Wednesday 30 July 2008

“Nhưng trên đoá mi sầu, ngày dài vẫn qua mau”

(Ga 20: 19-222):

Đúng thế. Ngày vui nào mà chẳng qua mau. Ngày dài nào mà chẳng “tựa lá úa sầu, cho cuộc tình dài sau.”, như nghệ sĩ Ngô Thuỵ Miên, đã diễn tả.

Với nghệ sĩ, đương nhiên là như thế. Nhưng với nhà Đạo, có lẽ hơi khác. Khác, như tâm tình của vị mục tử nào đó viết trên tờ “Bản tin Giáo xứ” họ lẻ, mà bần đệ bắt gặp ở giòng chảy sau đây:

Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Đó là lời chúc rất nghe quen. Không bao giờ thiếu vào các buổi Tiệc thánh. Tiệc Lòng Mến đầy an bình. Nhưng, đi vào thực tế, lời chúc này như vẫn còn xa vời tầm tay. Hôm nay, khi nghe ai chào hỏi: “Anh/chị khoẻ không?”, câu trả lời nhiều khi thấy không mấy thông. Người thì bảo: “lu bu lắm, cơ!”; kẻ khác lại nói: “Có lúc nào rảnh đâu! Làm chết bỏ, không có giờ mà nghỉ, nữa! Toàn những việc đâu đâu, nào có tên.”

Nhiều lần tôi vẫn tự hỏi: có bao giờ ta trả lời bạn bè/người thân bằng những câu: “Tôi đang nghỉ xả hơi”! hoặc: “đang ngơi tay một chút!”... hay: “đang để giờ thăm hoa, vãn cảnh...” Tôi nghĩ, những câu trả lời như thế, rất hiếm. Có người còn bảo: “có đẻ bọc điều mới được những giờ phút như thế, còn thì...lúc nào cũng bận mở mắt không lên.”

Là tín hữu Đức Kitô, có lẽ ta cũng nên cẩn thận về tình trạng mải miết đua nhau mà bận rộn. Đành rằng, sống cho ra sống và dấn thân với thế giới bên ngoài, là quà tặng nhận được từ Trên. Nhưng, cũng nên xét lại tình trạng bận rộn của mỗi người. Có thứ bận mà không rộn cho lắm. Và dù có bận rộn, vẫn chưa hẳn là điều tốt. Có thể, nó mang ý nghĩa của một chối từ. Một né tránh. Hoặc, chỉ để gây tỉnh thức với bạn bè/ người thân.”

(Trích chia sẻ Lời Chúa ngày 11.5.2008 của Lm R. Leonards, Úc)

Chia sẻ của vị linh mục trên bục giảng, là những sẻ san tâm tình của người con, người em trong cộng đoàn tình thương, rất Kitô. Còn, tâm tình người nghệ sĩ ở đời thường vẫn như sau:

“Em, đứng bên sông buồn

nhìn, cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha

trên hai đoá môi hồng

nụ cười đã đi xa

ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu.” (Ngô Thuỵ Miên – Giọt Nước Mắt Ngà)

Khác biệt tâm tình, giữa nghệ sĩ ngoài đời với vị mục tử trong Đạo, thường là như thế. Nơi người đời, dù cuộc tình đầu có dài lâu hay chỉ mau chóng kết thúc, ra như vẫn có “giọt nước mắt ngà”, miên man chảy. Ở nhà Đạo, tuy giọt nước mắt ngà nóng cháy vẫn còn đó nỗi buồn; nhưng, dân con nhà Đạo người người vẫn tìm được sự bình an hài hoà, nơi Đức Chúa. Như chứng minh sau:

“ Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần,

nơi các môn để ở,

các cửa đều đóng kín,

vì các ông sợ người Do Thái.

Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói:

“Bình an cho anh em!”

(Ga 20: 19)

Lại nữa, với người đời, dù là tình đầu hay tình dài rất, ta vẫn cứ nghe:

“Em, ngỡ như cơn mộng

người tình về bên em và gọi thầm tên em

nhưng, trên đoá mi sầu ngày dài vẫn qua mau

em, tự lá úa sầu cho cuộc tình dài sau.” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Trong khi đó, với người nhà Đạo, tình đầu hay tình về sau, vẫn là sự vui mừng vì có Chúa:

“Nói xong, Ngài cho các ông xem tay, và cạnh sườn.

Các môn đệ vui mừng

Vì được thấy Chúa.”

(Ga 20: 20)

Xem như thế, sự bình an vui mừng cuộc đời luôn luôn là những chợt đến, rồi vội đi. Vui mừng - bình an ấy, chỉ kéo dài khi người đời thực hiện được tình thân thương giùm giúp, đến với nhau. Khi có Đức Chúa của sự an bình - mừng vui ở lại với mình, thôi. Và, sự bình an – vui mừng ấy, là quà tặng rất nhưng không, Chúa vẫn gửi đến với từng người. Hết mọi người.

Và, vị mục tử trích lời dẫn nhập ở trên, lại thêm một khẳng định, rất vững chắc:

‘Nhiều lúc ta cứ tưởng sự an bình-lặng thinh luôn ở tư thế của “bông sen trong buồng tối”. Không phải thế. Món quà bình an Đức Kitô ban tặng, còn mang ý nghĩa nhiều hơn thế, nữa. Bình an là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống đời thường. Đó là trạng huống tâm linh. Một thói quen tạo được sau biết bao chọn lựa nhất quán và liên lỉ. Quả thật, có nhiều người cùng một lúc làm được nhiều việc mà vẫn thản nhiên an nhàn, tự tại. Bình an đối với họ, là vấn đề của tâm linh. Của trí tuệ. Là phương cách giúp ta sống. Sống ra hồn. Sống đích thực vị thế của con người. (Lm R. Leonards – bđd)

Nhằm diễn tả lý do khiến người đời thường để mất sự an bình – lặng thinh, triết gia Seneca, Hy Lạp ở thế kỷ thứ hai từng thắc mắc: sao bạn bè người thân của ông, cứ để luột mất sự an bình - hiền hoà, họ cần đến. Do thắc mắc suy tư lâu ngày, ông đã ngồi xuống, viết nguyên chương sách về sự buồn giận, và phương cách giải quyết.

Triết gia Seneca nhấn mạnh sự kiện, là: bạn bè nào càng giàu sang phú quý, càng dễ gặp buồn phiền, nổi nóng. Và từ đó, họ để mất đi sự bình an hiếm quý. Cuối cùng, nhà hiền triết đã tìm ra phương cách giúp mình, giúp người giải quyết các vấn đề nhân sinh: muốn có an bình – lặng thinh, phải có đầu óc thực tế. Phải nhận ra rằng: mọi sự trên đời đều có thể xảy đến. Xảy đến một cách khác với điều mình mường tượng, hoặc mong ước.

Điều, mà nhà hiền triết Seneca khám phá ra và đề nghị, là: ta hãy tỉnh táo, nhận biết rõ các yếu mềm và mỏng dòn của chính con người mình. Của cuộc sống. Và, nếu biết rằng: cuộc sống cũng mỏng dòn như chính con người mình, ta sẽ đỡ vất vả hơn khi cùng nó chiến đấu. Chiến đấu với nó. Chiến đấu lại bản chất yếu kém của mình. Có như thế, ta mới đạt trạng thái biết thứ tha người khác. Biết chấp nhận mọi người, như quà tặng tình thương, Trên gửi đến.

Tha thứ, là quà tặng Chúa gửi đến mọi người. Vào mọi thời. Có tha thứ hết mọi người, và tha thứ cả chính mình, ta mới tìm thấy an bình – hiền hoà, trong cuộc sống. Nếu quả thực, người người đều cố tình dựng xây/vun trồng an bình – hiền hoà, để sống đời bình thường, thì bắt buộc phải chấp nhận đương đầu với những gì mình không muốn có. Không muốn thấy nó xảy đến. Dù, đó là những “giọt nước mắt ngà”, hay chỉ là “sông buồn, nhìn cuộc tình trôi qua”…“lòng người phôi pha” đi nữa, cũng mặc.

Chấp nhận, và thứ tha. Thứ tha cho người gây nên sông buồn, làm cho cuộc tình mình trôi qua….hoặc khiến “lòng người phôi pha”. Cứ chấp nhận và tha thứ, rồi ra sẽ thấy an bình – hiền hoà trở về với vòng tay đợi chờ. Dù khá lâu. Có chấp nhận và tha thứ, mới thấy quà bình an mình hằng ao ước, sẽ đến ngay. Đến với mọi người. Trong khoảnh khắc. Và khi tha thứ và chấp nhận, ta sẽ cùng nghệ sĩ họ Ngô ở trên, hát thêm:

“Anh đi về dấu giáo đường,

cho cuộc tình bay cao, cho lòng mình xôn xao.” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Hãy về với giáo đường, ở nơi đó ngập tràn những thứ tha. Những an bình - hiền hoà. Rất thân thương. Rất chân tình. Như Lời Ngài, hơn một lần dạy bảo:

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

Anh em tha cho ai, thì người ấy được tha.” (Ga 20: 22)

Và:

“Bình an cho anh em!

Như Chúa Cha đã sai Thầy,

thì Thầy cũng sai anh em.”

(Ga 20: 21)

Thầy sai đi, là để ta đem bình an – hiền hoà đến với mọi người. Chí ít, là người của mình. Sai như thế, chắc chắn mọi người sẽ mừng vui:

“Các môn đệ vui mừng

vì được thấy Chúa.”

(Ga 20: 20)

Được thấy Chúa. Được Thần Khí Chúa ở cùng, chắc chắn mọi người và cả ta nữa, sẽ luôn an bình. Luôn hiền hoà. Hiền và hoà, như truyện kể bên dưới:

Hai vợ chồng lấy nhau, đến nay đếm được 64 năm. 64 năm sống đời hôn nhân bền bỉ, hai cụ lúc nào cũng tỏ ra cởi mở, nhẹ nhàng đối xử không giấu diếm điều gì. Trừ một chuyện. Ngày đầu sau khi cưới, cô dâu nhất quyết yêu cầu chú rể không bao giờ được hỏi về những gì cô để trong “hộp tình giữ kín”. Ông chấp nhận. Chiếc hộp được cất giữ trong tủ áo quần mà ông quên bẵng khá lâu, không hay biết.

64 năm sau, mải yêu đương gầy dựng gia đình đầm ấm, con đàn cháu đống, và trải qua bao cuộc dâu bể cả về tài chính, kinh tế lẫn sự nghiệp, cô dâu trinh trong hiền dịu rồi cũng ngã bệnh, và không hy vọng hồi phục. Người chồng, trong cố gắng thu dọn đồ đạc của vợ, bất chợt tìm thấy chiếc hộp để quên trong tủ. Ông đem hộp đến ngồi bên giường bệnh, hỏi vợ xem hộp gì mà giữ kỹ như thế. Bạn tình già nghe hỏi bèn nói với người chồng thương yêu:

-Bây giờ thì anh có thể mở nó ra mà xem, tất cả còn ở trong đó…

Ông cẩn thận lần giở, trước cặp mắt tinh quái của bà vợ. Trong hộp, vỏn vẹn chỉ thấy hai chiếc khăn ăn đan bằng sợi móc, rất xinh. Và một xấp tiền mặt khoảng 25 ngàn đô. Chẳng cần hỏi, cứ nhìn cặp mắt ngỡ ngàng của ông, cũng biết ông đang thắc mắc rất nhiều. Và, để đánh tan bầu khí nghi kỵ, người vợ hiền lên tiếng trước:

-Trước khi lấy anh, ngoại có em dặn một điều, là: nếu con muốn cuộc sống gia đình mình êm ả, hãy cố mà nén nhịn mọi cơn nóng giận bất chợt xảy đến. Vì bất cứ lý do nào, thay vì cãi vã với chồng mình, con hãy chạy ra phòng bên, lấy đồ khâu vá ra mà thêu móc, chiếc khăn ăn…

Nghe thế, người chồng cho tay vào hộp, mân mê chiếc khăn ăn đầy tình nghĩa. Ông cảm động đến rưng rưng nước mắt, nghĩ rằng vợ mình chỉ nổi nóng có hai lần, suốt 64 năm chung sống. Nước mắt lưng tròng, ông âu yếm nhìn vợ, nắm chặt đôi tay gầy, nhăn nheo của bà. Người vợ hiền, đặt tay kia lên đôi tay run của ông, mắt rơm rớm. Sau phút im lặng, bà lên tiếng:

-Nếu anh muốn biết số tiền 25 ngàn đô em kiếm ở đâu ra, hãy biết đó là tiền em bán các chiếc khăn ăn, em từng thêu móc!

Mân mê chiếc khăn, hẳn cụ ông nhớ lại bài nhạc của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên, mà ông vẫn nghe trên đài:

“Trông áng mây u hoài

giọt lệ nào thương vay,

tình đành tràn mi cay

đau thương xé môi gầy,

mà lòng vẫn mê say

ôi giọt nước mắt ngà,

cho cuộc tình đầu tiên.” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)

Cuộc tình đầu, hay tình cuối, tình thật lòng bao giờ chẳng an bình – hiền hoà, phải thế không? Hiền hoà và bình an, vì Thần Linh Thánh Ái Đức Chúa của an – hoà vẫn ở với ta. Với mọi người. Bởi, với mọi người, Ngài chính là sự Bình An, như đã hứa. Bình an, luôn kèm với thứ tha. Đính kèm, cả tình yêu thương đầm ấm, nguồn cội và cứu cánh của Đạo. Cứu cánh cuộc đời. Của con người.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn muốn bạn và tôi,

ta nhớ để đời

lời căn dặn nhắc ở trên.

No comments: