Saturday 30 August 2008

“Đời mình trong năm tháng sẽ qua, lo gì sau này!”

ngồi đây, ta cùng hát khúc tình ca,

và sẽ trao nhau tình yêu

tiếc nhau chi cho nhau phút này, nhớ nhau muôn đời.”

(Trường Kỳ - Sealed with a kiss)

(Mt 5: 7)

Trong hành trình cuộc sống, bần đạo xin được phiếm với bầu bạn, về những tư tưởng vừa bắt chụp, rất sâu sắc. Ngắn gọn. Của vị cha già nhà Đạo có lập trường rất Đạo, và có đức. Có ý thức. Trách nhiệm. Cũng rất vui. Vui như ý tưởng chủ lực về cây thập tự cha già vẫn đeo nơi ngực, có hình Chúa Phục Sinh. Thay cho hình Chúa tử nạn. Cha già Hồng y Godfried Daneels - người Bỉ, có tiếng là cấp tiến, đã trả lời các câu hỏi của phóng viên Robert Mickens, như sau:

“Ảnh tượng trên thập tự nhỏ tôi đeo nơi ngực, là ảnh tượng Chúa Phục Sinh, chứ không phải là Chúa chết thảm. Thập tự, trị giá chỉ đáng nửa Euro tôi mua được ở Rôma, vào bữa trước. Nhưng không vì giá rẻ mạt, mà ảnh và tượng mất đi ý nghĩa cao cả của thập tự. Tôi rất thích thập tự này, vì nó diễn tả được ý nghĩa Chúa sống lại, ngay thập tự. Đây, là tư tưởng mang sắc mầu thánh sử, mà thánh Gioan ghi chú.

Nếu anh nhìn cây thập giá có Chúa chịu đóng đinh, thì điều này cũng đúng. Nhưng, nếu anh nhìn vào toàn cảnh chúng ta vẫn có trước ngày Chúa sống lại, anh sẽ thấy là chúng ta đang sống vào thời buổi đến sau ngày Chúa Phục Hồi Sinh Lực… Và, chúng ta vẫn sống như thế, đã từ lâu.” (Robert Mickens – Where have all the thinkers gone? The Tablet 31/5/2008)

Còn nhớ, nơi xứ họ nhỏ bần đạo sống, có vị linh mục chánh xứ buổi trước, tuổi đời còn khá trẻ, thụ phong linh mục làm cha chính cũng được có 7 niên. Nhưng ông đã can đảm thay ảnh tượng bằng đất, Chúa gục đầu trên thập tự, bằng ảnh tượng Chúa ngẩng đầu, rất Phục Sinh. Hai tay Chúa giang rộng, như muốn ôm choàng vào lòng Ngài, đàn con ngoan thấp bé, đang thầm lặng nguyện cầu. Nguyện cầu, nơi giáo đường im ắng ấy. Và vị linh mục trẻ, sau những thay và những đổi như thế, đã thu hút rất nhiều giáo dân người Tây đã lỡ trớn cuồng chân vội đi hoang. Nay hồi hướng trở về.

Tản mạn đầy chất phiếm về thập giá có Chúa Phục Sinh, bần đạo lại liên tưởng đến bài ca đầy ắp những tình tự thân thương trích dẫn ở trên, với những giòng chảy lãng mạn đại loại như sau:

“Còn mấy lúc như ngày hôm nay?

Đời hết nghĩa nếu không tình yêu

Rồi sẽ đến lúc ta cùng chia tay…

Yêu nhau đi, không buồn không tiếc!

Nếu có đến, khi ta rồi xa… tim còn mơ màng… “(Trường Kỳ - bđd)

Tim mơ màng. Mơ về tình yêu, là điều Chúa vẫn nhắn và vẫn nhủ:

Phúc thay, cho ai có lòng thương người,

vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.”

(Mt 5: 7)

Và, Phê-rô thánh-nhân, vị tông đồ rất gần với Chúa, cũng thêm rằng:

Trước hết, anh em hãy hết tình

mà yêu thương nhau,

vì lòng yêu thương

che phủ muôn vàn tội lỗi.”

(1P 4: 8)

Là thánh nhân. Hay chỉ là con dân với “muôn vàn lỗi phạm”, ắt hẳn vẫn thấy có nhiều điều hiện rất rõ ở muôn người, là: “tình yêu che phủ cuộc sống”, khắp nơi nơi. Che bây giờ. Phủ mãi về sau. Khi gần nhau. Hay khi “sống mãi trong tình”, như người nghệ sĩ viết lời cho nhạc bản, của Brian Hyland:

Tình yêu, ta còn mãi về sau,

còn nhớ khi ta gần nhau,

đã trao nhau, bao niềm yêu mến…

mình sống mãi trong tình yêu…

… mình sống mãi trong tình yêu…” (Trường Kỳ - Sealed with a kiss)

Sống mãi trong tình yêu. Dù tình đó, chỉ diễn ra với hai người. Rất đơn lẻ. Hoặc, tình này vẫn trải dài khắp nơi nơi. Vẫn là thứ tình mà Chúa nói đến, trong đời rao giảng suốt nhiều năm. Từng cây số. Nơi ngõ nhỏ. Ở đất miền vùng xa, xứ Do thái. Độ trước. Hay, chốn nhân trần ta sống ở nơi đây. Nơi, có cha già Hồng Y Godfried Daneels đang chuyển tải cho thế hệ mai ngày. Cho xứ đạo nhỏ chốn ắng im. Mọi miền. Nơi, có lời thổ lộ chân tình, về Hội thánh thời hậu Công Đồng Vatican, thứ Hai:

“Phải thú thật rằng: với tôi, Công Đồng Vatican Hai là tất cả trọng tâm cuộc đời, tôi quyết sống. Trọn cuộc đời, tôi vẫn cố áp dụng những gì Công Đồng đặt ra, nhất là: nền phụng vụ. Là giáo lý. Và, tương quan Hội thánh, ở thế trần…”

Hơn 31 năm làm giám mục, cha già Hồng y Daneels đã tìm cách khích lệ các linh mục cũng như dân con nhà Đạo dưới trướng, rằng: “anh em hãy cố mà học hỏi về Công Đồng chung. Hãy cùng nhau hợp tác mà làm việc trong chung sức. Bởi, hợp tác với các tầng lớp giáo dân vẫn luôn là điều cần thiết. Nhất thứ, ở vào thời đại mà số giáo sĩ của ta cứ ngày một giảm sút, suy sụp”

Tuy nhiên, theo cha già, điều gây khiếp sợ đến với Hội thánh, không nằm ở sự kiện có sút giảm hay không, trong hàng ngũ tu sĩ/linh mục. Nhưng cho bằng, hiện nay không có nhiều khuôn mặt rực rỡ - thông thái, trong Giáo triều. Giáo triều mà cha già nói đến, là các “thượng hội đồng giám mục” mà ngài có cơ hội tham dự, suốt từ thập niên 80 đến nay. Năm 2008. Về chuyện này, ngài nói thêm:

“Khi tôi đưa mắt nhìn về các thượng hội đồng giám mục có mặt ở nhiều buổi, tôi thấy rất nhiều vị chủ chăn tốt lành có tâm hồn mục vụ, thật đấy. Các ngài rất mực là mục tử nhân hiền. Nhưng đôi lúc, tôi chợt nghĩ: sẽ còn tốt lành hơn biết mấy. Nếu như chỉ cần có đến 5% thôi, trong số các giám mục ấy, là các nhà tư tưởng. Các nhà thông thái. Đầy lòng nhiệt huyết! Điều mà chúng ta cần, là trong số các giám mục và hồng y hiện hữu trong Giáo hội của ta, phải có nhiều khuôn mặt thật sự thông minh, đầy trí thức. Rất cần thiết!”(R. Mickens, bđd)

Đề cập đến vấn đề hôn nhân - gia đình, cha già Hồng y Daneels cũng có nói: “Hội thánh, với tư cách một thể chế, và bản thân tôi, chưa làm được gì nhiều cho các gia đình...” Và khi nhà báo R. Mickens gạn hỏi rằng: trên thực tế, có điều gì khiến cho cha nghĩ là mình có thể làm được nhiều hơn không? Thì, cha già đáp ngay không do dự: lẽ đáng ra, chúng ta đã phải làm nhiều điều tích cực hơn, để khuyến khích và hỗ trợ các gia đình đang sống đàng hoàng, vững ổn. Hơn là, ta chỉ chú trọng đến các gia đình đổ vỡ. Ngài nói: “Các gia đình tốt lành thường có cảm giác như mình đang là những đứa con mồ côi, đơn chiếc. Đôi lúc, Hội thánh chúng ta đã quên rằng mình là một người mẹ, rất hiền.”

Và cuối cùng, cha già còn bàn thêm với nhà báo Robert Mickens: về lối sống khiêm nhu, tức: điều mà ngài muốn gửi gắm để lại cho hậu thế, sau khi cha già tạ thế. Trong các lần được phỏng vấn, cha già luôn nhắc lại câu nói của thánh Phanxicô Assisi, rằng: ta nên sử dụng như phương châm để vui sống suốt đời, là: “Đừng bao giờ nên để bất cứ ai đến với mình, lại cảm thấy nản lòng mà bỏ đi trong sầu buồn”.

Trở về với nền thi ca, âm nhạc ngoài đời, chừng như câu nói của thánh nhân cũng tương tự lời ca năm xưa của người nghệ sĩ, ghi ở nhạc bản nêu trên:

“ Ngồi bên nhau cất tiếng ca… say tình chan hoà

ngàn mây xanh cùng sống ngút ngàn xa,

đời thắm tươi như ngàn hoa

nắng say say như vang tiếng cười… thiết tha yêu đời.” (Trường kỳ - bđd)

Thiết tha yêu đời. Hay, say tình chan hoà. Phải chăng là lời lẽ của người nhà Đạo, ta vẫn sống trong đời. Vẫn luôn nói. Bởi, có thiết tha yêu đời, mới thấy là đời mình vẫn tươi thắm như ngàn hoa. Như mây xanh. Mây vui cuộc đời. Vào mọi lúc. Chí ít, là những buổi, những lúc người người có được cảm nghiệm, như giòng chảy về “cử chỉ đẹp”, trong đời gia đình riêng tây hoặc rộng lớn chốn thị thành, mà người linh mục rất anh em của bần đạo ghi nhận, ở dưới:

“Bà Foreman dừng chiếc xe hơi của mình ngay ở một trạm thu phí giao thông trên xa lộ cao tốc. Liếc mắt qua kính chiếu hậu, bà thấy cả một dãy dài xe hơi, sau mình. Bà chợt nảy ra một ý định vui vui: quay kính xe xuống, đưa cho người bán vé một tờ 5 đô và bảo: “Bác ơi, tôi mua 5 vé nữa cho 5 chiếc xe sau tôi, chỗ tiền dư tôi xin biếu hết cho bác, nhé!”

Không kịp để cho người bán vé thắc mắc vì quá sức ngạc nhiên, Bà Foreman quay kính xe, đạp ga, lái đi ngay. Bà hình dung trong đầu cùng một ngạc nhiên đầy thích thú ấy nơi 5 người tài xế chạy theo sau, mà bà không hề quen biết. Bà không dẫn đến lời cám ơn. Cũng chỉ là “một cử chỉ đẹp” nho nhỏ, mà thôi. Có đáng gì đâu!

Về đến nhà, bà Foreman vừa làm bếp, vừa tủm tỉm cười một mình vì nhớ lại chuyện sáng nay, xảy ra trên đường. Ông chồng già để ý thấy, lấy làm lạ. Đến bữa ăn trưa, ông lựa lời hỏi; bà mới kể lại đầu đuôi. Đến lượt mình, ông cũng cảm thấy vui lây niềm vui nho nhỏ ấy…

Chiều đến, vào trường dạy môn Giáo dục Công dân, ông Foreman quyết định làm một “cử chỉ đẹp” bằng cách dùng chính câu chuyện về “cử chỉ đẹp” của vợ để dẫn nhập cho bài học. Học sinh của ông, bỗng lặng đi một thoáng chốc, rồi đồng loạt vỗ tay hoan hô, sau lời kết thúc của ông thầy.: “Các em hãy nhớ là niềm vui sống khởi đi từ những chuyện bình thường nho nhỏ như thế. Mỗi ngày, ước gì mỗi người trong chúng ta đều làm được ít nhất một ‘cử chỉ đẹp’ tương tự.”

Ở trong lớp, hôm ấy, có cô bé tên Mary vốn là học sinh “cá biệt”, luôn bướng bỉnh, lì lợm. Hệt như “con chim lười” trong gia đình. Về nhà, hôm nay cô lại có tâm trạng hết sức hân hoan phấn khởi, nhất quyết làm một “cử chỉ đẹp”, với mẹ cha. Cô lặng lẽ thu dọn, lau chùi , quét tước, nấu nướng và giặt giũ xong xuôi mọi việc trước khi người mẹ từ xưởng làm và người cha từ toà báo, trở về nhà.Vào chập tối, hai ông bà bước vào nhà, nhận ra ngay là hôm nay đã có sự gì đổi thay kỳ lạ nơi cô con gái đang tuổi “nổi chướng”. Gạn hỏi mãi, cô mới kể lại câu chuyện về “cử chỉ đẹp” mà cô được nghe thầy Foreman kể lại trong lớp. Cô hứa với ba mẹ, là từ hôm nay, tất cả mọi chuyện cô làm ở nhà sẽ không là “cử chỉ đẹp” duy nhất, chỉ một lần rồi thôi, đâu.

Sau cơm tối, niềm an vui đầm ấm toả khắp căn nhà. Và, ông Alfonse, cha của Mary, vốn là phóng viên báo chí ở địa phương, nơi gia đình cô sinh sống, rất khoan khoái ngồi vào bàn làm việc, mặt mày hớn hở. Ông quyết định phải viết ngay một bài, về câu chuyện “cử chỉ đẹp”… Chiều hôm sau, cả miền đều xôn xao rộn rã, khi mọi người đọc được bài báo ấy. Người ta bảo nhau, ít nhất mỗi ngày, hãy nhớ làm một “cử chỉ đẹp” nho nhỏ, cho nhau. Cho cuộc đời.

Cha xứ họ đạo, cũng đã đưa câu chuyện này vào bài giảng thánh lễ Chúa nhật hôm đó. Có diễn giả cũng đã chọn câu chuyện “cử chỉ đẹp” làm chủ đề, cho buổi mạn đàm ở hội trường, của thị trấn. Một bà mẹ kể lại cho con nhỏ của mình nghe về “cử chỉ đẹp”, thay cho lời ru nhẹ, vào buổi tối. Có đôi bạn trẻ đang yêu, cũng thoả thuận từ nay sẽ dành cho nhau nhiều “cử chỉ đẹp” thay cho mấy trò giận hờn, vô bổ. Ngoài đường phố, người ta đã thôi không còn vứt rác rưởi và bã kẹo cao su, bừa bãi nơi công lộ, nữa.

Các tài xế, nay cũng đã quyết tâm không làm bắn nước tung toé lên người khách bộ hành, đi cạnh bên. Một chú “Sói Con”, bước khỏi nhà, thắt chiếc nút nhỏ ở chéo đuôi khăn quàng trên ngực, cũng tự nhủ sẽ làm một “cử chỉ đẹp” trên đường đến công viện họp bạn Hướng Đạo. Ở nhà giam, viên cai ngục bẳn tính kia, cũng quyết định sẽ có nhiều “cử chỉ đẹp” với tù nhân. Người đi chợ, mua hàng ở siêu thị cũng quyết định sẽ nói lời lịch sự, biết cám ơn. Còn cô thâu ngân viên, thường hay cau có, nay đã biết mỉm nụ cười khả ái, với khách hàng. Cầu thủ bóng đá lừng danh chơi xấu, giờ đây đã nhất quyết trong trận đấu cuối tuần, sẽ chạy đến đỡ đần cầu thủ bạn bị té ngã, biết xin lỗi…(Lm Tiến Lộc CssR, ghi nhanh từ một họp bạn, Hướng Đạo)

Vâng, “cử chỉ đẹp” nào tuy nhỏ, cũng đã đổi thay cả xã hội. Cả gia đình rộng lớn, khắp nơi. Trao cho nhau “cử chỉ đẹp”, dù không lớn, là trao tình cộng đoàn. Của gia đình đàng hoàng. Trao cho nhau “cử chỉ đẹp”, là: “Hãy trao cho nhau tình yêu… để nhớ nhau muôn đời.”

Trao cho nhau tình yêu, không cần phải là chuyện to tát. Cũng chẳng cần lời lẽ “nổ ròn”, nhiều phô trương. Hoành tráng. Chỉ cần, một cử chỉ nho nhỏ, nhưng rất đẹp. Đẹp như cử chỉ của lão bà Foreman, ở khắp nơi. Đẹp như, lời nhắn nhủ từ người nghệ sĩ, vẫn từng hát:

“Đời thắm tươi như ngàn hoa

Nắng say say như vang tiếng cười...

thiết tha yêu đời.” (Trường Kỳ- bđd)

Vâng. Bấy nhiêu thôi, cũng đủ. Cho cuộc đời. Của mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn muốn kêu mời bạn bè

trao cho nhau một cử chỉ

rất nhè nhẹ tâm tình,

Như tình yêu.

Trong đời.

No comments: