Sunday 26 April 2009

“Rơi rơi ... Dìu dịu ... rơi rơi”

Trăm muôn giọt nhẹ, nối lời vu vơ ... (Phạm Đình Chương- Buồn đêm mưa)

(GLHTCG #2366)

Bần đạo có người bạn thân quen từ hồi nhỏ, lâu lâu thấy nhớ bèn gửi thư: “Nghe nói dạo này cậu đi nhiều tận đất thánh, chắc cũng thâu thập đôi điều lý thú, kể nghe coi.” Nghe bạn đòi, bần đạo nghĩ mãi chẳng biết nói gì, để bạn vui. Bởi, có nói nhiều, bạn cũng bảo: “Lại phiếm nữa rồi! Tớ đây, chỉ thích chuyện thật. Những gì xảy đến, mới đây thôi.”

Ừ nhỉ. Đúng là, bà con mình xưa nay toàn kể cho nhau nghe câu chuyện cổ. Cổ xưa như đất, rất hành tinh. Vậy hôm nay, có câu chuyện vừa xảy đến, đem ra phiếm loạn, chừng đôi giòng. Phiếm loạn xạ, với lời thơ/câu hát của nghệ sĩ họ Phạm xưa từng viết:

“Đêm mưa, làm nhớ không gian,

lời ru thêm lạnh, nỗi hàn bao la.

Tai nương, hướng giọt mái nhà

Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn…” (PĐChương – bđd)

Trời nặng. Ta buồn. Buồn chuyện đạo. Buồn cả chuyện đời. Ở đâu đó, như có kể:

“Kỳ đại hội hàng không hôm đó, có người Mỹ phùng mang trợn má, lên tuyên bố: hãy cho tôi cục sắt nhỏ, tôi sẽ biến nó thành tàu Boeing 767, rất hùng hậu.

Người Nhật đứng cạnh nghe chừng buồn, bĩu môi bảo: cứ giao cho tôi một ít bán dẫn thôi, tôi sẽ trang bị cả dàn hệ thống thông tin trên tàu, cho mà xem.

Còn chuyên gia người Việt, nãy giờ mải chụp hình/rình ảnh suốt buổi hội, thoạt nghe câu chuyện ù ơ ởm ờ, vội quay sang quả quyết: còn tôi, hãy đưa tôi chỉ một tiếp viên thôi, tôi sẽ sản sinh cho ra nguyên phi hành đoàn, không hạn chế. Vô tư. Thư giãn.”

Chuyện vui buồn, thư giãn, nay cứ loanh quanh khoanh cùng nhà Đạo, ở nhiều nơi. Cả nơi đền đài cung điện trang trọng/nghiêm túc, rất Va-ti-căng. Chuyện đền đài/dinh thự cao sang là thế, mà sao có người vẫn thắc mắc. Hết lan man tản mạn, rồi lại phản bạn với phản chống, rất Siđa. Chuyện phản chống hay còn gọi “Liệt Kháng Siđa” ở Châu Phi, nay hết biết. Liệt bại lại phản kháng, có bao nhựa ngừa thai, là chuyện nan giải, thấy lời hỏi như sau:

“Chuyến công du Phi Châu của Đức Giáo Hoàng Biển Đức cách nay không lâu, nghe đâu đã bị giới truyền thông - báo chí, lan rộng nhiều chỉ trích. Vẫn cứ chỉ chỏ rồi trích dẫn, và rằng: Đức Giáo Hoàng quả là không phải, khi ngài bảo: “bao cao su ngừa thai” không là giải đáp tốt cho cơn khủng hoảng Liệt Kháng/Siđa, châu lục này. Tôi có một thắc mắc hỏi rằng: sao Giáo hội mình lại không cho mọi người được phép sử dụng “bao cao su” rất có lợi để giảm thiểu nguy cơ lan truyền bệnh quái ác, như thế?”

Thắc mắc/buồn vui gì cũng hỏi, là chuyện thường ngày, ngoài huyện. Huyện mình nơi ấy, có là huyện Rôma-La Mã, hay là đâu đó, rất chững chạc. Sao vẫn còn lấn cấn, đến hỏi han. Hỏi han/khúc mắc nay gửi đến đấng bậc vị vọng, ở Sydney. Thắc mắc, là để hỏi. Để, am tường sự việc hầu gặp được ánh sáng chỉ đường, rất thân thương. Hỏi, là những câu hỏi mong chờ một đáp ứng vẫn đưa ra, từ dạo trước. Hỏi, để có lời giải mã từ đấng bậc vị vọng, rất chuyên môn. Hỏi, là câu hỏi hôm nay lại được đức thày Flader chiếu cố, như có viết:

“Xin nói ngay ở đây rằng: sở dĩ Hội thánh không cho phép sử dụng bao cao su ngừa thai, hoặc bất cứ hình thức chống thai nào khác, vì: làm như thế sẽ đi ngược lại mục tiêu cao cả của tính dục nơi con người. Do Chúa ban.

Chúa dựng nên con người, có nam và có nữ. Ngài ban cho họ quà tặng cao quý, rất tính dục. Tặng con người, để rồi bằng vào động tác yêu đương thầm kín, cả hai người phối ngẫu đem sự sống đã đổi mới, với nhân trần. Bằng vào động tác yêu đương của mình, người nam người nữ cùng san sẻ uy lực sáng tạo của Thiên Chúa, theo cung cách rất tuyệt mà ta có thói quen gọi là “đồng công sáng tạo loài người”. Đây là quà tặng lớn lao cao cả, từ Thiên Chúa.

