Sunday 3 August 2008

Răng trắng tinh như là ngà Nụ cười tươi như hoa thắm Cô em tha thướt mượt mà.

(Phạm Duy – Cánh Hồng Trung Quốc)

(1Cr 9: 24-27)

Phải nói ngay, rằng: cánh hồng ấy, nay có con số lên đến một tỷ hai trăm triệu đoá. Nhiều sắc thái. Rất muôn mầu. Sắc thái muôn mầu, dân con đang ngóng chờ mọi người, đến tham dự. Tham dự hoặc thi đua, trong tinh thần thượng võ, có tình thân.

Thân thương tình gia đình người đồng loại, mang sắc mầu lịch sử trải dài nhiều thế kỷ, từ ngàn xưa. Xưa hoặc nay, vẫn hân hoan đón chào các lực sĩ, đến thi đua. Nhiều tình thể tháo. Chuyện thi đua, mà nhiều người thường gọi là vận hội Thế giới; hoặc, lễ hội thể thao, khắp địa cầu. Vận hội thế giới, nay được tổ chức ở phương trời xa cách, đất Bắc kinh.

Về Bắc kinh, nghệ sĩ xưa viết tiếp giòng nhạc đầy ắp những tình tự:

Lòng tôi thêm vấn vương

Những khi chiều tà nhìn cánh chim qua

Mộng được như đôi chim bay tới chân trời xa.

Cớ sao những chiều ngắm mây lững lờ.” (Phạm Duy – bđd)

Chân trời xa. Mây lững lờ. Đầy nhung nhớ. Nhớ rằng, cách đây nhiều năm, tại hí trường thi đua Thế vận ở Seattle, Hoa kỳ có chuyện vui kể về 9 nhà điền kinh rất khoẻ. Và, cường tráng. Tham gia chuyện vui hôm nay, lòng người vương vấn, chút suy tư:

“Vào cuộc thi năm ấy, có 9 vận động viên nước rút đang chuẩn bị cuộc thi chạy bộ 100m. Tiếng súng báo hiệu cuộc thi sắp sửa bắt đầu. Và, các lực sĩ đã khởi động, vụt chạy về phía trước. Nhưng lúc ấy, một vận động viên bị trật gân không cất bước nổi, đã quỵ xuống. Và, anh ta bắt đầu khóc. 8 vận động viên kia, nghe tiếng khóc họ đều chạy chậm lại, quay đầu lại nhìn. Cuối cùng, họ ngưng chạy và quay trở lại… tất cả 8 người.

Một người vội đến gần người lực sĩ vừa ngã quỵ ngã, và hỏi: “Anh thấy bớt chút nào không?” Sau đó, tất cả 9 người sánh vai cùng bước đến lằn mức thắng, trong tiếng reo hò vang dội cả cầu trường. Tất cả khán giả đứng dậy, đồng loạt vỗ tay và la to, hoan nghênh tinh thần yểm trợ của 9 vận động viện nước rút. Và tràng vỗ tay nổ ròn, mãi không dứt. Tất cả những người chứng kiến sự việc hôm ấy, thường kể lại chuyện lạ này cho người khác nghe. Tại sao thế?

Vâng. Cũng chỉ là, nơi tận cùng thâm căn ở mỗi người, ta đều hiểu: điều quan trọng của cuộc sống không phải là thắng cuộc. Mà là, bằng mọi cách, giúp kẻ khác đạt được chiến thắng. Dù việc đó, có làm chậm đi diễn tiến công việc của chúng ta. Hoặc, đổi cuộc thi đua.

Giả như, mọi người đều tìm cách quảng bá thông điệp ‘giúp đỡ kẻ khác đạt chiến thắng’, hẳn là ta sẽ thành công trong việc biến đổi trái tim của chính ta và của mọi người. Bởi, một ngọn nến không thể làm mất giá trị của ánh sáng và lửa ngọn, khi nó được sử dụng để đem niềm vui và hy vọng, đến với mọi người.”

Dường như, đây lại là thông điệp mà các thánh khi xưa gửi đến với các người tham gia thi đấu hoặc chỉ dự khán. Đến, mà thi đua ở vận động trường. Hay, vẫn chiến đấu ở chốn riêng tây. Thông điệp các thánh gửi, vẫn muốn kết hợp Lời Chúa với các vận hội từng trải qua nhiều thế kỷ. Từ cuộc vận động thể tháo giữa các người Do Thái, cho đến cuộc thi đua thể lực ở Hy lạp hoặc La Mã, thời xa xưa.

Ngược giòng lịch sử, người dự khán các cuộc thi đấu vẫn ghi đậm trong trí nhớ, rằng: người Do Thái vào thời kỳ đầu, tuy văn minh, nhưng vẫn biết dung-hoà chuyện lao-tư thể xác với ngơi nghỉ, ngày của Chúa. Vào dạo đó, cũng có thi đua, có vận hội đủ loại, nhưng các lực sĩ khi ấy chẳng hề chủ trương xây dựng nền văn hoá hoàn toàn chỉ dựa vào mặt thể lý với xác phàm. Ngược lại, họ nhắm mục tiêu hướng nhiều về gia đình. Tuyệt đối, chẳng ai màng gì đến việc cổ động tôn thờ thân xác. Vào thời của Chúa, đã thấy nhà cầm quyền thiết lập các sân vận động ở Palestin, do người La Mã xây. Nhưng, chính người Do thái lại coi các hí trường này, như một việc đầy xỉ nhục. Không thể chấp nhận được, huống hồ là tham gia thi đấu.

Trong thư gửi giáo đoàn Cô-rin-thô, Phao-lô thánh nhân đã nhắc nhở:

“Anh em biết đấy: trong cuộc chạy đua trên thao trường,

tất cả mọi người đều chạy,

nhưng chỉ có một người đoạt giải.

Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng…

Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín;

tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí.

Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng,

kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.”

(1Cr 9-24)

Với người Hy Lạp, nền văn hoá nhằm trau chuốt cho thân xác đã bắt đầu xuất hiện. Họ tìm đủ mọi cách để trau dồi thể hình bên ngoài, cho đẹp mắt. Mặc dù vẫn chủ trương “một tinh thần minh mẫn, trong thân thể tráng kiện”, nhưng dường như mọi người đều để tâm chăm lo cho thân xác, nhiều hơn mặt tinh thần. Lực sĩ nào cũng muốn có một thân hình cường tráng, mạnh bạo, để có thể thi đấu ở vận động trường mà khi ấy người Hy Lạp gọi là, vận hội Ô-lym-pích. Các chứng tích lịch sử cho thấy, các vận hội kiểu này đã xuất hiện rất lâu, khởi từ năm 776, trước Công nguyên. Ban đầu, họ chỉ tổ chức mỗi cuộc chạy bộ vòng quanh đấu trường. Về sau, mới thêm các bộ môn khác, như: ném đĩa, ném lao, nhảy cao, đánh võ, quần thảo, thi mười môn phối hợp, và tiếp đến là cuộc đua chiến mã xa. Lồng vào khuôn khổ vui chơi này, còn có thêm một vài nghi tiết tế tự, nhằm nối kết với vận hội, để thần linh chứng kiến.

Lúc đầu, lực sĩ thi đấu chỉ gồm có người Hy Lạp. Về sau, mới có thêm nhiều người từ tỉnh/thành và các nơi khác tìm đến. Vào thời chiến, mọi vận hội đều ngưng lại. Buổi đầu, không thấy có phụ nữ nào tham gia, dù thi đấu hay chỉ dự khán. Nhưng về sau, đã thấy có nữ thần Demeter hiện diện trong các buổi thi đua chiến đấu này. Hầu hết là các lực sĩ tài tử đến tham gia thôi. Tuyệt nhiên, không thấy vận động viên chuyên nghiệp nào hết. Người tham gia thi đấu, đều phải tuyên thệ giữ tinh thần thượng võ. Người thắng cuộc, không được phát bất cứ huy chương nào, mà chỉ được nhận vương miện kết bằng lá ô-liu, quấn lên đầu.

Liên tưởng đến các phần thưởng tặng trao khi thi đấu, thánh Phao-lô có lời bàn, rằng:

“Tôi chạy thẳng tới đích,

để chiếm được phần thưởng

từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi

trong Đức Ki-tô Giê-su.”

(Pl 3: 14)

Người La Mã xưa, cũng thích các trò chơi đầy bạo lực. Họ mê say lập thời biểu riêng để tổ chức mỗi năm ít nhất là một vài lần hội thi. Thời điểm thường diễn ra trong năm, là vào cuối tháng Ba và tháng Chạp. Lúc đầu, họ tổ chức thi đấu giữa nô lệ với thú rừng, từ rạng sáng. Vào buổi trưa, là hành hình các tội nhân hình sự cũng như tôn giáo. Bao giờ, tội nhân hay tín hữu Công giáo cũng là người thua thiệt, bị họ giết. Nô lệ thua trận, đều bị bỏ cho thú đói ăn thịt. Chiều đến, có các trận giác đấu còn bạo tàn, dữ dội hơn. Lực sĩ đấu thua, sẽ bị đem tế thần. Thời giáo hội tiên khởi, các tín hữu Đạo Chúa vẫn bị hy sinh làm vật tế thần, đầy tủi hổ.

Về tính hy sinh cao thượng của tín hữu Đức Kitô, thánh Gia-cô-bê cũng có bàn:

“Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách,

vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống

Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Người.

(Gc 1: 12)

Trở lại với “cánh hồng Trung Quốc” ở vận hội Bắc Kinh, chắc chắn rồi ra có nhiều bạn sau khi thi đấu, sẽ trở về trong vương vấn với lời văn/câu nhạc, rất ý nhị:

“Kìa ngàng trung Hoa xinh,

đôi mắt em như hạt huyền,

nàng nhìn tôi sao không nói

khiến tôi lo lắng ưu phiền

lòng tôi như bóng trăng

sẽ soi bên nàng trong giấc mơ tiên

để lòng cô say mê mãi khúc ca triền miên.” Phạm Duy – bđd)

Say mê mãi, khúc ca triền miên trong thi đấu, có thể có người cho đó là những “lo lắng ưu phiền”, “lòng như bóng trăng”. Nhưng với nhà Đạo, ở chợ đời, vẫn có những tình tự rất thân thương như câu truyện vui, kể bên dưới. Truyện rằng:

“Cũng là ganh đua - thi đấu xem ai hơn ai kém, bốn lão bà sồn sồn người Công giáo, ngồi kháo láo với nhau, hỏi xem con bà nào, ai thuộc loại số một. Không ai sánh tày. Bà thứ nhất, giành nói trước:

-Các bà biết không? Con tôi, vừa ngoan hiền lại vừa đạo đức, cháu mới làm linh mục được vài năm. Ấy thế mà, hễ cháu vào phòng họp hay đi tới đâu, mọi người đều răm rắp đứng dậy chào thưa: “Con chào cha!” Chỉ khi nào, con trai của tôi mỉm cười chào lại, và phất tay ra dấu, mọi người mới dám ngồi xuống, đấy!…

Nghe kể, bà thứ hai chưa gì đã thấy đã nóng mặt, bèn khoe lại:

-Con của tôi ấy? Cháu làm giám mục đâu đã được bao năm. Thế nhưng, hễ cháu tới nơi nào, cũng thấy mọi người bái gối muốn quỳ, hết chào “Thưa Đức Cha”, rồi còn muốn hôn ngón tay với lại hôn nhẫn vàng, loạn cả lên thôi.

Bà thứ ba, rất bình tĩnh. Nghe hai bà kia kể, bà khoác tay nói nhỏ:

-Con của tôi, ấy các bác biết không? Cháu mới được phong mỗi chức Hồng y thôi, mà sao cả người có đạo lẫn người ngoài đời đều thưa gửi một điều : “Dạ thưa Đức Hồng y khả kính!” hai điều gọi ngài là “Đức Tổng”. Có thua gì tổng thống đâu! Còn nữa, mỗi lần cháu đi qua, mọi người còn tránh chỗ nhường lối cho ngài bước qua, đầu cúi gầm…

Bà thứ tư nghe chuyện, không có dáng vội vàng, cứ từ từ nhắp ngụm cà phê xong, mới nói:

-Này các bà, tôi đây chẳng biết con trai mình làm tới cỡ nào. Mà sao, cứ nhìn thấy anh chàng, “vai năm thuớc rộng, thân mười thước cao”, bước ngang qua mặt, là mọi người đều kêu lên: “Giê-su, ôi Lạy Chúa!”

Người thời nay, có lẽ đã quen với các trò ganh đua/thi đấu, mà ta thường thấy nhan nhản trong cuộc đời. Chẳng nề hà chuyện thực hư/khiêm tốn. Lúc nào, cũng muốn “nổ bạo”. Bao giờ, cũng chỉ biết có hơn/thua. Hơn hay thua, trong nghiên cứu học hỏi, thật rất hiếm. Thua và hơn, trong phục vụ, nào thấy mấy ai. Thật khó kiếm.

Lời bàn cuối, là nhắn nhủ của thánh-nhân/tông đồ trong Kinh Sách:

“Tôi đã đấu trong cuộc thi cao đẹp,

đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.

Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính;

Chúa là vị Thẩm Phán chí công

sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy.”

(2 Tm 4: 7-8)

Phần thưởng ấy, sẽ dành để cho bạn. Cho tôi. Cho tất cả. Vì, tất cả đều đã và đang dấn bước trong hành trình thi đua phục vụ, có niềm tin. Chứ không phải chỉ thi đấu, những hơn thua.

Trần Ngọc Mười Hai

Chẳng dám ganh đua,

cùng thi đấu với bất cứ ai

nơi trường đời.

No comments: