Monday 29 November 2010

“Khi mặt trời vắng bóng”

Khi lời nguyền khuất lấp Nghe lạc loài kiếp sống sao mỏi mong.”

( Nguyễn Trung Cang - Thương Nhau Ngày Mưa)

(Mt 3: 1-12)

Câu chuyện “Khi mặt trời vắng bóng”, “khi lời nguyền khuất lấp” mà bần đạo muốn phiếm, hôm nay, bắt đầu bằng một sự kiện đầy chất thông tin, nóng bỏng. Thông những tin, là thông suốt mọi tin tức…mình nhận được từ nhiều phía. Có những phiá/những điều gồm tóm trong tin…tức mình, được chuyển đạt đến mọi người trong/ngoài nhà Đạo, lẹ như sau:

“Chỉ trong một vài câu nói sắp được chính thức công bồ, người đứng đầu Toà thánh Vatican, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 như đã bắt đầu xoá bỏ giáo điều cấm sử dụng bao cao su mà cho đến gần đây giới lãnh đạo Giáo hội Công giáo vẫn còn cực lực phản đối.

Dù chỉ chấp nhận việc dùng bao cao su trong trường hợp cụ thể là phòng chống SIDA, thay đổi lập trường của Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 đã được nhiều giới hoan nghênh.” (x. Trọng Nghĩa, TAGS. Các vấn đề xã hội-Phân tích-SIDA-VATICAN, tin và ảnh của Reuters 22/11/2010)

Tin và ảnh, từ các nguồn văn bản/báo chí rất khác nhau, loan truyền đến nhiều giới những nhận định của Đấng Bề Trên trong Đạo từng chống lại mọi toan tính sử dụng các “cụ bị” hầu phòng chống căn bệnh nan y, khó chữa. Nhận định của Đức Giáo Hoàng, được ghi rõ qua lời trích và dịch từ bài phỏng vấn bằng tiếng Đức, có lời lẽ như sau:

“Trong một số trường hợp, khi ý định là để giảm nguy cơ lây nhiễm, hành động đó (tức: dùng bao cao su) vẫn có thể là bước khởi đầu để mở đường cho cuộc sống tình dục khác, nhân ái hơn.” (x. bđd)

Và, cơ quan thông tấn nọ còn ghi thêm:

“Để minh hoạ cho nhận xét của mình, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 đã nêu ra một ví dụ duy nhất, về “người đàn ông hành nghề mại dâm”, cho rằng việc người này dùng bao cao su “có thể là bước đầu tiên hướng tới hành động hợp lý, có trách nhiệm cho phép nhận thức lại rằng không phải mọi thứ đều được phép, và mọi người không thể làm tất cả mọi điều mà mình muốn.” (x. bđd)

“Không phải mọi thứ đều được phép”, phải chăng đây là phán quyết, cũng “vô ngộ”? Hay chỉ là, một trong những lời khuyên từ hôm trước, tuy không mang tính “vô ngộ”, vì không là tín điều và cũng chẳng xuất phát từ “tông toà” của đấng bậc chủ quản Giáo hội La Mã, nhưng đã thay đổi dù một chút, vẫn kéo theo những xáo trộn về uy tín? Uy tín, chứ không phải niềm tin, vào đấng ở trên.

Thật ra, câu hỏi đặt ra như thế, nào ai dám trả lời. Có trả những lời từng hỏi, chỉ là một kiếm tìm nhận định nào đó, rất rập khuôn! Rập khuôn không, cũng khó nói. Bởi, ngay trong nhà Đạo thời nay, cũng đà thấy xuất hiện nhiều chiều hướng tuy là tư duy chính quy, nhưng không cùng văn mạch, thần quyền. Thành thử, vẫn là những kiếm tìm rất kéo dài. Kiếm và tìm ánh sáng soi tỏ mọi ngõ ngách cuộc đời, nhiều lấn cấn. Lấn cấn nhất, là các ý kiến khá đối chọi. Cãi tranh. Giành được bàn.

Một trong những luận bàn khá khúc chiết, tìm được ở Úc, từ đấng bậc tên tuổi, rất Dòng Tên:

“Theo thiển ý, lời Đức Giáo Hoàng thật ra không đáng kể về nội dung cho bằng rất đáng để kể về cung cách. Ý tôi muốn nói, là: ngài cũng đã tham gia chuyện trò cùng nhà báo, về những giá trị luân lý lâu nay tự giam hãm trong nguyên tắc làm nền, nhưng vẫn đi vào với hoàn cảnh của cuộc sống, rất người. Cung cách, là cách thức của một chuyện trò thân mật giữa ngài và giới truyền thông đại chúng. Một chuyện trò, mà lâu nay vắng bóng lời công bố với chúng dân, từ nhà Đạo thời cận đại.

Trong khuôn khổ của suy tư nhà Đạo về bất cứ vấn đề có liên quan đến cuộc sống con người, để người người biết mà sống, vẫn thấy xảy ra hai loại chuyện trò. Một là, lối nói trừu tượng về bậc thang giá trị. Thông thường, nhà Đạo mình khi giáo huấn về dục tính, cung cách phát biểu thường mang dáng dấp của ngôn từ chứa đựng tình thương yêu. Với nhà Đạo, hành động giao hoan tình dục thường vẫn bị cột chặt vào với hôn nhân. Đôi lúc, cũng cởi mở để đi vào cuộc sống. Dục tính mà nhà Đạo hiểu, vẫn nối kết với tình thương yêu và lòng tự trọng. Xem như thế, thì bao cao su đâu nào có chỗ đứng, ở trong đó.

Lối chuyện trò theo kiểu đó, lâu nay chỉ dẫn đến toà cáo giải, hoặc đường hướng thiêng liêng, rất súc tích. Nói thế có nghĩa: dân con mọi người có bổn phận đem nguyên tắc của mọi giáo huấn về luân lý của nhà Đạo vào thực tại cuộc sống, cũng như hành trình của đạo đức. Rồi từ đó, không thoát khỏi vấn để về niềm tin, luôn đính kèm.

Những năm gần đây, nhiều giới chức trong Đạo (trong đó thất có cả vai trò của Toà thánh) đã nhận ra rằng giá trị luân lý nằm trong giáo huấn của Hội thánh, đặc biệt là những điều có liên quan đến dục tính và giá trị cuộc sống của con người, đang chịu nhiều áp lực từ các nền văn hoá của phương Tây. Bởi lẽ, mọi người đều tin rằng: mọi cố gắng muốn vượt thoát các khó khăn đều bị nghi là chỉ muốn lý sự để tấn công các giá trị ấy.

Vì thế nên, mọi cuộc chuyện trò có tính mục vụ lâu nay vẫn bị quên lãng. Lãng và quên, để hỗ trợ cho một khẳng định đạo đức có nguyên tắc, dù cho nó có quy vào việc sử dụng bao cao su để đối phó với căn bệnh ngặt nghèo là SIDA hoặc có để kéo dài sự sống, hay không. Trao đổi mục vụ lại quên lãng những yếu tố đó, dẫn đến cảm giác tạo cho con người để nghĩ rằng Hội thánh chăm lo bảo vệ nền luân lý trừu tượng, nhiều hơn là chăm sóc con dân của mình. Lại càng khó hơn, khi buộc lòng phải cổ võ nhân sinh quan của nhà Đạo về cuộc sống.

Thế nên, cuộc chuyện trò phỏng vấn giữa Đức Giáo Hoàng và giới truyền thông đại chúng, là việc rất hãn hữu. Đáng kể. Đáng kể, là bởi ở nơi đó, ngài tạo mẫu cho một chuyện trò mục vụ khả dĩ đối đầu một cách có sáng tạo với cảnh tình và hành trình riêng tư của các con người người bình thường, ở đời. Ngài đã đặt mình ứng hợp với sự việc của người đàn ông hành nghề mại dâm bị nhiễm SIDA đã chọn lựa sử dụng bao cao su. Và chính ngài có nói: “Đây có thể là bước đầu hướng tới hành động hợp đạo lý, có trách nhiệm cho phép nhận thức rằng: không phải mọi thứ đều được phép, và mọi người không thể làm tất cả mọi điều mình muốn làm.”

Xem như thế, có nghĩa là: Đức Giáo Hoàng nay đã nhận thức đưọc tầm quan trọng của tình trạng người đàn ông hành nghề mại dâm đã biết định hướng cho hành động của mình. Ngài cũng công nhận rằng hành động của người ấy cần đưa vào bối cảnh một hành trình đạo lý trong đó ngay cả hành xử mơ hồ vẫn có thể có ý nghĩa tích cực.”

Trong tầm nhìn như thế, lời Đức Giáo Hoàng phát biểu không có nghiã đã phác hoạ việc phê chuẩn rất chung chung để sử dụng bao cao su. Điều đó chỉ có nghĩa: ngài đặt nặng ưu tiên lên chiều kích đạo đức trong cuộc sống của con người. Ý nghĩa đáng kể nơi lời ngài, là nhận ra thực tại cho thấy Chúa mời gọi mỗi người đi vào hành trình trong đó có cả những điểm yếu lẫn sơ xuất mà đôi lúc ta vẫn đối đầu, nhất là ở vào hoàn cảnh khó mà khẳng định về luấn lý. Tất cả chỉ để nói lên sự cần thiết phải biết phục hồi tính cách mục vụ, cũng như lý thuyết cho ngôn ngữ về đạo đức, mỗi khi ta đề cập đến hành trình này.” (x. Lm Andrew Hamilton sj, Pope models condom conversation, 23/11/2010).

Nói theo bài bản của đấng bậc, thì như thế. Nhưng, nôm na la cà với nghệ sĩ, có lẽ người người sẽ không nói, nhưng lại hát:

“Bao là tình thắm thiết

Cho dài ngày nuối tiếc

Thương nhiều rồi cũng cách xa mà thôi.

Mưa từng ngày thiết tha

Mưa bàng hoàng xót xa

Còn mưa mãi giữa bơ vơ nắng trong mơ.”

(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Hát gì thì hát, hát nhiều hát ít đâu có nghĩa sẽ làm vơi đi nỗi ưu tư lắng đọng của những người đang sống trong cảnh tình đôi ngả, như câu nói “tại anh, tại ả, tại cả hai người”. Nói gì thì nói, nói cho nhiều cũng sẽ như “bút sa gà chết”. Chí ít, là bút và lời nói, từ đấng bậc bề trên.

Nếu để mọi người tha hồ được phép nói –chứ, không là “được phép làm mọi sự”, như lời Đức Giáo Hoàng- tưởng cũng nên nghe thêm một ý kiến, từ người khác. Ở truyền thông đại chúng, rất như sau:

‘Đầu năm nay, Nicholas Kristof, một ký giả của tờ New York Times được gửi đến vùng sâu vùng xa, xem người người ở đó sống Đạo ra sao. Anh có gửi cảm nghĩ của anh về giáo hội Công giáo mà anh mục kích trong chuyến viễn du này, như sau: “Tôi nhận thấy hiện đang có hai Giáo hội Công giáo, sống ở đây. Một là, hệ cấp rất cứng ngắc của Vatican gồm những vị đàn ông xem ra khó có thể sờ chạm hoặc gặp gỡ, khi các ngài ra lệnh cấm đoán việc sử dụng bao cao su cả với các cặp vợ chồng mà một bên đang bị SIDA-dương tính. Đối với tôi, Giáo hội này đã và đang bị ám ảnh về các tín điều và luật lệ, để rồi bị quẫn trí với nền công lý xã hội. Tất cả những chuyện như thế, là những vang vọng rất hiện đại, là phóng ảnh của nhóm người có tên là Pharisêu mà Đức Kitô vẫn chỉ trích.”

Giáo hội kia, lại làm nhiều điều tốt đẹp hơn cho con người, mà có lẽ từ xưa tới nay chưa từng thấy như thế. Giáo hội này luôn tìm cách hỗ trợ các tổ chức trợ giúp đặc biệt như Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo, Caritas, là những tổ chức từng cứu sống biết bao nhiêu mạng người. Đó là Giáo hội của các linh mục Ba Tây luôn phấn đấu chống chọi căn bệnh hiểm nghèo SIDA. Có một linh mục trong nhóm trên từng thổ lộ với tôi rằng: “Nếu ông là Giáo Hoàng, ông sẽ xây dựng một xưởng máy sản xuất bao cao su ngay bên trong toà thánh Vatican để cứu sống nhiều mạng người”. Buồn thay, thực tế lại không được thế. Có lẽ, cũng tuỳ vào khuynh hướng của mỗi người khi đăng ký gia nhập trường phái giải đoán lý thuyết thần học rất chộn rộn, mới thấy rằng lời phát biểu tung trời của Đức Giáo Chủ Bênêđíchtô 16 với nhà báo Seewald về việc sử dụng bao cao su để phòng chống chuyện lây lan của căn bệnh SIDA, đã tác động như cú “đâm sau lưng chiến sĩ”, đến thế nào.

