Sunday 27 December 2009

“Như hoa đem tin ngày buồn”

Như chim đau quên mùa xuân

(Lê Uyên và Phương – Tình khúc cho em)

(Mt 11: 29)

Ngày tháng đó, có người anh/người chị hát lên bài “tình khúc cho em”, những ngày buồn. Tình khúc những ngày buồn, còn là tình tự của người anh, người chị thân thương, vương vấn chốn nhà Đạo rất thánh. Và, cũng rất đạo. Ở Đà Lạt. Đà lạt, ngày tháng đó, là ngày bọn tôi mấy đứa, lấm la lấm lét, ngồi thưởng thức giòng chảy thân thương của nhạc buồn, ngày tháng lạ. Cả vào mùa Đông.

Giòng nhạc ấy, đã có lúc đưa đẩy bọn tôi về với ý/lời, của câu thơ:

“Xin cho thương em thật lòng,

xin cho thương em thật lòng.

Còn có khi lòng thôi giá băng…” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Cứ bỏ qua một bên, những cụm từ anh và em/em và tôi để rồi ta sẽ thấy, những tôi và em ấy vẫn cứ là người bạn thân thương, thuở thiếu thời. Thuở, có tấm lòng “thôi giá băng”, rồi hát tiếp:

“Cho tôi yêu em nồng noàn!

Cho tôi yêu em nồng nàn!

dù tháng năm buồn vui, bàng hoàng.” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Quả rất đúng. Trong quá trình sống yêu thương, vẫn có những ngày “buồn vui/bàng hoàng”, khiến bạn và tôi, ta thẫn thờ/hờ hững với những mối tình bàng hoàng, của người anh người chị mà hôm nay, ta gọi là “thánh”. Ở chốn dân gian.

Bởi, chốn dân gian hôm nay, rất nhiều trường hợp, có người trẻ vẫn cứ ôm bom lăn xả vào chốn phồn-hoa-đô-hội có địch thù hoặc tình thù xao xuyến ấy, để phá rối cuộc sống đi đạo khác phái, khác kiểu của mình. Gọi họ là cực đoan. Khùng điên. Ngoan cố. Cũng tuỳ nơi. Tuỳ chỗ.

Với đạo Hồi, thế giới của những người chuyên thần tượng hoá đám trẻ -đa số là trai chưa vợ- vẫn có khuynh hướng coi họ là các thánh “tử vì đạo”. Cho đạo. Nói nôm na, ta bảo: họ chết là chết cho thần linh thánh ái. Đấng mà nhà Đạo của ta gọi là Đức Chúa. Tức, Chúa Tể mọi loài, trong hoàn vũ. Và, người đạo Hồi, lại gọi ngài là Đức Thánh Allah.

Với thế giới đạo Hồi, ôm bom vào chỗ chết, tức vào lòng đạo cực đoan của quân phản thần/hại thần như thế, để được gần Đấng Allah rất thánh, rồi sẽ làm thánh. Thánh “tử vì đạo”. Cho đạo. Với Kitô-hữu, cũng có người lại chọn hình thức chết-cho-chính-mình, kiểu khác. Tức, chết cho thói tật, nhưng xác thịt vẫn cứ sống. Sống chuyên chăm, chốn tu trì. Chỉ để trở thánh thánh nhân. Như, động thái của vị thánh bổn mạng của gia đình lành thánh, các bà mẹ, là thánh Giêrađô Magella, Dòng Chúa Cứu Thế, cũng hơn một lần xác quyết: “Chào mẹ, con đi làm thánh đây!”

Xem như thế, thì làm thánh hoặc thành người lành thánh, mang ý nghĩa cũng lành và rất thánh. Rất thiện. Còn nhớ, có lần cô giáo một trường nhỏ, lên tiếng hỏi học sinh trong lớp: xem các em hiểu về chữ “thánh”. Thế là, chẳng kịp mở tự điển/tự vị ra, các em đã thi nhau phát biểu:

-Anita, 8 tuổi: Làm thánh giống như thiên thần, chẳng lấy vợ. Chẳng muốn có con. Cứ ở vậy!

-Jo, 7 tuổi: thánh, là người điên, tối ngày lầm rầm đọc kinh liên miên, không mỏi mệt!

-Beth 10 tuổi: Thánh là như mấy cha ở nhà thờ, tối ngày chỉ giảng đạo và xin tiền!

-Maria 9 tuổi cũng xin nói: Theo em, thánh là người hiền lành, ít nói, ai cần gì đều giúp ngay…

Ôi chao! Có hỏi thêm, hoặc trích dẫn nhiều, cũng không sao kể hết được các ý kiến đa dạng về: đấng thánh hiền. Bởi thế nên, nay xin bạn và tôi, ta cứ tầm nguyên xem xét, hẳn sẽ thấy. Thấy, là thấy rằng: đấng thánh hiền/hiền lành và rất thánh, chỉ là các đấng được nghệ sĩ trên định nghĩa:

“Vì, đâu mê say phồn hoa

như áo gấm sáng lóng lánh

ôm rách nát không tâm linh,

ôm tiếng hát, không hơi rung, nghèo nàn! “ (Lê Uyên và Phương – bđd)

Thật ra, không phải thế. Lời nghệ sĩ, chỉ là lời kể, về tâm linh người anh người chị đã từng sống với tâm linh. Nay linh hiển chốn trên cao. Tự hào. Sáng chói. Sự thật, về các đấng lành thánh rất hiển linh, là các đấng hy sinh đời mình. Có tâm linh. Đức độ. Thân thương nhiều bề.

Với nhà Đạo, sống tâm linh lành thánh là trở nên quà tặng phô triển và trao ban cho người khác. Trao ban, để tạo sức sống cộng đoàn. Sống như các vị thánh trong Hội thánh, từng hấp dẫn dân con về với Chúa, qua cung cách sống theo Lời Chúa. Sống theo đường lối có Chúa đổi thay con người mình. Chẳng thế mà, khi chúng nhân nhìn vào nhà Đạo, họ đều hân hoan thấy rõ, sao Chúa làm điều kỳ lạ, cho nhà Đạo. Chẳng hạn như câu nói cửa miệng ta nghe nhiều, vẫn là: “kìa ra mà xem, người Công giáo họ yêu thương nhau. Đoàn kết biết chừng nào!”

Người ngoài Đạo vẫn cảm và kích cung cách sống của người Công giáo. Chí ít, là khi họ bị cấm cách. Bắt bớ. Hành hạ. Như các vị chết vì Đạo, thời xưa cũ. Gương sống lành thánh của các vị sống chết cho Đạo nay tuy không thấy nhiều, ở xã hội duy vật này nữa. Nhưng, gương sống của các vị lành và thánh ấy vẫn tồn tại. Mãi mãi. Gương, là gương hy sinh mọi sự cho mọi người. Gương sống của các vị như Mahatma Gandhi, Têrêxa Calcutta. Và nhiều nữa. Ở mọi nơi. Mọi thời.

Gương lành thánh của chúng nhân hôm nay, được thể hiện qua cung cách lôi cuốn mọi người về với niềm tin đi Đạo. Cung cách sống được thể hiện qua đời sống thường nhật. Nơi phố chợ. Ở sở làm. Hoặc, ở ngay trong nhà. Với Giáo Hội thời ban sơ, thì gương lành thấy rõ nhất là cộng đoàn tín hữu được gọi là Hội (của các) thánh, do việc các ngài đưa mọi người về cùng Chúa. Sống với Chúa.

Chuyện nêu gương lành như thế, sao gọi đó là “Như hoa đem tin ngày buồn”, rồi còn hát:

“Thương em khi yêu lần đầu

thương em lo âu tình sau

dù gương xưa không được lau…” (Lê Uyên và phương – bđd)

Không. Gương xưa vẫn được lau. Lau rất kỹ, nên nghệ sĩ mới hát câu:

“Cho tôi yêu em nồng nàn

cho tôi yêu em nồng nàn

dù biết yêu tình yêu muộn màng.” (Lê Uyên và Phương – bđd)

Quả có đúng. Tình yêu tuy muộn màng, nhưng vẫn là yêu. Yêu nồng nàn. Tha thiết. Và, da diết đến độ “dù tháng năm buồn vui bàng hoàng.” Buồn vui hôm nay, tuy không còn bàng hoàng, hoặc ngỡ ngàng. Nhiều năm tháng. Nhưng vẫn là tình yêu. Tình lành thánh. Của thánh nhân. Ân cần. Kiên định. Yêu như Đức Chúa yêu nhân trần. Yêu như người trần, cần yêu Chúa. Tình lành thánh ấy, vẫn thấy lộ diện ở nhiều nơi. Trên thực tế. Chốn văn thơ. Âm nhạc tình tứ, như sau:

“Nếu anh biết lần đó là lần cuối,

được nhìn em trong giấc ngủ mê say,

hẳn là anh đã ôm hôn thật chặt,

để rồi xin Chúa giữ hồn em.

Nếu biết rằng, lần đó là lần cuối

thấy em cất bước đi khỏi hiên nhà,

hẳn là anh đã ôm hôn một từ giã

gọi em lại để được mãi ôm hôn.

Nếu anh biết lần đó là lần cuối

nghe giọng em cất tiếng ngợi ca,

hẳn là anh đã thu băng ghi từng lời,

Để nghe mãi suốt quãng đời còn lại.

Nếu biết rằng, lần cuối đó gặp em

hẳn là anh đã ở lại thêm vài phút,

để dừng lại anh nói lời “yêu em”,

vẫn chẳng nghĩ rằng em đã chợt biết.

Nếu ngày mai ấy chẳng bao giờ đến nữa

và những gì anh hiện có hôm nay,

sẽ tha thiết nói lời “yêu em lắm”

và hy vọng anh mãi chẳng còn quên.

Ngày mai ấy, chẳng khi nào hẹn ước

cho riêng mình, cho cả riêng ai

trẻ/già, trai/gái cơ hội cuối,

vẫn ghì chặt người anh tha thiết yêu.

Nếu ai từng mong đợi ngày mai ấy,

sao không từng tha thiết với hôm nay?

ngày mai ấy chẳng bao giờ đến nữa

để ta cùng kluyến tiếc ngày hôm nay…

Ta không dành thêm thời gian nữa

để trao tặng nụ cười, vòng tay ấm

nụ hôn tròn, quá bận nên lặng quên

quên ước nguyện, người thân vẫn trông chờ.

Xiết chặt hơn, hỡi người anh dấu yêu

cứ thì thầm bên tai người yêu nhỏ,

rằng anh yêu, yêu mãi thiết tha nhiều

giữ trong lòng, ảnh hình của người thân.

Rồi nói mãi, những lời “xin lỗi” ấy,

lời “cảm tạ”, và cả lời nói “yêu em”

Bởi, mai ngày ấy, chẳng bao giờ đến,

để ta còn nuối tiếc, chuyện hôm nay.

Thật ra thì, nuối tiếc chuyện hôm nay, còn là tiếc nuối cơ hội sống lành và sống thánh, như các thánh. Cõi đời này. Hối tiếc nhiều, còn là chuyện quên sót không bám gót nghe theo lời Chúa phán. Ở một ngày. Thời hôm ấy. Có lời phán bảo, từ Đức Chúa, Đấng Hiền Lành và thánh thiện dường bao. Như sau:

“Hãy học với Tôi,

vì Tôi có lòng hiền hậu

và khiêm nhu.

Tâm hồn anh em

sẽ được nghỉ ngơi. Bồi dưỡng."

(Mt 11: 29)

Nói cho cùng, thánh nhân là những vị đã học được nhiều điều từ Đức Chúa rất lành và rất thánh. Học nơi Ngài, sự hiền lành. Thánh thiện. Của người con. Có như thế, người người mới sống quảng đại, lành thánh. Như các thánh. Ở trần gian.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn mong rằng

bạn và tôi

ta còn học được nhiều điều

ở các thánh.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

Sunday 20 December 2009

“Nay mùa giáng sinh đã về, Chúa ơi”

Lòng con như thấy, thiếu đi niềm vui.

(Lê Kim Khánh – Lời con xin Chúa)

(Lc 2: 10)

Giáng Sinh về. Vẫn cứ vội về, vào mỗi năm. Có điều chắc, là: năm nay Giáng Sinh cũng đã về nhưng không vội. Vội thế nào được, khi bạn và tôi, ta vẫn cứ nghe lời ca tiếng hát, rất ở trên. Tiếng hát gồm những …“thiếu niềm vui”. Đơn côi. Lẻ bóng, vv.. và vv.. Dứt khoát là đã nghe, nhưng sẽ không hát lời ca buồn bã của người nghệ sĩ nhắc ở trên, đã hát thêm:

“Đi lễ năm xưa bên người,

giờ này chỉ có riêng tôi,

quỳ bên hang đá lẻ loi.” (Lê Kim Khánh – bđd)

Giáng sinh về. Ngày về có Chúa, Đấng đã giáng và đã sinh với thế giới loài người, rất hôm nay. Giáng sinh về, có Chúa đã giáng và đã sinh, rất thật tình. Ngài không nằm nôi “lẻ loi” với những hang cùng đá, rất khi xưa. Ta mải tìm. Ngày về có Chúa, mà lại cứ phải nghe tiếng hát rất “lẻ loi”, “riêng tôi”, ôi thảm quá! Giáng sinh về, có Chúa về với mỗi người và mọi người. Trong gia đình. Ngài về, để người người được mừng kính Chúa. Cứ vui chơi. Hội hè. Đình đám. Giáng Sinh về, có Chúa về với ta. Về với nhà nhà. Có vui tươi. Bình an. Êm ấm.

Hôm nay Giáng sinh về, ta nghe nghệ sĩ xưa viết về tình huống có tình tiết, rất mải miết:

“Bao mùa Giáng sinh, vẫn một mối tình,

Cầu xin ơn Chúa chứng cho lòng con

Ban xuống cho con phước lành,

Hoà bình thay chiến chinh nhanh

Tình yêu mãi thắm mầu xanh.” (Lê Kim Khánh – bđd)

Đúng là như thế. “Hoà bình thay chiến chinh nhanh”. Chiến chinh/chinh chiến, có thể vẫn ở khắp mọi nơi. Trong con tim. Trong linh hồn. Của mình. Đó, chính là thao thức. Đó, mới là vấn đề. Vấn đề giáng sinh của hôm nay, sẽ thay cho chinh chiến trong cung cách mừng kính. Mừng và kính, có cung cách vui tươi. Kính cẩn. Thân tình.

Giáng sinh về với người thân, là thời điểm để ta nhận ra tình thân thương đùm bọc từ nhiều phía. Giáng sinh về, có tình thân nhưng chưa thương. Hoặc, thương chưa đủ. Bởi thế nên, người nghèo vẫn là người dưng khách lạ, chẳng mấy quen. Vẫn cứ lang thang nơi phố chợ. Hầm cầu. Không ai hay biết. Để nhớ đến.

Giáng sinh về, là về với người dân thị thành. Có nhạc kèn. Bia/cam, uống không hết. Giáng sinh về, cũng còn về với người dân ở quê làng hẻo lánh. Miền xa. Vẫn cứ là: “một ngày như mọi ngày”, từng nghe thấy lời hát xướng: “anh trả lại đời tôi”. Lôi thôi. Da diết. Rất buồn. Buồn, như vở tuồng ở đâu đó, có tiếng hát: “Tết này con không về, chắc mẹ buồn lắm!...” Rối rắm. Ưu Tư. Mệt lừ.

Giáng sinh về, như ngày tư ngày Tết, vẫn lễ Tết. Rất vui. Tết lễ Giáng sinh, ta nghe truyện kể về việc Chúa giáng hạ, làm người. Ngài chấp nhận sống với loài người nay lạnh giá. Đá băng. Hờn căm. Giáng sinh về, ta nghe kể về lễ Tết, có Tin Vui. Bình an. Có, Tin Mừng ngày Chúa đến, phá vỡ đá băng. Hờn căm. Của, dân con rày quên lãng.

Quên tình Ngài Giáng sinh, như lời người nghệ sĩ đã từng viết:

“Dương trần đã vang lên bài thánh ca.

Mùa Đông năm ấy Chúa sinh vì ta.

Năm ấy không xa bây giờ,

vào một mùa Giáng sinh xưa,

nửa đêm đi lễ, anh đưa…” (Lê Kim Khánh – bđd)

Lễ Tết Giáng Sinh xưa, Chúa đến để ban phát quà tặng tình thương, là chính Ngài. Quà Thiên-Chúa-làm-người, Ngài gọi mời mọi người hãy nhớ là mình cùng chung một gia đình. Chung tình thương. Có Chúa. Có Cha. Có tất cả bà con cùng nhà. Nhà của Cha. Người của Chúa.

Giáng sinh về, là mang đến cho người người, một thông điệp. Thông điệp bình an. Hài hoà. Để mừng kính. Người người gọi đó là Tin Vui. Là, Tin rất Mừng về Chúa cho đi. Cho chính Mình. Cho sự sống, để người người trở thành con cái cùng một gia đình yêu thương. Chân phương. Giùm giúp.

Quà tặng Chúa ban ngày Ngài Giáng hạ, là quà lành thánh. Rất thánh gia. Quà Chúa ban, là việc ta chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Lịch sử, việc Chúa hạ mình xuống mức độ cùng cực, để chấp nhận làm người bình thường. Không bon chen. Hào nhoáng. Se sua.

Quà tặng Chúa ban, đã thu hút các nhân vật tầm thường, nay kéo đến. Nhân và vật, thuộc tầng lớp thấp hèn. Vẫn vui. Vui, với cái vui của lớp nghèo. Vui, vì được chiêm ngắm Chúa Tể vạn vật. Vũ trụ. Vui, với niềm vui có Chúa trở nên người thường, như họ.

Quà tặng Giáng sinh Chúa đem đến với gia đình, là thông điệp thoạt nghe, thấy rất lạ. Nhưng, lại là thông điệp bình thường gửi đến với người tầm thường, ở trần thế. Rất thấp hèn. Quà thông điệp Giáng Sinh, là lời nhắn nhủ: hãy mở lòng mình ra với người có mức sống hèn kém, chốn dân gian. Mở lòng mình, với những người thiếu thốn/thiệt thòi rất nhiều thứ. Những thứ căn bản, cho cuộc sống rất “người”, của con người.

Thông điệp Giáng sinh, là lời nhắc nhở: hãy đem Chúa về với lễ hội bên ngoài. Tức, đem lễ hội bề ngoài về với Chúa. Bởi, rất nhiều lần, người người mừng lễ, với tâm trạng “ngoài Đạo”. Đôi lúc, nghịch chống cả tinh thần Phúc Âm, ngày Chúa đến.

Thông điệp Giáng sinh, còn là lời nhủ khuyên: chớ tách ly gia đình lành thánh với các gia đình còn yếu kém. Yếu, về tình “người”. Kém, trong nhu cầu. Nói các khác, hãy để mắt trông nom các gia đình sầu não. Thiếu vui. Trông nom dòm ngó, cả những người con nay còn xa cách. Xa từ lâu. Xa, cả vào lúc mới sinh trưởng. Lớn lên. Sống bên ngoài gia đình rất lành thánh. Xa và cách, nên vẫn cứ lang thang đâu đó. Không được đỡ nâng. Không vui sống.

Thông điệp Giáng sinh, còn nhắc và khuyên những ai đang vui sống, biết nhìn đến các gia đình rày hết vui. Nhìn đến, để gia đình đó có khả năng trở về thực hiện lối sống lành mạnh, như Gia Đình lành thánh, của Đức Chúa.

Thông điệp Giáng sinh, còn đề nghị ta quyết tâm giùm giúp hết mọi người. Ngõ hầu củng cố các gia đình xấu số. Khổ sở. Bất an. Hỗ trợ và giùm giúp cách thực tiễn. Cách kính trọng và bảo vệ sự sống. Bảo vệ tình yêu nam nữ, có hôn phối. Hỗ trợ/giùm giúp, bằng hoạt động tích cực. Tạo điều kiện sống cho các gia đình. Ngõ hầu họ có thể gặp gỡ/giao tiếp vui vẻ với người thân. Với mọi người.

Hỗ trợ/giùm giúp cả người dưng khách lạ, ở phố chợ. Công sở. Hay đâu đó. Ngõ hầu tạo tinh thần hợp tác. Ngõ hầu duy trì giá trị của công việc. Giá trị của gia đình. Của, hiếu khách. Tiếp đón. Hỗ trợ - giùm giúp, những người đầu sóng ngọn gió. Đang chực chờ ta nâng đỡ. Mà tạm trú.

Giáng sinh về, còn là dịp để ta suy tư. Chiêm niệm. Ngày lễ Tết. Suy tư, đào sâu niềm tin đến muôn thuở. Chiêm niệm, mà nhớ đến giá trị của con người, được Chúa giáng hạ. Nhập thế. Chúa giáng hạ, không vì những gì ta đang có. Chẳng vì các giá trị đang tỏ hiện. Giá trị Giáng sinh, tập trung vào sự kiện Ngôi Lời Nhập thể. Nhập thế. Tập trung vào với Tin Vui An Bình, ngày lễ Tết. Vui, mà phổ biến. Cho ta. Cho mọi người. Khắp mọi nơi.

Thông điệp Giáng sinh, gửi đến với mọi người bằng hình thức, rất truyện kể. Bằng nhận định của ai đó, như lời kể trích dẫn, ở bên dưới:

“Buồi sáng thức dậy, bạn có thấy bên giường, món quà tặng nho nhỏ của ai đó gói bọc rất cẩn thận, hãy cứ mở ra xem có gì trong đó, trước khi làm những việc bình thường, vào buổi sáng.

Có thể, bạn sẽ gặp món qua mà mình không ưa/không thích cho lắm. Không ưa thích, nên có thể, là bạn sẽ để qua một bên. Có lẽ, bạn sẽ tự nhủ: không biết rồi ra ta sẽ phải làm gì với những hộp quà nho nhỏ, như thế.

Ngày kế đến, có thể là bạn lại nhận được quà tặng khác, gửi đến nhà. Lần này, chắc là bạn sẽ mở ra, vì tính tò mò. Tọc mạch. Nếu lần này, bạn lại thấy ưa/thích, vì nó kích thích hoặc gợi nhớ khuôn mặt của một người mà bạn quen biết, nay đi xa. Hay chỉ là, khúc nhạc dạo, rất ngắn. Một bức tranh. Dăm câu thơ. Hoặc chỉ là, bông hoa nhỏ người nào đó, nhớ đến mình mà bỏ vào đó. Hãy nhớ rằng, các sự việc như thế, vẫn xảy ra đều đều, vào mỗi sáng. Nhưng bạn không biết, đó thôi.

Cụ thể là, mỗi buổi sáng, ta vẫn nhận được các quà tặng từ Đức Chúa. Quà tặng hằng ngày ta vẫn thấy và vẫn nhận, để rồi tha hồ mà sử dụng. Cách nào đó, tiêu cực hoặc tích cực. Nhưng rất vui.

Đôi khi món quà đến với ta, theo hình thức rất căng. Như cung cách lặng câm. Sầu buồn. Trầm cảm. Khó giải quyết. Có thể, là quà sầu não. Thách thức. Hoặc hạnh phúc riêng tây. Cũng có thể, là thành quả. Nhiều hạnh phúc.

Phúc hay hoạ, chẳng bận tâm. Điều quan trọng, là: quà tặng ngày ngày mà bạn và tôi hằng nhận lãnh, vẫn là món quà được gói bọc cẩn thận, trong lúc mọi người còn ngủ nghỉ. Mê say. Những tháng ngày. Của cuộc đời.

Quà của ngày rất mới, được gói ghém cẩn thận. Có nơ bướm. Có hương thơm. Sắc mầu tuyệt diệu. Và quà tặng như thế, cứ sáng sáng thức dậy ta đều nhận được. Là, quà mà cuộc sống mang đến, giống hệt quà Giáng Sinh, do Chúa tặng. Có thể, món quà bạn nhận không vừa ý mình cho lắm, nên chẳng buồn mở ra, để chiêm ngắm.

Hãy mở ra mà chiêm ngắm, hỡi bạn vàng! Hãy cứ cảm tạ Đức Chúa Đấng Tạo Dựng mọi sự, đã tặng quà. Cho bạn và cho tôi. Chẳng cần biết có gì ở trong đó. Giả như sáng nay, bạn và tôi, ta chờ mãi mà chẳng nhận được quà nào, như đang trông đợi. Thì, cũng cứ ráng chờ ngày hôm sau. Và, cứ thế ta tiếp tục cảm tạ Đấng luôn ban tặng, những món quà quý giá. Vào những ngày đẹp trời như hôm nay. Để rồi…

Mai đây, khi mở món quà mình hãy nhận bằng tấm lòng rộng mở. Cũng trân trọng. Cũng thân thương. Như bao giờ. Vì, sẽ có ngày, niềm ước mơ và kế hoạch cuộc sống, vẫn nằm lặng im, ngay trong đó. Ở món quà.

Trong cuộc sống, đâu cần biết là bạn và tôi rất cần thiết, những điều gì. Chỉ biết là, tôi và bạn, cũng đang cần thứ gì đó. Chính đó mới là điều thiết yếu. Chính đó, là những gì mà Chúa đem đến cho bạn. Cho tôi. Ngày Giáng Sinh này.

Hãy cứ vui. Vui như ngày lễ Tết. Rất Giáng Sinh. Bởi, lễ Tết Giáng Sinh, là ngày Chúa thường gửi tặng mọi người, nhiều món quà. Quà Bình an. Hạnh phúc. Quà sức khoẻ. An vui. Tăng trưởng. Mà cuộc sống đã và đang định ra. Cho mọi người.”

Nói gì thì nói, thông điệp Giáng sinh của Đức Chúa-xuống-thế-làm-người, vẫn còn đó nỗi buồn. Buồn một nỗi, là: thông điệp Chúa gửi qua Kinh Sách, rất Tin và rất Mừng là thế, mà sao người người vẫn chẳng buồn ghé mắt. Mà nghe theo. Nghe và theo, những nhắn nhủ rất Tin Vui. Rất An Bình. Với lời lẽ như sau:

“Anh em đừng sợ.

Này tôi báo cho anh em tin mừng trọng đại,

cũng là tin mừng cho toàn dân:

Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em

trong thành vua Đa-vít,

Người là Đấng Kitô Đức Chúa.

Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người:

anh em sẽ gặp một trẻ sơ sinh bọc tã,

nằm trong máng cỏ."

Sẽ có muôn vàn thiên binh

hợp với thần sứ cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa:

"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

bình an dưới thế cho người Chúa thương."

(Lc 2: 10-13)

Hôm nay, Tin Mừng Cứu Độ đến với mọi người. Đó chính là quà tặng. Rất vô giá. Cho gia đình. Cho chính mình. Những người mình, chốn thị thành cho chí thôn quê. Đều đã nghe. Đã biết. Nhưng, người nghe và biết có vui mừng an hưởng Tin An Bình ấy. Trong cuộc sống? Và, khi đã biết vui biết hưởng Tin An Bình Chúa gửi, hẳn sẽ không còn ai đặt vấn đề nữa làm gì. Nhưng vẫn cứ sống. Vẫn vui hưởng Tin An Bình Chúa ban. Cho mọi người. Ngày Giáng Hạ.

Trần Ngọc Mười Hai

rất cầu và rất mong

bạn và tôi, ta vui hưởng

Tin An Bình Chúa phú ban.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday 13 December 2009

“Cùng nhau quỳ dưới, tượng Chúa cao sang”

Xin cho đôi mình suốt đời có nhau.”

(Nguyễn Vũ – Bài thánh ca buồn)

(1Cr 11: 26)

Dưới tượng Chúa”. Đôi mình quỳ. Rõ ràng đầu đề bài hát, là như thế. Nghe cũng buồn. Buồn rười rượi. Rất miên trường. Nỗi buồn dĩ nhiên là không tên. Nhưng, sao mỗi độ Giáng Sinh về, cả bạn và tôi, ta cứ phải nghe những câu ca như thế. Ở đâu đó. Những câu ca còn viết thêm:

“Bài thánh ca đó, còn nhớ không em

Noẽl năm nào, chúng mình có nhau.” (Nguyễn Vũ – bđd)

Sao chỉ có nhau, Noẽl năm nào? Thế còn, năm nay? Mai ngày? Và mãi mãi, trong cuộc đời? Ôi thôi, là nỗi buồn, khôn kể xiết! Nghe phát khiếp. Và, cũng sợ. Khiếp và sợ, còn như câu tiếp:

“Lời nguyện mình, Chúa có nghe không?

Sao bây giờ mình hoài xa vắng?

Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian

Bấy nhiêu lần, anh nhớ người yêu…” (Nguyễn Vũ – bđd)

Khiếp và sợ, không chỉ ở lời ca. Câu hát. Sợ và khiếp, còn ở chỗ, mỗi lần chọn bài hát cho chương trình nhạc chủ đề “Tình Ca giáng Sinh”, là mấy “hát sĩ” ở Sydney, cứ thế mà dành nhau đăng ký hát những lời hỏi han, rất nguyện cầu, rằng: “Chúa có nghe không? Rồi, còn thở than: “bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian”, là bấy nhiều lần anh/em “nhớ người yêu”.

Khiếp và sợ, còn ở chỗ, anh và em nay nhớ nhiều. Nhớ người yêu hôm trước, đến những hai nghìn lẻ chín lần, cơ đấy. Vâng. Bạn và tôi, hẳn cũng sợ và cũng khiếp, về nỗi trăn trở ở nhà Đạo, rất hôm nay. Nhà Đạo của bạn và tôi nay có những lo sợ và trăn trở, như câu hỏi của ai đó, rất giống trẻ nhỏ, ở huyện nhà xứ Úc hôm nao: Sao mẹ cứ bắt con phải đi lễ ngày Chúa nhật, mãi như thế? Hội thánh đã chẳng bắt buộc một năm chỉ cần đi lễ, mỗi một lần, là gì!

Nỗi khiếp và sợ hôm nay, còn là: những câu hỏi đại loại như thế nay không chỉ phát ra từ cửa miệng của trẻ thơ hay bọn nít nữa, mà cả ở những người lớn đầu lớn xác, lớn cả tư tưởng với nghĩ suy, nữa.

Với người Úc, nỗi khiếp và sợ là ở chỗ: hồi thập niên ’50, có đến 80% số người đi Đạo ở Úc đều đến nhà thờ, rất đều đặn. Đến, để đi lễ, không chỉ là người già, mà cả giới trẻ rất hăng say. Đi cả lễ ngày lẫn lễ đêm. Chẳng so đo. Do dự. Hạch sách. Nay thì, chỉ chừng 20% số người như thế, tìm đến lễ. Và con số này, còn giảm sút đến mức tồi tệ. Tồi tệ hơn cả, nay đà thấy rất ít gương mặt trẻ, ở các nghi thức liên hoan/phụng vụ, ở các đạo. Từ đó, khiến người người cứ tự hỏi: tại sao thế? Và, những người ngoài Đạo, thì sao?

Với người ngoài Đạo/đạo ngoài, ở Úc thì “Ngày của Chúa’ đã bị tục hoá. Rất nhiều. Khi xưa, người ở Úc không đi làm hoặc không làm gì nhiều, ngày của Chúa. Họ cũng chẳng chơi túc cầu, chẳng xem truyền hình, vi tính hay phim ảnh. Chỉ thưa thớt một vài tiệm bán sữa là mở cửa. Chẳng đi đến đâu, dù chỉ là thăm bè thăm bạn ở chốn xa. Vì, cũng chẳng có nhiều người dám sở hữu xe cộ. Phương tiện di chuyển công cộng, cũng rất ít. Nhà thờ nhà thánh, là nơi gặp gỡ của những người đi Đạo, rất chuyên chăm.

Ngày nay thì khác. Rất nhiều người chọn đi làm cả ngày của Chúa. Rất nhiều nhà chọn ngơi nghỉ, ngày cuối tuần. Vào ngày ấy, người người chỉ biết nằm dài, đi ngủ. Hoặc, tranh thủ mua sắm. Chỉ thế thôi. Thập niên ’50, là niên thập có cộng đồng thân thương gặp nhau, theo từng nhóm. Ngày hôm nay, cộng đồng có muốn lập nhóm, cũng thấy khó kiếm ra thành viên. Xã hội hôm nay, phần nào trở thành một xã hội rất “cá nhân chủ nghĩa”. Ở nơi đó, người người có đủ điều kiện để lựa chọn. Chọn nhóm. Chọn bạn. Chọn cả nhóm bạn Đạo, để tuỳ nghi. Thay vì, chọn nhà thờ, để đi lễ.

Phải chăng, đó còn là lý do để người nghệ sĩ khi xưa viết lên lời “thánh ca buồn”, ở dưới?

“Rồi những đêm thánh đường đón Noẽl

Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu

Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối

Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn

Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi…” (Nguyễn Vũ – bđd)

Hẳn là hồn tôi/hồn bạn, hôm nay, đà thấy lạnh? Lạnh và giá, đâu vì “nhớ quá đi thôi” giọng hát ai buồn. Cũng đâu là, cứ “lang thang qua miền giáo đường”, rất lạnh giá. Bã và buồn bã. Mà vì, lòng người đã đổi thay. Đổi thay, ở điểm: Khi xưa, thời các thánh tông đồ còn hoạt động, chọn làm tín hữu Đạo Chúa, là một chọn lựa rất gai góc. Gai và góc, là bởi: gia đình có thể từ. Chính quyền thực dân người La mã có thể đem ra mà hành hạ, hoặc giết đi.

Chọn làm Kitô hữu, là chọn tham gia Tiệc Thánh thể, để mừng kính Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Chọn như thế, sẽ đem lại cho người chọn niềm hy vọng, mỗi khi mình giáp mặt sự chết, tuy rất buồn. Hy vọng, là bởi mình vẫn tin rằng: khi Chúa chỗi dậy từ cõi chết, Ngài vẫn ở lại với mình ngang qua hội thánh. Tin rằng, Ngài đã dâng hiến trọn cuộc đời cho Cha. Đã, trung thành với lời mời gọi của Cha, ngang qua cuộc hành hình, và nỗi chết.

Chọn làm Kitô hữu, là chọn tham gia có mặt vào buổi lễ. Để, cùng với Đức Kitô làm của lễ tiến dâng Cha Nhân Lành, Đấng mến thương. Chọn dự lễ, còn là chọn đón nhận Thân Mình rất Thánh của Chúa. Đón và nhận Đức Chúa như của ăn nuôi dưỡng thân xác, của chính mình. Chọn Chúa như thế, tức là chọn lựa trở thành người anh em với mọi thành viên khác, trong Hội thánh.

Và khi đã chọn và lựa như thế, ta sẽ hiểu được lời nghệ sĩ xưa kia còn hát tiếp:

“Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt

Áo trắng em bay như cánh thiên thần

Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân.” (Nguyễn Vũ – bđd)

Ngày hôm nay, sỡ dĩ tôi và bạn, ta ít thấy “áo trắng em bay như cánh thiên thần” vào ngày của Chúa, là bởi vì vẫn thiếu vắng những cái áp má/bắt tay “dưới tháp chuông ngân’, ở nhà thờ. Làm sao có bắt tay/gặp gỡ nếu chẳng thấy ma nào chịu đi nhà thờ/nhà thánh, ngày của Chúa, được! Càng không đến gặp gỡ nhau vào ngày Chúa Nhật, càng khó lòng mà dấn bước theo chân Chúa. Lấy gì mà thương với yêu!

Hiểu như thế, thánh lễ ngày của Chúa không còn là “luật buộc” hay “lễ buộc’ nữa, mà là cơ hội để ta cùng gặp nhau mà nguyện cầu. Và lắng nghe. Có lắng nghe và cầu nguyện, ta mới cùng nhau cảm tạ về hồng ân quà tặng Chúa phú ban. Có lắng nghe và nguyện cầu, mới biết rằng rất nhiều người như mình, cũng mất mát/khổ đau. Suy tư. Nghiền ngẫm. Có nguyện cầu và lắng nghe, ta mới thấy mình sống hài hoà. Như người anh, người chị cùng một thân mình là Hội thánh Chúa. Và, có nguyện cầu và lắng nghe, mới thấy nhiều người còn khoan dung độ lượng hơn mình nhiều.

Và, quan trọng hơn cả, là khi ta cùng lắng nghe và nguyện cầu với bạn Đạo, ở nhà thờ, ta biết đặt đôi bàn tay, và đôi bàn chân của mình, vào đúng chỗ, của miệng lưỡi. Tức, làm hơn là nói suông. Và, có đến gặp gỡ nhau ngày của Chúa, mới có tương quan mật thiết với nhau. Với Chúa. Tương quan ấy, không chỉ thấy nói. Nhưng đã thấy làm. Tương quan gặp gỡ, vào buổi lễ, là tín hiệu cho ta biết ta được đón nhận, chào mừng khi mọi người lắng nghe ta. Cùng cầu với ta.

Và khi gặp gỡ tương quan, vào buổi lễ, ta sẽ thấy được rằng nhà thờ là nơi ta có thể thực hiện tình huynh đệ, hiếu khách, đối thoại rất cởi mở. Và nhất là, khiến ta có được lòng mê say biến thế giới này trở nên công bằng và chính trực hơn trước nhiều. Và khi làm được thế, ta sẽ dễ dàng theo chân Chúa, một cách thực tiễn, bên trọng cộng đồng Hội thánh, con của Chúa.

Có tương quan/gặp gỡ đẹp như thế, ta cũng hiểu tại sao nghệ sĩ nọ lại viết câu điệp khúc:

“Rồi mùa giá buốt cũng qua mau

Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu

Rồi một chiều áo trắng phai mầu

Em qua cầu xác pháo bay sau…” (Nguyễn Vũ – bđd)

Khi đã hiểu, sao lại là “Thánh ca buồn”, thì câu hỏi, nói ở trên: ”Sao cứ bắt con/buộc cháu đi lễ ngày Chúa nhật”? cũng không có gì là khó. Để trả lời, có lẽ cách hay nhất, cũng nên diễn tả như thế này, mới phải: Tham dự Tiệc Thánh ngày của Chúa, còn là cơ hội để ta nghe lại truyện đời của Chúa. Để, san sẻ Thân Mình và máu Thánh Đức Kitô. Đến dự lễ, là để là gặp gỡ Đức Kitô ngang qua cộng đoàn của Ngài. Đến để cùng với các người anh người chị, trong cộng đoàn, những người cùng niềm tin, ta làm việc gì thật đặc biệt. Để, cùng nhau ta tìm ra của ăn nuôi sống cuộc đời. Một đời, không chỉ vui chơi, ăn uống. Nhưng, tràn đầy những văn hoá của sự sống.

Nếu hỏi rằng: có bắt buộc chăng, phải đi lễ mỗi ngày của Chúa?Hỏi như thế, há nào bảo rằng: có buộc phải ăn phải uống, để mà sống. Bởi, thánh lễ là nguồn thực phẩm nuôi sống niềm tin. Nuôi cả tương quan trong cộng đoàn. Hiểu như thế, sẽ không còn thấy thánh lễ như một ép buộc của luật lệ. Mà như đam mê. Mê sống. Mê yêu thương. Yêu thương chính mình. Cùng là, yêu thương Thân Mình, của Đức Chúa.

Và, nếu không hiểu được thế, ta cũng sẽ như người nghệ sĩ cứ gọi đó “thánh ca buồn” rồi hát:

“..Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa

khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng

Ôi giọng hát em mênh mông buồn.” (Nguyễn Vũ – bđd)

Và, nếu có người lại cũng bảo: “Ôi giọng hát”, của em và của anh, sao mãi cứ buồn. Ở vài nơi? thì chắc là câu trả lời của tôi và của bạn, là: thay vì ta đến dự Tiệc Thánh để gặp gỡ, mừng vui với người anh người chị trong cộng đoàn, thì sao ta lại cứ tranh giành quyền thế, có bè phái? Sao, cứ dùng lề luật mà trói buộc kẻ nghèo hèn, nào thấy vui? Mà, hãy coi đây là dịp để ta có tương quan với chư thánh, ở Nước Trời. Rồi sẽ mừng và vui. Vui, hơn mọi thứ. Mừng, hơn mọi chuyện. Chí ít, là chuyện mừng vui của Nước Trời. Với bạn. Với tôi. Như Phaolô thánh nhân, từng quả quyết:

“Mỗi lần anh chị em ăn bánh

và uống chén ấy

là anh chị em

loan báo sự chết của Chúa,

cho tới lúc Ngài đến.”

(1Cr 11: 26)

Cả khi bạn khi tôi, ta tham gia tụ tập để “ăn bánh và uống chén ấy”, chén tình thương của Đức Chúa, ta sẽ không bao giờ buồn. Sẽ, không như bài “thánh ca buồn” người nghệ sĩ, nói ở trên. Vì khi ấy, ta đang loan báo sự chết cứu độ của Đức Chúa. Rất mừng vui. Vui mừng. Cả cuộc đời.

Trần ngọc Mười Hai

Vẫn hy vọng

bạn và tôi rồi sẽ hiểu

ý nghĩa của Tiệc Thánh.,

Hơn bao giờ.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com

Sunday 6 December 2009

“Ngày đó có ta, mơ ân tình dài”

buồn thắm nét môi, duyên chưa thành lời một thoáng mơ rồi, người về khôn nguôi! người về khôn nguôi!...

(Thanh Trang – Duyên Thề)

(Kh 7: 9)

Nếu bảo rằng, “ngày đó có ta”, thì “mơ ân tình” của người nghèo cũng dài thêm. Rất nhiều. Quả thật, đây cũng là câu nói không đến nỗi quá đáng. Bởi, mơ ân tình của sơ/của Mẹ Têrêxa thành Calcutta được người người cho là rất dài. Quảng đại. Lại rất lớn lao. Cần lưu ý.

Trong đời người, có những sự kiện tưởng như đơn giản, nhưng đã làm nhiều người phấn khởi. Cộng thêm vào việc làm “cần lưu ý”, là những hành xử và lời nói của vị nữ tu mọn hèn ở Calcutta, đã làm “trời đất nổi cơn ghen tức”, những bứt rứt. Bằng vào việc làm đơn lẻ, nhẹ nhàng, Mẹ Têrêxa đã thuyết phục mọi người. Bằng câu truyện nhỏ, kể như sau:

“Đêm nọ, ở Calcutta, chúng tôi bảo nhau ra đường để lượm lặt những hình hài gầy guộc, mà người ta bỏ rơi bên hè phố. Hôm ấy, tôi gặp một phụ nữ đang trong tình trạng nguy cập, sắp chết rồi. Tôi nói với các nữ tu cùng đi, hãy để tôi chăm sóc cho bà ấy, cho hết tình đồng loại. Khi đặt nằm, bà đã nắm chặt lấy tay tôi, mở một nụ cười rất tươi mà tôi chưa bao giờ được thấy trên khuôn mặt của ai khác. Nụ cười tinh tế. Nhẹ nhàng. Vời vợi. Cười với tôi, bà cất lên lời thì thào chỉ một tiếng “cảm ơn.” Xong đâu đó, bà trút hơi thở cuối cùng, bên tay tôi.”(Labastida, One Heart Full Of Love, Servant Books Michigan)

Truyện kể, về công việc của các nữ tu hèn mọn, như Mẹ Têrêxa Calcutta, ta nghe rất nhiều. Truyện nào cũng nhẹ. Cũng có khuyên răn. Kể lể. Nhưng, vẫn thu hút người nghe. Rất nhiều. Như:

“Ta hãy cho đi. Hãy ban phát tình yêu, mình đã lãnh nhận rồi cho mọi người xung quanh. Hãy cứ cho đi. Cho mãi, để việc cho đi như thế sẽ trở thành động tác hy sinh. Cho, là vì tình yêu đích thực luôn đòi hỏi chúng ta, ra như thế.” (Labastida, sđd)

Và, thêm một truyện khác, để minh xác điều mà Mẹ Têrêxa Calcutta muốn khích lệ mọi người:

“Ngày nọ, có cậu bé chừng 4 tuổi, ở Ấn Độ. Cậu cùng với bố mẹ đến đem cho tôi một tách uống nước gồm toàn đường cát trắng. Cậu đưa tách cho tôi, rồi nói: ‘Em nhịn miệng số đường này, đã 3 ngày. Xin Bà hãy lấy phần đường của em, mà mang cho các em nhỏ của Bà, đang thiếu thốn.” (Labastida, sđd)

Những truyện kể nhè nhẹ như thế, vẫn phản ánh được điều mà nghệ sĩ ở trên, đã từng viết:

“Một vì sao sáng, trong đêm lặng lẽ

nhạc buồn sao vắng mênh mông trần thế

ánh mắt sáng ngời, lòng trời u tối

không gian xa vời…” (Thanh trang – bđd)

Không gian và thời gian của những người tất bạt/bần hàn, chừng như vẫn còn rời xa/xa vời, ghê gớm lắm. Hoạ chăng, cũng “năm thì mười hoạ” chỉ mới được có cậu bé nhỏ, lo nhớ đến. Nhớ đến, để rồi nhịn miệng cho đi, chỉ một tách chén ngọt ngào những đường phèn. Vị ngọt của đường, vẫn là sự ngọt ngào thân thương đem đến cho bạn nghèo, những buồn xa vắng. Mênh mông. Trần thế. Bởi thế nên, mới có giòng nhạc chân tình, rày vẫn gửi:

“Tìm đến với nhau, cho quên hận sầu

Ngày đó lứa đôi, vui duyên tình đầu

mộng ước tan rồi, để buồn mai sau…để buồn mai sau!” (Thanh Thrang – bđd)

Buồn mai sau. Hay, buồn dài dài hôm nay, chốn mai ngày, vẫn là nỗi buồn không tên. Không tuổi. Rất lai láng. Lai và láng, trong/ngoài nhà Đạo, rất Hội thánh. Lai và láng, vẫn như ước nguyện của đấng bậc lành thánh, từng kêu lên:

“Xin quý vị và các bạn hãy nguyện cầu cho chúng tôi, để chúng tôi không làm hỏng việc của Thiên Chúa giao. Để, chúng tôi sẽ cùng với quý vị và các bạn, cứ tiến thẳng về phía trước, cho công cuộc này. Bởi, Thiên Chúa vẫn giao cho tôi -cho quý vị, và các bạn- cũng một việc như thế. Bởi thế nên, xin tất cả mọi người, hãy cùng với chúng tôi, ta cùng nhau làm một cái gì đó, cho Thiên Chúa.” (Labastida, sđd)

Trích dẫn mẩu truyện nho nhỏ trên đây, là để muốn nói với bạn và với tôi, rằng: thế gian này. ngày hôm nay, vẫn có những “vì sao sáng” le lói trong đêm lạnh giá, đời nghèo/buồn. Một đời, cần đến tình thương. Cần đến, những vì sao sáng. Rất thánh. Như đấng-bậc-lành-thánh, rất Têrêxa, ở Calcutta. Bên ta.

Trích và dẫn, để còn được hỏi. Hỏi rằng, đấng bậc rất lành và thánh ấy, có còn nhiều? Các đấng bậc tốt lành, được phong thánh, từ hồi nào? Ra sao? Kể, để học hỏi, như thắc mắc của độc giả nọ không biết có lành và thánh không, nhưng cứ hỏi. Hỏi, và được trả lời cũng nhè nhẹ, như sau:

“Tôi vẫn biết vào lễ “Tất cả các thánh” ta vẫn có thói quen cử hành mừng kính tất cả mọi đấng, ở trên trời. Nhưng, có thể nào, xin kể cho chúng tôi nghe, đôi điều, về lịch sử của ngày lễ? Lễ như thế, được mừng được kính lâu mau? Hồi nào? Xin cho biết. Rất biết ơn.

Hôm nay, câu hỏi này, lại được gửi đến đấng bậc hiền lành, của Hội thánh Sydney, là đấng bậc vị vọng rất John Flader, của tờ The Catholic Weekly, có câu trả lời rất nhanh và gọn, như sau:

“Lễ Các Thánh, có bề dày lịch sử, rất sâu. Dày và sâu, nên đã hớp hồn lòng người từng chiêm ngắm, khi về với Giáo Hội, thời tiên khởi.

Theo phụng vụ, vị thánh đầu tiên được Giáo hội mừng kính, là các vị tử đạo. Trong đó, phải kể đến các thánh Tông đồ, tử vì Đạo. Thế kỷ đầu, ta thấy Giáo Hội mừng kính ngày giỗ các thánh tử đạo tại chính nơi các vị, bị tuẫn tiết. Thế nhưng, bốn thế kỷ sau, giáo phận khác cũng san sẻ niềm vinh danh tôn kính hài cốt các vị tử đạo cùng với giáo phận khác. Và việc mừng được tổ chức chung một ngày ta mừng kính các vị tử đạo.

Dù không có hài cốt của các vị tử đạo khi mừng kính, các giám mục địa phận hồi đó cũng đã cho phép mừng lễ thánh tử đạo nào đó, tại giáo phận riêng của các ngài.

Thời bách hại, dưới chế độ hà khắc của Hoàng đế Điôclêtô hồi đầu thế kỷ thứ Tư, con số các vị tử đạo lên quá cao, nên không thể mừng mỗi vị riêng từng ngày được, Giáo hội đành thiết lập ngày lễ chung cho thánh tử đạo nào không có ngày mừng riêng.

Ở Antiôka, lễ này được mừng kính vào Chúa Nhật ngay sau lễ Hiện Xuống, tức sau lễ Ngũ Tuần. Cuối thế kỷ thứ Tư, thánh Êphrêm và thánh Gioan Krizốttômô cũng nhắc đến lễ kính này. Ở phương Tây, hồi thế kỷ thứ V, thánh Maximus thành Turinô cũng đã vinh danh các thánh tử đạo vào ngày Chúa Nhật sau lễ Hiện Xuống.

Lúc đầu, chỉ các thánh tử đạo và thánh Gioan Tẩy Giả, là những vị được minh chứng lòng đạo rất thánh, mới được mừng kính vào những ngày lễ riêng biệt, như thế. Nhưng về sau, các thánh khác cũng dần dà được thêm tên vào danh sách của các thánh. Đặc biệt, là các vị thánh hiển tu thuộc Giáo hội Đông phương lẫn Tây phương, được mừng kính. Từ đó, danh xưng “hiển thánh” được đặt ra để gọi bất cứ vị thánh nào không là tử đạo, theo nghĩa rộng.

Với Giáo hội Đông phương, các thánh tiên khởi được công chúng mừng kính và liệt vào bậc “hiển thánh” sau thời kỳ Giáo hội bị bách hại, có thánh Antôn (chết vào năm 356), thánh Hilariô (chết năm 371), thánh Athanasiô (chết năm 373).

Ở phương Tây, các vị hiển thánh tiên khởi gồm có thánh Sylvétơ (chết năm 355), thánh Matinô thành Tua (năm 397), thánh Sêvêrô (năm 397), thánh Âu-tinh (năm 430) và thánh Apôlinariô (thế kỷ thứ V). Cũng từ đó, con số các thánh hiển tu tăng nhanh đến năm 411 đến độ Giáo hội đã mừng kính toàn thể các thánh chung vào một ngày theo lịch phụng vụ Cađê, là ngày Thứ Sáu sau Phục Sinh.

Lần đầu tiên phụng vụ đề cập đến việc mừng kính các thánh hiển tu vào ngày 1 tháng 11 dường như được công bố vào thời Đức Grêgôriô III (731-741). Vào năm 732, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô III cung hiến nguyện đường tại Đền Thánh Phêrô dâng lên “các thánh Tông đồ, tử đạo, hiển tu và toàn thể các người công chính, thánh thiện đã an nghỉ trên khắp thế giới”. Đồng thời định ra lễ tưởng kính vào ngày 1 tháng 11. Lễ kính vào ngày này, đã được phổ biến qua nước Anh và nước Đức, ngay sau đó.

Thế kỷ sau, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IV (827-844) đã mở rộng cho Giáo hội khắp hoàn vũ để mừng kính các thánh vào cũng ngày 1 tháng 11, mỗi năm. Vào thế kỷ thứ IX và X, lễ Các Thánh được đưa vào “Sách các Phép” với tên gọi bằng tiếng Latinh Natale Omnium Sanctorium, coi như Sinh nhật của toàn thể các thánh Nam nữ.

Lễ này long trọng đến độ được bắt đầu bằng một nghi thức gọi là Buổi Lễ Vọng, khởi từ thời Đức Giáo Hoàng Sixtô IV (1471-1484) có tuần bát nhật hẳn hòi. Buổi lễ Vọng, hoặc nghi thức cử hành phụng vụ vào trước ngày lễ chính, sau này được mọi người nhớ đến bằng tên gọi rất quen thuộc là Halloween, tức tập tục cho giới trẻ vào ngày 30/10 trước đó, có đốt pháo, có hoá trang mặt nạ áo phủ mang hình thù quỷ ma, xương cốt, có lồng đèn bằng “bí ngô”, rất vui và rất nhộn, chiều hôm trước.

Cả nghi thức Lễ Vọng và Bát nhật Các thánh đều bị huỷ bỏ từ năm 1955. Thành thử, truy tầm lịch sử, ta thấy Lễ các thánh quả là có bề dày sâu lắng từ thế kỷ thứ VIII, trở về đây.

Ngày nay, Giáo hội cử hành mừng kính lễ này, là để ứng đáp lại lòng ao ước của mọi người được mừng và được kính toàn thể các thánh nam nữ trên trời. Nhất là các vị hiển thánh không có ngày riêng biệt để mừng kính.

Lễ hội này, mừng kính “triều thần đông đúc không biết cơ man nào mà kể” (Kh 7: 9), về các vị hiển thánh trên Thiên quốc. Và cũng để nhắc nhở con dân nhà Đạo, rằng: tất cả những ai được thanh tẩy trong Thánh Thần, đều được mời gọi sống lành thánh, đầy tràn yêu thương. Lành thánh. Rất khuyến khích. (John Flader, The Catholic Weekly 1/11/2009 tr. 10)

Yêu thương. Lành thánh. Như đấng bậc nữ lưu Têrêxa Calcutta rất lành và rất thánh, từng kêu gọi mọi người, ở đâu đó. Ở cả, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, với những lời và những lẽ, rất đáng yêu. Như sau:

“Xin các bạn, hãy cứ nguyện cầu cho chị em chúng tôi đừng bao giờ làm hỏng công cuộc. Hỏng công cuộc, mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng tôi, cho cả chúng ta nữa. Xin nguyện cầu, để các bạn cũng như tôi, ta không dùng đến những quả bom/quả pháo thuần thục không gian, cùng trái đất. Nhưng, hãy dùng tình yêu thương để thắng thế gian, thắng trái đất. Ngõ hầu đưa thế gian về với Tin Mừng của Đức Kitô. Mỗi người, hãy đứng lên mà công bố với hết mọi người trên thế gian, rằng: Thiên Chúa vẫn hằng yêu mến thế gian. Đến muôn đời. (Labastida, sđd)

Làm được như Mẹ Têrêxa thành Calcutta yêu cầu, những bạn và tôi, ta cũng sẽ trở thành người lành và cũng thánh, không kém ai. Bởi, chỉ có thể gọi các đấng bậc mọi người là lành và thánh, là khi tôi và bạn, khi ta trải dàn được Tình Yêu Thiên Chúa, cho mọi người. Trong thế gian. Chốn điạ cầu. Ở đây. Lúc này. Mãi về sau.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn hằng cầu cho bạn

cho tôi

có quyết tâm

yêu thương ấy.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com