Friday 10 April 2009

“Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu”

Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh Xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau

(Nguyễn Trung Cang – Thương nhau ngày mưa)

(Ep 4: 3)

Chừng như, con dân nhà Đạo mình vẫn có lề thói khá quen quen, là: “thích đồ cổ”. Đồ rất cổ, bần đạo muốn nói ở đây, có thể là “truyền thống giáo phụ”. Là, lề lối “bảo thủ”, khó gột bỏ. Gọi đó là tính nệ cổ, cũng rất đặng. Nên vừa rồi, bần đạo có dịp nghe câu hát: “cho nhau trọn tình, dẫu có điêu linh”, và: “xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau”, lại thấy nhớ. Thấy rất thấm. Thấm đến độ, bần đạo bèn lại ngẫu hứng phiếm lai rai, cầu bàu bạn hôm nay.

Ôi thôi chết! Bần đạo nói thế cũng không phải. Thấy mà thương ở đây, chẳng cứ là thương hại. Hay thương tâm. Rất tội nghiệp. Cũng không là, thương cảm, thương “cho roi cho vọt”, lọt tọt chẳng còn gì để thương. Để nhớ. Thương ở đây, là: “thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu”. Nói đúng hơn, thương là: thương và tin trọn đời. Dẫu điêu linh. Mất định hướng. Rất lúng túng.

Quả thật, bần đạo thấy lúng túng khi buộc phải minh định lập trường về những “nệ cổ”/cổ lệ, mà người thời nay, ít để ý. Nhưng vẫn thương. Thương, cho người bận tâm/để ý những chuyện xa vời, ít vấn vương. Không quan trọng. Trong cuộc sống.

Trước khi đi xa hơn, về những chuyện không vương vấn, lấn cấn sự sống, bần đạo mời bạn mời tôi ta mời mình thử tản mạn qua truyện kể rất lễ mễ, ở bên dưới:

“Thánh lễ vừa xong, bé em chạy đến gần chủ tế vừa giảng xong. Bé ngước đầu tuyên bố, rất dõng dạc:

-Mai ngày khi khôn lớn, con sẽ kiếm thật nhiều tiền, đem đến tặng cha.”

-Cảm ơn con nhiều. Nhưng sao lại làm thế?

-Bởi vì, mỗi lần ba con đi nhà thờ nghe cha giảng. Về nhà, Ba cứ bảo: ông cha, dạo này giảng có lẽ nghèo nàn nhất, trong số các cha mà ba vẫn nghe!”

Câu đó, không chắc có phải vì nghe cha giảng, thấy cha nghèo. Hay, bài giảng của cha bao giờ nghe thấy cũng nghèo, so với các vị khác, không? Chuyện này, bần đạo không dám quyết đoán. Nhưng, mỗi lần nghe cha/thày giảng/giải, cũng nên suy nghĩ, chứ đừng nên có động thái như bé ở trên. Chí ít, là khi ta nghe cha/cố chuyên giảng/giải về những chuyện xa xưa, giống trái đất.

Xưa như đất, là vấn đề thời đại. Lâu nay. Thời buổi này, vẫn còn những hỏi/đáp để giải mã những thắc mắc về nhà thờ, ở bên dưới, nghe cũng ngộ:

“Tôi vẫn nghe nói: ta phải cúi đầu khi đi lễ. Thứ nhất, là cúi đầu khi đọc Kinh Tin Kính, có còn buộc phải làm nữa hay không? Dường như, chẳng còn mấy ai nhớ làm chuyện ấy. Người bước lên đọc Sách thánh, cúi đầu là bái bàn thờ hay bái ông cha chủ tế? Cúi như thế, phải cả người hay chỉ mỗi đầu, mà thôi? Xin cho biết.

Hỏi và đáp những chuyện cũ xưa /cổ lỗ, vẫn là “nghề của chàng”. Chí ít, của “chàng trai linh mục”, mà kinh nghiệm giải đáp thuộc cỡ thượng thừa, rất John Flader, nơi tờ The Catholic Weekly, như sau:

“Trước hết, xin dành câu trả lời cho câu hỏi chót hết, dựa trên sách của Gm Peter Elliott có tựa đề: “Các Lễ Nghi trong Nghi tiết Phụng vụ La Mã”. Giám mục Elliott từng nói rõ: có hai loại cúi đầu trong nghi tiết Phụng vụ, là: cúi cả người hoặc cúi rạp mình, và cúi đầu, mà thôi.

Cúi rạp mình, tức cúi gập ngang lưng nghiêng mình về phía trước,là kiểu cúi trong khi cử hành thánh lễ; cúi trước mặt chủ tế vào trước và sau khi xông hương. Đây cũng là lối cúi mình trước Giám mục, mỗi khi đến gần ngài, từ chỗ ngài mà đi, hoặc mỗi khi đi ngang trước mặt ngài (mục 202).

Viết những điều này, trước tiên, Gm Elliott viết cho các thừa tác viên giúp lễ, chứ không phải cho bổn đạo đừng ngồi dưới bàn quỳ. Cho nên, ta cũng nên thêm một điều nữa là: mọi người chúng ta hãy cúi đầu thật sâu trước khi lĩnh nhận Mình Máu Chúa, nếu như người ấy muốn rước lễ theo tư thế cúi đầu, thay vì bái gối hoặc quỳ mà rước lễ.

Cũng nên thêm một điều, là: việc cúi đầu trong khi đọc Kinh Tin Kính vào lúc đọc câu “và bởi phép Chúa Thánh Thần Ngài đã nhập thể trong cùng lòng Đức Nữ Đồng Trinh Maria, và đã làm người.”

Mỗi năm hai lần, vào dịp lễ Giáng Sinh và lễ Truyền Tin, các tín hữu đều bái gối khi đọc những lời như thế, thay vì chỉ cúi đầu.Quả thật, là ngày nay nhiều người không còn biết cúi đầu nữa, thật đáng buồn. Trước ngày cải tổ phụng vụ hơn 40 năm về trước, toàn thể cộng đoàn đều cùng với vị chủ tế, đều bái gối mỗi khi đọc những lời như thế, trong Kinh Tin Kính. Và lúc đó, chẳng một ai thắc mắc về mầu nhiệm cao cả Con Thiên Chúa Xuống Thể, làm người. Và cũng từ ngày Hội thánh cho phép chỉ cần cúi đầu thay vì bái gối, nhiều người không còn tỏ dấu hiệu gì, để cung kính.

Để trả lời cho câu hỏi thứ hai, Gm Elliott cũng nói: người bước lên bục để đọc sách, trong lúc bước lên cung thánh, cũng cúi đầu trước bàn thờ, sau đó trước vị chủ tế, rồi mới bước lên bục, để đọc (mục 258). Cả hai lối cúi này, đều là cúi sâu từ ngang lưng.

Về cúi đầu trước vị chủ tế, không thấy nói trong sách nghi tiết phục vụ, như nói trong các nghi thức do Đức Giám mục cử hành, làm chủ tế (mục 76-77), có thể coi như thói quen cung kính diễn tả với vị linh mục. Chính vì lý do này, mà Gm Elliott đã nói đến trong sách của ngài (mục 258)

Một số người có thể thắc mắc hỏi tại sao người bước lên đọc sách không cần bái gối trước nhà tạm, khi bước lên cung thánh. Lý do, là vì Sách Các Lễ Nghi trong Nghi Thức Phụng vụ La Mã có nói là: nếu nhà tạm có Mình thánh Chúa được đặt trên cung thánh, thì “linh mục, phó tế, và các thừa tác viên đều bái gối khi bước lên và khi rời cung thánh, nhưng không phải vào lúc đang cử hành thánh lễ. (sđd mục 274)

Lối cúi khác, tức là chỉ cúi đầu mà thôi, thường đi kèm với cúi nhẹ thân vai. Vị chủ sự nghi thức phụng vụ sẽ làm như thế khi nghe đọc lớn tiếng Tên ba Ngôi cực trọng (tỉ như vào phần đầu kinh Vinh Danh) và vào lúc người đọc cất tên danh thánh Đức Giêsu, Đức Mẹ và các thánh mà buổi lễ hôm đó được cử hành, để mừng kính (m 275).

Nhiều bổn đạo vẫn có thói quen cúi đầu mỗi khi nghe đọc đến tên cực trọng Đức Giêsu hoặc Đức Mẹ. Cũng thế, cũng là thói quen thông thường của nhiều người trước mặt chủ tế mỗi khi bưng khiêng các vật thể trong kiệu rước lễ vật dâng tiến Chúa, và cúi đầu mỗi khi đưa hoặc nhận lễ vật dâng tiến với chủ tế.

Về việc này, Gm Elliott có nói: Chỉ cúi nhẹ một chút cũng đủ để tỏ lòng cung kính lẫn nhau và biết ơn trước và sau khi nhận vật gì hoặc làm việc gì, theo cách nào đó, vào khi cử hành nghi tiết.” (m 203)

Cùng một lý do như thế, các thừa tác viên Thánh Thể hoặc chú giúp lễ vẫn thường cúi đầu trước và sau khi đưa bình rượu lễ hoặc dĩa rửa tay cho chủ tế. Cả vị chủ tế nữa, cũng có thể cúi đầu đáp lễ. (x. sđd mục 277)

Mọi kiểu cúi đầu như thế, không nên chỉ coi như việc mang nặng hình thức hoặc vô nghĩa, trống rỗng, mà như dấu hiệu căn bản để tỏ lòng cung kính Đức Chúa hoặc đấng bậc vị vọng, dù đó có là Giám mục, linh mục hoặc thừa tác viên, mà thôi.”(bđd, 08/02.2009 tr. 10)

Cúi đầu thờ lạy, hay chào Chúa Mẹ là chuyện đương nhiên, đã đành. Nhưng, hễ gặp cha cố đấng bậc mà lại cứ phải bắt con chiên ngoan đạo gục đầu chào rất kính cẩn, mới thành chuyện. Chuyện, là chuyện dây dưa khi xưa, hôm nay. Ở nhà Đạo. Cũng rất nản. Nản, vì cứ phải nghe, phải biết những chuyện cãi tranh, lanh chanh cùng đố kỵ như chuyện “cũ/mới được giỡ bỏ”. Chẳng hạn như chuyện giỡ bỏ mọi “dứt phép thông công” đối với 4 vị giám mục từng gây tranh luận, nổ như đom đóm.

Nổ nhiều nhất, là chuyện vừa mới xảy ra có liên quan đến Gm Richard Williamson đã bất chợt công khai có thái độ chống Do thái. Từ dạo ấy, các giới có thẩm quyền trong Giáo hội đều bài bác thái độ báng bổ của vị giám mục này.

Về cung cách cũ/mới cần có khi cử hành nghi tiết phụng vụ, cũng đã thấy xảy ra một vài bất bình trong/ngoài Hội thánh ở Brisbane, Úc. Bất bình, lại rộ lên trong nội bộ Hội thánh khi chính Đức đương kim Giáo Hoàng Biển Đức có quyết định lạ thường, về nghi tiết phụng vụ này khác, theo kiểu cũ hay theo sau Công Đồng Vatican II. Quyết định của ngài giỡ bỏ việc dứt phép thông công đối với 4 vị giám mục, để làm nhẹ đi mọi căng thẳng vốn có trong giáo hội, từ ngày ấy. Nhưng, việc này lại kéo theo những thách thức về sự hiệp nhất trong giáo hội.

Phiếm luận hôm nay, không phải để nói “ai đúng ai sai”/ai phải ai quấy. Mà chỉ muốn bảo rằng, trong mọi thử thách đối với sự hiệp nhất trong giáo hội, ban ngành, đoàn thể trong xã hội, luôn cần đến thương thảo. Việc thương thảo bao giờ cũng tế nhị. Tế nhị, là vì trong mọi cuộc tranh và cãi, bao giờ cũng có cái giá phải trả đều rất đặt. Cử chỉ hài hoà độ lượng của Đức Giáo hoàng, cùng với việc thừa nhận các cộng đoàn Anh giáo bất phục tùng, luôn đem đến với người trong cuộc, sự thông cảm hiểu biết cần có cho một hiệp nhất.

Thông cảm cho một hiệp nhất, là luôn nhớ đến lời các thánh viết trong thư, gửi các giáo đoàn, như đoạn bên dưới là một ví dụ cụ thể:

“Anh em

hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất

mà Thần Khí đem lại,

bằng cách ăn ở thuận hoà

gắn bó với nhau.”

(Ep 4: 3)

Có thuận hoà gắn bó, mới xứng là nhân chứng cho tình thương yêu của Đức Chúa. Mới là có quan hệ thân thương của dân con nhà Đạo. Của những người hiện đang sống trong Nước Trời, ở trần gian. Quan hệ ấy, dù mang cung cách cũ/mới, dù ở trong hay ở ngoài giới có thẩm quyền, nhà Đạo. Thuận hoà - gắn bó, cả vào khi bạn và tôi, vẫn hát:

“Khi mặt trời vắng bóng,

khi lời nguyền khuất lấp

nghe lạc loài kiếp sống sao mỏi mong..”(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Và, thuận hoà – gắn bó, có đoàn kết/hiệp nhất, vào những lúc, có:

“Như giọt buồn nước mắt,

mưa ngại ngùng héo hắt,

thương người về buốt giá, trên đường xa.” (Nguyễn Trung Cang – bđd)

Nói cách khác, dù có buốt giá, xa lạ/cũ mới, ta vẫn cứ: “Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu”, vẫn cho nhau trọn tình”, trọn nghĩa, trọn chữ thương yêu. Thương cả những người xa lạ, chẳng hề quen. Thương, cả vào khi mình không còn nhớ những ân tình xưa/cũ, để trả nợ. Trả nợ ân tình, dù chỉ là một ngụm sữa nhỏ. Như câu truyện ở bên dưới:

Một cậu bé nghèo làm nghề bán hàng rong để kiếm tiền học. Một ngày nọ nhận thấy mình chỉ còn mỗi một hào mà bụng đang đói, cậu định bụng sẽ sang nhà kế bên xin một bữa ăn. Một phụ nữ đẹp ra mở cửa. Bối rối trước cuộc gặp gỡ không hẹn trước này thay vì ăn cậu xin uống. Người phụ nữ đoán ra cậu đang đói và mang đến cho cậu một ly sữa lớn. Cậu chầm chậm nhấp từng ngụm sữa rồi hỏi: “Cháu phải trả cho cô bao nhiêu ạ?" Người phụ nữ trả lời:

-Cháu không nợ cô cái gì cả. Mẹ cô đã dạy không bao giờ nhận tiền trả cho lòng tốt -Cháu sẽ cám ơn cô từ sâu thẳm trái tim cháu."

Khi ra đi cậu cảm thấy khoẻ khoắn hơn và niềm tin của cậu vào con người cũng mãnh liệt hơn. Trước đó cậu gần như muốn đầu hàng trước số phận.

Nhiều năm sau đó người phụ nữ bị ốm nặng. Các bác sĩ địa phương đều bó tay. Họ chuyển bà đến một thành phố lớn và tiến sĩ Howard Kelly được mời đến tham vấn. Khi ông nghe tên thị trấn nơi người phụ nữ ở, một tia sáng ánh lên trong mắt ông. Ngay lập tức ông khoác áo choàng và đi tới phòng bệnh người phụ nữ ở.

Ông nhận ra được ngay ân nhân của mình năm xưa. Quay về phòng hội chẩn, ông quyết định dốc hết sức để cứu bệnh nhân này. Và cuối cùng nỗ lực của ông đã thành công.

Tiến sĩ Howard Kelly đề nghị phòng y vụ chuyển cho ông hoá đơn viện phí của ân nhân. Ông viết vài chữ bên lề của tờ hoá đơn và cho chuyển nó đến người phụ nữ. Bà nhìn tờ hoá đơn và biết rằng sẽ phải thanh toán nó hết đời mới xong. Bỗng nhiên có cái gì đó khiến bà chú ý và bà đọc những dòng chữ này: "Trị giá hoá đơn bằng một ly sữa." Ký tên: tiến sĩ Howard Kelly

Truyện kể ở trên, chắc nhiều ngưòi nghe đã quen. Nhưng, dù quen nghe những truyện kể nhè như như thế, vẫn nên thêm ở đây, lời bàn của người viết truyện, không ký tên, như sau: Hãy mở rộng trái tim với mọi người vì một mai bạn cũng cần người khác mở rộng trái tim dành cho mình. Do đó giúp đỡ người khác chính là mục tiêu để được sống hạnh phúc.”

Nói kiểu khác, kiểu lạm bàn nhiều phiếm luận, ta có thể bảo: “Thương nhau thật nhiều, biết mấy tin yêu”, chính là biết mở rộng tâm can. Mở trái tim. Với mọi người. Dù người ấy, chỉ là chú em đi bỏ báo. Không đủ tiền mua nước giải khát, bèn đi xin. Dù chú em ấy, nay trở thành người nổi tiếng, giới y khoa/phẫu thuật, rất Howard Kelly. H. Kelly hay gì gì đi nữa, ta vẫn cần vòng tay mở rộng. Mở, cả trái tim. Mở cho mọi người. Dù, chỉ mở bằng bát chè xanh. Tươi mát. Mang lại hạnh phúc.

Có cởi mở, lòng người mới đi vào cuộc sống thân thương, thoải mái. Sống hăng say, chẳng câu nệ chuyện cúi gập người. Hoặc, chỉ sơ sơ mỗi cái đầu. Có cởi mở, mới thấy đời đi Đạo của người mình, đâu câu nệ chuyện cúi hay không cúi. Nhưng vẫn kính. Vẫn tôn. Vẫn thờ lạy.

Có cởi mở, mới thấy:

“Như mưa ngày nào thấm ướt vai em,

như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm

Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm.” (Nguyễn Trung Cang – bđd)

Có cởi mở, mới thấy được rằng:

“Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất,

bảo toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài,

thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng.”

(Kn 1: 7)

Và, khi có Thần Khí Chúa tràn ngập, thì dù “Xa nhau trọn đời, vẫn nhớ thương nhau”. Đó là cuộc sống Nước Trời. Đó là tình thân thương cộng đoàn con cái Chúa. Ở trần gian.

Trần Ngọc Mưới Hai

Thêm một lần tự nhủ

về những cúi đầu

và thương yêu

trọn đời.

No comments: