Friday 28 March 2014

“Đêm thơm không phải từ hoa”

“Đêm thơm không phải từ hoa”
“Mà bởi vì ta thiết tha tình yêu thái hòa.
Đời ngon như men say, tình lên phơi phới
Đẹp duyên, người sống cho người.”
(Phạm Duy – Dạ Lai Hương)

(Phil 1: 3-11)
Thiết tha tình yêu thái hoà”, chừng như đây không chỉ là lời thơ hoặc câu nhạc mà thôi, nhưng còn là lời dặn của đấng bậc nhân hiền, ở đâu đó, rất Tin Vui. Bần đạo đây, nhiều lúc cứ nghĩ quẩn-quanh lanh-chanh chuyện này nọ, rồi so sánh/phối kết với lời hay ý đẹp trong Đạo mà mình từng nghe biết, rất quen tai.
Và hôm nay, lời hát trước đây nghe rất quen, nay được diễn-tả một cách khác như sau:

“Đêm thơm như một giòng sữa
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà
Hiu hiu hương tự ngàn xa, bỗng quay về
Dạt dào trên hè, ngoài trời khuya.
Đường đêm sao yên vui, người đi quen lối
Tình trai, nở bốn phương trời!
(Phạm Duy – bđd)

“Dạt dào trên hè, ngoài trời khuya”. “Đường đêm, sao yên vui, người đi quen lối”, “Nhờ đêm đưa tới, những ai làm ngát hoa đời!” Chao ôi, giòng nhạc đầy những yên hàn và cũng rất vui, “người đi quen lối”... Và một giòng nữa, như “giòng sữa” cất tiếng hoan ca những là chúc tụng: “Tình trai, nở bốn phương trời...” Và, người nghệ sĩ cứ thế men theo giọng ca để đời, chỉ một lời, rằng: “Nhẹ bàn tay, hương yêu ơi!”
Lời thơ thanh tao, nhẹ nhàng đến là thế. Ý tứ thi vị, đậm đặc đầy chất nhạc của người nghệ sĩ lão thành họ Phạm được đánh giá cao, như lời bàn của bậc “sĩ” rất “chuyên” ngành dân-ca, dân nhạc của người Việt như sau:
“Sự phân tích bằng ngôn ngữ nghề-nghiệp của một nhà nghiên-cứu âm-nhạc truyền thống dân-tộc, cho người đọc nhận-thức được rằng: trong gia tài âm-nhạc rất đa dạng, phong phú và đồ sộ của Phạm Duy, cái cốt lõi cơ-bản nhất, sâu sắc nhất ình-thành nên giá-trị di-sản của ông chính là gốc rễ văn-hoá Việt Nam đã ăn sâu vào huyết quản, vào trái tim, vào ký ức với những hình ảnhquê hương khó phai-nhoà trong lòng Phạm Duy để ông có thể tình-tự qua âm-nhạc mà gắn bó cả đời mình với dân-tộc...

Trong cái nhìn của Giáo-sư Trần Văn Khê –một người chuyên nghiên-cứu âm-nhạc thì bản-thân Nhạc-sĩ Phạm Duy mang trong mình một óc nghiên-cứu rất khoa-học và tinh-tế không thua gì những nhà nghiên-cứu thực-thụ, điều đó được thể-hiện qua những gì Phạm Duy tìm tòi, ghi chép, hệ-thống và cho ra đời những thiên đặc-khảo về âm-nhạc được nhiều người biết đến...” (xem bài của Dương Trung Quốc trong “Tình dân tộc trong âm-nhạc Phạm Duy” do Trần Văn Khê soạn, nxb Thời Đại 2013, tr.15-16)

Ở đời thường, nhiều vị lại cứ tìm cách đề-cao biệt-tài hoặc năng-khiếu của thi-nhân, nhạc sĩ hay vĩ-nhân nào đó rất tuyệt cú, không chê vào đâu được.
Nơi nhà Đạo, cách riêng ở chốn cao sang quyền-thế, đã thấy nhiều bài viết phẩm-bình, ngợi ca đấng bậc cao sang chốn “chóp bu” còn xôm tụ hơn nữa. Nói chung, cũng dễ nể. Bần đạo bầy tôi đây, nay mạn phép đi một đường “tản-mạn” xem thế-thái nhân-tình nhà Đạo nói gì về đấng bậc ở trên cao để cảm-kích/biết ơn vì Chúa ban cho mình hồng-ân cao cả là thế.
Nhưng, trước khi đi vào chi tiết, cũng xin cài thêm ở đây đôi thanh-âm dạt-dào đầy thương nhớ, rất “Dạ Lai Hương”, rằng:

“Lung linh trăng lại về nữa,
Cánh gió đưa hương ngã đầu mây phất phơ.
Đời vui như ong bay, ngọt lên cây trái,
Góp chung mặt sống lâu dài.
Nhịp bàn tay nhân gian ơi!
Nhịp bàn chân nhân gian ơi!
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Đúng là như thế. “Dạ lai” rất hương huyền, hiếm quý nay qui về đấng-bậc khả-kính rất Phanxicô chốn trên cao vời vợi bằng “giòng sữa” lạ rất La Mã, lại hát thêm:

Đêm đêm trước khi ngủ kỹ,
Lũ chúng em ân cần cầu hương lúc tân kỳ.
Đêm thơm thêm một lần nữa,
Rồi hẹn nhau thương nhớ...
(Phạm Duy – bđd)

Thương nhớ ở đây, hôm nay, không chỉ thấy có mỗi giòng “ngợi ca” đấng bậc nào đó ở đâu đây, mà còn thấy thứ hương “Dạ lai” toạ-lạc chốn đền đài quyền-bính có nhân-vật vĩ-đại rất nhà Đạo.
Thương nhớ ở Đạo Chúa, nay thấy cả giòng chảy đầy “tụng ca” đấng bậc “nổi cộm” ở đỉnh cao nhà Đạo được Thần-Khí Chúa ban tặng. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, cho xong rày một nỗi nhớ cũng rất thương. Nói thật cho thương, là những thương mà nói về thứ hương “Dạ Lai” đang “trụ” ở chốn trên cao nhà Đạo, tức thánh Hội mà người-thường-ở-huyện quen gọi là Đức thánh (cũng rất) Cha Phanxicô.
Nói về Đức thánh (là) Cha Phanxicô, nay có gì trổi bật để mà nói? Phải chăng, là nói về ngày dài những 12 tháng qua đó ngài hành-xử như đấng chủ-quản cả một giáo-hội có số thành-viên lên cả 1 tỷ? Câu hỏi này, trước nhất được một tập san nọ ở Úc chuyển tới giới trẻ người Úc để hội ý, lại đã nhận đuợc câu trả-đáp cũng “phải phép” như sau:

“Theo em, Đức Phanxicô quả là “đặc-sản” xuất từ các Đức Giáo-hoàng “khoa-bảng” của thời trước mà Giáo hội mình vẫn luôn có. Ngài hành-xử một cách cũng đúng như điều ngài giảng dạy. Điểm son dễ nhận nơi Ngài, là ở điểm: Ngài dám ra khỏi khuôn khổ rất khô-khan của Tông Toà rất thánh, hầu đến với dân con ngoài đời. Ngài không là “týp” người được bảo-bọc bằng thứ cơ-cấu Nhà Thờ rất cũ, chỉ đáng trưng lên trên bàn thờ này khác, thôi”. (Baden Sinclair, thuộc Giáo-phận Bathurst Úc Châu).

“Riêng tôi lại vẫn nghĩ: Đức Giáo Hoàng của ta, xem ra là người đem đến cho tất cả mọi giáo-hữu ở khắp nơi nhiều thay-đổi về các vấn-đề có liên-quan đến hội thánh”. (Christopher Maxwell, Trung học Nazareth).

“Với tôi, thật tuyệt vời khi thấy được một Giáo Hoàng mới như Đức Phanxicô tài-ba lỗi-lạc cai-quản Hội thánh đang cằn-cỗi. Lại cũng theo tôi, Giáo hội có phúc lắm mới được ân-huệ cao-quý có đấng bậc trên cao đến từ Châu Mỹ La-tinh dám chấp-nhận trở thành lãnh-tụ đem sức sống mới đến cho Giáo hội nay già-nua.” (Dan Kelly, Mount Lilydale College, Bang Victoria Úc)

“Theo em, Đức Giáo Hoàng nhà ta rất ư là xuất-sắc, bởì ngài có biệt tài đem nhiều sự việc vĩ-đại đến với mọi người trong/ngoài Giáo hội. Em vẫn nghĩ, ngài là người có khả-năng biến-cải Giáo-hội thành hiện-đại hơn trước, do bởi ngài đã đưa mọi người về với Giáo hội chánh gốc.” (Hannah McNeil, Trung học Công giáo Ryan ở Townsville, Bắc Úc)

“Em đây lại cứ nghĩ: đường-lối do Đức Phanxicô đưa ra mang sắc màu mới cứng đến cho thế hệ trẻ của em hôm nay. Và, dựa vào công việc lâu nay ngài làm, cũng đủ để chứng-tỏ cho giáo-hữu ở khắp nơi trên thế-giới biết rằng công-việc thiết-yếu của ta, là sống Tin Mừng đích thực và hoạt-động cho Chúa thôi cũng đẹp tuyệt vời, rồi. Em hy vọng, trong tương-lai, Đức Giáo Hoàng sẽ đưa dẫn mọi người đi vào thời-đại nối tiếp trong đó tín-hữu ở các nơi rồi sẽ sống như đồ-đệ đích-thực của Chúa, ngay thôi”. (Hogan Rogers, Emmanuel College Carrara Gold Coast, Úc Châu)

“Đối với tôi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhà mình đang tham-gia vào với cuộc sống của giới trẻ ngày nay. Ngài vốn cởi mở lại biết tham-gia vào việc của nhiều nước ở các nơi, chứ không chỉ mỗi công việc của Toà thánh, thôi”. (Maria Ramirez, Giáo phận Townsville, Bắc Úc)        

“Ngài chỉ là Giáo Hoàng của đạo Công giáo mình thôi, nhưng theo tôi, tánh tình ngài thật chân-phương, giản-dị đến độ dám bỏ qua một bên những chuyện thuộc trọng-trách của một Giáo-hoàng đương-nhiệm để có thể đến với cộng-đồng rộng lớn, hầu giúp đỡ nhiều người hơn. Đây, là phương-cách rất năng-động khả dĩ giúp ngài thực-hiện chuyện bình-dị nhất. Hy-vọng mọi người sẽ bước theo chân ngài, làm được nhiều điều bổ-ích chứ không chỉ nói và nói, mà thôi. Ngài là mẫu-gương cho nhiều người noi theo.” (Leanne Cousinery, St Columba College, Melbourne Úc)

“Tôi lại vẫn nghĩ: Đức Phanxicô giống như luồng khí thanh-thoát đến với nhiều người. Là bậc vĩ-nhân quý hiếm, chắc chắn ngài sẽ đưa Giáo-hội về lại với cội-nguồn của tình hoà-giải rất tận-tâm, và ngài cũng sẽ lo chăm sóc những người sống gần cận ta, bên ta. Ngài đâu có là người chỉ biết mỗi luật Hội-thánh hoặc những gì giống như thế mà thôi. Cách-thức ngài hành-xử lại sẽ nhắc-nhở mọi người cố trở thành con người đích-thật đúng với tinh-thần của Tin Mừng. Quả là, ngài đang mang đến cho Giáo hội những gì Giáo hội cần, đó là: tình thân-ái, là tấm lòng đầy thiện-tâm/thiện-ý của mọi người”. (Mark William, địa-phận Bathurst Úc)

“Theo tôi, đơn giản mỗi thế này: Đức Giáo HOàng Phanxicô là bậc thày vĩ-nhân vượt quá trí khôn lường của nhiều người. Tôi vẫn nghĩ, thái-độ hoà-nhã và khiêm-nhu của ngài đã khiến cho nhiều người trong chúng ta trở nên khiêm tốn hạ mình hơn nữa. Có thế, ta mới có thể cất bước ra đi phục-vụ mọi người”.(Samuel Crowe, Dòng Marist ở Úc) (xem Yazmine Lomax và Niamh Pillinger phỏng-vấn giới trẻ cảm-nghiệm về Đức Phanixô, trong The Australian Catholics Magazine số Summer 2014, tr. 12-13)

Thế đó, là hương “Dạ Lai” nơi Đạo Chúa, rất thời thượng. Thế còn, “Dạ Lai” hương thơm nơi âm-nhạc/nghệ-thuật lại sẽ vang lên lời ca trong sáng, những hát rằng: 
         
“Đàn em trong cơ ngơi.
Nhờ đêm đưa tới,
Những ai làm ngát hoa đời
Nhẹ bàn chân, hương đêm ơi!
Nhẹ bàn tay, hương yêu ơi!”
(Phạm Duy – bđd)

“Đàn em trong cơ ngơi”, giữa trời và “những ai làm ngát hoa đời”, “hương yêu ơi!” phải chăng đó là lời “ới gọi” chuyển đến nhiều người và với ta những lời ca như thế, ở giữa đời? Phải chăng, nhà Đạo mình lại có khá nhiều nhận-định không chỉ mỗi “ới gọi” người người ở muôn nơi, cho bằng cứ nhắn nhủ cả những người viết rất trẻ, ở Úc, như sau:

“Phải công nhận là, danh-hài Công giáo người Mỹ có tên là Stephen Colbert từng đề-xuất một học-thuyết về Đức Phanxicô Đạo mình. Về Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tác giả này có lần từng nghe biết là: Đức Phanxicô nhà ta lại đã ra khỏi chốn khuôn viên khép kín của Toà Thánh, ăn mặc như một linh mục bình thường để xuống phố tiếp chuyện với mọi người. Danh hài lần đó có lên tiếng: “Ngài đường đường là vị Giáo hoàng biết cân nhắc/đắn đo mọi chuyện; ngài lại là người giàu sụ, sống đơn độc trong cung-điện nguy-nga bề-thế, vậy mà ngài lại bước ra ngoài tìm cách giúp người nghèo khó, túng cực. Vậy, ngài phải là vị “Giáo hoàng người dơi” chứ còn gì!” Stephen Colbert còn giải-thích: “Người Dơi có xe cơ-giới riêng dành cho dơi, trong khi đó Giáo hoàng Phanxicô cũng có cơ-giới đặc-biệt dành cho ngôi vị Giáo hoàng, cũng đâu kém!”...

“Với Giáo hội và xã hội, cả hai đều có những lúc, những thời không kém nghiêm-trọng cần được giải-quyết. Có nhiều vấn-đề cần giải quyết dứt-khoát. Đó là, một trong những vấn-đề vẫn cứ lì-lợm nằm ì một chỗ khiến ta phải làm việc cật-lực mới mong giải-toả chúng được. Và ta cũng cần có đôi chút tính khôi-hài/hóm-hỉnh cả về con người mình, hầu giải-quyết những vấn-đề khó như thế. Và, tính hài-hước/hóm-hỉnh, không thể là kẻ thù truyền-kiếp của ai hết.

Vào những lần nói đùa hoặc tấu-hài trên truyền-hình, danh-hài Stephen Colbert từng thủ-giữ vai-trò của một thức-giả uyên-thâm nhưng bảo-thủ, thế nên lời phẩm-bình/chê-trách của ông mang tính biếm-nhạo một cách chua cay, độc-địa. Ông lại hay thách-thức chúng ta là: hãy nhìn sâu nhìn cho sát thế-giới vốn dĩ do ta thiết-lập dành cho mình. Không có gì cường điệu hơn những lời huênh-hoang đến như thể, cốt để tố-cáo Đức Giêsu là nhà dân-chủ phóng-khoáng, thức-thời về chuyện Ngài chuyên tranh-đấu cho người nghèo khó, tức những người chẳng được ai quan tâm, biết đến.

Giả như đất nước của ta trở-thành quốc-giáo theo mỗi Đạo Chúa, lại chẳng thiết tha gì chuyện giúp-đỡ những người cơ-cực, nghèo hèn; hoặc, nếu như ta cứ giả-tảng mà cho rằng: Đức Giêsu là đấng-bậc vị-kỷ như ta, nhưng lại quên rằng Ngài từng dạy ta biết thương yêu người nghèo khó, túng thiếu và biết phục-vụ những người có nhu-cầu thiết-yếu một cách vô-điều-kiện, thì khi đó, có lẽ ta cũng lại khước-từ không chịu làm những chuyện như thế, chứ?

Giả như chính-phủ của ta gồm toàn thành-viên Công giáo chế-ngự cả một chính-trường rộng lớn, thì những chuyện như chi-giảm phúc-lợi không còn tặng ban cho những người có nhu-cầu bức-thiết, thì khi ấy cũng sẽ có vấn đề đặt ra, cho ta. Mặt khác, nếu chính-quyền như thế lại làm ngơ trước cảnh-tượng những người cứ chạy đôn/chạy đáo tìm chốn ẩn thân, tỵ nạn đang sống những chuỗi ngày cực-khổ trong các trại giam-giữ như phạm-nhân ở nước ngoài, hẳn là: ta cần nhiều tiếng nói để biết được sự thật mà danh-hài Stephen Colbert gọi là tính trung-thực gửi đến cho ta theo cách thực tế.” (xem Michael McVeigh, Lessons in truthiness, Australian Catholics Magazine, Easter 2014, tr. 5)     

Tuy tác-giả Michael McVeigh và danh-hài Stephen Colbert có đề cập những chuyện khó nói ở trên, nhưng họ cũng chẩng chê-trách cách hành-xử của đấng bậc nào hết. Chí ít, là đấng bậc rất trên cao, vị vọng ở Đạo Chúa, là Đức Giáo Hoàng đương-nhiệm. Chừng như, ý tác-giả ở trên chỉ muốn tỏ bày rằng: nếu ta tập-trung quá mức vào hoạt-động mang tính “thời-thượng” để được ngưỡng mộ, thì âu đó cũng là đường-hướng rất “không phải”. Càng “không phải” hơn, nếu người đó/vị đó lại “trụ” ở chốn trên cao trong hệ-cấp quyền-hành nào đó, tệ hơn nữa.
Đưa ra vấn-nạn tương-tự với nhà Đạo, trong hoàn-cảnh hiện-tại, hỏi rằng như thế có thích-hợp và đúng cách không? Trả lời vấn nạn này, có lẽ cũng nên để tai nghe nhiều tiếng/giọng từ nhiều nơi, nhiều phía. Chí ít, là những phía/những nơi đứng-ở-ngoài mà nhận xét, cũng rất tốt.  Ý-kiến hay ý-nguyện của nhiều người vẫn thấy đầy ở nhiều nơi. Nay, bần đạo đây chỉ dám ngang qua “đất trời” ở Úc như ví-dụ của “miệt dưới”, mà thôi.
Truớc hết, là ý/lời của đấng bậc cùng Dòng với Đức Phanxicô, như sau:

“Mới đây, tờ báo mới ra mắt người đọc ở Ý mang tên “Il Mio Papa” do Silvio Berlusconi làm chủ, đã khoác áo mão, cân đai vương miện đăng-quang cho Đức Phanxicô ngay ở trang bìa của số đầu, vào dịp tháng 3 năm 2014, mới đây thôi. Báo này, từng nhấn mạnh rằng: Mới một năm trôi qua, mà Đức Phanxicô đã chứng tỏ ngài cũng nổi danh như chuyện thần thoại, khá huyền-nhiệm. Thần thoại này, có thể bị người đời lèo lái, đưa vào thị-trường mua bán/đổi chác với bạc tiền. Thật khó mà giải-thích cho mọi người hiểu được hiện-tượng “nổi tiếng” theo nghĩa “đổi chác/mua bán” bạc tiền. Bởi, chúng luôn đòi ta phải có cái gì đó rất tuyệt-đối và cũng tuyệt-chiêu đến độ không ai hiểu nổi.

Trường hợp Đức Phanxicô, điểm đặc-biệt nơi ngài đã hơn hẳn nhiều vị giáo hoàng khác, là ở chỗ: mới có một năm thôi, mà ngài đã đóng góp rất nhiều cho Giáo-hội Công-giáo. Còn khó hiểu hơn, khi mọi người vẫn muốn chuyển-đổi tính bình-dân-như-người-thường hiện rõ nơi tâm-tính của ngài cả khi ngài đưa học-thuyết luân-lý cùng các huấn-dụ có liên-quan đến các tín-điều của đạo Công giáo một cách nghiêm-túc, để mọi người thấy là ngài cũng cởi mở, dễ chịu đến độ những ai đến với ngài cũng đều có thể được. Ngài không là nhà thần-học phóng-khoáng và ngài có tự-do tiếp-cận các tín-lý tín-điều và phụng-vụ một cách an-toàn.

Nhiều bản phân-tích lập-trường tư-tưởng của ngài, lại đã tìm cách nói ngược lại. Và các nhà phân tích như thế đã chứng-tỏ cho mọi người thấy, là: các đóng góp đặc-biệt của Đức Phanxicô không nằm ở bản-chất mà ở cung-cách diễn-tả của ngài. Đằng khác, diễn-tả của ngài không nằm ở nỗ-lực chú-giải thần-học mà là vận-động quyết đưa vào địa-hạt mang tính thừa-sai, mục-vụ thôi. Nói cách khác, nỗ lực khai-thác giải-thích tâm-tính của ngài không nằm ở các cố-gắng đạt được điều thiết-yếu của niềm tin, cho bằng vào những bất-ngờ, phụ thuộc tạo ngỡ ngàng không ít.

Điều dễ thấy qua nỗ-lực này, là: các câu nói nhịp-nhàng từng đôi từng đôi như thế, có cái lợi là để chỉnh sửa những đặc-trưng không thấy nơi Đức Phanxicô. Nhưng, diễn tả theo kiểu như thế, cũng chẳng mang nặng tính-chất mạch-lạc có kết-hợp giữa động-tác hoặc điệu-bộ luôn tạo ngỡ ngàng và chẳng giải thích được tại sao mỗi khi tiếp xúc với ngài, ai cũng thấy có cái gì đó rất phấn-khởi, cả với người ở trong cũng như ở ngoài Hội-thánh. Có người lại nghĩ trước đây từng thấy nhiều người bất mãn/nản lòng vì lối cư-xử của Giáo hội Công-giáo nhà mình.

Có lẽ, ta cũng nên tìm hiểu thêm những gì được Đức Giáo Hoàng Phanxicô san-sẻ một cách rành-rọt với các vị Giáo hoàng trước đó. Nói khác đi, tức những gì mang cùng sức sống niềm tin vững mạnh vào Đức Kitô, khiến các ngài xử-sự và định-vị cho cung cách tư riêng của ngài”.... (xem Lm Andrew Hamilton, sj The Celebrity Pope, Eureka Street 12/3/2014)              

Nói cho cùng, có tụng ca/khen ngợi Đức Giáo Hoàng đương-đại hay bất cứ người nào khác, cũng chỉ để tìm ra thứ hạnh-phúc đang nở rộ nơi vị ấy, từ vị ấy mà thôi. Thật ra, hạnh phúc/phúc hạnh của người này hay người khác, vẫn nằm ở nhiều chỗ/nhiều vị mà các nhân-sĩ ngoài đời từng tìm cách đưa ra nhận-định. Có nhận-định về nỗi phúc-hạnh được nhân-sĩ và/hoặc cư-sĩ ngoài Đạo vẫn suy-nghĩ như sau:
          
“Một nhóm 50 người đang ngồi tham-dự hội-thảo do vị nọ giảng-thuyết. Bỗng nhiên, thuyết-trình-viên ngừng lại đề nghị nhóm tham-gia một hoạt-động do ông đề ra. Ông đưa cho mỗi người một quả bóng bay và yêu cầu mỗi người viết tên mình lên quả bóng ấy. Sau đó, mọi bóng được đưa tới căn-phòng khác. Người tham-dự hội-thảo bèn bước vào phòng đựng các quả bóng bay ấy và buộc phải tìm ra bóng nào mang tên mình trong vòng 5 phút. Mọi người đều cố gắng tìm cho được quả bóng ghi tên mình. Họ bắt đầu xô đẩy người khác và gạt mọi bóng khác sang một bên. Khung cảnh thật hỗn độn, mất trật-tự.

Sau 5 phút không ai tìm ra được quả bóng nào mang tên mình hết.

Nhóm người này lại được yêu-cầu tiến-hành một việc khác, nhặt bất kỳ quả bóng nào rồi đưa cho người có tên trên bóng đó. Trong vòng một phút, tất cả mọi người đều có quả bóng viết tên của mình. Khi ấy, thuyết-trình-viên bèn nói:
-Đây chính là những gì đang xảy ra trong cuộc sống của ta. Ai cũng cuồng điên lùng sục hạnh phúc ở khắp nơi mà không biết là nó nằm ở đâu. Hạnh phúc mỗi người chúng ta chỉ có được là dựa trên hạnh phúc của người khác. Hãy cho đi niềm hạnh phúc, và bạn sẽ nhận lại phần của mình. Và đây mới là mục đích của cuộc sống.
- Nơi người, lại thấy hạnh phúc của ta; nơi ta, lại có hạnh phúc ngang qua mọi người. Đó, mới là sự thật trong đời...” (truyện kể gửi qua mạng vi tính, rất ê hề).

Biết được hạnh phúc của người đang ở nơi ta và của ta đang ở với ai đó, hiểu thế rồi, cũng nên hiên ngang hướng thẳng tầm nhìn của mình về nhiều phía, mà tìm ra nhận-dịnh khác của bậc thánh-nhân hiền-lành từng tỏ lộ với mọi người, ở đời. Thánh-nhân hiền-lành ở nhà Đạo, cũng tỏ cho ta biết về mối phúc-hạnh đã dành sẵn cho ta và cho mọi người, rằng:

“Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi,
mỗi lần nhớ đến anh em.
Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy,
vì từ buổi đầu cho đến nay,
anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng.
Tôi tin chắc rằng:
Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em
một công việc tốt lành như thế,
cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành
cho đến ngày Đức Kitô Giêsu quang lâm.”
(Phil 1: 3-6)

Nói rõ hơn, thánh-nhân hiền lành lại vẫn nói bằng giọng đanh thép quả quyết rất chắc-nịch, để lại thêm:

“Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em,
đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi.
Khi tôi bị xiềng xích, cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng,
anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được.
Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi:
tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả,
với tình thương của Đức Ki-tô Giê-su.
Điều tôi khẩn khoản nài xin,
là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào,
khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên,
để nhận ra cái gì là tốt hơn.
Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền
và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm.
Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính
nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.”
(Phil 1: 7-11)                     

Hôm nay đây, bằng vào nhận-định hay như thế, thiết tưởng bạn cũng như tôi, ta cứ mạnh dạn suy-tư để có quyết-tâm mà tiến tới cuộc sống có thi ca/âm nhạc song-hành hầu phụ-trợ niềm phấn-khởi rất hiếm, rồi lại hát:

““Đêm thơm như một giòng sữa,
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà.
Hiu hiu hương tự ngàn xa, bỗng quay về,
Dạt dào trên hè, ngoài trời khuya.
Đường đêm sao yên vui, người đi quen lối,
Tình trai, nở bốn phương trời!
(Phạm Duy – bđd)

Hát thế rồi, hẳn bạn và tôi, ta sẽ không còn phẩm-bình về nhân-vật “nổi cộm” nào khác, cho bằng cứ nghĩ về mình rồi tự mình lo sống có phúc hạnh. Sống hạnh phúc, sướng vui không chỉ đời này, nhưng lại chuyên lo truyền-rao mối phúc hạnh ấy với mọi người, ở mọi thời.  

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ hy vọng là như thế.
Như thế là như thể
Hạnh phúc sướng vui vẫn chờ đợi ta
Chờ đợi mọi người.
Gần bên ta.

Saturday 22 March 2014

“Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối,”



“Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối,”
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Đường chia hai ngã biết tới phương nào?
(Lê Mộng Nguyễn – Trăng Mờ Bên Suối)
(1Th 4: 3-12)
            Hẹn đâu không hẹn, sao anh chị lại cứ hẹn nhau bên bờ suối, rất ướt át? Gặp đâu không gặp, sao các cụ lại cứ gặp trên các nẻo đường cứ là “chia hai ngã, biết tới phương nào?” thế vậy?
Vâng. Có thể là như thế. Người thường ở đời, lại cứ hẹn và cứ hò cho lắm, để rồi sau đó trăng sẽ mờ, ý thơ và khúc nhạc lòng sẽ vắng ngắt như câu ca mà nghệ sĩ nhà vẫn cứ hát?   
            Vâng. Có thể và có lẽ buổi hò hẹn lại “hò hét” qua loa, để rồi nghe câu hát rất nản, rằng: 

            Mịt mùng ngàn thâu suối mơ trầm lắng
Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng
Người ơi nhớ khúc nhạc lòng đêm ấy?
Ngàn đời vang ngắt bên suối trăng tà...”
(Lê Mộng Nguyễn – bđd)

Vâng. Cuộc đời nơi xã hội, nhiều người lại vẫn gặp những chuyện rất “tréo cẳng ngỗng, giống như thế! Giống như thế, là giống như thể bà con ở đời thường gặp nhiều trắc trở khi hẹn hò, thề hứa những trăm điều, mà chẳng thấy điều nào thành hiện thực, hết. Hệt như chuyện ở trời Tây, có những tin cùng...tức, rất như sau:

“Có khảo sát mới đây cho thấy: đối với 1000 người Mỹ nhận lời khảo sát những hỏi rằng: điều gì giúp cho hôn nhân nên phúc hạnh, sướng vui nhiều? thì: kết quả khiến mọi người ngạc nhiên không ít. Một số cặp phối-ngẫu đã trả lời bằng câu tóm rất nhiều chuyện: một là, nếu họ chịu khó bỏ giờ ra mà gần gũi nhau, cả vào lúc có niềm vui bộc phát hoặc những khi phải cảm-nghiệm nỗi sầu buồn đến độ da diết. Hai nữa, có ít nhất là ba sở thích giống nhau khiến hai người phối-ngẫu cùng nhau sẻ san, và đặc biệt hơn,cố làm sao đi nghỉ phép chung với nhau mỗi năm ít là hai lần, ắt cũng đủ để biến cuộc sống của hai người thành thứ keo sơn đính kết nhau suốt đời.

Một số cặp phối ngẫu khác, lại cũng cho biết: thỉnh thoảng cũng nên ôm hôn âu yếm và nói lời “yêu thương” nhau một tuần ít nhất 10 lần, sẽ thấy rằng đó là thứ keo dán làm hai dính chặt vào nhau cho dài lâu. Có cặp còn cho biết: họ quyết tâm thề nguyền phải nghĩ chuyện chăn gối thực tế với nhau ít là 3 lần một tuần mới là điều ắt và đủ của tình vợ chồng khắng khít.

Dù chỉ là chuyện hãn hữu/ít thấy, nhưng hầu hết các công cuộc nghiên-cứu khảo-sát đều cho thấy: hôn nhân tốt đẹp nhất trên đời không tùy thuộc chuyện chia chác cho đồng đều công việc nội trợ, ai đi làm kiếm kế sinh nhai, ai ở nhà dạy con để mai kia mốt nọ chúng còn làm nở mày nở mặt bậc cha mẹ, hoặc chỉ nên đẻ bao nhiêu đứa là tối đa để còn có giờ mà du hí vui chơi đến cuối đời không còn dịp... Nhưng, ý-tưởng mà các cặp vợ chồng hầu hết đều nhắc nhiều nhất, vẫn là kiểu cũ của các cụ, tức: biết nghĩ đến nhau nhiều hơn là chỉ nghĩ mỗi mình thôi và yếu điểm mà nhiều cặp phối-ngẫu đề cập đến, đó là: tính “rộng lượng” với người phối ngẫu.

Hai chuyên gia về lãnh vực này là William Bradford Wilcox thuộc đại học Virginia và Jeffrey Dew thuộc đại học Utah đều đã nhất mực chĩa thẳng vào yếu tố “rộng-lượng” như điều-kiện không thể thiếu cho niềm phúc-hạnh của hôn nhân. Hai tác-giả nói trên, đều tập trung nghiên-cứu động-thái biết tặng-trao cho nhau những gì tốt đẹp nhất mà người phối-ngẫu nào cũng chờ đợi ở vợ hoặc chồng mình như động-thái hiền-từ/tử tế, biết tỏ lộ lòng yêu thương/mến mộ cũng như “tương kính như tân” và nhất là thứ tha nhau những sai lầm, sơ hở khó lòng tránh khỏi trong quá-trình sống gần gũi đến nhàm chán khiến một trong hai cứ “thèm của lạ”, vv... Cuối cùng, thì: nhị vị chuyên gia này cho rằng: “lòng đại-lượng” có lẽ là một trong các hành-xử để duy trì quan-hệ mật-thiết đối với nhau, vẫn là hình-thức tương-giao trong hôn-nhân ở xã-hội thiện thời.”

Tắt một lời, nhị vị ở trên đi đến kết luận, bảo rằng: theo kinh-nghiệm khảo-sát của họ, thì: cặp phối-ngẫu nào sống kinh-nghiệm phẩm-chất cao trong hôn-nhân qua việc “cho đi” và “nhận lĩnh” tính độ-lượng càng nhiều sẽ càng gắn bó với nhau hơn, trong cuộc sống.” (xem Nicole M. Kinh, Simple things make a happy marriage, MercatorNet 17/02/2014)   

            Nói như thế, tức: nói theo kiểu có nghiên-cứu/suy-nghĩ có bài bản, có chứng cớ rành-rẽ, ở đời người. Nói như thế, là còn nói theo kiểu bàn-luận về người đời từng sống với phối-ngẫu có ăn có chịu, vẫn chấp-nhận cuộc sống dù xấu đẹp. Nói như thế, còn là nói theo kiểu văn-hoa thi-tứ với nhạc điệu, theo cung cách có vần có điệu, có âm-thanh lành mạnh, nhiều thích-thú như:

            "Suối mơ... lời hẹn ước ven bờ suối xưa
Nhớ chăng... người phương xa trong khói điêu tàn?
Suối ơi... vờn theo bóng trăng vàng ngày xanh,
Nào những lúc trên thuyền say sưa
Nhìn trăng vừa lên, ai hay chia lìa
Sương khói biên thùy hiu hắt người đi xa trường sa.”
(Lê Mộng Nguyễn – bđd)

Nói theo kiểu người đời, ngoài xã hội, là có nói nhưng không khó. Nói theo kiểu nhà Đạo, có lẽ sẽ khó hơn, bởi không ngọt ngào, thi-vị như thế. Và, phần đông người nhà Đạo khi nói về hôn-nhân hoặc sống đời phối-ngẫu, thường hay nói có luật lệ, qui chế và qui-định với lời khuyên miên man, nhiều thập-kỷ. Nói theo nhà Đạo, chừng như chỉ muốn nói đến luân-lý giáo-điều, với đủ loại-hình mô phạm, cũng khô khan/cằn cỗi như người tình chăn gối thời xưa/cổ.
Sống đời phối-ngẫu cho đúng nghĩa, đúng luật Đạo, là sống có lý-tưởng một vợ một chồng đến bạc đầu, răng long suốt nguyên kiếp. Sống đời phối-ngẫu Công-giáo lại có nghĩa: không chấp-nhận hôn-nhân cùng phái-tính, cũng chẳng đồng-thuận hoặc cho phép con cháu mình sống thử cuộc sống phóng-túng gối chăn cả tháng ngày dài trước khi cưới. Sống đời đi Đạo, rất hôn-phối là còn sống đủ mười điều răn nhà Đức Chúa Trời với 6 điều răn Hội thánh, không thiếu một nét chữ nào hết.
Sống sao thì sống. Có theo giáo-huấn/lời dạy của Giáo hội Công giáo hay không cũng còn tuỳ. Tuỳ người. Tuỳ hoàn-cảnh của mỗi người trong cuộc sống. Tuỳ các cặp phối-ngẫu có hay không có hôn-nhân. Nhưng, quan-trọng hơn cả, là: sống thế nào để khi mình đang sống, vẫn nghĩ đến những ngày sau đó, chốn miên trường, như lời nhận-định của đấng bậc mô-phạm ở đâu đây, như sau:

Tuy trong rừng có nhiều cây đại thọ cả ngàn năm, nhưng người sống thọ đến 100 tuổi không nhiều. Bạn thọ lắm cũng chỉ sống đến 100 tuổi (tỉ lệ 1 trên 100.000 người).

Nếu bạn sống đến 70 tuổi, bạn sẽ còn 30 năm. Nếu bạn thọ 80 tuổi, bạn chỉ còn 20 năm. Vì lẽ bạn không còn bao nhiêu năm để sống và bạn không thể mang theo các đồ vật bạn có, bạn đừng có tiết kiệm quá mức.
(trên 50t mừng từng năm, qua 60t mong hàng tháng, tới 70t đếm mỗi tuần, đến 80t đợi vài ngày, được 90t ...ngơ ngác một mình với giờ phút dài thăm thẳm !)

Bạn nên tiêu những món cần tiêu, thưởng thức những gì nên thưởng thức, tặng cho thiên hạ những gì bạn có thể cho, nhưng đừng để lại tất cả cho con cháu. Bạn chẳng hề muốn chúng trở nên những kẻ ăn bám.

Đừng lo lắng về những gì sẽ xảy ra sau khi bạn ra đi, vì khi bạn đã trở về với cát bụi, bạn sẽ chẳng bị ảnh hưởng bởi lời khen hay tiếng chê bai nữa đâu.

Đừng lo lg nhiều q về con cái vì con cái có phần số của chúng và chúng sẽ tự tìm cách sống riêng. Đừng trở thành kẻ nô lệ của chúng.

Đừng mong chờ nhiều ở con cái. Con biết lo cho cha mẹ, dù có lòng vẫn quá bận rộn vì công ăn việc làm và các ràng buộc khác nên không thể giúp gì bạn.

Các con vô tình thì có thể sẽ tranh dành của cải của bạn ngay khi bạn còn sống, và còn muốn bạn chóng chết để chúng có thể thừa hưởng các bất động sản của bạn.

Các con của bạn cho rằng chuyện chúng thừa hưởng tài sản của bạn là chuyện dĩ nhiên nhưng bạn không thể đòi dự phần vào tiền bạc của chúng.

Với những người thuộc lứa tuổi 60 như bạn, đừng đánh đổi sức khoẻ với tài lực nữa. Bởi vì tiền bạc có thể không mua được sức khoẻ. Khi nào thì bạn thôi làm tiền? và có bao nhiêu tiền là đủ (tiền muôn, tiền triệu hay mấy chục triệu)?

Dù bạn có cả ngàn mẫu ruộng tốt, bạn cũng chỉ ăn khoảng 3 lon gạo mỗi ngày; dù bạn có cả ngàn dinh thự, bạn cũng chỉ cần một chỗ rộng 8 mét vuông để ngủ nghỉ ban đêm.
Vậy chừng nào bạn có đủ thức ăn và có đủ tiền tiêu là tốt rồi.

Nên bạn hãy sống cho vui vẻ. Mỗi gia đình đều có chuyện buồn phiền riêng.

Đừng so sánh với người khác về danh vọng và địa vị trong xã hội và con ai thành đạt hơn, nhưng bạn hãy so sánh về hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ... Đừng lo nghĩ về những chuyện mà bạn không thể thay đổi vì chẳng được gì, mà lại còn làm hại cho sức khỏe bạn...

Bạn phải tạo ra sự an lạc và tìm được niềm hạnh phúc của chính mình. Miễn là bạn phấn chấn, nghĩ toàn chuyện vui và làm những việc bạn muốn mỗi ngày một cách thích thú thì bạn thật đã sống hạnh phúc từng ngày.

Một ngày qua là một ngày bạn mất đi, nhưng một ngày trôi qua trong hạnh phúc là một ngày bạn "được". 

Khi bạn vui thì bệnh tật sẽ lành; khi bạn hạnh phúc thì bệnh sẽ chóng hết. Khi bạn vui và hạnh phúc thì bệnh sẽ chẳng đến bao giờ.

Với tính khí vui vẻ, với thể thao thể dục thích đáng, thường xuyên ra ánh sáng mặt trời, thay đổi thực phẩm đa dạng, uống một thuốc bổ vừa phải, hy vọng rằng bạn sẽ sống thêm 20 hay 30 năm tràn trề sức khỏe.

Và nhất là biết trân qúy những điều tốt đẹp quanh mình và còn BẠN BÈ nữa.. họ đều làm cho bạn cảm thấy trẻ trung và có người cần đến mình... không có họ chắc chắn bạn sẽ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ.!!! Vợ biết chiều chồng, chồng giúp đỡ vợ trong mọi việc nhà và đừng bắt bẻ nhau những khi lỡ lời ...... 

            Sống sao thì sống. Sống có chất lượng, dù trong hôn-phối hay ngoài xã-hội cũng là sống như người nghệ sĩ, từng hát những câu có “Suối mơ” như sau:

“Suối mơ... lời hẹn ước ven bờ suối xưa
Nhớ chăng... người phương xa trong khói điêu tàn?
Suối ơi... vờn theo bóng trăng vàng ngày xanh,
Nào những lúc trên thuyền say sưa
Nhìn trăng vừa lên, ai hay chia lìa
Sương khói biên thùy hiu hắt người đi xa trường sa.
Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng
Trời bày chia ly chi cho lòng héo?
Giờ đây cách xa người quên hay nhớ?
Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ....”
(Lê Mộng Nguyễn – bđd)
Sống sao thì sống, nhưng vẫn phải sống cho đúng nghĩa nhân-sinh đời người có trước có sau, trong ngoài đời đạo-hạnh. Sống đúng Đạo, còn là sống không bạo nhưng đúng nghĩa, đúng lương tâm, chức-năng của hữu-thể người.
Sống đời đạo-hạnh trong hôn-nhân là sống có tình không chỉ với nhau mà còn cảm thông và hỗ trợ cả những người có hôn-nhân gãy đổ hoặc sơ hở, cùng lỗi phạm bị hắt hủi, rời bỏ Hội thánh vì nhiều lý lẽ.. Bởi lẽ Hội thánh là hội của các thánh đang sống trong trần gian, không chịu rút vào vỏ sò của bất cứ mọi chủ nghĩa tân tạo, nhưng vẫn làm chứng tá công khai cho thánh hội ở trần-gian đang chiến đấu và song hành với xã hội ngoài đời, đúng lương tâm.
Sống cùng và sống với Hội thánh đang phấn-dấu còn là sống trong nguyện cầu cho thánh Hội đang chứng-kiến những đổi thay của xã-hội về cuộc sống, nhưng vẫn vui vẻ và trung thành, vẫn yêu-thương giùm giúp chứ không bỏ rơi những người con đang rã rời vì nhiều chuyện.
Cuối cùng thì, sống đúng chức năng của con dân thánh hội còn là sống hiên ngang, phấn đấu, không mặc cảm tự tôn lẫn tự ti. Cũng không tự cảm thấy như mình mắc phạm nhiều lỗi tội. Sống như thế, là sống trong yêu thương hết mọi người,và sống có Chúa đồng hành vào mọi lúc.
Thế đó là ước mơ của người con trong thánh hội, rất bây giờ, tức vẫn còn thời gian để hò hẹn và cất lên những tiếng hát rất hẹn hò như sau:

“Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối,”
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Đường chia hai ngã biết tới phương nào?
(Lê Mộng Nguyễn – Trăng Mờ Bên Suối)

Hát rồi, cũng nên nhớ lại lời dặn dò khi xưa của thánh-nhân hiền lành, từng nhắc nhở:

“Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh,
tức là xa lánh gian dâm,
mỗi người hãy biết lấy cho mình một người vợ
để sống cách thánh thiện và trong danh dự,
chứ không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại,
là những người không biết Thiên Chúa.
Về điểm này,
đừng ai làm tổn thương hay lừa dối người anh em mình,
vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó,
như chúng tôi đã từng báo trước
và cảnh cáo anh em.
Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế,
nhưng sống thánh thiện.
Vậy ai khinh thường những lời dạy trên,
thì không phải khinh thường một người phàm,
nhưng khinh thường Thiên Chúa;
Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người.
(1 Th 4: 3-10)

Nghe lời dặn dò, hò hẹn thế rồi hỡi bạn và và tôi, ta cứ hiên ngang cất bước đi vào đời mà sống đạo. Sống, cái Đạo nhân hiền của Chúa và của con người, rất phục thiện.


Trần Ngọc Mười Hai
Chẳng dám hẹn hò cùng ai  
Hoặc cùng Chúa nơi con người.
mà chỉ mạnh dạn phấn đấu
với đời mình,
Có thế thôi.