Nhìn sự việc theo chiều kích này, ta đều thấy: Hội thánh có bổn phận giáo huấn dân con nhà Đạo, duy nhất một điều: cần thiết là, mỗi động tác và mọi tác động có được từ hôn nhân chân chính, phải mang tính tự ý hiến thân, cốt nhằm để ta hiệp thông cùng Chúa sáng tạo nên sự sống con người.” (GLHTCG #2366). Nói khác đi, ta sẽ bảo: việc gì được thực hiện qua động tác đích thực của hôn nhân, khả dĩ biến việc “đồng công sáng tạo loài người”, thành chuyện không thể xảy ra, như sử dụng “bao cao su ngừa thai” chẳng hạn, thật ra chỉ là chuyện của ác thần/sự dữ. (x.GLHTCG #2370)

Giả như, người nam và người nữ sử dụng “bao ngừa thai cao su” là cốt để ngăn ngừa sự lây truyền bệnh Liệt kháng/Siđa, thì mục đích của động tác này, ngay từ đầu, không phải để ngăn chặn việc “đồng công sáng tạo loài người” rất chân chính, thì động tác ăn nằm giữa hai vợ chồng, vẫn không là hành xử của một giao thoa đích thực trong phối, cho đúng cách. Bởi lẽ, thay vì cho đi và tiếp nhận lẫn nhau, cho và nhận toàn vẹn thực chất của việc ân ái, như các cặp vợ chồng chân phương lành thánh vẫn thường làm, thì dường như động tác này chỉ nhằm tạo rào cản ngăn cách, với phân chia.

Thêm vào đó, nếu một trong hai người phối ngẫu có bị lây truyền nhiễm phải căn bệnh quái ác nọ, thì do bởi tình yêu thương đích thực, họ sẽ rất lo chính mình lại có nguy cơ khiến cho người mình yêu bị lây lan tiêm nhiễm, bằng vào sử dụng bao ngừa thai cao su. Như thế mới đúng. Sử dụng bao ngừa thai, mà lại bảo là để tránh nguy cơ gây lây nhiễm cho người phối ngẫu, thì chắc hẳn đây không phải là một hành xử của tình yêu thương, rất chí tình.

Trong buổi nói chuyện với các Giám mục ở Châu Phi, hôm 10/6/2009, Đức Giáo Hoàng Biển Đức có nói: “Truyền thống giáo huấn của Hội thánh đã chứng minh một điều: và đây là phương cách duy nhất khả dĩ tạo an toàn không hề sai sót, hầu ngăn ngừa sự lây lan bệnh Liệt Kháng/HIV, là: Đạo Chúa đem lại cho hai người phối ngẫu, tình thân thương bằng hữu, niềm vui hưng phấn cũng như sự bình an hạnh phúc, mà hôn nhân và sự chung thuỷ, sự an toàn khiết tịnh vẫn đem đến, phải liên tục trình bày cho giáo dân, -đặc biệt là giới trẻ- được hiểu rõ.”

Tuy thế, dù ta có tách sự việc ở trên khỏi khía cạnh luân lý/đạo đức, thì “bao ngừa thai cao su” vẫn không là giải pháp tốt đẹp, trong việc phòng chống trả Liệt kháng/Siđa. Nói cho cùng, việc Đức Giáo Hoàng bị phê bình chỉ trích về nhận định ngài nói: bao ngừa thai cao su không là giải đáp tốt đẹp, ngài vẫn có lý để nói như thế.

Tác giả Michael Cook có viết một bài đăng trên “mercatornet.com” ngày 21/3/09, quả quyết rằng: sự thể cho thấy HIV/Liệt Kháng Siđa càng gia tăng, nếu ta càng tăng cường sử dụng bao cao su ngừa/chống thai, dài dài. Ông còn trích dẫn thí dụ xảy ra ở Camơrun, đất nước được vinh dự đón tiếp Đức Giáo Hoàng đặt chân thăm viếng trong chuyến công du Phi Châu vừa qua, và tỏ bày nhận định ở trên, thì trong thời gian từ 1992 đến 2001, số bao cao su được bán ra ngoài thị trường gia tăng đáng kể, đang từ con số 6 triệu bao trong 9 năm, nay lên đến 15 triệu, tức gấp hai lần rưỡi. Trong khi đó, bệnh Liệt kháng/HIV lại gia tăng những ba lần, tức đang từ 3% đã lên đến 9%. Theo như trước.

Bài viết của tác giả Michael Cook còn trích dẫn nhận định của Tiến sĩ Edward C. Green, chuyên gia Harvard về ngăn ngừa Liệt Kháng/HIV, tuy không là người Công giáo, vẫn tự hào mình là vô thần, nhưng ông vẫn nói: “Đức Giáo Hoàng Biển Đức rất có lý”. Ts Green giải thích: “Sử dụng bao ngừa thai cao su, không chỉ thất bại trong việc làm cho tầm mức của bệnh Liệt kháng/Siđa giảm sút đi mà thôi, nhưng nó “còn làm cho mức độ lây truyền bệnh Liệt kháng/HIV thêm trầm trọng hơn nữa, do bởi hiện tượng gọi là “nguy cơ bù đắp”, hoặc hành xử mất ức chế có điều kiện. Ngày nay, người ta nói nhiều về nguy cơ về tính dục hơn trước. Làm thế, là vì họ cảm thấy an toàn hơn thực tế được biện minh và lý giải, khi sử dụng bao bì này.”

Một chuyên gia khác cũng nói tương tự, là ngài James Chelton, trong một bài viết gửi đến tập san y khoa The Lancet ngày 1/12/2007, có viết: “một trong 10 huyền thoại gây tai hại nhất trong cuộc chiến chống bệnh Liệt kháng, là điều mà nhiều người cứ nghĩ rằng bao cao su là biện pháp tốt để ngừa bệnh. Ông viết: “Riêng bao cao su thôi, cũng chẳng làm nên chuyện, đối với cơn dịch tễ xảy đến rất thông thường [như ở châu Phi].”

Phương pháp thành công thấy rõ trong việc giảm thiểu các tệ hại của bệnh Liệt kháng/HIV là ở Uganda. Ở đây, năm 1986, dân chúng đưa vào hiện thực một phương pháp được mang tên ABC, tức: dùng 3 chữ đầu của sách lược phòng chống bệnh, tức: hãm mình nín nhịn nhiều thú hưởng lạc trước ngày cưới. Thứ đến, là: hãy ăn ở một lòng chung tình với người phối ngẫu của mình trong đời sống hôn nhân. Và, một điều nữa, là: nếu làm như thế mà vẫn không chịu nổi, thì khi đó mới dùng đến bao cao su ngừa/ chống thai.

Từ 1992 đến 2002, chỉ số lây truyền Liệt kháng/HIV ở nước này, đã giảm sút từ 21% xuống chỉ còn 6%. Việc này đan kết với tầm mức giảm sút 60% đối với trường hợp thỉnh thoảng mới ăn nằm với nhau.

Cuối cùng, thì Hội thánh cũng như Đức Giáo Hoàng, vẫn nói đúng. Và có lý. Khi ngài bảo: Giữ cho nền luân lý/đạo đức được đúng cách, mới là liều thuốc tốt, để giải quyết.” (Lm John Flader, The Catholic Weekly, 19/4/2009, tr. 10)

Nói bài bản, thì như thế. Thế nghĩa là, có hỏi và có đáp. Hỏi lan man. Đáp rất mực. Bởi, câu chuyện vẫn cứ nóng bỏng. Dây dưa. Nhiều phẩm bình, chỉ trích. Những chỉ và trích, cả các đấng ở trên. Bất kể khuôn phép. Lẫn lịch sự.

Tuy nhiên, nhà Đạo mình vẫn còn nhiều lập trường khác biệt. Cũng thông thoáng. Cởi mở. Và nghiêm túc. Như, lập trường của đức thày Andrew Hamilton SJ, chính cống một đấng bậc thày dạy về thần học của đại học Công giáo Melbourne, ở Úc. Tựu trung, lập trường của đấng bậc A. Hamilton, có thể lược tóm như sau:

“Vấn đề Liệt Kháng/HIV, phải được nhìn theo hai bối cảnh khác biệt: một ở phương Tây, một ở châu Phi.

Khi bệnh Liệt Kháng tràn lan bên phương Tây, bệnh này gây ảnh hưởng nhiều lên cộng đồng anh chị em “đồng tính luyến ái”. Đáp ứng ban đầu, tập trung phổ biến còn hạn chế. Chỉ cốt tạo niềm tin nơi cộng đồng thanh niên đồng tính, ngõ hầu giúp mọi người biết tự chế, chứ không nhằm phẩm bình xét nét liên quan đến lối sống và khuynh hướng mang tính dục tình. Cũng có giải pháp giáo dục mọi người về bản chất và tính cách lây truyền của bệnh, đồng thời cũng khuyến khích giới đồng tính biết cách sử dụng bao cao su khi ân ái, rất thất thường.

Giáo hội lúc đầu, ít bận tâm ứng đáp chuyện Liệt kháng, với tư cách một thể chế, trong Đạo. Nhưng, tựa như các giáo hội khác, Hội thánh Công Giáo cuối cùng phải đối phó với hậu quả về những hãi sợ Liệt kháng, đã lây lan. Điều này làm gia tăng trạng thái mất cảm thông và tính cách kỳ thị đối với giới đồng tính luyến ái.

Bối cảnh châu Phi, thì lại khác. Liệt kháng ở châu lục địa này, chủ yếu lây truyền qua hành động ăn nằm giữa người khác phái, ảnh hưởng lên cả phụ nữ lẫn trẻ em. Các bà vợ có chồng chết đi để lại không một đồng lương lẫn lợi tức, đành phải rời xa xóm làng cùng xã tắc, chọn lựa giáp mặt cuộc sống lang thang điềm đàng; hoặc chọn cái chết cho riêng mình hoặc con cái của mình. Không sử dụng bao cao su ngừa thai, họ cũng sẽ phải chết lây lất cách này, hay cách khác.

Khác với người đời ở trời Tây, cộng đoàn giáo xứ và giáo dân ở châu này, đã bắt đầu phải đối đầu lo cho phụ nữ cũng như con trẻ từng bị lây nhiễm, hoặc bị bỏ rơi, sống lê lết. Cộng đoàn Giáo hội địa phương, thường phải chấp nhận tình thế tiến thoái lưỡng nan, khiến có vị đã phản đối chống cưỡng việc cấm sử dụng tuyệt đối bao cao su.

Cộng đoàn ở đây, nay hiểu rằng: chương trình rất giá trị và các dụng cụ miễn phí nhập từ phương Tây, đã mang lại rất ít hiệu quả, ở Phi Châu. Bệnh Liệt kháng/Siđa đã lan truyền, nay bám trụ nơi nguồn cội văn hoá, cần giải quyết. Nhìn vào các cặp hôn phối trong đó người nữ được coi không hơn gì đồ vật, rồi lại đến việc đánh bật gốc nguyên nhân và chủ trương bảo vệ phòng chống bệnh này, cũng như duy trì nền văn hoá có sự kính trọng cả hai phía; rồi lại đến việc duy trì niềm tin của tín hữu trong hôn nhân, nhất nhất đều phải được cân nhắc kỹ, khi thẩm định. Điều này đụng chạm mạnh lên thẩm định dục tính của con người, vẫn nằm sâu trong giáo huấn của hội thánh.

Thành thử, có phẩm bình lời của Đức Giáo Hoàng, tưởng cũng nên xem xét mọi việc trong cả hai bối cảnh nói trên. Lời Đức Giáo Hoàng nói, đã phản ánh kinh nghiệm về sự lan truyền của bệnh Liệt kháng, ở nơi này.

Có thể, nhiều người ở châu Phi đang trực tiếp chăm lo cho nạn nhân của căn bệnh quái ác này, sẽ coi lời bình của Đức Giáo Hoàng, là một chiều. Có thể, họ cũng hiểu là cần có phương án chính đáng đối với vấn đề Liệt kháng xảy ra với lục điạ này. Đồng thời, họ tin rằng những ai không đủ tư cách mà lại ngồi đó chống đối việc sử dụng bao ngừa thai cao su, sẽ thất bại khi nhận định tình hình của người vợ các ông chồng vốn bị tiêm nhiễm Liệt kháng Siđa và cả các phụ nữ từng tra chân vào giòng đời làm đĩ điếm. Dù, việc sử dụng bao ngừa thai cao su không đem lại giải pháp nào cho châu Phi đi nữa, vẫn có thể cứu vãn một số nữ phụ và con trẻ đang lết bết chết dần với căn bệnh, trầm kha. Họ là những người dám biện luận rằng: việc sử dụng bao bì này có thể giữ được nguyên tắc truyền thống luân lý của giáo hội vẫn minh oan.

Lời Đức Thánh Cha đưa ra ví dụ cụ thể về nghịch lý mà giáo huấn Hội thánh đang gặp phải về vấn đề này. Và còn nhiều việc khác nữa. Các vị lãnh đạo trong Hội thánh càng gợi ý bằng ngôn từ mở rộng về nền đạo đức của Tin Mừng đối với cuộc sống đầy đặn độ lượng, thì chính Hội và nền đạo đức/chức năng của mình càng bị người đời coi là hẹp hòi, không tiếc xót.

Bối cảnh châu Phi muốn đề nghị một điều, là: tốt hơn cả, ta hãy để mọi quan ngại của người phương Tây lại đằng sau, trong phút chốc, mà đi vào tình trạng sống của phụ nữ lẫn trẻ em ở châu Phi, vốn lây nhiễm Liệt kháng/Siđa, đang sống lây lất như thế nào. Suy cho kỹ, theo hướng này, có thể ta sẽ thấy và đưa ra đề nghị thẩm định tính phức hợp rất đạo đức/chức năng; và khi đó, mới có được lời lẽ chứa đựng cả sự thật lẫn lòng xót thương, vô bờ. Với nạn nhân.” (Lm Andrew hamilton, eurekastreet.com.au 26/3/09)

Hẳn là như thế, đã hai năm rõ mười. Mười mươi, là thật. Chẳng thế mà, sự thật thì nghệ sĩ họ Phạm khi xưa chỉ muốn hát. Những hát rằng:

“Nghe đi rời rạc trong hồn

Những chân xa vắng, dậm mòn lẻ loi.” (Phạm Đình Chương – bđd)

Thử hỏi, ai lẻ loi dậm mòn đôi chân xa vắng, hơn bạn đời mình ở châu Phi. Bạn đời, giờ đang trong tình huống “rời rạc trong hồn”, hơn người nữ phụ và trẻ em châu Phi. Ở nơi đó, thấy có Nigêria, Camơrun, Uganđa, và đâu nữa. Nơi đó, hiện thời đang …“rơi rơi”, “dìu dịu”, “rơi rơi”. Rơi dìu dịu. Với chết dần. Chết rời dần, mà sao vẫn nghe người người ở trời Tây, cứ cãi vã lẫn tranh luận. Những là, phẩm bình. Một bình phẩm hơi lạ. Và, nghe thấy:

“Ở nơi nào đó, rất nhỏ đất nước châu Phi, có cô gái chạy đến nói với cha:

-Tuần sau con và anh ấy kết hôn, đấy Bố!

-Thế, thằng đó có nhà có cửa đàng hoàng gì không thế?

-Dạ không. Anh ấy hiện còn đang ở trọ.

-Thế, nó có xe có cộ gì không, cơ?

-Cũng không luôn, thưa Bố. Anh đi xe đạp. Cũng tốt chán.Thời buổi này.

-Thế bố mẹ, dì cậu nó thế nào, có giàu sụ cỡ đại gia không?

-Anh mồ côi, mà Bố.

-Ấy chết! Ở đời, ai cũng phải biết tích phúc tích đức, nhé con! Nó khổ thế rồi, thì thôi. Con tha cho nó đi. Đừng làm khổ con nhà người ta nữa, mà làm gì… “

Khổ hay không khổ, chỉ người trong cuộc mới được biết. Đâu cần người “Tây phương cực lạc”, cứ dõng dạc, bàn luận mãi.

Sung hay chẳng sướng, đời người ai có qua cầu, mới hay. Chớ dông dài. Cũng đừng quan ngại. Phải chăng đây là lời nhắn, nhận được từ châu Phi?

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc rất muốn tự chế.

Chẳng nói dài.

Cũng chẳng lai rai

viết về chuyện như thế.

Sunday 19 April 2009

“Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng không khó bằng làm một nhà văn”

(Phạm Duy – Lời mẹ dặn).

(Hc 2: 12)

Bần đạo không phải là nhà văn. Chắc chắn, là như thế. Cũng, chẳng là gì cả. Chỉ làng nhàng, viết nhăng viết cuội đôi ba hàng, mà luận phiếm. Phiếm bậy bạ, để mình vui. Đời cũng vui. Chứ, nào dám mạo nhận là có tay/chân trong ngoài, làng thơ với âm nhạc! Không. Bần đạo chẳng khi nào dám mạo nhận tước vị ấy. Rất sợ. Sợ, vì chưa bước vào đã thấy khó. Khó lòng. Khó chịu. Rất khó khăn.

Mới đây, bần đạo lại bắt chụp được đôi giòng tư tưởng tuy không lạ, nhưng được coi là phương châm. Phương châm để sống, những khó/dễ thấy ở đời. Khó/dễ, tuỳ bạn bè cứ tách bạch:

-Dễ là khi, bạn có tên trong sổ địa chỉ, của người khác;

khó là lúc, bạn tìm được chỗ đứng, ở tim ai.

-Dễ là khi, bạn đánh giá lỗi lầm của người khác;

khó là lúc, bạn và ta nhận ra sai trái, của riêng mình.

-Dễ là lúc, mình làm tổn thương tình bạn, xưa rày vẫn quý;

khó là khi, mọi người cố ý gắn hàn vết thương đau.

-Dễ là khi, nói với nhau về tha thứ, cho kẻ khác;

khó là lúc, để người khác thứ tha lỗi lầm mình.

-Dễ là khi, bạn và ta ngủ say trong chiến thắng;

khó là lúc, ta và bạn cố gắng nhận mình bại trận.

-Dễ là khi, ta bận rộn chuyện yêu thương, chăm sóc,

khó là lúc, phục vụ mọi người, cả người mình không yêu.

-Dễ là khi, mình chỉ lo phẩm bình hành xử của người khác;

khó là lúc, cần tự kiểm để canh tân.

-Dễ là khi, mình cứ tiếp tục lỗi phạm với sai trái;

khó là lúc, ta muốn ngưng lại để rút bài học,từ lầm lỗi.

-Dễ là khi, mình chỉ biết tiếp nhận và tiếp nhận;

khó là lúc, ta thực hiện việc cho đi và cho mãi.

-Dễ là khi, cứ mải khuyên người về nhiều chuyện;

khó là lúc, có nhiều điều tốt mà ta chỉ làm mỗi một.

Vào vườn hoa phương châm được trích ở trên, ta sẽ lại gặp đôi lời vàng nhận định, rất nên làm. Làm, với quyết tâm. Làm, bằng nhiệt huyết. Là những việc, bạn và mình vẫn nghe quen.

Nghe rất quen, những câu hỏi cũng dễ và cũng khó như giáo điều/ luật lệ, đời vợ chồng. Dễ/khó, cả về nơi tổ chức nghi thức hỏi/cưới, ngoài nhà Đạo. Như hỏi đáp bên dưới, do đấng bậc vị vọng phụ trách, có tiếng tăm:

“Tôi có người con gái, xưa nay chẳng khi nào làm việc gì khiến bố mẹ phiền lòng. Nhưng vừa qua, cháu và chồng, đồng lòng đưa ra một quyết định, là: chọn nơi cưới hỏi rất khác thường, làm bọn tôi chưng hửng, bối rối. Cháu định tổ chức lễ cưới, ở nơi vườn; chỉ có vị chủ sự làm chứng từ, cho hôn ước. Cứ sự thường, tôi rất bực mỗi khi phải giải quyết những chuyện rối rắm như thế. Nhưng, hôm nay, vì vẫn muốn hỗ trợ cho quyết định của các con, nhất là lại có liên can đến cuộc sống, của các cháu, như tôi vẫn từng làm. Vậy xin hỏi: tôi có quyền và có lý do để khước từ, không tham dự các nghi thức như thế, được không?

Quả thật, lần này, điều khó nghĩ, không chỉ tạo ra cho bố mẹ/người thân, thôi. Nhưng, còn gây lúng túng cho cả người giải đáp trường hợp riêng biệt, nhiều bận tâm. Nhưng, nói gì thì nói, lần này đấng bậc giòng họ Flader, lại có những lời đáp, rất chững chạc. Uyên bác. Rất đáng quan tâm. Và, sau đây là câu trả lời, của “đức ngài”:

“Trong rất nhiều câu hỏi, mà giới linh mục chúng tôi nhận được, tôi nghĩ: câu hỏi trên là thường xuyên nhất. Cũng còn là câu hỏi hóc búa, vào bậc nhất. Của dân gian.

Đã từ lâu, tôi vẫn suy nghĩ/đắn đo về chuyện này, cũng ở cột báo đây. Và cuối cùng, tôi quyết định là: nên trả lời ở cột báo này, là hay nhất. Thật ra, thì đây không phải là câu hỏi tầm thường. Nên, cũng không thể có câu trả lời, dửng dưng, hay đơn giản, được.

Trong đời người, đôi khi ta đứng giữa hai điều tốt đẹp, ta khó có thể hoà giải được. Và, cũng đang trong tình trạng rất có nguy cơ sụp đổ. Nếu chỉ đơn giản chọn một trong hai điều tốt đẹp ấy, thì hậu quả không tránh khỏi, là: sẽ gây thương tổn, đem đến với điều tốt bên kia, là điều thấy rất rõ. Dĩ nhiên, cả hai điều tốt đẹp này đều tôn trọng sự thật về tình yêu; và về hôn nhân giữa hai người cùng theo Đạo Chúa, cũng đối ứng với gia đình và bạn bè/người thân của một hoặc cả hai người trong cuộc.

Những năm về trước, tôi cũng theo dõi đọc nhiều bài viết về vấn đề này. Tức là, một trong các vấn đề, thường kéo theo thái độ chống đối, không tham dự lễ cưới, ngoài nhà thờ. Hoặc đại để, là như thế. Điều tôi nói ở đây, không phải để chuẩn bị cho dư luận, ngõ hầu chấp nhận cho lập trường ấy. Hay là, để tôi giải thích như thế này, cho nó rõ.

Lâu nay, mọi người vẫn coi là ta cộng tác với sự dữ/ác thần, nếu ta có ý định tham dự nghi thức cưới/hỏi nào, không được Hội thánh công nhận. Hãy để qua một bên vấn đề xem người sắp sửa lập gia đình có thực sự coi hành động của mình là mắc tội hay không. Điều này hãy khoan nói tới. Có thể là, việc ấy chẳng mắc tội tình gì. Nhưng, khách quan mà nói, làm như thế cũng không được đúng cho lắm.

Theo thần học luân lý của Hội thánh, thì mọi người chúng ta không nên cộng tác vào các hành động mang tính lỗi phạm, của người khác. Thế nhưng, có nhiều trường hợp vốn dĩ khiến ta cũng có thể uyển chuyển, làm như thế.

Trước hết, tất cả mọi người chúng ta không nên công khai hợp tác vào các hành động như thế. Nghĩa là, không nên thoả thuận và cũng chẳng được phép chấp nhận tạo cớ vấp phạm, gây nên tội. Đây có thể, là trường hợp của người nào đó, khi thấy không có gì là sai quấy nếu tham dự nghi thức cưới/hỏi, không hợp lệ.

Trường hợp nêu ở trên, bạn có nói là mình không thoả thuận/hài lòng với những gì con cái hiện đang làm. Xem như thế, việc bạn hợp tác với con, không mang tính công khai/chính thức, nhưng đúng hơn, nên gọi đó là việc xảy ra trên thực tế.

Thứ đến, trên thực tế, ta có thể hợp tác, chỉ khi nào có lý do chính đáng và thích hợp, để mà làm. Càng thích đáng hơn, như trường hợp thấy rõ là hợp tác theo vị thế ở xa xa, đối với người trong cuộc, thì khi đó, lý do mà người người cần xác chứng, lại càng mạnh hơn. Chẳng hạn như, với đám cưới ngoài đời, người chủ lễ, các phù rể và phù dâu danh dự là những người có quan hệ hợp tác rất gần, hoặc sát cạnh hơn bất cứ ai nào khác, chỉ đến với tư cách người tham dự, thôi. Không có sự hợp tác của người thân cận, tức những người gần gũi này, thì đám cưới chẳng thế nào tiến hành. Bởi, vị chủ trì nghi thức cưới hỏi và hai người làm chứng, đều là những người rất cần có mặt, ngõ hầu đám cưới ấy, mới hiệu lực.

Thông thường, chẳng ai có thể hợp tác với đám cưới này nọ đến mức độ thân cận, gần gũi hơn như thế. Còn người khác, chỉ đến với tư cách tham dự, chỉ có thể hợp lực/hợp tác, từ xa xa, mà thôi. Bởi lẽ, dù không có người tham dự theo tư cách ấy, thì đám cưới vẫn cứ tiến hành, như thường.

Và người tham dự theo tư cách “xa xa” chứ không thân cận, càng minh xác việc thân hành đến tham dự của mình, nếu họ có lý do tương tự, hoặc chính đáng hơn. Lý do, có thể là những nhận định/suy tính khi nghĩ rằng, nếu không đến dự tiệc được tổ chức như thế, sẽ có nguy cơ làm suy giảm mối tương quan với người trong cuộc, buổi hỏi/cưới.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp, ta cũng không thế nào quyết đoán được như thế, một cách dễ dàng được. Bởi, đôi khi, chỉ sau khi quyết định không thể đến tham dự được, họ mới nhận ra rằng: hậu quả của việc mình không đến, đã tổn hại cho mối tương quan mật thiết giữa chính mình, với nhà đám. Nội một chuyện, không biết thế nào là phải/là đúng, cũng đem lại nhiều tranh luận và cãi vã đối với thắc mắc “không biết có nên tham dự những đám cưới/hỏi nhự thế”, không. Tranh và cãi, để khỏi phải quan ngại, sợ làm thương tổn cho mối tương quan vẫn có, đối với nhau.

Thành thử, nói thân cận/gần gũi là nói: việc tham dự đám cưới có liên quan hệ trọng thế nào với người thân quen, đang cưới/hỏi. Càng có lý do chính đáng, càng có lý để tham dự những buổi như thế, hơn nữa. Giả như người trong cuộc lại là bà con/thân thuộc của mình, thì khi ấy càng có lý để mà tham dự, hơn những người chỉ là họ hàng rất xa; hoặc, mới chỉ quen chỉ biết, có ít ngày.

Giả như, sau khi xem xét các tiêu chuẩn để đánh giá tình hình thực tế của buổi ấy, hễ ai nhất quyết tham dự đám cưới như thế, có thêm hai vấn đề, cần để ý. Thứ nhất, cần cho người trong cuộc tổ chức nghi thức cưới/hỏi kiểu đó, biết rõ là mình không đồng ý với chọn lựa mà đôi bạn đang thực hiện; nhưng, cũng giải thích rõ, rằng: mình muốn cho đôi bạn “trong cuộc” thay đổi ý kiến. Để rồi, sẽ tổ chức cưới/hỏi, ở nhà thờ.

Thứ đến, đôi bạn là “người trong cuộc” nhất định phải xa tránh, đừng làm cớ vấp phạm –điều mà người xưa hay gọi là “gương mù/gương xấu”- cho người khác, qua việc thân hành đến dự buổi nghi thức ấy. Làm như thế, cũng là để cho mọi người khác (tức ngoại cuộc) biết rằng: mình rất bất đồng với chuyện tổ chức đám cưới/hỏi ngoài nhà thờ, như thế. Nhưng sở dĩ mình đến dự, là vì tự thấy bó buộc phải đến, ngõ hầu không luột mất đi; hoặc gây nguy hiểm, cho tương quan giữa mình với đôi bạn, trong cuộc..

Dù rằng như thế, thật vẫn khó để quyết đoán xem rằng: nên hay không nên dấn thân tham dự, buổi ấy. Nhiều trường hợp, người có liên hệ mật thiết với gia đình, cũng cảm thấy khác chính kiến, khác lập trường về cả vấn đề này nữa. Trong tình huống như thế, tốt hơn hết, hãy nên tìm đến mà hội ý các vị mục tử; yêu cầu được các vị giúp đỡ. Giúp, là giúp cho mình có quyết định nên làm thế nào, là hay nhất.

Ít ra cũng nên biết, rằng: đâu phải cứ tham dự nghi thức cưới/hỏi như thế, là đã phạm phải tội/lỗi tày đình, đâu.

Gợi ý, cốt để phiếm như trên, bần đạo không có ý bảo: thế nào thì có tội, khi nào thì không. Bởi, tội hay không, có bao giờ lên được tới Chúa. Bởi, Ngài là Đấng, chẳng bao giờ vương vấn “tội” và lỗi”, của một ai. Ngài là Đấng tách bạch, sạch bụi trần. Chẳng có gì, làm Ngài phải bận tâm, dù là tội. Chỉ bận tâm, là khi dân con của Ngài, cứ tranh cãi và chấp nê. Tranh và cãi, để bảo nhau, làm gì thì nên tội? Làm gì, thì không. Chỉ nên để ý đến chuyện: mình có làm gì khiến tạo cớ vấp phạm, hoặc gây tổn hại đến tình thương/tương quan, mình vẫn có. Với nhau. Với Chúa.

Cứ như người nghệ sĩ làng thơ văn/âm nhạc, đã viết lên lời, như:

“Có lần tôi chót nói dối mẹ, Mẹ ơi

hôm sau tưởng phải ăn đòn.

Nhưng không, nhưng không Mẹ tôi chỉ buồn

Ôm tôi hôn lên mái tóc xanh rờn, Mẹ tôi trìu mến

Ngày xưa trước khi cha con nhắm mắt

Cha đã dặn rằng nuôi con suốt đời thành người chân thật.” (Phạm Duy – bđd)

Đặc biệt hơn, hãy nên về với nguồn mạch của những khuyên răn/dặn dò, từng nghe/biết:

“Khốn thay những tâm hồn hèn nhát,

những bàn tay rã rời,

và người tội lỗi lập lờ nước đôi.”

(Hc 2: 12)

Thật ra, vấn đề ở đây, không là “lập lờ nước đôi”, cho bằng: cứ sợ tội. Sợ những lỗi phạm. Sợ quá, đến nỗi quên mất mục tiêu của Lời Vàng Kinh Thánh, là dựng xây “tương quan Nước Trời” mình phải giữ. Chứ, không có ý khuyến khích thái độ quá “sợ tội”, đến độ chẳng dám sống. Hoặc, chẳng màng gì tình thương/tương quan của chúng ta.

Sợ tội, là tâm trạng không chỉ của một số khá đông người nhà Đạo. Mà, còn là của nhiều người ngoài Đạo. Ở dân gian. Dân gian hôm nay, có những truyện kể, về nói dối. Về thái độ, không trung thực. Thật thà. Cũng chả, có gì là vô tư. Thoải mái. Như truyện kể, ở bên dưới:

“Ngày nọ, một tiều phu mải chặt cây đốn củi, bên sông, mang về cho vợ. Bỗng chốc, dao/rựa rơi xuống nước, ở giữa dòng. Anh khóc rất thảm, đến độ Thượng Đế phải hiện đến, để ủi an. Thượng Đế hỏi, điều gì làm anh sợ hãi đến thế. Phải chăng, là tội? Anh đáp trả, chẳng qua vì dao/rựa rơi tuột xuống nước, hết gạo cơm. Bỗng, anh thấy Thượng Đế nhảy ào xuống nước, đem lên cây dao/rựa bằng vàng.Rồi Ngài hỏi:

-Phải chăng dao này của con?

-Thưa, không phải.

Thượng Đế lại nhảy xuống nước một lần nữa, cầm dao/rựa bằng bạc lên hỏi:

-Có phải là con dao này?

-Dạ, không phải cây ấy.

Lần thứ ba, Thượng Đế lao mình lần nữa, đem dao/rựa bằng sắt lên, rồi hỏi:

-Ý hẳn là cây này?

-Dạ thưa, chính nó. Xin Ngài cho con nhận lại.

Thượng Đế thấy bụng dạ thật thà, của tiều phu đốn củi, rất xúc động. Bèn cho anh cả ba cây, liền lúc. Người tiều phu vui mừng, đem cả ba dao/rựa về nhà, mừng với vợ. Ít ngày sau, có dịp cùng vợ đi đốn củi ở bên sông. Gặp đường trơn trượt, vợ anh sơ ý tuột chân rơi tòm xuống nước.Anh tiều phu một lần lại nữa kêu van, than khóc. Những mong Thượng Đế lại thương tình, mà giúp đỡ.Thượng Đế hiện về, hỏi lý do của đau buồn lần này, thì ra mới biết người vợ hiền của tiều phu, nay mất tích. Trong nháy mắt, Thượng Đế cũng làm cử chỉ như hôm trước, lôi lên bờ người nữ phụ tuyệt vời mang dáng dấp Jennifer Lopez, một mỹ nhân. Thượng Đế hỏi:

-Phải chăng nữ phụ này, vợ của con?

-Dạ thưa Ngài rất đúng!

Thượng Đế thấy, lần này tiều phu ta hết thật thà, bèn nổi giận và quở trách:

-Sao anh dám lừa gạt, cả đến ta?

-Dạ, xin Ngài niệm tình tha thứ. Chẳng phải con gian dối hay lừa gạt Ngài. Nhưng, nếu con cứ nói không phải mãi, Ngài sẽ trao cho con cả ba thứ dao cùng rựa như thế, sức đâu con gánh được cả ba!

Người kể hôm nay, đưa ra triết lý của câu truyện, không phải để nói lên lý lẽ “của dối gian”, cho bằng: ngay trong các lời ta viện lẽ, nhiều lúc ta cứ tưởng người người đều gian dối, nhưng không hoàn toàn là như thế. Người tiều phu đây, không có ý dối gian, hay phạm điều thiếu trung thực. Nên cứ ngại. Ngại rằng, nếu giữ sự thật đúng như luật lệ, sẽ chịu phải hậu quả, mất tương quan. Hoặc, có tương quan tình thân với nhiều đối tượng, cũng khó xử. Và, bỏ hết tương quan, dù có là người thân cận, gần gũi nhất.

Thành thử, triết lý của mọi việc, là: sự thể nào, cũng có đôi mặt. Vấn đề là, nên chọn phương diện nào, để vẫn giữ được tương quan mật thiết với người người. Chí ít, là người thân cận, gần gũi. Với Chúa. Với người. Không chỉ, những gì liên quan đến lề luật. Đến, từng nét chữ của lề luật. Như được dặn. Dặn, như bài “Lời mẹ dặn” có câu:

“Mẹ ơi chân thật là gì

Mẹ ơi chân thật là gì

Mẹ tôi ôm hôn đôi mắt

Con ơi! Một người chân thật

Thấy vui muốn cười, là cười

Thấy buồn muốn khóc, cứ khóc…

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét.” (Phạm Duy – bđd)

Và lời cuối, người nghệ sĩ trong bài còn viết:

“Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng không khó, bằng làm một nhà văn

Muốn trọn đời đi mãi không ngừng

Trên con đường, của lòng chân thật.” (Phạm Duy – bđd)

Đường dài lòng chân thật, nghĩ cho cùng, xem ra cũng khó. Khó, khi quyết định. Khó, vào lúc ra tay. Vào những lúc khốn khó. Chỉ có Chúa, biết lòng dạ của mình. Và của người.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc cũng thấy khó.

Rất nhiều chuyện.