Nhiều lúc nghĩ mà thấy tội cho các tu sĩ ở tuyến đầu chống bệnh SIDA là các nữ tu làm việc ở bệnh viện lâu lâu cứ phải quỳ mọp xuống đất mà cất lên lời nguyện cầu giản đơn cho các nạn nhân căn bệnh ngặt nghèo ấy, để làm vui lòng Chúa.

Đã nhiều lần tôi cũng dám thách thức Giáo hội Công giáo “phía bên kia” khi thấy sợ trước công việc thường ngày của các nữ tu nơi tuyến đầu của cuộc chiến chống SIDA như thế. Ở các thôn làng Châu Phi tràn ngập những SIDA, thì chính các nữ tu, những vị ẩn mình dưới áo blouse mầu trắng của y tá hoặc cố vấn bệnh viện, là những người buộc phải đưa ra câu trả lời mỗi khi có người hỏi: Tôi phải nói sao đây với vợ tôi/chồng tôi là tôi đã bị “dính chấu”? Làm sao giúp các em bé còn trong bụng mẹ? Ai sẽ là người nuôi gia đình tôi đây? Chính các nữ tư ở tuyến đầu ấy mới là người cho họ thuốc chữa. Cũng là người cầu nguyện hoặc chữa chạy cho họ được khỏi bệnh khi biết chắc là họ chẳng thể nào thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Chính các nữ tu ấy là người ôm xác bệnh nhân khi họ trút hơi thở cuối cùng…

Tôi có dịp nói chuyện với Nữ tu Rose Bernard Groth, nay cũng đã tròm trèm 80 tuổi đời, với 25 năm kinh nghiệm làm việc chống bệnh SIDA, ở tuyến đầu. Có lần sơ nói: ở những làng hẻo lánh vùng sâu/vùng xa bên Châu Phi, nơi nữ tu chúng tôi từng sống và làm việc, thì phụ nữ ở đây không có quyền thương thảo về chuyện ăn nằm với chồng khi biết chồng mình bị SIDA. Cả những lúc các bà dám khất lần chuyện ăn nằm, thì đa phần là vợ bệnh nhân sẽ bị ăn đòn đến gẫy răng hoặc rục xương, ngay tức thời. Và, lúc chị đi nhà thờ dự lễ, cha với cố vẫn cứ đe: “Giáo hội không cho phép con sử dụng bao cao su đâu đấy nhé!” Trong những trưng hợp như thế, tôi thường tự hỏi các bà vợ nhà quê ấy làm sao các bà có thể bảo vệ được chính mình …

Có lần tôi được tiếp chuyện với chị Elisabeth Reid, từng là cố vấn cho cựu Thủ tướng Úc Gough Whitlam về các vấn đề phụ nữ, chị là người có 30 năm kinh nghiệm hoạt động cho các cơ sở của Giáo hội Công Giáo ở Papua Tân Ghinê. Trong một buổi mạn đàm về giáo hội và dục tính, chị có nói: “Ở đây, có hai giáo hội Công giáo. Một, chuyên chú thần học và một về mục vụ. Giáo hội đầu, là giáo hội ta nhận biết trên các trang đầu của truyền thông, là giáo hội tuyên bố rất to rất mạnh về các tín điều. Còn Giáo hội sau, là giáo hội âm thầm, đầy tính chất người hơn cả. Giáo hội sau, chuyên chú về các tương quan trầm lắng giữa nhà cố vấn và người nhận lời khuyên. Ở đây, người ta vẫn còn có đủ khả năng để nhận thức, suy nghĩ và hành động theo tiếng nói của lương tâm. Tôi không là thần học gia, mà chỉ là nhân chứng nay đây mai đó theo nghĩa dám nhận ra là chỉ Giáo hội nào biết chuyên chăm mục vụ, mới là Giáo hội thành công, trong mọi mặt. Thành công theo nghĩa dám thực hiện các chương trình đặc trưng mang tính xót thương và nhân bản, đúng nghĩa của Đạo Công giáo. Họ vẫn tồn tại, dù Giáo hội kia cứ cố thuyết phục họ bằng những luận giải thần học. Nói cách khác, thần học của Giáo hội này dựa trên duy nhất chỉ một tín điều, không sáo ngữ, nhưng theo ngôn từ của nữ tu này, thì đại loại là: “Nếu hôm nay Đức Giêsu có mặt ở đất miền này, thử hỏi Ngài sẽ hành động ra sao? Có lẽ Ngài sẽ đặt chân đến nơi đây để giúp những người bệnh như thế này, chứ nhỉ? Cũng thế, tôi đến đây để giúp những con nguời khốn khổ như thế này đây. Và, đó là công việc tôi đang làm. Chỉ thế thôi.”

Nữ tu Elisabeth nói đúng. Có những vị đích thực là tín hữu Đức Kitô đang sống trong Giáo hội Công giáo, cũng như trong hầu hết các giáo phái hoặc trường phái nào khác. Họ vẫn hiện diện và tồn tại, dù Giáo hội có đưa ra những huấn thị theo kiểu nào cũng mặc. Họ hiện diện trong Hội thánh chẳng vì Hội thánh đưa ra các giáo huấn như thế, nhưng họ vẫn hoạt động như người tốt lành. Nhưng nói về Giáo hội của Đức Giáo Hoàng và các vị dưới trướng của ngài, đâu có thế. Tại sao quý vị lại cứ đi nghe những chuyện khùng điên như thế. Tôi chẳng có ý bài xích gì hết. Nhưng bản chất con người vốn rất lạ. Bởi, cách đây không lâu lắm có những vị không chịu nghe lời Đức Giáo hoàng đều đã bị thiêu sống. Những người thiêu sống các vị này, phải chăng họ cũng đại diện cho Chúa cả đấy chứ? Tôi nào dám nghĩ như thế.” (x. Jo Chandler, Condom conversion validates Catholic action on the front line, 23/11/2010).

Là nữ tu, chị Elisabeth đã trả lời, chỉ như thế. Là nghệ sĩ, chắc bạn bè sẽ chỉ muốn hát:

“Như giọt buồn nước mắt

Mưa ngại ngùng héo hắt

Thương người về buốt giá trên đường xa.”

(Nguyễn Trung Cang – bđd)

“Thương người buốt giá, trên đường xa”. Đúng thế. Rất nhiều vị trong Hội thánh, cũng đang “thương người về buốt giá”, nhưng không cứ là đường xa hay đường gần. Gần nhất, ở nước Úc, nay lại có nữ phụ tên Liz Hannan, cũng thương người như mọi người, chẳng cần biết người ấy là phụ nữ hay nam nhân, qua các ý kiến rất như sau:

“Ý kiến rất mới đây của Đức Giáo Hoàng về việc sử dụng bao cao su, đã dấy lên một làn sóng phản ứng khá dữ dội. Có người không tin đó là chuyện thật. Kẻ lại nổi giận hoặc mừng vui, có đủ cả. Thậm chí nhiều vị còn tung lên các trang mạng đó đây để bầy tỏ ý kiến và lập trường, rất khác biệt. Trong các ý kiến nổi bật, có người hỏi: sao Đức Giáo Hoàng chỉ lấy ví dụ về “người-đàn-ông-hành-nghề-mại-dâm, thôi. Với người phụ nữ làm nghề mãi dâm thì sao? Sao lại cấm gái ăn sương? Sao không hối thúc họ kiêng cữ?”

Và, cũng nên thêm ý kiến của đấng bậc vị vọng, Hồng Y George Pell của Sydney, như sau: “Đây là địa hạt khó khăn và tế nhị, nếu không khéo, sẽ kéo theo những hệ lụy thảm khốc, khó lường. Tôi chưa được đọc văn bản gốc bằng tiếng Đức trích lời Đức Giáo Hoàng, nhưng các trường hợp khó khăn và ngoại lệ có thể sẽ khuyến khích người làm luật đưa ra những đạo luật không mấy tốt đẹp.”

Một phát ngôn viên của Toà thánh, Lm Federico Lombardi, cũng cố gắng chỉnh sửa lối giải thích ý của Đức Giáo Hoàng, nay được phóng đi khắp hoàn cầu, bằng một biện luận bảo rằng: “Không nên coi cung cách lý luận của Đức Giáo Hoàng như đường lối cách mạng, có khúc quanh”.

Và, Paul Collins, cựu linh mục bình luận viên nổi tiếng ở Úc về các vấn đề của Giáo hội Công Giáo cũng có ý kiến như sau: “Những gì Đức Giáo Hoàng muốn nói, Ngài đã nói ra rồi. Còn, việc của Hồng Y Pell và linh mục Lombardi chỉ là tìm cách giới hạn một sụp đổ về lập trường, thôi. Có thể nói, Đức Giáo Hoàng đang tìm cách mở hé cửa thêm một chút và cho thấy là ngài cũng hiểu chút ít vấn đề. Nói thế tức là ngài cũng đã để cho ánh sáng lọt vào rồi đấy.”

Thật ra thì Paul Collins đang muốn cho thần học luân lý nay quay về với thời Trung Cổ, tức: vào thời có tranh chấp, bạn phải chọn lựa sự xấu nào ít tệ hại hơn cả, như việc sử dụng bao cao su tốt hơn là dính vào việc lan truyền bệnh SIDA. Nên Paul Collins nghĩ rằng: khi chỉ lấy ví dụ của người đàn ông hành nghề mại dâm, Đức Giáo Hoàng cũng đã chủ ý nói về trường hợp vợ chồng khác phái ăn nằm với nhau, vẫn có nguy cơ lan truyền mầm bệnh. Và, theo thống kê năm 2006 ở Úc, đã có hơn 5 triệu người Úc nói mình là người Công Giáo. Nhưng không đầy 20% số người này nói là còn đi nhà thờ hàng tuần. Điều đó có nghĩa là: trong số những người ấy cũng không còn ngoan Đạo như thế nữa, do Giáo hội quá bảo thủ về mặt xã hội. Cuối cùng, Paul Collins kết luận: Đối với các nền văn hoá phụ hệ, là những nơi ta thường nghe các linh mục tự hỏi mình: Đức Giáo Hoàng mà còn nghĩ thế, thì linh mục bọn tôi phải làm sao đây? Thành thử, vấn đề quan trọng ở đây, là: có dấu hiệu để nhắn nhủ rằng: ở những nước có vấn đề như thế, có lẽ các giám mục cũng đến phải nhúng tay vào thôi.”

Theo thần học gia luân lý Dòng Tên là Geoff King, thì: việc Đức Giáo Hoàng thay đổi đường hướng một cách bán công khai như thế là cung cách khá cổ điển để nói lên rằng giáo huấn của Hội thánh sẽ đổi thay, một mai thôi. Linh mục G. King có nói với Thông tấn xã Công Giáo rằng: “Đã từ lâu, ta cứ bảo không! Không! Không thể như thế được. Thế rồi, chỉ một luật trừ nho nhỏ xảy đến, và cứ thế luật trừ ấy lan truyền một cách rộng rãi, mãi về sau.”

Nhiều người Công giáo, trong đó có tôi vẫn hy vọng là như thế. Để kết luận, hôm rồi nhân dự lễ phong thánh cho Hồng y John Henry Newman, một nữ tu nhắc lại lời của vị thánh này khi còn sống có nói: “Trên trái đất này, không có gì xấu xí như Giáo hội Công Giáo và cũng chẳng có gì đẹp đẽ bằng Giáo Hội ấy.” Và có lẽ đây là bước khởi đầu, nhè nhẹ, để cất đi cái xấu xí ấy. (x. Liz Hannan, Pope offers lifeline to faithful 23/11/2010)

Về lại với chuyện phiếm nhè nhẹ, hôm nay, có bạn khi nghe tin nóng hổi vừa rồi, lại đề nghị bần đạo cho một lời phiếm nhè nhẹ và văn vắn, về vấn đề này. Bần đạo vẫn cứ im lặng, chẳng dám nói một câu. Dù câu ấy mang dáng dấp của một đồng thuận hoặc bất bình trước các ý kiến trên, mà chỉ dám về lại với lời ca của nghệ sĩ trên mà ngâm nga. Ngâm rằng:

“Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu

Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh

Xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau.”

(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Ngâm nga rồi, bần đạo bèn nhớ lại lời của vị thánh Chủ quản Giáo Hội, khi xưa từng dặn dò mọi người trong Hội thánh, rằng:

Anh em thân mến,

anh em đang bị lửa thử thách:

đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường

xảy đến cho anh em.

Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu,

anh em hãy vui mừng bấy nhiêu,

để khi vinh quang Người tỏ hiện,

anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.

Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô,

anh em thật có phúc,

bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền,

là Thần Khí của Thiên Chúa,

ngự trên anh em.”

(1Ph 4: 12-14)

Nếu thế thì, việc gì mà phải hãi sợ, dù đổi thay. Bởi, như lời vị Hồng Y nay thành thánhtừng nói: chắc chắn trên cõi đời này không có gì đẹp như Hội thánh của ta. Chí ít, là khi Hội thánh đang có bước chuyển mình nào đó, rất quan trọng.

Vậy thì, hỡi bạn và hỡi tôi, ta vẫn có lý để hy vọng. Và, hãy cứ hy vọng để mà sống. Sống rất đẹp như Hội thánh ở thế trần. Hôm nay.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cứ tin và hy vọng.

Hy vọng rằng:

Rồi ra mọi chuyện sẽ tốt đẹp,

cả thôi.

Saturday 20 November 2010

“Chiều nay sao dâng nhanh mầu tím

Và mây, bay theo nhau về bến .

Thuyền cắm tay sào từ cuối thu,

ngoài kia sông nước đón chờ…”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh - Chuyển Bến)

(Lc 20: 32)

Cũng một chiều, sao rất “dâng nhanh mầu tím”, bần đạo vội bước lên xe, để “theo nhau bay về bến”. Nhưng, bến ở đây là bến bờ của nhà thờ xứ đạo nhỏ, dự Tiệc Thánh. Điều cần nói, là: bần đạo có thói tật cứ mỗi lần dự Tiệc Thánh là hay lanh chanh/xục xạo tìm bài chú giải kinh thánh của ngày lễ, mà niệm suy. Nhờ xục xạo, bần đạo gặp được mảnh vụn niệm suy do đấng bậc nào đó, bỏ lại.

Tuy gọi là mảnh vụn những suy và niệm, nhưng chừng như đấng bậc dẫn giải kinh thánh hôm ấy đã có đoạn nhập mục làm nức lòng người suy, như sau:

“Nhà tỷ phú nọ, có một lần bị lên cơn nhồi máu cơ tim, tưởng đã chết. Khi tỉnh lại, ông được đài truyền hình địa phương mời xuất hiện trong chương trình gọi là “Chuyện Trò Cùng Chúng Dân” để nghe ông kể nỗi niềm của một người vừa trở về từ cõi chết. Có một lúc, phóng viên hỏi: “Ông có kinh nghiệm gì về nỗi chết sau khi lại được sống không, thưa ông?” Nghe hỏi, nhà tỷ phú trên bèn đứng dậy làm động tác đi đi lại lại, rồi nói nhỏ: Theo y học hiện đại, tôi như người đã chết, từng ra đi về phía bên kia cuộc sống, nay trở về phía bên này cuộc đời, để nói với quý vị ở đây một điều, là: ở bên đó, sau cuộc sống, chẳng có gì! Chết, là hết. Hết sống. Hết tương lai. Mai ngày. Chẳng có gì đáng để ta gọi là sự sống mới. Chẳng có gì là sự sống lại, hết!”

Điều mà nhà tỷ phủ nói, thoạt nghe tưởng như có cái gì đó rất mới lạ. Nghe cho đỡ sầu buồn. Nhưng kỳ thực, ông cũng chỉ lập lại câu nói của ai đó. Chừng như, của phi hành gia Sô Viết Yuri Gagarine hôm trước, cũng phân bua: “Ở trên đó, chốn trời cao, tôi nào thấy có Thiên đường!”

Thật ra, làm sao các vị ở trên lại có thể thấy thiên đường hay tiên cảnh tương lai của sự sống, rất mai ngày hay chốn trời cao xanh ấy nếu chẳng có chút gì gọi là có niềm tin vững chãi vào Đấng là Sự Thật, là Đường và là Sự Sống.

Bởi, nếu đã tin, hẳn các ngài sẽ còn nhớ rất rõ Lời Chúa từng xác quyết là: sự sống vẫn kéo dài, cả khi con người nằm xuống. Lời Ngài rõ như ban ngày:

“Quả thật,

Con người không thể chết nữa,

vì được ngang hàng với các thiên thần.

Họ là con cái Thiên Chúa,

vì là con cái sự sống lại.”

(Lc 20: 32)

Cũng trong tờ “Bản Tin Giáo Xứ” hôm ấy, bần đạo còn được đọc một mẩu tin hiếm có thấy xuất hiện trên hệ thống truyền thông ở ngoài đời, như sau: “Văn phòng Phụ trách Hôn nhân và Đời sống thuộc Tổng Giáo Phận Sydney vừa cho xuất bản tập sách mỏng có tựa đề “Sống Ngày Của Chúa”. Sách này vừa đến với giáo xứ ta, tuần rồi. Xin bà con đọc kỹ tập sách này rồi tiếp xúc với dân biểu thuộc khu vực bầu cử của mình để phản chống Đảng Xanh vẫn cứ muốn thông qua luật An Tử, ở thượng viện.”

Về an tử, trợ tử hay quyền tự chọn cho mình cái chết bình thản có sự trợ giúp của y khoa, vẫn là những trăn trở của những người có nếp sống văn minh phương Tây, về sự sống. Những người ấy vẫn mê say cuộc sống rất xô bồ. Ồ ạt. Vô nghĩa.

Nói như lời của nhà thơ và người đặt nhạc ở trên, hẳn ta sẽ hát:

“Thuyền ơi! Sao mê say nhiều quá?

Đường mê, không ai ngăn cản lối.

Một sớm, thu về chuyển bến xuối,

Về nơi đâu nữa Trời, bến nao?”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

Thuyền và bến, với nhà thơ và người đặt nhạc, thì như thế. Những là bến bờ của đời người. Chí ít, là những người tật nguyền, bệnh tật, rất nan y. Tức, những người đang lo âu. Âu sầu. Khắc khoải. Âu sầu và khắc khoải, rồi tự hỏi: đâu là hành xử đúng với đạo đức/chức năng của con người? Hỏi rồi, lại tự nhắn mình/nhắn người bằng câu hát:

“Còn đêm nay nữa, ta ngồi với nhau.

Ngước mắt trông Trời

Ngày mai anh đã đi xa rồi,

Tình tan vỡ.

Chìm trong lãng quên.”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

Đời người, tuy dài mà lại vắn. Rồi cũng đến lúc ta sẽ lại “ngước mắt trông Trời”. Cũng đến lúc, tình rồi vỡ tan. Chìm trong lãng quên. Duy có tình người. Và tình Chúa thương yêu, sẽ mãi mãi sống dài, đến vô tận. Thế nhưng, người tật nguyền/bệnh tật rất nan y, có được lòng tự quyết định cuộc đời mình vẫn cứ là vấn đề dù không biết rằng mai ngày người anh/người chị ấy sẽ đi vào chốn lãng quên. Triền miên. Không thao thức. Lãng quên. Để rồi, vẫn níu kéo người ở lại là bọn tôi, hát thêm câu:

“Thuyền anh, mai ra đi rời bến.

Mình anh, ra đi nơi Trời Sáng.

Tìm hướng cho long tìm bến mơ,

Từ nay xa cách rồi. Bến Xưa.”

(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

Bến cũ. Bến xưa. Hay nay vừa chuyển bến, thì đời mình và đời người vẫn như thế. Vẫn có bến có bờ để ra đi. Và hôm nay, có những tình huống trong đó người anh/người chị của ta có thể là chưa thấy được bến bờ mình sẽ đến, nhưng vẫn ra đi. Ra đi, có sự trợ giúp của xã hội. Luật pháp của người đời. Ra đi, mà lòng rất buồn. Buồn tê tái. Cứ là nghĩ mãi về một bến bờ, rất mơ. Nay cách biệt.

Bến mơ hay bến xưa, nay là đề tài để những người ở lại như bọn tôi, và bọn mình, cứ thế mà bàn bạc. Tranh cãi. Cãi và bàn xong còn đem nhau ra trước nghị viện, để đấu tranh. Bầu bán. Dù, việc ấy chỉ liên quan đến toà án, rất lương tâm. Mà thôi.

Về lương tâm, khi định đoạt việc gì cũng đòi bọn tôi với bọn mình, phải suy đi nghĩ lại, cho chín muồi. Vậy thì, đề tài “An tử” hay “Trợ tử”, nay chuẩn chưa? Hay chưa chắc đã hợp lòng Trời. Lòng người?

Để trả lời, có lẽ cũng chẳng nên tìm đến những bến bờ có cãi tranh. Ngụy biện. Của, các đảng phái chính trị nào đó. Bởi, bến bờ Sự Sống đời này, người ta (tức người và ta) đâu cần cãi vã. Ganh đua. Cứ, tranh giành xem ai phải, ai trái. Đảng nào thắng, đảng nào thua.

Hãy tìm đến với tình tự của những người từng được dặn dò bảo ban. Hãy an nhàn tự tại mà tìm hiểu. Hỏi han. Nhận thức. Như, nhận thức của tổng biên tập tờ Disability and Health Journal, bà Suzanne McDermott, giáo sư Đại học Y Khoa Bang South Carolina, đã từng viết.

Ban đầu, giáo sư McDermott tin rằng các tự sát có trợ giúp như thế, chỉ là vấn đề cá nhân, riêng lẻ. Nhưng cuối cùng, bà nhận định rằng sự việc như thế nằm ngay tâm can của phong trào đòi quyền lợi cho người tật nguyền.

Có lần, bà nói: “Hầu như mọi người khi đạt đến giai đoạn cuối của cuộc đời, đều được liệt kê vào danh sách ‘tật nguyền’. Xem thế thì, thực hiện tự sát có trợ giúp bằng cách nào đó, đã đem lại cái chết cho các vị bị tật nguyền.”

Sở dĩ tác giả đề cập vấn đề này là để đáp ứng quyết định từng gây tranh cãi năm 2008 do việc Hiệp Hội Y Tế Công Cộng Hoa Kỳ (gọi tắt là APHA) hỗ trợ cho đề tài mà họ gọi “Giúp Cho Chết Dần Chết Mòn” (tức: tự sát có giúp đỡ/tiếp tay). Đề tài này đã đi vào hệ thống bắt sóng của truyền thông đại chúng. Nhưng, điều đó có nghĩa rằng: theo chính sách của các cơ quan “kỳ cựu, to lớn, có tầm hoạt động rộng nhất thế giới về y tế công cộng, và có số thành viên đến 30,000 người, thì an tử là hỗ trợ tự sát có giúp đỡ, rất trọn vẹn. Dân chúng ở bang Oregon gọi đây là “cái chết truyền cho bệnh nhân” hoặc “chết có bác sĩ giúp”.

Thay vì cứ lẩn quẩn mãi với từ ngữ do Bộ Y tế của Barack Obama lấy từ tập sách cải tổ y tế viết, bệnh nhân cao niên và các gia đình cũng nên lo ngại về động thái của hơn 30,000 thành viên Hiệp Hội. Họ là những người ngồi đó mà phán xét về “bảng chỉ đường đưa đến cái chết”. Điều, mà giáo sư này quan tâm hơn cả, có thể tóm gọn vào các điểm, sau đây:

Thứ nhất, sự hiện hữu của cái gọi là “tự sát có giúp đỡ” dẫn đến sự việc là: các vị cao niên, tật nguyền, ốm yếu vẫn phải kéo dài cơn sóng gió cuộc đời nay giải quyết sớm hơn một chút để nhẹ nỗi ưu tư đối với người chăm sóc.

Mối lo của các vị lâu nay vẫn bị người bảo trợ/chăm sóc vẫn riễu cợt. Những người này chủ trương rằng điều họ muốn chỉ là chọn lựa, cuối cuộc đời. Điều đó, còn có nghĩa: kinh nghiệm cả một đời người lấn cấn vì tật nguyền, sẽ khác với kinh nghiệm đớn đau khi thấy sự sống của ai đó tắt ngúm dần. Các vị vẫn nghĩ rằng người biện hộ cho bệnh nhân/tật nguyền chỉ muốn biến các nhóm hội đoàn thể chuyên tranh đấu cho an tử thành thứ người không ra người, quỷ ma không ra quỷ ma.

Diane Coleman, một thành viên trong nhóm vận động cho an tử có tên là “Vẫn chưa chết” gọi đó là chuyện vô nghĩa. Vô tích sự. Cô từng lên tiếng cảnh báo: lòng thương hại có khi còn nguy hiểm hơn mấy ông y sĩ khùng điên ở viện dưỡng lão. Có lần Diane Coleman nói: “Cũng có lúc ta bị các bác sĩ làm cho mình hoảng sợ. Bởi, bác sĩ là người có ở đó là để giúp đỡ ta, những người coi cuộc đời như một gánh nặng. Thật ra, ta biết rất ít về chọn lựa nào khả dĩ khiến cuộc sống của người bệnh nan y/tật nguyền, giữ được giá trị của nó.”

Vấn đề tác giả nói trên đặt ra, là: tại sao nguồn tài nguyên giá trị như thế lại bị bỏ phí?

Có lần Diane Coleman viết:“Hàng tuần, tôi vẫn nghe các cụ bị nan y/tật nguyền cứ phải đấu tranh với bác sĩ, y tá hoặc nhân viên bệnh viện tức những người cứ lập đi lập lại mãi một luận điệu, bảo rằng: cuộc sống mắc nan y/tật nguyền luôn là gánh nặng, mà thôi. Sống, mà tùy thuộc vào đôi tay mệt mỏi của ai đó cho rằng sự sống của con người chỉ là nỗi bất hạnh, thì còn gì vui thú để sống. Có người còn cho rằng sống như thế, thật bất công. Là, sống đời thảm hại. Đáng chán.”

Thứ hai, các nhân vật chủ trương bênh vực tự sát có giúp đỡ, mà người ta gọi bằng cụm từ rất đẹp như “an tử”, vẫn cứ tảng lờ kinh nghiệm sống của người bệnh.

Họ làm thế, vì nghĩ rằng: cụ già 80 đang chết dần chết mòn, thì tình trạng của cụ gì khác một người suốt đời ngồi xe lăn đâu? Diane Coleman từng thách thức: “Hãy cho tôi bằng chứng nói là có khác biệt giữa hai tình trạng tật/bệnh, để xem có đúng thực là như thế, không.”

Theo Diane Coleman, bất cứ một ai, ở bất cứ giai đoạn nào trong đời, đều có thể học hỏi cách thức đối đầu/chịu đựng tật nguyền hoặc tật bệnh, mình mắc phải. Diane Coleman lại nói:“Có vị chủ trương bỏ những cố gắng đối đầu/chịu đựng và coi đó là chuyện vô bổ, chẳng ích lợi, chỉ với lý do duy nhất là: những người gần kề cõi chết không có kinh nghiệm bản thân nào như thế. Và, có người bệnh đưa ra vấn nạn hỏi rằng: làm sao các vị hỗ trợ cho động thái tự sát có giúp đỡ như thế lại cổ võ người bệnh để họ dám có thái độ tự định đoạt đời mình, được?”

Ý Diane Coleman muốn nói, là: lời lẽ tuyên truyền của truyền thông/báo chí lâu nay chỉ chuyên chở mỗi lập trường của người cổ võ “tự sát có giúp đỡ” mà thôi. Làm thế, đơn giản chỉ vì họ chẳng cần biết đến các tai hại cùng loại, họ đem đến. Điều họ đem đến, là vận động cho việc “chết trong nhân cách”, sẽ tác hại đến người lâu nay từng chịu cảnh sống tật nguyền vẫn mang suốt đời.

Và, Diane Coleman cũng mạnh dạn tuyên bố: “Người cổ xuý cho việc “tự sát có luật pháp giúp đỡ” chỉ muốn sự sống của người khác kết thúc bằng những xúc phạm/lạm dụng coi đó như những “mất mát dễ chấp nhận” mỗi khi cân nhắc xem làm thế nào để kết thúc vụ việc ổn thoả cho xong. Nói cách khác, làm thế là để nói lên rằng: mình chẳng muốn chấp nhận tật nguyền, hoặc lãnh trách nhiệm gì khi tự sát.”

Thứ ba, nguy hiểm ở đây là: người bệnh nan y/tật nguyền dễ dàng đầu hàng chấp nhận cái chết tốt hơn là chịu đựng mãi tật nguyền, khó chữa.

Bác sĩ Carol J. Gill, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tật nguyền ở Chicago có nói: “Nếu luật pháp được thông qua cho phép người ta được tự sát có sự giúp đỡ/tiếp tay của người khác, thì tôi nghĩ: rồi ra, giới chức ở đây hay ở đó sẽ không còn thấy xấu xa/tội lỗi khi họ hối hả làm cho nhiều người chết sớm. Nghĩa là, họ chỉ việc đứng đó nhìn. Chẳng buồn nhúng tay để chấm dứt tình trạng ấy và còn ủng hộ chính sách cùng thể chế nào khả dĩ xúc tiến những việc như thế. Làm thế, họ cũng không nghĩ họ là quân gian ác và cũng không coi đó là chuyện gian ác, dữ tợn xuất hiện trong nền văn minh/văn hoá của ta nữa. Không chừng họ còn coi việc giúp cho người khác chết, lại là lề thói rất độ lượng, và một lòng tôn kính, nữa cũng nên.”

Thứ Tư, nhiều tác giả hăng say biện luận rằng Đạo luật “Chết Trong Nhân Cách” của bang Oregon, tức tiểu bang tiên phong cho phép được tự sát có giúp đỡ ở Hoa Kỳ, đang gặp nhiều rạn nứt sâu sắc. Không đầy 15 năm sau khi thực thi luật này, đã có nhiều vấn đề trông thấy. Nhiều vị cho biết đã thấy nhiều vấn đề nảy ra, như: khó kiểm soát được bệnh nhân, thống kê này/khác khó hoàn tất, việc giám sát bị bỏ bê, biện pháp phòng ngừa/chữa trị nay bị lung lạc, các bác sĩ từng làm ăn cẩu thả/tắc trách chẳng bị khiển trách, phạt tù gì hết.

Lại có lời đồn đoán cho rằng tại bang Oregon và Washington, tức các bang tiên phong cho phép tự sát có giúp đỡ/tiếp tay, người ta phát giác ra nhiều trường hợp bệnh nhân chết rất lạ, nhưng được đổ lỗi là do an tử. Có trường hợp, tiểu bang Washington yêu cầu các bác sĩ phải khai man giấy chứng tử bằng cách liệt kê danh sách bệnh nhân chết vì bệnh nan y khó chữa, thay vì đã chích quá nhiều liều lượng thuốc an thần, trợ tử.

Hầu như mỗi lần đề cập đến an tử hay “tự sát có giúp đỡ”, người ta thường hay tập trung vào người bệnh nan y/tật nguyền vẫn muốn tự chọn cho mình cái chết. Tại sao không hỏi xem những người từng có vấn đề tật nguyền xem có ai là người chọn lựa để được sống? Chính họ, mới là yếu tố quan trọng trong các vụ cá cược lớn trong đời. (x. Michael Cook, MercatorNet 25.10.2010)

Đọc tới đây, hẳn bạn và tôi, ta đều thấy như đi vào cánh rừng nhiều bóng tối. Nếu không có được niềm tin vững mạnh vào Đấng Tối Cao, Chúa Tể của Sự Sống và Sống lại, chắc cũng khó mà chống đối lại cả một thể chế, rất xã hội. Thể chế có nền y khoa hiện đại. Lại có cả luật pháp rất nhiều kinh nghiệm từng trải, về đời sống xã hội. Thế nhưng, như ai đó có lần từng nhắc nhở, thế giới ngày nay đang đi vào đường hầm tăm tối không thấy có sự hiện diện của toà án lương tâm.

Vâng. Đúng thế. Lương tâm, có thể không còn là toà án với những phán quyết khác thường, người mình sống. Nhưng, lương tâm sẽ là và vẫn là “tấm bảng chỉ đường rất đáng tin cậy, để người người sống xứng đáng. Sống, trong tinh thần tôn trọng phẩm cách con người.

Và khi đã theo luật pháp của toà án lương tâm về những gì có liên quan đến chính đời mình, có lẽ cũng chẳng nên sợ gì luật pháp ở đời, dù luật ấy có cổ võ việc “tự sát có giúp đỡ” hay không. Để phần nào làm nhẹ vấn đề mà bạn và tôi, ta đang bàn, cũng nên kể cho nhau nghe một đôi truyện kể thực tế. Hiện thực. Và, gần gủi với cuộc đời của mình, và của người, như sau:

“Truyện rằng:

-Ăn rau không chú ơi?

Một giọng khàn khàn, run run làm gã giật mình. Trước mắt gã, một cụ bà già yếu, lưng còng cố ngước lên nhìn gã, bên cạnh là mẹt rau chỉ có vài mớ rau muống xấu mà có lẽ có cho cũng không ai thèm lấy.

- Ăn hộ tôi mớ rau…!

Giọng bà cụ vẫn khẩn khoản. Bà cụ nhìn gã ánh mắt gần như van lơn. Gã cụp mắt, rồi liếc xuống nhìn lại bộ đồ công sở đang khoác trên người, vừa sáng sớm. Bần thần một lát, gã chợt quay đi, đáp nhanh: Dạ cháu không mua đâu bà!

Gã nhấn ga phóng nhanh như kẻ chạy trốn. Gã chợt cảm thấy có lỗi, nhưng rồi cái cảm

giác ấy gã quên rất nhanh. “Mình thương người thì ai thương mình” – cái suy nghĩ ích kỷ ấy lại nhen lên trong đầu gã.

- Ăn hộ tôi mớ rau cô ơi! Tiếng bà cụ yếu ớt.

- Rau thế này mà bán cho người ăn à? Bà mang về mà cho lợn!

Tiếng chan chát của một cô gái đáp lại lời bà cụ. Gã ngoái lại, một cô gái cũng tầm tuổi gã. Cau mày đợi cô gái đi khuất, gã đi đến nói với bà:

- Rau này bà bán bao nhiêu?

- Hai nghìn một mớ – Bà cụ mừng rỡ.

Gã rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.

-Sao chú mua nhiều thế?

-Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi làm, bà cho con gửi đến chiều con về qua con lấy!

Rồi gã cũng nhấn ga lao vút đi như sợ sệt ai nhìn thấy hành động vừa rồi của gã. Nhưng lần này có khác, gã cảm thấy vui vui.

Chiều hôm ấy mưa to, mưa xối xả. Gã đứng trong phòng làm việc ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Gã thích ngắm mưa, gã thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, gã thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Chợt gã nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió, gã nghĩ đến những phận người, gã nghĩ đến bà cụ…

-Nghỉ thế đủ rồi đấy!

Giọng người trưởng phòng làm gián đoạn dòng suy tưởng của gã. Gã ngồi xuống, dán mắt vào màn hình máy tính, gã bắt đầu di chuột và quên hẳn bà cụ. Mấy tuần liền gã không thấy bà cụ, gã cũng không để ý lắm. Gã đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, gã đang cuống cuồng lo công trình của gã chậm tiến độ. Gã quên hẳn bà cụ. Chiều chủ nhật gã xách xe máy chạy loanh quanh, gã vẫn thường làm như vậy và có lẽ gã cũng thích thế. Gã ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện. Chưa kịp châm điếu thuốc, gã chợt giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:

-Bà bán rau chết rồi

-Bà cụ hay đi qua đây hả chị? – chị bán nước khẽ hỏi.

-Tội nghiệp bà cụ! một giọng người đàn bà khác.

-Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương hỏi mua giúp nhưng nhất quyết không bán, rồi nghe đâu bà cụ bị cảm lạnh. Nghe đến đây mắt gã chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi. Bên tai gã vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia. Gã không ngờ…!”

Truyện kể ở trên có thể chỉ là truyện hư cấu. Không thật. Cũng có thể là tuyện thật trăm phần trăm, đối với người kể. Nhưng thật hay không, vẫn là chuyện đời của các cụ cao niên, mắc chứng nan y/tật nguyền, nhưng vẫn sống. Vẫn muốn sống đời trung tín với lời hẹn của gã trên, dù đã quên.

Nhìn lại cuộc đời, hẳn bạn và tôi cùng mọi người khi còn trẻ đều bảo mình không sợ chết. và, sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào, không luyến tiếc. Nhưng vào tuổi già, mấy ai không những sợ chết mà còn ‘ham’ sống nữa, là khác. Vẫn muốn sống, dù đớn đau. Cực nhọc.

Cuối cùng thì, dù gì đi nữa, hãy nhớ lời dặn dò của thánh nhân khi trước có nói:

“Vấn đề là

được biết chính Đức Ki-tô,

nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh,

cùng được thông phần những đau khổ của Người,

nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người,

với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.”

(Phillíp 3: 10-12)

Và, khi đã thông phần vào với sự chết và sống lại của Chúa, ta đâu còn sợ nan y/tật nguyền để phải dựa vào luật pháp ở đời, mà “tự sát có giúp đỡ”. Cho dù được luật pháp giúp đỡ, phải chăng đó là hạnh phúc. Ở đời này. Đời sau?

Trần Ngọc Mười Hai

Chỉ dám hỏi

chứ chưa tìm ra câu trả lời,

từ cuộc đời.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )