Friday 7 March 2014

“Điếu thuốc trên môi còn làn khói mềm”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 2 Mùa Chay Năm A 09-3-2014

“Điếu thuốc trên môi còn làn khói mềm”
Âm thầm trong những bước chân,
Mơ hồ như có tiếng ngân,
Của một hồi chuông ai oán xa xăm.”
 (Nguyễn Đình Toàn – Hiên Cúc Vàng)

(Mt 5: 34-36)
            “Mơ hồ như có tiếng ngân”, Của một hồi chuông ai oán xa xăm”... Sao câu hát này thấy quen quen? Quen như lời khẳng định của nhà báo từng viết hôm nào, vẫn cứ hỏi:

“Phải chăng các việc như: có thành-kiến, “nói hành nói tỏi” hoặc kỳ thị này nọ về lời ăn tiếng nói vẫn mạnh mẽ như thời xưa, trong cuộc sống? Đó là đề tài câu chuyện do các vị chuyên trách ngành truyền thông ở Mỹ đưa ra, nếu viết thành chữ, chắc cũng dài nhiều cuốn sách!

Theo lời bàn của tác giả là Lm Robert Barron, một đấng bậc từng có tiếng nói rất uy-tín dù ông chỉ đứng ở hậu-trường đài truyền hình với chương-trình được gọi: “Phim truyện nhiều tập về Đạo Công-giáo”, vốn hay đề cập đến các nỗ-lực kình-chống Đạo của Chúa như còn thấy ở ngoài đời. Lm Robert Barron là người được trích dẫn tên tuổi cũng khá nhiều ở báo/đài trên đất Mỹ, qua đó nhiều lần ông từng lên tiếng bảo rằng:

“Mấy tuần qua, có hai sự kiện khá nổi bật diễn ra cách chớp nhoáng cốt để kình-chống lại Đạo Chúa lại tìm cách chen chân vào buổi hội-thoại trước công-chúng. Sự kiện đầu, là sự việc xuất-hiện nơi bản tường-trình trên báo Mỹ mang tên “The U.S. News and World Report” do bỉnh bút Jamie Stiehm phụ trách, đã biện-luận rằng: Tối Cao Pháp-viện Hoa Kỳ mới đây lại dính-dự một cách trơ-trẽn vào sinh-hoạt của giới Công-giáo với nỗ-lực muốn Giáo-hội tách rời khỏi chính giới. Và cô Jamie lại cũng thấy khó mà đứng ở giữa một khi cô cứ tìm cách áp-đặt ý-kiến của riêng cô lên quảng-đại quần-chúng. Cô Jamie Stiehm lại được nữ-thẩm-phán Sonia Sotomayor toa rập tặng thêm cho cô đôi chút kẽ hở về luật-pháp để hít thở. Nói nôm na ra, thì bất cứ lý lẽ/lý sự nào thiếu khôn ngoan hoặc chẳng mấy đúng đắn mà một khi đã được tác-giả bài báo nào đó tỏ bày quan-điểm lại cứ bị các bàn tay “nhám-nhúa” của ác-thần/sự dữ đưa dẫn bằng những giòng chảy đầy ngụy biện, ngõ hầu cho mọi người thấy, là: hiện đang có phong-trào kình-chống Đạo Công-giáo với nhiều ác ý và thành kiến. Những việc như thế không thể cứ ung-dung xuất-hiện mãi ở xã-hội đã xấu xa về nhiều mặt, của ta...” (xem Sheila Liaugminas, Prejudice as strong as ever, MercatorNet 28/01/2014)

