Saturday 26 April 2014

“Đêm về trong bước phong sương,



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 3 Phục Sinh Năm A 04-5-2014

“Đêm về trong bước phong sương,
lùa gió phũ phàng.
Ai cười kiếp sống mong manh, lệ thắm cung đàn.
Ai cất chén mong say sưa quên hận sầu
Mơ bóng dáng xưa trong tiếng tơ ngập ngừng, ai oán.”
(Nguyễn Văn Quỳ  Dạ Khúc)

(Mt 18: 3/Mc 10: 16)
            Kể ra thì cũng khó nói. Khá khó nếu lại nói về tác-phẩm “Dạ khúc” trong đó tác giả Nguyễn Văn Quỳ lại cứ để cho hát những lời như “lùa gió phũ phàng”, rồi “kiếp sống mong manh, lệ thắm cung đàn”, “mong say sưa quên hận sầu...” sau đó lại “ngập ngừng”, “ai oán”, vân vân và vân vân.  
            Thế nhưng, theo bạn trẻ ở Sydney từng có tâm tình nhận xét về nhạc và các tác giả trong buổi “Hát Cho Nhau” hôm 18/3/2014 đã có ý-kiến rất tư-riêng mộc mạc, lạ kỳ về người viết nhạc được trích tên ở trên, như:

“Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã sáng tác bài Dạ Khúc này vào tháng ngày trước năm 1954. Khi ấy, nhạc bản đầu tay này đã đưa tên tuổi ông lên đỉnh cao tăm tiếng trong nhạc Việt cả vào thời gian sau này. Ông chỉ sáng tác có ít bài, nhưng, tài-nghệ sáng-tác của ông, nếu đem so với các tác-giả khác theo bậc thang học-vị tú-tài, cử-nhân, tiến-sĩ, thì ta có thể nói: học-vị của nhạc sĩ L. P. thuộc cỡ tú-tài, Ngô Thụy Miên/Từ Công Phụng ngang tầm cỡ cử-nhân, còn Nguyễn Văn Quỳ phải ngang tầm tiến-sĩ như nhạc sĩ Phạm Duy. Tức: nhạc của ông chỉ một bước đã lên hàng thượng-thừa, rất cổ điển...Sau năm 1954, ông đã ở lại Hà Nội và dạy Đại-hồ-cầm (tức Cello) tại Nhạc viện. Tôi vẫn tự hỏi: giả như năm ấy ông cũng vào Nam như nhiều người, sẽ có thêm cơ-hội sáng tác thì tài-năng của ông còn phát-triển đến mức nào nữa...” (trích phát-biểu của người trẻ có tên là Anthony Trần ở buổi trình-tấu “Hát Cho Nhau Nghe” hôm 18/3/2014 với chủ-đề “Đêm vắn tình dài”)

Nói gì thì nói, nhìn vào bộ môn văn-học nhà Đạo, lại cũng có người viết còn rất trẻở Úc cũng từng nhận-định về những thứ được gói gọn trong đề tài “Có những thứ và những sự nói lớn và nói nhiều hơn cả lời nói nữa”. Hỏi rằng: thứ đó là thứ gì, thì cô bé học sinh lớp 11 ở Melbourne, Úc Châu mang tên Nadine Rebah, có trả lời như sau:

“Bạn Alicia Deak từng viết một bài dưới tựa đề là: Hãy để hành-động của cô khả dĩ có thể thực-hiện hết những việc như nói năng và phát-biểu cảm tưởng của cô khi ta đề-cập đến cái-gọi-là niềm tin. Với những người như Alicia Deak thì: chìa khoá tạo thành quả của mọi hành-động không là bắt buộc quả bóng tròn đang lăn trong sân cỏ phải dừng lại. Alicia Deak xem ra đã có lập-trường không dừng bước một khi đã ra tay hành-động.

Cô sinh-viên 24 tuổi đời này đã tốt-nghiệp cùng lúc hai văn bằng cử-nhân, một về nhân-văn/nghệ-thuật tại đại học Melbourne, ở Úc; còn văn-bằng kia lại về thần-học ở trường Thần-học Hiệp-nhất cũng ở Melbourne. Tuy nhiên, vai-trò thừa-tác-viên Giới trẻ và Công-bằng Xã hội mà cô đang phục vụ cùng một lúc phải hoàn tất việc học-tập đã khiến cô bận rộn không ít. Theo cô, thì việc đeo đuổi học tập ở Đại-học cộng với công-tác sinh hoạt ở bên ngoài đã tạo cho cô quyết tâm phải đặt ưu-tiên cho cái gì trước cái gì sau. Tuy nhiên, với cô, thì niềm tin bao giờ cũng quan trọng hơn hết.

Dù lớn lên trong một gia đình Công giáo toàn tòng, Alicia nói cô chỉ tìm kiếm và khám phá ra niềm tin từ lớp 11, qua sinh-hoạt phục-vụ cộng đồng tại trường Loreto Mandeville, thôi....

Vào thời buổi mà bạn đồng trang lứa chỉ mỗi quan-tâm về việc tạo cho chúng một địa vị vững chãi trong xã-hội thì, Alicia lại say mê chuyện tranh-đấu cho công-bằng xã-hội mà thôi. Và trong khi ít có ai trong giới phụ-nữ lại chịu ngồi vào ghế học trò để đeo đuổi môn thần-học rất khô-khan, thì Alicia Deak lại rất thích môn học đó, rồi còn ra ngoài hoạt-động cho giới trẻ trong cộng đoàn mình sống và học tập; chả thế mà cô đã đoạt giải Mary Ward vào năm 2011 và 2012, tức đã đạt học bổng để theo môn trên. Cô Alicia cho biết: khi ra ngoài hoạt-động, mình phải có quyết-tâm trao đổi, tạo sáng-kiến mới hầu thay đổi cả cung-cách của mình và mọi người đang tin bằng nhiều phương-cách mới mẻ. Nghĩa là, vẫn chuyển-tải cùng một thông-điệp từ Tin Mừng, nhưng bằng nhiều cách khác cốt sao hấp dẫn người mà mình phục-vụ”.

Có cùng quan-điểm với lớp trẻ như Alicia, lại có Linh mục Rob Galea từng đi đây đi đó trình-tấu âm-nhạc do ông sáng-tác để chuyển-tải tín thư Tin Mừng cho người nghe. Trong một lần phát-biểu trước cử-toạ đa phần là giới hành-hương tham dự Liên Hoan âm nhạc ngày 6/12/2013 ở Úc, linh mục Rob Galea có nói: “Người Công giáo chúng ta đôi lúc, cũng hơi quá nghiêm trang đến độ cứ nghĩ rằng sống đời lành thánh trong Đạo là cứ phải nhắm nghiền đôi con mắt, rồi còn cúi đầu miệng lâm râm khấn vái những câu gì không ai hiểu, và nghiêm-túc cả khi sinh-hoạt lễ lạy đến độ không dám cựa quậy thân mình sợ làm người hác lora, chia trí... Như thế đâu phải là cử-chỉ của bậc thánh thiêng, thánh-hóa hoặc quá thánh đâu cơ chứ! Sống thánh-hoá, là biết nhận lãnh những gì mình được ban cho, để rồi dùng nó mà làm tốt đạo Chúa đẹp đời người. Nếu bạn có tài năng nào khác, hãy cứ dùng nó để vinh danh Chúa và cứ để cho lằn sáng mình nhận được từ Trên sẽ toả rạng ra bên ngoài, cho mọi người.

Chẳng cần chứng-minh mình là ai, loại người như thế nào, hãy cứ nói cho Chúa biết là Ngài rất tuyệt vời để rồi sẽ Ngài trả lời rằng: Không phải thế đâu! Chính con mới là người tuyệt diệu trên mức tuyệt vời, đừng tiếc nuối...” (xem Nadine Rebah, Louder than words, Australian Catholics, số Mùa Hè 2014, tr. 10-11)      

            Vâng. Quả là như thế. Như thế, tức hiểu rằng: Chúa là Đấng tác-tạo mọi vật trên mức tuyệt vời. Và là tạo vật của Chúa như thế, thì còn gì để tiếc nuối? Chẳng nên tiếc và nuối gì như câu hát của tác-giả từng ghi lại cũng từ lâu:

“Còn tiếc khi hoa lòng tươi sắc hương
Ngời ánh mắt in hình xuân trắng trong
Mái tóc xanh ngát hương đời
Gió dịu hiền nhẹ rung lên ngàn lời thơ
Niềm trinh ngất ngây trong bao đợi chờ
(Nguyễn Văn Quỳ - bđd)             

            Lại cũng đúng. Chỉ cần “gió dịu hiền nhẹ rung lên ngàn lời thơ” “niềm trinh ngất ngây trong bao đợi chờ” như ở câu ca nhạc bản, tôi và bạn sẽ thấy cuộc đời đi Đạo và giữ Đạo đâu hẳn chỉ như thế. Giữ Đạo ở đời, còn là và phải là sống cuộc đời thường với người đời trong mọi lúc, ở mọi nơi. Dù khi ấy, lúc này không là giờ kinh, buổi lễ. Dù ở đây, chốn này cũng chẳng là nhà thờ nhà thánh, mà đơn giản chỉ là phố chợ, công đường hoặc chùa chiền lẫn thánh thất.
            Niềm tin ngất ngây” hôm nay, còn được thể-hiện nơi lập-trường sống rất Đạo của đáng bậc vị vọng khác cũng ở Úc, đã biểu tỏ như bài viết của cô nữ sinh lớp 11 là Emily Ressia, như sau:

“Chỉ một thoáng vui đùa nhộn nhạo có lẽ cũng là điều tốt giúp ta đối đầu một cách tuyệt-diệu chống lại tình-huống khó khăn trong đời mình; đó là quan-điểm của vị linh mục tên là Bob Maguire, chánh xứ một họ đạo. Linh mục này có sáng-kiến lái xe len lỏi các hang cùng ngõ hẻm ở nhiều nơi để cho người tín hữu Công giáo có cơ hội xưng tội một cách thoải mái, mà không cần phải đi nhà thờ, cho mất giờ. Nhiều lần Lm Bob Maguire vẫn từng kể chuyện tiếu lâm chọc đùa thiên hạ kiểu của nhà Đạo cũng rất cổ, như câu hỏi: “Anh chị em có biết làm cách có được nước phép, mà không cần phải xin ông cha không?”. Hỏi thế rồi, ông tức tốc trả lời ngay tại chỗ rằng: “Qúy vị chỉ việc lấy nước ở vòi ra đun sôi sùng sục tự khắc đám quỷ hoả ngục bị bốc khói xùi tăm, thế là xong”. Cả khi cha Bob Maguire biến chiếc xe thùng của nhà xứ thành toà giải tội lưu-động đi đây đó, rồi ngài chỉ việc ló đầu ra thành cửa kể chuyện tếu cho thiên hạ nghe mà ngài gọi là chuyện “Cá tháng tư”. Và coi đó như vai tuồng quan-trọng phải đóng cho trọn cuộc sống của người có niềm tin vào Chúa. Ngài cũng có nói: “Thật ra thì có kể chuyện tiếu lâm chay tiếu lâm mặn, cũng đều là cách rất vui để ta sống niềm tin cho tốt, đâu cần phải làm ra vẻ nghiêm túc với nghiêm nghị...”

Ngài còn nói như: ví thử ta trở lại thời kỳ kinh tế suy-thoái sau thế-chiến thứ II, sống tiếu lâm, vui nhộn là việc cần làm một cách đặc biệt vào những lúc ta gặp khó khăn về đủ mọi thứ. Nếu không làm thế, thật khó có thể nào thoát ra được cảnh tồi tệ là thế. Lm Bob Maguire vẫn than phiền rằng: thời buổi này, các nhóm hội/đoàn thể trong xã-hội cũng như trong Đạo Chúa, dường như ta để mất tính vui tươi nhộn nhạo vốn làm nền cho cuộc sống hạnh phúc. Có lần ngài còn bảo: Tiếc là các bạn trẻ ở Úc lớn lên vào lúc mọi người ở nước này không còn tính khi vui nhộn nữa. Vậy thì người Úc nay đang làm những gì? Có lẽ, họ cũng uống bia bọt rượu chè nhưng không còn vui đùa kể chuyện như trước nữa. Họ lúc nào cũng suy tư nghĩ ngợi ra vẻ đăm chiêu coi mọi chuyện như của riêng mình cần giữ kín, rồi từ từ sẽ đi đến trạng thái quá-khích đến độ dữ tợn với người khác.

Thành thử, có thói quen vui đùa là biết tiêm/biết chích đưa tính khí hoà nhã vui tươi vào mọi cãi tranh, xung đột hoặc tình-huống nhiều thách-thức, hầu giúp mình có khả-năng giáp mặt với mọi sự cách tốt đẹp, xoá bỏ đi mọi tình huống tối đen, buồn bực. Xem thế thì, tánh khí bông đùa vui nhộn, là quà tặng Chúa ban cho mình như món quà sự sống Ngài tác-tạo nên con người vậy”. (xem Emily Ressa, Father Bob’s punch line, Australian Catholics số Mùa Hè 2014, tr. 9)

Vâng. Người trẻ đi Đạo ở Úc nay cũng nói được những câu như thế. Như thế, tức: khác nào nghệ sĩ Nguyễn Văn Quỳ từng viết lên ý/lời cả vào trước năm 1954, có giọng hát rất “ỏ-ê” như sau:    

            Đêm về trên bến cô liêu mờ xóa chiều tà,
Lan thầm xơ xác run nghe sương chìm băng giá.
Hồn ai về rền tiếng than như chập chờn,
Hòa tan cùng nhịp sóng nước reo mịt mùng vẳng xa.
(Nguyễn Văn Quỳ - bđd)

           
Đúng thế. Hoà tan trong nhịp sống”, còn có nghĩa: hoà nhịp sống giữa đời mà không có giây phút bông đùa, cười vui thì cũng chỉ như “hồn ai về, rền tiếng than như chập chờn”. Chập chờn, rồi lại “xơ xác”, “Lan thầm run” “sương chìm băng giá”... Ôi thôi là “giá băng”, “vằng xa”, “mịt mùng”, rất “cô liêu”...
Cuộc đời ngày hôm nay, không chỉ thấy ở trời Tây hoặc nước Úc mà thôi, nhưng có lẽ sẽ còn xuất hiện khắp chốn nơi nhà Đạo nữa. Chẳng thế mà, một đấng bậc khác cũng thuộc Dòng rất Tên Chúa là linh mục James Martin vẫn có lập-trường thông thoáng, khi ông bảo:

“Dù hôm nay, vẫn thấy nhiều linh-mục hoặc thừa-tác-viên trong Đạo đã công-nhận rằng cần sống vui tươi, cười nói ở mọi chốn, vẫn còn rất nhiều vị, nhiều cơ-cấu trong Đạo mình xem ra vẫn ít cười,và thiếu vui. Hầu hết mọi cơ-chế ở Đạo mình đã để mất đi tính vui tươi, nhộn nhạo. Theo ý tôi, có thể Chúa của mình cũng nghĩ khác nhiều thể-chế trong Đạo kính thờ Ngài.

Hỏi rằng: sao tôi lại có thể tin vào điều này được, ư? Câu trả lời, là: dù Chúa có đặt ra cho ta những tình-huống nghiêm-túc để kể truyện, không cần biết ta có bằng lòng như thế hay không, nhưng cả vào lúc ta chấp-nhận hoặc không đồng thuận lập-trường của Ngài đi nữa, Ngài vẫn tỏ ra tươi vui, cười nhôn nhạo để người người được hạnh-phúc. Chính Ngài đã đem niềm vui tươi, nhộn nhạo vào chốn nguyện cầu như nhà thờ hoặc hội-đường Do-thái-giáo ngang qua bản-tính con người vẫn cứ vui tươi rất đều đặn. Chính đó là điều ta cần sống vui vẻ và tươi nhộn để cảm-kích. Bởi lẽ, chừng như lúc nào Chúa cũng đặc-biệt nghiêng về tính-khí vui vẻ, trẻ trung của con người...” (xem thêm Lm James Martin, Laughing in Church, Australian Catholics số Mùa Hè năm 2014, tr. 10).        

Cần chứng cứ ư? Hãy về với Lời vàng rất Tin Vui An Bình, như sau:

“Thầy bảo thật anh em:
nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
(Mt 18: 3)

Nghe Lời Vàng thánh rồi, bạn và tôi, nay ta hãy “trở nên như con trẻ”, để sống đời tươi vui nhộn nhạo, vào mọi lúc. Cả những lúc rất nghiêm-trang/nghiêm-nghị ở nhà thờ hoặc nhà trẻ. Vui vẻ/trẻ trung mãi đến khi khôn lớn, để rồi lại cũng giống như người đứng tuổi tuy có lớn đấy nhưng vẫn không để mất đi đức tính cần nhất cho đời đi Đạo và giữ Đạo là vui tươi, nhuần thắm của chính mình.
Giữ Đạo theo thói quen nghiêm-nghị, là cứ thế nghiêm-trang/nghiêm-chỉnh cả khi không cần như thế nhưng có nên thay đổi chăng? Bởi có giữ đạo thì cũng chỉ để sống vui như tinh thần Đạo Chúa chủ-trương như Nước Trời an vui, tuyệt đẹp như Tin Mừng vui muôn thuở, rất để đời.
Trong tinh-thần giữ mãi niềm vui Tin Mừng vẫn như con trẻ cứ vui cứ mừng vào mọi lúc, hỡi bạn và hỡi tôi, sao ta không đi vào vùng trời nhiều truyện kể về con trẻ, để sống vui, như sau:

“Truyện rằng:
Trong quá-trình sống vui, sống trẻ như con trẻ, bao giờ cũng có những chuyện vui vui trẻ trẻ giữa thày/trò như lời đối đáp ở lớp học giống như sau:
-Cô giáo: Này Cindy, tại sao làm toán mà lại nằm bò xoài dưới đất thế?
-Cindy: Dạ, không phải là cô hỏi em có làm được toán mà không cần dùng bảng đấy sao!
-Cô giáo: George, em hãy nhìn bản đồ rồi chỉ cho bạn mình biết Hoa Kỳ nằm ở đâu?
-George: Dạ, Hoa Kỳ nằm ở chỗ này này!
-Cô giáo: Đúng. Thế các em ở đây có biết là ai tìm ra Hoa Kỳ không thế?
-Cả lớp đồng thanh đáp: Bạn George!
-Cô giáo: Bill, Hãy nói rõ chuyện gì cách đây mười năm tìm mãi vẫn không thấy?
-Bill: Dạ cái đó là em đây. Lúc ấy em chưa lọt lòng mẹ.
-Cô giáo: Tom, tại sao lúc nào người em cũng đầy bụi đất hết vậy?
-Tom: Dạ thưa. Vì em gần sàn đất hơn cô.
-Cô giáo: Có ai cho cô ví dụ về chuyện gọi là “trùng hợp ngẫu nhiên” không?
-Tim: Dạ, đó là Bố và Mẹ làm đám cưới vào cùng một ngày, cùng một giờ và một phút.
-Cô giáo: Nay cô hỏi thật, trong các em có em nào trước khi ăn cơm mà không làm dấu?
-Sam: Dạ, người đó là em đó thưa cô.
-Cô giáo: Sao lại thế?
- Sam: Thưa cô, em đâu cần làm dấu Thánh giá trước khi ăn đâu, vì Mẹ là đầu bếp rất giỏi!
-Cô giáo: Các em biết có ai cứ nói là nói, chẳng cần biết người nghe có thích hay không? 
Cả lớp nhao lên nói: Thưa cô đó là linh mục chánh xứ của em mỗi khi làm lễ đều như thế.
-Maria hỏi bố mình: Bố ơi, bố có thể viết chữ trong bóng tối, được không bố?
-Bố của Maria: Có chứ con, bố đây có tài viết lách cả trong bóng tối mờ nữa cơ!
-Maria: Thế thì, bố viết tên bố vào phiếu học-bạ này của con đi...
-Bố: Ấy gì chứ cái đó thì... thì, chết bố rồi con ơi...”
(truyện kể trích từ thư trên mạng hôm 18.4.14 do một người thuộc tôn giáo “bạn” gửi tặng)

Vâng. “Tôn giáo bạn” hay tôn giáo “mình” vẫn là đạo-giáo chủ trương vui, trẻ, khoẻ như quyết tâm sống Đạo mà bạn và tôi, ta sẽ gặp trên đường đời ngắn ngủi nhưng lại rất vui chứ không đượm nhiều ưu-tư đọng lắng nơi tâm-tư người nghệ sĩ còn muốn hát:  

“Nhưng ngày xanh thắm mau phai tàn áng mây vàng
Cây buồn xao xuyến thương hoa rã rời theo gió
Màu đêm lạnh lùng lấp cánh nhung mịn màng
Giọt sương sầu nặng lá ... thầm buông.”
(Nguyễn Văn Quỳ - bđd)

Nghệ sĩ có hát chăng, chỉ là hát những ca từ như “cây buồn xao xuyến”, “đêm lạnh lùng”, Giọt sương sầu nặng lá thầm buông”. Nhưng, hát gì thì hát, ca gì thì ca, hãy cứ ca và cứ hát cho vui để đời mình sẽ mãi vui, như con trẻ.      

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn quyết tâm
Sẽ cùng bạn và bcùng tôi,
Ta sống mãi vui, suốt cuộc đời đi đạo
của chính mình.

Thursday 17 April 2014

“Dốc hết tình này là trả nợ người,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ Hai Phục Sinh Năm A 27-4-2014

“Dốc hết tình này là trả nợ người,”
Dốc hết tình này là trả nợ đời,
Trả hết tình tôi còn nợ không thôi.”
(Tuấn Khanh  Trả Nợ Tình Xa)

(Rm 13: 8)
            Tình xa là thế, mà sao nghệ sĩ nhà mình lại cứ trả? Giả như câu này, ở đây, là câu nói từ đấng bậc chót vót ở trên cao chốn Thánh hội, thì sự thể sẽ ra sao?
Hỏi về sự thể như thế, là hỏi và hát những lời thêm thắt nữa, rồi sẽ nói, những điều rằng:

“Mắt đã mù loà vì đợi tin xa.
Tóc trắng bạc màu vì nợ yêu nhau.
Nào biết ngày sau trả nợ tình nhau.”
(Tuấn Khanh – bđd)

Hát thế rồi, lại nhoớ đến lời phát-biểu mới đây không lâu, của đấng bậc vị vọng được coi và được gọi là Đức thánh (rất) Cha hôm rồi mang nặng giòng chảy những kêu gọi mọi người rằng:

“Hỡi, thành viên nam nữ thuộc bè/nhóm Mafia,  
xin hãy chuyển-đổi cuộc sống của quý vị.
Xin hãy dừng tay lại mà hoán-cải và đừng làm thế!
Đừng làm những việc dưới áp-lực của ác thần sự dữ, nữa.
Tôi mong mỏi điều này bằng lời nguyện cầu liên lỉ,
để mọi điều tốt đẹp sẽ xảy đến với quý vị.
Bởi, cuộc sống mà quý vị hiện đang có vào lúc này
sẽ không đem lại cho quý vị niềm an vui hoan lạc nào hết,
và cũng chẳng tạo hạnh phúc cho quý vị bao giờ đâu...”
(xem Francis X Rocca, Pope to Mafia: You’re Going to Hell, The Catholic Weekly 06/04/2014 tr. 1)

Lời Đấng Bậc vị vọng ở cấp cao kêu gọi, khác nào lời ới gọi của nghệ sĩ vẫn còn hát:

“Trả hết, trả hết cho người,
Trả luôn mắt môi nụ cười.
Trả xong đời còn hư không.        
Nào gió gió bay về trời,
Này hoa sẽ bay về cội.
Còn ta đường nào cho ta?”
(Tuấn Khanh – bđd)

Vâng. Nếu chư vị ở bè/nhóm “Mafia” không chấp-nhận tuân theo lời ới gọi của đấng bậc ở chốn trên cao từng kêu gào hãy dừng lại, rồi “dốc hết tình này”,“trả hết cho người”,“trả luôn mắt môi nụ cười” thì rồi ra cũng chả còn “đường nào cho ta” cho người, ở chốn nợ đời này cả đâu.
Vâng. Chợ đời chốn ấy hôm nay, bạn và tôi cũng như mọi người vẫn còn nhiều thứ cần  phải trả. Và trên hết mọi sự, vẫn là thứ nợ tình yêu như bậc thánh hiền khi xưa từng đoan quyết:

“Anh em đừng mắc nợ gì ai,
ngoài món nợ tương thân tương ái;
vì ai yêu người,
thì đã chu toàn Lề Luật.”
(Rm 13: 8)   

À thì ra, ới gọi về chuyện trả nợ “trả hết, trả hết cho người, trả luôn mắt môi nụ cười” có xuất từ người nghệ sĩ hay đấng bậc “lành-thánh rất cha/cố” đi nữa, cũng là ới gọi một kêu mời: hãy dừng đứng lại đừng trả nợ “quỷ thần độc ác”, cho bằng hãy trả mỗi món nợ “tương thân tương ái” mà thôi.
Hôm nay đây, ở xã hội ngoài đời hoặc trong Đạo, vẫn còn đó lời ới gọi hãy “đổi thay” lề lối sống rất “nợ đời”. Để rồi, mọi người ở khắp nơi sẽ chỉ nghĩ đến món nợ “tương thân tương ái” cũng rất cần trong đời người, mà thôi.
Thế đó, là ý/lời đầy ới gọi cả người trong Đạo cũng như ngoài đời, tương tự như ở chốn truyền thông/báo đài nhiều tin tức. Những tin cùng tức, cũng thúc giục mọi người hãy nên có lập trường đúng để mà sống.
Còn nhớ, ngay vào lúc Đức Phanxicô vừa đăng quang trở thành Giáo hoàng đương đại, có tác-giả vội viết trên báo điện mang tên MercatorNet, những lời như sau:

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ còn mỗi con đường độc-đạo là phải đối-đầu với người sầu buồn khổ đau và làm sầu đau/ buồn khổ những kẻ mà ngài phải đối đầu. Ngài làm thế, theo kiểu-cách cũng rất khác, khi ra khỏi khuôn viên Toà Thánh để có cuộc “thăm-dân-cho-biết-sự-tình” nơi ốc-đảo hẻo lánh mạn Nam nước Ý, có tên Lampedusa. Thăm viếng hôm ấy, là buổi kinh-lược mục-vụ khởi đầu triều-đại Giáo-hoàng của ngài, mà giới truyền-thông từng loan-báo cho cư-dân toàn đảo biết trước.

Lời lẽ và ý-lực chính mà thông-điệp đề-cập cốt gửi đến thành-viên cộng-đồng nhân-loại đang kiếm-tìm nơi trú-ngụ an-toàn ở vùng đảo ốc có cuộc sống mới kể từ khi Lampedusa trở thành thứ đảo Ellis cao sang của châu Âu...

Nhưng, thật sự thì thông-điệp ngài muốn gửi là có ý gì?
Có thể nói ngay đây, rằng: đó là thách-thức đem đến cho nhiều người, chứ không là cử-chỉ mang tính chính-trị mà thôi. Hãy nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát-biểu những lời như sau: “Cũng giống như xưa, khi Giavê Thiên-Chúa hạch-hỏi Ađam và người em mình là Ca-in cùng một câu hỏi: “người anh/em ngươi đâu?” thì hôm nay, nhiều người trong chúng ta, trong đó có cả tôi nữa, cũng để quên thân-thuộc mình và chẳng bận tâm gì đến chốn miền mình đang sống, không còn bận tâm để ý đến những gì được Chúa tạo-dựng cho tất cả mọi người. Và, ta không còn khả-năng biết trông nom/giùm giúp nhau, nữa. Những người như thế đã không còn biết, không còn chấp-nhận hoặc tìm ra sự kết-đoàn hỗ-trợ nhau nữa...” (xem Sheila Liaugminas, The Globalisation of Indifference, MercatorNet 26/7/2013)

Vấn đề mà người viết nêu ra khi ấy, nay quay lại thách-thức lương-tâm mỗi người và mọi người, vào thời này. Thời hôm nay, là thời để ta nghe nhiều lời vãn than/ới gọi như bài hát trên vẫn được nghệ-sĩ tiếp-tục hát mãi những câu như:     
  
“Dốc hết tình này là trả nợ người,
Dốc hết tình này là trả nợ đời.
Trả hết tình tôi, còn nợ không thôi...”
(Tuấn Khanh – bđd)

Nơi xã-hội mọi thời, “nợ người”, “nợ đời” hoặc “trả hết tình tôi”, “còn nợ không thôi”, là thứ nợ tình mà người đời vẫn bảo nhau hãy xem mỗi người và mọi người có “trả hết cho người’, “trả luôn mắt môi, nụ cười” nữa, không?
Ở nhà Đạo hôm nay, việc trả hết nợ “tương thân tương ái” không chỉ bằng việc chu-toàn lề-luật lại là ý-tưởng được nhiều người/nhiều vị trong Đạo mình suy-tư cảm-kích do bởi những gì được Đức Giáo Hoàng tỏ bày hôm ấy.
Ngày “N” hôm ấy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lại cũng mở lời ới gọi cả những người chẳng còn biết “tương thân tương ái” với bất cứ một ai. Bằng vào ví dụ rút từ Tin Mừng về người Samaritanô nhân-hiền có những chi tiết thật da-diết, như sau:

“Thế-giới hôm nay, chẳng ai thấy mình có trách-nhiệm về nhiều thứ nữa. Bởi, con người chúng ta nay để mất ý-thức trách-nhiệm về người anh/người chị của mình, dù họ có ra sao đi nữa, cũng mặc. Chúng ta nay lại rơi vào tình-cảnh của các giáo-sĩ đạo-đức giả tựa như tình-tự của thày Lêvi được Chúa mô-tả ở dụ-ngôn Người Samaritanô nhân-hiền, thời buổi trước. Có thể, như người anh em thuộc nhóm đạo Lêvi tư-tế hôm ấy tuy thấy nạn-nhân nằm chết dần bên vệ đường, cũng chỉ như tự nói với chính mình rằng: “Tội nghiệp cho ông ta!” rồi cứ tiếp tục bỏ đi, chẳng ra tay cứu vớt chút gì, bởi ông cứ nghĩ đó không thuộc phần-hành/trách-nhiệm của ông. Và, ông vẫn nghĩ là mình có lý...”

Nói thế rồi, Đức Giáo Hoàng lại tiếp tục phát-biểu về thứ văn-hoá thời hôm nay, như sau:

“Thứ văn-hoá dửng-dưng/vô-cảm khiến ta chỉ nghĩ đến riêng mình, và làm ta trở thành thứ người lạnh-lùng trước tiếng khóc/than cùng ới/gọi của người khác. Thứ văn-hoá làm ta sống trong cảnh chỉ tỏ bày lòng yêu-thương qua sinh-hoạt đình đám nổi bật thôi, nhưng không có thực-chất. Yêu thương đình-đám/nổi bật chỉ bềnh-bồng trong chốc lát rồi chìm đắm trong hư-không/trống rỗng với ảo-vọng dẫn về tính lạnh-nhạt/dửng dưng đối với người khác; rồi đi dần vào sự-kiện toàn-cầu-hoá tính dửng-dưng/nguội lạnh. Nói cách khác, ta trở nên chai-đá, quen dần với chuyện khổ-đau của người khác mất rồi. Chuyện khổ đau của người khác không còn đánh động ta nữa và ta cũng chẳng bận tâm gì những chuyện như thế, bởi vẫn coi chuyện ấy không thuộc phạm-vi ta quan tâm. Và, việc toàn-cầu-hoá tính dửng-dưng đã biến ta thành những con người không tên tuổi, vô-trách-nhiệm đến độ có thể gọi mình là người không hình-tượng, chẳng có tên và chẳng mang hình-thù gì hết.

Và Đức Giáo Hoàng kết-luận:

“Xã-hội ta sống, nay chẳng còn biết khóc thương người đau khổ và chẳng còn biết cùng đau cùng khổ với bất cứ ai. Tính dửng-dưng nay trải rộng khắp hoàn-cầu khiến con người ngày hôm nay không còn khả năng khóc thương nữa rồi. Khi xưa Hêrôđê đã từng gieo vãi sự chết để bảo vệ tính lạnh-lùng, dửng dưng của ông trong cảnh đình đám mà xã-hội ngoài đời vẫn tiếp tục nằm ẩn trong tâm con người ngày hôm nay.

Giờ đây, xin Chúa gỡ bỏ những gì do Hêrôđê từng gieo vãi để ta biết khóc biết thương cả tính dửng-dưng/lạnh-nhạt ẩn tàng nơi tâm can con người. Xin Ngài ban cho ta ơn sủng-ái biết khóc cho tính lạnh lùng mà mình vẫn có và biết khóc cho tính ác-độc của thế-giới mình đang sống, khóc cho tính độc địa nơi tâm can mọi người và những người vẫn đang tìm cách tác-hại con người bằng hành-động mang tính kinh-tế xã-hội quyết mở rộng cửa cho tình-cảnh bi ai của thế giới.” (Sheila Liaugminas, bđd)                    

Quả thật, nhận-định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tạo làn sóng cảm-nhận từ nhiều người, cả trong Đạo lẫn ngoài đời. Cảm-nhận nhiều, còn là cảm-kích và nhận-xét về công việc Đức đương kim Giáo Hoàng đã từng làm trong năm đầu, khiến biến-cải/đổi-thay rất nhiều thứ. Biến-cải và đổi thay, không chỉ mỗi tâm-tính dám đối đầu với khổ-đau sầu buồn từ nhiều phía, mà cả từ phía tạo nhiều khổ đau cho người khác là bè/nhóm Mafia lẫn người có quyết-định ảnh hưởng lên kinh-tế, xã-hội ở thời này nữa.
Chả thế mà, ngay khi Đức Giáo Hoàng lên tiếng về nền văn-hoá dửng-dưng/vô cảm truớc nỗi khổ của nhiều người, nay đã thấy nhiều phản-ứng từ một số độc giả bày tỏ tình đồng-thuận với ngài nên đã gửi đôi giòng chảy tâm-tư như sau:

“Nếu ta trị được đói/nghèo và bỏ được nhu-cầu của mình để cho người tị-nạn, thì đó cũng là vì con người nay đã giải-quyết được các khó-khăn do tôn-giáo đánh đỗ.” (David Page)       

Muốn giảm-thiểu số người chết vì di-dân bất-hợp-pháp, các nước phát-triển phải tạo cơ-hội mỗi năm một lần giúp tặng tài-chánh cho những ai kiếm tìm cuộc sống tốt đẹp hầu cứu vớt và đưa họ vào sống ở quốc gia có lòng thương yêu và cấp quốc-tịch mới cho họ.” (Phyllis Ann James)

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm tôi tỉnh-thức về chuyện cứ thu vén lợi-nhuận chất đầy túi mình. Dù tôi vẫn còn đó những khó khăn tài-chánh cũng như tài-nguyên vật-chất, vẫn có thứ gì đó tôi có thể làm được để giúp đỡ người nhiều nhu-cầu hơn tôi và khổ cực hơn tôi nhiều.

Tôi nghĩ: mình phải bắt đầu bằng nguyện cầu trải rộng ra bao gồm cả việc xin mọi người có thêm trí-lực và lòng thiêng-liêng đạo-đức cho dân đảo Lampedusa và nơi khác đang chịu cảnh thiếu thốn giống thế. Tôi sẽ dâng mọi khó-khăn tư-riêng của mình để hướng lòng về với người nghèo khổ; và tôi sẽ thu-thập hiểu biết xã-hội để, một ngày nào đó, dạy đám học trò của tôi cho chúng có hy vọng có được tâm-linh đạo-hạnh hầu có tính thừa sai/mục vụ để giáo-dục người nghèo, tật bệnh”. (Regina)

“Riêng tôi, tôi thất đây là bài viết khá hay về vấn-đề tính dửng-dưng mang tính toàn-cầu và thấy được rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhà mình đang nói thẳng, nói thực những chuyện bức bách như thế qua cuộc sống của chính ngài và bằng lời rao giảng cho giới trẻ biết được chuyện ấy”. (Paul Go)

Thế đó, là những phản-ứng khá tốt đẹp về Đức Giáo-chủ. Tuy nhiên, có nhiều vị lại nói theo cung-cách khác hẳn, vì đứng từ tầm nhìn cũng rất khác, như nhận-định của nữ-lưu như bên dưới:  
“Tôi nghĩ Đức Thánh Cha nhà mình nói hơi sai. Ngày nay, dân chúng thế-giới đâu có dửng-dưng, vô cảm. Có chăng, chỉ là họ không thể tạo ảnh-hưởng lên tình-cảnh khốn-khổ của người khác, mà thôi. Tôi có thể tự khóc than cuộc đời mình rồi lên giường đi ngủ, hoặc dửng dưng với chuyện của Đại tá Oliver, tôi không thể tiếp-tục ăn cơm tối được nữa và trở thành người ốm yếu bệnh tật về thể xác nếu làm thế, nhưng để đi đến kết cuộc nào?

Hãy tạm lấy ví dụ về gia đình tôi xem sao: năm 2011 tôi đi làm và kiếm được vỏn vẹn $50 ngàn đô một năm. Ngay từ đầu năm 2011, tôi làm cùng một công việc và lãnh được $42 nghìn một năm, đến giữa năm tôi mất việc  và cuối năm ấy, tôi đành phải làm công việc để sống sót qua ngày đến khi nào kiếm được việc gì khác tốt đẹp hơn. Nhưng chuyện ấy chẳng bao giờ xảy đến. Nay thì, chỉ làm có một tuần 15 tiếng kiếm có $800 một tuần không thuế. Nhưng không sao, vì chồng tôi vẫn còn đi làm, chúng tôi chia ra: tôi trả tiền cho bọn trẻ, giúp nhà thờ một ít và cuối cùng mang về nhà chỉ mỗi $25 ngàn đô thôi. Đó là về tài-chánh. Nay nói về chuyện tâm can, linh hồn thì tôi nói thế này:

Tôi có người bạn thân vừa biết mình mắc phải căn bệnh ngặt-nghèo là ung-thư xương. Cũng cô này, cách đây trong cùng một tháng đã mất người mẹ già thân yêu và đứa con trai tự vẫn. Hai người bạn khác của tôi lại cũng vừa tiễn-biệt ông chồng trân quý bị ung-thư, người kia mất việc trong một năm. Một trong hai chị bạn này lại cũng bị mất nhà vì thiên tai. Nên câu hỏi tôi đặt ra là: chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi bỏ những người như thế ở lại, để chạy đi tiếp giúp những người ở nơi xa xôi như đảo nhỏ Lampedusa hoặc miền Nam nước Mỹ nơi có những người cứ liều mình băng ranh giới với Mêxicô nhập lậu để rồi bị chết mất xác ở khu sa mạc nóng cháy ấy?

Kể những chuyện này, ý của tôi là: đa số mọi người vẫn đều làm hết mình, để cuộc đời mọi người nên tốt đẹp. Người di dân lậu liều mình chết trong sa mạc hay ngoài biển cả đều là những tít lớn xuất hiện ở báo đài truyền thông, lại cũng có những người âm thầm sống cuộc đời tuyệt-vọng mà chẳng ai ngó ngàng biết đến mà vẫn bị người đời kết cho tội rất bất công là lười biếng, chẳng chịu làm ăn nuôi thân, thành thử những điều nhiều người nói có khi cũng chẳng đúng sự thật cho lắm. Bởi thế nên, có những vấn-đề rất khác nhau nếu mình đứng nhìn từ góc cạnh khác biệt.” (Claudia Williams)

Và, ý-kiến của người ngoài Công-giáo, cũng táo-bạo như độc-giả có tên hơi lạ:

“Tôi không là người Công-giáo, nhưng các tin/bài về Đức Phanxicô, Giáo-chủ Công-giáo tôi thấy ngài này giảng đạo cũng khá hay. Dĩ nhiên trên đời này vẫn có khá nhiều người làm rất nhiều điều tốt đẹp để săn sóc giúp cho những người đang có nhu-cầu. Thế nhưng, thế-giới hiện nay vẫn còn tình-trạnh thiếu trong-lành khi có quá nhiều kẻ bợ đỡ, chỉ phô trương đánh bóng công việc của mình hay người khác chỉ phù thịnh những người và những giới giàu có, sung túc, tức những người từng được báo chí/truyền-thông nêu tên tuổi, địa vị cùng tài sản kếch sù của họ như giới vua quan lãnh chúa no cơm rửng mỡ, những là khoa-trương quần áo, sắc đẹp cùng con cái của mình cho thiên-hạ thèm thuồng, ngưỡng-mộ rồi cổ-võ những thứ xấu xa vô bổ, khoả lấp các ý-tưởng và lời lẽ tốt đẹp do đấng tối cao trong Đạo từng đưa ra. Hoan hô Giáo chủ Phanxicô. Sự can đảm của ngài khiến tôi khâm phục hết mình. Tôi đang đợi bài giảng kế tiếp của ngài xem có gì là quả cảm nữa không đây.” (Ensnaturae2).

Vâng. Đúng thế. Đấng bậc ở trên cao tít chốn ấy, có làm điều gì hoặc có nói làm sao, thế nào cũng có kẻ khen, người chê cũng dễ thôi. Nhưng khen chê thế nào, đề-nghị bạn đề nghị tôi, ta nghe thêm tin tức về hành-xử của Đấng chủ-quản ở chóp bu Giáo hội mình như sau:

“Tin Vatican- Đức Thánh Cha Phanxicô quyết-định duy trì viện Giáo-vụ (IOR) quen gọi là Ngân-hàng Vatican, đồng thời chỉ-thị Viện này tiếp-tục tuân-hành các qui-luật về sự minh-bạch, về việc chống rửa tiền và tài-trợ khủng-bố.

Trong thông-cáo công-bố ngày 7/4/2014, Đức Thánh Cha phê-chuẩn một đề-nghị về tương-lai Viện Giá-vụ, tái khẳng-định sứ-mạng quan-trọng của Viện này để mưu-ích cho Giáo-hội Công-giáo, Toà Thánh Vatican và Quốc gia thành Vatican. Đề-nghị này do các cơ-quan liên-hệ của Toà thánh đệ-trình trong đó có Ủy-ban Toà Thánh nghiên-cứu và đề ra hướng-đi cho cơ-cấu kinh-tế và quản-trị của Toà Thánh, Ủy Ban Hồng Y về Viện Giáo vụ cũng như Hội-đồng Giám-sát-viện này.              

Đức Thánh Cha quyết-định rằng Viện Giáo-vụ sẽ tiếp-tục phục-vụ một cách khôn-ngoan thận-trọng và cung-cấp các dịch-vụ tài-chánh chuyên-biệt cho Giáo hội Công-giáo trên toàn thế-giới, viện này cũng giúp Đức Thánh Cha trong sứ-mạng chủ chăn Giáo hội hoàn-vũ hỗ-trợ các tổ-chức và những người cộng-tác trong sứ-vụ của ngài.

Các hoạt-động của Viện Giáo-vụ sẽ tiếp-tục dưới sự giám-sát thường-xuyên của thẩm-quyền thông-tin tài-chánh (AIF) là cơ-quan thẩm-quyền trong lãnh-vực của Toà Thánh và quốc-gia thành Vatican...” (xem Lm Trần Đức Anh, Đức Thánh Cha duy trì “Ngân-hàng Vatican”  www.Vietcatholic.net/News/Html/122407.htm)

Thế đó, là cử-chỉ khá quả cảm của đấng bậc ở trên cao vẫn bận rộn cả giáo-vụ lẫn tài-vụ. Những bận và rộn mà rất ít người ở ngoài biết cảm-thông, cảm-kích và cảm-động. Bởi, chức-vụ của Đức thánh (là) cha của cả Giáo-hội mà chỉ một đấng, một vị cai quản nổi. Thế mới biết, đời người đi Đạo dễ gì có được cảm-xúc lẫn cảm-quan để thông-phần rồi cảm-nghiệm.
Cảm gì thì cảm, vẫn là cảm-động rất tâm động khi nghệ sĩ ngoài đời lại cứ hát như sau:      

“Này gió, gió bay về trời
Này hoa sẽ rơi về cội
Còn ta đường nào cho ta?
Em ơi em, anh không thể
Nuôi bao nhiêu yêu thương này
Nhớ mong hoài...
Em ơi em, anh không thể
Nuôi bao nhiêu yêu thương này,
Chờ mong, chờ mong mãi...”
(Tuấn Khanh – bđd)

Nghĩ kỹ, thật cũng kỳ. Kỳ một nỗi, là: nghệ-sĩ ở đời, ngoài Đạo lại cứ nói khác hẳn Đấng bậc trong Đạo, về nền văn hoá dửng dưng, rất vô cảm. 
Nghĩ rồi, lại sẽ thấy chẳng có gì lạ, khi người nghệ-sĩ ở ngoài đời lại cứ hát những lời ong bướm những ới gọi một đợi chờ con tim đen có nhữ câu nghe không quen, như: “Em ơi! Em ơi, anh không thể nuôi bao nhiêu yêu thương này”, “chờ mong, chờ mong mãi!...” Chờ mong là chờ mong gì. Thôi đành chịu. Đành hết ý, và cũng không hiểu nổi. Như thế, giống hệt như truyện kể về tâm-tình trẻ nhỏ, nay như “vô cảm” trước cảm-tình và cảm-tính của ông bố rất như sau:

“Ông bố nọ, một hôm hứng chí quay vào với con trai bèn hỏi nhỏ:
-Này con yêu. Giữa ba và mẹ, con thương ai nhiều nhất, thế?
-Dạ thương cả hai người ạ!
Ông bố không cam lòng, đành vặn hỏi:
-Nếu Ba đi Mỹ còn Mẹ đi Pháp, con sẽ đi đâu?
-Dạ, con đi Pháp!
-Tại sao thế?
-Dạ, vì Pháp đẹp hơn Mỹ nhiều lắm cơ bố à!
-Thế, nếu Ba đi Pháp, mẹ đi Mỹ con sẽ đi đâu?
-Dạ, con đi Mỹ đấy bố mình à?
-Sao lại như thế?           
-Vì con đã đi Pháp rồi!

Có thể, lời con trẻ vẫn rất tự-nhiên vì đã đi rồi tức đã tìm đến nôi văn hoá rất đa cảm rồi. 
Nói đến văn-hoá với văn-minh, không lình xình nhiều chuông mõ để chứng-tỏ mình vẫn còn sống ở đây, chốn nợ đời này, nên cứ hát dù câu hát đó có vô tình, vô bổ, ít/nhiều văn-hoa hay văn-hoá rất nhịp nhàng điệu-bộ, kèm lời ca như sau:

“Em ơi em, anh không thể
Nuôi bao nhiêu yêu thương này
Nhớ mong hoài...
Em ơi em, anh không thể
Nuôi bao nhiêu yêu thương này,
Chờ mong, chờ mong mãi...”
(Tuấn Khanh – bđd)

À thì ra, đời người hôm nay ra như thế. Bởi như thế, nên có đức thày nhà Đạo hôm xưa dám tuyên bố những câu nảy lửa, nên đã bị giới chức của tổ-chức rất nhiều tiền tài, bạo lực quen gọi là Mafia Italia, giết quách đi cho rảnh chuyện. Câu nói của đấng-bậc-lẽ-được-phong-thánh là Lm Giuseppe Pino Puglisi, chánh xứ họ đạo San Gaetano ở Palermo, nước Ý dám nói như sau:

“Chúng tôi từng quả quyết, là: chúng tôi muốn kiến-tạo một thế-giới khác-biệt. Hãy để chúng tôi phấn-đấu hầu tạo nên thế-giới có bầu khí lương-thiện đầy ưu-ái, của sự ngay-thẳng đạo-hạnh, của sự công-bằng chính-trực, nói chung của những gì luôn làm Thiên-Chúa vui lòng, hãnh diện.” (xem Edward Pentin, Murdered by the Mafia, honoured by the Church, MercatorNet 13/7/2012)

Xem thế thì, hỡi những người còn mang danh-nghĩa người Công-giáo rất Kitô, và hỡi bạn cùng tôi, ta cứ hiên ngang đứng dậy theo chân bậc tiền-bối dấn bước vào chốn “nợ đời” để chứng tỏ Đạo mình còn đó nỗi vui của người thiện-tâm thiện-ý, không chối bỏ văn-minh/văn-hoá của sự tốt lành hạnh đạo. Rồi ra, ta sẽ thắng rất không lâu.

Trần Ngọc Mười Hai
Những muốn cho mình và cho người
Giữ mãi nét đẹp văn-hoá
và văn-minh của Đạo mình.