Monday 18 August 2008

“Chiều nay mưa trên phố Huế”

Tiếng mưa còn vương kỷ niệm Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ anh còn nhớ không? Chợ Đông Ba khi mình qua Lá me bay bay là đà Chiều thiết tha có anh bên mình mà ngỡ hôm qua

(Minh Kỳ - Mưa trên phố Huế)

(Cv 24: 3)

Lại nói về mưa. Mưa đâu cũng là mưa. Nhưng đâu bằng, mưa trên phố Huế. Đâu cũng mưa, nhưng mưa ở đâu cũng không đẹp bằng “mưa trên phố Huế”. Đẹp như Huế. Có Huế, rất hay mưa.

Thật tình, thì bần đạo nài xin bầu bạn đang đọc giòng chữ này thứ tha cho cái tội cứ phải nghe mãi về Huế. Nói khá nhiều, về mưa. Bần đạo sống ở Huế có hơn ngàn ngày, cũng đã thương và thấy nhớ. Thương nhớ Huế, với nỗi lòng của người thân yêu đất “thần (rất) kinh”:

Chiều nay mưa trên phố Huế

Kiếp giang hồ không bến đợi

Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài

cho lòng nhớ ai

Ngày chia tay hôm nao còn đây

Nước trên sông Hương còn đầy

Tình đã xa gió mưa u hoài,

Mắt lệ ngày dài.” (Minh Kỳ - bđd)

Hôm nay đây, giả như bần đạo thay chữ “Huế” bằng cụm từ “ở đâu và lúc nào”, ta sẽ có câu dặn dò nhắn nhủ, rất để đời:

“Ở đâu và lúc nào

chúng tôi cũng đón nhận những ân huệ ấy

với tất cả lòng biết ơn.”

(Cv 24: 3)

Thật ra, chẳng vì cứ thấy mưa trên phố Huế, là bạn và tôi, ta liên tưởng đến vinh quang của Cha. Nhưng, kinh nghiệm của người con như bần đạo, hễ thấy mưa là thấy nhớ. Không nhớ người, nhớ cảnh. Cho bằng, nhớ đến ân huệ sa mưa, nơi lòng mình. Và lòng người. Ân huệ sa mưa, là bằng chứng của tình thương Chúa đổ tràn. Vào mọi lúc.

Có lần, bần đạo cũng từng thưa: tất cả là “huệ ân”. Huệ và ân, nằm ở điểm: dù gặp điều không hay hoặc bất ưng, ở trong hay ngoài cộng đoàn lớn nhỏ, thì mình cứ nên coi đó như huệ, như ân. Để mình tự cảnh giác. Và trỗi dậy. Trong bừng sáng, rất biết ơn.

Trong tinh thần đón nhận huệ ân từ Trên, cũng cần có thái độ sống thích hợp. Dù, ân huệ có là lời khen chê/chỉ trích. Dù, được hỗ trợ hay vẫn bị vùi dập. Dù, quà tặng ấy có là tình thương, hay vẫn chỉ là tai hoạ. Thì, mọi sự vẫn cứ là ân huệ. Huệ và ân, như quà tặng, bất kỳ từ nơi đâu.

Từ thái độ ấy, nay xin coi những giòng chảy bên dưới, là ân huệ riêng tây, rất nhạy cảm. Cho bạn. Cho tôi. Cho mọi người. Giòng chảy tư tưởng, là ân huệ thân thương. Rất hiền hoà. Của một linh mục ký tên rất riêng Tây, Lm Ron Rolheiser, có đôi điều cần nhắc:

“Tin Mừng buổi Tạ Từ chiều hôm trước, thánh Gio-an mô tả cảnh Thầy Chí Thánh đứng lên rửa chân cho đồ đệ, với lời lẽ rất chân tình: Cha đã giao phó mọi sự trong tay Ngài, và Ngài bởi Thiên Chúa mà đến, và đang đi về cùng Thiên Chúa, nên trong bữa ấy, Ngài đã chỗi dậy, cảo áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng mình. Đoạn, Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đồ cùng lấy khăn thắt lưng mình mà lau” (Yn 13: 4-5).

Khi thánh Yoan mô tả việc Chúa “cởi áo ngoài ra”, thánh nhân muốn nói lên nhiều điều chứ không chỉ mỗi động tác rũ bỏ lớp vải áo phủ ngoài thân mình, hoặc rút khăn quấn ngang lưng theo cung cách quen thuộc của người thời ấy, rửa chân ai.

Chử chỉ Ngài làm, là để loại bỏ đi niềm tự hào mà người người vẫn thấy khó. Khó ở chỗ, dám cúi gập người lom khom kỳ cọ chân đất dính bụi của ai khác không phải chính mình. Để làm việc này, Đức Giê-su đã cởi bỏ rất nhiều thứ bên ngoài. Những là: niềm kiêu hãnh, phê phán lòng đạo phong thái “hơn hẳn”, ý thức hệ và phẩm cách riêng tư). Cởi bỏ đi, Ngài chỉ giữ lại mỗi áo xống ở bên trong, thôi.

Áo xống ở bên trong là những gì? Theo như thánh Gio-an diễn tả, “áo xống ở bên trong” của Ngài rõ ràng là Ngài nhận thức rằng Ngài đến từ Chúa Cha, đang đi về cùng Thiên Chúa và từ đó, tất cả mọi sự đều trở thành khả thi , đối với Ngài, kể cả chuyện rửa chân cho ai khác. Rửa chân cho người đồ đệ mà Ngài biết chắc rồi ra sẽ bội phản.

Suy cho kỹ, ta thấy đây cũng là áo xống thực thụ ở trong ta, mỗi người. Ở trong ta, đó là thực thể nằm ép sát bên dưới chủng tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, chính kiến chính trị, ý thức hệ và ngay đến tiểu sử riêng tư của mỗi người (trong đó bao gồm sự thương tổn và lòng kiêu hãnh giả hiệu của mỗi người).

Điểm sâu lắng thực thụ, nằm tiềm ẩn bên dưới các sự việc ở ngoài, mà mọi người hằng chăm chút, tựa như: ký ức tăm tối, những vết hằn in dấu, tên gọi tình yêu và sự thật, mớ kiến thức chộn rộn mà, cũng như Đức Giê-su, chúng ta cũng từ Thiên Chúa mà đến, và đang đi về cùng Thiên Chúa. Vì thế ta cũng có khả năng làm bất cứ gì, kể cả thương yêu cọ rửa bàn chân trần của ai đó, rất khác với chân trần của riêng ta. Lớp áo xống ở trong ta còn là ảnh hình và nét tương tự của Đức Chúa vẫn nằm lắng đọng trong người mình.

Chỉ khi nào ta nhận ra rằng thế giới của ta có thể đổi thay. Vì chỉ vào lúc ấy nhóm người phóng khoáng hay cổ hủ, bảo vệ sự sống hay chủ trương tự do chọn lựa, Công Giáo hay Thệ Phản, Do thái hay Ả rập, người Đạo Hồi hay Kitô-hữu, da trắng hay da vàng, nam hay nữ, và những người dễ thương tổn bằng nhiều cách, mới có thể bắt đầu ngưng, thôi không còn đối xử xấu xa, độc ác với nhau nữa, và có thể khởi sự đến với nhau, bắt đầu cảm giác thân thiện gần gũi nhau hơn. Và cùng nhau dựng xây điều tốt đẹp chung, vượt lên trên những thương tổn và khác biệt của chúng ta.

Đôi lúc, trong tình huống nào đó, ta cũng đã sẵn sàng làm như thế. Tiếc thay, để có được khoảnh khắc tốt đẹp ấy, thông thường cũng phải chấp nhận nỗi buồn đau, bi đát hoặc có khi cả nỗi chết nữa. Phần lớn là, chỉ khi giáp mặt với chính sự bơ vơ, đơn độc và buồn bã, ở đám tang chẳng hạn, ta mới thấy mình có khả năng quên đi những khác biệt của nhau, cởi bỏ lớp áo bên ngoài của chính mình. Nhìn và tha thứ tất cả cho người anh người chị của ta, mà thôi.

Chừng như hôm nay, chẳng có gì khác với thời trước. Trong truyện kể về ông Gióp, ta thấy chỉ kịp đến khi Ông hoàn toàn ngã quỵ, bị xa cách, chỉ vào lúc “cởi bỏ lớp vỏ ngoài quần áo” mình đeo đẳng, ông mới cởi bỏ được lớp bên ngoài của mình và nói lên điều đáng nói: “Tôi đã trần truồng rời khỏi lòng mẹ, tôi cũng sẽ trần truồng về lại nơi đó.” (Jb 1: 21)

Lời cuối cho nhau, là thế này: hãy cẩn trọng về lớp vỏ bên ngoài ta đang khoác mà niềm đau ông Gióp không đòi ta cởi bỏ đi. (Lm Ron Rolheiser, omi).

Ta vẫn nhớ, niềm đau của thánh Gióp trong Cựu Ước, chắc chắn không mang nỗi buồn cơn mưa như ở Huế. Không đến độ, cứ phải ca lên như tác giả Minh Kỳ, vào độ trước:

“Chiều mưa phố buồn

chiều mưa phố xưa u buồn

có ai mong đợi một người biền biệt nơi mô

để nhớ với thương một người.” (Minh Kỳ - bđd)

Nhạc sĩ Minh Kỳ, người sáng tác nhạc bản ở trên, thoạt thấy trời mưa, đã biết buồn. Buồn trong mưa. Trong mong đợi, biền biệt. Buồn, vì “tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn.” Mới đáng sợ. Sợ như nỗi sợ của ông Gióp. Và nhiều người.

Miên man cuộc đời rất nhiều mưa hôm nay, theo thiển nghĩ: mưa trên phố Huế, hay mưa trong cuộc đời có làm cho lòng mình nên buồn, thì cũng chỉ một nỗi: chưa thấy niềm vui nơi giọt vắn giọt dài, thế thôi. Hãy cứ vui, sẽ thấy mưa trên phố Huế, không còn buồn. Hãy cứ ca, nhưng đừng hát nỗi buồn của Huế, sẽ thấy vui. Vui, như vui câu truyện, kể bên dưới:

“Vị mục tử nọ, là người vẫn thích nuôi mèo con. Một hôm, chú mèo của vị mục tử, nổi hứng leo lên cao, không muốn xuống. Đức thày mục tử nhìn mèo số ruột, tìm mọi cách để mèo trở xuống ở gần mình, cho bớt buồn. Vẫn không được. Cụ tìm đủ mọi thứ đem ra dụ dỗ. Chẳng ăn thua. Bèn nẩy ra ý kiến mà cụ cho là diệu kế. Cụ đi tìm sợi dây thật chắc một đầu buộc vào cành cây có chú mèo đứng trên đó, đầu mối kia cụ cột vào đuôi xe, hỵ vọng sức oằn có thể làm mèo chịu xuống.

Bỗng dây sợi bị đứt, bắn tung mèo con đi nơi khác, biến dạng. Vị mục tử cuống cuồng gõ cửa chòm xóm từng nhà, để tìm mèo. Vẫn không ra. Cuối cùng, cụ nguyện cầu Đức Chúa, mà rằng: Lạy Chúa, con vừa cho mèo con của con lên gặp Ngài rồi đó, Chúa thấy không?”

Hôm sau ra chợ, vị mục tử thấy bà hàng xóm xưa nay vốn rất ghét thú vật nhưng lại đi mua thức ăn cho chó mèo, thày bèn đến hỏi:

-Sao, bác mua gì thế? Mua cái này cho ai ăn đây?

-Ngài không hiểu được chuyện này đâu. Tôi đây còn không biết nữa là.

Và thế là, bà kể cho đức thày nghe tại sao xảy ra cớ sự. Đại để câu chuyện, là bà có đưa cháu trong nhà cứ nhất mưa đòi nuôi mèo con cho bằng được. Nhưng bà chẳng muốn. Mãi đến hôm rồi, thấy cháu lải nhải đòi hoài, bà liền hứa: Nếu kỳ này con mà cầu nguyện được Chúa ban cho bất cứ “mèo” nào lớn nhỏ, là bà sẽ cho con giữ nó ở lại.

Và.. đứa cháu bèn ra sau nhà, quỳ ngồi giữa đám cỏ mà nguyện cầu. Được một lúc, tự dưng như có phép lạ từ đâu đến, chính bà tận mắt mục kích: một chú mèo con nhỏ, bay từ trời cao rớt xuống vào đúng ngay lòng đùi của cháu bé. Thế mới hên.

Nghe chuyện, người mục tử bèn kết luận: tất cả chúng ta chớ nên coi thường uy quyền của Chúa. Ân huệ Chúa ban, dù có muốn hay không, cũng vẫn xảy đến. Có thể đó là điều vui có con mèo. Có thể là, chuyện bất ưng phải mua thực phẩm cho loài mình không thích. Hoặc, nỗi buồn mất mèo con yêu quý… Nhất nhất, vẫn là những ân huệ đặc sủng Chúa phú ban…

Nghe chuyện của đức thày mục tử hay thầy dòng trích dẫn ở trên, hẳn bạn cũng như tôi, ta sẽ nhận ra chân lý để đời. Chân lý ấy, gồm tóm trong lời vàng của Chúa, dẫn như sau:

“Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,

vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,

là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

(Yn 1: 14)

Quả thật, sau những tháng ngày buồn với mưa rơi, rơi trên phố Huế hay ở đâu cũng thế, hẳn người người sẽ nhận ra điều này: mưa rơi, cũng là ân huệ. Ân huệ ấy, có thể là “manna”, bánh bởi trời. Hay, mèo con trong truyện. Hoặc, lời bàn của đức thày dòng Omi, rất súc tích. Vì tất cả, nhất nhất mọi sự đều là ân huệ. Ân và Huệ, như văn hào Blaise Pascal từng quả quyết.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn cẩn trọng;

không coi thường mọi sự;

vì mọi sự là những ân và huệ.

No comments: