Kinh Thánh mới là nguồn cội của niềm tin và Mặc khải từ Thiên Chúa. Và, người Công giáo vẫn biết là chỉ với Kinh thánh thôi, cũng không đủ. Như tôi từng nói, Truyền thống sống động của Hội thánh mới cho ta Sách Thánh Kinh vào đầu hết. Và, có Chúa Thánh Thần soi sáng, Hội thánh mới có thẩm quyền dẫn dắt ta hiểu thấu đáo Thánh Kinh. nên, khi người người tìm cách dẫn giải Kinh thánh, tự khắc gây ra nhiều tranh cãi, không bao giờ chấm dứt.

Đó, cũng là lý do mà tại sao ngày nay có đến cả chục ngàn nhóm hội đoàn thể vẫn cam quyết rằng niềm tin của mình đặt căn bản trên cùng một Sách thánh.

Để phản bác lại những sai lầm của nhóm Cải cách hổi thế kỷ thứ 16, người Công giáo được khuyến khích hãy nghe theo lời giáo huấn của Hội thánh. Chỉ Hội thánh mới xứng đáng dẫn giải về Kinh thánh cho mình. Giáo dục mình, về những điều mà Chúa muốn mình am tường.

Kết quả là, suốt 4 thế kỷ sau đó, người tín hữu không được khuyến khích đọc thẳng Sách thánh, mặc dù có sự kiện là các nhà in/nhà xuất bản đều vẫn muốn Sách thánh được phổ biến tràn lan, khắp chốn.

Dầu sao đi nữa, người Công giáo vẫn quen thuộc Sách thánh, qua các bài đọc hàng tuần, vào thánh lễ Chúa nhật. Vào khi bẻ bánh Lời Chúa, ta được nghe cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Sau đó, còn được linh mục chủ tế hoặc thầy phó tế dẫn giải bằng các bài chia sẻ hoặc thuyết giáo, như vẫn gọi. Cùng một lúc, trẻ em cũng được học hỏi các phần quan trọng trong truyện tích Sách thánh, tại trường hoặc tư gia, có phụ huynh dẫn dắt.

Công Đồng Chung Vatican II cũng đã đem lại luồng gió mới trong thái độ đón nhận và đọc Sách thánh, mà lâu nay giáo dân vẫn thực hiện. Đặc biệt là chương cuối của Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải từ Chúa có tên gọi là Dei Verbum (Lời Của Chúa) đã khích lệ mọi người nên đọc Sách thánh, một cách tích cực. Trong đó, Hiến chế có lời như sau:

“Đại để, Thượng Hội Đồng rất thánh đã mạnh dạn và đặc biệt khuyến khích các tín hữu Đức Kitô, hãy biết cách mà học hỏi những gì thánh Phaolô từng xác quyết:‘mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi’ (Pl 3: 8). Đó là do năng đọc Sách thánh, như tổ phụ Giêrônimô đã minh chứng: “Không biết Sách thánh, là chẳng biết gì về Chúa hết.” (Thánh Giêrônimô, Comm. in Isaias, Lời bạt)

Thành thử, có ham đọc và học hỏi sách tu đức thánh thiêng, thì “Lời Chúa mới mau chóng được phổ biến và tôn vinh” (2Th 3: 1). Có như thế, kho tàng Chúa mặc khải vốn gắn liền với Hội thánh, mới lấp đầy tâm can con người.” (x. Dei Verbum, 25-26)

Ngày nay, con số nhóm hội/đoàn thể học hỏi Sách thánh trong Giáo Hội Công giáo gia tăng một cách đáng kể. Nhiều giáo dân, đã tham gia các khoá dẫn giải Kinh thánh theo nhóm hoặc theo từng cá nhân riêng lẻ.

Cũng là chuyện nên làm, nếu người Công giáo quyết bỏ ra mỗi ngày vài ba phút để đọc Kinh thánh, ít ra là Tân Ước. Đó là điều tốt. Có như thế, mọi người chúng ta, cũng như toàn thể Hội thánh và xã hội, sẽ được chúc phúc. Rất nhiều.” (x. John Flader, The Catholic Weekly 14/2/10, tr.10)

Nói theo bài bản, tức: nói có sách mách có chứng, thì như thế. Nhưng nói theo lý lẽ/sự việc và cuộc sống hằng ngày, ở huyện, như chuyện “Nơi em về, ngày vui không em”, còn là nói và hát, những lời người nghệ sĩ đã mừng mừng tủi tủi, hát như sau:

“Gió sẽ mừng vì tóc em bay,

cho mây hồn ngủ trên đôi vai.

Vai em gầy guộc nhỏ,

Như cánh vạc về chốn xa xôi.”

(TCS – bđd)

Và, nói theo lời một linh mục còn-khá-trẻ ở Nữu Ước, nước Hoa Kỳ là nói về tình hình có tâm rất tịnh hay không tịnh, ở một số người Công giáo đó đây, như sau:

“Có nhiều người rất thích linh mục đến giảng tĩnh tâm và đặt tay chữa bệnh. Phần tĩnh tâm thì không cần thiết lắm. Phần nhận ơn và chữa lành mới là phần quan trọng. Chính tôi đã thấy, gần giờ kết thúc các buổi tĩnh tâm, có nhiều người tìm đến chỉ để được chữa bệnh và xin ơn.” (x. Lm Giuse Trần Việt Hùng pp, Đặc Sủng Về Ơn Lạ: Cứu cánh không biện minh cho phương tiện, www.giadinhanphong.blogspot.com , DIA số 69)

Và, nói về tâm tịnh có suy và có niệm, là nói rất nhiều. Dù, làm chẳng bao nhiêu. Bởi, đời người thường nói nhiều, chứ đâu làm nhiều. Chí ít, là khi tâm mình chưa tịnh để cứ làm mà không nói. Làm, là làm theo Lời Chúa. Nói, thì nên để Chúa nói cho mình. Cho người. Dù, người ấy có là người trong Đạo, hay ngoài đời. Suốt cả đời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ xin

nghe, học hỏi, hiểu biết

rất nhiều điều.

Hơn là nói.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Monday 15 March 2010

“Chiều qua, bao nhiêu lần môi cười,”

Cho mình còn nhớ nhau. Chiều qua bao nhiêu lần tay mời, Nghe buồn ghé môi sầu.

Ngày nào mình còn có nhau, xin cho dài lâu.

Ngày nào đời thôi có nhau, xin người biết đau.”

(Trịnh Công Sơn – Chiều Một Mình Qua Phố)

(Ph 3 : 8-14)

Chiều hay sáng, cũng là những buổi sớm/muộn vẫn chợt đến/chợt đi. Cứ đi qua. Và đi mãi. Nhưng, nào đã thấy làn môi cười. Môi có cười, cũng chỉ cười khi ta nhớ. Nhớ nhau. Nhớ, những “lần tay mời”. Mời ăn. Mời nhậu. Mời xem phim. Và nhảy nhót. Mời và xin, còn có nhau. Cho dài lâu. Mời đây, là mời bạn/mời tôi, ta đến với nhau. Đến một lần, để cho biết.

Biết gì đây? Chắc chắn không để biết đau, như nghệ sĩ họ Trịnh từng diễn tả. Biết ở đây. Hôm nay, là biết rằng mình cũng từng được mời. Từng đưa tay, hân hoan chào đón. Từng mời mọc, rất thân thương. Rất vui mừng, mọi người đến. Mời và mọc, hôm nay còn là tạo dịp để ta tạo lại quan hệ gần gũi. Thân quen. Như từng thể hiện, nhiều như trước.

Mời một lần, để biết và để nhớ. Nhớ và biết, như lời người nghệ sĩ còn viết thêm:

“Chiều một mình qua phố,

âm thầm nhớ nhớ tên em.

Bước chân nghe quen cũng buồn,

lạy trời xin còn tuổi xanh.” (Trịnh Công Sơn – bđd)

Đúng thế. Mời hay gọi, vẫn luôn là gọi mời mọi người hãy nhớ tên em. Tên người. Tên của bước chân. Âm thầm. Của, những “áo xưa chưa quen phong trần, đợi mùa thu vàng áo thêm.” Thì ra. Đời người, vẫn cứ là mời và gọi. Để mọi người, còn có những “lần môi cười.” mà nhớ. Nhớ, rằng mình vẫn có nhau. Bên đời. Dù, “một mình qua phố”, chợt nghe câu truyện kể. Về mùa Chay, như sau:

“Truyện rằng:

Bạn đạo nọ, thuộc giống giòng hào kiệt, xứ Ái Nhĩ lan. Qua đây, thấy buồn bèn ngày ngày ghé bến uống bia, lia chia ngày 3 cữ. Nơi thôn làng hẻo lánh, bé nhỏ. Ở Sydney. Bạn có cái tài này –thật ra phải gọi là cái cố tật mới đúng- mỗi khi ghé câu lạc bộ thôn làng, chàng chỉ uống mỗi 3 chai. Vẫn một mình. Lần nào cũng thế, người bán rượu thấy bạn đến, cứ lẳng lặng lấy 3 chai, để bạn lai rai. Chẳng cần hỏi.

Uống đến quen, cả làng đều biết tiếng, gọi “Bạn” là “Người Bạn 3 chai bia”. Bạn, nghe đồn thế, chẳng lấy làm điều. Cứ đều đều gọi 3 chai, sau khi đi làm về. Tuần lễ sau, Bạn cũng lại theo thói quen, ghé câu lạc bộ gọi 3 chai, rồi chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng uống hết. Và ra về. Thấy thế, người làng nhờ người bán rượu chặn “Bạn” lại hỏi: “Dân làng ở đây cứ thắc mắc: sao Bạn lại chỉ uống mỗi lần có 3 chai? Sao không phải là 3 lần 3? Hoặc, chỉ một chai một, cho riêng mình?”

Nghe hỏi, Bạn bèn trả lời: “Chả là, em có hai anh trai. Một người nay đi Mỹ. Người kia sống ở Anh. Cả hai anh, chẳng có dịp để hàn huyên bia bọt, chiều chậm đến.” Dân làng nghe vậy, đều hiểu được vì sao Bạn có cái tên gọi quái gở như thế. Rồi, câu chuyện cũng qua đi. Chẳng ai buồn để ý đến chàng trai 3 chai, để làm gì.

Một hôm, theo lệ thường, “Chàng 3 chai” lại đến quầy uống rượu, gọi bia uống. Nhưng lần này, thay vì 3 chai, Bạn chỉ gọi mỗi hai, thôi. Dân làng thấy thế, từng người lại từng người, cứ đến mà bắt tay chia buồn, chẳng dám hỏi. Sợ phật lòng. Duy, có tay bán rượu dám bạo miệng hỏi “Bạn”, sao thế? Thì, “Bạn” thành thật trả lời: “Chẳng có chuyện quá vãng hay chết chóc gì đâu. Chả là, mùa này là Mùa Chay, nên “Qua” đây quyết tâm hãm mình nhịn miệng, cho riêng mình. Thù tiếp mỗi hai ọng anh. Chỉ có thế!...”

Ừ nhỉ. Mùa Chay là mùa gọi mời bà con mình sống đời thực tế. Có chay kiêng. Thực tế cuộc đời, cũng lại có những lời gọi mời rất thực và cũng tế nhị, như lời mời gọi rất như sau:

“Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô XVI thôi thúc các Giám mục Anh (trong chuyến viếng Rôma theo cung cách “ad limina”) cứ tiếp tục biện hộ cho Hội thánh, quyền giáo huấn trong đời thường. Ngài thêm rằng: các Giám mục ở Anh có quyền ‘tham gia vào cuộc tranh luận trên toàn quốc qua đối thoại có tôn kính. Đối thoại với các thành phần khác của xã hội đời thường. Một khi là thành viên tham dự các bàn thảo công khai trước công chúng, các giám mục ở Anh vẫn duy trì được truyền thống tự do tư tưởng và phát biểu. Cả thứ tự do lên tiếng về quyền của người thường dám tin vào những điều chính đáng, nhưng không có khả năng hoặc phương tiện để phát biểu.

Đức Giáo cũng nói: ‘Khi số người rất đông, dám tuyên xưng niềm tin của mình nơi Đức Kitô, thì tại sao ta không để cho mọi người có cơ hội được bày tỏ cái quyền được cho mọi người biết Tin Mừng của Ngài? Trung thành với Tin Mừng không có nghĩa là hạn chế quyền tự do của người khác. Trái lại, việc ấy còn có nghĩa phục vụ quyền tự do của mọi người. Tự do được tiếp cận sự thật ”.(Carol Glatz, Church has right to bring Gospel values to debate, The Catholic Weekly 07/02/2010, tr.7)

Gọi và mời như trên, khác chăng lời thở than của nghệ sĩ họ Trịnh, khi hát tiếp:

“Còn một mình trên phố,

âm thầm nhớ nhớ tên em.

Ngoài kia không còn nắng mềm,

ngoài kia ai còn nhớ tên.”(Trịnh Công Sơn – bđd)

Nắng mềm không còn nữa. Tên em, chẳng buồn nhớ đêm. Vẫn cứ là, tâm trạng của những người hôm nay đang bị cuốn hút vào giòng chảy cuộc đời, rất thực tế. Dễ đê mê, chuyện tầm phào. Lạo xạo, đời vật chất.

Nắng mềm vẫn còn đó. Nếu em, biết tìm đến đúng chỗ. Đúng nơi. Những nơi, có sự thật “phơi bày trên mái nhà”. Mái, của thế giới nhân trần. Thế giới Đạo hạnh. Của Đức Chúa. Ta có thói quen gọi đó là LỜI. Là, Tin Mừng. Của Chúa. Cho con người.

Nắng mềm ngoài kia, nay được gọi là Kinh Thư, Kinh rất Thánh. Thế mà, nhiều người vẫn chưa nghe biết. Hoặc biết rồi, nhưng vẫn chưa hiểu. Hoặc, chưa giữ được LỜI. Chưa rao truyền/san sẻ cho mọi người.

Nắng mềm nơi ấy, nay mai sẽ có những bạn, những bè từng hỏi đến. Hỏi, như độc giả nọ ở Sydney, đã từng hỏi. Hỏi để rồi sẽ được nghe “đức thầy” nhà Đạo, có lời đáp, rất như sau:

“Các câu bạn hỏi về: “Nguồn gốc của Thánh Kinh? Đạo mình có thể tồn tại được không, nếu không sống Lời Chúa? Kinh thánh được chọn lựa cách nào để trở thành Sách cần thiết và quý báu như thế?vv. ” là những vấn đề nền tảng. Rất quan trọng. Thường thì người Công Giáo vẫn coi Kinh Thánh như một quà tăng cho không/biếu không. Có người chẳng tha thiết gì chuyện đọc và suy niệm Sách Thánh như kim chỉ nam cho đời mình. Nhiều người đọc Kinh Thánh bằng tất cả niềm tin, nhưng chẳng bao giờ tìm hiểu xem Sách này phát xuất từ đâu. Bao giờ? Xin tóm tắt đôi hàng để trả lời bạn.

Trước nhất, ta phải nhớ là Sách Thánh gồm 46 cuốn thuộc Cựu Ước, ta nhận được từ người Do Thái trước và vào thời đại Chúa sống. Còn Tân Ước gồm 27 cuốn. Tức, bao gồm các đoạn văn, thư nói về Đức Kitô, cũng như về Hội thánh thời tiên khởi.

Về Cựu Ước, cả Đức Giêsu lẫn các thánh Tông đồ đều sử dụng các sách thánh thiêng của dân Do Thái, coi như sách được Chúa Thánh thần hướng dẫn cho các thánh viết. Chẳng hạn như, các đoạn trong đó Chúa và các thánh tông đồ đều quả quyết: “Người đã ra đi, như đã chép về Ngài” (Mt 21: 42, 26: 24) và các Ngài đã tỏ ra tôn trọng những gì được viết trong Sách Thánh.

Thánh Phêrô còn mạnh dạn chứng tỏ đầy lòng tin tưởng rằng Sách Thánh của người Do Thái đã được Chúa Thánh Thần tạo nguồn hứng, khi thánh nhân nói với cộng đoàn tín hữu như sau: “Thưa anh em, Kinh Thánh phải được ứng nghiệm, lời Thánh Thần đã dùng miệng Đa-vít để tiên báo về Giu-đa, kẻ dẫn đường cho những người đến bắt Đức Giê-su.” (Cv 1: 16)

Kinh Thánh là Sách mà người Do Thái vẫn đọc vào các buổi lễ ở hội đường, ngày Thứ Bẩy. Và mọi người đều trân quý Sách Lời Chúa. Hội thánh tiên khởi đã chấp nhận mọi Sách Thánh của người Do Thái theo Bản Bẩy Mươi. Tức là, Bản dịch từ tiếng Do Thái qua Hy Lạp từ thế kỷ thứ 3 và thứ 2 trước Công Nguyên. Bản này được tất cả mọi người Do thái thời của Chúa, sử dụng rất phổ cập.

Bản Bẩy Mươi gồm 46 cuốn. Nay ta gọi là Cựu Ước. Dù, vào thời Cựu Ước cũng có các bản văn khác được lưu truyền giữa người Do Thái, nhưng theo cách thế còn nhiều điều khó hiểu, thì chính Chúa Thánh thần hướng dẫn mọi người chấp một số cuốn trong đó như được thần hứng. Có cuốn không.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có nói về Cựu Ước, như sau: ”Tín hữu Đạo Chúa rất tôn kính Sách Cựu Ước cói Sách này là chính Lời Chúa. Hội thánh luôn thẳng thắn chống đối ý kiến phản đối Sách Cựu Ước, nại cớ rằng Tân Ước mới làm cho Kinh thánh lìa bỏ chủ thuyết Marcion”. (GLHTCG #123)

Các sách Tân Ước được viết từng thời kỳ một, vào thập niên 50 và 60 sau Công Nguyên. Riêng các sách do thánh Gioan viết, trong đó kể cả sách Khải Huyền, được trước tác vào cuối thế kỷ thứ nhất. Tuy thế, cũng giống như Cựu Ước, vào thời ấy cũng có nhiều bản văn của Đạo được lưu truyền trong các Giáo hội vào thế kỷ thứ nhất. Trong đó, có sách Điđakê, tức “Giáo huấn của các thánh Tông Đổ”, và thư của Barnaba, qua đó Chúa Thánh thần cũng hướng dẫn Hội thánh để các ngài biết mà chấp nhận hoặc bác bỏ xem Văn bản nào được thần hứng, sách nào không.

Các bản văn được gọi là có thần hứng được ghi chép cẩn thận và phân phát cho các cộng đoàn, để họ dùng đó làm bài đọc, trong thánh lễ. Như, Lời của Chúa. Giống như ta hiện đang làm.

Mặc dù thế, từ thế kỷ thứ nhất sau công nguyên, đã có nhiều bất đồng về việc có một số bản văn được đưa vào danh sách các văn bản có thần hứng. Vào năm 382, nghị quyết De explanatio fidei (Về Diễn giải niềm tin) có đưa ra danh sách gồm 27 cuốn sách, đến nay gọi là Tân Ước.

Về câu hỏi: “Có cần đến Kinh thánh không?” rõ ràng là 20 năm đầu thời Hội thánh tiên khởi, không có dấu hiệu gì cho thấy đã có bản văn Kinh Thánh nào được viết ra. Mặc dù thế, Hội thánh Chúa vẫn có khả năng lớn mạnh và sinh hoạt bình thường dựa trên Truyền Thống Giáo hội, bằng phương cách truyền khẩu.

Dù Chúa không có ra lệnh cho môn đệ Ngài viết lại sử sách –nhưng ít ra là những gì được ghi chép và coi như Lời của Chúa trong Kinh Thánh- vẫn là chuyện tự nhiên để ta hiểu là: các thánh Tông đồ và các vị khác vẫn muốn viết lại những gì mình nhớ lại là đã xảy ra; cũng như giòng chảy suy tư của các ngài về các sự kiện ấy, ngõ hầu gìn giữ cho các thế hệ về sau. Và, có điều chắc chắn là Chúa Thánh Thần đã khích lệ các thánh để làm việc này.

Với những bản văn thánh như thế, Hội thánh Chúa càng có được nhiều nguồn phong phú/sung mãn hơn. Chính vì thế, ta nên thường xuyên đọc Kinh Thánh bằng sự tôn kính, thân thương, biết rằng chính Chúa nói với con người, ngang qua Kinh Thánh. (x. John Flader, The Catholic Weekly, 07/02/2010, tr.10)

Nói theo ngôn từ của người nghệ sĩ “ngày nào mình còn có nhau, xin cho dài lâu”, thì chuyện lâu dài, của Hội thánh vẫn là chuyện dài, cần Kinh Thánh. Cần, không chỉ là cần có văn bản rất thánh, đặt để ở đâu đó, mà trưng bày. Như triển lãm. Cần, là cần dân con nhà Đạo, cứ hãy trân trọng Lời Chúa. Cứ, thường xuyên đọc. Thường xuyên suy tư, niệm tụng. Mà gìn giữ. Và thực hành.

Xin cho dài lâu, còn là yêu cầu rất bức bách của thời đại, như lời Đức Cha rất thánh Biển Đức thứ XVI từng căn dặn hôm gặp gỡ các Giám mục nước Anh, vào chuyến “Ad Limina” 2010, rằng:

“Xin các bào huynh hãy cẩn thận mà chuẩn bị cho hàng ngũ giáo dân của quý vị biết chuyển tải giáo huấn của Hội thánh một cách chính xác và dễ hiểu. Đồng thời cũng xin tỏ ra rộng lượng trong việc thiết lập lương thực dự trữ, cho họ.”(x.Carol Glatz, bđd, tr.7)

Thành thử, nếu bạn và tôi đã trót hát bài “Chiều một mình qua phố”, cho người mình nghe, thì cũng nên hát cho trọn lời cuối của người viết họ Trịnh, có câu kết, như sau:

“Chiều một mình qua phố,

âm thầm nhớ nhớ tên em.

Áo xưa chưa quen phong trần,

đợi mùa thu vàng áo thêm.” (Trịnh Công Sơn – bđd)

Thu vàng áo. Chưa quen phong trần. Vẫn cứ âm thầm nhớ nhớ tên em. Dù, tên ấy có là tên của ai đó. Một người. Một cuốn sách. Chí ít, là Sách Thánh. Chớ nên quên.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn không quên tên

của Kinh Sách từng là giải đáp

cho mọi người.

Trong mọi sự.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com