            Lời cáo buộc của đấng bậc nói ở trên, cho thấy: thời này, hiện vẫn còn có rất nhiều vận-động của ác-thần/sự dữ cứ quanh quất bên những người đang cố giữ Đạo cho tốt. Họ vẫn cứ truy-kích bằng đủ mọi cách quyết làm cho dân con đi Đạo, phải chùng bước.
            Ngày nay, ác-thầnsự dữ không chỉ hiện-diện với con người bằng các hành-động giết chóc hoặc bạo-lực này khác mà thôi đâu. Nhưng thực-tế cho thấy, dân con Đạo Chúa hôm nay còn bị dồn vào chân tường bằng nhiều cách-thức, trong đó có cả những gì được gọi là “thành kiến”, lời lẽ xấu xa nhằm triệt-hạ uy-tín của người bị đánh hoặc các ý-nghĩ khá nghịch-ngạo, rất khó chịu.
Thế nhưng, nếu nhìn vào cung cách hành-xử mang tính nhẹ nhàng tích-cực hoặc dựng xây tinh-thần đoàn-kết, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn-cảnh bất ưng, người người sẽ bắt gặp những giòng chảy nhè-nhẹ, đầy ý-nghĩa trong sống Đạo giữa đời, có sự hỗ-trợ của Lời Chúa làm lẽ sống, như lời bàn và/hoặc chú thích về trình-thuật Lời Vàng Chúa nói, rất như sau:      

“Để mọi người sống đạo cho nhẹ nhàng/dễ chịu, nay xin hầu quý vị bằng câu truyện kể xảy đến vào những tuần trước ngày chúng tôi chịu chức linh mục, Cha Tổng Đại Diện có bảo chúng tôi phải thề nguyền trung thành với Hội thánh và lời dạy của Giáo hội. Lúc ấy, tôi liên tưởng ngay đến giới lệnh Chúa đề cập ở Bài Giảng Trên Núi, khi Ngài bảo: “Anh em đừng thề thốt gì hết… Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5: 34-36)

Hội thánh thời tiên khởi vẫn coi trọng giới lệnh này, thi-hành rất nghiêm chỉnh. Riêng thánh Giacôbê cũng đưa lời khuyên này lên đầu danh sách những việc “nên hay không nên làm”. 300 năm sau, khi Hội thánh và chính quyền trần thế hợp tác cùng nhau hoạt động dựng xây xã hội, thì chuyện thề nguyền cũng đổi thay ít nhiều. Nghĩa là, Hội thánh chọn xa lánh mọi tình huống căng thẳng với giới nắm quyền hành về chính trị, đại để như:  chuyên đòi mọi người phải cam kết/thề nguyền rằng: sẽ nói lên sự thật, và chỉ sự thật mà thôi. Từ đó, tôi vẫn có thói quen thề hứa vào mỗi dịp kỷ niệm ngày chịu chức linh mục, và lúc ấy tôi thấy nao nao, rất yếu lòng.

Với Chúa thì khác. Ngài vững vàng hơn ta rất nhiều. Nhất là khi thượng tế Caipha nhân danh Thiên Chúa hằng sống yêu cầu Ngài phải thề thốt trước mọi người, rằng: Ngài có phải là Đức Kitô hay không, thì Chúa đáp: “Ông nói đó!” (Mt 26: 63-64). Vậy, vấn đề ở đây, là: ta có nên bắt chước Chúa mà trả lời bằng từ “Có” hoặc “không”, như thế chăng? Bởi, nhiều người có lúc như muốn dùng dáng vẻ bên ngoài để làm giảm giá lời nói thông thường hầu tránh nói thật, thì Chúa lại bảo cho ta biết: “…Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”. Quả thật, đây là một khẳng định khá nghiêm khắc. Nếu vậy, sao Chúa lại nói thế?

Qua “Bài Giảng Trên Núi”, Ngài muốn dạy ta biết sử dụng đúng Danh Cha khi bảo ta đọc kinh “Lạy Cha” cho thân mật. Ngay từ đầu, lời xưng hô cùng Chúa Cha do Ngài chỉ dạy, chính là “quà tặng” Chúa gửi đến cộng đoàn Hội thánh, Ngài cùng sống với mọi người. Đây là đặc sủng và cũng là đặc quyền Ngài ban cho ta được phép làm con của Cha. Được sử dụng danh xưng mật thiết của Chúa, mà Ngài vẫn xưng gọi. Đó cũng là cung cách Chúa muốn ta hành xử khi đệ đạt điều gì với Cha của Ngài.

Tuy thế, dùng Danh Chúa mà thề, lại là chuyện khác. Vì như thế tức đích thực là lạm dụng. Rõ ràng, Chúa vẫn muốn thiết lập một xã hội mới mà Ngài gọi là Vương Quốc Nước Trời, trong đó Ngài kể lại Sự thật có tầm quan trọng rất thực. Và từ đó, không có cách nào khác giúp ta nói lên sự thật chính-xác như thế. Nói nôm na, thì cung cách này là lối nói thẳng và nói thực, với mọi người.

Nói thẳng và nói thực, là chuyện tùy cá tính mỗi người. Ta biết chuyện này, là do quan hệ mật thiết riêng tư mà thôi. Trên bình diện cộng đoàn, các nhóm hội/đoàn thể và xã hội dễ bị phá vỡ nếu các thành viên trong đó không tin vào lời người khác nói. Một điều làm mọi người sững sờ, nhưng là chuyện có thật, khi ta nhận ra rằng: xã hội ngoài đời lại rập khuôn với Bài Giảng Trên Núi hơn nhà Đạo mình. Chí ít, là khi điều đó cho phép mọi người dễ dàng tuân giữ huấn thị của Chúa hơn.

Ở ngoài đời, mỗi khi các dân biểu hoặc nghị sĩ tuyên thệ nhậm chức trước quốc hội, các vị ấy vẫn chọn hoặc thề nguyền hoặc cam kết khẳng định sẽ tuân giữ sự thật, nhân danh Nữ Hoàng hoặc vị Quốc trưởng, thế là đủ. Ở toà án, người ta cũng làm thế. Một khi bị cáo có lời thề hoặc cam kết trước mặt quan toà rồi, thì bồi thẩm đoàn hoặc Chánh án không thể lật ngược hoặc hiểu khác hơn. Còn, Hội thánh thì sao?                       

Hội thánh cần nghe đọc lại thư của thánh Giacôbê tông đồ viết sau Bài Giảng Trên Núi chừng vài thế hệ, nhưng lại diễn tả đúng nội dung điều Chúa muốn dạy, khi thề thốt. Thánh Giacôbê gợi nhớ, để thôi thúc các môn đệ trẻ hãy thực hiện điều lành thánh, hệt như Lời Chúa dạy ở Bài Giảng Trên Núi. Thánh Giacô bê, đã viết: “Anh em đừng thề thốt, dù có lấy trời, lấy đất, hay lấy gì khác mà thề. Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không"; như thế anh em sẽ không bị xét xử. Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện.” (Gc 5: 12-13)

Hội thánh nên tự mình xem xét mà tuân giữ lời Chúa dạy trong Bài Giảng trên Núi. Hoặc ít nhất hãy tuân theo Lời Vàng của Thày Chí Thánh mình từng dạy bảo. Có như thế, mới thấy mình có khả năng rao truyền những gì còn lại trong Bài Giảng trên Núi, với lòng xác tín không lay chuyển. Hội thánh cũng nên nghe theo lời Chúa truyền dạy ở cuối Bài Giảng Trên Núi, rằng: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (5: 48). Đó chính là ý nghĩa đích thực của việc nói lên sự thật, ở đời. “ (xem Lm Richard Leonard sj, www.giadinhanphong.blogspot.com suy tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 6 thường niên năm A, 16-02-2014)

Tuy nhiên, trong đời đi Đạo, hẳn ta cũng đã từng nghe hoặc chứng-kiến nhiều vị cứ dùng Danh Chúa/Mẹ mà nói để ý-kiến của mình được coi là ý tốt. Nói như người thời nay, là nói có so sánh cũ/mới với người đi Đạo hoặc ở ngoài đời. Là, nói và kể những câu chuyện tình-tứ hoặc tình-tự về tình người như lâu nay ta vẫn thấy.
Nhưng trước khi kể lể này nọ, bần đạo đây vẫn muốn mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm đoạn hát có những lời ca của nghệ-sĩ viết rất nhiều đoản-khúc âm-nhạc nhưng ít được người đời biết đến, như sau:

“Bên hiên người cúc vàng,
Bao nhiêu lần đã tàn.
Còn ngậm màu lưu luyến,
Ai đi ngoài muôn trùng,
Xa lâu rồi cách lòng.
Tình còn hay đã quên?
(Nguyễn Đình Toàn – bđd)

Nghe hát rồi, ta đọc lời nhận định của ai đó do bầu bạn các nơi gửi đến các vị rảnh rỗi có thì giờ mà vị phu-nhân của ai đó vẫn từng gọi là “chơi meo” (tức theo dõi email) cho vui đời vi-tính hầu bớt mệt, mà rằng:

“Ngày xưa cứ nghĩ khi vui thì mới cười và khi buồn ta mới khóc.
Bây giờ mới hiểu khi hạnh phúc ta vẫn khóc và khi tuyệt vọng nhất ta vẫn cười.
Ngày xưa cứ nghĩ đau nhất là bị tổn thương, là mất mát, là chia ly.. !...
Bây giờ mới biết điều làm ta đau nhất là khi buồn mà ta không thể khóc được. ...
Ngày xưa cứ nghĩ có tờ giấy kết hôn rồi sẽ gắn kết với nhau !...
Bây giờ mới biết có khi tờ giấy ấy chỉ là hình thức. ...
Ngày xưa cứ nghĩ trân trọng, giữ gìn thì sẽ không bao giờ mất…!.
Bây giờ nhận ra rằng càng nâng niu càng dễ mất hơn.
Ngày xưa cứ nghĩ sẽ không bao giờ biết giận hờn và oán hận ai …!
Bây giờ mới nhận ra dường như ta còn đang căm giận...một người nào đó.
Ngày xưa cứ nghĩ mỉm cười với người khác thì người khác sẽ cười lại với ta…!Bây giờ mới hiểu có những nụ cười không hề được đón nhận.
Ngày xưa cứ nghĩ yêu đơn giản là nhung nhớ, chờ mong…!
Bây giờ mới biết phải chấp nhận, cảm thông, chia sẻ, bao dung, tin tưởng thì tình yêu mới định thành.
Ngày xưa cứ nghĩ sống cầu an, không tranh giành, chiếm đoạt của ai thì họ sẽ không làm như vậy với ta…!Bây giờ mới thấm thía câu: “ Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu dừng ".
Ngày xưa cứ trách cuộc sống làm mọi điều thay đổi . Bây giờ mới biết nó thay đổi là do lòng dạ con người.
Ngày xưa cứ nghĩ rằng tha lỗi là điều rất dễ .Bây giờ mới hiểu tha thứ cho một ai đó là điều rất khó
Ngày xưa cứ nghĩ đường lên trời là xa nhất…!Bây giờ mới biết xa nhất chính là khoảng cách giữa hai tâm hồn, là chiều dài nỗi nhớ. 
Ngày xưa nghĩ bất cứ chuyện gì cũng có lý do của nó…!Bây giờ mới biết rằng có những chuyện càng giải thích càng chẳng đến đâu. 
Ngày xưa cứ nghĩ chỉ có ta mới có thể thay đổi bản thân ta…!Bây giờ nhận ra rằng ta đã thay đổi quá nhiều vì người khác. 
Ngày xưa cứ nghĩ im lặng là tránh được xung đột, để mọi người cảm nhận nhiều hơn…!Bây giờ mới hiểu im lặng có thể làm hiểu sai về nhau và giết dần bao cảm xúc.”

            Vẫn biết người đời nhận-định về cuộc sống là như thế, phải như thế. Thế nhưng, khi người đi Đạo muốn duy trì cuộc sống hạnh đạo ở giữa đời, thường thấy khó. Khó, vì cứ bị coi như là đích nhắm của nhiều cuộc chiến từ trong ra ngoài, từ Nam chí Bắc, rất khắp nơi.
            Để hỗ trợ cho con người, Chúa Thánh Thần vẫn làm không ngừng nghỉ; nhưng người đời và cả người đi Đạo, không biết đến. Chúa Thánh Thần làm việc qua ý kiến tích cực cùng sự kiện thực tế xảy đến ở nhiều nơi. Một trong các sự kiện thực tế rất tích cực, có thể kể đến, là như sự việc được truyền thông báo chí, kể dài dài ở nhiều nơi, như sau:

“Trong bản tin đăng tải trên tờ báo Đạo có tên là The Catholic Weekly ở Úc, hôm rồi, tác giả Carol Glatz đã thuật lại sự-kiện như sau:

Đứng chào mừng cả ngàn cặp tình-nhân vào ngày lễ thánh Valentinô, ngày lễ mà nhiều người ở ngoài đời vẫn gọi là “Ngày Tình-Nhân”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có khuyên các cô cậu nhân-tình rằng: chớ hãi sợ khi phải dựng-xây tương-quan dài lâu thật mến thương khi nền văn hoá ta đang sống có nhiều thứ đang trở thành “đồ bỏ”, hết.

Đức Giáo Hoàng cũng nói: “Bí kíp để thực hiện cuộc sống yêu thương kéo dài nhiều ngày, là: hãy đối xử với nhau với lòng tử tế, rất tôn trọng và cảm kích biết ơn nhau không ngừng nghỉ. Chí ít, là đừng bao giờ để chuyện tranh-luận/cãi vã hoặc đấu tranh về việc gì đó ngày càng làm hao mòn sự an-bình hài-hoà, và nhất là: phải biết xin lỗi nhau mỗi ngày trong đời.

Gia-đình tuyệt-hảo chẳng bao giờ hiện hữu trên đời này, và cũng chẳng bao thấy bất cứ ai được gọi là người chồng hoặc cô vợ “tuyệt diệu” bao giờ hết. Đừng bao giờ kể cho nhau tính xấu/tốt về mẹ vợ hoặc mẹ chồng mình, nhưng hãy nhớ rằng: ta và mình đều là những người có lỗi. Thế nên, nếu biết học nói lời “xin lỗi” đối với nhau và thứ tha cho nhau mỗi ngày, ắt hẳn hôn-nhân của các bạn sẽ tồn tại, mãi mãi hoặc dài lâu hơn...” (xem Carol Glatz, Francis’s advice: change your boots for delicacy, The Catholic Weekly 23/02/2014 tr. 10)

            Nói thế, tức: nói theo kiểu tích-cực dựng xây có kiếm tìm giải-pháp nào đó dẫn đến kết-cuộc tốt-đẹp, chứ không để rêu rao/bêu xấu như một số báo-đài ở nhiều nơi, vẫn làm.
Viết đến đây, bần đạo lại nhớ lập-trường của một bạn đồng-môn lâu ngày ít nghe tiếng hiện đang phấn đấu sống ở xứ Nouméa, rất Nouvelle Calédonie lặng lẽ, rằng: từ ngày qua đó, anh chị đã thôi không còn theo dõi báo đài hoặc truyền hình nữa. Lý do, là vì: anh chị không có nhiều giờ rảnh; hai nữa vì truyền-thông báo chí toàn kể chuyện giết chóc hoặc bi-đát, biết để làm gì, chứ
Bần-đạo bầy tôi đây không có ý-kiến gì phản-bác lập-trường của ai hết. Chí ít, của bạn đồng-môn rất chí tình. Nhưng vẫn cứ quay về với Lời vàng của Đạo, mà tình đến những tình-tiết cao sang, đúng đắn để sống. Bất chợt gặp được Lời vàng ngọc như sau:

“Hãy yêu mến kẻ địch
Và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi
Ngõ hầu các trở nên người con của Cha các ngươi,
Đấng ở trên trời
Vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành,
Và làm mưa trên người ngay và kẻ ác...”
(Mt 5: 43-46)

Nghe dạy rồi, nay bần đạo mời bạn và mời tôi ta cứ suy-nghĩ những lời như thế, và rồi sẽ cùng với người nghệ-sĩ ở ngoài đời, vẫn cứ hát những câu ca rất yêu thương ngay từ đầu:

“Đi trên đường phố này.
Nghe như chiều đã đầy.
Cả hồn người thương nhớ.
Cây cao đổ bóng dài.
Chập chờn trong lá bay.
Mùa thu thắp lá hai bên đường,
Hay những tro tàn của tình xa vắng...”
(Nguyễn Đình Toàn – bđd)          

“Cả hồn người thương nhớ”, “hay những tro tàn của tình xa vắng...” tất cả vẫn là và sẽ là tình-tự của bạn và của tôi, rất muôn đời, nếu ta không chịu nghe theo Lời Vàng Ngài đã dặn nhiều thuở trước. Một khi đã nghe và thực hiện Lời Vàng ấy rồi, thì còn đó mãi mãi sẽ là những chuỗi ngày rất yêu thương, êm đềm vẫn hiện-diện trong ta, và mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai
Thật ra lâu nay vẫn cứ tìm rất nhiều thứ.
Nhưng sự thật còn đó
Sao cứ đứng im mà không động đậy,
một thực hiện?   
  


No comments: