Wednesday 30 July 2008

“Nhưng trên đoá mi sầu, ngày dài vẫn qua mau”

(Ga 20: 19-222):

Đúng thế. Ngày vui nào mà chẳng qua mau. Ngày dài nào mà chẳng “tựa lá úa sầu, cho cuộc tình dài sau.”, như nghệ sĩ Ngô Thuỵ Miên, đã diễn tả.

Với nghệ sĩ, đương nhiên là như thế. Nhưng với nhà Đạo, có lẽ hơi khác. Khác, như tâm tình của vị mục tử nào đó viết trên tờ “Bản tin Giáo xứ” họ lẻ, mà bần đệ bắt gặp ở giòng chảy sau đây:

Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Đó là lời chúc rất nghe quen. Không bao giờ thiếu vào các buổi Tiệc thánh. Tiệc Lòng Mến đầy an bình. Nhưng, đi vào thực tế, lời chúc này như vẫn còn xa vời tầm tay. Hôm nay, khi nghe ai chào hỏi: “Anh/chị khoẻ không?”, câu trả lời nhiều khi thấy không mấy thông. Người thì bảo: “lu bu lắm, cơ!”; kẻ khác lại nói: “Có lúc nào rảnh đâu! Làm chết bỏ, không có giờ mà nghỉ, nữa! Toàn những việc đâu đâu, nào có tên.”

Nhiều lần tôi vẫn tự hỏi: có bao giờ ta trả lời bạn bè/người thân bằng những câu: “Tôi đang nghỉ xả hơi”! hoặc: “đang ngơi tay một chút!”... hay: “đang để giờ thăm hoa, vãn cảnh...” Tôi nghĩ, những câu trả lời như thế, rất hiếm. Có người còn bảo: “có đẻ bọc điều mới được những giờ phút như thế, còn thì...lúc nào cũng bận mở mắt không lên.”

Là tín hữu Đức Kitô, có lẽ ta cũng nên cẩn thận về tình trạng mải miết đua nhau mà bận rộn. Đành rằng, sống cho ra sống và dấn thân với thế giới bên ngoài, là quà tặng nhận được từ Trên. Nhưng, cũng nên xét lại tình trạng bận rộn của mỗi người. Có thứ bận mà không rộn cho lắm. Và dù có bận rộn, vẫn chưa hẳn là điều tốt. Có thể, nó mang ý nghĩa của một chối từ. Một né tránh. Hoặc, chỉ để gây tỉnh thức với bạn bè/ người thân.”

(Trích chia sẻ Lời Chúa ngày 11.5.2008 của Lm R. Leonards, Úc)

Chia sẻ của vị linh mục trên bục giảng, là những sẻ san tâm tình của người con, người em trong cộng đoàn tình thương, rất Kitô. Còn, tâm tình người nghệ sĩ ở đời thường vẫn như sau:

“Em, đứng bên sông buồn

nhìn, cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha

trên hai đoá môi hồng

nụ cười đã đi xa

ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu.” (Ngô Thuỵ Miên – Giọt Nước Mắt Ngà)

Khác biệt tâm tình, giữa nghệ sĩ ngoài đời với vị mục tử trong Đạo, thường là như thế. Nơi người đời, dù cuộc tình đầu có dài lâu hay chỉ mau chóng kết thúc, ra như vẫn có “giọt nước mắt ngà”, miên man chảy. Ở nhà Đạo, tuy giọt nước mắt ngà nóng cháy vẫn còn đó nỗi buồn; nhưng, dân con nhà Đạo người người vẫn tìm được sự bình an hài hoà, nơi Đức Chúa. Như chứng minh sau:

“ Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần,

nơi các môn để ở,

các cửa đều đóng kín,

vì các ông sợ người Do Thái.

Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói:

“Bình an cho anh em!”

(Ga 20: 19)

Lại nữa, với người đời, dù là tình đầu hay tình dài rất, ta vẫn cứ nghe:

“Em, ngỡ như cơn mộng

người tình về bên em và gọi thầm tên em

nhưng, trên đoá mi sầu ngày dài vẫn qua mau

em, tự lá úa sầu cho cuộc tình dài sau.” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Trong khi đó, với người nhà Đạo, tình đầu hay tình về sau, vẫn là sự vui mừng vì có Chúa:

“Nói xong, Ngài cho các ông xem tay, và cạnh sườn.

Các môn đệ vui mừng

Vì được thấy Chúa.”

(Ga 20: 20)

Xem như thế, sự bình an vui mừng cuộc đời luôn luôn là những chợt đến, rồi vội đi. Vui mừng - bình an ấy, chỉ kéo dài khi người đời thực hiện được tình thân thương giùm giúp, đến với nhau. Khi có Đức Chúa của sự an bình - mừng vui ở lại với mình, thôi. Và, sự bình an – vui mừng ấy, là quà tặng rất nhưng không, Chúa vẫn gửi đến với từng người. Hết mọi người.

Và, vị mục tử trích lời dẫn nhập ở trên, lại thêm một khẳng định, rất vững chắc:

‘Nhiều lúc ta cứ tưởng sự an bình-lặng thinh luôn ở tư thế của “bông sen trong buồng tối”. Không phải thế. Món quà bình an Đức Kitô ban tặng, còn mang ý nghĩa nhiều hơn thế, nữa. Bình an là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống đời thường. Đó là trạng huống tâm linh. Một thói quen tạo được sau biết bao chọn lựa nhất quán và liên lỉ. Quả thật, có nhiều người cùng một lúc làm được nhiều việc mà vẫn thản nhiên an nhàn, tự tại. Bình an đối với họ, là vấn đề của tâm linh. Của trí tuệ. Là phương cách giúp ta sống. Sống ra hồn. Sống đích thực vị thế của con người. (Lm R. Leonards – bđd)

Nhằm diễn tả lý do khiến người đời thường để mất sự an bình – lặng thinh, triết gia Seneca, Hy Lạp ở thế kỷ thứ hai từng thắc mắc: sao bạn bè người thân của ông, cứ để luột mất sự an bình - hiền hoà, họ cần đến. Do thắc mắc suy tư lâu ngày, ông đã ngồi xuống, viết nguyên chương sách về sự buồn giận, và phương cách giải quyết.

Triết gia Seneca nhấn mạnh sự kiện, là: bạn bè nào càng giàu sang phú quý, càng dễ gặp buồn phiền, nổi nóng. Và từ đó, họ để mất đi sự bình an hiếm quý. Cuối cùng, nhà hiền triết đã tìm ra phương cách giúp mình, giúp người giải quyết các vấn đề nhân sinh: muốn có an bình – lặng thinh, phải có đầu óc thực tế. Phải nhận ra rằng: mọi sự trên đời đều có thể xảy đến. Xảy đến một cách khác với điều mình mường tượng, hoặc mong ước.

Điều, mà nhà hiền triết Seneca khám phá ra và đề nghị, là: ta hãy tỉnh táo, nhận biết rõ các yếu mềm và mỏng dòn của chính con người mình. Của cuộc sống. Và, nếu biết rằng: cuộc sống cũng mỏng dòn như chính con người mình, ta sẽ đỡ vất vả hơn khi cùng nó chiến đấu. Chiến đấu với nó. Chiến đấu lại bản chất yếu kém của mình. Có như thế, ta mới đạt trạng thái biết thứ tha người khác. Biết chấp nhận mọi người, như quà tặng tình thương, Trên gửi đến.

Tha thứ, là quà tặng Chúa gửi đến mọi người. Vào mọi thời. Có tha thứ hết mọi người, và tha thứ cả chính mình, ta mới tìm thấy an bình – hiền hoà, trong cuộc sống. Nếu quả thực, người người đều cố tình dựng xây/vun trồng an bình – hiền hoà, để sống đời bình thường, thì bắt buộc phải chấp nhận đương đầu với những gì mình không muốn có. Không muốn thấy nó xảy đến. Dù, đó là những “giọt nước mắt ngà”, hay chỉ là “sông buồn, nhìn cuộc tình trôi qua”…“lòng người phôi pha” đi nữa, cũng mặc.

Chấp nhận, và thứ tha. Thứ tha cho người gây nên sông buồn, làm cho cuộc tình mình trôi qua….hoặc khiến “lòng người phôi pha”. Cứ chấp nhận và tha thứ, rồi ra sẽ thấy an bình – hiền hoà trở về với vòng tay đợi chờ. Dù khá lâu. Có chấp nhận và tha thứ, mới thấy quà bình an mình hằng ao ước, sẽ đến ngay. Đến với mọi người. Trong khoảnh khắc. Và khi tha thứ và chấp nhận, ta sẽ cùng nghệ sĩ họ Ngô ở trên, hát thêm:

“Anh đi về dấu giáo đường,

cho cuộc tình bay cao, cho lòng mình xôn xao.” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Hãy về với giáo đường, ở nơi đó ngập tràn những thứ tha. Những an bình - hiền hoà. Rất thân thương. Rất chân tình. Như Lời Ngài, hơn một lần dạy bảo:

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

Anh em tha cho ai, thì người ấy được tha.” (Ga 20: 22)

Và:

“Bình an cho anh em!

Như Chúa Cha đã sai Thầy,

thì Thầy cũng sai anh em.”

(Ga 20: 21)

Thầy sai đi, là để ta đem bình an – hiền hoà đến với mọi người. Chí ít, là người của mình. Sai như thế, chắc chắn mọi người sẽ mừng vui:

“Các môn đệ vui mừng

vì được thấy Chúa.”

(Ga 20: 20)

Được thấy Chúa. Được Thần Khí Chúa ở cùng, chắc chắn mọi người và cả ta nữa, sẽ luôn an bình. Luôn hiền hoà. Hiền và hoà, như truyện kể bên dưới:

Hai vợ chồng lấy nhau, đến nay đếm được 64 năm. 64 năm sống đời hôn nhân bền bỉ, hai cụ lúc nào cũng tỏ ra cởi mở, nhẹ nhàng đối xử không giấu diếm điều gì. Trừ một chuyện. Ngày đầu sau khi cưới, cô dâu nhất quyết yêu cầu chú rể không bao giờ được hỏi về những gì cô để trong “hộp tình giữ kín”. Ông chấp nhận. Chiếc hộp được cất giữ trong tủ áo quần mà ông quên bẵng khá lâu, không hay biết.

64 năm sau, mải yêu đương gầy dựng gia đình đầm ấm, con đàn cháu đống, và trải qua bao cuộc dâu bể cả về tài chính, kinh tế lẫn sự nghiệp, cô dâu trinh trong hiền dịu rồi cũng ngã bệnh, và không hy vọng hồi phục. Người chồng, trong cố gắng thu dọn đồ đạc của vợ, bất chợt tìm thấy chiếc hộp để quên trong tủ. Ông đem hộp đến ngồi bên giường bệnh, hỏi vợ xem hộp gì mà giữ kỹ như thế. Bạn tình già nghe hỏi bèn nói với người chồng thương yêu:

-Bây giờ thì anh có thể mở nó ra mà xem, tất cả còn ở trong đó…

Ông cẩn thận lần giở, trước cặp mắt tinh quái của bà vợ. Trong hộp, vỏn vẹn chỉ thấy hai chiếc khăn ăn đan bằng sợi móc, rất xinh. Và một xấp tiền mặt khoảng 25 ngàn đô. Chẳng cần hỏi, cứ nhìn cặp mắt ngỡ ngàng của ông, cũng biết ông đang thắc mắc rất nhiều. Và, để đánh tan bầu khí nghi kỵ, người vợ hiền lên tiếng trước:

-Trước khi lấy anh, ngoại có em dặn một điều, là: nếu con muốn cuộc sống gia đình mình êm ả, hãy cố mà nén nhịn mọi cơn nóng giận bất chợt xảy đến. Vì bất cứ lý do nào, thay vì cãi vã với chồng mình, con hãy chạy ra phòng bên, lấy đồ khâu vá ra mà thêu móc, chiếc khăn ăn…

Nghe thế, người chồng cho tay vào hộp, mân mê chiếc khăn ăn đầy tình nghĩa. Ông cảm động đến rưng rưng nước mắt, nghĩ rằng vợ mình chỉ nổi nóng có hai lần, suốt 64 năm chung sống. Nước mắt lưng tròng, ông âu yếm nhìn vợ, nắm chặt đôi tay gầy, nhăn nheo của bà. Người vợ hiền, đặt tay kia lên đôi tay run của ông, mắt rơm rớm. Sau phút im lặng, bà lên tiếng:

-Nếu anh muốn biết số tiền 25 ngàn đô em kiếm ở đâu ra, hãy biết đó là tiền em bán các chiếc khăn ăn, em từng thêu móc!

Mân mê chiếc khăn, hẳn cụ ông nhớ lại bài nhạc của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên, mà ông vẫn nghe trên đài:

“Trông áng mây u hoài

giọt lệ nào thương vay,

tình đành tràn mi cay

đau thương xé môi gầy,

mà lòng vẫn mê say

ôi giọt nước mắt ngà,

cho cuộc tình đầu tiên.” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Cuộc tình đầu, hay tình cuối, tình thật lòng bao giờ chẳng an bình – hiền hoà, phải thế không? Hiền hoà và bình an, vì Thần Linh Thánh Ái Đức Chúa của an – hoà vẫn ở với ta. Với mọi người. Bởi, với mọi người, Ngài chính là sự Bình An, như đã hứa. Bình an, luôn kèm với thứ tha. Đính kèm, cả tình yêu thương đầm ấm, nguồn cội và cứu cánh của Đạo. Cứu cánh cuộc đời. Của con người.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn muốn bạn và tôi,

ta nhớ để đời

lời căn dặn nhắc ở trên.

Sunday 20 July 2008

Em ơi nhớ thương, thương nhớ cả đêm

Làm sao quên được phút giây êm đềm Chờ mong sao cho trời sáng Đúng giờ mình hẹn hò Là đời quên hết sầu lo

(Lam Phương – Em là tất cả)

Trong quan hệ đời thường, có nhiều lúc bần đạo mắc phải cái cố tật, là: vẫn muốn nhắn bạn bè/người dưng: hãy cứ cầu và cứ mong. Cầu mong cho mình/cho người được nhiều ân huệ lành thánh, từ nơi Chúa. Cầu mong sao, mau qua mọi nỗi đau/niềm nhớ, rất khó quên.

Như câu hát ở trên, cầu và mong ở đời thường, còn là:

“Vì lời giã từ lúc anh ra về

Rằng mai đây anh lại thăm

Ước nguyện trọn một đời

Là mình luôn luôn có đôi.” (Lam Phương – bđd)

Thế nhưng, cầu và mong ở một số người nhà Đạo, thường mang ý nghĩa như thế này:

-Cầu mong bạn tìm được sự thanh thản và bình yên trong thế giới có nhiều điều bạn chưa hiểu được…

-Cầu mong cho nỗi đau bạn chịu, cũng như xung đột bạn từng trải, sẽ cho bạn sức mạnh để vươn lên mà giáp mặt thử thách với lòng dũng cảm, lạc quan.

-Cầu mong bạn luôn biết rằng có ai đó vẫn hiểu và yêu bạn. Và, người ấy luôn ở cạnh bạn cả vào lúc bạn thấy cô đơn nhất.

-Cầu mong bạn khám phá ra sự sâu sắc và sự tốt bụng của người khác để tin vào cuộc sống bình yên. Một cử chỉ làm yên lòng, một nụ cười nồng ấm đem cho bạn, mỗi ngày. Hãy nhớ: mặt trời luôn chiếu sáng muôn vật, dù cho cơn bão có kéo dài đến tận nơi đâu.

-Cầu mong bạn tin tưởng rằng: người thật lòng yêu bạn là người không ở gần, nhưng bạn vẫn cảm nhận được lòng thương yêu và sự quan tâm từ nơi họ.

-Cầu mong bạn vẫn nhớ: trong cuộc sống đời thường, có va chạm và khổ đau bạn đã gặp, vẫn ít hơn so với mơ ước và nỗi niềm hạnh phúc, bạn đang có.

-Cầu mong những gì bạn thấy có thiếu sót trong hiện tại, sẽ trở thành thế mạnh của bạn, trong tương lai.

-Cầu mong cho bạn nhìn thấy tương lai của mình tràn đầy nhiều hứa hẹn và có khả năng trở thành hiện thực.

-Cầu mong bạn có sức để tự quyết định cho mình trong hoàn cảnh gặp chuyện xấu xa tệ hại mà không bị ai phê phán về kết quả, đã diễn ra.

Cầu mong bạn luôn trao cho người khác món quà bạn nhận được từ ai đó, như chứng tích của lòng thân thương, người người gửi đến.

Và cuối hết, cũng cầu mong cho bạn thấy mình luôn được mọi người thương yêu.

Thật ra, theo triết lý/thần học nhà Đạo, mọi thứ trên đời ta đều đã và đang có như lời cầu và mong ở trên. Đây, ta có tình yêu thương cứu độ rất sung mãn. Vì, Đức Kitô đã chết và sống lại, để cứu ta. Ngài cứu, cho ta ra khỏi mọi tình huống đầy tội vạ. Ngài cứu, để ta được sống trong hy vọng. Bởi, sự thường thì chỉ cần cầu và mong, điều gì lâu nay ta chưa có, mà thôi. Đằng này, ta đã có đủ mọi thứ nơi gian trần. Có sự sống. Có tương lai rực sáng, chốn Nước Trời.

Đi vào vườn hoa Kinh Thánh, ta nhận ra được: điều này quả có thật. Này, Chúa há chẳng bảo:

“Vì tất cả những thứ đó,

dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm;

nhưng Cha của anh em

thừa biết anh em cần những thứ đó.”

(Lc 12: 30)

Rõ ràng là như thế. Dân con nhà Đạo chúng ta có được niềm xác tín, tin chắc:

Thiên Chúa yêu thế gian

đến nỗi đã ban Con Một,

để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết,

nhưng được sống muôn đời.

(Ga 3 : 16)

Sống muôn đời, là cuộc sống có tất cả. Sống trọn vẹn. Sống, không cần có thêm gì nữa. Tức, sống không chỉ để những cầu và mong, nên chắc bạn và tôi không có những tê tái, với phân trần:

Sao em ngồi lặng lẽ ..

để lòng anh tái tê

Hãy trả lời anh đi

Nghĩ gì mà đợi chờ

Nhiều lần chung ước mơ

Bên nhau ta cùng hứa ... quên đi chuyện năm xưa

Em biết cho chăng em ..thương em, nhớ em. Tất cả là em ! (Lam Phương – bđd)

Thay vào đó, hãy tâm niệm như lời thơ thương mến, của ngôn sứ:

Đây là lời ĐỨC CHÚA loan truyền cho khắp cùng cõi đất:

Hãy nói với thiếu nữ Xi-on: Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới.

Kìa phần thưởng của Người theo sát một bên,

và thành tích đi ngay trước mặt.

(Is 62: 11)

Nói cho cùng, có cầu và mong, thì cũng chỉ là trông mong nguyện cầu Chúa Cứu Độ sẽ quang lâm, như Phao-lô thánh nhân hơn một lần xác định:

Sở dĩ như vậy,

là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc

vẫn hằng mong,

ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại

và là Đấng cứu độ chúng ta,

hiện đến trong vinh quang.

(Tt 2: 13)

Thành thử, ngay đến nhà nghệ sĩ cũng từng quan niệm:

Còn gì đẹp bằng

lúc ta xum vầy

cầu mong sao duyên đẹp đôi

ước nguyện cả cuộc đời là được mãi mãi gần em !

(Lam Phương – bđd)

Và niềm vui mừng đích thực, như Thầy nói:

Anh em cũng vậy,

bây giờ anh em lo buồn,

nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em,

lòng anh em sẽ vui mừng;

và niềm vui của anh em,

không ai lấy mất được.

(Ga 16: 22)

Cuối cùng, cầu mong hay lo buồn, không chỉ là tâm tình của dân thường ở huyện. Dù huyện đó, có là huyện nhân gian hay trần thế, ta vẫn cứ mong và cầu cho niềm vui “không ai lấy mất”, được Đức Chúa quả quyết, vẫn từ lâu.

Quả quyết Chúa đưa ra, là lời đanh thép ta gặp ở nhiều chỗ. Như trong câu truyện bên dưới do danh hài George Carlin viết hồi thập niên ’70, ’80 chợt vào lúc bà vợ ông vừa thất lộc:

“Đời sống hôm nay, có những nghịch thường trong cầu và mong, như sau:

Cuộc sống con người, nay nhiều dinh thự/cao ốc thật, nhưng tâm tánh vẫn cứ thấp. Xa lộ thì chằng chịt những tuyến và đường, nhưng ý kiến vẫn hẹp hòi, tỏng teo. Chi tiêu thì hào sảng, mà sở hữu thực sự chẳng có là bao. Mua, thì mong mua được nhiều, nhưng vui hưởng của mình mua, đếm rất ít. Tậu nhà, ta mong nhà cao cửa rộng, trong khi gia đình/tổ ấm cơ ngơi cứ thế dần teo. Tiện nghi, ta mong thật nhiều nhưng thời giờ vun đắp, quả hiếm hoi.

Ta mong có nhiều bằng cấp ngút trời, nhưng khả năng hiện thực ngày một ít. Kiến thức mong có khá, mà phán đoán sự việc ngày càng giảm. Chuyên gia/chất lượng trong mọi việc ta mong có. Nhưng vấn đề cần giải quyết càng nhiều thêm. Nhiều thuốc men, nhiều cơ hội vui hưởng cuộc sống, nhưng cuộc đời lành mạnh cứ giảm thưa.

Cầu và mong thật nhiều, nhưng khi đã mãn nguyện lại sinh ra chè chén nghiện ngập. Cuộc vui lành mạnh vẫn cứ thiếu vắng, ở nhiều nơi. Lái xe đi đứng, chỉ mong cho mau cho chóng để đến nơi. Đến được rồi, lại cứ hờn giận, nổi nóng, và quậy phá. Cuộc sống bon chen nhiều, mà thoải mái thư giãn, vui hưởng cứ chậm chạp đến rất thưa. Hết thức khuya làm cố, rồi dậy sớm đến mệt nhoài. Đọc sách thì ít, nhưng hay xem phim ảnh - truyền hình, cả những vụn phim trên màn ảnh vi tính. Và, cầu nguyện suy gẫm, rất ít khi.

Có người chỉ cầu và mong nhân rộng tài sản, đất đai sở hữu cho thật nhiều, nhưng giá trị con người bản thân cứ là giảm sút. Nói thì nhiều. Yêu thương ít đi. Ghét ghen, tranh chấp ngày càng nhiều thêm.

Người người vẫn cầu mong học được thật nhiều. Học kế sinh nhai, cải thiện cuộc sống. Học cách kéo dài đời người. Thậm chí còn tìm thêm đất sống trên hoả tinh/nguyệt cầu,nữa. Nhưng vẫn thấy khó khăn khi chỉ cần băng qua con lộ nhỏ để gặp hàng xóm - láng giềng, mà chuyện trò hoặc giúp đỡ. Ta chinh phục được cả không gian địa cầu, nhưng chưa thuyết phục nổi chính không gian nhỏ bé bên trong lòng mình. Hoàn thành nhiều việc to lớn, nhưng vẫn chưa làm đẹp nhân tâm. Có cố gắng làm sạch sẽ không gian địa cầu để sống dai sống thọ, nhưng lại hay ô nhiễm linh hồn. Chinh phục được nguyên tử/hạt nhân, nhưng chưa triệt hạ được thành kiến, và kỳ thị.

Ta viết cho đời thật nhiều, nhưng học hỏi từ người lại quá ít. Hoạch định nhiều dự án, nhưng hoàn thành lại ít oi. Ta học cách gia tăng vận tốc, cứ lăn xả vào mọi chuyện, nhưng chưa học cách chờ mong. Lập thật nhiều văn bản máy tính đa năng đa dụng, lưu trữ được thật nhiều thông tin/dữ kiện, sản xuất quá nhiều sao bản, nhưng giao lưu/trao đổi trong hiền hoà, ngày càng ít thấy…

Và, danh hài George Carlin đi đến đề nghị:

“Hãy nhớ để thì giờ mà gần gũi người mình thương mến. Bởi, người ấy sẽ không còn gần gũi được bao lâu. Hãy nói lời hiền hoà với những người tìm đến với ta. Tìm đến trong tâm tình lo sợ, hoảng hốt. Vì, người hèn kém/bé nhỏ kia sẽ lớn dần. Và, họ sẽ xa vời đời mình, một ngày không xa.

Hãy nhớ mà ôm chặt vòng tay hiền ấm với người ở cạnh bên mình, vì đó là cách thức hay nhất để cầu được ước thấy, chẳng tốn đến một xu. Cũng hãy nói lời yêu đương với người phối ngẫu thân thương/bè bạn. Nhưng, lời nói phải đượm ý nghĩa đích thật. Hãy ôm hôn người mình thương mến cho thật nhiều. Vì, việc ấy sẽ gắn hàn niềm đau và nỗi nhớ, nếu phát xuất từ phần thâm sâu con người mình.

Hãy cầm giữ mà trân trọng giây phút gần gũi người thân yêu, vì một ngày rất gần, người mình thân thương sẽ không còn đó, để được yêu. Và, cũng hãy bỏ thì giờ để ra mà yêu thương, cho trọn. Hãy tìm giờ mà san sẻ, chuyện trò cùng người thân. San sẻ các tư tưởng cùng tâm tình hiếm quý, nơi tâm tưởng.

Cầu và mong là chuyện cần thiết, nhưng cũng nên ghi nhớ: cuộc đời của ta không đếm bằng hơi thở ta thường hít; mà, bằng khoảnh khắc rất ít oi khi hơi thở dần dà bị lấy đi.

Quả thật rất đúng, là như thế. Nhưng đúng hơn, phải nói: đời người nếu cần hai chữ cầu – mong, có lẽ cũng nên liên tưởng đến chuyện “mong” và “cầu”, mà bậc đàn anh/trưởng thượng vẫn đề cập. Về chữ “cầu”, đàn anh/trưởng thượng là cố giáo sư kinh thánh Nguyễn Thế Thuấn đã trích dẫn lời Kinh trong Tin Mừng thánh Mátthêu, từng ghi:

“Cầu nguyện,

thì các ngươi chớ lải nhải

như người ngoại…”

(Mt 6: 7)

Và, đàn anh/trưởng thượng đã chú giải:

“Ngay việc cầu nguyện, cũng có thể biến thành một việc phô trương. Kiểu phô trương trong hội đường (Lc 18: 11), hoặc ngoài đường xá… Còn, “môn đồ nguyện cầu, thì hãy tìm nơi kín ẩn” (Mt 6: 6), ý nói: liên lạc giữa Thiên Chúa và người ta thực hiện trong thinh lặng, âm thầm, loại hẳn đi những gì là phô trương, hư danh -cho dẫu là nêu gương.”

(Lm Nguyễn Thế Thuấn CssR, Sách thánh và mặc khải cứu rỗi, giáo án nội bộ tr.99)

Còn về “mong” hay “đợi, đàn anh/trưởng thượng khác, cũng lên tiếng:

“Đợi chờ là tưởng niệm niềm trông mong Đấng Cứu Thế ngày xưa đánh dấu tất cả lịch sử các tổ phụ và Israel, dân Chúa. Đợi chờ, cũng là nỗ lực để làm mới, tăng lên lòng khao khát của chính chúng ta hôm nay đối với Chúa Kitô đang đến trong Hội thánh nhờ các bí tích hay qua khuôn mặt tha nhân.”

(Gs Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, Cơ sở Hy vọng 2002, tr. 7)

Xem như thế, có “cầu” và “mong” nhiều đi chăng nữa, ta vẫn cứ thật tình mà vui sống. Sống cho trung thực. Sống tươi vui, như chỉ còn sống một ngày hôm nay nữa mà thôi. Vì, rất nhiều điều ta mong và cầu, vẫn có sẵn ở nơi ta. Vấn đề chỉ là ít/nhiều, nhanh/chậm tuỳ nhận định của mỗi người. Tuỳ niềm tin của ta. Tin rằng, mình đã có tất cả mọi thứ mình ao ước. Ở đây. Và bây giờ. Thôi nhé em.

Trần Ngọc Mười Hai

Cũng có lúc

rất cầu và rất mong.

Nhưng không nhiều.

Sunday 13 July 2008

“Đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ cây”

là nơi bầy thú hoang, đang vui đùa trong nắng say.

Đây, những bờ suối vắng, im phơi mình trên lùm cây.

Đây, những giòng nước mát, khẽ vươn tay về thung lũng,

Và những đôi nhân tình, đang thả hồn dưới mây chiều…”

(Lê Hựu Hà – Green Fields)

(Mc 16: 15)

Là người sống bên lề hay ở ngoài -ngoài nhà Đạo- có thể là, bạn đã và đang nghêu ngao hát những lời ca đầy ý nhị, vui như thế. Riêng bần đạo, từ hồi còn khoác áo chùng thâm, bản thân vẫn thích cùng với ban tứ ca The Brothers Four cầm đờn ghi-ta ngâm nga dạo ba câu hát. Những câu hát, có ý và lời na ná như một giòng chảy mà thánh sử Mác-cô từng ghi chú nơi lời Kinh Thư, hôm trước.

Là thánh sử hay nghệ sĩ nay-đã-ra-người-thiên-cổ, đều có lời vui Tin Mừng, như bên dưới:

“Ta yêu đồng xanh

như đã yêu thương con người”. (Lê Hựu Hà – bđd)

Lời ca là như thế, khác gì lời vàng, vẫn nghe quen như câu nói mà thánh sử từng ghi lại:

“Anh em hãy đi

khắp tứ phương thiên hạ,

loan báo Tin Mừng

cho mọi loài thọ tạo.”

(Mc 16: 15)

Tứ phương – thiên đường, chốn thánh của mọi người. Của, đôi nhân tình thả hồn dưới mây chiều. Của thú hoang, vui đùa trong nắng say. Hay, của giòng nước mát khẽ vươn về thung lũng. Rất Tin Mừng. Bừng bừng khí thế. Nhiệt náo. Phấn khởi. Đê mê.

Mừng vui khí thế, xưa nay vẫn dàn trải qua muôn thế hệ. Ở phương Tây. Cả ở bên ta. Chốn trời Nam cũng như mạn Bắc, những đồng xanh chốn thiên đường. Thiên đường hôm nay, đâu là chín tầng trời mây cao, trên chốn ấy. Cũng chẳng là, dinh thự nguy nga điện Cẩm Linh, vùng Mecca, dãy Sông Hằng hay Đền Thánh Cả ở La mã. Cả với Constantin.

Đồng xanh kia, nay là chốn mừng vui khí thế tưng bừng của Hội thánh. Có Thánh Thần Chúa rợp bóng uy linh đổ xuống trên đầu, người già lẫn đám trẻ, ngày Lễ Hội. Hội lễ chân tình tập họp người con thân thương, từ chốn đồng xanh cỏ mát bốn phương trời, tề tựu về bên Hội thánh Chúa.

Reo vui Tin Mừng, Hội thánh nay hội tụ những người con không còn là “đôi nhân tình thả hồn dưới mây chiều”, mà “những người lầm than vất vưởng”, Thầy chạnh lòng, thấy mà thương (Mt 9: 36). Thiên đường cỏ cây hôm nay, là những người tất bạt, chưa từng nghe biết Chúa. Là thọ tạo, khắp bốn phương thiên hạ, chốn “Đồng xanh” ấy. Những người “vẫn đứng chờ, giữa cánh đồng.” Chờ và mong, những người như ta, đem niềm vui Tin Mừng, đến “cho mọi loài thọ tạo”.

Và, vấn đề mạn phiếm hôm nay, là để hỏi: những gì đã và đang làm nên tình An Vui, rất Tin Mừng?

Thật ra thì, ảnh hình thơ nhạc trên đây, chưa hẳn là An Vui Tin Mừng, rất đích thực. An Vui Tin Mừng, là làm được những việc cần làm. Tức, đưa dẫn mọi người ra đi, để họ có thể đến mà sống cùng và sống với nhau, hầu phù hợp với điều mình vẫn nghe biết.

Ở Phúc Âm, Đức Kitô là Đấng đem An Vui Tin Mừng, đến trước nhất. Tin Mừng Ngài đem đến, đã sờ chạm thật sự vào cuộc sống, của mọi người. Với kẻ đói, Ngài truyền mang bánh đến cho họ ăn. Những người quặt quẹo - đui mù và điếc nặng, nhiều miên trường khổ ải, Ngài chữa lành cho tất cả. Là kẻ bất ưng với công việc mình làm. Là người thu-thuế hoặc nông dân - thuyền chài, chẳng hơn ai. Ngài vẫn cứ gọi mời: hãy đi mà khám phá ra chân trời mới. Lớn hơn nhiều. Hoặc, là người bị bỏ bê ghét bỏ, đám đĩ điếm dân đen, cặn bã xã hội. Ngài vẫn mở rộng vòng tay ôm, đón họ về với cộng đoàn đầy thương mến.

Tin Mừng hôm nay, là tin được quảng bá sâu rộng, đến với mọi người đang có nhu cầu, rất khẩn thiết. Trước hết và triệt để hơn hết, là những người đang cần thực phẩm. Cần chỗ ở. Cần cuộc sống an ninh/an toàn, khắp mọi nơi. Tin Mừng bây giờ, phải là thông tin khả dĩ tiếp cận nhu cầu của những người đang kiếm tìm hạnh phúc. Hạnh phúc trong nhận thức. Hạnh phúc trong bổ sung cho khả năng riêng tư trí tuệ, hầu triển khai nhân cách. Trải rộng quà tặng ân sủng, đến với người. Tin Mừng hôm nay và mãi mãi về sau , là lời gọi mời của Đức Chúa, được gửi đến bạn bè/người thân. Cả với những người mà ta chưa từng quen biết.

Với giới trẻ, là những người đang hăng say hoạt động nơi nhóm hội/cộng đoàn. Những bạn đang cưu mang giùm giúp các người có nhu cầu. Đang ơi ới vẫy gọi. Với cộng đoàn Hội thánh, rao báo Tin Mừng hôm nay, không còn là cung cách của các bậc ở trên, đấng bậc chỉ biết có phán và có bảo. Phán. Mà, như người trẻ hăng say lao mình vào với thế giới của những người túng cực. Thế giới của những người có nhu cầu thiết thực, không thể thiếu. Những người, chỉ sống ngày qua ngày, chẳng biết gì tình hình ngày mai, ra sao. Những kẻ sống vô gia cư, chết vô địa táng. Những kẻ bị người đời dè bỉu, khinh chê.

Rao báo Tin Mừng cho thế giới cùng cực, có thể cũng chẳng cần phải đưa ra những lời hoa mỹ, rất hứa hẹn. Mà, chỉ cần mách giúp những mẹo vặt. Hoặc, phương cách kiếm tìm công ăn việc làm, đủ nuôi thân. Rao báo Tin Mừng, còn có thể, là chỉ vẽ cho đàn em nhỏ biết cách làm 4 phép tính cộng trừ nhân chia, để mà sống. Sống với người. Với mình.

Rao báo Tin Mừng, còn là ra đi về với xóm làng tận vùng sâu. Vùng xa. Ở những vùng, mà người dân đen chưa từng biết đến chữ nghĩa. Cả với âm thanh. Và, rao báo Tin Mừng, là ngồi đó mà lắng nghe người già, và kẻ tật nguyền run lật bật, kể cho nhau có mỗi chuyện nghe hoài đến chán.

Nói cho cùng, rao báo Tin Mừng là thông truyền quảng bá nỗi niềm phấn khởi khi có người chịu bỏ công sức, thì giờ ra mà quan tâm chăm sóc kẻ yếu đuối tật nguyền; hoặc, mở rộng vòng tay ôm đón người lầm lỡ, cô đơn. Tuyệt vọng. Những người bị cộng đoàn tẩy chay. Loại bỏ. Xa lánh.

Và, rao báo Tin Mừng sẻ san Lời Chúa, là chia sớt với Ngài mối bận tâm giùm giúp, thông cảm người đang cần người khác để mắt nhìn đến. Có thể, ấy đó là người già nua, kẻ tật bệnh. Có thể, cũng chỉ là người khác tính khí. Khác chính kiến lập trường. Có thể, cũng chỉ là người khác biệt cuộc sống thực tế, diễn ra mỗi ngày.

Cuộc sống ấy, cả thi sĩ lẫn người đặt nhạc, vẫn diễn tả ở câu thơ:

“Đồng xanh giờ vắng tênh, dưới trời lãng quên,

còn đâu bầy thú hoang, đang vui đùa trong nắng êm.

Đâu những bờ suối vắng, im phơi mình bên lùm cây

Đâu những giòng nước mát, khẽ vươn tay về thung lũng

Và những đôi nhân tình xưa, đã lìa cách xa rồi.” (Green Fields – bđd)

Và, nay có tiếng hỏi: các đôi nhân tình xưa kia, nay có được sẻ san Tin Mừng Lời Chúa ở đâu đây? Ở đâu đây, là ở trong hoặc ở bên ngoài nhà Đạo? Các đôi nhân tình ngày hôm nay có còn nghe lại khúc ân tình người nghệ sĩ, xưa vẫn hát? Hát nhẹ nhàng. Và, ca lên như một nhắn nhủ, bảng lảng bóng chiều hôm:

“Ta thương đôi tình nhân kia, như gió thương yêu mây trời

nhưng sao giờ đây, chẳng thấy ai chung quanh ta

đất trời như bãi tha ma

trên đồng hoang cỏ cháy…

Và, đã bao năm trời

Ta đứng chờ

Giữa cánh đồng. (Lê Hựu Hà – bđd)

Tin Mừng được rao báo cho người ở ngoài Đạo nay lại là những vần thơ rất riêng tây. Đầy ắp cả một hồn thơ. Và, một rừng âm thanh, những là nhạc. Tin Mừng đem đến cho người đạo hạnh ở tận trong, vẫn an vui hài hòa, như một lời kể, ở bên dưới:

“Chúng tôi chung sống với nhau suốt 21 năm trời, chưa thấy xảy ra chuyện gì khiến cả hai chúng tôi phải hối hận. Mới đây, tôi gặp một chuyện đến là hồi hộp. Hồi hộp là bởi, cách đây không lâu, tôi bắt đầu đi ra ngoài dạo chơi với một người nữ phụ khác.Mà, người ngỏ lời lại chính là vợ tôi. Đến giờ này, tôi vẫn còn nhớ lại cái giọng ngọt ngào, nhưng hơi khác thường của người bạn đời, mà tôi vẫn còn chung sống suốt 21 năm. Vợ tôi lựa đúng lúc, vời tôi vào phòng rồi nói:

-Em biết là anh vẫn còn nhiều tình cảm với bà ấy. Em nghĩ, vợ chồng mình tuy vẫn còn thương nhau. Nhưng…

Hồi hộp quá, đến độ chẳng thốt nên lời phản đối, tôi chỉ ấp úng được vài câu, rất biện hộ:

-Em thừa biết, lâu nay anh vẫn một lòng…

Vợ tôi không để tôi nói tiếp, bèn bồi thêm:

-Vẫn biết thế. Nhưng anh đâu bớt thương bà…

Cuối cùng, thì trắng đen đã rõ. Người, mà vợ tôi ám chỉ tôi phải minh bạch chọn lựa, chính là mẹ của tôi.

Vâng. Mẹ tôi ở góa cũng đã 19 năm qua.Khổ nỗi, tôi cứ mải bận hết chuyện này đến việc khác. Chẳng bao giờ có thể sắp xếp được giờ rảnh rỗi về thăm hoặc mời bà đi đâu. Vì thế, tôi quyết định gọi điện mời mẹ tôi ra ngoài ăn hiệu và xem phim, vào buổi tối. Cũng như mọi phụ nữ, mẹ tôi rất ngại nhấc điện thoại vào buổi tối. Bà sợ phải nghe tin dữ đến muộn vào ban đêm. Nên, thoạt nghe thấy lời mời, bà rất đỗi ngỡ ngàng, cử hỏi đi rồi hỏi lại:

-Có thiệt không đó con? Chỉ mỗi hai bọn mình thôi sao? Chà, lâu ngày, hỉ?..

Và, ngày “N” đã đến. Sau khi tan sở, tôi ghé nhà đón mẹ đi ăn. Tôi chợt nhận thấy bà cũng hồi hộp không kém. Cụ bới tóc lên, trông gọn gàng và nét đẹp cao sang vẫn còn đó như hồi nào. Thấy tôi, bà nhoẻn một nụ cười rất tình tứ, và lịch sự nói:

-Mẹ khoe với mấy bà bạn già là hôm nay mẹ đi chơi tối với ông con trai cưng. Chỉ mình nó thôi chứ không có “cái đuôi” đi kèm. Mấy bà bảo: thế là nhất bà đấy, cụ ơi! Chả ai sánh bì được đâu!

Thế là chúng tôi đi. Tôi đưa tay đỡ mẹ như đỡ một đệ nhất phu nhân, vào buổi tiệc. Quả là, tối nay mẹ tôi đẹp hơn một bà hoàng. Bà xứng đáng như thế. Tôi đưa bà đến một nhà hàng không nổi tiếng lắm, nhưng lịch sự và thơ mộng. Ngước mắt nhìn quan sát, tôi thấy bà vừa ngồi xuống đã nhoẻn nụ cười hồn nhiên, bảo:

-Trước đây, mẹ chuyên trị việc xem thực đơn và gọi món cho mọi người ăn.

-Thế bây giờ, mẹ cứ ngồi thoải mái, việc ấy để con.

Hai mẹ con vui vẻ hả hê, vừa ăn vừa trò chuyện quên cả thời gian trôi qua, rất nhanh. Muộn rồi, hai mẹ con tôi không kịp xem phim, nhưng đi một vòng phố rồi về nhà. Khi tiễn mẹ vào nhà, bà nói:

-Mẹ thích những buổi đi ăn như thế này lắm. Lần tới, con phải để mẹ mời con mới được.

Tôi đồng ý để mẹ vui. Từ giã mẹ già, tôi vội phóng như bay chạy về chưa kịp khoe với vợ nhà, thì vợ tôi đã hỏi:

-Thế nào? Buổi hẹn hò có đẹp lắm không?

Tuyệt! Tuyệt đẹp như một bài thơ, chưa có phần kết…

Vài bữa sau, tôi được tin mẹ tôi vội vã ra đi, sau cơn trụy tim, không hẹn trước. Tin vui đến chậm. Tin buồn quá mau. Tôi chưa kịp làm được gì thêm cho mẹ, thì mẹ tôi đã ra đi. Ít hôm sau, nhà tôi nhận được một phong thư, bên trong có kẹp một biên lai trả tiền trước cho bữa tiệc ở cũng một nhà hàng mà hai mẹ con tôi từng đến. Trên biên lai thấy ghi hàng chữ “Mẹ đã trả tiền trước cho bữa ăn mẹ đặt sẵn. Nhưng mẹ nghĩ là mẹ sẽ không thể có mặt vào bữa ấy được. Nên mẹ trả tiền cho hai phần ăn: một cho con và một cho vợ con. Con biết đấy. Tối hôm đi ăn với con, mẹ thấy chưa có buổi nào tuyệt vời như thế cả, trong đời mẹ. Mẹ thương con nhiều.”

Đọc hàng chữ thân thương của mẹ, tôi mới hiểu trọn vẹn thế nào là Tình Mẹ thương con. Câu nói đến với tôi, thật đúng lúc. Cũng từ hôm ấy, tôi nhận ra rằng: không gì quý bằng khi mình tặng cho nhau hạnh phúc vào đúng lúc, đúng vào thời điểm mà người ấy cần.

Đoạn kết của truyện kể, có thể dùng làm câu khẳng định về Tin Mừng, ta cần rao. Tin Mừng là như thế. Chẳng cần rao giảng đâu xa. Ngay với người nhà. Người mà mình gần gũi nhất. Đó chính là thông điệp “Đồng xanh là chốn đây”, hôm nay Chúa gửi đến cho ta. Một Tin Mừng. Tin rất vui. Và rất mừng.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn nhận được những thông điệp

vui như thế.

Rất là Tin mừng.

Để mà rao báo.