Saturday 28 September 2013

“Rung một cánh nhạc buồn,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 27 mùa thuờng niên năm C 06-10-2013

“Rung một cánh nhạc buồn,”
Phím có hay người khóc,
Rơi một ngấn lệ sầu
Có ai hay người khóc cho duyên tình bẽ bàng?”
(Từ Công Phụng – Trên Tháng Ngày đã qua)

(Lc 15: 11-24/Rm 3: 3-8)
            “Có ai hay người khóc cho duyên tình bẽ bàng?” phải chăng đây cũng là lời hỏi của người nọ gửi đến đấng bậc ở Sydney, như sau:

“Thưa cha.
Con là người thường xuyên đi xưng tội. Nhưng, con biết có nhiều người giống như chồng và con trai con ít khi nào chịu làm công việc đó. Xin cha cho biết: con phải làm gì để khích lệ những người như thế, kể cả chồng và con của con? Thêm nữa, con cũng không biết tại sao lúc này ít người chịu đi xưng tội lắm, vậy xin cha cho biết lý do dẫn đến sự kiện này.” (ký tên: một bổn đạo trong xứ/họ bình thường ở miền quê!)

Miền quê hay tỉnh thành, cha hay cố đã nào bận tâm về lý do dân con nhà Đạo, nay thắc mắc. Tỉnh thành hay quê miền đồng nội, người người xưa rày đều là con dân của Chúa, vẫn rơi vào tình trạng này, cũng không ít. Vấn đề là: sự kiện ít thấy người đến xin cha giải toả nỗi bối rối vi phạm lời hứa trung kiên sống đời lành thánh khi chịu thanh tẩy, có từ ngày nào đó rất xa xưa. Và hỏi về lý do, thì: đây là ý kiến của một “cố Đạo” người Tây ở Sydney chuyên trách giải đáp cho người đọc báo biết về giáo luật và giáo sử, rất như sau:

“Trả lời câu đầu của chị, tôi nghĩ: nếu ta nhìn về quá khứ ít năm trở về đây, cũng thấy là: hồi thập niên ‘60 và ‘70 vẫn còn thấy khá nhiều người đến toà cáo giải để xưng tội, cũng đều đặn. Khi ấy, còn thấy nhiều linh mục ở trời Tây, bên này vẫn lo chuyện xứ đạo và còn khá nhiều người nối đuôi chờ ở trước toà giải tội để xưng thú các lỗi lầm, nhất là vào Thứ Bẩy hoặc các ngày khác trong tuần.

Và, ít nhiều gì thì cũng trùng hợp với sự kiện là: Hội-thánh khi ấy đã đưa vào sinh hoạt đạo đức điều mà mọi người gọi là: “Giải tội tập thể” giữa thập niên 70. Và, số người đi xưng tội lại đã giảm bớt, rất đáng kể. Bằng nghi-thức xoá giải này, nhiều người đã hiểu lầm ý của Hội thánh khi đưa ra đường lối khác như thế. Và có lẽ, một số người, từ đó, bớt xưng tội thường xuyên như trước, tức: từ nay không còn cảnh người người cứ hay liệt kê một loạt các lỗi tội mình mắc phải như “danh sách mua sắm” hoặc “danh sách đem đồ đi giặt” để nhớ kỹ. Đúng hơn, ta phải xếp hàng để hoán cải thật sự sau khi đã sa ngã và đi hoang. Và từ đó, con số người đi xưng tội, cũng ít thường xuyên hơn bao giờ hết. Dĩ nhiên, chuyện này chẳng có lý lẽ chút nào hết. Ngoài ra, còn các yếu tố khác nữa, cũng không chừng. Thế nhưng, điều chắc chắn, là: số người đều đặn đi xưng tội nay suy giảm một cách đáng kể, từ giữa thập niên ’70 đến nay.

Làm sao để giúp mọi người quay về với bí tích hoà giải?
Ngoài chuyện đọc kinh cầu nguyện và hy sinh hãm mình một đôi chút cho những người như thế, ta cũng nên nhắc nhở họ: Bí tích Xá giải đem lại ít nhất 10 điều lợi. Điều này, tôi từng viết trong tập sách nhỏ mang tên “Tại sao ta phải đi xưng tội?” Sách này tôi in ở Trung tâm Giáo dục Tráng niên Sydney năm 2008. Tựu trung, có thể tóm gọn như sau.

            Vâng, cố Đạo ở Sydney hôm lại muốn tóm tắt một cách gọn gàng “chuyện buồn muôn thuở” như thế ấy ít là một lần, như thời trước, thì: có tóm cho gọn gàng đi mấy, cũng tựa hồ người nghệ sĩ từng tóm và tắt cũng rất gọn, bằng câu nhạc, hát ở đây:

            Rung một cánh nhạc buồn
Rơi một ngấn lệ sầu
có ai hay người khóc trong tinh cầu lẻ loi
Ngoài kia mưa là những giòng lệ rơi
Theo cuộc tình khi cơn bão đi qua đời mình
Người ơi, người ơi tìm đâu thấy nửa đời xuân thắm
Với tình yêu chúng ta như giọt sương sớm mai
như giọt sương sớm mai long lanh trên cánh hoa vàng...”
Từ Công Phụng – bđd)

            Tóm gọn chuyện buồn như nghệ sĩ mình từng tóm nó cũng rất gọn, có lẽ nhiều người khác cũng đã làm thế. Tuy nhiên, làm như thế cũng không giống “vị cố Đạo” ở Sydney, từng tóm cho gọn 10 điều rất gọn tóm kiểu “giáo lý/sách phần” bỏ túi, như sau:

“Trước nhất và rõ nhất, là: ta được nhận lãnh từ Chúa ơn tha thứ các lỗi phạm tày đình. Khi bị tội lỗi đốt cháy tâm can, thì nội mỗi chuyện được nghe những lời như thế, sẽ thấy mình được trút đi gánh nặng ngàn cân rồi. Lời lẽ đầy tính tha thứ, là lời của vị linh mục “ngồi toà” vẫn hay nói: Cha giải cho con khỏi các tội con đã mắc phải.” để biết rằng Chúa từng nói: “việc gì dưới đất, anh em tháo cởi, thì trên trời cũng làm như vậy.(Mt 18: 18)

Điểm thứ hai, khi làm thế, ta cũng nhận được ơn lành Chúa ban, tức: cũng được sẻ san cuộc sống của chính Chúa, để rồi ta sống thánh thiện khiến Ngài rất vui lòng. Bởi lẽ: khi ta bị lấm lem con người mình vì tội lỗi tạo ra, thì: dù tội nhẹ, một khi bước ra khỏi toà cáo giải, ta sẽ thấy hồn mình đã sạch và tràn đầy sự sống của Thiên Chúa, Chính vì lý do này, mà nếu ta năng đi xưng tội, việc ấy sẽ giúp ích ta rất nhiều để lớn lên trong sự lành thánh.

Điểm thứ ba: ta còn lĩnh nhận ơn bí tích lành thánh, khiến ta tránh được cơn sa ngã mắc phải những tội hoặc lỗi, ta vừa xưng. Khi ấy, ta sẽ hiểu rằng: mình vẫn có thể sa ngã như thế một lần nữa; và nhờ đó, ta lại có thêm sức lực bổ dưỡng sau lần xưng tội ấy, để rồi sẽ không còn mắc phạm như thế nữa.

Thứ tư, là: mỗi khi xưng tội xong, ta trở thành con người mới hấu lại phấn đấu trong cuộc chiến thiêng liêng, linh đạo. Đặc biệt hơn, khi mắc phạm tội trọng hoặc tội nhẹ đi nữa, ta sẽ hiểu được rằng: mình đã được gột sạch và sẽ được tràn đầy ơn Chúa ban hầu giúp ta quyết định hăng say phấn đấu để không còn ngã phạm một lần nữa. Ai không lĩnh nhận bí tích xá giải này, sẽ không thấy được rằng linh hồn mình nay sạch sẽ và có được khoảnh khắc rất quyết định khả dĩ bắt đầu lại cuộc sống thanh sạch để lại tiếp tục phấn đấu về mặt thiêng liêng, mãi về sau.

Thứ năm: khi xưng tôi, ta được vị linh mục xá giải ban cho lời khuyên/tư vấn rất khích lệ, đó là hình thức của một linh hướng/dẫn dụ, khả dĩ giúp ta lớn mạnh hơn trong công cuộc phấn đấu chống lại sự tội.

Thứ sáu: ta sẽ lớn mạnh hơn trong nhận thức biết rằng: xét mình cho kỹ trước khi xưng thú là việc rất cần thiết, để linh mục xá giải biết mà có lời khuyên ta cho thoả đáng. Xét mình kỹ, ta biết rõ chính mình hơn; và thấy được yếu điểm của mình và nhờ đó giúp mình có tiến bộ về mặt này.

Thứ bẩy, ta càng lớn mạnh hơn trong nhân đức và sống chân phương/bình dị hơn bằng việc xưng thú các tội mình mắc phải cho vị linh mục nghe. Đôi lúc, cũng có khi ta thấy bối rối phải xưng thú một số tội hoặc lỗi rất như thế; nhưng, một khi đã xưng các tội ấy ra với người khác rồi, thì việc ấy sẽ giúp ta tăng trưởng về mặt nhân đức, thánh thiện.

Thứ tám, việc đền tội mà linh mục xá giải yêu cầu ta thực hiện, sẽ khiến ta tạm thời chịu hình phạt còn đang nợ do lỗi tội của ta mà ra, có như thế mới làm ngắn đi thời gian ở chốn luyện hình, nếu bị phán xét như vậy. Và chắc chắn một điều, là: việc này sẽ còn giúp ta sống thánh thiện và nhân đức hơn.

Thứ chín, là: việc xưng tội với linh mục ở toà cáo giải, sẽ đem ta về với việc cứu chữa hồn ta cho lành sạch. Đến toà cáo giải để xưng thú các lỗi hoặc tội như: giận hờn, ghét ghen, quyết trả thù, hoặc buồn bực, trầm thống, thì thường là: ta sẽ trỗi dậy mà ra khỏi tình trạng buồn sầu ấy, để rồi sẽ sẵn sàng khởi đầu lại cuộc sống lành sạch, nhân đức.

Thứ mười, các hoa quả này khác ta đạt được sau khi ra khỏi toà cáo giải, đều đem đến cho ta niềm vui sướng, bình an trong tâm hồn. Đó là sự vui mừng, mà người con thứ đi hoang trở về, ở truyện dụ ngôn, đã đạt được sau khi anh mở lời xưng thú với Cha mình. Và khi đó, người cha ở chốn gian trần kia mà còn ôm hôn anh, tha thứ cho anh và còn trao áo mới đẹp nhất cho anh nữa, huống hồ là Cha ta ở trên trời. (Lc 15: 11-24)

Với những lợi ích tóm gọn như thế, thật đáng tiếc cho anh/chị nào, trong Đạo mình, lại để luột mất đi những điều lợi rõ ràng như thế. Thế nên, ta hãy sử dụng bí tích giải tội một cách đều đặn hơn, và làm mọi cách hết sức mình, để người khác cũng được như thế.” (xem Lm John Flader, Question time, the Catholic weekly ngày 22/9/2013 tr. 10)      

Kể những lời “vàng” đầy nhủ khuyên của đấng bậc phụ trách giúp hối-nhân đầy bối rối thế rồi, nay tưởng cũng nên về lại với lời ca và ý nhạc của nghệ sĩ có câu hát cuối, như sau:

“Gom môt chút nắng vàng
Hát lên soi hạnh phúc trên tháng ngày đã qua
Em nhìn thấy chút gì
Có phải chăng rạn vỡ trong tâm hồn chúng ta
thôi còn ngấn lệ này với một chút nhạc buồn
Hát lên cho đời sống vơi đi niềm đớn đau.”
(Từ Công Phụng – bđd)

Thật ra, nghĩ chuyện “gom một chút nắng vàng”, hát lên soi hạnh phúc, trên tháng ngày đã qua”, tức: những lỗi phạm làm “rạn vỡ tâm hồn chúng ta” lại chẳng là “ngấn lệ với chút nhạc buồn” gì gì nữa, hết. Bởi, với dân con nhà Đạo tốt xấu cũng mặc, trước khi Hội thánh đặt ra các nghi thức xá giải khá cầu kỳ, thì Chúa đã thứ tha mọi lỗi lầm của con người rồi. Con người có vi phạm luật lệ đạo/đời này khác, thì cũng đều không là phạm chạm đến thân mình của Đức Chúa. Ngay đến lỗi tội tày trời mà luật đời không dung thứ, nhưng Chúa vẫn dung tha từ lâu rồi nếu hối-nhân thật tâm biếtlỗi và quyết thay đổi tận thâm căn.
Nói cho cùng, con người mọi thời có trí nhớ khá kém cỏi, nên chừng như đã quên những điều căn bản như thế. Căn bản hơn, chính là câu của các thánh-sử viết trong Tin Mừng, rằng: “Lòng tin của con đã cứu con, hãy ra đi trong an bình và đừng lỗi phạm nữa.”    
Là dân con đi Đạo, hẳn bạn và tôi, mỗi khi có vấn đề để thắc mắc sẽ tìm đến “cha Đạo” để yên tâm, cho phải phép. Còn, người đời sẽ hỏi ai đây? Hỏi ai thì hỏi, dưới đây: là câu hỏi/đáp cũng rất khó để có một lời khuyên nào hay hơn:

Tháng năm vội vã, đời người ngắn quá, chớp mắt đã già. Chúng ta nào dám nói đã thấu hết lẽ đời, nhưng ta cảm thấy, chỉ có hiểu đời, mới sống được ung dung, thanh thản. Tôi muốn viết đôi dòng “cảm nhận nhỏ nhoi” gửi tới những bạn già, để được mọi người chia sẻ những “cảm nhận lớn lao” hơn, để ta cùng cố gắng.

1. Cách sống: Qua một ngày, mất một ngày. Vui một ngày, lãi một ngày.

2. Hạnh phúc và niềm vui: Hạnh phúc không tự gọi cửa tìm đến ta, niềm vui cũng không tự rơi từ trên trời xuống, mà đều phải tự tay mình tạo dựng nên. Niềm vui là mục đích cuối cùng của đời mình, niềm vui ở ngay trong những việc vụn vặt của cuộc sống, ta phải tự mình tìm lấy. Hạnh phúc và niềm vui là một thứ cảm xúc và cảm nhận, quan trọng là ở tâm trạng mình.

3. Tiền bạc: Tiền không phải là vạn năng, tăng lực, nhưng không tiền thì vạn sự bất lực. Không nên quá coi trọng đồng tiền, lại càng không nên tính toán tiền bạc, nếu hiểu ra, sẽ thấy tiền chỉ là thứ đồ vật ở ngoài thân, khi ta chào đời ta đâu mang tới, khi ta chết đi lại chẳng mang theo. Nếu có người cần ta giúp đỡ, khảng khái mở hầu bao chính là một niềm vui lớn. Nếu tiền bạc mua được sức khỏe và niềm vui, cớ gì chần chừ nữa? Nếu bỏ tiền ra để được an nhàn tự tại, chẳng phải xứng đáng sao! Người hiểu biết là người biết cách kiếm tiền biết cách tiêu pha, làm chủ đồng tiền chứ đừng làm nô lệ cho nó.

4. Học cách hưởng thụ: “Phần đời còn lại ngắn ngủi, càng phải làm cho nó giàu có”. Người già phải biết đổi nếp nghĩ cũ, tạm biệt cách sống như tu hành, để làm loài chim vui. Cần ăn thì ăn, muốn mặc phải mặc, thèm chơi hãy chơi, không ngừng nâng cao chất lượng sống, đón nhận những thành quả của thời đại công nghệ, mới là mục đích sống của tuổi già.

5. Sức khỏe quan trọng nhất: Tiền bạc là của con mình, địa vị chỉ tạm thời giữ, vinh quang thuộc về quá khứ, sức khỏe mới là của ta.

6. Khác biệt: Tình yêu bố mẹ dành cho con là vô hạn, con yêu bố mẹ có hạn; Con cái bệnh tật bố mẹ lo âu, bố mẹ bệnh tật con cái hỏi han vài lời là thấy thỏa mãn; Con cái tiêu tiền bố mẹ thì dễ, bố mẹ tiêu tiền con cái thì khó; Nhà bố mẹ chính là nhà của con, nhà con lại chẳng phải nhà bố mẹ. Khác biệt là khác biệt. Người hiểu ra sẽ thấy lo liệu cho con chính là trách nhiệm và niềm vui, chẳng đòi con báo đáp, còn người cứ muốn được con báo đáp, là tự chuốc ưu phiền.

7. Bệnh tật trông cậy ai: Cậy con, bệnh nặng ốm lâu con mệt mỏi vắng bóng. Cậy bạn đời, người già tự lo thân chưa xuể, lấy đâu sức lực mà chăm nhau. Cậy tiền, có lẽ phải vậy.

8. Trân trọng những gì đã có: Ta thường coi nhẹ những gì trong tay, ta thường tiếc nuối những gì không có. Nhưng cuộc sống hạnh phúc đủ đầy lại bởi ta có biết cách cảm nhận cuộc sống chăng. Người hiểu đời sẽ trân trọng và nâng niu những gì đã có, cho nó thêm ý nghĩa trong đời mình, để sống tràn đầy và say mê vui sướng.

9. Cách nắm giữ niềm vui: Phải giữ tấm lòng rộng mở bao dung, để cảm ơn đời và tận hưởng sự sống. So với người trên nào bằng, ngoảnh xuống kẻ dưới thấy đủ, thấy đủ là thấy vui nhẹ nhõm; Nuôi dưỡng nhiều niềm say mê, vui thú ấy nào cạn, ta tự tìm lấy được niềm vui; Tốt với người đời, thường làm việc thiện, vui khi giúp người. Đó là những cách nắm giữ niềm vui, cũng mạnh khỏe trong tâm.

10. Dung dị mới là cốt lõi: Chức cao bổng lộc nhiều, địa vị hiển hách được mấy ai, số đông chúng ta chỉ là thường dân. Nhưng thiểu số ấy chưa chắc đã hạnh phúc, còn đám đông thường dân như chúng ta lại chưa chắc đã bất hạnh, nên ta cần gì nhìn lên đám thiểu số giàu sang đó mà tự ti, thèm muốn. Con người vốn không phân chia đẳng cấp giàu nghèo sang hèn, chỉ phân chia có tận tâm tận lực với sự nghiệp hay không mà thôi, là đã được coi có công với đời, lòng dạ thanh thản, không hổ thẹn với ai, nữa là con người ta đã lui về rồi thì đều giống nhau cả, chốn sau cùng của chúng ta đều là về với thiên nhiên. Kỳ thực, chức cao nào bằng thọ lâu, thọ lâu nào bằng sống vui lâu, sống vui mới chính là hạnh phúc.

11. Hãy sống đích thực cho chính mình: Con người quá nửa đời là hy sinh vì sự nghiệp, gia đình, con cái, thời gian giờ còn lại đâu nhiều, hãy sống đích thực cho chính mình, sống sao thấy vui thì sống, làm những gì mình muốn làm và mong làm, đừng ngại ngần người khác đàm tiếu, bởi ta đâu phải sống hộ người khác, mà ta đang sống cuộc đời của chính bản thân ta.


12. Không cầu toàn: Con người sống trên đời này làm sao có thể vạn sự như ý, tất sẽ có những ngày này khác, cũng vậy thôi.”
(trích “Lời khuyên của Dương Trạch Tế, do Trang Hạ dịch)

Kết luận tìm gặp cho vấn đề “đường dài” thứ tha và xá giải, tưởng cũng nên tìm về Lời Chúa bảo ban, khi xưa còn sang chói, rằng:

Bấy giờ người con nói rằng:
‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,
chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’
Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng:
‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu,
xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,
rôi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!
Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại,
đã mất mà nay lại tìm thấy.’
Và họ bắt đầu ăn mừng. “
(Lc 14: 30-31)

Cuối cùng thì, dụ ngôn Tin Mừng còn cho thấy, người “Cha” đâu nào để ý đến yêu cầu của người con thứ “xin được thứ tha”, nhưng Cha vẫn cứ bảo người nhà “mở tiệc mừng” vì con của Cha đã chết, nay sống lại; tức: biết mình có lỗi và thật tâm quay về với Cha mà thưa: từ nay, con sẽ không còn bê tha, tội lỗi nữa.
Đó, mới là Tin Mừng. Đó, còn gọi là: Tin Vui An Bình cho mọi hối nhân ở đời, rất con người.

Trần Ngọc Mười Hai
đã nghĩ nhiều về tha thứ và ăn mừng.
Như được dạy, bấy lâu nay.










Saturday 21 September 2013

“Thành đô! Rằng nhớ mãi nhớ nhé,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 26 mùa thuờng niên năm C 29-9-2013

“Thành đô! Rằng nhớ mãi nhớ nhé,”
Dù xa xôi sơn khê,
Thời gian quen chia lỵ
Chờ mong người đi trên đường về, đường về...
(Hoàng Thi Thơ – Nhớ Thánh Đô)

(Mc 10: 17-30)

            “Nhớ mãi, nhớ nhé...” Đúng thế. Bần đạo đây, không chỉ nhớ nhiều về chốn “xa xôi sơn khê,” mà thôi, nhưng còn nhớ cả các sự kiện xảy đến với mọi người ở ngoài đời, hoặc dân con nhà Đạo mỗi lần hát những lời như thế. Bần đạo còn lạo xạo nhớ rất nhiều về con số 12, tên mình nữa.
            Tên cúng cơm của bần đạo là “Mười Hai”, tức một “Tá”. Tá đây, có nghĩa là: người con thứ 12 sinh ra trong giòng họ Trần Ngọc, ở miền Bắc đất Hà Thành, chánh gốc. Vốn, họ Trần tên đệm (rất) Ngọc, lại là người sinh ra đời với ngôi thứ 12, nên bần đạo bầy tôi đây rất thích những gì mang số 12, lại không nhỏ. Tỉ như: 12 Tông đồ, 12 con giáp, 12 chi tộc nhà Israel, chu kỳ 12 năm tìm gặp lại các biến cố/sự kiện cứ trở lại sau 12 năm, vv... đều có số 12 cũng rất hên.
            Hôm nay, bần đạo cũng đã hên nên mới tìm và gặp được bài “trần thuật” của vị linh mục họ Nguyễn tên tục là Văn Đông ớ xứ miền thừa-sai lai rai tâm sự 12 điều, tóm gọn bằng bài “san sẻ” bình-dị nhưng chất lượng như sau:

“Quý anh chị em chắc có biết, nói về tỉnh Kontum, phải nói tôi xin tự hào rằng: xứ tôi phụ-trách cái gì cũng nhất, lớn nhất, có người dân-tộc đông nhất, có nhiều đồng bào từ khắp mọi miền về nhiều nhất, có nhiều rừng núi nhất và... nghèo nhất.

Tôi làm linh mục đã hơn ba chục năm (năm nay là 2001). Tôi xin được giới thiệu trước anh chị em: như cha sở vừa có nói, tôi là người trẻ nhất trong số các cha tại Kontum. Năm nay tôi vừa tròn 61 tuổi. Tính đến bây giờ, địa phận tỉnh Kontum có được 4 cha mới, tổng số các cha trong toàn tỉnh là 30, chết hết 7 cha, có thêm 4 cha, mà hầu hết các cha đã rất giá, do vậy mà thưa anh chị em, vậy là chúng tôi thiếu linh mục trầm trọng...(nhà thờ lặng im)

Kontum là tỉnh có đến 180 ngàn người Công giáo, có 70% là người dân tộc, sống rải rác khắp nơi. Đi không từ giáo xứ này qua giáo xứ khác cũng mệt rồi. Huống chi bây giờ đi thăm người bịnh mà cả tỉnh chỉ có mỗi mình tôi. Các anh chị em, đồng bào sinh sống ở đây nghèo lắm, có thể nói là nghèo nhất nước. Tôi nhớ có lần tôi vào thăm một buôn làng, già làng nói: “Ơ, Bab ơii, Bab nói Bab nghèo haa, Khôngô, Bab mới nghèo, Bab khổ, chứ chúng tôi nghèo quá rồi, nghèo quen rồi, nghèo riết nên không thấy nghèo nữa, khổ quen rồi, cho nghèo luôn!!!” (Chú thích: Người dân tộc ở đây gọi các linh mục Công giáo là: Bab)

Có lần, anh chị em có biết là tôi lội bộ 12 cây số để vào thăm một buôn người dân tộc, họ có tục lệ là đối với người bị phong cùi, làng sẽ cất nhà riêng trong rừng cho ở, không cho ở chung. Mà đồng bào nghèo quá, khổ quá, nên cái nhà của họ đã không ra gì, giờ thì họ lại cất nhà cho người cùi ở, thật là không gọi là nhà, phải gọi là ổ mới đúng hơn, mà chỉ một mùa mưa là rách nát. Tôi, mỗi lần đến thăm họ, phải cúi sát đầu, lom khom mới vào “nhà” họ được. Thấy tôi đến, họ mừng lắm anh chị em à, họ cứ nhìn tôi họ cười, họ nói Bab đến thăm con là quý lắm, mừng lắm, họ cười mà tôi khóc anh chị em ơi! (cha Đông khóc, lúc này cả nhà thờ chánh tòa im lặng và khóc theo vị linh mục). Họ nghèo quá, lại cùi, nên tôi tặng họ vật gì của giáo dân góp cho tôi, là họ mừng lắm, cứ giữ khư khư ép vào ngực như sợ bị mất đi. (khóc)

Có một lần vào “nhà” một người cùi, họ nói với tôi: Bab ơi, Bab cho con xin một tấm, ờ miếng nylon đi, Bab có Bab cho con xin đi, một miếng thôi, để con che cái giường con nằm thôi, che chỗ con nằm thôi. Bab ơi, mấy hôm nay mưa quá, cả nhà con, chỗ nào cũng dột, lạnh quá, ướt quá con không ngủ được Bab ơi. (Khóc)     

Khổ lắm anh chị em à, họ nghèo mà lại không có học hành gì, nên muốn giàu cũng không được, họ chỉ biết đếm 100 là hết. Các anh chị em có thể tưởng tượng nổi là họ cầm tờ 10 ngàn, họ mua chai nước mắm 3 ngàn 7 trăm, họ không biết nhận lại bao nhiêu, đưa bao nhiêu thì họ nhận bấy nhiêu, vậy đó. Đã nghèo, lại không được học, sống chỉ bám vào đất mà sống, nên giàu sao được. Cứ mỗi lần từ thị xã lên thăm họ, tôi cứ cố tìm chỗ nào có thức ăn rẻ nhất mà mua cho họ. Ví dụ như ở đây, tôi thấy một ký ruốc là 20 ngàn, nhưng ở Phan Thiết chỉ bảy ngàn thôi.

Tôi là người Bình Định, dân miền Trung cũng nghèo đói quá mà tha phương đến tận Kontum, nên tôi rành lắm. Ở Kontum, nhiều đồng bào mình nghèo quá khắp bốn phương về sinh sống. Bắc có, Trung có, Nam có, nhưng đều nghèo như nhau, lại tốt nữa, nên tôi đề nghị họ giúp gì, dù họ nghèo, họ cũng ráng giúp nhiều lắm. Tôi cứ lang thang khắp tỉnh, có cá vụn, cơm kô, muối hạt, tôi cứ xin chỗ nào người ta bán rẻ nhất là tìm đến xin mua cho họ. Có lần, có một số bạn nói với tôi, chúng con có ít tiền. Cha mua ít đồ tặng họ đi Cha. Tôi liền mua nhiều thứ rẻ, gói thành từng gói nhỏ. Như cá khô, thì tôi gói theo ký, cứ một ký là một gói. Tôi đem cho họ, họ mừng lắm. Khi đến một xã, khi tôi đã phát hết quà, còn lại trong giỏ mấy ký cá khô, lại gói trong gói giấy bóng vui mắt, nên trẻ con cứ theo tôi nhìn, ánh mắt của chúng ra vẻ thèm lắm, nhưng chúng không nói. Tôi hỏi, các con thích không, chúng gật đầu, tôi xuống xe ngay và phát hết mấy ký cá khô còn lại, đây, con một ký, con một ký. Chúng nhìn tôi chăm chăm, hai tay ôm bọc cá khô cứ hỏi tôi hoài:
            -Bab ơi, Bab cho con thiệt hả Bab?
            -Ừ, Bab cho con thiệt mà!
            -Bab cho con à, Bab cho con thiệt hả Bab, Bab cho con thiệt hả Bab??

Thưa anh chị em, có đến những vùng này mới thấy hết cái khổ cùng cực của người dân nơi đây. Tôi cứ tự hỏi là: nếu mà tôi đem mấy ký cá khô này tặng các giáo xứ gần đây, chắc các bạn sẽ nói, ông Cha này bị khùng?! Thế đấy, thưa anh chị em. Tôi muốn nói rằng: chúng ta đối với những người nghèo, người bịnh, trong khả năng của chúng ta,không cần nhiều, mỗi người một ít thôi.

Thưa anh chị em, một ít thôi, một tấm nylon nhỏ, một ký cá khô, giúp cho họ bớt khổ, họ mừng lắm thưa anh chị em.

Thưa quý ông bà, anh chị em. Tôi mong rằng tất cả chúng ta sẽ sống đẹp hơn lên trong Mùa Chay năm nay, để xứng đáng với đức hy sinh quên mình của Thiên Chúa. Amen.” (x. Nhật Ký Nguyễn Ngọc Lan, 7.4.2001)

            Đọc nhật ký người anh em đồng môn của bần đạo viết, bần đạo lại nhớ câu hát trích dẫn chưa hết nỗi niềm “vẫn nhớ và vẫn thương”, như sau: 

“Tôi xa đô thành một đêm trăng mông mênh.
Tuy ra đi rồi mà vẫn nhớ vẫn thương
Hình bóng ấy người em thơ đang từng giờ đợi chờ.
Tiếng hát những chiều thành câu thơ thương yêụ

Bao nhiêu con đường nằm thức giấc giữa đêm khuya
Vì tiếng nói của con tim đi tìm mộng cuộc đời
Thành đô! Còn nhớ mãi nhớ mãi
Nhớ chiều mưa trên công viên,
Giờ chia ly sân ga
Và khi gặp nhau bên lề đường hẹn hò.”
(Hoàng Thi Thơ – bđd)

            Là nghệ sĩ, người chỉ nhớ bấy nhiêu thôi ư? Là nhà Đạo, bần đạo là bầy tôi đây lại cũng nhớ khá nhiều điều, nhiều thứ: từ thành đô xa xôi, cho đến những người đã hơn một lần đi qua đời mình, dù phút chốc. Nhưng sao nỗi nhớ ở đây lại kéo dài: khiến ta nhớ hoài và nhớ mãi những người không chỉ là bạn bè/thân thuộc mà thôi, nhưng còn là “khúc ruột ngàn dặm” ở nơi nào, vào thời nào cũng đều có. Có, ở đó/ở đây, phương trời này. Không xa mấy.   
            Nhớ nguời nghèo, là còn nhớ bài báo ở trời Tây có đề cập đến trường hợp các trẻ nghèo, như sau:

“Sau đây, là báo cáo của cơ quan World Family Map, lần này nói về tình trạng kinh-tế và xã hội của các gia đình. Nói, là nói thế này:

Nhiều gia đình trên thế giới, nay đang nghèo đến độ đặt con cái mình ở vào tình trạng nguy hiểm với những khó khăn về xã hội, cảm xúc, hạnh kiểm và sức khoẻ thể xác hơn những đứa trẻ thuộc các gia đình không đến nỗi tệ. Cũng từ đó, nay tê nạn nghèo đó lại được nối kết với các khó khăn này khác, như: giáo dục, nghề nghiệp, cơ cấu gia đình và lợi ích xã-hội. Các khiếm khuyết trong bất cứ địa hạt nào giống như thế đều ra như đang gặp phải nạn sa sút, thiếu hụt về thu nhập cũng như cảnh sống của gia đình.

Ngân hàng Thế giới vừa định ra lằn ranh tuyệt đối về tình trạng nghèo ở mức độ kiếm được $1.25 đô Mỹ một ngày; và tính như thế, cơ quan World Family Map  -tuy vẫn chưa có dữ liệu của tất cả mọi nước trên thế-giới- cũng vẫn nhận ra rằng: mức độ cao nhất về tình trạng nghèo đói ở Châu Phi có chỉ số đối với các nước phía Nam sa mạc Sahara thuộc hàng ngũ tính từ 17% cho đến 64% như ở Nigeria.

Với các khu vực khác, thì chỉ số có thay đổi một cách đáng kể, chẳng hạn như: ở Nam Mỹ chỉ số thay đổi từ 1% đến 15% (trong đó thấy có 3 nước nằm trong trạng huống này là: Bôlivia, Côlômbia và Nicaragua. Tại Châu Á, con số này thay đổi từ không như ở Malaysia cho đến 42% như Ấn Độ.

Tại các nước khá hơn, thì: tỷ lệ các gia đình được đánh giá là còn nghèo, xem ra có vẻ tương đối cho các gia đình nói chung. Thực tế, theo kinh nghiệm của các nhà phân tích về tình trạng nghèo đói tại các nước này, thì đúng ra phải nói đến tình trạng “trẻ em nghèo khó” thay vì gia đình khó nghèo, lý do một phần là vì: hầu hết các nước nghèo này được liên kết với các gia đình có đổ vỡ hoặc không đầy đặn. Theo Bản Tường Trình Innocenti của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, gia đình nào được gọi là nghèo khi thu nhập của họ ở dưới phân nửa mức thu nhập bình quân trong nước. Cơ quan World Family Map nhận ra rằng có đến 6 cho đến 33% số trẻ em sống trong các gia đình được gọi là nghèo như thế.

Chỉ số trẻ em nghèo tại các nước Bắc Mỹ nằm trong khuôn khổ từ 13% đến 23%. Canada có mức độ thấp nhất về tình trạng nghèo đói tương đối, có mức độ là 13% số trẻ sống trong các gia đình có nguồn thu nhập nằm dưới mức thu nhập bình quân trong nước. Ngược lại, Hoa Kỳ và Mexicô có mức độ cao hơn về tình trạng trẻ em nghèo tương đối có mức độ 23% và 22%, tính như thế. Thật ra, Hoa Kỳ có chỉ số trẻ em tương đối nghèo cao nhất so với các nước có thu-nhập cao được chọn.

Châu Đại Dương, thì Úc có chỉ số trẻ em tương đối nghèo cỡ 11% và New Zealand là 12%. Với Châu Âu, số trẻ em tương đối nghèo trong khu vực có Hoà Lan là nước dẫn đầu với 6%, Thụy Điển, Ái Nhĩ Lan, Đức quốc và Pháp đều có chỉ số thấp hơn 10%. Anh quốc, Ý và Tây Ban Nha lại có tỷ lệ cao hơn một chút, ở mức độ từ 12% đến 17%.

Đến đây, ta cũng nên nhìn vào báo cáo của cơ quan World Family Map trong đoạn nói về cơ cấu gia đình, sẽ thấy rằng: hầu hết các trẻ em ngày nay ra như đang sống với một bên hoặc cả hai bậc cha mẹ ở Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Đại Dương. Cũng theo cơ quan World Family Map thì khoảng 20% trẻ em tại các khu vực này đang sống chung với cha mẹ đơn chiếc chỉ một bên, thôi. Tại nước Anh và New Zealand thì con số này là 24%, Hoa Kỳ là 27%, tức con số đích thực có lẽ cũng cao hơn.

Nay nếu so sánh các chỉ số này với ngân sách do chính phủ tại các nước giàu có hơn (tức các nước thuộc tổ chức Kinh tế thế giới gọi tắt là OECD) từng tiêu pha cho lợi ích của các gia đình, thì chỉ thấy có độ 0.7%  đến 3.7% đối với Lợi tức Bình quân Quốc gia theo thống kê năm 2007, trong đó cơ quan World Family Map có nhấn mạnh:

Tại Bắc Mỹ, ngân sách tiêu pha cho lợi ích của các gia đình cũng chỉ xê xích vào khoảng 1%, trong đó thấy có: Mexicô là 1%, Canađa là 1.4%. Các nước Nam Mỹ, có Chilê còn thấp hơn, ở mức độ chỉ mỗi 0.8% thôi.

Các nước thuộc Châu Đại Dương lại đã bỏ nhiều tiền hơn cho lợi ích của gia đình hơn, trong đó có New Zealand đã bỏ ra 3.1% so với bình quân thu nhập toàn quốc và Úc có mức độ tiêu pha cho việc này là 2.8%....

Từ đó, ta có thể kết luận rằng: chỉ số các trẻ em nghèo được nối kết với các gia đình có cha hoặc mẹ đơn chiếc ở Anh và New Zealand, Pháp và Thụy Điển đã suy giảm là nhờ chính phủ ở các nước này đã gia tăng mức chi tiêu dành cho các trường hợp có vấn đề như thế. Hoa kỳ thì khác, ít có lòng đại độ về vấn đề này, thế nên mới có chỉ số trẻ em nghèo ở mức độ cao...” (xem Family Edge, Poverty, family structure and state spending, 01/3/2013)           

            Đọc báo cáo ở trên, có lẽ điều mà bạn và tôi nhớ đến nhiều nhất chắc không còn là câu hát trong bài “Nhớ Thành Đô” của Hoàng Thi Thơ, cho bằng nhớ Lời Thày Chí Ái khuyên nhủ người thanh niên giàu có nọ, hôm đó, từng đến hỏi Ngài làm sao để trở nên người hoàn thiện, như:

            Người thanh niên ấy nói:
"Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ,
tôi còn thiếu điều gì nữa không?"
Đức Giê-su đáp:
"Nếu anh muốn nên hoàn thiện,
thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời.
Rồi hãy đến theo tôi."
Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi,
vì anh ta có nhiều của cải.”
            (Mt 19: 21-22)

            Rõ ràng là: muốn trở nên hoàn thiện như Lời Chúa dạy ở Tin Mừng, thì: phải bán hết của cải đi, mà theo Ngài. Nhưng, nếu không làm được thế, cũng nên nghĩ cách mà để lòng mình hướng về tình trạng của “trẻ em nghè” trên thế giới, là nạn nhân của những bất công trong xã hội, rất nhiều nhất.
            Nói như thế, có lẽ cũng không quá đáng hoặc “nói trạng” lắm đâu. Nhưng, có nói hay không, cũng chỉ muốn chính mình và/hoặc bạn bè ngươi thân, ta nghĩ nhiều về tình cảnh nghèo/đói thực sự, chứ không chỉ nghèo và đói về tinh-thần, mà thôi.
            Nghèo và đói thực sự, là: tình trạng nghèo, hèn, tật bệnh về thể xác cũng như tình trạng còn thấp kém về kiến thức, hiểu biết cũng như sinh hoạt đủ kiểu. Ngõ hầu tạo thành một thế giới ít cảnh bất công hoặc chênh lệch về kinh tế, nếp sống hoặc thực tại để ít xảy ra bất công hoặc chênh lệch cả trong lối sống thực tế giữa những người có khác biệt về sắc tộc, tôn giáo hoặc nghề nghiệp, kiến thức cũng như ý-thức-hệ, vv.
            Còn nhớ, có lần thánh-sử Mátthêu có ghi lại Lời của Chúa vẫn khẳng định: “Nếu anh em không như trẻ bé mọn, sẽ chẳng vào Nước Trời được.” (Mt 18: 3). Có thể coi đây như một lời cảnh-tỉnh gửi đến các vị đang có nếp sống đề-huề, còn khá vững. Nói nôm na, là nói rằng: tình trạng sống như “trẻ bé mọn” là nếp sống của những kẻ sa cơ, lỡ vận. Những người không có quyền bính hay quyền lợi, dù rất ít. Trẻ bé mọn, còn là những người bị bỏ rơi, quên lãng hoặc bị đẩy lùi ra bờ rìa của xã hội toàn những tiêu-thụ và tiêu-thụ.
            Thành ra, “Nhớ Thành Đô” ở đây, hôm nay, còn là nhớ đến các “trẻ bé mọn”. Nhớ, tức là: không còn khinh chê, miệt thị những người thua kém mình về nhiều mặt, nhiều thứ. Nhớ thành đô, còn là nhớ rằng: ở Nước Trời Hội thánh rất hôm nay, người tín hữu của Chúa sẽ còn phải đón tiếp và đón mừng những “Trẻ bé mọn” trong/ngoài cộng đoàn mà mình đang sống cùng, sống với nhau. Đón tiếp và đón mừng các trẻ bé mọn, nghèo hèn như thế phải giống như cung cách ta đón mừng Đức Chúa Hài Đồng, ngày Giáng Hạ.
            Nhận chân ra được đòi hỏi rất gắt của Lời Chúa nơi Tin Mừng như thế, thiết tưởng bạn và tôi, ta cứ hiên ngang mà ngẩng đầu cao, mắt sáng hát những lời những lẽ trong bài “Nhớ Thành Đô”, với những câu:
    
            “Thành đô! Rằng nhớ mãi nhớ nhé,
Dù xa xôi sơn khê,
Thời gian quen chia lỵ
Chờ mong người đi trên đường về, đường về...”
(Hoàng Thi Thơ – Nhớ Thánh Đô)

            Hát thế rồi, ta lại sẽ bảo nhau cứ thế mà đi vào cuộc đời, rất ở ngoài, trong tư thế rất hiên ngang và quyết tâm nhớ mãi, hết mọi người, chí ít là các “trẻ bé mọn” ở Nước Trời, là nơi có những truyện kể rất dễ nể, như một kết đoạn của chuyện phiếm hôm nay:

            “Truyện rằng, 
Vừa xong bữa nhậu với bạn bè, anh chồng ngất ngư đi về nhà.
Để vợ không đoán được là mình uống rượu quá mức, anh ta quyết định đi thẳng vào phòng và ngồi mở Laptop xem thông tin như thường lệ. Vài phút sau, cô vợ vào và hỏi:
- Anh đang làm gì vậy?
- Đọc báo...
- Đồ điên! Đóng vali lại và ngủ ngay đi! Cái đó không phải là “laptop” đâu mà tin với chả thông!!!

            Thế đấy, ở đời vẫn có những người tuy không là “đồ điên” như cô vợ nọ vẫn gọi chồng mình như thế. Nhưng, những người giống thế lại cứ như đang sống ở thế giới nào đó, có thông tin đủ mọi thứ/mọi điều, cả trong “vali” thế mới sợ. Sợ rằng, thông tin về “Trẻ bé mọn”, người lép vế và/hoặc cả đến những người sống ngoài rìa xã hội, chẳng muốn thông cũng chẳng tin, chỉ mỗi điều nhỏ, rất quyết tâm.  
         

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn tự nhủ
và cũng tự quyết,
rất như thế.