Saturday 30 January 2010

Một chiều gió mưa

Anh về thăm chốn xưa. Non nước u buồn, nào đâu bóng cố nhân, lòng xót xa tình xưa.” (Dương Thiệu Tước/Minh Trang Bóng Chiều Xưa)

(Ga 24: 1)

Chiều, mà lại là “chiều gió mưa”. Say, mà lại “say hồn ta bao lần”. Điều này, chắc chỉ những người có tâm hồn nghệ sĩ như “cặp bài trùng” trích dẫn ở trên, mới như thế. Bần đạo không là nghệ sĩ. Cũng chẳng là thi nhân. Nhưng, bần đạo cũng có những kinh nghiệm và cảm nhận về buổi chiều. Về say. Như ở trên.

Như trên, là vì trong một tuần, mà bần đạo có được diễm phúc nhận đến hai ý kiến phản hồi của hai người bạn khác nhau. Bạn đọc. Bạn nghe đọc bài viết, nhưng chưa một lần gặp mặt. Bần đạo chỉ biết tên hai vị, qua thư từ. Một vị mang họ Võ, ở đâu đó. Bên quê nhà. Còn vị kia, họ Việt, tên thánh rất Tây. Ở trời Tây. Vị họ Võ, viết cho bần đạo ngắn gọn như thế này:

“Thầy Mười Hai viết rất hay. Tôi tuy không phải là người có đạo, nhưng rất thích những lời thầy viết. Và, rất thích nghe những bài phiếm “đạo đời” của thầy. Nghe vừa thấy vui, vừa thấm thía cuộc đời. Rất mong thầy tiếp tục viết phiếm nhiều nữa, để tôi có thêm nhiều dịp thưởng thức, học hỏi.” (trích thư điện của một bạn chưa quen biết, đã có thư)

Còn, bạn đọc họ Nguyễn cũng viết cho bần đạo. Không trực tiếp. Nhưng, qua người bạn cùng lớp. Cùng trường. Rất thân thương. Như sau:

“Xin cảm ơn anh chị Mai Tá thật nhiều, vì anh đã cho Anna nhớ lại rất nhiều kỷ niệm hơn 40 năm về trước, Anna sống lại những kỷ niệm thật đẹp và quý yêu của ngày xưa. Qua những bài thơ. Qua những tên tuổi mà anh nhắc tới (như Gs Nguyễn Ngọc Lan). Anna đọc thấy vui và hấp dẫn. Cứ muốn đọc cho hết để biết là anh muốn nói gì. Tuy có chỗ phải suy nghĩ một chút, nên cũng hơi mệt cái đầu! Khi Anna đọc tới bài “Vì tôi là linh mục”, thật sự Anna rất cảm động, vì thuở ấy Anna rất quý mến chiếc áo chùng thâm của các cha Dòng Chúa Cứu Thế…!

Anna nhớ các vị như: cha Roy người Canada, là người có trách nhiệm cho Anna, khi Anna ở nội trú Couvent de Oiseaux, cha Bùi Quang Diệm, giáo sư triết của Anna. Cha Nguyễn Quang Kiêm, cậu của Anna, người Huế. Gs Nguyễn Ngọc Lan, thầy của Anna, cha Nguyễn Văn Sơn, thầy Tiến Lộc, thầy Cao Đăng Minh… và nhiều thầy khác trong ban Allêluia-Ca Vào Đời, thời 1968.

10 năm vừa qua, Anna có dịp trở lại Việt Nam để cố “đi tìm” nhưng rất tiếc, không gặp một ai. Chỉ nhớ là các cha Dòng Chúa Cứu Thế và các thầy ở Đà Lạt hồi đó có nói: “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba là “lũ quái” “Couvent des Oiseaux”. Thật sự trong đám quái này cũng có Anna, rất hay phá các cha Dòng và các Thầy. Nhưng tuy có phá có phách, vẫn quí yêu chiếc áo Dòng đen và yêu luôn các ngài.

Anna về Việt Nam có nghe người ta hát: ”Làm người khó lắm em ơi, làm người chưa được sao đòi làm tiên”. Anna nghe mà không biết của ai, nhưng nghĩ rằng: tiếng Việt mình rất chí lý!

Anna xin anh chị tha lỗi và cảm thông cho, vì Anna cũng ngu si lắm nếu có gì không phải xin anh chị thứ lỗi cho nhé. Vài lời kính thăm và cảm ơn anh chị thật nhiều vì đã cho Anna đọc những bài do anh chị viết. Anna thấy mình chịu đọc nên hiểu tiếng Việt dễ dàng hơn. Và cũng hiểu về Chúa nhiều hơn.

Mặc dầu Anna chưa được gặp anh chị, nhưng cũng cảm thấy như đã quen thân lắm rồi. Theo Anna nghĩ: mình sống chân thật, thì có xa cũng như là gần; và tuy không biết nhau thì đọc bài anh chị viết cũng như đã biết rồi.”

Cũng tuần này, bần đạo bất chợt gặp được một tư tưởng của nghệ sĩ khá lớn, cũng có những lời trần tình trên tập nhạc mang tựa đề “Trên Ngọn Tình Sầu”, có lời quý hoá như sau:

“Tôi nhớ, tình cờ đọc ở đâu đó, có một câu của nhạc sĩ Phạm Duy, in trang trọng trên trang đầu tuyển tập nhạc tình của anh, đại ý tỏ dấu tiếc đã không dành hết quãng đời viết nhạc của anh cho sự ngợi ca tình yêu.

Tôi thú vị lắm, phải nói thế, khi đọc lời tâm sự buồn bã nhưng thực chất của người làm nhạc lớp trước này. Vì tôi vẫn cho rằng nếu chim muông chỉ có một thời để ca hót, nếu cỏ cây chỉ có một thời để xanh tươi, thì chúng ta cũng chỉ có một đời để yêu và một đời để chết.

Tình yêu nói bằng cách nào đó, chính là khuôn mặt chập lại, sáng lên của sự sống và lẽ chết.” (x. Từ Công Phụng, sđd bìa tr. 4)

Hôm nay, bần đạo trích dẫn lời lẽ trên, chỉ để nói leo và nói theo bạn bè gần/xa. Trong/ngoài nhà. Về cái tật và bệnh của bần đạo, từng mắc phải. Cái tật cố hữu mà bần đạo cố lắm nhưng chưa chừa, chỉ hay lẻo đẽo nói theo rồi thêm thắt. Thêm cả những từ ngữ, lẫn ý tứ. Để cho vui. Những từ ngữ và ý tứ, như lời lẽ của Đức Cha rất thánh khi ngài tuyên bố “Thiên Chúa là Tình yêu”, thì bần đạo cứ nói theo và nói thêm đôi ý, mà rằng: Tình yêu thật ra không là Thiên Chúa. Nhưng tình yêu đưa ta về với Thiên Chúa. Là, thánh nhân. Cũng rất gần. Đấy thôi.

Vậy hôm nay, xin phép bạn/xin phép tôi, cứ cho bần đạo tiếp tục thực hiện cái-gọi-là một thời để phiếm và phiếm. Bần đạo hứa, sẽ không phiếm bạo hoặc phiếm loạn, về nhiều đề tài rất cao siêu. Mà, chỉ phiếm lai rai. Phiếm đường dài, về chữ Đạo. Và chữ “yêu”. Mà thôi.

Xin rồi, nay ta phiếm. Rất như sau.

“Một chiều bên nhau

một chiều vui sống quên phút tang bồng.

Anh ơi nhớ chăng xa anh em hát

khúc ca nhớ mong.” (Dương Thiệu Tước/Minh Trang –bđd)

Xem như thế, thì người trong/ngoài nhà Đạo hễ có cơ hội là những nhớ và mong. Mong và nhớ, những chiều bên nhau. Ở đâu đó. Trong/ngoài nhà thờ. Đọc cho nhau nghe, những giòng chảy vui sống. Những sống vui, phút tang bồng.

Còn nhớ: có lần bần đạo đọc được tư tưởng của một tác giả trên mạng mang tên là John Powell, khi ông nói: “Đời người, vẫn thấy tiềm ẩn hai bi kịch của cuộc sống. Đó là: sống mà không biết yêu. Và: yêu mà chẳng biết nói lên rằng mình đang yêu và đang nhớ.” (Ronald Rolheiser, Living in the face of Mortality, 03-01-2010)

Nếu diễn rộng, thì từ ngữ I-ê-u “yêu” có thể vẫn đính kèm chữ “thích”. Thích nghe. Thích đọc. Thích giữ lại những tình tự thân thương, mình vẫn yêu. Tuy nhiên, cả chữ “yêu” và “thích” vẫn luôn mỏng dòn. Dễ cạn và dễ mất. Cạn và mất, cả những tình tự “ái ân”, “say sưa”. Thời xưa, để rồi nay cứ hát những tâm tình u buồn, mất mát. Mất, vì lơ là, nên gió cuốn. Như lời nghệ sĩ viết tiếp:

“Một chiều gió mưa,

Em về thăm chốn xưa.

Non nước u buồn, nào đâu bóng cố nhân

lòng xót xa tình xưa.” (Dương Thiệu Tước/Mình Trang-bđd)

Với nhà Đạo, cũng thế. Có những thiếu sót, mất mát. Không thể tìm gặp lại. Dù, tình xưa. người xưa. Xót xa và mất mát, là bởi đời mình chỉ là chuỗi dài trạng huống rất mỏng dòn. Dễ tang thương. Bất ổn. Gây thương tổn. Có khi còn biến dạng. Chết chóc. Rất đáng khóc.

Với nhà Đạo, còn hơn thế. Hơn, là bởi: người nhà Đạo vẫn sống và vẫn biết. Sống, theo kinh nghiệm. Có đủ “Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục”, rất thất tình. Nhà Đạo vẫn biết đời người là thế. Và hơn thế. Như và hơn, là bởi người nhà Đạo vẫn được nghe biết những Lời vàng, như sau:

“Anh em đừng xao xuyến!

Hãy tin vào Thiên Chúa

và tin vào Thầy.”

(Ga 14: 1)

Nói của đáng, có “tin vào Thầy” mình, người người mới có được cuộc sống rất phải. Lại rất biết. Biết rằng mình đã sống rất mực. Sống, không sợ sệt. Sống, không ngại ngần những khổ đau. Âu sầu. Mất mát. Dù, mất đó có là mất đi một mối tình. Dù, sầu đây có là sầu buồn vì mình còn yếu kém. Không đạt được cả đến những gì là tối thiểu. Cuộc đời người.

Tin vào Thầy, đâu chỉ là tin như Tin Kính, mỗi đọc kinh. Tin vào Thầy, đâu là tối ngày lo lễ lạy với chầu lượt. Chẳng lý gì đến cuộc tình của người mình. Nhà mình. Rất khiếp kinh. Tin vào Thầy, cũng chẳng là tin rồi lại không tin, như xem xiếc. Những ảo thuật. Lúc thì tin, Chúa có mặt ở Nhà Tạm. Nơi Mình Thánh. Chứ không tin, Chúa đang ở với nghèo hèn. Người rất nghèo. Rất hèn kém. Đang “ăn xin”, ngoài đường. Đang bán vé số. Đang bị hất hủi, vì phân rẽ. Bè phái. Rất hãi kinh. Cho đời mình.

Tin vào Thầy mình, là tin rằng vẫn có Thầy, nơi người tớ. Ở bên cạnh. Ngay sát nách. Mà chẳng biết. Tin vào Thầy mình, là tin rằng Thầy chính là Tình yêu của hai người. Của nhiều người. Đối với mình. Với nhau. Ở đâu đó. Nơi xó xỉnh. Chứ đâu nào, ở nơi xa. Chốn tháp ngà. Cung điện La Mã. Rất Rôma. Chốn cao sang. Quyền quý. Đáng kính sợ.

Tin vào Thầy mình, là tin rằng ở đời này vẫn còn có người rất buồn sầu khổ đau. Nhưng, vẫn sống. Sống, để chứng minh rằng: Lời Thầy nói đúng. Mà lắm người chẳng chịu nghe. Lời Thầy nói khi xưa. Ở Lời Chúa. Tin vào Thầy, là tin rằng khi xưa Thầy từng nói:

“Thầy bảo thật anh em,

ai tin vào Thầy,

thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm.

Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa.”

(Ga 14: 12)

Hôm nay đây, Lời Thầy áp dụng cả vào những lời rất Đạo, nhưng vẫn lạo xạo trong đời. Ở thơ văn. Ở âm nhạc. Như lời nhạc, ta trích dẫn. Chỉ để nghe:

“Lâng lâng chiều mơ,

một chiều bâng khuâng đâu Nguồn Thơ.

Mây vương sầu lan

Gió ơi đưa hồn về làng cũ

nhắn thầm lời nguyện ước trong chiều xưa.”

(Dương Thiệu Tước & Minh Trang – bđd)

Nguyện, là nguyện cầu buổi chiều xưa, khi Thầy bảo:

“Ngày đó, anh em sẽ biết rằng

Thầy ở trong Cha Thầy,

anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.”

(Ga 14: 20)

Xem như thế, Tin vào Thầy, là tin rằng Thầy đang ở trong ta. Ở lời thơ ý nhạc, rất người đời. Thầy còn ở, cả nơi truyện kể trong đời vẫn lẫn lộn những chuyện đáng nên tin, mà lại không tin. Hoặc, những chuyện không nên tin, mà lại đáng tin, như truyện kể hơi dài, lại ở dưới:

“Một lần Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò yêu của Khổng Tử.

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ … Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí; tất cả đều quyết tâm theo thầy đến cùng.

May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo … Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi - một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất - phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.

Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống … thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ … Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh … rồi từ từ đưa cơm lên miệng …

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài … ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về … Nhan Hồi lại luộc rau … Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ …

Một lát sau rau chín. Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên; tất cả các môn sinh chắp tay mời Khổng Tử xơi cơm.

Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước …

Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy … cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa:

-Dạ thưa thầy, nên ạ!”

Khổng Tử lại nói:

-Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?

Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa:

-Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.

Khổng Tử hỏi:

-Tại sao?

Nhan Hồi thưa:

-Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên trần nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình chung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em …

Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi … bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và … thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!

Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không tin là đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

Khổng Tử là bậc thánh hiền, thấy “sự việc đành rành” như thế, mà cũng không tin. Không tin và không hiểu, theo kiểu “sự thật”, đến như vậy. Thì, sá gì những người bình thường và tầm thường, như tôi, như bạn. Như chúng ta.

Để kết hậu, xin mượn lời của bạn bè, ai đó, có những câu nói “rất để đời”, như sau:

“Cuộc đời nào cũng ngắn ngủi. Bởi thế nên, cứ bỏ đi cái “vị kỷ” khá ly kỳ. Ngạo mạn. Hãy mau mắn, mà thứ tha. Hãy cứ tà tà, chầm chậm mà tín thác-yêu thương. Tin từ từ. Nhưng, yêu thật sự. Cứ cười lên thật to. Rồi hãy nhớ: đừng bao giờ lbỏ qua những cơ hội làm mình mỉm cười, rất đáng yêu. Rồi, cũng nên tâm niệm một điều: sáng sáng thức dậy, hãy cứ hỏi: có chăng hôm nay, bí kíp gì tạo thành công, trong cuộc đời. Vào lúc này? Và đây, là câu trả lời, ở chung quanh:

Chiếc quạt trên trần nhà, bảo: hãy trở nên tươi mát, sẽ dễ chịu.

Mái ngói căn nhà lại cứ nói: hãy đặt tầm nhìn mãi trên cao, cao hơn nữa.

Cửa sổ nhỏ, lại bảo khác: cứ đưa mắt nhìn đời, sẽ thấy mới.

Đồng hồ treo tường, chậm rãi nói: Mỗi giây mỗi phút, đều cực quí.

Gương soi, lại bảo: Cứ cân nhắc mà xem, trước khi làm.

Tấm lịch ngày, thì nói khác: Luôn phải nhớ cập nhật hoá, mới đúng cách. Mà sống sót.

Cánh cửa, lại khuyên khác: Cứ đẩy mạnh mọi tiến trình, sẽ đạt mục đích!

Lời khuyên thường như thế, tin hay không tin, là chuyện của mỗi người, mỗi thời. Suốt cuộc đời. Một đời người, còn có những đề nghị rất ngắn gọn, của người viết, nào đó, chẳng phải tôi:

“Hãy mang theo Con Tim, chưa từng biết hờn giận, và ghét ghen.

Hãy nhoẻn một nụ cười, không bao giờ tắt trên môi.

Hãy sờ chạm mọi thứ, cả đến sự thật. Nhưng tình thật, đừng làm ai đau đớn.”

Thế đó là vấn đề. Của tôi và của bạn. Rất hôm nay. Thời gian là của bạn. Quyết định là của tôi. Những tôi và bạn, vẫn cứ bên nhau mà dựa dẫm. Suốt đời. Ở mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn cứ tin rằng

mọi sự thật được phơi bầy

trên mái nhà

để ta yêu.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com

Saturday 23 January 2010

“Ta còn những người ngồi quanh đây, trán in vết nhăn”

Ðêm nằm nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn mộng lành

Ôi vì thâm tình cùng con dân sống trong chiến tranh

Ôi cùng đau lòng, cùng hoang mang giữa khi khó khăn

(Nguyễn Đức Quang - Xin chọn nơi này làm quê hương)

(Mt 25: 40)

Lời ở trên, là giòng nhạc du ca, rất nổi cộm. Là, giòng chảy rất âm nhạc, của người viết có tên rất Đức và cũng rất Quang, giòng họ Nguyễn. Tên anh nổi cộm một thời. Nhạc anh chộn rộn nhiều nơi. Hồi thập niên ’60. Thời, mà dân con trong huyện/thành miền Nam, vẫn gọi mọi sự, là quê hương. Gọi, chùm khế ngọt. Lưng cơm. Tấm áo. Con ngõ trơn. Gì gì, cũng gọi quê hương, thương cũng như ghét. Cứ vun về với mình. Từng chữ. Rất đáng yêu.

Thậm chí, người nghệ sĩ còn hứng chí, gọi mọi người cùng ông, hãy cứ chọn:

“Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương

Ta cùng lo chạy từng lưng cơm, áo che thân tàn.

Khi mùa mưa về cùng lem nhem, bước trên ngõ trơn,

Khi dịch lan tràn, cùng lo âu trắng đôi mắt đen.” (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Hôm nay, chẳng còn dịch nào dám lan tràn, trên quê hương tôi, hay quê bạn. Có chăng, là dịch tư tưởng. Ngôn ngữ. Chữ viết. Thứ dịch, mà ngay đến các quan thẩm phán, cũng chào thua. Chào rồi, xin thua. Như truyện kể ngăn ngắn, ở ngay dưới:

“Truyện rằng:

Hai tù nhân, một già một trẻ, cùng nhau chung sống kiếp nằm hộp, ở phòng giam. Cả hai, nói chuyện khá tâm đắc về ý nghĩa và lý do, khiến “ủ tờ”:

-Này đằng ấy, tội tình gì mà bị quan cho vô đây làm bạn cùng giun dế với tớ, thế?

-Chẳng giấu gì bác, em đây bị “người ta” kết mỗi tội nhỏ, là bỏ vợ. Dạ, thế thôi.

-Chà! Lạ nhỉ. Tớ đây sống từng này tuổi, thêm vài buổi nữa cũng “thiều quang nhẫn nhục, đã ngoài chín mươi”, mà nào có nghe luật pháp luật Tây nào kết tội ấy bao giờ. Có chăng là… là…

-Dạ thưa, em bỏ nó rơi từ lầu 10 xuống đấy, cụ ạ.

-À ra thế!

-Thế còn cụ, tuổi này mà sao cụ cũng vô đây. Cụ bị chúng gán tội gì thế?

-Tớ đây, bị chúng thưa mỗi tội … hãm hiếp!

-Trời đất! Bằng này tuổi, “xí-oách” đâu mà hãm với hiếp!

-Ấy, vì sợ bọn nó chê ta già, không còn “xí oách” nữa, nên khi con bé hàng xóm vu khống… thế là đây nhận tội ngay. Cho chúng biết…tay!

Thế đó là quê hương? Phải chăng là chữ nghĩa? Thật ra, quê hương với chữ nghĩa, cũng chẳng là thế. Quê hương là thế hay không thế, vẫn cứ là nơi đi/chốn về, của nhiều người. Của “những khung trời mở rộng” Mở, không gian. Mở, thời gian. Tràn lan, không biết cơ man nào là ý tưởng. Và, quê hương như tưởng những mỹ miều, huê dạng như bao truyện khác. Truyện, về “Phật” tính khung trời, đời con nhện. Mà, giới nhà Phật có tích cổ, viết như sau:

“Trước miếu Quan Âm mỗi ngày, vô số người đến lễ bái, hương nghi ngút. Trên xà ngang trước miếu, có chú nhện giăng tơ, mỗi ngày ngập đầy hương khói. Với lời cầu đảo. Nhện dần dà đã có Phật tính. Nghìn năm tu luyện, nhện đã linh. Ngày nọ, Phật dạo thăm ngôi miếu nhỏ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, thấy nhện. Phật dừng lại, hỏi:

-Gặp ngươi, hẳn là có duyên. Ta hỏi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay đã thông tuệ gì không?" Thế gian này, gì quý nhất?

-Thưa, thế gian này quý nhất là những gì mình không có và những gì mình để mất".

Phật gật đầu, rồi đi. Nghìn năm sau, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.

Ngày nọ, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: "Ngươi có nhớ câu hỏi nghìn năm trước của ta không? Nghìn năm qua, ngươi suy nghĩ thêm được gì? Thế gian này, gì quý nhất?"

-Thế gian này quý nhất là cái không có và mất đi."

-Tốt, ngươi nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người!

Vì thế, nhện được đầu thai vào nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi xinh đẹp. Yểu điệu. Duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu, được vua quyết định mở tiệc mừng ở vườn ngự uyển. Nhiều người đẹp tới dự, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca khiến các thiếu nữ phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo lắng cũng không ghen. Bởi nàng biết chàng là mối nhân duyên Phật đem tới, dành cho nàng.

Ít ngày sau, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cùng lúc Cam Lộc cũng đưa mẹ tới miếu. Sau lễ, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc cũng có dịp tâm sự, Châu Nhi vui lắm, nói với Cam Lộc:

-Chàng nhớ không? Mười sáu năm về trước, có nhện con ở miếu Quan Âm?

-Châu cô nương, cô thật xinh đẹp, lại có trí tưởng tượng khá dồi dào, sao cứ chuyện nhện?

Nói đoạn, chàng cùng mẹ rời miếu, ra về. Châu Nhi về nhà, nghĩ: Phật an bài nhân duyên, sao không để chàng nhớ chuyện cũ. Cam Lộc sao không có cảm tình với mình? Vài ngày sau, vua ra chiếu chỉ truyền cho Cam Lộc sánh duyên cùng Trường Phong, Châu Nhi sánh duyên cùng thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng chẳng hiểu vì sao Phật lại tàn nhẫn với nàng đến thế. Châu Nhi bỏ ăn bỏ uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi. Ít ngày sau, hồn nàng rời thân xác, sinh mệnh thoi thóp. Thái tử Chi Thụ biết tin, vội tới, phục xuống nói:

-Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc ở vườn thượng uyển, ta gặp nàng đã thấy yêu. Ta khốn khổ cầu phụ vương cho phép cưới nàng. Nếu nàng chết, ta còn sống nữa mà làm gì.

Nói đoạn, rút gươm định tự sát. Vào lúc ấy Phật xuất hiện, nói với linh hồn sắp rời khỏi thể xác của Châu Nhi:

-Nhện Nhi, ngươi có biết rằng giọt sương Cam Lộc là do ai mang đến với ngươi chăng? Gió Trường Phong mang tới đấy. Gió đến, gió lại đi. Cam Lộc thuộc về Trường Phong, anh chỉ là khúc nhạc thêm ngắn ngủi cho sinh mệnh của ngươi thôi. Còn thái tử Chi Thụ mới chính là loài cây nhỏ trước miếu. Chính anh đã ngắm ngươi ba nghìn năm. Yêu ngươi ba nghìn năm. Thế mà, ngươi chưa hề một lần cúi xuống nhìn anh. Nhện nhi, nay Ta lại đến hỏi ngươi: thế gian này, gì quý nhất?

-Thưa, thế gian này quý nhất không phải là thứ không tạo được và mất đi, mà là hạnh phúc mình đang có!"

Nói xong, Phật đi mất. Hồn Châu Nhi quay về lại với xác thân. Mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ thanh kiếm. Quyết lấy chàng.

Câu chuyện đến đó là hết.

Và lời bàn của người kể truyện, là: "Thế gian này quý nhất không là thứ mình không tạo ra được và mất đi, mà là: hạnh phúc ta đang có!" Suốt đời, ta gặp ngàn/vạn loại người. Để yêu một người, không cần cố gắng. Chỉ cần có "duyên" là đủ. Nhưng để tiếp tục yêu người ấy, phải cố gắng. Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo ở hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống. Vậy muốn kiếm người ở đầu dây bên kia, hãy cẩn thận mà cân nhắc. Hoặc, mình quá nhiều tình cảm. Hoặc, cứ liên tục tìm cái mới. Khi dây đứt, mình sẽ không còn đủ can đảm hoặc lòng tin để kiếm tìm tình yêu. Bất kể thế nào, khi dây đứt, mình chỉ mất đi một người không yêu mình. Nhưng, người ấy lại mất đi một người từng yêu họ. Mất một người không biết trân quý mình, có gì đâu mà buồn. Bởi, mình vẫn còn cơ hội để gặp người biết chắc rằng mình vẫn trân quý họ, trên cõi đời.“ (Trang Hạ dịch, theo Saycoo-ĐL)

Truyện cổ tích nào ta kể, cũng đều như thế. Quê hương nào ta gọi, cũng vẫn như vậy. Chí ít, là quê hương Nước Trời, mọi người nêu. Mọi người kể. Ở muôn nơi. Nước Trời Quê hương ta, còn là Tình Chúa yêu thương, gửi đến muôn người. Là, sự thật Chúa bảo. Vào thuở trước:

Ta bảo thật các ngươi:

mỗi lần các ngươi làm thế

cho một trong những anh em bé nhỏ

của Ta đây,

là các ngươi làm cho chính Ta vậy."

(Mt 25: 40)

Làm cho chính Ta, là làm những điều tốt lành. Yêu thương. Làm cho “người anh em bé nhỏ”. Hay, cho mọi người. Làm cho Ta, là làm cho Cha. Cho, Chúa là Cha. Cha của Tình yêu. Cha của mọi người. Còn nhớ, có lần nhân sĩ hiền lành lâu nay được gọi là Phật-sống, từng nói những lời rất hiền từ. Quân tử, như sau:

“Hãy nhớ: quan hệ đẹp nhất chính là tương quan ta có, vẫn đậm đà tình yêu thương ta dành cho nhau. Hơn là, nhu cầu cần có nhau.” (Thông điệp Đức Đạt Lai Lạt Ma)

Vào dịp khác, Đức Đạt Lai lạt Ma cũng đã nói:

“Không khí yêu thương tràn ngập ngôi nhà mình, đó là nền tảng cuộc đời, của mỗi người. Cho mọi người. ” (Thông điệp Đức Đạt Lai Lạt Ma)

Nay, gọi “ngôi nhà mình” là quê hương, thì chắc đôi lúc, ta cũng không nên quá ư mà thắc mắc hoặc cứng ngắc về hoạt động của Đức Đạt Lai Lạt Ma, rất “Phật sống”. Bấy lâu nay. Bởi, “Quê hương ta đó”; hoặc, “ngôi nhà mình ở”, với người nghệ sĩ ở trên, vần còn đó lời kiêu sa. Rất lạ. Như sau:

“Ta còn những người thật yêu nhau, biết bao thiết tha.

Chưa gặp bao giờ mà đã quá, uống máu ăn thề.

Giam mình trong lòng thành đô kia, sống nơi ấp quê.

Nhưng tình cao vời đòi yêu thương, khắp luôn thế gian.”(Nguyễn Đức Quang-bđd)

Đúng thế. Tình cao sang vời vợi, ta gọi đó là “quê hương”, vẫn đòi thương. Khắp mọi chốn. Bởi, chốn gian trần, dù gì đi nữa, có là nhện tiên hay thái tử. Là, giọt sương Cam Lộc, hoặc gió Trường Phong gì gì đi nữa, hễ dính tới người phàm là còn chuốc những “Tham-Sân-Si”. Vì thế, vẫn luôn còn thắc mắc, rất đủ thứ. Đủ chuyện. Cả những chuyện về vị Phật sống, rất Đạt Lai Lạt Ma.

Vừa qua, có người còn cả gan dám gọi tên ông bằng những từ những ngữ, như: “Tiếp thị Lạt Ma”. Nghĩa là, vẫn coi các hoạt động của ông, Đức Phật sống, như những chuyện tiếp thị. Chính trị. Kinh tế. Rất lễ mễ. Dây dưa. Suốt đời. Bỏ qua một bên, các yếu tố gây tranh cãi/cãi tranh nhau về hoạt động rất hiền và rất nhân, của vị Phật rất sống, bạn và tôi, ta thử nhìn sự việc bằng cặp mắt khác. Cặp mắt rất nhân và rất hiền. Xem sao.

Xem như thế. Nói như sau, thì: “Không cần biết em là ai”, con trai hay con gái. Nay đã già, hay vẫn còn trẻ. Cao to hay be bé. Thì em và tôi, ta hãy cứ chuyển tải/rao truyền Tình Yêu Cao Vời Vợi, của Thiên Chúa. Thì: tôi và em, ta cũng gọi người đó/vị đó là Phật sống. Rất thánh nhân. Gọi, là gọi có căn. Có gốc. Tức, nói có sách mách có chứng. Chứng, là chứng cứ rất Kitô. Như Ngài bảo:

“Quả thật, Tôi bảo các ông,

Những gì các ông đã không làm cho người nào,

trong các kẻ hèn mọn nhất,

là các ông đã không làm cho chính Tôi.”

(Mt 25: 46)

Vậy thì, hôm nay đây, có Phật sống/thánh nhân từng làm cho những người be bé/mọn hèn, là tôi và bạn, tức là vị ấy đã làm cho chính Chúa. Dù, vị ấy có là Đức Đạt Lai Lạt Ma, hay chỉ là giáo dân hạng thứ, mỗi thứ dân như tôi. Như bạn. Cũng đã là việc cao cả. Của thánh nhân, rồi.

Với Phật sống hay thánh nhân, là những vị sống vô tư. Không vị kỷ. Mọi sự không tập trung vào bản vị của một người. Một ngã thể. Một văn hoá, ở trời Tây. Mọi việc cứ xô đẩy, đổ dồn một ý thức hệ. Một phong trào. Văn minh và văn hoá, của thời đại.

Thời hôm nay, người người quá chú trọng vào bản ngã riêng tây, của cá thể. Vẫn be bé. Tách biệt. Chứ, không nhắm vào một tập thể. Hay thôn làng. Bộ tộc. Như khi trước. Từ đó, ngôn từ/sắc tộc, rày đổi thay. Xưa là giống giòng Ariens. Quốc Xã. Phát xít. Nay, chỉ tập trung chú trọng, nơi một người. Hoặc, thần tượng. Hoặc, quỷ thần chưa thành tượng. Dù, tượng ấy nằm ở địa hạt chính trị. Xã hội. Hoặc tôn giáo, mà thôi. Ngày nay, người người đã bớt dần quan niệm về cộng đoàn/tập thể. Dù cộng đoàn ấy có là cộng đoàn Nước trời. Nhưng, lại quá đề cao một nhân vật. Có khi trở thành siêu sao. Siêu nhân. Thánh sống.

Do hiện tượng, quá đề cao một cá nhân, nên người người vẫn chuẩn bị sơn phết/đánh bóng khá kỹ cho cá nhân ấy. Đôi khi còn đề (bạt quá) cao vị ấy nữa, là đàng khác. Đề cao cách quá đáng. Quá tải. Bạt mạng. Khiến vị ấy/người ấy dám tự coi mình như đấng bậc, ở trên cao. Không còn be bé/thấp hèn nhất thiên hạ. Như Chúa dặn.

Trở về với câu truyện của nhện tinh/nhện chằng, có Phật tính, có thể nói rằng: cái quý nhất của thế giới hôm nay, là những gì mình không có và để mất. Chứ không là thứ mình tạo ra. Cho riêng mình.

Về với niềm tin, Chúa dạy. Tin như Chúa răn bảo, là: sự tin tưởng chỉ be bé như hạt cải ở ngoài đồng. Nhưng, có sức thuyết phục/đổidời cả núi Thái sơn. Hoặc hơn nữa: cả đại dương bao la. Bởi, đại dương này hoặc Thái sơn kia, vẫn là lòng người sừng sững/lững lờ, nhiều đất đá. Giòng chảy. Nhiều uẩn khúc. Rất trơ trơ.

Trở về với giòng chảy của các vị tự coi mình còn be bé, mọn hèn như triết nhân người mình tên Thế Tâm-Nguyễn Khắc Dương, đã có những giòng nhè nhẹ chảy xiết, như sau:

“Một cách khiêm hạ, tôi nghĩ rằng: Thiên Chúa đã làm nơi tôi những sự kỳ diệu.”Vì suy cho cùng, tất cả mọi sự đều là những sự kỳ diệu do Chúa làm nên! Bất cứ ai, bất cứ gì: bậc tài đức cũng như người tầm thường, muôn vàn tinh tú cũng như cỏ mọn hoa hèn, tất cả đều kỳ diệu, vô cùng kỳ diệu, trên hết mọi sự kỳ diệu có thể hình dung được, đó là: sự sáng tạo từ hư không và sự tái tạo từ tội lỗi. Chỉ có Quyền năng vô hạn và Từ ái vô biên của Thiên Chúa, mới có thể làm nên hai sự kỳ diệu vô cùng kỳ diệu ấy, thôi!

Do đó, bất cứ người nào, bất cứ việc nào, bất cứ hữu thể nào, dù tầm thường đến đâu, dưới cái nhìn trần tục của người phàm –thì dưới cặp mắt của Thiên Chúa và của những ai được đức tin soi sáng- đều kỳ diệu cả!” (Thế Tâm, Quia respexit humilitatem meam, Bản in nội bộ , tr. 3)

Sự diệu kỳ mà triết nhân Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương gọi, cũng là “hạnh phúc”. Có người gọi. Hạnh phúc ấy, vẫn sờ sờ trước mắt mọi người, mà sao dân con của Thiên Chúa vẫn kiếm tìm. Là, “quê hương” của người nghệ sĩ, đã từng viết:

“Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu đang chiến tranh.

Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu chưa thanh bình.

Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu đang khó khăn.

Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu chưa ấm êm” (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Âm êm. Khó khăn. Dẫu chưa thanh bình. Vẫn là những nỗ lực trong tìm kiếm. Tìm hạnh phúc/ kiếm diệu kỳ, Chúa phú ban. Ngài vẫn ban cho trẻ bé/kẻ mọn hèn. Cho hết mọi loài. Vấn đề là, mọi loài chưa nhìn ra, đó thôi. Muốn nhìn. Muốn thấy, phải biến mình thành kẻ mọn hèn, be bé như triết nhân Thế Tâm. Nhện Nhi. Hoặc, bất cứ ai biết mình còn be bé, mọn hèn, mới thấy mới nhìn ra. Nhìn, để ca tụng Thiên Chúa, Đấng cao cả vô cùng tận đã tạo ra. Chứ không do mình mang đến. Vì mình chẳng là gì cả. Còn, Ngài là tất cả. Và, “Tất Cả” đã tự hạ. Cho, những con và những vật, không là gì cả. Ở trên đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Luôn cầu mong

để biết được mình không là gì cả,

dù đã hoặc chưa làm được gì.

(xem thêm các bài khác xin vào www.tranngocmuoihai.blogspot.com ;

hoặc, www.suyniemloingai.blogspot.com;

hoặc, www.giadinhanphong.blogspot.com )

Sunday 17 January 2010

“Tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật”

Nghe tiếng chân vang lên từng điệu nhạc Ðể lòng nhẹ ru với thành phố im Vì ngày mai nắng lên, phố phường xóa nhòa bước êm”

(Đỗ Kim Bảng – Bước Chân Chiều Chủ Nhật)

(Mt 13: 16-17)

Lang thang chiều chủ nhật, đâu phải chỉ mình tôi thích. Dù tôi đây là tôi chỉ là tôi tớ. Là, bổn đạo hèn đang có những giòng chảy này; hay tôi đó, có là nghệ sĩ họ Đỗ tên Kim Bảng, chính bản thân. Hết lang thang, xong lại “nghe tiếng chân vang lên từng điệu nhạc”. Tiếng chân vang, hẳn nhiều người cũng đều nghe. Đều biết. Nghe đấy, nhưng liệu có làm không. Làm, theo lời dạy của Đấng Nhân Hiền Chí Thánh, đó mới là vấn đề. Vấn đề ở đây, hôm nay tợ như vấn đề khi xưa/ở đó, có Lời Chúa căn dặn thế này:

“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy,

tai anh em thật có phúc, vì được nghe.

Quả thế, Thầy bảo thật anh em,

nhiều ngôn sứ

và nhiều người công chính

đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy,

mà không được thấy,

nghe điều anh em đang nghe,

mà không được nghe.”

(Mt 13: 16-17)

Lang thang chiều chủ nhật, cũng là phải. Bởi, cứ vào chiều chủ nhật, ở nhà thờ/nhà thánh, đều có Lời rất thánh của Chúa, vẫn nghe quen. Chính vì, nghe quen quen, nên nhiều người chẳng còn thấy. Dù có mắt. Chẳng thấy, có nghĩa là chỉ thấy mỗi đấng bậc mục tử hay phó tế, cứ nói. Và cứ giảng giải. Các cụ nhiều lúc nói và giảng, những điều mà ngay chính các cụ cũng không thấy hứng thú cho lắm để làm mỗi ngày. Và mỗi tuần. Bởi, có nói và giảng, suốt quanh năm những điều, như: yêu thương. Giùm giúp. Thứ tha. Độ lượng. Đều là những điều ít thấy. Thấy bằng mắt. Thấy, bằng kinh nghiệm bản thân. Thế nên, vẫn cứ lang bang. Và lang thang, những chiều chủ nhật. .

Lang thang chiều chủ nhật, còn là lang bang vào buổi chiều, ngày của Chúa. Tức, một ngày ngơi nghỉ để người người có lý do mà lang bang, nhiều điều thế sự. Lang thang chiều chủ nhật, còn là lan man những câu truyện kể tiếu lâm chay/tiếu lâm mặn, vào với những chia cùng sẻ, cho nhiều người nghe. Và, “lang thang chiều chủ nhật, còn là lang thang thơ thẩn, với những:

“Bước chân khắc khoải đi

khi ngày vui vừa hết,

thôi luyến lưu mà chi

bước chân nhuốm hoàng hôn

bước chân đếm chờ mong

đếm bao nỗi buồn niềm thương.” (Đỗ Kim Bảng – bđd)

Đếm nỗi buồn niềm thương, chưa hẳn vì “ngày vui vừa hết”. Lang thang chiều chủ nhật, cũng có thể là do có “bước chân nhuốm hoàng hôn”, hoặc: “bước chân đếm chờ mong”. Chờ mong/mong chờ một hạnh phúc. Mong chờ/chờ mong, một niềm vui. Nụ cười. Như lời giảng giải, ở bên dưới:

Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một người cai tù. Tôi gọi: "Xin lỗi, anh có lửa không?"... Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu tại vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại. Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi. Miệng vẫn cười. Giờ đây, trước mặt tôi không còn là viên cai ngục phát xít mà chỉ là một con người. Anh ta hỏi tôi: "Anh có con chứ?". Tôi đáp: "Có". Và, tôi lôi từ trong ví ra tấm hình nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng. Đôi mắt tôi nhoà lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại được người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khoá và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng. Thả tôi tự do rồi quay trở về. Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi, nhờ có nụ cười".

Thì ra là như thế. “Thiếu nụ cười”, nên nhiều vị cứ mải “lang thang chiều chủ nhật”. Cứ “đếm chờ mong”, với những “bước chân khắc khoải ngày vui vừa hết”, kết thúc buồn. Buồn thế kỷ. Buồn chiều hôm. Vô tận. Nhưng “lang thang chiều chủ nhật”, cũng có thể vì người đời thời nay, nghe và thấy nhiều chuyện khó giảng giải, nơi nhà Đạo. Như lối giảng và giải của một số đấng bậc, khiến nhạc sĩ ngoài Đạo đã hơn một lần cảnh báo:

“Vì tôi là linh mục

giảng lời tình nhân gian

nên không còn tiếng khóc

nên không biết kêu than

nên tôi rất bơ vơ

nên tôi rất dại khờ.” (Nguyễn Đức Quang – Vì Tôi Là Linh Mục)

Dĩ vãng là như thế. Là, có lúc vì bơ vơ/dại khờ nên các đấng bậc mới giảng giải khá “lan man”, không bãi đáp. Giảng và giải, cách sao đó khiến người nghe cứ tưởng các đấng bậc đang “lang thang chiều chủ nhật”, rất cập rập. Cũng may, hôm nay phần đông các vị này đã tạo lại hình ảnh đẹp cho chính mình. Nên, đã có hiện tượng hồi hướng trở về, từ nhiều đồng môn/đồng nghiệp, bên Anh Giáo.

Hiện tượng hồi hướng quay về với chính Đạo, còn là sự kiện nổi bật rất tươi vui. An lành. Đầy cảm kích. Dĩ nhiên, Hội thánh Đạo mình là thánh hội của chung, rất Công giáo. Là của chung, nên có vị vất còn nhiều ưu tư thắc mắc về một tình tiết, nghe chưa hết. Thế nên, đã có vài vị gửi về một vài thắc mắc, rất như sau:

“Giáo Hội rất thánh của ta vừa chào đón một số người anh người chị, từ Anh Giáo nay trở về. Về với Giáo hội mình, tức là: từ nay vị nào có vợ/con rồi, chắc vẫn thế? Vì chuyện này, ý hẳn là Giáo hội ta cũng sẽ điều chỉnh lời thề thanh khiết, cho linh mục sống? Cũng thế, sự kiện này có thể kéo theo sự thể là: vị nào từng rời bỏ chức linh mục về lấy vợ, nay sẽ được phép trở về lại gia nhập nghi thức Anh Giáo trong Đạo mình, tái tạo thiên chức xưa, chứ? Xin cho biết lập trường của Giáo hội, khỏi thắc mắc.”

Cứ đụng chuyện, là bần đạo bạn ta nay không còn ta bà “lang thang chiều chủ nhật nữa. mà, phải vời đến đấng bậc “chiều hôm” phía trời Tây Nam Sydney ra mà trả lời với trả lẽ, cho chính mạch. bản thân người viết những giòng này, không dám thưa dám thốt, chỉ chuyển tải. Chuyển để đấng bậc vị rất “đức thầy” có vài lời giải và giảng, rất phải lẽ, như sau:

“Kể từ ngày Toà thánh Vatican ra thông báo về đoàn nhóm bạn đạo bên Anh giáo được Hội thánh Công giáo tưng bừng chào đón, tham gia cộng đoàn các kẻ tin cùng một Thiên Chúa. Mà, vẫn được duy trì bản sắc riêng của mình. Từ buổi đó, có nhiều câu hỏi được gửi đến với chúng tôi, nhủ rằng: phải chăng như thế có nghĩa là truyền thống giữ mình thanh khiết trong Hội thánh nói chung và trong nghi thức La tinh nói riêng, đã đổi thay?

Trước nhất, những ai thắc mắc, xin hãy nhớ cho rằng, Hội thánh xưa nay vẫn có nhiều linh mục có gia đình, rất từ lâu. Giáo Hội Công Giáo ở Phương Đông hoặc Giáo hội theo nghi thức Maronite, Melkite, Ukrainian, vv… vẫn cho phép các nam nhân có gia đình được thụ phong linh mục. Và nhiều linh mục thuộc nghi thức này đang hoạt động mạnh, ở Úc.

Thêm vào đó, một số các mục tử thuộc nghi thức khác như Chính Thống Giáo và Anh Giáo đã chuyển đổi sang Giáo hội Công giáo, vẫn đang được phép cử hành phụng vụ theo nghi thức tiếng La tinh. Xem như thế, kể từ nay cũng sẽ có các linh mục đã có gia đình thuộc nghi thức Giáo hội Anh, cũng đâu có gì là lạ.

Dù cho có sự hiện diện của các linh mục đã có gia đình, thì qui định của Hội thánh về thể chế khiết tịnh trong bậc linh mục vẫn giữ nguyên. Không thay đổi. Điều này thấy rõ nơi tông thư do Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô thứ XVI Anglicanorum coetibus (AC) đề ngày 4/11/2009 có đưa ra một số giới hạn cho hàng giáo sĩ có gia đình bằng Luật buộc riêng tư, giống như qui định dành cho giáo phận, thiết lập cho nghi thức Anh.

Trong khi các giáo sĩ nào vào lúc gia nhập Hội thánh Công giáo lại đã có gia đình rồi, cũng sẽ được Luật Riêng tư này chấp nhận như ứng viên nhận chức thánh trong Giáo hội Công giáo. Nói cách khác, những ai làm linh mục độc thân thì vẫn giữ đời sống độc như trước (x. Tông thư đã dẫn đoạn VI, câu 1).

Ngõ hầu duy trì kỷ luật đối với hàng giáo sĩ ở độc thân trong Giáo hội theo nghi thưc La tinh, thì theo luật định, qui chế Luật buộc Riêng tư chỉ cho phép các nam nhân nào độc thân được gia nhập hàng giáo sĩ , trên căn bản từng vụ việc mà thôi (x. Tông thư đã dẫn đoạn VI, câu 2).

Về đào tạo chủng sinh, các ứng viên nào muốn thụ phong linh mục theo nghi thức Anh đều phải theo cùng một qui chế như các chủng sinh theo nghi thức La tinh, dù các vị này có thể sẽ được đào tạo theo khuôn khổ nghi thức Anh tại các nhà đào tạo của riêng mình (x. Tông thư đd đ VI, c.5)

Việc việc cùng học chung với các chủng sinh theo nghi thức Latinh, có thắc mắc cho rằng e có chuyện xảy ra là các chủng sinh theo nghi thức la tinh, có thể sẽ ao ước được tham gia nghi thức Anh để được thụ phong linh mục được quyền có vợ.

Như đã nói ở trên, chuyện này không thể xảy ra được, là bởi theo luật định, chỉ có nam nhân độc thân mới được tiến cử nhận chức thánh theo nghi thức Anh. Nhưng điều hệ trọng , là: những ai được thanh tẩy theo nghi thức Công giáo sẽ không đủ tiêu chuẩn để trở thành thành viên theo nghi thức Anh, trừ phi những vị này là thành viên của gia đình thuộc nghi thức ấy, mà thôi. Điều này được nói rõ trong Luật Bổ Sung do Thánh Bộ Đức tin đưa ra cùng lúc với Hiến Chương Tông Đồ, và cùng được ký vào ngày 4 tháng 11 năm 2009 (x. đ 10, c. 4)

Hỏi về chuyện các linh mục nào đã rời bỏ Hội thánh Công giáo nay đang công tác như linh mục Anh Giáo có được phép thành linh mục Công giáo theo nghi thức Anh hay không? Điều này đã được nói rõ trong Luật Bổ Sung. Nên, câu trả lời là: KHÔNG.

Về vấn đề này, rõ ràng là các linh mục Công giáo nào đã rời bỏ thiên chức linh mục của mình và đã lập gia đình rồ, sẽ không thể được phép gia nhập nghi thức Anh, rồi công tác như linh mục theo nghi thức ấy được.

Còn nhiều thắc mắc thực tiễn khác vẫn chưa được giải quyết, nhưng cảm tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho ta sáng kiến mới này. Đây là một ân huệ rất lớn Chúa đem rất nhiều người về hiệp thong chung cùng Hội thánh của Người. x. lm John Flader, The Catholic Weekly 22/11/2009, tr. 10)

Lang thang chiều chủ nhật, nay ta lang thang cả chuyện Chủ nhật chiều có những vấn đề về linh mục theo nghi thức rất mới, cũng chỉ là chuyện bình thường ở huyện. Chuyện bình thường là chuyện ngày nay, ta có quyền nêu thắc mắc. Và có quyền được giải đáp, theo tính cách rất chính mạch. Nhưng lang thang chiều chủ nhật, giống hôm nay, vẫn là lang thang có chủ đích. Rất tích cực.

Nói cho cùng, có lang thang chiều thứ mấy hay lan man, nhiều tản mạn cũng để nói lên rằng: vẫn có đó tình thương yêu Giáo hội. Thương yêu hội giáo sĩ. Dù giáo sĩ của Hội thánh ta có theo nghi thức nào đi nữa, vẫn thương yêu. Tất cả là yêu thương. Như vị linh mục nọ từng khẳng định rằng:

“An vui là hoa quả của Tình thương.

Hoà bình là sự an lành của Tình thương.

Sự tử tế là hơi ấm của Tình thương.

Tình bạn là san sẻ Tình thương.

Đức kiên nhẫn là sự nối dài của Tình thương.

Tính nhẹ nhàng là sự khiêm hạ của Tình thương.

Lòng tha thứ là sự xót xa của Tình thương.

Lòng Chung thuỷ là tính khả thi của Tình thương.

Sự độ lượng là chiến thắng của Tình thương.” (Karl Rahner)

Lang thang buổi chiều vàng ngày Chủ nhật hay ngày thường, đều rất nên. Miễn là ta cứ lang thang vì tình thương yêu và chăm sóc. Cứ yêu thương cho nhiều. Cứ chăm sóc cho kỹ. Yêu thương mọi người. Chăm sóc mọi thứ. Rồi ra, tất cả cũng sẽ an vui. An với Nước Trời. Vui với Hội thánh. Ở trần gian. Mọi chiều chủ nhật.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn mong an vui

Về với mọi người.

Ở khắp nơi.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com