Saturday 30 August 2008

“Đời mình trong năm tháng sẽ qua, lo gì sau này!”

ngồi đây, ta cùng hát khúc tình ca,

và sẽ trao nhau tình yêu

tiếc nhau chi cho nhau phút này, nhớ nhau muôn đời.”

(Trường Kỳ - Sealed with a kiss)

(Mt 5: 7)

Trong hành trình cuộc sống, bần đạo xin được phiếm với bầu bạn, về những tư tưởng vừa bắt chụp, rất sâu sắc. Ngắn gọn. Của vị cha già nhà Đạo có lập trường rất Đạo, và có đức. Có ý thức. Trách nhiệm. Cũng rất vui. Vui như ý tưởng chủ lực về cây thập tự cha già vẫn đeo nơi ngực, có hình Chúa Phục Sinh. Thay cho hình Chúa tử nạn. Cha già Hồng y Godfried Daneels - người Bỉ, có tiếng là cấp tiến, đã trả lời các câu hỏi của phóng viên Robert Mickens, như sau:

“Ảnh tượng trên thập tự nhỏ tôi đeo nơi ngực, là ảnh tượng Chúa Phục Sinh, chứ không phải là Chúa chết thảm. Thập tự, trị giá chỉ đáng nửa Euro tôi mua được ở Rôma, vào bữa trước. Nhưng không vì giá rẻ mạt, mà ảnh và tượng mất đi ý nghĩa cao cả của thập tự. Tôi rất thích thập tự này, vì nó diễn tả được ý nghĩa Chúa sống lại, ngay thập tự. Đây, là tư tưởng mang sắc mầu thánh sử, mà thánh Gioan ghi chú.

Nếu anh nhìn cây thập giá có Chúa chịu đóng đinh, thì điều này cũng đúng. Nhưng, nếu anh nhìn vào toàn cảnh chúng ta vẫn có trước ngày Chúa sống lại, anh sẽ thấy là chúng ta đang sống vào thời buổi đến sau ngày Chúa Phục Hồi Sinh Lực… Và, chúng ta vẫn sống như thế, đã từ lâu.” (Robert Mickens – Where have all the thinkers gone? The Tablet 31/5/2008)

Còn nhớ, nơi xứ họ nhỏ bần đạo sống, có vị linh mục chánh xứ buổi trước, tuổi đời còn khá trẻ, thụ phong linh mục làm cha chính cũng được có 7 niên. Nhưng ông đã can đảm thay ảnh tượng bằng đất, Chúa gục đầu trên thập tự, bằng ảnh tượng Chúa ngẩng đầu, rất Phục Sinh. Hai tay Chúa giang rộng, như muốn ôm choàng vào lòng Ngài, đàn con ngoan thấp bé, đang thầm lặng nguyện cầu. Nguyện cầu, nơi giáo đường im ắng ấy. Và vị linh mục trẻ, sau những thay và những đổi như thế, đã thu hút rất nhiều giáo dân người Tây đã lỡ trớn cuồng chân vội đi hoang. Nay hồi hướng trở về.

Tản mạn đầy chất phiếm về thập giá có Chúa Phục Sinh, bần đạo lại liên tưởng đến bài ca đầy ắp những tình tự thân thương trích dẫn ở trên, với những giòng chảy lãng mạn đại loại như sau:

“Còn mấy lúc như ngày hôm nay?

Đời hết nghĩa nếu không tình yêu

Rồi sẽ đến lúc ta cùng chia tay…

Yêu nhau đi, không buồn không tiếc!

Nếu có đến, khi ta rồi xa… tim còn mơ màng… “(Trường Kỳ - bđd)

Tim mơ màng. Mơ về tình yêu, là điều Chúa vẫn nhắn và vẫn nhủ:

Phúc thay, cho ai có lòng thương người,

vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”

(Mt 5: 7)

Và, Phê-rô thánh-nhân, vị tông đồ rất gần với Chúa, cũng thêm rằng:

Trước hết, anh em hãy hết tình

mà yêu thương nhau,

vì lòng yêu thương

che phủ muôn vàn tội lỗi.”

(1P 4: 8)

Là thánh nhân. Hay chỉ là con dân với “muôn vàn lỗi phạm”, ắt hẳn vẫn thấy có nhiều điều hiện rất rõ ở muôn người, là: “tình yêu che phủ cuộc sống”, khắp nơi nơi. Che bây giờ. Phủ mãi về sau. Khi gần nhau. Hay khi “sống mãi trong tình”, như người nghệ sĩ viết lời cho nhạc bản, của Brian Hyland:

Tình yêu, ta còn mãi về sau,

còn nhớ khi ta gần nhau,

đã trao nhau, bao niềm yêu mến…

mình sống mãi trong tình yêu…

… mình sống mãi trong tình yêu…” (Trường Kỳ - Sealed with a kiss)

Sống mãi trong tình yêu. Dù tình đó, chỉ diễn ra với hai người. Rất đơn lẻ. Hoặc, tình này vẫn trải dài khắp nơi nơi. Vẫn là thứ tình mà Chúa nói đến, trong đời rao giảng suốt nhiều năm. Từng cây số. Nơi ngõ nhỏ. Ở đất miền vùng xa, xứ Do thái. Độ trước. Hay, chốn nhân trần ta sống ở nơi đây. Nơi, có cha già Hồng Y Godfried Daneels đang chuyển tải cho thế hệ mai ngày. Cho xứ đạo nhỏ chốn ắng im. Mọi miền. Nơi, có lời thổ lộ chân tình, về Hội thánh thời hậu Công Đồng Vatican, thứ Hai:

“Phải thú thật rằng: với tôi, Công Đồng Vatican Hai là tất cả trọng tâm cuộc đời, tôi quyết sống. Trọn cuộc đời, tôi vẫn cố áp dụng những gì Công Đồng đặt ra, nhất là: nền phụng vụ. Là giáo lý. Và, tương quan Hội thánh, ở thế trần…”

Hơn 31 năm làm giám mục, cha già Hồng y Daneels đã tìm cách khích lệ các linh mục cũng như dân con nhà Đạo dưới trướng, rằng: “anh em hãy cố mà học hỏi về Công Đồng chung. Hãy cùng nhau hợp tác mà làm việc trong chung sức. Bởi, hợp tác với các tầng lớp giáo dân vẫn luôn là điều cần thiết. Nhất thứ, ở vào thời đại mà số giáo sĩ của ta cứ ngày một giảm sút, suy sụp”

Tuy nhiên, theo cha già, điều gây khiếp sợ đến với Hội thánh, không nằm ở sự kiện có sút giảm hay không, trong hàng ngũ tu sĩ/linh mục. Nhưng cho bằng, hiện nay không có nhiều khuôn mặt rực rỡ - thông thái, trong Giáo triều. Giáo triều mà cha già nói đến, là các “thượng hội đồng giám mục” mà ngài có cơ hội tham dự, suốt từ thập niên 80 đến nay. Năm 2008. Về chuyện này, ngài nói thêm:

“Khi tôi đưa mắt nhìn về các thượng hội đồng giám mục có mặt ở nhiều buổi, tôi thấy rất nhiều vị chủ chăn tốt lành có tâm hồn mục vụ, thật đấy. Các ngài rất mực là mục tử nhân hiền. Nhưng đôi lúc, tôi chợt nghĩ: sẽ còn tốt lành hơn biết mấy. Nếu như chỉ cần có đến 5% thôi, trong số các giám mục ấy, là các nhà tư tưởng. Các nhà thông thái. Đầy lòng nhiệt huyết! Điều mà chúng ta cần, là trong số các giám mục và hồng y hiện hữu trong Giáo hội của ta, phải có nhiều khuôn mặt thật sự thông minh, đầy trí thức. Rất cần thiết!”(R. Mickens, bđd)

Đề cập đến vấn đề hôn nhân - gia đình, cha già Hồng y Daneels cũng có nói: “Hội thánh, với tư cách một thể chế, và bản thân tôi, chưa làm được gì nhiều cho các gia đình...” Và khi nhà báo R. Mickens gạn hỏi rằng: trên thực tế, có điều gì khiến cho cha nghĩ là mình có thể làm được nhiều hơn không? Thì, cha già đáp ngay không do dự: lẽ đáng ra, chúng ta đã phải làm nhiều điều tích cực hơn, để khuyến khích và hỗ trợ các gia đình đang sống đàng hoàng, vững ổn. Hơn là, ta chỉ chú trọng đến các gia đình đổ vỡ. Ngài nói: “Các gia đình tốt lành thường có cảm giác như mình đang là những đứa con mồ côi, đơn chiếc. Đôi lúc, Hội thánh chúng ta đã quên rằng mình là một người mẹ, rất hiền.”

Và cuối cùng, cha già còn bàn thêm với nhà báo Robert Mickens: về lối sống khiêm nhu, tức: điều mà ngài muốn gửi gắm để lại cho hậu thế, sau khi cha già tạ thế. Trong các lần được phỏng vấn, cha già luôn nhắc lại câu nói của thánh Phanxicô Assisi, rằng: ta nên sử dụng như phương châm để vui sống suốt đời, là: “Đừng bao giờ nên để bất cứ ai đến với mình, lại cảm thấy nản lòng mà bỏ đi trong sầu buồn”.

Trở về với nền thi ca, âm nhạc ngoài đời, chừng như câu nói của thánh nhân cũng tương tự lời ca năm xưa của người nghệ sĩ, ghi ở nhạc bản nêu trên:

“ Ngồi bên nhau cất tiếng ca… say tình chan hoà

ngàn mây xanh cùng sống ngút ngàn xa,

đời thắm tươi như ngàn hoa

nắng say say như vang tiếng cười… thiết tha yêu đời.” (Trường kỳ - bđd)

Thiết tha yêu đời. Hay, say tình chan hoà. Phải chăng là lời lẽ của người nhà Đạo, ta vẫn sống trong đời. Vẫn luôn nói. Bởi, có thiết tha yêu đời, mới thấy là đời mình vẫn tươi thắm như ngàn hoa. Như mây xanh. Mây vui cuộc đời. Vào mọi lúc. Chí ít, là những buổi, những lúc người người có được cảm nghiệm, như giòng chảy về “cử chỉ đẹp”, trong đời gia đình riêng tây hoặc rộng lớn chốn thị thành, mà người linh mục rất anh em của bần đạo ghi nhận, ở dưới:

“Bà Foreman dừng chiếc xe hơi của mình ngay ở một trạm thu phí giao thông trên xa lộ cao tốc. Liếc mắt qua kính chiếu hậu, bà thấy cả một dãy dài xe hơi, sau mình. Bà chợt nảy ra một ý định vui vui: quay kính xe xuống, đưa cho người bán vé một tờ 5 đô và bảo: “Bác ơi, tôi mua 5 vé nữa cho 5 chiếc xe sau tôi, chỗ tiền dư tôi xin biếu hết cho bác, nhé!”

Không kịp để cho người bán vé thắc mắc vì quá sức ngạc nhiên, Bà Foreman quay kính xe, đạp ga, lái đi ngay. Bà hình dung trong đầu cùng một ngạc nhiên đầy thích thú ấy nơi 5 người tài xế chạy theo sau, mà bà không hề quen biết. Bà không dẫn đến lời cám ơn. Cũng chỉ là “một cử chỉ đẹp” nho nhỏ, mà thôi. Có đáng gì đâu!

Về đến nhà, bà Foreman vừa làm bếp, vừa tủm tỉm cười một mình vì nhớ lại chuyện sáng nay, xảy ra trên đường. Ông chồng già để ý thấy, lấy làm lạ. Đến bữa ăn trưa, ông lựa lời hỏi; bà mới kể lại đầu đuôi. Đến lượt mình, ông cũng cảm thấy vui lây niềm vui nho nhỏ ấy…

Chiều đến, vào trường dạy môn Giáo dục Công dân, ông Foreman quyết định làm một “cử chỉ đẹp” bằng cách dùng chính câu chuyện về “cử chỉ đẹp” của vợ để dẫn nhập cho bài học. Học sinh của ông, bỗng lặng đi một thoáng chốc, rồi đồng loạt vỗ tay hoan hô, sau lời kết thúc của ông thầy.: “Các em hãy nhớ là niềm vui sống khởi đi từ những chuyện bình thường nho nhỏ như thế. Mỗi ngày, ước gì mỗi người trong chúng ta đều làm được ít nhất một ‘cử chỉ đẹp’ tương tự.”

Ở trong lớp, hôm ấy, có cô bé tên Mary vốn là học sinh “cá biệt”, luôn bướng bỉnh, lì lợm. Hệt như “con chim lười” trong gia đình. Về nhà, hôm nay cô lại có tâm trạng hết sức hân hoan phấn khởi, nhất quyết làm một “cử chỉ đẹp”, với mẹ cha. Cô lặng lẽ thu dọn, lau chùi , quét tước, nấu nướng và giặt giũ xong xuôi mọi việc trước khi người mẹ từ xưởng làm và người cha từ toà báo, trở về nhà.Vào chập tối, hai ông bà bước vào nhà, nhận ra ngay là hôm nay đã có sự gì đổi thay kỳ lạ nơi cô con gái đang tuổi “nổi chướng”. Gạn hỏi mãi, cô mới kể lại câu chuyện về “cử chỉ đẹp” mà cô được nghe thầy Foreman kể lại trong lớp. Cô hứa với ba mẹ, là từ hôm nay, tất cả mọi chuyện cô làm ở nhà sẽ không là “cử chỉ đẹp” duy nhất, chỉ một lần rồi thôi, đâu.

Sau cơm tối, niềm an vui đầm ấm toả khắp căn nhà. Và, ông Alfonse, cha của Mary, vốn là phóng viên báo chí ở địa phương, nơi gia đình cô sinh sống, rất khoan khoái ngồi vào bàn làm việc, mặt mày hớn hở. Ông quyết định phải viết ngay một bài, về câu chuyện “cử chỉ đẹp”… Chiều hôm sau, cả miền đều xôn xao rộn rã, khi mọi người đọc được bài báo ấy. Người ta bảo nhau, ít nhất mỗi ngày, hãy nhớ làm một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ, cho nhau. Cho cuộc đời.

Cha xứ họ đạo, cũng đã đưa câu chuyện này vào bài giảng thánh lễ Chúa nhật hôm đó. Có diễn giả cũng đã chọn câu chuyện “cử chỉ đẹp” làm chủ đề, cho buổi mạn đàm ở hội trường, của thị trấn. Một bà mẹ kể lại cho con nhỏ của mình nghe về “cử chỉ đẹp”, thay cho lời ru nhẹ, vào buổi tối. Có đôi bạn trẻ đang yêu, cũng thoả thuận từ nay sẽ dành cho nhau nhiều “cử chỉ đẹp” thay cho mấy trò giận hờn, vô bổ. Ngoài đường phố, người ta đã thôi không còn vứt rác rưởi và bã kẹo cao su, bừa bãi nơi công lộ, nữa.

Các tài xế, nay cũng đã quyết tâm không làm bắn nước tung toé lên người khách bộ hành, đi cạnh bên. Một chú “Sói Con”, bước khỏi nhà, thắt chiếc nút nhỏ ở chéo đuôi khăn quàng trên ngực, cũng tự nhủ sẽ làm một “cử chỉ đẹp” trên đường đến công viện họp bạn Hướng Đạo. Ở nhà giam, viên cai ngục bẳn tính kia, cũng quyết định sẽ có nhiều “cử chỉ đẹp” với tù nhân. Người đi chợ, mua hàng ở siêu thị cũng quyết định sẽ nói lời lịch sự, biết cám ơn. Còn cô thâu ngân viên, thường hay cau có, nay đã biết mỉm nụ cười khả ái, với khách hàng. Cầu thủ bóng đá lừng danh chơi xấu, giờ đây đã nhất quyết trong trận đấu cuối tuần, sẽ chạy đến đỡ đần cầu thủ bạn bị té ngã, biết xin lỗi…(Lm Tiến Lộc CssR, ghi nhanh từ một họp bạn, Hướng Đạo)

Vâng, “cử chỉ đẹp” nào tuy nhỏ, cũng đã đổi thay cả xã hội. Cả gia đình rộng lớn, khắp nơi. Trao cho nhau “cử chỉ đẹp”, dù không lớn, là trao tình cộng đoàn. Của gia đình đàng hoàng. Trao cho nhau “cử chỉ đẹp”, là: “Hãy trao cho nhau tình yêu… để nhớ nhau muôn đời.”

Trao cho nhau tình yêu, không cần phải là chuyện to tát. Cũng chẳng cần lời lẽ “nổ ròn”, nhiều phô trương. Hoành tráng. Chỉ cần, một cử chỉ nho nhỏ, nhưng rất đẹp. Đẹp như cử chỉ của lão bà Foreman, ở khắp nơi. Đẹp như, lời nhắn nhủ từ người nghệ sĩ, vẫn từng hát:

“Đời thắm tươi như ngàn hoa

Nắng say say như vang tiếng cười...

thiết tha yêu đời.” (Trường Kỳ- bđd)

Vâng. Bấy nhiêu thôi, cũng đủ. Cho cuộc đời. Của mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn muốn kêu mời bạn bè

trao cho nhau một cử chỉ

rất nhè nhẹ tâm tình,

Như tình yêu.

Trong đời.

Sunday 24 August 2008

“Không! Tôi không còn yêu em nữa”

Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em

Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa em ơi!

(Nguyễn Ánh 9 – Không)

(Lc 20: 21)

Nếu chỉ nghe, Elvis Phương hát lời ca trên đây rồi thôi, có lẽ bạn và tôi sẽ nghĩ là: hai người được nói trong bài hát, không còn yêu nhau nữa. Không yêu, có lẽ bởi vì:

“Tình đời thay trắng đổi đen

Tình đời còn lắm bon chen

Tình đời còn lắm đam mê

Nên tình còn lắm ê chề.”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Không hẳn là như thế. Bởi, nếu bạn và tôi, có dịp nghe dĩa nhạc DVD “Lặng Lẽ tiếng dương cầm”, thấy chuyên gia Vĩnh Lạc, phân tách ý nhạc/lời thơ của tác giả, mà anh gọi là “Quãng 5 quãng 4 và Nguyễn Ánh 9”, ta sẽ còn mang trong đầu rất nhiều điều, để phân vân. Bàn bạc. Rất nhiều điều, để phiếm. Phiếm chuyện đời. Phiếm cả chuyện Đạo.

Thật sự, thì tình đời nhiều lúc cũng chẳng “thay trắng đổi đen”, được nhiều thứ. Có thay hoặc có đổi, cũng chỉ vì người đời “còn lắm bon chen”. Còn lắm ”đam mê”. Nên, mới “ê chề”. Chỉ có thế. Dẫu sao, thì bạn và tôi, ta cũng đừng vội theo vết dấu chân người, để nói chữ “Không!” Không yêu. Không tin. Và, không tạo uy tín, với nhà Đạo.

Về những uy tín và niềm tin yêu đã ê chề, thì vừa qua ở Hội Thế Vận Bắc Kinh, đã xảy ra một hiện tượng rất ư lạ lùng. Được bật mí, ngay sau buổi lễ khai mạc đầy hoành tráng. Long trọng. Hùng vĩ. Số là, ban tổ chức Bắc Kinh có thói quen coi thường dư luận. Coi thường, cả chữ “tín” và chữ “yêu” của hàng triệu người dự khán. Dám đánh tráo, diện mạo và giọng hát của hai nghệ sĩ tuổi nhỏ, tên là Yang Peiyi và Lin Miaoke.

Đánh tráo hoặc tráo trở, chẳng thể nào là đặc điểm của người vốn có chữ “tín”, bấy lâu nay. Nhưng, với một cử toạ đông hàng tỷ người, vừa mới chứng kiến cảnh thề nguyền sẽ tôn trọng tinh thần thượng võ. Sau đó, lại cứ thản nhiên làm công việc đánh tráo hai người trẻ. Rất dễ tin. Thì đây, quả là hiện tượng ít thấy.

Có một điều, mà mọi người đều nhận ra, đó là: việc làm tráo trở kia, lại diễn bày ra trước mặt các em bé, rất còn trẻ. Tức, những người trẻ và bé, vẫn còn niềm tin yêu. Còn chữ “tín”. Hiện tượng trên, sẽ chẳng là gì đối với nền kinh tế chính trị, nhiều tráo trở. Chẳng cần ai tin. Nhưng lại rất tệ hại, đối với nền đạo đức - chức năng, của loài người.

Còn nhớ, có lần Đức Chúa từng khuyên bảo:

“Kẻ nào nên cớ vấp phạm cho

một trong những kẻ bé mọn

đang tin Thầy,

thì thà nó bị khoanh cối đá vào cổ

và nhận chìm xuống đáy biển,

còn hơn.”

(Mt 18: 6)

Đành rằng, đòi hỏi về đạo đức ở trên, là một đòi hỏi rất gay gắt. Không thể bỏ qua, hoặc coi thường. Bởi, nó có tính nghiêm trọng, được coi như gương mẫu cho mọi người, để mà sống. Chí ít, là những gương và mẫu về “chữ tín”. Còn nhớ, các cụ nhà mình khi xưa, vẫn có câu nói để đời, khuyên con cháu dứt quyết một điều: một sự bất tín, vạn sự không tin.

Không tin, ở đây không phải bởi vì ta chưa nhìn ra được sự thật, Chúa vẫn nói. Không tin và chẳng giữ chữ “tín”, là bởi mọi người quanh ta không muốn bị lừa đảo. Tráo trở. Và, cũng chẳng muốn nên cớ vấp phạm, cho trẻ nhỏ. Nhưng, ở hội thế vận Bắc Kinh năm 2008, người ta đã làm cả hai chuyện đánh tráo và đảo lừa, không nương tay. Chẳng sợ gì.

Đánh tráo và đảo lừa, đã trở thành chuyện lớn, rất nghiêm trọng vì nên cớ vấp phạm, cho trẻ bé. Nói nghiêm trọng, là bởi tinh thần của vận hội thế giới xưa nay, vẫn là nguồn hứng khởi cao sang, được đề cao, mang đến với giới trẻ. Nhất là giới trẻ thế giới, mới vừa cùng nhau quây quần, họp mặt. Tuổi trẻ họp mặt, lúc nào cũng đề cao tinh thần thượng võ, không đảo lừa. Chẳng đùa giỡn với niềm tin. Với chữ “tín”. Tức, tính chính trực, trong mọi chuyện.

Về tính chính-trực, hẳn ai cũng còn nhớ lời thư tâm tình của thánh Phao-lô gửi đồ đệ Ti-tô:

“Chính anh hãy làm gương

về mặt đức hạnh.

Khi anh giảng dạy,

thì đạo lý phải tinh tuyền,

thái độ phải đàng hoàng,

lời lẽ phải lành mạnh…´

(Ti 2: 7)

Xem thế thì, đức hạnh trong gương mẫu, tinh tuyền trong đạo lý, và đàng hoàng nơi thái độ, nhất nhất đều có thể gọi đó là: chính và trực. Và chính trực, là đức tính cần áp dụng cho hết mọi người. Cả người nhà Đạo, lẫn kẻ lươn lẹo chốn bán buôn. Tuyên truyền.

Trong buôn bán, ta vẫn thấy cụm từ “In God we trust” (“ta tin tưởng nơi Đức Chúa”) trên hầu hết các tờ giấy bạc vô tri vô giác của Hiệp Chủng Quốc, nước Hoa Kỳ. Xem như thế, chữ tín hay đức tính chính trực hay gì gì đi nữa, vẫn cứ là kim chỉ nam, trong sống cùng - sống với, mọi người.

Bởi lẽ, sống chính trực với hết mọi người, vẫn luôn là mục tiêu của cuộc sống, ở xã hội cổ xưa hoặc đương đại. Tính chính-đại và cương-trực thấy có ở xã hội loài người, vẫn là chuyện ngàn đời. Cần thiết phải được duy trì, gìn giữ. Cho dù, đó là chuyện khó giữ, trong cuộc đời. Một đời, gồm những người chỉ lo toan kiếm tìm giàu có. Tiếng tăm. Quyền bính.

Với nhà Đạo, sống chính-đại và cương-trực là sống chân phương, biết tôn trọng sự thật, như nhận định ta nghe biết:

"Thưa Thầy,

chúng tôi biết Thầy là người chân thật.

Thầy chẳng vị nể ai,

vì Thầy không cứ bề ngoài

mà đánh giá người ta,

nhưng theo sự thật

mà dạy đường lối của Thiên Chúa..”

(Mc 12: 14)

Ở đời thường, người người thấy rất khó để sống chân phương, lương thiện. Rất chính và trực. Nên, mới thấy “ê chề”, về cuộc sống. Thấy ngán ngẫm, một cuộc tình. Tình đời. Tình người:

“Tình mình, có nghĩa gì đâu

Tình mình, đà lắm thương đau

Tình mình, gian dối cho nhau

Thôi đành, hẹn lại kiếp sau.”

(Nguyễn Ánh 9 – bđd)

Quá ê chề ,với tình người ở huyện đời thường, nên người người nay cứ hát:

“Một lời cuối cho em, một lời cuối cho em

Khi tình ta hôm nay đã tàn phai

Một lời cuối cho em, một lời cuối cho em

Kiếp sau chờ nhau, sẽ hết những niềm đau.”

(Nguyễn Ánh 9 – Một lời cuối cho em)

Sống thực tế, ta chẳng thể nào chờ đến kiếp sau, nếu con người để mất chữ “tín”. Vẫn đánh tráo. Đảo lừa. Lừa em nhỏ, chỉ lên chín. Trong đó có Yang Peiyi. Có Lin Miaoke. Như ở vận hội thế giới Bắc Kinh, năm 2008. Thế giới hôm nay, dù đang ganh đua ở lễ hội một vận động. Hay, sẽ thi đấu ở nơi nào khác, sẽ chỉ có thể sống lương thiện – hài hoà, nếu biết tôn trọng sự thật. Sự thật, mà cả nơi nhà Đạo, vẫn thấy có kẻ lươn lẹo gài bẫy cạm. Trâng tráo. Đảo lừa:

“Chúng tôi biết Thầy nói Thầy dạy

cách ngay chính

Thầy không nể mặt;

Nhưng dạy đường lối của Thiên Chúa

Cách ngay thật.”

(Lc 20: 21)

Và, còn lại vấn đề với thế giới hôm nay, là sự Ngay Thật. Ngay thật, trong ăn nói. Trong thái độ. Ngay thật, trong phương cách đối xử. Chọn lựa. Chọn minh bạch. Lựa trong sáng. Mang chân thiện mỹ, đến với mọi nơi. Đó chính điểm là khác biệt giữa sự Đạo. Chuyện đời. Một đời, có những truyện rất cần đến Đạo. Dù, chỉ là đạo làm người. Ăn ngay. Nói thật. Như truyện kể để minh hoạ, ở bên dưới:

“Một lão bà trọng tuổi đang phom phom lái xe, trên xa lộ không đèn, rất ngon trớn. Bỗng, từ đâu đó vọt lên phía đằng trước, chiếc môtô công lộ, có viên cảnh sát trờ tới lễ phép ra dấu cho cụ ngừng lại. Chừng như, anh kết tội: cụ chạy quá tốc độ!!.

Lão bà rất bình tĩnh, vẫn ngồi trên xe, ngước nhìn về phía cửa, hỏi:

-Có chuyện gì thế, thưa ngài cảnh sát?

-Dạ thưa bà, bà vừa lái xe quá tốc độ.

-À, ra thế đấy!

-Xin bà cho xem bằng lái.

-Tôi không có bằng. Nếu có, đã xuất ngay đưa cho ngài.

-Bà lái xe mà không có bằng, ư?

-Cách đây 4 năm, tôi bị treo bằng vì tội uống rượu mà lại lái xe.

-Thì ra, là thế. Thồi thì, bà cho xem giấy đăng bộ xe.

-Việc này, tôi cũng không thể làm được.

-Tại sao thế?

-Bởi, xe này đâu phải của tôi. Tôi vừa chôm được nó, cách đây ít phút.

-Bà già như thế, mà cũng biết chôm xe xịn này sao?

-Đúng thế đấy. Tôi còn bắn chết tên tài xế, và vứt xác hắn ta trong bình thùng, nữa.

-Bà nói gì?

-Thì, cũng chỉ muốn nói là: tôi băm xác hắn ta thành 3 khúc, mới nhét vừa thùng xe.

Viên cảnh sát, bèn liếc mắt về phía sau, thấy khả nghi. Anh nhìn bà lão một lúc, rồi đi về phía chiếc xe đang chớp đèn, dùng máy điện đàm gọi tiếp viện. Vài phút sau, đã thấy lố nhố toàn xe mầu trắng, chớp đèn, làm náo loạn cả cõi không. Rất hồi hộp. Bước từ một chiếc xe chớp đèn mầu đen, là viên chức có dáng dấp rất lão thành, tay lăm le khẩu súng lục, bước đến gần lão bà, và hỏi:

-Yêu cầu bà lái, bước xuống xe.

Lão bà răm rắp tuân lệnh, rồi hỏi:

-Có chuyện gì mà nghiêm trọng thế, thưa các vị?

-Nhân viên công lực chúng tôi báo cáo là bà đã ăn cắp xe này, giết chết tài xế và…

-Giết chết tài xế ư, một lão bà già như tôi?

-Đúng thế. Yêu cầu bà mở “cốp” xe.

Lão bà tuân lệnh. Nhưng chẳng thấy gì. Thùng xe trống trơn. Cả đến đồ đạc cũng không có. Viên cảnh sát cao cấp tiếp tục hỏi:

-Xe này, có đúng là của bà không?

-Rất đúng. Tôi có giấy tờ đăng bộ chứng minh đây.

Viên cảnh sát rất ngạc nhiên, hết nhìn bà lão rồi lại quay qua đồng nghiệp. Hết ý. Anh nói tiếp:

-Đồng nghiệp của chúng tôi vừa báo cáo là: bà lái xe mà không có bằng lái. Đây chỉ là giấy tờ xe, thôi.

Lão bà, rút trong ví bóp ra, chiếc thẻ nhựa ghi đầy đủ chi tiết tên tuổi, có cả hình. Cảnh sát viên xem xét kỹ, thấy khó nghĩ:

-Người đồng nghiệp của chúng tôi có nói là bà không có bằng lái. Lại ăn cắp xe. Giết tài xế. Rồi vứt xác người này vào thùng phía sau…

Cụ bà ngắt lời:

-Cái tay láo khoét ấy chắc còn nói là tôi lái xe quá tốc độ, nữa phải không?

Truyện kể chỉ có thế. Cũng để nói lên một điều, là: ngày hôm nay, trong quá trình giao tế với đời. Đời người, có lối sống văn minh. Lịch sự. Uy tín. Nhưng người đời, chừng như để lạc mất chữ “tín”, ở đâu đó. Hết còn tin. Vì hết tin, nên cuộc sống không còn đượm nhiều ý nghĩa, như ngày trước.

Đó có thể, là lý do khiến người nghệ sĩ đã thở than: “Tình đời thay trắng đổi đen. Đớn đau. Ê chề.” Để sống không còn thấy ê chề, dối gian. Không đánh tráo. Đảo lừa. Có lẽ, ta nên trở về với cội nguồn, mà: “làm gương, về mặt đức hạnh” (Ti 2: 7). Và, đừng “nên cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn” (Mt 18: 6). Dù chỉ để thi đua. Trình diễn. Tuyên truyền. Có như thế, đời mới đáng sống. Đạo mới tồn tại.

Trần Ngọc Mười Hai

Đã bức xúc,

lòng hỏi lòng

khi nghe tin có giối dan, đảo lừa

trong thi đấu ở Bắc Kinh.

Monday 18 August 2008

“Chiều nay mưa trên phố Huế”

Tiếng mưa còn vương kỷ niệm Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ anh còn nhớ không? Chợ Đông Ba khi mình qua Lá me bay bay là đà Chiều thiết tha có anh bên mình mà ngỡ hôm qua

(Minh Kỳ - Mưa trên phố Huế)

(Cv 24: 3)

Lại nói về mưa. Mưa đâu cũng là mưa. Nhưng đâu bằng, mưa trên phố Huế. Đâu cũng mưa, nhưng mưa ở đâu cũng không đẹp bằng “mưa trên phố Huế”. Đẹp như Huế. Có Huế, rất hay mưa.

Thật tình, thì bần đạo nài xin bầu bạn đang đọc giòng chữ này thứ tha cho cái tội cứ phải nghe mãi về Huế. Nói khá nhiều, về mưa. Bần đạo sống ở Huế có hơn ngàn ngày, cũng đã thương và thấy nhớ. Thương nhớ Huế, với nỗi lòng của người thân yêu đất “thần (rất) kinh”:

Chiều nay mưa trên phố Huế

Kiếp giang hồ không bến đợi

Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài

cho lòng nhớ ai

Ngày chia tay hôm nao còn đây

Nước trên sông Hương còn đầy

Tình đã xa gió mưa u hoài,

Mắt lệ ngày dài.” (Minh Kỳ - bđd)

Hôm nay đây, giả như bần đạo thay chữ “Huế” bằng cụm từ “ở đâu và lúc nào”, ta sẽ có câu dặn dò nhắn nhủ, rất để đời:

“Ở đâu và lúc nào

chúng tôi cũng đón nhận những ân huệ ấy

với tất cả lòng biết ơn.”

(Cv 24: 3)

Thật ra, chẳng vì cứ thấy mưa trên phố Huế, là bạn và tôi, ta liên tưởng đến vinh quang của Cha. Nhưng, kinh nghiệm của người con như bần đạo, hễ thấy mưa là thấy nhớ. Không nhớ người, nhớ cảnh. Cho bằng, nhớ đến ân huệ sa mưa, nơi lòng mình. Và lòng người. Ân huệ sa mưa, là bằng chứng của tình thương Chúa đổ tràn. Vào mọi lúc.

Có lần, bần đạo cũng từng thưa: tất cả là “huệ ân”. Huệ và ân, nằm ở điểm: dù gặp điều không hay hoặc bất ưng, ở trong hay ngoài cộng đoàn lớn nhỏ, thì mình cứ nên coi đó như huệ, như ân. Để mình tự cảnh giác. Và trỗi dậy. Trong bừng sáng, rất biết ơn.

Trong tinh thần đón nhận huệ ân từ Trên, cũng cần có thái độ sống thích hợp. Dù, ân huệ có là lời khen chê/chỉ trích. Dù, được hỗ trợ hay vẫn bị vùi dập. Dù, quà tặng ấy có là tình thương, hay vẫn chỉ là tai hoạ. Thì, mọi sự vẫn cứ là ân huệ. Huệ và ân, như quà tặng, bất kỳ từ nơi đâu.

Từ thái độ ấy, nay xin coi những giòng chảy bên dưới, là ân huệ riêng tây, rất nhạy cảm. Cho bạn. Cho tôi. Cho mọi người. Giòng chảy tư tưởng, là ân huệ thân thương. Rất hiền hoà. Của một linh mục ký tên rất riêng Tây, Lm Ron Rolheiser, có đôi điều cần nhắc:

“Tin Mừng buổi Tạ Từ chiều hôm trước, thánh Gio-an mô tả cảnh Thầy Chí Thánh đứng lên rửa chân cho đồ đệ, với lời lẽ rất chân tình: Cha đã giao phó mọi sự trong tay Ngài, và Ngài bởi Thiên Chúa mà đến, và đang đi về cùng Thiên Chúa, nên trong bữa ấy, Ngài đã chỗi dậy, cảo áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng mình. Đoạn, Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đồ cùng lấy khăn thắt lưng mình mà lau” (Yn 13: 4-5).

Khi thánh Yoan mô tả việc Chúa “cởi áo ngoài ra”, thánh nhân muốn nói lên nhiều điều chứ không chỉ mỗi động tác rũ bỏ lớp vải áo phủ ngoài thân mình, hoặc rút khăn quấn ngang lưng theo cung cách quen thuộc của người thời ấy, rửa chân ai.

Chử chỉ Ngài làm, là để loại bỏ đi niềm tự hào mà người người vẫn thấy khó. Khó ở chỗ, dám cúi gập người lom khom kỳ cọ chân đất dính bụi của ai khác không phải chính mình. Để làm việc này, Đức Giê-su đã cởi bỏ rất nhiều thứ bên ngoài. Những là: niềm kiêu hãnh, phê phán lòng đạo phong thái “hơn hẳn”, ý thức hệ và phẩm cách riêng tư). Cởi bỏ đi, Ngài chỉ giữ lại mỗi áo xống ở bên trong, thôi.

Áo xống ở bên trong là những gì? Theo như thánh Gio-an diễn tả, “áo xống ở bên trong” của Ngài rõ ràng là Ngài nhận thức rằng Ngài đến từ Chúa Cha, đang đi về cùng Thiên Chúa và từ đó, tất cả mọi sự đều trở thành khả thi , đối với Ngài, kể cả chuyện rửa chân cho ai khác. Rửa chân cho người đồ đệ mà Ngài biết chắc rồi ra sẽ bội phản.

Suy cho kỹ, ta thấy đây cũng là áo xống thực thụ ở trong ta, mỗi người. Ở trong ta, đó là thực thể nằm ép sát bên dưới chủng tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, chính kiến chính trị, ý thức hệ và ngay đến tiểu sử riêng tư của mỗi người (trong đó bao gồm sự thương tổn và lòng kiêu hãnh giả hiệu của mỗi người).

Điểm sâu lắng thực thụ, nằm tiềm ẩn bên dưới các sự việc ở ngoài, mà mọi người hằng chăm chút, tựa như: ký ức tăm tối, những vết hằn in dấu, tên gọi tình yêu và sự thật, mớ kiến thức chộn rộn mà, cũng như Đức Giê-su, chúng ta cũng từ Thiên Chúa mà đến, và đang đi về cùng Thiên Chúa. Vì thế ta cũng có khả năng làm bất cứ gì, kể cả thương yêu cọ rửa bàn chân trần của ai đó, rất khác với chân trần của riêng ta. Lớp áo xống ở trong ta còn là ảnh hình và nét tương tự của Đức Chúa vẫn nằm lắng đọng trong người mình.

Chỉ khi nào ta nhận ra rằng thế giới của ta có thể đổi thay. Vì chỉ vào lúc ấy nhóm người phóng khoáng hay cổ hủ, bảo vệ sự sống hay chủ trương tự do chọn lựa, Công Giáo hay Thệ Phản, Do thái hay Ả rập, người Đạo Hồi hay Kitô-hữu, da trắng hay da vàng, nam hay nữ, và những người dễ thương tổn bằng nhiều cách, mới có thể bắt đầu ngưng, thôi không còn đối xử xấu xa, độc ác với nhau nữa, và có thể khởi sự đến với nhau, bắt đầu cảm giác thân thiện gần gũi nhau hơn. Và cùng nhau dựng xây điều tốt đẹp chung, vượt lên trên những thương tổn và khác biệt của chúng ta.

Đôi lúc, trong tình huống nào đó, ta cũng đã sẵn sàng làm như thế. Tiếc thay, để có được khoảnh khắc tốt đẹp ấy, thông thường cũng phải chấp nhận nỗi buồn đau, bi đát hoặc có khi cả nỗi chết nữa. Phần lớn là, chỉ khi giáp mặt với chính sự bơ vơ, đơn độc và buồn bã, ở đám tang chẳng hạn, ta mới thấy mình có khả năng quên đi những khác biệt của nhau, cởi bỏ lớp áo bên ngoài của chính mình. Nhìn và tha thứ tất cả cho người anh người chị của ta, mà thôi.

Chừng như hôm nay, chẳng có gì khác với thời trước. Trong truyện kể về ông Gióp, ta thấy chỉ kịp đến khi Ông hoàn toàn ngã quỵ, bị xa cách, chỉ vào lúc “cởi bỏ lớp vỏ ngoài quần áo” mình đeo đẳng, ông mới cởi bỏ được lớp bên ngoài của mình và nói lên điều đáng nói: “Tôi đã trần truồng rời khỏi lòng mẹ, tôi cũng sẽ trần truồng về lại nơi đó.” (Jb 1: 21)

Lời cuối cho nhau, là thế này: hãy cẩn trọng về lớp vỏ bên ngoài ta đang khoác mà niềm đau ông Gióp không đòi ta cởi bỏ đi. (Lm Ron Rolheiser, omi).

Ta vẫn nhớ, niềm đau của thánh Gióp trong Cựu Ước, chắc chắn không mang nỗi buồn cơn mưa như ở Huế. Không đến độ, cứ phải ca lên như tác giả Minh Kỳ, vào độ trước:

“Chiều mưa phố buồn

chiều mưa phố xưa u buồn

có ai mong đợi một người biền biệt nơi mô

để nhớ với thương một người.” (Minh Kỳ - bđd)

Nhạc sĩ Minh Kỳ, người sáng tác nhạc bản ở trên, thoạt thấy trời mưa, đã biết buồn. Buồn trong mưa. Trong mong đợi, biền biệt. Buồn, vì “tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn.” Mới đáng sợ. Sợ như nỗi sợ của ông Gióp. Và nhiều người.

Miên man cuộc đời rất nhiều mưa hôm nay, theo thiển nghĩ: mưa trên phố Huế, hay mưa trong cuộc đời có làm cho lòng mình nên buồn, thì cũng chỉ một nỗi: chưa thấy niềm vui nơi giọt vắn giọt dài, thế thôi. Hãy cứ vui, sẽ thấy mưa trên phố Huế, không còn buồn. Hãy cứ ca, nhưng đừng hát nỗi buồn của Huế, sẽ thấy vui. Vui, như vui câu truyện, kể bên dưới:

“Vị mục tử nọ, là người vẫn thích nuôi mèo con. Một hôm, chú mèo của vị mục tử, nổi hứng leo lên cao, không muốn xuống. Đức thày mục tử nhìn mèo số ruột, tìm mọi cách để mèo trở xuống ở gần mình, cho bớt buồn. Vẫn không được. Cụ tìm đủ mọi thứ đem ra dụ dỗ. Chẳng ăn thua. Bèn nẩy ra ý kiến mà cụ cho là diệu kế. Cụ đi tìm sợi dây thật chắc một đầu buộc vào cành cây có chú mèo đứng trên đó, đầu mối kia cụ cột vào đuôi xe, hỵ vọng sức oằn có thể làm mèo chịu xuống.

Bỗng dây sợi bị đứt, bắn tung mèo con đi nơi khác, biến dạng. Vị mục tử cuống cuồng gõ cửa chòm xóm từng nhà, để tìm mèo. Vẫn không ra. Cuối cùng, cụ nguyện cầu Đức Chúa, mà rằng: Lạy Chúa, con vừa cho mèo con của con lên gặp Ngài rồi đó, Chúa thấy không?”

Hôm sau ra chợ, vị mục tử thấy bà hàng xóm xưa nay vốn rất ghét thú vật nhưng lại đi mua thức ăn cho chó mèo, thày bèn đến hỏi:

-Sao, bác mua gì thế? Mua cái này cho ai ăn đây?

-Ngài không hiểu được chuyện này đâu. Tôi đây còn không biết nữa là.

Và thế là, bà kể cho đức thày nghe tại sao xảy ra cớ sự. Đại để câu chuyện, là bà có đưa cháu trong nhà cứ nhất mưa đòi nuôi mèo con cho bằng được. Nhưng bà chẳng muốn. Mãi đến hôm rồi, thấy cháu lải nhải đòi hoài, bà liền hứa: Nếu kỳ này con mà cầu nguyện được Chúa ban cho bất cứ “mèo” nào lớn nhỏ, là bà sẽ cho con giữ nó ở lại.

Và.. đứa cháu bèn ra sau nhà, quỳ ngồi giữa đám cỏ mà nguyện cầu. Được một lúc, tự dưng như có phép lạ từ đâu đến, chính bà tận mắt mục kích: một chú mèo con nhỏ, bay từ trời cao rớt xuống vào đúng ngay lòng đùi của cháu bé. Thế mới hên.

Nghe chuyện, người mục tử bèn kết luận: tất cả chúng ta chớ nên coi thường uy quyền của Chúa. Ân huệ Chúa ban, dù có muốn hay không, cũng vẫn xảy đến. Có thể đó là điều vui có con mèo. Có thể là, chuyện bất ưng phải mua thực phẩm cho loài mình không thích. Hoặc, nỗi buồn mất mèo con yêu quý… Nhất nhất, vẫn là những ân huệ đặc sủng Chúa phú ban…

Nghe chuyện của đức thày mục tử hay thầy dòng trích dẫn ở trên, hẳn bạn cũng như tôi, ta sẽ nhận ra chân lý để đời. Chân lý ấy, gồm tóm trong lời vàng của Chúa, dẫn như sau:

“Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,

vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,

là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

(Yn 1: 14)

Quả thật, sau những tháng ngày buồn với mưa rơi, rơi trên phố Huế hay ở đâu cũng thế, hẳn người người sẽ nhận ra điều này: mưa rơi, cũng là ân huệ. Ân huệ ấy, có thể là “manna”, bánh bởi trời. Hay, mèo con trong truyện. Hoặc, lời bàn của đức thày dòng Omi, rất súc tích. Vì tất cả, nhất nhất mọi sự đều là ân huệ. Ân và Huệ, như văn hào Blaise Pascal từng quả quyết.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cẩn trọng;

không coi thường mọi sự;

vì mọi sự là những ân và huệ.

Sunday 10 August 2008

“Này người yêu, người yêu anh ơi!”

Bên kia sông, đường vẫn còn dài. Này người yêu, người yêu anh hỡi! Bên kia đồng, cỏ non đan lối, trong cơn gió - thoáng nghe nụ cười. Trong khe núi - thánh thót lòng người Lòng đòi tình, vật vã khôn nguôi (Nguyễn Đức Quang – Bên Kia Sông)

(Ep 6: 18)

Đã nhiều lần, từ ngày mê nhạc sinh hoạt với phong trào, bần đạo cùng một số bạn, vẫn ưa thích các nhạc bản do nghệ sĩ Nguyễn Đức Quang sáng tác, hoặc phổ thơ. Nhạc của anh, không lê thê uỷ mị, như một số nhạc tình, ngoài đời. Lời ca anh viết, vẫn đậm đà tính phấn đấu, rất hăng say. Phấn đấu để sống. Hăng say để làm người. Làm người thường, đã không dễ. Nói gì chuyện làm người công chính. Thánh thiện. Rất phân minh.

Công chính – thánh thiện - phân minh, vẫn là mục tiêu của sự sống ở đời này. Chốn gian trần, rất nhiễu nhương. Vì cuộc sống vẫn nhiễu nhương, nên Phao-lô thánh-nhân mới minh xác cùng bàn dân thiên hạ, rằng:

“Theo Thần Khí hướng dẫn,

anh em hãy dùng mọi lời kinh

cùng tiếng van nài mà nguyện cầu luôn mãi.

Để được vậy, hãy chuyên cần tỉnh thức

và cầu xin cùng các thánh, hết thảy.”

(Ep 6: 18)

Nguyện cầu và chuyên cần tỉnh thức, là chủ trương của nhà Đạo. Hết mọi người. Ở trong, cũng như bên ngoài. Trong ngoài Đạo, như mới đây, vào dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Sydney 2008, nhiều người ở Úc cứ mong ngóng được Đức Giáo Hoàng đến viếng thăm, trước là chủ trì Đại Hội và rồi xin lỗi nạn nhân các vụ xúc phạm tình dục, do người nhà Đạo vi phạm. Mong và ngóng sao cho hai vị “Chân Phước” trong vùng là Á thánh Mary McKillop và Peter To Rot được trở thành “thánh nhân”. Rất chính thức. Rất thực thụ.

Thất vọng không thấy Đức Giáo Hoàng tuyên bố cho phép hai vị trên, trở thành thánh nhân, thực thụ; nên, có độc giả tại Úc đã gửi thư lên Tuần Báo Công Giáo, đính kèm một thắc mắc, xin được giải thích về những khác biệt giữa các danh xưng chân phước, á thánh và thánh-nhân, thực thụ. Và, đức thầy linh mục John Flader, đấng bậc phụ trách giải đáp thắc mắc, có lời bàn như sau:

“Trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng ta cũng nên trở về với tiến trình tấn phong chân phước/á thánh, hoặc danh chức thánh-nhân thực thụ, ngõ hầu nắm rõ mọi việc diễn tiến có trước có sau. Và, cũng để đi tới phán quyết chung cuộc, qua đó cho thấy: ai được tấn phong “chân phước/á thánh”? Ai trở thành đấng bậc “hiển thánh”.

Tiến trình này, được ghi rõ trong tông thư Divinus Perfectionis Magister do Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II ban hành từ 25/01/1983, đã được Hội đồng Toà thánh Đặc trách các vụ án Phong thánh thực thi, ngay sau đó, kể từ 07/02/1983. Theo qui định mới, từ nay cho phép truy tầm tài liệu có liên quan, ngay từ cấp giáo phận.

Khi cứu xét, nếu thấy có ứng viên nào vừa qua đời, dù vị này nổi tiếng có phẩm hạnh rất thánh đi nữa, vẫn cần một thời gian ít nhất là 5 năm, kể từ ngày vị ấy thất lộc. Sở dĩ có qui định như thế, là để Giáo hội có đủ thời gian mà cân nhắc. Và, cũng để chứng tỏ là Thánh bộ Phụ trách đã khách quan đủ, khi thẩm định từng trường hợp, riêng rẽ. Trường hợp đặc biệt của Mẹ Têrêsa thành Calcutta, và Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, nhiều giới đã đồng loạt xin mau chóng phong thánh, nên đòi hỏi trên được miễn chuẩn.

Giáo phận nào có ứng viên được đề bạt xin phong thánh, đã từng sống và/hoặc chết ở đó, thì vị giám mục đứng đầu giáo phận, sẽ là người có trọng trách khởi sự điều tra, xem xét. Và, vị Giám mục này sẽ chỉ định người phụ trách gọi là Cáo-thỉnh-viên có bổn phận thu thập mọi thông tin về ứng viên được đề bạt. Khi đã được Đức Thánh Cha chấp thuận cho khởi sự, thì vị Giám mục trên sẽ triệu tập một toà án, và kêu gọi các nhân chứng đứng ra xác nhận mọi sự việc có liên quan đến cuộc sống và nhân đức thánh thiêng của ứng viên được đề bạt. Khi Đức Thánh Cha đồng thuận như thế, các vị có trọng trách sẽ gọi ứng viên được đề bạt là: “Đầy Tớ Chúa”.

Trong thời gian các nhà thần học thực hiện cuộc điều tra/xem xét các thư từ/bài vở của ứng viên được đề bạt, kể cả tác phẩm nào chưa hoặc không được phát hành, tỉ như: thư từ liên lạc hoặc các trang nhật ký/hồi ký, đều phải minh xác là tất cả những chứng từ ấy, không đi ngược lại niềm tin và đạo lý của Giáo hội. Và, phải chứng thực rằng, theo tinh thần nêu ở tông thư của Đức Giáo Hoàng Urban VIII, dân gian quần chúng vẫn chưa được phép chính thức tôn sùng đấng bậc được đề bạt. Dĩ nhiên, cho tới lúc ấy, mọi người chỉ được phép sùng kính vị này ở chốn riêng tư. Và, chỉ được thiết lập lời kinh trên giấy để nguyện cầu, mà thôi.

Khi Giáo phận sở tại hoàn tất công cuộc điều tra xong, thì các tài liệu có liên quan đến việc đề bạt và cứu xét, phải được gửi về Thánh Bộ Phụ Trách Vụ án Phong Thánh thuộc giáo triều La mã, mà lưu giữ. Khi ấy, Thánh Bộ sẽ chỉ định một Vị Đặc Trách Liên Lạc, ngõ hầu xem xét và chuẩn bị để đưa ra một Định Chế, tức tóm lược tài liệu có liên quan đến bản án phong thánh. Tóm lược này, gồm tiểu sử của ứng viên xin được đề bạt phong thánh, và chứng cứ nào khả dĩ thực thi tính cách thần học của niềm tin, nỗi hy vọng và đức bác ái. Các nhân đức chủ động về tính cẩn trọng, về sự công chính, lòng dũng cảm, tiết độ. Đồng thời, cả các nhân đức khác nữa, như: sự khiêm tốn, đức thanh khiết, vv…

Định Chế, sẽ do các nhà thần học được Thánh Bộ chỉ định, có quyền đưa ra phán quyết. Nếu đa số các nhà thần học chức năng tỏ ý đồng thuận với kết quả, thì bước kế tiếp sẽ được các hồng y và giám mục trong Thánh bộ này cứu xét.

Và, nếu các vị này tỏ ý đồng thuận, thì vị Bộ trưởng Thánh bộ này đệ trình kết quả của toàn bộ tiến trình lên Đức Thánh Cha xin duyệt. Khi đó, ngài sẽ ban lệnh phê chuẩn và cho phép Thánh bộ thảo ra một nghị quyết về Nhân đức anh hùng của ứng viên. Và, khi Nghị quyết này được đưa ra trước công chúng hoặc công khai loan báo cho mọi người được biết, ứng viên ấy sẽ được gọi là “Đấng Đáng Kính”.

Trường hợp tử vì Đạo, thì nghị quyết về sự kiện tử đạo sẽ thay thế nhu cầu điều tra xem xét các đức tính anh hùng của ứng viên.

Nhằm thực hiện thủ tục phong thánh, phải có chứng cứ xác minh là ứng viên trên đã thuận ban cho người xin một phép lạ. Gọi là phép lạ, thông thường các sự kiện này phải được minh chứng rõ rằng nền y khoa tân tiến không tài nào cắt nghĩa sự kiện ấy một cách tự nhiên. Và, việc này phải được các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về y học kiểm chứng trong khuôn khổ của địa hạt xứng hợp. Và, cần có các nhà thần học được Thánh bộ chỉ định, đã thuận xét.

Nói cho cùng, phán quyết nhân bản về đặc tính thánh thiêng của một vị nào đó, là quá trình điều nghiên đưa dẫn đến quyết định chung cuộc về nhân đức anh hùng. Và sau đó, có sự xác nhận thần thiêng về phán đoán này, ngang qua tiến trình kiểm chứng rất kỹ càng về phép lạ, được ban.

Khi nghị quyết về phép lạ được ban hành, Đức Thánh Cha mới quyết định ngày tháng và nơi chốn tổ chức lễ phong thánh. Giai đoạn này, Đấng Bậc Đáng Kính trước đây, nay được gọi là “Chân Phước”. Và cùng từ đó, dân chúng được phép sùng kính. Nhưng, chỉ sùng kính trong khuôn khổ hạn hẹp về nơi chốn và/hoặc tại các nhà của dòng thánh/hội tu, nơi vị ấy từng sinh sống hoặc là thành viên. Phụng vụ Hội thánh sẽ chỉ định ngày mừng lễ cho Chân Phước và thiết lập bản kinh cho thánh lễ mừng kính, được phê chuẩn.

Muốn tiến đến bậc “Hiển thánh”, chân phước đây phải cần thêm một phép lạ khác xảy đến sau khi được phong làm Chân Phước. Và, mọi việc phải được kiểm chứng, xác đáng. Khi Thánh Bộ Phụ trách Phong thánh đã chuẩn thuận mọi chứng cứ về phép lạ thứ hai xong, Đức Thánh Cha lúc ấy mới phê chuẩn toàn bộ vụ án và lập ngày tấn phong “hiển thánh” cho vị Chân Phước, lâu nay là ứng viên. Mọi phán quyết về tính “hiển thánh” của các ứng viên đều đòi hỏi phải do chính Đức Giáo Hoàng tuyên bố, qua tư cách vô ngộ của đấng chủ quản Hội thánh.

Khi được tấn phong thành bậc “hiển thánh”, có Đức Thánh Cha chính thức dính dự, tên của vị thánh mới công nhận, sẽ được liệt kê nơi danh sách các thánh nam nữ, với tên của mình, có tước vị “Thánh”, ở trước. Vị “hiển thánh’ mới phong, sẽ được Giáo hội toàn cầu chính thức tôn kính. Và, giáo xứ cũng như nguyện đường, từ nay được phép lấy tên của vị thánh này, mà gọi.

Nhằm trân quý các bậc hiển thánh và di hài các ngài để lại, mỗi người hành xử một cách, khác nhau. Có vị quyết tìm cho được hài cốt, khăn tẩm của đấng bậc/người thân đem đặt lên bàn thờ, ở nhà. Có vị, lại để cho người thân ăn vận như thánh nhân, khi vị ấy ra đi, về nhà Cha. Tựa hồ giai thoại mang tính hài, nhằm thư giãn, như truyện kể ở bên dưới:

“Có vị cao niên nọ, vừa thất lộc. Người vợ được báo cho biết xác của ông chồng, nay đã chuyển về nhà quàn làm thủ tục cuối, trước khi đưa đi chôn. Mọi việc diễn tiến tốt đẹp. Đâu vào đấy. Để tỏ lòng tôn trọng ý muốn của người quá cố, từng sống một đời lành thánh, người vợ muốn cho chồng mình ăn vận tề chỉnh như bậc thánh nhân/quân tử, cả vào lúc ra đi về cõi chết. Nghĩa là, cũng “Com-lê - cà vạt” đầy đủ lệ bộ, mầu sắc rất đàng hoàng. Mặc dù, mầu đen áo vét ông đang mặc, trông đã khá. Nhưng, bà vẫn muốn sao cho sắc-mầu bộ áo của chồng đẹp hơn, phải mầu xanh. Và, bà tìm đến nhân viên nhà quàn, yêu cầu đổi áo. Bà trao cho nhân viên nhà quàn tấm ngân phiếu chưa viết số tiền, rồi nói:

-Vẫn biết yêu cầu như thế này sẽ gây khó khăn, và rất mắc tiền, nhưng quý vị cứ tìm hộ bộ đồ “com-lê” nào vừa khít, có mầu xanh nước biển cho chồng tôi mặc, tốn bao nhiêu tôi cũng trả. Khi tìm được, quý vị chỉ việc ghi số tiền vào ngân phiếu này, là xong.

Hôm sau trở lại, người vợ rất đỗi ngạc nhiên khi thấy cụ ông được nhân viên phụ trách nhà quàn cho mặc bộ đồ mầu xanh, rất đẹp. Rất vừa vặn. Người vợ bèn nói:

-Chà. Bộ áo này thật hết ý. Tôi hài lòng về công việc quý vị làm cho ông nhà tôi. Tốn hết bao nhiêu xin cho biết, để tôi ghi vào ngân phiếu.

Nhân viên đưa lại tấm ngân phiếu cho vợ người chết, rồi nói:

-Xin bà khách đừng quá bận tâm. Đây, chỉ là chuyện nhỏ. Hoàn toàn miễn phí.

Lấy làm lạ, bà vợ của người quá cố quyết gạn hỏi:

-Làm sao quý vị lại tìm được bộ áo vừa đẹp lại vừa nhanh như thế, lại còn không chịu lấy tiền?

-Thú thật với bà khách, là làm việc này, chúng tôi đâu có tốn công tốn của gì đâu. Bọn tôi vừa cho nhập nhà quàn xác của một yếu nhân khác, kích thước thân hình vừa đúng như ông nhà. Và ông này, lại ăn vận bộ đồ vía có mầu xanh đúng như ý của bà khách muốn. Và bọn tôi đề nghị với bà chủ bên kia xin trao đổi chiếc áo “com-lê”, và bà ấy đồng ý. Thế là,… bọn tôi chỉ việc đổi mỗi cái đầu, là xong!

Nghe kể, hẳn có bạn sẽ bảo: làm như thế thật không nên. Và đối với bậc thánh, cũng không phải. Nhưng, trở lại với nhạc bản ở trên, bạn và tôi sẽ nghe đâu đó lời người nghệ sĩ, vẫn cứ hát:

“Này người yêu, người yêu anh ơi!

Bên kia sông là ánh mặt trời

Này người yêu, người yêu anh hỡi!

Bên kia đồi, cỏ hoa đan lối

Bên kia núi, núi cao chập chùng

Bên kia suối, suối reo lạnh lùng

Là bài thơ, toàn chữ hư vô.”

Hư vô chăng, chỉ là quan niệm người nghệ sĩ, ở ngoài đời. Với nhà Đạo, bạn và mình vẫn tìm thấy lời lẽ chân tình, của thánh nhân:

“Hỡi dân thánh, các tông đồ và các ngôn sứ,

hãy mừng vui hoan hỷ,

vì Thiên Chúa đã xử công minh cho các ngươi.

(Kh 18: 20)

Xử công minh, Ngài đối xử với dân con mọi người, như bậc hiển thánh. An lành. Hiền hoà. Nhiều thương mến. Đến tôn sùng.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn thần thánh hoá

tình thân thương

của mọi người

trong cuộc đời.