Saturday 30 May 2015

“Trong quan tài buồn hồn nghe thêm trống vắng”,



Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau lễ Mình Máu Chúa Năm B 06/7/2015

“Trong quan tài buồn hồn nghe thêm trống vắng”,
Tóc chưa xanh một lần nhưng tim nghe đã thương thân
Trong cơn gọi hồn đời nghe xa xôi lắm
Gót chân đi chưa mòn đường tình nay đã phai dần.
(Lê Hựu Hà – Phiên Khúc Mùa Đông)

(Ga 11: 36/Mt 27: 3-5)
Quan tài buồn? Đã như thế, sao Elvis Phương lại hát: “Hồn nghe thêm trống vắng”? Hát rồi, anh còn thêm lời buồn của tác giả, những là: “Gót chân đi chưa mòn đường tình, nay đã phai dần”.
 Vâng. Có thể là như thế. Như thế, tức là bạn và tôi, ta đã đồng ý với ca-từ cùng ý-tứ của người viết lời và nhạc, rất Lê Hựu Hà! Như thế, lại có thể là bạn hoặc tôi, ta chưa nghe câu nào khác, cũng nói về “quan tài buồn”, như câu: “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ!” Bần đạo đây, cũng không biết câu nào có trước câu nào sau.
Nhưng, có câu nói “trại” mà bần đạo cứ nói đi nói lại với bà chị ruột lâu nay vẫn sống ở Orange County, xứ Bông Kỳ rằng: “Chưa thấy Hoa Kỳ, chưa đổ lệ!” Tội nghiệp. Bà chị của bần đạo thuộc loại chân-phương thứ thiệt cứ tưởng là chê Hoa kỳ của chị, là nơi mà nhiều người từng đi đi/về về cũng khá nhiều lần, mà sao chẳng thấy ai đổ lệ hết vậy?
Chỉ đổ lệ xót thương cho thân phận bạn hiền của Đức Giêsu ở truyện Tân Ước cứ hiểu là: hễ thấy quan tài tức ngôi mộ của ai đó bạn bè người thân tự khắc sẽ đổ lệ hơn một lần trong đời, như sau:

“Thấy cô khóc,
và những người Do-thái đi với cô cũng khóc,
Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến.
Ngài hỏi:
"Các người để xác anh ấy ở đâu?"
Họ trả lời:
"Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." Đức Giêsu liền khóc.
Người Do-thái mới nói:
"Kìa xem! Ông ta thương anh Lazarô biết mấy!"
(Ga 11: 36) 

Đấy. Thấy chưa? Đức Giêsu, dù Ngài chưa thấy quan tài đựng xác Lazarô-bạn-hiền là thế, nhưng Ngài vẫn “đổ lệ” khóc thương bạn hiền mình. Có thể, Ngài cũng khóc và thương, như ý/lời trong nhạc bản trên lại hát tiếp:

“Nước mắt ấy đã lau khô rồi.
Đôi môi ấy đã quen tiếng cười.
Cuộc tình lỡ đã phai nhạt rồi.
Người tình cũ đã xa ta rồi.
Tiếc nhớ mấy cũng thêm thừa.
Yêu đương biết nói sao cho vừa.
Cuộc tình đó để em vui đùa.
Đọa đày đó, giờ đã đến mùa.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Bần đạo đây, không mấy chắc người viết nhạc dạo ấy có nghe biết ý-từ “đổ lệ những khóc ròng” ở Tin Mừng chưa, nhưng lời lẽ anh viết không khác ý-từ của câu truyện, do mình viết.
Nhiều tác giả khác cũng nói về hiện-tượng “đổ lệ” của ai đó, khi nghe qua lời kể về tiếng khóc đã nghe thấy, dù chưa giáp mặt quan tài, hay “Bông kỳ” của bầy tôi đây, thế mới lạ. Lạ ở chỗ, như Tân Ước từng ghi chú rất rõ, như sau:

“Bấy giờ, Giuđa, kẻ đã nộp Người,
thấy Người bị kết án thì hối hận.
Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói:
"Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan."
Nhưng họ đáp: "Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!"
Giuđa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ.”
(Mt 27: 3-5) 

Thế nhưng, theo một số nhà chú-giải chuyên nghiên-cứu trình-thuật Tin Mừng được cho là do cộng-đoàn mang tên Juđa Iscariốt được khai-quật vào năm 2006, lại đã biện-luận về ý-tứ của Lời Vàng ở trên theo cách khác:

“Lâu nay tôi vẫn ngờ-vực về tính-chất sử-học khi kể về trường-hợp Giuđa Iscariốt trong truyện Tân Ước như một kẻ “bội-phản”. Các ngờ-vực ở trên dựa vào 5 yếu-tố coi như nhu-liệu có thể định-vị được, đó là:

Thứ nhất, đọc Tân Ước nhiều lần cho thật kỹ, ta sẽ thấy rằng ký-ức về người đàn ông mang tên Giuđa hiện-diện trong nội-vi vòng cung-cấm rất mật-thiết gồm các tông-đồ kề cận Đức Giêsu, lại không phải là quỉ dữ/ác thần và cũng không là kẻ bội-phản nào ai hết. Tin Mừng thứ tư do tác-giả Gioan ghi, đã qui-chiếu một vị tông-đồ mang tên Giuđa nào đó, chứ không phải Giuđa Iscariốt (đoạn 14 câu 22). Còn trình-thuật do tác giả Luca ghi, thì trong danh-sách 12 tông-đồ, cộng thêm tên của ông Giuđa Iscariốt là một Giuđa nào khác được định-danh là bào-đệ của tông-đồ Giacôbê thôi (Lc 6: 16). Ông Giuđa này, thay cho ông Tađêo ghi ở danh-sách các tông-đồ do tác-giả Mác-cô thuật ở đoạn 3 câu 14-19; và tác-giả Mátthêu ghi ở đoạn 10 câu 2-4. Cộng thêm vào đó, lại cũng có thánh-thư mang danh-tánh của tác-giả Giuđa nào khác đã viết, lại được tín-hữu thời tiên-khởi đưa thêm vào bộ Tin Mừng ở Tân Ước. Tác-giả sách này lại cũng mang tên Giuđê, tức cũng được định-vị một cách khác với danh-tánh của Giuđa; và thư này lại gọi ông là “người tôi-tớ của Đức Giêsu và bào-đệ Ngài là ông Giacôbê (Hậu)” (x. Tin Mừng Giuđê 1: 1) Như thế, tức là: các tín-hữu thời tiên-khởi cũng nhớ về một kẻ tin mang danh Giuđa hiện-diện trong nội-vi cung-vòng mật-thiết của Hội thánh vào thời đầu.

Điểm ngờ-vực thứ hai của chúng tôi, đến từ sự-thể bảo rằng: việc bội-phản Thầy mình, là do một thành-viên trong nhóm Mười Hai, nhưng không thấy ghi chép trong các cảo-bản do cộng-đoàn tín-hữu thời tiên-khởi cung-cấp. Danh-tánh của ông Giuđa, lần đầu tiên gặp thấy ở trình-thuật các tín-hữu của Đức Kitô do tác-giả Mác-cô được viết vào những năm đầu hồi thập-niên 80s sau Công nguyên. Trước thời-kỳ này, ta còn có cộng-đoàn Phaolô được biết đến trong những năm tháng kéo dài từ thập-niên 50s đến năm 64, sau Công nguyên. Lại nữa, ta còn có Tin Mừng “Nguồn” với tên gọi là Quelle từng bị thất-truyền lại là nguồn-cội các trình-thuật mà hai tác-giả Mát-thêu và Luca đã rút ra từ đó rồi thêm vào các truyện kể ở trình thuật do tác-giả Mác-cô từng viết sớm hơn khi ấy.

Bản-văn truyện kể do tông-đồ Phaolô viết, ta lại thấy ý-niệm về sự “bội-phản” xuất-hiện trước cả khi Đức Giêsu bị đóng đinh và chỉ dùng như cung-cách định-vị năm tháng ngày-giờ cho bài mình viết chứ không ghi-chú nội dung chi-tiết chút gì hết. Cụm-từ ‘bội-phản’ được đề-cập trong Bữa Tiệc Ly do tông-đồ Phaolô kể, chỉ cốt để nói về chuyện khai-mạc bữa Tiệc Cuối Cùng mà thôi. Tuy nhiên, khi ghi-chú như thế, tác-giả Phaolô lại đã đưa ra một tự-vựng từng được các dịch-giả bên tiếng Anh hồi thế kỷ thứ 7 sử-dụng và chuyển thành động-từ mang nghĩa “tạo- phản”, nhưng kỳ thực, ý của tông-đồ Phaolô chỉ muốn nói đến việc “chuyển-giao” chứ tuyệt-nhiên không mang mặc một nghĩa ‘tạo-phản’ hoặc ‘phản-tặc’ nào hết. Cũng nên nhớ: trong toàn-bộ các cảo-bản do tông-đồ Phaolô viết, không thấy có bằng-chứng nào cho thấy rằng: ông từng biết rõ rằng: việc phản-bội ấy đã xảy ra, là do một thành-viên trong Nhóm 12 tông-đồ ra tay làm như thế. Tuy thế, bản dịch tiếng Anh khi viết các truyện kể thời sau đó lại đã chêm thêm ý-nghĩa của việc ‘giao-nộp’ vào trong đó.

Lý-do thứ ba khiến tôi ngờ-vực về tính-cách sử-học của truyện kể về ‘bội-phản’ này, là ở việc: tác-giả Mác-cô lại đã đưa vào trình-thuật do ông ghi, vào khoảng thời-gian từ năm 70 đến 75 sau Công nguyên, qua đó ông có nói rõ việc một người đồ-đệ lại đã nhúng bánh vào chung chén rượu của Đức Giêsu (Mc 14: 20). Và rồi, tác-giả Mác-cô lại còn kể về việc ‘bội-phản’ này đã xảy ra vào giữa đêm hôm ở vườn Gethsêmani bằng một cái hôn-vào-má Ngài. Đây là lần cuối cùng, ta thấy tên của ông Giuđa được gọi là Iscariôt ở trình-thuật do tác-giả Mác-cô ghi lại.

Lý-do thứ tư khiến tôi ngờ-vực chuyện ‘bội-phản’ nói đây, được dàn-dựng theo cung-cách rất bi-ai/hoành-tráng vào giữa đêm hôm. Chuyện dàn-dựng, được lập nên theo cách rất gọn nhẹ đến độ các tác-giả Tin Mừng đều tin rằng đó là hành động đen tối nhất trong lịch-sử nhân-loại lại đã diễn ra giữa đêm tối đen như mực. Chuyện này trông giống như một nghi-thức phụng-tự nhiều hơn là sự-kiện lịch-sử.

Và lý-do khiến tôi ngờ tính-cách sử-học của bài viết, chính là tên tuổi của kẻ phản-bội được gọi là Giuđa, không là gì khác ngoài lối phát-âm bên tiếng Hy-Lạp của chữ Judah. Trong khi tên của kẻ phản-bội là tên ‘rất riêng’ tại đất nước của người Do-thái. Các lãnh-tụ đảng phái chính-thống ở nước này từng định-danh cho việc thờ-phượng do người Do-thái thực-hiện vào thời-điểm có các Tin Mừng được viết lên, về phong-trào Kitô-giáo ngày càng nổi lên quyết chống-đối mọi địch-thù của mình. Xem thế thì, cách hay nhất để áp-đặt sự trách-móc/đổ tội cho cái chết của Đức Giêsu là trút-đổ tội này lên Do-thái-giáo ‘chính-thống’ bằng cách nối-kết việc đặt tên kẻ bội-phản với toàn-bộ đất nước Do-thái. Khi yếu-tố kết-hợp nỗ-lực đặc-biệt để miễn lỗi cho thực-dân người La Mã bằng cách mô-tả tính chân-thật của Quan Philatô bằng việc rửa tay sạch rồi nói: “Ta vô-can trong việc tắm máu người này”, thế là việc trách-móc/đổ lỗi đã được bãi bỏ. Chính người La Mã mới là thủ-phạm giết Đức Kitô, nhưng mãi đến thập niên 80s sau Công nguyên, khi truyện-kể về Sự Thương Khó của Đức Giêsu được viết ra, thì các tác-giả Tin Mừng mới bị thúc-ép phải miễn-lỗi cho công-tố-viện người La Mã, là Quan Philatô và rồi đổ lỗi qui hết mọi tội  cho người Do-thái chính là dân-tộc giết Đức Chúa của mình. Và, đó cũng lại là lúc Giuđa bị gán cho là kẻ ‘bội-phản’ bị/được định-danh là một người trong nhóm Mười Hai từng là đối-tượng kéo dài hàng ngàn-năm sau này từ chủ-trương bài Do-thái qua hành-xử đầy tính bạo-lực bằng vào  việc giết-hại Nhân-vật trọng-đại ở Đạo Chúa.” (xem thêm Tgm John Shelby Spong, The Sins of Scripture, HarperCollinsPublishers tr. 199-204)

Lại cũng có một số học-giả chuyên-môn về Kinh Thánh lại đã xác-quyết tất không yếu mềm, rằng:

“Nhiều ngàn năm cho đến nay, các tín-hữu Đức Kitô đều vẽ lên chân-dung của Giuđa Iscariốt hệt như thể ác-thần/sự dữ đã nhập vào người ông. Lại nữa, do động-lực ghét ghen và/hoặc do Satan thúc-đẩy cách sao, ông vẫn bị coi là kẻ bội-phản, thứ người mà triết-gia Dante đặt vào tầng lớp chót cùng nằm dưới đáy hoả ngục. Tuy nhiên, Tin Mừng của tác-giả Giuđa Iscariốt lại  cho thấy chính tông-đồ Giuđa Iscariốt mới là người cận-kề đáng tin cậy nhất trong nhóm Mười Hai. Bởi, ngang qua ông, Đức Giêsu lại đã bộc-lộ toàn-bộ huyền-nhiệm sâu-sắc nhất cho riêng ông; đồng thời, ông chính là người được Thầy Giêsu có tin-tưởng lắm mới nói trước về cuộc thống-khổ của Ngài sắp diễn ra…” (x. Elaine Pagels & Karen L. King, Reading Judas, The Gospel of Judas and the Shaping of Christianity, Penguin Book 2007 tr. 3-5tt)

Hôm nay, khi được nghe nghệ sĩ đồng thời là người viết nhạc dám hát lên những ca-từ đầy nước mắt này, bần đạo bầy tôi chỉ muốn khóc. Khóc, không vì thương quá bạn hiền của Đức Chúa là Lazarô hoặc tông-đồ Giuđa Iscariốt rất cận-kề Ngài là thế nhưng vẫn bị hiểu lầm, mà vì nhiều người vẫn cứ hát và nói những tiếng giọng ỉ ôi, ôi thôi là sầu buồn.
Đời mình và đời người, quả thật vẫn có các sự/việc rất đáng khóc, nhưng sao vẫn không khóc được mà chỉ hát lên có ba lời trần tình, như sau:

“Tiếc nhớ mấy cũng thêm thừa.
Yêu đương biết nói sao cho vừa.
Cuộc tình đó để em vui đùa.
Đọa đày đó, giờ đã đến mùa.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Hát thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cũng đừng suy-tư nhiều quá để rồi lạ sẽ khóc; mà hãy cùng nhau đi vào vùng trời “truyện kể” rất dễ nể ngõ hầu nay mai mình sẽ không còn khóc nữa mà chỉ suy-tư nhiều về các sự-kiện tuy dễ-khóc nhưng không buồn, như sau:

Con người sợ những cái gì mập mờ, không rõ ràng.Khi gặp những cái không biết rõ, họ thường hay tưởng tượng, mà xu hướng thường là nghĩ đến những cái đáng sợ nhất.
Cũng có thể do bản năng tự vệ của con người, họ nghĩ ra như vậy để cảnh báo bản thân trước mối nguy hiểm nào đó.

Chuyện cận tử, thân trung ấm, lúc vừa mới chết thì hồn bay lơ lửng đâu đó, rồi vào đường hầm thấy toàn ánh sáng chóa lòa, gặp lại bà con đã chết từ lâu, kêu réo nhau la ới ới, chuyện đầu thai lại, chuyện tái sinh, chuyện ma quỷ, và còn nhiều thứ lắm lắm…có thật hay không có thật chẳng có ai biết được hết. Tin hay không là chuyện riêng của mỗi người.

Có người còn so sánh sự chết cũng không khác gì giấc ngủ mỗi đêm. Tối ngủ, mình chẳng còn biết gì hết, hổng khác gì như mình đã chết rồi. Sáng ra thức dậy như được tái sanh trở lại, sống thêm một ngày nữa. Mừng hết lớn.

Vậy sợ chết là sợ những gì mình không rõ, những gì bí mật mình chưa biết được.
Người ta sợ chết vì sợ thân xác bê bết máu me, nát bấy, xấu xí đi, sình thúi ghê tởm quá.

Trường hợp những giây phút trước khi phi cơ lâm nạn lao xuống đất chắc hành khách phải hãi hùng kinh hoàng tột độ. Đây là một thí dụ rõ rệt nhất về sự kiện sợ chết.
Có cả trăm câu hỏi được đặt ra nhưng chưa có câu giải đáp nào hết về sự chết. Mọi người cứ tưởng tượng thế nầy thế nọ cho nên thiên hạ vẫn còn lo và vẫn còn sợ chết.

Người đời thường nghĩ rằng hễ chết là hết, là trống không, là rơi vào vực thẩm âm u, là hư vô, tĩnh lặng. Chết rồi thì mình sẽ đi về đâu sau đó, rồi mình sẽ ra sao? Bởi vậy nên ai ai cũng đều sợ chết lắm.
Ai cũng phải có ngày chết hết. Đây là một sự thật. Chạy đâu cho khỏi. Đây là điều chắc chắn 100%, thật rõ ràng và là lẽ công bằng của trời đất..
Nhà chánh trị Benjamin Franklin (1706-1790) có nói một câu để đời: «Trên cõi đời nầy có hai việc không thể tránh khỏi được, đó là cái chết và thuế má.»

Nhận-định thế rồi, người kể hôm nay, lại nói tiếp đôi điều rất “vô thường” bằng một truyện kể khác, như sau:

“Cuộc đời thật vô thường, vậy phải biết trân quý sự sống. Thù hận, tranh đua, phân biệt, cố chấp, ganh tị, suy bì, hơn thua nhau từng tiếng, từng lời, từng chút một rồi cuối cùng cũng phải chết mà thôi.

Đến lúc đó thì ăn năn hối cải, than khóc, kể lể, luyến tiếc… làm chi cho mất công, muộn màng rồi bạn ơi. Tại sao hồi còn sống không biết sống cho hòa thuận, thương yêu nhau, giao hảo nhau trong tình người,biết thông cảm và tha thứ cho nhau?
Mọi người đều đến cõi đời nầy với hai bàn tay trắng, thì lúc ra đi cũng chỉ với hai bàn tay trắng mà thôi.

Tuy biết vậy nhưng vẫn lo, vẫn sợ. Ai ai cũng đều biết như vậy, nhưng hễ sao mỗi khi nghĩ đến chết thì thấy rờn rợn và hơi lo một chút. Bằng mọi giá họ phải níu kéo sự sống lại. Bỡi lý do nầy mà ngày nay khoa học đã sáng chế ra vô số kỹ thuật để kéo dài thêm sự sống... Nào là kỹ nghệ thuốc trường sanh, nào là kỹ nghệ ngâm xác trong khí lỏng liquid nitrogen để chờ ngày tìm ra thuốc trị liệu để tiếp tục…sống v.v…

Người ta sợ chết vì sợ mất người mình thương, sợ xa lìa người thân, bạn bè, xa lìa vợ con, chồng con, sợ không ai nuôi con mình, sợ rồi đây tụi nó sẽ...sống ra sao?, sợ mất đi cái tôi cùa mình, sợ mất hết tài sản của cải mà mình đã thật sự khổ công tạo dựng được trong suốt cả cuộc đời, cũng như sợ chưa thực hiện được những hoài bão mà mình hằng mong ước, và sợ bị lãng quên, v.v... (trích điện-thư của một bạn khác đạo từng gửi trên mạng rất ê hề, nhiều vô kể)

Biện-luận ra sao cũng đặng. Hát và nói thế nào cũng chẳng sao. Duy có điều, là: có kế hoặc hát nhiều cho lắm, ta cũng nên nhớ lại lời vàng của thánh-nhân hiền lành từng dặn dò mọi người bằng một chú thích, như sau:

Đức Giêsu liền khóc.
Người Do-thái mới nói:
"Kìa xem! Ông ta thương anh Lazarô biết mấy!"
Có vài người trong nhóm họ nói:
"Ông ta đã mở mắt cho người mù,
lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?
(Ga 11: 354- 37)   

Có khóc được, hoặc được khóc như Đức Giêsu khi xưa hay không, thiết tưởng ta vẫn nên ca và hát ý/lời của người viết nhạc từng ê a, ca rằng:

Tiếc nhớ mấy cũng thêm thừa
Yêu đương biết nói sao cho vừa
Cuộc tình đó để em vui đùa
Đọa đày đó, giờ đã đến mùa.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Hát xong rồi, giờ đây hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ hiên ngang đứng thẳng để nghe tiếp những điều như thế diễn ra bằng các sự kiện trong đời, rất con người.
  
Trần Ngọc Mười Hai
Thật cũng chẳng hơn ai
Nhưng vẫn cứ phiếm để còn nhớ và thương
Những “quan tài buồn”
Thuộc tầm cỡ rất Giuđa Iscariốt.


           
  










Saturday 23 May 2015

“Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm”,



Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau lễ Chúa 3 Ngôi Năm B 31/5/2015

“Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm”,
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẻ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi.
(Y Vũ – Tôi Đưa Em Sang Sông)
(Rm 5: 3-4)
“Đưa Em Sang Sông”, có thể là đưa em về bến mới có người chồng hoặc người tình nào đó sẽ đón tiếp. Nhưng, “Đưa Em Sang Sông” hôm nay, lại có thể là “đưa người bạn đời rất trăm năm” về cõi vĩnh-hằng.
Đưa đâu thì đưa, vẫn là nỗi buồn khó diễn-tả, hệt như lời bạn “nối khố” của bần đạo mới vừa viết lên tâm-tình rất khó tả, như sau:

“Bà xã mình bị ung thư phổi, ở giai đoạn chót, y-học bó tay. Bà xã mình quá yếu, nên họ không dám dùng hoá trị. Những sự như trên, mình cũng đã nghe nhưng không nghe trực-tiếp từ miệng bác sĩ chính nên cứ còn nuôi chút hy vọng.

Như vậy, y-học "bó tay", bác sĩ đã "chê" và họ cho chuẩn bị về nhà, vì có ở lại bệnh-viện cũng không hơn gì. Mình không xin Chúa chữa lành, mà chỉ xin CHÚA trì hoãn cho bà xã sống thêm 5 năm hoặc 3 năm để không quá đột ngột, và còn quá nhiều việc chưa ổn…” (Trích điện-thư của một bạn rất thân)
  
            Quả thật, ai cũng thấy đau buồn khi nhận được tin như thế. Quả là, bạn thân nào cũng đều nghĩ thế. Khi đưa người Em “sang sông” đều thấy sự việc nào cũng “đột ngột”, quá lúng túng, nên không biết nói gì/viết gì cho trọn Đạo. Đó là sự việc trong Đạo. Còn ở ngoài đời, người nghệ sĩ khi xưa cũng từng có cảm-nghiệm tựa như thế, nên mới hát:

            “Tôi đưa em sang sông,
bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân,
sợ bến gió buốt trái tim
Nếu tôi đừng đưa em,
thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn,
có đâu chiều nay tôi buồn.”

Nghệ sĩ xưa, thường nói như thế và có hát nhiều cũng chỉ như thế. Và, cũng chợt nghĩ đến thân-phận người phụ-nữ mà bàn dân đi Đạo, ở trời Tây hôm nay, tuy không nói, nhưng cũng lại viết lên rất nhiều điều về thân và phận của phụ-nữ ở Đạo Chúa, rất như sau:

“Trước đây, tôi có nhận-định về hai chứ ‘hình phạt” gửi đến cho Ađam-con-người kể trong truyện Vườn Eđen, sách Sáng Thế là ông sẽ phải “cực nhọc mọi ngày trong đời, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.” Và nữ-phụ-đầu-đời-là-Evà nhận được phán-quyết như: ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén, lúc sinh con…” Và loài rắn, “phải bò bằng bụng, ăn bụi đất mọi ngày trong đời”. Cũng từ đó, mọi loài trong đời sẽ không còn ở trong Vườn Êđen nữa, mà là “Phía Đông Vườn này(Kn 3: 16-17). Nói tóm lại, mọi tạo vật cùng con cháu của chúng được “thảo-chương” đi vào cõi chết. Thân và phận của họ, là sự chết. Tính-chất toàn-cầu của nỗi chết từ đó được tỏ bày cho mọi loại thấy tác-hại của hành-động sai lầm từ nguyên-thủy, tức cái chết đã được đem vào thế-giới của Thiên-Chúa. Lỗi và tội được định-vị như cá-tính của nhân-loại làm nhơ-bẩn hết mọi người khiến họ không thể tái-tạo quan-hệ của mình với Thiên-Chúa, được nữa…

Theo hiểu biết của người xưa, thì câu truyện kể ở đây nói về sự yếu-kém của nữ-giới. Họ được tạo-dựng để gánh chịu mọi trách-móc cũng như lỗi tội của con người. Họ là cội-nguồn của sự chết, không thoát được. Và, huyền-thoại về nữ-phụ đầu của con người áp-đặt vào với phụ-nữ. Cũng từ đó, mọi lý-lẽ về ác-thần và sự chết coi như dấu-ấn trên con người là do người nữ đầu đời bất tuân lệnh Thượng Đế. Các thánh-nhân xưa, trong đó có thánh Phaolô, Augustinô, Giám mục Hippo ở thế-kỷ thứ 5 và nhiều vị khác cũng góp phần vào việc định-vị như thế qua bao thế-kỷ vẫn chế-ngự mọi suy-tư của Giáo-hội, hằng ngàn năm không thiếu. Và hôm nay, tính tiêu-cực này vào phụ-nữ cũng như phái yếu, rất rõ nét trong đời sống đạo-giáo của ta, kép theo sau là nền thần-học được gọi là chính-thống, đều dựa trên truyện kể như thế.” (X. Tgm John Spong,The Woman as the Source of Evil, Sins of Scripture, HarperCollinsPublishers 2005 tr.91)

Nền thần-học chính-cống đã ra thế cả ngàn năm rồi, thì sá gì chỉ một Thượng Hồi Đồng về Gia Đình có thể lật ngược, hoặc thay-đổi được! Có lẽ vì thế mà ngày hôm nay, lại có những vị dám bày-tỏ lập-trường, theo sau Đức Giáo Tông Phanxicô, bằng lời lẽ mạnh bạo như vũ bão.
Nhưng trước khi đi vào chi-tiết “buồn” như vũ bão, xin quay về với lời ca người nghệ-sĩ đã hát thêm, như:

“Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
Đời tôi là cánh chim,
đi khắp phương trời.
Mà đời em là ước mơ,
Đẹp muôn ngàn ý thơ,
như ngóng trông chờ.”
(Y Vũ – bđd)

Vâng quả có thế, đời người lúc nào cũng trông và chờ. Chờ và trông cho chuyện buồn đừng đến nữa, thay vào đó là niềm vui. Cũng hệt như ý-tưởng phản-hồi của các bạn đạo sau khi nghe đấng bậc nhà đạo bàn về chuyện “tự-do ngôn-luận” hoặc phát-biểu ở nhà Đạo. Chí ít là vào những buổi họp bàn được gọi là Thượng Hội-Đồng La Mã sẽ diễn ra vào độ tháng 10/2015, như sau:

“Thông-chuyển niềm tin cho những người sống ở rìa lề không những của Giáo hội mà thôi nhưng còn là lề xã-hội, nói chung mới là vấn-đề. Hãy ít tập-trung vào nội-dung thông-điệp với tín-hữu Đạo Chúa cho bằng đặt nặng lên cung-cách giúp ta hiểu chuyện ấy, thấy rất cần. Giáo-hội lập ra nguyên một năm chủ-trương mừng kính “Lòng Từ Bi của Chúa”, thiết-tưởng cũng là lúc để ta đi vào với thế-giới của những người bị đẩy ra bờ rià Giáo hội hoặc xã-hội họ sống…
Mới hôm qua, nơi phố chợ ở Úc, tôi bắt gặp một ít người sống chui rúc ở phố/chợ, trong đó có một chị nọ tự dưng nổi nóng không kềm-chế được cơn giận đã chửi rủa và đánh mạnh vào người đức lang quân của chị. Dĩ nhiên, cặp này đang bị ảnh-hưởng của thứ “bột trắng hoành hành, nên đã trở-thành mối hiểm-nguy cho nhau và cho người khác nữa. Từ sự-kiện ấy, tôi lại đã tự hỏi: có cách nào hay nhất để giúp cặp phối ngẫu này sống đích-thực lòng từ-bi hỷ xả đối với nhau và với người khác không? Làm sao để thông-điệp hoà-bình và hy-vọng sẽ lan rộng mãi với mọi người, cả trong Giáo hội, lẫn ngoài đời? Làm thế nào để ta thông-chuyển sứ-điệp từ-bi/nhân-hậu đến với các đấng bậc ở Giáo-hội, hoặc chính-trị-gia, các nhà làm luật, các bậc thày cô, hoặc bất cứ ai có trách-nghiệm đến cuộc sống đích-thực của những người đang chịu cảnh khổ đau, sầu buồn hoặc lép vế như các nữ-phụ ở xã-hội gồm toàn nam-nhân khuynh-loát, đây?

Tự-do Ngôn-luận hoặc phát-biểu tư-tưởng của mình trong Giáo hội là cách hay nhất để khởi sự. Hãy ra khỏi các tầm-nhìn mang tính trắng-đen dựa trên ý-kiến hoặc tư-tưởng của người thời trước, tỉ như: chuyện coi thường các nữ-phụ đặt họ ở giai-cấp thứ-yếu, rời bỏ các khu xóm đầy những tệ-nạn, tạo rối rắm cho mọi người. Hãy mở to con mắt để nhìn vào viễn-ảnh to lớn hơn. Hãy nói lên cung-cách sao đó để ngay hôm nay, ta và bạn có thể thông-chuyển cho nhau, trao-đổi với nhau theo tính-cách ngang bằng đồng đều với người sống quanh mình!” (X. ý-kiến của Ian Fraser theo sau bài viết của Lm Andrew Hamilton sj, Can speech be free in the Catholic Church? Eureka Street Magazine 08/4/2015)  


Trên thực-tế, thì chọn-lựa của một số đấng bậc trong Đạo, vẫn quyết rằng: Hội thánh, tức: các đấng vị-vọng trong thần-quyền bảo sao nghe vậy, đừng đòi tự-do có tiếng nói hoặc tư-tưởng khác hướng, sẽ nguy to. Nguy to, là những sợ chân mình lấm những thứ “bùn khi mưa”, tựa hồ ca-từ ở câu kết bài hát, dẫn ở trên, rằng:

“Hôm nao em sang ngang,
bằng xe hoa thay con thuyền?
Giờ phút cuối đến tiễn em,
nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa
sợ lấm trong bùn khi mưa..
Nàng đã thay một lối về,
quên cả người trong gió mưa....”
(Y Vũ – bđd)

Chân có lấm bùn hay không, cũng xin đừng theo thứ lập-trường triết-lý bàn chân sạch”, không chịu vương-vấn những vấn-đề gây phiền-toái, tức là: luôn lãnh-đạm với mọi tình huống xảy ra trong Đạo, ngoài đó. Chính đó là nỗi sợ được Đức Phanxicô từng đề-cao cảnh giác về tánh “lãnh-đạm” trong một bài san-sẻ Tin Mừng vào Mùa Chay 2015, như sau:

“Trong lần san sẻ thông-điệp Mùa Chay với bổn-đạo ở Rôma năm nay, 2015, Đức Phanxicô có cảnh-báo tình-trạng được gọi là “Việc toàn-cầu-hoá tánh thờ-ơ/lãnh-đạm”. Ngài còn dùng bài chia sẻ Lời Chúa để kêu mời mọi người hãy biết dấn thân vào những gì hôm trước được Đức Bênêđíchtô XVI gọi là “sự thành-hình của con tim”.
Lãnh-dạm đối với người cận lân hay cận thân và cả với Chúa cũng diễn-tả một cám-dỗ cho ta là những kẻ tin vào Đức Kitô. Mỗi năm, vào Mùa Chay thánh, ta cần lắng nghe thêm lần nữa tiếng gọi của các ngôn-sứ khi xưa vẫn gầm thét khuấy động lương-tâm của mọi người chúng ta…
Ở thế-giới, trong đó vẫn có nhiều thứ khiến ta lo/buồn như giặc-giã/chiến-tranh, thiên-tai/hạn-hán, buồn-bã/chết chóc vẫn cứ xảy đến vào mọi tháng ngày trong đời mình, thì chỉ khi nào ta tiếp tay hoạt-động để sự công-bằng/chính-trực xảy đến với mọi người trong xã hội, thì khi ấy ta mới tạo được sự khác-biệt to lớn cho mình và cho người…” (X. David Ahem & Nicole Clements, The Easter Message, The Majellan April-June 2015, tr. 16)

Nghĩ thế rồi, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ thế hướng cao đầu óc vẫn hiên-ngang/hùng tráng hát cả những câu nhạc buồn như thể bảo:              

“Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
Đời tôi là cánh chim,
đi khắp phương trời.
Mà đời em là ước mơ,
Đẹp muôn ngàn ý thơ,
như ngóng trông chờ.”
(Y Vũ – bđd)

Vâng. Thời gian rồi sẽ lặng lẽ trôi, dù anh dù em và tất cả mọi người có buồn bã khi thấy người đã và đang “đưa em sang sông” để về bến mới hoặc thế-giới mới nào đó, cũng không buồn. Rất không buồn như Bác Tư như sau:

Tuổi già, buổi sáng thức dậy, nghe gân cốt đau rêm mà mừng, vì biết mình còn sống. Đại ý viết như vậy, trong một cuốn sách Mỹ mà ông Tư đọc được, làm ông thấm thía cái hạnh phúc lâng lâng của từng sớm mai khi vừa tỉnh giấc. Bạn bè cùng trang lứa với ông, nhiều người đã về với Diêm Vương khi còn trẻ măng, vì cuộc tương tàn khốc liệt dài ngày trên quê hương. Nhiều người khác gục ngã trong trại tù vì đói khát, bệnh tật, mồ hoang vùi cạn. Một số khác nữa, vì khao khát tự do mà chôn thân dưới đáy biển, hoặc chết khô giữa rừng sâu. Không ít người còn lại, tử thần cũng đã đón mời vì bạo bệnh, khi tuổi năm sáu mươi. Phần ông vẫn còn dai dẳng sống sót cũng là ân huệ trời ban, không vui hưởng tháng ngày, cũng uổng lắm sao!
Ý nghĩ đó làm ông mỉm cười sung sướng. Ông vẫn trùm thân trong chăn ấm. Tội chi mà dậy sớm cho mệt. Mỗi khi nghe tiếng khởi động máy xe từ hàng xóm vọng qua trong buổi tinh sương, ông càng vui sướng hơn, vì không còn phải vùng dậy giữa đêm đen, lặn lội đi kiếm cơm hàng ngày như mấy gã trẻ tuổi ở cạnh nhà. Về hưu rồi, mỗi tuần hưởng bảy ngày chủ nhật, bảy ngày thảnh thơi. Hết áp lực của công việc hàng ngày, không phải lo lắng bị thất nghiệp khi kinh tế khủng hoảng xuống dốc. Khoẻ re.
Cứ nằm trùm chăn ấm nghe nhạc mềm văng vẳng ru đưa, phát ra từ cái radio nhỏ, có khi ông chợp thêm được một giấc ngủ ngắn ngon lành. Ngủ chán thì dậy. Bước xuống giường, dù khớp xương sưng đau, đi khập khễnh ông cũng thầm cám ơn cái chân chưa liệt, còn lê lết được. Chưa phải nằm dán lưng vào giường như một số người bất hạnh khác. Những kẻ này mà nhích được vài bước cà thọt như ông, thì chắc họ cũng sướng rân người. Ông thầm bảo, có thêm được một ngày để sống, để vui, để yêu đời. Bệnh hoạn chút chút, thì phải mừng, chứ đừng có nhăn nhó than vãn ỉ ôi.
Mỗi khi đánh răng rửa mặt, ông lầm thầm: “Mình sướng như vua rồi, có nước máy tinh khiết để dùng. Giờ nầy, cả thế giới, có hơn một tỉ người thiếu nước để nấu ăn, để tắm giặt và nhiều tỉ người khác không có nước sạch, phải uống nước dơ bẩn.” Dù cái bàn chải đánh răng đang ngọ ngoạy trong hàm, ông cũng ư ử hát ca. Khi áp cái khăn tẩm đầy nước lên mặt, ông cảm được cái mát lạnh và niềm sung sướng chứa chan đang lan tỏa chạy khắp người. Ông biết đang được ân sủng của trời đất ban cho trong tuổi già.
Ngồi lên cái bồn cầu êm ái, nhà cầu sạch sẽ, trắng toát, thơm tho, không vướng một chút mùi vị hôi hám, đèn đóm lại sáng trưng, có nhạc văng vẳng từ radio, ông cầm cuốn sách thưởng thức chữ nghĩa của “thánh hiền”, tư tưởng của Đông Tây. Không bao giờ ông quên cùng giờ phút nầy, có hơn ba tỉ nhân loại không có cầu tiêu để làm cái chuyện khoái lạc thứ tư. Có người phải ra đồng lồng lộng gió, mà làm chuyện “nhất quận công, nhì ị đồng”. Phải gấp gấp cho xong chuyện, không nhẩn nha được, vì hai tay phải múa lia lịa hất ra đàng sau, để xua đuồi lũ ruồi đồng đang vo ve “oanh tạc”.
Xong việc, may mắn lắm thì có lá chuối khô mà lau chùi, còn không thì dùng đất cày, đá cục, nắm cỏ, que nhánh cây tươi, khô. Ông cứ nhớ thời làm việc ở quận lị, chỉ có nhà tiêu lộ thiên, hai tấm ván bắt ngang qua một hầm cầu lộ thiên, nắng xông hơi phân người lên nóng hừng hực rát cả mặt, bên dưới giòi bọ lúc nhúc lổm nhổm làm thành một tấm màn trắng-ngà chuyển động. Có con gà ở đáy hầm, nó đang thưởng thức ngon lành món giòi bọ, thấy ông xuất hiện bất thần, sợ hãi hoảng hốt đập cánh bay lên kêu quang quác và vung vãi ‘ám khí’ khắp trong không gian, làm ông cũng khiếp viá, ôm đầu phóng chạy dài. Nghĩ đến chừng đó thôi là ông đủ cảm được cái sung sướng đang có ngay bây giờ. Ngồi thật lâu, đọc cho xong mấy trang sách, mới nhởn nhơ rời phòng.
Ông Tư tự đãi một bình trà nóng, một ly cà phê thơm, rồi nấu nồi cháo gạo tẻ đặc rền ăn với cá kho mặn. Dọn ra bàn, đèn vàng soi một khoảng ấm cúng. Ông thong thả vừa hớp nhâm nhi, vừa ăn từng muỗng cháo, chất gạo béo tạo vị giác đi qua trong cổ họng. Ông lầm thầm: “Ngon, cao lương mỹ vị cũng không bằng”. Ông thường ngâm nga hai câu thơ: “Vợ cũ, chó già, tô cháo nóng. Ba nguồn thân thiết dạt dào thương”. Mắt ông dán vào trang thơ đang cầm trên tay, gật gù thưởng thức ý lời hoa gấm. Ông trầm mình vào những giòng thơ, tim xao xuyến xúc động mênh mang. Thỉnh thoảng ông dừng lại, và nói nhỏ cho chính ông nghe: “Tiên trên trời cũng chỉ sướng và thong dong như thế này là cùng”. Ông nhớ đến cái thời “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”, buổi sáng bụng đói meo, vác cuốc đi làm lao động tay chân nặng nhọc, ráng uống một bát nước lã để cầm hơi và đánh lừa cái bụng đang sôi sồn sột. Bây giờ được như thế nầy, phải biết cám ơn ân sủng của trời ban cho. Biết bao nhiêu tỉ người trên thế giới này mơ ước được có một buổi sáng thảnh thơi và no ấm như ông mà không được nhỉ?
            Nhìn xuyên qua cửa phòng ngủ, ông thấy bà vợ nằm ngủ giấc yên bình, lòng ông dạt dào niềm thương. Bà đã cùng ông mấy mươi năm dắt dìu nhau trong phong ba bão táp của giòng đời nghiệt ngã. Đã chia sẻ ngọt ngào cũng như đắng cay của một thời khói lửa điên đảo. Giờ này, may mắn vẫn còn có nhau trong cuộc đời, thương yêu thắm thiết, nhường nhịn nâng đỡ chăm sóc ngày đêm. Không như những cặp vợ chồng già khác, cứ lục đục gây gổ nhau, tranh thắng thua từng li từng tí, làm mất hạnh phúc gia đình. Ông thương bà biết an phận thủ thường, không đứng núi ầy trông qua núi nọ. Ông thấy bà hiền lành và có trái tim đẹp như thánh nữ. Ông muốn vào phòng, hôn bà lên trán, nhưng ngại làm vợ mất giấc ngủ ngon buổi sáng. Ông lại cám ơn trời đã đem bà buộc vào đời ông. Ông cười và nhớ câu nói của một nhà văn nào đó: “Đời sống không thể thiếu đàn bà, nhưng sống được với một người đàn bà không phải dễ.”
Ông Tư ra vườn. một mảnh đất nhỏ trồng vài cây hoa, hương thơm thoang thoảng, có tiếng chim kêu đâu đó líu lo vọng lại. Mấy đoá hoa sặc sỡ còn đọng sương đêm lóng lánh. Nắng mai ấm áp phả lên da thịt ông, tạo thành một cảm giác dịu dàng, êm ái. Ông vươn vai, xoay người trong thế thể dục chậm, xương sống được thư giãn kêu răng rắc, đã đời. Hít thở và phất tay chừng mười lăm phút cho máu huyết lưu thông. Loại thể dục nầy đã giúp ông bớt được những cảm mạo thông thường, ông tin vậy.
Ông Tư thay áo quần để đi ra đường. Cầm cái áo lành lặn bằng vải tốt trên tay, ông thường nhớ đến thời đi tù, khâu bao cát làm áo, rách tả tơi, không đủ che gió lạnh thấu xương của núi rừng. Thế mà cũng có nhiều tù nhân khéo tay và nghịch ngợm, khâu bao cát thành bộ đồ lớn, đủ ba mảnh, và làm luôn cả cái “cà vạt”, mang vào trông cũng sang trọng như đi ăn đám cưới. Nhớ lại thời đó mà rùng mình. Còn sống sót, và đến được đất nước tự do này, cũng là một điều mầu nhiệm lạ lùng. Ông Tư đi ra đường, xe cộ vùn vụt qua lại liên miên. Lề đường rộng, phẳng phiu, sạch sẽ. Bên kia là giao điểm của hai xa lộ, các nhánh cầu cao đan uốn éo chồng chất lên nhau, vòng vèo trên không, như những nùi rối. Ông Tư thầm cám ơn tiền nhân đã đổ sức lực, mồ hôi, tài nguyên khai phá và xây dựng nên những tiện nghi nầy cho ông nhảy xổm vào hưởng dụng, mà không ai có một lời ganh ghét, tị hiềm. Ông, từ một trong những nước lạc hậu nhất của hành tinh nầy, bị chính quyền cuả xứ ông bạc đãi, kỳ thị, kềm cặp và lấy hết các tự do cơ bản. Đến đất nước này, ông được bình đẳng, có công ăn việc làm hợp với khả năng, con cái ông được đến trường, học hành thành tài, có nghề nghiệp vững chắc và sống với mức trung lưu. Ông cảm thấy còn nợ quê hương mới nầy quá nhiều thứ, từ tinh thần đến vật chất, mà biết không bao giờ trả lại được một phần nhỏ nào. Ông Tư vừa đi bộ vừa ca hát nho nhỏ.
Một người cảnh sát cao lớn dềnh dàng đi ngược đường chào ông, ông chào lại bằng lời cám ơn đã giữ gìn an ninh cho dân chúng sinh sống. Người cảnh sát cười và nói đó là bổn phận, vì lương bổng của ông ấy được trả bằng thuế của dân chúng, trong đó có ông. Ông Tư thấy trong lòng bình an, ông không làm điều gì phạm pháp, thì không sợ ai cả. Ông đọc trong báo, thấy có những xứ, dù không làm gì sai quấy cả, cũng bị cảnh sát giao thông chận lại đòi tiền, nếu không cho tiền, thì bị quy kết đủ thứ tội mà mình không có.
Nắng chiếu hoe vàng cả dãy phố của một ngày thu, ông Tư bước đi mà lòng rộn rã. Gặp ai cũng chào, cười vui vẻ. Nghe ông chào hỏi nồng nhiệt, mọi người đều vui theo. Thấy một ông cụ mặt mày đăm đăm rầu rĩ đi ngược đường, ông Tư lớn tiếng:
            “Chào cụ? Có mạnh khỏe không? Hôm nay trời nắng đẹp quá!”  Ông cụ trả lời qua loa: “Tàm tạm, chưa chết! Chán cái mớ đời.”  Ông Tư nói to: “Việc chi mà chán đời cho mệt cụ ơi. Chưa chết là vui lắm rồi. Cụ có biết là chúng ta đang sung sướng phước hạnh, tội chi phí phạm thời gian để buồn nản?”  Ông cụ thở dài: “Ai cũng có nhiều việc âu lo! Đời đâu có giản dị! À, nầy, mà hình như ông đau chân, bước đi không được bình thường? Thế thì vui nỗi gì? ”  Ông Tư cười lớn: “Vâng, tôi đau chân, nhờ đau chân mà tôi thấy được niềm vui hôm nay lớn hơn, vì còn đi được, bước được, chứ chưa phải nằm nhà. Cụ ơi, nếu lo âu mà giải quyết được những khó khăn, thì nên lo. Nhưng nếu lo âu, mà không giải quyết chi được, thì hãy vui lên, cho đỡ phí phạm ngày tháng trời cho” Ông cụ già lắc đầu bỏ đi.
Ông Tư xà vào ngồi trên ghế đá mát lạnh của công viên dưới tàng cây có bóng nắng lung linh. Nhìn bọn trẻ con chơi đùa la hét lăn lộn trên bãi cát, ông vui lây với cái hồn nhiên của chúng. Bên kia đồi cỏ, có đôi nam nữ nằm dưới gốc cây, kê đầu lên tay nhau, tóc đổ dài óng ánh, thỉnh thoảng vang tiếng cười rúc rích. Đất nước nầy ấm no và thanh bình quá, sao có nhiều người còn kêu ca đời sống khó khăn? Phải chăng những kẻ này chưa biết an phận, muốn được nhiều hơn điều đang có, đang đủ. Không thấy được phước hạnh là lỗi tại họ. Ông dong tay bắt vài tấm lá rơi đang quay cuồng trong gió và lấy bút ghi lên mặt lá mấy giòng thơ vừa thoáng qua trong trí để ca ngợi cuộc đời. Thấy bãi cỏ êm mát, ông nằm dài, những vòng tròn sáng màu vàng rải rắc trên mgười ông. Gió hiu hiu mát từ hồ nước vờn qua làm mơn trớn thịt da. Ông Tư rút từ túi quần một cuốn sách nhỏ có nhan đề “14 ngàn điều làm nên hạnh phúc”. Tác giả tập sách nhỏ nầy, thấy đâu đâu cũng là hạnh phúc tràn đầy. Vấn đề là cảm nhận được cái sung sướng, cái hạnh phúc đang có. Từ việc đặt chân lên một tấm thảm mềm êm ái, đến việc cắn một trái ngọt chín mọng trong miệng, đến mơ mộng được hát trên bục một hộp đêm, nghe một lời nói dịu dàng yêu thương…
            Hạnh phúc và sung sướng cảm nhận được từ những điều rất nhỏ nhặt, đơn sơ, tầm thường nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Không cần phải là ôm chặt người yêu trong vòng tay, cũng chẳng phải vật nhau lăn lộn trên giường, cũng không cần đến việc cầm trong tay cái vé số trúng độc đắc, hoặc làm chủ được một tòa lâu đài sang trọng… Ông nghĩ, chắc sẽ có người cho tác giả tập sách nầy là kẻ “lạc quan tếu”. Nhưng thà lạc quan tếu hơn là bi quan. Đời nầy, có nhiều người đắm mình trong hạnh phúc, mà cứ tưởng đang ngụp lặn trong bể khổ. Hoặc đang được phước hạnh mà không biết và xem thường, chỉ khi mất đi, hay đã trôi qua, mới biết, thì đã quá muộn màng.
            Nắng đã xông hơi nồng nóng, ông Tư đón chuyến xe buýt ra về. Cái vé xe cho người già rẻ rề, chỉ bằng một phần ba vé bình thường. Ông nói lời cám ơn tài xế, và thấy mang ơn những người cùng đi xe công cộng nầy, vì xem như họ đã gián tiếp gánh một phần tiền vé cho ông.
            Về nhà, bà Tư đã dọn sẵn cơm trưa, mời ông rửa ráy cho sạch sẽ mà ra ăn. Thấy ly nước chanh muối, ông cầm uống, chất nước ngọt ngào mằn mặn chua chua, ngon lành đi qua cổ họng. Ông nhìn vợ với ánh mắt thương yêu và nói lời cám ơn cho bà vui. Chưa ăn, mà thấy bát canh bông bí nấu tôm đã biết ngon. Những món thanh đạm này, với ông, còn ngon hơn sơn hào hải vị.
            Ăn xong, còn chút cơm thừa, bà Tư bỏ vào chén, cất vô tủ lạnh, không dám đổ đi, vì sợ phí phạm của trời. Bà nhắc câu nói của ông: “Ngay giờ khắc nầy, trên thế giới có hơn năm trăm triệu người đang đói rã, không có một miếng gì đề ăn, và có hơn vài tỉ người ăn chưa no bụng, và nhiều tỉ người khác quần quật ngày đêm, cũng chỉ mong có đủ no mà thôi.”  Đã từng đói, nên ông bà không dám phí phạm thức ăn.
            Ông Tư mừng vì ăn còn thấy ngon miệng, không như một số người khác, ăn gì cũng như nhai đất sét, không muốn nuốt, vì nhạt miệng, mất vị giác. Một số người khác còn tệ hại hơn nữa, họ không còn ăn bằng miệng được, mà ăn bằng bụng, nhờ ống dẫn thức ăn nối với dạ dày, như đổ xăng cho xe hơi. Ông Tư ngồi vào bàn mở máy vi tính lướt mau tin tức thế giới biến động. Đôi khi thấy gía thị trường chứng khoán tụt dốc xuống thấp, làm nhiều nhà bình luận lo ngại. Nhưng ông Tư cười, ông chẳng thèm để ý, không cần quan ngại chi cả. Chứng khoán lên hay xuống, cũng thế thôi. Ông có lo ngại hay quan tâm cũng chẳng thay đổi được gì. Với số tiền hưu khiêm tốn, và cách ăn tiêu trong khả năng tài chánh, ông bà Tư chưa bao giờ thấy thiếu thốn cái gì. Có một ông bạn khoe rằng nay đã thành triệu phú. Bà Tư đùa và hỏi, triệu phú thì khác người không là triệu phú cái gì? Ông bạn lúng túng ấp úng không biết phải trả lời ra sao. Nhưng ông bà Tư chắc chắn rằng, họ ít tiền, nhưng được sung sướng, đầy đủ hơn nhiều người giàu triệu phú khác.
            Ông Tư rà mắt qua các tin tức và các biến cố mới nhất. Thật là tuyệt diệu và thần kỳ. Chuyện vừa xảy trong giờ trước, đã được tường thuật ngay. Dạo một vòng tin tức xong, ông quay qua mở vi-thư của bạn bè. Có những người bạn xa cách hàng ngàn dặm, mấy chục năm nay chưa gặp lại nhau, mà thư từ qua lại liên miên, tưởng như gần gũi trong gang tấc. Tha hồ hàn huyên tâm sự. Tình cảm qua lại thân thiết chứa chan. Nhờ máy vi-tính, khi viết, tha hồ bôi xoá tẩy sửa lung tung, mà không cần phải xé tờ nầy, viết lại tờ kia, vô cùng tiện lợi. Thư viết xong, chỉ cần một cái nhấp con chuột, bạn ông nhận được ngay tức thì. Không cần phải nhờ bưu điện chuyển đi có khi cả tuần mới đến. Hàng chục lá thư của bạn bè khắp nơi trên thế giới chuyển đến ông đủ điều hay, lạ, nhiều bài thuốc hiệu nghiệm, trăm bản nhạc du dương, ngàn hình ảnh tuyệt vời của các thắng cảnh thiên nhiên, các đoạn phim ngắn đủ thể loại của nhiều vấn đề khác nhau. Ông cám ơn khoa học kỹ thuật tiến bộ, đem thế giới mênh mông lại gần gũi trong không gian và cả thời gian.
            Mỗi khi nghe tin một người già bệnh hoạn qua đời, ông Tư mừng cho họ thoát được thời gian đau yếu sống không chất lượng. Nhiều người nằm liệt vài ba năm, không sống, không chết. Còn có những kẻ phải cưa tay cưa chân. Ông vẫn thường mong sau này, nếu được chết, thì chết mau chóng, yên lành, khỏi qua thời gian bệnh hoạn lâu ngày.
Có một bạn già mỉa mai, cho ông Tư là “kẻ tự sướng” ông chỉ cười và nói: “Thà tự sướng hơn là tự khổ”. Ông Tư thường nghĩ rằng, ông đã và đang được quá nhiều phước hạnh của trời ban, nhiều ân nghĩa của nhân loại, xã hội, nhiều tình thương của gia đình, bạn bè, người quen và cả chưa quen. Ông thấy sung sướng hạnh phúc. Ông tội nghiệp cho những người suốt đời than van, nắng không ưa, mưa không chịu, và tự bôi đen ngày tháng đẹp đẽ của họ, và dìm đời vào bất mãn, khổ đau”. (Truyện kể trích từ sách Cổ Học Tinh Hoa)

Nói cho cùng, triết-lý sống kiểu của ông Tư tưởng như chỉ thích-hợp với thời xưa cổ, mà thấy quá chí-lý để có một đời vui sống. Triết-lý này, từng được thánh-nhân hiền-lành từng nhận-định cách cương quyết, khi bảo rằng;

“Không phải chỉ có thế;
chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân,
vì biết rằng:
ai gặp gian truân thì quen chịu đựng;
ai quen chịu đựng,
thì được kể là người trung kiên;
ai được công nhận là trung kiên,
thì có quyền trông cậy
(Rm 5: 3-4)

Nghe thế rồi, cộng vớ nhân-sinh-quan của bạn đạo trong đời vẫn bảo: “Sinh-Lão-Bệnh-Tử” là bài học muôn đời để mọi người, cả xưa lẫn nay, cứ học biết mà sống cho đúng, rất con người.

Trần Ngọc Mười Hai
Nay hơi lẩn thẩn mời gọi mọi người
Ta về tắm với ao ta,
suy cả chuyện cổ lẫn tân thời.  
Thế mới đúng.