Saturday 30 August 2014

“Thuở ấy có Em, anh yêu cuộc đời,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 23 mùa Thường niên năm A 07-9-2014

“Thuở ấy có Em, anh yêu cuộc đời,”
Yêu đôi môi hồng điểm nét son tươi.
Yêu đôi tay ngà làn má thắm, tóc xanh buông lả lơi,
nhớ em nhớ bao thuở ấy.”
(Huỳnh Anh – Thuở Ấy Có Em)
(1Cor 8: 9)
Nhớ “Em” bao thuở ấy, anh vẫn yêu cuộc đời. Môi hồng, nét son tươi. Chao ôi, là lời lẽ!
Thật ra thì, Em đấy/anh đây, bao giờ mà chả thế. “Em” là người mà không chỉ mỗi mình anh nhưng hết mọi người đều vẫn nhớ. Nhớ, cả lúc “Em” và anh ở bên nhau hoặc bên mọi người, như lời Đức Giáo Hoàng từng đề-cập khi ngài còn ở Seoul, nước Đại Hàn, như sau:

“Đời người, là hành trình rất dài! Hành-trình này, ta không thể đi một mình, nhưng cần đồng hành với anh chị em, trước nhan Chúa. Vì thế, tôi cảm ơn anh chị em vì cử chỉ đồng-hành ta có trước mặt Chúa. Đó, là điều mà Chúa đã yêu cầu tổ phụ Abraham khi xưa; và, chúng ta là anh chị em với nhau, chúng ta cũng hãy nhìn nhận nhau như anh chị em và đồng hành với nhau. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta và xin anh em cũng hãy cầu nguyện cho tôi nữa.” (trích lời Đức Phanxicô giã-từ người dân Seoul hôm 18/8/2014 gặp trên báo điện).

Là anh/là em, theo quan-niệm của Giáo-chủ Đạo Công Giáo là như thế. Là “Em”/là anh, đối với nghệ-sĩ ngoài đời sẽ là và vẫn là giòng chảy đầy tình-tiết, như sau:

            “Thuở ấy có em, anh chưa từng sầu.
Chưa đi âm thầm ngoài phố đêm thâu.
Chưa mang hoang lạnh ngoài bến vắng,
Hỡi Em! Em về đâu, cho đời mình luôn nhớ nhau?”
(Huỳnh Anh – bđd)

“Em về đâu, cho đời mình luôn nhớ nhau?” đây có thể cũng là câu hỏi của ai đó từng gửi đến hết mọi người, không chỉ người nhà Đạo hoặc nghệ sĩ ngoài đời thời nay, mà thôi.   
“Thưở ấy có Em, anh chưa từng sầu!” đây có thể là câu nói để đời, từ ngàn đời. Như ghi-nhận của đấng bậc nọ ở Úc, từng tưởng-tượng lời nhắn của thánh Phaolô xưa gửi người giáo-dân trẻ ở Úc qua giòng chảy thời thượng, như sau:

“Các bạn trẻ thân mến của tôi,    

Ý-nghĩ đầu-tiên khiến tôi nhớ đến các bạn, là tôi hy-vọng rằng niềm-tin của các bạn sẽ tiếp-tục lớn mạnh mãi. Thứ đến, một điều khác tôi vẫn tin, đó là: các bạn cũng sẽ tìm ra đường-lối thích-hợp để trở-thành dân con của Chúa như Tin Mừng từng đề-cập. Hầu như các bạn đều lớn mạnh trong yêu thương, nên vì thế các bạn sẽ làm cho thế-giới này trở-thành chốn sống tươi đẹp hơn, như Đức Giêsu từng làm từ trước đến bây giờ.

Bản thân tôi, vẫn phấn-khởi nhưng đôi lúc cũng hãi sợ, bởi thế giới mà các bạn sống hôm nay có quá nhiều thứ, rồi ra cũng sẽ thành hiện-thực. Và mọi thứ, cứ thế tiến về phía trước theo tốc-độ nhanh khủng-khiếp đến độ chúng sẽ trở-thành thách-thức với mọi người. Có thể, các bạn vốn quen như thế, nên vẫn thường cảm-kích. Thế-giới của chúng tôi thay đổi quá chậm chạp, lại còn khép kín nữa, nên mới khó.

Bản thân tôi, chỉ thấy mỗi can-thiệp độc-nhất xảy đến với tuổi đời của tôi, mà thôi. Là người sản-xuất và bán lều/bạt nhỏ mọn này, tôi thường sử-dụng cũng một đồ nghề và phương-án như thế suốt đời mình. Rồi từ đó, cứ tự hỏi: sao các bạn lại có thể sống nổi những đổi thay nhanh đến ngộp thở như thế? Và, sao các bạn lại định ra được những gì mình cần phải duy-trì và những gì đáng bỏ đi.

Chắc các bạn xem ra cũng không còn sử-dụng những thứ mà mọi người đã bỏ đi, cũng từ lâu. Tôi vẫn bảo: bọn tôi, đơn-giản cứ nghĩ mình cũng nên sử-dụng hết mọi thứ cho đến khi chúng trở nên tơi tả, không dùng được nữa, mới thôi.      

Một trong những thứ khiến tôi ngạc nhiên không ít, đó là: Đức Giêsu khi xưa đã không trở về lại như tôi kỳ-vọng và Hội-thánh bao giờ cũng lớn lao, ôm không hết. Vào thời của tôi, khi đó không có nhà lầu/cao ốc lớn để mọi người có thể tụ-tập nhau làm điều gì đó; nhưng chúng tôi cứ gặp đâu hay đó, phần lớn ở trong nhà hoặc tại các nơi công cộng như căn-hộ nhỏ ở cao ốc, tức: bất cứ đâu thấy tiện, là được.

Chúng tôi cũng chỉ là phong-trào giáo-dân sinh-hoạt rất thầm-lặng, thế nên tôi hơi ngỡ ngàng và cũng hân hạnh khi thấy các Vương-cung Thánh-đường cùng trường lớp, đại-học và bệnh-viện, cả đến hội Vincent de Paul bề-thế, vẫn có những bữa cơm ngon cùng cháo nóng do xe chạy quanh đem tới tận miệng người đang đói. Và rồi, cũng phải kể đến các hệ-thống phúc-lợi thiết-dựng sẵn cho mọi người, nữa chứ.  

Đó là những điều mà chúng tôi có nằm mơ cũng không thấy. Thế nên, chúng tôi luôn lo-ngại chuyện Đế-quốc La-Mã hùng hổ là thế, mà sao nhiều người vẫn không nhận ra chính họ mới là những người tạo nên rối rắm. Nay, thì đế-quốc với chính-quyền cũng đã cấp tiền cho nhiều người. Tháng ngày mình sống lúc trước, bọn tôi cứ bị coi là những người dị-đoan/mê-tín chứ nào trở-thành đạo-giáo chính-thức đâu. Làm sao thế-giới lại thay-đổi đến là thế.

Thế-giới đã bỏ tôi lại với bao thắc-mắc cứ tự hỏi: làm sao các bạn lại có thể sử-dụng ảnh-hưởng mình đang có để cải-thiện mọi sự và làm cho tầm-nhìn/thị-kiến của Đức Giêsu về thế-giới với thế-gian, ra như thế? Tôi từng tranh-luận với các giới có thẩm-quyền người La Mã cũng nhiều lần, nhưng rất thường thì tôi vẫn bị nghi-hoặc nên phải bảo-vệ quyền được trở-thành người tín-hữu Đức Kitô cho đúng nghĩa, còn các bạn đây lại có tiếng nói đầy quyền-uy mà tôi chưa từng nghĩ ra, ngay cả trong giấc mộng cũng không tưởng-tượng ra nổi. Tôi hy-vọng là các bạn sẽ sử-dụng nó một cách thật tốt đẹp.

Thời tiên-khởi, chúng tôi có khác nhau thật đấy, nhưng vẫn cùng đứng chung trong cùng một phong-trào. Còn hôm nay, các bạn lại có quá nhiều đường-hướng khác nhau để trở-thành tín-hữu của Chúa, như: Công-giáo, Anh-giáo, Giáo-hội hiệp-nhất, Đạo binh Cứu-độ, Chính-thống, vv.. chắc điều đó cũng làm cho các bạn phân vân nhiều, như tôi. Tôi cam-đoan với các bạn rằng: tôi cũng gặp nhiều cảnh-tượng giống hệt như thế. Có điều là: tôi biết chắc rằng các bạn thấy được điều tốt của nhau và điều đó cho thấy là: dù có khác biệt, chúng ta đều cùng chung một gia đình. Đó, là gia-đình của những người cùng tin-yêu một Đức Chúa.

Trong những lúc nói chuyện với nhiều người, tôi thấy một số các rào-cản bị phá đổ nhờ có đối-thoại và hợp tác giữa các giáo-hội. Và, khi tín-hữu của Chúa thuộc các truyền-thống khác nhau trở-thành bạn-hữu hoặc lập gia-đình với nhau. Đó là điều rất tốt.

Phương-cách để các bạn gặp gỡ nhau bất cứ ở đâu hoặc lúc nào đã làm tôi ganh tị, thèm thuồng. Thời tôi sống, cũng phải mất rất nhiều tuần hoặc nhiều tháng ngày, mới có đuợc tin-tức từ cộng-đoàn sống rải rác, ở các nơi. Tìm cách hỗ-trợ hoặc gửi cho nhau ý-kiến, đôi lúc cũng chậm-chạp đến đau-lòng. Với tôi, nội mỗi chuyện gửi đến bà con đôi lời chào hỏi, nhắn nhủ hoặc liên-hệ với các giáo-hội ở Côrinthô, Galata hoặc Êphêsô cũng phải mất rất nhiều thời-gian hoặc năm tháng, có khi chẳng bao giờ đạt tới nữa. Nhiều lúc, tôi cứ phải rong-ruổi-đường-trường từ nơi này đi nơi khác, thật không dễ.

Đôi lúc, tôi cũng thoát được cảnh chìm tàu, cướp cạn và tù tội, có khi chỉ vì muốn gửi một thư tay hoặc sử-dụng kỹ-thuật nào khác, để liên-lạc với các cộng-đoàn, hầu khích-lệ họ hoặc đề-xuất đưa cho họ đôi ý-kiến phản-hồi mà họ từng hỏi mỗi khi cần, nếu không thì cứ phải dài cổ ra mà chờ thư hồi-đáp. Nay thì, các bạn có thể thăm hỏi nhau bằng điện-thoại hoặc chỉ lướt trên mạng-lưới-toàn-cầu, là xong.

Quả là, thế-giới các bạn sống rất là tuyệt vời. Tôi đây, chẳng thấy mình có thể giúp được gì cho ai, khi nhận ra là: những người cùng đi một chuyến xe buýt hoặc tàu lửa, chừng như không ai nói chuyện với ai, vì mọi người cứ mải đeo ống nghe hoặc đang bận rộn với mấy cái “iPads”, “iPods” và “tablets” nối-kết họ với toàn thế-giới. Các bạn có nghĩ rằng: đó là điều dị-kỳ khi mọi người có thể nối-kết với nhau bằng nhiều cách, nhưng lại không thể liên-kết phối-hợp với người đang ở trước mặt mình, không chứ? Các bạn đừng quá âu-lo, vì khi xưa chúng tôi cũng có biệt tài trong chuyện “phớt lờ” nhau, đặc biệt là những người không cùng giai-cấp, không nói cùng một thứ tiếng hoặc không cùng một nghề với nhau.

Một trong những sự-kiện đánh động tôi nhất về thế-giới của các bạn, là: mỗi người đều có quyền bầu/bán và có tiếng nói để mọi chuyện được trở-thành đạo-luật cho mọi người. Có người còn nói với tôi, là: ngay cả khi các bạn không đi bầu, lại cũng bị phạt vạ, mất tiền toi. Thế giới hồi tôi sống với đế-quốc La Mã, rất nhiều người từng là nô-lệ; và phần đông những người được trả tự-do lại ít có được quyền ăn quyền nói nếu họ sống ở thị-thành.

Cộng-đoàn Hội thánh của chúng tôi, khi xưa vẫn quí-trọng thành-viên mình bởi: tất cả đều là thành-phần cộng-đoàn, trong đó họ có thể chung sống với nhau, dù là nô-lệ hoặc tự-do, dù nam hay nữ, Do-thái hay Hy-Lạp, cũng vẫn được. Chúng tôi vẫn hiệp-thông đoàn-kết với nhau trong lòng tin; mỗi người đều có phẩm-cách rất đáng quí vì tất cả đều là con cái Chúa và chúng tôi đối xứ với nhau như người anh em, chị em hoặc út ít của Đức Chúa.

Có lần, tôi để mắt quan-sát xem ngôn-ngữ các bạn sử-dụng trong Hội-thánh và tôi rất đỗi ngạc-nhiên khi thấy phần lớn ngôn-từ mà tôi sử-dụng hồi thời tôi sống để diễn-tả sự khác-biệt mà Đức Giêsu muốn lập, tức các từ-ngữ như: ơn cứu-chuộc, cứu-rỗi, hoá-giải đều là ngôn-từ mà hiện giờ các bạn vẫn đang sử-dụng, không gì khác. Trong khi tôi được tâng-bốc lên chín tầng mây, điều đó lại làm tôi thấy mình hơi dị kỳ. Tất cả các ngôn-từ này là thành-phần thế-giới của chúng ta, nhưng tôi không chắc lắm là: chúng có ý-nghĩa gì đối với mọi người hôm nay.

Một số từ-ngữ vẫn còn tạo nghĩa, như: thương yêu, tình bạn và gia đình, và còn nhiều nữa chắc tôi phải xem lại cho kỹ mới nhận ra được. Tôi nhận chân rằng: tình bạn có giá-trị đích-thực đối với các bạn; và đó là chốn miền lớn-lao để ta khởi sự mọi đối-thoại. Cuối cùng thì, tất cả cũng chỉ là tương-quan ta cần có. Và, tôi cũng rất vui khi thấy rằng; các tương-quan mật-thiết như thế cũng rất cần đối với các bạn. Có thể, chúng ta cũng nên ngồi lại mà chuyện trò đôi chút để coi xem đâu là ngôn-từ đẹp nhất ta có thể sử-dụng vào ngày hôm nay. Có lẽ, các bạn cũng phải hướng-dẫn tôi một đôi chút, vì các bạn hiểu biết rất nhiều về thế-giới của các bạn.

Thôi thì, tôi nghĩ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã và đang làm công việc tuyệt vời, bởi ngài thực sự có được những gì mà chúng ta cần có để sống triệt-để hơn, hầu tìm ra được đường-lối mới đầy sáng-tạo quyết đem thông-điệp của Phúc Âm đến với thế-giới hôm nay. Vào thời tôi, tôi cũng phải làm như thế. Và, nay thì các bạn cũng nên làm thế cho thế-giới của các bạn nữa.

Tôi cầu chúc cho các bạn mọi sự tốt đẹp. Và tôi chắc-chắn một điều, là: Chúa Thánh Thần cũng đã và đang dẫn-dắt các bạn. Và với một chút tính-cách chân-phương, sáng-tạo và gan dạ, các bạn cũng sẽ làm được việc, rất tốt. Hội thánh đang cần đến các bạn, đấy.

Người bạn thân của các bạn,
Phaolô (tự Saolô) từ Tarsus, Thổ Nhĩ Kỳ                                               
(xem thêm Chris Monaghan, CP: Paul’s letter to the Young Australians, Majellan Familly April-June 2014, tr. 18-21)

            Nghe đấng bậc bảo thế, hẳn bạn trẻ cũng như tôi và mọi người, sẽ thấy phấn-chấn/rung động nhiều. Nghe bảo thế, giới trẻ nào có tâm-hồn nghệ-sĩ lại sẽ hát tiếp những ca-từ còn đó, hát dở dang như sau:

            “Từ lúc vắng em nên anh thường buồn,
Hay lang thang ngoài đường nhỏ không tên.
Hay ghi câu nhạc tình héo hắt,
Với tâm-tư sầu đau, kể từ ngày xa cách nhau.”
(Huỳnh Anh – bđd)

“Từ lúc vắng Em, nên thường buồn!”. Đúng. Ở đời thường, nhiều trường-hợp bạn bè, người thân chỉ cần vắng nhau đôi phút, cũng đã buồn. Buồn hơn cả, là tình-huống rất vắng không chỉ xác thân, nhưng cả tinh-thần và tình thương nữa. Thứ tình để thương, chẳng cần biết người-mình-thương có là bạn bè/thân thuộc của mình hay không. Chỉ cần biết, nếu vắng nhau chỉ vài phút giây thôi, cũng đã thấy vắng nhiều.
Tâm-tư sầu đau”, “từ ngày xa cách nhau”, có là tình-tự của giới trẻ hiện đang sống với thế-giới đổi thay đến chóng mặt, không? Hoặc, tâm-tư đó có là phản-ứng của giới-trẻ ở trường lớp/cuộc đời theo cách khác chăng? Những cách-thức rất thực, mà kinh-nghiệm của người trẻ ở đời thường, có là lập-trường sống rất tự-do hay không?
Trong đời thường, cũng có những người trẻ quyết sống theo kiểu riêng của mình, bằng lập-trường khác biệt. Họ, là những người còn trẻ gặp rất nhiều ở những “đường nhỏ không tên” bên Úc, cũng có nhận-định về thế-giới/cuộc đời của riêng mình.
Vừa qua, có nhà báo nọ ở Úc từng mon men tiếp-cận với giới-trẻ ở Úc quyết thực hiện cuộc phỏng-vấn bỏ túi với câu hỏi nhỏ: vấn-đề nào của thế-giới khiến bạn bận tâm hơn cả? Câu hỏi này gửi đến các học-sinh ở Melbourne, Úc liền được phúc-đáp như sau:

-Maeve, 17 tuổi thuộc Trung học Kew, Melbourne: “Với giới trẻ hôm nay, điều gì khiến họ say-mê nhất? -Ở Úc này, đó là vấn-đề kỳ-thị chủng-tộc. Bởi, mọi người ở đây không được đối xử ngang bằng đồng-đều, như phải lẽ; dù nước Úc tự-hào là nước chủ-trương đa văn-hoá.”

-Fraser, 14 tuổi thuộc Trung-học Xavier ở Melbourne: “Ở Úc này, đâu là vấn-đề xã-hội làm nhiều người ưu-tư nhất? -Cũng vẫn là kỳ-thị màu da, phụ-nữ mất giá và hà-hiếp kẻ yếu”.

-Adrien, 17 tuổi thuộc Trung học Genazzano FCJ: “Nếu em có 3 điều ước với Bà Tiên nào đó, thì điều ấy gồm những gì? –Làm sạch tình-trạng trì-trệ kinh-tế, thứ hai là: bãi bỏ tình-trạng nghèo đói và cuối cùng là: đi mọi nơi và mọi lúc, như các anh-hùng-ca khi xưa còn diễn-tả”.   

-Eleanor, 13 tuổi Nữ Trung-học Melbourne: “Nếu em cũng có 3 điều ước, thì em mớ ước chuyện gì? –Theo em là: Xoá sạch nạn nghèo đói trên thế-giới, chấm-dứt chiến-tranh ở các nơi, và cuối cùng…làm cho mọi người được hạnh-phúc”. (Xem thêm Australian Catholics Spring 2011, tr. 6)      

Phúc-đáp của học-sinh ghi ở trên, dĩ nhiên không nói hết vấn-đề gai góc ta đặt ra. Nhưng, cũng phần nào nói lên thực-chất sự việc ở đời, với người trẻ, thật không đến nỗi tệ, như ta tưởng. 
Để minh-hoạ cho vấn-đề bà con mình vừa đặt ra, tưởng cũng nên kể thêm đôi ba giòng về trường-hợp thực-tế cuộc đời, ở đâu đó, cũng có nhiều vị còn trẻ hay tuổi đã cứng/mềm về nhân-sinh cuộc đời có những cung-cách xử-thế với nhau, dù gần gũi nhau qua không-gian hoặc máu-mủ/ruột thịt, như sau:  

Một thanh niên học-hành rất xuất-sắc đến xin được tuyển vào một chức vụ quản lý ở một công ty lớn. Anh qua được vòng phỏng vấn thứ nhất và đến vòng 2, vị giám-đốc công-ty sẽ phỏng-vấn riêng anh và chính ông sẽ là người quyết định.

Qua lý lịch của người thanh niên, vị giám đốc biết được thành tích học tập ưu tú  của anh ta, từ bậc trung học đến sau đại học, chưa từng có một năm nào kết quả không đạt xuất sắc.
Người giám đốc hỏi:
-Khi đi học ở trường, cậu  có được học bổng nào không?
Cậu thanh niên trả lời  không  
Ông ta hỏi tiếp:
-Vậy là cha của cậu trả  học phí cho cậu phải không?”
Cậu ta đáp: 
-Cha tôi mất năm tôi mới  lên một; chính mẹ tôi là người trang trải tiền học cho tôi.
-Mẹ cậu làm việc ở đâu?
-Mẹ tôi làm nghề giặt quần áo.

Ông ta bảo cậu cho ông xem tay của cậu. Chàng thanh niên đưa ra 2 bàn tay trắng trẻo mịn màng.
 Người giám đốc lại hỏi:
-Cậu có bao giờ giúp mẹ giặt quần áo không?
Cậu ta trả lời:
-Không thưa ông, Mẹ tôi chỉ muốn tôi đọc nhiều sách và lo học. Với lại mẹ tôi có thể giặt đồ nhanh hơn tôi
-Tôi có một yêu cầu. Hôm nay cậu  đi về gặp mẹ và rửa tay cho bà, sáng mai quay lại đây gặp tôi.
Người thanh niên thấy có nhiều khả năng được tuyển dụng nên về đến nhà cậu vui vẻ bảo mẹ để cậu rửa tay cho bà. Bà mẹ tuy thấy đề nghị của con rất lạ kỳ nhưng  bà  cảm động và hạnh phúc để cho con trai rửa tay cho mình. 

Trong khi cậu chậm rãi rửa hai bàn tay của mẹ, nước mắt cậu tuôn ra. Đó là lần đầu tiên trong đời cậu nhận thấy đôi bàn tay của mẹ đầy những vết nhăn, vết sẹo thâm đen. Một số chỗ bầm tím mới khiến bà đau và rùng mình khi  cậu rửa tay của bà trong nước.

Đó cũng chính là lần đầu trong đời cậu nhận ra chính đôi tay của người mẹ đã giặt biết bao nhiêu là đống quần áo để có tiền đóng học phí cho mình. Những vết sẹo, chỗ bầm trên  hai bàn tay mẹ, những nỗi nhọc nhằn, vất vả là cái giá mẹ phải trả cho cậu được học hành xuất sắc, tốt nghiệp  ra trường và cả tương lai của cậu.

Sau khi rửa tay cho mẹ, cậu lặng lẽ giặt hết đống quần áo còn lại.
Đêm đó hai mẹ con nói chuyện rất lâu.
Sáng hôm sau, cậu thanh niên trở lại văn phòng của vị giám đốc.

Người giám đốc thấy đôi mắt rướm lệ của cậu đã hỏi:
-Cậu  nói xem ngày hôm qua ở nhà cậu đã làm gì và học được điều gì?
Cậu trả lời:
-Tôi đã rửa tay cho mẹ và đã giặt nốt số quần áo còn lại
-Hãy cho tôi biết  cảm tưởng của cậu
-Một là, bây giờ tôi đã hiểu thế nào là biết ơn. Nếu không có mẹ, tôi dã không được học hành như hôm nay. Hai là, nhờ cùng làm việc giúp mẹ, đến bây giờ tôi mới biết làm được một việc gì đều gian khó, vất vả. Ba là tôi đã nhận biết giá trị và tầm quan trọng của quan hệ  trong gia đình, với người thân.

Người giám đốc nói:
-Đó là những điều mà tôi muốn người quản lý của tôi phải có. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn người khác giúp đỡ, một người  thấu hiểu những chịu đựng hy sinh của người khác để hoàn thành công việc, và một người sẽ không xem tiền là mục tiêu duy nhất trong đời. Cậu đã trúng tuyển vào chức vụ này.”

Và ý-kiến của người kể, sẽ như sau:

“Sau này, chàng thanh niên làm việc rất miệt mài và được cấp dưới kính trọng. Nhân viên của cậu cũng làm việc cần mẫn và là một nhóm đoàn kết tốt. Công việc kinh doanh của công ty tiến triển rất tốt.

Một đứa trẻ quen được che chở và nhận được mọi thứ nó muốn, sẽ phát triển tính cách “muốn là được”, sẽ thành đứa trẻ ích kỷ xem mình là số 1, và không đếm xỉa gì đến nỗ lực của cha mẹ.

Khi lớn lên đi làm việc, người này sẽ cho rằng ai cũng phải nghe theo lời mình. Khi thành quản lý, anh ta sẽ chẳng bao giờ biết được những cố gắng, vất vả của nhân viên và sẽ luôn đổ lỗi cho người khác. Với loại người này, họ có thể học giỏi, có thể một thời thành đạt, nhưng cuối cùng vẫn không thấy hài lòng, thỏa mãn. Họ sẽ càu nhàu, trong lòng luôn bực bội, tức tối và lao vào chiến đấu tranh giành để có nhiều hơn. Nếu chúng ta là những bố mẹ luôn bao bọc con mình, liệu chúng ta có đang thực sự thể hiện yêu thương con đúng cách, hay là ta đang làm hại con cái?

Bạn có thể cho con cái sống trong một ngôi nhà to, ăn ngon, học đàn piano, xem TV màn hình rộng. Nhưng khi bạn cắt cỏ, hãy để cho chúng cùng làm và trải nghiệm. Sau bữa ăn, cứ để chúng rửa bát với nhau. Làm như vậy không phải vì bạn không có tiền thuê người giúp việc, mà là vì bạn yêu thương con cái một cách đúng đắn. Bạn muốn chúng hiểu rằng dù cha mẹ có giàu đến đâu, một ngày kia cha mẹ cũng yếu già như mẹ của cậu thanh niên trong câu chuyện kể trên.

Điều quan trọng nhất là con cái của bạn học biết ơn, biết trân trọng những nỗ lực và có thể trải nghiệm những khó khăn và học được kỹ năng hợp tác với người khác để hoàn thành công việc. Con cái cũng phải biết trân quý, biết ơn những gì cha mẹ đã làm và yêu cha mẹ.” (Huỳnh Huệ dịch từ truyện nước người)

Phản-ứng trước lối sống của thế-giới hôm nay, cũng còn tùy. Tùy người, tùy trường-hợp tư-riêng của gia-đình hoặc bản thân mình. Tùy nhiều nhất, là tùy tự-do chọn-lựa của mỗi người. Tự-do theo nghĩa rộng/hẹp hay chính-xác của triết-lý, cũng đều thế. Tuy nhiên, tùy gì thì tùy, vẫn nên nhớ đến bài học ở trên và nhất là lời dặn-dò của đấng thánh đích-thực Phaolô tông-đồ khi xưa từng ghi thư, như sau:

Nhưng hãy coi chừng kẻo sự tự do của anh chị em
nên dịp cho những người yếu đuối  a ngã.”
(1 Cor 8: 9) 

Nghe dặn thế rồi, giờ thì bạn và tôi, ta cũng sẽ ra đi mà thực hiện những điều được dặn dò gửi gắm hôm nay hoặc khi trước. Và, trong tư-thế tự-do như thế, ta cũng cố gắng liên-hệ, trò chuyện, kết thân bạn bè, nâng-đỡ những người gần cận với ta trong gia-đình, chòm xóm, sở làm và những người ta thường gặp, để rồi sẽ hiên ngang đầu cao mắt sáng hát lại ca-từ tuy hơi buồn, nhưng lại mang ý-nghĩa của một quyết-tâm, như sau:

“Thuở ấy có em, anh chưa từng sầu.
Chưa đi âm thầm ngoài phố đêm thâu.
Chưa mang hoang lạnh ngoài bến vắng,
Hỡi Em! Em về đâu, cho đời mình luôn nhớ nhau?”
(Huỳnh Anh – bđd)

Luôn nhớ nhau, và nhớ mãi những tình-tự yêu-thương của nhau, nhiều mãi mãi.

Trần Ngọc Mười Hai
Lại cũng nhớ lời dặn dò
Của em, của anh
Của mọi người đồng-hành với mình
Trong cuộc đời.

   

Saturday 23 August 2014

“Chiều trên phá Tam Giang anh chợt nhớ em,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 22 mùa Thường niên năm A 31-8-2014

“Chiều trên phá Tam Giang,”
anh chợt nhớ em”.
Nhớ ôi niềm nhớ, ôi niềm nhớ,
đến bất tận em ơi! Em ơi!”
(Trần Thiện Thanh/Tô Thùy Yên – Chiều Trên Phá Tam Giang)

(Ga 13: 33)

            “Niềm nhớ” nói ở đây, có thể anh đang nói về người nghệ sĩ mà anh chợt nghĩ đến vào chiều hôm đó, ở Tam Giang? Tuy, anh nhớ nhiều đến như thế, cũng chỉ là nỗi niềm nhung nhớ của tuổi trẻ đương yêu về chuyện yêu đương khi còn ở nhà, mà anh giữ mãi như sau:

            “Giờ này, thương xá sắp đóng cửa,
người lao công quét dọn hành lang.
Giờ này, thành phố chợt bùng lên,
để rồi tắt nghỉ sớm.

Ôi Sàigòn, Sàigòn giờ giới nghiêm!
Ôi Sàigòn, Sàigòn mười một giờ vắng yên!
Ôi em tôi, Sàigòn không buổi tối!”
(Trần Thiện Thanh/Tô Thùy Yên – bđd)

Ôi thôi là nỗi nhớ! Nỗi niềm thương nhớ ở tuổi vẫn còn yêu chỉ mỗi thế thôi, sao? Hay, anh còn nhớ rất nhiều thứ mà người em của anh từng diễn-tả hôm trước, cũng rất thơ:

“Giờ này, có thể trời đang nắng,
em rời thư viện đi rong chơi.
Hàng cây, viền ngọc thạch len trôi,
nghĩ đến ngày thi tương-lai thúc-hối.
Căn phòng nhỏ, cao ốc vô-danh
rồi nghĩ tới anh, rồi nghĩ tới anh,
nghĩ tới anh.”
(Trần Thiện Thanh/Tô Thùy Yên – bđd)

Nỗi nhớ đến là thế, mà sao anh cứ hát điệu bi-ai, tiếc nuối đến bồi-hồi, như thế? Người đời nay rày cũng nhớ, nhưng chỉ nhớ những gì xảy ra vào thời cũ/xưa, khi đời người lại đổi thay cũng rất chóng, như nguời viết còn ghi mãi, những điều sau đây:

“Chủ đề tôi đặt ra ở đây, đi thẳng vào chuyện dạy dỗ con cái, như vẫn thấy ở ngoài đời. Tất cả chúng ta đều biết, nó như một chiến-trường, ở đó có bậc làm mẹ nọ quyết chiến-đấu chống vị chủ-trường để bảo-vệ con em mình. Điều đáng nói ở đây, là cung-cách giảng-dạy về sinh-lý/tính-dục và giáo-án này lại đính kèm dụng-cụ giáo-dục buộc phải đưa vào nơi giảng dạy bằng tiếng Anh, đã gây “sốc” cho nhiều người, trong đó có tôi.

Ngay đến sách giáo-khoa về khoa-học viết cho con trai tôi học, đã được chuẩn-thuận dùng ở các trường tư-thục giỏi vào bậc nhất tỉnh-lỵ, lại cũng thấy một số chương đoạn đã sai-sót khi nói về chuyện sinh-đẻ của người mình.

Phản-ứng đầu-tiên của các bậc cha mẹ biết đề-cao cảnh-giác với cách dạy sinh-lý ở học-đường, quyết phản-chống lối giảng-dạy do trường đề ra, rồi quyết-định tự đưa con mình ra khỏi môi-truờng ấy đem chúng về dạy tại nhà hoặc ở đâu đó, tương-tự thế. Rõ ràng là, các bậc cha mẹ có ý-thức vẫn là nhà giáo có thiên-chức tự-nhiên biết dạy những điều cần dạy, cho con em mình về các đề-tài khá tế-nhị. Ngay đến chính-quyền có tư-cách, như ở Anh quốc, cùng đều thấy như thế, mới là chuyện phải làm.

Thật ra thì, đường lối chính-đáng dẫn-đưa ta, mang tính phản-chống hơn là dễ bảo, vẫn dạy rằng: làm cha/làm mẹ tức mới là nhà giáo chính-đáng, chứ nhà trường chỉ có trọng-trách thứ-yếu đứng ở hậu-trường, giúp họ thêm thắt đôi chút mà thôi”. (xem thêm Louise Kirk, Teaching children the facts of life, MercatorNet 24/6/2014)

Kể cũng lạ. Vai-trò của nhà trường và thày/cô nay khác thời cha ông ta khi xưa vẫn có quan-niệm rằng nhà trường cà thày cô có trọng-trách dạy dỗ con mình nên người. Thành thử, nhà trường và thày cô, được học trò và gia-đình kính nể, nên vẫn nói: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”, tức: một chữ cũng là thày, nửa chữ cũng là thày.
Kể cũng lạ. Đây không là nhận-định tư-riêng của ai đó, mà điều lạ bắt gặp được lại là ý-tưởng phản-bác/đối-kháng đường-hướng giáo-dục ở đâu đó, bên Tây/Tầu. Có điều lạ nữa là: ở trời Tây, hôm nay, mọi nguời sống ở đây có quyền nói lên ý-nghĩ riêng của mình, dù ý-nghĩ ấy không cùng khuôn-phép với chính-phủ, tôn-giáo hoặc cơ-quan giáo-dục nào đó ở các nơi khiến người sống vào mọi thời nhớ mãi đường-hướng/ý-tưởng được đưa ra, ở thời trước.    
Trong chiều-hướng nhớ về “thời buổi trước” khác hẳn bây giờ, có tác-giả lại đưa ra ý-kiến về việc giáo-dục giới trẻ thời hôm nay vốn chịu nhiều thiệt-thòi từ nhiều phía, như sau:

“Ngày nay, tại xứ sở mang tên Úc Đại Lợi này, vẫn thấy thứ “im lặng dễ sợ” xuất từ các nhà lãnh-đạo của ta, cả về chính-trị, xã-hội, tôn giáo lẫn pháp-luật. Đó là thứ im-lặng đang gia tăng về cung cách tạm-bợ có liên-quan đến các quan-hệ nam-nữ có con cái dính-dự.

Nếu có dịp nói chuyện với các vị phụ-trách trông nom những người bị thiệt thòi về nhiều thứ, ta sẽ biết nhiều câu chuyện khác nhau, như chuyện họ từng chứng-kiến các hệ-quả đem đến cho con trẻ được nuôi dưỡng từ bậc mẹ cha có quan-hệ bất thường hoặc bất ổn. Các hệ-quả như thế đều ghi chú bằng các nhu-liệu đích đáng, ở Úc này…

Một số các nhà nghiên-cứu kháo-sát ở Úc như Lixia Qu và Ruth Weston thuộc Cơ-quan có tên là The Australian Institute of Family Studies đã nhận ra rằng: các gia-đình trẻ có cha mẹ chung sống không hôn thú xem ra có khả-năng tăng gấp ba về gẫy đổ so với các gia đình có cưới hỏi đàng hoàng. Các nhà nghiên-cứu nói trên cũng đề-cập đến trường-hợp con trẻ ở với bậc mẹ cha chung sống không hôn thú đã bị lọt lại đằng sau, so với những đứa sống với cha mẹ có hôn thú đàng hoàng. Tụt lại phiá sau, cả về cảm-xúc xã-hội lẫn phát-triển chung chung, như: trình-độ học-vấn nghèo nàn, chậm lụt; có vấn-đề về hạnh-kiểm cũng như kinh-nghiệm được dạy dỗ, kém hơn các em khác…

Tóm lại, qua báo-cáo của các nhà nghiên-cứu nói trên, thì: hiện nay, đang có sự chia-cách rõ nét giữa người được giáo-dục tốt có khuynh-hướng chịu lập gia-đình chịu sinh con sau đó; trong khi đó những người thuộc tầng-lớp xã hội có kinh-tế thấp hơn, dường như xuất-thân từ quan-hệ vợ-chồng chung sống không hôn-thú….” (xem thêm Bettina Arndt, The Unspoken Truth About Marriage and Kids, The Majellan Family July-September 2014, tr. 15-17)

Nói về sự-kiện xã-hội có liên-quan đến giáo-dục con trẻ, như trên, chỉ cốt để nói rằng: nhiều lúc bậc cha mẹ ngoài đời lại đã quên mất chức-năng nuôi-dưỡng/giáo dục con em mình. Về niềm nhớ như thế, là nhớ và nói khác kiểu của người nghệ-sĩ chỉ muốn hát câu tình tứ rất ư tình-tự như:

“Giờ này có thể trời đang mưa,
Em đi dưới hàng cây sướt mướt
nhìn bong bóng nước chạy trên hè
như đóa hoa nở vội.
Giờ này em vào quán nước quen,
nơi chúng ta thường hẹn
rồi bập bềnh buông tâm trí
trên từng đợt tiếng lao xao.
Giờ này thành phố chợt bùng lên
Em giòng lệ bất giác chảy tuôn
nghĩ đến một điều em không rõ,
nghĩ đến một điều em sợ không dám nghĩ
đến một người đi giữa chiến tranh
lại nghĩ tới anh,
lại nghĩ tới anh,
nghĩ tới anh...”
(Trần Thiện Thanh/Tô Thùy Yên – bđd)

Chừng như nghệ sĩ ở đời, thường nghĩ nhiều và nhớ nhiều những điều như thế. Như thế, tức nhớ về người anh và người em mà mình đang yêu da diết, rất khó quên.
Chừng như nhà Đạo mình lại đã không như thế. Nhà Đạo mình, vẫn nhớ nhiều và suy nhiều về những điều được ghi trong Kinh Sách, rất như sau:

“Hỡi anh em là
những người con bé nhỏ của Thầy.
Anh em đừng xao xuyến.  
Hãy tin vào Thiên Chúa
Và tin vào Thày.”
(Ga 13: 33)

Điều quan yếu, được đấng bậc thánh-hiền trong Đạo ghi chú để mọi người nhớ, là như thế. “Tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”, mỗi khi làm việc gì, đều phải thế. Và những điều, mà tín-hữu Đức Kitô “tin vào Thiên-Chúa” và “tin vào Thày” là phải sống đời giản-đơn như con trẻ. Sống thế rồi, để rồi sẽ học được cung-cách sống thích-hợp với đời đi Đạo.
Sống giản-đơn đời đi Đạo, là dám dấn thân vào chốn nguy-nan, để gặp người/gặp mình, trong tình-huống gian-nan khốn khó như vẫn gặp. Sống giản-đơn/chân-phương, còn là sống trong thinh-lặng có nguyện cầu, qua nền văn-hoá sống-động, không sợ hãi.
Sống giản-đơn/chân phương, còn là và nhất là sống như con trẻ, không hãi sợ, nhưng vẫn tươi vui, dù các hiểm-nguy/đe doạ đang trờ đến, ở trước mắt.
Sống giản-đơn/chân phương là sống vui vẻ với người yếu thế, thấp kém, nghèo hèn, nhưng vẫn vui. Vui, vì biết rằng có Đấng Nhân Lành ở trên cao, hằng nhớ đến mình và mọi người, trong mọi trường hợp.
Sống giản-đơn/chân phương là sống như mọi người ở mọi hoàn-cảnh, dù gặp khó khăn, khốn khó. Khó khăn và khốn khó, cả trong việc hoà hợp, hội-nhập vào với nền văn-hoá, đạo giáo, rất khác mình.
Sống giản-đơn/chân phương cả vào khi mình khám-phá ra tính-chất rất “Đạo” cũng hài-hoà, nhẹ nhõm như Tin Mừng hiền hoà mình gặp ở Lời Chúa.
Và, sống giản-đơn/chân phương như mọi người vẫn sống theo cách thương yêu hoà hoãn ta bắt gặp, như truyện kể để minh hoạ, như bên dưới:

“Truyện rằng:
Một cậu bé xuất hiện trước cửa hàng bán chó và hỏi người chủ cửa hàng: “Giá mỗi con chó là bao nhiêu vậy bác?
Người chủ tiệm trả lời:
-Khoảng từ 30 tới 50 đô la một con!”
Cậu bé rụt rè nói:
-Cháu có thể xem chúng được không ạ?”

Người chủ tiệm mỉm cười rồi huýt sáo ra hiệu. Từ trong chiếc cũi, năm chú chó con bé xíu như năm cuộn len chạy ra, duy có một chú bị tụt lại sau khá xa. Ngay lập tức, cậu bé chú ý tới chú chó chậm chạp, hơi khập khiễng đó. Cậu liền hỏi:
-Con chó này bị sao vậy bác?

Ông chủ tiệm giải thích rằng nó bị tật ở khớp hông và nó sẽ bị khập khiễng suốt đời. Nghe thế, cậu bé tỏ ra xúc động:
-Đó chính là con chó cháu muốn mua.
Chủ tiệm nói:
-Nếu cháu thực sự thích con chó đó, ta sẽ tặng cho cháu. Nhưng ta biết cháu sẽ không muốn mua nó đâu.
Gương mặt cậu bé thoáng buồn, cậu nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng và nói:
-Cháu không muốn bác tặng nó cho cháu đâu. Con chó đó cũng có giá trị như những con chó khác mà. Cháu sẽ trả bác đúng giá. Thực ra, ngay bây giờ cháu chỉ có thể trả bác 2 đôla 37 xu thôi. Sau đó, mỗi tháng cháu sẽ trả dần 50 xu được không ạ?
-Bác bảo thật nhé, cháu không nên mua con chó đó”, người chủ cửa hàng khuyên. “Nó không bao giờ có thể chạy nhảy và chơi đùa như những con chó khác được đâu.

Ông vừa dứt lời, cậu bé liền cúi xuống vén ống quần lên, để lộ ra cái chân trái tật nguyền, cong vẹo được đỡ bằng một thanh kim loại. Cậu ngước nhìn ông chủ cửa hàng và khẽ bảo:
-Chính cháu cũng chẳng chạy nhảy được mà, và chú chó con này sẽ cần một ai đó hiểu và chơi với nó.

Cậu bé, với chiếc chân trái phải mang khung thép trong suốt bốn tháng qua, về đến nhà, trên tay ôm một chú cún con. Chú cún này bị tật ở xương hông, nên chỉ có thể đi được những bước khập khiễng.

Việc cậu bé chọn mua một chú cún bị tật khiến bố mẹ cậu vừa ngạc nhiên, vừa xót xa vì thương cảm. Nhưng điều khiến họ ngạc nhiên hơn nữa, đó là từ ngày có người bạn mới, cậu bé như trở thành một con người khác, lúc nào cũng tươi vui, tràn đầy hy vọng.

Ngay từ ngày đầu tiên đón chú cún về nhà, cậu bé đã cùng mẹ đến gặp bác sĩ thú y để tìm ra cách chữa trị tốt nhất cho cún con. Bác sĩ khuyên rằng, nếu cậu bé chịu khó xoa bóp, kéo căng chân cún đều đặn mỗi sáng và dắt chú đi dạo ít nhất một dặm mỗi ngày thì các cơ xung quanh chiếc hông bị vẹo của cún con sẽ dần trở nên mạnh khỏe. Cơ may trở lại bình thường của cún con là hoàn toàn có thể và tùy thuộc rất nhiều ở cậu bé.

Mặc dù chú cún cứ rên rỉ khó chịu mỗi lần cậu bé xoa bóp chân cho chú, và dù cậu luôn cảm thấy chân trái đau nhức mỗi khi dẫn cún đi dạo, nhưng trong suốt hai tháng trời, cả hai đã nghiêm túc tập luyện theo chế độ phục hồi dành riêng cho họ. Vào tháng thứ ba, cả hai đã có thể đi được ba dặm mỗi sáng trước khi cậu bé đến trường mà không hề cảm thấy đau chân tí nào.

Vào một sáng thứ bảy, khi cả hai đang trên đường trở về sau buổi tập như thường lệ, thì bất thình lình, một chú mèo nhảy ra khỏi bụi cây bên đường khiến cún con hết sức hoảng hốt, chú nhảy chồm lên, giật tung dây xích ra khỏi cổ rồi phóng như tên bắn ra giữa dòng xe cộ. Cún con va phải một chiếc ô tô, bị hất tung lên vệ đường. May mắn thay, chú chó vẫn còn thoi thóp thở. Ghì chặt người bạn nhỏ yêu thương vào lòng, cậu bé đi nhanh về nhà, không để ý thấy khung thép bên chân trái của mình đã bong ra tự lúc nào.

Mẹ cậu tất tả đưa chú chó đến viện thú y. Trong khi cậu bé đang lo lắng chờ đợi bên ngoài, mẹ cậu ôm cậu vào lòng, nghẹn ngào nói trong nước mắt:
-Con không để ý thấy điều gì ư? Con đã có thể đi lại bình thường được rồi đấy!
-Sao lại như vậy được hả mẹ? Cậu bé ngạc nhiên.
-Con trai của mẹ, con bị viêm tủy xương. Người mẹ giải thích.
-Căn bệnh này khiến chân con ngày càng yếu, nhưng nó không thực sự là một căn bệnh nan y nếu con quyết tâm vượt qua nỗi đau đớn và tích cực tập luyện hàng ngày. Con biết điều ấy, nhưng con lại không tin vào chính mình. Con luôn chống cự không để bố mẹ giúp con điều trị, cả bố và mẹ cũng thực sự không biết mình nên làm gì nữa. Nhưng chú cún con đã làm thay đổi mọi thứ. Kỳ diệu thay, khi con giúp chú chó, con cũng đang tự giúp chính mình để trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

Ngay lúc đó, cánh cửa phòng mổ hé mở. Bác sĩ thú y bước ra tươi cười thông báo:
- Cháu có thể yên tâm, chú chó của cháu sẽ sớm khỏe lại thôi!

Quả đúng như lời kể nhẹ ở trong truyện, có những sự thật vẫn còn đó trong đời người, như câu nói: Kỳ diệu thay, khi con giúp chú chó, con cũng đang tự giúp chính mình để trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn”.
Kỳ-diệu hơn nữa, còn là ý-tứ và ý/từ cứ bảo rằng: Khi mình giúp người khác, là mình đang tự giúp mình, cũng rất nhiều.
Bởi thế nên, khi hát những ca từ mang ý-nghĩa về nỗi niềm nhung nhớ chợt loé sáng ở bài Chiều trên phá Tam Giang”, là người nghe hát lại cũng nhớ nhung/nhung nhớ về ề một nỗi niềm nào đó rất tư-riêng.
Bởi thế nên, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ hát lên điệu hát của bài này, để rồi tự khắc sẽ nhớ da diết như người nghệ-sĩ đã từng hát câu:

Chiều trên phá Tam Giang,
anh chợt nhớ em.
Nhớ ôi niềm nhớ,
ôi niềm nhớ,
đến bất tận em ơi!
Em ơi!”
(Trần Thiện Thanh/Tô Thùy Yên – bđd)

Bởi thế nên, khi chợt nhớ người em nhỏ ở nhà vẫn cứ bận rộn với “thương xá” với “thành phố đã giới nghiêm”  là nhớ rất nhiều thứ. Nhưng có một thứ, một điều mà người hát cũng như người nghe ít nhớ đến hơn cả, là những điều được bạn bè thu thập từ nhiều nguồn, nay ghi lại để bạn nhớ mà giữ, mà thương cho nỗi nhớ chóng quên của mình. Điều đó, vẫn có những điểm giản-đơn, chân-phương mà người ghi gọi là “Toa thuốc tuyệt vời” cho mọi người, cứ kể rằng:

“Có một toa thuốc rất hay cả về tinh thần lẫn thể xác. Chúng ta cùng nhau tập dùng thử:

I. Sức khỏe
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) định nghĩa: “Sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất và hoàn cảnh, chứ không phải là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật”.

II. Bí quyết trường thọ
1. Chấp nhận với những gì mình đang có
2. Thích nghi với hoàn cảnh của mình
3. Điều chỉnh để đạt được điều mong muốn.

III. Phòng ngừa bệnh tật
1. Không vui quá hại tim
2. Không buồn quá hại phổi
3. Không tức quá hại gan
4. Không sợ quá hại thần kinh
5. Không suy nghĩ quá hại tỳ
6. Xua tan hoài niệm cay đắng bằng tha thứ và lãng quên
7. Với người cao tuổi tránh tranh luận hơn thua.

IV. Thức ăn & uống trong ngày:
Một củ hành: chống ung thư
Một quả cà chua: chống tăng huyết áp
Một lát gừng: chống viêm nhiễm
Một củ khoai tây: chống sơ vữa động mạch
Một trái chuối: làm phấn chấn thần kinh, bớt lo âu, chống táo bón, giảm được béo
Một quả trứng hay ít thịt nạc: chống suy dinh dưỡng
Uống 1 đến 2 lít nước mỗi ngày: giải độc cơ thể.

V. Triết lý của người Trung Hoa hiện đại:
1. Một Trung Tâm là sức khỏe
2. Hai Tí: Một tí thoải mái – Một tí nhiệt tình
3. Ba Quên: Quên tuổi tác – Quên bệnh tật – Quên hận thù
4. Bốn Có: Có nhà ở – Có bạn đời – Có bạn tri âm – Có lòng vị tha.
5. Năm Phải: Phải vận động Phải biết cười Phải lịch sự hòa nhã Phải biết nói chuyện và Phải coi mình là người bình thường.

VI. Bảo Sinh Thái Ất Chân Nhân
1. Ít nói năng để dưỡng Nội Khí
2. Kiêng sắc dục để dưỡng Tinh Khí
3. Bớt ăn hăng mạnh để dưỡng Huyết Khí
4. Đừng nhổ nước bọt để dưỡng Tạng Khí
5. Chớ giận hờn để dưỡng Can Khí
6. Chớ ăn quá độ để dưỡng Vị Khí
7. Ít lo lắng để dưỡng Tâm Khí
8. Tránh tà tâm để dưỡng Thần Khí.

VII. Hãy Dành Thì Giờ
Những lời khuyên từ Mẹ Thêrêsa Calcutta:
Hãy dành thì giờ để suy nghĩ. Đó là nguồn sức mạnh.
Hãy dành thì giờ để cầu nguyện. Đó là sức mạnh toàn năng.
Hãy dành thì giờ cất tiếng cười. Đó là tiếng nhạc của tâm hồn.
Hãy dành thì giờ chơi đùa. Đó là bí mật trẻ mãi không già.
Hãy dành thì giờ để yêu và được yêu. Ưu tiên Thiên Chúa ban.
Hãy dành thì giờ để cho đi. Một ngày quá ngắn để sống ích kỷ.
Hãy dành thì giờ đọc sách. Đó là nguồn mạch minh triết.
Hãy dành thì giờ để thân thiện. Đó là đường dẫn tới hạnh phúc.
Hãy dành thì giờ để làm việc. Đó là giá của thành công.
Hãy dành thì giờ cho bác ái. Đó là chìa khóa cửa thiên đàng.”
(trích điện thư trên mạng)

Nghĩ thế rồi, hỡi tôi và hỡi bạn, ta cứ quyết gì thì quyết, miễn sao đời mình sẽ vui và sẽ tươi suốt chuỗi ngày còn lại của đời mình. Cho đáng sống. Với mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai
Rất tạ ơn Người,
tạ ơn đời
vì có được quyết-tâm mới
Rất như thế.