Sunday 24 April 2011

“Người em gái đứng im trong hồi lâu”

“Tôi ngập ngừng lòng muốn nói đôi câu.”

(Văn Phụng – Suối Tóc)

(Mt 6: 33)

Những lúc ngồi buồn rảnh rỗi, bần đạo thường hay nghĩ ngợi viển vông, mông lung, thấy rằng mình cũng từng ”ngập ngừng lòng muốn nói đôi câu”, với bầu bạn. Về nhiều thứ. Về cái hay, cũng như cái dở của bần đạo, để bạn bè biết mà xa lánh. Chí ít là dạo gần đây, bần đạo không những chỉ ít nói mà còn hay quay về với tật xưa thói cũ, cứ là truy tầm/lục lọi những tâm tình nhè nhẹ trong xấp dĩa nhạc nằm ẩm mốc trên ngăn kệ. Truy và tầm, để còn tìm ra ba câu hát làm nhẹ mát cõi đời tất bật, rất từ lâu.

Qua truy tầm, bần đạo lại bất chợt nhận được ơn lành ở giòng chảy rất nhẹ của người nghệ sĩ thân thương nay khuất bóng. Thân thương người nghệ sĩ luôn nở nụ cười trong sáng khi ông chơi nhạc đệm cho vợ hiền mình đứng hát khúc nhạc thướt tha một giòng chảy đầy ý nghĩa:

“Xin cho suối nước non ngàn tìm đến nhau.

Như chúng ta đôi lần hàn gắn thương yêu.”

(văn Phụng – bđd)

Hôm nay, bần đạo lại cũng “tìm đến nhau” với đám bầu bạn thân quen còn khá ít, không chỉ để “hàn gắn (những) thương yêu”, mà là trao cho nhau những khoảnh khắc rất riêng tây, hầu tiếp nối đôi ba tình tự nghe rất nhẹ như ca từ đầy tình tứ, ở bên dưới:

“Lòng tôi muốn viết lên đôi vần thơ.

Hay cung đàn cùng nét bút tranh hoa.

Xin em biết nhé cho tình hai chúng ta.

Trong ý thơ, cung đàn và suối tóc mơ.”

(Văn Phụng – bđd)

Viết lên đôi vần thơ” cho nhiều người trong chúng ta, có nét bút. Cung đàn. Cùng tranh hoa, suối tóc nhẹ và cũng mềm như cuộc tình của đôi lứa, rất riêng tây. Niềm riêng đó có thể là tâm tình của bạn bè từng xa rời tình thơ, nay vẫn thấy dẫy đầy ở ngoài đời hay trong Đạo! Tình thơ người nghệ sĩ viết, có còn thấy ở nơi thiên nhiên êm đềm mà tác giả, từng diễn tả?

“Tôi muốn đưa em qua miền giòng núi xanh.

Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm.

Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền.

Nhưng Thu qua không trong như đôi mắt em.”

(Văn Phụng – bđd)

Chao ôi, là đời người. Một đời từng đưa dẫn người em thân yêu đến tận chốn miền vẫn rất xanh, để thăm con suối dịu êm mà chỉ thấy mỗi “Thu không trong như đôi mắt em” hiền hoà, kể cũng lạ. Còn lạ hơn, ở chỗ: người đời hôm nay cũng từng mời bạn và mời tôi, ta hãy về với thiên nhiên mà thưởng thức những giây phút có Trời, có đất có tất cả tình tự ấm êm, dịu hiền như nghệ sĩ bảo:

“Tìm cho thấy liễu xanh-xanh lả lơi

Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai.

Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai.

Tôi với em một đêm Thu êm ái…”

(Văn Phụng – bđd)

À thì ra, nghệ sĩ nhà mình vẫn muốn “tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi” nơi thiên nhiên có núi miền đều rất xanh. Hay nơi nào đó, có “hình bóng ai trong khoé mắt rất u hoài người em thương yêu dạt dào suối tóc trong xanh, hiền lành. Óng ả. “Tìm cho thấy Liễu Xanh – Xanh Lả Lơi” là việc của nghệ sĩ ngoài đời. Thế nhà Đạo hôm nay, có “tìm cho thấy Liễu Xanh – Xanh Lả Lơi” ở đâu không? Hay vẫn cứ ngơ ngẩn tìm Người ở chốn Nhà thờ/nhà thánh, đáng kính chăng?

Xét cho kỹ, hẳn người người rồi cũng thấy dân con Đạo mình vẫn cứ tìm và cứ kiếm “Liễu Xanh – Xanh Lả Lơi” ở nơi tôn nghiêm chốn Nhà Thờ. Nhà thờ, hiểu theo nghĩa những dinh và thự nguy nga cõi phụng thờ mà thôi, nhưng còn là Hội của các thánh hiền lành, công chính. Thánh thiện.

Còn nhớ, có lần Thày Chí Thánh vẫn nhắc nhở dân con/đồ đệ của Ngài, rằng:

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước

và đức công chính của Người,

còn những thứ khác,

Người sẽ thêm cho.”

(Mt 6: 33)

Khẳng định của Đức Chúa từng gợi hướng dẫn đoàn người dấn bước thăng trầm theo chân Ngài về muôn lối, chốn thánh thiêng. Hôm nay, lời dặn ấy vẫn vang vọng khắp muôn nơi mà sao thánh Hội Đạo mình vẫn cứ tìm và cứ kiếm “Nước” ở đâu đó trong khi Nước đó cứ sờ sờ ngay trước mắt, mà không thấy. Thời bây giờ, “Liễu Xanh – Xanh Lả Lơi” đâu còn đóng khung cô lập một mình ở khuôn viên phụng thờ, nào đâu nữa mà “tìm cho thấy”. Đấy rồi xem.

Giả như người người có thấy và có gặp, cũng chẳng nhận ra “hình bóng ai” trong khoé mắt u hoài của người em vào những “Đêm thu êm ái”. Dù đàn em người người có tìm đến nhau, có gặp và có thấy “Liễu Xanh – Xanh Lả Lơi” cũng chợt nhận ra rằng;

“Người em gái đứng tim trong hồi lâu,

Tôi ngập ngừng lòng muốn nói đôi câu.”

(Văn Phụng – bđd)

Nói cho cùng, tìm “hình bóng ai” hay đích thực là tìm Hội (rất) thánh dân con của Chúa, tức Hội của Đấng Thánh Nhân Hiền nay không trụ trì ở chốn miền có “suối nước non ngàn”, để “hàn gắn thương yêu”, nữa. Nhưng các đấng bậc hiền lành và rất thánh nay đã bay về chốn thị thành nhiều hơn trước. Bởi thế nên, muốn “tìm cho thấy Liễu Xanh – Xanh Lả Lơi”, người người chớ nên tìm ở chốn miền thờ tự, ở đâu đâu. Bởi, chốn phụng thờ có “giòng núi xanh” hôm nay chỉ còn thấy các đấng cao niên ngoan hiền đà rỗi rảnh, cũng rất thưa. Thưa hơn thời trước, rất nhiều. Hội (của các) thánh nay không còn tụ vào một chỗ, rất khô khan, buồn chán. Thiếu nhựa sống, nữa.

Còn nhớ, khi xưa chốn miền có “giòng núi xanh”/”suối nước non ngàn” là thánh Hội ở thời đầu, lại đã khác. Khác một điều, như thể khi xưa thánh Phaolô Tông đồ từng bỏ công đến chốn thị thành mà giảng về Đức Kitô, rồi qui tụ các tân tòng gom lại làm thành Thân Mình Chúa, tức Nước trời ở trần gian.

Khi ấy, thành viên làm thành “Nước” của Thiên Chúa đã tụ hội, đều coi thánh hội như một thế giới mới được Chúa hoá giải, nhờ Đức Kitô Đấng hiền lành, “dịu êm” khuyên mời mọi người đến với Ngài. Và, các thánh như Phaolô Tông đồ đều đã rời xa chốn phồn hoa đô hội để tìm chốn miền có “giòng núi xanh”, chốn đạo lành, mà ủy thác cho lãnh đạo cộng đoàn trông nom chăm sóc, thế giới Nước Trời.

Thế giới Nước Trời rất mới của các ngài trong Thánh Hội bây giờ, nằm rải rác ở đây đó, chốn đời thường Nước của Chúa ở trần gian, không cứng ngắc đóng trụ ở xứ đạo nghe nhiều kinh kệ, chứ đâu bằng hành động “dịu êm”, có suối mát. Hội (của các) thánh hôm nay lại đã sinh hoạt rải rác ở chốn miền có suối nước. Có “Liễu Xanh – Xanh Lả Lơi”, hằng tỏ hiện.

Chẳng thế mà, xã hội trời Tây hôm nay vẫn bình chân như vại khi thấy xứ đạo mình nay cứ thờ ơ, vắng lạnh. Chẳng ai đến. Ở chốn miền nhiều sinh hoạt hấp dẫn, Nước Chúa ở trần gian xem ra muốn đi dần vào chốn dân gian tục trần, hơn là tự đóng khung mình ở chốn vắng xưa cổ. U uẩn. Buồn tẻ.

Nếu hỏi người trẻ hôm nay, đâu là Nước của Thiên Chúa có niềm vui dân dã chốn Thiên Đường, chắc chắn họ sẽ trỏ cho người hỏi biết chốn/miền sinh hoạt chuyên lôi cuốn đám người thích vui chơi. Hát hò. Nhảy nhót. Chứ đâu nào bó gối ngồi lầm lì ở hàng ghế đứng ngồi có lớp lang. Đàng hoàng. Có quá đáng chăng, nếu cứ bảo: Nhà thờ, Hội thánh hoặc giáo xứ mai ngày lại sẽ xuất hiện ở đâu đó chốn tục trần có niềm vui dân dã, không hề dứt.

Có kẻ hỏi: phải chăng đó là nhà trường. Người lại bảo: đúng ra, là phố chợ. Nhà hát. Cung thể thao. Nơi bọn trẻ đùa giỡn với trò chơi trên màn hình, hoặc di động. Đó, có thể là trang blogs, Facebook, Twitter. Hay, cùng lắm ở tại nhà. Có bạn bè/người thân, rất quây quần! Nhất nhất, là chốn “êm đềm” để người người già/trẻ trai gái đến đó mà tụ họp, mặt đối mặt. Tay cầm tay. Hay, dắt nhau đi vào “mạng nối kết”. Thứ mạng những móc nối và liên kết nhau bằng thông tin “êm đềm”. Nhiều san sẻ. San cho nhau, tình thương yêu chân chất, rất đùm bọc. Sẻ với nhau, cảnh huống để sống rất hợp thời. San và sẻ, những là của dư/của để, mà cho đi. Cho, cả vật chất. Tài năng. Kiến thức rộng/hẹp. Cho đi và san sẻ, theo đúng ý nghĩa mà Đấng Thánh Nhân Hiền từng nhủ khuyên.

Thế đó, là tư tưởng bộc phát, khi người nghệ sĩ hát lại ca từ ở đầu bài:

“Tôi muốn đưa em qua miền giòng núi xanh.

Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm.”

(Văn Phụng – bđd)

Dĩ nhiên, nghệ sĩ ngoài đời hay đấng bậc trong Đạo, chẳng dám đánh bạo khuyên nhủ người nghe đi vào chốn miền đầy những núi, chẳng thấy được giòng suối róc rách. Chỉ thấy lao xao, rộn rạo những lời và lời khô khan. Cứng ngắc. Rất xin xỏ.

Nếu quan niệm Nước Trời, là chốn miền để dân con Chúa tập họp nguyện cầu, thiết tưởng cũng nên nhớ lại lời dặn dò của Thày Chí Thánh, còn vang vọng mãi hôm nay:

“Còn các anh,

khi nguyện cầu, hãy vào phòng đóng cửa lại

và nguyện cùng Cha của các anh,

Đấng có mặt cả những nơi kín đáo.

Và Cha của các anh, Đấng thấu suốt cả nơi kín đáo,

sẽ hoàn trả cho các anh.”

(Mt 6: 5-6)

Nguyện cầu nơi nhà Đạo, muốn tươi vui hấp dẫn tuổi trẻ, cũng nên thêm vào các ý/từ ấy, lời thơ giòng nhạc mà nghệ sĩ trên từng nhắc nhở:

“Xin em biết nhé cho tình hai chúng ta,

Trong ý thơ, cung đàn và suối tóc mơ.”

(Văn Phụng – bđd)

“Tình hai chúng ta”, hay tình Chúa với tình người, vẫn nằm gọn trong ý thơ. Giòng nhạc có lời cầu. Có cả cung đàn mềm như suối tóc và “suối tóc” xưa mà nhà nghệ sĩ thân thương khi xưa từng trân trọng. Là, “suối nước” cần mang đến cho mọi người. Cả người ngoài, ở đời cũng như trong Đạo.

Để diễn rộng “ý thơ” và giòng chảy có lời cầu tha thiết giống “suối tóc” ở trên, cũng nên minh hoạ thêm bằng đôi ba nhận xét ý nhị. Trong sáng. Không mang tính kể lể nhưng rất dễ nể, sau đây:

“Vào mùa đông, người người thường thấy hàng đàn vịt trời bay thành hình chữ V, xa đến cả trăm dặm từ Bắc xuống Nam, mà không mỏi cánh, trùng chân đến rã rời.

Tìm hiểu duyên do tại sao lại có chuyện đó, các nhà khoa học mới khám phá ra rằng: vịt trời bay theo đàn là có những qui luật hợp quần rất đáng nể. Nể, về tính tương thân tương trợ của thọ tạo. Nể, về tính chất tập thể rất đỡ nâng của chúng.

Mỗi khi vịt bầy vẫy cánh tung bay, chúng thường tạo thành luồng gió quyện vào nhau và tạo thành hấp lực nâng các chú vịt bay sát cạnh. Xem như thế, khi bay theo đội hình chữ V, con nọ nương vào hấp lực của con kia. Nhờ đó, chúng có thể bay nhẹ nhàng hơn và gia tăng khả năng bay được độ dài gần gấp đôi.

Với loài người, cũng không khác là bao. Nếu người người có cùng chí hướng mà tìm cách hợp quần thành nhóm hội, cộng đoàn để nương nhau mà sống hoặc sinh hoạt, hẳn sẽ đạt được mục tiêu cao hơn.

Thứ đến, khi chú vịt nào rời xa khỏi đội hình mình đang có, nó sẽ thấy đuối sức vì phải tự lực cánh sinh, nên càng phải cố gắng trở lại đội hình mình đang bay, có thế mới nương vào hấp lực của những con bay ở phía trước. Con người cũng thế, nếu người người biết kết đoàn, tay nắm tay thân thương xiết chặt hàng ngũ, không xa rời nhóm hội/cộng đoàn mình hợp tác, vẫn lợi thế hơn mọi cung cách riêng tư, xé lẻ.

Chỉ riêng chú vịt đầu đàn là không hưởng được hấp lực của chúng bạn cùng phi hành, nên nó dễ mệt. Khi nó mệt, lập tức sẽ phải trở xuống nương vào đội hình mình, để con khác khoẻ mạnh hơn sẽ bay vào vị trí dẫn đầu. Cứ như thế, đội hình của chúng sẽ nương nhau mà hợp sức, đâu cũng tới. Trong nhóm hội/cộng đoàn của loài người cũng thế. Vai trò lãnh đạo cộng đoàn phải thay luôn, tuỳ tình thế. Có rập theo tinh thần yêu thương nương tựa là đặc trưng của dân con Đạo Chúa, có tương thân tương ái và hợp lực, mới có thể tồn tại lâu dài và sống sót.

Trong hành trình bay theo độ, đàn vịt thường kêu lên thành tiếng kêu oang oác là để thúc giục nhau bay theo một tốc độ, đã định sẵn. Trong nhóm hội, tập thể của loài người cũng thế. Người người phải biết nhắc bảo nhau giữ vững tinh thần hay thắt chặt tình thân người đồng loại. Có thế, mới kéo dài sức lực, mà chống trả mọi buồn chán, ngã lòng. Trong quân ngũ, khi duyệt binh song hành, quân nhân các cấp thường lên tiếng đếm bước một hai hoặc hát lên bài đồng ca nào đó, để đoàn quân đi có thể bước đều theo nhịp quân hành, mà tiếp tục.

Khi có chú vịt trời bị đau ốm hoặc thương tích phải rời đội hình đang bay, sẽ có hai chú vịt đồng hành rời bầy để bay theo mà nâng đỡ, bảo vệ. Hai chú tháp tùng sẽ bay cạnh chú vịt đau yếu cho đến khi chú kia tự bay một mình hoặc rơi xuống đất chết tuột, hai chú tháp tùng kia mới bỏ chú vịt bị nạn, để kịp lướt theo đoàn bay.

Nghĩ về tinh thần đồng đội và qui luật đỡ nâng của đàn vịt, hẳn người người sẽ nhận ra nơi đó một bài học thiên nhiên/đất trời ban tặng mà xử sự với nhau, theo tinh thần mà Đấng Tạo Dựng, từng bảo ban.” (phỏng theo “Chicken Soup for the Soul)

Nhìn bày vịt trời thao tác thành đội hình có nâng và có đỡ, hẳn là bạn phiếm lại sẽ liên tưởng đến cảnh tình Nước Trời Hội thánh đang cần đỡ nâng, bằng tình yêu. Có như thế, người nhà Đạo rồi cũng tìm ra “Liễu Xanh – Xanh Lả Lơi”, trong đời mình. Bởi, đỡ nâng/giùm giúp luôn là chất keo sơn gắn dính tình cộng đoàn, ở mọi nơi. Chí ít, là nhà Đạo.

Thẩm định như thế, nay mời bạn và mời tôi, ta đi vào kết cục của chuyện phiếm, bằng đề nghị cuối, rằng: dù ở chốn miền có “giòng núi xanh” có “tìm cho thấy Liêu Xanh – Xanh lả lơi” hay không, cũng nhớ “hình bóng ai” mà người người nghĩ đến, sẽ như lời bạt từ nghệ nghĩ:

“Xin cho suối nước non ngàn tìm đến nhau.

Như chúng ta đôi lần hàn gắn thương yêu.”

(Văn Phụng – bđd)

Một khi đã hàn gắn thương yêu rồi, thì cũng đâu cần điều gì khác cho mình và cho nhau nữa, hỡi bạn hiền!

Trần Ngọc Mười Hai

Không chỉ mong muốn cộng đoàn Nước Trời

sẽ hàn gắn thương yêu chỉ một lần rồi thôi.

Nhưng vẫn làm thế, bây giờ và mãi mãi.

Suốt đời.

Thursday 21 April 2011

"Yêu người như suối cuộn rừng sâu"

như con tàu say gió, như con giun ngước lên trời,

Yêu trăng sao vời vợi, Làm sao nói được tình tôi.”

(Phạm Duy – Phượng Yêu)

(Gal 5: 22-23)

Yêu người mà lại bảo: “như suối cuộn rừng sâu”. “Như con tàu say gió”, “như giun con ngước lên trời”, thì có lẽ mọi người chỉ thấy trong thi ca, và âm nhạc, thôi. Trên đời này, ngoài thi nhân và nhạc sĩ ra, đã mấy ai diễn tả bạo đến thế, về tình yêu?

Bạo như thế, vẫn chưa đủ nghệ sĩ lão làng nhà ta hôm nay còn thêm đôi câu hát đẹp hơn nữa. Đẹp, chẳng vì nghệ sĩ không chỉ nói yêu người và yêu Phượng của ông thôi, mà còn nói yêu nhiều thứ khác, như:

“Yêu người, yêu Phượng,

yêu hoa đầu mùa yêu màu rực rỡ, yêu em mù loà

yêu bằng tiếng nói đơn sơ.

Yêu người, yêu cả cơn mơ rụt rè,

Yêu bằng gió núi qua khe gập gềnh

Yêu bằng tiếng hát yêu tinh…”

(Phạm Duy – bđd)

Nói yêu người, thì hầu như thi nhân nghệ sĩ vẫn nói và hát bằng tiếng “rất yêu tinh”. Lình bình. Như cơn mơ. Thế còn, nhà Đạo thì sao? Nhà Đạo ư? Trả lời câu hỏi này, thật không dễ. Riêng bần đạo, chỉ mỗi nói: không dám đâu! Thật tình, bần đạo chẳng biết nói thế nào cho phải lẽ. Chỉ dám dùng lời lẽ của các đấng bậc vị vọng ở nhà Đạo để cảm kích. Có thế thôi.

Về chữ yêu, rất diễm kiều, nhà Đạo mình nói cũng nhiều. Trả lời, thật không thiếu. Nhưng, có đấng bậc nọ không trả lời cho người trẻ đang yêu vẫn muốn hỏi đôi điều bằng “tiếng nói đơn sơ”, “như cơn mơ”, “rụt rè” nghe rất khẽ. Và, chắc rằng người trẻ ở đây là nhân vật đang nổ bật, nên câu trả lời của đấng bậc nghe cũng mạnh. Mạnh, như thư điện của tác giả mang tên Michael McGirr, gửi đến công nương Kate Middleton, vợ hiền thân yêu của hoàng tử Williams nuớc Anh, như sau:

Kính gửi Cô Middleton thân mến,

Trước hết, xin cảm ơn cô đã có thư hỏi đôi điều về việc cử hành lễ cưới tại nguyện đường nhà trường chúng tôi vào tháng Tư năm 2011. Tiện đây, xin cho tôi được phép có đôi giòng hồi đáp, như sau:

Thật ra, thì nguyện đường mà cô ngỏ ý muốn cử hành lễ cưới rất thân mật cho cô và hoàng tử Williams, vẫn có chỗ cho 200 khách quí tham dự. Nghĩa là, cũng đủ để bạn bè/người thân của cô và hoàng gia thân hành đặt chân đến. Bạn bè tôi nói ở đây, không tính các thân hữu ghi danh trên “facebook”, của cô. Bởi, ta có định nghĩa thế nào đi nữa, thì các người ấy vẫn không thể là bạn theo nghĩa đích thực được.

Hiềm một nỗi, là nhà ăn của trường lại không mở cửa vào dịp nghỉ học kỳ ở đây. Chính vì thế, cô cũng nên tính đến chuyện tìm người nấu nướng và lo ẩm thực cho quan viên hai họ. Địa phương chúng tôi ở, chỉ có một vài quán xá nhỏ bán bánh “pizza” giao tận nhà, mà theo tôi chỉ thích hợp cho bữa ăn nhẹ ngoài trời sau lễ cưới, mà thôi.

Trong thư, cô có đề cập đến ao ước của cô là đám cưới mình chỉ một lần cho trăm năm, nên phải đặc biệt. Tôi không thấy có vấn đề gì trong chuyện này hết. Chỉ biết rằng, đám cưới nào cũng là đám cưới đặc biệt đối với đôi tân hôn. Có đặc biệt, nên hai họ mới đồng ý cho cưới.

Cô cũng bảo, người yêu cô là hoàng tử còn rất trẻ. Và, cô yêu anh ấy rất mực. Điều đó thật tuyệt vời. Học sinh lớp 10 của tôi cũng vừa hoàn tất luận văn nhỏ bàn về tình thân thương mật thiết trong quan hệ yêu đương với mọi người. Tôi dám chắc rằng: các học trò nhỏ ở trường đây có thể kể cho cô nghe về tình tiết của nhiều truyện yêu đương, sau 20 năm trường dài đằng đẵng, khi ấy đối với họ: có còn chứng tỏ được hay không với người mình yêu là “hoàng tử của lòng em”, đó mới thành chuyện. Riêng tôi, vẫn tin rằng cô sẽ là người thành đạt chuyện ấy.

Cô còn nói: cô đang đi bước trước hiện thực một đám cưới rất huyền thoại, giống hệt truyện cổ tích. Về điểm này, tôi thật tình chưa hiểu ý của cô cho lắm. Điều mà mọi người ở đây hiểu nhiều và hiểu rõ nhất, vẫn là: nguyện đường của chúng tôi hằng ngày vẫn treo đầy các câu nhắc về thực tại sống ở đời. Và, ý nghĩa của tình yêu đích thực còn có đủ mồ hôi, nước mắt cùng xương máu nữa. Tình yêu ấy, còn bao gồm cả 14 chặng đường gian khổ dính đầy chông gai và có cả thập giá hiện lên ở phía trước, sát bên cạnh. Tôi hy vọng, là nếu đến đây mà bỏ ra ít giây phút để suy và nghĩ về câu truyện tình tiết rất yêu đương có chạm khắc những ảnh hình, ngay trên đó, thì mới tốt.

Cô còn muốn biết rõ nhận xét của riêng tôi về chiếc áo cưới lộng lẫy cô sẽ mặc vào giờ lễ, thì tôi chỉ dám thưa với cô rằng: tôi luôn thấy nó rất đẹp, và lộng lẫy. Tôi cũng cảm thông với cô trong quan ngại về nơi cử hành lễ, không biết có gần kề phương tiện di chuyển công cộng không, để người đến dự thấy thoải mái. Thật tình mà nói, thì nguyện đường nơi đây có may mắn được nằm sát ga xe lửa, nên cũng tiện cho những người không đủ điều kiện để sắm xe riêng dùng cho một lễ cưới mà thôi.

Tôi cũng hiểu được ý của cô khi so sánh nguyện đường này với các nhà thờ khác để cô còn lựa chọn. Tôi thật sự không rành lắm về các nguyện đường thuộc dòng tu đây đó, như tu viện Westminster, nhưng tôi biết chắc chắn một điều là: địa phương nơi đây không có mộ phần hoặc lăng tẩm của vua quan lãnh chúa, vào thời trước. Muốn tìm đến các di tích này, chắc cô phải ghé các cổ mộ hoặc thành lũy xưa cũ mới tìm thấy.

Cửa ngõ của nguyện đường nơi đây, chỉ rộng cỡ 2 mét là tối đa, nên nếu có ai đội mũ mão gì rộng và lớn hơn, thì xin cô nhắn với các vị ấy muốn vào lọt, cũng nên bẻ quẹo đôi chút, là được ngay.

Bà con nếu tham dự lễ ở đây, có thể sẽ được mời ghé tham quan trường học và lưu lại tại khuôn viên cầu nguyện chừng dăm ba phút, là nhiều lắm. Ở nơi đó, thường là nơi chốn để học sinh hoặc giáo chức ghé viếng nguyện cầu cho người thân thuộc hoặc khách lạ nữa.

Vào nguyện đường, có thể là bà con cô bác sẽ phát hiện một vài cô cậu học trò nhỏ người non dạ vẫn vào đó để thầm thĩ với Chúa với Mẹ Hằng Cứu Giúp đôi ba điều vui vui chứ không xin, vào giờ nghỉ. Các em thầm thĩ để chứng tỏ mình vẫn tin vào Chúa, Mẹ như bao giờ. Bằng chứng là, mới tuần rồi, có em học sinh lớp 10 cũng vào nơi tôn nghiêm ấy chỉ để kể cho Chúa nghe việc cô cậu gặp một lão ông ở Dịch Vụ Cộng Đồng hoặc viện Dưỡng Lão nào đó, mới biết được là lão ông từng là nạn nhân còn sống sót sau vụ cuồng sát của Đức Quốc Xã. Tuần trước đó, lại có em thuộc lớp khác cũng đến chia sẻ vào giờ lễ để kể cho mọi người tham dự về truyện phim sâu sắc có tựa đề là “The Incredibles”, tức đề tài mà em được học trong năm.

Nguyện đường của chúng tôi chủ yếu xây dựng ở niềm tin. Tin rằng: Chúa đích thân gặp gỡ hết mọi người. Ngài gặp, qua các biến cố thực tế trong đời người. Mà, biến cố nào cũng đeo mang một thử thách, đỡ nâng cốt tạo cho người đời thêm nghị lực để họ có thể sống. Bởi, Chúa vẫn phụ giúp con người vượt qua được mọi hãi sợ và tính hẹp hòi, vốn là bản chất của họ. Ở nơi đây, luôn có phần đất để mọi người có thể dựng xây quan hệ thân thương khả dĩ nương nhau mà sống. Chí ít, là trong hôn nhân.

Đó, cũng là lời cầu chúc cho cô và người yêu của cô đạt tương lai rất trong sáng.

Ký tên

Michael McGirr”

(x. Michael McGirr, A letter to Kate, The Australian Catholics Easter 2011, tr. 16)

Luận phiếm hôm nay, không chỉ phiếm và luận về yêu đương/hỏi cưới bậc vương giả nơi xứ người, rồi thôi. Nhưng, phiếm và luận nay còn để bạn và tôi, ta cứ thế mà đàm rồi mạn phiếm về “tiếng nói đơn sơ”, có “ước mơ”, rất rực rỡ. Có, lời thơ rất “yêu người”, “yêu Phượng”, thêm đôi câu:

“Yêu người xong, chết được ngày mai.

Yêu như loài ma quái,

đi theo ai tới chân trời.

Đi không ngơi kêu gào,

làm sao tránh được tình yêu.”

(Phạm Duy – bđd)

Yêu “như loài ma quái”, rồi “theo chân ai đến chân trời”, phải chăng là lối yêu đương chỉ thấy có ở thi ca/giòng nhạc của nghệ sĩ họ Phạm, thôi? Thế nhưng, nếu bảo rằng: “yêu người xong, chết được ngày mai”, có lẽ đây cũng là một trong những “phát giác kinh khủng” từ người nghệ sĩ từng kinh qua nhiều trải nghiệm trong đời. Nhà Đạo cũng thế, nhiều vị cũng đã kinh và nghiệm về thứ “yêu (đến) chết được ngày mai”, là sự thật. Sự thật về Tình Yêu ấy, nhà Đạo mình từng minh chứng bằng lời của thánh nhân tông đồ từng ghi chép:

“Không có tình yêu nào cao cả

hơn tình của người

đã hy sinh tính mạng

vì bạn hữu mình.”

(Ga 15: 13)

Đây là câu nói rất xác thực. Câu nói, được công nhận từ ngàn năm về trước. Và, sẽ còn được chứng thực cả ngàn năm, về sau. Và rồi, vấn đề ta cần phiếm thêm nhiều nữa, đó là: điều ấy có được người trong Đạo/ngoài đời đưa vào hiện thực cuộc sống, không?

Thế đó, là câu hỏi không cần trả lời. Bởi, trả lời là trả một lời cho ai? Để làm gì? Vì, “ai” đây vẫn là bản thể chân phương đơn độc, giống như mình. Nên, câu hỏi và trả lời, là để mỗi người tự cật vấn chính mình. Cật vấn, cho ra nhẽ, thế thôi.

Và hôm nay, trong phiếm luận nhiều ngày, có bạn đọc từng đọc khá nhiều “câu chuyện phiếm”, lại đã đề nghị một mạn đàm về cuốc sống có yêu đương của những người đương yêu, hay đương được nhà Đạo yêu cầu nhưng thương và yêu, mà bạn gọi là sống bác ái. Thật lòng, thì bần đạo không hay và cũng không quen dùng cụm từ “bác ái”, vì có vẻ nho nhã quá. Theo Hán Việt Từ Điển của tác giả nguyễn Văn Khôn, thì “bác ái” là: lòng nhân từ yêu tất cả mọi người, mọi vật.

Yêu một người, một vật cũng đã khó, huống hồ là mọi người, mọi vật. Khó, là bởi vì nếu bạn và tôi, ta đồng ý với câu rất thơ rằng: “yêu là chết trong lòng một ít”. Thì, “yêu mọi người, mọi vật” là thì chết trong lòng cũng khá nhiều. Chết, không chỉ là “chết được ngày mai” như nghệ sĩ hát. Mà là, chết tức khắc. Hoặc, chết trong gang tấc. Rất tức tưởi. Chí ít, là khi yêu thì vẫn yêu nhưng trong quá trình “yêu đến chết” ấy, người trong cuộc gặp vài trở ngại như câu chuyện hỏi/thưa bên dưới:

“Kính thưa cha, con và bạn con là người trong Đạo. Hai đứa chúng con yêu nhau tha thiết muốn kéo dài tình yêu mãi đến thiên thu. Cho nên, để chứng tỏ tình yêu của mình rất chính đáng, hai đứa tụi con quyết định tiến tới hôn nhân, có lễ lạy ở nhà thờ. Ngặt một nỗi, bạn con muốn nhờ ca đoàn hát bản nhạc tình rất quen trong buổi lễ, lại bị linh mục từ chối bảo rằng: lời lẽ của bài hát không thích hợp vì không rút từ Kinh thánh. Vậy con xin hỏi: điều gì được phép điều gì không, trong lễ cưới?

Tuy chỉ là câu hỏi về những gì được phép làm trong lễ cưới, nhưng do bởi người hỏi cứ muốn đả động đến tình yêu vĩnh cửu của người nhà Đạo, gặp trắc trở. Bởi thế nên, vấn đề được hỏi cũng lại được chuyển đến đấng bậc rất vị vọng, chọn lời đối đáp, cho chính mạch. Và lời lẽ rất chính và rất mạch, là như sau:

“Qua câu hỏi của anh chị, tôi thấy có nhiều điều nảy sinh khiến cả hai phía: phía vợ chống sắp cưới lẫn phía chủ trì lễ cưới, cả hai đều quan ngại. Bởi thế nên, tôi xin trả lời bốn điểm mà xem ra nhiều người thắc mắc hơn cả.

Điểm thứ nhất, về các bài đọc trong lễ cưới. Về chuyện này, nguyên tắc chung vẫn quyết rằng: trong bất cứ buổi cử hành phụng vụ nào cũng thế -như thánh lễ, hoặc nghi thức cử hành bí tích hôn phối, lễ cầu hồn, vv.. – chỉ có bài đọc nào rút từ Kinh thánh mới được phép, thôi.

Mới đây, tông thư Verbum Domini (Lời của Chúa), Đức Bênêđíchtô 16 xác nhận rằng trong phụng vụ “các bài đọc được rút từ Sách Thánh không bao giờ được phép thay thế bằng bất cứ bản văn nào khác, dù súc tích. Dù đó có là quan điểm mục vụ hay linh đạo, cũng thế. Bởi, không một bản văn linh đạo hoặc văn chương/tu đức nào khác có thể sánh tày với giá trị Lời Chúa rất phong phú chất chứa trong Sách thánh. Đây, là điều luật của Hội thánh có từ thời xưa, cần được duy trì cho nghiêm túc.” (chú thích 69)

Vấn đề này cũng là lẽ thường tình. Bởi, chính Thiên Chúa nói với con người, Ngài nói qua Sách thánh của Ngài; và Giáo hội muốn ta được nghe những gì Ngài cần nói, từ Sách ấy. Lễ cưới, cũng giống như mọi nghi thức phụng vụ khác, là cơ hội thuận tiện để ta lắng nghe Lời Ngài. Thế nên, mọi bài đọc trong buổi lễ, nếu không là những bài rút từ Sách thánh, đều không được phép sử dụng vào buổi ấy. Giả như đôi tình nhân làm lễ cưới muốn đọc bài nào đó có nguồn từ ngoài đời, thì cũng chẳng có gì ngăn trở họ hết, chỉ mỗi việc là, hãy để bài ấy vào giờ cuối khi thánh lễ kết thúc hoặc đưa vào buổi tiếp tân ở nhà hàng, cũng là điều nên làm.

Điểm thứ hai, là việc chọn ca khúc để hát trong lễ cưới. Hiện nay, vẫn thường thấy danh sách chính thức gồm các ca vịnh được phép hát hay cấm không được hát trong các buổi phụng vụ, thường thì các ca khúc sử dụng phải có nội dung đạo đức hoặc linh thiêng khả dĩ thích hợp với buổi cử hành nghi thức ở nhà thờ. Chính vì lý do này, mà các bài hát thông dụng ở ngoài đời thưòng không mấy thích hợp với việc phụng thờ. Nhiều giáo xứ có sẵn các vị nhạc trưởng hoặc ca trưởng phụ trách hát xướng ở nhà thờ, là những người có thể giúp cho đôi tân hôn chọn bài nào họ thích.

Ngoài các thánh vịnh/bài ca ra, còn có một số nhạc cụ tuy không xứng hợp lắm với thánh nhạc , nhưng cũng có giá trị nào đó về linh đạo, có thể dùng vào lễ cưới. Trong số đó, có thể kể đến như Hành khúc cho cô dâu của Wagner, Hành khúc Lễ cưới của Mendelsohn, bản Canon cung Rê trưởng của Pachelbel, hoặc Giai điệu của John Sebastian Bach rút từ tấu khúc số 3, vv…

Điểm thứ ba ta cần bàn, là: công thức trao đời lời thuận thảo. Một số đôi tân hôn có lẽ cũng từng nghe những lời thề nguyền theo công thức đặc biệt dành cho lễ cưới, hoặc họ cũng có thể sáng tác cho riêng vợ chồng mình. Dù công thức trao đổi sự thuận thảo tự nó đã thích hợp, việc trao đổi cho nhau lời thề nguyền thuận thảo là động thái thiết yếu qua đó hai người trao cho nhau trong lễ cưới. Nhưng, vẫn là điều cần thiết nếu lời thề nguyền trao nhau ấy đã được Hội thánh chuẩn thuận. Để cho đám cưới không bị trở ngại về tính cách có hiệu lực hay không, hiện vẫn có hai mẫu thề nguyền ghi trong sách “Nghi thức Lễ Cưới” để ở phòng thánh mỗi nhà thờ, đôi tân hôn có thể hỏi cha chủ sự để chọn lựa.

Điểm thứ tư, là nơi ký giấy hôn thú cũng như gấy tờ nào khác vào cuối lễ cưới. Có một số lễ cưới, nhiều vị chủ sự hoặc đôi tân hôn yêu cầu ký giấy tờ ngay trên bàn thờ, đó là điều Giáo hội nghiêm cấm.Lý do, là bởi bàn thờ làm lễ không chỉ là bàn đơn thuần để ký kết. Bàn thờ tượng trưng chính Đức Kitô, đã được cung hiến, thế nên chỉ có các đồ vật thánh thiêng dùng trong phụng vụ mới được đặt lên đó.

Việc ký giấy hôn thú không phải là thành phần chính thức của phụng vụ lễ cưới, bởi thế cũng nên sử dụng một bàn nào khác, cho việc ấy. Cũng nên biết rằng, khi ai đó tận hiến chính mình cho Chúa trong nghi thức phụng vụ cần phải ký kết lời khấn hứa suốt đời mình trên bàn thờ, lý do là vì người ấy muốn tận hiến đời mình cho chính Chúa, mà bàn thờ tượng trưng cho chính mình Ngài, mới đúng lẽ. Trong lễ cưới, đôi tân hôn cam kết ăn đời ở kiếp với nhau, chứ không phải cho Chúa.

Nói tóm lại, đôi tân hôn có rất nhiều văn bản để đọc hoặc ca khúc để hát, họ đều có thể chọn lựa và phải tôn trọng luật của Hội thánh và cũng nên quan tâm đến ao ước của vị chủ sự khi đưa ra sự chọn lựa.” (x. Lm John Flader, Question time, The Catholic Weekly 16/1/2011, tr. 10)

Nói gì thì nói, nói như đấng bậc vị vọng rất chính mạch, là nói thế. Tức, nói có sách. Nhưng thực tế cuộc đời, tưởng đôi lúc cũng nên uyển chuyển cho nhẹ nhàng hơn để các đương sự không phải suy nghĩ nhiều. Chí ít, là suy và nghĩ chuyện yêu đương, hoặc đương yêu. Yêu đương, vẫn có nhiều thứ để nghĩ suy hơn, như truyện kể để minh hoạ, ở dưới đây:

“Ngày xưa có một anh chàng nhà nọ, gặp người con gái rất mỹ miều, thuỳ mị. Công dung ngôn hạnh đầy đủ cả. Mới gặp, anh đã đem lòng yêu mến, muốn cưới nàng làm vợ hiền. Cuối cùng, nàng nhận lời. Nhưng ra điều kiện với lang quân, là: mỗi năm phải để cho cô được vắng mặt, chỉ một ngày. Đi đâu, làm gì anh không được thắc mắc, điều tra hay tìm hiểu. Nghe thấy dễ, chành thanh niên liền đồng ý, chẳng đắn đo.

Cuộc sống đôi lứa trôi qua, khá lẹ. Chẳng khi nào thấy đôi vợ chồng này to tiếng cãi vã nhau. Nhất nhất đều thực hiện lời nguyền vào ngày cưới. Cho đến một hôm, khi cô nàng xin phép được vắng nhà như đã dặn, chàng trai mới sực nhớ là mình vì quá yêu đương nên hơi vội chăng? Vì lỡ hứa, nên đành chịu. Dù chàng trai cứ như ngồi trên lửa, đứng lên ngồi xuống vẫn thấy thời gian lê thê, quá dài ngày. Cuối cùng, đúng hẹn, người vợ hiền đã trở về, mọi việc cứ thế trôi qua êm ả, lặng lẽ, chẳng nghi ngờ.

Thời gian lặng lẽ trôi qua. Chẳng mấy chốc một năm nữa đã chợt đến. Và, người vợ hiền lại thực hiện lời nguyền/hứa lên đường vắng nhà, cả ngày trời. Cuộc sống vợ chồng vẫn như năm trước, chẳng có gì phải lo nghĩ. Duy, có mỗi sự việc là: cứ đúng một năm mười hai tháng sao vợ mình lại cứ phải đi vắng. Tính tò mò, chợt nổi lên, đức lang quân nhà mình bèn quyết định theo bám để điều tra.

Trong khi đó, người vợ hiền tin tưởng lòng thành của chồng, cứ thế cắm đầu tiến về phía trước, chẳng nghi ngờ chi. Đến tận bìa rừng, người chồng thấy vợ mình chui vào bụi rậm, rồi biến mất. Chờ mãi không thấy vợ quay ra, anh chồng bèn rón rén lại gần. Đến nơi, mới thấy chú rắn hổ đang cuốn mình lột xác. Bất chợt hoảng sợ, chàng trai vội cầm con dao đem theo mình, chem. Lia lịa. Rắn hổ chết gục trong vũng máu. Trước sự ngạc nhiên đến kinh hồn bạt ví, người chồng thấy chú rắn đã hiện nguyên hình của vợ hiền quằn quại trong vũng máu, hấp hối.

Nhớ lại, chàng trai mới tỉnh ngộ hiểu được rằng: thì ra, rắn hổ xin phép vắng mặt là để lột xác vứt bỏ mọi bực bõ, dồn nén suốt cả năm. Bỏ đi lớp da khô sần xùi cùng với nọc độc là những ưu tư phiền muộn của đời sống có lứa đôi. Bỏ được rồi, người vợ lại trở về với hình hài của thân phận vợ hiền dễ mến, quyết nhịn nhường chồng con, như đã thề. Người chồng nghĩ lại, chính vì tính tò mò, đa nghi đã khiến anh thất hứa, kết quả là: chính anh lại chuốc lấy khổ đau, của mất mát lớn. Mất đây, không chỉ người vợ xinh đẹp dịu hiền, mà còn chịu hậu quả của sự bội thề, là: khổ đau. Âu sầu. Mất bác ái.

Lời kết của người kể, đã không có hậu lại hơi quá. Hơi hơi quá, là bởi: trong cuộc đời, biết bao nhiêu người từng bội phản lời nguyền quyết “yêu người, yêu Phượng” hoặc yêu ai đó, bằng “tiếng nói đơn sơ”, bằng “gió núi qua khe gập ghềnh”, hoặc bằng “tiếng hát yêu tinh”, hơn mãng xà, cũng chẳng sao. Thậm chí có vị còn dựa vào câu kết của bài ca trên làm bí kíp sống, chống chế rằng:

“Yêu người, yêu có một lần thôi.

Xin yêu, dù gian dối

Xin yêu tôi, dẫu nghi ngờ

Khi bơ vơ còn nhiều

Thì đâu chối bỏ tình yêu.”

(Phạm Duy – bđd)

Là nhà Đạo, kết cuộc cho một tình yêu “đến chết được”, có lẽ phải là câu nói để đời từ Đấng thánh, hiền lành vẫn quả quyết:

“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình của người

đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.”

(Ga 15: 13)

Yêu như Thầy Chí Thánh căn dặn, không chỉ tỏ lộ với bạn bè người thân mà thôi. Nhưng phải với hết mọi người. Trong đời. Chính đó là ý nghĩa của cụm từ “bác ái”, rất trong Đạo.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều khi cũng suy nghĩ

về hai chữ Bác ái

cả trong Đạo

lẫn ngoài đời.

Sunday 17 April 2011

“Hồn cầm phong sương, hình dáng xuân tàn.”

”Ngày dần buông trôi, sầu vắng cung đàn.”

(Văn Cao – Cung Đàn Xưa)

(1Cr 11: 23)

Có đôi lần, bầu bạn ở Sydney có ngỏ ý muốn đóng góp đôi chút cho việc in ấn, khi bần đạo biếu tăng sách Phiếm, thì được bần đạo thưa ngay rằng:“Sách Phiếm ký tặng, là để bạn bè nghe và đọc, chứ nào dám động đến bạc tiền đâu. Anh chị thương, thì cứ nguyện cầu cho bọn mình một kinh cũng đủ Sáng Danh Chúa!” Bạn hiền thấy lạ, bèn hỏi: “Sao lại Sáng Danh, chứ không Lạy Cha hoặc Kính Mừng?” Bần đạo bèn tỏ lộ ý mọn mà rằng:“Ở kinh Sáng Danh, bần đạo không thấy ngữ từ mang ý nghĩa cứ “xin” cho mình cả, mà chỉ để Sáng Danh Chúa, mà thôi!

Hôm nay, một lần nữa, bần đạo lại được nghe bạn bè luận bàn về kinh kệ trong thánh lễ rất “Mi-sa”, nên lại đã quay về với phiếm và luận cùng vài đấng bậc có kinh nghiệm về lời cầu đọc ở Tiệc Thánh, rất agapè.

Sở dĩ bần đạo không dùng danh xưng “Misa, thánh lễ” hoặc “Lễ tiến dâng Cha” như hồi nào, là bởi: nay, dân con Đạo Chúa đã và đang hiện thực lời khuyên của Phaolô thánh nhân, hơn một lần từng lập đi lập lại yêu cầu được Chúa nhủ khuyên vào thời trước:

“Thật vậy, điều tôi đã lĩnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em:

trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói:

"Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em;

anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy."

(1 Cr 11: 23-24)

Trong bài viết ngắn gọn xuất hiện trên tuần báo The Catholic Weekly ngày 27/2/2011, tác giả Don Richardson, linh mục Giám Đốc Uỷ Ban Phụng Vụ thuộc Tổng Giáo Phận Sydney, đã có lời bàn về sách lễ Missale Romanum, bản tiếng Anh như sau:

“Cử hành “thánh lễ Misa” thời buổi này, là dịp để ta hiện thực lời kinh và những động thái được truyền tụng từ trước đến bây giờ. Truyền và tụng, không như báu vật thời đã qua, nhưng vẫn là thực tại sống động. Động thái nói đây, là điều hệ trọng với Kitô-hữu, ở mọi thời.

Thánh Phaolô xưa, khi mô tả nguồn gốc của Tiệc Thánh, cũng đã xác nhận một điều, rằng: “Điều tôi nhận lãnh nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi Ngài bẻ ra và nói…”

Lời ở đây, ta cũng nên chú ý đến những điều được thánh Phaolô khi xưa viết: “Điều tôi lĩnh nhận từ Chúa”, “Tôi xin truyền lại cho anh em”. Xem như thế, thì phụng vụ ta cử hành –có Lời của Chúa, có động thái này khác, có lời cầu cùng dấu hiệu– là cách thức qua đó Tiệc Thánh được truyền đến với ta cả vào thời Chúa sống, qua Hội thánh. Lời kinh ấy, vẫn trải dài ngang qua bao thời đại, để rồi lan rộng khắp thế giới cho đến hôm nay. Nhờ vào đó, ta sẽ rao truyền về sự chết của Chúa và lĩnh nhận Thân Mình cùng Máu rất thánh của Ngài.” (x. Don Richardson ‘Handing on’ prayers and actions of the Mass as ‘lively present realities’, The Catholic Weekly 27.02.2011, tr.24)

Nói theo bài/theo bản từ bậc trưởng thượng Ủy Ban Phụng Vụ Tổng Giáo Phận, đương nhiên là sẽ nói thế. Nhưng, vấn đề là: giáo dân bình thường và đấng bậc vị vọng chốn không cao, nghĩ sao về chuyện ta cứ dịch đi dịch lại văn bản Phụng Vụ, mà tự bản chất, có “biên” hay có “dịch” cho nhiều, thì việc ấy vẫn là cố gắng rất “bội phản” văn bản gốc; như ai đó ở trời Tây, vẫn từng bảo:“Traduire, c’est trahir” (Dịch là phản)

Hỏi, tức đã trả lời cách nào đó, vẫn từ lâu. Và hôm nay, nếu có ai lại hỏi thêm đôi điều gì, thì bần đạo sẽ cứ xin bạn/xin tôi, ta chớ vội mà trả lời/trả vốn rất tốn thì giờ của mọi người. Chi bằng, thay vào đó, ta cứ hát. Hát, lời ca của thi nhân/nghệ sĩ khi xưa vẫn coi lời thơ/ý nhạc người đời, rất như sau:

“Cung thương là tiếng đàn

Cung nam là tiếng người.

Ai oán, khúc ca cầm châu rơi

Tình duyên lãng đãng, nhớ thương dần pha phôi.”

(Văn Cao – bđd)

Thật ra thì, có trả lời câu trên bằng lời ca “phôi pha”, “lãng đãng”, cũng không phải. Không phải, là bởi: câu ca/lời cầu ở phụng vụ dù bằng tiếng nước nào đi nữa, có sâu/có sát với La-ngữ hay không, vẫn chẳng là “ai oán, khúc ca cầm” “châu rơi”, hết! Tuyệt nhiên, đây chẳng là: “khúc cầm ca châu rơi”; hoặc: ”nhớ thương dần pha phôi” gì hết. Sở dĩ nghệ sĩ nay viết thế, là ý bảo:

“Cung đàn ngân,

buồn xa vắng trong tiếng thầm.

Buồn tê tái trong tiếng ngân,

buồn như lúc xuân sắp tàn.

Ơi đàn xưa, còn vang nhắc chi tới người

Lòng ta tắt, bao thắm tươi u hoài duyên đưa.”

(Văn Cao – bđd)

Vâng. Đúng là thế. Nghệ sĩ ngoài đời, đâu là thánh nhân nhà Đạo! Vẫn là dân con sống ở trần thế rất lễ mễ, thế thôi. Bởi thế nên, lời người hát có ca/có hát kỹ đi nữa, cũng chỉ như một “tán thán”. Hỏi han. Nhắc nhớ. Nhắc, để nhà Đạo nhớ rằng: nhiều vị từng “tán” nhưng không thán. Từng “hỏi” mà chẳng “than”, như người nghệ sĩ đã lại hát tiếp:

“Giờ còn mong chi, người hát theo đàn

Giờ còn mong chi, hợp cánh hoa tàn.

Lời đàn năm xưa se kết đôi lòng

Lời đàn năm nay đôi lứa xa vời.”

(Văn Cao – bđd)

Nói cho cùng, “đôi lứa xa vời” dù có hỏi han hay ta thán, vẫn là nhận định đáng ta quan tâm cho thật kỹ. Tựa hồ nhận định của đấng bậc khác, cũng về dịch-nhưng-không-phản, như sau:

“Kính thưa các Đức Hồng Y, các Giám Mục rất quí mến,

Vốn nặng lòng với Hội thánh, nên mới đây tôi vừa đưa ra một quyết định rất khó khăn có liên quan đến bản dịch sách lễ Rôma bằng tiếng La-tinh sang tiếng Anh. Nay, tôi suy nghĩ kỹ nên rút lại lời đồng thuận mà tôi từng tỏ bày vào lần trước, về chuyện dịch sách lễ Rôma sang tiếng Anh, để phổ biến tại các giáo phận trên toàn nước Mỹ. Sau khi đã hầu chuyện lâu giờ với vị cha già giải tội của mình, và sau nhiều buổi cầu nguyện liên lỉ, nay có quyết định là: tôi không đề bạt/thăng tiến bản dịch tiếng Anh với sự chính trực mình từng có, nữa.

Tôi yêu mến Giáo Hội và yêu thích phụng vụ của hội thánh, có lời ca câu hát bằng tiếng La-tinh và Anh ngữ, và tôi cũng hãnh diện đã có chân trong nhóm sáng tác/dịch thuật này qua tư cách là đan sĩ, linh mục. Thật là vinh dự lớn đối với tôi được phục vụ đến ngày nay với tư cách là chủ tịch phân ban thánh nhạc Uỷ Ban Quốc Tế Dịch thuật sang tiếng Anh và phục vụ soạn thảo các nhạc bản cho sách lễ mới này. Tuy nhiên, tôi vốn tham gia tiến trình này với thiện chí lâu nay mình sẵn có, nhưng sau khi thấy Đức Thánh Cha giải quyết các vụ tai tiếng lớn trong Giáo hội, đã khiến tôi dần dà mở to con mắt biết được rằng vấn đề còn thâm sâu hơn ở cấu trúc tạo quyền trong Giáo hội.

Sách lễ mới bằng tiếng Anh, sắp được đem sử dụng đại trà, là một trong các mô hình lớn nói lên sự áp đặt từ trên do việc tập trung quyền hành, vốn không còn coi mình có trách nhiệm đối với quảng đại quần chúng là thành viên trong hội thánh. Thêm vào đó, khi suy xét công việc dịch thuật quan trọng như thế mà lại giữ kín, không hội ý với các linh mục hoặc tầng lớp giáo dân một cách công khai. Và nhất là, thấy Đức Thánh Cha cho phép một nhóm người rất ít ỏi được phép cướp tay trên quyền phiên dịch hoặc biên soạn ở giai đoạn cuối, đồng thời thấy rằng: bản văn cuối không thoả mãn được nhiều người và: văn bản dịch thuật này lại đã áp đặt lên hội đồng giám mục ở các nước, đến độ vi phạm thẩm quyền chính đáng của các chủ chăn địa phương; đồng thời, khi thấy biết bao đấng bậc chủ quản rất thiện chí nay nản lòng đến bất hoà về điểm đặc trưng của tiến trình dịch thuật, khiến tôi nghĩ ngay đến giáo huấn của Chúa về phục vụ, yêu thương và hợp nhất… Từ lúc đó, tôi đã bật lên thành tiếng khóc, rất chân tình.

Nay, thấy tâm trạng vỡ mộng của một số chức sắc đối với Hội thánh, cũng như tâm tình của bạn bè người thân ở các cấp mà tôi quen biết, một số vị đã rời bỏ Giáo hội, không còn tin vào Hội thánh mình nữa. Một số người khác, dần dà bị cuốn hút theo các vị ấy, cũng đã ra đi. Một số vị nay gia nhập giáo phái khác, Giáo hội khác. Có vị, tuy vẫn ở lại với Hội thánh, nhưng đã gặp khó khăn rất nhiều. Vì vậy, nay tôi quyết định là vẫn ở lại với Hội thánh và làm hết sức mình để phục vụ Hội thánh, nhưng tôi hy vọng rằng: bằng vào việc này, tức nói lên sự thực mà tôi nhận thức; nói lên bằng tất cả tình thương yêu tôn kính tôi vẫn có, tôi sẵn sàng tham gia mọi công tác phụng vụ thực hiện trong mai ngày trong tư thế thoải mái, dễ chịu hơn.

Tôi thấy có lỗi nếu đã tạo rắc rối cho một số vị, qua quyết định rút lại sự đồng thuận này, nhưng tôi vẫn nhận ra rằng: việc tôi đang rút lại sự đồng thuận, là rất đúng. Và, phải làm. Tôi hứa sẽ cầu nguyện cho các ngài và các thủ lĩnh của Giáo hội ta.

Kính chúc các ngài sự bình an trong Đức Kitô,

Lm Anthony Ruff, O.S.B

Thế đó, là lời lẽ chân tình, của một đấng bậc vị vọng trong Đạo dám nói lên những điều phải nói với nhà Đạo. Còn đây, lại là lời ca rất đáng nói của nghệ sĩ ngoài đời khiến ta cứ ca và hát mãi:

“Khi hôn hoàng xuống dần

Trăng lên vàng mái lầu,

Nghe thoáng tiếng kinh cầu xa xa,

Ngàn lau thấp thoáng, bóng kinh kỳ sầu bao la.”

(Văn Cao – bđd)

Ca từ hay lời kinh, dù xuất từ miệng ai đó, vẫn là lời trần tình người trong cuộc. Tức, các vị có kinh nghiệm từng trải rất chung đụng, cùng hiện tượng. Hiện tượng này. Sự kiện ấy, là những gì mà thành viên Hội thánh, nay trăn trở. Trăn và trở như hơi thở, của nghệ sĩ nay vẫn hát:

“Từ người ra đi, chờ vắng tin người

Từ người ra đi, là hết mơ rồi…”

(Văn Cao – bđd)

Và, ưu tư/uẩn khúc vẫn lẩn quẩn đâu đây, chốn đời này, như tác giả Paul Philibert, linh mục Dòng từng có lời trần tình ở trên báo điện tử từ Mỹ Quốc rất America, The National Catholic Weekly đề ngày 3/1/2011, như sau:

“37 năm trôi qua, giới Công giáo nói tiếng Anh đã nghe quen hoặc đọc quen bản dịch lời kinh tiếng La tinh khi tham dự thánh lễ. Lời kinh ấy, là: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống, này là máu Ta, máu giáo ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội.”

Từ 1985, cụm từ “các con” bên tiếng Anh đã bị loại bỏ, nhưng nhóm chữ “tất cả”, vẫn được giữ. Nay, các giám mục ở nhiều nơi trên thế giới đang ràng buộc ban phụng vụ thuộc quyền mình nên có tư thế chuẩn bị cho các giáo sĩ bản quyền sử dụng bản dịch sách lễ Rôma, mà trước đây vẫn được coi là Sách Các Phép, và: các linh mục nay được lệnh thay và bỏ cụm từ “tất cả” đó. Trong số những điều gọi được là “bất hạnh” ở bản mới tiếng Anh, có việc thay cụm từ tiếng Latinh “pro vobis et pro multis” mà kể từ năm 1973 mọi người đều vẫn nghe/vẫn biết những lời dịch như: “cho các con và mọi người” nay bản dịch mới đề nghi là “cho các con và số đông”.

Sao lại có chuyện như thế?

Mới đây, tôi được vinh hạnh đi Rôma phó hội quốc tế của bổn Dòng là Tổng Công Hội Dòng Đa Minh. Hôm ấy, Tiệc Thánh được cử hành bằng nhiều thứ tiếng để các vị tham dự đều hiểu được. Cũng vào buổi Tiệc Thánh ấy, tôi chú ý cách đặc biết đến cụm từ “pro multis” được dịch rất kỹ. Nói tóm lại, điều tôi khám phá ra, là: với tiếng Đức, vị chủ tế đọc là: “cho các con và cho tất cả” (“fũr euch und fũr alle”); trong khi đó, bản tiếng Tây Ban Nha được dịch là: “cho các con và cho mọi người” (“por vosotros y por todos los hombres”). Ở tiếng Ý, lại thấy viết “cho các con và cho tất cả” (“per voi e per tutti”). Tiếng Pháp, cũng thấy dịch: “cho các con và cho đám đông” (“pour vous et pour la multitude”), tức ý chỉ về “đoàn lũ đông đảo”, một cụm từ được nhắc đến ở sách Khải Huyền đoạn 7 câu 9 hoặc đoạn 19 câu 6. Nhưng, không một bản mới nào trong các bản có dịch chữ “pro multis”của tiếng La-tinh thấy ở đó, lại bao hàm ý nghĩa của di chúc cứu độ mà lại dành cho một số người ít-hơn-là-toàn-thể-vũ-trụ nhờ nhiệm tích chết đi và sống lại của Đức Kitô, như bản tiếng Anh trước đây dịch không sai thành: “for many”. Dĩ nhiên, các bản dịch ấy đều đã hoàn tất trước lúc có tông huấn Liturgiam Authenticam được Thánh Bộ Phụng Vụ ban hành vào năm 2001.

Thêm nữa, từ tháng Chín năm 2010, Hội Đồng Giám Mục Đức cũng bác bỏ yêu cầu của La Mã buộc áp dụng bản dịch mới. Hội Đồng Giám Mục Đức lấy cớ rằng Sách Các Phép lâu nay vẫn được cả hàng giáo sĩ lẫn cộng đồng giáo dân chấp nhận, và đây là một sự kiện hiếm quý. Vì hiếm quý, nên không thể một sớm một chiều dễ thay “bản văn tiếng Đức rất đúng” bằng “những giải thích mới nhưng không quen thuộc” này.

Đặc biệt, văn phạm La-ngữ không có mạo từ, nên cụm từ “pro multis” có thể dịch hoặc cho một số rất nhiều người” (“for the many”) hoặc “cho nhiều người” (“for many”). Bên tiếng Anh, nếu không đặt mạo từ “the” ở trước “many”, thì tính từ “nhiều” lại là từ ngữ có ý nghĩa co cụm vào một dúm người tuy nhiều, nhưng không mang ý nghĩa của “mọi-người-trên-thế-giới”, tức ám chỉ một số -có thể là một dúm, có thể cả ngàn người- nhưng tuyệt nhiên không phải là đa số, lại càng không thể là toàn thể loài người được.

Về Sách Lễ mới, nhiều vị giám mục người Mỹ đã bày tỏ quan điểm cho rằng một bản dịch sát từng chữ có gốc tự tiếng La-tinh lại có thể tái tạo được chiều sâu ý nghĩa văn bản gốc của Sách Lễ hơn. Có thật như thế không? Nếu vậy, thì dịch tiếng La-tinh một cách mù quáng rất sát nghĩa như thế khác nào người dịch cũng lại sai phạm những lỗi về qui tắc mà các thày cô dạy tiếng La-tinh xưa vẫn sửa lưng học sinh trung học theo môn cổ ngữ, bảo rằng: “Các em đừng ngại thêm mạo-từ hạn-định vào trước chữ nếu như các chữ ấy không rõ nghĩa”. Đấy, dịch tức bội phản có nghĩa là như thế.

Chữ nghĩa con người thật ra không mang ý nghĩa nhiều cho lắm. Nó đi ngược truyền thống trước-sau-như-một của Hội thánh về lời trối trăn rất cứu độ mang tính cách rộng rãi, phổ cập với toàn thể loài người, như vậy mới đúng.”

Trần tình và giải thích sự việc theo hướng nhà Đạo, thì như thế. Còn tình trần, chẳng bao giờ giải thích kiểu người đời, lại không thế. Vẫn chỉ giải bằng lời ca như thế này:

“Chiều năm xưa, gót hài khai hoa,

Mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương.

Chiều năm nay, bóng người khơi thương

tiếng đàn gieo oan giấc mộng chàng Trương.”

(Văn Cao – bđd)

“Tiếng đàn gieo oan” của Trương Chi với giấc mộng, đương nhiên là phải khác tiếng cầu kinh của nhà Đạo, là như thế. Khác hơn, khi các chuyên gia nguyện cầu như vị sĩ tử Dòng Đa Minh tiếp tục phân tích như sau:

“Các bản văn phụng vụ vừa được dịch sang tiếng Anh mà các chức sắc cho là chính xác hơn, hợp niềm tin hơn, thật ra lại được diễn tả bằng thứ tiếng Anh cứng ngắc, giả tạo và dông dài. Và ở đây, trong trường hợp này, không xứng với thần học Đạo Chúa. Không xứng, là vì thiếu tính chất giảng rao Lời Chúa. Cử hành thánh lễ Chúa nhật, là chuyên chở Lời của Chúa một cách hiệu quả nhất cho quần chúng đông đảo trong cuộc sống. Đó là cơ hội hiếm có để Hội thánh đến mà thức tỉnh niềm tin của họ. Phải chăng các lãnh tụ Hội thánh muốn ra dấu bảo rằng: ân sủng Đức Kitô chỉ dành cho một số người thường xuyên đi nhà thờ, theo truyền thống chăng? Phải chăng các lĩnh tụ ấy có ý hướng muốn quên số người còn lại? Càng ngày ta càng thấy như thể thông điệp ẩn tàng bên dưới bản văn viết là một trong các động thái muốn loại bỏ một cách hữu hiệu hơn là thái độ như trước đây quyết gom toàn thể nhân loại vào lời trăn trối của Chúa để được hưởng ơn cứu độ Đức Kitô ban. Nói tóm lại, ngôn ngữ mới của Sách Lễ đây không giúp ích được gì.” (x. Paul Philibert, For You and Who Else, America The National Catholic Weekly 3/1/2011)

Nói gì thì nói, ta cứ phiếm. Phiếm gì thì phiếm, ta cứ hát và cứ ca. Hát và ca những truyện kể rất dễ hiểu hơn lời kinh, để minh hoạ, như bên dưới:

“Truyện kể rằng:

Một trai nam nhi chí khí nọ, đến gặp vị bác sĩ thân quen để nói và kể hết chuyện của vợ mình, rằng:

-Bác sĩ này, tôi e vợ tôi nay điếc nặng. Tôi nói rất nhiều, nhắc đi nhắc lại cũng không thiếu, mà sao cô ấy cứ như không nghe gì hết, thế có chết không cơ chứ!

-Thôi được rồi, không việc mà ầm ĩ thế. Ông cứ nghe tôi. Tôi này về nhà, ông cứ đứng cách vợ mình chừng 6 thước rồi nói điều gì đó thật lớn. Nếu bà nhà không trả lời, thì đứng lại gần 2 thước, và nhắc lại cũng một câu như thế. Cứ tiếp tục làm thế, để xem mức độ nghễnh ngãng của bà nhà nặng đến cỡ nào.

Anh chồng về, tức tốc thực hiện lời bác sĩ dặn kỹ, đứng cách xa vợ đến 6 thước trong lúc bà vợ còn đang chặt thái khúc thịt ở trong bếp, mà hỏi:

-Cưng à! Tối nay mình ăn gì thế?

Không nghe thấy vợ mình trả lời, anh lại đến gần 2 thước nữa, rồi hỏi lại cũng một câu như lúc nãy. Vẫn chẳng nghe thấy vợ trả lời trả vốn đến một câu, anh bèn đến gần thêm 2 thước nữa. Cũng chẳng thấy động tĩnh gì, lời của vợ. Cuối cùng, anh tiến sát đến đằng sau vợ, sợ xảy ra sự cố, và hỏi:

-Em yêu dấu, tôi nay mình ăn gì thế?

Người vợ trả lời ngay tức khắc:

-Đây là lần thứ tư tôi trả lời rồi đấy nhá: thịt bò hầm chứ ăn gì nữa!!!

Truyện kể chỉ mỗi thế. Không thêm không bớt một điều gì. Chỉ thêm mỗi lời bàn của người kể truyện, là: trong cuộc sống, nhiều người vẫn cứ nói và cứ hỏi. Nói và hỏi mãi một điều. Hỏi rồi nói, lại tưởng rằng chẳng ai nghe. Thực sự, thì có khi chính mình là người có nghe, nhưng không hỏi. Chí ít, là hỏi han hoặc han hỏi.

Và, nếu người kể hôm nay là người nhà Đạo rất đạo đức, lại ít thích mạn đàm chuyện dịch với phản, tức dịch sách/dịch kinh mà không cần phản hồi, chắc sẽ thêm chỉ một đề nghị, rằng: lời có nói, kinh có đọc cũng nên chú ý đến người nghe, hơn người nói và đọc. Chí ít, là nói và đọc lời kinh xem có thích hợp người nghe chăng. Nghe, là nghe một Lời:

“Anh em hãy làm như Thầy vừa làm

để tưởng nhớ đến Thầy."

(1 Cr 11: 24)

Và, đề nghị cuối: nghe và làm, vẫn là: dâng lời chúc tụng tạ ơn và bẻ bánh, ấy mới cần. Cần , hơn chuyện giải thích với phân tích một bản dịch. Của ai đó. Nhà Đạo, hay người đời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn lòng nhủ lòng mình

từ nay chỉ nghe và thực hiện Lời Thày

hơn nói hoặc hỏi.