Friday 20 December 2019

“Xin tình yêu giáng sinh, trên một quê hương cằn cỗi,”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 4 mùa Vọng năm A 22/12/2019

“Xin tình yêu giáng sinh,
trên một quê hương cằn cỗi,”
Xin tình yêu giáng sinh, trên địa cầu tăm tối.
Xin tình yêu giáng sinh, trong lòng người hấp hối
Xin tình yêu giáng sinh, trên cuộc đời lầy lội.”
(Phạm Duy – Xin Tình Yêu Giáng Sinh)
(Gioan 1: 10-11)

“Tình Yêu Giáng Sinh”, phải chăng là thứ tình đã có đó? Nếu thế thì, ta còn xin gì nữa đây. Họa chăng là, người xin đây vẫn chưa thấy Tình Yêu ở cuối đường hầm, cuộc đời? Nếu thế thì, còn phải xin hoài xin mãi những điều được hát ở bên dưới:

“Xin tình yêu giáng sinh
Trên quê hương ngục tối
Xin tình yêu giáng sinh
Trên địa cầu gian dối
Xin tình yêu giáng sinh
Trong lòng người tội lỗi
Xin tình yêu giáng sinh
Trên cuộc đời nổi trôi.
Mười ngàn đêm đau thương
Ôi trường thiên ác mộng
Mười ngàn đêm của hờn
Mười ngàn đêm của giận
Trên vũng lầy vô tận
Chỉ thấy máu và xương
Trên vũng lầy vô tận
Chỉ thấy khóc và than
Mười ngàn đêm đau thương
Mười ngàn đêm đoạn trường
Mười ngàn đêm oan khiên
Mười ngàn đêm đau thương.
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần hoa nở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần ngực thở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần cửa mở
Xin tình yêu giáng sinh
Tình yêu của chúng mình.
(Pham Duy - Xin tình yêu giáng sinh)

Nhạc sĩ họ Phạm nhà ta quả thật rất ngộ. Suốt cuộc đời, đâu ai thấy ông xin thứ gì đâu! Bởi, ông đã có tất cả: vợ đẹp con ngoan, tiếng tăm lại nổi như cồn thì còn gì để xin nữa cơ chứ. Vả lại, xin những gì? Xin ai đây? Thôi thì, ông có xin hay không cũng được. Nay, ta đi vào địa hạt đạo đức, xem nhà Đạo mình từng xin những gì? Và được gì?   

Nhưng, trước khi đi thẳng vào vấn-đề, tưởng cũng nên tìm trở về vùng trời truyện kể có những mẩu chuyện khá đáng kể như sau:

            “Truyện rằng:
Edison, người phát minh ra máy phát âm đầu tiên, một hôm đứa cháu nội nhìn ông và hỏi:
- Nội ơi ! Có thật là nội đã phát minh ra chiếc máy phát âm đầu tiên không?
Edison trả lời :
- Cháu à, thì còn ai nữa, nội là người đàn ông đã phát minh ra máy phát âm đầu tiên, thế nhưng còn có người giỏi hơn nội nữa đã phát minh ra máy nói không cần điện.
Bé gái nội:
- Là người nào vậy nội:
Ông nội:
- Là Ađam đó con à.
Bé gái tròn mắt:
- Thế còn cái máy tên gì vậy?
Ông Nội cười to:
- Là Evà đó!
Bé gái: !!!???

Thấy cháu bé chưa lấy gì ngạc nhiên cho lắm, ông nội bèn kể thêm câu truyện khác gọi là Giấc Ngủ Bình An Cuối Cùng của Ađam:

“Một hôm, Thiên Chúa gặp Ađam đang ngồi nghỉ chung quanh đàn thú đủ mọi loài với nét mặt buồn thảm. Thiên Chúa hỏi:
- Ađam, sao ngươi buồn thế?
Ađam thành thật:
- Thưa ngài, con không có bạn để tâm sự ạ.
Thiên Chúa động lòng thương và làm cho ông say ngủ. Thế rồi, Ngài rút ra chiếc xương sườn của ông để tạo nên người đàn bà. Vừa rút, ngài vừa nhìn Ađam ngủ và tội nghiệp nói:
- Con à, Ta làm như thế vì muốn theo ý con đấy nhé, nhưng đây là giấc ngủ bình an cuối cùng của con đó.

Vừa kể xong, thì “bà nhà” bèn nhắc nhở: “Chừng như chyện này, ông nội kể rồi thì phải?” Chừng như là như thế. Thế nhưng, kể rồi nay kể lại đâu đã nhiều. Nhất thứ là, lúc này người kể đang thiếu rất nhiều truyện vui đại loại như thế. Thôi thì, nếu bạn nghe kể thế đã chán, ta sang chuyện khác.

Có truyện kể khác, tuy không trực tiếp liên-quan tới vấn-đề ta đặt, nhưng cũng bao gồm đôi ba ý tưởng để suy-tư, rồi cài đặt vào đâu đó, cũng tùy.

Truyện kể, là truyện những kể rằng:

“Ngôi làng nọ, có một gia đình nghèo khó bần cùng, người cha vì mưu sinh, thường lợi dụng đêm tối lẻn vào vườn rau nhà người khác hái trộm. Anh ta nghĩ bóng đêm đồng lõa với việc làm của mình...!

Hôm đó anh ta đưa cả con trai đi cùng. Khi người cha vừa mới nhổ một cây củ cải, cậu con trai thơ ngây thốt lên:
- Cha..cha..có người nhìn cha kìa!
Cha cậu kinh hãi, ngó nhìn bốn phía, hoảng hốt:
- Người đó đâu?
Đứa trẻ chỉ tay lên trời:
- Vầng trăng đang nhìn cha đó!
Người cha nghe con trai nói vậy, đầu tiên cảm thấy sững sờ, tiếp đó thấy hổ thẹn vì hành vi của mình. Trong tâm khởi chút phiền não, bất như ý nhưng mầm thiện trỗi dậy, anh ngộ ra, hoan hỷ dắt con trai về nhà. Dọc đường, anh sám hối:"Trộm cắp tạo nghiệp rất lớn, có lẽ Trời Phật từ bi, mượn lời con trai để giúp mình giác ngộ, từ nay phải tu sửa hướng thiện thôi!"

Lại nói đến chủ nhân của vườn rau. Vì thường bị mất trộm, vô cùng sân hận, đêm hôm đó ông đã sớm núp ở sau nhà rình bắt kẻ trộm. Khi nhìn thấy trộm, định hô hoán thì bỗng nghe giọng non nớt trẻ thơ ông sững người.

Dưới ánh trăng, chủ vườn rau nhìn rõ gương mặt của tên trộm. Biết gia đình hắn nghèo khó nhất trong thôn, thấy cha con hắn lặng lẽ dắt nhau rời đi, ông cũng bất giác ngẩng đầu nhìn trăng.
Vào nhà ông kể chuyện với vợ. Vốn nhân hậu, người vợ nhẹ nhàng:
- Trăng kia chẳng phải cũng đang nhìn ông sao?
Cả đêm đó, ông chủ trằn trọc không sao ngủ được. Trưa hôm sau ông chạy đi tìm hai cha con người hàng xóm:
-Này anh, tôi hiện cần thêm người làm, anh có thể giúp tôi được không? Ngoài tiền công, hàng ngày anh có thêm ít đồ ăn mang về.
Khuôn mặt rạng ngời, người cha nghèo khổ hồ hởi nhận lời và không ngớt cám ơn người láng giềng tốt bụng.
Khuya hôm đó, người cha nghèo khó nắm tay con trai, lặng lẽ ngồi ngắm trăng, bỗng đứa trẻ hồn             nhiên:
- A...a...! Cha ơi...! Trăng đang cười kìa...!
Lúc này ở nhà người chủ vườn rau, ông cũng đang cùng vợ ngắm trăng, ông hoan hỷ:
- Ồ! Bà xem trăng đang cười kìa...!
Người xưa có câu:
Người đang làm - Trời đang nhìn.
Thiện - Ác khác nhau ở một niệm...!
Tâm như nước. Phật như trăng.
Nước trong thì trăng hiện. (St sưu tầm)

Hôm nay, mai ngày và mãi mãi, Ông Trăng Muôn Thuở cũng đã và đang nhìn xuống nhân gian mỉm cười. Ông không chỉ cười mỉm thôi, nhưng còn lấy làm sung sướng được ở cùng và ở với nhân gian/phàm trần, như lời Đấng thánh hiền từng bảo ban, sau đây:

            “Ngài ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Ngài mà có,
nhưng lại không nhận biết Ngài.”
(Gioan 1: 10-11)

Ở giữa thế gian, nhưng Ngài không thuộc về thế-gian. Và, “thế-gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài!” Đây có lẽ là nhận xét để đời, xuất từ nhà Đạo. Nói cho đúng, từ người viết lịch-sử Đạo, ở trong Đạo. Hoặc đúng hơn, là: người trong Đạo lại thích viết về sử. Bởi thế nên, ta có được nhiều giòng sử rất đạo mạo, nhưng chưa chắc đã phải Đạo.

Có đấng bậc trong Đạo, tuy không là sử-gia về Đạo, nhưng lại cũng viết nhiều điều về Đạo rất có lý, như sau:

Thánh Luca viết trình thuật về ngày Chúa Giáng Hạ là viết cho người đọc sống cùng thời. Có người hỏi: nếu thánh sử sống vào thời đại rất hôm nay, hẳn thánh nhân sẽ dùng văn phong cung cách khác hẳn thời buổi trước? Đúng vậy nên, người đọc và nghe trình thuật hãy cứ tưởng tượng một cảnh trí qua đó, thánh nhân tay cầm máy vi âm, miệng lưỡi hùng hồn kể những điều rất như sau:

Thập niên đầu thuộc thiên niên kỷ thứ ba, vị tổng thống đại cường quốc số 1 thế giới, đã nhân danh tư cách lãnh đạo toàn thế giới, quyết định lập tổng kiểm tra dân số để, nhân đó, điều tra về vũ khí giết người hàng loạt, do Taliban sắm tậu từ một nước Hồi giáo ở Trung Đông. Đây là lệnh tổng kiểm tra lớn nhất từ trước đến nay, trong thời gian gần đây, khi toàn thể thế giới vẫn lo ngại về một thế chiến sẽ bùng nổ rất sớm, nếu không kịp ngăn chặn.

Vì là kiểm tra kê đặc biệt, nên người dân mọi nước đều phải chuẩn bị về quê thôn làng của mình. Kẻ, thì tòng chinh nhập ngũ. Người, mua tậu vũ khí rất tối tân hy vọng có thể cầm cự qua cơn bĩ cực mong ngày thái lai. Ai nấy đều lo toan quay về chốn miền sinh sống cũ theo đoàn/nhóm ngôn ngữ, sắc tộc, và tín ngưỡng. Bởi, chiến tranh có thể bộc phát bất cứ lúc nào. Và, ngòi nổ chiến tranh có thể xuất phát cả từ thôn làng hẻo lánh, ở khắp nơi. Dù, thế giới thứ ba. Châu Âu hay là châu Á.

Trình thuật tiếp tục kể về nhân vật thuộc sắc tộc ngoại bang, đang lang thang rày đây mai đó, ở đâu đấy. Ông có gốc nguồn là dân tộc Do Thái. Thuộc gia đình lao động loại cần cù. Mọi người đều gọi ông bằng tên tục rất thân quen, bố già Giuse. Bố xuất thân tận đất miền làm việc chẳng từ nan, cũng theo lệnh trở về nơi chôn rau cắt rốn, để làm thống kê.

Cùng đi với ông có người vợ trẻ đang mang thai gần ngày sinh. Hai vị tìm mãi không thấy nơi nào thích hợp để ở cữ. Nói gì đến việc tìm nơi ở vừa tiện lại vừa túi tiền được. Theo lệnh của lãnh đạo ở cấp cao, nên bà con lũ lượt trở về, thi hành lệnh. Do đó, nhà trọ và khách sạn đều hết chỗ. Hiền mẫu trẻ, đành hạ sinh em bé rất hiền hoà, ở góc bụi. Nơi công viên ít người héo lánh. Bà tìm vội ba tấm vải thô làm tã lót quấn thân mềm của em bé. Cũng chỉ qua quít để Hài Nhi thấy bớt lạnh, ngày Đông giá.

Ở cạnh đó, thấy có đôi phần tử “tứ cố vô thân” thay nhau để mắt canh chừng kẻ làm hỗn. Hầu tránh khỏi mọi trục trặc xảy đến lúc tối trời. Chính vào lúc ấy, họ phát hiện ra bé em đang nằm gọn trên đôi tay bà mẹ trẻ. Mẹ vỗ về em bé với lời ru ời ợi, cạnh “Bố già” có dáng vẻ khá thấm mệt, dính bụi đường xa. Trước cảnh tượng ít thấy xảy ra, đám “bụi” lân la cùng mấy chú khuyển trông ngó bé em bằng cặp mắt rất thân thiện.

Với đám người “sống vô gia cư chết vô địa táng” chuyên “lang bạt kỳ hồ”, thì lệnh tổng kiểm tra có ghê gớm đến thế nào đi chăng nữa, cũng chẳng làm họ bận tâm. Điều, khiến họ bận đến tâm can hơn cả là: ngó chừng cho bé em qua được đêm dài nhiều trắc trở. Với họ, thân phận của bé em chắc rồi cũng sẽ đổi dời cả một thế hệ. Bởi, chỉ sự hiện diện của bé em thôi, đã đem lại cho họ cả một an bình họ tìm mãi, vẫn không thấy.

Kể từ đây, kẻ không nhà không cửa như họ, nay mới biết thế nào là niềm vui đích thực khi gần cận với bé em. Niềm vui ấy, nay thấm nhập thẳng tận tâm can khiến họ cứ đi đây đó mà kể lại cho bạn bè đồng trang lứa. Kể, để mọi người biết chuyện mà tìm đến. Tìm, để được bình an trong tâm hồn. Đến, để phổ biến tin vui an bình, Ngài vẫn hứa. Đồng giọng với họ, có đủ mọi giọng ca vang từ đâu đến hát khen những nốt nhạc, thật sự vui.

Càng vui hơn, khi mọi người nhìn được tận mắt ánh thân thương mẹ hiền nhè nhẹ trân trọng mừng đón cảnh tình của bé em. Điều đó, đủ chứng tỏ cho họ thấy Bé đích thực là Đấng mà mọi người đợi trông.

Càng vui nhiều, khi người người nhận ra sứ vụ của thiếu niên Giêsu nay khôn lớn, đã trở về thôn làng quê mẹ sống đời thầm lặng những lao động và lao động, nối nghiệp người bố đời từng là công nhân, tạm kiếm sống. Đến ngày “N” vinh hiển, Ông lại đã cùng đồ đệ và người thân đặt chân ghé viếng khắp nơi, từng xóm làng nghèo nàn hẻo lánh. Mỗi nơi, khắp chốn Ông cùng đoàn người thăm viếng từng nhà. Hỏi han từng người. Khuyến khích họ thực thi ý định của Cha, là tái lập cuộc sống có vui mừng thực sự. Biết yêu thương, giùm giúp hết mọi người.

Bạn bè người thân trong cùng nhóm với Người, từ khi ấy, cũng đã đi khắp đó đây phổ biến sứ điệp Chúa gửi gắm: Nước trời đã gần kề. Hãy trở về mà sám hối. Hãy sống cùng nhau dựng xây Vương Quốc của Chúa, ở trần gian. Ở nơi đó, người người sống theo cung cách lao động tuỳ khả năng, hưởng thụ tuỳ theo nhu cầu, rất Nước Trời. Cũng từ đó, sứ điệp Bình An của Nước Chúa, đã nhanh chóng lan toả khắp nơi nơi. Khiến mọi người đến với nhau, trong tinh thần hoà hoãn. Yêu thương. Đùm bọc.

Chính đó, là khúc gai nhọn thách thức giới cầm quyền, khiến họ cho người theo dõi. Cuối cùng, đám cầm quyền bèn sai ba quân đến, lấy cớ để điều tra, nhưng đích thực ra lệnh tống giam Người vào ngục tối. Sau đó đã cho người đến thủ tiêu, phi tang mọi bằng cớ. Để mọi người không còn biết Ngài là ai. Sao Ngài lại thế.

Nhà cầm quyền muốn triệt hạ Ngài bằng mọi phương cách gian giảo nhất. Nhưng ba quân cầm quyền chẳng làm sao ngăn chặn được làn sóng người từ khắp nơi nay nghe biết, đã bắt đầu thực hiện những điều Ngài dạy răn, cứ thế mà lan truyền học thuyết nhân từ Ngài chủ trương: lấy tình thương xoá bỏ hận thù. Học thuyết ấy, nay trở thành sự thật rành rành gắn chặt tâm can của con người.

Kể từ đó, mọi năm cứ vào ngày này, hậu duệ của Ngài ở khắp nơi cứ thế họp nhau mà mừng kính sự kiện “có một không hai” trên cõi đời. Gặp ai cũng thế, người người kể cho nhau nghe chuyện Giáng Hạ của Bé em mang tên Giêsu. Để rồi, mỗi lần làm thế, họ đều hiểu tường tận ý nghĩa của sự kiện Ngôi Lời Nhập Thể, nhập cả ơn lành bình an đến với những người được Chúa đoái thương.

Đi đâu cũng vậy, con cháu Ngài vẫn lập đi lập lại lời ca vang hôm trước, mà hát:
“Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."
(Lc 2: 10-14)

“Đừng sợ! Chính Ngài là Đức Chúa. Là, Đấng Cứu Chuộc muôn người!” Đó, là ý nghĩa của lễ hội Giáng Sinh. Lễ hội, mừng Chúa xuống thế làm người sống với ta. Thương yêu ta như anh em cùng nhà. Nhà Thiên Chúa. Nhà mọi người. (X. Lm Kevin O’Shea, DCCT Lời Chúa Sẻ San năm A nxb Tôn Giáo 2017)

“Đừng sợ!” không chỉ là ý-nghĩa và lời nhắn của việc “Chúa Giáng Hạ Làm Người”. Nhưng, còn là khẳng-định của Giáo hội gửi đến với mọi người, vào ngày lễ.

Lễ Giáng Hạ năm nay, không chỉ bao gồm mỗi lời nhắn đó, nhưng còn là và mãi mãi sẽ là lời quya3 quyết dành cho mỗi người và mọi người, rằng: Chúa Giáng Hạ, đem lại cho mỗi người và mọi người niềm vui khôn tả và miên trường. Ở mọi nơi. Rất mọi thời.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Quyết sống mãi
            Khẳng định này
            Vào mọi lúc.

Monday 16 December 2019

“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”



Chuyện Phiếm Đạo đời đọc trong tuần thứ 5 mùa Vọng 22/12/2019
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi”
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.
(Trịnh Công Sơn – Một Cõi Đi Về)
(Mt 28: 19-20)

Đi hay về, cũng đều lê chân bước. Có bước cao bước thấp, nhưng vẫn là “lê gót chân”, vẫn một lời. Lời ấy, của cỏ cây hay của cỏ lạ? Câu trả lời, chỉ gặp được ở bên dưới:

“Lời nào của cây lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa

Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tin h yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người

Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì.....”
(Trịnh Công Sơn - Một Cõi Đi Về)

“Một cõi đi về”, nay đã thấy. Thấy chăng? Thầy gì? Hay chỉ loanh quanh nghĩ vơ vẩn sau khi đọc bài viết của tác giả Cao Đắc Vinh ghi bên dưới?:

“Bố tôi là cụ già đang sống trên tuổi trăm năm. Cụ bình an ở cõi trần 103 năm tính đến năm nay Quý Tỵ 2013. Con số tuổi thọ của Cụ tiếp tục cao giống như lời chúc mọi người thường tặng nhau mỗi khi Tết đến, xuân về.

Bố tôi vẫn ăn được, ngủ được nên gọi Cụ là "Tiên giáng trần" theo như câu vè lưu truyền trong dân gian: "Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo..." nhưng thực tế, Cụ vẫn là "người" nên chẳng thể nào tránh khỏi cái chân lý sinh lão bệnh... của kiếp ba sinh. Một người già sống đến trăm tuổi nếu còn khỏe mạnh thì cũng chẳng khác cỗ xe cũ là mấy! Động cơ hao mòn, lúc chạy lúc ngừng tùy theo thời tiết nắng mưa... Bố tôi cũng đang bước qua chiếc cầu khổ đau của bệnh tật và thường hay than thân trách phận: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!"

Sống trăm tuổi chắc chắn bệnh tật phải xếp hàng chờ đợi, không nặng thì nhẹ... Có điều là ở đời, nếu ai may mắn ít bệnh nan y lại hay tạo ra cảnh "Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột". Bố tôi chẳng phải ngoại lệ! Mỗi khi trời buồn đổ mưa, cho dù thuốc men đầy đủ, con cái cũng vẫn nghe tiếng Cụ rên rả rích như tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà! Cụ không còn đủ sức tự chế để an hưởng phúc lợi mà trời ban riêng cho mình ở tuổi "bách niên," có lẽ vì ít thấy cảnh khổ của kẻ khác nên hay bực dọc với bất cứ bất an nhỏ bé nào đến với mình.

Quan sát tuổi già của Bố, tôi nghiệm thấy một sự thật đơn giản là con người ngoài số mệnh sẵn có, sống thọ và ít đau yếu còn nhờ vào sức mạnh miễn nhiễm của cơ thể. Qua bao chu kỳ bốn mùa, hết xuân lại vào thu với dị ứng, cảm cúm rình rập, Bố tôi chẳng lần nào chích ngừa mà vẫn khỏe, vi khuẩn vô tình xâm nhập tấm thân già ấy cũng phải tàn lụi vì hợp chất kháng thể. Mùa đông vừa qua, bệnh cúm hoành hành khắp các tiểu bang...

Tôi đến thăm vào một buổi trưa, bàng hoàng thấy Cụ lâm trọng bệnh. Cụ ngồi ở "sofa", cặp mắt cá ươn lạc mất hồn, mê man nên không than thân như thường lệ! Ói mửa trên người, nước mũi chẩy xuống áo quần, hơi thở ngẹt vì đờm trong cổ làm cả nhà sợ hãi. Anh cả lên tiếng phiền hà em lơ đãng quên chích ngừa cho Bố, em trách anh biết lo xa, thế mà lơ là chẳng giúp? Bác sĩ khám bệnh và kê thuốc ho qua loa, ngạc nhiên chỉ một tuần sau, Cụ bình phục rồi những lúc sảng khoái lại líu lo như chim xuân đang về.

Rượu mạnh Cognac, Whisky... hết còn thích hợp với sức khỏe của Cụ nhưng thỉnh thoảng ăn miếng thịt bò cơm Tây hay "seafood" cơm Tầu thì vẫn nhâm nhi một ly vang đỏ. Bạn bè Cụ đa số đã ra người thiên cổ chỉ còn vài ông bạn già tuổi kém gần thập niên hay một con giáp. Ở tiệm ăn, có người nhận ra Cụ, vui mừng đến chào hỏi nhưng bẽ bàng vì Cụ dửng dưng không còn nhớ kỷ niệm nào với họ...

Tiên sinh Tú Xương một thời đã than, "Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta! Bỏ được thứ nào hay thứ đó..." Bố tôi thì chẳng muốn bỏ thứ nào cả nhưng hoàn cảnh ở Mỹ bây giờ hấp dẫn chỉ còn mỗi mục "trà" nên đành phải lấy cà phê, thuốc lá làm thú giải khuây. Ngồi buồn một mình, Cụ đốt liên tu bất tận, một ngày một bao thuốc như chơi và phân trần khói thuốc hút vào lại thổi ra như còi tầu, có nuốt vào phổi đâu mà sợ độc hại?

Nếu tôi cắt nghĩa về ảnh hưởng của khói thuốc đối với con cháu trong nhà thì Cụ nghĩ tôi gây chuyện làm khó rồi lẳng lặng vào phòng đóng cửa hút, khói bay mù mịt. Cụ uống cà phê đen có đường thay nước! Mỗi ngày hai ba lần, tôi pha từng đợt để giữ mùi thơm và độ nóng rồi mang ra "patio" chỗ Cụ ngồi cùng với vài điếu thuốc lá. Hút xong là hết cho ngày hôm đó, mục đích hạn chế liều lượng và kiểm soát Cụ thì mới yên ổn sống chung được...

Bữa ăn ngon lành nhất của Cụ là "phở gà phao câu" hay "hủ tiú sa tế". Ăn "steak" thì có Norm s Restaurant trên đại lộ Beach nhưng phải chờ thứ sáu đặc biệt có món súp "clam chowder" mà Cụ thích! Nói chung, Cụ chỉ chuộng những món thuộc loại "kinh dị" chẳng hạn sa tế có nước dừa kẻ thù của cao mỡ, "clam chowder" có "cream" mà người Mỹ thường phải bỏ bớt % "fat" và cuối cùng là cái của quý "nhất phao câu nhì đầu cánh" vì cục mỡ vàng ở đuôi con gà...

Hôm nay Cụ đã ăn món này thì mai ăn món kia. Đi không vững, phải dìu từng bước nhưng tính thích đi chơi nên nếu biết sẽ được đến những nơi ấy thì bỗng nhiên Cụ trở thành "em bé" dễ bảo. Do đó tôi thường dùng "chiêu" này để "dụ" Cụ đi tắm, thay tã và quần áo vào buổi sáng đến chăm sóc.

"Cơm hàng, cháo chợ" ăn quen đến nỗi, vừa đến cửa tiệm phở Quang Trung hay hủ tiếu Triều Châu là đã nghe mấy cô cậu làm việc ở đấy kháo nhau ầm ĩ khi hai cha con tôi khập khiễng bước vào: "Bố đến! Phao câu bánh tươi hành trần..." Những người trẻ ấy, lứa tuổi cháu chắt của Cụ nhưng sống bên Mỹ lâu năm, ít nhiều đã quên phép tắc thưa gởi đúng đắn nên chúng tôi chỉ biết cười xòa, miễn sao vui cửa vui nhà và nếu vui cả bà con cửa tiệm thì... càng vui hơn.

Hôm nào ngon miệng, Cụ có thể ăn hết tô phở nhỏ, tay cầm từng miếng phao câu da vàng mỡ, nhai chậm rãi rồi lọc ra cục xương nhỏ, cả thẩy là 7, 8 cái "đít" gà... có khi bùi béo quá, vô ý Bố rớt cả hàm răng giả ra ngoài! Tôi nhìn quanh, lo cho những người ngồi gần bàn mình, thấy cảnh ít thẩm mỹ này sợ họ ăn mất ngon nhưng chẳng ai để ý và phiền trách một cụ già. Biết Bố còn thích ăn tiệm nên buổi trưa nào gặp nhau, dù có vất vả tôi cũng coi như bổn phận, vui vẻ dắt Cụ cùng đi.

Tuổi già xương yếu, đi đứng khó khăn nên Cụ ngồi nhiều sinh ra chứng bệnh táo bón. Cằn nhằn mãi mà vẫn chưa tiêu, uống 2 viên thuốc nhuận tràng "Bisacodyl" không thấm, tự động Cụ lấy thêm 3 viên nữa... Kết quả là tiêu chẩy tung tóe từ phòng vệ sinh đến phòng ngủ và mấy chị em tôi phải giặt giũ, dọn dẹp nửa ngày chưa xong!

Mặc dù phải dắt Cụ từng bước vì lỡ té ngã thì khổ cả nhà nhưng mỗi khi thấy quý bà đến gần hỏi thăm là Cụ tự ý chống gậy đứng một mình, tay đút túi quần ra cái điều vẫn "ngon lành", còn "gân", độc lập, tự chủ không cần ai. Trò chuyện qua loa, các bà thường hay ban tiếng khen vô thưởng vô phạt, Bố tôi tức thì nhăn mặt đáp lễ với lời than thở: "Dạo này, yếu lắm không khỏe!". Tuổi già đau nhức kinh niên, "ỉ ôi" mong đợi sự cảm thông chia sẻ của quý bà.

Chuyện "lấy le" nhỏ như "con thỏ" ấy đôi khi thành to trên đường phố xứ người, gây ra nhiều hiểu lầm với dân Mỹ sẵn bản tính trọng đãi người già! Ở những chốn ăn chơi như Las Vegas, Big Bear... Cụ muốn chống gậy khập khiễng đi một mình một phố, "complet" "cravate" đầy đủ chỉ cần phong độ và dáng dấp "ngầu" thuở xưa nữa là xong! Cứ "lê" một bước, Cụ lại đứng nhìn... Tôi cũng phải "lết" theo Cụ canh chừng.

Mỗi lần thấy Cụ chậm chạp quá! Tội nghiệp tôi lại gần khoác tay, dắt Bố để cha con cùng đi bên nhau thủ thỉ cho ngày dài thêm ý nghĩa thì Cụ đuổi thẳng thừng: "Đi, đi! Cứ đi trước đi! Ông để mặc tôi..." nhưng đi trước là đi đâu? Thành ra hai cha con cứ đứng giữa đường, kẻ trước người sau ngơ ngác lo cho nhau như đang diễn tuồng! Khách bộ hành không quen cảnh tượng ấy, ái ngại nhìn hai người như muốn hỏi: "Whats going on?". Cuối cùng, có ông Mỹ cả nể đến gần hỏi han thì Cụ "nể cả" với nụ cười "ngoại giao" ròn tan, lịch sự líu lo "xổ" tiếng "Phú lang xa" và lẽ dĩ nhiên, tiếng Mỹ tiếng Pháp loạn xạ, chẳng ai hiểu ai rồi ngượng ngùng "Oui Monsieur", "Bye Bye" đường ai nấy đi!

Lúc đó, tôi chỉ thấy chán nản vì bất lực... Bố con đi chơi chẳng vui mà như mắc nợ, hành tội nhau khổ sở. Tính tình như thế nên Cụ không bao giờ thích ngồi xe lăn, lần nào mang xe đi cũng lại vác về ngoại trừ những chuyến đi chơi xa, miễn cưỡng chẳng đặng đừng, Cụ mới chịu "lép vế" an tọa, chờ người đẩy.

"Bách niên" sống lão thì nhân sinh lại quay về điểm khởi đầu nên thân già co cụm trong tâm hồn trẻ thơ là chuyện thường tình. Trời cho Cụ bản chất lạc quan, sức khỏe đặc biệt hơn người cho nên cản trở lớn nhất của Bố tôi đối với gia đình là tính kiêu căng vẫn còn sót ở tuổi già đang quay lại thời "tuổi thơ": giỏi nhất, kinh nghiệm nhất, thông minh nhất, đội đá vá trời... chỉ vì cái tự cao "chủ nghĩa" lẩm cẩm. Bề ngoài giao tế tỏ vẻ "trịch thượng" nhưng nếu tự vấn lòng, khó ai biết sự thật Cụ nghĩ gì? Ai lỡ yêu thương, vồn vã chăm sóc thì Cụ làm cao, "ăn hiếp" đến "tắt thở" rồi cuối cùng phải dùng đến "đòn phép" mới được yên thân và ngược lại, đứa con nào thờ ơ, không để ý đến Cụ cũng phải nghe phiền trách mỗi khi giáp mặt.

Bên cạnh Bố, tôi thường nghe Cụ than, "Lạ nhỉ! Suốt đời, tôi có ăn ở tệ bạc với ai đâu mà chúng nó đối xử như người dưng nước lã..." nhưng thực tế, từng ấy người con mỗi đứa một tính giống như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Cụ nghĩ đến "ngón ngắn" vì "thiếu thốn" nên ưu tiên lưu ý đứa "ghét" Cụ hoặc chẳng may bị Cụ ghét, còn đứa thương ví như "ngón dài" đã "đầy đủ" thì Cụ thờ ơ, ít để tâm suy nghĩ. Nói cho cùng, nếu ai lỡ "ghét" cũng do tính tình khó khăn của Cụ vì mỗi lúc không đúng ý là Cụ la mắng và giận hờn nên đa số chán nản, tránh xa phiền muộn do Cụ gây nên để tìm sự bình yên cho riêng mình.

Bố tôi tuổi Thân đã qua hơn 8 lần con giáp! Theo tử vi, bản tính tự cao, tự đại một phần do cái số cầm tinh con khỉ (?). Xin lỗi người tuổi Thân... Tôi nêu ý nghĩ ấy bởi vì đôi lần muốn tìm lại một nơi chốn cũ, Cụ ngồi trên xe vẫn dõng dạc chỉ đường cho tôi nhưng đường nào thì cũng chỉ là bánh vẽ của một ký ức "mù mịt khói sương"...

- "Đi lối này gần! Ông đi lối kia vòng co tam quốc, mất thì giờ chẳng ăn thua mẹ gì, chán quá! Cứ theo tôi. Đấy đấy..." Nghe theo cái "GPS" "cảm tính" kém chính xác của Bố, lái xe quẹo Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc loạn xạ cho nên lần nào xe cũng từ từ đi vào ngõ cụt... Đến khi bí quá thì lại nghe Cụ "phán":
- "Quái lạ! Bây giờ nó sửa đường và xây cao ốc tối tân không còn nhận ra ất giáp gì nữa cả?".

Nhiều lúc tôi phát điên, trả lời Cụ:
- Bố ơi! Nhà mình có phước hay vô phước hả Bố? Người ta nói: con hơn cha là nhà có phúc mà Bố cứ nhất định đòi giỏi hơn con thì gia đình mình đến thời mạt rệp... à?

Tuy nói thế, nhưng tôi hiểu mọi sự trên đời đều là hình ảnh một đồng tiền hai mặt, úp và ngửa, có trái thì có phải, cái "phải" nằm sẵn trong cái "trái"... Dù tuổi già "ba hoa", Cụ đã tạo chút không khí ngang ngạnh đáng tiếc nhưng xét kỹ... lại vui vì đó chính là giờ phút hạnh phúc mỗi lúc Bố con gặp nhau. Cụ khỏe mới đi chơi, thể lực mạnh mới xông xáo bầy tỏ đôi ba chuyện "hoang tưởng" vu vơ! So sánh còn thấy hạnh phúc hơn nhiều những lần khác, ốm đau Cụ nằm một chỗ, co rúm im lìm trên giường thì gia đình còn khổ và lo âu đến chừng nào!

Tính tình Bố tôi ở tuổi này thay đổi từng giờ, đang vui đã giận và chưa giận đã cười. Vì thế sống gần Cụ, nên hiểu tâm trạng ấy và đừng để "stress" họa vào thân. Đó là kinh nghiệm đáng ghi nhớ của tôi vì lúc đầu chưa biết rõ hoàn cảnh, tôi đã trải qua giai đoạn thật vất vả lao đao!

Dù sao, cảnh đời cô đơn của Bố cũng rất đáng thương! Mọi sinh hoạt như ngừng lại từ lúc các bạn cố tri lần lượt ra đi và Cụ tiếp tục sống trong tuổi già quên lãng. Ngày ngày, tuy có người trông coi nhưng Cụ vẫn thân một mình, ngồi tự vấn sự đời vẩn vơ... Chờ đợi mòn mỏi đứa con nào đoái thương thân già, thăm hỏi rồi dắt đi ăn uống là một ngày vui ngắn ngủi vì dưới mắt Cụ thời gian hội ngộ luôn qua nhanh. Giờ phút chia tay lần nào cũng nghẹn ngào!

Tôi thường phải nói dối Cụ đi làm "ca" đêm để về với vợ con và lại nghe câu hỏi quen thuộc: "Mấy giờ về... để tôi đợi?". Bố hẹn con tái ngộ ngày mai nhưng ngày mai nào ai biết sẽ đến hay không? Chẳng may có thể là lần cuối (?)! Hai Bố con lặng nhìn nhau lưu luyến như bóng chiều ngập ngừng sắp trôi vào giữa bóng đêm...

Ý thức ngày vĩnh biệt không tránh khỏi nên mấy năm gần đây, tôi đã thu gọn đời sống để tận hưởng niềm vui mong manh bên cạnh người Bố già. Tự nhủ lòng những ngày vui qua mau và giây phút cuối đang đến gần! Cố gắng sống trọn yêu thương với đạo lý hôm nay để lòng thản nhiên trước cảnh tử biệt sinh ly ngày mai... Nếu phải nghìn trùng xa cách từ đây, Bố con sẽ nhìn nhau "an phận" không tiếc nuối như ngày tiễn Mẹ ra đi.

Giống tôi lúc xưa còn bé, đi đâu bây giờ Bố cũng muốn theo vì cuộc đời Cụ cô đơn, lẻ loi và chẳng còn nhiều ý nghĩa! Kỷ niệm những mùa hè, Bố và tôi sống bên nhau trong ngôi nhà miền núi giữa đồi thông... Quên sao được con đường chiều dạo quanh bờ hồ Big Bear, chúng tôi dìu nhau đi giữa cảnh hoàng hôn, mặt hồ chiếu rọi tất cả bầu trời nắng quái vàng cam mang chung ý nghĩa về tính vô thường của một kiếp người: mới hôm nao Bố giúp con vào đời thế mà hôm nay, cả hai đã già cùng sống trong một thành phố xa lạ miền cao nguyên, ảm đạm chẳng khác gì cảnh chiều tắt nắng trên mặt hồ...

Những nơi chúng tôi đã đi qua, khách thập phương thường tỏ sự ngạc nhiên về Cụ. Người Mỹ, người Pháp, Nhật, Đại Hàn... đều ngừng lại thăm hỏi và ngưỡng mộ về lối sống của Bố tôi vì ít ai ở tuổi "bách niên" mà còn lom khom đi lại, ăn uống trên đường phố ở chốn phồn hoa đô hội. Ngày nào, nếu Quý vị thấy một cụ già chống gậy, lưng còng, nắm tay một người trẻ đi vào một nhà hàng trên đại lộ Bolsa thì nhiều phần chính là Bố tôi đó. "Sau này... sẽ nhớ mãi những giờ phút này!" Đó là lời bà Bùi Bích Hà, một nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng của Việt Nam nói với tôi đã lâu.
           
Sống với Cụ thân sinh thọ trăm tuổi, tôi lĩnh hội được nhiều điều hay để biết ơn và sửa đổi. Sinh ra vào đầu thế kỷ 20 nên nhân sinh quan của Cụ nhiều phần khác với thời đại hôm nay chẳng hạn quan điểm về hôn nhân, dân chủ hay câu nói "nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản" đối với gia đình, xã hội... Đã là người thì "nhân vô thập toàn" sẵn mang những khuyết điểm, đáng quý là biết nhận ra mà tránh được. Cha con sinh ra cùng một dòng giống nên bản chất hay tính tình là cái di sản "đồng lần"... Sống bên cạnh Bố, tôi thường suy tư vai trò làm cha đối với các con tôi để tự sửa đổi chẳng hạn tính nóng giận, lạc quan vô cớ và cố quên cái "ta" chấp ngã... Tôi cảm ơn người di truyền sang gia đình tôi cái "gen" khỏe mạnh "vượt thời gian và không gian", lòng trắc ẩn, tính vị tha mau quên và một tâm hồn nghệ sĩ nặng tình dân tộc...

Suy ngẫm chân lý của người xưa: "Anh em kiến giả nhất phận" đến khi sống chung với các đấng sinh thành trời cho tuổi thọ, chúng ta còn nhận rõ một sự thật không mấy vẻ vang! Anh chị em một nhà khi khôn lớn, tình nghĩa đổi thay bất ngờ... Với cha mẹ già cần chăm sóc là một nhiệm vụ, vừa thiêng liêng vừa khó khăn nên câu ca dao "Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người thực hư" đã giúp hiểu rõ tính nết của từng người: có anh ích kỷ, có chị lợi dụng, có em ỷ lại... hoặc người này tốt, kẻ kia xấu minh bạch như ban ngày. Những lời rao giảng cao đẹp chẳng hạn: đoàn kết, vị tha, công bằng bác ái... mãi mãi nằm yên trong sách vở. Con nào cũng yêu thương cha mẹ nhưng qua miệng lưỡi thường bầy tỏ hơn 7 lần nên khi hành động chỉ còn 3...

Thuở mới di cư sang Mỹ, cạnh nhà tôi có ông hàng xóm tuổi trung niên khi xưa là đại úy cảnh sát. Qua lại thân thiết nên chúng tôi mời ông sang dự bữa tiệc sinh nhật đứa con đầu lòng. Tình cờ gặp bố tôi, ông nhớ đến bố ông, mừng tủi như sắp khóc rồi đứng giữa nhà bếp, trước bàn ăn đông đủ mọi người, cảm động ông phát biểu:

- "Anh chị may mắn quá! Ráng mà hưởng phúc đức... Bố tôi nếu còn sống mà ngồi "i.." ngay giữa nhà này một bãi, tôi cũng vui sướng hốt chùi không la lối hay than phiền lời nào..."

- "Vâng... giữa sàn "nhà" tôi (!) và chỉ "một lần" thôi nên ông nói vậy!". Nghĩ cho vui nhưng không nói ra vì tôi tin là ông đã trình bầy sự thật của lòng mình theo cảm hứng vào thời điểm đó. Tiếc thay, sự việc sẽ mất tính "cao thượng" khi thêm vào hai yếu tố: nhân bản và luận lý. Đây là trường hợp tiêu biểu "nói dễ làm khó" bởi vì nếu mỗi lúc, mỗi ngày rồi mỗi tháng bố ông "hành hạ" ông kiểu này thì ý kiến ấy sẽ không còn vững bền. Chẳng bao lâu, vài năm sau đó, tôi không biết buồn hay vui khi nghe tin ông hàng xóm đã sớm quy tiên và gặp lại bố ông ở cõi thiên đàng...

Mỗi tuần, tôi lãnh phân vụ trông coi Bố tôi 2 buổi từ sáng đến chiều nên dù hưu trí đã 2 năm nay, tôi cũng chưa dám phác họa một chuyến du lịch xa. Hôm nay, xin ghi lại mẩu đối thoại ngắn như kỷ niệm của Bố con tôi qua câu chuyện: "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm".

- Chào Bố! Con mới "đi làm" về. Bây giờ 9 giờ rưỡi sáng, Cụ ngủ dậy hôm nay có khỏe không?
- Khỏe cái gì mà khỏe cơ chứ! Ông không biết à? Nó bảo tôi mặc quần áo để đi Sơn Tây, ra đây ngồi đợi mãi. Nó lừa... đi mất rồi!
- Bố ơi! Bố phải để chị ấy "đi làm" chứ! Bố cứ đòi theo thì họ phải nói dối... Nếu Bố muốn lúc nào cũng có bạn bên cạnh thì phải chấp nhận vào ở trong viện dưỡng lão thôi! Hôm nay có con ở với Bố nè...
- Thôi thôi... đừng nói nữa, cảm ơn ông! Tôi biết các ông bà tốt với tôi lắm rồi! Cá mè một lứa... cả đám.
- Hôm nay, Bố muốn ăn gì nào?
- Ăn gì cũng được! Ăn cho no chứ béo bở, ngon lành gì mà cứ hỏi mãi...
- Ok! Vậy thì bánh mì Cali hay bánh cuốn Tân Hồng Mai nào.
- Bánh mì chỉ có ông ăn chứ tôi nhai sao được! Răng đâu mà nhai? Bánh cuốn tôi ăn rồi... khô lắm! Tôi phải có cái gì lỏng... mới dễ tiêu.
- Thế tại sao Bố bảo ăn ở đâu cũng được? Vậy thì "phở gà phao câu" được không?
- Đâu cũng được! Phở gà ăn ở cái tiệm cũ kia! Tôi quen ở đó... Chỗ mới bây giờ làm tồi lắm...
- Lần trước Bố vừa khen, thế mà... lại chê rồi! Không sao... Bố muốn đi đâu mình đi đó.
- Thôi bây giờ mình đi tắm, thay quần áo rồi Bố con đi ăn phở nhớ...
- Tôi vừa tắm xong! Đây này, áo quần vừa thay... mới cả! Có gì mà phải thay mãi thế?
- Mới tắm mà sao "khai" thế này? Bố không tắm thì mình không đi...
- Ông chờ tôi nhớ! Đừng đi như "con" kia...
- Con ở đây tắm cho Bố mà... Làm sao Bố tắm một mình được?
            - Ông cẩn thận cái áo này của tôi... nó có tiền! Vô ý là hết cả... Sơn Tây.
- Đây! Con treo trước mặt cho Bố thấy... Không ai vào lấy... Thấy chưa? Yên tâm nhé!
Không ai lấy! Hừ... Mất hết cả rồi mà ông còn nói... không ai lấy! Mất trâu rồi mới lo làm chuồng... Chán quá!
- Sao Bố ăn phở gà hôm nay có ngon và no không?
- Ngon? Ăn mà không ngon thì ăn làm gì? Hỏi vớ vẩn, hừ... No! Đã ăn tiệm thì phải no chứ... lại còn đói à?
- Bây giờ cà phê nhá!
- Cà phê chứ còn gì nữa... Ông ngừng mua bao thuốc lá cái đã. Hết rồi!
- Còn mà! Con vẫn còn nửa bao nhưng Bố chỉ hút hai điếu thôi nhé!
- "Uẩy"! Cho bao nhiêu thì hút bấy nhiêu. Miễn có hút là được.
- Bây giờ vào nhà con pha cà phê, ngồi ngoài "patio" uống cà phê hút thuốc. Ấy... Bố đi đâu vậy?
- Tôi ghi số xe để ngày mai khi cần tôi "gọi" cho ông chứ nếu không lại đói... chẳng có đứa nào chở đi ăn. Viết cho tôi số... May mà có ông thương thân già này nên còn giúp đỡ tôi.
- Bố lộn rồi! Số téléphone chứ không phải số xe. Vào nhà con ghi cho...
- Sao Bố buồn vậy? Ngủ một giấc trưa đi... cho khỏe.
- Tôi thấy đời vô nghĩa, không muốn sống nữa! Phiền hết con cái... Hôm qua, xin nó hai viên thuốc, bảo uống rồi mai không dậy nữa... thế rồi chắc liều lượng nhẹ quá, chẳng ăn thua mẹ gì! Sáng nay vẫn chưa chết...
- Thế Bố còn muốn đi Sơn Tây không?
- Muốn lắm chứ! Chỉ có 2 tiếng ngồi xe lửa là đến nơi mà không đứa nào nó dắt đi. Con với cái... Khổ cái thân già này! Nó hứa nhăng hứa cuội nhưng tôi có cách... "Moa" bàn với "toa" chuyện quan trọng này nhớ! "Moa" cần 2 ngàn để đi về Sơn Tây. Đến nơi rồi "moa" sẽ trả lại.
- "Toa" trả "moa" bằng cách nào?
- Mấy bữa nay, "moa" nghĩ ra cách kiếm tiền rồi! "Moa" về Sơn Tây mở lớp dậy tiếng Pháp cho người ta học... Thế nào cũng có nhiều "sìn".
- Bây giờ tiếng Anh chứ có ai nói tiếng Pháp nữa đâu Bố ơi là Bố!
- Thế thì tôi về Hà Nội... lại làm giây thép Bưu Điện vậy.
- Bố già lụ khụ... đi không vững! Ai còn muốn mướn Bố.
- Già? Hừ... Đói thì cũng phải cong đít mà làm chứ ai nuôi?
- Nếu có ai dắt Bố về Sơn Tây thì con mới cho Bố mượn tiền. Bố không đi một mình được! Hơn nữa đi xe lửa không bao giờ đến! Bố phải đi máy bay, Bố quên rồi à?
- Sao lại không được! Xưa nay tôi vẫn một mình chứ hai mình bao giờ? Đi xe lửa mà lại... Hừ... Ai bảo ông thế! Người ta vẫn đi hàng ngày mà nói láo... Chỉ nói láo là giỏi! Hay là ông không muốn cho tôi mượn tiền nên ông nói nhăng nói quậy? Thôi... Tôi hiểu ông rồi! Thân già này chẳng còn nhờ cậy ai được. Con với cái... Đồ mất dậy!
- Ấy chết, sao Bố lại nói con thế! Chán thật...
- Ông chán tôi từ lâu rồi chứ có phải bây giờ đâu?
- Thôi con đi làm nhớ!
- Vâng! Ông đi... Mấy giờ về?
- Con không về nữa vì Bố chửi con rồi...
- Tôi chửi ông hồi nào? Ông chửi tôi thì có! Chỉ giỏi ăn hiếp người già!
Bố tôi nói thế rồi quên ngay và ngày mai câu chuyện lại tiếp tục với những cuộc đối thoại vui buồn không dứt! Có tính mau quên và chẳng coi ai là kẻ thù nên vì thế Cụ sống lâu chăng? Dù sự ăn uống chút phần khả quan nhưng tinh thần của Bố tôi cũng đã suy sụp nhiều so với năm ngoái! Chân đi không vững và đầu óc hoang tưởng, vui buồn bất thường... Như đã nói ở phần trên, người già không mắc phải bệnh này cũng mang chứng bệnh kia. Thuốc men chỉ đỡ mà không chữa lành.

Bố "đi" mãi và tôi cũng mong Cụ quên "về" với Mẹ tôi nhưng thực tâm, ai cũng biết rằng tất cả chuyện đời đều phân chia sẵn ranh giới nên mỗi khi ra ngoài giới hạn đã định, chúng ta đều có cái giá phải trả! Người xưa vẫn thường nói: "Bách tuế vị kỳ" mà...

Bố tôi và các con của Cụ đang chia sẻ hạnh phúc và khó nhọc, mỗi ngày một khổ hơn vì thế người nhiều kẻ ít tặng Cụ thời giờ và tình thương để mong Cụ hưởng những mùa xuân êm đềm còn lại trong đời.

Qua kinh nghiệm "Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm" vừa trình bầy, thực tâm tôi không muốn sống trường thọ đến tuổi "bách niên" để phải trả giá dù nhẹ hay nặng bởi vì sự việc đó chắc chắn sẽ liên hệ đến các con và người thân của tôi sau này... khổ đau sẽ nhiều hơn hạnh phúc! Tuy nhiên, muốn là một chuyện, không ai trong chúng ta tránh khỏi số mệnh đã an bài...

Cuối cùng, liệu chúng ta còn nên chúc nhau câu "Bách niên giai lão" mỗi khi xuân về nữa không? (Cao Đắc Vinh – Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm – bài viết ghi trên mạng vi tính)

Sao cứ gọi là “ghi trên mạng”, mà không phải báo giấy hoặc báo đạo rất vi tính? Ghi trên mạng, là ghi làm sao? Ghi lúc nào? Làm sao đọc được? Ấy thế, bạn và tôi, nếu thích ta cứ liên hệ với vi tính, với “mạng” rồi tha hồ mà “chit chat” với người viết.

“Ghi trên mạng” còn có nghĩa: hãy vào vườn hoa ghi Lời Đấng Thánh Hiền, đọc những lời ở dưới, bảo rằng:

            “Vậy anh em hãy đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
            (Mt 28: 19-20)

Ra đi như thế, chắc chắn bạn và tôi sẽ nắm được thành công, trong cuộc đời .

            Trần Ngọc Mười Hai
            Những muốn thành công
            Mãi như thế
Suốt đời mình.